KINH A DỤC VƯƠNG

Hán dịch: Đời Lương, Tam tạng Tăng-già-sa-la, ở đất Phù nam
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 3

Phẩm 3: NHÂN DUYÊN CÚNG DƯỜNG CÂY BỒ-ĐỀ

Bấy giờ vua A-dục, đối với hai chỗ Đức Phật đản sinh chuyển pháp luân và Niết-bàn đều đem mười vạn lượng vàng cúng dường nơi cây Bồ-đề. Từ đó càng sinh lòng tín lạc và suy nghĩ rằng:

– Đây là nơi Đức Thế Tôn đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồđề, ngày ngày vua đều đem trân báu cúng dường cây này.

Lúc bấy giờ đệ nhất phu nhân của vua tên là Vi-diệu-lạc-khởi-đa rất giận dữ.

– Đại vương đã yêu quý ta. Sao lại còn đem trân báu cúng dường cho cây này, bèn cho gọi một người con gái Chiên-đà-lợi lại nói rằng:

– Ta rất ghét cây Bồ-đề này, người có thể phá cheat nó được không?

Đáp rằng:

– Nếu cho tôi vàng tôi sẽ làm theo lời phu nhân nói được.

Chiên-đà-lợi dùng chú thuật để làm cho cây khô héo gần chết.

Có người tâu với vua:

– Cây Bồ-đề đã gần khô chết.

Mà nói kệ rằng:

Phật ngồi cây Bồ-đề
Biết tất cả thế gian
Đắc nhất thiết chủng trí
Cây này nay gần chết.

Vua nghe lời này thì đau buồn té xỉu xuống đất, các quan đem nước rửa mặt cho vua tỉnh lại.

Vua than khóc mà nói kệ rằng:

Ta thấy thọ vương này
Như thấy Đức Như Lai
Cây nếu bị khô chết
Mạng ta cũng chẳng còn.

Phu nhân thấy vua đau buồn như thế thì nói:

– Dù tôi không thể làm cho cây này sống lại, nhưng cũng có thể làm cho vua vui.

Vua nói:

– Nếu ngươi làm cho cây này sống lại thì ngươi chẳng phải là nữ nhân. Bởi vì Đức Phật ở tại nơi này đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tambồ-đề.

Phu nhân gọi Chiên-đà-lợi nữ đến nói:

– Ngươi có thể làm cho cây sống lại không?

Đáp:

– Nếu rễ chưa chết thì có thể sống lại.

Thế là Chiên-đà-lợi đọc chú giải cho cây, đào hầm xung quanh lấy nước tưới hằng ngày. Từ đó cây dần dần xanh tốt lại như cũ.

Người giữ cây lại tâu với vua:

– Vua nay đã phát sinh công đức lớn. Cây Bồ-đề nay đã sống trở lại.

Vua nghe nói vậy thì rất vui mừng, lập tức đến cây Bồ-đề, chiêm ngưỡng cây tận mắt không rời.

Rồi nói kệ:

Từ nơi Bình sa vương
Và các vị quốc vương
Hai nhân duyên vô thượng
Tất đều không thể làm
Nên nơi cây Bồ-đề
Tưới hương hoa nhũ sắc
Lại chuyên tu cúng dường
Thánh chúng ngũ bộ Tăng.

Lúc này vua A-dục, đem một ngàn cái bình bằng vàng bạc lưu ly đựng đầy nước hương cúng dường đem tưới cho cây. Dùng các thứ lụa là làm áo bọc cho cây. Vua lại tự thân thọ trì bát giới. Thọ giới xong, tay cầm lấy lò hương mà để trên điện. Thỉnh bốn phương Tăng lại nói:

– Đệ tử Đức Thế Tôn ở tại bốn phương, vì muốn nhiếp hóa ta cho nên đến đây. Liền nói kệ:

Đệ tử Đức Như Lai
Tu tịch tịnh lìa dục
Ứng cúng đại phước điền
Trời người đều quy về
Tối thắng đệ tử Phật
Tu thiền lìa ái trước
A-tu-la về nương
Đương lai nhiếp thọ ta
Ở nơi nước Kế tân
Đại lâm và ám lâm
Có chư vị La-hán
Đương lai nhiếp thọ ta
Đệ tử Phật tu thiền
Bên bờ ao A-nậu
Và hang núi sông ngòi
Nay vì lòng từ bi
Khéo nói đệ tử Phật
Trụ điện cát xá-lợi
Tâm từ bi vô ưu
Đương lai nhiếp thọ ta
Thần lực đại dũng mãnh
Ở trong núi Hương túy
Ta thỉnh A-la-hán
Cùng đến tại chỗ này.

