SỐ 313
KINH A-SÚC PHẬT QUỐC
Hán dịch: Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư Chi-lâu-ca-sấm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN THƯỢNG

Phẩm 1: PHÁT Ý THỌ TUỆ

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật thuộc thành Laduyệt-kỳ cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, đều là những bậc A-la-hán đã đoạn tận sinh tử và không còn bị ràng buộc, đã phá trừ lao ngục, tâm ý tự tại, trí tuệ siêu việt, vì hóa độ nên nhiếp phục tất cả chư Thiên và Long vương, việc cần làm đã làm xong, không còn tiếp tục. Các vị đã trút bỏ gánh nặng và hoàn toàn đạt đuợc trí tuệ, giải thoát chân chánh, tâm ý đạt đến chỗ tự tại cao tột, riêng chỉ có Hiền giả A-nan thì chưa đạt đến như vậy.

Lúc bấy giờ Hiền giả Xá-lợi-phất quỳ thẳng, chắp tay bạch Đức Phật:

–Lành thay, Đấng Thiên Trung Thiên! Khi xưa các Bồ-tát mong cầu đạo Vô thượng chánh chân, phát tâm tu tập đức hạnh liền đạt được hạnh rốt ráo. Các Bồ-tát ấy vì thương tưởng, muốn đem lại sự an ổn cho chư Thiên và người thế gian, nên đã tuyên dương chân lý chắc thật khiến mọi người được nhiều an ổn. Vì vậy các vị với tình thương và tâm an định, dùng thân tôn quý bao trùm khắp thế gian, chỉ vì thương xót chư Thiên và loài người. Nay trong hiện tại và quá khứ, các Đại Bồ-tát đã hiện ánh sáng rực rỡ, cho đến tìm cách làm cho ánh sáng ấy chiếu đến cõi Phật mà không có tên gọi. Nếu có người mong cầu đạo Bồ-tát phải như các Đại Bồ-tát thuở xưa đã phát nguyện đem ánh sáng đại nguyện ấy khiến thể nhập vào các đức hạnh đã nghe. Phải như vậy mà học tập, phụng hành. Người tu học như thế tức đã thành tựu trí tuệ siêu việt thẳng tới quả vị Giác ngộ cao tột.

Đức Phật dạy:

–Hay thay! Hiền giả Xá-lợi-phất đã trụ trong tánh thiện thâm sâu nên mới có thể hỏi về ánh sáng hạnh nguyện của các Đại Bồ-tát ở quá khứ nhằm để đạt đến các đức hạnh và nghĩ đến các Bồ-tát trong tương lai khiến cho họ vâng giữ.

Này Xá-lợi-phất! Hãy lắng nghe và khéo tư duy, ghi nhớ. Ta sẽ giảng cho Hiền giả nghe về đại nguyện của các Đại Bồ-tát đã thực hành trong quá khứ.

Xá-lợi-phất thưa:

–Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Con xin muốn nghe.

Đức Phật dạy:

–Này Xá-lợi-phất! Có thế giới tên A-tỳ-la-đề, Đức Phật ở thế giới ấy tên là Đại Mục thuyết pháp về hạnh sáu Độ vô cực cho các vị Đại Bồ-tát ở thế giới đó.

Khi ấy Hiền giả Xá-lợi-phất suy nghĩ: “Ta muốn hỏi Đức Như Lai, Đấng Thiên Trung Thiên về thế giới A-tỳ-la-đề ở đâu và Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đã thuyết pháp về hạnh sáu Độ vô cực cho các vị Đại Bồ-tát như thế nào?”

Lúc đó, Đức Phật biết tâm niệm của Hiền giả Xá-lợi-phất nên bảo:

–Về phương Đông, cách đây một ngàn cõi Phật, có thế giới Atỳ-la-đề, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đã thuyết pháp về hạnh sáu Độ vô cực cho các vị Đại Bồ-tát. Lúc ấy có vị Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục chỉnh tề, gối phải quỳ sát đất, hướng về Đức Đại Mục Như Lai chắp tay bạch: “Cúi lạy Đấng Thiên Trung Thiên, con muốn kết nguyện tu học như các vị Đại Bồ-tát đang học.”

Này Xá-lợi-phất! Đức Đại Mục Như Lai bảo vị Tỳ-kheo ấy rằng: “Nếu muốn kết nguyện học đạo Bồ-tát thì rất khó. Vì sao? Vị Bồ-tát phải đối với nhân loại và loài côn trùng nhỏ bé không có sự sân hận.”

Xá-lợi-phất! Vị Tỳ-kheo đo bạch với Đức Đại Mục Như Lai: “Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện từ nay trở về sau phát tâm đạo Vô thượng chánh chân, luôn có tâm khuyến giúp chúng sinh và không xa lìa hạnh nguyện ấy. Con vì phát nguyện đạo Vô thượng chánh chân nên sẽ không nói lời quanh co, mà nói lời chí thành không thay đổi.

Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin chứng minh lời nguyện vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: Nếu con đối với tất cả nhân loại và loài côn trùng nhỏ nhiệm mà phát sinh tâm sân hận và:

-Thứ nhất: Nếu con khởi tâm cầu Thanh văn, Duyên giác,

-Thứ hai: Chỉ vì ý niệm dâm dục,

-Thứ ba: Nghĩ nhớ đến ngủ nghỉ và có các niệm tưởng do dự,

-Thứ tư: Có ý niệm hồ nghi,

-Thứ năm: Với những tâm ấy cho đến khi chứng thành quả vị

Giác ngộ cao tột, thì như vậy con đã dối gạt chư Phật Thế Tôn trong vô số trăm ngàn thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên đang thuyết pháp trong hiện tại.

Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin Thế Tôn chứng minh lời nguyện vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: Nếu con khởi ý niệm sát sinh và:

-Thứ nhất: Nếu con khởi ý niệm trộm cắp tiền bạc, vật dụng của người khác,

-Thứ hai: Nếu con khởi ý niệm phi phạm hạnh,

-Thứ ba: Nếu con khởi ý niệm nói dối, -Thứ tư: Nếu con khởi ý niệm hối hận, -Thứ năm: Với những tâm ấy cho đến khi đạt được quả vị Giác ngộ cao tột, thì như vậy con đã lừa dối chư Phật Thế Tôn trong vô số trăm ngàn thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên đang thuyết pháp trong hiện tại.

Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin Thế Tôn chứng minh lời nguyện vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: Nếu con khởi ý niệm mắng chửi và:

-Thứ nhất: Nếu con khởi ý niệm ác khẩu,

-Thứ hai: Ngu si,

-Thứ ba: Nếu con khởi ý niệm nói lời thêu dệt,

-Thứ tư: Nếu con khởi ý niệm tà kiến,

-Thứ năm: Với những tâm ấy cho đến khi đạt được quả vị Giác ngộ cao tột, thì như vậy con đã lừa dối chư Phật Thế Tôn trong vô số trăm ngàn thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên đang thuyết pháp trong hiện tại.

Này Xá-lợi-phất! Vị Tỳ-kheo đó đã chuẩn bị áo giáp Tứ hoằng đại nguyện, là Đại Bồ-tát mới phát khởi ý ấy, cho nên đối với tất cả nhân loại, loài côn trùng nhỏ bé không có tâm sân hận, cũng không có hận thù.

Xá-lợi-phất! Vị Bồ-tát đó khi ấy vì không có sân hận nên được gọi là A-súc, vì không có hận thù nên trụ nơi đất A-súc. Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác cũng hoan hỷ gọi tên này. Tứ thiên vương cũng hoan hỷ gọi tên ấy, trời Đế Thích và Phạm Tam Bát cũng hoan hỷ gọi tên ấy.

