KINH A DỤC VƯƠNG

Hán dịch: Đời Lương, Tam tạng Tăng-già-sa-la, ở đất Phù nam
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: SINH NHÂN DUYÊN

Bấy giờ, Đức Phật ở tại thành Vương xá, nơi tinh xá Già-lan-đà, trong vườn trúc. Vào buổi sáng đắp y trì bát, cùng với chúng Tỳ-kheo cùng đi vào thành Vương xá khất thực. Lúc bấy giờ, ở trong hư không có lời kệ rằng:

Thân Phật như Kim sơn
Bước đi như voi chúa
Sắc mặt rất đoan nghiêm
Như ánh trăng đầy đặn
Chư Tỳ-kheo vây quanh
Cùng đi vào trong thành.

Lúc này, Đức Thế Tôn chân vừa bước vào cổng thành, thì xảy ra các sự việc không thể ngờ được. Kẻ mù được thấy, người điếc được nghe, người câm đã nói, người què đi được. Lao ngục ràng buộc đều được giải thoát. Kẻ có oán tắng đều sinh từ tâm. Người bị trói buộc tự nhiên được cởi ra. Tất cả loài chim thú thảy đều hoan hỷ mà kêu lên, âm thanh chan hòa. Các loại trang sức bảo châu vàng xuyến ở trong hòm tự nhiên phát ra tiếng kêu, nghe rất vui thích. Muốn thứ kỹ nhạc đều vang lên. Lúc này mặt đất trở nên yên tịnh, không có các loài uế xấu đất cát ngói ngạch, gai gốc cỏ độc. Sáu cõi đều chấn động, phương Đông nổi thì Tây chìm, phương Tây nổi thì phương Đông chìm. Phương Nam nổi thì phương Bắc chìm, phương Bắc nổi thì phương Nam chìm.

Trung ương nổi thì bốn bên chìm. Bốn bên nổi thì trung ương chìm. Rồi các nơi cùng chuyển động, hiện lên các thứ kỳ đặc. Các việc xảy ra trên không trung lại cùng thuyết kệ:

Tất cả đại địa
Lấy biển làm y
Sông, núi, thành, nước
Dùng làm trang nghiêm
Thế Tôn bước đi
Sáu cõi vang động
Như thuyền trên biển
Bị gió thổi đi.

Lúc Đức Phật đi vào thành, dùng thần lực làm cho mọi người đều sinh lòng hoan hỷ, như nước trong biển lớn lại bị gió thổi. Tất cả nhân dân đều nói kệ:

Thế gian đều vui thích
Không bằng thấy Thế Tôn
Sáu cõi đều vang động
Cát đá cũng tung lên
Người căn không đầy đủ
Từ nay sẽ vẹn toàn
Tất cả đồ bảo khí
Tự nhiên phát diệu thanh
Phật quang chiếu khắp nước
Ngàn mặt trời đỏ soi
Đem nước hương rưới đất
Và Mạt hương chiên-đàn
Thành ấp tại nước này
Trang nghiêm đều đệ nhất.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn đang đi trên đường lớn. Ở trên con đường đó có hai đứa bé, đứa thứ nhất tên là Xà-da, đứa thứ hai tên Tỳxà-da, đều thuộc dòng họ tối thắng. Hai đứa bé đang chơi đùa với cát. Nhìn thấy Đức Thế Tôn có ba mươi hai tướng tốt. Đứa thứ nhất lấy cát làm thức ăn đem cúng dường vào bát của Đức Phật. Đứa thứ hai chắp tay đứng bên tùy hỷ, liền nói kệ:

Đại từ bi soi sáng
Trang nghiêm thân đủ đầy
Đã xa lìa sinh tử
Ta nay một lòng nghĩ
Vì tâm niệm duyên Phật
Dâng cát để cúng dường

Đứa bé Xà-da cúng dường rồi thì phát nguyện:

– Nguyện cho con được làm vua cõi Diêm-phù-đề, vì Phật pháp mà cúng dường khắp cả.

