KINH BAN-CHU TAM-MUỘI
(KINH THẬP PHƯƠNG HIỆN TẠI PHẬT TẤT TẠI TIỀN LẬP ĐỊNH)
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng Chi-lâu-ca-sấm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN HẠ
Phẩm 10: THỈNH PHẬT
Bấy giờ, Bồ-tát Bạt-đà-hòa sửa lại y phục, quỳ gối chắp tay bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Con kính thỉnh Phật và chúng tăng Tỳ-kheo vào ngày mai quang lâm đến nhà con để thọ thực. Kính mong Phật Từ bi nhận lời thỉnh mời của con.
Đức Phật và chúng Tỳ-kheo đều im lặng nhận lời. Biết Đức Phật đã nhận lời, Bồ-tát Bạt-đà-hòa đứng dậy đi đến chỗ của Tỳkheo-ni Ma-ha-ba-dụ-đề, thưa với Tỳ-kheo-ni:
–Tôi kính mời Ni sư và đại chúng Tỳ-kheo-ni vào sáng ngày mai thọ thực tại nhà tôi. Kính mong Ni sư nhận lời mời của tôi.
Tỳ-kheo-ni Ma-ha-ba-dụ-đề nhận lời.
Bồ-tát Bạt-đà-hòa nói với Bồ-tát La-lân-na-kiệt:
–Này em! Tất cả những người mới đến ở các thành ấp đều hãy mời họ đến chỗ Đức Phật.
Bồ-tát La-lân-na-kiệt đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ rồi quỳ gối chắp tay thưa:
–Bạch Thế Tôn! Anh con kính thỉnh Phật và mời tất cả những người mới đến đều thọ thực tại nhà con. Kính mong Thế Tôn Từ bi nhận lời.
Bồ-tát Bạt-đà-hòa, Bồ-tát La-lân-na-kiệt, Bồ-tát Kiều-nhậtđâu, Bồ-tát Na-la-đạt, Bồ-tát Tu-thâm, Bồ-tát Ma-ha Tu-tát-hòa, Bồtát Nhân-để-đạt, Bồ-tát Hòa-luân-điều đều cùng với quyến thuộc đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, sau đó, đảnh lễ chúng Tăng Tỳ-kheo. Đảnh lễ xong, chư vị cùng về nhà của Bồ-tát Bạt-đà-hòa ở thành Vương xá để phụ giúp sửa soạn các thức ăn. Bốn vua trời Hộ thế, Thích Đề-hoàn Nhân và Phạm thiên vương cũng đều đến đó phụ giúp Bồ-tát Bạt-đà-hòa làm thức ăn.
Bấy giờ, Bồ-tát Bạt-đà-hòa cùng với quyến thuộc trang trí khắp thành Vương xá, dùng màn thêu che phủ mọi nơi. Các nẻo đường, phố chợ đều treo nhiều phướn đẹp rực rỡ. Trong toàn thành, đâu đâu cũng rải hoa, xông hương thơm, Bồ-tát làm hàng trăm món ăn để cúng dường Đức Phật. Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bàdi, những người nghèo khỗ, hành khất, cũng đều có các thức ăn thích hợp. Vì sao? Vì không có sự bố thí thiên lệch, đối với mọi người và mọi loài bò, bay, máy, cựa đều bình đẳng.
Đến giờ thọ thực, Bồ-tát Bạt-đà-hòa cùng với tám vị Bồ-tát và các quyến thuộc đồng đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi lui ra thưa:
–Bạch Thế Tôn! Thức ăn chúng con đã làm xong, kính thỉnh Thế Tôn quang lâm.
Đức Phật và chúng Tăng đều đắp y mang bát cùng đi đến đại hội nơi nhà của Bồ-tát Bạt-đà-hòa tại thành Vương xá. Bồ-tát Bạt-đàhòa suy nghĩ: “Hôm nay, nhờ thần lực của Đức Phật, xin khiến cho nhà của con được rộng lớn vô cùng, đất toàn bằng lưu ly, bên trong đều nhìn thấy nhau, bên ngòai thành nhìn thấy trong nhà của con, trong nhà của con thấy được bên ngoài thành.”
Biết được suy nghĩ của Bồ-tát Bạt-đà-hòa, Đức Phật liền phóng ra oai thần khiến cho ngôi nhà của Bồ-tát trở nên vô cùng rộng lớn. Dân chúng trong tòan thành đều nhìn thấy cả bên trong tòa nhà. Đức Phật vào an tọa nơi trai phòng nhà của Bồ-tát Bạt-đàhòa. Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đều theo thứ lớp mà an tòa. Thấy Đức Phật và đại chúng an tọa xong, Bồ-tát Bạtđà-hòa tự tay đặt bát cúng dường Phật và chúng Tăng với hàng trăm món ăn như vậy. Đức Phật và các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni thọ thực, những người nghèo khổ nhờ ân đức, oai thần của Phật cũng đều được no đủ bình đẳng. Thấy Phật và đại chúng thọ trai xong, Bồ-tát Bạt-đà-hòa liền đi dâng nước uống, nước rửa tay rồi Bồ-tát ngồi nơi chiếc ghế nhỏ để nghe Đức Phật thuyết pháp.
Đức Phật vì Bồ-tát Bạt-đà-hòa và bốn chúng đệ tử mà giảng nói kinh pháp. Ai ai cũng đều hoan hỷ, ai ai cũng đều thích nghe, không ai là không muốn nghe. Sau khi thuyết kinh để dạy đại chúng Tỳkheo và các đệ tử, Đức Phật cùng với đại chúng ra về.
