KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH
_QUYỂN THỨ NĂM_
Hán dịch: Đại Đường Tam Tạng Sa Môn NGHĨA TỊNH phụng chế dịch
Việt dịch: HUYỀN THANH
LIÊN HOA DỤ TÁN _PHẨM THỨ BẢY_
Bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ Đề Thụ Thần (Thần cây Bồ Đề): “ Này Thiện Nữ Thiên! Nay ngươi nên biết, Diệu Tràng (Rucira-ketu) ban đêm nằm mộng, thấy cái trống vàng màu nhiệm phát ra âm thanh lớn, khen ngợi Công Đức của Phật kèm với Pháp Sám Hối. Do nhân duyên này, Ta vì các ngươi, rộng nói việc ấy, cần phải nghe cho kỹ, hãy khéo nghĩ nhớ. Quá khứ có vị vua tên là Kim Long Chủ (Suvarṇa-bhujendra) thường dùng hoa sen làm ví dụ để ca ngợi (liên hoa dụ tán), xưng tán chư Phật ba đời ở mười phương
“Phật quá khứ hiện tại vị lai
An trụ trong mười phương Thế Giới
Nay con chí thành, cúi đều lễ
Một lòng khen ngợi các Tối Thắng
Mâu Ni Tôn (Muṇīndra) thanh tịnh vô thượng
Thân tỏa ánh vàng chiếu sáng khắp
_Trong mọi âm thanh là tối thượng
Như tiếng Đại Phạm (Brahmarute-svara), âm sấm động (Garjita-ghoṣa)
_Màu tóc ví như vua ong đen (hắc phong vương)
Uyển chuyển uốn xoay màu xanh biếc
_Răng trắng khít đều như Kha Tuyết (vỏ sò trắng như tuyết)
Đều đặn hiển hiện tỏa ánh sáng
_Mắt trong không dơ, thật đoan nghiêm
Giống như cánh sen xanh rộng lớn
_Tướng lưỡi rộng dài thật mềm mại
Ví như sen hồng ló khỏi nước
_Tam tinh thường có Bạch Hào (Ūrṇa) sáng
Chuyển xoay bên phải, màu Pha Lê (Sphaṭika)
_Lông mày dài nhỏ như trăng sớm
Màu sắc sáng ngời như vua ong (phong vương)
_Mũi cao dài thẳng như thỏi vàng
Tịnh diệu sáng bóng không khiếm khuyết
Mọi hương thù diệu trong Thế Gian
Khi ngửi đều biết ở chỗ nào
_Thế Tôn: thân tối thắng màu vàng
Mỗi một đầu lông chẳng khác nhau
Xanh biếc mềm mại xoay bên phải
Màu sáng vi diệu khó ví dụ
_Mới sinh, thân tỏa sáng màu nhiệm
Chiếu khắp tất cả mười phương Giới
Diệt khổ của chúng sinh ba cõi
Khiến họ đều được vui an ổn
_Trong đường Địa Ngục, Quỷ, Bàng Sinh
A Tu La, Trời với nẻo người
Khiến họ trừ diệt được mọi khổ
_Ánh sáng của thân thường chiếu khắp
Ví như vàng đúc, đẹp khôn sánh
Diện mạo tròn sáng như trăng đầy
Mảu môi đỏ thắm như Tần Bà (Bimba, hay Bimbajā: cây Tần Bà có quả trái màu hồng tươi)
_Bước đi uy nghi như Sư Tử (Siṃha)
Thân sáng như mặt trời mới mọc
Cánh tay thon dài hơn đầu gối
Dạng như cành Sa La (Śāla) rũ xuống
_Hào quang một Tầm (8/3 m) chiếu vô biên
Sáng rực giống như ngàn mặt trời
Đều hay đến khắp các cõi Phật
Tùy Duyên đánh thức các quần mê (chúng sinh mê muội)
_Lưới ánh sáng trong không gì sánh
Sáng loáng soi khắp trăm ngàn cõi
Chiếu khắp mười phương không chướng ngại
Tất cả ám tối đều tiêu trừ
Từ Quang (ánh sáng Đại Từ) Thiện Thệ (Sugata) hay ban vui
Sắc màu trong suốt ngang núi vàng
Soi sáng đều đến trăm ngàn cõi
Chúng sinh gặp được, đều vượt thoát
_Pháp Thân (Dharma-kāya) thành tựu vô lượng Phước
Tất cả Công Đức cùng trang nghiêm
Vượt hơn ba cõi, riêng xưng Tôn
Thế Gian thù thắng không ai bằng
_Hết thảy tất cả Phật quá khứ
Số như bụi nhỏ của Đại Địa
Mười phương Tôn vị lai, hiện tại
Như mọi hạt bụi của Đại Địa
Con dùng thân miệng ý chí thành
Cúi lạy quy y Phật ba đời
Khen ngợi biển Công Đức vô biên
Mọi loại hương hoa đều cúng dường
_Dầu trong miệng con có ngàn lưỡi
Trải vô lượng Kiếp khen Như Lai
Công Đức Thế Tôn, khó nghĩ bàn
Tối thắng thâm sâu, khó thể nói
_Dầu khiến lưỡi con có trăm ngàn
Khen ngợi một Công Đức một Phật
Ở trong chút phần còn khó biết
Huống chi Phật Đức không bờ mé
_Giả sử Đại Địa với chư Thiên
