KINH A DỤC VƯƠNG

Hán dịch: Đời Lương, Tam tạng Tăng-già-sa-la, ở đất Phù nam
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 7

Phẩm 7: NHÂN DUYÊN TRUYỀN THỌ PHÁP TẠNG CỦA NĂM VỊ ĐỆ TỬ PHẬT

Như Lai giao phó pháp tạng cho ngài Ca-diếp rồi nhập Niết-bàn. Ngài Ca-diếp giao phó cho A-nan rồi nhập Niết-bàn. Tôn giả A-nan giao phó Mạt-điền-địa rồi nhập Niết-bàn. Mạt-điền-địa giao phó cho Xá-na-bà-tư rồi nhập Niết-bàn. Xá-na-bà-tư giao lại cho Ưu-ba-cấp-đa rồi nhập Niết-bàn. Ưu-ba-cấp-đa giao phó cho Hy-vi-kha. Ưu-ba-cấpđa ở tại nước Ma-thâu-la giáo hóa chư đệ tử, có nhiều vị đắc quả A-lahán. Mỗi vị đắc quả thì Tôn giả cho ném vào hang đá một thẻ tre bốn tấc. Hang đá này dài mười tám khuỷu tay, rộng hai mươi khuỷu tay. Rồi tôn tự lập lời thệ rằng:

– Chừng nào thẻ tre đầy hết thì mới nhập Niết-bàn.

Rồi đem giáo pháp phó chút lại cho đệ tử Hy-vi-kha. Hy-vi-kha là đệ tử sau cùng trong số thẻ tre.

Ưu-ba-cấp-đa nói Hy-vi-kha rằng:
Xưa Đức Phật đem giao pháp phó chúc cho ngài Ca-diếp. Ngài Ca-diếp giao lại cho ngài A-nan. A-nan giao cho ngài Mạt-điền-địa. Mạt-điền-địa giao lại cho Hòa thượng. Nay ta đem giao lại cho ông.

Phó chúc xong rồi sau bảy ngày thì nhập Niết-bàn. Hàng nhân thiên ở khắp cõi Diêm-phù-đề cùng bảo nhau đến, chư Bồ-tát mười vạn người hòa hợp cùng đến cúng dường. Kẻ học nhân cùng Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di thì vô số. Nhẫn đến khi sắp nhập Niết-bàn thân bay lên hư không thể hiện bốn oai nghi. Trên thân ra nước, dưới thân ra lửa. Hiển hóa mười tám thân hình. Khắp cả trời người đều buồn bã, nhưng sau đem cả thẻ tre đi hỏa táng. Bấy giờ, một ngàn vị La-hán cùng vào Niếtbàn, rồi Tôn giả Hy-vi-kha thọ lãnh pháp tạng.

NHÂN DUYÊN VỀ CA-DIẾP

Nhân duyên Trưởng lão Ma-ha Ca-diếp Niết-bàn. Bấy giờ Thêtỳ-lê Ca-diếp, đã tụng tập tam pháp tạng Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, đem nguyện trí khiến cho chứng biết tam tạng. Thọ thân chứng được diệt tận Tam-muội. Được tứ biện tổng trì cùng năm trăm vị La-hán kết tập pháp tạng. Giáo pháp của Đức Phật lần lượt phó chúc cho chư thắng nhân. Đem lưu bố cho mọi người cùng đọc tụng chớ khiến cho thất lạc. Vì muốn làm lợi ích cho chúng sinh, nên thường tự tư duy:

– Ta nay đã gần tới cảnh vô thường lão tử. Do tư duy này rồi nương theo lời Đức Phật dạy mà nổ lực tu trì, liền nói kệ:

Đã tụng Tu-đa-la
Đã mở ra đạo lộ
Pháp ngữ của Thế Tôn
Nơi nơi đều tuyên nói.

Lại nói kệ:

Vô tàm quý đã trừ
Đã nhiếp hết chướng duyên
Đã làm tự lợi ích
Ta Niết-bàn đã đến.

Bấy giờ ngài Ca-diếp đi đến chỗ Tôn giả A-nan. Nói với Trưởng lão A-nan rằng:

– Thế Tôn phó chúc pháp tạng cho ta rồi nhập Niết-bàn. Ta nay cũng muốn nhập Niết-bàn và giao phó lại cho ông, ông nên thọ trì.

Lúc này ở thành Vương xá, có một thương chủ sinh một người con, khi sinh ra liền có y xá na trên người, do đó mà đặt tên là Xá-na-bà-tư. Xá-na-bà-tư đi ra biển, sau trở về đến nghe pháp ở chỗ Đức Thế Tôn rồi cúng dường. A-nan ông nên giáo hóa người này khiến cho xuất gia.

Ông cũng nên giáo phó pháp tạng cho người này.

