KINH A DỤC VƯƠNG

Hán dịch: Đời Lương, Tam tạng Tăng-già-sa-la, ở đất Phù nam
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 4

Phẩm 4: NHÂN DUYÊN VỀ CÂU-NA-LA

Có một vị phu nhân của vua tên là Bát-ma-bà-để (Hán dịch là hoa Phù dung).

Sinh ra một vị hoàng nam, hình sắc đoan chánh có đôi mắt rất đẹp, ai thấy cũng đều yêu mến. Có cung nhân tới thưa vua phu nhân đã sinh con trai.

Vua nghe thì vui mừng nói kệ:

Ta trông hôm nay
Rất là hoan hỷ
Ta dòng Khổng tước
Danh vang khắp nơi
Cung nhân theo pháp
Do đây tăng trưởng.

Đứa bé này được vua đặt tên Đạt-ma Bà-dà-na. Người hầu ẵm đến chỗ vua, vừa trông thấy thì vui vẻ nói kệ:

Con ta mắt đoan nghiêm
Vì công đức sở tạo
Quang minh nhiều thâm diệu
Như hoa Ưu-bà-la
Công đức của mắt này
Trang nghiêm cả khuôn mặt
Dung mạo đều đoan chính
Ví như măt trăng đầy.

Vua hỏi một vị đại thần:

– Ông có thấy ai có đôi mắt này không?

Chư đại thần thưa:

– Ở trong cõi người thật chưa từng thấy. Nhưng ở núi tuyết có chim tên Câu-na-la. Mắt của chim này rất giống vương tử, liền nói kệ:

Trên đinh Tuyết sơn
Có chỗ hoa báu
Chim Câu-na-la
Thường trụ trên đó
Mắt của vương tử
Cùng loại chim kia.

Vua liền ra lệnh đi bắt chim này về. Vua thấy mắt chim giống mắt con nên đặt tên là Câu-na-la cho vương tử, bèn nói kệ:

Vua cõi nhân địa
Yêu đôi mắt con
Tên là Câu-na
Lúc đặt tên con
Khắp cả đại địa
Xa gần nghe danh.

Rồi Câu-na-la lớn lên có vợ tên là Kim-man-hoa (Thiên giá Nama-la).

Một hôm, vua cùng Câu-na-la đến chùa Kê-đầu. Thượng tọa Daxá thấy Câu-na-la, chẳng còn bao lâu nữa thì bị mất đôi mắt, liền nói với vua.

– Vì sao không bảo Câu-na-la tạo thiện nghiệp cho mình?

Vua liền nói với Câu-na-la:

– Đại đức dạy gì con nên làm theo.

Câu-na-la liền sụp lạy xuống chân Tôn giả thưa:

– Đại đức muốn dạy gì?

Da-xá nói:

– Ông nên tư duy về đôi mắt này là vô thường chẳng thật của mình.

Này Câu-na-la
Thường tư duy mắt
Vô thường bệnh khổ
Muôn hoạn tụ tập
Phàm phu điên đảo
Do đây vượt qua.

Sau đó Câu-na-la trở về cung riêng ngồi tịch tịnh tư duy về đôi mắt và các sự khổ vô thường. Đệ nhất phu nhân của vua tên là Vi-sa Lạc-khởi-đa tới chỗ Câu-na-la thấy ngồi một mình, quán đôi mắt đẹp kia thì sinh dục tâm ôm lấy mà nói kệ:

Như lửa mạnh thiêu đốt
Tâm ta nay cũng thế
Lửa yêu đương hừng hực
Người nên tùy ý ta.

Câu-na-la nghe nói thì lấy tay bịt tai, rồi nói kệ:

Người ở chỗ của ta
Chớ nên nói lời này
Người đã là mẹ ta
Ta cũng như con cái
Sự yêu đương phi pháp
Cần phải nên xa lìa
Cớ gì làm như vậy
Cửa ác đạo mở toang.

Đại phu nhân vì không vừa ý thì nổi giận nói kệ:

Tâm ái trụ chỗ ta
Mà người không tùy ý
Người đã gieo tâm ác
Không lâu sẽ bị hại.
Câu-na-la đáp:
Tôi thà bị giết chết
Giữ pháp lòng thanh tịnh
Chớ không cầu được sống
Mà khởi sinh tà tâm
Nếu người có ác tâm
Mất thiện pháp nhân thiên
Thiện pháp đã không còn
Lấy gì để được sống.