– Khi vua A-dục nói lời này, có ba mươi vạn Tỳ-kheo hòa hợp lại cùng với mười vạn A-la-hán. Hai mươi vạn học nhân và hàng phàm phu tinh tấn đến vô lượng vô số người. Trong số Tăng chúng có một ghế Thượng tọa không có người ngồi. Vua bạch với Thượng tọa Da-xá rằng:

– Còn một ghế thượng tọa vì sao không có người ngồi.

Đáp:

– Đây là chỗ đệ nhất Thượng tọa.

Vua hỏi:

– Ngoài Đại đức ra còn có vị Thượng tọa nữa sao?

Đáp:

– Đức Phật bảo ở trong hàng đệ tử có vị sẽ làm Sư tử hống đệ nhất. Họ là Phả-la-đọa, tên Tân-đầu-lô. Chỗ Thượng tọa đây chính là dành cho vị này.

Vua A-dục nghe nói vậy thì lông tóc đều dựng đứng như hoa Khađàm-bà.

Lại nói:

– Đại đức! Có vị Tỳ-kheo nào thấy Đức Phật lúc nhập Niết-bàn nay còn tại thế không.

Trưởng lão đáp:

– Có. Vị ấy chính là Phả-la-đọa Tân-đầu-lô, đã từng diện kiến Đức Phật.

Vua lại hỏi:

– Tôi có thể gặp vị ấy không?

Tôn giả nói:

– Nếu vua cần cầu thì vị ấy sẽ đến.

Bấy giờ vua nghe lời ấy thì rất vui mừng, mà nói kệ rằng:

Tôi nay được lợi lớn
Được nhiếp thọ vô cùng
Nay được thấy Đại đức
Tên gọi Tân-đầu-lô

Bấy giờ vua A-dục, chắp tay ngước nhìn lên hư không mắt vẫn không rời. Lúc này Tân-đầu-lô, cùng vô số chư vị La-hán cùng vây quanh như nửa vầng trăng. Dụ như chim nhạn vương từ trên trời bay xuống; đến nơi tòa thứ nhất ngồi xuống. Vua A-dục thấy Tân Đầu Lô đến và mười phương chư Tỳ-kheo đều từ chỗ ngồi đứng dậy. Lại thấy Tân-đầu-lô râu tóc bạc trắng. Lông mày rũ xuống che mặt như thân của Duyên giác.

Vua thấy liền năm vóc lạy xuống chân Tôn giả. Rồi quỳ dài chắp tay chiêm ngưỡng Tôn giả. Mắt rơi lệ mà nói kệ rằng:

Biển đại địa làm y
Núi trang nghiêm bao bọc
Trừ oán được đất này
Khiến tôi sinh hoan hỷ
Cũng không bằng hôm nay
Cùng Đại đức tương kiến
Tôi nay thấy đại đức
Tâm niệm càng bội phần.

Lại hỏi:

– Đại đức có thấy ĐứcThế Tôn không?

Kế đến lại hỏi:

– Đại đức có thấy Thế Tôn không?

Lúc này Tân-đầu-lô dùng hai tay vạch lông mày ra nhìn vua Adục, nói kệ:

Ta thấy Phật vài lần
Muôn loài không ai bằng
Có ba mươi hai tướng
Mặt như vầng trăng đầy
Phạm âm trừ phiền não
Vào Tam-muội vô tịnh.

Vua A-dục lại hỏi:

– Đại đức thấy ở những chỗ nào?

Trưởng giả đáp:

– Đại vương! Đức Thế Tôn cùng năm trăm vị La-hán đã diệt hết lậu tận cùng đi theo Đức Phật. Lúc đầu ở trong thành Vương xá. Ta lúc đó ở trong chúng được thấy Đức Phật đầy đủ, liền nói kệ:

Vô dục từ vô dục
Thích-ca Mâu-ni Tôn
Thường an cư nơi này
Ta thấy Phật đầy đủ
Như ngươi nay thấy ta
Như ta đã thấy Phật.

Lại nữa Đại vương! Đức Như Lai khi ở trong nước Xá-vệ đã thắng ngoại đạo, hiện ra các loại thần lực, hóa ra vô số hóa Phật, có đầy đủ tướng hảo trang nghiêm. Thứ tự lên đến cõi trời A-già-nị-sất. Ta cũng ở trong đó thấy Phật biến hóa thần lực, rồi nói kệ:

Lúc có bọn ngoại đạo
Làm các thứ tà giáo
Thế Tôn dùng thần lực
Thị hiển để hàng phục
Lúc mà ta thấy Phật
Thế gian đều hoan hỷ.

