KINH BẢO VŨ
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Đạt-ma-lưu-chi, người Thiên Trúc.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Này thiện nam! Thế nào là mười Lực của Như Lai?

  1. Sức trí biết rõ thị xứ phi xứ.
  2. Sức trí biết rõ nghiệp nhân dị thục cả quá khứ, hiện tại, vị lai.
  3. Sức trí biết rõ các loại thắng giải.
  4. Sức trí biết rõ từng cảnh giới.
  5. Sức trí biết rõ căn thắng.
  6. Sức trí biết rõ từng nghiệp của các nẻo.
  7. Sức trí biết rõ tất cả tĩnh lự giải thoát, Tam-ma-địa, Tam-mabạt-đề, xuất ly, tạp nhiễm, thanh tịnh.
  8. Sức trí biết rõ mọi sự việc của đời quá khứ theo ý nghĩ.
  9. Sức trí biết rõ sự sinh tử luân hồi.
  10. Sức trí biết rõ mọi tập khí lậu hoặc đã chấm dứt.

Đây là mười sức trí của Như Lai.

Thế nào là bốn Vô sở úy của Như Lai?

  1. Đối với các pháp chứng Đẳng giác không sợ sệt.
  2. Tất cả trí lậu tận không sợ sệt.
  3. Nói pháp chứng đạo không hư dối, quyết định thọ ký không sợ.
  4. Tu hành đầy đủ chứng được đạo xuất ly không sợ. Đó là bốn Vô sở úy của Như Lai.

Thế nào là mười tám pháp Bất cộng của Như Lai?

  1. Như Lai không có lỗi lầm.
  2. Không thốt ra âm thanh hung bạo.
  3. Luôn chánh niệm.
  4. Tâm luôn chánh định.
  5. Không loạn tưởng.
  6. Biết rõ rồi loại trừ.
  7. Muốn độ chúng sinh không giảm.
  8. Tinh tấn không giảm.
  9. Niệm không giảm.
  10. Định không giảm.
  11. Tuệ không giảm.
  12. Giải thoát không giảm.
  13. Có trí tuệ thấy biết về đời quá khứ mà không tham đắm, không ngăn ngại.
  14. Có trí tuệ hiểu biết về đời hiện tại mà không tham đắm, không ngăn ngại.
  15. Có trí tuệ hiểu biết về đời vị lai mà không tham đắm, không ngăn ngại.
  16. Tất cả thân nghiệp đều hành động theo trí tuệ.
  17. Tất cả ngữ nghiệp đều hành động theo trí tuệ.
  18. Tất cả ý nghiệp đều hành động theo trí tuệ. Đó là mười tám pháp Bất cộng của Phật.

Này thiện nam! Thế nào là đại Bi của Như Lai?

Thiện nam! Như Lai thành tựu về đại Bi có ba mươi hai loại, đối với các hữu tình ở trong vô lượng, vô biên tất cả thế giới, trong mười phương khởi lên những loại đại Bi không thể nghĩ bàn.

Thế nào là ba mươi hai loại đại Bi?