Này Xá-lợi-phất! Vị Đại Bồ-tát A-súc ấy đã bạch với Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác: “Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin Thế Tôn chứng minh lời nguyện sâu xa kiên cố vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: Nếu con không phụng hành như những lời phát nguyện hôm nay, không xả bỏ để thi hành giới luật, không phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí mà chỉ mong muốn được thành Phật, đời đời thường không làm Sa-môn, đời đời không đắp y phấn tảo, đời đời làm Sa-môn không đủ ba pháp y, với những tâm ấy cho đến khi thành Phật, thì như vậy con đã lừa dối chư Phật Thế Tôn trong trăm ngàn vô số thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên đang thuyết pháp trong hiện tại.”

Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin Thế Tôn chứng minh lời nguyện vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: “Nếu đời đời con thường không thuyết pháp cho người, đời đời thường không làm Pháp sư, đời đời những điều con nói không có hạnh cao minh, không bị chướng ngại; đời đời không có trí vô lượng cao minh, đời đời làm Sa-môn không thường hành hạnh khất thực, với những tâm ấy cho đến khi thành Phật, thì như vậy con đã lừa dối chư Phật Thế Tôn trong trăm ngàn vô số thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên đang thuyết pháp trong hiện tại.”

Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin Thế Tôn chứng minh lời nguyện sâu xa vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: “Nếu con đời đời làm Sa-môn mà không thường ngồi dưới gốc cây, đời đời thường không tinh tấn thực hành ba việc. Ba việc ấy là gì? Một là kinh hành, hai là tọa thiền, ba là an trụ. Đời đời nếu con phát ý niệm tánh tội, vọng ngữ dối trá người, nói lời phỉ báng dua nịnh, đời đời thuyết pháp cho nữ nhân và vì lý do ăn uống. Hoặc khởi ý tưởng cười cợt để thuyết pháp, cho đến khi đạt được quả vị Giác ngộ cao tột. Như vậy là con lừa dối chư Phật Thế Tôn trong trăm ngàn vô số thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên đang thuyết pháp trong hiện tại.” Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin Thế Tôn chứng minh lời nguyện sâu xa vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: “Nếu con đời đời đưa tay lên thuyết pháp, đời đời gặp các Bồ-tát mà không phát tâm Phật, đời đời phát sinh ý niệm cúng dường người ngoại đạo khác, xa lìa chư Như Lai; hoặc đời đời ngồi trên tòa cao nghe pháp cho đến đạt được quả vị Giác ngộ cao tột. Như vậy là con lừa dối chư Phật Thế Tôn trong trăm ngàn vô số thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên hiện nay đang thuyết pháp.” Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin Thế Tôn chứng minh lời nguyện sâu xa vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: “Nếu con đời đời khởi ý niệm: “Ta sẽ bố thí cho ai, không bố thí cho ai.” Hoặc đời đời khởi sinh ý niệm: “Ta sẽ ở nơi nào lập phước thí, ở nơi nào không lập phước thí.” Hoặc đời đời phát sinh ý niệm: “Ta thường đem pháp bố thí cho ai, không đem pháp bố thí cho ai.” Hoặc đời đời gặp người nghèo khổ, cô độc, nhưng không phân chia thân mạng cho người đó, cho đến khi đạt được quả vị Giác ngộ cao tột, thì như vậy là con đã lừa dối chư Phật Thế Tôn trong trăm ngàn vô số thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên đang thuyết pháp trong hiện tại.

Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin Thế Tôn chưng minh lời nguyện sâu xa vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: “Con nguyện đời đời ở nơi ý nguyện Bồ-tát không khác. Với những ý nguyện này cho đến khi thành đạo Vô thượng chánh chân, Giác ngộ cao tột.”

Này Xá-lợi-phất! Khi vị Tỳ-kheo đó nói như vậy, Đức Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác hứa khả hộ niệm. Khi Đức Như Lai đã hứa khả, thì chư Thiên, A-tu-luân, nhân dân khắp thế gian cũng ủng hộ giữ gìn. Khi Đức Đại Mục Như Lai hộ niệm thì chư Thiên, Atu-luân, nhân dân trong thế gian cũng theo hộ niệm.

Đức Phật dạy:

–Lại nữa, nếu có vị Tỳ-kheo Bồ-tát Ma-ha-tát dùng sắc tượng đại nguyện này cầu mong Tuệ giác vô thượng, thì đều sẽ thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Giác ngộ cao tột.

Này Xá-lợi-phất! Vị Bồ-tát A-súc bạch với Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác: “Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin chứng minh lời nguyện sâu xa như vầy của con: Vì tuệ giác vô thượng khiến cho con khi thành Đấng Chánh giác tối thượng, nếu như các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di trong cõi Phật ấy có tội ác và tội xấu gièm pha, thì như vậy là con đã lừa dối chư Phật Thế Tôn trong trăm ngàn vô số thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên đang thuyết pháp trong hiện tại.”

Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con sẽ tu hành cho đến khi thành tựu Tuệ giác vô thượng, khiến cho cõi Phật con ở, các chúng đệ tử đều không có tội ác. Con sẽ tu hành Phật đạo để khiến cõi Phật nghiêm tịnh.

Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con phát tâm cầu Nhất thiết chủng trí, xin chứng minh lời nguyện vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: Con nguyện ở trong mộng mà thất tinh, cho đến tận khi đạt được quả vị Giác ngộ cao tột, thì như vậy là con đã lừa dối chư Phật Thế Tôn trong trăm ngàn vô số thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên hiện nay đang thuyết pháp.

Lại nữa, kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con sẽ tu hành cho đến khi thành tựu đạo Vô thượng chánh chân khiến các Bồ-tát xuất gia hành đạo, trong cõi Phật của con, dù ở trong mộng cũng không thất tinh.

Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Con nguyện phát tâm cầu Nhất thiet chủng trí, xin Thế Tôn chứng minh lời nguyện sâu xa vì đạo Vô thượng chánh chân của con như vầy: Những người mẹ ở thế gian có nhiều bất tịnh. Khi con đạt được quả vị Giác ngộ cao tột, ở trong cõi Phật của con, nếu còn có nhiều bà mẹ bất tịnh, thì như vậy là con đã lừa dối chư Phật Thế Tôn trong trăm ngàn vô số thế giới không thể tính kể, không thể nghĩ bàn và chư Phật, Thiên Trung Thiên đang thuyết pháp trong hiện tại. Đó là pháp sự của Bồ-tát hành niệm như ý muốn, Đức Phật cũng vì thế mà thuyết pháp.

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Này Xá-lợi-phất! Khi ấy vị Tỳ-kheo tên A-súc Bồ-tát Ma-hasát liền kết nguyện: Nếu khiến cho con được không thoái chuyển, thì khi con dùng ngón tay phải ấn xuống sẽ làm cho đất bị chấn động mạnh. Bồ-tát A-súc khi ấy theo oai thần của Đức Phật, tự nương sức cao minh làm cho mặt đất chấn động sáu cách. Đại Bồ-tát A-súc vô cùng xúc động vì đã được như lời phát nguyện.

Xá-lợi-phất! Nếu có vị Bồ-tát muốn thành tựu Tuệ giác vô thượng nên học theo hạnh của Đại Bồ-tát A-súc. Vị Bồ-tát nào đã học theo hạnh của Bồ-tát A-súc chẳng bao lâu cũng sẽ làm chủ cõi Phật, sẽ thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng.

Bấy giờ Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Khi Đại Bồ-tát A-súc mới phát tâm, có bao nhiêu vị trời ở trong hội đó?