Lại nữa Đại vương! Đức Thế Tôn khi an trú trên cõi trời tam thập tam vì mẹ mà thuyết pháp, rồi cùng chư Thiên chúng đi xuống nước Tăng-kha-xà. Lúc ấy ta ở trong chúng nên thấy cả chư Thiên. Lại thấy Tỳ-kheo-ni tên là Uất-ba-na-ni-kha. Thấy vị này lấy hoa làm chuyển luân thánh vương đủ cả bảy báu, rồi nói kệ rằng:

Lên trời an cư rồi
Phật liền đi trở xuống
Ta đang ở trong chúng
Cho nên được thấy Phật.

Lại nữa Đại vương! Có nữ nhi Tu-ma-đa-già cô độc thỉnh Đức Phật và năm trăm La-hán. Đức Phật dùng thần lực đến nước Ma-kiệtđà. Ta dùng thần lực cũng đến nước đó. Khi đó Đức Như Lai bảo ta:

– Ông không nên nhập Niết-bàn, phải trụ vào pháp của ta, rồi lại nói kệ:

Tu-ma-già-đà thỉnh
Phật thần lực đến kia
Ta dùng lực dở núi
Theo đến nước Phân đà
Bấy giờ Phật dạy ta
Khiến ta đến trụ pháp
Vì nhân duyên như thế
Ta thấy Phật đủ đầy.

Lại nữa Đại vương! Ông khi đó là một đứa bé, tâm còn trẻ thơ. Khi Phật đi vào thành Vương xá khất thực. Ta đem thức ăn cúng dường, còn ông đem cát cúng dường Đức Phật. Thành hộ lúc đó khởi tâm hoan hỷ. Đức Phật đã thọ ký. Đứa bé này sau khi ta Niết-bàn một trăm năm, sinh vào nước Bà-sất-lợi có tên là A-thâu-kha, làm vua chuyển luân Thánh vương thống lãnh thiên hạ, vua khởi xây tám vạn bốn ngàn tháp, rộng cúng dường xá-lợi của Đức Phật, lúc ấy nói kệ:

Vua trước làm tiểu nhi
Chắp tay cúng dường cát
Ta cũng ở trong đó
Thấy đủ các sự việc.

Vua A-dục hỏi Tân-đầu-lô:

– Đại đức ở xứ nào?

Tôn giả dùng kệ đáp:

Phương bắc ao A-nậu
Ở trong núi Hương túy
Ta ở tại xứ kia
Cùng với chư học chúng.

Vua A-dục lại hỏi Tân-đầu-ta-la:

– Đại đức! Có bao nhiêu người tùy theo.

Lại dùng kệ đáp:

Sáu vạn A-la-hán
Vây quanh tùy theo ta
Ta và chư đại chúng
Dứt hết phiền não độc.

Lại nữa Đại vương! Vua còn nghi vấn gì nên đợi chúng Tăng ăn xong. Chúng Tăng dùng rồi sẽ cùng nghị luận.

Vua đáp:

– Thưa vâng, xin theo lời Đại đức dạy. Trước khi dùng nên niệm Phật quán cây Bồ-đề.

Sau khi quán cây Bồ-đề xong, vua mời chúng Tăng thọ thực. Vua đem các vật thực ra cúng dường. Vua nói với Tỳ-kheo tên Nhất Thiết Hữu:

– Tôi sẽ cúng cho chúng Tăng mười vạn tiền và một ngàn bình bằng kim ngân lưu ly. Đại chúng đều gọi tôi là cúng dường ngũ bộ tăng.

Lúc này có người con của vua tên là Câu-na-la đang đứng bên phải của vua. Vương tử vì sợ cha nên không dám nói, liền đưa hai ngón tay ra hiệu cho Tỳ-kheo, biểu thị sự cúng dường còn gấp đôi hơn cha.

Mọi người thấy Câu-na-la ra dấu tu phước thì đều cười lớn.

Vua thấy đại chúng cười liền hỏi quan đại thần Thành Hộ:

– Ông làm điều gì không phải cho nên mọi người cười?

Thành Hộ đáp:

– Nhiều người muốn làm công đức. Nếu làm sẽ hơn gấp bội.

Vua nói:

– Ta nay đem ba mươi vạn lượng vàng cúng dường chúng Tăng. Dùng ba ngàn bình báu đựng đầy hương nước để tưới cây Bồ-đề. Đại chúng sẽ gọi ta là vị cúng dường ngũ chúng.

Câu-na-la lại đưa bốn ngón tay ra dấu cho Tỳ-kheo. Lúc này vua giận nói với Thành Hội:

– Ta tu công đức, nay ai muốn cùng ta tranh giành.

Thành Hội thấy vua nổi giận, liền lễ dưới chân vua nói:

– Nào ai dám cùng vua tranh làm công đức này, liền nói kệ:

Ai dám cùng vua
Tranh tu công đức
Là Câu-na-la
Cùng vua tranh tu.

