KINH A DỤC VƯƠNG
Hán dịch: Đời Lương, Tam tạng Tăng-già-sa-la, ở đất Phù nam
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 8
NHÂN DUYÊN TRUYỀN THỌ PHÁP TẠNG VỀ NGŨ ĐỆ TỬ CỦA PHẬT
NHÂN DUYÊN ƯU-BA-CẤP-ĐA
Khi Tôn giả Xá-na-bà-tư đến núi Đề hồ khởi xây chùa xong rồi, liền suy nghĩ xem thương chủ bán hương tên Cấp-đa đã ra đời chưa. Quán thấy vị này đã ra đời. Về sau có con là Ưu-ba-cấp-đa. Đức Thế Tôn đã thọ ký cho vị này có tướng không bằng Đức Phật nhưng sẽ làm Phật sự sau khi Đức Như Lai diệt độ một trăm năm. Đứa bé này vẫn chưa sinh Xá-na-bà-tư dùng phương tiện giáo hóa vị thương chủ để cho tinh tấn. Một hôm Tôn giả đem nhiều đệ tử đi đến nhà của thương chủ, ngày khác chỉ dẫn tới một đệ tử, ngày khác lại đi có một mình, Cấp-đa đang làm Phật sự thấy Xá-na-bà-tư đi một mình liền hỏi:
– Thánh nhân vì sao lại không đem đệ tử cùng đi?
Trưởng lão đáp:
– Tôi là lão nhân, đâu có đệ tử theo mình. Nếu có người thích tinh tấn xuất gia thi có người theo.
Cấp-đa thưa:
– Tôi vẫn còn thích thọ ngũ dục lạc, không thể xuất gia. Nếu tôi có con sẽ cho theo Trưởng lão.
Trưởng lão nói:
– Đúng vậy! Đúng vậy! Nên nhớ nguyện này chớ có quên mất.
Sau đó Cấp-đa sinh con tên là Bà-cấp-đa, đến khi lớn lên. Xá-nabà-tư đến nói:
– Ông trước có nguyện, nếu sinh con sẽ cho tôi làm đệ tử, nay con đã sinh, đứa bé này có công đức ông nên cho theo tôi xuất gia.
Cấp-đa nói:
– Tôi nay duy chỉ có một đứa con. Nếu có đứa nữa xin cho ngài.
Xá-na-bà-tư quán xem đứa bé này phải Ưu-ba-cấp-đa không? Thấy đó không phải nên nói:
– Cũng được.
Rồi đến khi đứa bé thứ hai sinh ra đặt tên Đà-na-cấp-đa. Đến khi lớn lên, Trưởng lão tới nói:
– Ông trước có nguyện có đứa thứ hai sẽ cho theo tôi, nay đã có, vậy nên cho theo tôi xuất gia.
Cấp-đa nói: Trưởng lão chớ giận, tôi có hai đứa cùng lo gia nghiệp. Một đứa đi tìm, một đứa giữ gìn. Nếu có đứa thứ ba tôi sẽ cho theo Trưởng lão.
Xá-na-bà-tư lại tư duy xem đứa bé này phải Ưu-ba-cấp-đa không? Thấy là không phải, thì nói với Cấp-đa: Cũng được.
Rồi đứa con thứ ba sinh ra, hình dung đoan chánh rất là đáng yêu. Vì sắc vóc hơn cả trời người, cho nên đặt tên là Ưu-ba-cấp-đa. khi người con này lớn lên, thì người cha lưu lại cho làm các công việc pháp thu hoạch rất nhiều lợi ích. Tôn giả lại tìm đến nhà nói:
– Thiện nam tử! Ông có hứa cho tôi đứa con thứ ba. Nay nó đã lớn nên cho theo tôi xuất gia.
Cấp-đa đáp: Tôi đã có thể khiến cho nó làm việc buôn bán, nếu có lợi nhiều thì không cho xuất gia. Nếu không có được lợi, thì mới cho xuất gia.
Bấy giờ Ma vương làm cho dân chúng đến mua vật đó nên đạt lợi lớn. Đến khi Xá-na-bà-tư đến chỗ Ưu-ba-cấp-đa, lúc này đang bán hương. Trưởng lão nói:
– Ông tâm tâm pháp đã sinh, vậy thế nào là thiện, thế nào là ác.
Ưu-ba-cấp-đa đáp:
– Tôi nay không biết tâm tâm pháp, vậy vì sao là thiện, thế nào là ác?
