KINH BẢO VŨ
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Đạt-ma-lưu-chi, người Thiên Trúc.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 7

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được tánh không. Những gì là mười?

  1. Có khả năng biết tánh không của lực.
  2. Có khả năng biết tánh không của vô úy.
  3. Có khả năng biết tánh không của pháp bất cộng.
  4. Có khả năng biết tánh không của giới uẩn.
  5. Có khả năng biết tánh không của Tam-ma-địa.
  6. Có khả năng biết tánh không của Bát-nhã.
  7. Có khả năng biết tánh không của giải thoát uẩn.
  8. Có khả năng biết tánh không của giải thoát tri kiến uẩn.
  9. Có khả năng biết tánh không của không.
  10. Có khả năng biết tánh không của thắng nghĩa.

Bồ-tát tuy hành nơi tánh không nhưng không chấp đoạn lại không chấp không cũng không thấy tánh không, cũng không nương vào tánh không và cũng không nhập vào tánh vô sở hữu.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được gọi là hành hạnh tánh không.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được hạnh vô tướng. Những gì là mười?

  1. Xa lìa ngoại tướng.
  2. Xa lìa nội tướng.
  3. Xa lìa tướng hý luận.
  4. Xa lìa tướng phân biệt. 5. Xa lìa tướng có sở đắc.
  5. Xa lìa tướng việc làm.
  6. Xa lìa tướng sở hành.
  7. Xa lìa tướng sở duyên.
  8. Có khả năng biết thức là tướng không thể thủ đắc.
  9. Biết được tướng của sự vật không thể thủ đắc.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được hạnh vô tướng.

Bấy giờ, Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát nên học mười pháp này như thế nào?

Phật bảo:

–Này thiện nam! Cảnh giới của chư Phật không thể nghĩ bàn, vì nó xa lìa cảnh giới suy lường.

Thiện nam! Nếu các hữu tình suy lường cảnh giới pháp tánh của Như Lai thì tâm mê muội hoàn toàn chẳng thể thấy được pháp tánh ở bờ này, bờ kia, chỉ thêm lao nhọc mà thôi. Vì sao? Vì cảnh giới của Như Lai không thể nghĩ bàn, thâm diệu khó lường, siêu vượt tất cả cảnh giới do tính toán đo lường hư vọng, siêu vượt tất cả cảnh giới có sở đắc. Vì nghĩa này nên chẳng phải do tính toán hư vọng kia mà tư duy đo lường được.

Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nay con có ít việc muốn hỏi, cúi xin Như Lai thương xót chấp thuận lời cầu thỉnh của con mà giảng nói cho.

Phật nói:

–Này thiện nam! Tất cả chư Phật đều cho phép ông hỏi những nghi vấn, tùy chỗ ông muốn hỏi ta sẽ giải thích cho.

Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Phàm tự khen mình chẳng phải pháp của bậc Chánh sĩ, vì sao Như Lai tự khen cảnh giới của Như Lai vượt hơn tất cả?

Phật nói:

–Hay thay! Hay thay! Hãy lắng nghe! Lắng nghe! Ta sẽ nói cho ông.

Thiện nam! Như Lai không vì ngã mạn, cao ngạo, tham đắm lợi dưỡng, cúng dường, hầu hạ, tiếng tốt là bậc tri thức, sợ người khác lấn lướt mà tự khen ngợi.

Này thiện nam! Như Lai không kiêu ngạo, không nói lời dối trá, chẳng dua nịnh, ngoài ra chỉ vì lợi ích làm cho các hữu tình được an lạc, chứng pháp tánh. Hữu tình đối với Như Lai phát sinh lòng tin tịnh tín hoan hỷ vui mừng sẽ thành tựu được bậc pháp khí. Như Lai hay diễn thuyết làm lợi ích cho hữu tình.

Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Tất cả hữu tình không thể biết được oai lực công đức của Như Lai, nay Như Lai cần phải tự khen chăng?

Phật nói:

–Này thiện nam! Chúng sinh cõi này tín căn mỏng, ít, trí lực thấp kém, cho nên không thể biết được công đức cho đến oai lực của Như Lai. Vì thế Như Lai tự khen để khiến cho họ biết. Ví như có vị lương y khéo biết phương dược, có khả năng trị nhiều bệnh. Nơi vị lương y ở có nhiều bệnh tật, lại không có thầy thuốc nào khác có thể trị bệnh. Bấy giờ, vị lương y suy nghĩ: “Những người này bị bệnh khổ bức bách, ở đây có thuốc hay mà họ không thể biết cũng không biết ta có thể chữa trị được bệnh cho họ.” Lúc đó, vị lương y đến trước các bệnh nhân tự khen rằng: “Ta có thể chữa bệnh và giỏi về thuốc.” Bấy giờ, bệnh nhân đã biết rõ vị ấy là bậc lương y nên hết lòng kính tin, nương theo vị lương y mà chữa trị, tất cả các bệnh đều được thuyên giảm.

Này thiện nam! Ý ông thế nào? Vị lương y ấy cũng cho là tự khen mình chăng?

Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Không! Bạch Đức Thế Tôn!

