KINH CÁC PHÁP VỐN KHÔNG
(KINH CHƯ PHÁP BẢN VÔ)
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người xứ Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN HẠ

Bấy giờ, Đồng chân Mạn-thù-thi-lợi lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Con muốn nói về Kê-la cú.

Phật đáp:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Ông cứ nói!

Mạn-thù-thi-lợi nói:

–Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh được đến Bồ-đề là Kê-la cú.

Phật hỏi:

–Mạn-thù-thi-lợi! Do đâu gọi đó là Kê-la cú?

Mạn-thù-thi-lợi thưa:

–Các pháp không đến, không đến khắp, không thuận đến, đã lìa đến, chẳng phải thời chứng, chẳng phải thời không chứng, vượt qua trí, xa lìa đến, nên gọi là Kê-la cú. Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh được đạt đến biến trí là Kê-la cú.

Phật hỏi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Do đâu mà các chúng sinh, được đạt đến biến trí là Kê-la cú?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Bạch Thế Tôn! Mọi thứ, mọi nơi, không có chúng sinh, thuận đến tự tánh của biến trí, nên gọi là đến được biến trí. Bạch Thế Tôn! Biến trí ấy, không có sự đạt đến tương ưng với hiện tại. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì tự tánh của chúng sinh là biến trí vậy. Vì thế, nên gọi là Kê-la cú.

–Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh đầy đủ biến trí là Kê-la cú.

Phật hỏi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Do đâu gọi đó là Kê-la cú?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Bạch Thế Tôn! Các pháp không chính mình, lìa chính mình, không có tự tánh thuận đến nơi “như” bản tánh của biển trí là tướng một trí, nên gọi là Kê-la cú. Bạch Thế Tôn! Đầy đủ vô lượng các chúng sinh là Kê-la cú.

Phật hỏi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Do đâu gọi đó là Kê-la cú?

Mạn-thù-thi-la đáp:

–Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh vượt quá tính toán, xa lìa số đếm; nếu biết như vậy, lượng chúng sinh không thể lường, giống như lượng của hư không, nên gọi là Kê-la cú. Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh Bồ-đề tràng là Kê-la cú.

Phật hỏi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! do đâu gọi đó là Kê-la cú?

Mạn-thù-thi-lợi hỏi:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-đề tràng là nghĩa gì vậy?

Phật đáp:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Bồ-đề tràng là tràng vắng lặng của các pháp, là tràng không sinh của các pháp, là tràng không chỗ có của các pháp, là tràng không thể nắm giữ của các pháp, là tràng không tự tánh của các pháp. Mạn-thù-thi-lợi! Đấy chính là ý nghĩa Bồ-đề tràng.

Mạn-thù-thi-lợi hỏi:

–Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh không thường nhập vào tràng này ư?

Phật đáp:

–Đúng là như vậy.

Mạn-thù-thi-lợi nói:

–Bạch Thế Tôn! Do lý do này nên tràng Bồ-đề của các chúng sinh, là Kê-la cú. Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh đắc nhẫn là Kê-la cú.

Phật hỏi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Do đâu gọi đó là Kê-la cú?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh là pháp vô tận, là pháp không diệt, là pháp không sinh, danh tướng đã lìa, thuận vào nhẫn bình đẳng, nên gọi là Kê-la cú. Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh không dính mắc vào sự biện luận là Kê-la cú.

Phật hỏi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Do đâu gọi đó là Kê-la-cú?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Bạch Thế Tôn! Nếu các chúng sinh, có sự biện luận như vậy; thì họ sẽ không có gì, không dính mắc, không chướng ngại, bình đẳng, thuận đến, ở trong mười phương. Bạch Thế Tôn! Các sự biện luận đã xa lìa, tự tướng không trụ, không còn chỗ nào để dính mắc. Bạch Thế Tôn! Dựa vào lý do này, nên gọi là Kê-la-cú. Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh đắc Đà-la-ni là Kê-la-cú.

Phật hỏi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Do đâu gọi là Kê-la-cú?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh đều có ý gìn giữ; các sắc, thanh, hương, vị, xúc… của các chúng sinh đều là điên đảo, không thật, phân biệt, chấp tướng; nên gọi là Kê-la-cú. Bạch Thế Tôn! Từ tâm của các chúng sinh là Kê-la cú.

Phật hỏi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! do đâu gọi đó là Kê-la cú?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh, chẳng phải là chúng sinh bản tánh không sân, không có sự phân biệt giữa sân và từ, đạt đến sự bình đẳng, nên gọi là Kê-la cú. Bạch Thế Tôn, các chúng sinh, lòng đại Bi đầy đủ là Kê-la cú.

Phật hỏi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Do đâu gọi đó là Kê-la cú?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Bạch Thế Tôn! Bản tánh của các chúng sinh là không làm ra và không có người làm ra, sự bình đẳng của Như Lai chẳng qua là lòng đại Bi, tự tánh đầy đủ, thế nên gọi là Kê-la cú. Bạch Thế Tôn!

Các chúng sinh đắc Tam-ma-địa là Kê-la cú.

Phật hỏi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Do đâu gọi đó là Kê-la cú?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Bạch Thế Tôn! Bản tánh các chúng sinh là nhập định, không tán loạn, không lược nhiếp, không khác duyên, bản tánh đó không sinh rốt ráo, nhập định, lìa sự theo duyên. Bạch Thế Tôn! Nếu các chúng sinh do nơi việc theo duyên, mà có sự hiểu biết, thì trong sự theo duyên ấy, không có sự hiểu biết. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì sự nhận thức của việc theo duyên ấy, nó bị diệt mau chóng ngay trong mỗi niệm. Thế nên gọi là Kê-la cú.

Phật hỏi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Các chúng sinh không phân biệt đủ thứ, để suy nghĩ, hiểu biết sao?

Mạn-thù-thi-lợi hỏi:

–Suy nghĩ và hiểu, trụ nơi đâu?

Phật đáp:

–Nó trụ trong cõi hư không.

Mạn-thù-thi-lợi hỏi:

–Bạch Thế Tôn! Cõi hư không có tán loạn không?

Phật đáp:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Cõi hư không, không tán loạn.

Mạn-thù-thi-lợi hỏi:

–Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh không hành ở cõi hư không ư?

Phật đáp:

–Đúng vậy đó, Mạn-thù-thi-lợi!

Mạn-thù-thi-lợi nói:

–Bạch Thế Tôn! Nếu cõi hư không, như các chúng sinh kia; nếu các chúng sinh cũng giống như cõi hư không kia. Tuy nhiên, bạch Thế Tôn! Các chúng sinh như cõi hư không, nó không có hai, không có hai tướng, nên gọi là Kê-la cú. Bạch Thế Tôn! Chư Phật tham dục đầy đủ là Kê-la cú.

Phật hỏi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Do đâu gọi đó là Kê-la cú?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Bạch Thế Tôn! Chư Phật thuận nhập vào sự bình đẳng của tham dục, không nhiễm, là nhiễm xa lìa sự cạnh tranh, chẳng qua là sự bình đẳng của tham dục, thuận hiểu tự tánh của tham dục. Bạch Thế Tôn! Tham dục tức Bồ-đề. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Thuận hiểu tự tánh của tham dục tức là Bồ-đề. Vì thế, nên gọi là Kê-la cú. Bạch Thế Tôn! Chư Phật sân ghét đầy đủ là Kê-la cú.

