KINH THIỆN CUNG KÍNH
Hán dịch: Đời Tùy Tam Tạng Xà-na-quật-đa, người Thiên trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Bà-già-bà (Thế tôn) ở tại điện Bảo Trang Nghiêm, nơi Như Lai thường cư trú.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn và các đại Tỳ kheo, các đại Bồ tát cùng vô lượng trăm nghìn vạn ức bốn bộ đại chúng vây quanh ở trong pháp hội.

Khi ấy, Trưởng lão A nan từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, gối phải quỳ sát đất, chấp tay hướng về Phật, thân tâm cung kính, bạch:

– Bạch Thế Tôn! Như Lai thường nói người đa văn thì có công đức lớn, nếu lại giáo hóa cho người khác được đa văn. Bạch Thế Tôn! Thiện nam ấy được bao nhiêu công đức?

Bạch như vậy rồi, A nan đứng im lặng Đức Thế Tôn liền bảo Trưởng lão A nan:

– Nầy A nan! Ông đã hỏi ta về ý nghĩa ấy. Ta sẽ nêu thí dụ, và giải thích cho ông. Vì sao? Vì người trí nhờ thí dụ sẽ hiểu được nghĩa lý. Nầy A nan! Ví như các loại cây cối cỏ thuốc hoặc lớn, hoặc nhỏ trong ba ngàn đại thiên thế giới, cho đến các cây chỉ bằng một ngón tay, từ đất mọc lên tất cả các loại cây cối ấy đều có cành, lá, hoa, quả, hột đầy đủ. Nầy A nan! Nhưng trong các loại cây cối, loại nhỏ nhất loại chỉ bằng ngón tay cũng đã sanh ra một số hoa quả nhiều như cát một sông Hằng. Giống như số cành lá hoa quả hột.v.v… của loại cây bằng một ngón tay vừa nói, loại cây bằng hai ngón tay cũng lại có ngần ấy hoa, quả, hạt, số lượng nhiều khoảng bằng số cát hai sông Hằng. Như thế, tuần tự cho  đến từ đất lại mọc lên loại cây bằng ba ngón tay, lại có ngần ấy số cành lá hoa quả, nhiều bằng khoảng số cát trong ba sông Hằng.

Nầy A nan! Theo ý ông thì sao? Có người nào có thể đếm số cây ấy nhiều hay ít chăng?

A nan thưa:

– Bạch Thế Tôn! Không!

Bấy giờ, Phật lại bảo A nan:

– Số hoa quả hột của loại cây lớn bằng một ngón tay trở lên kia, có người còn có thể biết được nhiều hay ít, nhưng thiện nam, thiện nữ giáo hóa người khác cho đến chỉ một câu kệ, giảng giải rõ ràng cho họ, chẳng cầu phước báo, phát tâm từ bi thương xót, hết lòng giáo hóa khiến họ được chứng quả A-la-hán, lại nghĩ:” Ta dùng phương tiện gì để làm cho nhiều chúng sanh nhờ năng lực của nhơn duyên pháp thí nầy mà đắc quả Tu đà hoàn, đắc quả A-la-hán, cho đến khiến phát tâm Bồ đề;” vì thương xót họ nên giáo hóa, dù chỉ một bài kệ bốn câu, giải thích, phân biệt, chỉ bày cho họ. Nếu đem công đức nầy so sánh với thí dụ trước thì số công đức nầy nhiều hay ít?

So với công đức nầy thì (số kia) không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, không bằng một phần trăm nghìn, không bằng một phần ức nghìn, không bằng một phần trăm của sợi lông (Ca La), không bằng một phần thí dụ, không bằng một phần Ưu-bà-ni-sa-đà. Phước đức của họ là không thể tính đếm.

– Nầy A nan! Thiện nam, thiện nữ ấy được nhiều thiện căn vì khiến người khác được đa văn, lại có thể giảng nói một bài kệ bốn câu cho người khác.