Cho đến Hữu Đỉnh (Sắc Cứu Cánh) làm nước biển
Có thể đếm biết số gọt nước
Công Đức một Phật rất khó lường
Con dùng thân miệng ý chí thành
Lễ tán Đức vô biên của Phật
Hết thảy quả thắng phước khó nghĩ
Hồi thí chúng sinh mau thành Phật”
_Vua ấy khen ngợi Như Lai xong
Thâm Tâm lại phát Nguyện rộng lớn
Nguyện con ở trong đời vị lai
Sinh tại vô lượng vô vố kiếp
Trong mộng thường thấy trống vàng lớn
Được nghe hiển nói âm Sám Hối
Khen Công Đức Phật, ví hoa sen
Nguyện chứng Vô Sinh thành Chính Giác
_Chư Phật ra đời, một lần hiện
Ở trong ngàn kiếp rất khó gặp
Đêm mộng thường nghe âm tiếng trống
Ngày liền tùy ứng mà sám hối
_Con sẽ tu sáu Độ (Ṣaṭ-pāramitā: sáu Ba La Mật) viên mãn
Cứu giúp chúng sinh thoát biển khổ (Duḥkha-samudra)
Sau này được thành Vô Thượng Giác (Bodhim-anuttara)
Cõi Phật thanh tịnh, khó nghĩ bàn
_Đem trống vàng dâng lên Như Lai
Khen Công Đức thật của chư Phật
Nhân đây sẽ thấy Phật Thích Ca
Nhận con nối tiếp Nhân Trung Tôn
_Kim Long (Kanakendra), Kim Quang (Kanaka-prabha) con của con
Quá khứ từng là Thiện Tri Thức
Đời đời nguyện sinh vào nhà con
Cùng nhận Vô Thượng Bồ Đề Ký (Bodhim-anuttara-vyākaraṇa)
_Nếu có chúng sinh không ai giúp
Đêm dài luân hồi chịu mọi khổ
Con ở đời sau làm chỗ dựa
Khiến họ thường được vui an ổn
Mọi khổ ba cõi, nguyện trừ diệt
Đều tùy Tâm ở chỗ an vui
Ở đời vị lai tu Bồ Đề (Bodhi)
Đều như bậc thành Phật quá khứ
_Nguyện Phước Kim Quang Sám Hối này
Cạn hẳn biển khổ, tội tiêu trừ
Nghiệp chướng, phiền não đều tiêu hết
Khiến con mau được quả thanh tịnh
_Biển lớn Phước Trí lượng vô biên
Thanh tịnh lìa dơ, sâu không đáy
Nguyện con được biển Công Đức này
Mau thành Vô Thượng Đại Bồ Đề
_Dùng sức Kim Quang Sám Hối này
Được ánh sáng trong của Phước Đức
Đã được Diệu Quang Minh thanh tịnh
Dùng ánh sáng Trí (Jñāna-prabha) chiếu tất cả
Nguyện thân con sáng ngang chư Phật
Phước Đức, Trí Tuệ cũng như thế
Tất cả Thế Giới, riêng xưng Tôn
Uy lực tự tại không ai bằng
__Nguyện vượt qua biển khổ Hữu Lậu (Sāsrava: tên gọi khác của phiền não)
Nguyện thường dạo biển vui Vô Vi (Asaṃskṛta)
Nguyện biển Phước (Puṇya-samudra) hiện tại luôn đầy
Nguyện biển Trí (Jñāna-samudra) viên mãn
_Nguyện cõi nước con vượt ba cõi
Lượng Công Đức thù thắng vô biên
Các người có duyên đồng sinh về
Đều được mau thành Trí thanh tịnh (Vimala-jñāna)
_Diệu Tràng! Ông nên biết
Quốc vương Kim Long Chủ
Từng phát nguyện như vậy
Ấy tức là thân ông
Thời xưa có hai con
Kim Long Với Kim Quang
Tức Ngân Tướng (Rūpya-ketu: Ngân Tướng, hay Ngân Tràng), Ngân
Quang (Rūpya-prabha)
Sẽ nhận Ta thọ ký (Vyākaraṇa)
_Đại Chúng nghe thuyết đó
Đều phát Tâm Bồ Đề
Nguyện hiện tại, vị lai
Thường y Sám Hối này
Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh
KIM THẮNG ĐÀ LA NI _PHẨM THỨ TÁM_
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại ở trong Chúng, bảo Thiện Trụ (Supratiṣṭhita) Bồ Tát Ma Ha Tát: “Có Đà La Ni (Dhāraṇī) tên là Kim Thắng (Suvarṇavijaya). Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện muốn cầu đích thân thấy chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại để cung kính cúng dường thì cần phải thọ trì Đà La Ni này. Tại sao thế? Vì Đà La Ni này tức là mẹ (Mātṛ) của chư Phật quá hiện vị lai. Bởi thế nên biết người trì Đà La Ni này có đủ Phước Đức Lớn là do ở chỗ của vô lương Phật quá khứ, gieo trồng gốc Thiện nên nay được thọ trì, đối với Giới thanh tịnh chẳng hủy chẳng thiếu, không có chướng ngại, quyết định hay nhập vào Pháp Môn thâm sâu”.
