KINH BẠT-PHA BỒ-TÁT
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Đại sư An Thế Cao
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật đang ở dưới cây Đa điểu, nơi vườn Trúc, thuộc nước La-duyệt-kỳ cùng với chúng đệ tử Tỳ-kheo năm trăm vị, đều là A-la-hán, không còn sự vướng bận, không bị các kết sử trói buộc, việc làm đã hoàn tất, sự mong cầu đầy đủ, đã trút được gánh nặng, hoàn thành được sở nguyện, chấm dứt nghiệp sinh thai và được hóa độ từ chánh pháp, đã vượt qua bát thiền, chỉ trừ một Tỳ-kheo phàm phu.

Khi ấy, Bồ-tát Bạt-pha cùng với năm trăm Bồ-tát, đều là thân bạch y, thọ trì năm giới. Các Bồ-tát này đều muốn theo Đức Thế Tôn để lãnh thọ chánh pháp. Bồ-tát Bạt-pha liền đứng dậy, đến trước chỗ Đức Phật, đảnh lễ rồi ngồi sang một bên. Các Bồ-tát và các Tỳ-kheo cũng đến đảnh lễ, rồi ngồi sang một bên.

Lúc đó, Đức Thế Tôn dùng thần túc Định ý, khiến các Tỳ-kheo ở các quốc độ khác cũng đến tập hội nơi vườn Trúc, tức thời hơn mười vạn chúng Tỳ-kheo đến vườn Trúc, đến rồi tất cả đều đảnh lễ Thế Tôn và ngồi sang một bên.

Đức Phật lại dùng thần túc Định ý khiến Đại đức Tỳ-kheo-ni, có hơn ba vạn đều đến tập hợp nơi vườn Trúc, đến rồi đều đảnh lễ Thế Tôn và ngồi sang một bên.

Đức Phật lại dùng thần túc Định ý, khiến Bồ-tát La-đàn-ca-lâu

từ nước Duy-xá, Bồ-tát Ca-hưu-đầu từ nước Chiêm-ba, Bồ-tát Nađạt-đầu từ nước Ba-la-nại, Bồ-tát Tu Thâm Vô từ nước Ca-duy-la-vệ, Bồ-tát Đại Đạo Chúng và Cấp Cô Độc Ca-la-việt từ nước Xá-vệ, Bồtát Tôn Đạt từ nước Câu-xiêm, Bồ-tát Mạn-luận-điều từ nước Sahiệu, mỗi Bồ-tát hướng dẫn hơn hai vạn tám ngàn người cùng đến hội nơi vườn Trúc, khi đến tất cả đều đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi sang một bên.

Đồng thời cũng có vua A-xà-thế với hơn mười vạn người đều đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi ngồi sang một bên.

Lúc đó, cũng có đệ nhất Tứ Thiên vương, Thiên vương Đao-lợi, Phạm Thiên vương cùng vô số Thiên chúng, đồng đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi sang một bên. Vô số Thiên chúng ở cõi trời Biến tịnh đều đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi sang một bên. Bốn A-tu-luân vương và vô số chúng A-tu-luân cùng đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi ngồi sang một bên.

Cũng có Long vương Nan-đầu-hòa-nan, Long vương Sa-ca-la, Long vương Ma-nại-sư, Long vương A-nậu-đạt, Long vương Y-la-bát cùng vô số chúng Long vương đồng đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi ngồi sang một bên.

Lúc ấy, giữa ba ngàn thái dương hệ, không có hư không, không có người, mà tất cả đều là thiên long thần đại thần diệu cùng Phạm thiên với Nhân phi nhân thuộc hạ.

Khi ấy, Bồ-tát Bạt-pha từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục, gối phải quỳ sát đất, hướng lên Phật chắp tay thưa:

–Thưa Thế Tôn! Con có việc muốn hỏi, cúi xin Như Lai giải nghi cho con.

Phật bảo:

–Này Bồ-tát Bạt-pha! Ông cứ tùy ý hỏi, Như Lai sẵn sàng giải đáp những gì ông hỏi, Như Lai cũng biết được ý sinh diệt của ông.

Bồ-tát Bạt-pha thưa:

–Làm thế nào để Bồ-tát được định ý và nghe nhiều tạng chánh pháp như biển, mà những gì đã nghe qua, không có nghi ngờ, không quên mất, không thoái chuyển và cũng không mệt mỏi? Nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm thế nào để được làm Phật chuyển sinh, không bị rơi vào chỗ không pháp và thường biết được chỗ từ đâu sinh ra? Làm thế nào để không rời bản nguyện và thấy Như Lai, cho đến trong giấc mộng cũng không lìa chánh niệm? Làm thế nào để được thân hình đoan chánh, người nào thấy cũng sinh yêu mến? Làm thế nào để thường được sinh vào nhà giàu sang phú quý, ý chí luôn vững chắc, không thay đổi? Làm thế nào để tự khai triển sở học của chính mình, chỗ biết không bao giờ quên? Làm thế nào để thiền định sâu xa và luôn biết hổ thẹn? Làm thế nào để thông đạt đầy đủ các diệu lý và luôn có lòng Từ bi thương xót mọi loài? Làm thế nào để được tỉnh giác, khi đối đãi với các pháp, luôn biểu hiện oai lực? Làm thế nào để tinh thần luôn tinh tấn, không có hối hận và truyền đạt nghĩa lý? Làm thế nào để nhập vào pháp, nhập vào chỉ, nhập vào quán, nhập vào thiền, nhập vào định, nhập vào không, nhưng không nhập vào tướng, không pháp hình thể? Làm thế nào để không sợ hãi, thường vui nói pháp, thích thọ trì pháp? Làm thế nào để sở nguyện của ý sinh ra, không trái với bản nguyện, để bản công đức và bản ý nhiều oai lực? Làm thế nào để nhân duyên xưa được hùng mạnh, năm căn oai hùng, việc làm luôn dũng mãnh, dứt khoát bỏ ác và cái nhìn luôn lành mạnh, đối với sự hiểu biết và nguyện lực đều mạnh mẽ?