Vua A-dục xoay qua bên mặt trông thấy vương tử Câu-na-la, thì hướng về Tân-đầu-ô mà nói rằng:

– Đại đức! Trừ kho tàng thất bảo ra. Tôi nay đem đại địa, cung nhân, đại thần cùng thân mình và Câu-na-la đều cúng dường cho chúng Tăng. Để tên tôi ở trong đại chúng được gọi là cúng dường ngũ chúng, lại nói kệ rằng:

Tất cả nội cung
Duy trừ trân bảo
Cung nhân đại thần
Đều thí chúng Tăng
Tăng là đại chúng
Làm chỗ phước điền
Ta cùng vương tử
Đầy đủ công đức.

Thế là A-dục vương cúng dường Tần-đầu-lô và đại chúng xong. Ở nơi gốc cây Bồ-đề đều làm tường bao quanh. Vua tự mình leo lên tường, dùng bốn ngàn bình đựng đầy nước hương để tưới cây. Cây lại xanh tốt như cũ, liền nói kệ rằng:

Tưới xong cây Bồ-đề
Bồ-đề cây xanh tốt
Cành lá thật sum suê
Công đức cũng tăng trưởng.

Vua tưới cây xong, thì mầm lá nhú ra xanh tươi như trước. Vua cùng các đại thần và nhân dân rất là vui mừng. Lại thiết trai cúng dường chúng Tăng. Ở trong chúng có vị Đại đức tên là Da-xá. Nói với vua rằng:

– Ngày hôm nay đại chúng đều bình đẳng. Vua cúng dường cũng chớ sinh tâm phân biệt.

Vua tự tay đưa thức ăn cúng dường từ Thượng tọa cho đến chúng nhỏ. Trong chúng có hai vị Sa-di nhỏ tuổi đang đưa thức ăn qua lại cho nhau và cười giỡn. Vua thấy vậy thì cười mà nghĩ:

– Hai vị Sa-di này giỡn vui như con nít.

Khi vua đưa thức ăn đến chỗ Thượng tọa Da-xá, thì Đại đức nói: – Đại vương ở trong chúng Tăng chớ khởi lòng bất tín.

Vua đáp:

– Thưa vâng.

Lại bạch với Thượng tọa:

– Có hai vị Sa-di cùng đưa thức ăn cho nhau và cười giỡn.

Da-xá nói:

– Hai vị này đã chứng quả A-la-hán. Trí tuệ đã thông đạt giải thoát.

Vua nghe thì lòng rất vui liền khởi tâm nghĩ:

– Ta sẽ đem y đẹp cúng cho hai vị Sa-di này.

Sa di biết ý tưởng của vua, liền hiện ra các thần lực công đức. Một vị hóa ra cái chảo thiết đem đặt trước mặt vua. Một vị hóa ra nước Kiền-đà.

Vua thấy liền hỏi:

– Để làm gì?

Đáp:

– Đại vương! Chúng tôi thấy đại vương khởi tâm muốn cúng riêng cho chúng tôi y nên tôi muốn đem nhuộm.

Vua nghe thì nghĩ:

– Ta chỉ mới nghĩ chưa hề nói ra. Vì sao hai vị này biết được tâm ta, liền năm vóc cúi lạy xuống chân hai vị Sa-di, rồi nói kệ:

Ta Khổng tước đại vương
Và đại thần nhân dân
Công đức ta phải làm
Tất cả được lợi lớn
Tinh tấn chỗ sinh tín
Vật thí nay đã thí.

Rồi vua nói với hai vị Sa-di:

– Tôi sẽ cúng cho chúng Tăng mỗi vị ba y.

Thế là vua đối với năm chúng làm các việc công đức, lại cúng cho mỗi vị ba y. Đem bốn mươi vạn kim cúng cho chúng Tăng, lại đem vô số kim ngân chuộc lại đại địa cung nhân, đại thần cùng bản thân và Câu-na-la.

NHÂN DUYÊN VỀ TỲ-ĐA-THÂU-KHA

Vua đối với Phật pháp rất sinh lòng kính tin. Xây tám vạn bốn ngàn bảo tháp. Mở đại thí cúng dường cho cả năm chúng. Có ba mươi vạn A-la-hán, học nhân cùng phàm phu thiện tín thì vô số. Bấy giờ có em vua tên Tỳ-đa-thâu-kha tin theo ngoại đạo liền nói:

– Đệ tử của Thích-ca Mâu-ni không có giải thoát. Vì sao? Vì thích theo pháp thường lạc và sợ tu khổ hạnh.

Vua A-dục nghe vậy liền nói với người em:

– Người em lại tin nơi không đáng tin. Còn Phật pháp đã không tin lại còn phỉ báng.

