KINH BẢO VŨ
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Đạt-ma-lưu-chi, người Thiên Trúc.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 8

Thế nào là Bồ-tát khéo thực hành niệm xứ về A-lan-nhã?

Này thiện nam! Bồ-tát suy nghĩ thế này: “Khi ta trụ vào hạnh vô tranh và hạnh tịch tĩnh, nếu Trời, Rồng, Dược-xoa, Kiền-đạtphược… có Tha tâm thần thông thì có thể biết được tâm và tâm sở hữu pháp của ta. Vì thế, ta nên tác ý như lý, xa lìa tác ý bất như lý, ở trong pháp như lý mà tăng trưởng tu tập rộng lớn.” Đó gọi là Bồ-tát khéo thực hành niệm xứ về A-lan-nhã.

Thế nào là Bồ-tát khéo thực hành niệm xứ về thôn ấp, xóm làng, quốc độ, thủ đô?

Này thiện nam! Bồ-tát cần phải xa lìa những nơi phi pháp như: nơi tửu tứ, phòng dâm, vương gia, bọn đam mê cờ bạc và chỗ tụ tập ca múa cười giỡn, vì những nơi đó chẳng phải chỗ lui tới của người xuất gia nên phải xa lìa. Đó gọi là Bồ-tát khéo thực hành niệm xứ về nhân gian.

Thế nào là Bồ-tát khéo thực hành niệm xứ về lợi dưỡng, tôn trọng, khen ngợi?

Này thiện nam! Bồ-tát luôn đối với lợi dưỡng… phát tâm như vầy: “Ta vì những người cúng dường mà làm ruộng phước rồi san sẻ vật thí ấy chẳng bao giờ tham đắm để khỏi ái nhiễm. Ta cũng chẳng vì mình mà chấp ngã, ngã sở, vật được thọ nhận đem ban bố cho tất cả hữu tình cùng có, trở lại bố thí cho mọi người khổ não.” Do nhân duyên này Bồ-tát được sự lợi dưỡng… nhưng hoàn toàn chẳng ỷ thị mà sinh tâm ngã mạn, cao ngạo. Bồ-tát suy nghĩ: “Thể tánh của việc được danh thơm, tiếng tốt, lợi dưỡng… vốn vắng lặng đều không thể thủ đắc, cuối cùng cũng sẽ là pháp mai một bại hoại, không thể tin chắc. Người có trí nào đối với pháp vô thường mà còn sinh ưa đắm, lại khởi lên kiêu căng, buông lung, ngã mạn, cao ngạo?” Đó gọi là Bồ-tát khéo thực hành niệm xứ về lợi dưỡng, tôn trọng, khen ngợi.

Thế nào là Bồ-tát khéo hành niệm xứ về học xứ Như Lai chế định?

Này thiện nam! Bồ-tát suy nghĩ: “Chư Phật thời quá khứ đã thường tu tập học xứ này và đã hiện chứng Đẳng Giác, nhập Bát-niếtbàn, chư Phật vị lai tu tập cũng vậy và sẽ chứng Đẳng giác nhập Bátniết-bàn. Chư Phật hiện tại đang tu tập học xứ này và hiện đang chứng Đẳng giác.” Đại Bồ-tát đối với học xứ như thế luôn phát khởi lòng tin tôn trọng dũng mãnh nương theo đó mà tu tập. Đó gọi là Bồtát khéo hành niệm xứ về học xứ Như Lai chế định.

Thế nào là Bồ-tát khéo hành niệm xứ về phiền não và tùy phiền não tạp nhiễm?

Này thiện nam! Bồ-tát ở trong pháp phiền não và tùy phiền não tạp nhiễm luôn khéo nghĩ về chúng: “Chúng từ nhân gì khởi: Từ duyên nào sinh? Duyên sinh khởi như vậy; duyên sinh như vậy, tất cả đều xả bỏ.” Đó gọi là Bồ-tát khéo hành niệm xứ về phiền não và tùy phiền não tạp nhiễm.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này nên luôn chứng được tâm Tam-ma-rị-đa.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được gọi là thọ y phấn tảo. Những gì là mười?

  1. Thệ nguyện kiên cố.
  2. Khiêm tốn.
  3. Không chán bỏ.
  4. Không tham đắm.
  5. Lìa lỗi lầm.
  6. Được thấy công đức.
  7. Không tự khen mình.
  8. Không hủy báng người khác.
  9. Giới đầy đủ.
  10. Gần gũi chỗ của chư Thiên.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát thệ nguyện kiên cố cho đến gần gũi chỗ của chư Thiên?

