KINH BẢO VŨ
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Đạt-ma-lưu-chi, người Thiên Trúc.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì đạt được phương tiện thiện xảo. Những gì là mười?

  1. Đạt được phương tiện thiện xảo hồi hướng.
  2. Phương tiện thiện xảo làm cho các ngoại đạo hướng về.
  3. Phương tiện thiện xảo chuyển bỏ cảnh giới.
  4. Phương tiện thiện xảo dứt trừ những hành động xấu.
  5. Phương tiện thiện xảo cứu giúp hữu tình.
  6. Phương tiện thiện xảo giúp sự sinh sống cho các hữu tình.
  7. Phương tiện thiện xảo được thọ nhận.
  8. Phương tiện thiện xảo xa lìa phi xứ trụ vào thị xứ.
  9. Phương tiện thiện xảo thị hiện, giáo hóa, dẫn dắt, khuyến dụ làm cho chúng sinh được vui mừng.
  10. Phương tiện thiện xảo thờ kính cúng dường.

Thế nào là Bồ-tát đạt được phương tiện thiện xảo hồi hướng? Là chư Bồ-tát đem những loại hoa quả lạ thường, ngày đêm sáu thời dâng cúng chư Phật và các Bồ-tát, đem căn lành này hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ-tát đem những cây hoa lạ thường, cây báu như: cây kiếp-ba, ngày đêm sáu thời cúng dường chư Phật và các Bồ-tát, đem căn lành này hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại nữa, Bồ-tát ở trong tất cả Tố-đát-lãm rộng lớn mà thừa sự cúng dường, Bồ-tát nghe rồi khởi lòng tin ưa thanh tịnh, đem lòng tin này cúng dường tất cả chư Phật và các Bồ-tát. Lại nữa, Bồtát này ở chỗ chư Bồ-tát nơi mười phương và ở chỗ những hữu tình đã tạo những nghiệp thiện thì làm cho tư lương Bồ-đề của họ đều được viên mãn, phát ý vui thích thanh tịnh, hết lòng vui mừng, đem căn lành này hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu Bồtát dùng hương hoa dâng cúng tháp Như Lai và hình tượng Phật, thì

đem căn lành này hồi hướng cho các hữu tình để họ lìa bỏ được cấu uế của sự phá giới, được giới hương của Phật. Bồ-tát lại thường rưới nước quét bùn đất nơi tháp Như Lai, đem căn lành này hồi hướng cho các hữu tình lìa những cử chỉ ác, tu các pháp lành, oai nghi tề chỉnh, đầy đủ. Nếu các Bồ-tát dâng cúng lọng hoa, thì liền đem căn lành này hồi hướng cho các hữu tình khiến họ được lìa bỏ nóng bức. Nếu Bồ-tát ấy vào Tăng-già-lam thì phát tâm như vầy: “Nguyện cho các hữu tình vào thành Niết-bàn.” Khi rời Tăng-già-lam: “Nguyện cho các hữu tình ra khỏi ngục sinh tử.” Nếu như mở cửa phòng: “Nguyện cho các hữu tình mở các cửa thiện hướng đến trí xuất thế.” Nếu đóng cửa thì: “Nguyện cho các hữu tình đóng cửa đường ác.” Bồ-tát khi ngồi: “Nguyện cho các hữu tình đều được ngồi nơi cây Bồ-đề vi diệu.” Bồ-tát khi nằm nghiêng bên phải: “Nguyện cho các hữu tình an trú Niết-bàn.” Bồ-tát khi đứng dậy: “Nguyện cho các hữu tình lìa mọi trói buộc, chướng ngại.” Nếu đi vệ sinh: “Nguyện cho các hữu tình hướng đến con đường đại giác ngộ.” Khi đang vệ sinh: “Nguyện cho các hữu tình nhổ các tên độc.” Lúc rửa sạch: “Nguyện cho các hữu tình tẩy sạch phiền não nhơ bẩn và mọi lỗi lầm.” Khi rửa tay: “Nguyện cho các hữu tình lìa nghiệp uế trược.” Khi rửa chân: “Nguyện cho các hữu tình lìa bụi trần ngăn che.” Khi xỉa răng: “Nguyện cho các hữu tình lìa bỏ cấu uế.” Chính bản thân Bồ-tát đã làm những việc như vậy đều đem hồi hướng cho tất cả hữu tình được lợi ích an lạc. Bồ-tát lễ bái tháp Như Lai: “Nguyện cho các hữu tình thường được chư Thiên và thế gian kính lễ.” Đó gọi là Bồ-tát đạt được phương tiện thiện xảo hồi hướng.