Trưởng lão nói:
– Nếu tâm tâm pháp đó mà cùng tham sân si tương ứng thì đó là thiện.
Lần khác Trưởng lão đến chỗ của Ưu-ba-cấp-đa nói:
– Thiện nam tử! Ông vì sao tâm tâm pháp đã sinh vậy sao là thiện, sao là ác?
Đáp:
– Tôi nay không biết tâm tâm pháp. Vì sao là thiện, thế nào là ác?
Trưởng lão: Ông nay muốn biết tâm tâm pháp là thiện hay ác, nếu có thể thọ đạo trừ tâm pháp ác, thì nên làm theo ta.
Trưởng lão liền đem các viên đất đen, trắng ra và nói:
– Nếu tâm ông nghĩ điều xấu thì bỏ hòn đen này vào. Nếu tâm ông nghĩ điều tốt thì bỏ viên trắng vào. Nên quán pháp bất tịnh, như lời Đức Phật dạy mà quán tưởng tư duy.
Khi đó Ưu-ba-cấp-đa còn nhiều tham muốn, khéo tạo tâm pháp nên giữ hòn đen nhiều, cho đến không có viên trắng nào. Lại còn tư duy, còn lại hai phần đen, một phần trắng. Lại còn tư duy, còn lại một phần đen, một phần trắng. Lại tư duy thêm nữa thì còn hai phần trắng, một phần đen. Lại càng nỗ lực tư duy cho đến chỉ còn thuần là trắng. Lúc này ở nước Ma-thâu-la có một dâm nữ tên Bà-sa-bạt-đa, sai người nô tỳ đến chỗ Ưu-ba-cấp-đa mua hương. Mua được nhiều hương đem về người chủ mới hỏi:
– Người ở đâu lại mua được nhiều hương vậy? Không phải trộm từ cửa tiệm về đây chứ?
Nô tỳ đáp:
– Có một chủ tiệm tên Ưu-ba-cấp-đa, hình sắc đoan chánh nói lời vi diệu, đã bán hương này. Người chủ nghe nói thì đối với Ưu-ba-cấp-đa dâm tâm liền khởi lên. Lại sai nô tỳ đến chỗ Ưu-ba-cấp-đa.
– Ngươi đến đó nói là ta muốn cùng người hưởng vui dục lạc.
Người tỳ nữ đến nói lại thì Ưu-ba-cấp-đa nói:
Bấy giờ chưa phải lúc gặp.
Nô tỳ về thưa thì dâm nữ nói:
– Người kia có thể không có năm trăm tiền cho ta, nên không đến.
Lại khiến nô tỳ đến nói:
– Ta không cần tiền, chỉ cần người đến vui chơi. Người nô tỳ lại chỗ Ưu-ba-cấp-đa nói lại như vậy. Ưu-ba-cấp-đa vẫn nói:
– Chưa đến lúc gặp mặt.
Khi đó có một thương chủ từ nam Thiên trúc đến, đem theo năm trăm con ngựa và các loại vật dụng đến nước Ma-thâu-la. Đến nơi liền hỏi mọi người.
– Ở đây có nữa nhân đoan chánh bậc nhất không?
Có người nói:
– Có dâm nữ tuyệt thế tên là Bà-sa Bà-đạt-đa.
Thương chủ nói:
– Ta đem năm trăm đồng tiền cùng các báu vật đến chỗ đó. Lúc này dâm nữ vì tham các vật này nên giết con của trưởng giả đem chôn ở chỗ bất tịnh, rồi cùng thương chủ vui chơi. Sau đó, thân thích bè bạn của trưởng giả tìm được hài cốt ở chỗ bất tịnh, mới tâu lên vua. Vua sai bắt Bà-sa Bà-đạt-đa chặt hết tay chân, cắt tai, mũi rồi đem bỏ ngoài đồng trống. Khi đó Ưu-ba biết được việc này liến nghĩ:
– Ta vốn không thích gặp người này để vui năm dục. Nay muốn đến đó để xem tay chân tai mũi của người này, lại nói kệ:
Xưa dùng y tối thắng
Như thế đủ các loại
Trang nghiêm cho thân này
Nếu người muốn giải thoát
Chán xa dục thế gian
Khi thời không thể thấy
Bảo sức trang nghiêm thân
Nay đúng thời nên xem
Không kiêu, không hoan hỷ
Sắc kia hoàn thân tướng
Thấy rồi sinh xa lìa.