Này thiện nam! Bồ-tát được lòng tin và ý vui đầy đủ, đối với chư Phật khởi lòng tin tuyệt đối, thiết lập nhân hộ mạng, không hủy bỏ lời thề nguyện cũng không lay động. Do thệ nguyện vững chắc nên được tâm khiêm tốn, do tâm khiêm tốn nên không còn ngã mạn. Bồ-tát mặc đồ phấn tảo là đồ mà người ta vứt bỏ nhặt hết đem về, giặt tẩy may vá rồi dùng, nhưng không mệt mỏi, cũng chẳng vứt bỏ. Do nghĩa đó nên không còn chấp trước. Tuy rằng y này thô xấu, hư nát, lại còn sinh nhiều loại rận, bọ chét nhơ bẩn mà không lấy làm lo lắng, chỉ thấy đó là y phấn tảo công đức tiên nhân dùng để mặc, được Như Lai khen ngợi, Đức Phật nói là cát tường, xa lìa tham lam keo kiệt, tùy thuận Thánh chủng. Vì nhân duyên đó nên thường tự khen ngợi, cũng không hủy báng người khác, được giới đầy đủ. Do giới đầy đủ nên chư Thiên giáng đến gần gũi, thường được chư Phật khen ngợi, chư Đại Bồ-tát dạy dỗ, lại được người, chẳng phải người… ủng hộ. Như ở nơi thành ấp, xóm làng, lại được những vị Bà-la-môn, Sátđế-lợi… luôn nghĩ tôn trọng, còn những vị đồng phạm hạnh thì thường thăm hỏi.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này nên gọi là thọ y phấn tảo.

Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chư Bồ-tát có tâm lượng rộng lớn nhưng vì duyên cớ gì mà hành hạnh thấp kém?

Phật bảo:

–Này thiện nam! Chư Bồ-tát có năng lực lớn nên mới có thể hành hạnh thấp kém này. Người không có năng lực thì không thể thực hành được. Vì sao? Vì Bồ-tát có đại lực cứu giúp thế gian, có khả năng đối trị mà không khởi phiền não. Ngoài ra người không có thế lực thì đó là hạnh thấp kém.

Này thiện nam! Ý ông thế nào? Hạnh giải của Như Lai là rộng lớn chăng? Là thấp kém chăng?

Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Với nghĩa này, con nay không thể hiểu được. Vì sao? Vì Đức Như Lai vô sở chứng, vô hạnh giải, vì không thấy pháp nên không thể đo lường. Con nay sao có thể hiểu được sở hành thù thắng của Như Lai.

Phật nói:

–Này thiện nam! Ý ông thế nào? Như Lai vì sao đối với tất cả hữu tình, Trời, Rồng, Dược-xoa, Kiền-đạt-phược… trong bốn châu mà thị hiện hạnh thấp kém như vậy, lại vì những chúng sinh như vậy khen ngợi công đức hạnh Đầu-đà?

Bồ-tát Chỉ Cái bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như Lai vì điều phục cho người mới phát tâm hướng đến Đại thừa để đối trị tất cả hữu tình khỏi khởi lên phiền não mà thị hiện khổ hạnh thấp kém.

Phật nói:

–Này thiện nam! Đúng vậy! Đúng vậy! Chư Bồ-tát có thế lực lớn vì muốn điều phục cho các hữu tình nên mặc y phấn tảo mà không thấp kém cũng lại như vậy.

Thiện nam! Đó gọi là Bồ-tát thọ y phấn tảo.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được gọi là thọ dụng ba y. Những gì là mười?

  1. Biết đủ.
  2. Ít muốn.
  3. Xa lìa sự mong cầu.
  4. Không chứa nhóm.
  5. Lìa tổn thất.
  6. Lìa sự khổ não tích chứa tổn thất.
  7. Lìa buồn phiền.
  8. Lìa sầu than.
  9. Không còn nắm giữ.
  10. Chuyên cần tu tập nên chấm dứt các hữu lậu.

Này thiện nam! Bồ-tát đối với y thấp kém mà được tri túc, vì tri túc nên thường ít muốn, vì ít muốn nên không còn mong cầu, vì không mong cầu nên chưa từng gom chứa, vì không gom chứa nên không có tổn thất, vì không tổn thất nên không có khổ não, vì không khổ não nên không có sầu than, vì không sầu than nên không còn cái để thọ, vì không còn cái để thọ nên chuyên cần tu tập chấm dứt các hữu lậu.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này được gọi là thọ dụng ba y.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì không tùy thuận theo hạnh khác. Những gì là mười?

  1. Không theo hạnh tham ái.
  2. Không theo hạnh sân giận.
  3. Không theo hạnh ngu si.
  4. Không theo hạnh tổn hại.
  5. Không theo hạnh keo kiệt ganh ghét.
  6. Không theo hạnh ngã mạn.
  7. Không theo hạnh khiến cho người khác biết tiếng tốt.
  8. Không theo hạnh tôn trọng lợi dưỡng.
  9. Không theo hạnh cung kính thiên ma.
  10. Không theo hạnh cao ngạo.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này nên gọi là không tùy thuận theo hạnh người khác.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được gọi là khất thực. Những gì là mười?

  1. Vì thâu nhận các hữu tình mà hành hạnh khất thực.
  2. Vì thứ lớp mà hành hạnh khất thực.
  3. Vì không mỏi mệt, nhàm chán mà hành hạnh khất thực.
  4. Vì tri túc mà hành hạnh khất thực.
  5. Vì sự phân rải mà hành hạnh khất thực.
  6. Vì không mê đắm mà hành hạnh khất thực.
  7. Vì vô lượng mà hành hạnh khất thực.
  8. Vì phẩm chất tốt đẹp ngay hiện tiền mà hành hạnh khất thực.
  9. Vì căn lành viên mãn mà hành hạnh khất thực.
  10. Vì lìa tưởng về chấp ngã mà hành hạnh khất thực.