Thế nào là Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo làm cho các ngoại đạo hướng về? Là các Bồ-tát đối với từng ngoại đạo, trong chúng ngoại đạo có thể biến hóa làm hình tướng các ngoại đạo: Giálạc-ca Ba-lợi-phược La-xã-ca, Ni-kiền-đà Phất-đa-la ở trong pháp ấy thọ trì, đọc tụng. Bồ-tát vì muốn cho các hữu tình thành thục, tư duy như vầy: “Trước tiên, ta làm A-giá-lợi-đa (A-xà-lê) thì khiến cho các hữu tình ngạo mạn không thể tùy thuận điều phục.” Do đó, Bồ-tát vào trong pháp ngoại đạo, thị hiện xuất gia làm đệ tử, đã xuất gia rồi dũng mãnh tinh tấn, học rộng nghe hiểu biết thấy pháp ấy, theo họ tu tập vô số các hạnh, đã làm những việc như xin đồ ăn thô uế vượt hơn pháp hạnh oai nghi của các ngoại đạo. Cho nên, Bồ-tát được các ngoại đạo tôn trọng là bậc sư phạm, nên nói ra lời nào thì tất cả đều tin nhận, kính phục, thuận theo. Bồ-tát biết rõ các hữu tình này hướng về mình rồi, liền nói với họ: “Pháp của các ngươi đã học là tà kiến lỗi lầm, chẳng phải chánh giáo. Vì pháp đó không thể nói xa lìa tham dục để chấm dứt chúng.” Do đó ngoại đạo vâng lời giáo hóa của Bồtát mà lìa bỏ tà đạo nhập vào chánh pháp. Bồ-tát lại ở trong tất cả ngoại đạo tu tập ngũ thông, phạm hạnh, tinh tấn thực hành chứng năm thần thông, lại tu tập thành tựu thiền định các Tam-ma-địa, Tam-mabạt-đề, vượt trên năm thần thông sở đắc của ngoại đạo, thông tuệ vượt hơn họ, vì họ mà làm sư phạm. Bồ-tát biết rõ việc giáo hóa cho các ngoại đạo đều thành thục rồi, liền nói cho họ: “Tĩnh lự, các Tamma-địa, Tam-ma-bạt-đề, những thứ lỗi lầm, pháp của các ông đã học chẳng phải là chánh giáo. Vì pháp ấy không nói lìa tham dục, không nói đạo để đối trừ.” Ngoại đạo vâng lời giáo hóa của Bồ-tát lìa bỏ tà đạo mà vào trong pháp Phật. Đó gọi là Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo làm cho ngoại đạo hướng về.

Thế nào là Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo chuyển bỏ cảnh giới? Là Bồ-tát này quán thấy những hữu tình nhiều lòng tham, để điều phục họ liền dùng phương tiện hóa làm người nữ đoan trang tuyệt đẹp hơn những người nữ khác. Hữu tình kia nhìn thấy sinh tâm đắm nhiễm. Bồ-tát biết hữu tình ấy đắm nhiễm như vậy, lập tức ở ngay chỗ nằm ngủ thị hiện qua đời chỉ trong một sát-na, một Mâu-lôlật-đa hiện lên sình rữa hôi thối rất đáng nhờm tởm. Hữu tình thấy thế hết sức hoảng sợ, sinh lòng khổ não thật đáng chán bỏ vô cùng và suy nghĩ: “Ai có thể làm cho tôi rời khỏi nơi ô uế này?”

Bấy giờ, Bồ-tát đến trước hữu tình ấy, tùy căn cơ mà diễn thuyết các pháp, trong ba loại định Bồ-đề có thể chứng một. Đó gọi là Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo chuyển bỏ cảnh giới.

Thế nào là Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo dứt trừ những hành động xấu ác? Là Bồ-tát này thấy các hữu tình tạo tội Vô gián và khởi lên những nghiệp bất thiện mà chẳng có lòng lo lắng ăn năn. Bồ-tát đến chỗ người ấy nói như vầy: “Này thiện nam! Vì sao ông chẳng có lòng lo lắng, ăn năn mà cứ làm như vậy?” Hữu tình ấy đáp: “Thưa Đại sĩ! Tôi đã tạo tội Vô gián và các nghiệp bất thiện sợ mãi mãi chịu những khổ não bởi chẳng lợi ích, không an lạc gì. Do nhân duyên này nên tôi không còn lo lắng, ăn năn.”

Lúc đó, Bồ-tát nói rộng chánh pháp cho hữu tình ấy, khiến họ hết lòng ăn năn lỗi lầm mà thọ giới Bồ-tát. Nếu hữu tình này chưa ăn năn lỗi lầm, muốn làm cho tâm người ấy tin phục, Bồ-tát liền hiện thần thông nói rộng việc suy nghĩ của người ấy. Do thế, hữu tình đối với Bồ-tát sinh lòng tin phục vui mừng tin ưa, sinh tin ưa rồi, căn tánh được thành tựu. Bồ-tát nói rộng diệu pháp cho người ấy, người ấy liền có thể tùy thuận mà lãnh thọ. Bồ-tát lại ở trước người ấy hóa làm cha mẹ, nói thế này: “Ngươi có thể xem đây, ta cũng là người như ngươi vậy, ngươi chớ ăn năn lỗi lầm những nghiệp đã tạo này cuối cùng không đọa vào địa ngục, cũng chẳng giảm mất lợi ích an lạc.” Nói xong, Bồ-tát lập tức sát hại cha mẹ. Ở trước hữu tình, Bồ-tát thị hiện thần thông, hữu tình ấy suy nghĩ: “Người có trí còn giết cha mẹ mà không mất thần thông, huống chi là ta vô trí tạo nghiệp này mà đọa vào địa ngục giảm mất lợi lạc chăng.”

Bấy giờ, Bồ-tát diễn thuyết diệu pháp cho hữu tình ấy, khiến nghiệp ác của người đó dần dần nhẹ như cánh muỗi. Đó gọi là Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo dứt trừ những hành động xấu ác.