Ngài Ca-diếp phó chúc xong rồi, lại suy nghĩ:

– Đức Thế Tôn ta vì lòng từ bi, việc khó làm nay đã làm, giáo hóa khắp nơi, đem vô biên công đức để tạo ra thân này. Xá-lợi của Đức Như Lai đã được phân bố khắp nơi, nay ta cũng nhập Niết-bàn. Ông nên biết rằng những gì ta làm đều không có phân biệt, rồi lại nói kệ:

Đức Thế Tôn ta
Đầy lòng từ bi
Xá-lợi của Ngài
Ta đã cúng dường
Bồ-đề Tam-muội
Từ đó sinh ra
Việc khó đã làm
Cúng dường rốt cùng.

Ngài Ca-diếp dùng thần lực đến lễ bái cúng dường khắp tám tháp xá-lợi của Đức Phật. Lại đi vào Long cung để cúng dường. Thí như Sư tử vương nhập vào trong ao hồ, không lo sợ chỗ sâu, tất cả đều bất động thanh tịnh vô cấu. Lại đến cúng dường tháp răng Đức Phật xong, ví như Long vương ra khỏi hư không, trong nháy mắt đã đến cung trời Đao lợi; Đế Thích và chư Thiên đều hoan hỷ cúng dường. Cúng dường xong lại muốn từ chỗ kia mà nhập Niết-bàn. Trời Đế Thích thấy việc này, thưa với Ca-diếp rằng:

– Bậc tu tịnh hạnh thường ở trong hanh núi, vì cớ nào lại có ý này, mà lại đến đây. Chỗ này cô độc không có người quy y.

– Ngài Ca-diếp nói với Đế Thích:

– Kiều-thi-la! Ta thích đem răng của Đức Phật và mũ Ma-ni bảo châu Đa-la… Đây là lần cuối cùng vì đó mà cúng dường, lại nói kệ:

Vì thuyết khổ tận
Nên ta đến đây
Vì xem tướng Phật
Nên ta đến nay.

Đế Thích và chư Thiên nghe Ca-diếp nói thì tất cả đều buồn bã, rồi cung kính nâng hai tay đưa răng Đức Phật đến cho ngài Ca-diếp. Cadiếp nhìn mắt không rời, dùng hoa Mạn-trà-la, hoa Bạc-câu-la, Ngưu đầu Chiên-đàn, Châu-lưu-na để cúng dường. Tôn giả Ca-diếp nói với Đế Thích cùng chư Thiên rằng:

Các ông chuyên tu đừng có phóng dật.

Sau đó ngài Ca-diếp hốt nhiên từ đinh núi Tu-di trở về nơi thành Vương xá. Ngài đem Phật pháp phó chúc cho A-nan. Tôn giả A-nan ngày ngày đi theo sau ngài Ca-diếp. A-nan nói với Tôn giả Ca-diếp:

– Xin chớ nhập Niết-bàn.

Ca-diếp liền bảo A-nan:

Ta nay và ông nên cùng đi vào thành.

Sáng sớm A-nan trở dậy đắp y cầm bát đi vào thành khất thực. A-nan liền dùng ba khả ái hòa hợp. Một là danh khả ái; hai là văn khả ái; ba là sắc khả ái. Để mọi người thấy sắc mà không chán, nghe pháp mà không nhàm.

Ngài Ca-diếp sáng sớm cũng trở dậy vào thành khất thực. Ngài suy nghĩ:

– Ta trước có hứa! Khi nhập Niết-bàn thì đến thăm vua A-xà-thế.

Lúc này Ca-diếp đi vào thành Vương xá, nói với người giữ cửa:

– Ta nay muốn vào thăm vua, ông có thể vào thưa.

Người giữ cửa đáp:

Vua nay đang ngủ. Khi nào vua tỉnh dậy tôi mới dám thưa.

Ca-diếp nói:

– Ông có thể vào đánh thức vua.

Đáp:

– Nếu đánh thức vua sẽ nổi giận mà trị tội tôi.

Trưởng lão liền nói:

– Khi nào vua thức ông nên thưa lại. Ca-diếp nay muốn nhập Niếtbàn. Xin vào ra mắt vua.

Ca-diếp lại đi vào thành khất thực. Khất thực xong liền đi vào núi Kê túc. Núi này có ba phần. Ở giữa núi thì trải cỏ dưới đất. Ngài liền suy nghĩ:

– Ngày trước Đức Thế Tôn dùng y phấn tảo để đắp cho ta, để pháp tạng trụ đến ngài Di-lặc ra đời, rồi lại nói kệ:

Ta dùng lực thần thông
Nên giữ lại thân này
Dùng y phấn tảo che
Đời Di-lặc xuất thế
Để cùng ngài thuyết pháp
Giáo hóa chư chúng sinh.
Bấy giờ ngài Ca-diếp khởi ba lần Tam-muội:

1. Khi nhập Niết-bàn xong đắp-y phấn tảo, đem ba núi che kín thân như con nhập vào trong bụng mẹ mà không bị hủy hoại, cho đến khi ngài Di-lặc xuất thế, pháp vẫn thường trụ.