Này thiện nam! Sao gọi là Bồ-tát thâu nhận hữu tình cho đến xa lìa tưởng về chấp ngã mà hành hạnh khất thực?

Bồ-tát thấy tất cả hữu tình chịu nhiều khổ não, tuy thành thục chút ít căn lành, nhưng căn lành đó tạm thời, chẳng phải miên viễn, vì muốn làm lợi ích cho những hữu tình như thế mà Bồ-tát hành hạnh khất thực. Khi Bồ-tát vào nơi thành ấp, xóm làng, trụ vào chánh niệm đầy đủ oai nghi, các căn vắng lặng, không để dao động, buông lung. Bồ-tát thứ lớp khất thực nên chẳng bao giờ bỏ qua những nhà nghèo khổ mà vào nhà phú quý: Đó là nhà Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, nhà Cư sĩ lớn. Khi Bồ-tát khất thực lần lượt từ nhà này đến nhà khác cho đến khi xong việc chẳng hề trái phạm, chỉ trừ nơi ác không nên khất thực, đó là nhà có chó dữ, nhà trâu mới sinh, nhà nuôi những loài thú dữ.

Này thiện nam! Như nơi người nữ, đồng nam, đồng nữ, nơi khởi lên phiền não, nơi cơ hiềm, nơi cac ngoại đạo, những nơi như vậy đều nên bỏ đi. Đối với các hữu tình ấy Bồ-tát không còn yêu ghét. Khi Bồ-tát thứ lớp khất thực không sinh tâm chán mệt, lìa bỏ. Do không mỏi mệt nhàm chán mà sinh tri túc, với thức ăn ngon hay dở Bồ-tát đều tùy hỷ mà thọ nhận. Nếu được thức ăn rồi, Bồ-tát trở về trú xứ, thâu bát đa-la và cầm y phục đến trước tượng Như Lai, hoặc trước Chế-đa, hoặc trước Tốt-đổ-ba tôn kính, cúng dường, tán thán, rồi đem thức nhận được chia làm bốn phần: Một phần cúng cho vị đồng phạm hạnh, một phần bố thí cho người bần cùng, một phần bố thí cho hữu tình nơi nẻo ác, còn mình ăn một phần. Tuy Bồ-tát ăn nhưng đối với việc ăn không tham, không nhiễm cũng không ưa đắm, chỉ vì mạng sống mà thọ thực để cho thân thể khỏi gầy yếu, cũng không để cho nặng nề. Vì sao? Nếu thân gầy yếu thì phế bỏ sự tu thiện phẩm, còn nếu thân béo phì thì tăng thêm thùy miên. Bồ-tát thọ thực rồi hay làm cho thiện phẩm tăng trưởng ngay hiện tiền. Do chuyên cần tu tập không có biếng trễ, cũng không có lười biếng nên được tư lương Bồđề viên mãn. Do thiện phẩm mà có thể thành thục pháp Bồ-đề phần, xa lìa ngã chấp. Do vô ngã nên có thể xả bỏ nhục thân mà bố thí cho hữu tình.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì có khả năng hành hạnh khất thực.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được ngồi một mình. Những gì là mười?

  1. Ngồi nơi đạo tràng Bồ-đề, các ma đến khủng bố nhưng một mình chẳng lay động.
  2. Chứng tĩnh lự xuất thế, các ma đến khủng bố nhưng một mình chẳng lay động.
  3. Được Bát-nhã xuất thế, các ma đến khủng bố nhưng một mình chẳng lay động.
  4. Được trí xuất thế, các ma đến khủng bố nhưng một mình chẳng lay động.
  5. Chứng được tánh không, các ma đến khủng bố nhưng một mình chẳng lay động.
  6. Chứng các pháp như thật, các ma đến khủng bố nhưng một mình chẳng lay động.
  7. Chứng đạo Chánh giác, các ma đến khủng bố nhưng một mình chẳng lay động.
  8. Chứng được thật tế, các ma đến khủng bố nhưng một mình chẳng lay động.
  9. Chứng về Chân như, các ma đến khủng bố nhưng một mình chẳng lay động.
  10. Đắc Nhất thiết trí, các ma đến khủng bố nhưng một mình chẳng lay động. Nói ngồi một mình là ngồi ở Nhất thiết trí cũng gọi là pháp tòa.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này nên có khả năng được ngồi một mình.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được gọi là ngày ăn một lần. Những gì là mười?

  1. Không phóng túng tham thực.
  2. Ăn không tham đắm, nghĩa là ăn rồi, đúng thời hay không đúng thời không nên ăn nữa, như sữa, dầu, đường phèn, mọi thứ mùi vị.
  3. Nếu thấy người khác dùng sữa trong mọi lúc không sinh giận dữ.
  4. Nếu thấy người khác dùng sữa, trong mọi lúc cũng không hiềm khích.
  5. khi Bồ-tát thực hành ăn một lần, nếu bị bệnh nặng thì nên dùng sữa…
  6. Khi Bồ-tát thực hành ngày ăn một lần, nếu thân có bệnh cần dùng sữa… thì mới dùng.
  7. Khi Bồ-tát thực hành ngày ăn một lần, nếu có nạn phế bỏ sự tu tập pháp thiện nên ăn bơ… thì Bồ-tát mới dùng.
  8. Khi Bồ-tát thực hành ngày ăn một lần, nếu có ba nạn như trên mà ăn sữa… rồi thì không hối tiếc.
  9. Khi Bồ-tát thực hành ngày ăn một lần, nếu có ba nạn nên dùng sữa… thì không nghi hoặc.
  10. Khi Bồ-tát thực hành ngày ăn một lần, nếu có ba nạn cần ăn sữa… nên tưởng nghĩ như uống thuốc.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này được hạnh gọi là ngày ăn một lần.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được gọi là ở A-lan-nhã. Những gì là mười?

