KINH BẢO VŨ
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Đạt-ma-lưu-chi, người Thiên Trúc.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được như nước. Những gì là mười?

  1. Tùy thuận pháp thiện.
  2. Thường làm cho tất cả pháp sinh trưởng.
  3. Thấm nhuần hoan hỷ, tịnh tín, vui thích.
  4. Khiến cho tất cả phiền não tương tục hư mục.
  5. Tự tánh lắng trong không uế trược.
  6. Dập tắt tất cả phiền não thiêu đốt.
  7. Lìa bỏ tất cả mọi khao khát ái dục.
  8. Sâu xa khó lường.
  9. Chỗ bằng, không bằng đều sung mãn.
  10. Dứt hết tất cả bụi phiền não.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát tùy thuận pháp thiện? Ví như dòng nước lớn trôi chảy hoặc tuôn ra đều hay tùy thuận làm cho cây cỏ thấm nhuần. Bồ-tát cũng vậy, đối với các pháp lành tùy thuận tu hành, tùy thuận lưu truyền, tùy thuận xuất ly. Đó gọi là Bồ-tát tùy thuận pháp thiện.

Thế nào là Bồ-tát hay sinh trưởng các pháp trong lành? Ví như tánh của nước hay sinh ra tất cả cây cỏ rừng rậm, sinh rồi làm cho tăng trưởng. Bồ-tát cũng vậy, dùng nước Tam-ma-địa hay sinh ra tất cả pháp Bồ-đề phần, sinh rồi làm cho tăng trưởng, có thể thành cây Tát phiệt nhã để được tất cả cây trí quả Phật, tất cả pháp trong lành khiến cho các hữu tình thọ dụng. Đó gọi là Bồ-tát hay sinh các pháp trong lành.

Thế nào là Bồ-tát được thấm nhuần hoan hỷ, tịnh tín, vui thích? Ví như nước tự tánh thấm chảy và hay làm cho những vật khác đều thấm nhuần. Bồ-tát cũng vậy, thường giữ lòng tin thanh tịnh, hoan hỷ vui thích tự tánh tươi nhuần và làm cho những hữu tình khác hoan hỷ tịnh tín vui thích. Sao gọi là hoan hỷ? Vì thường mong cầu pháp xuất thế gian. Sao gọi là tịnh tín? Nghĩa là quy y Phật, Pháp, Tăng. Sao gọi là vui thích? Vì tất cả lòng thanh tịnh ấy luôn vui thích. Đó gọi là Bồ-tát thấm nhuần hoan hỷ, tịnh tín, vui thích.

Thế nào là Bồ-tát làm cho tất cả nguồn gốc phiền não dần dần hư mục? Thiện nam! Ví như nước hay làm cho rễ cây cỏ hư mục. Bồtát cũng vậy, nương vào chỗ tu hành dùng nước Tam-ma-địa làm cho tất cả tất cả cội gốc phiền não dần dần hư hoại, đã hư hoại rồi thể tánh phiền não tương tục không thể đắc, phiền não uế ác không còn tái sinh. Đó gọi là Bồ-tát làm cho mọi nguồn gốc phiền não dần dần hư hoại.

Thế nào là Bồ-tát tự tánh lắng trong tinh khiết không uế trược? Giống như nước, thể tánh của nó trong lặng tinh khiết không uế trược. Sao gọi là tự tánh trong lặng? Nghĩa là do xa lìa triền phược, tùy miên. Sao gọi là không uế trược? Nghĩa là hay xa lìa tham, sân, si. Sao gọi là tinh khiết? Nghĩa là hay làm cho các căn được tinh khiết. Đó gọi là Bồ-tát tự tánh trong lặng tinh khiết không uế trược.

Thế nào là Bồ-tát dứt sạch mọi phiền não thiêu đốt? Này thiện nam! Giống như tánh của nước đối với hữu tình nóng bức, khi nóng và ở chỗ nóng đều làm cho hết nóng. Bồ-tát cũng vậy, hay dùng thủy pháp diệt trừ những phiền não thiêu đốt cho hữu tình. Đó gọi là Bồtát dứt sạch mọi phiền não thiêu đốt.

Thế nào là Bồ-tát bỏ tất cả những khao khát về ái dục? Này thiện nam! Giống như hữu tình bị khát nước bức bách, nếu được nước thì liền hết khát. Bồ-tát cũng vậy, đối với những hữu tình bị khát dục làm bức bách, nên sinh các khổ não, Bồ-tát liền vì họ mà mưa đại pháp vũ, hữu tình nhờ vậy mà lìa được cảnh giới khao khát. Đó gọi là Bồ-tát lìa bỏ tất cả những khao khát về ái dục.

Thế nào là Bồ-tát sâu xa khó lường? Này thiện nam! Như nước thâm sâu rất là khó lường. Bồ-tát cũng vậy, thành tựu Bát-nhã viên mãn rất sâu xa, chúng ma và tất cả ngoại đạo không thể đo lường được. Đó gọi là Bồ-tát sâu xa khó lường.

Thế nào là Bồ-tát đối với chỗ bằng và không bằng đều làm cho sung mãn? Này thiện nam! Như thác nước chảy mạnh đối với những chỗ bằng hay không bằng tất cả đều tràn qua. Cũng vậy, thác nước pháp của Bồ-tát tuôn chảy đối với các cõi hữu tình bằng hay không bằng làm cho tất cả đầy đủ. Do Bồ-tát thương xót các hữu tình nên phát khởi thác nước pháp rộng lớn tuôn chảy mà chẳng bức bách, các cõi hữu tình không giống như nước kia. Đó gọi là Bồ-tát đối với chỗ bằng, không bằng đều làm cho sung mãn.