Phật hỏi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Do đâu gọi đó là Kê-la cú?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Bạch Thế Tôn! Phật nói các hành của hữu vi là lỗi lầm, chư Phật an trụ nơi sự bình đẳng của sân ghét, thuận hiểu tự tánh của sân ghét, gọi là sân ghét đầy đủ; nên gọi đấy là Kê-la cú. Bạch Thế Tôn! Chư Phật ngu si đầy đủ là Kê-la cú.

Phật hỏi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Do đâu gọi đó là Kê-la cú?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Bạch Thế Tôn! Chư Phật có khả năng cởi bỏ ngu si, gọi là các vướng mắc, an trụ vào sự bình đẳng của ngu si, thuận hiểu tự tánh của ngu si, nên gọi là Kê-la cú. Bạch Thế Tôn! Chư Phật thân kiến đầy đủ là Kê-la cú.

Phật hỏi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Do đâu gọi đó là Kê-la cú?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Bạch Thế Tôn! Chư Phật an trụ nơi thân kiến, đối với các pháp, không nhập, không xuất, cũng không nhập xuất, rốt ráo an trụ nơi tướng không, thuận hiểu thân kiến, không sinh, không xuất, không tự tánh, nên gọi là Kê-la cú. Bạch Thế Tôn! Chư Phật đầy đủ tà kiến là Kê-la cú.

Phật hỏi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Do đâu gọi đó là Kê-la cú?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Bạch Thế Tôn! Chư Phật thị hiện hữu vi là tà; thị hiện không thật; thị hiện lìa như; thị hiện hữu vi là pháp không, không hư vọng; thuận hiểu tướng và tự tánh của tà kiến, nên gọi là Kê-la cú. Bạch Thế Tôn! Chư Phật trụ điên đảo đắc Bồ-đề. Bạch Thế Tôn! Chư Phật trụ các cái; trụ năm dục; trụ dục, trụ sân, trụ si đắc Bồ-đề là Kê-la cú.

Phật hỏi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Do đâu gọi đó là Kê-la cú?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Bạch Thế Tôn! Trụ xứ tức là không trụ xứ.

Phật hỏi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Không trụ xứ là nghĩa gì?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Bạch Thế Tôn! Không trụ xứ có nghĩa là khó trụ cùng với chấn động, tức là hàng phàm phu thấp kém. Chư Phật khéo trụ nơi sự bình đẳng của dục, bình đẳng của sân, bình đẳng của si, bình đẳng của năm dục, bình đẳng của các cái, bình đẳng của điên đảo. Chư Phật trụ nơi tự tánh của dục, như vậy chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chư Phật trụ vào tự tánh của sân, si, năm dục, công đức, các cái, điên đảo; như vậy chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vậy, đó là Kê-la cú.

Khi Mạn-thù-thi-lợi nói vậy xong, Phật liền bảo với đồng chân Mạn-thù-thi-lợi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Nếu lại có người hỏi ông, về Như Lai là Đấng Ứng Cúng, Chánh Biến Tri; về sự cắt đứt các pháp không tốt, về các pháp tốt đầy đủ; khi được hỏi như vậy, ông hướng dẫn ra sao?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Bạch Thế Tôn! Nếu có người hỏi con về Như Lai là Đấng Ứng Cúng, Chánh Biến Tri; về sự cắt đứt các pháp ác, về các pháp lành đầy đủ; bạch Thế Tôn! Khi người ấy hỏi con như vậy, con sẽ trả lời như sau:

–Ông trước nên gần gũi bạn lành, siêng làm với những phương

tiện tương ứng, chớ gom thành một pháp, cũng chớ làm cho xa lìa, chớ giữ, chớ buông, chớ theo duyên, chớ không theo duyên, chớ nương tựa, chớ trụ vào, chớ bỏ, chớ nắm, chớ chứa đựng, chớ cầu, chớ mong, chớ thấy, một pháp là hơn hết, hoặc nhỏ hoặc vượt trội. Về sau ông sẽ biết cảnh giới Như Lai, là pháp của cảnh giới không suy nghĩ, cảnh giới xa lìa, cảnh giới đoạn dứt.

Phật hỏi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Ông giải thích như thế, là hướng dẫn gì vậy?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Bạch Thế Tôn! Con giải thích như thế, nghĩa là không một pháp nào, có thể hướng dẫn được.

Bạch Thế Tôn, Phật ngồi Bồ-đề tràng, thì đã có pháp hoặc sinh, hoặc diệt và có thể thấy không?

Phật đáp:

–Không thể như vậy, Mạn-thù-thi-lợi!

Mạn-thù-thi-lợi tiếp:

–Bạch Thế Tôn! Nếu pháp không sinh, không diệt; thì pháp ấy, có đầy đủ pháp lành, đầy đủ pháp xấu ư?

Phật đáp:

–Không phải vậy, Mạn-thù-thi-lợi!

Mạn-thù-thi-lợi nói:

–Bạch Thế Tôn! Nếu pháp không sinh, không xuất. Pháp ấy không có đầy đủ pháp lành, đầy đủ pháp xấu; vậy biết gì? Dứt gì? Tu gì? Chứng gì? Thấy đạo gì ở pháp ấy?

Lúc bấy giờ, khi nghe Phật cùng với Đồng chân Mạn-thù-thilợi nói như vậy xong, có mười ngàn Thiên tử, từ trên không trung, tung rải các loại hoa: Hoa Ưu-ba-la, hoa Bát-đà-ma, hoa Câu-mụcđà, hoa Bôn-trà-lê-ca, hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha mạn-đà-la. Rồi sau khi lễ dưới chân Phật cùng Mạn-thù-thi-lợi đồng chân xong, những vị này nói:

–Bạch Thế Tôn! Thi-lợi không đắm đúng là Mạn-thù-thi-lợi. Bạch Thế Tôn, Thi-lợi không hai đúng là Mạn-thù-thi-lợi. Bạch Thế Tôn! Không có Thi-lợi đúng là Mạn-thù-thi-lợi. Bạch Thế Tôn! Không ngoài Thi-lợi, đúng là Mạn-thù-thi-lợi. Bạch Thế Tôn! Như Thi-lợi, Thật tế Thi-lợi, Pháp giới Thi-lợi, Thắng Thi-lợi, Tối thắng Thi-lợi, Vô thượng Thi-lợi, Vô thượng thượng Thi-lợi, Vô đẳng Thilợi, Vô đẳng đẳng Thi-lợi. Bạch Thế Tôn! Đấy đều đúng Đồng chân Mạn-thù-thi-lợi.

