KINH BẢO VŨ
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Đạt-ma-lưu-chi, người Thiên Trúc.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 6

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được tâm rộng lớn. Những gì là mười?

  1. Phát khởi tâm rộng lớn thế này: “Tôi sẽ tích tập các Ba-lamật-đa bình đẳng.”
  2. Phát khởi tâm rộng lớn thế này: “Tôi sẽ viên mãn tất cả pháp Phật.”
  3. Phát khởi tâm rộng lớn thế này: “Tôi sẽ điều phục tất cả hữu tình.”
  4. Phát khởi tâm rộng lớn thế này: “Tôi sẽ ngồi nơi đạo tràng Bồ-đề chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”
  5. Phát khởi tâm rộng lớn thế này: “Tôi hiện chứng đắc đẳng giác rồi chuyển chánh pháp luân, các Bà-la-môn, trời, ma, phạm và người thế gian tất cả đều không thể cùng tôi chuyển.”
  6. Phát khởi tâm rộng lớn thế này: “Tôi vì lợi ích cho các hữu tình mà qua lại vô lượng, vô biên trong các thế giới, chỉ vì làm việc lợi ích cho các hữu tình ấy.”
  7. Phát khởi tâm rộng lớn thế này: “Tôi sẽ tích tập Bát-nhã dùng làm thuyền bè để đưa tất cả hữu tình qua biển sinh tử đến bờ giác ngộ.”
  8. Phát khởi tâm rộng lớn thế này: “Thấy các hữu tình không có chủ, không nơi quay về, không ai cứu giúp, không người ủng hộ, không có nơi chốn, tôi sẽ vì họ mà làm quyến thuộc, làm người cứu giúp… cho các hữu tình ấy.”
  9. Phát khởi tâm rộng lớn thế này: “Với sự nghiệp tối thắng của Phật, tôi sẽ thị hiện làm những sự nghiệp tối thắng của chư Phật; Đức Phật rống tiếng sư tử, tôi sẽ rống tiếng sư tử lớn; Đức Phật du hóa ở đâu, tôi sẽ du hóa ở đó; bậc Đại long quan sát thế nào, tôi sẽ quan sát thế ấy; những gì tôi đã chứng đắc thì khiến cho chư Thiên ma, Phạm thế, Sa-môn, Bà-la-môn, tất cả thế gian Trời, Người, A-tố-lạc đều cũng được như tôi.”
  10. Phát khởi tâm rộng lớn thế này: “Đức Phật oai đức lớn điều phục hữu tình, tôi sẽ điều phục hữu tình không bằng hành động thô ác, không bằng khổ hạnh vô ích, không bằng hạnh thấp kém.”

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được tâm rộng lớn.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được tâm thanh tịnh. Những gì là mười?

  1. Được ý vui viên mãn, vì tánh ý lạc này bất động, vì thường an trú, vì hư ngụy.
  2. Xa lìa tác ý không như lý, nghĩa tôi sẽ làm Phật rống tiếng sư tử, không bao giờ phát khởi tác ý Thanh văn, chẳng phát khởi tác ý Duyên giác, cũng chẳng phát khởi tác ý hẹp hòi.
  3. Lìa hẳn mọi nhơ bẩn, đó là hay trừ khử những phiền não nhơ bẩn.
  4. Thân lìa hẳn bộ dạng dối trá, nghĩa hay xa lìa tất cả bộ dạng oai nghi dị tướng dối trá.
  5. Lìa hẳn lời nói dối trá, không bao giờ thốt ra những lời nói không chân thật.
  6. Lìa hẳn tâm nghiệp dối trá, nghĩa là thân không tham đắm, lời nói biết đủ, tâm không mong cầu.
  7. đền ân, đối với một phần ân nhỏ mà luôn không quên, huống nữa là ân nhiều lại không nghĩ đền đáp chăng.
  8. Biết ân, đối với người có ân nhất định không quên, cũng không khinh rẻ, thấy người ấy có đức, phát khởi vui mừng khen ngợi tán thán, trừ hạng người không biết xấu hổ trong thế gian.
  9. Nói gì làm nấy, nghĩa là chư Bồ-tát nói ra lời tốt đẹp tương ưng với tâm, tâm thường vắng lặng không ôm hờn kết oán. Tôn trọng người khác không sinh khinh mạn, nói thật lời mà không nói dối trá, không bị sự keo kiệt, ganh ghét, dua nịnh kéo chạy. Bồ-tát không bao giờ khiến cho người khác đánh nhau, cũng chẳng nghĩ cách phá hoại họ, nói nghĩa chân thật tùy sự lợi ích mà ban cho họ.
  10. Đối với những lời dạy của Như Lai không bao giờ phỉ báng, nghĩa là Bồ-tát đã phát tâm Vô thượng Bồ-đề, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, ở trong chánh pháp của Như Lai chánh tín xuất gia. Chẳng phải do sức ép buộc của nhà vua mà xuất gia, chẳng vì giặc cướp ức chế mà xuất gia, chẳng vì nợ mà phương tiện xuất gia, chẳng vì hoảng sợ mà cầu xuất gia, chẳng phải sợ không đủ sống mà xuất gia tà mạng, chỉ vì mong cầu chánh pháp mà đem lòng tin xuất gia. Bồ-tát thường vì cầu tri thức thiện để gần gũi, hầu hạ, lắng nghe chánh pháp, nghe rồi thì theo đó mà tu hành. Lại nữa, Bồ-tát không bị ngã mạn ngăn che vì đã lìa ngã mạn, lại không điên đảo vì nhờ tánh lãnh thọ, chứng đạo thông đạt vì được thông đạt, chứng pháp tánh vì đắc pháp tánh. Chứng pháp tánh rồi chắc chắn sẽ chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó gọi là Bồ-tát đối với giáo pháp của Phật không bao giờ hủy báng.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được tâm thanh tịnh.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì tâm không do dự. Những gì là mười?

