KINH BAN-CHU TAM-MUỘI
(KINH THẬP PHƯƠNG HIỆN TẠI PHẬT TẤT TẠI TIỀN LẬP ĐỊNH)
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng Chi-lâu-ca-sấm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN TRUNG

Phẩm 5: KHÔNG CHẤP THỦ

Đức Phật bảo Bồ-tát Bạt-đà-hòa:

–Phải ví dụ như thế nào về Tam-muội này của Bồ-tát? Như Phật đang giảng nói kinh, Bồ-tát nên suy nghĩ như vầy: Có tất cả chư Phật đều đứng ra trước mặt. Nên niệm về Đức Phật có đầy đủ các tướng tốt trang nghiêm, để thấy được các tướng ấy của Phật. Nên biết không ai có thể thấy được trên đỉnh đầu của Phật. Luôn luôn khởi tưởng như vậy để thấy được chư Phật. Lại nên suy nghĩ: “Thân ta cũng sẽ đạt được như thế, cũng sẽ đạt được các tưởng tốt như Phật, sẽ được trì giới, Tam-muội như vậy….”

Lại suy nghĩ: “Ta sẽ chí tâm đạt được, ta sẽ tự thân tu hành mà đạt được.”

Lại suy nghĩ: “Phật không dùng tâm mà chứng đắc, cũng không dùng thân mà chứng đắc, cũng không dùng tâm mà thành Phật, cũng chẳng nhờ sắc thân mà thành Phật. Vì sao? Vì tâm thì Phật không có tâm, sắc thì Phật không có sắc, không do sắc và tâm này mà chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì Đức Phật đã diệt tận sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Phật giảng nói đã diệt tận nhưng những người ngu thì không thấy không biết, còn người trí thì hiểu rõ điều đó.”

Lại suy nghĩ: “Phải giữ những niệm gì để đạt được thành Phật? Phải giữ gìn thân để được thành Phật, phải giữ gìn trí tuệ để được thành Phật.”

Lại suy nghĩ: “Cũng không nhờ thân mà được thành Phật, cũng không nhờ trí tuệ mà được thành Phật. Vì sao? Vì trí tuệ tìm cầu không thể được, tìm cầu về ngã cũng không thể được, cũng không có đối tượng để đạt được, cũng không có đối tượng để thấy. Tất cả các pháp vốn không có thật, niệm có nhân duyên thì chấp giữ, không có nhân duyên cũng chấp giữ, cả hai điều ấy cũng không niệm, cũng không hướng đến. Vì chỉ như vậy nên không ở hai bên, cũng không ở giữa, cũng chẳng có, cũng chẳng không. Vì sao? Vì các pháp là không, như Niết-bàn, cũng không hư hoại, cũng không cũ mục, cũng không bền chắc, cũng không ở chỗ này, cũng không ở bên kia, không có tưởng, không dao động. Thế nào là không dao động? Bậc trí không chấp giữ nên không hề bị dao động.

Như vậy, này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát được thấy Phật vì tâm niệm của Bồ-tát không có đối tượng chấp giữ. Vì sao? Như trong kinh nói, không chấp giữ nghĩa là trong tâm không lệ thuộc, diệt trừ, chấm dứt từ gốc rễ. Đó là không có đối tượng chấp giữ.

Như vậy, này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát thọ trì Tam-muội này, nên phải thấy Phật như vậy. Vì sao? vì nếu chấp giữ tức là tự thiêu đốt mình. Ví như thanh sắt được nung trong lửa cho thành màu đỏ, người có trí thông minh thì không dùng tay cầm. Vì sao? Vì như thế sẽ bị cháy tay.

Như vậy, này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát thấy Phật thì không nên chấp giữ, sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng không nên chấp thủ. Vì sao? vì chấp giữ là tự đốt cháy thân, thấy Phật, chỉ nên nghĩ về công đức của Phật, nên tìm cầu Đại thừa.

Này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát ở trong Tam-muội ấy không được có đối tượng chấp giữ. Người không chấp giữ thì mới nhanh chóng đạt được Tam-muội này.

Bấy giờ, Đức Phật nói kệ:

Như gương mới lau, mặt dầu mè
Cô gái trang điểm rồi soi mình
Trong đó bỗng sinh ý dâm dục
Dáng vẻ buông lung, thật mê lầm!
Chẳng biết chí thành, pháp hư hoại
Bị Sắc sai khiến, đốt thân mình
Tại họa người nữ từ đây khởi
Do chẳng hiểu pháp vô thường, không.
Bồ-tát khởi tưởng cũng như vậy
Ta sẽ thành Phật, đạt cam-lồ
Độ thoát mọi người đang khổ sở
Ví có nhân tưởng nên không hiểu.
Gốc rễ con người, chẳng thủ đắc
Cũng không sinh tử và Niết-bàn
Pháp không giữ được: Trăng đáy nước
Quán Phật đạo không nơi hướng đến.
Bồ-tát thông tuệ nên hiểu vậy
Biết rõ thế gian đều vốn không
Đối với người vật, không chấp giữ
Nhanh chóng ở đời, đạt Phật đạo.
Chư Phật từ tâm hiểu được đạo
Tâm luôn thanh tịnh, sáng không nhơ
Không hề thọ thân trong năm cõi
Người hiểu như vậy, thành đại đạo.
Tất cả các pháp không sắc, lậu
Chẳng lìa các tưởng, chẳng không tưởng
Dứt hẳn dâm dục tâm giải thoát
Người nào hiểu vậy, đạt Tam-muội.
Tinh tấn tu hành cầu Phật đạo
Thường nghe các pháp vốn thanh tịnh
Không được tìm cầu hay chẳng cầu
Sẽ đạt Tam-muội này không khó.
Quan sát tất cả như hư không
Lý Đạo luôn tịch nhiên bậc nhất
Không tưởng, không tạo tác, không nghe
Những người như vậy, hiểu Phật đạo.
Thấy tất cả sắc không khởi Tưởng
Mắt không lệ thuộc, chẳng đến đi
Quan sát chư Phật như hư không
Vượt mọi tìm cầu của thế gian.
Người này mắt thanh tịnh không nhơ
Tu hành tinh tấn, luôn định tĩnh
Vô lượng pháp kinh, đều thọ trì
Tư duy phân biệt Tam-muội ấy.
Tu hành Tam-muội, không chấp giữ
Diệt trừ tăm tối đạt thiền định
Không thấy Thế Tôn, chẳng Hiền thánh
Ngoại đạo hiểu sai lầm như trên.
Vượt qua các tưởng dốc chí cầu
Nhờ tâm thanh tịnh được thấy Phật
Thấy chư Phật rồi, tâm không chấp
Như vậy mới là hiểu Tam-muội.
Đất, nước và lửa không chướng ngại
Cùng gió hư không cũng chẳng ngăn
Tu hành tinh tấn, thấy mười phương
Từ xa nghe nhận được giáo pháp.
Như ta hiện đang giảng nói kinh
Người ưa đạo pháp được thấy Phật
Tu hành tinh tấn, không chấp giữ
Chỉ tu theo pháp Thế Tôn dạy.
Bậc tu hành vậy, không khởi niệm
Chuyên tâm nghe lý đạo, pháp thí
Thường được hiểu rõ Tam-muội này
Nghe nhận, đọc tụng lời Phật giảng.
Chư Phật quá khứ đều thuyết pháp
Thế Tôn vị lai cũng như vậy
Giảng nói phân biệt các nghĩa lý
Đều khen, giảng nói Tam-muội này.
Ta cũng như vậy, là Nhân Tôn
Cha lành Vô thượng của chúng sinh
Lúc nào cũng luôn đạt đạo nhãn
Nên ta giảng nói Tam-muội này
Người tụng thọ trì Tam-muội này.
Thân luôn an lạc, ý định tĩnh
Nhờ đức vô lượng của chư Phật
Đạt đến Phật đạo, không gì khó
Thông hiểu các kinh khó nghĩ bàn,
Muốn hiểu tất cả lời Phật dạy
Nhanh chóng từ bỏ Dục, trần cấu
Tu hành tinh tấn Tam-muội này.
Hiện đời muốn thấy vô số Phật
Theo các Thế Tôn nghe chánh pháp
Từ bỏ các Sắc, không chấp giữ
Tu hành thanh tịnh Tam-muội này.
Tu hành như vậy chẳng tham, sân
Từ bỏ ngu si và yêu ghét
Xa lìa tăm tối, dứt nghi ngờ
Tu hành như vậy đạt Tam-muội.