Thế nào là Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo cứu giúp hữu tình? Nghĩa là Bồ-tát này quán thấy hữu tình căn khí thành thục thì thuyết pháp cho họ. Hữu tình này gây tạo những nghiệp cực ác, Bồtát muốn làm lợi ích cho hữu tình ấy liền dùng phương tiện hóa ra từng loại hữu tình để điều phục họ: Người cần dùng thân đại vương để điều phục, Bồ-tát liền hiện thân đại vương mà thuyết pháp cho họ. Người cần dùng thân tiểu vương để điều phục, Bồ-tát liền hiện thân tiểu vương mà thuyết pháp cho họ. Người cần dùng thân Bà-la-môn, Sát-đế-lợi để điều phục, Bồ-tát liền hiện thân Bà-la-môn, Sát-đế-lợi mà thuyết pháp cho họ. Người cần dùng thân trời để được điều phục, Bồ-tát liền hiện thân trời mà thuyết pháp cho họ. Người cần dùng thân Chấp kim cang để được điều phục, Bồ-tát liền hiện thân Chấp kim cang mà thuyết pháp cho họ. Người cần dùng sự sợ hãi để được điều phục, Bồ-tát liền tạo ra sự sợ hãi thuyết pháp cho họ. Người cần dùng sự trói buộc, đánh đập, mắng chửi, sát hại để được điều phục, Bồ-tát liền hiện những việc như vậy mà thuyết pháp cho họ. Người cần dùng lời ái ngữ để được điều phục, Bồ-tát liền hiện lời ái ngữ mà thuyết pháp cho họ.

Nếu hữu tình nào khi muốn tạo ra những tội Vô gián, nổi lên ý tổn hại đối với thân của Bồ-tát, Bồ-tát đắc thần thông liền hiện ra những phương tiện như ngăn chận, cấm chế hoặc dời đến nơi khác. Ở trước hữu tình ấy, Bồ-tát lại hiện ra hành vi gây nghiệp Vô gián như họ, thị hiện tướng địa ngục ngăn chận, làm cho nghiệp tội Vô gián mà hữu tình đã gây ra đều ẩn mất. Nếu Bồ-tát chưa đắc thần thông thì giỏi hay quan sát sự sống dài ngắn của những hữu tình kia, thấy họ muốn tạo vô gián, suy nghĩ thế này: “Các hữu tình này sắp gây nên trọng tội mà phát khởi lòng đại Bi thương xót.” Bồ-tát xem họ giống như trái Am la đặt giữa bàn tay, suy nghĩ thế này: “Ta vì lợi ích cho một hữu tình có thể vào địa ngục A-tỳ chịu khổ não lớn thay cho hữu tình này, thậm chí chẳng trụ vào Niết-bàn Vô dư.” Bồ-tát luôn luôn như vậy chẳng còn phương tiện nào khác để có thể ngăn chận. Hữu tình này tạo nghiệp ác rồi, sắp sinh vào địa ngục. Do ta chưa được thần thông tự tại, không có phương tiện để dời những hữu tình ác bất tín thọ mạng ngắn ngủi kia đến nơi khác, sợ hữu tình kia gây nghiệp ác đọa vào địa ngục A-tỳ. Vì thế, Bồ-tát phát khởi lòng thương xót, suy nghĩ: “Các hữu tình mỗi mỗi tùy theo nghiệp của mình chẳng còn phương tiện nào khác để cứu giúp, chỉ khởi lòng từ bình đẳng răn dạy, chỉ bảo, trị phạt họ.” Đó gọi là Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo cứu giúp hữu tình.

Thế nào là Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo giúp sự sinh sống cho các hữu tình? Là các Bồ-tát quán thấy những hữu tình không thể gắng nhận giáo pháp, chỉ cần y thực tự cho là đủ, không thể hiểu biết sự điều phục của Thánh giáo, thì Bồ-tát chỉ dạy cho những hữu tình này toán số, kỹ thuật, văn học, ký chú, những việc như vậy để trở thành pháp thiện không còn pháp ác. Đó gọi là Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo giúp sự sinh sống cho các hữu tình.

Thế nào là Bồ-tát được nhận lấy phương tiện thiện xảo? Là Bồ-tát này được khối châu báu như núi Diệu cao mà chẳng nhận lấy, lại hay nhận những tạp vật đồ thấp kém để sống. Vì sao? Vì Bồ-tát này suy nghĩ như vầy: “Các hữu tình này keo kiệt, ganh tỵ, ham thích, luyến tiếc, cất giấu vật của mình, của người không dám đem ra để mình và cho người khác thọ dụng. Do nhân duyên này nên thường chìm đắm trong biển sinh tử.” Muốn làm cho các hữu tình mãi mãi được lợi ích an lạc, Bồ-tát liền vì đó mà thọ nhận, tuy nhận vật ấy nhưng chẳng khởi tâm tham ái, không nghĩ thuộc về mình mà chỉ nghĩ cúng dường chư Phật, Pháp, Tăng để cho các hữu tình cùng được lợi ích thù thắng và làm lợi ích cho nhiều người bần cùng. Do đó, thí chủ hoan hỷ phát khởi. Đó gọi là Bồ-tát được thọ nhận phương tiện thiện xảo.

Thế nào là Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo xa lìa phi xứ, trụ vào thị xứ? Là chư Bồ-tát quán thấy các hữu tình có thể thọ nhận giáo pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác để chứng Đẳng giác; nhưng hữu tình kia chỉ vì được Thanh văn, Bích-chi-phật thừa mà phát khởi siêng năng tinh cầu tu tập, thì Bồ-tát thuyết pháp cho hữu tình ấy lìa bỏ Nhị thừa, dẫn dắt hướng đến pháp Đại thừa. Đó là Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo xa lìa phi xứ, trụ vào thị xứ.