2. Nếu vua A-xà-thế đến núi nên cho vào.

Ca-diếp lại nghĩ:

– Nếu vua không thấy thân ta tức sẽ thổ huyết mà chết.

3. Khi A-nan đến núi thì cửa sẽ mở.

Rồi từ Tam-muội này ngài Ca-diếp khởi thân nhập vào Niết-bàn. Khi ngài nhập Niết-bàn thì sáu cõi chấn động. Đế Thích cùng vô số chư Thiên cùng đem hương hoa đến cúng dường thân Ca-diếp. Ba núi cùng hợp lại để che thân Ngài. Đế Thích cùng chư Thiên vì sự chia ly khởi lòng áo não mà nói kệ rằng:

Chúng ta hôm nay
Xa ngài Ca-diếp
Tâm rất đau buồn
Không thể chịu được
Hang trời Tất-bát
Các pháp khó sinh
Người Ma-già-đà
Sinh ra cô bần
Tất cả thế gian
Không chỗ nương về
Ca-diếp ngày nay
Nhập diệt sau pháp
Núi chánh pháp băng
Thuyền chánh pháp động
Cây chánh pháp rơi
Biển pháp dậy sóng
Ma vương vui mừng
Nhiễu loạn pháp tạng.

Nói kệ xong rồi liền trở về trời. Lúc này ngài A-nan còn đang ở thành Vương xá. Khi trở về ngài liền tư duy về sự vô thường sẽ đến.

Vua A-xà-thế cũng nằm mộng thấy mẹ mình mất thì hốt hoảng thức dậy. Khi đó người giữ cửa vào thưa với vua:

– Ngài Ca-diếp có vào thăm vua để nhập Niết-bàn.

Vua nghe nói thì đau đớn té xuống đất. Khi vua tỉnh dậy liền đi vào trong rừng trúc, lễ dưới chân A-nan thưa:

– Tôi nghe nói Tôn giả Ca-diếp đã nhập Niết-bàn.

A-nan nói:

– Đại tinh tấn đã nhập Niết-bàn.

Vua nói:

– Tôi muốn cúng dường thân Tôn giả.

A-nan đưa vua đến núi Kê túc. Ở đây A-nan thấy chư La-sát đang hộ thân của ngài Ca-diếp. Vua cũng thấy các loại hoa trời che phủ đầy thân của Ca-diếp. Thấy vậy vua đem cả thân mình lễ lạy. Lễ xong muốn tìm củi để trà tỳ.

Ngài A-nan nói:

– Đại vương! Chớ làm vậy.

Vua nói:

– Tôi muốn thiêu ngài Ca-diếp.

A-nan đáp:

– Chớ thiêu, chớ thiêu. Thân này ngài dùng thần lực để bảo trì, cho đến khi Đức Phật Di-lặc ra đời cùng với chín mươi sáu ngàn vạn đệ tử cùng vây quanh đi đến đây. Đem thân Ca-diếp hiện ra cùng chư đệ tử.

Bấy giờ Phật Ca-diếp nói:

– Ca-diếp là đệ tử của Thích-ca Mâu-ni. Là bậc tu thiểu dục tri túc đệ nhất và lại kết tập pháp tạng.

Lại nói kệ rằng:

Vị Tỳ-kheo này họ Ca-diếp
Là đệ tử lớn của Thích-ca
Thiên kiến rốt ráo ích thế gian
Là bậc thọ trì pháp tạng Phật.

Lúc này đệ tử Di-lặc nghĩ:

– Vị kia thân hình nhỏ bé. Thân Phật Thích-ca chắc cũng như thế hay là lớn hơn.

Đức Phật Di-lặc biết được tâm chúng đệ tử liền nói:

– Thân của Ma-ha Ca-diếp đắp y phấn tảo Tăng-già-lê, đó chính là y Tăng-già-lê của Đức Phật Thích-ca.

Chư đệ tử nghe thì rất ưu sầu, cho nên cả chín mươi sáu ngàn vạn ức đệ tử đồng chứng quả A-la-hán, lại cùng thọ trì giới hạnh công đức. Lại ở trên đỉnh núi xây tháp. Vua A-xà-thế trở lại kinh thành. Ba núi liền hợp lại che thân Tôn giả. Vua lại xây tháp ở núi này, dùng các thứ hương hoa cúng dường.

NHÂN DUYÊN VỀ TÔN GIẢ A-NAN

Khi Tôn giả A-nan nhập Niết-bàn. Vua A-xà-thế đến lễ dưới chân A-nan thưa:

– Khi Phật nhập Niết-bàn tôi không được thấy. Trưởng lão Ma-ha Ca-diếp nhập Niết-bàn tôi cũng không thấy. Nếu Tôn giả nhập Niếtbàn, xin cho tôi được thấy.

A-nan đáp:

– Được.