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Khi Bồ-tát A-súc mới phát tâm lập hạnh, trong tam thiên đại thiên thế giới, Tứ thiên vương, trời Đế Thích và Tệ ma Phạm-tambát…, tất cả đều hướng đến Bồ-tát A-súc chắp tay nói thế này: “Từ xưa đến nay, chúng con chưa từng nghe đại nguyện này.” Chư Thiên nghe xong liền nói: “Bồ-tát A-súc thành tựu đạo Vô thượng chánh chân. Nếu có người sinh vào nơi cõi Phật kia thì phước đức của người đó không phải nhỏ vậy.”

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Con chưa từng nghe vị Đại Bồ-tát nào khác phát nguyện, lập hạnh mà có sắc tượng như vậy. Con cũng chưa từng thấy, cũng chưa từng nghe vị nào như Đại Bồ-tát A-súc. Đấng Thiên Trung Thiên đã vì thế gọi tên như vậy.

Đức Phật dạy:

–Đúng như thế! Này Xá-lợi-phất! Ít có vị Bồ-tát nào dùng sắc tượng như thế phát nguyện, lập hạnh để đạt đạo Vô thượng chánh chân như Đại Bồ-tát A-súc. Vì thế, này Xá-lợi-phất! Công đức của chư Đại Bồ-tát trong hiền kiếp không bằng công đức của Đại Bồ-tát A-súc.

Này Xá-lợi-phất! Khi ấy Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đã thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Bồ-tát A-súc: “Trong tương lai ông sẽ thành Phật hiệu là Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, thành tựu hạnh trí tuệ và làm Đạo sư an định thế gian, làm Đấng Điều Ngự các pháp, làm Bậc Tôn

Kính ở cõi trời và nhân gian, làm Phật, Thiên Trung Thiên cũng như Đức Phật Đề-hoàn đã thọ ký cho ta.”

Này Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai thọ ký cho Đại Bồ-tát A-súc sẽ thành đạo Vô thượng chánh chân, tam thiên đại thiên thế giới đều sáng rực rỡ. Ta cũng vậy, khi được thọ ký đạo Vô thượng chánh chân thì tam thiên đại thiên thế giới đều sáng rực rỡ.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát A-súc thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, khi được trí tuệ Nhất thiết chủng thì tam thiên đại thiên thế giới chấn động sáu cách. Ta cũng như vậy, khi ta thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, được Nhất thiết chủng trí thì khắp tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động sáu cách.

Lại nữa Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Bồ-tát A-súc được thọ ký đạo Vô thượng chánh chân thì các cây âm nhạc trong tam thiên đại thiên thế giới, tất cả đều tự cong xuống, hướng về Bồ-tát A-súc đảnh lễ. Ta cũng vậy, khi ta thành tựu đạo Vô thượng chanh chân, Chánh giác tối thượng, được Nhất thiết chủng trí thì các cây âm nhạc trong tam thiên đại thiên, tất cả đều tự cong xuống, hướng đến ta đảnh lễ.

Này Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-súc thì chư Thiên, Long, Quỷ thần, Kiền-đạp-hòa, A-tu-luân, Ca-lưu-la, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc v.v… trong tam thiên đại thiên thế giới, tất cả đều hướng đến Bồ-tát A-súc chắp tay đảnh lễ. Ta cũng vậy, khi ta thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, được Nhất thiết chủng trí thì khắp tam thiên đại thiên thế giới, chư Thiên, Long, Quỷ thần, Kiền-đạp-hòa, A-tu-luân, Ca-lưu-la, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc v.v… tất cả đều hướng đến ta chắp tay đảnh lễ.

Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-súc, khắp tam thiên đại thiên thế giới, các phụ nữ có thai đều được sinh sản an ổn, người mù được thấy, người điếc được nghe. Ta cũng vậy, khi ta thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, được Nhất thiết chủng trí thì các phụ nữ có thai khắp tam thiên đại thiên thế giới đều được sinh sản an ổn, người mù được thấy, người điếc được nghe.

Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-súc, nhân và phi nhân trong khắp tam thiên đại thiên thế giới đều đốt hương. Ta cũng vậy, khi ta thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, được Nhất thiết chủng trí thì nhân và phi nhân trong khắp tam thiên đại thiên thế giới đều đốt hương.

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Đại Bồ-tát A-súc chính là người có phước đức vô cùng.

–Này Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát A-súc không những chỉ có công đức, không phải chỉ riêng có Đức Đại Mục Như Lai thọ ký cho vị ấy, mà công đức của Bồ-tát nhiều vô lượng, không thể tính kể hết được. Vị ấy đã đạt đến chỗ vô cực.

Lại nữa Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-súc thì chư Thiên, A-tu-luân, mọi người trong thế gian khi đó đều được an ổn.

Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-súc thì các thần Hòa-di-la, quỷ thần thường theo sau ủng hộ. Ta cũng như vậy, khi ta thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, được Nhất thiết chủng trí thì các thần Hòa-di-la, quỷ thần thường đi theo ủng hộ.

Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai thọ ký đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng cho Đại Bồ-tát A-súc được Nhất thiết chủng trí thì chư Thiên, A-tu-la và loài người trong thế gian dùng hương hoa trời cúng dường Bồ-tát. Ta cũng như vậy, khi ta thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, được Nhất thiết chủng trí thì chư Thiên, A-tu-la và mọi người trong thế gian đều đem hương hoa trời đến cúng dường.

Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-súc, có ba mươi ức người và ba mươi ức chư Thiên phát tâm Vô thượng đạo chánh chân. Đức Đại Muc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đều thọ ký cho họ.

Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-súc, đất ở nơi đó chấn động lớn và tự nhien sinh ra hoa ưu-bát, hoa sen, hoa câu-văn, hoa phân-đà-lợi… khắp mặt đất. Ta cũng như vậy, khi ta thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, được Nhất thiết chủng trí, đất chấn động lớn và tự nhiên sinh ra hoa ưubát, hoa sen, hoa câu-văn, hoa phân-đà-lợi v.v… khắp mặt đất.

Này Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-súc thì hàng trăm vị trời, hàng ngàn vị trời, hàng trăm ngàn vị trời đứng trong hư không dùng Thiên y tung lên trên Bồ-tát A-súc và nói: “Đại Bồ-tát sẽ chóng thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng.”

Xá-lợi-phất! Đức Đại Mục Như Lai thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-súc, khi ấy chư Thiên, A-tu-la và mọi người trong thế gian vô cùng yêu mến nhau như cha mẹ yêu thương con của họ. Ta cũng như vậy, khi ta thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng thì chư Thiên, A-tu-la và nhân dân trong thế gian vô cùng yêu mến nhau như cha mẹ yêu thương con của họ.

Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-suc, thì chư Thiên, nhân dân trong tam thiên đại thiên thế giới nương oai thần Phật, đều nghe Bồ-tát A-súc được thọ ký. Như thế, Xá-lợi-phất! Thuở xưa, khi Bồ-tát A-súc được thọ ký, nhân dân trong nước ấy nhất tâm bố thí, làm việc phước đức, ăn uống vui vẻ. Nếu có người mong điều chi, họ đều hoan hỷ bố thí cho. Ta cũng như vậy, khi ta thành tựu đạo vô thượng thì chư Thiên và nhân dân trong tam thiên đại thiên thế giới đều nương oai thần Phat, được nghe thọ ký.

Như thế, này Xá-lợi-phất! Khi xưa nhân dân trong nước này đã nhất tâm bố thí, làm việc phước đức, ăn uống vui vẻ. Nếu có người mong cầu điều chi, họ đều hoan hỷ bố thí cho.

Xá-lợi-phất! Khi Đức Đại Mục Như Lai thọ ký đạo Vô thượng chánh chân cho Đại Bồ-tát A-súc, chư Thiên cõi trời Dục giới đều đánh trống trời, trổi kỹ nhạc trời để cúng dường.