Đức Phật biết tâm niệm phát nguyện đó, ở vào đời vị lai sẽ được hưởng quả thắng diệu. Do Đức Như Lai là ruộng phước nên Đức Phật Từ bi nhận lấy cát đó và mỉm cười, thân phát ra hào quang sáng rực, đủ màu xanh vàng đỏ trắng. Hoặc từ trên đảnh phát ra hoặc từ đầu gối phát ra làm chấn động tám tầng địa ngục. Chỗ lạnh thì ấm, chỗ nóng thì mát. Khi ánh sáng này soi đến thân ai thì khổ não đều được trừ. Có chúng sinh tâm khởi nên nghi hoặc nói ta đã thoát khổ, có thể ở lại đây, chẳng cần đi chỗ khác. Thế là Đức Thế Tôn khởi niệm thiện lại hóa ra người đi đến chỗ đó. Chúng sinh kia nhìn thấy lại nói:

– Chúng ta nay chẳng cần đi chỗ khác, ở đây đã có thần lực của người này khiến cho chúng ta thoát khổ.

– Hóa nhân liền sinh tâm nghĩ:

– Nghiệp báo ở địa ngục thảy đều tiêu dứt. Người này khi mang chúng sinh vào cõi trời người, thấy được chân đế.

– Rồi từ đảnh xuất ra ánh hào quang lên đến cõi trời Tứ Thiên vương cho đến cõi A-già-ni-sất. Trong ánh quang minh ấy diễn thuyết pháp vô thường khổ không vô ngã. Lại nói kệ rằng:

Nên tinh tấn xuất gia
Tương ưng nơi Phật pháp
Diệt trừ quân sinh tử
Như voi phá nhà cửa
Người tu theo Phật pháp
Siêng năng chớ phóng dật
Lìa tất cả sinh tử
Khổ não liền tiêu diệt.

Ánh hào quang của Đức Phật có thể chiếu khắp cả tam thiên đại thiên thế giới. Chiếu xong rồi liền nhập vào thân Phật. Nếu Đức Phật muốn nhớ lại nghiệp báo trong quá khứ thì ánh sáng phát ra từ phía lưng. Nếu Đức Phật muốn phát ra nghiệp báo ở vị lai thì ánh sáng ra từ phía trước. Nếu Đức Phật nghĩ đến chúng sinh ở địa ngục thì ánh sáng nhập vào chân. Nếu Đức Phật muốn nghĩ đến chúng sinh ở cõi súc sinh thì ánh sáng nhập vào lòng bàn chân. Nếu Đức Phật nghĩ đến loài ngạ quỷ thì ánh sáng nhập vào các ngón chân. Nếu Đức Phật muốn nghĩ đến chúng sinh ở cõi người thì ánh sáng phát ra từ đầu gối. Nếu Đức Phật nghĩ đến chúng sinh ở Thiết luân vương thì ánh sáng nhập vào lòng bàn tay trái. Nếu Đức Phật nghĩ đến chúng sinh ở Kim luân vương thì ánh sáng nhập vào lòng bàn tay phải. Nếu Đức Phật muốn nhớ sinh ở cõi trời thì ánh sáng nhập vào ngực. Nếu Đức Phật muốn nhớ đến Bồ-đề Thanh văn thì ánh sáng nhập vào miệng. Nếu Đức Phật muốn nhớ Bồđề Duyên giác thì ánh sáng nhập vào tướng bạch hào. Nếu Đức Phật muốn nhớ lại Bồ-tát thì ánh sáng nhập vào nhục kế. Ánh quang minh từ tam thiên thế giới trở vào. Trước nhiễu Đức Phật ba vòng, rồi sau mới tùy chỗ mà vào. Nay Đức Phật mỉm cười thân phát ra ánh sáng, nhiễu quanh Đức Phật ba vòng rồi nhập vào lòng bàn tay trái đều có nhân duyên. A-nan trông thấy thì chắp tay nói kệ:

Phật trừ hết kiêu mạn
Diệt oán thành thắng nhân
Có duyên cớ nên cười
Răng trắng như ngọc tuyết
Có trí tuệ liền biết
Khiến cho người vui nghe
Đem tối thắng quang minh
Người thấy đều diệt nghi
Tiếng Phật như điện chớp
Mắt tợ như Ngưu vương
Phước điền như trời người
Thọ ký duyên thí cát.

Phật bảo:

– A-nan! Ta từ trước nay không phải không có duyên cớ mà cười. Vì có nhân duyên nên Như Lai ứng chánh biến tri mới mỉm cười.

A-nan! Ông có thấy đứa bé dùng tay đặt cát vào trong bình bát của Như Lai không?