Khi nghe nói, Đồng chân Mạn-thù-thi-lợi liền bảo với các Thiên tử kia:

–Hãy thôi, các Thiên tử! Chớ phân biệt tôi, tôi không thấy một pháp hoặc hơn hoặc nhỏ, hoặc rất cao cả hoặc rất tốt đẹp! Này các Thiên tử! Nếu như các vị nói về Mạn-thù-thi-lợi; ta muốn Thi-lợi, thì Thi-lợi ấy, chính là Mạn-thù-thi-lợi ta đây; ta sân Thi-lợi thì Thi-lợi ấy chính là Mạn-thù-thi-lợi ta đây; ta si Thi-lợi, thì Thi-lợi ấy, chính là Mạn-thù-thi-lợi ta đây. Hễ nói như vậy, chính là chánh ngữ đấy. Tại sao? Này Thiên tử! Ta bất quá chỉ là dục, là sân, là si. Thiên tử! Các phàm phu thấp kém có đi, có đến; còn các Bồ-tát trong pháp không một nơi nào có đi, có đến.

Thiên tử hỏi:

–Thưa Mạn-thù-thi-lợi! Các Bồ-tát không đến với Phật pháp, không hành mười Địa ư?

Mạn-thù-thi-lợi hỏi:

–Này Thiên tử! Ông nghĩ sao, tâm của người huyễn, có bao nhiêu để tâm hành mười Địa?

Thiên tử đáp:

–Thưa Mạn-thù-thi-lợi! Người huyễn vốn không nơi trụ, sao có thể đi đến một nơi nào đó trong các Địa như vậy được!

Mạn-thù-thi-lợi nói:

–Đúng vậy, này các Thiên tử! Các pháp được ví như huyễn, nó không đi đứng, không có nơi nào đến, không dùng sức mà hành được, không tự chủ hành.

Thiên tử hỏi:

–Thưa Mạn-thù-thi-lợi! Ngài không đang hiểu Bồ-đề ư?

Mạn-thù-thi-lợi hỏi:

–Này Thiên tử! Ý ông thế nào? Hàng phàm phu thấp kém, bị tham dục quấy nhiễu, lại có thể ngồi đạo tràng Bồ-đề, đầy đủ biến trí không?

Thiên tử đáp:

–Thưa Mạn-thù-thi-lợi! Ngài lẽ nào bị tham dục quấy nhiễu, như hàng phu thấp kém kia?

Mạn-thù-thi-lợi, đáp:

–Đúng vậy, này các Thiên tử! Ta trụ trong sự quấy nhiễu của dục, sự quấy nhiễu của sân, sự quấy nhiễu của si. Ta là ngoại đạo, ta là tà hạnh.

Thiển tử hỏi:

–Thưa ngài Mạn-thù-thi-lợi! Ý gì, mà ngài lại nói: Ta trụ trong sự quấy nhiễu của dục, sự quấy nhiễu của sân, sự quấy nhiễu của si, ta là ngoại đạo, ta là kẻ tà hạnh?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Sự quấy nhiễu đã có trong ta không có nơi trụ; không có dục, sân, si trong mười phương; nơi trụ của tự tánh, là bởi do tương ưng với nơi không trụ.

Thiên tử hỏi:

–Thưa ngài Mạn-thù-thi-lợi! Tại sao ngài lại cho là ngoại đạo?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Đối nới ngoại đạo, ta không có chỗ đi đến; vì lý do đó, nên ta là ngoại đạo.

Thiên tử hỏi:

–Thưa ngài Mạn-thù-thi-lợi! Vì sao ngài lại là kẻ tà hạnh?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Này Thiên tử! Ta biết các pháp là tà, không thật, không như; nó chỉ do phân biệt; vì lý do đấy, nên ta là kẻ tà hạnh.

Lúc đó, mười ngàn Thiên tử ở bên cạnh Đồng chân Mạn-thùthi-lợi nghe được những lời nói này, liền đạt được nhẫn trong pháp vô sinh. Sau khi đắc được nhẫn, mười ngàn Thiên tử nói:

–Bạch Thế Tôn! Nếu như các chúng sinh, may mắn được ánh sáng của Kim cang cú này đến tai, là đã đạt được sự lợi ích thù thắng; huống gì là nghe được, tin hiểu, rồi thọ trì, đọc tụng, tu tập, diễn nói, thực hành theo lời dạy! Bạch Thế Tôn! Ở trong các pháp, những vị ấy sẽ đạt được sự biện tài, không dính mắc và đạt được sự sáng tỏ, khéo nói các pháp là một tướng, tiếp nói trong Phật pháp không dứt, chỉ bày rõ ràng các pháp đều là Phật pháp.

Lúc bấy giờ, trong chúng hội, lại có một vị Thiên tử từ xa đến ngồi trong hội chúng, tên là Liên Hoa Du Hý Trí Thông. Lúc ấy, Thiên tử Liên Hoa Du Hý Trí Thông bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn nói mười loại âm thanh nhập trí, để cho các hàng Bồ-tát, vào năm mươi năm sau, nghe được pháp này, tránh khỏi sự sợ hãi, lo âu, đối với việc thực hành các pháp; nên biết nhập vào hạnh không nghi ngờ, không nhầm lẫn.

Khi nghe nói vậy, Phật mới bảo Thiên tử Liên Hoa Du Hý Trí Thông:

–Thôi đi, này Thiên tử! Sao phải hỏi việc như vậy. Âm thanh nhập môn này, hàng Bồ-tát sơ nghiệp không thể: Biết hiểu, suy nghĩ, cân nhắc, cùng bàn luận. Thiện gia tử! Khi nói pháp này cũng không thể nói trước hàng Bồ-tát sơ nghiệp. Vì sao? Vì ý nói khó biết. Thiên tử! Đối với âm thanh nhập môn, hàng Bồ-tát trong hằng-già hà sa đẳng kiếp, nếu bị những lời không thật mắng chửi mà không có tâm sân ngại; lại trải qua hằng-già hà sa đẳng kiếp, khi đạt được tâm trong sạch, ý tốt cúng dường, tôn trọng, có các nhân duyên vui thích; việc y, thực, giường ghế bệnh hoạn có thuốc men… đầy đủ; hàng Bồtát ở trong đó cũng không sinh tâm thuận ái.

Thiện gia tử! Như bậc lậu tận A-la-hán, ở trong các pháp thuận ái của trụ xứ, hoàn toàn không sinh ái, ở trong các pháp của trụ xứ sân ngại, cũng không sinh oán ghét.

Thiên gia tử! Như vậy, âm thanh nhập môn, trải qua hằng-già hà sa đẳng kiếp; hàng Bồ-tát, nếu được cúng dường các nhân duyên vui thích, mà không sinh tâm thuận ái; trải qua hằng-già hà sa đẳng kiếp, nếu bị những lời không thật mắng chửi, mà không có tâm sân ngại.

Thiện gia tử! Như vậy, đối với âm thanh nhập môn, hàng Bồtát không thọ, không dính mắc đối với những hại lợi, khen chê, ca ngợi quở trách khổ vui, lại trụ nơi vượt xa thế pháp, giống như núi chúa vậy.

Khi Phật nói thế, Thiên tử Liên Hoa Du Hý Trí Thông lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Khi Bồ-tát học, tại sao lại học âm thanh nhập môn?

Phật hỏi:

–Này Thiên gia tử! Nay ông cần gì phải hỏi ta việc như vậy?