Bấy giờ Ưu-ba-cấp-đa cùng một tiểu nhi đi ra đồng trống. Người nữ tỳ vì nhớ ơn chủ cũ nên ra ngồi một bên, đuổi chim quạ không cho đến mổ. Lúc này nô tỳ nói:
– Trước cô đã vài lần sai tôi đi mời Ưu-ba-cấp-đa, nay người đó đã đến muốn gặp, vậy có gặp không?
– Ta trước xinh đẹp, giờ bị hủy hoại thật là đại khổ. Nay toàn thân máu huyết dầm dề, làm sao có thể gặp mà khởi dục tâm. Rồi bảo tỳ nữ:
– Chân tay tai mũi của ta, nên che lại đừng để cho thấy.
Khi nô tỳ lấy y che lại, thì Ưu-ba-cấp-đa đã đến đứng bên Bà-sa Ba-đạt-đa quán xét, cô kia thấy Ưu-ba-cấp-đa liền nói:
–Thánh thiện đến, tôi lúc trước hình dung yêu kiều, sai người mời mà không chịu đến, nay thân thể tôi, như vậy vì sao người lại tìm đến.
Lại nói kệ:
Thân này trước kia
Dụ như hoa sen
Y báo thượng diệu
Để cùng trang nghiêm
Mà không công đức
Không gặp được người.
– Thân tôi như thế này vì sao người lại đến?
Ưu-ba-cấp-đa nói:
– Tôi chẳng phải vì lòng tham dục mà đến đây. Vì muốn quán tưởng tham dục và quán tưởng bất tịnh cho nên đến, liền nói kệ:
Dùng các bảo y
Và các hương hoa
Trang sức thân này
Thấy tâm kia loạn
Tất cả chúng sinh
Tham dục mà đến
Người không có vật
Thì không được thấy
Nay thân người đây
Phân tán các nơi
Tất cả mọi người
Không ai thăm viếng
Sắc hoàn bổn tướng
Lìa hết trang sức
Nhơ uế như vầy
Tử sinh cùng đến
Thân này đau đớn
Máu nhuộm thắm tươi
Da bọc phủ ngoài
Đống thịt nhầy nhụa
Ngàn thứ buộc ràng
Nơi nơi che lấp
Thân đã như thế
Lấy gì để yêu
Lại nói chị em
Sắc vóc bên ngoài
Thế gian đều thấy
Khởi lòng tham luyến
Nào thấy bên trong
Tức liền giải thoát
Quý tiện tôn ty
Đều cùng thây uế
Người ngu nhìn thấy
Cho là đáng yêu
Người trí nhận ra
Đó là bất tịnh
Thân này nhơ uế
Đủ mọi nhớp nhơ
Lấy muốn thứ hương
Để mà trang sức
Thân này nhàm chán
Máu mủ tanh hôi
Các loại y phục
Để mà trang điểm
Thân bất tịnh này
Dùng nước tẩy tịnh
Tôi đồ ngu si
Đắm trước vì yêu
Nếu có người nghe
Phật nói thiện pháp
Tùy ý thọ trì
Xa lìa năm dục
Tâm vui giải thoát
Vào rừng tịch tịnh
Nương đạo nhiệm mầu
Đến bờ bỉ ngạn.
Bà-sa Bà-đạt-đa nghe lời này thì càng sợ việc sinh tử. Nghe được công đức chư Phật, thì ý vui tưởng đến cảnh Niết-bàn. Liền nói kệ đáp Ưu-ba-cấp-đa:
Đúng thế, đúng thế
Như lời người nói
Người thật có trí
Lại rất Từ bi
Nay xin nói nữa
Diệu pháp Như Lai.
Thế là Ưu-ba-cấp-đa, lần lượt thuyết pháp Tứ đế của Ưu-ba-cấpđa quán thân kia, quán xong thì nhàm chán cảnh dục giới này, vì tự thuyết pháp thông đạt tứ đế nên đắc quả A-na-hàm.
Bà-sa Bà-đạt-đa đắc quả Tu-đà-hoàn, liền nói với Cấp-đa rằng:
– Lành thay! Lành thay! Ma-ha Tát-đỏa. Thần lực của ông đã che hết ba ác đạo đại khổ não ở chốn này, đã mở ra con đường Niết-bàn Thiên đạo. Tôi nay quy y Pháp Tăng và Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác.
Lại nói kệ rằng:
Tôi nay quy y Phật
Lưỡng túc đệ nhất tôn
Mắt Phật như sen xanh
Trời người đều tôn quý
Thanh tịnh lìa pháp dục
Vô thượng ứng chân tăng.