A-nan bạch Phật:

– Thưa con có thấy.
Thế Tôn lại hỏi:

– Đứa bé này sau khi ta nhập Niết-Bàn một trăm năm, sinh vào thành Ba-sất-lợi-phất, tên là A-dục vương. Làm vua chuyển luân. Rất kính tin chánh pháp, nên rộng cúng dường xá-lợi, khởi xây tám vạn bốn ngàn tháp làm lợi ích cho muôn người. Như Lai lại nói kệ:

Sau khi ta Niết-Bàn
Ngươi sinh nhà Khổng Tước
Tên là A-dục vương
Vui thích rộng nghe pháp
Vì ta xây tháp báu
Trang nghiêm cõi Bồ-đề
Thọ báo công đức này
Thí cát cúng dường Phật.

Phật nhận lấy nắm cát kia và nói với A-nan rằng:

– Ông lấy phân bò hòa với cát này rãi trên đất chỗ Đức Phật đi kinh hành.

A-nan làm theo lời Đức Phật dạy lấy cát trải nền đất. Bèn đi đến thành Ba-sất-lợi-phất-đa có vua tên Chiên-na-la Cấp-đa. Vua có con tên Tần-đầu-sa-la. Trưởng tử của Tần-đầu-sa-la tên Tu-tư-ma. Lúc bấy giờ, ở thành Chiêm-bà có Bà-la-môn sinh một người con gái, dung mạo xinh đẹp đoan chánh bậc nhất trong nước.

Tướng sư đoán rằng: Cô gái này sẽ làm vợ vua và sinh ra hai người con. Một đứa làm vua chuyển luân, một người đi xuất gia đắc đạo. Bà-la-môn nghe vậy thì rất vui mừng hân hoan, muốn hưởng phú quý nên đem con đến nước Ba-sất-lợi-phất-đa. Phục sức trang điểm cho cô gái rồi đem dâng cho vua Tần-bà-ta-la:

– Con gái của tôi là trang quốc sắc, xin dâng làm vợ vua.

Vua liền nhận đem vào trong nội cung. Mọi người trong hậu cung đều nghĩ:

– Người con gái này xinh đẹp bậc nhất. Nếu vua thấy sẽ ưa thích mà bớt sủng ái bọn ta. Thế liền bày cách cho cô gái làm nghề hạ tiện, làm thợ cạo râu tóc cho vua.

Khi vào cạo râu tóc cho vua trong lúc vua đang ngủ. Một lát sau vua tỉnh dậy thì cạo đã xong. Vua rất hoan hỷ hỏi rằng:

– Người có ý nguyện gì không?

Liền bạch với vua:

– Tôi muốn cùng vua hưởng lạc.

Vua nói:

– Nàng là thợ cạo râu, còn ta là vua một nước. Làm sao có thể kết hợp.

Lại bạch với vua:

Tôi vốn là con gái của Bà-la-môn chứ không phải là thợ cạo râu. Bà-la-môn đã gã tôi làm vợ vua.

Vua hỏi:

– Ai bảo nàng làm thợ cạo thế?

Đáp:

– Người trong nội cung.

Vua nói:

– Nàng từ đây chớ làm việc này nữa. Thế là vua liền phong làm phu nhân. Một thời gian sau thì có mang và sinh ra một hoàng nam. Bấy giờ phu nhân nghĩ:

– Ta nay đã hết ưu lo, nên đặt tên con là A-thâu-kha. Sau đó lại sinh đứa thứ hai đặt tên là Tỳ-đa-thâu-kha. A-thâu-kha tướng mạo thô xấu nên không được cha yêu. Bấy giờ, vua Tần-ba-ta-la muốn xem các con ai có thể kế vương nghiệp, bèn cho mời tướng sư là Tần-già-la-bạtsa mà nói rằng:

Nay ta muốn xem trong các hoàng tử, sau khi ta băng hà ai có thể nối ngôi vua.

Tướng sư bảo:

– Đại vương nên gọi các hoàng tử vào trong kim điện. Rồi theo vua đến Kim điện.

Bấy giờ mẹ của A-dục bảo con:

Đại vương đang cùng các vương tử ở trong kim điện. Con cũng nên đến đó.

A-dục đáp:

Vua không yêu con. Làm sao đến.

Mẹ bảo:

Con nên đi đi.