Trưởng lão A Nan lại bạch:

– Hy hữu thay, Thế Tôn! Chỉ có Thế Tôn mới có thể nói như thế! Hy hữu thay, Bà già bà! Chỉ Như Lai mới có thể nói như thế! Bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ thọ nhận pháp kia, đối với pháp và pháp sư nên khởi tâm cung kính như thế nào?

Đức Phật bảo A-nan:

– Nầy A-nan! Thầy không nên hỏi Ta điều như thế. Vì sao? Vì hiện nay chúng sanh không có tâm kính pháp.

A-nan lại bạch Phật:

– Hay thay, Thế Tôn! Con khát ngưỡng pháp. Đối với pháp, con khởi tâm cung kính sâu xa, làm đúng như pháp, học theo pháp. Từ khi con làm thị giả đức Thế Tôn đến nay chưa từng nghe pháp như thế. Bạch Thế Tôn! Từ nay trở đi, con sẽ khởi tâm cung kính như thế . Như lời

Thế Tôn dạy, không làm ngược lại Thánh giáo.

A-nan lại bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Về sau, vào đời mạt pháp, có các thiện nam, thiện nữ.v.v… đối với giáo pháp, hoặc có tướng tâm khát ngưỡng, kính trọng, nhưng chỉ có lời nói, vì việc áo cơm, vì việc lợi dưỡng, do nghèo khổ mà cạo tóc xuất gia, rồi nói là ta vì pháp. Tuy họ cầu các pháp Phật, nhưng bạch Thế Tôn! Chúng sanh ấy không thực hành pháp, tâm biểu hiện tướng thấp kém, rồi lại khởi tâm thấp kém. Bạch Thế Tôn! Con vì tự thân mình mà nêu ra câu hỏi thế nầy:” Chúng con nên dừng như thế nào? Nên thực hành như thế nào?”

Bấy giờ, Đức Phật bảo Trưởng lão A-nan:

– Nầy A-nan! Nếu có thiện nam, thiện nữ ưa pháp, muốn được đọc tụng thì họ đi đến chỗ Hòa Thượng, A Xà Lê; đến nơi, nên hỏi về pháp Phật, tùy theo tâm ưa thích, tùy theo những điều giảng nói thích hợp, mà xin y chỉ những vị mười hạ lạp hoặc mười hai hạ lạp; vì trọng pháp nên cầu xin y chỉ. Vì sao? Vì trước đây tuy Như Lai có nói đối với Tỳ kheo năm hạ, không cần y chỉ, nhưng những người học, trước phải có tâm cung kính mới có thể vì pháp, và vì ý nghĩa ấy mà cần phải y chỉ. Vì sao? Vì những người ấy muốn học pháp Phật.

Nầy A-nan! Vị hòa Thượng, A Xà Lê kia vì những người ấy nên nói lời y chỉ thế nầy: “Đúng như thế phải không? Ta chấp nhận ngươi phải không? Người được lợi ích phải không? Ta dạy ngươi phải không? Ngươi sẽ cẩn trọng làm theo, không buông lung phải chăng? Nên luyện tập thực hành phải chăng? Chấp nhận như thế phải không?” Nếu Tỳ kheo có đầy đủ pháp, thì vị ấy có thể cho người khác y chỉ. Nếu có thể phân biệt pháp cú như thế thì cho người khác y chỉ, gọi là thầy y chỉ.

Nếu có Tỳ kheo tuy đã trăm tuổi hạ nhưng không thể giảng giải thông suốt pháp cú như thế thì vị ấy cũng nên theo vị khác y chỉ. Vì sao? Vì tự mình còn không hiểu huống là muốn làm thầy y chỉ cho người khác. Giả sử Tỳ kheo Trưởng lão một trăm hạ nhưng không thể hiểu việc sâu xa của Sa môn Thích tử thì vị ấy vì pháp nên xin y chỉ. Tuy có Tỳ kheo Thượng tọa một trăm tuổi hạ nhưng không rõ luật pháp thì những vị ấy cũng nên xin y chỉ.

