KINH A DỤC VƯƠNG
Hán dịch: Đời Lương, Tam tạng Tăng-già-sa-la, ở đất Phù nam
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 5
Phẩm 5: NHÂN DUYÊN NÓI VỀ NỬA TRÁI AM-MA-LẶC, CÚNG DƯỜNG TĂNG
Lúc bấy này vua A-dục đã có lòng tin thâm sâu bèn hỏi chư Tỳkheo:
– Ở trong Phật pháp ai là bậc đại thí chủ?
Chư Tỳ-kheo đáp:
– Trưởng giả Cấp cô độc là bậc đại thí chủ.
Vua lại hỏi:
– Đã cúng dường khoảng bao nhiêu?
Tỳ-kheo đáp:
– Cả trăm ngàn lượng vàng.
Vua nghe thì suy nghĩ:
– Trưởng giả Cấp cô độc dùng trăm ngàn lượng vàng. Nay ta cũng dùng như thế để cúng dường bố thí.
Vua đến các nơi Phật đản sinh, chuyển pháp luân nhập Niết-bàn và chư La-hán nhập Niết-bàn, mỗi nơi đều cúng dường mười vạn lượng vàng. Bốn bộ đại hội cũng đã làm xong. Lại đem ba mươi vạn cúng dường chúng Tăng, một phần cho A-la-hán, hai phần cho các học nhân và hàng phàm phu tinh tấn. Mỗi ngày đều có cúng dường thực phẩm. Vua chỉ trừ lại các loại trân bảo, còn tất cả cung nhân đại địa, đại thần và Cưu-na-la, cùng bản thân đều cúng dường cho chúng Tăng.
Lại đem bốn mươi vạn lượng để cúng dường chúng Tăng, dùng số vàng này để chuộc lại thân mình, Thái tử, Đại thần, cung nhân…. Sau lại đem chín mươi sáu ngàn vạn lượng vàng để cúng dường cho chúng Tăng. Lúc này vua A-dục bị bệnh nặng, trong lòng rất là ưu não. Quan đại thần Thành Hộ, ngày trước tùy hỷ cúng cát cho Đức Phật. Nghe vua bệnh, liền đến thăm lễ lạy rồi nói kệ:
Xưa mặt như hoa sen
Trần cấu không làm dơ
Đại lực các oan gia
Đều không thể thấy vua
Như mặt trời cháy sáng
Người đâu thể nhìn thấy
Vì sao mà hôm nay
Ưu bi mà rơi lệ.
Vua nói kệ đáp:
Ta nay sinh lo buồn
Không tài vật không mạng
Vì xa lìa Thánh chúng
Cho nên mới lo buồn
Đệ tử của Thế Tôn
Thành tựu các công đức
Đem các thứ ẩm thực
Ngày ngày đến cúng dường
Thường tư duy việc này
Cho nên ta rơi lệ.
Lại nữa Thành Hộ, ngày trước ta muốn đem trăm ngàn lượng vàng để cúng dường Tam bảo, mà ý chưa tròn. Ta nay muốn đem, muốn đem bốn mươi ngàn vạn lượng vàng cúng dường cho đủ bổn nguyện. Nói rồi vua muốn đem đủ số vàng đến cúng dường chùa Kê đầu. Thì lúc này con của Câu-na-la là Ba Địa làm thái tử.
Có một đại thần nói với thái tử rằng:
– Vua A-dục chẳng còn bao lâu nữa sẽ qua đời, mà nay muốn đem hết vàng bạc đến chùa Kê đầu. Làm vua ắt cần phải có tài vật của cải, thái tử nên giữ lại chớ cho đem đi, duy chỉ đem đồ kim khí cho vua đựng thức ăn thôi.
Khi vua ăn xong, thì sai người đem những đồ kim khí ấy đưa đến chùa Kê đầu. Thái tử lại không đưa kim khí vào mà đưa đồ ăn bằng bạc. Vua ăn rồi cũng bảo đưa đến chùa. Rồi đưa đồ ăn bằng thiếc vua cũng đưa đến chùa. Sau cùng đưa đồ đựng thức ăn bằng ngói sành. Lúc này vua không còn gì để cúng dường, duy chỉ có nửa trái Am-la trong tay, trong lòng vua rất là ảo não, cho triệu các Đại thần đến nói rằng:
– Ai làm chủ cả đại địa này.
Các Đại thần đều đứng dậy chắp tay lễ lạy:
-Duy chỉ có vua làm chủ, chứ không có ai khác.