A-dục đáp:

– Con xin đi. Mẹ nên sai người đem thức ăn đến đó.

A-dục liền từ trong thành đi ra, gặp quan đại thần tên là Thành Hộ. Thấy A-dục bèn hỏi:

– Vương tử đi đâu.

Đáp:

– Hôm nay Đại vương ở trong kim điện muốn xem tướng các vương tử, nên ta cũng đến đó.

Thành Hộ liền đưa con vua già cho A-dục đi. A-dục cỡi voi đến kim điện, đến chỗ các vương tử mà ngồi. Các vị vương tử này đều làm các thức ăn quý hiếm đựng bằng mâm vàng. Mẹ A-dục sai người làm thức ăn bằng cơm sữa; đựng vào bình bằng đất sét đưa đến cho A-dục.

– Lúc này vua nói với tướng sư rằng:

Ông nên lần lượt xem tướng các vương tử. Sau khi ta mất thì ai nối ngôi ta.

Tướng sư suy nghĩ:

– Nếu nói A-dục có tướng làm vua. Thì vua không thích tất sẽ giết ta.

Nghĩ thế cho nên nói:

– Tôi nay có nhân duyên nên xem tướng không thể nêu tên ra được. Mà chỉ xem hình trạng.

Vua nói:

– Được!

Tướng sư nói:

– Nếu các vương ai có xe đẹp thì có tướng làm vua.

Đại vương nói:

– Ông có thể nói thêm.

Tướng sư nói:

– Nếu có chỗ ngồi tối thắng thì được làm vua.

Vua nói:

– Ông có thể nói thêm.

Tướng sư lại nói:

Có thức ăn ngon đồ đựng tốt.

Bấy giờ các vương tử nghe lời này thì đều suy nghĩ:

– Nếu có xe, chỗ ngồi tốt thức ăn ngon đồ đựng quý thì ta có thể làm vua.

A-dục cũng suy nghĩ:

– Nay tướng sư không nêu tên, mà chỉ nói như vậy. Thì ta cũng cỡi con voi là vật tối thắng. Ngồi trên đất, ăn cơm sữa thì cũng là đệ nhất. Ta có đồ đựng bằng đất, dùng nước làm thức uống, như vậy thì ta có thể làm vua.

Sau đó tướng sư lại thăm hỏi mẹ A-dục. Người mẹ hỏi:

Sau khi vua băng hà thì ai sẽ nối ngôi.

Đáp:

– A-dục.

Lại hỏi:

– Vua có thể nghi hoặc hỏi ai sẽ làm vua. Ông nên đi xa lánh chỗ này, chừng nào A-dục làm vua hãy trở về.

Thế là tướng sư liền đi ra khỏi nước. Lúc này nước Đức-xoa-thi-la muốn làm phản. Vua Tần-đầu-sa-la nói với A-dục:

– Ngươi tập hợp bốn bộ binh đi đến nước kia.

Nhưng vua lại không cấp cho khí cụ, A-dục kéo quân đi đến nước kia.

Kẻ hầu cận hỏi:

– Không có khí giới làm sao chúng ta chinh phạt được nước kia.

A-dục đáp:

– Nếu ta có phước đức làm vua, khiến khí giới tự nhiên sẽ có, vua vừa nói xong thì mặt đất liền mở ra, khí giới và các vật dụng đều xuất hiện. Thế là A-dục thống lĩnh đại binh đi sang nước Đức-xoa-thi-la. Lúc này dân chúng ở đây nghe A-dục đến, đều lo sửa soạn đường xá đến nửa do tuần, rải đầy hương hoa để cung nghinh và nói với A-dục rằng:

– Chúng tôi không có ý phản vua, cũng không phản vương tử. Chỉ vì đại thần xúi dục vua nước tôi làm việc vô đạo. Nay xin phế đi, sau đó dân chúng cung phụng vật thực đầy đủ cho A-dục, mời vào trong thành thu phục được nước này.

Khi đó con trưởng của vua Tần-đầu-ta-la từ trong vườn trở về thành Ba-sất-lợi-phất-đa, trông thấy một vị đại thần trên đỉnh không có tóc. Khi hai người gặp nhau thì vương tử mới gõ lên đầu vị đại thần kia. Đại thần mới nghĩ:

– Nay lấy tay đánh vào đầu ta, nếu lên làm vua chắc sẽ lấy dao chém ta phải tìm cách để vương tử này không lên làm vua mới được.