Này Xá-lợi-phất! Đó là hạnh công đức khi Bồ-tát A-súc được thọ ký.

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Đấng Thiên Trung Thiên là bậc khó sánh kịp, là Đức Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác. Nói một cách chính xác thì không thể tư duy, luận bàn về chư Phật và cảnh giới chư Phật, về chư thần và cảnh giới của chư thần, về loài Rồng và cảnh giới của loài Rồng.

Kính bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Cũng vậy, công đức của Đại Bồ-tát A-súc khi mới phát tâm thọ học và khi được thọ ký cũng không thể suy nghĩ và luận bàn.

Khi ấy Hiền giả A-nan nói với Hiền giả Xá-lợi-phất:

–Đại Bồ-tát A-súc khi mới phát tâm học đại nguyện và được đức hiệu thế nào?

Hiền giả Xá-lợi-phất nói với A-nan:

–Những sự kiện đó đều có nhan duyên đưa đến để Đại Bồ-tát A-súc mới phát tâm học đại nguyện và đức hiệu này. Nay Đức Thế Tôn sẽ giải thích rõ.

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Khi Bồ-tát A-súc mới phát tâm đã phát nguyện: “Hư không có thể khác đi, nhưng những lời kết nguyện của ta không thể khác được.” Nhờ khoác áo giáp đại nguyện nên mới như vậy.

Này Xá-lợi-phất! Khi Đại Bồ-tát A-súc khoác áo giáp đại nguyện, Đại Bồ-tát Bảo Anh cũng học hạnh từ Đại Bồ-tat A-súc. Xá-lợi-phất! Vô số Bồ-tát không thể hiểu thấu đại nguyện của Đại Bồ-tát A-súc, vì Bồ-tát đã kiên trì tích lũy nhiều đời nên mới được như vậy.

Xá-lợi-phất! Đại Bồ-tát A-súc đã thành tựu đạo Vô thượng chanh chân, Chánh giác tối thượng, hiện đang ở thế giới A-tỳ-la-đề. Khi Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác hành đạo Bồ-tát, đời đời nếu có người đến xin tay, chân, đầu, mắt, gân, thịt v.v… Bồ-tát đều không trai ý họ.

Xá-lợi-phất! Đức A-súc Như Lai từ khi mới phát tâm cho đến khi thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, không bị bệnh đau đầu, cũng không bị bệnh phong hàn, tức ngực.

Xá-lợi-phất! Thuở xưa, khi Đức Như Lai Vô Sở Trước Đẳng

Chánh Giác hành đạo Bồ-tát bằng những pháp môn rất khó khổ chưa từng có. Xưa kia, khi Đức A-súc Như Lai hành đạo Bồ-tát thì đời đời gặp các Đức Như Lai thường phụng hành phạm hạnh và đời đời cũng thực hành như vậy. Bồ-tát A-súc cũng thường từ cõi Phật này đi đến cõi Phật khác, đi mãi đến chỗ nào mắt cũng thường gặp chư Phật, Thiên Trung Thiên ra đời ở đó.

Xá-lợi-phất! Ví như Chuyển luân vương đi chu du thiên hạ, quan sát từ chỗ này đến chỗ kia mà chân chưa từng đạp đất. Đến đâu người cũng thường dùng năm dục tự vui chơi và được tự tại cho đến suốt đời.

Như thế Xá-lợi-phất! Khi Đức A-súc Như Lai hành Bồ-tát đạo, đời đời thường gặp các Đức Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, thường tu phạm hạnh, được nghe chư Như Lai thuyết pháp, đều thực hành theo tất cả, đạt đến chỗ vô cực. Số ít người hành đạo Thanh văn thì Bồ-tát vì họ mà thuyết pháp đạt đến chố vô cực. Có người an trụ nơi Phật đạo, Bồ-tát liền khuyên giúp cho họ được chứng đắc trong hiện tại, khiến cho họ được vui vẻ, phấn chấn, làm cho họ tu tập đạo Vô thượng chánh chân và phát lòng tôn kính tối thượng. Khi vị Bồ-tát ấy thuyết pháp, tất cả các nơi hành trì theo đại nguyện đạo đức căn bản, thực hành đạo Vô thượng chánh chân. Khi ta đem bản nguyện đạo Vô thượng chánh chân, thanh tựu Tuệ giác vô thượng thuyết pháp, khiến cho chư Đại Bồ-tát trong cõi Phật của ta đều nương oai thần Phật, thọ trì phúng tụng kinh này. Những ai đã đọc tụng đều là chư Đại Bồ-tát từ cõi nước Phật này đi đến cõi nước Phật khác, ý thường ưa thích chư Phật, Thiên Trung Thiên chí thành Vô thượng đạo chánh chân, Chánh giác tối thượng. Ta cũng như vậy, từ cõi Phật này đi đến một cõi Phật khác liền trụ ở cung trời Đâu-suất và được pháp Nhất sinh bổ xứ.

Này Xá-lợi-phất! Như thế, các Đại Bồ-tát từ trời Đâu-suất tự dùng thần lực nhập vào trong bụng mẹ và sinh ra từ bên hông phải của bà. Khi Bồ-tát sinh ra, trên mặt đất bị chấn động mạnh. Nhờ đức tu hành của Bồ-tát nên ứng hiện điềm lành này. Thời gian Bồ-tát ở trong thai mẹ, nơi nào cũng được sạch sẽ, không có dơ bẩn, cũng không có gì trái ý.

Xá-lợi-phất! Ví như vị Tỳ-kheo có thần thông, hoặc vào tinh xá

ở nga tư đường hay ở trong hư không, thì dạo khắp trong hư không hay ở trong tinh xá ở ngã tư đường đều không có chướng ngại. Như thế, Xá-lợi-phất! Khi Bồ-tát vào trong bụng mẹ cũng như ở trong hư không, dạo xem khắp nơi, không có chướng ngại, cũng không có chỗ hôi thối. Đức A-súc Như Lai khi còn hành đạo Bồ-tát là vậy. Ta cũng như vậy, khi ta hành đạo Vô thượng chánh chân không có tất cả các ma sự phá hoại. Từ đó ta thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng. Cõi Phật A-súc cầu đạo Bồ-tát và cầu đạo Thanh văn đều bị các ma phá hoại. Đức Phật hàng phục tất cả chúng ma, nhân dân cõi Phật đó không làm ma sự, họ tu tập theo Phật và được xuất gia học đạo.

Này Xá-lợi-phất! Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, khi xưa hành đạo Bồ-tát nghe thuyết pháp, thân thể không sinh mệt nhọc, ý nghĩ cũng không nghĩ đến sự mệt nhọc.

Xá-lợi-phất! Đức A-súc Như Lai lúc cầu đạo Bồ-tát, khi nghe thuyết pháp, ưa thích nghe pháp như thế, khiến cho các vị Bồ-tát ở trong cõi Phật của ta cũng ưa thích pháp như vậy.

 

Phẩm 2: SỰ HỶ LẠC TOÀN THIỆN CỦA CÕI PHẬT A-SÚC

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Lạy Đấng Thiên Trung Thiên! Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác khi xưa đã thực hành đức hạnh nên mới có hiệu Đức A-súc Như Lai. Lành thay, Đấng Thiên Trung Thiên! Xin Phật nói rõ về sự hỷ lạc toàn thiện của cõi Phật A-súc! Vì sao? Nếu có người cầu đạo Bồ-tát, nghe biết sự an lạc toàn thiện của cõi Phật kia và nếu có vị đệ tử cầu đạo chưa được độ nghe biết sự an lạc toàn thiện của cõi Phật đó cũng như lời dạy của Đức A-súc Như Lai trong hiện tại sẽ cung kính tu tập thanh tịnh.