Vua liền rơi lệ như mưa, mà nói kệ:
Nay ta A-dục vương
Không còn lực tự tại
Chỉ còn nửa trái này
Ta có quyền tự tại
Sao dùng làm phú quý
Như nước sông Hằng hà
Trước thống lãnh cả nước
Hào phú vào bậc nhất
Nay bỗng nhiên nghèo cùng
Không có chút tự tại
Tất cả sự hội họp
Đều phải có phân ly
Chánh pháp Như Lai nói
Không có thể biết được
Ta trước ra sắc lệnh
Mọi việc không chướng ngại
Dụ như tâm ý thức
Do duyên được tự tại
Ta nay có ra lệnh
Như nước bị đá ngăn
Tất cả loài oán tặc
Ta trước đều hàng phục
Thống lãnh cả đại địa
Nhiếp tất cả khổ nghèo
Nay không còn chói sáng
Như mây che mặt trăng
Như cây A-thâu-kha
Lá hoa đều khô rụng
Ta là A-thâu-kha
Sự khổ nghèo cũng thế.
A-dục vương gọi người hầu cận tên là Bạt-đa-la Mục-kha tới nói rằng:
– Ta không còn quyền lực tự tại. Ngươi là kẻ hầu cận cuối cùng của ta. Duy có việc này ta muốn nhờ ngươi. Còn nửa trái Am-la này ngươi đem đến cúng chùa Kê đầu và nói lại rằng:
– Vua A-dục lễ lạy dưới chân chúng Tăng. Ngày trước thống lãnh cả cõi Diêm-phù-đề, nay chỉ còn nửa trái Am-la này. Đây là vật cúng dường cuối cùng của ta. Xin chư Tăng thọ nhận, vật này tuy nhỏ, nhưng 38 sự cúng dường chúng Tăng phước đức thật vô cùng, liền nói kệ rằng:
Ta xưa vốn làm vua
Nơi cung điện tự tại
Vô thường làm tự tướng
Không lâu sẽ diệt tận
Có thể trị bệnh này
Duy chỉ thánh phước điền
Nay ta không y dược
Nguyện nay được tế độ
Nửa trái Am-la này
Là vật cúng sau cùng
Cúng ít mà phước lớn
Vì thế nên nhiếp thọ.
Người hầu theo lời vua đem trái Am-la đến chùa Kê đầu, trước mặt Thượng tọa dâng cúng trái Am-la cho chúng Tăng. Lại chắp tay nói kệ:
Tất cả cõi thế gian
Vua lãnh không chướng ngại
Dụ như mặt trời soi
Chiếu khắp cả mọi nơi
Vì nghiệp tự khi huống
Công đức nay đã tận
Như mặt trời đã tắt
Không thể cùng chiếu soi
Nên cung kính đãnh lễ
Cúng nửa trái Am-la
Phước đức tỏ vô tận
Nay cúng thí sau cùng.
Thượng tọa tập họp chư đại chúng lại và nói:
– Các ông nay nên khởi tâm bố úy. Như lời Đức Phật dạy, thấy sự vô thường của người mà đáng sợ ai thấy việc này mà không sinh tâm xa lìa vì sao?
Dõng mãnh hay bố thí
Khổng tước A-dục vương
Thống lãnh cả đại địa
Cõi Diêm-phù tự tại
Ngày nay quả báo tận
Duy chỉ có A-ma-lặc
Đại địa cùng trân bảo
Tất vì người hộ trì
Nay đây A-dục vương
Đem nửa trái Am-ma
Các người là phàm phu
Lực phước đức sinh mạng
Nên vì nói vô thường
Khiến kia sinh nhàm chán.
Chúng Tăng nhận nửa trái Am-ma-lặc của vua A-dục, đem cắt nhỏ cho vào nồi canh để chúng Tăng dùng.
Vua A-dục khi đó nói với Thành Hộ:
– Nay thì ai làm vua?
Thành Hộ lễ dưới chân vua thưa:
– Duy chỉ có Đại vương chứ không ai khác.
Vua nhờ người đỡ dậy, nhìn khắp bốn phương, chắp tay hướng về chúng Tăng thưa:
– Ngoại trừ trân bảo ra thì khắp cả đại địa sông núi, tôi đem đem cúng dường chư Tăng, liền nói kệ:
Nước làm áo đại địa
Bảy báu trang nghiêm mặt
Đem tất cả chúng sinh
Và núi sông các chỗ
Ta nay đều xả bỏ
Đem cúng dường chúng Tăng
Khi chúng Tăng được quả
Là do tôi cúng thí
Phước đức cúng thí này
Không cầu làm Thiên đế
Cũng không thích Phạm thiên
Và chủ các đại địa
Duy chỉ đem phước này
Cầu được tâm tự tại
Được cùng pháp Thánh nhân
Chỗ người không thể được.
Vua A-dục dùng lá Đa-La viết bài kệ này rồi đóng dấu vào. Cầm thư chắp tay hướng về Tăng nói:
– Tôi đem cả đại địa này cúng thí cho chúng Tăng.
Nói xong thì mạng chung.