Thế là vị đại thần cùng họp bàn với năm trăm vị đại thần muốn phế bỏ Tu-tư-ma và nói:

– A-dục vương có tướng làm Chuyển luân Thánh vương, vậy chúng ta nên cùng mưu sự lập nên.

Khi ấy dân Đức-xoa-thi-la lại làm phản. Nhà vua nước đó không chịu thuần phục. Vua Tần-bà-ta-la bèn sai Tu-tư-ma đem binh đi chinh phạt, nhưng Tu-tư-ma không thể làm cho nước kia khuất phục. Lúc này A-dục cũng đã trở về nước.

Vua Tần-bà-ta-la bị bệnh nặng, bảo A-dục đến nước Đức-xoa-thila để Tu-tư-ma trở về và nói:

Ta nay muốn giao phó nước cho Tu-tư-ma.

Lúc này quần thần đem nước Huỳnh khương xoa vào người A-dục rồi nói thác bị bệnh. Lại nấu nước Lạc-xoa đổ đầy bát đem đến chỗ A-dục bệnh, lúc đó vua Tần-đầu-ta-la bệnh rất nặng. Quần thần đem A-dục đến chỗvua và tâu:

– Đây là vương tử, vua nên truyền ngôi lại. Còn Tu-tư-ma trở về thì nên phế đi.

Vua nghe nói vậy thì rất tức giận.

A-dục nói:

– Nếu có tướng làm vua thì trời sẽ cho vương miện.

Nói xong thì chư Thiên liền đem vương miện của trời chụp lên đầu A-dục.

Nhà vua thấy vậy thì càng sân giận hộc máu mà băng hà.

A-dục liền nối ngôi, phong Thành Hộ làm đại thần thứ nhất.

Tu-tư-ma nghe vua đã băng hà và A-dục lên ngôi thì rất phẩn nộ, liền đem binh về định đánh A-dục.

A-dục vương ở trong thành đốc thốc binh sĩ giữ bốn cửa thành. Sai hai vị dõng tướng đem quân giữ hai cửa Tây và Nam, khiến đại thần Thành Hộ đem quân giữ thành phía Bắc. A-dục giữ cửa phía Đông. Đại thần Thành Hộ đặt cơ quan ở thành phía Đông, đào hố chôn cây nhọn và lửa rồi lấy cỏ che trên. Tu-tư-ma kéo quân muốn tiến đánh cửa Bắc. Thành Hộ nói:

– Ông nên tiến đánh cửa Đông. Nếu giết được A-dục thì tôi sẽ quy thuận.

Tu-tư-ma đem quân kéo về hướng Đông, tiến đánh A-dục làm bằng người máy liền rớt xuống hầm bị lửa thiêu đốt chết. Có bộ hạ tên là Bạt-đà-la là một người đại lực sĩ liền đem mấy ngàn quân binh đến cửa Phật pháp xin xuất gia tu đạo đều chứng quả A-la-hán.

Lúc này A-dục vương trị nước, có năm trăm đại thần tỏ ý khinh mạn. A-dục mới nói với các đại thần đó:

– Các ông có thể bẻ lấy hoa quả để bảo hộ gai gốc cỏ lá cho cây không?

Chư thần đáp:

– Không thể được, phải chặt cỏ gai để bảo hộ hoa quả.

A-dục không bằng lòng, nói đến ba lần mà chư đại thần vẫn không chịu nghe. Vua giận dữ liền tự tay chém đầu năm trăm vị đại thần đó.

Một lần vua cùng năm trăm thể nữ ở trong vườn. Vườn đó có cây hoa A-thâu-kha đang ra hoa, vua vừa thấy cây thì nói:

– Cây này cùng tên với ta, nên vua rất yêu thích. Vua A-dục vì thân hình thô xấu, nên nữ nhân không muốn gần. Khi đó vua đang nằm ngủ trong vườn. Bọn thể nữ muốn làm cho vua không vui bèn hái sạch hoa của cây đó. Vua khi thức dậy không thấy hoa thì hỏi:

– Ai hái.

Thể nữ nói:

– Chúng tôi hái.