Phẩm 6: BỐN CHÚNG

Bấy giờ, Bồ-tát Bạt-đà-hòa thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thật là khó sánh kịp, như Đấng Thiên Trung Thiên đã giảng nói Tam-muội này, nếu có Bồ-tát từ bỏ ái dục xuất gia làm Tỳ-kheo, nghe Tam-muội này rồi, phải học như thế nào?

Phải thọ trì như thế nào? Phải thực hành ra sao?

Đức Phật nói:

–Nếu có Bồ-tát trừ bỏ ái dục làm vị Tỳ-kheo, muốn học, đọc tụng và thọ trì Tam-muội này, phải giữ giới thanh tịnh, không được khuyết phạm dù chỉ một lỗi nhỏ bằng lông tóc. Thế nào là Bồ-tát không phạm giới? Tất cả mọi điều đều giữ gìn những pháp ngăn cấm, thực hành các pháp, luôn không được phạm một điều nhỏ nhặt nào, phải biết sợ hãi và rời xa dua nịnh, phải nhất nhất giữ gìn giới cấm.

Giữ gìn như vậy gọi là giữ giới thanh tịnh.

Thế nào là Bồ-tát phạm giới? Là Bồ-tát tìm cầu các sắc. Tìm cầu các sắc là gì? Là Bồ-tát có ý niệm: “Nhờ công đức này mà đời sau, ta được sinh làm vị trời hoặc được làm vua Chuyển luân. Đó là Bồ-tát, Tỳ-kheo phạm giới. Người nào giữ gìn hạnh như vậy, giữ gìn giới như vậy, giữ gìn phước như vậy lâu dài là vì muốn có được chỗ sinh về, ưa thích ở trong các ái dục. Đó là người phạm giới.

Này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát Tỳ-kheo muốn học Tam-muội này, phải giữ giới thanh tịnh, giữ giới hoàn hảo, không được dua nịnh. Vì giữ gìn giới nên được các bậc trí ngợi khen, được các vị A-la-hán tán thán. Phải thường bố thí kinh pháp cho người khác, phải tinh tấn dũng mãnh, phải tin ưa và khuyên người khác tin ưa kinh pháp, luôn phụng sự thầy, xem thầy như Phật. Ở bất cứ nơi đâu, nếu được nghe người nào giảng nói Tam-muội này, phải cung kính người ấy xem như Phật.

Này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát nào cung kính thầy xem như Phật thì sẽ nhanh chóng đạt được Tam-muội ấy, còn không cung kính bậc Minh sư, khinh dễ và dối gạt bậc Minh sư thì dù có học hay thọ trì Tam-muội này lâu bao nhiêu cũng đều quên hết.

Này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát theo các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưubà-tắc hoặc Ưu-bà-di nghe được Tam-muội này phải cung kính xem vị ấy như Phật, lại phải cung kính nơi chốn mà mình đã đạt được Tam-muội ấy.

Này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát đã nghe được Tam-muội này rồi, không được có ý dua nịnh, thường nên ưa thích ở riêng một mình, không tiếc thân mạng, không được mong cầu người khác cần đến mình, thường đi khất thực, không nhận mời thỉnh, không ganh ghét, tự giữ tiết độ, sống đúng chánh pháp, chỉ biết vừa đủ, luôn luôn kinh hành, không được biếng trễ, không được nằm dài.

Như vậy, này Bạt-đà-hòa! như trong kinh dạy người từ bỏ ái dục, làm vị Tỳ-kheo, muốn học Tam-muội này, phải giữ gìn như vậy.

Bồ-tát Bạt-đà-hòa bạch Phật:

–Như lời Đấng Thiên Trung Thiên dạy thì thật là khó, vào đời sau, nếu có Bồ-tát biếng nghe Tam-muội này rồi lại không chịu tinh tấn, lại suy nghĩ: “Đời sau ở chỗ Đức Phật vị lai, ta mới cầu Tammuội này. Bây giờ thân ta đau bệnh, ốm yếu, sợ không thể cầu Tam-muội ấy được.” Nên nghe kinh này rồi vẫn biếng trễ không tinh tấn.

Lại nữa, nếu có Bồ-tát tinh tấn, muốn học kinh này, thực hành theo những lời dạy trong kinh. Vì kinh ấy, không tiếc thân mạng, không mong nhờ người khác để được chững đắc, được người khen ngợi chẳng hề vui mừng, không tham bình bát, không ái luyến, không có lòng dục, nghe kinh này không được biếng trễ, phải luôn tinh tấn. Người ấy cũng không suy nghĩ: “Vào thời Phật vị lai sau này, ta mới dốc cầu Tam-muội ấy. Lúc đó, dù cho gân cốt, tủy não, thân thể ta tan nát rã rời, ta cũng sẽ học Tam-muội này không biếng nhác”, Nên nghe kinh này rất vui mừng.