Ví như biển khó có thể lường được. Ví như trăng tròn tự chiếu sáng khắp tất cả. Ví như mặt trời làm tiêu tán mây mù. Ví như lửa có thể hiện ra các màu sắc. Ví như hư không khó có thể bôi đồ dơ lên được, tâm không tham đắm cũng như hư không. Ví như ngọc minh châu trong suốt không ngần. Ví như đá đứng yên không lay động. Ví như rễ cây ăn sâu trong lòng đất khó lay chuyển. Ví như con cáo hung tợn, nhưng ý của nó lại mềm mỏng không có tỳ vết. Ví như chim phi, ý của nó đã được điều phục. Ví như trẻ xin ăn không thích ở phố phường mà chỉ thích núi rừng hang hẻm. Ví như hươu, nai, khỉ, vượn không thích gần gũi con người. Ví như người dạy học trường dẫn dắt, dạy dỗ mọi người, không nên nổi sân hận đối với những người khó cảm hóa, tất cả các ma lần lượt đều được độ, không dẫn dạy các pháp mà để tự ý rõ biết?

Làm thế nào để ở trong pháp giác của thiền định, mà không chạy theo tà vạy, lại còn có đại Từ lực khó có thể quấy nhiễu? Bồ-tát làm thế nào để giữ được tâm niệm sâu xa, không lìa chánh hạnh, sở đắc của niệm khó có thể biết được? Bồ-tát làm thế nào để khi nghe kinh pháp tin sâu đến rơi lệ, giới hạnh sâu rộng và đầy đủ tất cả sở hành, tư nguyện của Phật? Bồ-tát làm thế nào để mọi người học hỏi đều gặt hái được vô số thiện niệm và nguyện gìn giữ lòng tin thanh tịnh rộng như biển? Bồ-tát làm thế nào để tăng trưởng hạnh nguyện trong sáng đoạn trừ tất cả sự ganh ghét, đố kỵ và thường nguyện tỉnh giác? Bồ-tát làm thế nào để rõ biết tất cả và luôn có niềm vui nội tâm, đem hạnh nguyện để đoạn mọi bất tín đố kỵ, để được trí tuệ sáng? Bồ-tát làm thế nào để được đầy đủ hạnh nguyện như Phật, đoạn trừ mọi trang sức thế gian và trì giới thanh tịnh đầy đủ? Bồ-tát làm thế nào để cắt đứt mọi tâm sai lầm cho đệ tử và đưa họ đến giác ngộ? Bồ-tát làm thế nào để tâm nguyện được vững chắc không thể lay chuyển, việc làm đã hoàn tất mà không khởi lên sự mong cầu, dạy dỗ hàng trời, người làm việc thiện mà không bao giờ nhàm chán? Bồ-tát làm thế nào để hóa độ vô cùng, mà không có sự vui buồn, tất cả hàng ngoại đạo khác không thể làm khuynh đảo Bồ-tát được, trái lại, được Bồ-tát hóa độ và quay về tôn kính chư Phật, khi thấy được ánh sáng của chánh pháp rồi, tất cả đều được cảm hóa, không còn phá hoại nữa và luôn diện kiến chư Phật?

Ví như người làm trò ảo thuật, tự do hóa ra các vật, nhưng các thứ đó đều không phải là ngã. Ví như pháp của người biến hóa ra không để lại được một pháp gì cho đời sau. Ví như việc quá khứ, vị lai, hiện tại của người trong mộng. Ví như dưới ánh sáng làm cho mọi người thấy được nhau. Ví như trong một ngày không thể có hai mặt trời, cũng không thể làm cho pháp nhân duyên đứng lại. Ví như cảnh sinh tử không còn thai sinh và chấm dứt về ý tưởng thai sinh, không còn chấp vào pháp. Hành trang để cất bước phương xa là bỏ hết mọi lo buồn. Tâm Bồ-tát vô số, nhưng tất cả pháp thế gian, không thể làm lay chuyển được, dù có tiếp cận cũng không tham đắm. Bồ-tát đã trải qua các cõi Phật và thông đạt hết mọi pháp thiện, như pháp khí ở trên. Tất cả đều ở nơi chư Phật và đều kính lễ Như Lai, đều nương vào thần lực của chư Phật mà trụ, cho nên không thể lay động được. Năng lực của Bồ-tát cũng như dáng bước đi oai vệ của sư tử, rống lên tiếng hùng dũng và được tất cả kính trọng. Bồ-tát lại còn có khả năng làm cho chúng sinh được sung mãn, không có sai lầm và được chư Phật hộ trì. Bồ-tát nên biết đúng lúc nào là hành hóa, do vậy mà đã chấm dứt mọi nghi ngờ cho chúng sinh và không thọ trì các pháp khác, trí tuệ chiếu sáng khắp ba cõi và nói pháp không bao giờ cùng tận. Bồ-tát luôn hành từ tâm, thương xót mọi loài, khi nói kinh, không chấp vào bất cứ một việc gì, mà chỉ nói bằng trí tuệ. Đối với mọi người, Bồ-tát không chạy theo hai bên, luôn giữ lập trường của chính mình. Tâm Bồ-tát là mắt sáng cho ba cõi, do vậy mà chúng sinh trong ba cõi, không thể coi thường Bồ-tát. Hành dụng không từ nơi tự ngã, cho nên lần lượt chấm dứt những gì sở hữu ở thế gian, hành không mong cầu thú vui, hành chỉ giữ thành tín. Bồ-tát đối với các pháp, không lấy cũng không bỏ, giảng giải với sự rõ biết tất cả, không những thế mà Bồ-tát luôn khuyến khích mọi người, đều đi vào cửa đại học. Một khi Bồ-tát đã học thông lợi rồi thì không còn sự sợ hãi nữa, đến lúc đó khéo thuyết giảng chánh pháp, điển cú của Như Lai. Bồ-tát hành dụng luôn cầu bậc thấu đạt và luôn hoan hỷ, ở tất cả mọi chỗ đều từ cái niềm vui lớn ấy, được hoan hỷ và luôn vui, dưới chân Như Lai thệ đoạn hết tất cả. Bồ-tát lúc nào cũng vui trong sự tuyên thuyết tất cả pháp Phật và luôn vui trong việc vấn đạo mà không hề có ý niệm chấp trước. Hơn nữa là Bồ-tát nguyện đoạn mọi sợ hãi cho đại chúng và luôn phát khởi sức ngôn, hành mà chuyển độ tất cả, luôn trực tâm và chỗ trú bất động. Bồ-tát ngồi tòa Sư tử nói pháp, mỗi mỗi đều được chư Phật chứng biết, nên không bị đọa lạc bởi thế gian, tất cả lời nói việc làm đều mang sự hiểu biết, không xa lìa chánh pháp. Bồ-tát luôn nương vào hạnh của chư Phật và luôn mong cầu học, pháp không biếng nhác. Đức Như Lai đi khắp mọi nơi, ở tại mười phương thế giới thường hành tất cả, dạy cho con người bỏ tội được phước, phước đó càng ngày càng tăng lên, nhờ thế mà được nhập vào chánh định. Ví như Pháp thân của chư Phật không có hình bóng, cho nên thường ở trong mọi người.