  1. Tin sâu thân nghiệp bí mật của Như Lai.
  2. Tin sâu ngữ nghiệp bí mật của Như Lai.
  3. Tin sâu ý nghiệp bí mật của Như Lai.
  4. Tin sâu sự tích tập của Bồ-tát.
  5. Tin sâu Bồ-đề.
  6. Tin Như Lai xuất hiện.
  7. Luôn tin Như Lai diễn thuyết thật tướng nhất thừa.
  8. Tin Như Lai diễn thuyết những loại thật tướng.
  9. Tin tiếng nói sâu xa của Như Lai.
  10. Tin sâu Như Lai về sự rõ biết ý muốn của hữu tình mà điều phục họ.

Thế nào là Bồ-tát tin sâu thân nghiệp bí mật của Như Lai?

Này thiện nam! Nghĩa là các Bồ-tát nghe tánh của Pháp thân Như Lai, tánh thân vắng lặng, tánh thân không gì bằng, vô lượng, bất cộng, kim cang. Bồ-tát suy nghĩ thế này: “Đây là chân thật chẳng phải hư dối.” Bởi vì Bồ-tát này đối với pháp ấy tâm không còn do dự.

Đó gọi là Bồ-tát tin sâu thân nghiệp bí mật của Như Lai.

Thế nào là Bồ-tát tin sâu ngữ nghiệp bí mật của Như Lai? Đó là các Bồ-tát nghe Như Lai vì các hữu tình mà thọ ký ngay hiện tiền hoặc không thọ ký ngay hiện tiền. Bí mật thọ ký rồi, Bồ-tát suy nghĩ thế này: “Lời nói của Như Lai không bao giờ hư dối, không sai lầm, do nhân duyên này mà được lời nói chân thật. Vì sao? Vì Đức Như Lai lìa hẳn tất cả lỗi lầm, lìa hẳn hết thảy mọi bụi nhơ, lìa hẳn tất cả mọi nóng bức, lìa hẳn tất cả mọi phiền não, thường được tự tại, sáng sạch lắng trong không nhơ bẩn. Nếu lời nói của Như Lai còn hư dối, lỗi lầm thì không thể có điều ấy xảy ra, chỉ có điều chân thật này chẳng hề hư dối.” Bồ-tát đối với pháp này không còn do dự. Đó gọi là Bồ-tát tin sâu ngữ nghiệp bí mật của Như Lai.

Thế nào là Bồ-tát tin sâu ý nghiệp bí mật của Như Lai? Nếu các Bồ-tát nghe về bí mật của Như Lai, nghĩa là tất cả pháp nghĩa, ý lạc của Như Lai chỉ ghi nhớ và gìn giữ trong tâm. Tất cả Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác và các hữu tình không thể biết điều đó, chỉ trừ được sự gia trì của Như Lai. Vì sao? Vì ý của Đức Như Lai rất sâu khó mà đo lường, vượt qua sự tính toán đo lường và sở hành đo lường tính đếm. Ý của Như Lai rộng lớn vô lượng giống như hư không, vượt qua tất cả cảnh giới tính toán hư vọng. Bồ-tát tư duy chân chánh như vầy: “Đây là chân thật chẳng phải hư dối.” Vì Bồtát đối với giáo pháp ấy không còn do dự. Đó gọi là Bồ-tát tin sâu ý nghiệp bí mật của Như Lai.

Thế nào là tin sâu sự tích tập của Bồ-tát? Nghĩa là nghe nói các Bồ-tát ngay hiện tiền làm lợi ích cho các hữu tình, việc làm của các hữu tình này Bồ-tát đều có thể làm không bao giờ mỏi mệt cũng không kinh sợ; lại thường gánh vác trọng trách đại nguyện, có thế lực lớn dũng mãnh kiên cố, có khả năng tích tập tất cả các Ba-lamật-đa, lần lượt tích tập hết thảy pháp Phật được trí vô ngại, trí tánh vô biên, trí tánh không gì bằng, trí tánh bất cộng, tinh tấn kiên cố, mặc áo giáp kiên cố, thệ nguyện kiên cố, thệ nguyện bất động, thệ nguyện bất cộng, chỉ vì nhân duyên Vô thượng Bồ-đề. Các Bồ-tát này lần lượt tu tập làm cho tăng trưởng rộng lớn, viên mãn. Bồ-tát tư duy như vầy: “Đây là chân thật chẳng phải là hư dối.” Bồ-tát đối với các pháp ấy không còn do dự. Đó gọi là Bồ-tát tin sâu sự tích tập.