  1. Duy trì phạm hạnh.
  2. Đối với Tùy-nại-da được thiện xảo.
  3. Các căn đầy đủ.
  4. Đa văn đầy đủ.
  5. Giỏi thuyết pháp cốt yếu.
  6. Lìa ngã sở chấp.
  7. Giống như thú hoang dã.
  8. Thân được trụ lâu.
  9. Ở nơi vắng lặng.
  10. Không nhàm chán lìa bỏ A-lan-nhã.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát duy trì phạm hạnh cho đến không nhàm chán, lìa bỏ A-lan-nhã?

Này thiện nam! Bồ-tát bỏ nhà xuất gia, ở trong Tùy-nại-da ba nghiệp thanh tịnh, đầy đủ Thi-la, tánh nhiều thiện xảo, ưa tập oai nghi. Ở trong những lời Phật dạy về tất cả pháp huyễn, không nhờ vào duyên khác mà chính mình có thể giải ngộ và có khả năng đắc được giáo nghĩa một cách thiện xảo. Lại có khả năng rõ biết học xứ trì phạm, thấy người trì giới hay sinh cung kính, thấy người hủy giới liền lánh xa. Lại nữa, trong mọi lúc luôn ăn năn lỗi lầm, với những tội đã làm luôn tìm cách Sám hối không bao giờ che giấu. Lại có thể biết rõ tội đã phạm có ba bậc: Nặng, vừa và thấp. Lại có thể rõ biết nghiệp ác đã tạo và thọ nhận quả dị thục với thời gian có dài, ngắn khác nhau. Bồ-tát tu hành thanh tịnh nên được các căn đầy đủ, nhãn căn không giảm, nhĩ căn không khuyết, thân phần đầy đủ, mới có thể ở nơi A-lan-nhã thanh vắng. Một mình không bóng người không bị não loạn, không xa không gần, khất thực dễ dàng, nhiều rừng cây, hoa quả, cành lá sum suê, nước ngon thanh tịnh lấy dùng không mệt nhọc, với ngôi nhà nhỏ an ổn không có thú dữ, đường núi u tĩnh lui tới dễ dàng, nơi như vậy có thể nương tựa. Bồ-tát nương tựa nơi ấy rồi tùy theo những điều đã tụng đã nghe, ngày đêm ba thời luôn luôn tu tập, âm thanh tụng kinh không lớn không nhỏ, khéo thâu giữ các căn không cho thay đổi, vật thọ dụng thảy đều thanh tịnh, biết rõ tướng sai biệt của các pháp, lìa bỏ hôn trầm, tư duy giáo lý, tâm ấy chẳng động cũng chẳng ngoài duyên. Nếu có vua, con vua và Sát-đế-lợi, Bà-la-môn… đến nơi Bồ-tát, Bồ-tát cung kính chào hỏi khen rằng: “Lành thay! Đại vương! Chỗ ngồi đã bày sẵn mời đại vương an tọa.” Khi nhà vua ngồi, Bồ-tát cũng ngồi. Nếu nhà vua không ngồi thì Bồ-tát cũng không ngồi. Xem kỹ nhà vua…, thấy các căn nóng nảy vội vàng, Bồ-tát nên khen: “Đại vương tài giỏi hay làm lợi ích cho đất nước, trong nước đại vương có nhiều Samôn trì, giới phước đức đa văn trí tuệ, như chỗ cư trú của Bà-la-môn không có trộm cướp và sự xâm phạm hiếp bức của quan nhân…” Quán thấy nhà vua… các căn vắng lặng điều phục an ổn, thì Bồ-tát nên vì nhà vua mà diễn thuyết các pháp. Nếu nhà vua không thích nghe thuyết nhiều pháp thì Bồ-tát nên tùy thuận mà chỉ nói pháp chán lìa. Nếu nhà vua không muốn nghe pháp chán lìa thì nên nói pháp thâm sâu rộng lớn và oai đức lớn của Như Lai. Ngoài ra ở nhân gian xóm làng của Bà-la-môn, Sát-đế-lợi ai có đến thì tùy nghi mà vì họ thuyết pháp cũng như vậy. Vì Bồ-tát đa văn nên có khả năng thuyết pháp khiến cho người nghe thảy đều hoan hỷ, sinh lòng tin thanh tịnh đối với Bồ-tát. Bồ-tát đã hay thuyết pháp lại thường tu tập thiện phẩm đối trừ phiền não, nhờ sức đa văn nên không còn ngã chấp. Lại thường xa lìa ngã chấp sợ sệt, nên Bồ-tát ở A-lan-nhã không hoảng không sợ đắc Vô sở úy.