Một hôm, vua cùng Tỳ-đa-thâu-kha đi săn, trông thấy trong núi có vị tiên nhân đang nướng mình trong năm ngọn lửa. Em của vua thấy tu khổ đạo như vậy thì tỏ vẻ cung kính đến gần vị kia lễ lạy dưới chân nói rằng:

– Đại đức ở đây đã bao lâu?

Tiên nhân đáp:

– Đã mười hai năm.

Lại hỏi:

– Ông dùng thức ăn gì?

Đáp:

– Ăn hoa quả và rễ cây.

Hỏi:

– Mặc như thế nào?

Đáp:

– Kết cỏ làm y phục để mặc.

Lại hỏi:

– Nằm nghỉ ra sao?

Đáp:

– Lấy cỏ trải dưới đất.

Lại hỏi:

– Vì nhân duyên gì mà khởi tu khổ hạnh?

Đáp:

– Thấy loài nai hành dâm, tâm tôi cũng khởi dục vọng, vì dục tâm nên phải dùng lửa thiêu đốt.

Em vua lòng lại càng nghi hoặc nghĩ:

– Tu khổ hành như đây mà còn khởi dục tâm. Còn đệ tử Đức Phật lại tu theo pháp an lạc, thì làm sao dục tâm không khởi. Đã khởi tâm 12 dục thì làm sao giải thoát, liền nói kệ:

Tiên nhân tu khổ hạnh
Ăn hoa trái rễ cây
Y phục bằng cỏ tranh
Không thể diệt ái dục
Đệ tử của Thích-ca
Ăn tô lạc nhủ vị
Với y thực các loại
Đều không thể buông lìa
Nếu hàng phục các căn
Núi Tần-đà mới trừ.

Em vua lại nói:

– Đệ tử Thích-ca đã lừa dối vua A-dục, để cho vua làm các công đức.

Vua A-dục nghe lời này liền nói với quan đại thần:

– Em ta tin theo ngoại đạo, cần phải tìm cách nào để nó trở về với Phật pháp.

Quan đại thần thưa:

– Đại vương dạy thế nào tôi xin làm.

Vua nói:

– Nay ta muốn đi tắm, sẽ cởi vương miện và y phục để đây. Ông nên bảo em mặc vào rồi ngồi trên ngai vua.

Quan đáp:

– Dạ được.

Khi vua vào nhà tắm, thì quan đại thần nói với ngự đệ:

– Nếu vua băng hà thì ngài sẽ lên làm vua. Vậy nay mặc thử y phục vào và lên ngai ngồi coi có đẹp không?

Tỳ-đa-thâu-kha nghe lời làm theo. Quan vào thưa với vua. Vua liền trở ra thấy em trên ngai thì giận liền kêu quân đem chém. Quan đại thần vội tâu.

– Đây cũng là em vua xin tha tội chớ đem giết.

Xin một hồi vua mới nói với quan:

– Nay ta gia hạn cho bảy ngày. Trong bảy ngày ấy cho tạm quyền làm vua. Cung cấp đầy đủ kỹ nhạc thể nữ để vui thú lạc. Mỗi ngày đều có quần thần đến vấn an. Kẻ đao phủ cầm đao đứng nơi cửa. Ngày ngày đều vào thưa:

Nay một ngày đã qua chỉ còn sáu ngày nữa. Như thế cho đến ngày thứ bảy, sửa soạn đầy đủ y phục đem đến cho vua A-dục.

Lúc này vua hỏi:

– Người làm vua bảy ngày có an vui gì không?

Người em liền nói kệ:

Nếu người thấy sắc
Và nghe âm thanh
Ăn đủ hương vị
Có thể đáp vua.

Vua lại nói:

– Ta cho người trong bảy ngày làm vua, trăm thứ kỹ nhạc đều được như ý. Có vô số đại thần đến hỏi thăm vấn an. Vì sao lại nói. Không thấy không nghe không có hương vị.

Em vua lại nói kệ:

Tôi ở trong bảy ngày
Không thấy cũng không nghe
Không ngửi không nếm vị
Cũng không hề xúc giác
Thân tôi trang nghiêm đủ
Cùng chư thể nữ đẹp
Mà suy tư sợ chết
Không thiết những thứ này
Kỹ nữ cùng ca vũ
Cung điện và long sàng
Mặt đất đầy châu báu
Mà lòng chẳng thấy vui
Vì thấy người hành quyết
Cầm dao ở cửa ngoài
Lại nghe tiếng linh kêu
Khiến tôi càng sợ hãi
Chết đánh vào tâm mình
Không còn biết ngũ dục
Vì sợ chết mau đến
Làm sao an ổn ngủ
Suy nghĩ về việc này
Bất giác đêm đã qua.