Ưu-ba-cấp-đa khi nói pháp xong thì vui vẻ trở về bổn xứ. Đi chưa bao lâu, thì Bà-sa Ba-đạt-đa liền mạng chung sinh lên cõi trời. Chư Thiên nói với dân chúng nước Ma-thâu-la là cô kia đã sinh thiên. Mọi người liền kéo đến hỏa thiêu cúng dường thân xác.
Lúc này Trưởng lão Xá-na-bà-tư đến nhà Cấp-đa nói:
– Ông nên cho Ưu-ba-cấp-đa theo tôi xuất gia.
Cấp-đa đáp:
– Tôi trước đã nói. Nếu việc của Ưu-ba-cấp-đa bất lợi thì mới cho xuất gia.
Trưởng lão Bà-xá-tư-na dùng thần lực khiến cho việc trị sinh của Ưu-ba-cấp-đa không thuận tiện, Ưu-ba-cấp-đa suy nghĩ:
– Nay việc buôn bán tính toán lại không thuận lợi sắc bén.
Xá-na-bà-tư lại đến chỗ Cấp-đa nói:
– Đức Phật đã thọ ký cho con ông, sau khi Đức Phật nhập diệt trăm năm, sẽ hoằng truyền Phật pháp, ông nên cho theo tôi để xuất gia.
Cấp-đa bèn cho đi. Trưởng lão Xá-na-bà-tư đem Ưu-ba-cấp-đa về chùa Na-sĩ Bà-sĩ cho xuất gia và thọ giới Cụ túc. Đến lúc Bạch tứ Yết-ma trừ hết mọi kiết phước đắc quả A-la-hán. Xá-na-bà-tư nói với Ưu-ba-cấp-đa rằng:
– Thiện nam tử! Đức Phật đã thọ ký, sau khi Đức Phật Niết-bàn một trăm năm, có Tỳ-kheo tên là Ưu-ba-cấp-đa vô tướng Phật mà làm Phật sự. Lại nói ông là Phật tử giáo hóa đệ nhất. Thiện nam tử! Ông nên hoằng truyền Phật sự làm lợi ích chúng sinh.
Ưu-ba-cấp-đa đáp:
– Xin vâng lời Hòa thượng, Bà-xá-tư-na bèn bảo ông thuyết pháp, nhân dân trong nước Ma-thâu-la nghe có vị Tỳ-kheo tên Ưu-ba-cấp-đa đang thuyết pháp. Vô lượng người đều muốn đến nghe, Trưởng lão Ưuba-cấp-đa nhập Tam-muội suy tư, thấy chỗ Đức Phật thuyết pháp có bốn chúng vây quanh như hình nửa mặt trăng.
Lại suy nghĩ:
– Thế Tôn thuyết pháp từng chỗ, như thế lần lượt thấy khắp các nơi cho đến khi Ngài nhập Niết-bàn. Ưu-ba-cấp-đa cũng thuyết pháp như thế. Lúc này Ma vương ở trong chúng làm mưa bảo châu để não loạn tâm người, vì vậy mà không thấu hiểu Tứ đế. Ưu-ba-cấp-đa thấy tâm mọi người não loạn liền suy nghĩ xem ai làm việc này liền biết là do Ma vương làm. Ngày thứ hai lại có gấp bội người đến nghe. Ưu-bacấp-đa cũng lần lượt nói pháp Tứ đế. Ma vương lại làm mưa vàng để não loạn tâm chúng, cũng không có một người đắc đạo, Ưu-ba-cấp-đa thấy lại tâm chúng não loạn quán thấy lại do ma làm. Đến ngày thứ ba lại có gấp đôi người đến, Ưu-ba-cấp-đa lại thuyết pháp, lúc này ma làm mưa châu báu và mưa báu và mưa kỹ nhạc. Vì tâm mọi người chưa lìa dục, thấy sắc nghe tiếng tâm liền loạn động, không chịu nghe pháp. Ma vương lại biến các loại buộc vào đảnh của Ưu-ba-cấp-đa. Ưu-ba-cấp-đa tư duy xem ai làm việc này, biết đó là do Ma vương làm. Tôn giả nghĩ Ma vương này vào thời Đức Thế Tôn thường làm não loạn, cớ sao Đức Như Lai lại không giáo hóa. Lúc bấy giờ, Tôn giả quán xét, biết Đức Phật đã thọ ký mình làm vô tướng Phật để giáo hóa nhiếp thọ chúng sinh. Bèn quán sát xem nay có thể giáo hóa được không? Lại thấy đã đến lúc giáo hóa Ma vương được. Tôn giả liến biến ra ba thấy chết. Một là thây rắn, hai là thây chó, ba là thây người. Dùng thần lực biến ba thây chết này làm tràng hoa đưa đến chỗ Ma vương. Ma thấy Ưu-bacấp-đa đến thì hoan hỷ cho là đã chịu thần phục mình, liền muốn thọ nhập tràng hoa đó. Ưu-ba-cấp-đa tự tay buộc vào, thây rắn thì buộc trên đảnh, thây người và thây chó thì buộc ở ngay cổ. Ưu-ba-cấp-đa nói với Ma vương. Ngươi trước đã làm điều phi pháp, dùng hoa để làm nhục ta. Hôm nay ta trả lại thây chết buộc vào cổ ngươi. Ngươi nay đã cùng Phật tử hòa hợp, nếu có thần lực có thể hiện thân ta. Thí như gió lớn có thể làm cho nước biển dậy sóng, mà không thể nhấc nổi núi Ma La Da.