Bồ-tát ở A-lan-nhã quan sát ngay hiện tiền không còn bám víu, chẳng như loài dã thú không có sự quan sát. Bồ-tát ở A-lan-nhã không có sợ sệt, không có lỗi lầm, chẳng như dã thú thường sợ trúng thương. Bồ-tát ở A-lan-nhã vì trong xóm làng có người nam, người nữ, đồng nam, đồng nữ tâm tán loạn, vì thâu nhận chánh pháp, vì không còn bám víu, chẳng phải như dã thú vì hộ mạng mà xa lánh nhân gian. Do Bồ-tát ở xa những nơi ấy nên được vắng lặng ngay hiện tiền, thấy A-lan-nhã có công đức lớn. Bồ-tát trụ ở A-lan-nhã thấy được vắng lặng, tu tập các pháp, nên không chán lìa, không từ chối A-lan-nhã. Đó gọi là Bồ-tát duy trì phạm hạnh cho đến không nhàm chán, lìa bỏ, không từ chối A-lan-nhã.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được gọi là ở nơi A-lan-nhã.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có thể ngồi nơi gốc cây. Những gì là mười?

  1. Không được ngồi nơi gốc cây rất gần xóm làng.
  2. Không được ngồi nơi gốc cây quá xa xóm làng.
  3. Không được ngồi nơi gốc cây chông gai rậm rạp.
  4. Không được ngồi nơi gốc cây dây che kín và nơi ở của vượn.
  5. Không được ngồi nơi gốc cây lá khô.
  6. Không được ngồi nơi gốc cây có khỉ ở.
  7. Không được ngồi nơi gốc cây có nhiều chim chóc.
  8. Không được ngồi nơi gốc cây có nhiều thú dữ ở.
  9. Không được ngồi nơi gốc cây ở gần đường đi.
  10. Không được ngồi nơi gốc cây có người thô ác ở. Bồ-tát phải nên ngồi nơi gốc cây không có chướng nạn, thân được nhẹ nhàng, tâm thường vui vẻ.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì có khả năng ngồi nơi gốc cây.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có thể ngồi nơi đất trống. Những gì là mười?

  1. Với bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông không nên ngồi ở nơi có tường vách.
  2. Không nên ngồi nơi rừng cây.
  3. Không được ngồi nơi chứa rơm rạ, cỏ mục.
  4. Không được ngồi nơi thung lũng giữa núi.
  5. Bên bờ sông cheo leo không được ngồi.
  6. Không được dùng vật ngăn chận giá rét để ngồi.
  7. Không được dùng vật che gió để ngồi.
  8. Không được dùng vật che mưa để ngồi.
  9. Không được dùng vật che nắng để ngồi.
  10. Không được dùng vật hứng sương để ngồi.

Nếu các Bồ-tát ngồi nơi đất trống, thân bị các bệnh, lại không có sức thì nên vào trong chùa và suy nghĩ: “Đức Như Lai vì muốn đối trừ phiền não, nơi nào cũng nói rộng công đức của hạnh Đầu-đà. Ta nay tuy ở trong chùa, lòng không ưa thích cũng chẳng tham đắm, chuyên cần tu tập chánh pháp để đối trừ phiền não.” Lại suy nghĩ: “Ta ở trong chùa chỉ vì thâu nhận các thí chủ, chẳng vì nuôi dưỡng bản thân, nên tưởng nghĩ như đất trống.”

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được gọi là ngồi nơi đất trống.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được gọi là ngồi nơi nghĩa địa. Những gì là mười?

  1. Các Bồ-tát đối với trú xứ tốt đẹp hết lòng sinh chán lìa.
  2. Các Bồ-tát ở trong mọi lúc thường khởi tưởng về chết.
  3. Các Bồ-tát luôn luôn khởi tưởng về dư tàn.
  4. Các Bồ-tát thường quán về thân, khởi tưởng về thân đỏ lên.
  5. Các Bồ-tát thường quán về thân, khởi tưởng về thân xanh bầm.
  6. Các Bồ-tát thường quán về thân, khởi tưởng về thân máu mủ.
  7. Các Bồ-tát thường quán về thân, khởi tưởng về thân sình trướng.
  8. Các Bồ-tát thường quán về thân phần, khởi tưởng về thân khô cháy.
  9. Các Bồ-tát thường quán về thân, khởi tưởng về thân tan rã.
  10. Các Bồ-tát thường quán về thân, khởi tưởng về từng lớp xương ăn khớp với nhau.

Này thiện nam! Bồ-tát ngồi nơi nghĩa địa là vì thương xót các hữu tình, vì làm lợi ích cho họ nên trụ vào tâm Từ, cũng là để giữ gìn giới trong sạch, thành tựu phép tắc nên không khởi tâm ăn thịt. Vì sao? Này thiện nam! Nghĩa địa là nơi có nhiều phi nhân nương ở cùng khắp. Nếu thấy Bồ-tát ăn thịt thì không sinh lòng tịnh tín mà khởi lên phiền não. Do vậy Bồ-tát không nên ăn thịt.