Lúc này vua nói với em:

– Ngươi ở trong một ngày thường lo nghĩ về cái chết, tuy hưởng đủ ngũ dục thượng diệu, mà không ưa thích. Hàng Tỳ-kheo xuất gia đối với mười hai nhập thường tư duy việc sinh tử vô thường. Thì làm sao mà khởi phiền não được. Lại thường tư duy các sự khổ của địa ngục và súc sinh tàn hại nhau, bọn ngạ quỷ đói khát bức bách. Lại nghĩ chúng sinh cõi người sinh lão bệnh tử không có chút an lạc. Sự khổ suy của cõi trời không dứt. Trong năm đạo chúng sinh chịu muôn sự khổ. Nên hàng Tỳ-kheo thường quán năm ấm là vô thường, khổ không, vô ngã không có thật. Thí như xóm làng trống vắng không có người ở, như ngũ ấm chẳng thuộc về ta. Lửa vô thường đốt thiêu khắp thế gian. Hàng đệ tử Đức Phật vẫn thường quán như thế. Thì làm sao mà khởi phiền não được, lại nói kệ:

Ngươi ở trong một ngày
Tư duy sợ sinh tử
Mà không có hoan lạc
Không khởi tâm tham ái
Hàng đệ tử của Phật
Ngày ngày quán sinh tử
Làm sao tham đắm được
Mà khởi tâm phiền não
Với y phục ẩm thực
Và ngọa cụ nghỉ nằm
Tư duy pháp giải thoát
Mà không khởi tham cầu
Quán thân như oán tặc
Tam giới như nhà lửa
Tư duy tìm phương cách
Làm sao được giải thoát
Vui sâu pháp giải thoát
Không tham nơi năm dục
Tâm sạch như hoa sen
Trong bùn mà không nhiễm.

Vua A-dục khéo dùng phương tiện để giáo hóa cho em. Tỳ-đathâu-kha hướng đến vua mà nói:

– Đại vương! Tôi hôm nay muốn quy y Phật và chúng Tăng, liền nói kệ:

Tôi muốn quy y Phật
Mặt Phật như hoa sen
Trời người đều trở về
Pháp vô lậu và Tăng.

Vua A-dục lúc này ôm lấy em mà nói:

– Ta không giết em, chỉ làm phương tiện để cho em tin Phật pháp.

Thế là Tỳ-đa-thâu-kha đem các loại hương hoa và kỹ nhạc đến cúng dường tháp Phật. Và các loại vật thực đến cúng dường chúng Tăng.

Hôm sau lại đến chùa Kê đầu của Thượng tọa Da-xá, để nghe pháp. Tôn giả Da-xá liền dùng thần lực, thấy vị này đời trước có gieo thiện nghiệp. Nay là thân cuối cùng đắc quả La-hán. Tôn giả liền thuyết pháp khen ngợi việc xuất gia.

Khiến cho em vua nghe xong liền xin xuất gia, chắp tay bạch Tôn giả rằng:

– Tôi có thể xuất gia thọ giới cụ túc được không? Tôi muốn ở trong Phật pháp tu phạm hạnh.

Tôn giả đáp:

– Thiện nam tử! Ông nên trở về thưa với vua xin xuất gia.

Tỳ-đa-thâu-kha trở về cung tâu với vua:

– Đại vương! Xin cho tôi xuất gia. Tôi muốn ở trong Phật pháp tu phạm hạnh, liền nói kệ:

Tâm tôi thường loạn động
Như voi không móc câu
Vua đem câu giữ lại
Xin cho tôi xuất gia
Vua làm chủ đại địa
Nên cho tôi xuất gia
Phật pháp chiếu thế gian
Nay muốn tu phạm hạnh.

Vua nghe xong liền ôm lấy cổ em, lòng bi thương rơi lệ mà nói:

– Tỳ-đa-thâu-kha chớ có ý như vậy. Vì sao? Vì người xuất gia y phục ẩm thực đều thô sơ giản dị, ngủ nghỉ thì dưới gốc cây. Em nên nghĩ lại chớ có xuất gia.

Tỳ-đa-thâu-kha đáp:

Đại vương! Tôi hôm nay không vì giận dữ mà xin xuất gia. Cũng không vì tham dục, vì cầu khổ cũng không trốn thoát oan gia. Chỉ vì thấy thế gian là vô thường sinh, lão, bệnh, tử không bao giờ dứt. Duy chỉ thấy Phật pháp mới là con đường thoát được sinh tử khổ đau. Cho nên tôi mới muốn xuất gia.

Vua nghe nói càng thương khóc.

Tỳ-đa-thâu-kha liền nói kệ:

Sinh tử là dây trói
Có người nên buộc ràng
Có lên rồi cũng đọa
Hòa hợp tất phân ly.

Lúc này vua A-dục lại nói:

– Ngươi phải tập thử việc khất thực. Rồi sau nên xuất gia.