Bồ-tát không đoạn tất cả các hạnh của chư Phật và không trụ

vào dục. Bồ-tát luôn trang bị cho mình áo giáp để độ đời, tuy gặp nhiều oán ghét, nhưng đều vượt qua tất cả, mọi hạnh nguyện của Bồtát đều như Phật và luôn tiếp cận với mười Lực của Như Lai. Nhờ đó, có khả năng trừ bỏ tất cả tưởng và thông đạt hết, không những thế, Bồ-tát còn khéo léo, lường tính, biết được sự tụ tán của thế gian, biết rõ tất cả hành nhập sinh tử, dù bỏ đi sự vô sở trụ mà không bị tán loạn. Bồ-tát đã trải qua biển pháp tạng quý báu, đi khắp trong thế gian, nhưng lại xa lìa thế gian, thần thông biến hóa của Bồ-tát cũng như chư Phật, không ai sánh bằng, tâm nguyện lúc nào, hễ mong thấy chư Phật liền được như ý. Bồ-tát không sinh vào chỗ của thế gian sinh mà lại sinh ở cõi khác. Như Lai thì có trụ ở đời, nhưng Chánh giác thì vô sở trước. Từ xa trông thấy Như Lai Đẳng Chánh Giác và quốc độ của Như Lai, là đã được nghe, nói pháp và cũng được thấy các Tỳkheo Tăng, cũng không đạt được ngũ thông và lục thông. Bồ-tát cũng không từ cõi đời, để đến cõi kia nghe thấy pháp. Do vẫn trú ở cõi đời này, ở cõi mà từ xa thấy bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là cũng nghe rõ chánh pháp và thọ trì pháp. Ví như nay con ở trước Phật nghe pháp, thọ trì, phụng hành để chứng Chánh đẳng, khiến cho con không còn nghi ngờ. Cũng lại như vậy, Bồ-tát không có biếng nhác, thường diện kiến chư Phật để nghe pháp, cho đến trong giấc mộng ý cũng không điên đảo.

Đức Phật khen Bồ-tát Bạt-pha:

–Hay thay, hay thay! Này Bạt-pha! Lời ông vừa mới hỏi, là lời Từ bi thương xót, muốn làm an ổn cho chúng sinh, thương nghĩ ba đời làm cho chúng sinh thấy được nghĩa và thấy được sự an lạc. Trong hàng trời, người, ông đem nghĩa này để hỏi Như Lai, như vậy là đã có gieo trồng công đức từ Phật quá khứ rồi và cũng đã từng đem thiện pháp ban bố chúng sinh, gặp được chư Phật, ngồi tòa pháp, nguyện học pháp mà không chấp vào sở nguyện. Tu hành phạm hạnh, thiểu dục, ăn uống biết vừa đủ, lại còn vui thích trì giới chư Bồ-tát. Thường khuyến chúng sinh thành tựu Bồ-tát, thường nguyện tôn kính Bồ-tát, nguyện của Bồ-tát là ý lớn. Nguyện viên mãn như Bồ-tát và nguyện chứng như Bồ-tát, sự mong cầu đó luôn có lòng đại Từ. Tâm Bồ-tát luôn bình đẳng đối với chúng sinh, thường hành phục kỳ tâm, độ mọi người đến bờ kia; có như thế mới thấy được lý sâu xa của chư Phật, phải cầu Phật ý và lời dạy Như Lai.

Ví như sắt cứng được nung luyện mềm dẻo, nên dễ tạo các vật. Tâm cũng như thế, nếu tâm biết tu hành một cách siêng năng, có khả năng làm các việc. Đó là công đức của ông.

Này Bạt-pha! Ta đã trình bày đầy đủ, về ý của ta cho ông biết rồi. Tuy là nói như vậy, nhưng lại có định Phật hiện tại, định đó gọi là thường trụ, chỉ cũng gọi là định ý. Định này rất kiên cố, không thể lay chuyển được và không làm cho ý bị mất.

Thưa Thế Tôn! Con đang lắng tai nghe, không biếng nhác, chỉ có Đức Như Lai mới vì con mà nói định này, vì chúng học mà nói là trước hết, vì muốn cho mọi người được an lạc. Cúi xin Thế Tôn thương xót thế gian và các hàng trời, người cùng các vị Bồ-tát phát đại nguyện, đều thấy được ánh sáng đó mà tự soi sáng cho chính mình.

Phật bảo Bạt-pha:

–Thường hành một pháp, chớ có chán nản, sẽ được lợi ích rất nhiều. Khi hành trì chớ để giảm sút. Cũng như ráp xe, khi đã hoàn chỉnh rồi thì có thể chuyên chở được.

Cũng thế, Bồ-tát phải luôn tùy theo sở cầu, hoàn toàn thanh tịnh, ý niệm phải vững bền, chính mình làm tất cả việc thiện và vượt qua tất cả, mới mong có kết quả.