Từ đó phu nhân thường tìm cách để mưu hại Câu-na-la. Ở phía Bắc của nước tên Đức-xoa-thi-la không chịu thần phục vua A-dục. Vua nghe tin ý muốn đi chinh phạt.

Đại thần thưa:

– Nên sai vương tử Câu-na-la đi.

Vua liền gọi Câu-na-la đến bảo:

– Con đến nước kia được không?

Vua lại nói kệ:

Ta hôm nay đây
Nghe nói việc này
Nên cho con đi
Mà tâm ta đây
Lòng luôn nghĩ nhớ
Lại càng trang nghiêm.

Vua sai người sửa sang đường xá. Người già bệnh không cho ra ngoài. Vua cùng Câu-na-la cùng ngồi trên xe đưa tiễn đi một đoạn, rồi mới chia tay. Vua ôm con nhìn vào đôi mắt Câu-na-la khóc mà nói:

Nếu có người thấy
Mắt Câu-na-la
Tâm liền hoan hỷ
Tật bệnh tiêu trừ.

Lúc đó có một tướng sư Bà-la-môn, biết Câu-na-la không bao lâu sẽ bị mù. Thấy vua chỉ nhìn vào mắt kia mà không màng chuyện khác thì nói kệ:

Vương tử mắt thanh tịnh
Vua thấy lòng hân hoan
Mắt sáng tỏ trang nghiêm
Vì sao lại bị mất
Nhân dân trong nước này
Thấy mắt Câu-na-la
Ai nấy đều vui vẻ
Dụ như cõi lạc thiên
Nếu đôi mắt kia mất
Lòng người sẽ đau buồn.

Câu-na-la đi đến nước Đức-xoa-thi-la. Dân nước đó nghe Thái tử đến thì ra khỏi thành nửa do tuần để sửa sang đường phố mà đón tiếp.

Nhân dân cùng nói kệ:

Người Đức-xoa-na-la
Lấy bình báu đựng nước
Và cúng dường đầy đủ
Nghinh tiếp Câu-na-la.

Khi thái tử đến thì nhân dân chắp tay thưa:

– Chúng tôi không có ý đấu tranh, cũng không có phản bội vua cùng Thái tử chỉ vì vua nước tôi nghe lời nghịch thần mới làm điều vô đạo.

Nhân dân đón tiếp Câu-na-la vào trong thành, dùng hương hoa thực phẩm cung phụng đầy đủ cho thái tử.

Lúc này vua A-dục bị bệnh nặng. Mùi hôi thúi từ miệng bốc ra. Nước dơ từ các lỗ chân lông tuôn ra. Tất cả long y đều không thể trị được. Vua liền bảo chư đại thần:

Triệu Câu-na-la trở về để ta truyền ngôi báu. Ta không còn sống bao lâu nữa.

Phu nhân Vi-sa Lạc-khởi-đa nghe thế liền suy nghĩ:

– Nếu Câu-na-la lên làm vua thì ta tất phải chết.

Liền bạch với vua:

– Thiếp có thể trị bệnh cho vua được khỏi. Xin chớ cho thầy thuốc vào đây.

Vua nghe lời không mời long y nửa.

Lúc này phu nhân nói với một vị lương sư:

– Coi có ai mắc bệnh như vua thì bắt đem về đây.
Ở nước A-tỳ-la có người mắc bệnh giống như vua. Vợ người đó tìm thầy thuốc nói lại các bệnh trạng. Thầy thuốc bảo.

– Nên đem lại đây, ta muốn thấy. Mới có thể trị được.

Khi người bệnh đến thầy thuốc đem vào cho phu nhân. Phu nhân sai người mổ bụng người đó ra thì thấy một con trùn lớn. Trùn bò lên thì phân theo lên, bò xuống thì phân theo xuống. Nếu bò hai bên thì phân tiết ra các lỗ chân lông. Phu nhân bỏ các thứ vào đó mà trùn vẫn không chết. Sau cùng thì bỏ tỏi vào trùn mới chết. Đem việc này thưa lại với vua và khuyên vua nên dùng tỏi.

Vua đáp:

– Ta là dòng Sát-đế-lợi không được ăn tỏi.

Phu nhân đáp:

– Để cứu mạng thì cần phải ăn thôi.