Thế nào là Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo thị hiện, giáo hóa, dẫn dắt, khuyến dụ làm cho chúng sinh được vui mừng? Nghĩa là Bồ-tát hay làm cho các hữu tình chưa phát tâm Bồ-đề thì phát tâm Bồ-đề, người đã phát tâm Bồ-đề, tuy trì giới nhưng tâm dễ tri túc. Nếu ít tinh tấn nhiều biếng nhác, thì Bồ-tát giáo hóa làm cho họ luôn tinh tấn tu tập. Nếu các hữu tình ít giữ giới mà lại hủy phạm nhiều, là do lòng tin không thanh tịnh, không được hỷ lạc, vì phá giới nên bị cấu uế che lấp tâm trí. Bồ-tát vì hữu tình ấy diễn thuyết những pháp vi diệu làm cho tâm sinh kính tín hoan hỷ phát khởi. Đó gọi là Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo thị hiện, giáo hóa, dẫn dắt, khuyến dụ làm cho chúng sinh được vui mừng.

Thế nào là Bồ-tát được phương tiện thiện xảo thừa sự cúng dường? Là chư Bồ-tát đã được xuất gia, đối với lợi dưỡng biết lượng biết đủ, nhận đồ lợi dưỡng không trái với pháp. Lại nữa, các Bồ-tát ở nơi thanh vắng nhập vào thiền định, tùy thuận chư Phật và hạnh Bồtát và tư duy thế này: “Ta muốn hầu hạ cung kính cúng dường Như Lai.” Nghĩa là Bồ-tát này tùy thuận tư duy rồi liền làm tất cả những việc hầu hạ cung kính cúng dường các Đức Như Lai, được sáu pháp Ba-la-mật-đa thù thắng, tu hành viên mãn.

Thế nào là tu sáu pháp Ba-la-mật-đa các hành viên mãn? Nghĩa là ở trong sự hầu hạ cung kính cúng dường đầy đủ những đồ cần dùng, đó là Bồ-tát Bố thí ba-la-mật. Trong những sự hầu hạ cung kính cúng dường mà phát tâm làm lợi ích cho tất cả hữu tình, đó là Bồ-tát Trì giới ba-la-mật. Trong những sự hầu hạ cung kính cúng dường, tâm thường an trú vui mừng phát khởi, đó là Bồ-tát Nhẫn nhục ba-la-mậtđa. Trong những sự hầu hạ cung kính cúng dường, tâm không mỏi mệt, đó là Bồ-tát Tinh tấn ba-la-mật-đa. Trong những sự hầu hạ cung kính cúng dường luôn một lòng tư duy, đó là Bồ-tát Tĩnh lự ba-lamật-đa. Trong những sự hầu hạ cung kính cúng dường, tâm thường quan sát các thứ sai biệt, đó là Bồ-tát Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đó gọi là Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo thừa sự cúng dường.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát thành tựu mười pháp này nên được phương tiện thiện xảo.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được nguyện viên mãn.

  1. Nguyện không thấp kém.
  2. Nguyện không khiếp nhược.
  3. Nguyện tu hành chuyên cần, vì muốn lợi ích cho tất cả hữu tình.
  4. Phát nguyện được chư Phật Như Lai khen ngợi.
  5. Nguyện khéo có thể điều phục tất cả chúng ma.
  6. Phát nguyện thành tựu chẳng do người khác.
  7. Được nguyện vô biên.
  8. Nguyện không sợ sệt.
  9. Nguyện không mỏi mệt nhàm chán.
  10. Được nguyện viên mãn.

Thế nào là Bồ-tát nguyện không thấp kém? Là Bồ-tát không ưa thích các hữu mà phát nguyện. Đó là Bồ-tát phát nguyện không thấp kém.

Thế nào là Bồ-tát nguyện không khiếp nhược? Nghĩa là Bồ-tát này chẳng nhàm chán ba cõi, chẳng cầu lìa trước sau, chẳng trụ vào tịch diệt mà phát nguyện. Đó gọi là Bồ-tát nguyện không khiếp nhược.

Thế nào là Bồ-tát nguyện tu hành chuyên cần, vì muốn tạo lợi ích cho tất cả hữu tình? Là chư Bồ-tát phát nguyện như vầy: “Nguyện cho tất cả hữu tình đều chứng Niết-bàn Vô dư, sau đó ta mới chứng đại viên tịch.” Đó là Bồ-tát vì muốn tạo lợi ích cho tất cả hữu tình mà nguyện tu hành chuyên cần.

Thế nào là Bồ-tát phát nguyện được các Đức Phật Như Lai khen ngợi? Là Bồ-tát này phát nguyện như vầy: “Nguyện cho các hữu tình, ai chưa phát tâm Bồ-đề nguyện đều phát tâm; ai đã phát tâm rồi, nguyện cho tất cả tu hành hạnh Bồ-đề phần, lần lượt tu hành xong ngồi nơi cây Bồ-đề. Vị ấy chứng ngộ ngồi nơi đạo tràng, tôi sẽ hầu hạ cung kính cúng dường, thỉnh chuyển pháp luân. Nếu vị ấy muốn vào Niết-bàn, tôi sẽ khuyến thỉnh trụ lâu ở đời, vì muốn tạo lợi ích cho hữu tình.” Đó là Bồ-tát phát nguyện được các Đức Phật Như Lai khen ngợi.

Thế nào là Bồ-tát nguyện khéo điều phục tất cả chúng ma? Là Bồ-tát phát nguyện thế này: “Nếu đời vị lai khi ta chứng Đẳng giác, ở trong cõi Phật ấy hoàn toàn không có chúng của các thiên ma, cũng chẳng nghe tên của chúng.” Đó gọi là Bồ-tát nguyện khéo điều phục các chúng ma.