Thế nào là Bồ-tát dứt hết tất cả bụi phiền não? Này thiện nam! Ví như nước hay làm cho những nơi đất cứng rắn đều được mềm mại và làm cho hết bụi bặm. Bồ-tát cũng vậy, dùng trí tuệ nương vào nước Tam-ma-địa làm cho các hữu tình tâm nhiễm cứng cỏi cố chấp đều được nhu hòa dễ điều phục và hay làm cho dứt sạch bụi bặm phiền não. Đó gọi là Bồ-tát dứt sạch mọi bụi trần phiền não.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được ngang bằng như nước.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì ngang bằng như lửa. Những gì là mười?

  1. Hay thiêu đốt các khối phiền não.
  2. Hay thành thục pháp Phật.
  3. Hay làm khô các bùn lầy phiền não.
  4. Như khối lửa lớn.
  5. Như ánh sáng lửa.
  6. Có thể làm cho hoảng sợ.
  7. Hay làm cho an ổn.
  8. Hay làm cho các hữu tình cùng đắc.
  9. Hay khiến cúng dường.
  10. Không bị khinh khi.

Thế nào là hay thiêu đốt các khối phiền não? Này thiện nam! Ví như lửa lớn có thể thiêu đốt tất cả cỏ cây rừng rậm, những khối ô uế. Bồ-tát cũng vậy, dùng lửa trí tuệ có thể thiêu đốt tất cả triền cái, tùy miên, tham, sân, si… và những khối phiền não ác. Đó gọi là Bồ-tát hay thiêu đốt các khối phiền não.

Thế nào là Bồ-tát có thể thành thục Phật pháp? Này thiện nam! Ví như tánh của lửa hay nấu chín tất cả đồ ăn, thức uống, thuốc thang và mọi vật. Bồ-tát cũng vậy, dùng Bát-nhã nội chứng để thành thục Phật pháp mà chẳng thoái thất. Đó gọi là Bồ-tát thành thục Phật pháp.

Thế nào là Bồ-tát hay làm khô các bùn lầy phiền não? Này thiện nam! Ví như lửa lớn hay làm khô bùn lầy. Bồ-tát cũng vậy, hay làm khô cạn tất cả bùn phiền não. Đó gọi là Bồ-tát hay làm khô cạn tất cả bùn phiền não.

Thế nào là Bồ-tát như khối lửa lớn? Này thiện nam! Ví như người bị cực lạnh vô cùng khổ sở, được khối lửa lớn làm cho khỏi lạnh hết khổ. Cũng vậy, nếu có hữu tình nào bị khổ về lạnh phiền não bức bách thì Bồ-tát dùng lửa Bát-nhã làm cho tiêu diệt. Đó gọi là Bồ-tát như khối lửa lớn.

Thế nào là Bồ-tát như ánh sáng lửa? Này thiện nam! Ví như có người ở trên đỉnh núi Tuyết, đỉnh núi Mân-đà-la đốt lên đống lửa lớn, ánh sáng ấy tỏa chiếu rực rỡ khắp cả một du-thiện-na, hoặc hai duthiện-na, hoặc ba du-thiện-na. Bồ-tát cũng vậy, dùng ánh sáng trí tuệ: ánh sáng ấy chiếu rực rỡ khắp cả trăm du-thiện-na, hoặc ngàn du-thiện-na, hoặc trăm ngàn du-thiện-na cho đến vô lượng a-tăng-kỳ xí-da. Trong các thế giới, mọi hữu tình đều nhờ ánh sáng trí tuệ rực rỡ tỏa đến cùng khắp, hữu tình gặp được ánh sáng trí tuệ này liền phá trừ tất cả vô minh đen tối. Đó gọi là Bồ-tát như ánh sáng lửa.

Thế nào là Bồ-tát hay khiến cho hoảng sợ? Này thiện nam! Ví như thú chúa và những ác thú thấy khối lửa lớn liền sinh hoảng sợ, đã hoảng sợ rồi lánh xa nơi này mà đến nơi khác. Tất cả ma vương và các chúng ma cũng lại như vậy, khi thấy Bồ-tát tâm chúng liền sinh sợ hãi, do chúng tự nghĩ oai lực ánh sáng của mình thấp kém mà lánh xa Bồ-tát, đi đến nơi khác, không dám nghe tên của Bồ-tát, huống gì là diện kiến! Đó gọi là Bồ-tát hay khiến cho hoảng sợ.

Thế nào là Bồ-tát hay làm cho an ổn? Này thiện nam! Ví như có người ở nơi đồng hoang đói khát, khốn đốn, hiểm nạn khổ, lạc mất phương hướng bỗng thấy được đống lửa lớn liền đi đến đó, hoặc gặp thôn xóm hoặc nơi chăn bò. Người ấy thấy rồi không còn sợ sệt, tâm được yên ổn. Hữu tình cũng vậy, ở trong đồng hoang sinh tử hiểm nạn đói khát khốn khổ lạc mất đường chánh, khi gặp được Bồ-tát thì xa lìa mọi phiền não hoảng sợ, tâm được an ổn. Đó gọi là Bồ-tát hay làm cho yên ổn.