Đức Phật nói:

–Lành thay, lành thay! Này Bạt-đà-hòa! Đúng như lời ông nói, ta luôn hỗ trợ sự hoan hỷ của vị ấy. Các Đức Phật quá khứ, hiện tại và vị lai đều hỗ trợ hoan hỷ.

Bấy giờ, Đức Phật nói kệ:

Như hôm nay ta giảng nói pháp
Cần học, thọ trì, ở một mình
Tu hành công đức, giữ tiết độ
Đạt Tam-muội này, không gì khó.
Thường đi khất thực, chẳng nhận mời
Từ bỏ tất cả các dục lạc
Dù ở đâu nghe Tam-muội này
Đều kính Pháp sư như kính Phật.
Đọc tụng, thực hành Tam-muội này
Phải luôn tinh tấn, đừng biếng trễ
Không tiếc thân mạng, cầu kinh pháp
Không mong cúng dường mới nói kinh.
Nếu ai thọ trì Tam-muội này
Người đó chính là đệ tử Phật
Người muốn phụng hành, học như vậy
Nhanh chóng đạt được Tam-muội này.
Chuyên cần, nỗ lực, không lười biếng
Hạn chế ngủ nghỉ, tâm mở mang
Cần phải lìa xa bạn bè xấu
Sau đó theo thực hành pháp này.
Không được ngừng nghỉ, bỏ buông lung
Thường luôn rời xa nơi tụ họp
Tỳ-kheo siêng cầu Tam-muội này
Theo lời Phật dạy nên như vậy.

Bồ-tát Bạt-đà-hòa thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu Tỳ-kheo-ni cầu đạo Bồ-tát, muốn học và giữ gìn Tam-muội này, phải thọ trì những pháp gì?

Đức Phật nói:

–Này Bạt-đà-hòa! Nếu Tỳ-kheo-ni có chí cầu Đại thừa, muốn học và giữ gìn Tam-muội này, cần phải khiêm cung, không ganh ghét, không giận dữ, từ bỏ tâm kiêu mạn, tự đại, tự cho mình là cao quý, không được biếng nhác. Phải tinh tấn, không được ham ngủ nghỉ, không được nằm dài, từ bỏ tất cả những tiền tài lợi lộc, phải giữ tâm thanh tịnh thuần khiết, không tiếc thân mạng, ưa thích kinh điển, phải cầu được học hỏi nhiều, dứt bỏ dâm dục, giận hờn, si mê, ra khỏi lưới ma, phải lìa bỏ những y phục đẹp, những vòng xuyến trang sức, không được nói lời ác, không được tham bình bát đẹp, không được vì mong người khác khen ngợi mình mà dua nịnh theo họ. Khi hoc Tammuội này, phải cung kính bậc Minh sư xem như Phật, nên nương theo lời dạy trong kinh mà thọ trì Tam-muội ấy.

Bấy giờ, Đức Phật nói kệ:
Tỳ-kheo-ni tu hành cung kính
Không được ganh ghét, bỏ giận hờn
Dứt trứ kiêu mạn, không tự đại
Tu hành như vậy đạt Tam-muội.
Phải luôn tinh tấn, đừng ham ngủ
Bỏ ham muốn, không tham tuổi thọ
Một lòng từ mẫn đối pháp này
Siêng cầu Tam-muội nên như vậy.
Không được nghe theo lòng tham, dâm
Bỏ hẳn giận dữ và ngu si
Chớ để rơi vào các lưới ma
Dốc cầu Tam-muội, nên như vậy.
Nếu người nào học Tam-muội này
Chẳng tiếc thân mạng, chớ giỡn cười
Dứt bỏ tất cả mọi nghi ngờ
Đừng bày danh hão, phải chí thành.
Bỏ tâm Từ nhỏ hướng đại Từ
Dốc lòng cung kính bậc Minh sư
Phải mau lìa bỏ các điều ác
Dốc cầu Tam-muội nên như vậy.
Tu hành cầu pháp muốn đạt được
Không nên tham ưa bình bát đẹp
Được nghe Tam-muội từ người nào
Phải cung kính họ, xem như Phật.

Bồ-tát Bạt-đà-hòa bạch Đức Phật:

–Nếu có Ưu-bà-tắc Bồ-tát tu đạo tại gia, nghe Tam-muội này, muốn tu học và thọ trì thì phải thực hành như thế nào?

Đức Phật nói:

–Này Bạt-đà-hòa! Nếu có Ưu-bà-tắc Bồ-tát nghe Tam-muội này, muốn học và thọ trì, phải giữ gìn năm giới cho thanh tịnh, không được uống rượu, không được hướng dẫn người khác uống rượu, không được qua lại với người nữ cũng không bày người khác qua lại với người nữ, không được ân ái với vợ, không nhớ con gái, con trai, không nên nhớ nghĩ đến tài sản, thường nghĩ đến việc từ bỏ vợ con, xuất gia làm Sa-môn, luôn giữ tám giới quan trai, thường vào chùa để giữ gìn chay tịnh trong những ngày trai giới, phải luôn nghĩ việc bố thí, không nghĩ gì đến mình để đạt được phước đức, bố thí cho tất cả mọi người, phải luôn có lòng Từ lớn đối với bậc Minh sư, thấy vị Tỳkheo giữ giới, không được khinh dễ, nói điều lỗi xấu của vị ấy. Phải tu hành như vậy để học và thọ trì Tam-muội này.

Bấy giờ, Đức Phật nói kệ:

Có Bồ-tát tại gia
Muốn đạt Tam-muội này
Phải luôn dốc lòng học
Tâm không được tham luyến.
Khi tụng Tam-muội này
Nghĩ thích làm Sa-môn
Không tham ái vợ con
Từ bỏ sắc, tiền tài.
Thường giữ gìn năm giới
Một ngày tám giới trai
Chay tịnh nơi chùa Phật
Học Tam-muội thông suốt.
Không được nói lỗi người
Quen thành tật khinh mạn
Tâm không hề ham muốn
Tu hành Tam-muội này.
Cung kính các kinh pháp
Nên ưa thích Chánh đạo
Tâm không dối, dua nịnh
Bỏ ganh ghét bỏn sẻn.
Người học Tam-muội này
Thường tu hành cung kính
Bỏ tự đại, buông lung
Phụng sự chúng Tỳ-kheo.

Bồ-tát Bạt-đà-hòa bạch Phật:

–Nếu có Ưu-bà-di cầu đạo Đại thừa, nghe Tam-muội này, muốn học và thọ trì, phải thực hành như thế nào?