Nếu Tỳ kheo theo vị khác thọ pháp thì Tỳ kheo ấy phải khởi tâm tôn quí, kính trọng thầy mình. Khi sắp thọ pháp, đang ở trước thầy không được cười giỡn, không được hả miệng, không được tréo chân, không được nhìn chân, không được nhịp chân, không được nhón gót, gót chân để bằng không để cao thấp; ở trước Thầy không nên lên ngồi trên tòa cao. Thầy không hỏi, không được tự ý nói. Thầy sai bảo việc gì, không được trái lời. Không được nhìn thẳng mặt Thầy, đứng cách Thầy ba khuỷu tay, Thầy bảo ngồi mới ngồi, không được trái lời. Ngồi yên rồi, phát khởi lòng thương Thầy. Nếu đệ tử khi muốn thọ pháp, nên quỳ ở trước Thầy, trước hết, tụng đọc sở đắc của mình; tụng đọc xong có nghi thì phải thưa hỏi. Được Thầy cho phép, sau đó mới thưa. Khi người học đã thọ pháp rồi, gối phải quỳ sát đất, hai tay chấp lại, nhất tâm đảnh lễ sát đất ngay chỗ Thầy. Nếu đất bằng phẳng thì phải theo đúng cung cách; nếu đất lởm chởm thì đứng dậy, cho đến khi Thầy qua đến chỗ bằng phẳng thì liền thỉnh pháp. Khi đến chỗ bằng phẳng, đảnh lễ sát chân Thầy rồi, lui lại cách mười khuỷu tay, từ xa lễ Thầy xong, tùy ý trở về. Lại nữa, đệ tử nên nghĩ thế nầy:” Thầy ở bên ta, xem ta làm phải hay quấy, ta chẳng nên buông lung. Nếu ta tìm đến ngay trước Thầy xin giải đáp điều nghi ngờ thì đó là việc tốt. Còn như không đến được thì phải biết thời giờ, mỗi ngày ba thời phải luôn tinh tấn. Nếu trong ba thời mà ta không tinh tấn tu tập thì Thầy sẽ trị ta đúng pháp.”

Lại nữa, đệ tử khi vào hầu thăm Thầy, đến chỗ Thầy, nếu không thấy thì cầm một hòn đất, hoặc một que cây, hoặc một cộng cỏ để làm dấu hiệu. Nếu thấy Thầy ở trong thất thì khi ấy đệ tử phải khởi tâm chí thành, nhiễu quanh ba vòng, hướng về Thầy đảnh lễ rồi mới trở về. Nếu không gặp Thầy để thưa hỏi thì các việc đều không được làm, trừ đại tiểu tiện.

Lại nữa, đệ tử ở chỗ Thầy không được nói lời thô ác. Thầy có quở trách, không được cãi lại. Chỗ ngồi nằm của Thầy, phải lau dọn, không còn bụi bặm trùng, kiến. Nếu Thầy ngủ nghỉ hay ngồi thiền cho đến khi dậy, đệ tử đều phải tu tập tụng đọc. Rồi đến khi mặt trời mọc, đệ tử phải đến chỗ Thầy cho đúng lúc, túc trực bên Thầy, thưa hỏi Thầy cần việc gì và mình làm gì, nên thưa với Thầy là có vào xóm làng chăng. Nếu khi Thầy muốn vào xóm làng thì trước phải dâng ca sa cho Thầy; trước khi dâng phải rửa tay. Khi rửa tay xong, nên lau tay rồi đến chỗ Thầy, với thân tâm tĩnh giác, hai tay cầm y, quỳ thẳng trao, đúng như pháp cung kính dâng lên, trong sự an trú. Tiếp theo, dâng nước rửa tay, rửa mặt. Rồi trước hết dâng nội y, loại y mặc bên trong. Sau đó lại dâng loại y phục thường dùng khác. Đối với Thầy phải khởi tâm cung kính như thế.