Thế nào là Bồ-tát tin sâu Bồ-đề và Như Lai xuất hiện? Nghĩa là các Bồ-tát tư duy như vầy: “Nghe các Bồ-tát ngồi nơi đạo tràng Bồ-đề không còn tham đắm, không còn chướng ngại, đắc Thiên nhãn trí thông, Thiên nhĩ trí thông, Tha tâm trí thông, Túc trụ tùy miên trí thông, Thần cảnh trí thông, Lậu tận trí thông, Thành tựu trí thù thắng, thấu rõ từng sát-na trong ba đời không còn tham đắm, không còn chướng ngại.” Do nhân duyên ấy mà có thể quan sát khắp các cõi hữu tình: “Loài hữu tình này đã tạo nghiệp ác về thân, loài hữu tình này đã tạo nghiệp ác về miệng, loài hữu tình này đã tạo nghiệp ác về ý. Những loại hữu tình ấy thọ nhận các pháp tà, khởi lên tà kiến phỉ báng bậc Thánh. Do nhân duyên này sau khi qua đời, đọa vào các nẻo ác, sinh trong địa ngục.” Bồ-tát lại quan sát thế này: “Hữu tình này thân tạo nghiệp thiện thành tựu, miệng tạo nghiệp thiện thành tựu, ý tạo nghiệp thiện thành tựu, lãnh thọ chánh pháp, khởi lên chánh kiến không phỉ báng bậc Thánh, do nhân duyên này sau khi qua đời sinh vào các đường lành, được sinh lên cõi trời.” Bồ-tát có khả năng quan sát rõ các cõi hữu tình đã tạo nghiệp thiện, bất thiện như vậy và suy nghĩ thế này: “Về thuở xưa khi ta hành hạnh Bồ-tát có nguyện như vầy: “Nếu tôi giác ngộ thì khiến cho người khác cũng giác ngộ, nguyện của tôi đã được mỹ mãn.” Đây là chân thật chẳng phải là hư dối.” Bồ-tát đối với pháp ấy không còn do dự. Do vậy, Bồ-tát chứng được Bồ-đề gọi là Chánh giác.

Này thiện nam! Đó gọi là Bồ-tát tin sâu Bồ-đề và Như Lai xuất hiện.

Thế nào là Bồ-tát tin Như Lai diễn thuyết thật tướng của Nhất thừa? Nghĩa là Bồ-tát tư duy thế này: “Nghe pháp Nhất thừa của Như Lai, đây là chân thật chẳng phải hư dối, hằng không biến đổi. Vì sao? Vì do từ Nhất thừa mà sinh ra các thừa.”

Này thiện nam! Ví như trong Thiệm-bộ châu có các châu nhỏ, tuy mỗi châu có tên khác nhau nhưng chúng cùng ở trong Thiệm-bộ châu, do đó gọi là Thiệm-bộ châu. Nói về Nhất thừa cũng vậy, do Như Lai thừa mà sinh ra các thừa, tuy các thưà có tên khác nhưng đều nương về Như Lai thừa, cho nên gọi là Nhất thừa. Bồ-tát đối với chánh pháp ấy không còn do dự. Đó gọi là Bồ-tát tin Như Lai diễn thuyết thật tướng của Nhất thừa.

Thế nào là Bồ-tát luôn tin Như Lai diễn thuyết những loại thật tướng? Đó là Bồ-tát tư duy thế này: “Nghe trong kinh của Như Lai có nói về những loại thật tướng tin chắc đây là chân thật chẳng phải hư dối. Vì sao? Vì các Đức Như Lai hay điều phục, nên tùy các hữu tình mà diễn thuyết những loại pháp thù thắng.” Bồ-tát đối với chánh pháp này không còn do dự, đó gọi là Bồ-tát tin Như Lai diễn thuyết những loại thật tướng.

Thế nào là Bồ-tát tin tiếng nói sâu xa của Như Lai? Đó là các Bồ-tát tư duy như vầy: “Nghe ngôn ngữ sâu xa của Như Lai rồi, tin chắc đây là chân thật chẳng phải hư dối. Vì sao? Vì các Thiên tử có căn lành, nhưng ít phước mà còn được âm thanh sâu xa, huống gì là Đức Như Lai vô lượng, vô số trăm ngàn kiếp tích tập diệu hạnh.” Do đó, Bồ-tát đối với pháp ấy không còn do dự, đó gọi là Bồ-tát tin sâu tiếng nói sâu xa của Như Lai.

Thế nào là Bồ-tát tin sâu Như Lai về sự rõ biết ý muốn của hữu tình mà điều phục họ? Đó là các Bồ-tát tư duy thế này: “Nghe Đức Như Lai biết tất cả ý của hữu tình, có những loại tùy miên, những loại thắng giải, dùng một âm thanh thuyết pháp, các chúng sinh tùy theo ý hiểu biết mà đoạn trừ nghi hoặc và được thành thục. Mỗi một hữu tình suy nghĩ thế này: “Như Lai chỉ riêng vì ta mà diễn thuyết diệu pháp, Đức Như Lai đối với việc này thật không có phân biệt: Ta là người diễn thuyết, hữu tình là được giáo hóa” tin chắc đây là chân thật, chẳng phải hư dối.” Bồ-tát đối với pháp ấy không còn do dự, đó gọi là Bồ-tát tin sâu Như Lai về sự rõ biết ý muốn của hữu tình mà điều phục họ.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì tâm không còn do dự.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được trí như biển. Những gì là mười?