Thiên tử nói:

–Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn hãy nói âm thanh nhập trí, để cho mai sau, nếu có Bồ-tát nào, nhập vào nhẫn này, sẽ khởi lên tưởng tịnh, tưởng tín, tưởng ái. Những Bồ-tát ấy, nghe được âm thanh nhập trí này, sẽ hiểu được lỗi lầm của chính mình, cũng dạy lại cho người khác nữa.

Khi nghe nói vậy, Phật mới bảo Thiên tử Liên Hoa Du Hý Trí Thông:

–Nếu muốn như vậy, này Thiên tử! Ông hãy lắng nghe cho khéo, suy nghĩ ghi nhớ cho chính chắn. Ta sẽ vì ông mà diễn nói nghĩa này.

Thiên tử Liên Hoa Du Hý Trí Thông liền nói:

–Thật vậy, con rất muốn được nghe.

Phật nói:

–Này Thiên tử! Nếu Bồ-tát nào, sinh tư tưởng tội lỗi, đối với âm thanh dục; sinh tư tưởng ca ngợi, lợi ích, ở trong âm thanh ly dục, tức là không có học Phật pháp; nếu sinh tư tưởng tội lỗi, ở trong âm thanh sân; sinh tư tưởng khen ngợi, lợi ích, ở trong âm thanh lìa sân, tức là không học Phật pháp; nếu sinh tư tưởng tội lỗi đối với âm thanh si, sinh tư tưởng khen ngợi, lợi ích, đối với âm thanh lìa si, tức là không học Phật pháp; nếu thuận thích, đối với âm thanh thiểu dục, chống trái oán ghét, đối với âm thanh đa dục, tức không học âm thanh nhập môn; nếu thuận thích đối với âm thanh biết đủ, chống trái oán ghét đối với âm thanh không biết đủ, tức không học âm thanh nhập môn; nếu thuận thích đối với âm thanh đơn giản, chống trái oán ghét đối với âm thanh không đơn giản, tức không học âm thanh nhập môn. Lượt nói là như vậy, nhưng cũng nên biết: Thuận thích đối với âm thanh ưa một mình, chống ghét đối với âm thanh nhiều người; thuận thích đối với âm thanh Phật, chống ghét đối với âm thanh ngoại đạo; thuận thích đối với âm thanh phạm hạnh, chống ghét đối với âm thanh chẳng phạm hạnh, thuận thích đối với âm thanh Tỳ-na-da, chống ghét đối với âm thanh chẳng phải Tỳ-na-da; thuận thích đối với âm thanh thanh bạch, chống ghét đối với âm thanh phiền não; thuận thích đối với âm thanh ái, chống ghét đối với âm thanh chẳng ái; tức không học âm thanh nhập môn. Thuận thích đối với âm thanh quả, chống ghét đối với âm thanh phàm phu; thuận thích đối với âm thanh vui, chống ghét đối với âm thanh khổ; thuận thích đối với âm thanh xuất thế, chống ghét đối với âm thanh thế; tức không học âm thanh nhập môn. Thuận thích đối với âm thanh xuất gia, chống ghét đối với âm thanh tại gia; tức không học âm thanh nhập môn. Thuận thích đối với âm thanh cho, chống ghét đối với âm thanh keo kiệt mà sinh tưởng ngại; tức không học Phật pháp. Sinh tư tưởng khen ngợi lợi ích đối với âm thanh giữ giới, chống ghét đối với âm thanh phá giới mà sinh tưởng ngại; tức không học Phật pháp. Sinh tư tưởng khen ngợi lợi ích đối với âm thanh nhẫn, sinh tư tưởng ngại đối với âm thanh sân, tức không học Phật pháp.

Như vậy, lược nói: Sinh tư tưởng khen ngợi lợi ích đối với âm thanh tinh tấn; sinh tư tưởng ngại đối với âm thanh lười biếng; sinh tư tưởng khen lợi đối với âm thanh định ý, sinh tư tưởng ngại đối với âm thanh tán loạn; sinh tư tưởng khen lợi đối với âm thanh trí, sinh tư tưởng ngại đối với âm thanh không trí, tức không học Phật pháp. Thuận thích đối với âm thanh gần, chống ghét đối với âm thanh xa; tức không học âm thanh nhập môn. Sinh tư tưởng tội lỗi đối với âm thanh lưu chuyển, sinh tư tưởng khen lợi đối với âm thanh Niết-bàn; tức không học âm thanh nhập môn. Chống ghét đối với âm thanh thử ngạn (trầm luân), thuận thích đối với âm thanh bỉ ngạn (giải thoát); sinh tư tưởng tội lỗi đối với âm thanh xóm làng, sinh tư tưởng khen lợi đối với âm thanh A-lan-nô; tức không học âm thanh nhập môn. Thuận thích đối với hạnh một mình, chống ghét hạnh chung sống; tức không học Phật pháp. Thuận thích đối với hạnh Tỳ-kheo, chống ghét đối với hạnh tại gia; thuận thích đối với nghiệp oai nghi, chống ghét đối với nghiệp chẳng oai nghi; thuận thích đối với hạnh sạch đẹp, chống ghét đối với hạnh chẳng sạch đẹp; thuận thích đối với hạnh giới, chống ghét đối với hạnh ác giới; thuận thích đối với hạnh không xen tạp, chống ghét đối với hạng xen tạp; thuận thích đối với hạnh lìa tham dục, chống ghét đối với hạnh tham dục; thuận thích đối với hạnh lìa sân ác, chống ghét đối với hạnh sân ác; thuận thích đối với hạnh lìa ngu si, chống ghét đối với hạnh ngu si; thuận thích đối với hạnh không, chống ghét đối với hạnh có thấy; thuận thích đối với không tướng, chống ghét đối với tướng; thuận thích đối với vô nguyện, chống ghét đối với nguyện; thuận thích đối với hạnh Bồ-tát, chống ghét đối với hạnh Độc giác, Thanh văn; tức là không học Phật pháp.

Nếu có bao nhiêu lỗi lầm của Bồ-tát làm cách xa Bồ-đề, thì sẽ phải chuốc lấy nghiệp chướng; nếu có bao nhiêu oai nghi làm xa cách Bồ-đề, thì cũng sẽ chuốc lấy nghiệp chướng cứng nhắc; nếu có Bồ-tát nào ở bên cạnh Bồ-tát khác mà sinh tưởng thấp kém, cứ cho ý tưởng mình là hơn, tức là đã tự hại mình rồi, cũng sẽ chuốc lấy nghiệp chướng. Như vậy, hàng Bồ-tát đối với hàng Bồ-tát khác; hoặc dạy, hoặc răn, thì trước phải sinh tưởng làm thầy dạy, rồi sau đó mới răn dạy; Bồ-tát, nếu muốn không buông bỏ Bồ-đề, thì chớ sinh tưởng thấp kém khi ở bên cạnh Bồ-tát khác.

Này Thiện gia tử! Bồ-tát nào mà như vậy, thì không có nơi nào, có thể khiến cho căn lành bị đoạn dứt. Ví như xem thường hàng Bồ-tát bậc hai. Thế nên, hàng Bồ-tát, nếu muốn hộ các căn lành, muốn làm trong sạch các nghiệp chướng, muốn chóng đạt hạng vô ngại, ở trong các pháp thì nên ngày đêm ba thời, lễ các hàng Bồ-tát Phú-già-la.