Dùng cơm xong, Bồ-tát Bạt-đà-hòa cùng với quyến thuộc ra khỏi thành Vương xá để đi đến chỗ Đức Phật. Đến nơi, các vị đảnh lễ Phật rồi lui ra ngồi một bên, cùng với Bồ-tát La-lân-na-kiệt, Bồ-tát Kiều-nhật-đâu, Bồ-tát Na-la-đạt, Bồ-tát Tu-thâm, Bồ-tát Ma-ha Tutát-hòa, Bồ-tát Nhân-để-đạt, Bồ-tát Hòa-luân-điều. Thấy đại chúng đã an tọa xong, Bồ-tát Bạt-đà-hòa thưa:
–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát nhờ những việc gì để được Tam-muội nhìn thấy tất cả các Đức Phật hiện tại đều đứng trước mặt?
Đức Phật nói:
–Này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát có năm pháp để nhanh chóng đạt được Tam-muội thấy tất cả các Đức Phật đời hiện tại đều đứng trước mặt, rồi luôn chuyên tâm học, thọ trì và thực hành. Những gì là năm?
- Ưa thích kinh điển sâu xa, không bao giờ cùng tận, không khi nào chấm dứt, thoát khỏi những tai nạn, biến đổi, không còn các trần cấu, lìa xa tối tăm, ở trong sự sáng suốt, tất cả những u ám, mê mờ đều tiêu tan. Này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát ấy đạt được pháp Nhẫn vô sinh và đạt được Tam-muội này.
- Không ưa thích tái sinh.
- Không ưa thích đối với ngoại đạo.
- Không thích ở trong ái dục.
- Tự mình tu hành không ngừng nghỉ.
Bồ-tát lại có năm điều để nhanh chóng đạt được Tam-muội này. Năm điều ấy là gì?
- Bố thí xong, tâm không được hối hận, không được tham, không được tiếc của, không được có tâm mong cầu báo đáp, không được giận hờn.
- Bồ-tát giảng nói, bố thí kinh cho người khác, lời lẽ phải chắc thật, không có nghi ngờ, không yêu, không tiếc, giảng nói những lời lẽ sâu xa của Phật thì chính mình cũng phải tu hành như vậy.
- Bồ-tát không được ganh ghét, tu tập không được nghi ngờ, từ bỏ ham ngủ nghỉ, dứt bỏ năm dục, không được nói điều tốt của mình, không nói điều xấu của người khác, nếu có bị mắng chửi hoặc bị hình phạt cũng không nổi giận, cũng không được hận thù, không được biếng trễ. Vì sao? Vì tu hành thể nhập vào Không.
- Bồ-tát học Tam-muội này và dạy cho người khác học, biên chép kinh này trên giấy mực tốt để tồn tại lâu dài.
- Bồ-tát tin tưởng, yêu mến và cung kính bậc trưởng lão và bạn bè; đối với những người mới học, được bố thí phải nhớ nghĩ đến việc báo đáp công ơn, phải luôn luôn chí thành, nhận của người bố thí cho dù chỉ là một phần nhỏ cũng phải báo đáp ân lớn, huống là nhận nhiều.
Bồ-tát thường ưa thích, tôn trọng kinh điển, bỏ hẳn những tâm niệm trái với kinh điển, phải luôn nhớ nghĩ về kinh điển.
Bồ-tát hành trì như vậy sẽ nhanh chóng đạt được Tam-muội.
Bấy giờ, Đức Phật nói kệ:
Thường thích kinh pháp, hiểu sâu xa
Đối với các dục chẳng hề tham
Ở trong năm đường không đắm nhiễm
Thực hành như vậy, đạt Tam-muội.
Ưa bố thí, không mong báo đáp
Đã cho, không còn tâm luyến tiếc
Cũng không thấy có người thọ nhận
Chỉ muốn được hiểu trí tuệ Phật.
Bố thí vì thương các chúng sinh
Tâm ý hoan hỷ, không hối hận
Thường bố thí, trì giới, nhẫn nhục
Tinh tấn, thiền định và trí tuệ.
Đầy đủ sáu Độ gồm tất cả
Từ, Bi, Hỷ, Xả, tâm vô lượng
Phương tiện thiện xảo độ chúng sinh
Tu hành như vậy, đạt Tam-muội.
Nếu ai bố thí trừ tham tiếc
Tâm ý hoan hỷ trao cho người
Sau khi bố thí luôn vui mừng
Thực hành như vậy, đạt Tam-muội.
Hiểu rõ, phân biệt các kinh pháp
Nghe lời Phật dạy nghĩa sâu xa
Giảng nói vi diệu giáo hóa người
Thực hành như vậy, đạt Tam-muội.
Người nào học, tụng Tam-muội này
Trí tuệ hiểu rõ, giảng cho người
Khiến kinh pháp này trụ lâu dài
Thực hành như vậy, đạt Tam-muội.
Không giữ bí mật kinh pháp Phật
Không mong cúng dường mới giảng kinh
Chỉ cần an ổn trong Phật đạo
Thực hành như vậy đạt Tam-muội.
Trừ bỏ chấp giữ, các triền cái
Xa lìa ngã mạn và cao ngạo
Không tự khen mình, nói lỗi người
Không hề khởi tưởng ngã, ngã sở.
Nếu người tâm ý luôn định tĩnh
Liền được hiểu rõ định, tuệ này,
Bỏ hẳn dua nịnh, tâm thanh tịnh
Nhờ vậy đạt pháp Nhẫn vô sinh.
Luôn chí thành, không chuộng bề ngoài
Thường được đầy đủ các ý nguyện
Đức hạnh chân chánh, không hạnh tà
Ưa thích kinh pháp mau đạt đạo.
Đọc tụng kinh điển thường không quên
Giữ gìn giới cấm, hạnh thanh tịnh
Tu hành như vậy mau thành Phật
Huống là thọ trì Tam-muội này.