  1. Được như chỗ có vật báu.
  2. Rất sâu khó vượt qua.
  3. Rộng lớn vô lượng.
  4. Tùy chỗ sâu dần.
  5. Không dung chứa tử thi phiền não.
  6. Đều cùng một vị.
  7. Dung chứa các dòng nước chảy xiết.
  8. Thủy triều lên xuống đúng lúc.
  9. Nơi nương tựa của những hữu tình to lớn.
  10. Không cùng tận.

Thế nào là Bồ-tát được như chỗ có vật báu?

Này thiện nam! Ví như biển lớn các chỗ có vật báu, người ở Thiệm-bộ châu đến lấy vật báu không bao giờ cạn kiệt. Bồ-tát cũng vậy, có vật báu công đức, tất cả hữu tình lấy công đức báu ấy cũng không bao giờ cạn kiệt.

Thế nào là Bồ-tát rất sâu khó vượt qua?

Này thiện nam! Ví như biển lớn rất sâu khó vượt qua. Bồ-tát cũng vậy, thành tựu trí tuệ sâu như biển lớn, tất cả hữu tình không thể vượt qua.

Thế nào là Bồ-tát rộng lớn vô lượng?

Này thiện nam! Ví như biển cả rộng lớn bao la. Bồ-tát cũng vậy, biển trí tuệ rộng lớn vô biên.

Thế nào là Bồ-tát tùy thuận sâu dần?

Này thiện nam! Ví như biển lớn càng xuống càng sâu. Bồ-tát cũng vậy, biển Nhất thiết trí của Bồ-tát tùy thuận theo pháp tánh càng xuống càng sâu.

Thế nào là Bồ-tát không dung chứa tử thi phiền não?

Này thiện nam! Ví như biển lớn không chứa tử thi. Vì sao? Vì pháp tánh của biển là như thế. Bồ-tát cũng vậy, không ở chung với tử thi phiền não. Vì sao? Vì pháp của Bồ-tát là như thế.

Thế nào là Bồ-tát đều cùng một vị?

Này thiện nam! Ví như biển lớn có các dòng nước chảy mạnh đều tuôn vào đó, tánh của tất cả đều cùng một vị mặn. Bồ-tát cũng vậy, tích tập vô lượng pháp bạch tịnh, cho đến tất cả trí đều cùng một vị Nhất thiết trí.

Thế nào là Bồ-tát dung chứa các dòng nước chảy xiết?

Này thiện nam! Ví như biển lớn dung chứa vô lượng các dòng nước chảy xiết mà không thêm bớt. Bồ-tát cũng vậy, dung chứa vô lượng dòng mưa pháp tuôn chảy mà chẳng thêm bớt.

Thế nào là Bồ-tát như thủy triều lên xuống đúng lúc?

Này thiện nam! Ví như biển lớn, thủy triều lên xuống đúng lúc. Bồ-tát cũng vậy, giáo hóa hữu tình thì tùy theo căn tánh của họ mà giáo hóa đúng lúc.

Thế nào là Bồ-tát làm chỗ nương tựa của những hữu tình to lớn? Ví như biển lớn làm chỗ nương tựa cho những hữu tình to lớn. Bồ-tát cũng vậy, làm nơi nương tựa các pháp bạch tịnh cho tất cả hữu tình.

Thế nào là Bồ-tát không cùng tận?

Này thiện nam! Ví như biển lớn cấp dẫn nước cho các hữu tình, nước ấy chẳng cùng tận. Bồ-tát cũng vậy, thuyết vô lượng pháp môn cho các hữu tình mà chẳng cùng tận.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì trí như biển.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được trí vi diệu thiện xảo. Những gì là mười?

  1. Cầu xuất ly một cách thiện xảo.
  2. Thấu rõ tất cả pháp một cách thiện xảo.
  3. Được ngộ nhập tất cả pháp bình đẳng một cách thiện xảo.
  4. Được ngộ nhập tất cả pháp huyễn tướng một cách thiện xảo.
  5. Biết tất cả pháp một cách thiện xảo.
  6. Được duyên khởi sâu xa khó lường một cách thiện xảo.
  7. Được nghiệp không thể bàn một cách thiện xảo.
  8. Được biết rõ tùy nơi mà nói nghĩa lý một cách thiện xảo.
  9. Được chứng tri nghĩa như thật một cách thiện xảo.
  10. Được chân thật thiện xảo.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát mong cầu xuất ly một cách thiện xảo? Cho đến thế nào là Bồ-tát được chân thật thiện xảo? Nghĩa là Bồ-tát này quan sát như vầy: Tất cả hữu tình ở trong thế gian thường bị tham dục thiêu đốt, sân giận quấy nhiễu mê muội, ngu si đen tối mờ ám. Bồ-tát tư duy thế này: “Các hữu tình này làm sao có thể được xuất ly thiện xảo?” Bồ-tát vì sự mong cầu ấy của họ mà thông đạt các pháp. Do thông đạt nên ngộ nhập tất cả các pháp bình đẳng, do ngộ nhập nên biết rõ các tướng như huyễn, do biết rõ nên biết trọn vẹn như thật tất cả các pháp, do biết trọn vẹn nên tùy thuận tư duy duyên khởi sâu xa, do tư duy nên tùy thuận quán thấy tánh nghiệp không thể bàn. Bồ-tát lại quán như vầy: “Trong các pháp đều không có thật mà nghiệp lại có nhiều loại khác nhau.” Vì thế mà Bồtát lập tức chứng ngộ trí tuệ vi diệu, đến chỗ các Đức Phật và Bồ-tát để nghe pháp chính yếu, liền hiểu ngay nghĩa ấy. Do hiểu nghĩa nên thấy được chân thật, do thấy được chân thật nên có thể ở trong biển sinh tử độ thoát các hữu tình.