Khi đó, Đồng chân Mạn-thù-thi-lợi lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như con giải thích ý nghĩa những điều Phật nói thì âm thanh của dục xứng lượng, ngang bằng, với âm thanh Phật; âm thanh sân, ngang bằng với âm thanh Phật; âm thanh si, ngang bằng với âm thanh Phật; âm thanh ngoại đạo, ngang bằng với âm thanh Phật; âm thanh ít ham muốn, ngang bằng với âm thanh ham muốn nhiều; âm thanh biết đủ ngang bằng với âm thanh không biết đủ; âm thanh giản lược, ngang bằng với âm thanh không giản lược; âm thanh ưa một mình, ngang bằng với âm thanh cùng ở chung với người; âm thanh bên này bờ, ngang bằng âm thanh bên kia bờ; âm thanh xa, ngang bằng với âm thanh gần; âm thanh lưu chuyển, ngang bằng với âm thanh Niết-bàn, âm thanh thôn xóm, ngang bằng với âm thanh A-lan-nô; âm thanh ban phát, ngang bằng với âm thanh keo bẩn; âm thanh giữ giới, ngang bằng với âm thanh phá giới; âm thanh sân hận, ngang bằng với âm thanh nhẫn nhục; âm thanh tinh tấn, ngang bằng với âm thanh lười biếng; âm thanh rối loạn, ngang bằng với âm thanh định ý; âm thanh không trí, ngang bằng với âm thanh trí.

Lúc ấy, Thiên tử Liên Hoa Du Hý Trí Thông, nói với Mạn-thùthi-lợi đồng chân:

–Thưa ngài Mạn-thù-thi-lợi! Vì lý do gì mà xứng lượng ngang bằng nhau?

Mạn-thù-thi-lợi hỏi:

–Này Thiên tử! Âm thanh dục như vậy, theo ông gọi là gì?

Thiên tử đáp:

–Thưa ngài Mạn-thù-thi-lợi! Theo ý tôi, gọi âm thanh dục là như tiếng vang.

Mạn-thù-thi-lợi hỏi;

–Này Thiên tử! Như vậy âm thanh Phật, theo ông gọi là gì?

Thiên tử đáp:

–Thưa ngài Mạn-thù-thi-lợi! Theo ý tôi, nó chẳng có sự khác biệt, đối với pháp tiếng vang.

Mạn-thù-thi-lợi nói:

–Vì lý do này, cho nên xứng lượng ngang bằng nhau.

Khi đó, Phật mới bảo với Đồng chân Mạn-thù-thi-lợi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Vào đời trước, khi trụ vào địa vị sơ nghiệp, chưa nhập đạo pháp như vậy, ông tạo ra nghiệp chướng gì?

Nay ông có thể nói, để đời sau, nếu có Bồ-tát giả danh nào, nghe được nghiệp chướng xấu này, sẽ tự giữ mình.

Nghe Phật nói vậy! Mạn-thù-thi-lợi đồng chân, lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! mặc dù, khi nghe những nghiệp chướng xấu này, sẽ lo âu, sợ hãi, nhưng họ sẽ đạt được sự trong sạch đối với nghiệp chướng, cũng sẽ đạt được sự không chướng ngại của các pháp. Bạch Thế Tôn! Vào vô số kiếp, ở quá khứ, lại trải qua vô số quãng không thể lường, vô lượng không thể suy nghĩ, có vị Phật ra đời, tên là Sư Tử Cổ Âm Vương Như Lai Đấng Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Minh Hạng Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự, Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Thọ mạng của vị Như Lai ấy ước lượng cả sáu mười câu trí na-do-đa trăm ngàn năm. Ngài thuyết pháp, điều phục, hằng-già hà sa đẳng chúng sinh, cũng thành thục chúng sinh bằng pháp ba Thừa. Thế giới của vị Phật ấy, tên Đại Quang. Trong thế giới ấy, những cây cối, trụ cột đều do bảy báu làm thành. Từ nơi cây báu ấy, phát ra những âm thanh như: Âm thanh không, âm thanh không tướng, âm thanh không nguyện, âm thanh không sinh, âm thanh không diệt, âm thanh không chỗ có, âm thanh không dáng vẻ; cây báu ấy thường phát ra các loại âm thanh như vậy. Khi âm thanh được phát ra, những chúng sinh nơi ấy đều chứng được pháp kiến. Vào thời đó, ngay trong lần hội tập đầu tiên của Đức Như Lai ấy, số lượng hàng Thanh văn có đến chín mươi chín câu-chi. Những vị này, đều là những bậc A-la-hán, đã rất khéo cởi bỏ tâm bằng trí bình đẳng. Trong lần hội tập thứ hai có chín sáu câu-chi Tỳ-kheo. Hội tập lần ba, có chín ba câu-chi Tỳ-kheo. Hội tập lần bốn, có chín mười câuchi Tỳ-kheo. Những vị này, cũng đều là những bậc A-la-hán, cũng đều khéo giải thoát tâm bằng trí bình đẳng. Số lượng hàng Bồ-tát hội tập cũng như vậy. Họ đều là những vị đầy đủ pháp nhẫn vô sinh, có khả năng khéo léo xuất sinh ra đủ các thứ pháp đạo, cúng dường nhiều trăm ngàn câu-chi na-do Phật, tiếng tăm vang cả trăm ngàn câu-chi na-do-đa cõi Phật, độ thoát nhiều trăm ngàn câu-chi na-do-đa chúng sinh, đạt được vô biên môn Đà-la-ni, phát ra trăm ngàn câu-chi na-do-đa Tam-ma-địa. Còn các Đại Bồ-tát phát hạnh sơ thừa, nghiệp ban đầu còn sót lại, cũng nhiều vô lượng vô số. Cõi Như Lai ấy, đầy đủ công đức trang nghiêm, nếu dùng lời mà nói trọn không thể hết được. Sau khi Đức Như Lai ấy diệt độ, chánh pháp trụ được chín mươi chín trăm ngàn năm và các âm thanh từ cây báu kia, cũng không phát ra nữa.

Bạch Thế Tôn! Khi đó, có một vị Tỳ-kheo Bồ-tát, tên là Hỷ Căn, là người giỏi nói pháp. Bạch Thế Tôn! Bồ-tát Hỷ Căn đấy làm việc ngay thẳng, không phân biệt oai nghi, không bỏ thế gian, không ngại pháp thế gian. Chúng sinh thời đó, các căn đều lanh lợi, mới mở là liền biết, có lòng tin và sự hiểu biết sâu xa. Vị này, thường vì các chúng sinh, không khen ngợi khi nói thiểu dục, không khen ngợi khi nói về biết đủ, về giản lược, về ưa một mình; cũng không khen ngợi khi nói không ở chung cùng chúng sinh, cũng không hiện rõ sự phát khởi siêng năng, chính mình hiện ra sự thực hành hạnh xen tạp, khiến các chúng sinh ấy, tóm thâu các pháp; tức tự tánh của dục tóm thâu giữ lấy các pháp, tức tự tánh của sân tóm thâu giữ lấy các pháp, tức tự tánh của si tóm thâu giữ lấy các pháp, mà không có sự chướng ngại nào. Ông ta dùng phương tiện, khiến các chúng sinh tóm thâu giữ lấy các hành là một tướng. Nếu như được Bồ-tát Hỷ Căn dùng phương tiện khiến được nhiếp thủ rồi thì các chúng sinh ấy, hoặc hạnh, hoặc oai nghi, không có sân ngại, ở bất cứ nơi nào. Do tâm không có sân ngại, nên ông ta liền đắc Nhẫn địa, ở trong giáo pháp của Như Lai, thâm tâm nhất định đạt được sự không hoại.