Lúc này Xá-na-bà-tư từ biển trở về, Xá-na đem bảo vật cất trong nhà, rồi đi đến vườn trúc. Lúc này Trưởng lão A-nan đang đứng ở giảng đường, Xá-na đi đến lễ dưới chân rồi thưa:

– Trưởng lão! Tôi từ biển được an ổn trở về, muốn vì Đức Phật và chúng Tăng làm đại hội công đức năm năm. Nay Đức Phật ở chỗ nào?

A-nan đáp:

– Đức Thế Tôn đã nhập Niết-bàn.

Xá-na nghe lời này thì đau đớn ngất xỉu khi tỉnh dậy liền nói:

– Trưởng lão! Đức Phật nhập diệt tại chỗ nào? Trưởng lão Xá-lợiphất, Mục-kiền-liên và Ma-ha Ca-diếp nhập diệt tại đâu?

Lại hỏi:

– Tôi nay muốn làm đại hội công đức năm năm.

A-nan nói:

– Tùy ý ông.

– Rồi Tôn giả rộng nói về các pháp tác đại hội xong.

A-nan lại nói:

– Ông đã ở chỗ Thế Tôn làm công đức pháp hội xong, nay nên làm pháp nhiếp thọ.

Xá-na đáp:

– Trưởng lão! Ngài dạy tôi làm pháp gì?

A-nan bảo:

– Ông nên ở trong pháp tạng xuất gia.

Xá-na-bà-tư liền nghe theo. A-nan liền cho thọ giới xuất gia và cụ túc, cho đến Bạch-tứ-yết-ma. Xá-na-bà-tư lại thọ đại giới, phát nguyện đến chết vẫn đắp y Xá-na.

Trưởng lão A-nan thọ trì tám vạn bốn ngàn pháp môn, những đến những lời Đức Phật dạy, lời La-hán nói ngài đều ghi nhớ Xá-na-bà-tư cũng đều có thể thọ trì hết, đầy đủ cả Tam minh, thông đạt hết Tam tạng.

Khi đó A-nan đi đến trong vườn Trúc lâm có nghe một vị Tỳ-kheo tụng Tư-già-đà:

Nếu người sống trăm tuổi
Không thấy bạch hộc nước
Không bằng người mới sinh
Thấy được chim hộc nước
Nếu người có trí tuệ
Thù thắng hơn trăm tuổi.
A-nan nghe nói vậy liền bảo:

– Bài kệ này chẳng phải là lời Đức Phật nói. Phải tụng là: “Nếu người trăm tuổi không thấy pháp tạng, không bằng một ngày đã nghe pháp tạng, có đủ trí tuệ hơn người trăm tuổi.”

Lại nữa, có hai hạng người hủy báng Đức Phật. Một là do bất tín sân giận mà hủy báng. Hai là tuy có lòng tin mà không như pháp thọ trì Tu-đa-la cũng là người hủy báng Đức Phật. Như người không chân, không miệng thì không thể dùng Sa-để A-túc-đa. Đây là hai hạng người không thể khéo thọ trì Tu-đa-la, lại nói kệ:

Người ngu không thông tuệ
Người này không thể dùng
Thông tuệ không thọ pháp
Tuệ kia cũng là hại
Chánh trí nghe đều biết
Thì được quả giải thoát.

Vị Tỳ-kheo tụng bài kệ kia trở về thưa lại với thầy:

– Ngài A-nan nói Đức Phật bảo là: “Nếu người trăm năm không thấy sinh diệt. Nếu người sinh một ngày có thể thấy pháp tạng, thù thắng hơn người trăm tuổi.”

Người kia nói lại với đệ tử:

– A-nan đã già rồi nên không nhớ rõ.

Lại nói kệ:

Người đã luống tuổi
Mất cả niệm lực
Trí tuệ thông suốt
Cũng thành già lão.

Lại bảo đệ tử cứ y như thế mà tụng chớ nghe lời nói kia. A-nan khi đi qua đó, vẫn nghe tụng như thế liền nói:

– Ta đã nói với ông, đây chẳng phải lời Đức Phật dạy.

Người kia đáp:

– Thầy tôi nói là ngài A-nan già rồi cho nên không nhớ rõ.

A-nan suy nghĩ: “Muốn tìm đến vị thầy kia để nói. Lại quán xét tâm vị kia có thọ nhận lời của ta không? Biết là không thể thọ nhận. Lại tư duy xem có vị Tỳ-kheo nào có thể nói lại không? Cũng không thấy được vị nào?”

A-nan nói:

– Nếu Đức Phật cùng Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên còn ở tại thế thì ta sẽ bạch lại. Nay Đức Phật đã nhập Niết-bàn. Ta đây cũng muốn nhập Niết-bàn. Dùng Phật lực để cho pháp được trụ thế một ngàn năm.