Này thiện nam! Đó gọi là Bồ-tát mong cầu xuất ly thiện xảo, cho đến đạt được chân thật thiện xảo.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được trí vi diệu.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được biện tài tương ưng. Những gì là mười?

  1. Ở trong các pháp diễn bày vô ngã.
  2. Không hữu tình.
  3. Không mạng.
  4. Không người nuôi dưỡng.
  5. Không người.
  6. Xa lìa người làm, người nhận.
  7. Xa lìa người biết, người thấy.
  8. Rỗng không, không sở hữu, không có chủ tể.
  9. Hư vọng phân biệt đều rỗng không.
  10. Tất cả các pháp bày ra đều do duyên sinh.

Này thiện nam! Do tất cả các pháp vô ngã, không hữu tình, không mạng, không người nuôi dưỡng, không người, xa lìa người làm người nhận, xa lìa người biết người thấy, rỗng không, không sở hữu, không có chủ tể, hư vọng phân biệt đều rỗng không và tất cả các pháp bày ra đều do duyên sinh; vì thế nên thuận theo pháp tánh.

Này thiện nam! Tất cả nên tùy thuận pháp tánh, không trái với pháp tánh, tương ưng với pháp tánh, ngộ nhập pháp tánh, hiểu rõ pháp tánh; pháp tánh như thế, Đại Bồ-tát đều nên biết tất cả. Đó gọi là ứng hợp biện tài.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì ứng hợp biện tài.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được biện tài giải thoát. Những gì là mười?

  1. Được biện tài không tham đắm.
  2. Được biện tài vô tận.
  3. Được biện tài giác ngộ.
  4. Biện tài không khiếp nhược.
  5. Được biện tài khiêm tốn.
  6. Được biện tài không sợ sệt.
  7. Được biện tài bất cộng.
  8. Được biện tài không khuất phục ai.
  9. Được biện tài vô biên.
  10. Được biện tài vô ngại.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được biện tài giải thoát.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được biện tài thanh tịnh. Những gì là mười?

  1. Biện tài không ngập ngừng.
  2. Biện tài không tạp loạn.
  3. Biện tài không thấp kém.
  4. Biện tài không kiêu ngạo.
  5. Biện tài nghĩa lý không thoái thất.
  6. Biện tài văn tự không thấp kém.
  7. Biện tài phương tiện không thấp kém.
  8. Biện tài đúng lúc không thấp kém.
  9. Biện tài không thô bạo.
  10. Biện tài sáng rõ.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát ở trong chúng hội không còn sợ sệt, nên được biện tài không ngập ngừng; an trú vào trí tuệ nên được biện tài không tạp loạn. Bồ-tát ở trong chúng hội không sợ sệt như sư tử chúa không khiếp không sợ nên được biện tài không thấp kém; không phiền não nên được biện tài không kiêu ngạo.

Này thiện nam! Có phiền não tức là có kiêu ngạo, còn phiền não thì còn kiêu ngạo. Bồ-tát chứng được pháp tánh nên được biện tài nghĩa lý không thoái thất. Này thiện nam! Người chưa chứng được pháp tánh thì đối với nghĩa lý còn thoái thất, người không chứng được thì cũng còn thoái thất. Bồ-tát đối với tất cả ngôn luận không còn run sợ, nên được biện tài văn tự không thấp kém. Thiện nam! Người biết được chút ít ngôn luận nên đối với văn tự còn thoái thất, không biết tất cả ngôn luận thì gọi là thấp kém. Bồ-tát tích tập các phương tiện nên được biện tài phương tiện không thấp kém. Người không thiện xảo thì đối với phương tiện còn bị thoái thất, người có thiện xảo thì không còn thấp kém.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát biết lúc tăng trưởng, biết đúng lúc, biết lúc đầu, giữa, cuối, Bồ-tát chẳng đem trước nói sau, chẳng đem sau nói trước, nói đúng lúc, cho nên được biện tài đúng lúc không thấp kém. Do lìa hẳn những lời nói hý luận nên được biện tài không còn thô lỗ.

Này thiện nam! Do có hý luận nên có thô bạo, không có hý luận nên không thô bạo.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát nào các căn nhạy bén thì được biện tài biết sáng rõ. Người nào có các căn chậm lụt thì không biết sáng rõ, người nào có các căn không nhạy bén thì không sáng rõ.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được biện tài thanh tịnh.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì làm cho tất cả chúng sinh được niềm vui tràn đầy:

  1. Lời nói khả ái.
  2. Miệng luôn mỉm cười không nhăn nhó.
  3. Hay diễn thuyết nghĩa lý.
  4. Hay diễn thuyết pháp.
  5. Hay nói bình đẳng.
  6. Không có cao ngạo.
  7. Không khinh rẻ.
  8. Không nhiễm đắm.
  9. Không sân giận.
  10. Được những loại biện tài.