Vua nghe lời ăn tỏi thì trùng kia bị chết và bệnh liền khỏi. Vua tắm rửa sạch sẽ rồi nói với phu nhân.

– Nay phu nhân có sở cầu gì, ta cũng tùy ý cho được như nguyện.

Phu nhân thưa:

– Xin cho tôi làm vua bảy ngày.

Vua nói:

– Nếu làm vua nàng tất sẽ giết ta.

Phu nhân nói:

– Qua bảy ngày tôi sẽ trả lại ngôi vua.

Vua liền bằng lòng. Phu nhân suy nghĩ ta muốn trừng trị Câu-nala nay đã đến lúc. Phu nhân bèn viết chiếu thư giả của A-dục vương, đưa đến cho dân Đức-xoa-thi-la bảo phải lấy mắt của Câu-na-la.

Trong thư nói kệ:

Ta nay có đại lực
Uy danh thật vô cùng
Vương tử Câu-na-la
Vi phạm điều trọng tội
Nay khiến cho nhân dân
Hủy cả hai con mắt
Nay ra lệnh các ngươi
Phải nên thi hành nhanh.

Phu nhân viết thư rồi, muốn lấy ấn của vua đóng vào. Đợi vua ngủ phu nhân đến bên vua định lấy, nhà vua tỉnh giấc.

Phu nhân hỏi:

– Vua vì sao kinh sợ.

Vua đáp:

– Ta có điềm mộng bất tường. Thấy chim thứu muốn cướp đôi mắt Câu-na-la. Cho nên lo sợ.

Phu nhân đáp:

Vua chớ lo, thái tử hiện đang rất an ổn.

Lần thứ hai cũng nằm mộng, vua trở dậy bảo với phu nhân:

– Ta lại mộng thấy điềm không lành.

Phu nhân hỏi:

– Mộng thấy gì?

Vua đáp:

– Ta thấy Câu-na-la đầu tóc, râu, móng tay đều dài ra mà không thể nói.

Phu nhân đáp:

– Thái tử vẫn an ổn xin vua chớ lo.

Một lát sau, khi vua ngủ lại. Phu nhân lấy được ấn vua đóng vào chiếu thư, rồi sai người đem đi đến nước Đức-xoa-thi-la. Vua lại nằm mộng thấy răng rớt ra. Hôm sau vua tắm rửa sạch sẽ cho mời tướng sư đến, vua nói lại các giấc mộng và nói:

– Tướng sư vì ta mà giải thích giấc mộng này.

Tướng sư đáp:

– Theo giấc mộng này thì con vua sẽ bị mất mắt, chẳng khác gì mất con, lại nói kệ:

Người mộng thấy răng rụng
Thì con bị mất mắt
Mắt kia đã mất rồi
Chẳng khác gì mất con.

Vua nghe vậy thì liền đứng dậy chắp tay hướng về bốn phương, chú nguyện rằng:

Nay nhất tin quy Phật
Thanh tịnh Pháp cùng Tăng
Chư tiên nhân thế gian
Các vị thần tối thắng
Tất cả chư Thánh chúng
Đều hô Câu-na-la.

Lại nói người sứ đem thư đến cho dân nước Đức-xoa-thi-la. Mọi người đọc thư xong liền nghĩ:

–Vua A-dục thật là đáng sợ. Ngay con của mình mà còn không huống gì là chúng ta, liền nói kệ:

Ngày nay Câu-na-la
Như đại tiên không khác
Trong tất cả chúng sinh
Đều làm cho lợi ích
Vua cha Đại A-dục
Không có lòng thương xót
Huống gì với dân chúng
Lại không thể làm hại.

Rồi đem thư lại cho thái tử. Câu-na-la nhận thư nói với mọi người:

– Nay tùy ý các người cứ lấy mắt của tôi.

Có một người kêu một kẻ Chiên-đà-la đến.

– Người có thể lấy cặp mắt của thái tử.

Người ấy chắp tay thưa:

– Tôi không thể làm? Vì sao?

Người như mặt trăng đầy
Có thể trừ ánh sáng
Nay sao nỡ bỏ đi
Mắt sáng kia của người.

Câu-na-la cởi mũ báu đưa Chiên-đà-la nói:

– Ông nên lấy mắt của ta. Ta cho ông vật này.