Phật nói:

–Này thiện nam! Đúng vậy! Đúng vậy! Vì chư Phật Như Lai là bậc Vô Thượng Đại Y Vương, khéo biết nguyên nhân bệnh phiền não của các hữu tình mà ban cho thuốc pháp. Nhưng vì các hữu tình ấy không thể biết được chư Phật Như Lai giỏi có thể trừ được những bệnh ấy, nên chư Phật mới tự khen công đức oai lực của mình để cho chúng sinh nghe rồi phát khởi lòng tin kính sâu xa, nương tựa Đức Như Lai mà được trừ bệnh phiền não. Lúc ấy, Như Lai làm đại y vương ban cho thuốc pháp lớn khiến cho bệnh phiền não của các hữu tình đều được giảm dần. Những gì gọi là thuốc pháp lớn? Thuốc pháp lớn là quán bất tịnh, quán từ bi, quán duyên khởi…

Này thiện nam! Do nhân duyên đó Như Lai quán thấy cùng khắp mà tự tán thán.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì xa lìa tất cả sự mong cầu nương tựa. Những gì là mười?

  1. Không mong cầu dựa vào sự bố thí.
  2. Không mong cầu dựa vào sự trì giới.
  3. Không mong cầu dựa vào sự nhẫn nhục.
  4. Không mong cầu dựa vào sự tinh tấn.
  5. Không mong cầu dựa vào sự tĩnh lự.
  6. Không mong cầu dựa vào Bát-nhã.
  7. Không mong cầu dựa vào ba cõi.
  8. Nương tựa vào Bồ-đề mà không có sự mong cầu.
  9. Nương tựa vào chánh đạo mà không có sự mong cầu.
  10. Nương tựa Niết-bàn mà không có sự mong cầu.

Vì sao? Vì chư Bồ-tát xa lìa mọi tướng nương tựa.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát không còn sự nương tựa nên có thể du hành khắp tất cả thế gian.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì có thể xa lìa tất cả sự mong cầu nương tựa.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau thì được gọi là hành tâm Từ. Những gì là mười?

  1. Lòng từ không giới hạn.
  2. Lòng từ không phân biệt.
  3. Được các pháp từ.
  4. Được tâm từ quyết định tư duy về một duyên.
  5. Lòng từ không ngăn ngại.
  6. Lòng từ thường vì lợi ích.
  7. Lòng từ bình đẳng đối với tất cả hữu tình.
  8. Lòng từ không gây tổn hại.
  9. Lòng từ biến khắp tất cả.
  10. Lòng từ xuất thế gian.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì gọi là tự tánh tu Từ.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau

đây là hành tâm Bi. Những gì là mười?

  1. Thấy các hữu tình không nơi nương tựa, không ai cứu giúp chịu sự khổ não, liền khởi lòng thương xót phát tâm Bồ-đề.
  2. Phát tâm Bồ-đề rồi dũng mãnh tinh tấn mau nhập vào pháp tánh.
  3. Nhập pháp tánh rồi làm lợi ích cho hữu tình.
  4. Vì những hữu tình keo kiệt làm cho họ bố thí.
  5. Vì hữu tình hủy phạm giữa chừng, khiến cho họ trì giới.
  6. Vì hữu tình sân hận khiến cho họ nhẫn nhục.
  7. Vì hữu tình biếng nhác khiến cho họ tinh tấn.
  8. Vì hữu tình tán loạn khiến cho họ định tĩnh.
  9. Vì hữu tình ngu si khiến cho họ có trí tuệ.
  10. Tuy vì hữu tình chịu những khổ não quyết chí cứu giúp chẳng có nhàm chán, mỏi mệt, đối với Đại Bồ-tát chẳng có thoái chuyển.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này gọi là tự tánh tu Bi.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây là hành tâm Hỷ. Những gì là mười?

  1. Thấy mình ra khỏi những nơi lao ngục, lửa dữ thiêu đốt như vậy mà sinh hoan hỷ.
  2. Thấy mình có thể đoạn trừ sự sinh tử trói buộc triền miên như vậy mà sinh hoan hỷ.
  3. Thấy mình có khả năng vượt qua những loại tầm tứ tà chấp tạp loạn, biển lớn sinh tử như vậy mà sinh hoan hỷ.
  4. Thấy mình bẻ gãy ngọn cờ kiêu mạn lâu đời như vậy mà sinh hoan hỷ.
  5. Thấy mình có khả năng dùng trì kim cang phá sập ngọn núi phiền não, thậm chí chẳng còn một mảy trần như vậy mà sinh hoan hỷ.
  6. Thấy mình nay đã được an ổn lại có khả năng làm cho người khác an ổn như vậy mà sinh hoan hỷ.
  7. Thấy mình say ngủ trong đêm dài được thức dậy và có khả năng làm cho hữu tình khác trong nhiều kiếp bị dây ái trói buộc, si mê ngăn che tăm tối đều được giác ngộ như vậy mà sinh hoan hỷ.
  8. Thấy mình đối với những nẻo ác đã được giải thoát còn có khả năng làm cho hữu tình khác được giải thoát như vậy mà sinh hoan hỷ.
  9. Thấy mình ở trong nhiều kiếp sinh tử mênh mông, khổn khổ đói khát, đi một mình không bạn bè, lưu chuyển không cùng tận, không biết đường chánh, không biết nơi chốn, nay đã biết được đường chánh lại có khả năng chỉ đường cho người khác như vậy mà sinh hoan hỷ.
  10. Thấy mình nay có khả năng hướng đến thành lũy Nhất thiết trí như vậy mà sinh hoan hỷ.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này gọi là tu tâm Hỷ.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có khả năng thực hành tâm Xả. Những gì là mười?