Lại nữa, đệ tử ở trước Thầy, không được khạc nhổ, không được che đầu. Phải thường quét dọn chỗ kinh hành của Thầy. Vào mùa nóng, ban ngày, ba thời quạt hầu Thầy, ba lần mang nước đến để Thầy tắm

rửa; lại ba thời dâng nước uống. Phải biết khi cần vì Thầy đi khất thực. Thầy cần làm việc gì phải hết sức làm giúp Thầy. Nhận bình bát của Thầy phải rửa sạch sẽ. Nếu Thầy đưa rửa thì rửa bình bát Thầy trước, rồi mới đến bình bát của mình. Nếu Thầy cho rửa thì rửa, còn như không cho thì chẳng nên nài nĩ. Vì sao? Vì có duyên cớ. Nầy A-nan! Có các Tỳ kheo sẽ nghĩ thế nầy:” Thuở xưa, bát của Như Lai không có người rửa. Những ai học Phật thì nên tự phục dịch.” Tuy nhiên, Như Lai cũng cho phép làm việc đó. Nếu vào mùa nóng thì phải có đầy đủ nước mát. Còn vào mùa lạnh thì phải chuẩn bị nước nóng. Hễ Thầy cần thứ gì phải chuẩn bị đủ. Ở trước Thầy, không được xỉa răng. Ở chỗ người khác, đừng nói lỗi của Thầy. Nếu từ xa thấy Thầy phải đứng dậy nghinh tiếp.

Nầy A-nan! Phàm là đệ tử có Thầy thì nên theo bên Thầy để học kệ bốn câu; hoặc nghe, hoặc đọc, hoặc hỏi, hoặc thưa một bài kệ bốn câu với ai, thì vị đó tức là Thầy. Khi ấy, người học ở chỗ Thầy, thường khởi tâm cung kính, tôn trọng. Nếu không như thế thì gọi là người không cung kính, cũng không được gọi là người tu hành hạnh chân chánh. Nếu ai nói lỗi Thầy với người khác thì kẻ ấy không được lấy Ta làm Thầy. Vì sao? Nầy A-nan! Vì họ không có tâm cung kính, chẳng thương yêu Phật. Kẻ ấy là người không có hạnh, huống là yêu kính pháp; Kẻ ấy là người không cung kính thì sẽ không yêu kính pháp. Kẻ ấy là người đại ác, cũng chẳng yêu kính Tăng, không vào hàng ngũ của Tăng. Vì sao?

Vì kẻ ấy là người ngu si, chẳng thực hành hạnh chân chánh.

Nầy A-nan! Những lời Phật dạy đều là vì người tu hành.

Bấy giờ, Trưởng lão A-nan nghe Phật nói xong, thương cảm, rơi lệ, dùng tay lau nước mắt, rồi bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Vào đời vị lai ít có chúng sanh an trụ trong sự tu hành ấy. Bạch Thế Tôn! Chúng con sẽ thực hành hạnh như vậy. Nay con sẽ an trụ trong hạnh đó. Bạch Thế Tôn! Nếu có Tỳ Kheo đối với Thầy mình, hoặc đối với Hòa Thượng chẳng có tâm cung kính, nói điều tốt, xấu của Thầy thì đời vị lai sẽ bị quả báo gì?

Đức Phật bảo A-nan!

Nếu đời vị lai có các Tỳ Kheo, hoặc đối với Thầy, hoặc đối với Hòa Thượng; chẳng có tâm cung kính, nói điều tốt, xấu của Thầy thì kẻ ấy chẳng phải là Tu Đà hoàn, cũng chẳng phải là phàm phu. Kẻ ấy là người ngu si, đáng trị tội. Vì sao? Vì nếu Thầy thật sự có lỗi đi nữa còn không được nói, huống là không có!