Lúc này thì chư đại thần dùng lụa năm sắc trang nghiêm cúng dường thân vua. Cúng dường xong thì lấy nước tưới lên đỉnh đầu Thái tử để lên ngôi.
Thành Hộ nói với các đại thần:
– Tất cả đại địa vua A-dục đã đem cúng cho chúng Tăng.
Chư Đại thần nói:
– Chúng ta nay phải làm sao?
Thành Hộ đáp:
– Tiên vương trước đã có tâm nguyện, muốn đem trăm ngàn vạn lượng vàng cúng thí chúng Tăng. Đã cúng được chín mươi sáu ngàn vạn lượng vàng; muốn cúng cho đủ mà chư đại thần không cho, nên ý vua chưa được trọn vẹn, cho nên vua đem cả đại địa cúng cho chúng Tăng. Nay các quan nên đem bốn mươi ngàn vạn lượng vàng để chuộc lại.
Sau đó, lấy nước biển rưới lên đỉnh đầu thái tử Tam-bà-địa, rồi lên ngôi vị. Con của Tam-bà-địa là Tỳ-lê-kha Bát-để. Có con tên Tỳlê-sa Tư-na (Ngưu Tất); Ngưu Tất có con tên Phất-sa-bạt-ma (Hán dịch là Vĩ Khải) lại có con tên là Phất-sa-mật-đa-la (Hán dịch là Soa Hữu).
Người này khi lên ngôi vị, tập họp các đại thần lại nói:
– Có cách gì khiến cho tên ta lưu mãi ở đời?
Các quan đáp:
– Từ thời vua A-dục, vua đã khởi xây tám vạn bốn ngàn bảo tháp, làm cho Phật pháp không tiêu diệt. Danh của vua cũng lừng vang không dứt, vua nay cũng nên khởi tu tám vạn bốn ngàn tháp.
Vua đáp:
Vua A-dục có đại thần lực không thể nghĩ bàn khó ai làm được. Nay có phương cách nào khác để được lưu danh không?
Lúc đó có một người Bà-la-môn có chú nguyện đệ nhất, nhưng không tin Phật mới tâu với vua:
Có hai loại được lưu danh ở đời. Một là làm ác, hai là làm thiện. A-dục vương đã xây tám vạn bốn ngàn bảo tháp. Nay vua nếu hủy hoại hết thì cũng được nổi tiếng.
Vua nghe theo, liền đem bốn đại binh muốn hoại diệt Phật pháp, đi đến chùa Kê đầu. Đi đến chùa nghe tiếng sư tử rống, vua rất sợ hãi liền đem quân trở về. Vua ba lần đi đến chùa cũng đều như thế. Khi về nước tập họp chúng Tăng lại mà nói rằng:
– Ta nay muốn hoại Phật pháp, là chúng Tăng, hai là chùa tháp, tôn tượng, các ông nên chọn.
Chúng Tăng đều nói:
– Chúng tôi hộ trì tháp chùa, tôn tượng.
Nghe thế vua liền ra lệnh giết từ Thượng tọa cho đến chúng Tăng và ra lệnh cho khắp nước Sa-kha-la:
– Người trong nước nếu ai đem một đầu Tỳ-kheo, thì sẽ được thưởng tiền.
Ở nước kia có chùa tên là Pháp vương. Trong chùa đó có một vị La-hán. Có người muốn lấy đầu nên bạch với vua rằng:
– Ở đó có Tỳ-kheo, nay muốn lấy đầu để dâng cho vua.
Vua nghe nói tự mình muốn tới lấy đầu. Bấy giờ Tỳ-kheo nhập định tận diệt. Vì có định lực nên đao kiếm lửa đốt đều không làm tổn hại.
Đã không bị giết lại đi đến nước khác. Đến nước Câu-sắt-tha-ca. Nước này có một vị thần Dạ-xoa giữ gìn răng Phật. Dạ-xoa nghĩ Phật pháp nay đến hồi bị tiêu diệt, ta đã thọ giới không nên sát sinh. Ta có con gái, Dạ-xoa Lợi Lý muốn cầu thân. Vì kia thường tạo ác nghiệp cho nên ta không chịu. Nay vì hộ trì Phật pháp cho nên phải ưng thuận.
Lại có đại lực Dạ-xoa thường theo hộ vệ vua Phất-sa-mật-đa-la. Người này dõng mạnh nên không ai hại được. Vị thần giữ răng Phật đem vị Dạ-xoa hộ vua đến trong Nam Hải. Thế là Dạ-xoa Lợi Lý đem núi Thái sơn đè vua và bốn bộ binh đều chết cả. Cho nên núi này có tên là Tu-ni-hỷ-đa. Vua Phất-sa-mật-đa-la bị giết. Từ đó dòng họ Khổng tước bị diệt.
Kinh A-Dục Vương – Quyển 5 (Hết)