  1. Ở trong chỗ thấy sắc của mắt mà được hạnh xả.
  2. Ở trong sự nghe tiếng của tai mà được hạnh xả.
  3. Ở trong sự ngửi mùi của mũi mà được hạnh xả.
  4. Ở trong sự nếm vị của lưỡi mà được hạnh xả.
  5. Ở trong sự xúc chạm cảm nhận của thân mà được hạnh xả.
  6. Ở trong sự biết pháp của ý mà được hạnh xả; khi thực hành hạnh này với sắc… hoàn toàn không não hại, không gây tổn hại, không diệt tận.
  7. Ở trong khổ khổ được hạnh xả.
  8. Ở trong hoại khổ mà được hạnh xả.
  9. Ở trong hành khổ mà được hạnh xả; khi thực hành hạnh này đối với tánh của khổ khổ, hoại khổ, hành khổ không não hại, không gây tổn hại, không diệt tận.
  10. Ở trong hữu tình việc cần làm đã làm xong mà được hạnh xả.

Bồ-tát phát tâm hoan hỷ tịnh tín vui mừng, suy nghĩ thế này: “Các hữu tình kia tuy đã tự độ, nhưng ta nên làm cho họ được hạnh độ thoát với tâm Xả.”

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này gọi là tu hạnh Xả.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được thần thông diệu dụng. Những gì là mười?

  1. Thị hiện ẩn mất.
  2. Thị hiện thọ sinh.
  3. Thị hiện lúc niên thiếu dạo chơi nơi hậu cung.
  4. Thị hiện xuất gia.
  5. Thị hiện khổ hạnh.
  6. Thị hiện đến nơi đạo tràng Bồ-đề.
  7. Thị hiện hàng phục chúng ma.
  8. Thị hiện thành Chánh giác.
  9. Thị hiện chuyển bánh xe chánh pháp.
  10. Thị hiện đại Bát-niết-bàn.

Bấy giờ, Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì các Đại Bồ-tát ở cung trời Đổ-sử-đa mà thị hiện ẩn mất cho đến thị hiện nhập Đại Niết-bàn?

Phật nói:

–Này thiện nam! Bồ-tát ở cõi trời Đổ-sử-đa tối tôn, tối thắng vượt qua cảnh giới dục trong tất cả thế gian mà chẳng đắm nhiễm, Bồ-tát vì các hữu tình nên thị hiện ẩn mất, hữu tình thấy vậy lìa bỏ tưởng về thường mà khởi tưởng về vô thường, lấy sự vô thường ấy là chỗ nương tựa để không buông lung.

Này thiện nam! Các hữu tình kia vẫn còn buông lung, tuy họ đối với Bồ-tát sinh lòng tịnh tín, nhưng do ưa thích, đắm đuối vào những cảnh giới dục, chưa có khả năng hầu hạ, thờ kính, cúng dường Bồ-tát. Vì hữu tình suy nghĩ: “Bồ-tát cùng với ta ở đời thời gian còn lâu, sau này chúng ta đến chỗ Bồ-tát hầu hạ, cung kính, cúng dường cũng chẳng muộn.” Vì vậy, Bồ-tát thị hiện ẩn mất để cho những hữu tình ấy khởi tâm luyến mộ mà xả bỏ buông lung. Hữu tình kia quán thấy vô thường rồi không còn buông lung nữa sẽ đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Thiện nam! Nếu có chúng sinh nào cần ở trong thai mẹ để điều phục, thì Bồ-tát liền ở trong thai mẹ thị hiện công đức oai thần hy hữu để thuyết những pháp vi diệu, chúng sinh nghe rồi sẽ đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Thiện nam! Nếu có hữu tình nào cần thấy Bồ-tát lúc còn nhỏ dạo chơi nơi hậu cung để được điều phục, thì Bồ-tát làm cho hữu tình ấy được thành thục, cũng vì giúp đỡ hữu tình thấp kém, ít tín căn mà hiện làm đồng tử dạo chơi trong cung.

Thiện nam! Nếu hữu tình nào cần thấy Bồ-tát xuất gia để được thành thục, thì Bồ-tát thị hiện xuất gia để hữu tình ấy được thành thục.

Thiện nam! Nếu Trời, Rồng, Dược-xoa, Kiền-đạt-phược cần dùng khổ hạnh để được điều phục, thì Bồ-tát thị hiện khổ hạnh để giáo hóa họ và hàng phục các ngoại đạo.