Đức Phật nói:

–Này Bạt-đà-hòa! Nếu có Ưu-bà-di cầu đạo Đại thừa, nghe Tam-muội này, muốn học và thọ trì, phải giữ gìn năm giới, quy y Tam bảo. Quy y Tam bảo là gì? Đó là quy y Phật, quy y pháp và quy y chúng Tăng Tỳ-kheo, không được phụng sự ngoại đạo, không được lễ lạy trời, không được xem ngày xấu tốt, không được đùa giỡn, không được kiêu mạn, buông lung, không được có tâm tham. Ưu-bàdi phải nghĩ đến việc bố thí, ưa thích nghe kinh, nỗ lực học hỏi thật nhiều, phải luôn cung kính bậc Minh sư, không được nhàm chán, mệt mỏi. Nếu có vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đến, phải cung kính mời ngồi và cúng dường thực phẩm.

Bấy giờ, Đức Phật nói kệ:

Nếu có Ưu-bà-di
Đọc tụng Tam-muội này
Phải theo lời Phật dạy
Giữ năm giới đầy đủ.
Khi tu Tam-muội này
Phải tôn kính Đức Phật,
Pháp và chúng Tỳ-kheo
Cung kính bậc minh sư.
Không phụng sự ngoại đạo
Không thờ cúng các Trời
Người tu Tam-muội này
Phải kính trọng mọi người.
Từ bỏ sát, đạo, dâm
Thành thật không lưỡng thiệt
Không được đến quán rượu
Tu hành Tam-muội này.
Không được có tâm tham
Thường nghĩ đến bố thí
Trừ bỏ ý dua nịnh
Không nói lỗi người khác.
Phải cung kính phụng sự
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni
Nghe pháp, đều thọ trì
Học Tam-muội như vậy.

Phẩm 7: THỌ KÝ

Bồ-tát Bạt-đà-hòa bạch Phật:

–Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Rất ít có ai đạt được, chỉ Như Lai mới giảng nói Tam-muội này! Các Bồ-tát ưa thích tu hành tinh tấn sẽ không biếng trễ đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, Tam-muội này sẽ còn tồn tại ở cõi Diêm-phù-đề hay không?

Đức Phật nói:

–Này Bạt-đà-hòa! Sau khi ta vào Niết-bàn, Tam-muội này sẽ tồn tại ở đời chỉ bốn mươi năm, sau đó, không còn xuất hiện nữa. Tiếng than, vào đời loạn, lúc kinh Phật hoàn toàn bị gián đoạn, các Tỳ-kheo không còn phụng hành theo lời Phật dạy. Thời loạn qua rồi, lúc các nước không còn đánh nhau, khi ấy, Tam-muội này lại xuất hiện ở Diêm-phù-đề, nhờ oai thần của Phật nên kinh Tam-muội này lại lưu truyền.

Bấy giờ, Bồ-tát Bạt-đà-hòa và Bồ-tát La-lân-na-kiệt liền từ chỗ ngồi đúng dậy, sửa lại y phục, chắp tay thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vào thời loạn sau khi Phật nhập Niết-bàn, chúng con sẽ cùng ủng hộ Tam-muội này, thọ trì Tam-muội này, giảng nói đầy đủ cho người khác và nghe kinh điển này không lúc nào nhàm chán.

Bồ-tát Ma-ha Tu-tát-hòa, Bồ-tát Kiêu-nhật-đâu, Bồ-tát Na-lađạt, Bồ-tát Tu-thâm, Bồ-tát Nhân-để-đạt, Bồ-tát Hòa-luân-điều cũng cùng nhau bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Vào đời loạn sau khi Phật vào Niết-bàn, chúng con sẽ cùng nhau giữ gìn kinh này, khiến cho Phật đạo được tồn tại lâu dài ở đời. Người nào chưa được nghe kinh này, chúng con sẽ cùng nhau giảng nói cho họ. Tất cả chúng con đều sẽ thọ trì.

Khi ấy, có năm trăm người gồm Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bàtắc, Ưu-bà-di đều từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay bạch Phật:

–Vào thời loạn sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, tất cả chúng

con đều sẽ giữ gìn và nguyện thọ trì kinh này. Năm trăm người chúng con xin giao phó tin tưởng tám vị Bồ-tát ấy.

Đức Phật liền mỉm cười. Từ miệng Phật phát ra ánh sáng màu vàng ròng, chiếu đến các cõi nước Phật nhiều không thể tính kể trong khắp mười phương, sau đó, ánh sáng trở lại vòng quanh Đức Phật ba vòng rồi nhập vào nơi đỉnh đầu Đức Phật.

Tôn giả A-nan bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y bày vai phải, đến trước Đức Phật, cung kính đảnh lễ rồi lui ra đứng chắp tay, nói kệ tán thán:

Tâm, hạnh của Phật rất thanh tịnh
Thần thông biến hóa thật vô cùng
Không còn chướng ngại vượt các trí
Ánh sáng trừ tăm tối, cấu uế.
Trí tuệ vô lượng, tâm giải thoát
Tiếng Phật Thế Tôn như chim chúa
Ngoại đạo không thể làm dao động
Vì sao Phật cười phát diệu quang.
Nguyện xin Thế Tôn hãy giảng nói
Cha lành thương tưởng khắp chúng sinh
Nếu được nghe Phật diễn Phạm âm
Hiểu rõ, đạt đạo, dạy thế gian.
Thế Tôn cảm ứng có nguyên do
Đạo Sư không mỉm cười vô cớ
Hôm nay ai sẽ được thọ ký
Kính xin Phật nói ý nghĩa này.
Này ai sẽ đạt Đạo bền chắc
Ai đạt, thực hành hạnh vi diệu,
Ai đạt kho tàng pháp sâu xa,
Đạo đức vô thượng, người người kính.
Ai người thương tưởng đến thế gian
Ai sẽ phụng hành kinh pháp này
Ai được ở trong trí tuệ Phật
Thế Tôn, kính mong Phật giảng nói.