Này Bạt-đà-hòa! Về thuở xa xưa cách đây vô số kiếp, vào thời Đức Phật Đề-hòa-kiệt-la, ta ở chỗ Đức Phật ấy nghe Tam-muội này và liền hết lòng thọ trì nên thấy được vô số Đức Phật ở khắp mười phương. Ta theo tất cả các Đức Phật ấy nghe kinh và thọ trì hết thảy. Khi ấy, chư Phật đều bảo ta: “Sau đây vô số kiếp nữa, ông sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Văn.”
Này Bạt-đà-hòa! Cho nên, ta bảo ông, từ đây cho đến khi thành Phật, ông hãy học Tam-muội này. Nên biết Tam-muội này là đứng đầu trong tất cả các pháp, không có pháp nào sánh bằng, là pháp đã ra khỏi các tưởng. Người nào an trú niệm trong Tam-muội này thì sẽ thành Phật đạo.
Khi ấy, Đức Phật nói kệ:
Xưa, ta ở đời Phật Định Quang
Khi ấy, đạt được Tam-muội này
Thấy vô số Phật khắp mười phương
Được nghe các pháp, nghĩa sâu xa.
Như người có đức được châu báu
Tất cả chí nguyện được như ý
Bồ-tát Đại sĩ cũng như vậy
Cầu kinh châu báu, liền thấy Phật.
Bồ-tát Bạt-đà-hòa thưa:
–Bạch Thế Tôn! Phải thọ trì Tam-muội này như thế nào?
Đức Phật nói:
–Này Bạt-đà-hòa! Không được tham đắm các sắc, không được hướng đến tái sinh, nên tu hành pháp Không, nên thọ trì Tam-muội này như vậy. Những gì là Tam-muội? Nên theo các pháp ấy mà thực hành.
Lại nữa, này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát quán sát thân mình, vốn không có thân, cũng không có đối tượng quán sát, cũng không có đối tượng nhìn thấy, cũng không có đối tượng chấp giữ, vốn không có sự mù, cũng không có sự điếc, như pháp trong kinh, có sự nhìn nhưng không có đối tượng được thấy, cũng không có đối tượng lệ thuộc. Không có đối tượng lệ thuộc là người thọ trì Đạo pháp, ở trong các pháp, không hề nghi ngờ. Không nghi ngờ là thấy Phật. Thấy Phật là đoạn trừ các nghi ngờ. Các pháp không từ đâu sinh ra. Vì sao? Nếu Bồ-tát có Tưởng nghi ngờ về pháp thì đó là chấp giữ. Chấp giữ là gì? Có người, có tuổi thọ, có công đức, có ấm, có nhập, có đối đãi, có Tưởng, có các căn, có các dục đó là chấp giữ. Vì sao? Vì Bồ-tát thấy các pháp, không hề chấp giữ, pháp này cũng không nghĩ, cũng không thấy.
Không thấy là thế nào? Ví như người ngu học theo ngoại đạo rồi tự cho là có người, cho rằng có thân. Bồ-tát thì không thấy như vậy. Bồ-tát thấy những gì? Ví như sự thấy biết của Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, của bậc Bất thoái chuyển, của Bích-chiphật và của bậc A-la-hán không vui, không buồn. Người thọ trì Tammuội này cũng không vui, cũng không buồn. Ví như hư không, không có sắc, không có tưởng, thanh tịnh hoàn toàn, Bồ-tát thấy các pháp cũng như vậy. Mắt nhìn thấy các pháp không hề chướng ngại, do vậy nên được thấy chư Phật. Thấy chư Phật rõ ràng như đặt viên ngọc Minh nguyệt lên trên ngọc lưu ly, như khi mặt trời vừa mới mọc, như mặt trăng sáng tỏ giữa các vì sao trong đêm rằm, như lúc Chuyển luân thánh vương giữa các Đại thần, quan lại, như khi vua trời Đaolợi, là Thích Đề-hoàn Nhân ở giữa các vị trời, như Phạm Thiên vương ngồi nơi tòa bậc nhất giữa các vị trời Phạm, như ngọn đuốc cháy trên đỉnh núi cao, như thầy thuốc giỏi đem thuốc chữa trị cho bệnh nhân, như sư tử bước đi một mình, như chim nhạn bay dẫn đầu đàn giữa hư không, như đỉnh núi mùa Đông chất đầy tuyết, bốn bên đều thấy, như núi kim cương thanh tịnh giữa cõi đất trời rộng lớn, như xuống nước mang theo đất, như gió mang theo nước, các nhơ uế đều hoàn toàn thanh tịnh như hư không, như cõi trời Đao-lợi trang nghiêm trên núi Tu-di, chư Phật cũng như vậy, sự giữ giới của Phật, oai thần của Phật, công đức của Phật, vô số cõi nước đều vô cùng sáng rỡ. Bồ-tát thấy chư Phật ở khắp mười phương như vậy, được nghe kinh và thọ trì tất cả.
Bấy giờ Đức Phật nói kệ:
Phật không cấu uế, chẳng phiền não
Công đức hoàn hảo không chấp giữ
Âm thanh vi diệu, đại thần thông
Nghĩa lý vang rền như trống pháp.
Hiểu trí tuệ Bậc Thiên Trung Thiên
Vô số hương hoa dâng cúng dường
Vô lượng công đức thờ xá-lợi
Phướn, lọng, hương thơm cầu Tam-muội.
Nghe pháp vi diệu, học đầy đủ
Xa lìa điên đảo cầu diệt độ
Không hề chấp trước vào pháp
Không Chí rõ tuệ vô ngại vi diệu.
Thanh tịnh như mặt trời, mặt trăng
Như Phạm thiên ở giữa Thiên cung
Thường chuyên tâm niệm Đức Thế Tôn
Ý không vướng mắc, chẳng tưởng không.
Ví như mùa đông tuyết phủ núi
Lại như vua chúa đứng đầu nước
Ma-ni hơn hẳn mọi châu báu
Quán tướng tốt Phật nên như vậy.