Này thiện nam! Bồ-tát ở nơi nghĩa địa, nếu vào già lam, trước tiên nên lễ bái tháp Như Lai, thứ đến nên lễ bái những Bí-sô Trưởng lão, sau thì thăm hỏi những Bí-sô tuổi trẻ, không ngồi vào giường chiếu… những vật nhà Tăng, nên đứng cung kính. Vì sao? Này thiện nam! Vì Bồ-tát muốn tùy thuận thế gian cứu giúp hữu tình, nên không ngồi vào giường chiếu… những vật nhà Tăng. Đó là Bồ-tát ở nghĩa địa thuận theo bậc Thánh, nếu trái nghịch lại thế gian thì chẳng phải là bậc Thánh. Nếu như có một Bí-sô đem vật để ngồi, mời Bồ-tát ấy ngồi, thì Bồ-tát nên quán sát kỹ ý thích của Bí-sô kia, về sau không có ăn năn và chúng Tăng cũng không khởi giận hiềm. Thế thì Bồ-tát nên khởi tâm thấp kém như Chiên-trà-la đồng tử mới ngồi chỗ này.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được ngồi nơi nghĩa địa.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có thể thường ngồi. Những gì là mười?

  1. Thường ngồi vì thân không bị bức bách.
  2. Thường ngồi vì tâm không bị bức bách.
  3. Thường ngồi vì không bị hôn trầm.
  4. Thường ngồi vì không mỏi mệt, nhàm chán.
  5. Thường ngồi vì muốn tư lương Bồ-đề được viên mãn.
  6. Thường ngồi vì tâm tánh một cảnh.
  7. Thường ngồi vì chứng đạo ngay hiện tiền.
  8. Thường ngồi vì hướng đến đạo tràng Bồ-đề.
  9. Thường ngồi vì lợi ích cho tất cả hữu tình.
  10. Thường ngồi vì muốn dứt hẳn các phiền não.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì có khả năng thường ngồi.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được tùy phu tọa. Những gì là mười?

  1. Đối với phu cụ không tham đắm.
  2. Không bao giờ tự mình trải bày tọa cụ.
  3. Không sai người khác trải bày tọa cụ.
  4. Không hiện tướng khiến người khác trải bày tọa cụ.
  5. Tùy nơi ấy có vật như cỏ hoặc lá cây thì nên ngồi.
  6. Những địa phương có nhiều rắn độc, muỗi mòng, hang lỗ thì nên bỏ đi và không nên ngồi.
  7. Bồ-tát muốn nằm thì thân nghiêng bên phải, chân chồng lên nhau, dùng pháp y trùm thân, chánh niệm chánh tri khởi nghĩ sáng rõ.
  8. Nằm nghiêng bên phải, không tham đắm thùy miên.
  9. Chỉ vì nuôi lớn những hạt giống lớn… và vì mạng sống.
  10. Trong mọi lúc mọi nơi Bồ-tát làm cho thiện phẩm hiện ngay trước mắt.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì được tùy phu tọa.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì tu tập được Du-già (Thiền định). Những gì là mười?

  1. Có khả năng thường tu bất tịnh.
  2. Có khả năng thường tu từ bi.
  3. Có khả năng thường tu duyên khởi.
  4. Tu thiện xảo về các tai họa lỗi lầm.
  5. Có khả năng thường tu tánh không.
  6. Có khả năng thường tu vô tướng.
  7. Có khả năng thường tu Du-già.
  8. Có khả năng thường tu chuyên cần.
  9. Không gây lỗi lầm.
  10. Giới thường đầy đủ.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ-tát thường tu bất tịnh?

Thiện nam! Bồ-tát ở một mình an tọa, thân ngồi ngay thẳng thư thái kiết già, hiện tiền quan sát tâm hết sức chán lìa, tâm an trú chánh niệm không theo ngoại duyên. Suy nghĩ thế này: “Trong người ta hiện có tất cả những đồ ăn, thức uống, hoặc tịnh hoặc uế, hoặc ngon hoặc dở, có vị hay không có vị, nếu ăn vào rồi thì bị lửa thân xúc chạm trở thành hư hoại bất tịnh đáng ghê tởm, không nên tùy thuận theo những kẻ ngu phu… nghiện ngập tham đắm ở thế gian. Bậc Thánh của chúng ta nương vào pháp Tỳ-nại-da, thường dùng chánh trí quan sát tự thân, chẳng khởi lên tham đắm cũng chẳng nghiện ngập. Như thế, tâm ta không nên sinh nhàm chán, lìa bỏ chăng!” Cho nên Bồ-tát thường tu bất tịnh.

Thế nào là Bồ-tát thường tu Từ bi?

Này thiện nam! Nghĩa là Bồ-tát ở nơi nhàn vắng, an tọa một mình, thân ngồi thẳng kiết già một cách thư thái. Ngay hiện tiền, tâm quan sát hết sức nhàm chán, lìa bỏ, tâm an trú chánh niệm không theo ngoại duyên. Bồ-tát tư duy: “Các loài hữu tình khởi nhiều sân hận, gây nghiệp bất thiện, lại thường gần gũi kẻ bất thiện, khởi tưởng về oán thù, không có trạng thái gì với ta, hoặc vào đời quá khứ, hoặc vào vị lai, hoặc ngay hiện tại mà khởi những nghiệp như vậy. Ý ta khiến cho mọi hữu tình ấy đều được đoạn trừ những sân hại đã khởi, làm cho họ ngồi nơi đạo tràng Bồ-đề. Việc như vậy không chỉ nói suông, đó chính là ý muốn sâu xa của Bồ-tát tùy thuận tư duy.” Đó gọi là Bồ-tát có khả thường tu từ bi.