Phật dạy:

–Hay thay, hay thay! Xá-lợi-phất, điều ông hỏi rất tốt. Ông đã khéo hỏi ta như vậy. Ta nhớ đến sự an lạc toàn thiện của cõi Phật Asúc: Khi Đức A-súc Như Lai thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, được Nhất thiết chủng trí thì tam thiên đại thiên thế giới đều sáng rực rỡ, mặt đất chấn động sáu cách. Khi Đức A-súc Như Lai thành tựu Tuệ giác vô thượng thì nhân dân trong khắp tam thiên đại thiên thế giới bảy ngày không ăn uống, không nghĩ đến sự ăn uống, không nói lời dối trá quanh co, thân không nghĩ đến sự mệt nhọc. Tất cả đều nghĩ đến sự an ổn, vui vẻ, yêu thương nhau và tâm họ luôn luôn hoan hỷ. Lúc bấy giờ nhân dân các tầng trời Dục giới đều dứt bỏ tư tưởng nhơ nhớp. Vì sao? Vì khi xưa Đức Asúc Như Lai đã nguyện để đạt đến đức hiệu, tất cả nhân dân trong tam thiên đại thiên thế giới đều chắp tay hướng về Đức A-súc Như Lai. Cõi Phật Đức A-súc Như Lai như thế, nên vô số cõi Phật không thể sánh kịp sự an lạc toàn thiện của cõi đó.

Xá-lợi-phất! Đó là hạnh nguyện của Đức A-súc Như Lai thuở xưa khi hành đạo Bồ-tát do vậy mới có sự kiện diệu kỳ này. Sở nguyện của chư Đại Bồ-tát có sự kỳ đặc nên cõi Phật mới được an lạc toàn thiện như thế.

Này Xá-lợi-phất! Thuở xưa khi ta hành đạo Bồ-tát như sở nguyện, nay tự nhiên được thành tựu. Khi Đức A-súc Như Lai được thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, chánh giác tối thượng, nhân dân khắp tam thiên đại thiên thế giới đều được Thiên nhãn, ai chưa được thiên nhãn cũng thấy ánh sáng rực rỡ ấy.

Xá-lợi-phất! Đó là hạnh nguyện thuở xưa của Đức A-súc Như Lai khi hành đạo Bồ-tát nên mới có sự kiện kỳ diệu ấy.

Này Xá-lợi-phất! Khi Đức A-súc Như Lai thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, chánh giác tối thượng, Ngài đến cội cây giác ngộ, các ma chướng còn không thể phát sinh, huống gì lại có thể đến khuấy nhiễu Bậc Nhất Thiết Chủng Trí.

Xá-lợi-phất! Đó là hạnh nguyện thuở xưa của Đức A-súc Như Lai khi hành đạo Bồ-tát nên mới có sự kiện diệu kỳ ấy.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Khi Đức A-súc Như Lai thành tựu đạo Vô thượng chánh chân, Chánh giác tối thượng, đạt đến Nhất thiết chủng trí, có trăm ngàn muôn ức vô số chư Thiên đứng nơi hư không dùng hoa trời, các thứ hương chiên-đàn cõi Trời, thiên át hương và kỹ nhạc để dâng cúng dường và rải lên Đức Phật A-súc. Cúng dường xong, tất cả những hoa trời, các thứ hương, hương chiênđàn cõi trời, thiên át hương đều gom lại trụ trong hư không hóa thành lọng hoa tròn đẹp.

Xá-lợi-phất! Đó là hạnh nguyện thuở xưa của Đức A-súc Như Lai khi hành đạo Bồ-tát nên mới có sự kiện diệu kỳ ấy.

Ánh sáng của Đức A-súc Như Lai thường chiếu sáng khắp cả tam thiên đại thiên thế giới. Ánh sáng ấy phủ mờ cả ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và tất cả ánh sang cõi Trời đều bị lu mờ, khiến cho nhân dân không trông thấy ánh sáng của mặt trời, mặt trăng.

Xá-lợi-phất! Đó là hạnh nguyện thuở xưa của Đức A-súc Như Lai khi hành đạo Bồ-tát nên mới có sự kiện diệu kỳ ấy.

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Lạy Đấng Thiên Trung Thiên! Thuở xưa, khi Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác hành đạo Bồ-tát, dùng áo giáp đại nguyện vĩ đại mới thực hành hạnh nguyện như thế.

Đức Phật dạy:

–Thuở xưa, khi hành đạo Bồ-tát, bao nhiêu trăm ngàn người không thể tính kể, vô số người tích lũy cội đức đối với đạo Vô thượng chánh chân, họ đem cội đức đã tích lũy này nguyện thực hành Phật đạo và nghiêm tịnh cõi Phật ấy. Theo sở nguyện muốn trang nghiêm cõi Phật thì cũng đều được đầy đủ sở nguyện.

Xá-lợi-phất! Cây ở cõi Phật A-súc được tạo bằng bảy báu, cao bốn mươi dặm, thân cây chu vi hai mươi dặm, cành lá cây xếp thành hàng đến bốn mươi dặm; cành cây rủ xuống; lan can bao quanh cây chu vi năm trăm sáu mươi dặm. Đức A-súc Như Lai ở dưới cây này đạt được Nhất thiết chủng trí.

Xá-lợi-phất! Như người ở thế gian khéo léo sử dụng vô số loại âm nhạc, nhưng âm thanh không bằng âm thanh của những hàng cây nối tiếp nhau. Gió thổi những hàng cây ấy cùng phát ra tiếng êm dịu.

Này Xá-lợi-phất! Hãy lắng nghe ta nói về sự an lạc toàn thiện trong cõi của Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Ông hãy lắng nghe và khéo nhớ nghĩ. Ta sẽ nói cho ông điều ấy.

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn! Con nguyện ưa muốn nghe.

Đức Phật dạy:

–Trong cõi nước của Đức Phật A-súc Như Lai không có ba cảnh ác. Ba cảnh ấy là gì? Một là địa ngục; hai là cầm thú; ba là ngạ quỷ. Tất cả nhân dân đều làm việc thiện. Đất ở cõi ấy bằng phẳng sinh ra cây cối, không có cao thấp, không có gò núi, hang khe, cũng không có núi đá rơi. Đất ở cõi đó mỗi khi bước chân dẫm lên thì liền trở lại như cũ. Ví như gối nệm êm, đặt đầu lên thì gối lún xuống, nhấc đầu lên, gối liền trở lại như cũ. Đất ở cõi Phật A-súc cũng như thế

Ở cõi Phật A-súc không có ba thứ bệnh. Ba thứ bệnh đó là gì? Một là phong, hai là hàn, ba là khí. Mọi người ở trong cõi Phật đó không có sắc tướng hung dữ, cũng không có người xấu và những tánh xấu như dâm, nộ, si. Nhân dân ở cõi Phật đó đều không bị các sự lao ngục giam cầm. Tất cả đều không có các tà đạo khác. Cây cối trong cõi ấy luôn có hoa trái. Nhân dân lấy y phục ngũ sắc từ nơi cây để mặc, y phục đó rất đẹp, không bị phai màu, hư rách.