Vua nổi giận đem hết bọn thể nữ thiêu đốt dưới gốc cây. Vì vậy mà dân trong nước đều gọi vua là ác vương. Quan đại thần Thành Hộ nói với vua:

Việc chém giết vua không nên tự làm, mà giao cho người khác.

Vua liền cho đi tìm một người để làm việc xử tử người. Ở một làng trên núi có gia đình của người dệt vải có một đứa con. Người cha tên là Kỳ-lợi-kha. Người con thì tánh tình hung dữ thường mắng cha mẹ. Đối với mọi người hay loài vật thì thích đấm đá chém giết. Lại thích đi săn bắn nên chém giết hại vật cũng nhiều. Mọi người đều gọi là Khả-úysơn. Vua sai sứ đến tìm người này. Hắn liền về nói với cha mẹ, cha mẹ không cho thì hắn giết luôn. Khi đến gặp sứ thì người này hỏi:

–Sao ngươi đến chậm thế, hắn liền kể lại vì cha mẹ không cho nên hắn giết rồi mới đến.

Vua sai hắn làm lao ngục để trị người có tội. Hắn làm cửa ngục trông rất đẹp, rất hoa lệ, khiến người ngoài nhìn vào rất ưa thích. Lại tâu với vua ra nghiêm lệnh nếu ai vào ngục này thì tuyệt không cho ra. Vua bằng lòng. Thế là Chiên-đà Kỳ-lợi-kha đến chùa Kê-đầu. Trong chùa có Tỳ-kheo đang tụng kinh. Trong kinh có nói về địa ngục về các hình phạt khổ sở như cưa sắt đốt nấu. Nếu có người sinh vào địa ngục thì liền bị trị tội. Chiên-đà Kỳ-lợi nghe vậy liền về tạo ra các dụng cụ trị tội như thế.

Khi đó ở thành Xá-vệ có một thương chủ cùng vợ đi ra biển. Ra đó thì hạ sinh một đứa con nên đặt tên là Hải. Đến mười hai năm mới trở về, gặp bọn cướp sát hại thương chủ mà cướp đoạt tài vật. Duy chỉ có đứa bé tránh được. Về sau đứa bé vào trong Phật pháp xuất gia. Lần hồi đi đến nước Sất-lợi-phất-đa. Đến đó thì mỗi sáng đắp y trì bát vào trong thành khất thực. Khi ấy nhìn thấy cửa địa ngục thật là tráng lệ trang nghiêm. Liền đi vào trong để khất thực. Vào rồi thì thấy các hình cụ hành hình khổ cực lại muốn ra. Chiên-đà Kỳ-lợi-kha thấy bèn bắt lại nói rằng:

– Ông đã vào đây thì phải chịu tội chết không được ra.

Tỳ-kheo lúc này tâm sợ hãi la khóc ràn rụa. Chiên-đà Kỳ-lợi nói:

Ông vì sao lại khóc lớn như con nít thế?

Tỳ-kheo đáp:

Tôi khóc không phải vì tiếc thân này. Mà vì gặp được đạo giải thoát thật là khó. Xuất gia khó thì nay tôi đã xuất gia. Thích-ca khó gặp tôi cũng đã được gặp. Nhưng ở trong giáo pháp tôi vẫn chưa được chứng ngộ cho nên mới ưu não khóc thương.

Chiên-đà Kỳ-lợi nói:

Tôi đã thọ lệnh của vua, nếu đi vào đây thì không cho ra. Tỳ-kheo lại khóc và xin cho gia hạn một tháng. Chiên-đà Kỳ-lợi không chịu và cho bảy ngày. Lúc này Tỳ-kheo tư duy đến việc sinh tử gần kề nên càng tinh tấn tu trì suốt cả bảy ngày.

Vào lúc đó có một vị vương tử cùng cùng với cung nhân có tư tình. Vua A-dục biết rất giận dữ bèn đem hai người cho vào ngục trị tội. Chiên-đà Kỳ-lợi đem bỏ vào cối sắt rồi dùng búa đập nát. Tỳ-kheo thấy thế rất sợ hãi, liền nói kệ:

Đấng Thế Tôn Từ bi
Bậc Tiên chánh đệ nhất
Sắc này như bọt tụ
Không thật cũng không trụ
Sắc này dù đoan nghiêm
Diệt rồi đến chốn nào
Vì thế nên xa lìa
Kẻ ngu mê lầm theo
Duyên này ta nên biết
Giải thoát tại ngục này
Nương đây để vượt qua
Bờ biển trong tam giới.