Thế nào là Bồ-tát hay làm cho tất cả hữu tình cùng đắc? Này thiện nam! Ví như đống lửa có sức ấm áp làm cho tất cả hữu tình cùng được sự ấm áp ấy. Như nhà vua, quyến thuộc của vua và Chiênđà-la cũng đều được sự ấm áp của lửa. Cũng vậy, bao nhiêu ân lực của Bồ-tát, tất cả hữu tình, vua chúa, quyến thuộc của vua và Chiênđà-la đều cùng được ân lực ấy. Đó gọi là Bồ-tát làm cho tất cả hữu tình cùng đắc sự lợi lạc.

Thế nào là Bồ-tát hay khiến cho các loài cúng dường? Này thiện nam! Ví như đống lửa là nơi hay làm cho Bà-la-môn, Sát-đếlợi… thờ lửa ở trong nhân gian, thành ấp, xóm làng cúng dường. Bồtát cũng vậy, được thế gian, hàng Trời, Người, A-tố-lạc… nghĩ tưởng như Phật mà đều cúng dường. Đó gọi là Bồ-tát hay làm cho các loài cúng dường.

Thế nào là Bồ-tát không bị khinh khi? Này thiện nam! Như đóm lửa nhỏ không thể xem thường vì tánh của nó có thể thiêu đốt. Bồ-tát cũng vậy, trụ vào quả vị giải hạnh sơ học của Đại thừa tuy oai lực chưa rộng lớn nhưng tất cả thế gian, hàng Trời, Người, A-tố-lạc… không thể khinh khi. Vì sao? Vì thế gian, Trời, Rồng, Dược-xoa, Kiền-đạt-phược, A-tố-lạc… biết rằng Bồ-tát này chẳng bao lâu sẽ ngồi nơi đạo tràng Bồ-đề thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó gọi là Bồ-tát được sự không bị khinh khi.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được ngang bằng như lửa.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì ngang bằng như gió. Những gì là mười?

  1. Ngang bằng như gió thổi không có xứ sở.
  2. Ngang bằng như chỗ gió thổi.
  3. Có thể chinh phục đỉnh núi ngã mạn của hữu tình.
  4. Có thể khởi lên mây mưa pháp lớn.
  5. Hay diệt trừ tất cả phiền não nóng bức cho các hữu tình.
  6. Hay ban khắp cho tất cả hữu tình tịnh pháp đẳng lưu và hơi thở ra vào của mạng sống thiện xảo.
  7. Hay gìn giữ vô lượng mây mưa đại pháp.
  8. Hay an lập đại pháp tối thắng, tất cả mọi thứ trang nghiêm nơi cung điện.
  9. Hay ở nơi chúng hội quyết định diễn thuyết những pháp vi diệu giống như gió thổi các cây kiếp-ba, hoa vừa ý rụng xuống như mưa.
  10. Trong a-tăng-kỳ kiếp tích tập vô lượng pháp luân thanh tịnh và Tam-ma-địa giải thoát tổng trì, nơi biển lớn núi Tô-mê-lô (núi Tudi), núi Luân vi (núi Thiết vi)… ấy là nơi chúng hội vây quanh, nếu có chúng sinh nào có khả năng điều phục được thành thục thì Bồ-tát phát trí phong luân chuyển diệt sở y tất cả không còn.

Này thiện nam! Thế nào là ngang bằng với gió thổi không có xứ sở? Ví như gió thổi đến mọi nơi mà chẳng có bám víu cũng chẳng có nơi chốn, không nơi nương tựa, chẳng có hình sắc mà luôn hành hoạt tự nhiên. Nghĩa là làm cho tất cả cung điện, nhà cửa, núi Tu-di và các biển… tất cả đều lay động và đều được hoàn thành có thể làm cho người khác thấy. Bồ-tát cũng lại như vậy, hành dụng khắp tất cả xứ mà luôn không dính mắc.

Những gì là tất cả xứ? Là uẩn, giới, xứ. Ẩn trong tất cả pháp là sắc uẩn, tho uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức ẩn. Giới là: nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới; nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới; tỹ giới, hương giới, tỹ thức giới; thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới; thân giới, xúc giới, thân thức giới; ý giới, pháp giới, ý thức giới. Xứ là: nhãn xứ, sắc xứ; nhĩ xứ, thanh xứ; tỷ xứ, hương xứ; thiệt xứ, vị xứ; thân xứ, xúc xứ; ý xứ, pháp xứ. Bồ-tát ở trong thế gian, xuất thế gian, tất cả trời, người giàu sang lẫy lừng. Chuyển luân thánh vương, Thích, Phạm, Hộ thế, trời Đại tự tại và Thanh văn, Duyên giác, các địa Bồ-tát cho đến Nhất thiết trí, ở trong các xứ này Bồ-tát đều không hề dính mắc, lại có thể xa lìa chẳng có, chẳng không, chẳng phải một tánh, chẳng phải tánh khác, chẳng phải tánh chân thật, chẳng phải tánh hư vọng… Sự phân biệt của vô lượng phân biệt, vì chẳng có sở duyên nhưng sở hành của Bồ-tát giải thoát vô ngại. Bồ-tát lại hay thị hiện đến vô lượng, vô biên các thế giới khắp mười phương, hiện làm thân Đế Thích, Phạm vương, Hộ thế… vì muốn làm lợi ích cho tất cả hữu tình mà hành tất cả xứ, trải qua nhiều kiếp, chẳng thể thấy hết do lìa biên tế. Vì thân pháp tánh nên xa lìa sự phân biệt của phân biệt.

Thiện nam! Đó gọi là Bồ-tát ngang bằng với gió thổi không có nơi chốn.