Vua đi ra sau vườn thấy có một cây đại thọ lấy cỏ che dưới đất bảo em ngồi ở đó. Rồi đưa một bình bát bảo vào thành khất thực. Tỳ-đathâu-kha cầm bình bát vào cung, được nhận các thức ăn thượng vị.

Vua A-dục giận nói với bọn cung nhân.

– Các người vì sao cứ đưa các món ăn thượng vị. Từ nay về sau chỉ đem cho các món ăn bình thường. Nhẫn đến chỉ lấy cơm bún cho ăn.

Tỳ-đa-thâu-kha thọ nhận các món ăn mà không chê trách.

Vua thấy vậy thì nói:

– Người có thể xuất gia. Sau khi xuất gia nên đến gặp ta.

Tỳ-đa-thâu-kha suy nghĩ:

– Ta nếu đến chùa Kê-đầu xuất gia, thì người vật ở đây làm náo loạn không thể tu đạo. Vậy ta nên đi xa để xuất gia.

Tỳ-đa-thâu-kha đến nước khác xuất gia tư duy tinh tấn đắc quả A-la-hán, lại suy nghĩ:

– Trước đã giao ước của vua, vậy nay nên đến đó. Thế là lần lượt đi khất thực về đến nước Sất-lợi-phất-đa. Sáng sớm cầm bát đắp y đi khất thực, đến trước cung vua A-dục nói với người giữ cửa:

– Ông vào tâu vua có Tỳ-đa-thâu-kha đang ở ngoài cửa, muốn vào gặp vua.

Người giữ cửa vào tâu vua.Vua nói:

– Nên đưa vào đây.

Tỳ-đa-thâu-kha bước vào, vua nhìn thấy liền bước xuống đảnh lễ, rồi đứng dậy chắp tay chiêm ngưỡng không chán, rơi lệ rồi nói kệ:

Tất cả hàng chúng sinh
Đều vui khi hòa hợp
Ông nay trừ hòa hợp
Mà tâm vui tịch tịnh
Tôi đã biết tâm ông
Trí tuệ không chán đủ.

Quan đại thần Thành Hộ. Thấy Tỳ-đa-thâu-kha đắp y phấn tảo, cầm bình bát đi khất thực, thọ nhận các món ăn ngon dở đều không phân biệt. Liền tâu với vua:

– Tỳ-đa-thâu-kha sống đời thiểu dục tri túc, tu hành phạm hạnh, vậy vua nên vui mừng, liền nói kệ:

Thường hành khất thực
Đắp y phấn tảo
Trụ dưới gốc cây
Tâm thường trong định
Không còn lậu hoặc
Thân thể không bệnh
Chánh mạng tự sống
Thường sinh hoan hỷ.

Vua A-dục nghe xong thì rất vui mừng, lại nói kệ:

Bỏ dòng họ Khổng tước
Và nước Ma-già-đà
Cùng các loại trân bảo
Ngũ dục và thượng diệu
Vui nơi tứ Thánh chủng
Trừ phiền não kiêu mạn
Thường hành đại tinh tấn
Danh vang khắp cả nước
Mười pháp lực tối thắng
Mà người hay thọ trì.

Vua A-dục đỡ Tôn giả lên ngồi trên tòa cao, tự tay cung phụng các vật dụng thức ăn. Ăn xong thì rửa bát đặt qua một bên. Vua ngồi trước tòa để nghe Tôn giả thuyết pháp, lại nói kệ:

Vua nay được tự tại
Thường tu không phóng dật
Tam bảo rất khó gặp
Vua nên thường cúng dường.

Vua A-dục cùng năm trăm vị đại thần và nhân dân cả nước, đều cung kính chắp tay vây quanh Tôn giả. Quần thần và dân chúng liền nói kệ:

Đại huynh A-dục vương
Nay cung kính đưa đệ
Xuất gia có thắng quả
Nay nên làm hiện chứng.

Thế là Tôn giả Tỳ-đa-thâu-kha, muốn mọi người rõ được công đức liền bay lên hư không cho nhân dân được thấy. Vua A-dục cùng đại chúng chắp tay đứng chiêm ngưỡng, mắt không rời và nói kệ rằng:

Không còn tình thân hữu
Như chim bay hư không
Ta vì tham ái buộc
Không thể tự tại đi
Thiền định có thắng quả
Nên thân được tự do
Chỗ làm đều tùy ý
Tất cả không chướng ngại
Vì dục ái mê lầm
Không thể thấy được pháp
Ông nay dùng thần lực
Chê ta khởi dục tâm
Ta vốn có tuệ mạng
Nay ông làm tối thắng
Ta còn đắm thế pháp
Thấy thánh mới biết sợ
Ta nay buồn rơi lệ
Vì người đã bỏ đi.