– Lúc này thì Tỳ-kheo đã trải qua một đêm, càng tư duy tinh tấn, dứt trừ hết phiền não, liền chứng quả A-la-hán.

Chiên-đà Kỳ-lợi nói với Tỳ-kheo:

Đêm đã qua, mặt trời đã hiện, sự thọ khổ sẽ đến ông cần nên biết.

Tỳ-kheo đáp:

Tôi nay không hiểu lời ông nói, thế nào là đêm đã qua, mặt trời đã hiện. Duy chỉ biết đêm vô minh đã qua, mặt trời trí tuệ đã tỏ. Tôi đem mặt trời trí tuệ soi sáng thấy khắp thế gian đều không có thật, cho nên tôi nay muốn đem Phật pháp nhiếp hộ thế gian.

Rồi nói với Chiên-đà-lợi:

– Thân này của tôi, tùy ông xử sự.

Người chủ ngục tuyệt không có lòng từ bi nên không cảm nhận được lời nói ấy, nên càng tức giận đem Tỳ-kheo đặt vào chảo thiết, trong đó có đầy máu mủ phẩn uế. Rồi lấy nhiều củi để đốt nấu Tỳkheo. Nấu đến hết củi mà thân vẫn không chín nát. Ngục chủ thấy vậy thì giận dữ mắng ngục tốt.

– Người sao không chịu đốt nhiều lửa?

Rồi tự tay ngục chủ cho củi vào đốt mà củi vẫn không cháy, liền nhìn vào trong vạc đồng, thấy Tỳ-kheo đang ngồi kiết già trên tòa hoa sen. Thấy vậy liền tâu lại với vua. Vua nghe nói thì cùng dân chúng kéo đến coi. Tỳ-kheo bèn dùng thần lực chỉ trong khoảng khắc từ trong vạc đồng bay lên hư không, biến hóa đủ mười tám thân. Vua A-dục thấy Tỳ-kheo như phá núi đi thẳng vào hư không như thế, thì tâm sinh hoan hỷ mà nói kệ rằng:

Thân cũng đồng là người
Thần lực lại hơn người
Tôi không biết việc này
Người là ai ở đâu
Xin đem lời chánh thuyết
Khiến tôi được tỏ thông
Nếu tôi biết việc này
Xin nguyện làm đệ tử.

Bấy giờ Tỳ-kheo trong lòng suy nghĩ. Vua hôm nay sẽ lảnh thọ lời Phật dạy, mà rộng truyền việc xây tháp cúng dường Xá-lợi, khiến cho mọi người cùng đạt lợi ích. Suy nghĩ rồi thì muốn hiển rõ công đức của Đức Phật, liền nói kệ rằng:

Phật diệt trừ các lậu
Không hơn lòng Từ bi
Bậc luận sự tối thắng
Tôi là đệ tử người
Đem chánh pháp vô tận
Không đắm trước hữu lậu
Là ngưu vương trong người
Tự lợi mình lợi tha
Khiến ta nay giải thoát
Lao ngục trong ba cõi.

Này Đại vương! Đức Phật đã có lời thọ ký: Sau khi ta diệt độ khoảng một trăm năm, ở trong nước Sất-lợi-phất-đa có vua tên A-thâukha làm vua chuyển luân trong bốn cõi. Đem xá-lợi của ta cúng dường khắp nơi và khởi xây tám vạn bốn ngàn bảo tháp.

Lại này Đại vương! Vua đã tạo ra ngục tù giống như chốn địa ngục giết hại chúng sinh vô số. Vua nên trừ bỏ đi khiến cho dân chúng được an ổn.

Đại vương nay được như thế mới mãn ý nguyện của Thế Tôn! Lại nói kệ:

Làm vua khắp cõi người
Với tất cả chúng sinh
Nên khởi lòng từ bi
Bố thí vô khả úy
Vừa ý nguyện Thế Tôn
Rộng xây xá-lợi tháp.

Lúc này vua A-dục tâm niệm đang nghĩ đến Đức Phật. Liền chắp tay sám hối mà nói kệ:

Ta quy y Phật Pháp
Là đệ tử Thế Tôn
Ông là con của Phật
Nên khởi tâm nhẫn nhục
Ta tạo ra ác nghiệp
Nay xin sám hối ngài
Cần cầu tinh tấn tu
Thêm sâu lòng cung kính
Ta trang nghiêm đất này
Làm vô lượng tháp Phật
Cũng trắng như ngọc tuyết
Như lời Phật thọ ký.