Khi ấy, Đức Phật vì Tôn giả A-nan, nói kệ:

Phật hỏi: A-nan! Ông thấy chăng?
Năm trăm người đang đứng ở đây
Vô cùng hoan hỷ, họ cùng nói:
“Chúng ta sẽ đạt được pháp này!”
Nét mặt vui, hòa, kính lễ Phật:
“Chúng ta khi nào được như ngài?”
Đều đứng cung kính, khen Thế Tôn:
“Chúng ta sẽ chóng đạt như vậy!”
Năm trăm người đang hiện ở đây
Tên gọi tuy khác, hạnh đồng nhau
Thường ưa thọ trì kinh pháp ấy
Vào đời vị lai cũng sẽ vậy.
Nay ta giao phó cho các ông
Tuệ Phật vô lượng nên biết rõ,
Họ không chỉ gặp một Đức Phật
Nơi đó lập nguyện được tuệ này.
Nhìn thấu triệt vào các đời trước,
Họ đã từng gặp tám vạn Phật
Năm trăm người đều ở trong đạo
Giảng giải nghĩa kinh, thành tựu hạnh.
Hỗ trợ vô số các Bồ-tát
Thực hành Từ bi, hộ kinh pháp
Giáo hóa tất cả các chúng sinh
Khiến cho tất cả thành đạo hạnh.
Biết rõ Thế Tôn đời qua khứ
Thấy tám mươi ức vô số Phật
Oai đức vĩ đại, tâm giải thoát
Hộ pháp này, thực hành ba chuyển.
Hiện tại, thọ trì pháp của ta
Phân bố, cúng dường các xá-lợi
Lắng nghe kính nhận lời Phật dạy
Thảy đều đọc tụng và giao phó.
Ở nơi chùa tháp hoặc núi rừng
Hoặc chỗ Trời, Rồng, Càn-thát-bà
Đâu đâu cũng chuyển dạy kinh điển
Qua đời được sinh lên cõi trời.
Sau đó sinh về lại cõi người
Mỗi người một dòng họ khác nhau
Nhưng sẽ cũng thực hành Phật đạo
Lưu hành pháp này như đã nguyện.
Nhờ tin ưa kinh pháp như vậy
Mong cầu liền được, giữ, phụng hành
Khiến vô số người đều được nghe
Tâm ý được vô cùng hoan hỷ.
Đạt thông tuệ, không nhàm chán pháp
Không tiếc thân mạng, ham tuổi thọ
Điều phục tất cả các ngoại đạo
Dạy họ kinh pháp, chí nguyện lớn.
Kinh pháp này rất khó đạt được,
Thọ trì, đọc tụng và giảng nói
Hôm nay, bốn chúng ở trước ta
Và năm trăm người đều thọ trì.
Cùng tám Bồ-tát: Bạt-đà-hòa,
La-lân-na-kiệt, Na-la-đạt
Ma-ha-tu-tát, Hòa-luân-điều,
Nhân-để, Tu-thâm, Kiều-nhật-đâu.
Tỳ-kheo, Ni, cư sĩ nam, nữ
Phụng hành nghĩa lý pháp vi diệu
Thường dùng kinh pháp ban thế gian
Giảng nói, giáo hóa pháp sâu xa.
Tám vị Bồ-tát: Bạt-đà-hòa
Là thượng thủ của năm trăm người
Thường nên phụng trì kinh Phương đẳng
Không hề đắm nhiễm pháp thế tục.
Cởi bỏ trói buộc, Tuệ hiểu Không
Có trăm tướng phước như vàng ròng
Thực hành Từ bi độ chúng sinh
Bố thí an ổn, diệt trừ cấu.
Qua đời sinh vào nhà chánh pháp
Không bị trở lại ba đường ác
Đời đời luôn cùng nhau hòa hợp
Sau này sẽ thành tựu Phật đạo.
Từ bỏ hẳn những nơi tám nạn
Xa lìa tất cả các đường ác
Các hạnh công đức không kể xiết
Thọ nhận phước đức cũng vô lượng.
Sẽ được gặp Đức Phật Di-lặc
Cùng nhau một lòng đến quy y
Cũng đều cúng dường Đức Từ Bi
Đạt được pháp tịch diệt vô thượng.
Tâm họ tự nhiên được hòa đồng
Chánh niệm phụng sự Nhân Trung Tôn
Không theo thế tục, đạt Pháp nhẫn
Nhanh chóng đạt hạnh đạo Vô thượng.
Họ thường phụng trì kinh pháp này
Thức khuya dậy sớm để đọc tụng
Gieo trồng công đức, tu Phạm hạnh
Gặp Phật Di-lặc, cũng như vậy.
Các Phật ra đời ở Hiền kiếp
Giao nhận Từ bi cứu thế gian,
Ở đâu cũng thọ trì chánh pháp
Phụng Phật quá khứ, hiện, vị lai.
Cúng dường tất cả các Thế Tôn
Gặp Phật ba đời, chẳng tham, sân
Sẽ được nhanh chóng thành Phật đạo
Không thể nghĩ bàn và suy lường.
Nếu có người nào đạt Phật đạo
Người người nên lần lượt cúng dường
Không thể tính kể vô số kiếp
Cúng dường như vậy không dừng nghỉ.
Như vậy, Bồ-tát Bạt-đà-hòa
La-lân-na-kiệt, Na-la-đạt
Và Tu-tát-hòa, Kiều-nhật đâu
Từng gặp Phật như cát sông Hằng.
Thường luôn phụng hành theo chánh pháp
Tuyên dạy vô số giáo pháp Phật
Đạo hạnh vô lượng, không kể xiết
Cho đến trong vô số ức kiếp,
Giả sử có người thọ trì tên
Những chỗ đến đi, trong giấc mộng
Luôn dũng mạnh dẫn dắt thế gian
Tất cả sẽ đạt đạo Vô thượng.
Nếu ai nhìn thấy và lắng nghe
Tâm họ được vô cùng hoan hỷ
Đều chắc chắn đạt đến Phật đạo
Huống là phụng sự và cúng dường,
Nếu ai giận dữ và mắng chửi
Có ý hung ác đến đánh đập
Nhờ ân oai thần của tám vị
Phật Đạo đạt thành, huống cung kính.
Các vị trì Pháp khó nghĩ bàn
Tiếng lành và tuổi thọ vô lượng
Ánh sáng vô hạn, đức không nghi
Trí tuệ vô lượng, hạnh cũng thế.
Thường được diện kiến vô lượng Phật
Giới thanh tịnh như cát sông Hằng
Thực hành hạnh bố thí khắp nơi
Vì để mong cầu đạo Vô thượng.
Vô số ức kiếp nói phước này
Không thể cùng tận các công đức
Người thọ trì kinh và đọc tụng
Đạt đến đại đạo không gì khó.
Nếu ai ưa thích kinh điển này
Thọ trì, đọc tụng và giảng nói
Nên biết trong năm trăm người này
Luôn luôn kính quý, không nghi ngờ,
Giả sử thực hành kinh pháp này
Ưa thích lý đạo, càng tinh tấn
Giữ giới thanh tịnh, bỏ ham ngủ,
Đạt Tam-muội này, không gì khó,
Muốn được an ổn tu kinh, giới
Tỳ-kheo nên ở nơi thanh vắng
Thường đi khất thực, biết vừa đủ
Đạt Tam-muội này không gì khó,
Rời xa ồn náo, chẳng nhận mời
Miệng không ham vị, bỏ ái dục
Theo ai nghe giảng kinh pháp này
Kính họ như Phật, thường phụng sự.
Trừ tham, bỏn sẻn, nhận pháp ấy
Dứt hẳn dâm dục, lìa ngu si
Phát khởi đại đạo, lòng tin chắc
Sao đó học, hành Tam-muội này
Thực hành không chấp bỏ các dục
Luôn tự cẩn thận trừ sân, hận
Tinh tấn phụng hành lời Phật dạy
Sau đó tu học Tam-muội ấy.
Không ham con cái vật sở hữu
Xa lìa kiêu mạn và thê thiếp
Tại gia tu đạo thường hổ thẹn
Sau đó học tập Tam-muội này
Tâm không làm hại, thường hòa thuận
Không thích chê bai, bỏ điều ác
Không mong cầu sắc, đạt pháp nhẫn
Khéo léo đọc tụng Tam-muội này.
Tỳ-kheo-ni học kinh pháp ấy
Thường nên cung kính, không kiêu mạn
Rời xa cười giỡn và cao ngạo
Đạt Tam-muội này không gì khó.
Luôn hành tinh tấn, bỏ ngủ nghỉ
Không chấp ngã, ngã sở, người, vật
Người yêu thích pháp không tiếc thân
Sau đấy học tụng Tam-muội ấy.
Chế ngự dâm dục, không tham đắm
Tâm không giận dữ, bỏ dua nịnh
Không hề rơi vào lưới các ma
Thọ trì Tam-muội được như vậy.
Luôn bình đẳng đối với chúng sinh
Trừ bỏ buông lung các trần cấu
Tâm tánh, lời nói không thô bạo
Sao đó học, tụng Tam-muội này.
Đói với Bình bát và y phục
Không được tham ái, dù giây lát
Tôn kính minh sư xem như Phật
Sau đó học, tụng Tam-muội này
Để được lợi ích xa xứ nạn
Nhất tâm tin ưa lời Phật dạy
Lìa xa tất cả tám đường ác
Thọ trì kinh này được như vậy.