Lúc này Ma vương muốn cởi các thây chết, dùng hết sức mình mà vẫn không thể thoát ra. Cũng như con dế làm sao dời được núi. Ma vương giận dữ bay lên hư không, mà nói kệ rằng:
Nếu ta không thể cởi
Các thây chết này ra
Chư Thiên thì có thể
Dùng lực để giúp ta.
Ưu-ba-cấp-đa cũng nói kệ:
Ngươi đến trời Phạm thiên
Và nhật nguyệt Đế Thích
Vào lửa và biển lớn
Cũng không thể nào cỡi
Ta dùng thây chết này
Buộc vào nơi cổ ngươi
Ngươi dù dùng thần lực
Cũng không thể thoát ra.
Lúc này Ma vương đi đến trời Ma-ế-thủ-la và trời Đao lợi, trời Tứ thiên vương, nhờ cỡi thây chết ra mà không được, lại bay đến chỗ Đại Phạm thiên.
Đại Phạm thiên nói:
– Thiện nam tử! Đây là thần lực của đệ tử Đức Phật làm, không ai có thể cởi được, như biển lớn, bờ nước không thể phá, liền nói kệ:
Như tơ hoa sen
Buộc vào núi tuyết
Núi không cử động
Việc này rất khó
Dùng lực thần thông
Thây chết buộc thân
Ta nay không thể
Cho người thoát ra
Tất cả chư Thiên
Dùng lực hợp lại
Cũng không bằng Phật
Lực của đệ tử
Thí như ánh sáng
Không thể bằng lửa
Ánh sáng lửa này
Đâu bằng Nhật quang.
Ma vương nói:
– Ngài dạy tôi phải làm sao đây? Tôi phải nhờ ai?
Đại Phạm nói:
– Ông nên trở về quy y với Ưu-ba-cấp-đa. như người bị té xuống đất phải tự nơi đó đứng lên, ông nay vì do thần lực vị ấy mà bị đọa, thì cũng do người ấy cỡi ra. Lúc này Ma vương biết thần lực của đệ tử Đức Phật là không thể nghĩ bàn, liền tư duy mà nói kệ rằng:
Như Phạm vương quy y
Pháp tạng đệ tử Phật
Ai có thể so lường
Thần lực của Như Lai
Có thể hàng phục ta
Nhưng vì lòng Từ bi
Cho nên không hàng phục.
Tôi nay biết Phật lực không thể nói bàn, lại nói kệ:
Nay ta đã biết
Thế Tôn từ bi
Tâm lìa phiền não
Thí như núi vàng
Vì ta vô minh
Nơi nơi phá Phật
Chỗ chỗ làm ác
Mà không hàng phục.
Bấy giờ Ma vương chủ của cõi dục giới, biết không thể chạy thoát được, nên suy nghĩ, phải xả bỏ tâm kiêu mạn đến chỗ Ưu-ba-cấp-đa, lễ dưới chân Tôn giả nói:
– Trưởng lão tôi từ lúc Đức Phật đắc đạo nơi cây Bồ-đề cho đến hôm nay, ở chỗ Đức Thế Tôn thường làm các việc ác không thể kể hết. Lại ở nước Sa-la, trong nhà của Bà-la-môn, Đức Phật đi đến chỗ đó khiến cho không được ăn, đều là do tôi làm. Những việc tôi làm Đức Phật đều không giận tôi. Hoặc tôi hóa ra các loài rồng, rắn, quỷ ác và các thứ độc hại, Đức Phật cũng không giận tôi. Trưởng lão ngày nay không có từ bi, làm cho khắp cả nhân thiên A-tu-la trông thấy đều chê cười, làm cho tôi xấu hổ.