Thế nào là Bồ-tát nguyện thành tựu chẳng do người khác? Là Bồ-tát chẳng vì người khác mới phát nguyện Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà vì trí tuệ của Bồ-tát quán thấy các hữu tình chịu các khổ não. Quán thấy như vậy, vì muốn cứu giúp nên phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó gọi là Bồ-tát nguyện thành tựu chẳng do người khác.

Thế nào là Bồ-tát được nguyện vô biên? Là Bồ-tát này chẳng vì một phần nhỏ tư lương Bồ-đề mà phát nguyện. Bồ-tát này bày áo vai phải, gối phải quỳ sát đất, đem lòng thanh tịnh mà phát nguyện lớn, là vì quán thấy các cõi trong mười phương, hiện tại chư Phật và tất cả Bồ-tát: Có Bồ-tát đang khổ hạnh, hoặc ngồi đạo tràng… Hoặc thấy chư Phật: Có vị chứng Đẳng giác, hoặc Chuyển pháp luân… Quán thấy như vậy rồi phát ý vui thanh tịnh. Những Đức Phật, các Bồ-tát ở trong mười phương ấy, hoặc đang khổ hạnh, hoặc chứng Đẳng giác, hoặc chuyển pháp luân, Bồ-tát đối với những vị ấy đều hết lòng tin vui mừng hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó là Bồ-tát được nguyện vô biên.

Thế nào là Bồ-tát được nguyện không sợ sệt? Là có các Bồ-tát mới phát tâm, nghe pháp sâu xa, nghe oai đức rộng lớn của chư Phật, nghe thần thông diệu dụng của các Bồ-tát, nghe phương tiện thiện xảo uyên thâm. Bồ-tát nghe rồi không khiếp không sợ, suy nghĩ thế này: “Các Đức Như Lai đã chứng Bồ-đề, ở các cảnh giới kia, đã giáo hóa các hữu tình thành thục vô lượng, vô biên, đối với pháp ấy con không thể biết mà các Đức Như Lai đã chứng biết, con nguyện sẽ biết.” Đó là Bồ-tát được nguyện không sợ sệt.

Thế nào là Bồ-tát nguyện không nhàm chán mỏi mệt? Là chư Bồ-tát tuy thấy các hữu tình tâm tánh ngu độn, lại khó điều phục, đối với những các hữu tình này, Bồ-tát trọn chẳng nhàm chán, lìa bỏ. Nếu có Bồ-tát thấy các hữu tình tâm tánh ngu độn, khó điều phục mà sinh tâm nhàm chán mỏi mệt, do nhàm chán mỏi mệt mà từ bỏ các hữu tình, phát nguyện thế này: “Tôi cầu sinh về thế giới thanh tịnh để không còn nghe tên của những hữu tình ác như vậy.” Bồ-tát ấy tuy nguyện như vậy nhưng không bao giờ được, vì từ bỏ hữu tình nên không được thành tựu. Trong sự việc này, đối với Bồtát thông tuệ thì phát tâm thế này: “Tất cả những hữu tình ở trong các thế giới ít tinh tấn thấp kém, lười biếng, ngu độn ngoan cố, đui điếc như dê câm. Những hữu tình như vậy không có duyên với tất cả chư Phật, chư Bồ-tát quan sát bỏ qua và các hữu tình không có pháp Niết-bàn đều bị từ bỏ thì tôi làm cho những hữu tình đó đều được tụ hội về cõi Phật của tôi và khiến cho họ ngồi nơi đạo tràng thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Bồ-tát lúc tư duy phát tâm như thế, trong từng niệm, từng niệm làm cho các cung điện chúng ma thảy đều chấn động, lại được tất cả chư Phật khen ngợi. Bồ-tát như vậy chắc chắn được sinh về cõi Phật thanh tịnh, hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi chứng Đẳng giác. Đó gọi là Bồtát được nguyện không mỏi mệt, nhàm chán.

Thế nào là Bồ-tát được nguyện viên mãn? Là Bồ-tát ngồi nơi đạo tràng hàng phục quân ma, hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi chứng Đẳng Giác. Bồ-tát đã phát nguyện viên mãn, không còn nguyện nào để phát.

Này thiện nam! Ví như dầu, đựng trong tô đầy ắp, dù một lượng rất nhỏ, chỉ một giọt dầu, cũng không thể dung chứa được nữa, cho nên nói là được nguyện viên mãn. Bồ-tát cũng như bát, dầu đầy ắp kia, có thể hướng đến Bồ-đề chứng Đẳng Giác. Tất cả nguyện, Bồ-tát đã nguyện đầy đủ không còn nguyện nào để phát. Đó gọi là Bồ-tát được nguyện viên mãn.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được nguyện viên mãn.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được sức tu viên mãn. Những gì là mười?

  1. Sức tu viên mãn không ai có thể ngăn che.
  2. Thần lực viên mãn không bị bẻ gãy.
  3. Sức phước đức tu tập viên mãn.
  4. Sức Bát-nhã tu hành viên mãn.
  5. Sức quyến thuộc cùng được viên mãn.
  6. Sức thần thông tu tập được viên mãn.
  7. Sức tự tại tu tập được viên mãn.
  8. Sức tổng trì được viên mãn.
  9. Sức thần biến viên mãn không thể thay đổi.
  10. Sức giáo hóa viên mãn không ai trái nghịch.