Đức Thế Tôn liền nói Pháp trì Chú. Trước tiên, xưng tên của chư Phật với
Bồ Tát, chí Tâm lễ kính, sau đó tụng Chú Nam mô tất cả chư Phật ở mười phương
Nam mô chư Đại Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam mô Thanh Văn, Duyên Giác, tất cả Hiền Thánh
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô Bất Động Phật ở phương Đông
Nam mô Bảo Tràng Phật ở phương Nam
Nam mô A Di Đà Phật ở phương Tây
Nam mô Thiên Cổ Âm Vương Phật ở phương Bắc
Nam mô Quảng Chúng Đức Phật ở phương bên trên
Nam mô Minh Đức Phật ở phương bên dưới
Nam mô Bảo Tạng Phật
Nam mô Phổ Quang Phật
Nam mô Phổ Minh Phật
Nam mô Hương Tích Vương Phật
Nam mô Liên Hoa Thắng Phật
Nam mô Bình Đẳng Kiến Phật
Nam mô Bảo Kế Phật
Nam mô Bảo Thượng Phật
Nam mô Bảo Quang Phật
Nam mô Vô Cấu Quang Minh Phật
Nam mô Biện Tài Trang Nghiêm Tư Duy Phật
Nam mô Tịnh Nguyệt Quang Xưng Tướng Vương Phật
Nam mô Hoa Nghiêm Quang Phật
Nam mô Quang Minh Vương Phật
Nam mô Thiện Quang Vô Cấu Xưng Vương Phật
Nam mô Quán Sát Vô Úy Tự Tại Vương Phật
Nam mô Vô Úy Danh Xưng Phật
Nam mô Tối Thắng Vương Phật
Nam mô Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam mô Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam mô Hư Không Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam mô Diệu Cát Tường Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam mô Kim Cương Thủ Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam mô Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam mô Vô Tận Ý Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam mô Từ Thị Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam mô Thiện Tuệ Bồ Tát Ma Ha Tát _Đà La Ni là:
“Nam mô hát lại đát na đát lạt dạ dã. Đát điệt tha: quân thê quân thê, củ chiết lệ củ chiết lệ, nhất trất lý, mật trất lý, toa ha”
*) 𑖡𑖦𑖺 𑖨𑖝𑖿𑖡-𑖝𑖿𑖨𑖧𑖯𑖧_ 𑖝𑖟𑖿𑖧𑖞𑖯: 𑖎𑖲𑖡𑖿𑖟𑖸 𑖎𑖲𑖡𑖿𑖟𑖸, 𑖎𑖲𑖓𑖨𑖸 𑖎𑖲𑖓𑖨𑖸, 𑖂𑖘𑖿𑖘𑖰𑖨𑖰 𑖦𑖰𑖘𑖿𑖘𑖰𑖨𑖰 𑖭𑖿𑖪𑖯𑖮𑖯
*) NAMO RATNA-TRAYĀYA_ TADYATHĀ: KUNDE KUNDE, KUCARE KUCARE, IṬṬIRI MIṬṬIRI SVĀHĀ
Đức Phật bảo Thiện Trụ Bồ Tát: “Đà La Ni này là mẹ của Phật ba đời. Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện trì Chú này thì hay sinh vô lượng vô biên nhóm Phước Đức, tức là cúng dường cung kính, tôn trọng, khen ngợi vô số chư Phật. Chư Phật như vậy đều cùng với người này trao cho A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề Ký.
Thiện Trụ! Nếu có người hay trì Chú này thì tùy theo ý mong muốn của người ấy: quần áo, thức ăn, tài bảo, Đa Văn thông tuệ, không có bệnh, sống lâu, đưọc Phước rất nhiều, tùy theo nguyện cầu không có gì chẳng vừa ý.
Thiện Trụ! Người trí Chú này cho đến chưa chứng Vô Thượng Bồ Đề, thường cùng với Kim Thành Sơn Bồ Tát, Từ Thị Bồ Tát, Đại Hải Bồ Tát, Quán Tự Tại Bồ Tát, Diệu Cát Tường Bồ Tát, Đại Băng Già La Bồ Tát… cùng ở chung với nhau, là nơi mà các Bồ Tát đã nhiếp hộ
Thiện Trụ nên biết, khi trì Chú này thời làm Pháp như vầy: Trước tiên, nên tụng trì đủ một vạn tám biến làm phương tiện trước tiên (tiền phương tiện). Tiếp theo ở trong cái Thất mờ tối, trang nghiêm Đạo Trường. Ngày 1 của kỳ Hắc Nguyệt, tắm gội sạch sẽ, mặc áo sạch mới, đốt hương rải hoa, mọi loại cúng dường với các thức ăn uống. Vào trong Đạo Trường, trước tiên nên xung lễ chư Phật Bồ Tát như lúc trước đã nói, chí Tâm ân trọng, sám hối tội lúc trước xong, quỳ gối phải sát đất, có thể tụng Chú lúc trước, đủ 1008 biến, ngồi ngay ngắn suy nghĩ, niệm ước nguyện của mình. Khi mặt trời chưa hiện ra thời ở trong Đạo Trường ăn thức ăn màu đen thanh tịnh, một ngày chỉ ăn một lần, đến ngày 15 mới ra khỏi Đạo Trường, hay khiến cho người này có Phước Đức, uy lực chẳng thể nghĩ bàn, tùy theo điều đã nguyện cầu, không có gì chẳng viên mãn. Nếu chẳng vừa ý thì vào Đạo Trường lần nữa. Đã xứng tâm xong thì thường trì giữ chẳng quên.
Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh
TRÙNG HIỂN KHÔNG TÍNH (Hiển Tính trống rỗng lần nữa)_PHẨM THỨ CHÍN_
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói Chú này xong. Vì muốn lợi ích cho Bồ Tát Ma Ha Tát, Người, Trời, Đại Chúng… khiến được thấu hiểu nghĩa bậc nhất chân thật thâm sâu cho nên nói rõ Không Tính (Śūnyatā: Tính trống rỗng) lần nữa, rồi nói Tụng là
“Ta đã ở Kinh thâm sâu khác
Rộng nói Pháp Chân Không vi diệu
Nay lại ở trong Kinh Vương này
Lược nói Không Pháp (Śūnya-dharma: Pháp trống rỗng) khó nghĩ bàn
_Ở các Pháp thâm sâu rộng lớn
Hữu tình vô Trí (không có Trí) chẳng thể hiểu
Nên Ta ở đây, lại biễn bày
Khiến được khai ngộ Pháp trống rỗng (Śūnya-dharma: Không Pháp)
_Đại Bi thương xót hữu tình nên
Dùng phương thiện khéo, nhân duyên thắng
Nay Ta ở trong Đại Chúng này
Diễn nói khiến tỏ rõ nghĩa Không (Śūnya: trống rỗng)
_Nên biết thân này như xóm vắng (không tụ)
Sáu giặc (sáu Trần Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp là cội rễ sinh ra phiền não) nương dựa, chẳng biết nhau
Các giặc sáu Trần (Ṣaḍāyatana) nương Căn (Indriya) riêng
Đều chẳng biết nhau cũng như vậy
_Nhãn Căn (Cakṣur-indriya: con mắt) thường quán nơi Sắc Xứ (Rūpa: hình sắc)
Nhĩ Căn (Śrotrendriya: lỗ tai) nghe tiếng (Śabda: âm thanh) chẳng đoạn tuyệt
Tỵ Căn (Ghrāṇendriya: lỗ mũi) thưởng ngửi nơi Hương Cảnh (Gandha:mùi hương)
Thiệt Căn (Jihvendriya: cái lưỡi) thưởng thức nơi Vị (Rasa) ngon
Thân Căn (Kāyendriya: thân thể) nhận cảm xúc (Spraṣṭavya: xúc) mềm dịu
Ý Căn (Mana-indriya) rõ Pháp (Dharma: Pháp cảnh) chẳng biết chán
Nhóm sáu Căn (Ṣaḍāyatana) này tùy việc khởi
Nơi cảnh của mình, sinh phân biệt
_Thức (Vijñāna) như huyễn hóa chẳng chân thật
Nương dựa Căn (Indriya), Xứ (Āyatana) vọng tham cầu
Như người chạy vội trong xóm vắng (không tụ)
Sáu Thức (Ṣaḍ-vijñāna) nương căn cũng như vậy
_Tâm (Citta) chạy khắp, tìm tùy chỗ chuyển
Nương Căn (Indria) duyên Cảnh (Āyatana) hiểu các việc
Thường yêu Sắc (Rūpa: hình sắc), Thanh (Śabda: âm thanh) Hương
(Gandha: mùi ngửi) Vị (Rasa: vị nếm) Xúc (Spraṣṭvya, hay Sparśa: cảm xúc)
Nơi Pháp (Dharma: Pháp cảnh) tìm, nghĩ không tạm dừng
Tùy duyên lưu chuyển khắp sáu Căn
Như chim phi không (bay trong hư không) không chướng ngại
Nương các Căn này làm chỗ dựa
Mới hay phân biệt cảnh bên ngoài
_Thân (Kāya) này không biết, không người tạo
Thể (Svabhāva: Thể Tính) chẳng bền chắc, nương Duyên thành
Đều từ hư vọng, sinh phân biệt
Ví như cơ quan (bộ máy) do Nghiệp (Karma) chuyển
_Đất (Pṛthivi), Nước (Ap), Gió (Vāyu), Lửa (Tejo) tạo thành thân
Tùy nhân duyên kia chiêu Quả (Phala) khác
Đồng ở một chỗ, hại ngược nhau
Như bốn rắn độc ở một hộp
_Rắn Bốn Đại (Catvari-mahā-bhūtāni: bốn chủng đại đất, nước, gió, lửa)
Tính (Prakṛti) đều khác
Tuy ở một chỗ, có lên xuống
Hoặc trên, hoặc dưới tràn khắp thân
Nhóm này cuối cùng về Pháp Diệt (Nirodhe-dharma)
_Ở trong bốn loại rắn độc này
Hai rắn đất, nước hay chìm xuống
Hai rắn gió, lửa tính nhẹ bổng
Do trái ngược này, mọi bệnh sinh
_Tâm Thức nương nhờ vào thân này
Tạo làm mọi loại nghiệp Thiện (Kuśala), Ác (Akuśala)
Đến cõi Người, Trời, ba nẻo ác
Tùy nghiệp lực ấy nhận thân hình
_Thân gặp các bệnh tật, sau khi chết
Mọi thứ tiêu tiểu chảy tràn lan
Thối nát, giòi bọ chẳng thể ưa
Vứt tại Thi Lâm (Śma-śana) như cây mục
_Các ngươi nên quán Pháp như vậy
Vì sao chấp có ta, chúng sinh
Tất cả các Pháp đều vô thường (Anitya)
Đều theo sức duyên Vô Minh (Avidya) khởi