Thế nào là Bồ-tát có khả năng thường tu duyên khởi?

Nghĩa là các Bồ-tát nếu tâm khởi lên tham ái và sân hận thì tư duy như vầy: “Do ngã mà khởi lên các pháp tham, sân… ngã năng khởi đã từ duyên sinh thì cảnh sở khởi tham sân và tham… cũng từ duyên khởi. Người có trí thì không ai ở trong các pháp duyên sinh hư vọng mà khởi lên chấp trước ngã.” Đó gọi là Bồ-tát có khả năng thường tu duyên khởi.

Thế nào là Bồ-tát đối với các lỗi lầm hoạn nạn khéo léo tu hành?

Nghĩa là các Bồ-tát vì muốn đoạn trừ lỗi lầm tai họa cho bản thân nên thường tu tập. Nếu người nào liên tục gây ra các tai họa, lỗi lầm thì có thể nhận lời chỉ dạy của Bồ-tát khiến họ được đoạn trừ, ai không kham nhận thì Bồ-tát liền bỏ đi. Thế nào là lỗi lầm? Nghĩa là đối với Phật, Pháp, Tăng, đối với giới, bậc Thánh, người phạm hạnh và đối với thế gian tôn ti già trẻ lòng không cung kính, đó là lỗi lầm. Tự ỷ thân mình mà thường khởi lên ngã mạn, khinh rẻ người khác, nhiễm đắm những cảnh giới hiện tiền, quay lưng với Niết-bàn; khởi lên ngã kiến, hữu tình kiến, mạng giả kiến, Bổ-đặcgià-la kiến, đoạn kiến, không kiến, chấp thường vô thường kiến. Tánh không tôn kính những bậc Thánh, gần gũi kẻ ngu, xa lìa người trì giới, cúng dường người phá giới, lánh xa người đức hạnh, gần gũi người không đức hạnh; phỉ báng tạng kinh sâu xa vi diệu, đối với tạng kinh này thường ấp ủ sợ sệt, biếng trễ lười biếng khinh rẻ bản thân; tánh không biện tài, sức sáng thấp kém. Điều không ăn năn thì lại ăn năn, điều đáng ăn năn thì không ăn năn; thường bị triền cái trói buộc, chạy theo huyễn cảnh lừa dối dua nịnh, bị hôn trầm thùy miên che đậy. Tánh thường ưa thích cung kính, lợi dưỡng, tham đắm dòng họ, luyến ái quyến thuộc, ưa quốc độ chúng hội; xả bỏ cái vui của pháp tánh đã thọ trì, gần gũi thuận theo chú thuật thế gian, thường nhàm chán xa lìa chánh pháp xuất thế, quen tập điều bất thiện, không tu các điều thiện; khen người xuất gia ác. Đối với các người nam, người nữ, đồng nam, đồng nữ, các ngoại đạo… đều khen ngợi; không thích ở nơi A-lan-nhã, ăn không biết lượng. Đối với bậc tôn túc của mình không muốn gần gũi, khi tụng trì, huân tập thì tự phân chia giới hạn, cho không phải là sở hành của mình, không thấy lỗi xấu, tâm không cung kính giới vi tế. Đối với tội nhỏ tâm không sợ sệt; thấy kẻ ngu si các căn mờ ám khen là vắng lặng, thấy người trí tuệ các căn thông minh lanh lợi thì bài bát cho là ồn ào trạo cử, bởi hạnh ngạo nghễ chấp trước điên đảo; tánh ưa lời thô tháo, với các sắc thích hay không thích tùy thuận chấp trước; thấy người nổi giận không sinh lòng từ, thấy người chịu khổ không khởi lòng thương, thấy người mắc bệnh không lấy đó mà sinh tâm nhàm chán xa lìa, thấy người chết chẳng có sợ sệt, nơi thiêu đốt chẳng cầu ra khỏi; không quan sát thân, chẳng quan sát giới, tâm không quan sát về pháp đã làm sẽ làm đang làm. Điều không nên tư duy thì lại tư duy, không nên suy tính lại suy tính, không nên mong cầu lại mong cầu, chẳng phải xuất ly nghĩ tưởng là xuất ly, chẳng phải đạo nghĩ tưởng là đạo, chưa đắc cho là đắc, nên làm không làm; tham đắm pháp ác lìa bỏ pháp thiện, nói xấu Đại thừa khen ngợi Tiểu thừa, hủy báng người thâm tín Đại thừa, khen ngợi người thâm tín Tiểu thừa; thường khởi tranh luận, hằng gây đấu khẩu, ôm lòng thô lỗ, ưa nói lời ác, ngạo nghễ nhiều lời, nghiêm khắc bạo ác, tham lam dối trá, tánh nhiều hư vọng (không thật), lời nói không trật tự, ưa thích hý luận, đây là lỗi lầm.