  1. Các pháp đều không có ngã, hữu tình nào không tin các pháp vô ngã thì Như Lai vì hữu tình ấy mà khởi đại Bi.
  2. Trong tất cả các pháp không thật có hữu tình, chúng sinh nào cho là hữu tình thật có, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lên đại Bi.
  3. Đối với tất cả các pháp không thật có sinh mạng, hữu tình nào cho sinh mạng thật có, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  4. Đối với tất cả các pháp chẳng có người, hữu tình nào chấp có người, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  5. Đối với tất cả các pháp thể tánh không thật, hữu tình nào cho là các pháp thể tánh là thật, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  6. Tất cả các pháp không thật có nơi chốn, hữu tình nào chấp trước nơi chốn thật có, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  7. Tất cả các pháp không thật có chấp tàng, hữu tình nào vọng chấp chấp tàng thật có, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  8. Tất cả các pháp không có ngã, ngã sở, hữu tình nào chấp thật có ngã, ngã sở, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  9. Tất cả các pháp không có chủ tể, hữu tình nào vọng chấp thật có chủ tể, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  10. Tất cả các pháp không thật có sự vật, hữu tình nào chấp có sự vật, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  11. Các pháp không sinh, hữu tình nào vọng chấp các pháp có sinh, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  12. Tất cả các pháp không khởi không diệt, hữu tình nào vọng chấp có khởi có diệt, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  13. Tất cả các pháp không tạp nhiễm, hữu tình nào vọng chấp có tạp nhiễm, thì Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  14. Tất cả các pháp không tham mà hữu tình khởi tham, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  15. Tất cả các pháp lìa sân mà hữu tình nổi sân, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  16. Tất cả các pháp lìa si mà hữu tình khởi si, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  17. Tất cả các pháp đều do nhân duyên sinh, tự tánh vắng lặng, tự tánh thanh tịnh mà hữu tình vọng chấp có thể thụ đắc, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  18. Tất cả các pháp không đến mà các hữu tình vọng chấp có đến, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  19. Tất cả các pháp chẳng đi mà các hữu tình vọng chấp có đi, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  20. Tất cả các pháp không tạo tác mà hữu tình vọng chấp có tạo tác, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  21. Tất cả các pháp chẳng có hý luận mà hữu tình ưa thích chấp có hý luận, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  22. Bản thể các pháp là rỗng không mà hữu tình chấp có, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  23. Tất cả các pháp vô tướng mà các hữu tình vọng chấp có hành tướng, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  24. Tất cả các pháp vô nguyện mà hữu tình vọng chấp các pháp có nguyện, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  25. Hữu tình cõi này an trú trong thế gian đều do chấp trước mà cùng nhau tranh luận khởi lên tham, sân, si; quán thấy các hữu tình như vậy, ta sẽ thuyết pháp cho họ lìa hẳn tham, sân, si; cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  26. Các hữu tình an trú trong thế gian đủ thứ điên đảo, rơi vào đường ác, đọa nơi đường tà, ta muốn đưa các hữu tình ấy vào con đường chân thật, do vậy Như Lai vì họ mà khởi lòng đại Bi.
  27. Hữu tình cõi này đắm luyến thế gian bị tham ái ngăn che, chiếm đoạt vật của người khác mà lòng không thỏa mãn, ta cần làm cho các loại hữu tình ấy được tài bảo Thánh pháp đó là thí, giới, văn…, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  28. Tất cả hữu tình bị tham ái sai khiến, đam mê nhà cửa, ruộng đất, vợ con, của cải, lúa thóc… mưu tính gìn giữ chúng mà làm tôi tớ cho chúng, ta nên diễn thuyết diệu pháp cho họ, quán về nhà cửa, ruộng đất… tất cả những thứ đó đều vô thường không chắc thật; vì các hữu tình này vọng tưởng là chắc thật, cho nên Như Lai vì các hữu tình ấy mà khởi lòng đại Bi.
  29. Hữu tình cõi này lừa dối nhau, chiếm đoạt qua lại, sinh sống bằng việc ác, ta nên thuyết pháp cho các hữu tình ấy khiến cho họ sinh sống bằng cách thanh tịnh, vì các hữu tình ấy nên Như Lai khởi lòng đại Bi.
  30. Hữu tình cõi này gần gũi bạn ác được những sự lợi ích về cúng dường tán thán…, tự cho rằng: “Bạn tốt chân thật của ta”, ta nên vì tất cả hữu tình ấy mà làm bạn tốt chân thật, làm người bạn tốt trọn vẹn, giúp cho những hữu tình ấy dứt trừ mọi khổ não, được Niết-bàn an vui rốt ráo; do vậy, Như Lai vì các hữu tình này mà khởi lòng đại Bi.
  31. Hữu tình ở trong nhà của ba cõi, triền miên chịu các khổ não bức bách mà lúc nào cũng ưa tham đắm luyến tiếc, ta nên vì họ thuyết pháp như thế, để cho các hữu tình trong ba cõi được thoát ra, vì các hữu tình ấy mà Như Lai khởi lòng đại Bi.
  32. Bậc Thánh giải thoát thuyết pháp thế này: “Tất cả các pháp do nhân duyên sinh, nhờ các duyên nuôi dưỡng nên được tươi tốt; nếu các hữu tình biếng trễ, tức là xả bỏ sự tăng thượng thù thắng, vô nhiễm, chánh trí và Niết-bàn tối thượng.” Các hữu tình này lại mong cầu Thanh văn, Bích-chi-phật thừa thấp kém; ta nên vì họ mà nói pháp như thế để họ ưa thích trí tuệ rộng lớn, mong cầu Phật trí, vì các hữu tình ấy nên Như Lai khởi lòng đại Bi.

Này thiện nam! Đó là sự thành tựu về đại Bi của Như Lai, có ba mươi hai trường hợp đối với hữu tình mà khởi lòng đại Bi, nên biết đó chính là phước điền rộng lớn của Đại Bồ-tát có oai quang rực rỡ, đầy đủ bất thoái, thường làm lợi ích cho tất cả hữu tình.

Này thiện nam! Tất cả Đức Như Lai và chư Bồ-tát được tự tại có công đức vô lượng, vô biên vô số, tướng trăm phước này là hơn hết. Nếu các Đức Như Lai trải qua vô lượng kiếp diễn thuyết như vậy, vô lượng, vô biên tướng các công đức cũng chẳng thể hết. Ta nay lược nói, vì muốn làm cho các hữu tình sinh tâm hỷ lạc. Đó gọi là Bồ-tát giúp đỡ hữu tình, tất cả các pháp đẳng lưu thanh tịnh, hơi thở ra vào mạng sống thiện xảo.

Lại nữa, này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát có thể nắm giữ mây mưa pháp lớn?