Thiện nam! Thế nào là Bồ-tát ngang bằng với gió thổi rốt ráo bất tận?

Này thiện nam! Như gió thổi thuận chiều đến vô lượng thế giới, có thể thổi mọi vật làm cho mau chóng luân chuyển và mỗi một vật đều có chỗ dụng của nó. Bồ-tát cũng vậy, như gió thổi vào vật làm cho mọi vật mau chóng đi đến tất cả nơi chốn chẳng cùng. Bởi Bồ-tát hay đi đến tất cả chúng hội đạo tràng Như Lai và các chúng hội đạo tràng Bồ-tát. Lại ở trong tất cả cung điện thế gian tuyên dương diễn thuyết an lập cùng khắp, quan sát bao trùm vô lượng các pháp thế tục và pháp thắng nghĩa. Đó gọi là Bồ-tát ngang bằng với gió thổi rốt ráo không cùng tận.

Thiện nam! Thế nào là Bồ-tát có thể chinh phục đỉnh núi ngã mạn của hữu tình? Ví như gió thổi có thể làm cho rừng cây trên đỉnh núi Mạn-đà-la quật ngã gãy đổ rơi rụng. Bồ-tát cũng vậy, như ngọn gió thổi kia có thể làm cho rừng cây ngã mạn, kiêu căng, buông lung của hữu tình ngã gãy, rơi rụng. Điều gì gọi là đỉnh núi ngã mạn? Nghĩa là các hữu tình ỷ mình vốn có hình tướng sắc lực… thọ dụng tự tại sống lâu không bệnh, hay được sự sống: nghề giỏi, đa văn, thông minh trí tuệ, có quyến thuộc thù thắng, lời nói biện tài khiến cho mọi người thích nghe, do đó đam mê, kiêu ngạo, tự khen ngợi. Vì muốn phá sụp ngọn núi ngã mạn của hữu tình, nên Bồ-tát hay thị hiện ra hình tướng sắc lực, thọ dụng mọi việc tối thắng tự tại hơn người kia, nói chánh pháp cho họ để phá sụp ngọn núi cao ngã mạn của các hữu tình ấy để có thể đem tất cả an trí nơi yên lành thanh tịnh. Đó gọi là Bồ-tát có thể chinh phục đỉnh núi ngã mạn của hữu tình.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát hay khởi lên mây mưa pháp lớn? Ví như sức gió cùng khắp bốn phương phát khởi mây lớn, mây đó như vòng tròn có nhiều màu sắc, tiếng sấm rền xa, như âm thanh giữa biển, tuyệt đẹp sáng lạng sâu xa uyển chuyển; lại phát ra những âm nhạc, lời ca có thể làm cho vui lòng; ánh chớp sáng làm óng ánh trang nghiêm rực rỡ. Ngày đêm luôn có mưa lớn tuôn xuống, mưa xuống những thứ báu chảy mãi, tràn khắp cả trăm ngàn câu na-do-tha cõi, làm cho các hữu tình hoan hỷ vui thích, lại làm cho thế gian, tất cả cây cỏ, rừng rậm, lúa má đều được sinh trưởng. Bồ-tát cũng vậy, dùng đại Bi làm gió, phát khởi khắp vô biên thế giới trong mười phương; dùng những loại thân tướng làm mây, phát ra ánh sáng rực rỡ thù thắng, sắc tướng hiện rõ, như chớp sáng óng ánh trang sức thanh tịnh kia. Vì sự ưa thích của hữu tình mà phát ra âm thanh lớn nói pháp chân thật, giống như tiếng sấm rền diệu mầu sâu xa, có sáu vạn loại ngôn từ sai khác; âm thanh này vang tận hư không đến khắp pháp giới tất cả hữu tình. Mưa xuống pháp lớn che chở tất cả hữu tình ở nơi đường ác và những người chịu khổ liên tục đều được lìa khổ; lại giúp đỡ các hữu tình này an trí nơi những thế giới trang nghiêm thanh tịnh, làm cho tất cả đều được vui mừng thù thắng sinh tâm an lạc, giàu sang lẫy lừng, làm cho được những tướng tốt, ánh sáng tròn đầy, ánh sáng đó thanh tịnh rõ ràng chói rực. Lại ở trong tất cả các pháp hội dùng nước mưa pháp rưới lên đảnh hàng trời, người, khiến cho họ được hoan hỷ vui thích hơn hết, thành tựu viên mãn, tất cả các pháp bạch tịnh thế gian và xuất thế gian đều làm cho sinh trưởng. Như mây mưa kia hay làm cho dược thảo rừng rậm, lúa má đều được sinh trưởng. Đó gọi là Bồ-tát hay phát khởi rộng mây mưa pháp lớn.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát hay diệt trừ tất cả phiền não nóng bức cho các hữu tình? Ví như lúc gió thổi vào những đám mây biến khắp, mưa xuống hương thơm thanh tịnh có thể làm mát mẻ diệt trừ tất cả nóng bức cho hữu tình. Bồ-tát cũng vậy, dùng đại Bi làm gió, chánh pháp làm nước, giới hương thanh tịnh và hương đại nguyện để làm lợi ích cho nhiều hữu tình. Nghĩa là khi hữu tình gần gũi đồng cư với Bồ-tát hoặc nghe thuyết pháp, hoặc thấy, hoặc tiếp xúc đều nhờ đó mà được lợi ích. Đó là những đại nguyện của Bồ-tát dùng nước hương hòa hợp vô thượng này có thể làm cho tất cả hữu tình nơi đường ác tham, sân, si, tà kiến, hạnh ác, bần cùng, khốn khổ, những cảnh giới vui thích xa lìa, cảnh giới chẳng vui thích hòa hợp, có thể sinh ra các bệnh, những sự nóng bức như vậy thảy đều tiêu diệt, lại có thể an trí nơi không ưu não. Đó gọi là Bồ-tát hay diệt trừ tất cả phiền não nóng bức cho các hữu tình.