Phẩm 8: ỦNG HỘ

Bấy giờ, sau khi nghe Đức Phật nói kệ, tám vị Bồ-tát: Bồ-tát Bạt-đà-hòa, Bồ-tát Kiêu-nhật-đâu, Bồ-tát La-lân-na-kiệt, Bồ-tát Nala-đạt, Bồ-tát Tu-thâm, Bồ-tát Ma-ha Tu-tát-hòa, Bồ-tát Nhân-để-đạt và Bồ-tát Hòa-luân-điều đều vô cùng hoan hỷ, dâng năm trăm y kiếp-ba và nhiều châu báu cũng như tự thân xin quy y Phật để cúng dường.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Các Bồ-tát Bạt-đà-hòa… là bậc thầy trong năm trăm Bồ-tát, thường ở trong Chánh Pháp, tùy thuận giáo hóa khiến cho mọi người đều được hoan hỷ, đều được tâm vui mừng, tâm tùy thời, tâm thanh tịnh, tâm bỏ ái dục.

Bấy giờ, năm trăm Bồ-tát đều chắp tay đứng trước Phật. Bồ-tát Bạt-đà-hòa thưa:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát thọ trì những pháp gì để đạt được Tammuội này?

Đức Phật nói:

–Bồ-tát có bốn điều hành trì thì nhanh chóng đạt được Tammuội này. Những gì là bốn?

  1. Không tin theo ngoại đạo.
  2. Đoạn trừ ái dục.
  3. Tu hành đúng như pháp.
  4. Không tham đắm sự sống.

Đó là bốn điều để Bồ-tát nhanh chóng đạt được Tam-muội này. Nếu thọ trì, đọc tụng hoặc giữ gìn thì đời hiện tại đạt được năm trăm công đức.

Này Bạt-đà-hòa! Ví như Tỳ-kheo có tâm Từ thì không bao giờ bị trúng độc hay trúng các binh khí, lửa không thể đốt, vào nước không bị chết, vua chúa không thể sai sử được. Cũng vậy, Bồ-tát thọ trì Tam-muội này, không hề bị trúng độc, không bao giờ bị trúng các binh khí, không bị lửa thiêu đốt cũng không bị nước nhận chìm và không khi nào bị vua chúa sai sử.

Này Bạt-đà-hòa! Ví như vào kiếp lửa thiêu đốt, Bồ-tát thọ trì Tam-muội này, giả sử bị rơi vào trong lửa thì lửa cũng liền tắt, giống như nước trong bình lớn dập tắt được ngọn lửa nhỏ một cách dễ dàng.

Này Bạt-đà-hòa! Như ta đã giảng nói không khác, Bồ-tát nào thọ trì Tam-muội này, nếu vua, hoặc giặc, hoặc lửa, hoặc nước, hoặc rồng, hoặc rắn, hoặc Quỷ thần, Dạ-xoa, hoặc thú dữ, hoặc trăn, hoặc thuồng luồng, hoặc sư tử, hoặc hổ, hoặc sói, hoặc chó, hoặc người, hoặc phi nhân, hoặc hươu, hoặc cây độc, hoặc quỷ thần Cưu-hoàn muốn quấy nhiễu người, muốn giết hại người, muốn chiếm đoạt bình bát, muồn phá hoại thiền định, chánh niệm của người mà đến Bồ-tát này thì không bao giờ hại được.

Này Bạt-đà-hòa! Như ta đã giảng nói, chỉ trừ khi đời trước của vị ấy đã tạo tác như thế, ngoài ra, không gì có thể làm hại được.

Nếu Bồ-tát nào thọ trì Tam-muội này, không bao giờ bị các bệnh về mắt, tai, mũi hay thân thể, tâm ý cũng không hề bị lo buồn. Bồ-tát này, lúc chết hoặc gần chết, giả sử có tai họa gì thì như Phật đã giảng nói, chỉ trừ khi đời trước của vị ấy đã tạo tác như thế nếu không thì không hề có.

Lại nữa, này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát này được tất cả chư Thiên khen ngợi, tất cả các hàng Rồng, Quỷ thần, Dạ-xoa, A-tu-la, Ca-lâula, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân đều khen ngợi. Chư Phật Đấng Thiên Trung Thiên cũng đều khen ngợi Bồ-tát này.

Lại nữa, này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát này được chư Thiên ủng hộ, được các vị rồng, bốn vua trời Hộ thế, Thích Đề-hoàn Nhân và Phạm thiên cả ba cõi trời đều ủng hộ; Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân đều ủng hộ Bồ-tát này. Chư Phật Đấng Thiên Trung Thiên cũng đều ủng hộ Bồtát này.