Lại nói kệ:

Như chư vị tiên nhân
Đã qua trong quá khứ
Ta nay cùng với người
Không có tướng sai biệt
Nay ta tự tư duy
Còn như chim gặp gió
Phật đã nhập Niết-bàn
Có thể trừ kiết phược
Nơi thế gian làm đèn
Mà trừ ám vô minh
Cùng tinh tấn trừ bỏ
Người Luật nghi vô lượng
Nay duy chỉ mình ta
Như rừng còn một cây.

Ngài A-nan phó chúc lại cho Xá-na-ba-tư. Lại nói:

– Đức Phật phó chúc cho Ca-diếp xong thì nhập Niết-bàn. Ngài Ca-diếp phó chúc cho ta rồi cũng nhập Niết-bàn. Nay ta cũng muốn nhập Niết-bàn. Pháp tạng từ đây ông nên giữ gìn thọ trì.

Ở nước Ma-thâu-la có núi tên Ưu-lưu-mạn-trà. Ở nước đó cũng có vị trưởng giả sinh ra hai người con, người thứ nhất tên là Na Sĩ, người thứ hai tên là Bà Sĩ. Phật đã thọ ký hai vị ấy ở núi này tạo lập chùa. Lại ở trong nước đó có người thương chủ bán hương tên là Cấp-đa. Cấp-đa có con tên Ưu-ba-cấp-đa, ông nên giáo hóa để cho xuất gia. Đức Phật đã thọ ký người này truyền thừa pháp tạng, sau khi Đức Phật nhập Niếtbàn một trăm năm thì làm Phật sự.

Tôn giả A-nan phó chúc pháp tạng xong, sáng sớm đắp y trì bát, đi vào thành Vương xá khất thực. A-nan nghĩ ta đã có lời hứa với vua

A-xà-thế. Khi nhập Niết-bàn nên đến thăm vua. Liền đi đến cung vua nói với người giữ cửa:

– Ta muốn vào thăm, ông vào thưa lại cho vua biết.

Người kia đáp:

– Vua đang ngủ, khi nào vua trở dậy, tôi sẽ thưa lại.

A-nan nói:

– Ông có thể vào đánh thức vua.

Người kia nói:

– Nếu đánh thức vua sẽ nổi giận, mà trị tội tôi.

A-nan nói:

– Nếu vua thức dậy, xin nói lại là A-nan muốn nhập Niết-bàn vào từ biệt vua.

Sau đó A-nan đi vào thành khất thực. Khất thực xong thì suy nghĩ:

– Nếu ta ở đây nhập Niết-bàn, vua A-xà-thế sẽ không cho người nước Tỳ-xá-ly đến lấy phân thân của ta, như thế người Tỳ-xá-ly sẽ nổi giận. Còn ta đến nước Tỳ-xá-ly nhập Niết-bàn, thì ở đó cũng không cho vua A-xà-thế lấy phân thân ta; A-xà-thế cũng thể nổi giận. Vậy ta nên ở giữa sông Hằng mà nhập Niết-bàn.

Thế là Tôn giả A-nan đến ngay sông Hằng. Vua A-xà-thế, nằm mộng thấy cây phượng bị chặt và phượng bị rớt xuống, thì kinh sợ tỉnh dậy.

Người giữ cửa cung vào tâu:

– Ngài A-nan có đến từ biệt vua để nhập Niết-bàn.

Vua nghe thì đau buồn té xỉu xuống. Người hầu cận lấy nước rửa mặt hồi lâu mới tỉnh dậy. Vua suy nghĩ:

– Không biết Trưởng lão A-nan nhập diệt ở chỗ nào?

Có vị chư Thiên đến nói:

– Ngài A-nan là đệ tử Đức Phật hộ trì pháp tạng. Nay đã đến nước Tỳ-xá-ly để nhập diệt.

Vua A-xà-thế liền tập họp bốn bộ binh, tượng mã xe cộ đi đến bờ sông Hằng. Dân chúng nước Tỳ-xá-ly cũng có thiên nhân đến nói kệ rằng:

Hôm nay A-nan-đà
Để trừ-ám vô minh
Với chúng sinh thế gian
Đều khởi lòng từ bi
Đến nước Tỳ-xá-ly
Vì muốn nhập Niết-bàn.

Bấy giờ dân nước Tỳ-xá-ly cũng tập họp binh mã đi đến bờ sông Hằng. Ngài A-nan ngồi trên thuyền đi đến giữa dòng sông Hằng. Vua A-xà-thế đi đến kịp chỗ ngài A-nan nói kệ: Phật tử nhập Niết-bàn

Ở nơi khắp thế gian
Mặt Phật như hoa sen
Nay đã nhập Niết-bàn
Ngài là chỗ nương về
Xin chớ vội xa lìa

Khi đó người dân Tỳ-xá-ly cũng làm lễ Tôn giả và thưa:

– Ngài ở chốn này, mọi người đều tôn kính, mà nay muốn nhập diệt. Đức Cù-đàm ở thế gian là bậc tối thắng tự tại, mắt như hoa sen làm lợi ích cho người cô độc, nhiếp hóa khắp cõi thế gian.