Thế nào là một pháp? Là thấy được định ý của Phật luôn thường tại, đó gọi là trụ định. Nghĩa là nhân duyên, khởi niệm Phật ý, ý không tà vạy, không tán loạn, do vậy mà được tĩnh lặng và không rời bỏ tinh tấn. Bồ-tát lúc nào cũng gần gũi Thiện tri thức, trừ những lúc ngủ nghỉ và muốn tránh sự oán ghét nên Bồ-tát luôn tránh xa những nơi đông người, tránh xa ác tri thức và luôn thân gần Thiện tri thức. Căn tánh của Bồ-tát ngay thẳng, không có quanh co, ăn biết vừa đủ, không ham y áo đẹp, không mong cầu sống lâu, mà chỉ vì Pháp thân tuệ mạng, nên không có sự luyến ái, không thân gần quyến thuộc, xa lìa làng xóm, lúc nào cũng sẵn lòng Từ, thương xót tất cả, luôn vui vẻ với mọi loài, luôn phòng hộ tâm, khử trừ triền cái, tu tập thiền, không chạy theo sắc, phải biết phân biệt các ấm một cách rõ ràng, không tham đắm vào các nhập, không thọ các đại, ý không thất niệm. Bồ-tát đã không bị tán loạn như vậy, cho nên không trụ vào bất tịnh, biết được tất cả sự xả bỏ để hướng về, giải thoát cho tất cả mọi người, coi mọi người cũng như thân mình. Vì tất cả chúng sinh đều không có ngã, nên đối với tất cả pháp, không có chấp trước. Bồ-tát trì giới mà không có sở nguyện, thường ưa tập định, nhờ thế mà được sự đa văn ham học giới. Ấm không làm hủy hoại định và cũng không làm cho lay động. Bồ-tát đối với pháp, không có sự nghi ngờ; với Phật không bàn cải, với pháp từ bỏ, với Tăng không phỉ báng, chấm dứt mọi lời ác, thân gần với người có đạo đức, tránh xa mọi âm thanh thế tục, không dùng đến những lời lẽ tội lỗi của thế tục, nên dùng những lời thương xót chúng sinh, xa lìa sáu dục, học năm độ thoát, bỏ mười điều ác, làm mười điều thiện, học hỏi chín điều lợi ích, thực hành tám tinh tấn, bỏ tám biếng nhác, học chín tưởng hành, hành trì theo tám pháp của bậc đại nhân. Bồ-tát khi đã được các thiền rồi, chớ có tham đắm vào đó, chớ vì sự hiểu biết của mình mà cao ngạo, ỷ lại, phải biết lắng nghe pháp và thực hành pháp. Bồ-tát phân biệt tư tưởng và không chấp trước, xa lìa tưởng về mọi người; vì rõ được các ấm, cho nên không bị rơi vào lậu-hoặc, không rơi vào các cõi, chỉ mong cầu Niết-bàn, không chạy theo sinh tử, rất sợ sinh tử. Bồ-tát tưởng về các ấm như giặc oán, coi bốn đại như rắn độc, đối với các nhập tưởng như không tụ, biết ba cõi không tồn tại lâu dài, thấy Niết-bàn sinh vui thích, không theo thế tục, xa lìa thế tục và luôn theo Phật, để làm cho người không có sự tranh cãi, không gần gũi với những gì của thế gian, để thường được diện kiến tất cả chư Phật. Bồ-tát nên coi thân này như trong giấc mộng, mà hướng đến giải thoát; chuyên làm việc thiện với tâm thanh tịnh, thường tìm tất cả tưởng, bỏ ba phân biệt kế chấp, mà trụ vào chánh định vững chắc. Bồ-tát phải thường niệm chư Phật, nhờ đó mà định ý được tự tại, không chấp vào thân tướng của chư Phật, không phân biệt kế thế đối với mọi pháp. Do biết được nghĩa đó, cho nên, không tranh cãi với ai, theo thứ lớp từ thọ đến hữu, từ trụ địa của Như Lai mà được lợi nhẫn nhục, rồi nhập vào Pháp thân, không thân. Do đó, mà Bồ-tát biết rõ được thân người là thân Niếtbàn, không sinh, không diệt. Thường dùng mắt trí tuệ thanh tịnh mà quan sát, thấy các pháp là không có ngã. Bồ-tát luôn nguyện như ý Phật, không bị rơi vào hai bên hay giữa dòng và luôn nhất tâm niệm Phật, không nghĩ đến dục, tuy có vô số thức, nhưng ý luôn ngay thẳng, Bồ-tát chỉ theo Phật, chứ không theo ai khác, từ nơi trí Phật mà được gặp Thiện tri thức, tôn trọng Thiện tri thức như tôn trọng Phật. Tất cả đối với Bồ-tát không có ý gì khác, mọi cử chỉ hành động của Bồ-tát luôn ngược lại với ma. Bồ-tát coi mọi vật đều như huyễn hóa. Tất cả chư Phật như ánh sáng, soi chiếu để thấy được Như Lai, thường hành cầu Bồ-tát ý độ vô cực bình đẳng, do vậy, mà có lòng thành tín, thấy được chư Phật và tất cả pháp thiện khác.

Này Bạt-pha! Đó là hiện tại Phật trụ định ý, dùng pháp định ý này, mà được đầy đủ định ý của Như Lai.

Làm thế nào để được đầy đủ định ý của Như Lai?

Nghĩa là hiện tại. Hiện tại Phật trụ định ý như thế nào?

Này Bạt-pha! Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bàdi, như pháp hành trì giới một cách đầy đủ, thường ở một mình, xa cách mọi người, khởi lên ý niệm như vầy: Đức Phật A-di-đà ở phương nào? Hiện đang nói pháp và mình được nghe pháp ấy, nghe rồi, liền sinh ý niệm Tây phương Cực lạc là nơi mà Đức Phật A-di-đà đang ở. Cách thế giới này hơn một trăm ngàn ức cõi Phật, có một nước tên là Tu-ma-đề, các chúng Bồ-tát hội hợp, nghe Thế Tôn nói pháp, tâm không tán loạn, chỉ nhất tâm niệm Phật A-di-đà.