Này thiện nam! Ví như phong luân rộng lớn vô biên, biến khắp thế giới, vững chắc chẳng động, vào lúc thành, lúc hoại thường nắm giữ mây mưa. Biển và Đại châu, núi Mục-chân-lân-đà, núi Đại mụcchân-lân-đà, núi Luân vi, núi Đại luân vi, núi Hương…, sông, rừng và cung điện đều nhờ phong luân ấy mà được duy trì. Đại Bồ-tát cũng vậy, dùng vô lượng, vô biên các Đà-la-ni để làm phong luân, phát khởi tất cả mây Chánh đẳng giác. Như vào lúc kiếp thành an lập thế giới, núi Tô-mê-lô, núi Luân vi, núi Đại luân vi, núi Hương, núi Tuyết, biển và đại châu, sông, rừng, cung điện. Lại nữa, Bồ-tát tuôn xuống mây mưa pháp lớn có thể gìn giữ thế gian và xuất thế gian, tướng trăm phước vô lượng pháp uẩn, các địa Ba-la-mật-đa, tất cả Tam-ma-địa, các Đà-la-ni, sức thần thông tự tại, vô ý…, vô ngại giải, bất cộng, đại Bi, để thành tựu quả Bồ-tát và Phật. Đó gọi là Bồ-tát hay nắm giữ mây mưa pháp lớn.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát giỏi an lập các thứ trang nghiêm nơi cung điện tối thắng?

Này thiện nam! Ví như sức gió thổi cùng khắp an trí các thứ trang nghiêm nơi tất cả cung điện, làm cho các mầm cây cỏ sinh trưởng, gốc rễ, cành lá, hoa quả sum suê, lại thường làm cho các hữu tình từng phần khác nhau. Bồ-tát cũng vậy, dùng trí vô biên, trí không tham đắm, trí vô ngại giải, trí biện tài có thể rõ biết, thị hiện, ban cho hữu tình mọi thứ khác nhau. Như gió ban rãi khắp tất cả thế gian và xuất thế gian các vật dụng đầy đủ. Nay ta sẽ lược nói: Bồ-tát có thể biết rõ, đây là các pháp có thể sinh vào đường ác và sinh vào đường thiện, làm chủ cho sự sinh; đây là các pháp sinh vào địa ngục cho đến bàng sinh; đây là các pháp sinh vào cõi ma, hoặc sinh lên cõi trời, cõi người hoặc sinh lên các cõi trời Đế Thích, Phạm Thiên, Hộ thế; đây là các pháp sinh đến những nơi sắc tướng đoan nghiêm, người thấy hoan hỷ, thông minh trí tuệ và quyến thuộc tốt đẹp. Bồ-tát biết rõ một cách hoàn hảo, pháp này đưa đến những nơi tốt đẹp có những loại kỹ năng, những thứ nghề giỏi, tất cả loại hình sắc và các dị luận. Bồ-tát lại có thể chỉ dạy cho người chủng tánh Thanh văn, pháp Thanh văn; người chủng tánh Bích-chi-phật, pháp Bích-chi-phật thừa; người chủng tánh Bồ-tát, pháp Bồ-tát thừa. Nay ta sẽ lược nói, do Bồ-tát phát khởi lên những loại công đức thù thắng tự lợi, lợi tha mà được quả vị Phổ Hiền và Nhất thiết trí. Bồ-tát lại biết rõ đây là các địa, đây là Ba-la-mật-đa, đây là các Tam-ma-địa, đây là các Đàla-ni, đây là thần thông, đây là các minh, đây là tự tại, đây là giải thoát, đây là các lực, đây là vô úy, đây là vô ngại giải, các pháp bất cộng của Phật.

Thiện nam! Bồ-tát dùng vô số hoa sen tổng trì hoàn hảo kiến lập những loại trang nghiêm các pháp vô lượng như vậy. Thiện nam!

Đó gọi là Bồ-tát hay an lập các loại trang nghiêm cho tất cả cung điện đại pháp tối thắng.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát có thể ở nơi chúng hội quyết định diễn thuyết những loại diệu pháp? Giống như gió thổi các cây kiếp-ba lúc nào hoa rơi cũng vừa ý, như mưa rơi xuống?

Thiện nam! Như gió thổi lay động những cây kiếp-ba, hoa vừa ý như mưa rơi xuống và các thứ châu báu trang nghiêm: y phục, đồ ăn, thức uống mọi thứ đều đầy đủ. Gió thổi nhẹ lay động lần lượt hiện ra phổ biến khắp trời, người. Chúng sinh được những thứ ấy không còn buồn bực, tâm sinh vui mừng, được sự vui vẻ tăng lên, thân tâm an lạc, hân hoan vui chơi, thọ pháp tràn đầy an vui, lúc nào sắc tướng cũng đoan nghiêm, oai lực nhanh chóng, thọ những sự an lạc thù thắng chẳng giảm bớt. Bồ-tát cũng vậy, giống như gió kia. Bồ-tát ở nơi thế giới thanh tịnh thỉnh các Đức Phật và chư Bồ-tát trong chúng hội. Bồ-tát ấy quyết định diễn thuyết diệu pháp tương ưng, hoa pháp bảo tuôn ra như mưa rơi xuống, đó là Khế kinh, Ứng tụng, Ký biệt, Phúng tụng, Tự thuyết, Nhân duyên, Thí dụ, Bản sự, Bản sinh, Phương quảng, Hy pháp (vị tằng hữu), Luận nghị: Diễn thuyết các pháp như vậy hoặc cao hoặc thấp, hoặc thuận hoặc nghịch. Lại nữa, Bồ-tát thường thị hiện tất cả lời nói của thế tục, đối với cảnh sở duyên thì nói về vô ngã, pháp tánh vắng lặng thanh tịnh. Bồ-tát diễn thuyết giải thích làm cho hữu tình lìa các tướng nhiễm. Lại nữa, Bồtát thường chỉ bày rõ tất cả các pháp môn bình đẳng, làm cho hữu tình nhập vào pháp môn ấy. Lại thị hiện ra các pháp như huyễn không thể nghĩ bàn, để cho trí như huyễn hướng đến, giúp các hữu tình đều tăng trưởng tất cả pháp, được thần thông diệu dụng vui mừng phấn khởi, chỉ có vấn đáp mà có thể biết đầy đủ, lìa bên trong, bên ngoài phát khởi thần thông rộng lớn thiện xảo. Do họ thường ưa thích giáo Pháp thân không mệt mỏi nhàm chán, khẩu và ý nghiệp chẳng bao giờ vi phạm, được oai đức rộng lớn của tất cả hàng trời, người, thọ dụng tất cả các pháp đầy đủ thường không giảm sút, thường khởi Bát-nhã sáng suốt quan sát hướng đến pháp thù thắng tăng thượng. Đó gọi là Bồ-tát hay ở trong chúng hội quyết định diễn thuyết những loại diệu pháp như cây kiếp-ba lúc nào cũng rơi hoa vừa ý như mưa rơi xuống.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát ở trong a-tăng-kỳ kiếp tích tập vô lượng pháp luân thanh tịnh, Tam-ma-địa, tổng trì giải thoát cho chúng hội như nơi biển lớn vây quanh núi Tô-mê-lô, núi Luân vi, trong đó nếu chúng sinh nào có thể điều phục thành thục thì phát trí phong luân chuyển diệt chỗ không còn gì cả?