Này Xá-lợi-phất! Mùi hương trên y mà nhân dân cõi ấy mặc trên thân giống như hương của hoa trời. Họ ăn thực phẩm thơm ngon như hương cây trời, không khi nào dứt. Nhân dân mặc vô so các loại y phục. Nhân dân ở cõi Phật ấy tùy theo thức ăn họ nghĩ, tự nhiên thức ăn sẽ đến trước họ. Giống như chư Thiên nhân cõi trời Đao-lợi, tùy theo thức ăn họ nghĩ, tự nhiên thức ăn sẽ đến trước họ. Cũng thế, nhân dân ở cõi Phật ấy tùy theo điều họ mong, nghĩ thức ăn nào, thì tự nhiên thức ăn ấy đến trước họ. Nhân dân ở đó không tham việc ăn uống.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Ở cõi Phật A-súc, chỗ nghỉ ngơi của nhân dân đều dùng bảy báu trang hoàng tốt đẹp làm tinh xá, đầy khắp mọi nơi không thiếu thốn. Trong ao tắm của họ có nước tám vị để cho tất cả mọi người dùng. Nước chảy liên tục, mọi người không mất hạnh thiện pháp. Ví như ngọc nữ báu vượt trội mà người nữ phàm phu không thể sánh kịp. Đức của họ như Thiên nữ.

Như thế, này Xá-lợi-phất! Đức của người nữ ở cõi Phật A-súc nếu đem sánh với ngọc nữ báu thì ngọc nữ báu không thể sánh kịp.

Nữ nhân trong cõi Phật ấy gấp bội trăm ngàn vạn ức lần ngọc nữ báu. Nhân dân dùng bảy báu làm tòa và được trải nệm đẹp ở trên. Tất cả đều do phước đức đưa đến nên tự nhiên làm thành những tòa ấy.

Xá-lợi-phất! Đó là hạnh nguyện thuở xưa của Đức A-súc Như Lai khi hành đạo Bồ-tát nên mới có sự kiện diệu kỳ ấy. Đức A-súc Như Lai do phước đức nên thành Phật ở cõi không ai sánh bằng như thế.

Đức Phật lại bảo Xá-lợi-phất:

–Nhân dân trong cõi Phật ấy ăn uống vượt hơn sự ăn uống của chư Thiên. Họ ăn sắc hương vị cũng vượt hơn chư Thiên. Trong cõi ấy không có vua nhưng có Đấng Pháp Vương, Đức Phật, Thiên Trung Thiên. Ví như nhân dân xứ Uất-đơn-việt không có vua cai trị.

Như thế, này Xá-lợi-phất! Cõi nước của Đức Phật A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác không có vua nhưng có Đấng Pháp Vương A-súc Như Lai, Thiên Trung Thiên. Ví như Đế Thích cõi trời Đao-lợi, ngay trên tòa vừa phát sinh ý nghĩ, chư Thiên liền đến thọ giáo.

Xá-lợi-phất! Đó là sự an lạc toàn thiện của cõi nước A-súc Như Lai. Nhân dân cõi này không theo sự dâm dục. Vì sao? Vì đó là chỗ đến của Đức A-súc Như Lai, Bậc Chân Nhân, Đấng Pháp Ngự, Thiên Trung Thiên.

Xá-lợi-phất! Đó là chỗ hạnh nguyện cao tột thuở xưa của Đức A-súc Như Lai khi hành đạo Bồ-tát đã phát nguyện khiến cho cõi Phật được an lạc toàn thiện.

Lúc bấy giơ có vị Tỳ-kheo khác nghe nói về công đức của cõi Phật A-súc, liền khởi ý dâm dục, đến bạch Phật:

–Kính lạy Đấng Thiên Trung Thiên, con xin muốn được sinh sang cõi nước của Đức Phật A-súc.

Đức Phật bảo vị Tỳ-kheo ấy:

–Này kẻ ngu si, ngươi không được sinh đến cõi Phật kia đâu. Vì sao? Vì ngươi không thể đem ý đắm trước sự dâm dục, rối loạn để được sinh vào cõi Phật kia. Chỉ trừ hạnh thanh tịnh pháp thiện hạnh mới được sinh đến cõi Phật A-súc.

Đức Phật bảo ngài Xá-lợi-phất:

–Xá-lợi-phất! Cõi nước của Đức Phật A-súc có nước tám vị. Nhân dân và tất cả mọi loài đều dùng loại nước ấy. Nếu nhân dân có ý nghĩ muốn có ao tắm, tự nhiên trong ao đó sẽ đầy nước tám vị. Vì nhân dân cho nên liền tự nhiên có ao tắm và trong ao đó có đầy nước tám vị. Nhân dân có ý nghĩ muốn làm cho nước chảy đi, nước sẽ liền tuôn chảy. Nhân dân có ý nghĩ muốn làm cho nước ấy diệt mất, tức thì nước ấy không hiện ra nữa. Cõi Phật đó không lạnh quá, cũng không nóng quá. Làn gió nhẹ nhàng thổi đến mùi hương rất thơm. Đó là gió vì hàng trời, rồng, nhân dân, cho nên tùy theo ý họ nghĩ, gió liền thổi đến. Nếu một người nghĩ muốn cho có gió thổi đến ngay người ấy thì gió sẽ thổi đến ngay người ấy, khởi ý muốn gió ngừng thổi, tức thì gió sẽ ngừng thổi. Khi gió thổi, không dao động đến thân người mà gió chỉ thổi theo ý nghĩ của họ.

Xá-lợi-phất! Đó là sự an lạc toàn thiện của cõi Phật Đức A-súc Như Lai theo chỗ đã phát nguyện khi xưa.

Xá-lợi-phất! Người nữ ở cõi Phật Đức A-súc Như Lai khởi ý muốn có chuỗi ngọc anh lạc liền đến lấy trên cây để đeo, muốn có y phục để mặc cũng đến lấy y phục trên cây để mặc.

Xá-lợi-phất! Người nữ ở cõi Phật đó không có trạng thái như người nữ trong cõi nước của ta.

Này Xá-lợi-phất! Trạng thái của người nữ trong cõi nước của ta như thế nào? Người nữ ở cõi của ta có tướng hung ác, xấu xí và có lời nói ác, tâm tật đố với giáo pháp, ý đắm đến các việc tà. Người nữ ở cõi của ta có những trạng thái như thế, người nữ ở cõi Phật kia thì không. Vì sao? Đó là do nguyện lực khi xưa của Đức A-súc Như Lai mà được như thế.

Xá-lợi-phất! Người nữ ở cõi Phật A-súc khi mang thai hoặc sinh sản, thân không bị mệt nhọc, cũng không có đau khổ và tất cả những nỗi khổ khác, không có chỗ xấu xa nhơ bẩn mà chỉ nghĩ đến sự an ổn.

Xá-lợi-phất! Đó là do nguyện lực khi xưa của Đức A-súc Như Lai cho nên mới được thiện pháp như vậy. Cõi Phật đó không có nơi nào có thể sánh kịp.

Xá-lợi-phất! Nhân dân ở cõi Phật A-súc không có người sản xuất, cũng không có người buôn bán qua lại, nhưng họ sống thành một cộng đồng rất an bình thịnh vượng. Người ở trong cõi ấy không đắm trước ái dục, dâm dật, chỉ do nhân duyên tự nhiên mà thọ lạc.

Xá-lợi-phất! Ở cõi Phật A-súc thường có gió thổi những hàng cây làm phát ra âm thanh du dương. Năm loại âm thanh tuyệt vời nhất cũng không thể sánh kịp với âm thanh của làn gió thổi những hàng cây ở cõi Phật A-súc phát ra.

Xá-lợi-phất! Đó là hạnh nguyện thuở xưa của Đức A-súc Như Lai khi hành đạo Bồ-tát nên mới có sự kiện diệu kỳ này. Nếu có Bồtát nào muốn giữ cõi Phật nghiêm tịnh thì phải như hạnh nguyện thuở xưa, lúc còn hành đạo Bồ-tát của Đức Phật A-súc, có sở nguyện nghiêm tịnh mới giữ được cõi Phật như thế.