Thiện nam! Nếu các hữu tình nhiều đời mong cầu, phát nguyện thế này: “Nếu Bồ-tát đến đạo tràng Bồ-đề thì ta sẽ đến đó siêng tu cúng dường.” Bồ-tát vì những hữu tình như vậy mà thị hiện đi đến đạo tràng Bồ-đề để cho hữu tình tùy thuận cúng dường, chắc chắn sẽ đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Thiện nam! Nếu các hữu tình ngã mạn, cao ngạo, kiêu căng, buông lung, vì muốn cho họ lìa bỏ những phiền não như thế mà Bồtát thị hiện ngồi nơi đạo tràng thu phục các ma. Nếu các hữu tình ưa vắng lặng thì Bồ-tát vì làm cho tất cả hữu tình chứng đắc pháp tối cao, thù thắng mà thị hiện ngồi nơi đạo tràng thành Đẳng chánh giác. Bồ-tát hiện Chánh giác rồi, vì thế tam thiên đại thiên thế giới thảy đều vắng lặng không còn các âm thanh. Các hữu tình kia thấy việc đó rồi cùng phát nguyện thế này: “Tôi nguyện đời vị lai chúng Bồ-đề cũng như Bồ-tát ngồi nơi đạo tràng chứng Chánh đẳng giác.”

Này thiện nam! Nếu các hữu tình vì Nhất thiết trí mà theo tà sư thọ tà pháp, đời này đời khác không thể xuất ly, thành Đẳng chánh giác. Bồ-tát vì muốn thu phục và làm cho căn lành của họ thành thục, lại có chúng sinh có khả năng làm pháp khí, có khả năng thành đạo, Bồ-tát liền hiện thành Đẳng chánh giác đến thành Ba-la-nê-tư thị hiện ba lần chuyển pháp luân mười hai hành.

Thiện nam! Nếu các hữu tình cần nghe Niết-bàn để điều phục thì Bồ-tát liền thị hiện đại Bát-niết-bàn để điều phục họ. Vì nhân duyên này mà Bồ-tát ở cung trời Đổ-sử-đa tối thắng thị hiện ẩn mất cho đến thị hiện đại Bát-niết-bàn.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được thần thông diệu dụng.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có khả năng lìa tám nạn. Những gì là mười?

  1. Lìa bỏ pháp bất thiện.
  2. Đối với những học xứ Như Lai dạy không bao giờ trái nghịch.
  3. Lìa xa tham lam keo kiệt.
  4. Đã từng cúng dường chư Phật Như Lai.
  5. Chuyên cần tu phước nghiệp.
  6. Trí tuệ viên mãn.
  7. Được phương tiện thiện xảo.
  8. Bản nguyện đầy đủ.
  9. Chán lìa pháp thế gian.
  10. Siêng năng tinh tấn.

Này thiện nam! Vì Bồ-tát đã lìa các nghiệp ác nên không đọa vào địa ngục. Các hữu tình sinh vào địa ngục chịu vô lượng khổ bứt rứt sinh tâm sân giận. Bồ-tát không như thế là vì đã thành thục tánh mười đạo nghiệp thiện, cho nên không bao giờ sinh vào địa ngục.

Này thiện nam! Bồ-tát đối với học xứ của Như Lai không trái nghịch, nên không đọa vào đường súc sinh, còn người nào sinh vào trong đó thì chịu khổ não nung nấu không cùng tột.

Này thiện nam! Bồ-tát không tham lam keo kiệt nên không sinh vào đường ngạ quỷ, còn người nào sinh vào trong đó sẽ chịu khổ não đói khát nung nấu.

Thiện nam! Bồ-tát đã từng hầu hạ, thờ kính, cúng dường chư Phật Như Lai nên không sinh vào nhà tà kiến. Nếu sinh vào trong đó thì các duyên không đủ, không được gần gũi tri thức thiện, cho nên Bồ-tát không sinh vào trong đó. Vì thế, Bồ-tát được sinh vào nhà chánh kiến, các duyên đầy đủ, gặp tri thức thiện tu hành pháp thiện, căn lành tăng trưởng rộng lớn thù thắng.

Này thiện nam! Các căn của Bồ-tát hoàn toàn không khiếm khuyết, nếu khiếm khuyết thì đối với pháp Phật chẳng phải là pháp khí. Nhưng vì Bồ-tát đã tích tập phước nghiệp nên đối với Phật, Pháp, Tăng và tháp thờ Phật hầu hạ, thờ kính, cúng dường, các căn lành được đầy đủ, có khả năng làm pháp khí.

Này thiện nam! Bồ-tát không sinh nơi biên địa. Vì sao? Vì người ở biên địa đần độn, ngu si giống như dê câm. Những kẻ như vậy đối với nghĩa thiện ác không thể hiểu biết, bất hiếu cha mẹ, không kính Sa-môn, Bà-la-môn. Vì thế, Bồ-tát thường sinh nơi trung tâm của nước thông minh trí tuệ, rõ biết thấu đạt, đối với pháp Phật có thể làm bậc pháp khí.

Này thiện nam! Bồ-tát không sinh ở cõi trời Trường thọ, nếu sinh vào cõi ấy thì không gặp được vô lượng chư Phật xuất hiện ở đời, không chứng được đạo chẳng có lợi ích. Cho nên, Bồ-tát sinh vào cõi Dục gặp Phật ra đời thừa sự cúng dường, tạo mọi lợi ích cho chúng sinh. Vì sao? Vì Bồ-tát có thể được phương tiện thiện xảo.

Thiện nam! Bồ-tát không sinh vào cõi không có Phật, vì trong đó không có Phật, Pháp, Tăng để cúng dường, nên Bồ-tát thường sinh vào cõi Phật có đủ Tam bảo. Vì sao? Vì các Bồ-tát đầy đủ bản nguyện.