Thế nào là Bồ-tát ban cho tất cả hữu tình tịnh pháp đẳng lưu và hơi thở ra vào của mạng sống thiện xảo? Này thiện nam! Như nhân nơi sức gió mà có hơi thở ra vào, hay duy trì sự sống cho tất cả hữu tình. Bồ-tát cũng vậy, như sức gió kia hay ban cho tất cả pháp bạch tịnh, hay ban cho những sự phú quý đầy đủ, hay làm cho hữu tình đều được hoan hỷ.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như sức gió rộng lớn hay an lập tất cả thế giới trang nghiêm các loại: Nghĩa là gió có thể gìn giữ kim cang luân, cồn bảy báu, biển núi Luân vi, núi Đại luân vi, bờ của bốn đại châu, núi Tu-di, núi Đại Tu-di, ngoài ra núi Bảo, núi Hương, núi Tuyết, cung điện Đế Thích, Thiệm-bộ châu… và tiểu thiên, trung thiên, đại thiên thế giới. Bồ-tát cũng vậy, dùng đại Bi làm gió hay ban cho tất cả hữu tình cùng khắp trong mười phương các khối phước đức, đều làm cho tăng trưởng, an lập, thành tựu. Như dựa vào sức gió mà thành tựu núi Tuyết. Nên biết! Bồ-tát ban cho thế gian ruộng phước cũng vậy. Như gió tạo thành bờ của bốn đại châu, núi Tu-di… Nên biết! Bồ-tát thành tựu Thanh văn cũng vậy. Như gió có thể nắm giữ tiểu thiên thế giới. Nên biết! Bồ-tát có thể thành tựu quả Bíchchi-phật cũng vậy. Như gió thành lập trung thiên thế giới. Nên biết! Bồ-tát thành lập quả Bồ-tát thừa cũng vậy. Như gió thành lập đại thiên thế giới. Nên biết! Bồ-tát cũng thế, thành tựu tướng trăm phước được thân Như Lai siêu vượt tất cả thế gian, tất cả thế giới sâu xa thanh tịnh viên mãn rốt ráo cùng khắp cõi hư không, nghe danh hiệu Phật tất cả đều cúng dường, trong tất cả thời an lập Tam-ma-rị-đa cũng thường trú hiện tiền. Như gió có thể thành tựu nước các biển lớn. Nên biết! Bồ-tát thành tựu biển Tam-ma-địa cũng vậy. Như gió thành lập tiểu, trung, đại châu và các núi… Nên biết! Bồ-tát thành tựu các Đà-la-ni, dùng phương tiện thành thục các chúng đệ tử và tất cả hữu tình cũng vậy. Như gió thành lập cung điện Đế Thích. Nên biết! Bồ-tát có thể làm cho cõi Phật thanh tịnh, công đức trang nghiêm cũng vậy. Như gió có thể tạo thành rừng cây kiếp-ba. Nên biết! Bồtát thành tựu các địa Ba-la-mật-đa và Tam-ma-địa, thần thông tự tại, các Đà-la-ni, sức trí sáng tam minh chứng Đẳng chánh giác, đại Bi vô úy bất cộng, đối với tất cả pháp tự tại tối thắng cũng vậy.

Này thiện nam! Thế nào là tướng trăm phước của chư Phật Thế Tôn? Thiện nam! Ví như mười phương, mỗi phương có hằng hà sa số thế giới, tất cả hữu tình ở trong những cõi ấy, mỗi hữu tình thành tựu khối phước đức gấp mười lần tam thiên đại thiên thế giới khối phước đức của Luân vương. Các hữu tình kia thành tựu từng khối phước đức như vậy, gom lại làm một khối thành số lượng phước đức của một đại Chuyển luân vương. Ở phương Đông này qua khỏi số lượng thế giới đã nói ở trước, lại có số lượng thế giới như trên, tất cả chúng sinh ở trong những thế giới đó, mỗi chúng sinh thành tựu số lượng phước đức như một Đại chuyển luân vương đã nói ở trên. Phương Nam, Tây, Bắc, bốn góc trên dưới cũng lại như thế, cho đến tất cả chúng sinh ở trong các thế giới tận cõi hư không kia, mỗi chúng sinh thành tựu số lượng phước đức của một Đại chuyển luân vương như trước đã nói.

Này thiện nam! Giả sử mười phương, mỗi phương có hằng hà sa số thế giới, tất cả hữu tình ở trong đó, mỗi hữu tình thành tựu khối phước đức gấp mười lần tam thiên đại thiên thế giới khối phước đức của Đế Thích. Các hữu tình ấy thành tựu từng khối phước đức của Đế Thích như vậy, đem tất cả khối phước đức này gom lại thành số lượng phước đức của một Đại Đế Thích. Từ phương Đông này qua khỏi số lượng thế giới đã nói ở trước, tất cả chúng sinh ở trong những thế giới đó, mỗi chúng sinh thành tựu số lượng phước đức như một đại Đế Thích như trên đã nói. Lần lượt phương Nam, Tây, Bắc, bốn góc trên dưới cũng lại như thế; cho đến tất cả chúng sinh ở trong các thế giới tận cõi hư không kia, mỗi chúng sinh thành tựu số lượng phước đức như trước đã nói.