_Các Đại Chủng (Mahā-bhūtāni) đều hư vọng
Vốn chẳng thật có, Thể không sinh
Nên nói Tính Đại Chủng đều rỗng (Śūnya: không)
Biết hư hão này chẳng thật có
_Tự Tính Vô Minh vốn là Không (Abhāva: vô, không có)
Nương mọi sức duyên, hòa hợp có (Bhava)
Ở tất cả Thời, mất Chính Tuệ
Nên Ta nói ấy là Vô Minh (Avidya)
Hành (Saṃskāra), Thức (Vijñāna) làm duyên, có Danh Sắc (Nāma-rūpa)
Sáu Xứ (Ṣaḍ-āyatana) với Xúc (Sparśa), Thọ (Vedanā) tùy sinh
Ái (Tṛṣṇā), Thủ (Upādāna) Hữu (Bhava) duyên sinh (Jāti) già (Jarā) chết (Maraṇa)
Lo buồn, khổ não luôn đuổi theo
Mọi khổ, nghiệp ác thường ràng ép
Sinh tử luân hồi không lúc ngưng
Xưa nay chẳng có Thể, là rỗng (Śūnya: không)
Do chẳng Như Lý sinh phân biệt
_Ta chặt tất cả các phiền não
Thường dùng Chính Trí, hiện tiền hành
Rõ nhà năm Uẩn (Pañca-skandha) thảy đễu rỗng (Śūnya: không)
Tìm chứng Bồ Đề, nơi chân thật
_Ta mở cửa đại thành Cam Lộ (Amṛta)
Bày vật khí Cam Lộ vi diệu
Đã được vị Cam Lộ chân thật
Thường đem Cam Lộ cho quần sinh
_Ta đánh trống Đại Pháp tối thắng
Ta thổi loa Đại Pháp tối thắng
Ta thắp đèn Đại Minh tối thắng
Ta tuôn mưa Đại Pháp tối thắng
Giáng phục phiền não, các oán kết
Dựng lập phướng Đại Pháp vô thượng
Nơi biển sinh tử, cứu quần mê
Ta sẽ bít kín ba nẻo ác
_Chúng sinh bị lửa phiền não đốt
Không ai cứu giúp, không chỗ nương
Cam Lộ trong mát khiến sung túc
Thân Tâm nóng bức đều trừ hết
_Do đó, Ta ở vô lượng kiếp
Cung kính cúng dường các Như Lai
Giữ vững Cấm Giới (Saṃvara) hướng Bồ Đề
Cầu chứng Pháp Thân, nơi an lạc
_Cho người: mắt, tai với tay, chân
Vợ con, tôi tớ… Tâm không tiếc
Tài bảo, bảy báu, vật trang nghiêm
Tùy người đến xin, đều cung cấp
Nhóm Nhẫn (Kṣānti), các Độ (Ba La Mật) đều tu khắp
Viên mãn mười Địa (Daśa-bhūmi) thành Chính Giác (Samyaksaṃbodhi)
Nên Ta được xưng Nhất Thiết Trí (Sarva-jñā)
Không có chúng sinh so lường nổi
_Giả sử ba ngàn Đại Thiên Giới (Tri-sāhasra-mahā-sahasro-loka-dhātu)
Hết đất đai này sinh trưỏng vật
Hết thảy rừng rậm, các cây cối
Gạo, mè, tre, cỏ lau, cành nhánh
Các nhóm vật này đều chặt lấy
Thảy đều nghiền nát làm bụi nhỏ (Aṇu-rajas: vi trần)
Tùy chỗ gom chứa, lượng khó biết
Cho đến tràn đầy cõi hư không
Tất cả các cõi nước mười phương
Hết thảy ba ngàn Đại Thiên Giới
Đất đai thảy đều làm bụi nhỏ
Lượng bụi nhỏ này chẳng thể đếm
Giả sử tất cả Trí chúng sinh
Đem Trí Tuệ này cho một người
Người Trí như vậy, lượng vô biên
Nên có thể biết số bụi nhỏ
Trí (Jñāna) một niệm (Eka-kṣana: một sát na) của Mâu Ni Tôn
Khiến người Trí kia cùng so lường
Ở trong nhiều câu chi kiếp số
Chẳng thể tính biết chút phần ấy”
Khi các Đại Chúng nghe Đức Phật nói Tính trống rỗng (Śūnyatā: Không Tính) thâm sâu này thời có vô lượng chúng sinh đểu hay thấu đạt Thể Tính của bốn Đại, năm Uẩn đều trống rỗng (Śūnya: không). Sáu Căn, sáu cảnh đặt bày sự ràng buộc hư giả… Nguyện buông bỏ luân hồi, chính đúng nên lìa khỏi, thân tâm mừng vui, như Thuyết phụng trì
Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh
Y KHÔNG MÃN NGUYỆN _PHẨM THỨ MƯỜI_
Bấy giờ, Như Ý Bảo Quang Diệu Thiên Nữ ở trong Đại Chúng, nghe nói Pháp thâm sâu thì vui mừng hớn hở, từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính, rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nguyện xin vì con nói Pháp Tu hành nơi Lý thâm sâu” Rồi nói Tụng là:
“Con hỏi Chiếu Thế Giới
Lưỡng Túc Tối Thắng Tôn Pháp Chính Hạnh Bồ Tát Nguyện Từ Bi nghe hứa”
_Phật nói “Thiện Nữ Thiên!