Bấy giờ, Tôn giả Tỳ-đa-thâu-kha, đi đến biên địa thì bị bệnh, trên đầu phát ra các mụn ghẻ. Vua nghe tin đó liền sai đem thuốc đến cho Tôn giả trị liệu. Sau đó một vị thầy thuốc sai đến bảo phải uống sữa bò. Từ đó mà bệnh thuyên giảm.

Lại có một nước có tên là Phân-na Bà-đà-na. Dân nước đó tin theo ngoại đạo. Có một người theo pháp tu khỏa hình, họa lấy hình Đức Phật để lễ cúng. Có người Phật tử thưa với vua A-dục. Vua nghe việc đó liền ra lệnh cho Dạ-xoa đi bắt kẻ ngoại đạo đó về. Khi thấy người đó vua nổi giận ra lệnh giết hết bọn ngoại đạo ở nước Phân-na Bà-đà-na. Chỉ trong một ngày giết một vạn tám ngàn ngoại đạo và quyến thuộc. Vua lại ra lệnh, hễ ai giết được đem về một đầu của Ni-kiền-tử sẽ thưởng vàng bạc. Lúc này Tôn giả Tỳ-đa-thâu-kha vào trong chỗ nuôi bò dừng lại một ngày. Tôn giả bị bệnh từ lâu nên móng tay tóc râu đều dài ra y phục lại xấu dơ, không có tướng sắc.

Bấy giờ cô gái của nhà nuôi bò trộm nghĩ:

– Nay có Ni-kiền-tử vào nhà ta.

Liền nói với chồng:

– Ông nên giết Ni-kiền-tử này đem đến vua A-dục để lãnh vàng.

Người chồng nghe vậy liền cầm dao đến cổ Tôn giả muốn chém đầu. Tôn giả thấy vậy thì nghĩ:

– Nay nghiệp lực đến không thể thoát được, liền để cho giết.

Người kia đem đầu đến cho vua A-dục để lãnh tiền. Vua thấy đầu tóc thì sinh nghi. Liền hỏi thầy thuốc và người cấp sự. Thì đều bạch với vua đó là Tỳ-đa-thâu-kha. Vua nghe nói thì đau đớn té xỉu xuống đất kẻ tả hữu lấy nước rửa mặt giây lâu mới tỉnh dậy.

Lại có một đại thần tâu với vua:

– Có không ít Sa-môn bị giết lầm xin vua thi ân cho chúng sinh hết sợ.

Vua liền y theo, ra lệnh không sát hại Ni-kiền-tử nữa.

Chư Tỳ-kheo trong lòng sinh nghi mới hỏi Tôn giả Ưu-ba-cấpđa:

– Tỳ-đa-thâu-kha đời trước tạo nghiệp nhân gì mà phải thọ báo bị người giết hại.

Ưu-ba-cấp-đa đáp:

– Các ông lắng nghe! Vào đời quá khứ có một người thợ săn, giết nhiều loài nai. Ở trong khu rừng có một dòng suối, người thợ săn mới giăng bẫy ở bên dòng suối đó. Khi đó Đức Phật chưa ra đời. Có một vị Duyên giác đến bên dòng suối ngồi thọ thực, ăn xong tắm rửa rồi đi đến gốc cây ngồi. Các loài thú và bầy nai thấy vị Duyên giác nên không đến bờ suối nữa. Người thợ săn không thấy nai đến, liền tìm đến thì thấy vị Bích-chi-phật ngồi đó bèn nổi giận lấy dao chém chết.

Các ông nên biết người thợ săn đó chính là Tỳ-đa-thâu-kha ngày nay. Vì giết nhiều thú nên phải chịu nhiều bệnh khổ. Lại giết chết vị Bích-chi-phật, nên nhiều đời thọ khổ trong địa ngục. Nay thân cuối cùng này phải chịu trả báo tuy đắc quả A-la-hán vẫn bị người hại.

Chư Tỳ-kheo lại hỏi Tôn giả:

– Vị này vì sao lại sinh vào nhà tôn quý, lại đắc quả A-la-hán.

Tôn giả đáp:

– Vào thời Đức Phật Ca-diếp vị này xuất gia tu hành bố thí, thường giáo hóa đàn việt cúng dường thức ăn cho chúng Tăng. Có một bảo tháp thờ tóc và móng tay của Đức Phật, vị này thường đem hương hoa kỹ nhạc đến cúng dường. Do nghiệp duyên đó mà luôn được sinh vào nhà tôn quý. Mười vạn năm thường tu hành phạm hạnh, lại phát chánh nguyện. Vì thế mà thọ báo đắc quả A-la-hán.

Kinh A-Dục Vương – Quyển 3 (Hết)

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10