Nhạn chúa bay trước để dẫn đường
Hư không thanh tịnh không nhơ uế
Tướng Phật sắc vàng ròng cũng vậy
Phật tử cúng dường Đức Thế Tôn.
Xa lìa u ám, trừ ngu tối
Nhanh chóng đạt Tam-muội thanh tịnh
Trừ bỏ hết thảy các tưởng cầu
Hành không cấu uế được định ý.
Không có phiền não, sạch ô nhiễm
Đoạn trừ giận dữ và ngu si
Mắt được thanh tịnh, sáng tự nhiên
Niệm công đức Phật không chướng ngại.
Nghĩ Phật Thế Tôn giới thanh tịnh
Tâm không chấp giữ, chẳng mong cầu
Không hề chấp ngã và ngã sở
Cũng không khởi tưởng về các sắc.
Xa lìa sinh tử, không kiến chấp
Bỏ hẳn cao ngạo, tuệ thanh tịnh
Dứt trừ kiêu mạn, không tự đại
Nghe Tam-muội này, xa tà kiến.
Nếu có Tỳ-kheo đệ tử Phật
Tỳ-kheo-ni và các thiện nam
Cùng các thiện nữ bỏ tham dục
Tu tinh tấn tức đạt pháp này.
Phẩm 11: KHÔNG KHỞI TƯỞNG
Đức Phật bảo Bồ-tát Bạt-đà-hòa:
–Bồ-tát nếu muốn học nhanh chóng đạt được Tam-muội này, trước hết, phải đoạn trừ các tưởng về các sắc, bỏ tâm cao ngạo rồi mới học Tam-muội này. Không nên tranh cãi. Tranh cãi là gì? Là chê bai pháp không, sau đó mới đọc tụng Tam-muội này.
Này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát nào muốn học, đọc tụng Tam-muội này, phải thực hành mười điều. Những gì là mười?
- Nếu thấy người khác được cúng dường y bát, không được ganh ghét.
- Phải yêu kính tất cả mọi người, hiếu thuận bậc trưởng lão.
- Phải nhớ báo đáp công ơn.
- Không được nói dối, phải lìa xa những điều phi pháp.
- Thường đi khất thực, không nhận mời riêng.
- Phải tinh tấn kinh hành.
- Không được nằm dài suốt ngày đêm.
- Luôn muốn bố thí cho tất cả chúng sinh, không hề tiếc nuối hay hối hận.
- Thể nhập sâu xa vào trí tuệ, không hề chấp giữ.
- Cung kính phụng sự bậc minh sư xem như Phật, sau đó mới đọc tụng Tam-muội này.
Đó là mười điều. Nên đúng như pháp mà thực hành như vậy, sẽ đạt được tám điều. Những gì là tám?
- Đạt được giới hoàn toàn thanh tịnh.
- Không theo ngoại đạo, được trí tuệ tự tại.
- Đạt trí tuệ thanh tịnh, không tham ưa tái sinh.
- Đạt được mắt thanh tịnh, không ưa thích sinh tử.
- Sáng suốt cao vời, không hề bị lệ thuộc.
- Tinh tấn thanh tịnh cho đến khi thành Phật.
- Nếu được người khác cúng dường không lấy đó làm vui mừng.
- Tâm không thoái chuyển đối với đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đó là tám điều.
Bấy giờ, Đức Phật nói kệ:
Người đạt thông tuệ, không khởi tưởng
Từ bỏ tự đại và cao ngạo
Thực hành nhẫn nhục, không thô tháo
Sau đó mới học Tam-muội này.
Bậc trí không tranh cãi về không
Không tưởng, định tĩnh là diệt độ
Không hủy báng Pháp và Thế Tôn
Thực hành như vậy đạt Tam-muội.
Bậc tâm sáng suốt, không kiêu mạn
Thường nhớ ơn Phật và minh sư
Niềm tin vững chãi không dao động
Khi ấy mới học Tam-muội này.
Tâm không ganh ghét, bỏ tối tăm
Không khởi nghi ngờ, luôn tin chắc
Tu hành tinh tấn không biếng trễ
Thực hành như vậy đạt Tam-muội.
Tỳ-kheo nên thường đi khất thực
Không nhận thỉnh mời, không nhóm họp
Tâm không chấp giữ, không chứa của
Tu hành như vậy đạt Tam-muội.
Nếu người chưa đạt được pháp này
Chưa thọ trì, phụng hành kinh điển
Tâm ý đầy đủ đạt như Phật
Sau đó mới học Tam-muội này.
An trụ, dốc lòng, luôn thành tín
Nếu ai học, tụng Tam-muội này
Liền nhanh chóng đạt được tám pháp
Hoàn toàn thanh tịnh theo lời Phật.
Vị ấy giữ giới luôn hoàn hảo
Được thấy Tam-muội không tì vết
Vì luôn thanh tịnh đối sinh tử
An trụ pháp này, đạt đầy đủ.
Trí tuệ cũng luôn được thanh tịnh
Hạnh không nhơ uế, không chấp giữ
Học rộng, trí sâu, không luống uổng
Tu hành như vậy đạt thông tuệ.
Ý chí tinh tấn không quên mất
Không tham các lợi dưỡng, cung dường
Nhanh chóng đạt Phật đạo vô thượng
Học như vậy, đức trí sáng suốt.
Phẩm 12: MƯỜI TÁM PHÁP BẤT CỘNG VÀ MƯỜI LỰC
Đức Phật nói:
–Người đạt được tám điều nói trên, sẽ liền đạt được mười tám Pháp của Phật. Mười tám pháp ấy là gì?
- Biết rõ ngày đó thành Phật, ngày đó nhập vào Niết-bàn, từ ngày mới thành Phật cho đến ngày nhập Niết-bàn đều biết rõ như Phật không khó khăn.
- Không lỗi lầm.
- Không quên mất.
- Luôn định tĩnh.