Này thiện nam! Bồ-tát nghe những nạn xứ ấy hết lòng nhàm chán lìa bỏ, tùy loại như vậy được xa lìa rồi tu chuyên cần tinh tấn được các pháp lành, dứt hẳn tất cả các pháp bất thiện.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì xa lìa tám nạn.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được tâm Bồ-đề không thoái chuyển. Những gì là mười?

  1. Xa lìa sự lừa dối dua nịnh.
  2. Chất trực thanh tịnh xa lìa các nghi hoặc.
  3. Xa lìa tầm tay thầy.
  4. Xa lìa pháp keo kiệt.
  5. Không gây nhân duyên diệt chánh pháp.
  6. Như thuyết thực hành chẳng bao giờ hư dối.
  7. Gìn giữ Đại thừa.
  8. Đối với người Đại thừa thường sinh tưởng nghĩ tôn trọng đồng như pháp.
  9. Hướng đến Đại thừa, tùy thuận ngộ nhập.
  10. Đối với Pháp sư nghĩ tưởng như tri thức thiện.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được tâm Bồ-đề không thoái chuyển.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được trí túc trụ tùy miên. Những gì là mười?

  1. Hầu hạ thờ kính chư Phật.
  2. Gìn giữ chánh pháp.
  3. Trì giới thanh tịnh.
  4. Chẳng làm ác.
  5. Không bị chướng ngại.
  6. Hoan hỷ vô lượng.
  7. Tu hành nhiều.
  8. Được Tam-ma-địa.
  9. Được hóa sinh.
  10. Tâm thức không ngu si.

Này thiện nam! Do Bồ-tát hầu hạ thờ kính vô lượng chư Phật nên tôn trọng chánh pháp. Đối với chánh pháp thọ trì, đọc tụng, giảng nói cho mọi người, không nghĩ đến thân mạng, chuyên cần tu chánh pháp nên được giới, nghĩa là giới thân, khẩu, ý được thanh tịnh. Do giới thanh tịnh nên không làm ác, do không làm ác nên không bị chướng ngại, do không chướng ngại nên được hoan hỷ vô lượng, do hoan hỷ vô lượng nên tu hành nhiều, do tu hành nhiều nên được Tamma-địa, do được Tam-ma-địa nên có khả năng hướng đến thanh tịnh, do thanh tịnh nên hằng được hóa sinh, do hóa sinh nên tâm thức không ngu si, do không ngu si nên sinh trí ức niệm, do đó mà có khả năng ức niệm nhiều đời, một đời hai đời cho đến vô lượng trăm ngàn đời.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được trí túc trụ tùy niệm.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì không lìa tri thức thiện. Những gì là mười?

  1. Thấy Phật, nghe Phật, niệm Phật.
  2. Lắng nghe chánh pháp.
  3. Phục vụ chúng Tăng.
  4. Luôn thăm hỏi chư Phật và Bồ-tát.
  5. Thường gần gũi thầy thuyết pháp để nghe nhiều.
  6. Thường lắng nghe các Ba-la-mật-đa.
  7. Hằng nghe pháp Bồ-đề phần.
  8. Hằng nghe ba môn giải thoát.
  9. Hằng nghe bốn phạm hạnh.
  10. Hằng nghe tánh Nhất thiết trí.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được gần gũi tri thức thiện.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì xa lìa tri thức ác. Những gì là mười?

  1. Xa lìa người hủy phạm giới cấm.
  2. Xa lìa người phá kiến.
  3. Xa lìa người hủy hoại oai nghi.
  4. Xa lìa người tà mạng.
  5. Xa lìa người thích ở nơi ồn ào.
  6. Xa lìa người lười biếng.
  7. Xa lìa người tham đắm sinh tử.
  8. Xa lìa người quay lưng lại với Chánh giác.
  9. Xa lìa người luyến ái sự nghiệp gia đình.
  10. Xa lìa tất cả phiền não.

Này thiện nam! Tuy Bồ-tát xa lìa những tri thức ác như vậy, nhưng đối với họ, Bồ-tát không khởi tâm gây tổn hại, khinh khi mà Bồ-tát nên khởi tâm như vầy: “Đức Phật dạy: Nếu gần gũi chúng sinh tạp loạn thì dần dần bị tập nhiễm, lập tức bị họ phá hoại.” Cho nên, ta phải xa lìa những nơi tạp loạn như vậy.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì xa lìa tri thức ác.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được thân pháp tánh. Những gì là mười?

  1. Được thân bình đẳng.
  2. Được thân thanh tịnh.
  3. Được thân vô tận.
  4. Được thân tích tập.
  5. Được thân pháp.
  6. Được thân rất sâu khó có thể đo lường.
  7. Được thân không thể nghĩ bàn.
  8. Được thân vắng lặng.
  9. Được thân ngang bằng hư không.
  10. Được thân trí.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được thân pháp tánh Như Lai.

Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Các hàng Bồ-tát ở quả vị nào chứng được thân pháp tánh Như Lai?