Này thiện nam! Thế nào là sức tu tập viên mãn không ai có thể ngăn che? Là tất cả ngoại đạo và các dị luận không thể che khuất ánh sáng của Bồ-tát này. Đó gọi là sức tu viên mãn không ai có thể ngăn che.

Thế nào là Bồ-tát được thần lực viên mãn không bị bẻ gãy? Là Bồ-tát này ở trong các loài hữu tình mà không ai có thể bẻ gãy sức của Bồ-tát. Đó gọi là thần lực viên mãn không thể bẻ gãy.

Thế nào là Bồ-tát đối với sức phước đức tu tập viên mãn? Là

Bồ-tát này tu tập tất cả phước đức có trong thế gian và xuất thế gian. Tư lương Bồ-đề, tất cả đều chứa nhóm dù một phần nhỏ cũng được viên mãn. Đó gọi là Bồ-tát đối với sức phước đức tu tập viên mãn.

Thế nào là Bồ-tát đối với sức Bát-nhã tu hành viên mãn? Là Bồ-tát này đối với pháp của chư Phật, dùng Bát-nhã chân chánh quán thấy tất cả pháp ấy, không có pháp nào mà không hiểu biết rõ ràng, chỉ trừ Nhất thiết chủng trí của Như Lai. Đó gọi là Bồ-tát đối với sức Bát-nhã tu hành viên mãn.

Thế nào là Bồ-tát đối với sức quyến thuộc cùng được viên mãn? Là Bồ-tát này có những quyến thuộc đối với giới, kiến, oai nghi, tịnh mạng đều được viên mãn. Quyến thuộc của Bồ-tát đều cùng sở hành của Bồ-tát. Đó gọi là Bồ-tát đối với sức quyến thuộc cùng được viên mãn.

Thế nào là Bồ-tát đối với sức thần thông tu tập được viên mãn? Là sức thần thông của Bồ-tát này thù thắng, vượt hơn cảnh giới thần thông của Nhị thừa và các thế gian. Bồ-tát muốn dùng một đầu sợi lông đặt cả cõi Thiệm-bộ cho đến bốn châu hoặc một ngàn thế giới, hai ngàn, tam thiên đại thiên thế giới đặt ở trên đó. Lại nữa, Bồ-tát muốn ở trong một hạt bụi an trí vô lượng, vô biên cõi, thế giới như vậy hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, hoặc năm, hoặc mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi cho đến không thể thuyết, không thể thuyết căng-già-sa cõi an trí trong một vi trần cực nhỏ mà thể tích vi trần ấy không tăng không giảm. Các thế giới kia an trí trong một vi trần mà không bị chướng ngại nhau, các hữu tình trong đó cũng chẳng quấy nhiễu, bức bách với nhau. Đó là Bồ-tát đối với sức thần thông tu tập được viên mãn.

Thế nào là Bồ-tát đối với sức tự tại tu tập được viên mãn? Nghĩa là ý ước muốn của Bồ-tát này có được bảy báu đầy cả đại thiên thế giới làm nhiều lợi ích cho các hữu tình, thậm chí ước muốn có những thứ báu nhiều không thể thuyết, không thể thuyết cõi đều được đầy đủ. Đó gọi là Bồ-tát đối với sức tự tại tu tập được viên mãn.

Thế nào là Bồ-tát đối với sức tổng trì tu tập được viên mãn? Là Bồ-tát này thậm chí nghe những lời dạy không thể thuyết, không thể thuyết trong vô số cõi Phật của tất cả Đức Như Lai diễn thuyết chánh pháp, câu, nghĩa, tên, lý chẳng đồng. Bồ-tát có thể trong một sát-na, một lạp-phược, một mâu-hô-lật-đa đối với câu, nghĩa, tên, lý đều lãnh thọ, rõ biết và có thể tu tập. Đó gọi là Bồ-tát đối với sức tổng trì được viên mãn.

Thế nào là Bồ-tát đối với sức thần biến viên mãn không ai có thể thay đổi? Là tất cả sức oai thần của Bồ-tát này chỉ có Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác mới làm thay đổi, còn tất cả hữu tình hoàn toàn không thể làm thay đổi sức thần biến của Bồ-tát. Đó gọi là Bồ-tát được sức thần biến viên mãn không ai có thể thay đổi.

Thế nào là Bồ-tát được sức giáo hóa viên mãn không ai trái nghịch? Là những lời dạy của Bồ-tát này chẳng có hai lời, hữu tình thuận theo không trái nghịch, chỉ trừ sự lợi lạc mới dùng phương tiện thiện xảo. Đó gọi là Bồ-tát được sức giáo hóa viên mãn không ai trái nghịch.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được sức tu tập viên mãn.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được trí viên mãn. Những gì là mười?

  1. Đối với Bổ-đặc-già-la (nhân) trí vô ngã được viên mãn.
  2. Đối với pháp trí vô ngã được viên mãn.
  3. Trí không hạn lượng được viên mãn.
  4. Đối với cảnh giới sở hành Tam-ma-địa trí được viên mãn.
  5. Tu tập thần biến trí được viên mãn.
  6. Tu tập trí được viên mãn không bị thâu giữ.
  7. Trí quán thấy sở hành của hữu tình được viên mãn.
  8. Trí vô công dụng được viên mãn.
  9. Trí tu tập các pháp tướng được viên mãn.
  10. Trí xuất thế tu tập được viên mãn.