Lại có một người có hình mạo như quỷ đứng dậy nói:

– Tôi có thể làm được.

Câu-na-la nhớ lại lời dạy của Tôn giả Da-xá và nói kệ:

Hội hợp có ly
Là lời chân thật
Tư duy nghĩ này
Biết mắt vô thường
Là thiện tri thức
Làm lợi cho ta
Người đã thuyết giảng
Nhân duyên khổ không
Ta nên suy tư
Tất cả vô thường
Lời người dạy rõ
Suy nghĩ sâu xa
Ta không sợ khổ
Thấy pháp bất trụ
Y lời vua dạy
Người lấy mắt ta
Ta đã nhiếp thọ
Vô thường chân thật.

Câu-na-la nói với người ấy:

– Người lấy một mắt trước, đặt vào tay ta. Ta muốn xem nó. Khi người quỷ muốn lấy vật, mọi người trông thấy liền kêu khóc:

Mắt thanh tịnh không nhơ
Như trăng ở hư không
Ngươi nay lấy mắt vua
Như nhổ ao hoa sen.

Mọi người kêu gào than khóc. Quỷ móc ra một mắt, đặt vào tay Câu-na-la, Câu-na-la hướng về mắt nói kệ: Ngươi vốn xưa nay

Thấy hình thấy sắc
Mà đến hôm nay
Cớ sao không thấy
Bởi khiến cho người
Sinh lòng yêu mến
Nay thấy không thật
Chỉ là hư dối
Ví như bọt nước
Vật này không thật
Không có tự tại
Hiểu được nghĩa này
Thì xa lìa khổ.

Câu-na-la suy tư về các pháp vô thường liền đắc quả Tu-đà-hoàn, rồi nói với người quỷ:

– Nên móc tiếp con kia.

Mắt lấy ra lại đặt vào tay Câu-na-la. Mất đi nhục nhãn lại được tuệ nhãn lại nói kệ rằng:

Ta hôm nay đây
Xả bỏ nhục nhãn
Tuệ nhãn khó đắc
Ta nay đã được
Vua đã từ ta
Chẳng còn vương tử
Ta đắc pháp đạo
Là đệ tử Phật
Sống đời tự tại
Cung điện khổ đọa
Lại chứng tự tại
Cung điện pháp vương.

Sau đó Câu-na-la biết đại phu nhân viết thư này, liền nói kệ:

Nguyện cho phu nhân
Hưởng phước dục lạc
Thọ mạng lâu dài
Không có tận diệt
Do phương tiện này
Ta được tự tại.

Vợ của Câu-na-la là Thiên-giá-na-ma-la, nghe Câu-na-la mất mắt máu chảy dầm dề bà đau đớn té xỉu xuống đất, mọi người lấy nước rửa mặt hồi lâu mới tỉnh khóc lóc nói kệ:

Mắt sáng tỏ đáng yêu
Xưa thấy đều hoan hỷ
Nay đã bị lìa thân
Lòng nào không đau đớn.

Câu-na-la nói:

–Nàng chớ khóc than. Ta tự gây nghiệp, thì tự thọ báo.

Lại nói kệ:

Tất cả thế gian
Vì nghiệp buộc thân
Chúng khổ vì thân
Người nên biết rõ
Muôn sự hòa hợp
Tất cả chia lìa
Nếu đã biết rõ
Chớ nên khóc lóc.

Câu-na-la cùng với vợ từ nước Đức-xoa-thi-la trở về vua A-dục. Hai người chưa từng chịu cực khổ, cho nên thân thể yếu duối khó lòng kham nổi vất vả. Câu-na-la giỏi việc đàn hát, nên lấy nghiệp này khất thực độ thân để trở về bổn quốc, lần hồi đi đến chỗ cung vua. Lúc này người giữ cửa không nhận ra nên không cho vào. Hai người bèn vào nghỉ trong chuồng ngựa. Nửa đêm gảy đàn lên mà hát.

Hát rằng:

Mắt ta đã mất
Tứ đế đã thông Lại nói kệ:
Người đạt được trí tuệ
Thấy mười hai nhập xứ
Lấy trí tuệ làm đèn
Được giải thoát sinh tử
Khổ ở trong ba cõi
Đều do nơi tự tâm
Vượt qua được Tam giới
Nay đã được tỏ thông
Nếu muốn cầu thắng lạc
Tư duy mười hai nhập.