Này thiện nam! Thế nào là lời nói khả ái? Là Bồ-tát nói những lời luôn khiến cho hữu tình tâm được vui mừng.

Thế nào là miệng luôn mỉm cười? Là nhan sắc Bồ-tát luôn từ hòa hay an ủi khiến cho hữu tình được yên ổn.

Thế nào là hay diễn thuyết nghĩa lý? Là Bồ-tát hay nói những lời hợp với trình độ.

Thế nào là hay diễn thuyết pháp? Là Bồ-tát hễ khi diễn thuyết đều nhằm lợi ích cho hữu tình.

Thế nào là nói bình đẳng? Là Bồ-tát thường dùng tâm bình đẳng trao pháp cho các hữu tình.

Thế nào là không cao ngạo? Là Bồ-tát không còn ngã mạn đối với đồng loại.

Thế nào là Bồ-tát không khinh rẻ? Là Bồ-tát thuyết pháp luôn tôn trọng pháp.

Thế nào là Bồ-tát không nhiễm? Là Bồ-tát đối với giới vô cùng thanh tịnh.

Thế nào là không sân giận? Là Bồ-tát tánh luôn thực hành nhẫn nhục.

Thế nào là được những loại biện tài? Là Bồ-tát nói những lời tốt đẹp làm cho chúng sinh vui mừng.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì làm cho các hữu tình hoan hỷ tràn đầy.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có thể khiến cho các hữu tình lãnh thọ những lời dạy của Bồtát ấy. Những gì là mười

  1. Không thuyết pháp cho người không có khả năng nhận pháp.
  2. Không thuyết pháp cho người sân hận.
  3. Không thuyết pháp cho người tăng thượng mạn.
  4. Không thuyết pháp cho ngoại đạo.
  5. Không thuyết pháp cho người chẳng có lòng kính trọng.
  6. Không thuyết pháp cho người chẳng có tịnh tín.
  7. Không thuyết pháp cho người dối nịnh.
  8. Không thuyết pháp cho người mê đắm mạng sống.
  9. Không thuyết pháp cho người bị ràng buộc theo thói cầu lợi dưỡng, được người khác tôn trọng, ganh tỵ keo kiệt.
  10. Không thuyết pháp cho người đần độn, câm điếc.

Vì sao? Vì Đại Bồ-tát chẳng vì tiếc pháp mà không nói, cũng chẳng vì làm thầy giữ bí mật mà không nói, cũng chẳng vì hữu tình khinh mình, chẳng vì họ vứt bỏ pháp mà chỉ vì họ không có khả năng nhận pháp nên không thuyết pháp cho họ.

Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Những hữu tình nào mà chư Phật, Bồ-tát thuyết pháp cho họ?

Đức Phật bảo:

–Này thiện nam! Các hữu tình nào đầy đủ tín căn, thành thục pháp khí, hầu hạ thờ kính chư Phật, tâm không dua nịnh cũng chẳng hư dối, oai nghi không dối trá, không tham lợi dưỡng, ý lạc tròn đủ, là người đức hạnh tốt, nghe pháp giác ngộ, khéo được bừng tỏ, lợi căn thông tuệ, tùy theo nghĩa lý tuyên thuyết mà liền hiểu rõ. Vì chứng được pháp nên chuyên cần tinh tấn tu tập, nương theo giáo pháp của Như Lai mà tu hành.

Này thiện nam! Những hàng hữu tình như vậy, Phật và Bồ-tát thuyết pháp cho họ.

Thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì khiến cho hữu tình lãnh thọ lời dạy của Bồ-tát ấy.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có thể làm thầy thuyết pháp. Những gì là mười?

  1. Vì chứa nhóm pháp Phật nên có thể diễn thuyết pháp, nhưng pháp Phật không thể thủ đắc, chứa nhóm cũng không thể thủ đắc.
  2. Vì chứa nhóm các Ba-la-mật-đa nên có thể thuyết pháp, nhưng Ba-la-mật-đa không thể thủ đắc, chứa nhóm cũng không thể thủ đắc.
  3. Vì chứa nhóm Bồ-đề nên có thể diễn thuyết pháp, nhưng Bồđề không thể thủ đắc, chứa nhóm cũng không thể thủ đắc.
  4. Vì đoạn trừ phiền não nên có thể diễn thuyết pháp, nhưng phiền não không thể thủ đắc, đoạn trừ cũng không thể thủ đắc.
  5. Nhàm chán tham, lìa tham, diệt tham nên có thể diễn thuyết pháp, nhưng chán lìa trừ diệt tham đều không thể thủ đắc.
  6. Vì được Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn hướng, quả nên có thể diễn thuyết pháp, nhưng Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn hướng, quả đều không thể thủ đắc.
  7. Vì được A-la-hán hướng, quả nên có thể diễn thuyết pháp, nhưng A-la-hán hướng, quả đều không thể thủ đắc.
  8. Vì được Duyên giác hướng, Duyên giác quả nên có thể diễn thuyết pháp, nhưng Duyên giác hướng, quả đều không thể thủ đắc.
  9. Vì đoạn hẳn chấp trước về ngã nên có thể diễn thuyết pháp, nhưng ngã và chấp trước đều không thể thủ đắc.
  10. Vì hiện ra nghiệp và dị thục nên có thể diễn thuyết pháp, nhưng nghiệp và dị thục đều không thể thủ đắc.