Bạch Thế Tôn! Vào thời đó, cũng lại có một vị Tỳ-kheo Bồtát, tên là Thắng Ý, cũng là người nói pháp. Bạch Thế Tôn! Thắng Ý là người thuyết pháp, đạt được bốn bậc Chính lý, bốn Vô sắc, nhập thọ hành công đức của mười hai hạnh Đầu-đà.

Bạch Thế Tôn! Người được Bồ-tát Thắng Ý điều phục, là nắm lấy lỗi của người khác, làm cho trí họ lay động. Bạch Thế Tôn! Lúc đó, Bồ-tát Thắng Ý, đang đi khất thực trong thôn xóm, đến những nhà mà Bồ-tát Hỷ Căn cũng đã đến khất thực. Do không biết, Bồ-tát Thắng Ý thấy trong số gia đình đó, có một xá chủ tử, liền đến nhà của vị xá chủ tử ấy. Khi đến nơi, bày tòa mà ngồi; khi đã ngồi, liền nói về ít dục, về biết đủ, nói về giản lược, nói ở chung với nhau là lỗi lầm, khen ngợi việc ưa sống một mình, khen ngợi việc không ở chung với người. Thế nhưng, Bồ-tát Thắng Ý lại nói xấu Bồ-tát Hỷ Căn, trước vị chủ xá tử, như sau:

–Tỳ-kheo ấy, làm cho nhiều người chuốc lấy điên đảo. Tỳkheo ấy, làm cho nhiều người chuốc lấy tà kiến. Tỳ-kheo ấy là kẻ tạp hạnh, giữ lấy tham dục không ngại, giữ lấy sân không ngại, giữ lấy si không ngại, giữ lấy các pháp không ngại.

Vị xá chủ tử ấy, do căn lợi và đạt được nhẫn, nên mới nói với vị Tỳ-kheo kia:

–Bạch Đại đức! Ý ngài nói, tham dục là như thế nào?

Tỳ-kheo đáp:

–Theo tôi, tham dục chính là phiền não.

Xá chủ tử hỏi:

–Bạch Đại đức! Tham dục ở trong hay ở ngoài?

Tỳ-kheo đáp:

–Tham dục, chẳng phải bên trong, cũng chẳng ở bên ngoài.

Xá chủ tử hỏi:

–Tham dục từ đâu đến, trở về đâu và trụ nơi nào?

Tỳ-kheo đáp:

–Tham dục, không đến, không đi, cũng không chỗ trụ.

Xá chủ tử nói:

–Bạch Đại đức! Nếu tham dục, chẳng ở trong lẫn ngoài; chẳng ở hướng Đông, cũng chẳng ở hướng Nam, Tây, Bắc, Trên, Dưới, bốn góc; không có nơi trụ, cũng chẳng không trụ. Tham dục ấy lẽ nào lại chẳng là vô sinh; nếu không có sinh, sao lại có phiền não và sự trong sạch?

Lúc ấy, Tỳ-kheo Thắng Ý giận dữ, không vui, liền đứng dậy, bỏ đi và nói như vầy:

–Tỳ-kheo kia đã làm cho nhiều người, giữ lấy sự không như thật, do không học về nhập âm thanh, nên vui mừng trước âm thanh Phật-đà; sân giận trước âm thanh ngoại đạo; do không học về nhập âm thanh, nên vui mừng đối với âm thanh phạm hạnh, sân giận đối với âm thanh phi phạm hạnh; do không học nhập âm thanh, nên vui mừng đối với âm thanh trong sạch, sân giận đối với âm thanh nhiễm ố; do không học nhập âm thanh, nên vui mừng đối với âm thanh Thánh quả, sân giận đối với âm thanh phàm phu; do không học nhập âm thanh, nên vui mừng đối với âm thanh vui, sân giận đối với âm thanh khổ do không học nhập âm thanh nên vui mừng đối với âm thanh xuất gia, sân giận đối với âm thanh tại gia; do không học nhập âm thanh, nên vui mừng đối với âm thanh xuất thế gian, sân giận đối với âm thanh thế gian; do không học nhập âm thanh, nên sinh tư tưởng lợi đối với âm thanh ban cho, sinh tư tưởng ngại đối với âm thanh keo kiệt; do không học Phật pháp, nên sinh tưởng lợi đối với âm thanh giữ giới, sinh tử ngại đối với âm thanh phá giới.

Sau khi rời khỏi nhà đã tới khất thực kia, Tỳ-kheo Thắng Ý liền trở về nơi ở của mình. Về đến nơi, Tỳ-kheo này dạy cho Tỳkheo khác, cũng giữ lấy những ý nghĩ; chợt thấy Bồ-tát Hỷ Căn trong chúng, liền nói:

–Tỳ-kheo này đã làm cho nhiều người giữ lấy điên đảo. Tỳkheo này khiến nhiều người giữ lấy tà kiến. Tỳ-kheo ấy là kẻ tạp hạnh, không ngại ôm lấy những ham muốn, như vậy cũng ôm lấy cả sân si không ngại và ôm giữ các pháp không ngại.

Bồ-tát Hỷ Căn nghĩ thầm: “Tỳ-kheo này chắc chắn sẽ gây ra nghiệp chướng, ta cần phải nói những lời sâu xa, cho Tỳ-kheo này nghe, thậm chí tạo ra nhân pháp để trợ giúp cho việc tu Bồ-đề.” Khi đó, vì muốn đại chúng tin, Bồ-tát Hỷ Căn đứng trước các Tỳ-kheo tăng, liền nói bài kệ cú tụng:

Tham dục nói Niết-bàn
Giận si cũng như vậy
Ở trong đạo nên biết
Phật, Bồ-tát không nghĩ.
Nếu phân biệt tham dục
Cũng như là giận si
Sẽ cách Phật Bồ-đề
Ví như trời và đất.
Nếu đã không phá hoại dục sân
Nhập vào nơi si, thấy Bồ-đề
Người đó gần với thắng Bồ-đề
Sẽ không bao lâu đạt được nhẫn.
Tham dục, Bồ-đề, hai chẳng hai
Một nhập bình đẳng cùng tương ưng
Nếu không tùy thuận hiểu như vậy
Phật Bồ-đề, xa lại càng xa.
Tham dục không sinh cũng không diệt
Chưa từng gây não nhiễm nơi tâm
Nếu có tướng ngã, có điều thấy
Vì tham dục ấy, vào địa ngục.
Dục pháp có được tức Phật pháp
Hết mọi Phật pháp tức dục pháp
Cả hai, một chữ mà không tướng
Ai biết như vậy là Đạo sư.
Nếu đã phân biệt giới, phá giới
Dựa giới tự cao rồi say sưa
Chẳng được sinh Thiên, huống Bồ-đề
Chỉ tự an trụ nơi được thấy.
Nếu đã phân biệt, có phiền não
Thường ưa nương dựa vào sân kiến
Đạo đấy chẳng phải thắng Bồ-đề
Nếu nhớ nghĩ vậy, tức phàm phu.
Nếu đã phân biệt trụ vắng lặng
Cao quý tự mình, rồi chê người
Họ không Bồ-đề, không Phật pháp
Chỉ mình an trụ thấy lặng yên!
Trong pháp lặng yên đã không thấy
Ở trong thôn xóm làm dáng vẻ
Trong Trời, Tu-la, họ là giặc
Sao có Bồ-đề cùng Phật pháp?
Nếu phân biệt, ta đương làm Phật
Bị lôi kéo bởi sức vô trí
Tất cả Phật pháp như hư không
Trong đấy không giữ cũng không bỏ.
Thấy hạnh Bồ-đề vốn không hai
Tên, chữ, số, tiếng… vì người nói
Nếu không nhập vào trong pháp đây
Phật Bồ-đề xa lại càng xa.
Nếu cầu Bồ-đề, không Bồ-đề
Nếu thấy Bồ-đề, xa Bồ-đề
Không đạt diệt độ nơi pháp ấy
Phân biệt pháp này không có thật.
Nếu trong Phật pháp sinh ưa thích
Họ lại cách xa Phật, Bồ-đề
Trong pháp không thật sinh ham muốn
Ắt sẽ lãnh chịu nỗi khổ não?
Nếu cho cúng dường, khác không cúng
Trong pháp cúng dường, ắt vướng mắc
Nếu biết cõi này, đều bình đẳng
Người ấy là Phật, Nhân Trung Tôn.
Nếu không với, Phật và Phật pháp
Mọi thứ, mọi nơi, chưa từng thấy
Người ấy không nhiễm với các pháp
Hiểu rõ Bồ-đề, phá lưới ma.
Nếu muốn độ thoát các chúng sinh
Cõi chúng sinh ấy, chưa từng nghỉ
Các pháp giống như là Niết-bàn…
Nếu thấy được vậy: Đấng Nhân Tôn.
Nếu nói ngoại đạo là ác ý
Nếu nói chư Phật là thắng nhân
Ở trong hai đấy, không sai khác
Như thế, người biết làm Đạo sư.
Nếu hiểu Bồ-đề, không chỗ hiểu
Nếu biết như vậy, không chỗ biết
Phật và chẳng Phật, không bằng Phật
Không phân biệt vậy: Nhân trung thượng.
Phật với Bồ-đề chưa từng hiểu
Chúng sinh chưa từng có người thoát
Phàm phu phân biệt không có pháp
Họ xa càng xa trong pháp Phật.
Nếu pháp hữu vi, chẳng hữu vi
Hết thảy mọi số, chưa từng có
Nếu không có số, tính cũng không
Các phương tiện này, không nói hai.
Nếu không chúng sinh, không thành tựu
Không thấy Phật pháp, là thật có
Như Phật, cũng như các chúng sinh
Người biết như vậy, chứng Bồ-đề.
Nếu muốn, sẽ hiểu thắng Bồ-đề
Đối với pháp dục, chớ phân biệt
Tất cả pháp dục, tướng tự tánh
Đấy: Công đức Phật, không thể nghĩ.
Nếu torng Phật pháp, chưa từng phát
Với Phật Bồ-đề, không sinh tâm
Không Bồ-đề khác, không tâm khác
Người biết như vậy là Đạo sư.
Dựa tâm Bồ-đề, hễ tự cao
Nếu phân biệt, nghĩ ta làm Phật
Họ không Bồ-đề, không Phật pháp
Ắt bỏ pháp này, tự tánh ấn.
Nếu nghĩ chúng sinh, ta muốn thoát
Ngu si dính mắc tưởng chúng sinh
Nói các chúng sinh, không chúng sinh
Bồ-đề không ở nơi chúng sinh.
Nếu thấy chúng sinh, sợ như vậy
Tức thì, sinh vô biên nỗi sợ
Lời chúng sinh, như tiếng vang núi
Người biết như vậy: Nhân trung thượng.
Nếu thấy chúng sinh rốt ráo thoát
Nên không tham dục các sân si…
Chúng sinh vắng lặng thường rất lặng
Người biết như vậy, là Đạo sư.
Tham dục chẳng trong, cũng chẳng ngoài
Muốn không nương tựa nơi các phương
Các pháp không thật, đã phân biệt
Tưởng ta như vậy, đều là mê.
Giống như tiếng vang, huyễn, ánh lửa…
Người thạch nữ và như mộng
Các pháp phiền não, không thể thấy
Phàm phu làm mãi, do không biết.
Nếu cầu phiền não, có phiền não
Chánh niệm lựa chọn, chớ biếng nhác
Không phân biệt đạo, cùng phiền não
Không phân biệt, tức Bồ-đề địa.
Nếu trong pháp không, phàm phu sợ
Đối với Phật pháp, họ đang xa
Nếu trong pháp không, không có nghi
Bồ-đề tối thắng, họ sẽ đạt.
Nếu dùng lời nói phân biệt cảnh
Lời nói cùng nghĩa, không thể nghĩ
Dính mắc tiếng tâm cùng lợi báo
Tự cho nghĩ đạo, không nghi hoặc.
Không vì đắm danh, nghĩ chỗ nói
Mà thấy vắng lặng có chỗ trụ
Ít dục, biết đủ, đã phân biệt
Sẽ bị kéo bởi sức tham dục.
Nếu ai trốn tránh các pháp dục
Thì không thể thoát pháp dục ấy
Nếu năng thuận hiểu pháp dục thật
Thực hành thắng pháp mới lìa xa.
Giữ gìn giới cấm tuy dài lâu
Phát ra định ý, vô biên kiếp
Ở trong Phật giáo, họ không thoát
Do không hiểu rõ chân thật tế.
Nếu hiểu pháp này không có gì
Thì họ không đắm vào các pháp
Nếu do phân biệt giới, phá giới
Rồi thoát phàm phu, có thấy cảnh.
Nếu thấy giữ giới, thường không giới
Nếu hiểu nghĩa giới, pháp phá giới
Thì họ không thể phá giới được
Họ hiểu tướng giới hạnh, như vậy.
Pháp vương có cả pháp không nghĩ
Câu-chi phương tiện, hóa chúng sinh
Dùng một phương tiện, khiến họ nhập
Trong Bồ-đề đấy, vắng không nhơ.
Phàm phu bị đọa, trong đọa lớn
Đã nghe thắng pháp, được nói rồi
Không tác, không vật, không có tướng
Một đạo phương tiện, tự tánh không.
Tuy tại thắng gia ưa sướng vui
Hễ nghe pháp rồi, không sợ hãi
Không nên xuất gia trong giáo này
Đầu-đà tự cao đều thấy được.
Tất cả Thế Tôn, Phật, mười phương
Ở đời làm lợi Tiên chủ lớn
Đều biết các pháp như hư không
Pháp không khởi tác chứng Bồ-đề.
Không biết mà có tưởng tướng tịnh
Nghe pháp thật này sinh sợ hãi
Trong câu-chi kiếp, chịu nhiều khổ
Luôn chịu phần khổ sở không dừng!