- Không khởi tưởng về pháp, không chấp pháp là ngã sở.
- Luôn luôn nhẫn nhục.
- Luôn luôn an lạc.
- Luôn luôn tinh tấn.
- Luôn luôn chánh niệm.
- Luôn ở trong Tam-muội.
- Luôn luôn biết rõ.
- Luôn có trí tuệ giải thoát.
- Trong vô số kiếp vào đời quá khứ, luôn thực hành pháp vô ngại và trí tuệ của Phật.
- Vào vô số kiếp vị lai cũng sẽ luôn luôn tu hành pháp vô ngại và trí tuệ của Phật.
- Vô số kiếp ở đời tại cũng luôn luôn tu hành pháp vô ngại và trí tuệ của Phật.
- Thân luôn hành động với trí tuệ.
- Miệng luôn luôn nói sự có mặt của trí tuệ.
- Ý luôn luôn vận hành cùng với trí tuệ.
Đó là mười tám Pháp của Phật.
Này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát nào không chấp giữ, siêng cầu Chánh pháp, học và giữ gìn Tam-muội này thì được mười pháp ủng hộ, hay mười Lực của Phật. Mười Lực của Phật là gì?
- Biết rõ tất cả những pháp hữu hạn và vô hạn.
- Biết tường tận ngọn nguồn về quá khứ, vị lai và hiện tại.
- Biết rõ tất cả về giải thoát, định tĩnh và thanh tịnh.
- Bốn là biết rõ tất cả các căn cơ tinh tấn khác nhau.
- Biết rõ những đối tượng tin hiểu khác nhau.
- Biết rõ tất cả những sự việc, những biến đổi.
- Biết rõ tất cả những sự thông hiểu.
- Nhìn thấy rõ tất cả không hề bị chướng ngại.
- Biết rõ tất cả các đời trước của chúng sinh và Niết-bàn vô lậu.
- Bình đẳng, không chấp giữ đối với tất cả các pháp quá khứ, vị lai và hiện tại.
Này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát nào giữ gìn tất cả các pháp không từ đâu sinh khởi, Bồ-tát ấy đạt được mười Lực của Đức Phật.
Bấy giờ, Đức Phật nói kệ:
Các pháp Bất cộng có mười tám
Lực của Thế Tôn lại gồm mười
Người nào thọ trì Tam-muội này
Chắc chắn sẽ nhanh chóng đạt được.
Phẩm 13: KHUYẾN KHÍCH VÀ HỖ TRỢ
Đức Phật nói:
–Này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát thọ trì Tam-muội này được bốn pháp hỗ trợ hoan hỷ. Chư Phật đời quá khứ hoan hỷ hỗ trợ người học và thọ trì Tam-muội này cho đến khi họ thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đầy đủ trí tuệ. Ta cũng hỗ trợ như vậy.
Lại nữa, này Bạt-đà-hòa! Chư Phật đời vị lai hoan hỷ hỗ trợ người học Tam-muội này, cho đến khi họ thành tựu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trí tuệ đầy đủ, chư Phật đều hoan hỷ hỗ trợ như vậy.
Lại nữa, này Bạt-đà-hòa! Vô số Đức Phật khắp mười phương đời hiện tại cũng hoan hỷ hỗ trợ những người vì cầu đạo, Bồ-tát mà muốn học Tam-muội này, cho đến khi họ đạt đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trí tuệ đầy đủ, chư Phật đều hoan hỷ hỗ trợ phước đức của họ, khiến họ cùng với chúng sinh khắp mười phương, các loài bò, bay, côn trùng nhỏ bé đều cùng thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đem Tam-muội này hoan hỷ hỗ trợ công đức khiến họ nhanh chóng đạt đạo Bồ-đề vô thượng.
Này Bạt-đà-hòa! Công đức của Bồ-tát này, ở trong Tam-muội có bốn điều hoan hỷ hỗ trợ. Ta sẽ nói ví dụ về điều ấy. Ví như người sống thọ trăm tuổi đi khắp trên mặt đất, đi cho đến một trăm năm không lúc nào ngừng nghỉ, người này đi nhanh hơn gió mạnh, đi quanh bốn phương và trên dưới. Này Bạt-đà-hòa! Có thể đếm biết được con đường vị ấy đi là bao xa hay không?
Bồ-tát Bạt-đà-hòa thưa:
–Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Không ai có thể tính biết được con đường người ấy đi là bao xa. Chỉ có đệ tử của Phật: Tôn giả Xálợi-phất, A-la-hán và bậc Bồ-tát Bất thoái chuyển mới có thể biết được số ấy.
Đức Phật nói:
–Này Bạt-đà-hòa! Cho nên, ta bảo các Bồ-tát, nếu có Thiện nam, thiện nữ nào đem châu báu chất đầy trong tất cả các cõi nước ở bốn phương và trên dưới mà người ấy đã đi qua để cúng dường Phật thì công đức cũng không bằng người nghe Tam-muội này. Bồ-tát nào nghe Tam-muội này thì ở trong bốn việc hỗ trợ hoan hỷ, phước đức nhiều hơn người cúng dường kia gấp trăm lần, ngàn lần, ức lần. Ông thấy chăng Bạt-đà-hòa? Bồ-tát này hoan hỷ hỗ trợ, phước ấy có nhiều không? Do ý nghĩa ấy, nên biết Bồ-tát hoan hỷ, hỗ trợ, phước đức thật to lớn.
Bấy giờ, Đức Phật nói kệ:
Theo lời dạy kinh này
Có bốn việc hoan hỷ
Các Thế Tôn quá khứ
Hiện tại và vị lai.
Đều khuyến khích công đức
Độ chúng sinh mười phương
Loài bò, bay, máy, cựa
Đều đạt bình đẳng giác.
Ví như người trăm năm
Đi vòng quanh bốn phương
Và cả phương trên dưới
Suốt đời đi không ngừng.