Bồ-tát đối với những lỗi lầm như vậy luôn được khéo léo rồi chuyên cần tu tánh không, vì muốn lìa bỏ các hý luận. Tuy Bồ-tát chuyên cần tu tánh không nhưng tâm rải khắp đến từng nơi mà tâm vẫn trụ an lạc. Bồ-tát tìm khắp từng cảnh giới, tự tánh đều không, tìm chẳng thể được, cảnh sở thủ đã không thì tánh tâm năng thủ cũng chẳng có, biết rõ tâm cảnh sở quán là không nên thật thể trí năng quán chẳng có. Khi Bồ-tát quan sát tánh không rồi tu tánh vô tướng, tuy Bồ-tát chuyên cần tu vô tướng nhưng vẫn còn có các tướng, từng tướng hiện tiền. Bồ-tát lại quán các tướng hiện tiền thể tánh đều không, các tướng như vậy đã chẳng thể được, quán tướng trong thân cũng chẳng thể được thì đối với thân niệm trụ cũng chẳng thể được, nên tâm không chấp trước vào các tướng ngoài. Ý Bồ-tát lìa bỏ các tướng như vậy và luôn luôn phát khởi tu tập ý lạc. Bồ-tát tu tập các Tam-ma-địa ở trong cảnh giới ấy an trú không gián đoạn, tâm nhất tánh cảnh là Xa-ma-tha, quan sát như thật là Tỳ-bát-xá-na. Bồ-tát tu tập Tam-ma-rị-đa tâm được vô hối hoan hỷ. Vì sao? Vì giới thanh tịnh, vì các Bồ-tát giới hạnh thanh tịnh nên được Du-già, người đầy đủ giới tăng trưởng Du-già, tu tập Du-già, cho nên gọi là người được Du-già.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì có khả năng tu tập Du-già.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có khả năng gìn giữ tạng kinh. Những gì là mười?

  1. Lắng nghe tiếp nhận vì bảo vệ chánh pháp, chẳng vì của cải.
  2. Lắng nghe, tiếp thu vì bảo vệ trụ trì chẳng vì lợi dưỡng.
  3. Lắng nghe tiếp nhận vì nối dòng Tam bảo không dứt mất, chẳng cầu cúng dường.
  4. Lắng nghe tiếp nhận vì thâu nhận các hữu tình phát tâm hướng đến Đại thừa, chẳng vì tiếng tốt, khen ngợi.
  5. Lắng nghe tiếp nhận vì muốn lợi ích cho các hữu tình không nơi nương tựa, không người nhờ cậy.
  6. Lắng nghe tiếp nhận vì các hữu tình khổ não được an lạc.
  7. Lắng nghe tiếp nhận vì các hữu tình không tuệ nhãn được tuệ nhãn.
  8. Lắng nghe tiếp nhận vì các hữu tình phát tâm hướng đến Thanh văn thừa mà diễn thuyết đạo Thanh văn thừa cho họ.
  9. Lắng nghe tiếp nhận vì các hữu tình phát tâm hướng đến Đại thừa mà diễn thuyết đạo Đại thừa cho họ.
  10. Lắng nghe tiếp nhận vì tự thân chứng trí vô thượng, chẳng vì mong cầu thừa thấp kém.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì có khả năng gìn giữ tạng kinh.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có khả năng trì giữ tạng Tỳ-nại-da. Những gì là mười?

  1. Có khả năng biết rõ Tỳ-nại-da.
  2. Có khả năng biết rõ nghĩa của Tỳ-nại-da.
  3. Có khả năng biết rõ nghĩa lý thâm sâu của Tỳ-nại-da.
  4. Có khả năng biết rõ vi tế của Tỳ-nại-da.
  5. Có khả năng biết rõ điều nên làm và không nên làm.
  6. Có khả năng biết rõ tự tánh vi phạm.
  7. Có khả năng biết rõ sự thiết bày vi phạm.
  8. Có khả năng biết rõ sở học duyên khởi Ba-la-đề-mộc-xoa.
  9. Có khả năng biết rõ luật của Thanh văn.
  10. Có khả năng biết rõ luật của Bồ-tát.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì có khả năng nắm giữ tạng luật.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì có thể đầy đủ oai nghi và cảnh giới sở hành khuôn phép.

Những gì là mười?

  1. Học tất cả học xứ của Thanh văn.
  2. Khéo học tất cả học xứ của Duyên giác.
  3. Học hoàn hảo tất cả học xứ của Bồ-tát.
  4. Về các học xứ được học hoàn hảo rồi thì có khả năng hoàn hảo khuôn phép sở hành đầy đủ.
  5. Sở hành khuôn phép đều đầy đủ rồi liền có thể xả bỏ hạnh chẳng phải Sa-môn.
  6. Vì nhân duyên này mà Bồ-tát không thực hành phi xứ phi thời.
  7. Bồ-tát có thể đối với sở hành oai nghi khuôn phép của Sa-môn đều được đầy đủ, nên Sa-môn, Bà-la-môn đều không thể cơ hiềm hủy báng phi lý.
  8. Do đây Bồ-tát cũng có thể khiến cho người khác học hoàn hảo tất cả học xứ như vậy.
  9. Bồ-tát thực hành khuôn phép viên mãn rồi, được đoan nghiêm vắng lặng, đầy đủ oai nghi.
  10. Thành tựu oai nghi mà chẳng dối trá.

Này thiện nam! Bồ-tát thành tựu mười pháp này thì có thể đầy đủ oai nghi và cảnh giới sở hành khuôn phép.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10