Phật bảo:

–Này thiện nam! Bồ-tát ở quả vị thứ nhất được thân bình đẳng. Vì sao? Vì Bồ-tát ấy lìa hẳn tất cả bất bình đẳng, ngộ nhập vào pháp tánh bình đẳng của tất cả Bồ-tát. Bồ-tát ở quả vị thứ hai được thân thanh tịnh, vì giới thanh tịnh. Bồ-tát ở quả vị thứ ba được thân vô tận, vì lìa hẳn mọi sân hận. Bồ-tát ở quả vị thứ tư được thân chứa nhóm hoàn hảo, nhờ chứa nhóm pháp Phật. Bồ-tát ở quả vị thứ năm chứng được Pháp thân, nên có thể thông đạt tất cả pháp. Bồ-tát ở quả vị thứ sáu được thân rất sâu khó có thể đo lường, do chứa nhóm pháp rất sâu khó có thể đo lường. Bồ-tát ở quả vị thứ bảy được thân không thể nghĩ bàn, do tích tập pháp không thể nghĩ bàn và có khả năng chứa nhóm phương tiện thiện xảo. Bồ-tát ở quả vị thứ tám được thân vắng lặng, do xa lìa tất cả hý luận và phiền não. Bồ-tát ở quả vị thứ chín được thân ngang bằng hư không, vì thân vô biên đầy khắp. Bồ-tát ở quả vị thứ mười chứng được thân trí, do tích tập Nhất thiết trí. Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Pháp thân của Như Lai và Pháp thân của Bồtát có gì sai khác?

Phật nói:

–Này thiện nam! Tánh của hai Pháp thân này không sai khác, nhưng công đức oai lực có sai khác.

Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vì sao tánh không sai khác mà công đức lại có sai khác?

Phật nói:

–Này thiện nam! Pháp thân của Phật cùng Bồ-tát không sai khác. Vì sao? Vì hai thân này đồng một tánh, chỉ có công đức và oai lực sai khác thôi.

Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Công đức oai lực của Phật và Bồ-tát làm sao để biết công đức oai lực ấy có sai khác?

Phật nói:

–Này thiện nam! Ta nay vì ông mà nói ví dụ để rõ nghĩa này.

Thiện nam! Ví như ngọc ma-ni có viên được lau chùi trong suốt, có viên chưa được trong suốt, tuy cùng là ngọc báu nhưng viên đã trong suốt thì ánh sáng đầy đủ mọi người ưa thích, còn viên chưa được trong suốt thì ánh sáng không đầy đủ.

Này thiện nam! Ngọc báu Như Lai cùng ngọc báu Bồ-tát thể tánh tuy đồng nhưng lại có khác. Vì sao? Vì ngọc báu Như Lai đã thanh tịnh, lìa tất cả nhơ bẩn, còn ngọc báu pháp tánh trong thân Bồtát chưa có thể chiếu khắp tất cả thế giới. Vì sao? Vì có hữu dư nên còn nhơ bẩn, như ngọc ma-ni chưa được trong suốt. Cho nên Pháp thân Như Lai cùng Pháp thân Bồ-tát có sự sai khác như vậy.

Này thiện nam! Như tháng có trăng từ ngày mồng một cho đến ngày mười lăm, ánh sáng chiếu rọi dần dần viên mãn, tuy cùng là trăng nhưng ánh sáng chẳng đồng. Pháp thân Bồ-tát và Pháp thân Như Lai tuy cùng một tánh tướng nhưng công đức oai lực sai khác như vậy.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được thân vững chắc như kim cang. Những gì là mười?

  1. Tham, sân, si… không thể cản trở, phá hoại.
  2. Nóng giận, keo kiệt, ganh ghét, ngã mạn, cao ngạo, kiến giải điên đảo không thể cản trở, phá hoại.
  3. Tám pháp thế gian không thể cản trở phá hoại.
  4. Nẻo ác khổ não không thể cản trở, phá hoại.
  5. Tất cả khổ không thể cản trở, phá hoại.
  6. Sinh, lão, bệnh, tử không thể cản trở, phá hoại.
  7. Các luận của ngoại đạo không thể cản trở, phá hoại.
  8. Ma và chúng ma không thể cản trở, phá hoại.
  9. Thanh văn, Bích-chi-phật không thể cản trở, phá hoại.
  10. Các cảnh giới dục không thể cản trở, phá hoại.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được thân vững chắc như kim cang.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì làm đại thương chủ. Những gì là mười?

  1. Được ý vui bình đẳng.
  2. Đáng nhận đồ cúng dường.
  3. Có khả năng làm cho xuất ly.
  4. Hay làm nơi nương tựa.
  5. Hay làm lợi ích.
  6. Tài giỏi chứa nhóm hành trang trên đường đạo.
  7. Được tài bảo tốt đẹp.
  8. Tâm không tự mãn.
  9. Thường làm thầy dẫn đường.
  10. Tùy thuận thiện xảo đến thành Nhất thiết trí.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát được ý vui bình đẳng, cho đến thế nào là tùy thuận thiện xảo đến thành lớn Nhất thiết trí?

Này thiện nam! Ví như thương chủ được sự yêu mến của các quốc vương và con của quốc vương. Bồ-tát cũng vậy, làm thương chủ pháp được chư Phật và Thanh văn yêu thích.

Này thiện nam! Ví như thương chủ ở nơi xóm làng được Bà-lamôn, Sát-đế-lợi cúng dường. Bồ-tát cũng vậy, làm thương chủ pháp đáng được bậc hữu tình vô học và trời, rồng cúng dường.