Khi Tỳ-kheo Bồ-tát Hỷ Căn nói bài cú tụng này xong, có ba mươi ngàn Thiên tử, đều đạt được nhẫn trong pháp vô sinh, mười tám ngàn Tỳ-kheo do không lãnh thọ, các tâm lậu đều được giải thoát. Tức thời, mặt đất nứt ra, Bồ-tát Thắng Ý chết đọa ngay vào trong địa ngục Đại Đề Khiếu. Do nghiệp chướng gây ra, nên cả trăm ngàn câu-chi kiếp phải ở trong địa ngục chịu các khổ độc cực nặng; chịu xong, trong bảy chục trăm ngàn đời, thường chịu sự chê bai; trong nhiều trăm ngàn câu-chi kiếp, không nghe được danh hiệu của Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. Về sau được gặp Như Lai, được xuất gia trong giáo pháp của Như Lai, nhưng lại không có sự vui mừng, trải qua sáu mươi trăm ngàn đời xuất gia, rồi lại trả giới hoàn tục; do nghiệp chướng thấp kém kia, nên trong suốt nhiều trăm ngàn đời, phải chịu thực hành một cách tối tăm chậm lụt. Tỳ-kheo Bồ-tát Hỷ Căn thuyết pháp lúc ấy, nay đã chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hiện đang thuyến pháp ở phía Đông, trải qua trăm ngàn câu-chi cõi Phật, trong thế giới Bảo tận, có tên là Mật Vô Cấu Tế Nhật Quang Phước Đức Oai Sí Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. Còn vị Tỳ-kheo thuyết pháp Thắng Ý lúc đó, chính là tôi, lúc ấy tôi là một vị Tỳ-kheo thuyết pháp, tên là Tỳ-kheo Thắng Ý.

Bạch Thế Tôn! Con phải chịu khổ não như vậy, phải trụ như vậy, là bởi do chưa nhập vào đạo pháp này, nên mới chịu khổ như vậy. Ở trong cái không khổ, phân biệt khổ, điên đảo khổ. Thế nên, nếu ai phát Bồ-tát thừa, nếu ai phát Độc giác thừa, nếu ai phát Thanh văn thừa; thì chớ nên tạo những nghiệp chướng như vậy, không tạo những khổ như vậy. Chớ nên hủy bỏ đối với các loại pháp, đối với chánh pháp càng không nên hủy bỏ, cũng không nên tạo ra sân ngại ở bất cứ nên nào.

Lúc bấy giờ, Phật bảo Đồng chân Mạn-thù-thi-lợi:

–Này, Mạn-thù-thi-lợi! Khi ấy, nghe bài cú tụng này, ông có được sự lợi ích thù thắng gì?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Bạch Thế Tôn! Con nhờ được nghe pháp này, cứ theo nghiệp chướng ấy mà khởi lên, theo đuổi mọi nơi, xoay vần khắp cả, trong tất cả mọi nơi, con đạt được nhẫn sâu dày, đạt được nhẫn quyết định, khéo nói được pháp sâu xa.

Phật hỏi:

–Này Mạn-thù-thi-lợi! Nhờ thần lực của ai, mà ông có thể nhớ nghĩ được, những nghiệp chướng đã tạo ra, từ lâu xa như vậy?

Mạn-thù-thi-lợi đáp:

–Bạch Thế Tôn! Tất cả Bồ-tát hoặc nhớ, hoặc nghĩ, hoặc tùy thuận nhớ, đều nhờ vào thần lực của Như Lai cả. Tại sao? Bạch Thế Tôn! Các pháp như vậy đều là bản tánh của Như Lai.

Phật nói:

–Nếu đạt được mười Lực của Như Lai, cùng với việc nghe được pháp này, cả hai xứng lượng đều bằng nhau; nếu đạt được nhẫn trong pháp vô sinh, cùng với việc nghe được pháp này, xứng lượng cũng đều bằng nhau.

Mạn-thù-thi-lợi nói:

–Bạch Thế Tôn! Như những điều con giải thích lời Phật nói, thì nghe được pháp này, kết quả không thể nghĩ.

Phật nói:

–Thật đúng là như vậy. Này Mạn-thù-thi-lợi! Như những điều ông nói, nghe được pháp đấy, kết quả không thể nghĩ, chỉ có điều Như Lai không thọ ký mà thôi. Vì sao? Vì họ không chịu siêng tu, chẳng phải là trượng phu tốt, nếu nghe được pháp này cũng sẽ không tin hiểu. Này Mạn-thù-thi-lợi! Đấy chính là các pháp nhập môn.

Khi ấy, Đồng chân Mạn-thù-thi-lợi, cùng Đại Bồ-tát Từ Thị bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn hãy nắm giữ pháp bản này, để cho trong năm trăm đời pháp chuyển, ở thời cuối cùng được truyền bá rộng rãi, không khiến cho Ma-la cùng Ma-la thân trời được nhập vào phương tiện ấy.

Lúc đó, Đức Thế Tôn vì phải nắm giữ pháp bản này, bèn xem xét hai bên và khi đã xem xét khắp cả xong rồi, thì hằng-già hà sa đẳng cõi Phật ở mười phương lúc ấy bỗng chấn động sáu cách. Ngay khi đó, Đức Thế Tôn vì họ mà nắm giữ pháp bản này; còn các vị Phật, Thế Tôn khác, ở trong hằng-già hà sa đẳng thế giới, cũng nắm giữ pháp bản này. Khi nói pháp bản này, thậm chí có những chúng sinh, trong mười phương hằng-già hà sa gấp nhiều lần, cũng đều đạt được nhẫn trong pháp vô sinh và có những chúng sinh lại gấp nhiều lần như thế, cũng được chứng thấy đối với pháp, huống chi các vị đã trụ nơi Thanh văn thừa, Độc giác địa, Vô học địa.

Bấy giờ, Mạng giả A-nan-đà liền bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Pháp bản này có tên là gì? Con lãnh giữ như thế nào?

Phật đáp:

–Này A-nan-đà! Pháp bản này tên là “Nói các pháp không chuyển”, nên giữ lấy tên đó.

Sau khi nghe Phật nói kinh này, Đồng chân Mạn-thù-thi-lợi vui mừng, Đại Bồ-tát Từ Thị, Đại Bồ-tát Sư Tử Du Bộ, Thiên tử Liên Hoa Du Hý Trí Thông, cùng với các Thiên tử và chúng Đại Bồ-tát ấy, các hàng Trời, Người, Càn-thát-bà, A-tu-la,… đều hết sức vui mừng.

Pages: 1 2 3