Muốn tính đường bao xa
Số ấy thật khó lường
Chỉ có đệ tử Phật
Bồ-tát Bất thoái chuyển.
Châu báu đầy, dâng cúng
Không bằng nghe pháp này
Bốn việc khuyên, hỗ trợ
Đạt phước nhiều hơn trên.
Bạt-đà-hòa nên biết
Hoan hỷ cả bốn việc
Bố thí ức vạn lần
Cũng không bằng hoan hỷ.
Phẩm 14: ĐỨC PHẬT SƯ TỬ Ý
Đức Phật nói:
–Này Bạt-đà-hòa! Vào thời xa xưa, cách đây không thể tính, không thể kể, không thể suy lường, không thể nói cùng tận vô số kiếp, thuở ấy có Đức Phật hiệu là Tư-ma-ha-đề Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác. Oai thần không ai sánh bằng, an trụ ở thế gian, là bậc tôn quý trong các kinh, trên trời dưới trời đều tôn kính Đức Phật là Bậc Thiên Trung Thiên. Đức Phật ở chỗ vắng vẻ, yên tĩnh nơi cõi nước, thuộc cõi Diêm-phù-đề rất thịnh vượng, sung túc, dân chúng đông đảo, an vui. Bấy giờ, cõi Diêm-phù-đề trải rộng mười tám vạn ức do-tuần và có sáu trăm bốn muơi vạn nước, trong số ấy, có nước tên là Bạt-đăng-gia. Nước này có sáu mươi ức người, Đức Phật Tưma-ha-đề ở trong nước ấy. Có vị Chuyển luân thánh vương tên là Duy-tư-cầm cai trị quốc độ ấy đến chỗ Đức Phật Tư-ma-ha-đề, đảnh lể rồi lui ra ngồi một bên.
Khi ấy, biết được suy nghĩ của vua, Đức Phật vì vua giảng nói Tam-muội này. Nghe xong, được hoan hỷ hỗ trợ, vua dùng nhiều châu báu rải cúng dường Phật. Vua nghĩ: “Nguyện nhờ công đức cúng dường Phật này, khiến cho dân chúng khắp mười phương đều được an ổn.”
Lúc này, sau khi Phật Tư-ma-ha-đề nhập Niết-bàn, Chuyển luân thánh vương Duy-tư-cầm cũng qua đời và được sinh vào dòng họ vua, được làm thái tử tên là Phạm-ma-đạt. Bấy giờ, ở cõi Diêm-phùđề có vị Tỳ-kheo trí tuệ sáng suốt, cao vời tên là Châu báu đang giảng nói Tam-muội này cho bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bàtắc và Ưu-bà-di. Thái tử Phạm-ma-đạt nghe được Tam-muội này, tâm hỗ trợ hoan hỷ, vô cùng vui mừng khi nghe kinh ấy. Thái tử liền đem châu báu quý giá để rải cúng dường cho vị Tỳ-kheo, rồi lại đem y phục tốt đẹp để cúng dường và phát tâm cầu Phật đạo. Thái tử cùng với một ngàn người đến chỗ vị Tỳ-kheo ấy để cạo bỏ râu tóc, xuất gia làm Sa-môn, rồi theo vị này cầu học Tam-muội. Tỳ-kheo Phạmma-đạt cùng một ngàn Tỳ-kheo phụng sự thầy của mình trong tám ngàn năm không hề ngừng nghỉ hay biếng trễ để được chỉ một lần nghe Tam-muội này. Các Tỳ-kheo ấy nghe được bốn việc của Tammuội, được hỗ trợ hoan hỷ, nhập vào trí tuệ sáng suốt tột bậc. Nhờ công đức hỗ trợ hoan hỷ ấy mà về sau, các vị ấy lại được gặp sáu vạn tám ngàn Đức Phật. Ở chỗ Đức Phật nào, các vị ấy cũng đều được nghe Tam-muội này, tự giữ gìn, học và dạy cho người khác. Tỳ-kheo Phạm-ma-đạt nhờ công đức hoan hỷ hỗ trợ ấy nên sau đó được thành Phật hiệu là Để-la-duy-thị-đãi Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác. Một ngàn Tỳ-kheo ấy cũng thành tựu quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, đều có hiệu là Đề-la-thủ-la-uất-trầm Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, giáo hóa cho vô số dân chúng đều cầu Phật đạo.
Này Bạt-đà-hòa! Có ai nghe Tam-muội này mà không hỗ trợ hoan hỷ hay không, có ai không học, không giảng dạy cho người khác không thọ trì hay không?
Này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát nào thọ trì Tam-muội này sẽ nhanh chóng thành Phật.
Này Bạt-đà-hòa! Nếu Bồ-tát nghe có người thọ trì Tam-muội
này ở cách xa hơn bốn mươi dặm cũng phải nên đến chỗ người ấy để dốc cầu Tam-muội ấy. Chỉ nghe biết có Tam-muội còn phải luôn đến để dốc cầu huống là đã được nghe Tam-muội. Nếu cách xa hàng trăm dặm, hoặc xa hơn bốn ngàn dặm, nghe có người thọ trì Tam-muội này cũng phải đến chỗ người ấy, dù chỉ được nghe biết, huống là được nghe và học. Cách rất xa như thế mà còn phải tự đi đến để dốc cầu, huống là chỉ cách mười dặm hay hai mươi dặm nghe có người thọ trì Tam-muội này mà không đến cầu học.
Này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát nếu nghe có Tam-muội này liền muốn đi đến đó, người nào nghe và siêng cầu Tam-muội này, nên phụng sự thầy của mình trong mười năm, trăm năm, cúng dường đầy đủ tất cả cho vị thầy ấy, chiêm ngưỡng, cung kính, không được tự ý buông lung, phải nghe theo lời dạy của thầy, phải luôn nhờ công ơn của thầy. Cho nên ta nói, nếu Bồ-tát nghe cách xa bốn ngàn dặm mà có Tam-muội này cũng muốn đến đó, dù không nghe được Tam-muội này đi nữa. Nếu được gặp, người ấy hãy tinh tấn, siêng cầu, không bao giờ bỏ mất Phật đạo, cho đến khi thành Phật.