Ưu-ba-cấp-đa nói:
– Vì ngươi không có trí nên không thể biết được, lòng từ bi công đức của Đức Như Lai so với chư Tỳ-kheo, thí như cây cải so với núi Tu-di. Cũng chẳng khác gì lửa của đom đóm so với ánh sáng mặt trời. Như một bụm nước hòa vào biển lớn. Cũng vậy, lòng từ bi của Sa môn không bằng thập lực tư bi của Đức Phật. Vì nhân duyên đó, khi ông gây tội Đức Phật đều nhận thọ.
Ma vương nói:
– Đức Phật đã đoạn tất cả hoặc, trừ hết nghi, có đại nhẫn nhục. Tôi vì tâm loạn ác cho nên làm não hại Đức Phật. Đức Thế Tôn đều dùng lòng từ bi che chở cho tôi, vì sao Đức Phật không hàng phục tôi, Trưởng lão nên nói cho tôi.
Ưu-ba-cấp-đa đáp:
– Thiện nam tử! Ngươi nên lắng nghe, ông đối với Đức Phật làm các điều bất thiện. Đối với Đức Như Lai ngươi vẫn tỏ lòng kính tâm nên không thể trừ diệt. Cho nên Đức Phật nhìn thấy được mà không hàng phục ngươi, lại nói kệ:
Tâm ngươi ít kính trọng
Như Lai thì phát khởi
Từ ít tăng trưởng lên
Nên đắc quả Niết-bàn
Người tạo ra các tội
Nay ta chỉ lược nói
Nên lấy nước tuệ niệm
Tẩy trừ phiền não cấu.
Lúc này Ma vương nghĩ đến Đức Phật, toàn thân lông đều dựng đứng như hoa Ca-đàm-bà, lại nói kệ:
Ta làm nhiều điều
Khổ não Thế Tôn
Mà Phật không giận
Ta nguyện tương ứng
Như con tạo tội
Cha không trách mắng.
Lúc này Ma vương nhiều lần suy nghĩ đến ân của Đức Phật. Vì nghĩ đến Đức Phật nên kính lễ trưởng lão và nói kệ:
Trưởng lão hôm nay
Đã nhiếp thọ tôi
Khiến cho tâm tôi
Cung kính Thế Tôn
Nay xin lấy hết
Thây chết buộc ràng
Ở trên cổ tôi
Duy nguyện đại đức
Đem lòng từ lực Cỡi trói cho tôi.
Trưởng lão Ưu-ba-cấp-đa nói:
– Nếu chịu giao ước thí ta mới cỡi trói.
Ma vương nói:
– Giao ước thế nào?
Ưu-ba-cấp-đa nói:
– Ông từ nay trở đi chớ làm não loạn chư Tỳ-kheo.
Ma vương nói:
– Đúng vậy! Đúng vậy! Tôi xin y lời. Ngài lại muốn dạy cho tôi làm gì nữa?
Trưởng lão đáp:
– Pháp tạng của Đức Thế Tôn rộng lưu bố thế nào? Ngươi nên hiện ra.
Ma vương kinh hãi nói:
– Ngài dạy tôi hiện ra sắc thân Phật.
Ưu-ba-cấp-đa đáp:
– Ngươi nên biết rằng Đức Như Lai nhập Niết-bàn một trăm năm ta mới xuất gia. Pháp thân của Đức Như Lai ta đã được thấy, còn sắc thân của Phật ta chưa được thấy, ông nay bị ta nhiếp thọ, vậy hãy hiện ra sắc thân của Đức Phật. Ta hôm nay không có gì vui bằng được thấy sắc thân Đức Phật.
Ma vương nói kệ:
Nên dùng giao ước
Nếu thấy tôi hiện
Thân sắc Như Lai
Không nên đảnh lễ
Tất cả điều này
Do trí cung kính
Trưởng lão lễ tôi
Tôi sẽ tự diệt
Vì tôi không lực
Chịu Thánh nhân lễ
Như mầm hoa lan
Không thể giữ được
Cặp ngà của voi
Cho nên giao ước.