Này Bạt-pha! Ví như có người trong mộng thấy cả khối vàng bạc và các vật báu khác, thấy cả bà con thân thuộc đến vui mừng, cùng nhau xem vàng không biết chán, không những thế, lại còn vui cười khoái ý, thân mật đàm luận. Đến khi anh ta tỉnh giấc, cũng còn ghi nhớ những gì trong mộng và đem việc này kể cho mọi người nghe, rồi rơi lệ nhớ lại những gì đa thấy trong mộng.

Này Bạt-pha! Cũng như vậy, Bồ-tát Bạch y và các học giả, nghe Phật A-di-đà ở cõi nào, liền khởi niệm đến phương ấy không hủy hoại giới, đối với giới, ấm chớ có loạn ý. Nhất tâm thanh tịnh, niệm từ một ngày một đêm, cho đến bảy ngày bảy đêm, sau bảy ngày bảy đêm liền thấy Phật A-di-đà, cho đến trong giấc mộng cũng thấy Đức Phật A-di-đà đến trước mặt.

Ví như người trong mộng, thấy mình đang ở trên không, không tưởng đêm cũng không tưởng ngày, nhãn căn của người ấy không bị các thứ tường vách làm cản trở, không bị màn đêm phủ lấp.

Này Bạt-pha! Bồ-tát khởi ý hành cũng như vậy. Ở trong cảnh giới Phật, tuy có núi Tu-di, có núi Già-ca-báng, Ma-ha Già-ca-báng và các núi đen khác. Các núi ấy, không thể cản trở tầm nhìn của người ấy, cũng không ngăn ngại ý của người ấy. Bồ-tát không dùng Thiên nhãn, nhưng lại thấy Phật A-di-đà, không dùng Thiên nhĩ, mà lại nghe Phật A-di-đà nói kinh, cũng không dùng thần túc, nhưng đến được cõi Phật A-di-đà. Bồ-tát không dùng thần túc từ cõi này, để đến cõi khác mà chỉ ở tại cõi này, thấy được Phật A-di-đà Như Lai và nghe Phật nói pháp, nghe rồi liền phụng hành theo những gì mình đã nghe đó. Bồ-tát từ định ý, nghe pháp được đầy đủ, rồi đem truyền đạt rộng rãi cho mọi người.

Này Bạt-pha! Ví như có một anh chàng nọ, nghe tại nước Đọasa-ly, có một người con gái đẹp tên là Tu Văn. Lại có anh chàng thứ hai, nghe có người con gái đẹp tên là A-phàm-hòa-lợi. Lại có anh chàng thứ ba, nghe có người con gái đẹp tên là Liên Hoa Sắc. Các anh chàng này, mới chỉ nghe mà đã sinh tham đắm, thật ra chưa lần nào họ được thấy các cô gái đẹp ấy, chỉ nghe đồn đãi mà khởi ý sinh niệm, từ đó lại nổi lên dâm tâm. Do ấn tượng quá mạnh, nên ở trong mộng thấy mình đến chỗ của các người nữ ấy. Bởi các anh chàng ở thành La-duyệt-kỳ này, khởi lên ý như vậy, nên thấy như vậy, thấy mình ở chung với các người nữ đó, rồi khởi lên dâm dục. Sau khi tỉnh giấc, mỗi anh chàng đều nhớ lại việc ấy.

Này Bạt-pha! Ta vì ông mà nói như vậy; từ việc này nói pháp như vậy, nhờ đó mà không còn bị thoái chuyển với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ta lại thọ ký cho người ấy, vào đời vị lai, về sau rất lâu, ngươi sẽ thành Phật, hiệu là Thiện Ngộ Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác.” Như vậy, người ấy chỉ được tùy ý trong ý tưởng chánh kiến như vậy, Bồ-tát như vậy.

Cũng như vậy, này Bạt-pha! Bồ-tát ở tại thế gian này, nghe ở cõi kia có Phật A-di-đà, rồi dốc lòng niệm Phật, liền thấy Phật A-diđà trụ thượng Định ý, hiện ra trước mặt, thấy rồi liền hỏi:

–Thưa Thế Tôn! Dùng pháp gì để các Bồ-tát đến được cõi này?

Đức Phật A-di-đà trả lời:

–Này các thiện nam! Muốn đến nước này, phải thường niệm Phật, khéo huân tập, chớ buông bỏ, thường hành như huyễn, liền được đến cõi này. Thế nào là thường niệm Phật? Là niệm pháp của Như Lai không để cho quên mất. Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác, có ba mươi hai tướng đại trượng phu, thân sắc vàng tía, như trăng sáng trong suốt như châu thủy tinh, cũng như các loại báu, các loại chuỗi ngọc ở trong chúng đệ tử nói pháp, vì các đệ tử nói một cách thành thật.

Tại sao không chỗ hoại? Chỗ nào là không hoại bại? Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Trời, Thần, Phạm vương đều không hoại, sắc, thống (thọ), tưởng, hành, thức cũng như vậy.

Như có người niệm Như Lai, nhân duyên như hư không, do như hư không, nên lền được, đó là niệm ý Phật. Bồ-tát khi biết được như vậy rồi, nên xả định này.

Này Bạt-pha! Nếu ông dùng định này, liền đến chỗ ấy, đến rồi nên đem việc này ra mà nói; như vậy là nói pháp, khiến cho mọi người lãnh thọ, không còn bị thoái chuyển đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Bạt-pha! Cũng như ông, Ma-ha Ca-diếp, Bồ-tát Nhân-đàđạt, Thiên tử Tu Thâm, cùng với những người khác, có người sẽ được định này.

Này Bạt-pha! Vào thời quá khứ rất lâu xa, có một anh chàng nọ, đi qua một cánh đồng, bên cạnh mé sông, trong lúc đang đi, anh ta bị đói khát dày vò, đến nỗi kiệt lã lăn ra nằm bên cạnh sông. Anh ta mộng thấy ăn uống no nê toàn những món cao lương mỹ vị. Đến khi tỉnh giấc, trong ý tưởng vẫn còn thấy no. Do vậy, anh ta nghĩ: Pháp này cũng như ăn trong mộng. Do quán được như vậy, nên anh ta nhẫn chịu được.