Xá-lợi-phất! Cõi nước của Đức Phật A-súc không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng soi chiếu, cũng không có chỗ nào tối tăm và bị ngăn che ánh sáng. Vì sao? Vì ánh sáng của Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác thường chiếu soi khắp cả tam thiên đại thiên thế giới. Ví như tinh xá được trang hoàng tốt đẹp, đóng chặt cửa nên gió không vào được, dùng bột mịn đẹp để đắp, làm trắng những chỗ dơ, rồi đăt viên ma-ni báu ở giữa. Viên ngọc này chiếu sáng rực rỡ. Những người trong cõi Phật A-súc ngày đêm sống trong ánh sáng rực rỡ ấy.

Như thế, Xá-lợi-phất! Ánh sáng đó của Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác luôn chiếu khắp cả tam thiên đại thiên thế giới. Xá-lợi-phất, tinh xá trang nghiêm tốt đẹp đó là thế giới của A-tỳla-đề. Ma-ni bảo đó là Đức A-súc Như Lai. Người trong tinh xá đó là nhân dân sống an lạc trong cõi Phật A-súc Như Lai vậy.

Này Xá-lợi-phất! Đức A-súc Như Lai đi đến chỗ nào thì vết chân dưới đất tự nhiên sinh ra hoa sen sắc vàng ngàn cánh. Đó là do hạnh nguyện thuở xưa của Đức A-súc Như Lai khi hành đạo Bồ-tát nên mới có sự diệu kỳ này.

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Khi Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác vào cung điện thì phải chăng có hoa sen sắc vàng ngàn cánh tự nhiên sinh ra? Có phải là nơi nào Đức Phật đến đều tự nhiên có hoa sen sinh ra không?

Đức Phật bảo Hiền giả Xá-lợi-phất:

–Khi Đức A-súc Như Lai vào thành ấp, quận lỵ, nơi nào Như Lai đến cũng đều như lúc vào cung điện, sẽ tự nhiên sinh ra hoa sen sắc vàng ngàn cánh. Thiện nam, thiện nữ nào nếu muốn khi vào cung điện, dưới chân sẽ tự nhiên sinh ra hoa sen, muốn cho hoa sen tụ hợp lại một chỗ, nó liền tụ họp lại, muốn nương oai thần Phật khiến hoa sen ấy ở trong hư không thì hoa sen ấy vì nhân dân liền hiện ra thành hàng la liệt trong hư không.

Này Xá-lợi-phất! Tam thiên đại thiên thế giới cũng như vậy. Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác nếu du hạnh hóa độ chúng sinh ở thế giới khác thì nơi ấy cũng tự nhiên sinh ra hoa như vậy. Do oai thần của Đức Phật nên khiến cho khắp tam thiên đại thiên thế giới dùng hoa sen sắc vàng bảy báu để trang nghiêm cõi nước.

 

Phẩm 3: SỰ THÀNH TỰU SỞ HỌC CỦA CHÚNG ĐỆ TỬ

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Khi Đức A-súc Như Lai thuyết pháp, trong mỗi thời giảng pháp, có vô số người, nhiều không thể tính kể tu tập theo giới luật, có người tu tập A-la-hán đạo và được chứng đắc. Có vô lượng, vô số chúng đệ tử như vậy câu hội. Lại có người chứng đắc thiền quán Bát giải thoát. Các chúng đệ tử ở cõi Phật Đức A-súc Như Lai nhiều không tính kể.

Này Xá-lợi-phất! Ta không thấy người nào có thể ước đoán hay tính đếm, so sánh được số hội chúng trong cõi Phật A-súc, những vị đã thoát khỏi gánh nặng, xa lìa các lao ngục Ba-đầu-lê, A-la-la-lê, A-tỳ-xá-lê, A-ưu-đà-lê.

Như thế, này Xá-lợi-phất! Nhiều vô số không thể tính kể các thiện nam trong hội chúng, chúng đệ tử trí tuệ ấy đều là những vị tu tập theo Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán đạo. Nếu có người giải đãi thì đắc được quả Tu-đà-hoàn phải bảy lần sinh tử. Khi Đức Phật thuyết pháp thì những người trên không còn bị bảy lần sinh tử. Khi Đức Phật A-súc Như Lai thuyết pháp lần thứ nhất thì họ chứng quả Tu-đà-hoàn; lần thứ hai họ chứng quả Tu-đà-hoàn; lần thứ ba họ chứng quả A-na-hàm; lần thứ tư họ chứng quả A-la-hán. Những thiện nam tử ở cõi Phật A-súc ấy được gọi là giải đãi là do không chịu ngồi nghe thuyết pháp suốt trong một lần để được chứng quả A-la-hán. Những vị chứng quả Tu-đà-hoàn ở cõi kia không bị bảy lần sinh tử trở lại. Họ ở nhân gian tọa thiền được Chánh định của Tu-đà-hoàn và ngay nơi đó họ tự dùng oai thần lực để chứng quả A-la-hán. Những vị Tư-đà-hàm ở cõi đó không sinh trở lại thế gian do xả bỏ mọi khổ não nên ngay tại đó được Chánh định của Tư-đàhàm, tự dùng oai thần lực ở tại cõi Phật kia để chứng quả A-la-hán. Các vị A-na-hàm ở cõi ấy không còn sinh lên cõi trời Ba-la-ni-mậthòa-da-việt và ngay nơi đó họ tự dùng oai thần lực để chứng quả Ala-hán. Những bậc A-la-hán ở cõi đó không còn lên xuống, ở ngay nơi đó họ đạt cảnh giới Vô dư Niết-bàn. Từ cõi ấy họ thuyết bốn đạo của Sa-môn; như thế cho đến khiến cho mọi người đều chứng đắc đạo quả.

Này Xá-lợi-phất! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào đối với pháp tự tại không bị mất học trụ trở lại, cũng không mất các sự học khác. Như thế ngay nơi bất học địa liền được Bát-nê-hoàn. Vô sở học địa nghĩa là A-la-hán địa. Xá-lợi-phất! Đó là giai đoạn hữu học của chúng đệ tử ở cõi của Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác. Những vị đã đạt đến địa vị tối yếu như trên chính là chúng đệ tử A-lahán trong cõi của Đức A-súc Như Lai. Họ đã đoạn trừ sinh tử, việc cần làm đã làm xong, đã thoát hẳn gánh nặng, chấm dứt tất cả sự khổ sở lao ngục và dùng trí tuệ Chánh giác hiểu rõ thiền định Bát giải thoát, là bậc A-la-hán thực hành thiền Bát giải thoát.

Xá-lợi-phất! Đó là thiện hạnh của đệ tử ở cõi A-súc Như Lai. Đó là pháp hạnh công đức đã làm của hàng A-la-hán. Cõi đó dùng ba thứ báu làm bậc thang là vàng, bạc và lưu ly, từ cõi Đao-lợi cho đến cõi Diêm-phù-lợi, chư Thiên cõi trời Đao-lợi khi muốn đến chỗ Đức A-súc Như Lai, thì theo các bậc thang ấy đi xuống, các vị trời ở cõi Đao-lợi hoan hỷ cúng dường cho nhân dân cõi dưới và nói:

–Những gì mà cõi trời chúng tôi có, muốn đem so sánh với cõi này thì cõi này thật là quá to lớn đối với cõi trời, vì cõi trời không thể sánh bằng với cõi của Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác.