Này thiện nam! Ví như lúc kiếp tận, thế giới hư hoại, do sức gió vô ngại thổi mạnh phá hoại cả tam thiên đại thiên thế giới, trăm ngàn na-do-tha núi Tô-mê-lô, núi Luân vi… và biển lớn đều bị phá hoại ly tán, giống như hư không chẳng còn gì cả. Bồ-tát cũng vậy, trong nhiều kiếp tích tập những loại phước trí để làm hành trang trang nghiêm, có thể ở trong chúng hội phát trí phong luân, dùng thần lực mạnh mẽ thị hiện thần biến phát ra âm thanh lớn nói các pháp uẩn, pháp luân vô ngại làm cho đỉnh núi ngã mạn của tất cả hữu tình đều bị tiêu diệt. Bồ-tát lại có thể chứng đắc pháp quang minh thù thắng, Tỳ-bà-xá-na, luôn hiện tiền, tư duy như lý, tất cả các hành trong tâm chánh định, Tam-ma-rị-đa, các Tam-ma-địa đều được đầy đủ; phá hoại ly tán các uẩn, giới, xứ; thân của tất cả các hành không vững chắc. Biết rõ tất cả phân biệt đều hư vọng, Bồ-tát liền có thể vượt qua tất cả thế gian không có sắc tướng chẳng thể nghĩ bàn, phước đức xuất thế tăng trưởng viên mãn. Bồ-tát lại có thể hiện ra mọi sắc tướng, biết rõ chuyển được sở y thanh tịnh, trong mọi lúc tận đời vị lai. Đó gọi là Bồ-tát trong a-tăng-kỳ kiếp tích tập vô lượng pháp luân thanh tịnh và Tam-ma-địa, tổng trì giải thoát cho chúng hội như biển lớn vây quanh núi Tô-mê-lô, núi Luân vi. Trong đó, nếu có chúng sinh nào có thể điều phục thành thục thì phát trí phong luân chuyển diệt sở ý không còn gì cả.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì ngang bằng như gió.

Lúc ấy, Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn nói mười pháp môn này mọi thứ đầy đủ rất là hy hữu. Tất cả hữu tình đều được hoan hỷ.

Bạch Thế Tôn! Nếu có hàng trời, người đối với pháp này hay khởi lòng tịnh tín quyết định tu hành như lời Thế Tôn dạy, thì đời này và đời sau sẽ được đầy đủ tất cả sự an lạc của Phạm vương, Đế Thích, luôn làm lợi ích cho người khác chăng?

Phật bảo Bồ-tát Chỉ Cái:

–Đúng vậy! Đúng vậy! Ta quán thấy hữu tình ấy sẽ được vượt qua tất cả thế gian, nếu có thể đối với các pháp này mà tu hành, thì dứt hẳn tất cả các pháp bất thiện, thành tựu tất cả pháp thiện thanh tịnh, làm chỗ quy y cho thế gian. Nếu ai phỉ báng, đó gọi là người ngu đọa vào nơi ác chịu các khổ não, bị tất cả thế gian Trời, Người, A-tố-lạc khinh khi.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì ngang bằng với hư không. Những gì là mười?

  1. Lìa được nhơ bẩn.
  2. Không còn tham đắm.
  3. Thường được vắng lặng.
  4. Chứng được Bát-nhã vô biên.
  5. Được trí vô biên.
  6. Đối với pháp giới bình đẳng thường tùy thuận tu hành.
  7. Được tịnh tín thắng giải tất cả các pháp như hư không.
  8. Vô sở trụ.
  9. Siêu vượt các hành.
  10. Vượt qua sự đo lường.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì ngang bằng với hư không.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì ngang bằng với hư không. Những gì là mười?