Bồ-tát đối với pháp Phật cũng lại như vậy. Dù tại gia hay xuất gia nghe Phật ở phương nào, phải chí thành nghĩ về phương ấy, luôn mong muốn được thấy Phật chớ có bám vào tưởng trong thai, cũng đừng tưởng tự có thân, mà luôn trụ vào không tưởng, nếu có tưởng thì nên tưởng niệm Phật. Từ nơi tưởng không đó, mà được trụ, từ nơi tưởng về niệm Phật đó, được trong suốt như lưu ly, quý trọng nhất trong các loài báu. Niệm như vậy liền được thấy Phật.

Này Bạt-pha! Ví như có người rời xa quê hương, đến một phương khác, thỉnh thoảng lại nhớ đến quê nhà, do vậy mà trong giấc mộng anh ta thấy mình trở về nhà, vui đùa như ngày nào ở tại quê nhà. Khi tỉnh giấc, anh ta kể lại cho bà con, các bậc tri thức và những người hầu cận: “Ta đã về quê như vậy, thấy thế và làm những việc ấy.”

Này Bạt-pha! Bồ-tát như vậy. Dù là tại gia hay xuất gia, nghe Phật ở phương nào, nên nghĩ về phương đó, mong được thấy Phật. Bồ-tát nếu nghĩ như vậy, liền được thấy Như Lai thanh tịnh trong suốt như lưu ly, quý trọng nhất trong các loài báu.

Này Bạt-pha! Ví như có Tỳ-kheo quán xương của một thây chết, lúc đầu quán thấy thây đó hoại hết một nửa, rồi dần dần thấy màu xanh, màu đen, hoại dần ra, rồi tan như khói, cuối cùng thấy xương trắng lộ ra. Thấy như vậy rồi, Tỳ-kheo nghĩ: Xương này từ đâu có? Ai mang đến? Ai làm ra? Đó đều là do ý tưởng mà tạo ra.

Này Bạt-pha! Bồ-tát cũng như vậy. Thọ trì oai lực của Phật, không theo duyên ngoài, chuyên trụ vào định ý này, muốn thấy Phật ở phương nào, liền thấy thân Như Lai. Vì sao? Vì dính mắc vào định này vậy. Lại nhờ oai thần của chư Phật, nên mới trụ vào định này, nhờ trí oai thần của Phật, trì định lực của Phật và trì công đức ở đời trước, nhờ vào ba yếu tố này, nên mới thấy được Như Lai.

Này Bạt-pha! Ví như có thanh niên trẻ tuổi, muốn biết được tướng mạo của mình ra sao, liền soi vào chậu nước sạch, hay trong bồn dầu, hoặc thủy tinh hay tấm gương được lau sạch; liền thấy được diện mạo của mình.

Này Bạt-pha! Ông có cho rằng, bóng người đó từ bên ngoài vào

trong gương, dầu, nước, thủy tinh không? Hay là bóng đó đã có sẵn trong đó?

Bạt-pha đáp:

–Không thể như vậy được, thưa Thế Tôn! Con cho rằng không phải có từ bên trong, mà do dầu, nước, thủy tinh và gương trong sạch, nên mới thấy được bóng của mình, chứ bóng đó không phải từ trong ra, cũng không phải từ bên ngoài vào.

Đức Phật khen:

–Hay thay, hay thay! Này Bạt-pha! Thật đúng như vậy. Do sắc thanh tịnh, nên mới phân biệt rõ ràng. Các Bồ-tát muốn thấy Phật thì rất dễ, chứ không khó. Khi đã thấy được Như Lai rồi, muốn hỏi thì hỏi, hỏi rồi Như Lai trả lời ngay. Bồ-tát sau khi được nghe kinh, tâm sinh hoan hỷ nghĩ: “Đức Phật từ đâu đến? Ta đến nơi nào? Tất cả đều không từ đâu đến. Biết rằng Như Lai không từ đâu đến, ta cũng không có chỗ đến, ý chỉ nghĩ đến ba cõi. Ý ta muốn quán chư Thiên, liền thấy chư Thiên, do ý tạo ra Phật thì cũng do ý mà thấy, tất cả đều do ý ta, ý là Phật Như Lai, mà ý cũng là thân ta; đem ý để thấy Phật, ý không thể tự thấy ý, ý không thể tự biết ý. Nếu ý có tưởng là vô trí, ý không tưởng là Niết-bàn, nó là pháp không vững chắc, đều từ niệm mà khởi lên. Giả sử như niệm là không, cũng không thể có.

Này Bạt-pha! Bồ-tát cũng trụ định như vậy. Có bốn pháp làm cho Bồ-tát mau chóng được định này.

  1. Lòng tin không thể phá hoại.
  2. Tinh tấn không bao giờ bị thoái chuyển.
  3. Có trí tuệ mà không từ nơi người khác chỉ dạy.
  4. Luôn thân gần thiện hữu.

Nếu Bồ-tát nào thực hành bốn pháp này thì mau chóng được định.

Lại có bốn pháp, Bồ-tát thực hành sẽ mau chóng được định này.

  1. Thường mong cầu thấy Phật.
  2. Muốn được nghe pháp.
  3. Không có sở trụ.
  4. Ý mong cầu Phật không bao giờ quên.

Bồ-tát nếu hành trì bốn pháp này thì sẽ mau chóng được định.

Lại có bốn pháp.

  1. Không thích lời nói theo kiểu thế tục, không muốn sống chung giữa mọi người và không ham mọi thú vui ở đời.
  2. Luôn siêng năng kinh hành, trừ những lúc ngủ nghỉ ăn uống.
  3. Không thích nhóm họp giữa bốn chúng và các chúng khác, thường đem thí pháp để được tăng trưởng.
  4. Không ưa sắc đẹp và trông chờ lợi dưỡng.