Ông thấy chăng, này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát nghe Tam-muội này liền luôn nghĩ đến việc muốn siêng cầu không rời bỏ, nên vị ấy đạt được lợi ích rất lớn.
Khi ấy Đức Phật nói kệ:
Ta nhớ quá khứ có Như Lai
Nhân trung Tôn hiệu Tư-ha-vị
Khi ấy có vị Chuyển luân vương
Đến chỗ Đức Phật nghe Tam-muội.
Chí tâm, thông tuệ nghe kinh này
Vô cùng hoan hỷ phụng trì pháp
Liền dùng châu báu rải lên trên
Cúng dường Thế Tôn Sư Tử Ý.
Lòng thầm khen ngợi nghĩ như vầy:
“Thân ta vào đời vị lai sau
Phụng hành lời Phật, không dám thiếu
Sẽ nhanh chóng đạt Tam-muội này.”
Nhờ phước nguyện ấy, sau qua đời
Lại được sinh vào dòng họ vua
Bấy giờ thấy vị đại Tỳ-kheo
Hiệu là châu báu, trí tuệ lớn.
Theo Tỳ-kheo ấy, nghe Tam-muội
Vô cùng hoan hỷ liền thọ trì
Cúng dường vô số vật tốt đẹp:
Y đẹp ý báu… để cầu đạo.
Cùng với ngàn người cạo râu tóc
Tu hành, chí nguyện cầu Tam-muội
Đồng thời trọn đủ tám ngàn năm
Theo Tỳ-kheo ấy không rời xa.
Chỉ nghe một lần chẳng có hai
Tam-muội này thật ví như biển!
Thọ trì, đọc tụng, giảng nói kinh
Sinh đâu cũng được nghe Tam-muội.
Nhờ đã chứa nhóm các công đức
Thường được thấy Phật đại thần thông
Vị ấy đầy đủ tám vạn năm
Được gặp chư Phật, luôn cúng dường.
Lại gặp Phật sáu vạn ức năm
Lại thêm cúng dường sáu ngàn Phật
Nghe giảng pháp vô cùng hoan hỷ
Sau đó được gặp Phật Sư Tử.
Nhờ công đức ấy sinh dòng vua
Lại gặp được Phật Kiên Tinh Tấn
Giáo hóa vô số ức chúng sinh
Độ thoát tất cả khổ sinh tử.
Sau khi đọc tụng, học pháp này
Lại được gặp Phật hiệu Kiên Dũng
Chư Thiên, loài người niệm hiệu Phật
Được nghe Tam-muội, chứng quả Phật.
Huống người thọ trì và đọc tụng
Không hề chấp giữ các thế giới
Giảng nói, lưu truyền Tam-muội này
Không hề nghi ngờ vào Phật đạo.
Kinh Tam-muội này chính Phật dạy
Nếu nghe phương xa có kinh ấy
Vì cầu Đạo pháp, nên đến nghe
Dốc lòng đọc tụng đừng quên mất.
Giả sử đến nơi chẳng được nghe
Phước đức vị ấy vẫn vô tận
Y nghĩa công đức ấy khó lường
Huống người nghe xong liền thọ trì.
Nếu ai muốn cầu Tam-muội này
Nên nhớ Phạm-ma-đạt thời xưa
Tu tập, phụng hành không thoái chuyển
Tỳ-kheo đạt kinh phải như vậy.
Phẩm 15: CHÍ THÀNH
Đức Phật nói:
–Vào thời xa xưa, lại có Đức Phật hiệu là Tát-già-na-ma Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác. Thuở đó, có Tỳ-kheo tên là Hòa Luân. Sau khi Đức Phật ấy nhập Niết-bàn, vị Tỳ-kheo thọ trì Tammuội này. Bấy giờ, ta làm vị vua dòng Sát-lợi, trong mộng, được nghe nói Tam-muội ấy, tỉnh dậy, ta liền đi tìm để thọ trì Tam-muội ấy. Ta theo vị Tỳ-kheo Hòa luân xin xuất gia làm Sa-môn, muốn theo vị Tỳ-kheo ấy để để được nghe một lần về Tam-muội này. Ta phụng sự thầy trong ba vạn sáu ngàn năm, các việc ma cứ luôn khởi lên, vì thế ta không được nghe Tam-muội ấy một lần nào.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di! Nếu được nghe Tam-muội này, phải nhanh chóng thọ trì, không được để quên mất, khéo léo phụng sự thầy để giữ gìn Tam-muội, một kiếp, trăm kiếp hay ngàn kiếp cũng không được biếng trễ. Hướng đến đạt Tam-muội này, phải luôn phụng sự bên thầy, không được rời xa. Tất cả những đồ ăn thức uống, những vật dụng sinh hoạt hàng ngày như y phục, giường nằm cho đến trăm ngàn châu báu đều dâng lên cúng dường không hề tham tiếc. Còn nếu như không có những vật ấy thì phải đi khất thực để cung cấp cho thầy, hướng đến mong đạt được Tam-muội này không hề nhàm chán. Hơn nữa, nếu cúng dường như thế mà vẫn chưa đầy đủ thì cũng phải tự cắt da thịt của mình để cúng dường thầy, thân mạng còn không tiếc, huống là những thứ khác. Phải phụng sự thầy như tôi tớ hầu hạ chủ. Người dốc cầu Tam-muội này rồi, phải thọ trì bền chắc, phải luôn nhớ đến công ơn của thầy.