Tỳ-kheo đáp:

– Tốt! Rồi dùng thần lực bay về chỗ cũ. Vua A-dục muốn đi ra khỏi ngục để trở về. Chiên-đà Kỳ-lợi chắp tay nói:

– Đại vương! Nên biết là tôi đã nhận lệnh, nếu ai vào đây thì quyết không cho ra.

Vua nói: Ngươi nay lại muốn giết ta sao?

Đáp: Chính phải.

Vua hỏi: Vậy chúng ta ai vào trước.

Đáp: Tôi vào trước.

Vua bèn gọi ngục tốt bắt Chiên-đà Kỳ-lợi vào trong nhà Lạc Khả dùng lửa thiêu đốt và thiêu hủy cả nhà ngục này. Từ đó dân chúng không còn lo sợ nữa. Vua A-dục phát tâm xây bảo tháp khắp nơi. Vua bèn cử bốn bộ binh đi đến chỗ vua A-xà-thế, có tháp tên là Đầu-lâu-na. Sai người phá tháp đó đi để lấy xá-lợi của Đức Phật. bảy tháp khác ở các nơi cũng đều phá để lấy Xá-lợi. Lại đến một thôn có tên là La-na, trong thôn này có một bảo tháp xây đã từ lâu, vua muốn phá tháp đó để lấy xá-lợi. Lúc này có Long vương hiện lên mời A-dục nhập vào Long cung, rồi bạch với vua xin lưu lại tháp này để cúng dường. Vua bằng lòng và Long vương đưa vua trở lại thôn La-na. Vua A-dục suy nghĩ tháp này là tối thắng đệ nhất cho nên Long vương mới hết lòng giữ gìn, ta nay không được xá-lợi ở đây. Sau đó vua liền trở về nước.

Vua cho khởi xây tám vạn bốn ngàn bảo tháp, phân bố xá-lợi khắp các nơi này. Lại làm tám vạn bốn ngàn bình đựng xá-lợi và tràng phan bảo cái giao cho Dạ-xoa đi khắp các vùng đại địa và biển cả để xây tháp cúng dường xá-lợi. Lại các nước lúc ấy có ba loại đại trung tiểu. Mỗi nước đều xuất ra cả ngàn lượng vàng để cho vua nước đó xây tháp. Ở nước Đức-xoa-thi-la xuất ra ba mươi sáu ngàn lượng vàng. Nhân dân trong nước đó thưa với vua A-dục:

– Vua nên cho chúng tôi ba mươi sáu viên xá-lợi. Vua suy nghĩ muốn đem xá-lợi đến cho khắp nơi. Làm sao lại cho nước này nhiều được. Vua bèn dùng phương chước nói với nhân dân nước đó. Nay nên trừ ba mươi lăm lượng vàng, lại ra lệnh nước có nhiều tháp hay ít từ nay trở đi cũng không có đưa vàng.

Sau đó A-dục vương đến chỗ Đại đức Da-xá nói:

– Tôi muốn trong một lúc khởi xây tám vạn bốn ngàn bảo tháp đầy đủ hoàn thành, rồi nói kệ rằng:

Trong bảy tháp trước kia
Lấy xá-lợi Thế Tôn
Ta dòng họ Khổng tước
Trong bốn ngày tạo ra
Tám vạn bốn ngàn tháp
Quang minh như tuyết trắng.

Khi vua khởi tu xây tháp và hết lòng ủng hộ Phật pháp. Nhân dân trong nước gọi vua là A-dục pháp vương và nói kệ rằng:

Đại Thánh vua Khổng tước
Biết pháp đại lợi ích
Đem tháp ấn thế gian
Diệt trừ danh xưng ác
Được tên Thiện Pháp Vương
Y pháp được an lạc.

Kinh A-Dục Vương, Quyển 1 (Hết)

Hữu Lương Thiên Lâm năm thứ 11 vào ngày 12 tháng 06 ở đất Phù Nam, Sa-môn Tăng-già-bà-la tại Dương đô thọ quang điện dịch kiến bảo xướng lục.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10