Này thiện nam! Ví như mười phương, mỗi phương có hằng hà sa số thế giới, tất cả hữu tình hiện ở trong những cõi ấy, mỗi hữu tình thành tựu phước đức gấp mười lần tam thiên đại thiên thế giới phước đức của Phạm vương. Các hữu tình kia thành tựu lượng phước đức của Phạm vương như vậy, đem từng khối phước đức này gom lại làm một khối thành số lượng phước đức của một đại Phạm vương. Từ phương Đông này qua khỏi số lượng thế giới đã nói ở trước, lại có số lượng thế giới như trên, tất cả chúng sinh ở trong những thế giới ấy, mỗi chúng sinh thành tựu số lượng phước đức của một đại Phạm vương như trên đã nói. Lần lượt phương Nam, Tây, Bắc, bốn góc trên dưới cũng lại như vậy, cho đến tất cả chúng sinh ở trong các thế giới tận cõi hư không, mỗi chúng sinh thành tựu lượng phước đức của một đại Phạm vương như trên đã nói.

Này thiện nam! Như vậy, đem tính đếm lượng phước đức tất cả chúng sinh thành tựu Thanh văn, Bích-chi-phật trong các thế giới ba đời tận hư không tế như số vi trần chứng đắc mười địa đại trí quang minh pháp vân quán đảnh; thành tựu lượng phước đức mười tự tại chư Đại Bồ-tát cũng như vậy. Này thiện nam! Như vậy, đem cộng chung tính đếm lượng phước đức tất cả chúng sinh thành tựu Thanh văn, Bích-chi-phật trong các thế giới ba đời tận hư không tế như số vi trần, đem bấy nhiêu khối phước đức của tất cả chủng loại hữu tình kia như vậy tích chứa cả trăm lần mới thành tựu khối phước đức trong một lỗ chân lông của Như Lai; đem phước tụ tất cả lỗ chân lông của Như Lai như vậy, tích chứa cả mười a-tăng-xí-da gấp trăm ngàn lần mới thành tựu lượng phước đức của một vẻ đẹp trong tám mươi vẻ đẹp của Như Lai; đem phước đức của tất cả vẻ đẹp, tích chứa cả mười không thể thuyết không thể thuyết lần mới thành tựu hai mươi chín tướng của Như Lai. Như vậy tích chứa cả mười không thể thuyết, không thể thuyết vô số lần mới thành tựu tướng lông trắng giữa chặng mày của Như Lai. Tướng lông trắng đó ánh sáng trang nghiêm thanh tịnh hơn cả nguyệt luân tròn đầy thanh tịnh, lượng đó gấp ngàn lần; tích chứa số đó mười không thể thuyết không thể thuyết ngàn câu-chi lần như vậy mới thành tựu tướng vô kiến đảnh của Như Lai. Tướng vô kiến đảnh là nơi nhục kế trang nghiêm của Như Lai, vượt hơn thế gian, tích chứa mười không thể thuyết không thể thuyết hằng hà sa số trăm ngàn lần trang nghiêm mới thành tựu tướng tiếng Phạm âm của Như Lai. Tiếng Phạm âm của Phật phát ra có sáu vạn phần, tùy ý tự tại có thể nói ra những loại âm thanh ngôn từ hòa nhã tất cả thế gian hết thảy đều nghe, lại làm cho chúng sinh vô cùng hoan hỷ. Thiện nam! Đó gọi là tướng trăm phước của chư Phật.

Này thiện nam! Như Lai đem tư lương phước trí vô tận này

trang nghiêm cùng khắp khiến cho tất cả hữu tình được thọ dụng. Thiện nam! Cho đến mười phương khắp pháp giới tận tánh hư không, tất cả chúng sinh trong các thế giới, tất cả trụ vào Địa thứ mười một Pháp Vân, đều được những loại thù thắng, ba nghiệp được trang nghiêm ở trong mười tự tại luôn được tự tại. Dùng vàng của Thiệm-bộ châu mà làm các đồ vật, những vật báu để trang nghiêm nhiều như hư không, số đó tính cả hằng hà sa. Dùng những đồ đựng báu này đựng lấy khối phước đức trong một lỗ chân lông của Như Lai. Ở trong một sát-na lấy đầy rồi đi, tận vị lai tế lấy đầy rồi đi, mà khối phước đức trong một lỗ chân lông của Như Lai cũng không tăng không giảm.

Này thiện nam! Thân tướng trăm phước của tất cả Như Lai không thể nghĩ bàn. Các Địa là gì? Có mười hai Địa:

  1. Địa chưa phát Bồ-đề tâm.
  2. Địa Cực hỷ.
  3. Địa Ly cấu.
  4. Địa Phát quang.
  5. Địa Diệm tuệ.
  6. Địa Cực nan thắng.
  7. Địa Hiện tiền.
  8. Địa Viễn hành.
  9. Địa Bất động.
  10. Địa Thiện tuệ.
  11. Địa Pháp vân.
  12. Địa Phổ quang minh Phật.