Nếu Bồ-tát thực hành được bốn pháp này, mau chóng được định.

Lại có bốn pháp mau chóng được định.

  1. Thường đắp vẽ tượng Phật có tướng tốt.
  2. Thường hành trì định này, từ ý vui đó mà trụ định được lâu dài, rồi lại biên chép và phụng hành định này.
  3. Điều phục những người cao ngạo vào trong Phật đạo.
  4. Thường hộ trì pháp Phật.

Nếu Bồ-tát thực hành được bốn pháp này thì mau chóng được định.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn cho biết được nghĩa này, nói kệ:

Sinh niềm tin với Thế Tôn
Thì sợ gì pháp nói suông
Luôn tinh tấn dứt ngủ nghỉ
Tròn ba tháng ngồi hành thiền.
Thường nói pháp Thế Tôn dạy
Tà giáo khiến diễn kỳ công
Được đãi ngộ chớ tham đắm
Chớ chấp vào pháp mình được.
Thân sắc vàng có trăm phước
Thường niệm Phật, Phật trước mặt
Ánh hoan hỷ, chiếu khắp nơi
Thân đẹp đẽ như vàng ngọc.
Luôn chắp tay cung kính niệm
Phật quá khứ và vị lai
Cũng thấy cả Phật hiện tại
Được trời, người luôn tôn trọng.
Thường cúng dường các pháp lành
Như đức vua thường đãi ngộ.
Bằng hương hoa rải lên thân
Cùng thức ăn, tâm thường tịnh
Cầu định này có khó gì.
Đánh trống, thổi loa, gảy đàn
Trổi kỹ nhạc cúng vô lượng
Thật là vui vô cùng tận
Chỉ mong muốn định cao tột.
Thường đắp vẽ vô lượng tượng
Tướng đẹp đẽ vô cùng tận
Thân vàng ròng thật thanh tịnh
Cầu định này khó gì đâu.
Phải luôn luôn cầu niệm pháp
Giới thanh tịnh mong muốn nghe
Cái gì tụ rồi sẽ tan
Được định này chưa bao lâu.
Chớ nhiễu hại loài hữu tình
Hành từ tâm để bảo hộ
Phải quan sát dục, thiện, khổ
Cầu định này chưa bao lâu.
Sinh vui thích muốn nói pháp
Luôn hầu cận lễ Thế Tôn
Chớ quanh co, bỏ tham lam
Lúc nói pháp chớ hấp tấp.
Được như vậy mới là thiện
Đức Như Lai nói sinh diệt
Vô số Phật đều dạy thế
Mong cầu định chớ cho khó.

Này Bạt-pha! Bồ-tát nên cung kính Tỳ-kheo nói pháp, kính lễ vị ấy như kính lễ Thế Tôn; nên siêng năng tinh tấn đối với định này.

Này Bạt-pha! Bồ-tát đối với Tỳ-kheo nói kinh, mà loạn ý, còn có tâm niệm oán ghét hờn giận, không có tâm thanh tịnh, như vậy là phi nghĩa không thể chấp nhận được. Nếu Bồ-tát nào có những tâm niệm như thế thì rất khó được định này.

Này Bạt-pha! Ví như có một thanh niên mắt sáng, vào những đêm quang đãng không có mây hay sương, nửa đêm anh ta ngước nhìn lên bầu trời sẽ thấy vô số các vì sao.

Bồ-tát cũng như vậy, nhờ sự hộ trì oai thần của chư Phật và quán định ý, nên nhìn qua phương Đông, thấy vô số Phật, vô số trăm, vô số ngàn, vô số vạn cho đến vô số ức trăm, ngàn Đức Phật như vậy. Nếu ai mắt thanh tịnh quán thì thấy được cả.

Này Bạt-pha! Cũng như mắt của Như Lai Chánh Giác, biết tất cả và thấy tất cả. Bồ-tát cũng như vậy. Muốn thấy Phật hiện tại trụ chánh định, nên hành trì đầy đủ, những gì đã nghe, siêng năng hành trì một cách đầy đủ, thực hành bố thí đầy đủ, trì giới đầy đủ, nhẫn nhục đầy đủ, thiền định đầy đủ, thông tuệ độ định đầy đủ, giải thoát thông tuệ đầy đủ, thông tuệ vô thượng độ đầy đủ.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm rõ nghĩa trên nói kệ:

Mắt sáng nhìn lên hư không
Với trăng sáng trong đêm tối
Thấy vô số các vì sao
Tuy sáng rỡ, ý tại thức.
Bồ-tát đắc định ý này
Thấy vô số ngàn cõi Phật
Khi xả định vẫn còn biết
Giữa đại chúng nói việc này.
Mắt thanh tịnh thì thường thấy
Nhìn mười phương không che chướng
Thật thù thắng, mắt giác ngộ
Định thanh tịnh, thấy Thế Tôn.
Thế Tôn, thường quán thế gian
Quán mười phương, pháp ba đời
Diệt các độc, được thanh tịnh
Lắng tai, nghe bậc Thiện học.
Cũng nghe pháp, được mát mẻ
Cứ niệm mãi không dừng nghỉ
Đem pháp này ban tất cả
Chúng an lạc nguyện thành Phật.
Bồ-tát thấy sắc vô lượng
Cùng cõi Phật trăm ngàn ức
Khi Bồ-tát được định này
Thấy vô số thân chư Phật.
Có ý học nghiêng nhân từ
Nghe ta dạy, rồi thọ trì
Khi Bồ-tát được định này
Vô số pháp mà không trí.
Tín xấu hổ, tưởng ái sinh
Phải vứt việc thế gian
Sao không khởi tạo pháp thí
Để từ nơi đó được thanh tịnh.

Này Bạt-pha! Bồ-tát được định ý, rồi thì nên khởi sự siêng năng hành trì định ý đó. Ví như có một chuyến thuyền nọ, chở đầy trân báu, đã vượt qua sự hiểm trở của biển cả và đang sắp cập bờ, nhưng khi gần đến bờ, tàu lại bị chìm, làm cho người trong châu Diêm-phù này đều buồn rầu, sầu não, khóc lóc, than: Chúng ta gặp phải cảnh nghèo cùng rồi, từ đây không còn ai thấy được trân báu nữa.