Này thiện nam! Ví như thương chủ dẫn dắt những thương nhân vượt qua nơi hoang vắng đói khát, làm cho họ được an lạc không có mỏi mệt nhàm chán. Bồ-tát cũng vậy, làm thương chủ pháp vượt qua nơi sinh tử hoang vắng có khả năng làm cho chúng sinh lìa khỏi bức bách đều được an lạc.

Này thiện nam! Ví như thương chủ hay làm nơi nương tựa lớn cho tất cả chúng sinh nghèo khổ, khiến cho họ ra khỏi nơi hoang vắng đói khát. Bồ-tát cũng vậy, làm thương chủ pháp hay ban cho ngoại đạo Lạc-ca-ba-ly Bà-la-xã-ca và khiến họ ra khỏi sinh tử, thân mạng được vẹn toàn.

Này thiện nam! Ví như thương chủ hay làm lợi ích cho nhà vua và thần dân. Bồ-tát cũng vậy, làm thương chủ pháp hay làm lợi ích cho các chúng sinh ưa đắm sinh tử.

Này thiện nam! Ví như thương chủ dẫn theo nhiều thương nhân đi đến các phương, vượt qua nơi đồng vắng đói khát, khéo tích chứa nhiều thứ lương thực, vượt qua nơi hiểm nạn đến thành lớn được an lạc. Bồ-tát cũng vậy, làm thương chủ pháp khéo léo chứa nhóm hành trang phước trí, dẫn dắt chúng sinh vượt qua nơi đồng vắng sinh tử, đi đến thành Nhất thiết trí của chư Phật.

Này thiện nam! Ví như thương chủ nuôi dưỡng nhiều người, muốn đến nơi khác thu góp châu báu, đó là kim ngân, ma-ni, trân châu, phệ lưu ly, loa bối, ngọc bích, san hô… Bồ-tát cũng vậy, làm thương chủ pháp nuôi dưỡng chúng sinh, muốn đến thành lớn Nhất thiết trí khéo tích tập châu báu pháp Phật.

Này thiện nam! Ví như thương chủ mong cầu tất cả tài vật, không bao giờ thấy nhàm đủ. Bồ-tát cũng vậy, làm thương chủ pháp mong cầu tất cả tài bảo chánh pháp không thấy nhàm đủ.

Này thiện nam! Ví như thương chủ ở trong những thương nhân làm người thượng thủ chứa nhóm của cải có thể làm chủ nhân tôn quý hơn hết, lời nói làm cho những thương nhân chấp nhận. Bồ-tát cũng vậy, làm thương chủ pháp tôn quý hơn hết trong tất cả chúng sinh, nên có thể làm chủ chứa nhóm công đức, lời nói không hư dối.

Này thiện nam! Ví như thương chủ hay dùng phương tiện khéo léo vượt qua đường nguy hiểm đến nơi thành lớn kia. Bồ-tát cũng vậy, dẫn dắt chúng sinh vượt qua sinh tử đến thành trí tuệ.

Này thiện nam! Đó gọi là Bồ-tát được những ý lạc cho đến thiện xảo đến đại thành Nhất thiết chủng trí tuệ.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có khả năng thông suốt về đường đạo. Những gì là mười?

  1. Có thể biết nơi đường bằng.
  2. Có thể biết nơi đường không bằng.
  3. Có khả năng biết nơi đường an ổn.
  4. Có thể biết đường thuận tiện.
  5. Có thể biết đường có nước cỏ.
  6. Có thể biết đường nào đi đến đâu.
  7. Có thể biết tướng của đường.
  8. Có thể biết đường chánh.
  9. Có thể biết đường tà.
  10. Giỏi biết đường xuất ly.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì có thể thông suốt về đường đạo.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được đạo không điên đảo. Những gì là mười?

  1. Các hữu tình nào cần dùng Đại thừa để điều phục thì nói đạo Bồ-tát để điều phục họ, không nói đạo Thanh văn.
  2. Các hữu tình nào cần dùng Thanh văn để điều phục thì nói đạo Thanh văn để điều phục họ, không nói đạo Bồ-tát.
  3. Các hữu tình nào cần dùng Nhất thiết trí để điều phục thì nói đạo Nhất thiết trí để điều phục họ, không nói đạo Duyên giác.
  4. Các hữu tình nào cần dùng đạo Duyên giác để điều phục thì nói đạo Duyên giác để điều phục họ, không nói đạo Nhất thiết trí.
  5. Các hữu tình nào chấp trước ngã, pháp thì nói vô ngã và pháp không, không nói ngã, hữu tình, thân mạng, người nuôi dưỡng, người.
  6. Các hữu tình nào chấp trước hai bên thì nói lìa đạo hai bên, không nên nói nương vào hai bên.
  7. Các hữu tình nào tâm tán loạn thì nói thiền chỉ, thiền quán, không nên nói đạo tán loạn.
  8. Các hữu tình nào tham đắm hý luận thì vì họ nói chân như, không nên nói pháp tham đắm hý luận của kẻ ngu.
  9. Các hữu tình nào tham đắm sinh tử thì nói Niết-bàn, không nên nói sinh tử.
  10. Các hữu tình nào tham đắm vào tà đạo thì nói những con đường chông gai, không nên phổ biến con đường phiền não chông gai.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì có khả năng thành tựu đạo không điên đảo.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có khả năng khéo thực hành về tâm Tam-ma-rị-đa. Những gì là mười?