Thế nào là Địa vị phát Bồ-đề tâm? Nghĩa là Bồ-tát này siêu vượt pháp sở hành hoại diệt của tất cả người ngu, siêu vượt tất cả Trời, người, Thích, Phạm, Hộ thế, Thanh văn và Duyên giác trong ba cõi. Vượt hơn mọi thế gian, sở đắc thù thắng, ba nghiệp được trang nghiêm bằng những loại trang nghiêm, viên quang sáng tỏa rực rỡ khắp mười phương vô biên thế giới tất cả thế giới. Do sức tinh tấn chỉ một sát-na ở trong vô số thế giới đến rồi đi không bị chướng ngại; ở trong tất cả thế giới, bốn đại châu, hoa sen hiện khắp làm ánh sáng lớn, lưới báu trang nghiêm dùng để đỡ chân; ở trong ngàn thế giới tòa báu trang nghiêm vô lượng, vô biên, tinh cần tu hành Tỳ-bát-xá-na, có thể hiểu rõ tất cả các pháp, đối với cảnh sở duyên không bị chướng ngại, ý được hỷ lạc có thể hiện mười tướng tốt lành rộng lớn, cho đến hiện ra vô số tướng tốt lành cực đại, được không thoái chuyển; qua lại các phương mà không chướng ngại. Phóng ra lưới ánh sáng lớn không thể nghĩ bàn, có thể trang nghiêm vô lượng cõi Phật, thần biến thiện xảo; ở trong các thế giới không thể thuyết, hay thị hiện làm chủ vô lượng, vô biên thế giới, giống như ảnh thân Phật thân làm chủ, tự tại thừa nhận quán đảnh làm đại thí chủ, có thể dùng tất cả pháp thế gian và xuất thế gian. Mưa xuống vô lượng ánh sáng pháp bảo làm hội cúng tế lớn, như mây cuồn cuộn bao phủ cùng khắp không giới hạn, trang nghiêm rộng lớn, hay khiến cho ai trông thấy cũng đều ưa thích, tùy thuận tất cả thế gian mà làm cho hữu tình ý vui tròn đủ. Bồ-tát lại có thể làm chấn động vô số tất cả thiên hạ, du hành qua lại, thương xót vô biên tất cả hữu tình, nơi các đường ác… lại hay cúng dường vô biên chư Phật. Đối với tất cả pháp môn đều luôn thọ trì; lại đối với vô số các Tam-ma-địa, tổng trì, giải thoát, thần thông trí sáng, thường hay diệu dụng thọ lạc vô biên, không còn mong cầu vườn các pháp lạc. Trong vô lượng, vô biên đại kiếp được vô công dụng, lìa hỷ phân biệt và tăng thêm ánh sáng. Sau đó trải qua vô lượng câu-chi na-do-tha trăm ngàn số kiếp liên hoa, nhập vào Đại thừa tu tập những hạnh lợi tha, thâu nhận tất cả tư lương phước trí xuất ly. Do thuở xưa hành nhân có vô lượng giống nên nay được tăng trưởng trăm ngàn lần, bởi những hạt giống này tăng lên cùng tột nên tin hiểu pháp tánh cũng tăng không khi nào ngừng, đạt được Địa thứ nhất. Đây là Bồ-tát chưa phát tâm Bồ-đề mà chứng tánh địa tâm Bồđề.

Này thiện nam! Ví như Chuyển luân thánh vương được sắc tướng vượt hơn loài người, nhưng không thể vượt hơn sắc tướng tuyệt vời thanh tịnh của chư Thiên được. Bồ-tát cũng vậy, đã được quả vị vượt hơn tất cả thế gian, Thanh văn, Duyên giác, nhưng lại chưa được quả vị Thắng nghĩa của Bồ-tát.

Lại nữa, Địa phổ quang Minh Phật là chứng sự xa lìa ở giữa và hai bên, không còn nhơ bẩn đối với tất cả pháp được tự tại, trong một sát-na quan sát cùng khắp tất cả hữu tình đạt được tướng lợi ích Nhất thiết nghĩa.

Thế nào gọi là các Tam-ma-địa? Là các Bồ-tát chứng Tam-mađịa, Tam-ma-địa có mười:

  1. Tam-ma-địa Dũng xuất bảo.
  2. Tam-ma-địa Thiện trụ.
  3. Tam-ma-địa Bất động.
  4. Tam-ma-địa Bất thoái.
  5. Tam-ma-địa Bảo tích.
  6. Tam-ma-địa Nhật quang.
  7. Tam-ma-địa Nhất thiết nghĩa thành.
  8. Tam-ma-địa Trí cự.
  9. Tam-ma-địa Hiện tại Phật tiền trụ.
  10. Tam-ma-địa Kiện hành.

Các Bồ-tát này chứng Tam-ma-địa vô lượng, vô biên vì những Bồ-tát như vậy làm thượng thủ.

Lại nữa, chư Bồ-tát đắc Đà-la-ni. Đà-la-ni có mười hai loại:

  1. Đà-la-ni Quán đảnh.
  2. Đà-la-ni Hữu trí giả.
  3. Đà-la-ni Âm thanh thanh tịnh.
  4. Đà-la-ni Vô tận ý.
  5. Đà-la-ni Vô biên triền.
  6. Đà-la-ni Hải ấn.
  7. Đà-la-ni Biện phong.
  8. Đà-la-ni Liên hoa trang nghiêm.
  9. Đà-la-ni Nhập vô trước môn.
  10. Đà-la-ni Quyết định nhập vô ngại giải.
  11. Đà-la-ni chư Phật trang nghiêm thần biến.
  12. Đà-la-ni Thành tựu Phật vô biến sắc tướng xuất hiện ở đời.

Những Bồ-tát này chứng Đà-la-ni vô lượng, vô biên, vì những Bồ-tát như vậy làm thượng thủ.

Thế nào là sáu loại thần thông của Bồ-tát?