Lúc này vua A-dục nghe lời hát này thì tâm rất vui, nói kệ rằng:

Lời kệ nói này
Cùng tiếng đàn ca
Giống như con ta
Tiếng Câu-na-la
Nếu đã đến đây
Sao không gặp ta.

Vua bảo người hầu:

– Ta nghe âm thanh này giống như của Câu-na-la, nhưng âm thanh hòa dịu kia lại có vẻ ai oán. Nghe lời này làm tâm ta loạn động. Như voi mất con lại được nghe tiếng, tâm rất bồi hồi bất an. Người đến đó xem có phải là Câu-na-la không? Nếu phải thì đưa đến đây.

Người kia liền đi đến chuồng ngựa. Thấy một người bị mù mắt, thân hình tiều tụy thì không nhận ra, trở về thưa vua.

– Đó là một người mù, đi cùng với vợ chứ không phải Câu-na-la.

Vua nghe lời này thì buồn bã, nói kệ:

Như điềm mộng ngày trước
Câu-na-la mất mắt
Nay kẻ bị mù này
Có thể là vương tử
Ngươi nên trở lại xem
Đem người ấy về đây
Ta luôn nghĩ đến con
Lòng thật không an ổn.

Người kia đến chỗ Câu-na-la hỏi:

– Ông là ai? Tên họ là gì?

Câu-na-la nói kệ:

Cha tên A-thâu-kha
Dòng họ lớn Khổng tước
Tất cả khắp đại địa
Người đều cùng thống lãnh
Ta chính là vương tử
Tên gọi Câu-na-la
Là dòng họ pháp vương
Nay là pháp vương tử.

Người kia đem vợ chồng Câu-na-la vào cung. Vua lúc này thấy Câu-na-la phong sương dãi dầu, ăn mặc lam lũ thô sơ hình dung tiều tụy nên không nhận ra. Trong lòng vua nghi hoặc liền nói:

– Người là Câu-na-la phải không?

Khi nghe lời đáp vua liền té xỉu xuống đất. Những người đứng bên liền nói kệ:

Vua thấy Câu-na-la
Đôi mắt đã không còn
Lòng khổ não vô cùng
Từ trên rơi xuống đất.

Người hầu cận lấy nước rửa mặt vua tỉnh lại. Vua ôm lấy Câu-nala đặt trên đầu gối mình. Lại ôm đầu con khóc than, nhớ lại dung mạo ngày nào nên nói kệ:

Mắt con xinh đẹp
Nay lại thế này
Cớ sao lại mất
Hãy nói ta nghe
Mắt con không còn
Như trời không trăng
Hình dung tiều tụy
Việc này do ai
Ta nhớ hình dung
Tợ như tiên nhân
Ai nỡ lòng nào
Hoại đôi mắt kia
Con ở thế gian
Ai là oán thù
Lòng ta não hận
Cũng do đây ra
Thân con diệu sắc
Ai nỡ hãm hại
Tâm người ác độc
Thiêu đốt lòng ta
Ví như mây đá
Làm gãy cỏ cây
Điện chớp não loạn
Phá nát lòng ta
Nhân duyên thế nào
Con mau nói ra.
Câu-na-la dùng kệ đáp:
Vua không nghe Phật dạy
Nghiệp báo không thể thoát
Dù là Bích-chi-phật
Cũng không thể miễn tránh
Tất cả hàng phàm phu
Đều do nghiệp tạo ra
Nghiệp duyên của thiện ác
Thời đến thì nên thọ
Tất cả loài chúng sinh
Tự làm tự thọ báo
Con tự biết nhân duyên
Không thể thoát mất mát
Khổ này con tự làm
Chớ không do ai làm
Như đôi mắt này đây
Cũng đâu do ai làm
Tất cả khổ chúng sinh
Cũng lại đều như thế
Tất cả nghiệp tạo ra
Vua nên hiểu điều này.

Vua A-dục lòng vẫn ảo não không dứt nói:

Con nói ra người này
Lòng ta mới hết buồn
Con không chịu nói ra
Tâm ta càng bất an.

Thái tử liền nói đại phu nhân làm. Vua cho gọi Vi-diệu Lạc-khởiđa đến nói:

Người nay làm việc ác
Làm sao tránh tai họa
Ngươi đã không giữ pháp
Phạm trọng tội với ta
Nay đã làm điều ác
Bỏ ngôi vị phu nhân
Còn như người làm thiện
Làm các điều pháp lợi.