Lại nữa, này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát được chư Thiên, Rồng, thần Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân tất cả đều kính mến. Chư Phật Đấng Thiên Trung Thiên đều không còn ái dục, vì đạo nên cũng đều kính mến Bồ-tát này.

Lại nữa, này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát này được chư Thiên, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân, tất cả đều mong muốn nhìn thấy. Chư Phật Thiên Trung Thiên đều muốn Bồ-tát này đến chỗ của mình, vì các chúng sinh nên chư Phật rất muốn khiến Bồ-tát này đến.

Lại nữa, này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát được chư Thiên, Rồng, Dạxoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân đều đến chỗ của Bồ-tát này, đều cùng nhau gặp gỡ. Bồ-tát này không những nhìn thấy chư Phật vào ban ngày mà còn thấy chư Phật vào ban đêm trong giấc mộng, được nghe chư Phật tự nói lên danh hiệu của chư Phật.

Lại nữa, này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát này dù chưa đọc tụng kinh và trước đây chưa được nghe kinh điển, nhờ oai thần của Tam-muội này mà ban đêm, trong giấc mộng, Bồ-tát được nghe tên kinh điển và được tự nghe âm thanh của kinh. Nếu ban ngày không được nghe thì ban đêm, trong giấc mộng, được nghe thấy tất cả.

Này Bạt-đà-hòa! Nếu ta giảng nói về công đức của Bồ-tát thọ trì Tam-muội này thì trong một kiếp hay hơn một kiếp cũng không thể nói hết, huống là công đức của Bồ-tát dốc cầu và đạt được Tammuội này.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Bồ-tát nào học Tam-muội này
Nghĩa lý tịch tĩnh do Phật giảng
Muốn khen công đức của vị ấy
Chỉ như giảm hạt cát sông Hằng.
Đao kiếm không thể làm bị thương
Giặc cướp, kẻ thù không thể hại
Vua, quan đều hoan hỷ hướng về
Người học Tam-muội, được như vậy.
Rắn rết độc hại, đáng sợ hãi
Thấy hành giả ấy, độc liền trừ
Không hề hung dữ, phun khí ác
Đọc tụng Tam-muội, được như vậy.
Oán thù, hiềm khích không thể hại
Trời, Rồng, Quỷ thần, Khẩn-na-la
Thấy ánh oai đức đều mừng reo
Học Tam-muội này được như vậy.
Sói dữ, trăn lớn ở rừng sâu
Sư tử cùng với hổ, hươu, nai
Không hề độc hại, làm bị thương,
Đều đến hộ vệ hành giả ấy.
Quỷ thần xấu ác bắt hồn người
Chư Thiên, những người có tâm ác
Cảm ứng oai thần, tự quy phục
Người học Tam-muội được như vậy.
Vị ấy không hề bệnh, khổ, đau
Tai, mắt thông suốt và sáng tỏ
Biện tài trí tuệ rất đặc biệt
Tu hành Tam-muội mau như vậy.
Người ấy không bị đọa địa ngục
Lìa xa ngạ quỷ và súc sinh
Đời đời sinh ra biết kiếp trước
Học Tam-muội này đạt như vậy.
Các Càn-thát-bà thường ủng hộ,
Chư Thiên, loài người, A-tu-la,
Ma-hầu-la-già cũng như vậy
Tu hành Tam-muội đạt như thế.
Được chư Thiên khen ngợi công đức
Trời, Người, Rồng, Quỷ, Khẩn-na-la
Chư Phật ngợi khen, khiến như nguyện
Đọc, giảng nói kinh cho người khác.
Tâm đạo vị này không thoái chuyển
Tuệ hiểu nghĩa pháp không cùng tận
Dáng mạo đẹp đẽ không ai bằng
Đọc tụng kinh này, giáo hóa người.
Các nước đánh nhau, dân loạn lạc
Đói khổ, bần cùng, lại lo âu
Mạng sống đời loạn thật ngắn ngủi
Nếu đọc kinh này giáo hóa người.
Mạnh mẽ điều phục các việc ma
Tâm ý không hề thấy sợ hãi,
Công đức người ấy khó nghĩ bàn
Tu hành Tam-muội đạt như vậy.
Huyễn hóa, quái lạ và phù chú
Nhơ uế, đường tà, việc bất chánh
Hoàn toàn không thể trúng người này
Do ưa thích pháp, đạt căn bản.
Tất cả đều khen đức vị ấy
Đầy đủ định, tuệ, đệ tử Phật
Vào đời sau cùng thuở vị lai
Thọ trì kinh này, đạt như vậy.
Thường tu hành tinh tấn, hoan hỷ
Đồng lòng, vui vẻ tu pháp ấy
Thọ trì, đọc tụng và giảng nói
Nay ta vì vậy mà thuyết giảng.

Phẩm 9: ĐỨC PHẬT SẠN-LA-DA

Bấy giờ, Đức Phật nói:

–Này Bạt-đà-hòa! Vào thuở xa xưa không thể tính kể vô số kiếp, bấy giờ có Đức Phật hiệu là Sạn-la-da Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, là bậc tôn quý nhất ở thế gian, an định ở thế gian, là bậc Đại thần chú trong các kinh, cõi trời, cõi người đều tôn xưng là Đấng Thiên Trung Thiên.

Khi ấy có trưởng giả tên là Tu-đạt, cùng với hai vạn người cùng nhau đi đến chỗ Đức Phật Sạn-la-da, cung kính đảnh lễ Phật rồi lui ra ngồi một bên. Trưởng giả Tu-đạt thưa hỏi Đức Phật về Tam-muội này. Biết được tâm niệm của trưởng giả, Đức Phật ấy liền giảng nói về Tam-muội ấy. Nghe xong, Trưởng giả vô cùng hoan hỷ, liền xin xuất gia làm Sa-môn, dốc cầu Tam-muội này trong tám vạn năm. Thuở ấy, Trưởng giả Tu-đạt theo vô số Đức Phật để nghe kinh, được trí tuệ rất sáng suốt cao vời. Sau đó Trưởng giả qua đời được sinh lên cõi trời Đao-lợi, lại sinh nơi cõi trời, rồi sau nữa lại sinh vào cõi người.

Thuở ấy, trong kiếp nọ lại có Phật hiệu là Thuật-xà-ba-đề Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác. Khi đó, Phật hạ sinh vào gia đình Sát-đế-lợi. Trưởng giả Tu-đạt ở chỗ Đức Phật ấy được nghe và siêng cầu Tam-muội này.

Sau đó, trong kiếp nọ lại có Đức Phật hiệu là Lại-tỳ-la-da Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, Đức Phật này đản sinh vào gia đình dòng Bà-la-môn. Khi đó, Trưởng giả Tu-đạt cũng ở chỗ Đức Phật ấy thọ trì Tam-muội này, dốc cầu và giữ gìn Tam-muội này trong tám vạn bốn ngàn năm.