Tôn giả A-nan suy nghĩ:

– Nếu ta nhập Niết-bàn ở nước Ma-già-đà thì dân Tỳ-xá-ly sẽ có áo não. Còn nếu ta nhập nước Tỳ-xá-ly thì nước Ma-già-đà cũng sẽ rất buồn. Ta hôm nay tự biết là đã đến thời. Liền nói kệ:

Đem nửa pháp công đức
Cho vua Ma-già-đà
Còn nửa pháp công đức
Cho dân nước Tỳ-xá-ly
Như đây cả hai nước
Phải nên tu cúng dường.

Khi Trưởng lão A-nan nhập Niết-bàn, thì cả sáu đại địa đều chấn động. Lúc này ở núi Tuyết sơn có vị tiên nhân ngũ thông đã đầy đủ cùng năm trăm vị đệ tử, ở trên núi suy nghĩ không biết vì sao núi bị chấn động. Liền biết được A-nan muốn nhập Niết-bàn. Tiên nhân cùng năm trăm đệ tử đến chỗ ngài A-nan, làm lễ chắp tay thưa rằng:

– Tôi muốn được Trưởng lão cho nghe pháp Phật và được xuất gia thọ cụ túc giới tu hành phạm hạnh.

Trưởng lão A-nan khởi nghĩ:

– Tất cả đệ tử của ta nên đến đây.

Lúc đó tất cả năm trăm vị đệ tử La-hán đồng tụ tập. Trưởng lão A-nan dùng thần lực làm chuyển động cả đại địa. Nhẫn đến tiên nhân và năm trăm đệ tử đều được xuất gia thọ cụ túc giới. Bạch một lần yết ma thì tiên nhân cùng năm trăm đệ tử đều chứng quả Tu-đà-hoàn. Bạch nhị Yết-ma thì chứng Tư-đà-hàm. Bạch tam Yết-ma thì đắc A-na-hàm.

Bạch tứ Yết-ma, thì trừ tất cả phiền não đắc quả A-la-hán. Tiên nhân và đệ tử xuất gia ở giữa dòng sông Hằng cho nên có tên là Mạt Điền Địa.

Khi đó Mạt Điền Địa làm lễ dưới chân A-nan và nói:

– Đệ tử cuối cùng của Đức Như Lai là Tu-bạt-đà khi xuất gia liền nhập Niết-bàn trước Đức Phật. Nay tôi cũng không vui thấy Tôn giả Niết-bàn. Hòa thượng cũng nên cho tôi nhập Niết-bàn trước.

Trưởng lão A-nan nói với Mạt Điền Địa:

– Đức Thế Tôn phó chúc cho ngài Ca-diếp rồi mới nhập Niết-bàn. Ngài Ca-diếp phó chúc cho ta rồi mới nhập Niết-bàn. Ta hôm nay cũng muốn nhập Niết-bàn. Pháp tạng này ông cũng nên thọ trì Phật đã thọ ký ở nước Kế tân có một ngôi chùa tu thiền đệ nhất sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn một trăm năm có Tỳ-kheo tên Mạt Điền Địa, là người thọ trì pháp tạng vào nơi nước Kế tân. Cho nên ông nay phải đem pháp tạng vào nước kia.

Mạt Điền Địa đáp:

– Vâng.

A-nan phó chúc pháp tạng cho Mạt Điền Địa xong, liền hiện thần lực vô cùng, ở trên không trung hiện đủ bốn oai nghi, nhập vào hỏa Tam-muội. Nhập Tam-muội xong, từ nơi thân hiện ra đủ các sắc màu trắng xanh vàng đỏ, hoặc trên thân ra nước, dưới thân ra lửa. Thân Anan lúc này rất là đoan chánh, thí như ở trên danh sơn chảy ra các dòng nước trong sạch và các loài hoa.

A-nan lại tư duy: Muốn phân thân này nửa cho vua A-xà-thế, nửa cho dân Tỳ-xá-ly. Bèn dùng thần lực cho toại nguyện của chư Đàn Việt. Dùng trí tuệ Kim cang phá thân trên núi, nửa cho nước Tỳ-xá-ly, nửa cho A-xà-thế. Khi A-nan nhập Niết-bàn, vua A-xà-thế cùng chư thiên cúng dường nửa thân của Tôn giả. Người Tỳ-xá-ly cũng cúng dường nửa thân. Xây thành hai tháp, một tại thành Tỳ-xá-ly và một tại thành Vương xá.

NHÂN DUYÊN VỀ MẠT ĐIỀN ĐỊA

Khi Trưởng lão A-nan đã nhập Niết-bàn.

Mạt Điền Địa suy nghĩ: Hòa thượng dạy ta nên đem pháp tạng vào nước Kế tân.