Thế nào là Bồ-tát đối với Bổ-đặc-già-la trí vô ngã được viên mãn? Là Bồ-tát này tùy theo tướng của các uẩn, quán thấy sự sinh khởi và sự hoại diệt của các uẩn. Bồ-tát chánh quán khi các uẩn sinh khởi, tánh của nó không chắc chắn, sự tác dụng không thật tức là không tánh và Bồ-tát chánh quán khi các uẩn diệt, thể tánh của nó hư hoại. Bồ-tát tư duy như vầy: “Các uẩn hoàn toàn vô ngã, cũng không có hữu tình, không có mạng giả, không có dưỡng dục giả, không có Bổ-đặc-già-la.” Phàm phu dị sinh chấp trước vào ngã phải suy nghĩ như vầy: “Uẩn chẳng phải ta, ta chẳng phải uẩn, nhưng trong các uẩn vọng chấp có ngã, không thể biết rõ pháp chân thật nên bị xoay vần trong sinh tử như bánh xe quay.” Bồ-tát biết rõ các pháp như thật. Đó gọi là Bồ-tát đối với Bổ-đặc-già-la, trí vô ngã được viên mãn.

Thế nào là Bồ-tát đối với pháp, trí vô ngã được viên mãn? Là Bồ-tát biết rõ như thật thể tánh tăng giảm của các pháp. Bồ-tát lại tư duy thế này: “Pháp cùng với danh thay nhau làm khách, chỉ do hư vọng phân biệt mà lập nên pháp và danh tự. Cả hai đều không có tự tánh, do nương vào tâm tưởng. Tùy theo thế tục mà pháp và danh tự thay nhau làm khách, chẳng có thể và dụng. Đó là y tha duyên mà nói có pháp tánh, đều nhờ vào nhiều duyên khác mà sinh khởi.” Bồtát biết rõ như thật tất cả các pháp đều dựa vào các duyên mà sinh khởi, hết duyên thì mất. Đó gọi là Bồ-tát đối với pháp, trí vô ngã được viên mãn.

Thế nào là Bồ-tát đối với trí không hạn lượng được viên mãn? Là trí vô hạn lượng của Bồ-tát này không khởi trong sát-na đầu mà sát-na sau cũng không khởi; không khởi ở phương này mà phương khác cũng không khởi. Bồ-tát dùng trí vô ngại đối với từng sát-na, mọi nơi luôn tiếp nối hằng biến khởi. Đó gọi là Bồ-tát đối với trí vô hạn lượng được viên mãn.

Thế nào là Bồ-tát đối với cảnh giới sở hành Tam-ma-địa trí được viên mãn? Là Bồ-tát này có thể biết rõ tất cả sở đắc Tam-mađịa của Nhị thừa, có thể biết rõ mọi sở đắc Tam-ma-địa của Bồ-tát và có thể biết rõ các Tam-ma-địa của Như Lai. Lại nữa, Bồ-tát này có thể biết rõ sự tu tập trụ Tam-ma-địa và cảnh giới sở hành Tam-mađịa của Nhị thừa; có thể biết rõ sự an trụ Tam-ma-địa và cảnh giới sở hành Tam-ma-địa của Bồ-tát, có thể biết rõ chỗ trụ các Tam-ma-địa và cảnh giới sở hành Tam-ma-địa của Như Lai. Nhờ sức gia trì của Như Lai, nên Bồ-tát này mới có thể biết được Tam-ma-địa của Phật. Nếu Bồ-tát dùng trí thành tựu do quả dị thục của mình thì không thể biết được Tam-ma-địa của Phật, ngoài ra các Tam-ma-địa khác đều biết hết. Đó gọi là Bồ-tát đối với cảnh giới sở hành Tam-ma-địa trí được viên mãn.

Thế nào là Bồ-tát tu tập thần biến trí được viên mãn? Là Bồ-tát có thể biết rõ thần biến của Thanh văn một cách chân chánh, có thể biết rõ thần biến của Duyên giác một cách chân chánh, huống gì là thần biến của những hữu tình mà không biết chăng? Đó gọi là Bồ-tát tu tập thần biến trí được viên mãn.

Thế nào là Bồ-tát tu tập trí được viên mãn không bị thâu giữ? Là Bồ-tát này trí được thành tựu, các ngoại đạo và những ma ác không thể nắm bắt kịp. Đó gọi là Bồ-tát tu tập trí được viên mãn, không bị thâu giữ.

Thế nào là Bồ-tát quán sở hành của hữu tình trí được viên mãn? Là Bồ-tát này dùng trí thanh tịnh quán giới hữu tình, thấy trong đó có người chưa phát tâm Bồ-đề, hoặc đã phát tâm Bồ-đề, hoặc chưa được tâm Bồ-đề, hoặc đã được tâm Bồ-đề, hoặc trụ Địa thứ nhất cho đến Địa thứ mười, hoặc đã chứng Đẳng giác, hoặc đang chứng Đẳng giác chuyển pháp luân, hoặc đã giáo hóa hoàn tất rồi vào Niết-bàn, hoặc có Thanh văn vào Niết-bàn, hoặc có Bích-chi-phật vào Niết-bàn, hoặc có người sinh vào đường thiện, hoặc có kẻ sinh vào nẻo ác, Bồtát đều biết tất cả. Đó gọi là Bồ-tát quán sở hành của các hữu tình trí được viên mãn.