Nếu có điều nghi ngờ
Tùy ý ngươi đã hỏi
Ta sẽ phân biệt nói”
_Lúc đó, Thiên Nữ thỉnh Đức Thế Tôn là:
“Làm sao các Bồ Tát
Hành Chính Hạnh Bồ Đề
Lìa sinh tử, Niết Bàn
Nhiêu ích cho ta, người?”
_Đức Phật bảo Thiện Nữ Thiên: “Y vào Pháp Giới (Dharma-dhātu) thực hành Pháp Bồ Đề, tu Hạnh Bình Đẳng. Ấy là, nơi năm Uẩn hay hiện Pháp Giới, Pháp Giới tức là năm Uẩn. Năm Uẩn chẳng thể nói, chẳng phải là năm Uẩn (phi ngũ uẩn) cũng chẳng thể nói. Tại sao thế? Nếu Pháp Giới là năm uẩn tức là Đoạn Kiến (Uccheda-dṛṣṭi), nếu lìa năm Uẩn tức là Thường Kiến (Nitya-dṛṣṭi). Lìa ở hai tướng, chẳng dính hai bên, chẳng thể thấy, vượt qua chỗ thấy, không có tên gọi, không có tướng. Đấy tức gọi là nói về Pháp Giới.
Này Thiện Nữ Thiên! Thế nào là năm Uẩn hay hiện Pháp Giới? Năm Uẩn như vậy chẳng từ nhân duyên sinh. Tại sao thế? Nếu từ nhân duyên sinh thời vì đã sinh cho nên sinh, hay vì chưa sinh cho nên sinh. Nếu đã sinh mà sinh thì tại sao dùng nhân duyên? Nếu chưa sinh mà sinh thì chẳng thể được sinh. Tại sao thế? Vì chưa sinh các Pháp tức là chẳng phải có (phi hữu), không có tên gọi, không có tướng. Chẳng phải là chỗ mà xem xét đo lường, ví dụ theo kịp. Chẳng phải là nơi sinh của nhân duyên.
Thiện Nữ Thiên! Ví như tiếng trống y theo gỗ, y theo da với tay cầm dùi cho nên được phát ra tiếng. Như vậy, tiếng trống ở quá khứ cũng trống rỗng (Śūnya: không), vị lai cũng trống rỗng (Śūnya: không), hiện tại trống rỗng (Śūnya: không). Tại sao thế? Vì âm thanh của cái trống đó chẳng từ gỗ sinh ra, chẳng từ da sinh ra với tay cầm dùi sinh ra, chẳng ở ba đời sinh ra, đấy tức chẳng sinh. Nếu chẳng thể sinh tức chẳng thể diệt. Nếu chẳng thể diệt thì không có chỗ theo đến. Nếu không có chỗ theo đến thì cũng không có chỗ đi. Nếu không có chỗ đi tức chẳng phải Thường, chẳng phải Đoạn (phi thường phi đoạn), tức chẳng phải một chẳng phải hai (bất nhất bất nhị). Tại sao thế? Vì nếu đây là một tức chẳng khác Pháp Giới. Nếu như vậy thì người Phàm Phu nên thấy Chân Đế (Paramārtha-satya), được ở Niết Bàn an vui vô thượng. Đã chẳng như vậy, cho nên biết chẳng phải một (bất nhất). Nếu nói khác đi thì tất cả chư Phật, Bồ Tát thực hành tướng tức là chấp dính, chưa giải thoát được sự trói buộc của phiền não, tức chẳng chứng nơi A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác). Tại sao thế? Vì tất cả Thánh Nhân đối với hành, Phi Hành đồng với Tính chân thật, thế nên chẳng phải khác (bất dị). Cho nên biết năm Uẩn chẳng phải có, chẳng phải không (phi hữu phi vô), chẳng từ nhân duyên sinh, chẳng phải không có nhân duyên sinh, là nơi mà bậc Thánh đã biết, chẳng phải là cảnh khác, cũng chẳng phải là nơi mà ngôn thuyết theo kịp, không có tên gọi, không có tướng, cũng không có thí dụ, đầu cuối vắng lặng, xưa tay tự trống rỗng (Śūnya: không). Chính vì thế cho nên năm Uẩn hay hiện Pháp Giới.