  1. Đối với sắc đáng ưa hay không đáng ưa mà không tham, không sân.
  2. Đối với âm thanh đáng ưa hay không đáng ưa mà không tham, không sân.
  3. Đối với hương đáng ưa hay không đáng ưa mà không tham, không sân.
  4. Đối với mùi vị đáng ưa hay không đáng ưa mà không tham, không sân.
  5. Đối với sự xúc chạm đáng ưa hay không đáng ưa mà không tham, không sân.
  6. Đối với pháp đáng ưa hay không đáng ưa mà không tham, không sân.
  7. Đối với thịnh, suy mà không tham, không sân. 8. Đối với khen, chê mà không tham, không sân.
  8. Đối với sự ca ngợi, giễu cợt mà không tham, không sân.
  9. Đối với khổ, vui mà không tham, không sân.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì ngang bằng với hư không.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì ngang bằng với mặt trăng. Những gì là mười?

  1. Hay làm cho tất cả hữu tình thân được vui mừng.
  2. Hoan hỷ khi thấy.
  3. Tăng trưởng các pháp bạch tịnh.
  4. Hay dứt trừ các pháp tối tăm.
  5. Làm cho khen ngợi.
  6. Thân được thanh tịnh.
  7. Được tối thượng thừa.
  8. Thường được trang nghiêm.
  9. Được pháp ưa thích.
  10. Được oai thần lớn và oai đức lớn.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát hay làm cho tất cả hữu tình thân được vui mừng?

Thiện nam! Như mặt trăng mọc hay làm mát mẻ, tánh đáng ưa thích, làm cho các hữu tình thân được vui mừng. Bồ-tát cũng vậy, xuất hiện ở đời hay trừ tất cả nóng bức cho hữu tình, tánh đáng ưa thích, khiến cho các hữu tình thân được vui mừng.

Thế nào là Bồ-tát làm cho hoan hỷ khi thấy?

Này thiện nam! Như mặt trăng mọc, màu sắc ánh sáng tươi khiết, làm cho các hữu tình thấy được hoan hỷ vui mừng. Bồ-tát cũng vậy, xuất hiện làm cho các căn vắng lặng đầy đủ oai nghi công đức thanh tịnh, làm cho tất cả hữu tình thấy được hoan hỷ vui mừng.

Thế nào là Bồ-tát tăng trưởng các pháp bạch tịnh?

Này thiện nam! Ví như tháng có trăng, mỗi ngày trăng sáng dần

cho đến tròn đầy, các loại màu sắc, ánh sáng đều được đầy đủ. Bồ-tát cũng vậy, khi mới phát tâm cho đến ngồi nơi đạo tràng Bồ-đề, các pháp bạch tịnh dần dần tăng trưởng cho đến viên mãn Nhất thiết chủng trí.

Thế nào là Bồ-tát hay dứt trừ các pháp tối tăm?

Này thiện nam! Ví như tháng không có trăng, tất cả màu sắc ánh sáng mỗi ngày giảm bớt cho đến ngày thứ mười lăm, các sắc tướng của ánh sáng đều không thể thấy. Bồ-tát cũng vậy, chứng được trí xuất thế, các pháp bất thiện dần dần diệt trừ cho đến ngồi nơi đạo tràng Bồ-đề tất cả không còn.

Thế nào là Bồ-tát hay làm cho mọi người khen ngợi?

Này thiện nam! Như mặt trăng mọc hay làm cho nhân gian nơi thành ấp, xóm làng những Sát-đế-lợi, Bà-la-môn… người nam, người nữ thảy đều khen ngợi. Bồ-tát cũng vậy, như mặt trăng mọc làm cho tất cả thế gian Trời, Người, A-tố-lạc, Kiền-đạt-phược… thảy đều khen ngợi.

Thế nào là Bồ-tát thân được thanh tịnh?

Này thiện nam! Như Nguyệt Thiên tử nghiệp quả thành tựu được thân thanh tịnh, sắc quang sáng tỏa. Bồ-tát cũng vậy, xuất hiện ở đời chứng được pháp tánh, từ pháp hóa sinh, không sinh từ bào thai bất tịnh của cha mẹ, thân được thanh tịnh sắc quang sáng sủa.

Thế nào là Bồ-tát được thừa tối thượng?

Này thiện nam! Như Nguyệt Thiên tử cỡi xe tối thượng sáng rực cả bốn châu. Bồ-tát cũng vậy, cỡi xe trí tuệ tối thượng sáng rực vô lượng, vô biên tất cả thế giới.

Thế nào là Bồ-tát thường được trang nghiêm?

Này thiện nam! Như Nguyệt Thiên tử oai đức trang nghiêm, những vật trang sức đầy đủ không bị suy thoái. Bồ-tát cũng vậy, dùng pháp công đức thường tự trang nghiêm.

Thế nào là Bồ-tát được pháp ưa thích?

Này thiện nam! Như Nguyệt Thiên tử lúc nào cũng ưa thích dục lạc. Như mặt trăng, Bồ-tát lúc nào cũng ưa thích pháp lạc, không ưa dục lạc.

Thế nào là Bồ-tát được oai thần lớn và oai đức lớn?