  1. Khéo thực hành niệm xứ về thân.
  2. Khéo thực hành niệm xứ về thọ.
  3. Khéo thực hành niệm xứ về tâm.
  4. Khéo thực hành niệm xứ về pháp.
  5. Khéo thực hành niệm xứ về cảnh giới.
  6. Khéo thực hành niệm xứ về A-lan-nhã.
  7. Khéo thực hành niệm xứ về thôn ấp, xóm làng, quốc độ, thủ đô.
  8. Khéo thực hành niệm xứ về lợi dưỡng, tôn trọng, khen ngợi.
  9. Khéo thực hành niệm xứ về học xứ Như Lai chế định.
  10. Khéo thực hành niệm xứ về phiền não và tùy phiền não tạp nhiễm.

Thế nào là Bồ-tát thực hành niệm xứ về thân?

Này thiện nam! Bồ-tát dùng Bát-nhã chân chánh lựa chọn các pháp tương ưng với thân, giỏi xả bỏ những pháp ác, quan sát thân này từ đầu đến chân vô ngã, ngã sở, tánh không tồn tại lâu, cuối cùng sẽ hoại diệt, gân mạch máu chằng chịt, hôi thối bất tịnh. Khi Bồ-tát quan sát như vậy thì đối với thân không còn ưa muốn tham đắm, với nghĩa này thì trong thân toàn là những pháp khả ố, duy chỉ có Bồ-tát tự tại mới có thể xả bỏ, chẳng phải các hữu tình mà thực hành được.

Đó gọi là Bồ-tát khéo thực hành niệm xứ về thân.

Thế nào là Bồ-tát thực hành thọ niệm xứ?

Này thiện nam! Bồ-tát suy nghĩ thế này: “Tất cả các thọ đều là khổ, người ngu điên đảo cho là vui. Tất cả người trí biết vui tức là khổ, cho nên dũng mãnh tu hành để đoạn khổ, khiến cho hữu tình khác cũng học như vậy.” Khi Bồ-tát quan sát thọ hoàn toàn không nhiễm đắm cũng không nóng giận. Đó gọi là Bồ-tát khéo thực hành thọ niệm xứ.

Thế nào là Bồ-tát khéo thực hành niệm xứ về tâm?

Này thiện nam! Bồ-tát suy nghĩ: “Tâm thật vô thường chấp trước là thường, thật là khổ mà chấp cho là vui, vốn không có ngã chấp cho là có ngã, xưa nay bất tịnh chấp cho là tịnh, tâm ấy dao động không lúc nào tạm dừng. Vì không dừng cho nên thường làm căn bản cho các pháp tạp nhiễm, hoại diệt đường thiện, mở cửa nẻo ác, sinh trưởng ba độc cùng với tùy phiền não… gây ra nhân duyên ấy, làm chủ dẫn dắt. Lại nữa, tâm ấy hay tích tập nghiệp thiện, bất thiện lưu chuyển nhanh chóng như vòng lửa xoay tròn, như ngựa chạy nhanh, như ngọn lửa thiêu đốt, như nước lụt, biết mọi cảnh giới như bức tranh.” Khi Bồ-tát quan sát tâm như vậy liền được tự tại, được tự tại rồi đối với các pháp không còn vướng mắc. Đó gọi là Bồ-tát khéo thực hành niệm xứ về tâm.

Thế nào là Bồ-tát khéo thực hành niệm xứ về pháp?

Này thiện nam! Bồ-tát biết rõ như thật đây là các pháp bất thiện tham, sân, si… và đây là nơi nương tựa khởi lên những pháp khác, có thể tu tập để đối trị phiền não, khiến cho các pháp ác tất cả đều dứt hẳn. Bồ-tát đã biết rõ tất cả pháp lành, phát nguyện mong mỏi an trú trong đó, lại hay an lập cho tất cả hữu tình tu học như vậy. Đó gọi là Bồ-tát khéo thực hành niệm xứ về pháp.

Thế nào là Bồ-tát khéo hành niệm xứ về cảnh giới?

Này thiện nam! Bồ-tát đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp vừa ý hay không vừa ý đều không đắm nhiễm, cũng không phát khởi tâm nóng giận. Bồ-tát suy nghĩ như vầy: “Ta không nên đối với pháp không này mà sinh tham đắm, nếu ta tham đắm tức là kẻ ngu, tánh ngu si là không hiểu biết, là tánh bất thiện.” Theo lời Đức Thế Tôn dạy: “Nếu đắm nhiễm tham ái thì lập tức trở nên si mê không thể hiểu rõ pháp thiện và bất thiện, do nhân duyên này đọa vào đường ác.” Bồ-tát suy nghĩ như vầy: “Ta không nên đối với pháp không này mà nổi lên nóng giận, nếu nổi giận tức là không thể nhẫn, bị trói buộc, bị các bậc Thánh nhân quở trách và những vị phạm hạnh không hài lòng.” Khi Bồ-tát quan sát cảnh giới không bị cảnh giới trói buộc, cũng không chấp trước, lại còn giáo hóa mọi người tu học như vậy. Đó gọi là Bồ-tát khéo thực hành niệm xứ về cảnh giới.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10