Này Thiện Nữ Thiên! Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện muốn cầu A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề. Chân (Paramārtha-satya: Chân Đế) khác, Tục (Saṃvṛti-satya: Tục Đế) khác chẳng thể nghĩ lường. Đối với cảnh của Thánh Phàm, Thể chẳng phải là một chẳng phải là khác (phi nhất dị), chẳng buông nơi Tục (Tục Đế) chẳng lìa nơi Chân (Chân Đế), y vào Pháp Giới thực hành Bồ Tát Hạnh (Bodhi-satva-caryā)”
Khi ấy, Đức Thế Tôn nói lời này xong, thời Thiện Nữ Thiên vui mừng hớn hở, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính, một lòng đỉnh lễ rồi bạch Phật rằng: “Thê Tôn! Như bên trên đã nói, nay con sẽ học Chính Hạnh của Bồ Đề”
Bấy giờ, Sách Ha Thế Giới Chủ (Sāhaṃpati) Đại Phạm Thiên Vương ở trong Đại Chúng hỏi Như Ý Bảo Quang Diệu Thiên Nữ rằng: “Bồ Đề Hạnh (Bodhi-caryā) này khó thể tu hành. Nay ngươi làm sao đối với Bồ Đề Hạnh mà được tự tại?”
Khi ấy, Thiện Nữ Thiên trả lời với Phạm Vương rằng: “Đại Phạm Vương! Như Đức Phật đã nói, thật là thâm sâu. Tất cả Dị Sinh (Pṛthag-jana: phàm phu) chẳng hiểu nghĩa ấy, là cảnh giới của bậc Thánh vi diệu khó biết. Nếu khiến cho tôi nay y vào Pháp này được trụ an vui, là lời chân thật thời nguyện khiến cho vô lượng vô số chúng sinh trong tất cả đời ác năm trược đều được màu vàng ròng, ba mươi hai tướng, chẳng phải nam chẳng phải nữ, ngồi trên hoa sen báu, thọ nhận niềm vui vô lượng, tuôn mưa hoa màu nhiệm của cõi Trời, âm nhạc của chư Thiên chẳng đánh tự kêu, tất cả cúng dường thảy đều đầy đủ”.
Khi Thiện Nữ Thiên nói lời này xong thì hết thảy chúng sinh trong tất cả đời ác năm trược thảy đều được màu vàng ròng, đủ tướng Đại Nhân, chẳng phải nam chẳng phải nữ, ngồi trên hoa sen báu, thọ nhận niềm vui vô lượng, giống như cung Trời Tha Hóa Tự Tại (Para-nirmita-vaśa-vartin) không có các đường ác, cây báu xếp thành hàng, hoa sen bảy báu tràn đầy Thế Giới, lại tuôn mưa bảy báu hoa Trời thượng diệu, tấu kỹ nhạc của cõi Trời.
Như Ý Bảo Quang Diệu Thiện Nữ Thiên liền chuyển thân nữ làm thân Phạm Thiên. Thời Đại Phạm Vương hỏi Như Ý Bảo Quang Diệu Bồ Tát rằng: “Nhân Giả! Hành Bồ Đề Hạnh như thế nào?”
Đáp rằng: “Này Phạm Vương! Nếu mặt trăng trong nước thực hành Bồ Đề Hạnh thì tôi cũng thực hành Bồ Đề Hạnh. Nếu trong mộng thực hành Bồ Đề Hạnh thì tôi cũng thực hành Bồ Đề Hạnh. Nếu Dương Diệm (bóng nước dợn dưới nắng nóng) thực hành Bồ Đề Hạnh thì tôi cũng thực hành Bồ Đề Hạnh. Nếu tiếng vang dội trong hang (cốc hưởng) thực hành Bồ Đề Hạnh thì tôi cũng thực hành Bồ Đề Hạnh”.
_Khi Đại Phạm Vương nghe Thuyết này xong, liền bạch Bồ Tát rằng: “Nhân vào nghĩa nào mà nói lời này?”
Đáp rằng: “Này Phạm Vương! Không có một Pháp là tướng chân thật, chỉ do nhân duyên mà được thành”
_Phạm Vương nói: “Nếu như vậy thì các người Phàm Phu thảy đều nên được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề”
Đáp rằng: “Nhân vào Ý nào mà nói lời này? Người ngu si khác, người Trí Tuệ khác, Bồ Đề khác, chẳng phải là Bồ Đề (phi Bồ Đề) khác, Giải Thoát khác, chẳng phải là giải thoát (phi giải thoát) khác.
Này Phạm Vương! Như vậy, các Pháp bình đẳng không có khác nhau. Ở Pháp Giới Chân Như này, chẳng phải một, chẳng phải khác (bất nhất bất dị), không có khoảng giữa mà có thể chấp dính, không có tăng thêm, không có giảm bớt.
Này Phạm Vương! Ví như Huyễn Sư với Huyễn Đệ Tử khéo hiểu Huyễn Thuật, ở ngã tư đường lấy các thứ cát, đất, cỏ, cây, lá… gom tại một chỗ làm các huyễn thuật, khiến cho con người nhìn thấy chúng voi, chúng ngựa, mọi xe cộ binh lính, nhóm bảy báu, mọi loại kho chứa. Nếu có chúng sinh ngu si không có
Trí thì chẳng thể suy nghĩ, chẳng biết gốc huyễn. Hoặc thấy hoặc nghe thì tác suy nghĩ này: “Ta đã thấy nghe mọi nhóm voi, ngựa… đây là thật có, ngoài ra đều là hư vọng”. Sau đó chẳng xem xét, suy nghĩ nữa
Người có Trí tức chẳng như vậy, hiểu rõ gốc huyễn, hoặc thấy hoặc nghe thì tác niệm này: “Như ta đã thấy mọi nhóm voi, ngựa…chẳng phải là chân thật, chỉ có việc huyễn. Hoặc con mắt của người sằng bậy nói là nhóm voi với các kho chứa, ấy chỉ có tên gọi chứ không có thật. Như ta thấy nghe, chẳng chấp là thật”. Sau đó suy nghĩ, biết hư vọng ấy. Thế nên người Trí hiểu thấu tất cả Pháp đều không có Thật Thể, chỉ tùy theo Thế Tục như thấy như nghe, nói rõ việc ấy. Suy nghĩ Lý chân thật (đế lý) tức chẳng như vậy, lại do mượn nói để hiển nghĩa thật.