Tâm vua giận dữ như lửa thiêu đốt khi nhìn thấy Vi-sa Lạc-khởiđa, liền nói kệ:

Ta từ hôm nay
Muốn móc mắt ngươi
Muốn đem dao búa
Để chém thân ngươi
Dùng cưa xẻ thân
Dùng dao cắt lưỡi
Dùng kiếm cắt cổ
Dùng lửa thiêu thân
Cho uống độc dược
Để trừ mạng sống.

Vua nói xong, muốn trị tội Vi-sa Lạc-khởi-đa. Câu-na-la nghe thì sinh lòng thương xót, lại nói kệ:

Vi-sa Lạc-khởi-đa
Dù làm muôn điều ác
Đại vương ngày hôm nay
Cũng chớ nên giết người
Tất cả nguyện đại lực
Đều không qua nhẫn nhục
Lời Thế Tôn đã nói
Đều là lời tối thượng.

Vua không nghe lời con, bắt Vi-sa Khởi-đa giam vào nhà lửa rồi thiêu đốt. Lại ra lệnh tàn sát dân Đức-xoa-thi-la.

Hàng Tỳ-kheo thấy việc này thì có lòng nghi mới hỏi Đại đức Ưu-ba-cấp-đa:

– Câu-na-la đã gây ra túc nghiệp gì, mà nay phải thọ báo này.

Đại đức đáp:

– Các ông lắng nghe. Vào đời quá khứ xa xưa ở nước Ba-la-nại có một thợ săn, ở trên núi Tuyết giết hại nhiều loài thú. Có một lần đến núi Tuyết gặp lúc mưa bão sấm chớp, có năm trăm con nai vì sợ nên vào trong hang núp. Người thợ săn thấy bầy nai, bèn vây bắt tất cả, rồi nghĩ:

– Nếu giết hết thì thịt sẽ ương thúi. Vậy ta nên móc mắt để chúng không chết mà cũng không bỏ đi. Sau mới dần dần giết.

Người thợ săn đó chính là Câu-na-la bây giờ. Vì móc mắt nay nên đọa trong địa ngục trải qua vô số kiếp. Ra khỏi nạn địa ngục, thì sinh vào cõi người, năm trăm đời móc mắt, nay là thân cuối cùng thọ khổ báo này.

Chư Tỳ-kheo lại hỏi:

– Vì nhân duyên gì được sinh vào nhà tôn quý, có đôi mắt đoan nghiêm, lại chứng quả A-la-hán.

Đáp:

– Các ông nghe đây. Đời quá khứ xa xưa khi con người thọ đến bốn vạn tuổi. Có Đức Phật ra đời tên là Già-la-cưu-thôn-đại. Thuyết pháp độ chúng sinh xong liền nhập vô dư Niết-bàn. Lúc ấy có vua tên Thâu Pha, vì Đức Phật mà xây tháp cúng dường. Khi vua mất, người em không tin Phật, đem gỡ hết trân châu ngọc báu nơi tháp, duy chỉ chừa lại đất đá cây cối. Nhân dân trong nước thấy tháp bị phá hủy thì đau buồn ảo não. Có vị trưởng giả hỏi mọi người vì sao lại như thế. Có người đáp:

– Tháp của Đức Phật vốn làm bằng tứ báu, nay bị lấy hết khiến cho hư hoại, cho nên chúng tôi buồn thương rơi lệ.

Trưởng giả liền đem bốn báu trang nghiêm tháp lại còn nguy nga hơn cả lúc đầu. Lại xây tường vàng đặt ở trong tháp. Xây xong lại phát nguyện:

– Phật Già-la-thôn-đại là thầy của thế gian. Nguyện tôi đời sau cũng như hôm nay.

Chư Tỳ-kheo nên biết, Trưởng giả đó chính là Câu-na-la bây giờ. Vì sửa sang chùa tháp của Đức Phật, nay được sinh vào dòng họ cao quý, lại được thân đoan nghiêm đệ nhất. Lại phát nguyện gặp được thiện sư, nay gặp Đức Phật Thích-ca và thấy được Tứ đế.

Kinh A-dục vương, Quyển 4 (Hết)

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10