Này Xá-lợi-phất! Chư Thiên ở cõi Đao-lợi vui thích cúng dường cho nhân dân cõi dưới. Người ở cõi dưới nếu lên đến cõi trời Đao-lợi, thì họ lại không vui thích cúng dường chư Thiên ở cõi trời Đao-lợi. Vì sao? Vì họ tự nghĩ: “Cõi của ta có Đức Phật nói kinh. Theo đó, những gì mà cõi của ta có thì cõi trời không có. Cõi trời không thể sánh bằng với sự sở hữu của cõi này, được vui thích cúng dường sự hiện hữu của Phật.” Trời Đao-lợi thấy nhân dân cõi dưới. Nhân dân cõi dưới xa thấy cung điện trời Đao-lợi, thì cũng như người trong cõi ay từ xa trông thấy cung điện, nhà cửa, mặt trời, trăng sao…

Như thế, Xá-lợi-phất! Nhân dân ở cõi Phật ấy đã trông thấy các cung điện cõi trời như thế, nếu muốn đến cõi trời thì nương theo oai thần của Đức Phật mà được đến. Đó là chỗ an lạc toàn thiện của cõi Phật Đức A-súc Như Lai.

Này Xá-lợi-phất! Cõi của Đức Phật A-súc Như Lai trong khắp tam thiên đại thiên thế giới, đều có bốn chúng đệ tử nói pháp; khắp cõi tam thiên đại thien thế giới đều không thiếu sót. Đệ tử trong cõi của Đức Phật A-súc Như Lai không nghĩ: “Hôm nay sẽ ăn thế nào? Hôm nay ai sẽ đem thức ăn đến cho ta?” Cũng không đi khất thực từng nhà. Mỗi khi đến giờ thọ trai, thực phẩm sẽ đầy bát và tự nhiên có trước mặt. Chúng đệ tử lấy thực phẩm đó ăn, ăn xong, bát tự nhiên biến mất. Sự ăn uống cõi Phật A-súc là như vậy. Các đệ tử không đi tìm cầu y, bát, cũng không cắt y, không vá y, không giặt y, không nhuộm y, không may y, cũng không bảo người may. Họ nhờ oai thần Phật che chở cùng nhau sống đời an lạc tự nhiên. Đức A-súc Như Lai không nói việc tội của chúng đệ tử, giống như ta đã nói mười bốn pháp cú. Đức A-súc Như Lai không nói cho các chúng đệ tử các pháp như vậy. Vì sao? Vì cõi Phật A-súc không có người làm việc xấu ác. Đức A-súc Như Lai không truyền giới cho hàng đệ tử.

Vì sao? Vì cõi Phật A-súc không có người chết yểu, cũng không có người che giấu tội xấu, không có kiếp nhơ uế, cũng không có các kết sử, không có nhơ uế. Các ông hãy xem cõi Phật A-súc để đoạn trừ các nhơ uế của mình.

Đức Phật lại bảo Xá-lợi-phất:

–Này Xá-lợi-phất! Khi Đức Phật A-súc thuyết pháp, các đệ tử liền thoát khỏi những thói xấu cũ. Vì sao? Vì đã thoát ly ác đạo nên chúng đệ tử ở cõi Phật A-súc không bao giờ kiêu mạn, cống cao. Không như các đệ tử ở cõi của ta hành trì giới luật tại tinh xá, chúng đệ tử ở cõi Phật kia không tu tập như thế. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Vì nhân dân ở cõi của Đức Phật A-súc đã đầy đủ căn bản thiện, cho nên nghe Phật thuyết pháp, hối lỗi và được thanh tịnh. Cõi đó không nói đến sự ngũ nghịch, vì đệ tử ở cõi đó đều đã dứt hẳn các nghịch tội. Các đệ tử không tham ăn uống, không tham y bát, không tham dục vọng và cũng không tham đắm bất cứ điều gì. Họ chỉ nói đến vấn đề hành thiện. Vì sao? Vì họ chỉ sống theo cách ít muốn biết đủ.

Xá-lợi-phất! Đức Phật A-súc không truyền giới cho các đệ tử như ta đã truyền giới cho hàng đệ tử. Vì sao? Vì cõi đó không có người xấu ác. Nghĩa là chúng đệ tử cõi đó chỉ dùng các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã làm giới. Họ cũng không có việc thọ giới, ví như những vị tu hành chân chánh ở cõi này, ở trong giáo pháp của ta cạo bỏ râu tóc, sống đời thiểu dục theo giới pháp của Ta. Vì sao? Vì các đệ tử ở cõi Phật A-súc đã được tự tại tu tập không có oán cừu.

Xá-lợi-phất! Các đệ tử ở cõi của Đức Phật A-súc không cùng nhau hành đạo. Họ chỉ hành đạo độc cư và không thích cùng nhau hành đạo, nhưng họ cùng làm các việc thiện. Cõi đó không có người quá tinh tấn, cũng không thấy người giải đãi.

Xá-lợi-phất! Đó là phẩm hạnh của các đệ tử xuất gia ở cõi Phật Đức A-súc Như Lai.

Này Xá-lơi-phất! Khi Đức A-súc Như Lai thuyết pháp cho các đệ tử, họ không nhìn ngó hai bên mà nhất tâm nghe theo kinh. Trong đó có người chỉ đứng nghe kinh, thân không cảm thấy nhọc mệt. Trong đó có người ngồi nghe kinh, thân không cảm thấy mỏi mệt, ý không nghĩ đến sự mỏi mệt. Khi Đức A-súc Như Lai ở trong hư không thuyết pháp, các đệ tử đều nghe lời pháp ấy. Lúc đó những vị Tỳ-kheo có thần túc hay những thấy Tỳ-kheo chưa có thần túc, nhờ oai thần Phật đều đến trong hư không nghe pháp. Các đệ tử ở trong hư không thực hành tam phẩm: Một, đứng; hai, kinh hành; ba, tọa thiền. Trong đó có những vị ngồi ở trong hư không mà Bát nê hoàn. Có những vị ở trong già-lam mà Bát-nê-hoàn. Khi các đệ tử đều Bát-nê-hoàn, trái đất chấn động lớn. Các đệ tử đã Bát-nê-hoàn rồi, chư Thiên và nhân dân cùng đến cúng dường họ. Trong đó có vị A-la-hán trong thân tự xuất ra lửa, lửa ấy trở lại thieu thân mà Bát-nê-hoàn. Có vị A-la-hán khi đã Bát-nê-hoàn, tự dùng công đức bay đi như gió lốc, ví như vầng mây ngũ sắc bay trong hư không biết mây bay đến nơi nào. Có vị tự dùng công đức đi mất không biết đi về nơi đâu. Các vị ấy đã Bát-nê-hoàn như thế. Có vị Bát-nê-hoàn thân ở trong hư không phun ra nước và nước ấy không rơi xuống đất, liền mất đi không hiện hữu. Sự thanh tịnh ở cõi Phật A-súc như thế, khiến cho thân mất đi không còn hiện hữu mà Bát-nê-hoàn. Các đệ tử Bát-nê-hoàn như vậy.

Xá-lợi-phất! Đó là hạnh nguyện khi xưa của Đức A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác nên mới có sự thành tựu đạo Vô thượng chánh chân. Các đệ tử dùng ba cách như vậy mà Bát-nê-hoàn.

Này Xá-lợi-phất! Các đệ tử ở cõi của Đức Phật A-súc Như Lai nhiều vô lượng vô số không thể tính đếm được. Có một ít người không đầy đủ bốn Giải sự. Có nhiều người đã đạt được bốn Giải sự. Có một ít đệ tử không chứng đắc hạnh an ổn bốn Thần túc. Có nhiều đệ tử đã chứng đắc đầy đủ hạnh an ổn bốn Thần túc.

Xá-lợi-phất! Đó là sự thành tựu đức hạnh của các đệ tử cõi Phật A-súc Như Lai.

Hiền giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Sơ hạnh của các đệ tử ở cõi của Đức Phật A-súc Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đều đã đạt đến chỗ tối thắng.

Pages: 1 2