Này Bạt-đà-hòa! Tiếp theo, tám vạn kiếp nữa, Trưởng giả Tuđạt sẽ thành Phật hiệu là Đề-hòa-kiệt-la. Bấy giờ, Trưởng giả Tu-đạt vì người khác mà tu tập trí tuệ sâu xa, cao vời và dũng mạnh.

Này Bạt-đà-hòa! Ông có thấy Tam-muội này không? Nó có lợi ích như vậy, khiến cho người thành tựu Phật đạo. Bồ-tát nào đạt được Tam-muội này, nên học, đọc tụng, thọ trì và dạy cho người khác giữ gìn, như vậy không lâu sẽ thành Phật.

Này Bạt-đà-hòa! Ông có biết hay không? Tam-muội này là mắt của Bồ-tát, là mẹ của Bồ-tát, là nơi quy ngưỡng của các Bồ-tát, là chỗ được sinh ra của Bồ-tát.

Này Bạt-đà-hòa! Ông biết chăng? Tam-muội này phá trừ những sự tăm tối, soi sáng cả cõi trời, cõi người.

Ông có biết không? Tam-muội này là kho tàng của chư Phật, là cảnh giới của chư Phật, là nguồn châu báu nơi biển sâu, là ngọn núi lớn vô lượng công đức, là kinh điển minh triết. Nên biết chỗ phát sinh của Tam-muội này như vậy, chư Phật sinh ra từ Tam-muội này như vậy. Khi nghe kinh, phải an trú chánh niệm trong bốn Niệm xứ. Bốn Niệm xứ là gì?

  1. Quán sát thân mình và quán sát thân người khác vốn đều không có thân.
  2. Quán sát cảm thọ của mình và quán sát cảm thọ của người khác vốn đều không có cảm thọ.
  3. Quán sát tâm mình và quán sát tâm người khác vốn đều không có tâm.
  4. Quán sát pháp của mình và quán sát pháp của người khác vốn đều không có pháp.

Này Bạt-đà-hòa! Ai là người có lòng tin vào Tam-muội ấy? Chỉ có Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, bậc Bất thoái chuyển và bậc A-la-hán mới có lòng tin vào Tam-muội này. Người ngu si, tâm mê muội thì cách Tam-muội Hiện tại Phật tiền lập này rất xa. Vì sao? Vì pháp này là pháp niệm Phật sẽ được thấy Phật.

Này Bạt-đà-hòa! Bồ-tát nên niệm Phật sẽ được thấy Phật, nghe kinh pháp không được chấp giữ. Vì sao? Vì phật vốn không có pháp này, không có đối tượng nào là nhân duyên. Vì sao? Vì tất cả vốn không, không thật có. Mỗi mỗi đều do ý niệm mà ra. Trong pháp này không có đối tượng chấp giữ, pháp này không có đối tượng tham đắm, vô cùng thanh tịnh giống như hư không. Pháp này là sự nghĩ tưởng của con người, nên hiểu rõ là không có pháp nào, là không thật có, là giả, vì thế, nguyên nhân của nó cũng rỗng lặng như Niết-bàn. Pháp này vốn không thật có, vốn không có pháp này, không từ đâu đến cũng không đi về đâu. Người cũng vốn không, không chấp pháp này là gần, cũng không chấp pháp này là xa.

Này Bạt-đà-hòa! Nếu có người thọ trì Tam-muội này, nhờ nơi Tưởng mà thể nhập vào chỗ không còn tưởng, thấy Phật, niệm Phật, đạt sự hiểu biết, nghe kinh, niệm pháp. Đạt sự hiểu biết, không được chấp là ta, không được tham đắm vào pháp. Vì sao? Này Bạtđà-hòa! Nếu chấp giữ vào sự hiểu biết thì không thể thấy Phật, nếu có đối tượng tham đắm dù chỉ bằng mảy lông sợi tóc cũng không thể thấy pháp. Bố thí cho người khác mà có sự mong cầu, đó chẳng phải là bố thí. Giữ giới mà có sự mong cầu đó là không thanh tịnh. Tham các pháp thì không thể đạt đến Niết-bàn. Đối với kinh mà có tâm dua nịnh thì chẳng có sự sáng suốt, ưa thích ở đông đảo, vui mừng với ngoại đạo thì không bao giờ đạt được một hạnh nào. Ở trong các Dục phải nghĩ nên xa lìa, có sân giận thì không thể nhẫn nhục, khi có tâm ghét thì không được nói về người khác. Người dốc lòng cầu đạo A-la-hán thì không được thấy như vậy, không mong đạt được ở trong Tam-muội Hiện tại Phật tất tại tiền lập, không từ đâu đến, được phát sinh và an trú trong pháp lạc, có đối tượng tham chấp thì không đạt được không. Bồ-tát không được bỏn sẻn, tham lam, biếng trễ, như thế sẽ không đạt đạo, có dâm dật thì không thể nhập vào quán sát, có đối tượng nhớ nghĩ thì không thể nhập vào Tam-muội.

Bấy giờ, Đức Phật nói kệ:

Các công đức này khó tính kể
Giữ giới đầy đủ, không tì vết
Tâm được thanh tịnh, bỏ trần cấu
Tu Tam-muội này được như vậy.
Người nào thọ trì Tam-muội ấy
Được trí tuệ lớn không thiếu giảm
Thấu đạt nghĩa lý, chẳng hề quên
Các hạnh công đức như trăng sáng.
Nếu ai thọ trì Tam-muội này
Hiểu biết thấu đạt khó nghĩ bàn
Thông suốt vô lượng các đạo pháp
Vô số chư Thiên đều ủng hộ.
Nếu ai thọ trì Tam-muội này
Luôn được diện kiến vô số Phật
Được nghe vô lượng Phật thuyết pháp
Liền được thọ trì nhờ các hạnh.
Người nào thọ trì Tam-muội này
Tội ác, khổ sở được diệt trừ.
Chư Phật Từ bi thương thế gian
Thảy đều khen ngợi Bồ-tát ấy
Giả sử Bồ-tát muốn nhìn thấy
Vô số Đức Phật đời vị lai
Một lòng hoan hỷ trong chánh pháp
Nên học, đọc tụng Tam-muội này.
Nếu người thọ trì Tam-muội ấy
Công đức, phước lành khó nghĩ bàn
Đạt thân người tôn quý bậc nhất
Xuất gia, giải thoát đi khất thực,
Nếu ai đạt kinh này sau cùng
Cũng sẽ được công đức bậc nhất
Và các phước thiện cũng vô lượng
Tu Tam-muội này được như vậy.

Pages: 1 2 3