Này thiện nam! Như Nguyệt Thiên tử có thần thông lớn và oai đức lớn. Bồ-tát cũng vậy, có thần thông lớn và oai đức lớn, đó là tánh phước lớn và tánh trí lớn.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì ngang bằng với mặt trăng.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì ngang bằng với mặt trời. Những gì là mười?

  1. Hay phá trừ tất cả vô minh đen tối.
  2. Hay điều phục hữu tình làm cho giác ngộ.
  3. Hay tỏa sáng cả mười phương.
  4. Hay hiện ra pháp lành.
  5. Diệt sạch các lậu.
  6. Hay phát ra ánh sáng.
  7. Hay che lấp ánh sáng của tất cả ngoại đạo tà luận.
  8. Hay hiện rõ chỗ cao thấp.
  9. Khởi lên những nghiệp đã tạo, đó là tất cả pháp thiện bạch tịnh.
  10. Được người thiện ưa thích.

Thế nào là Bồ-tát hay phá trừ tất cả vô minh đen tối?

Này thiện nam! Như mặt trời mọc phá trừ mọi đen tối. Bồ-tát cũng vậy, xuất hiện hay phá trừ tất cả vô minh đen tối.

Thế nào là Bồ-tát hay điều phục hữu tình làm cho giác ngộ?

Này thiện nam! Như mặt trời mọc hay làm cho tất cả hoa sen nở ra. Cũng vậy, mặt trời Bồ-tát xuất hiện hay điều phục hữu tình làm cho được giác ngộ.

Thế nào là Bồ-tát hay tỏa sáng cả mười phương?

Này thiện nam! Như mặt trời mọc sáng rực cả mười phương. Bồ-tát cũng vậy, dùng oai lực của Bát-nhã ánh sáng rực rỡ tỏa khắp các cõi trong mười phương mà chẳng nhiễu loạn các hữu tình.

Thế nào là Bồ-tát hay hiện ra pháp lành?

Này thiện nam! Như Nhật Thiên tử khi xuất hiện ở Thiệm-bộ châu có ánh sáng tỏa khắp. Bồ-tát cũng vậy, thành tựu dùng trí quang minh hiện ra các pháp lành.

Thế nào là Bồ-tát diệt sạch các lậu?

Như khi mặt trời lặn, thì nơi Thiệm-bộ châu gọi là ánh sáng mặt trời ẩn mất. Bồ-tát cũng vậy, khi phiền não của Bồ-tát diệt hết thì gọi là dứt hẳn tất cả các lậu.

Thế nào là Bồ-tát hay phát ra ánh sáng?

Này thiện nam! Như mặt trời mọc vì tất cả hữu tình nơi Thiệmbộ châu mà phát ra những loại ánh sáng. Bồ-tát cũng vậy, xuất hiện ở đời, vì tất cả hữu tình mà phóng ánh sáng trí tuệ phá trừ tất cả ngu si ám chướng cho họ.

Thế nào là Bồ-tát hay che khuất ánh sáng của tất cả ngoại đạo tà luận?

Này thiện nam! Như mặt trời mọc làm khuất hết mọi ánh sáng. Mặt trời kia không nghĩ rằng: “Ta hay chiếu sáng tất cả nơi tăm tối, nhưng pháp tánh là như vậy.” Mặt trời Bồ-tát hay hiện ra ánh sáng oai thần chiếu phủ các tà luận ngoại đạo. Bồ-tát không nghĩ thế này: “Ta có thể chiếu phủ các tà luận ngoại đạo.” Nhưng pháp tánh là như vậy.

Thế nào là Bồ-tát hay hiện rõ chỗ cao thấp?

Này thiện nam! Như mặt trời mọc nơi Thiệm-bộ châu hữu tình cao thấp đều hiện ra rõ ràng. Bồ-tát cũng vậy, mặt trời Bồ-tát xuất hiện ánh sáng trí tuệ đối với hữu tình bằng, không bằng đều biết rõ. Đó là hữu tình nào nhập vào các Thánh đạo thì gọi là bằng, ở nơi chẳng phải Thánh đạo thì gọi là không bằng.

Thế nào là Bồ-tát khởi lên sở hành?

Này thiện nam! Như mặt trời mọc khiến cho tất cả nông dân bắt đầu làm lụng. Bồ-tát cũng vậy, khi mặt trời Bồ-tát xuất hiện phát khởi tất cả sở hành pháp thiện.

Thế nào là Bồ-tát được người thiện ưa thích?

Này thiện nam! Như mặt trời mọc được các người thiện ưa thích, những loại người ác cùng nhau ganh ghét. Bồ-tát cũng vậy, mặt trời Bồ-tát xuất hiện được người thiện thông tuệ yêu thích, những bọn người ác vô trí hướng theo các tà đạo quay lưng với Niết-bàn, ưa nơi sinh tử thì cùng nhau ganh ghét.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì ngang bằng với mặt trời.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì giống như sư tử. Những gì là mười?

  1. Không hoảng sợ.
  2. Không sợ sệt.
  3. Không thoái đạo.
  4. Như tiếng rống sư tử.
  5. Được Vô sở úy.
  6. Dạo chơi nơi vườn rừng.
  7. Thường ở nơi hang núi.
  8. Không còn dính mắc.
  9. Thế lực dũng mãnh có thể phá trừ quân của kẻ khác.
  10. Gìn giữ tất cả mầm mống pháp lành.