Vì sao? Vì các Bồ-tát ấy suy nghĩ thế này: “Do danh tự nên nói có pháp, sự thuyết pháp ấy vốn không thể thủ đắc. Vì sao? Vì pháp chẳng phải văn tự, văn tự chẳng phải pháp, nhưng vì trong pháp tục đế thuận theo thế tục, nên từ trong pháp không danh tự mà đặt ra danh tự, đối với thắng nghĩa đế không có danh tự, danh tự ấy là hư vọng, chỉ mượn bày để dẫn dụ, dìu dắt kẻ ngu nên nói ra lời ấy.”

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này nên có thể làm thầy thuyết pháp.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được tùy pháp tánh hành. Những gì là mười?

  1. Bồ-tát tùy pháp tánh hành nhưng không lìa sắc cũng không lìa thọ, tưởng, hành, thức.
  2. Tùy pháp tánh hành nhưng không lìa Dục giới.
  3. Tùy pháp tánh hành nhưng không lìa Sắc giới.
  4. Tùy pháp tánh hành nhưng không lìa Vô sắc giới.
  5. Tùy pháp tánh hành nhưng không xả bỏ pháp.
  6. Tùy pháp tánh hành nhưng không chấp trước pháp.
  7. Tùy pháp tánh hành nhưng không xả bỏ hữu tình.
  8. Tùy pháp tánh hành nhưng không đoạn kiến.
  9. Tùy pháp tánh hành nhưng không thực hành thường kiến.
  10. Tùy pháp tánh hành nhưng không xả bỏ chánh đạo.

Vì sao? Vì Bồ-tát thành tựu Bát-nhã phương tiện thiện xảo, tuy tùy thuận pháp tánh nhưng đối với sắc… không xả bỏ, không tham đắm, cũng không làm theo.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được tùy pháp tánh hành.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được pháp giới thiện xảo. Những gì là mười?

  1. Có trí tuệ.
  2. Gặp tri thức thiện.
  3. Tu chuyên cần tinh tấn.
  4. Lìa tất cả chướng ngại.
  5. Thanh tịnh vô cùng.
  6. Tôn trọng lời răn dạy.
  7. Tu nhiều tánh không.
  8. Lìa các mạn kiến.
  9. Hướng đến đạo.
  10. Thấy nghĩa chân thật.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có trí tuệ là cầu tri thức thiện, gặp tri thức thiện nên được hoan hỷ vui mừng. Đối với tri thức thiện nghĩ tướng như Phật, nương tựa nơi tri thức thiện, nhờ nương tựa tri thức thiện nên tu hành chuyên cần tinh tấn đoạn hẳn tất cả các pháp bất thiện, viên mãn tất cả pháp lành. Vì tu hành chuyên cần tinh tấn nên diệt trừ tất cả chướng ngại, không còn chướng ngại, chánh đạo mở bày xa lìa lỗi lầm của thân, khẩu, ý. Do lìa chướng ngại nên được thanh tịnh vô cùng, đã thanh tịnh rồi thì tôn trọng lời răn dạy, được răn dạy rồi hay tu hành nhiều tánh không, tu hành nhiều tánh không rồi liền xa lìa ngạo mạn, kiến; xa lìa ngạo mạn, kiến rồi liền được hướng đến chánh đạo. Bồ-tát tụ chánh đạo rồi thì thấy được nghĩa chân thật.

Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Sao gọi là nghĩa chân thật?

Đức Phật bảo:

–Này thiện nam! Nghĩa chân thật tức là tăng thêm lời thật nghĩa. Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Sao gọi là thật nghĩa?

Phật nói:

–Này thiện nam! Điều không hư vọng là thật nghĩa.

Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Sao gọi là không hư vọng?

Phật nói:

–Này thiện nam! Chân như là không hư vọng, không sai khác. Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Sao gọi là chân như?

Phật nói:

–Này thiện nam! Pháp này là từ nội tâm chứng được, không thể dùng văn tự mà diễn tả được. Vì sao? Vì pháp này siêu vượt tất cả văn tự, ngôn thuyết và hý luận, lìa mọi sự ra vào, không còn tính toán và sự tính toán, không tướng, lìa tướng, chẳng phải việc làm của người ngu, xa lìa tất cả các cảnh giới của ma và tất cả cảnh giới phiền não, chẳng phải sở hành của thức, trụ chỗ không trụ, tự tánh vắng lặng, siêu vượt chỗ đi vào của bậc Thánh trí. Do nhân duyên đó nên từ nội tâm chứng được, không bẩn không nhiễm, thanh tịnh vi diệu, trên hết không gì bì kịp, thường hằng bất động, tánh không hoại diệt. Nếu các Đức Như Lai xuất hiện ở đời hoặc không ra đời thì tự tánh pháp giới vẫn thường trụ như vậy.