Sau đó Mạt Điền Địa đi đến nước Kế Tân, ngồi trên giường bằng dây lại suy tư: Nước Kế tân này đã có Long vương thống lãnh, nếu không hàng phục thì không cùng ta ở cùng. Rồi ngài nhập vào Tammuội, dùng lực Tam-muội, khiến cho nước Kế tân sáu cõi đều chấn động, đến nổi Long vương không an ổn liền đến chỗ Mạt Điền Địa. Mạt Điền Địa nhập vào từ bi Tam-muội, Long vương làm gió nổi lên thổi tung một góc Ca sa. Rồi lại làm sấm chớp mưa bão, Tôn giả dùng thần lực làm cho mưa bão trở thành hoa Ưu-bát-la, hoa Cưu-ni-đầu, Phânđà-lợi.v.v… tất cả đều rơi rụng xuống đất. Long vương lại biến hóa các loại khí cụ muốn làm hại Mạt Điền Địa. Tôn giả lại dùng thần lực làm cho các khí cụ này trở thành hoa trời. Lại hóa núi lớn đè Mạt Điền Địa. Tôn giả lại biến núi trở thành hoa trời. Rồi bay lên hư không nói lời kệ rằng:

Gió lớn thổi động
Không bay góc y
Mưa bảo khí cụ
Biến thành hoa trời
Thí như Tuyết sơn
Mặt trời tỏa sáng
Thảy đều chảy ra
Không có khiển trừ
Nhập từ bi muội
Lửa không thể đốt
Khí cụ độc hại
Không đến được thân.

Long vương thấy vậy thì kinh sợ, liền đến chỗ Mạt Điền Địa nói:

– Thánh nhân muốn dạy tôi điều gì?

Mạt Điền Địa nói:

Chỗ này Đức Phật đã thọ ký là chỗ tu thiền đệ nhất, tên là nước Kế tân.

Long vương nói:

– Đức Phật có thọ ký sao?

Đáp:

– Đúng thế!

Long vương nói:

– Ngài muốn lớn nhỏ bao nhiêu?

Mạt Điền Địa nói:

– Muốn bằng chỗ ngồi.

Long vương:

– Như vậy thì tôi cho.

Mạt Điền Địa dùng thần lực phân thân ngồi khắp cả mặt đất như Cửu-đồ-lô-na che khắp cả mặt đất.

Long vương nói:

– Có bao nhiêu người theo ngài.

Đáp: Có năm trăm vị La-hán.

Nói:

– Nếu thiếu một người thì không cho đến đất này.

Mạt Điền Địa liền dùng thần lực để xem đủ số năm trăm vị không? Thì biết là đủ số, mới đáp Long vương:

– Được.

Trưởng lão lại nói: Nếu có tăng chúng thì cần phải có đàn việt. Ta muốn đem bạch y vào nước này.

Long vương nói: Được.

Thế là Tôn giả Mạt Điền Địa đem chúng bạch y vào nước Kế Tân lập ra thành ấp tu lạc. Chư bạch y liền nói với Mạt Điền Địa:

– Ta nay làm sao để tự sống.

Mạt Điền Địa liền dùng thần lực đưa hàng bạch y vào trong núi Hương túy, đào lấy tước Kim hương đem về nước Kế tân. Long vương ở núi này nổi giận. Mạt Điền Địa liền dùng giáo hàng phục, chư Long vương hỏi Mạt Điền Địa.

– Pháp tạng Như Lai trụ được bao lâu?

Đáp: Một ngàn năm.

Chư Long vương lại nói:

– Người đến nước kia để truyền pháp tạng.

Đáp: Đúng vậy!

Mạt Điền Địa đem Tước kim hương về nước Kế tân, rồi theo lời dạy của Đức Thế Tôn. Từ đó về sau, Ngài rộng truyền bá pháp tạng, hiện ra các thứ thần lực cùng chư đàn việt, cùng học Phật pháp khiến cho mọi người được giác ngộ. Về sau nhập Niết-bàn. Như nước diệt lửa, chúng dùng các loài ngưu đầu chiên đàn đem trà tỳ. Rồi thu xá-lợi xây tháp cúng dường.

 

NHÂN DUYÊN VỀ XÁ-NA-BÀ-TƯ.

Khi Trưởng lão A-nan nhập Niết-bàn. Xá-na-bà-tư đến nước Mathâu-la, giữa đường gặp một ngôi chùa tên Bần-đà-bà-na liền vào tá túc qua đêm. Trong chùa có hai vị Trưởng lão Tỳ-kheo, đang bàn luận nói kệ:

Không phạm giới vi tế
Nghe các việc rõ ràng
Ngài Xá-na đã nói
Là Tỳ-kheo chơn pháp.