Thế nào là Bồ-tát không hoảng sợ?

Này thiện nam! Giống như sư tử đi đến đâu cũng không bao giờ hoảng sợ, tự thấy không có ai bằng mình. Bồ-tát cũng vậy, đi đến đâu cũng không hoảng sợ, tự thấy không có ai bằng mình.

Thế nào là Bồ-tát không sợ sệt?

Này thiện nam! Giống như sư tử nghe tiếng của những loài thú dữ, dã can thì không bao giờ sợ sệt. Bồ-tát cũng vậy, khi tranh luận với tất cả mọi người không bao giờ sợ sệt, không khuất phục cũng không kiêu ngạo.

Thế nào là Bồ-tát không thoái đạo?

Này thiện nam! Ví như sư tử, được kêu gọi đến trước tâm sư tử không bao giờ lui tránh nơi khác. Bồ-tát cũng vậy, ở nơi nào tranh luận mà mời Bồ-tát đến, tâm Bồ-tát không tránh né.

Thế nào là Bồ-tát như tiếng rống sư tử?

Này thiện nam! Ví như sư tử rống, những loài thú dữ, dã can ở mọi nơi đều hoảng sợ bỏ chạy. Bồ-tát cũng vậy, nói pháp Vô thượng thừa như tiếng rống sư tử làm cho tất cả ngoại đạo, dã can, các thú ác chấp ngã, ngã sở ở mọi nơi đều bỏ chạy. Tuy Bồ-tát rống tiếng sư tử như vậy, nhưng chẳng bao giờ não loạn tất cả hữu tình mà chỉ muốn cho họ được điều phục, lìa bỏ hẳn chấp ngã, ngã sở.

Thế nào là Bồ-tát được Vô sở úy?

Này thiện nam! Ví như sư tử nhìn khắp nơi đều không sợ sệt.

Bồ-tát cũng vậy, quan sát khắp các cõi hữu tình, oai nghi thanh tịnh đắc Vô sở úy.

Thế nào là Bồ-tát dạo chơi nơi vườn rừng?

Ví như sư tử bản tánh không sợ hay hiện oai thế dạo bước các nơi vườn rừng. Bồ-tát cũng vậy, tự tánh vắng lặng thường hay dạo chơi trong rừng pháp vô ngại.

Thế nào là Bồ-tát ở nơi hang đá?

Này thiện nam! Ví như sư tử y cứ nơi hang núi. Bồ-tát cũng vậy, thường luôn an trú nơi hang đá trí tuệ.

Thế nào là Bồ-tát không còn dính mắc?

Này thiện nam! Ví như sư tử vứt bỏ, không nắm giữ cất chứa. Bồ-tát cũng vậy, vứt bỏ tất cả gánh nặng phiền não không còn bám víu.

Thế nào là Bồ-tát như sư tử, tánh dũng mãnh có thế lực lớn độc nhất vô nhị, có thể đánh phá quân của kẻ khác?

Này thiện nam! Bồ-tát ngồi nơi đạo tràng Bồ-đề sức độc nhất vô nhị, có thể phá tan các chúng quân ma.

Thế nào là Bồ-tát gìn giữ tất cả mầm mống pháp lành?

Này thiện nam! Ví như sư tử dạo bước gần nơi thôn xóm, tất cả loài thú ác không thể gây tổn hại hoa màu gần nơi ấy. Bồ-tát cũng vậy, du hành gần nơi nhân gian, tất cả ngoại đạo, các cầm thú dữ không thể gây tổn hại những mầm mống pháp lành.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì như sư tử.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì giỏi điều phục. Những gì là mười?

  1. Tâm Bồ-đề vững chắc.
  2. Làm cho tâm Bồ-đề thanh tịnh.
  3. Giữ kín các căn.
  4. Hướng đến chánh đạo.
  5. Gánh vác trọng trách.
  6. Không bao giờ nhàm chán, mỏi mệt.
  7. Được chánh mạng lợi ích hữu tình.
  8. Lìa bỏ tất cả lời nói dối trá, hý luận.
  9. Lìa hẳn dua nịnh.
  10. Tự tại chất trực.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì giỏi điều phục.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì tự tánh được vắng lặng. Những gì là mười?

  1. Gặp được thầy Du-già.
  2. Tu tập nhiều tánh không.
  3. Khai mở Thánh đạo lìa mọi trói buộc không bị chướng ngại.
  4. Thuận theo lời dạy bảo của Như Lai mà tu hành không trái nghịch.
  5. Tùy thuận nghĩa lý bình đẳng, thông đạt thật tướng của các pháp, an trú nơi thế gian, tâm thường khiêm tốn như Chiên-trà-la.
  6. Lúc nào cũng khởi tưởng như người ăn xin, xa lìa ngã mạn, phóng túng buông lung.
  7. Đối với pháp Phật không còn nghi ngờ, với chánh trí của Phật có thể chứng đắc hiện tiền.
  8. Đối với các pháp không còn do dự, dùng nội chứng của mình mà biết được pháp tánh.
  9. Giác ngộ không do người khác mà tự chính mình thấy đạo.
  10. Hướng đến Bồ-đề vì làm ruộng phước cho thế gian.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì tánh được vắng lặng.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì như hoa sen. Những gì là mười?