Này thiện nam! Vì lợi ích, nên các Bồ-tát dũng mãnh tu hành vô lượng khổ hạnh, để chứng pháp tánh này, được pháp tánh rồi an trí cho các hữu tình trụ vào pháp ấy. Thiện nam! Đó gọi là chân như cũng gọi là thật tế, gọi là Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí, gọi là cảnh giới không thể bàn, còn gọi là cảnh giới không hai.

Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Làm thế nào chứng được pháp này? Làm thế nào để từ nội tâm chứng được pháp này?

Phật nói:

–Này thiện nam! Nên dùng Bát-nhã xuất thế gian để tự chứng pháp này.

Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như vậy thì Bát-nhã hiện chứng chính là từ nội tâm chứng chăng?

Phật nói:

–Không phải! Này thiện nam! Bát-nhã như thật quán thấy Pháp thân là nội chứng.

Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Trí tuệ thành tựu do nghe, thành tựu do tư duy, pháp chứng như vậy là nội chứng chăng?

Phật nói:

–Không phải! Hoàn toàn không phải thành tựu trí tuệ chỉ do từ nghe, từ tư duy là nội chứng đâu!

Thiện nam! Vì nhân duyên này, ta sẽ nói ví dụ cho ông: Ví như có người nào đó ở nơi hoang vắng nóng bức, người ấy từ hướng Đông đi đến hướng Tây. Lại có một người từ hướng Tây đi đến hướng Đông, người đó nóng mệt vì khát nước bức bách, nói với người từ hướng Đông đến rằng: “Tôi nay nóng mệt bị khát nước bức bách, xin chỉ đường cho tôi nơi nào có suối nước, rừng cây, ao hồ trong sạch, mát mẻ. Tôi đến đó sẽ không còn nóng bức, khát nước, mỏi mệt nữa.” Người từ hướng Đông đến nói với người từ hướng Tây sang rằng: “Tôi am hiểu đường sá biết nơi có nước, tôi đã qua và từng uống nước. Từ đây ông đi về hướng Đông cách đây không xa, lại có hai đường, bỏ đường bên trái đi theo đường bên phải, nếu thấy núi xanh thì nơi đó có rừng cây, suối trong sạch mát mẻ có thể giải trừ được khát nước và mỏi mệt. Ông có thể đến đó ắt sẽ được dứt trừ nạn nóng bức khát khổ.”

Này thiện nam! Ý ông thế nào? Người bị nóng bức khát khổ kia chỉ nghe tên nước, chỉ nghĩ đến nước liền được dứt trừ cái khổ nóng bức khát nước ấy chăng?

Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Người nóng bức khát nước kia, cần phải nội tâm chứng được nước mát mẻ sau đó mới trừ được cái khổ nóng bức khát nước.

Phật nói:

–Này thiện nam! Đúng vậy! Đúng vậy! Chẳng phải chỉ nghe và tư duy liền có thể chứng được mà phải từ nội tâm chứng được pháp chân như.

Này thiện nam! Nói nơi hoang vắng là chỉ cho sinh tử; nóng khát là chỉ cho tất cả hữu tình ở trong cảnh giới bị phiền não nóng bức khát khổ. Người chỉ đường tức là chư Phật, Bồ-tát tri thức thiện; người nói chính mình đã trải qua và từng uống nước tức là người thông hiểu thiện xảo, bậc có khả năng biết rõ con đường Nhất thiết trí tự nội tâm chứng được pháp tánh thù thắng.

Lại nữa, này thiện nam! Nay ta lại nói ví dụ cho ông hiểu rõ. Giả sử Như Lai trụ ở đời một kiếp vì người nơi Thiệm-bộ châu khen ngợi thức ăn của chư Thiên rất ngọt ngào thơm ngon, thanh tịnh vi diệu, nếu ai nếm vào thì được an lạc. Ý ông thế nào? Những hữu tình ấy nghe lời này rồi liền tự nội tâm biết được mùi vị cam lồ như vậy chăng?

Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Không, bạch Thế Tôn! Người ấy tuy nghe Phật nói cam lồ nhưng hoàn toàn không thể biết được mùi vị của cam lồ.

Phật nói:

–Này thiện nam! Với ví dụ này, ông nên biết như vậy, chẳng phải chỉ nghe, tư duy liền có thể tự nội tâm chứng đắc.

Thiện nam! Ví như có người ăn trái ngon rồi khen ngợi với người chưa ăn quả ấy hương vị đầy đủ. Ý ông thế nào? Người chưa ăn có thể bên trong biết được mùi vị ấy chăng?

Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Không, bạch Thế Tôn!

Phật nói:

–Này thiện nam! Điều ấy cũng như vậy, với ví dụ này ông nên biết như vậy, chẳng phải chỉ nghe, tư duy liền có thể tự nội tâm chứng được.

Đức Phật dạy như vậy rồi, Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu! Ngày nay, Đức Như Lai có thể vì con mà dạy pháp chính yếu này. Nếu có ai được nghe pháp môn này, nên biết người ấy sẽ được chứng đắc. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì thiện nam ấy nhờ pháp này nên chắc chắn sẽ được pháp tánh.

Phật nói:

–Đúng vậy! Đúng vậy! Đã biết nhân rồi thì sẽ được pháp này. Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được pháp giới thiện xảo.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10