Trưởng giả nói:
– Được, ta không thể lễ ngươi.
Ma vương lại nói:
– Đợi trong giây lát, tôi sẽ vào rừng, cũng như ngày xưa có vị trưởng lão tên là Thủ-la. Tôi lúc đó muốn làm não loạn cho nên hóa ra thân Đức Phật, ánh sáng vàng chói rực như mặt trời, sắc thân như thế thật không thể nghĩ bàn, tôi cũng muốn làm như vậy, khiến cho người thấy đều sinh lòng tin vui.
Trưởng lão nói:
– Được, liền cỡi ba thây chết trên cổ Ma vương, vì muốn thấy sắc thân của Đức Phật, lúc này Ma vương biến vào trong rừng để hóa ra thân Đức Phật. Hóa thân Đức Phật xong liền từ rừng đi ra. Thí như nữ nhân vào trong màn trướng để trang sức, xong rồi mới bước ra, sắc tướng của Đức Như Lai không có gì có thể thí dụ được, khiến cho người thấy đều vui vẻ, giống như bức hoa có đủ màu sắc.
Bấy giờ Ma vương biến hóa ra thân Đức Phật đã xong, lại tạo ra Xá-lợi-phất đặt ở bên phải. Hóa làm Mục-kiền-liên đặt ở bên trái. Lại hóa A-nan cầm bát theo sau và các vị Ma-ha Ca-diếp, A-nậu-lâu-đà, Tu-bồ-đề v.v…cùng một ngàn hai trăm năm mươi chư Thanh văn, vây quanh hóa Phật như nửa mặt trăng. Hóa hiện xong rồi liền đi đến chỗ Ưu-ba-cấp-đa. Ưu-ba-cấp-đa thấy được sắc thân của Đức Phật thì rất vui mừng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, ngắm nhìn sắc thân Đức Phật không hề dứt đoạn, liến nói kệ rằng:
Vô thường không Từ bi
Phá thân sắc Như Lai
Như Lai vô thường đến
Sắc diệt nhập Niết-bàn.
Ưu-ba-cấp-đa duyên niệm nghĩ đến Đức Phật tâm không xa rời. Ta nay thấy hóa thân này cũng chẳng khác gì thấy chân thân của Đức Phật, rồi nhất tâm chắp tay lược nói kệ khen ngợi:
Mặt sáng như hoa sen
Mắt tợ hoa Ưu-đàm
Sắc hơn các loài hoa
Cũng hơn các chân kim
Đáng yêu hơn mặt trăng
Quang minh hơn mặt trời
Trí sâu hơn biển cả
Bất động hơn Tu du
Bước đi như sư tử
Mắt hơn cả ngựa vương.
Lại vì quá vui mừng Tôn giả lớn tiếng nói kệ:
Đem tâm thanh tịnh nghiệp
Nay đắc diệu quả này
Vì tự nghiệp sơ tạo
Chẳng phải do ai làm
Vô lượng vô số kiếp
Tu tịnh thân khẩu nghiệp
Cụ túc hành lục độ
Trang nghiêm không chướng thân
Người thấy đều hoan hỷ
Oan gia cũng yêu mến
Ta nay thấy Như Lai
Làm sao không hoan hỷ.
Lúc này Tôn giả tư duy nghĩ đến Đức Phật cho nên không biết đó là Ma. Đem thân đảnh lễ dưới chân Ma. Khi đó Ma vương kinh hãi liền nói:
– Trưởng lão đã không giữ lời giao kết.
Trưởng lão đáp:
– Giao kết gì?
Ma vương nói:
– Trước đã hứa với tôi, nếu tôi hóa ra sắc thân Đức Phật thì không được lễ lạy. Vì sao vừa thấy đã lạy vậy?
Trưởng lão từ đất đứng dậy nhỏ nhẹ đáp:
– Ta chẳng phải không biết Như Lai nhập Niết-bàn đã lâu. Nhưng vì thấy sắc thân vi diệu khôn lường, cho nên mới làm lễ, chứ nào phải lễ nhà ngươi.
Ma vương nói:
– Ông đem thân lễ dưới chân tôi. Vì sao lại nói không lễ?
Ưu-ba-cấp-đa nói:
– Ta không lễ ngươi, ngươi không trái hẹn, ngươi nên nghe đây, thí như lấy đất để tạo tượng Đức Phật, nếu ngươi lễ kính, thì cũng nghĩ tưởng lễ Đức Phật chứ không phải lễ đất. Ta nay thấy, tâm tưởng nghĩ đến Đức Phật chứ không tưởng ma.