  1. Không bị ô nhiễm.
  2. Không bị dính một chút tội lỗi nhơ bẩn nào.
  3. Được giới hương vi diệu.
  4. Luôn được thanh tịnh.
  5. Miệng mỉm cười.
  6. Không thô bạo.
  7. Hiện tốt lành.
  8. Khai mở giác ngộ.
  9. Giác ngộ thành thục.
  10. Giúp đỡ người khác.

Thế nào là Bồ-tát không bị ô nhiễm?

Này thiện nam! Ví như hoa sen mọc lên từ nước mà không bị dính nước. Vì sao? Vì tánh hoa sen thanh tịnh. Bồ-tát cũng vậy, tuy sinh ra từ trong nước sinh tử, nhưng sinh ra rồi lại không bị dính nhiễm. Vì sao? Vì Bồ-tát có thể chứng tự tánh pháp Bát-nhã phương tiện. Do Bồ-tát thiện xảo ở trong sinh tử không bị lỗi lầm sinh tử nhiễm đắm, có thể dùng Bát-nhã phương tiện để thâu giữ sinh tử.

Thế nào là Bồ-tát không bị dính một chút tội lỗi nhơ bẩn nào?

Này thiện nam! Ví như hoa sen không bị dính một nước nhơ bẩn nào. Bồ-tát cũng vậy, không bị dính một chút tội lỗi nhơ bẩn nào.

Thế nào là Bồ-tát được giới hương vi diệu?

Này thiện nam! Nếu ở địa phương nào có hoa sen mọc thì hương thơm của hoa sen tỏa khắp những nơi đó. Bồ-tát cũng vậy, du hành khắp nơi ở nhân gian, giới hương của Bồ-tát tỏa khắp những nơi du hành ấy.

Thế nào là Bồ-tát luôn được thanh tịnh?

Này thiện nam! Nếu những nơi nào hoa sen mọc thì tất cả thế gian xóm làng, các Bà-la-môn, Sát-đế-lợi… thảy đều dùng nơi ấy làm nơi thanh tịnh. Bồ-tát cũng vậy, sinh ở chỗ nào cũng vắng lặng thanh tịnh, thường được chư Phật hộ trì nhớ nghĩ và được sự khen ngợi của chư Bồ-tát, lại được hàng Trời, Người, Dược-xoa, Kiền-đạt-phược, Atố-lạc, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, Nhân phi nhân… đều đi đến đó.

Thế nào là Bồ-tát miệng hay mỉm cười?

Này thiện nam! Ví như hoa sen nở cùng khắp, tất cả hữu tình nếu ai thấy tâm đều vui mừng. Bồ-tát cũng vậy, lúc nào nhan sắc cũng nhu hòa mỉm cười, không nhăn nhó, các căn thanh tịnh.

Thế nào là Bồ-tát không thô bạo?

Này thiện nam! Ví như hoa sen tánh nó mềm mại, không thô cứng. Bồ-tát cũng vậy, tánh thường nhu hòa, lời nói không thô bạo, lại không dối trá.

Thế nào là Bồ-tát hay hiện điềm lành?

Này thiện nam! Ví như có người thức hoặc ngủ thậm chí trong một khoảnh khắc nếu thấy hoa sen cho là tướng ứng điềm tốt lành, nên tán thán khen ngợi. Bồ-tát cũng vậy, trong mọi lúc nếu ai được thấy Bồ-tát là điềm lành trọn vẹn mà khen ngợi tán thán thì được lợi ích lớn, cho đến có thể chứng đắc Nhất thiết trí.

Thế nào là Bồ-tát khai mở giác ngộ?

Này thiện nam! Ví như lúc hoa sen nở bung thì gọi là khai mở. Bồ-tát cũng vậy, như lúc hoa Bát-nhã, Bồ-đề phần của Bồ-tát được nở bung thì gọi là giác ngộ.

Thế nào là Bồ-tát giác ngộ thành thục?

Này thiện nam! Ví như hoa sen khi thành thục nếu có ai thấy thì làm cho mắt càng thêm vui thích, nếu có ai ngửi thì làm cho mũi càng thêm vui thích, nếu có ai xúc chạm thì làm cho thân thể càng thêm vui thích, nếu có ai hoan hỷ thì làm cho ý càng thêm vui thích. Bồ-tát cũng vậy, thành tựu được ánh sáng Bát-nhã khiến cho người thấy mắt được thanh tịnh, người nghe tai được thanh tịnh, người tiếp xúc, cúng dường thì thân được thanh tịnh, người tư duy khen ngợi tán thán công đức thì ý được thanh tịnh.

Thế nào là Bồ-tát được người khác ủng hộ?

Này thiện nam! Ví như lúc hoa sen nở bung luôn làm cho mọi người và phi nhân bảo vệ. Bồ-tát cũng vậy, sinh ở nơi nào cũng được tất cả chư Phật và chư Bồ-tát, Phạm vương, Đế Thích, Hộ thế ủng hộ.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được như hoa sen.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10