Thế nào là Bồ-tát đối với trí vô công dụng được viên mãn? Là Bồ-tát này đi đứng tới lui, hoặc động, hoặc tịnh bất kỳ lúc nào cũng thường khởi trí vô công dụng (tác dụng tự nhiên), như người ngủ có hơi thở ra hơi thở vào với tác dụng tự nhiên. Nên biết, trí vô công dụng của Bồ-tát cũng lại như vậy, đối với tất cả cảnh, trí khởi lên vô ngại. Đó gọi là Bồ-tát đối với trí vô công dụng được viên mãn.

Thế nào là Bồ-tát tu tập các pháp tướng trí được viên mãn? Là Bồ-tát này biết rõ các pháp đều cùng một tướng, nghĩa là Bồ-tát có thể biết rõ tướng một, tướng không, các tướng huyễn và tướng vọng phân biệt. Đó gọi là Bồ-tát tu tập các pháp tướng trí được viên mãn.

Thế nào là Bồ-tát tu tập trí xuất thế gian được viên mãn? Là Bồ-tát này được trí vô lậu siêu vượt các trí của tất cả thế gian. Đó gọi là Bồ-tát tu tập trí xuất thế gian được viên mãn.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được trí viên mãn.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được như đại địa. Những gì là mười? 1. Rộng lớn vô lượng.

  1. Làm chỗ thọ dụng cho các hữu tình.
  2. Lìa bỏ ân oán.
  3. Có thể đón nhận mưa pháp lớn.
  4. Làm chỗ nương tựa cho các hữu tình.
  5. Làm chỗ nương của những hạt giống lành.
  6. Như đồ báu lớn.
  7. Như đồ đựng thuốc quý.
  8. Không lay động.
  9. Không sợ sệt.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát rộng lớn vô lượng? Giống như đại địa rộng lớn bao la không có biên vực. Bồ-tát cũng vậy, tư lương phước trí của Bồ-tát rộng lớn bao la không có hạn lượng. Đó gọi là Bồ-tát rộng lớn vô lượng.

Thế nào là Bồ-tát làm chỗ thọ dụng cho các hữu tình? Ví như đại địa là những thứ tư cụ để cho các hữu tình thọ dụng. Bồ-tát cũng vậy, gìn giữ những sự bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, Bát-nhã ba-la-mật…, đó là những món tư lương làm chỗ thọ dụng cho các hữu tình. Đó gọi là Bồ-tát làm chỗ thọ dụng cho các hữu tình.

Thế nào là Bồ-tát lìa bỏ ân oán? Này thiện nam! Ví như đại địa là chỗ nuôi dưỡng bình đẳng, không ân, không oán, không giận, không vui và mọi thứ tưởng. Bồ-tát cũng vậy, đối với các hữu tình không có ân, oán, không sinh vui, giận. Đó gọi là Bồ-tát lìa bỏ ân oán.

Thế nào là Bồ-tát có thể đón nhận mưa pháp lớn? Ví như đại địa có thể đón nhận tất cả những trận mưa lớn và chứa đựng hết thảy. Bồ-tát cũng vậy, có thể đón nhận mưa pháp rộng lớn của Như Lai phát ra, dung nạp và gìn giữ tất cả. Đó gọi là Bồ-tát có thể đón nhận mưa pháp lớn.

Thế nào là Bồ-tát làm chỗ nương tựa cho các hữu tình? Ví như đại địa làm chỗ nương cho các hữu tình qua lại. Bồ-tát cũng vậy, bình đẳng làm chỗ nương cho tất cả hữu tình để đưa họ đến con đường thiện hướng tới Niết-bàn. Đó gọi là Bồ-tát làm chỗ nương tựa cho các hữu tình.

Thế nào là Bồ-tát làm chỗ nương của những hạt giống lành? Này thiện nam! Ví như đại địa làm chỗ nương cho những hạt giống. Bồ-tát cũng vậy, làm chỗ nương cho tất cả hạt giống thiện của các hữu tình. Đó gọi là Bồ-tát làm chỗ nương cho những hạt giống lành.

Thế nào là Bồ-tát như đồ báu lớn? Này thiện nam! Ví như đại địa là nơi chứa các vật báu, có thể sinh ra những thứ châu báu. Bồ-tát cũng vậy, có thể sinh ra những thứ công đức báu. Đó gọi là Bồ-tát như đồ báu lớn.

Thế nào là Bồ-tát như đồ đựng thuốc quý? Này thiện nam! Ví như đại địa tất cả loại thuốc đều nương nơi đó mà mọc lên, hay trừ những bệnh tật cho chúng sinh. Cũng vậy, các thuốc pháp lớn đều nương nơi Bồ-tát mà ra, những thuốc pháp ấy hiện ra có thể diệt các bệnh phiền não cho thế gian. Đó gọi là Bồ-tát như đồ đựng thuốc quý.

Thế nào là Bồ-tát không bị lay động? Này thiện nam! Ví như đại địa chẳng phải sức của muỗi mòng… làm khuyết tổn, những ngọn gió thế gian cũng không thể làm lay động. Bồ-tát cũng vậy, chẳng vì những khổ não trong ngoài của hữu tình mà làm cho nghiêng động. Đó gọi là Bồ-tát không bị nghiêng động.

Thế nào là Bồ-tát không sợ sệt? Này thiện nam! Ví như đại địa chẳng có sợ sệt âm thanh của những loài rồng và âm thanh của chúa các loài thú kêu rống. Bồ-tát cũng vậy, nghe tiếng kêu rống của chúng ma và các ngoại đạo chẳng có khiếp sợ. Đó gọi là Bồ-tát không khiếp sợ.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được như đại địa.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10