Này Bạt-pha! Cũng như vậy! Bồ-tát đối với định này mà không chịu học, không chịu biên chép, không chịu đọc tụng, không hành trì cũng không mong cầu nghĩa lý thì các trời ở chỗ các Tỳ-kheo, Tỳkheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, đều lớn tiếng oán trách khóc lóc than: Chúng ta sẽ trống rỗng nghèo cùng, không thấy được pháp thí, Bồ-tát ở thế gian này, đã có định ý thâm diệu vi diệu, đích thân Phật đã chỉ dạy, Phật đã khen ngợi, Phật đã long trọng nói ra, nghe rồi mà không chịu biên chép, không phúng tụng thọ trì, cũng không chịu đọc, không phụng hành, không trụ, đã ngu si mà lại tự mãn để rồi làm hại đến trí tuệ, không muốn nghe trọn vẹn, không muốn nắm lấy sự học rộng. Tuy có nghe đó, nhưng ý lại không muốn, cũng không ham thích định này.

Này Bạt-pha! Ví như có một anh chàng ngu si nọ, được một người, đưa cho anh ta xem hương chiên-đàn, nhưng anh chàng ngu si này không nhận, còn cho không thơm. Người trí mới nói với anh ta: “Hương chiên-đàn này thơm cực kỳ, sao anh lại cho là không thơm, anh ngửi thử xem coi nó có thơm không? Anh nhìn thử xem thấy nó có đẹp không?”

Nghe nói thế, anh chàng ngu si lại bịt mũi không muốn ngửu hương thơm, nhắm mắt lại không muốn nhìn vẻ đẹp ấy!

Phật nói:

–Khi nói định này, cũng lại như vậy. Người không có giới lại muốn tránh xa, không chịu thọ trì học tập. Đây là hạng người ngu si, không có trí tuệ, khi tu thiền lại chấp trước. Những hạng người này, nghe định ý này, không chịu tin, không hành trì, không tuân theo và cũng không sinh hoan hỷ, trái lại còn nói: Trong chúng cũng có người phát nguyện lành chăng? Thời nay cũng có người học đến đỉnh cao như vậy sao? Đời nay cũng có Tỳ-kheo cao tăng như A-nan chăng? Kinh này như lò lửa. Ở nơi vắng lặng cách xa chúng lại nói là không chắc chắn, cho rằng nghe kinh này, sẽ làm rối loạn, đây không phải là Phật nói.

Này Bạt-pha! Ví như có người khách buôn đưa ngọc Ma-ni tuyệt đẹp cho người ngu si xem. Người ngu hỏi giá của ngọc châu này bao nhiêu?

Khách buôn đáp: Ngọc châu này ban đêm phát ra ánh sáng, ánh sáng đó chiếu đến đâu thì giá trị của nó đến đó.

Khách buôn lại nói: Vậy thì anh hãy độ chừng giá nó bao nhiêu?

Người ngu đáp: Giá trị của nó lớn bằng một con trâu quý.

Này Bạt-pha! Cũng như vậy! Nếu Tỳ-kheo có khả năng thọ trì, giữ lòng tin kiên cố, muốn học về định của Bồ-tát cần nên phụng hành, chớ có nghi ngờ thì nhất định được đa văn, nhiều trí tuệ tâm niệm luôn sâu xa và thương xót, đem định tự tại này dạy dỗ mọi người, nhờ vậy mà định này được tồn tại lâu dài.

Có một người ngu si có vẻ như ta đây, nhưng từ trước tới giờ chưa từng hành trì định này, chưa từng có phước đức, lại tự đại nhiều ganh ghét, tham lam tài lợi, muốn có danh tiếng, nhưng không chịu khéo học, mang thân dốt nát. Những hạng người đó nghe định này, cũng không thọ trì, không tin theo, không thực hành, cũng không muốn thọ, lại nói: Thật quái lạ! Các Tỳ-kheo này sao không biết xấu hổ, không hiểu biết gì, mà lại khéo dùng lời hòa nhã để gượng nói ra, chứ kinh này không phải Phật nói.

Phật nói:

–Này Bạt-pha! Ta đã vì ông mà nói đầy đủ, khiến cho ông và các hàng trời, người được hiểu rõ.

Này Bạt-pha! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào đem hết bảy báu trong ba ngàn quốc độ, để cúng dường chư Phật Như Lai Chánh Giác. Nếu có Bồ-tát nghe được định này, nghe rồi đem tuyên truyền thì phước này, nhiều hơn phước của người cúng dường kia.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm rõ nghĩa trên, liền nói kệ:

Đem bảy báu trong ba ngàn
Cúng dường lên trên chư Phật
Làm như vậy, nguyện thành Phật
Là bậc nhất ở trong đời.
Nếu có ai được kinh này
Khéo định ý, Phật khen ngợi
Nghe kinh này, tin phụng hành
Phước báo ấy, thật to lớn.
Ý nịnh hót, thường tự thị
Luôn tà vạy không định căn
Thường thân gần ác tri thức
Được truyền dạy lại không tin.
Không có giới, thêm pháp ác
Bởi ngu si cho là đủ
Được người dắt đến giải thoát
Lại phá hoại còn cho rằng:
Kinh này không phải, Phật nói.
Cũng không phải pháp vương nói
Dám buông lời, ác độc này
Làm việc ác, không giữ ý.
Sao không thấy, Đại Hùng Tôn
Chiếu ánh sáng, khắp ba cõi
Những người ấy, nghe kinh này
Đều thọ trì, theo học pháp.
Đã nghe kinh thâm diệu này
Khi nghe rồi, tâm vui vẻ
Những người này, chớ có nghi
Chớ lo rằng, không thành Phật.
Nếu hành trì giới, thanh tịnh
Có niềm tin, không tà vạy
Nói pháp ra như nước chảy
Ta cho rằng, đây là hiền.