Xá-na-bà-tư nói với hai vị Tỳ-kheo, ông nói lời này chẳng phải lời của ta nói. Chỗ ta nói là chánh pháp hòa hợp. Vào đời quá khứ ở nước Ba-la-nại có vị thương chủ cùng năm trăm vị khách buôn muốn đi vào biển, giữa đường gặp Bích-chi-phật đang bị bệnh. Thương chủ và khách buôn lưu lại đem thuốc men chăm sóc trị liệu, khiến cho Bích-chi-phật dần dần hết bệnh. Bấy giờ thương chủ lấy y Xá-na, vốn là loại y xấu, đem nhuộm lại để che thân mình. Khi vị Bích-chi-phật tắm thì đem y cúng dường. Bạch rằng:

– Bạch Đức Thế Tôn! đây là y thô xấu Đức Thế Tôn đã tắm rữa sạch sẽ nguyện xin nạp thọ y này.

Vị Bích-chi-phật đáp:

– Này thiện nam! Ta thọ nhận, để cho ông xuất gia, đem y này che thân mà đắc Thánh đạo. Nay đắp y này cho đến khi nhập Niết-bàn.

Thương chủ thưa:

– Xin ngài chớ nhập Niết-bàn. Để tôi đi ra biển trở về sẽ đem vật dụng y phục ngọa cụ thuốc men đến cúng dường Đức Thế Tôn, xin chớ nhập Niết-bàn, tôi nay vào biển không thể ở lại.

Bích-chi-phật nói:

– Ta không thể không nhập Niết-bàn. Ông đã làm các công đức lớn không thể không hoan hỷ.

Vị Bích-chi-phật liền biến hóa làm mười tám biến thân hiện thần lực rồi nhập Niết-bàn.

Vị thương chủ cúng dường thân cho Phật xong thì liền phát nguyện, xin đem công đức này, đời sau tôi được thiện căn như thế.

Vị thương chủ ấy chính là ta bây giờ, cho nên nay ta gặp được thắng sư và được đắc đạo. Ta thường mặc y Xá-na-bà-tư, ở nơi pháp tạng của Đức Thế Tôn xuất gia, cũng đắp y này mà được đắc đạo và đắp y cho đến khi nhập Niết-bàn. Vì ta thường đắp y này, lúc ở chỗ bạch y cũng đắp y này cho nên có tên là Xá-na-bà-tư. Khi ta bạch Tứ yết ma thọ cụ túc xong lại cũng đắp y này, cho đến chưa nhập Niết-bàn cũng thường đắp y này.

Sau đó Tôn giả đến nước Ma-thâu-la đi đến núi Ưu-lâu-mạn-đà ngồi trên giường dây. Ở núi này có hai anh em Long vương, cùng vô số Long vương tùy tùng.

Tôn giả nghĩ:

– Nếu không hàng phục thì sẽ không giáo hóa được.

Liền dùng thần lực làm cho núi chuyển động, Nhị Long vương giận bèn đến chỗ Tôn giả, khởi lên mưa bão và xuất ra lửa cháy. Tôn giả liền nhập từ bi Tam-muội khiến cho gió và lửa không đến được nơi thân, biến các thứ đều trở thành hoa trời, rơi xuống. Long vương lại hóa mưa đá, khí cụ và núi để đè Tôn giả. Tôn giả cũng biến núi thành hoa trời, rồi bay lên hư không nói kệ:

Gió lớn mưa to
Không thể làm hại
Sấm chớp khí trương
Biến thành hoa tươi
Thí như núi tuyết
Mặt trời tỏa ra
Thảy đều tan chảy
Không có khiển trừ
Nhập từ Tam-muội
Lửa cháy không đốt
Khí cụ độc hại
Không thể đến gần.

Nhị Long vương tìm đến chỗ Tôn giả nói:

– Thánh nhân muốn dạy tôi điều gì?

Tôn giả nói:

– Ta muốn tại núi này, xây dựng chùa, ông nên tùy thuận.

Long vương nói:

– Không thể được.

Tôn giả nói:

– Đức Phật đã thọ ký, sau khi ta nhập Niết-bàn một trăm năm, có núi lớn Đề hồ thanh tịnh tối diệu để xây chùa, tên gọi là Na-sĩ Bà-sĩ.

Long vương lại nói:

– Nếu Đức Phật đã thọ ký thì tôi ưng thuận.

Tôn giả liền tư duy quán xét, xem đàn việt tạo chùa đã ra đời chưa? Biết là đã ra đời. Hôm sau Xá-na-bà-tư dậy đắp y trì bát đi vào nước Thâu-la khất thực, đi lần đến nhà của vị Đàn-việt nói:

– Thiện nam tử! Ông nên cúng cho tôi tiền, tôi muốn tạo chùa trên núi Đề hồ.

Hai anh em Na-sĩ Bà-sĩ đều nói:

– Tôi không thể cho được.

Tôn giả nói:

– Đức Phật đã thọ ký cho hai người làm đàn việt xây chùa trên núi này.

Hai người bảo:

– Nếu Đức Phật đã thọ ký thì chúng tôi xin y lời.

Hai vị cúng thí cho Tôn giả xây chùa và trang sức các vật dụng đầy đủ, cho nên gọi chùa là Na-sĩ Bà-sĩ.

Kinh A-Dục Vương – Quyển 7 (Hết)

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10