Lúc này Ma vương trở lại thân cũ, cúng dường Ưu-ba-cấp-đa rồi trở về bản xứ. Qua bốn ngày sau Ma vương liền tự mình đánh chuông, khiến cho mọi người cùng nghe biết nếu muốn sinh thiên hay nhập Niết-bàn, thì nên đến chỗ Tôn giả Ưu-ba-cấp-đa mà thọ chánh pháp.
Nếu có người chưa được thấy Đức Phật, nên đến xem Ưu-ba-cấp-đa.
Sau đó Ma vương lại nói kệ:
Nếu người muốn phú quý
Không thích chốn bần cùng
Nếu thích vui thiên thượng
Và vui Đại Niết-bàn
Nên đến nghe pháp thọ
Tư duy mọi nghĩa thú
Nếu người chưa từng thấy
Tối thắng Lưỡng túc tôn
Đại sư có từ bi
Tự nhiên được Thánh pháp
Tất đều đi đến
Chỗ Ưu-ba-cấp-đa
Vị này vì thế gian
Làm ngọn đèn soi sáng.
Khi những lời này đến khắp cõi nước Ma-thâu-la nói là Tôn giả Ưu-ba-cấp-đa đã hàng phục Ma vương rồi. Chư Bà-la-môn ở nước Mathâu-la, cùng tất cả nhân dân đều đến chỗ Ưu-ba-cấp-đa. khi đó Ưu-bacấp-đa ngồi trên tòa sư tử vì chúng mà thuyết pháp, tâm không có lo sợ ví như sư tử, liền nói kệ:
Nếu người không có trí
Không lên tòa Sư tử
Ví như lên tòa cao
Càng sinh lòng sợ hãi
Như sư tử không sợ
Hàng phục hết ngoại đạo
Nếu có thể như thế
Kham ngồi tòa Sư tử.
Lúc này Ưu-ba-cấp-đa lúc đầu nói pháp xong rồi, lần lượt nói đến cac pháp Tứ đế, có vô số người đắc quả A-na-hàm, quả Tư-đà-hàm, quả Tu-đà-hoàn, nhẫn đến có một vạn người xuất gia tọa thiền duy, tinh tấn tu đạo đến đắc quả A-la-hán, Ở núi Đề hồ lớn có một hang đá, dài mười tám khuỷu tay, rộng mười hai khuỷu, khi hàng đệ tử đã chứng đắc.
Trưởng lão nói:
– Trong hàng đệ tử của ta được giáo hóa chứng quả A-la-hán. Nếu đắc quả A-la-hán rồi thì lấy tấm thẻ tre bốn tấc bỏ vào hang. Nhẫn đến trong một ngày có đến một vạn tám ngàn A-la-hán đều lấy thẻ bỏ vào trong hang.
Danh tiếng của Tôn giả vang khắp cả đại địa. Ở đâu cũng biết là ở nước Thâu-ma-la có Ưu-ba-cấp-đa, là đệ tử Đức Phật giáo hóa bậc nhất.
NHÂN DUYÊN ĐẮC ĐẠO CỦA XÁ-NA-BÀ-TƯ
Lúc này Xá-na-bà-tư xuất gia cho Ưu-ba-cấp-đa xong rồi. Ưu-bacấp-đa hàng phục Ma vương cũng xong, rồi nhiếp hóa chúng sinh. Xána-bà-tư suy nghĩ, ta nay nhiếp thọ chánh pháp đã xong, nay ta muốn đi đến nước Kế tân để thọ Tam-muội lạc như Đức Thế Tôn đã thọ ký. Nước Kế tân là nơi tọa thiền đệ nhất. Thế là Xá-na-bà-tư liền đi đến nước kia. Vào trong hang đá nhập Tam-muội lạc, có gió thanh tịnh thổi đến mát thân, tức liền chứng quả A-la-hán thọ vui giải thoát. Mà nói kệ:
Trước đắp y Xá-na
Xúc ngũ chủng Tam-muội
Ở trong núi tối thắng
Đoạn tọa nhập thiền định
Khiến trong gió xuất tiếng
Biến khắp nước Kế tân
Là Xá-na-bà-tư
Nay đã đắc pháp lạc
Đem thanh tịnh tự thệ
Đắc vô lậu giải thoát
Nay Xá-na-bà-tư
Tự nói lời kệ này.
Kinh A-Dục Vương – Quyển 8(Hết)