  1. Thiên nhãn trí thông.
  2. Thiên nhĩ trí thông.
  3. Tha tâm trí thông.
  4. Túc trụ tùy niệm trí thông.
  5. Thần cảnh trí thông.
  6. Lậu tận trí thông.

Thế nào là mười tự tại của Bồ-tát?

  1. Mạng tự tại do thọ mạng này trải qua vô lượng a-tăng-kỳ có thể duy trì khiến cho tồn tại.
  2. Tâm tự tại, do tâm tự tại điều phục phương tiện mà nhập vào các Tam-ma-địa không thể nói luôn được tự tại.
  3. Của cải tự tại, do đó mà thị hiện trang nghiêm tuyệt diệu cho tất cả thế gian.
  4. Nghiệp tự tại, là có thể tùy các nghiệp và quả dị thục mà thị hiện.
  5. Sinh tự tại, là có thể thị hiện thọ sinh về tất cả cảnh giới.
  6. Thắng giải tự tại, là có thể hiện ra thân tướng chư Phật, làm cho mọi thế giới đều thấy đầy đủ.
  7. Nguyện tự tại, là tùy vào đó mà mọi nơi và lúc nào cũng có thể chứng Đẳng giác.
  8. Thần thông tự tại, là ở tất cả thế giới hiện ra vô biên những loại thần biến.
  9. Pháp tự tại, nghĩa là ở trong pháp ấy mà xa lìa pháp môn ở giữa và hai bên, hiển bày sáng rõ.
  10. Trí tự tại, nghĩa là trong một sát-na có thể biết cả mười lực vô úy vô ngại giải thoát, pháp bất cộng của Như Lai và các tướng tốt tùy hình của các Đức Như Lai trong ba đời; lại có thể thị chứng Vô thượng Đẳng giác.

Lại nữa, ở trong một sát-na, Bồ-tát có thể biết rõ khắp tất cả hằng hà sa số cõi của chư Phật ba đời; lại có thể khởi lên Nhất thiết trí thị hiện chứng Đẳng giác, thành tựu đầy đủ các pháp thù thắng.

Đây là Bồ-tát thành tựu mười tự tại.

Thế nào là mười Lực của Bồ-tát?

  1. Sức ý vui.
  2. Sức ý vui tăng thượng.
  3. Sức gia hạnh.
  4. Sức Bát-nhã.
  5. Sức nguyện. 6. Sức tu hành.
  6. Sức chuyên chở.
  7. Sức thần thông.
  8. Sức giác ngộ.
  9. Sức có thể chuyển pháp luân. Đó gọi là mười lực của Bồ-tát.

Thế nào là bốn Vô sở úy của Bồ-tát?

  1. Bồ-tát nghe pháp Đà-la-ni thọ trì, đọc tụng, diễn thuyết nghĩa ấy mà được Vô sở úy.
  2. Do Bồ-tát chứng vô ngã nên không não loạn người khác và không hiện tướng ác, câu sinh không lỗi lầm, gìn giữ oai nghi, ba nghiệp thanh tịnh mà được Vô sở úy.
  3. Bồ-tát dùng Bát-nhã để làm phương tiện khéo thông đạt các pháp làm cho các hữu tình xuất ly, thanh tịnh không bị chướng ngại mà được Vô sở úy.
  4. Bồ-tát không cầu xuất ly nơi thừa khác, tâm chẳng bao giờ quên mất Nhất thiết trí, hay được đầy đủ các loại tự tại, phương tiện lợi ích cho tất cả hữu tình mà được Vô sở úy.

Đó gọi là bốn Vô sở úy của Bồ-tát.

Thế nào là mười tám pháp Bất cộng của Bồ-tát?

  1. Thực hành bố thí không theo người khác bảo.
  2. Trì giới không theo người khác bảo.
  3. Tu nhẫn không theo người khác bảo.
  4. Tinh tấn không theo người khác bảo.
  5. Tĩnh lự không theo người khác bảo.
  6. Bát-nhã không theo người khác bảo.
  7. Hành thâu pháp có thể giúp đỡ tất cả hữu tình.
  8. Hay hồi hướng.
  9. Phương tiện thiện xảo làm chủ tự tại khiến cho tất cả hữu tình có thể chứng Tối thượng thừa theo những sự tu hành của họ.
  10. Không thoái lui Đại thừa.
  11. Giỏi thị hiện nơi sinh tử, Niết-bàn mà vẫn an lạc, lời nói thiện xảo có thể tùy theo thế tục cùng lời mà khác nghĩa.
  12. Trí tuệ là dẫn đầu, tuy hiện tiền khởi lên những sự thọ sinh nhưng không tạo tác, lìa các lỗi lầm.
  13. Thân, khẩu, ý đầy đủ mười nghiệp thiện.
  14. Giúp đỡ các hữu tình luôn luôn không lìa bỏ, thường gắng nhẫn mọi khổ uẩn.
  15. Thường có thể thị hiện sự vui thích cho tất cả thế gian.
  16. Tuy ở trong chúng nhiều khổ não lỗi lầm và ở trong Thanh văn mà chẳng quên mất Nhất thiết trí, tâm như ngọc báu vững chắc, thanh tịnh, trang nghiêm.
  17. Nếu khi thọ quả vị Nhất thiết Pháp vương thì dùng tơ lụa và nước quấn rưới trên đảnh vị ấy.
  18. Thị hiện sự mong cầu, luôn gìn giữ chánh pháp của chư Phật.

Đó là mười tám pháp Bất cộng của Bồ-tát.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10