Tam-muội này rất khó được gặp, giả sử cầu Tam-muội này cho đến trăm ức kiếp chỉ để được nghe tên gọi của Tam-muội hãy còn không được, huống là được học và dạy lại cho người. Giả sử đem châu báu chất đầy trong các cõi Phật nhiều như cát sông Hằng để bố thí, phước ấy có nhiều chăng? Rất nhiều nhưng vẫn không bằng người biên chép và thọ trì Tam-muội này, phước của người này nhiều không thể tính kể.
Bấy giờ Đức Phật nói kệ:
Ta tự nhớ về thuở xa xưa
Số ấy đầy đủ sáu vạn năm
Ta theo vị thầy, không rời bỏ
Ban đầu chẳng được nghe Tam-muội.
Có Đức Phật hiệu Kỳ Chí Thành
Lại có Tỳ-kheo hiệu Hòa Luân
Sau khi Phật ấy nhập vào Niết-bàn
Tỳ-kheo liền thọ trì Tam-muội.
Bấy giờ, ta làm vua Sát-lợi
Trong mộng, được nghe Tam-muội này:
“Tỳ-kheo Hòa Luân có kinh ấy
Vua nên đến đó được Tam-muội.”
Tỉnh giấc, ta liền đến tìm cầu
Thấy Tỳ-kheo ấy trì Tam-muội
Ta cạo râu tóc làm Sa-môn
Tu tám ngàn năm, mong được nghe.
Trọn đủ trong vòng tám vạn năm
Cúng dường phụng sự vị Tỳ-kheo
Bị nhiều nhân duyên ma phát khởi
Ta chẳng được nghe, dù một lần.
Cho nên Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni,
Các Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di!
Ta giao kinh này cho các vị
Nghe Tam-muội này, mau thọ trì.
Phải luôn cung kính bậc minh sư
Đầy đủ một kiếp, đừng biếng trễ
Ngàn ức cầu đạo, không sợ khó
Tất sẽ được nghe Tam-muội này.
Y phục, đồ nằm và mọi vật
Tỳ-kheo đi khất thực từng nhà
Để dâng cúng dường bậc minh sư
Tinh tấn như vậy, đạt Tam-muội.
Đèn lửa, thực phẩm, các vật dụng
Vàng bạc châu báu đều cúng dường
Nếu cần phải cắt thân, da thịt
Để cúng dường huống là thực phẩm.
Người trí đạt pháp, mau thực hành
Thọ trì tu học theo kinh điển
Tam-muội này rất khó được gặp
Vô số ức kiếp luôn cần dốc
Đi khắp nơi chốn nghe pháp này.
Đâu đâu cũng dạy cho mọi người
Giả sử ức ngàn vô số kiếp
Cầu Tam-muội vẫn khó được nghe.
Nếu đem châu báu chất đầy cõi
Như cát sông Hằng để cúng dường
Nếu người thọ trì một câu kệ
Công đức đạt nhiều hơn người kia.
Phẩm 16: ẤN PHẬT
Bấy giờ, Đức Phật nói:
–Này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát nào nghe Tam-muội này nên hỗ trợ hoan hỷ cho người cần học thì được học, nhờ oai thần của Phật khiến cho người được học nên biên chép Tam-muội này thành quyển kinh tốt, sẽ được ấn Phật ấn chứng, nên khéo léo cúng dường.
Thế nào là ấn Phật? Nghĩa là không tạo tác theo đối tượng nhận thức, không tham, không mong cầu, không khởi tưởng, không tham đắm, không khởi nguyện, không hướng đến tái sinh, không có đối tượng thích hợp, không có sự sinh, không thật có, không chấp giữ, không luyến tiếc, không đến đi, không chướng ngại, không trói buộc, không cùng tận, đã diệt tận các dục, không từ đâu sinh ra, không diệt, không hoại, không hư nát, những điểm cốt yếu và căn bản của đạo đều thuộc trong ấn ấy; A-la-hán, Bích-chi-phật không thể làm cho hư họai và thiếu khuyết được; người ngu si sẽ liền nghi ngờ ấn này, nhưng đây chính là ấn Phật.
Hôm nay, khi ta giảng nói Tam-muội này, có một ngàn tám trăm ức các chúng Trời, Rồng, Quỷ thần A-tu-la và người đều đạt đạo Tu-đà-hoàn; tám trăm Tỳ-kheo đều đắc đạo A-la-hán, năm trăm Tỳkheo-ni cũng đắc đạo A-la-hán; một vạn Bồ-tát đều đạt được Tammuội này và đạt được pháp Nhẫn vô sinh; một vạn hai ngàn Bồ-tát đạt được bậc Bất thoái chuyển.
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất, Ma-ha Mục-kiền-liên, Tỳkheo A-nan, Bồ-tát Bạt-đà-hòa, Bồ-tát La-lân-na-kiệt, Bồ-tát Kiềunhật-đâu, Bồ-tát Na-la-đạt, Bồ-tát Tu-thâm, Bồ-tát Ma-ha-tu-tat-hòa, Bồ-tát Nhân-để-đạt và Bồ-tát Hòa-luân-điều:
–Ta cầu Phật đạo từ vô số kiếp đến nay đã được thành Phật, ta giao phó kinh này cho các ông, hãy học, đọc tụng, thọ trì không được để quên mất. Nếu Bồ-tát nào muốn học Tam-muội này thì phải học cho chắc chắn, đầy đủ, muốn nghe thì phải nghe cho đầy đủ, giảng nói cho người khác thì cũng phải giảng nói cho trọn vẹn.
Đức Phật giảng nói kinh này xong, Bồ-tát Bạt-đà-hòa, Tôn giả Xá-lợi-phất, Ma-ha-mục-kiền-liên, Tỳ-kheo A-nan, Trời, Rồng, A-tula và mọi người đều vô cùng hoan hỷ, đảnh lễ Đức Phật rồi lui ra.