Nầy A-nan! Nếu có Tỳ Kheo đối với Thầy mà không cung kính thì , ta nói, riêng có một tiểu địa ngục tên là Trùy phác, kẻ ấy sẽ bị đọa

vào; đọa vào trong đó rồi, một thân bốn đầu, thân thể đều bừng cháy, giống như một khối lửa, phóng ra sức nóng cực mạnh, bừng cháy không dứt, cháy rồi lại cháy. Ở trong địa ngục ấy lại có các loài trùng, gọi là câu sài. Các loài trùng độc ấy thường cắn lưỡi. Khi ấy, người ngu kia từ nơi đó xả thân rồi sanh vào loài súc sanh, thọ thân thú hoang, hoặc thân dã can, hoặc thọ thân chó sói. Người khác trông thấy la lớn, hoặc nói là chó sói, hoặc nói là dã can.

Nầy A-nan! Những người ngu si ấy đều do thuở xưa mắng Thầy và Hòa Thượng. Vì vậy, khi thấy họ, không ai ưa, do thuở xưa, thiệt căn gây tội, nên luôn ăn phân, nước tiểu; bỏ thân ấy rồi, tuy sanh vào cõi người nhưng thường sanh chỗ biên địa. Sanh ở chỗ biên địa rồi, bỏ hết tất cả việc công đức, đầy đủ pháp ác, xa lìa các pháp lành. Tuy được thân người nhưng da chẳng giống người, chẳng đầy đủ hình dạng con người, chẳng giống cha mẹ, bị cha mẹ ghét bỏ; được thân người rồi nhưng thường bị khinh chê, lăng nhục, xa lìa Phật Thế Tôn, thường không có trí tuệ. Sau khi chết lại nhanh chóng bị đọa vào địa ngục. Vì sao? Nầy A-nan! Vì nếu có người nào đối với Thầy giáo thọ, đối với vị Thầy đã ban cho mình sự tự tại, Thầy dạy hạnh pháp, Thầy dạy hạnh chân thật mà sanh bất kính thì chịu tai ương nặng như thế.

Nầy A-nan! Những người ngu si ấy về sau lại bị vô lượng vô biên nạn khổ.

Nầy A-nan! Nếu nghe từ người khác một bài kệ bốn câu, hoặc sao, hoặc chép trên trúc, lụa, thì hễ có bao nhiêu chữ là bằng bấy nhiêu kiếp vác Hòa Thượng, A Xà Lê trên vai, hoặc khi cõng trên lưng, hoặc đội trên đầu mà đi, lại đem tất cả những vật dụng vừa ý để cúng dường vị Thầy ấy.

Nầy A-nan! Làm việc như thế còn tự thấy không thể báo đáp đầy đủ ân Thầy, cũng không gọi là cung kính Thầy, huống là kính pháp? Làm việc cung kính như thế , gọi là kính Thầy.

Nầy A-nan! Nếu có vô lượng vô biên phẩm vật cúng dường, thì như vậy cũng không thể gọi là cúng dường Thầy!

Nầy A-nan! Đời vị lai, có nhiều Tỳ Kheo gặp được Kinh nầy mà đối với Hòa Thượng, sanh tâm bất kính, không có chánh hạnh, thường nói lỗi của Hòa Thượng, nầy A-nan! Ta nói những người ngu si ấy sẽ bị nhiều khổ cực, ở đời vị lai, chắc chắn đọa đường ác.

Nầy A-nan! Ta đã nói với ông là Như Lai tại thế ở bên các ông, đã vì các ông mà nói rằng đây là Chánh Đạo, đây chẳng phải Chánh Đạo. Vào đời vị lai, các Tỳ kheo tùy theo mình đã làm việc gì mà trở

lại thọ sanh nơi nào đó và nhận quả báo như thế đó.Vì vậy, nầy A-nan! Ta khuyên các ông nên thường thực hành cung kính.

Nầy A-nan! Nếu có thiện nam, thiện nữ thường sanh tâm cung kính tôn trọng thì sẽ đắc pháp thù thắng, tối thượng nầy, đó là yêu kính Chư Phật Thế Tôn, kính trọng kinh pháp, yêu kính Tăng, nên theo thứ bậc như thế.

Đức Phật giảng nói Kinh nầy xong, Trưởng lão A-nan và các đại chúng nghe Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.