Này Phạm Vương! Dị Sinh (phàm phu) ngu si chưa được con mắt Tuệ của bậc Thánh xuất thế, chưa biết tất cả các Pháp Chân Như chẳng thể nói, Các phàm phu đó hoặc thấy hoặc nghe Pháp Hành, Phi Hành. Như vậy suy nghĩ liền sinh chấp dính, nói cho là thật, đối với Đệ Nhất Nghĩa (Paramārtha) chẳng thể biết rõ các Pháp Chân Như chẳng thể nói
Các Thánh Nhân đó hoặc thấy hoặc nghe Pháp Hành, Phi Hành tùy theo sức ấy chẳng sinh chấp dính cho là thật có, hiểu rõ Pháp không có Hành Pháp thật, không có Phi Hành Pháp thật, chỉ vọng nghĩ lường tướng của hành, Phi Hành tuy có tên gọi chứ không có Thật Thể. Các Thánh Nhân đó tùy theo Thế Tục nói vì muốn khiến cho người khác biết nghĩa chân thật
Như vậy, Phạm Vương! Các Thánh Nhân đó dùng cái thấy của Thánh Trí thấu tỏ Pháp Chân Như chẳng thể nói, cho nên Pháp Hành, Phi Hành cũng lại như vậy khiến cho người khác chứng biết cho nên nói mọi loại tên, lời (danh ngôn) của Thế Tục”
_Thời Đại Phạm Vương hỏi Như Ý Bảo Quang Diệu Bồ Tát rằng: “Có bao nhiêu chúng sinh hay hiểu Chính Pháp thâm sâu như vậy?”
Đáp rằng: “Phạm Vương! Có Pháp Tâm (Citta), Tâm Số (Caitta, hay caitasika: Tâm Sở) của mọi người huyễn mới hay hiểu Chính Pháp thâm sâu như vậy”
_Phạm Vương nói: “Thể của người huyễn hóa là chẳng phải có (phi hữu) thì Tâm Số (Caitta) của người này từ đâu mà sinh ra?”
Đáp rằng: “Nếu biết Pháp Giới chẳng có chẳng không (bất hữu bất vô) thì chúng sinh như vậy hay hiểu nghĩa sâu xa”
_Lúc đó, Phạm Vương bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Như Ý Bảo Quang Diệu
Bồ Tát này chẳng thể nghĩ bàn, thông đạt nghĩa thâm sâu như vậy”
Đức Phật nói: “Đúng như vậy! Như vậy Phạm Vương! Như ông đã nói, vị Như Ý Bảo Quang Diệu này đã dạy bảo các ông phát tâm tu học Pháp Vô Sinh Nhẫn”
Khi ấy, Phạm Vương cùng với các Phạm Chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, chắp tay cung kính, đỉnh lễ bàn chân của Như Ý Bảo Quang Diệu Bồ Tát rồi nói như vầy: “Hiếm có! Hiếm có! Ngay nay chúng tôi may mắn gặp được Đại Sĩ, được nghe Chính Pháp”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Phạm Vương rằng: “vị Như Ý Bảo Quang Diệu này ở đời vị lai sẽ được thành Phật, hiệu là Bảo Diệm Cát Tường Tạng Như Lai, Ứng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn”
_Khi nói Phẩm này thời có ba ngàn ức Bồ Tát đối với A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề được Bất Thoái Chuyển. Tám ngàn ức vị Thiên Tử, vô lượng vô số quốc vương, thần dân xa bụi lìa dơ, được sự thanh tịnh của con mắt Pháp.
Lúc đó, trong Hội có năm mươi ức Bật Sô thực hành Bồ Tát Hạnh, muốn thoái Tâm Bồ Đề, khi nghe Như Ý Bảo Quang Diệu Bồ Tát nói Pháp này thời phát khởi Tâm Bồ Đề, đều tự cởi áo của mình cúng dường Bồ Tát, lại phát Tâm Vô Thượng Thắng Tiến lần nữa, tác Nguyện như vầy: “Nguyện khiến cho Công Đức, căn lành của chúng tôi thảy đều chẳng thoái lùi, hồi hướng A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề”.
_Này Phạm Vương! Các Bật Sô đó y theo Công Đức này, như Thuyết tu hành, hơn chín mươi Đại Kiếp sẽ được giải ngộ, lìa khỏi sinh tử. Khi ấy, Đức Thế Tôn liền vì họ Thọ Ký (Vyākaraṇa): “Bật Sô các ông hơn ba mươi A tăng kỳ kiếp sẽ được thành Phật, kiếp tên là Nan Thắng Quang Vương, nước tên là Vô Cấu Quang đồng thời đều đắc A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) đều đồng một hiệu, tên là Nguyện Trang Nghiêm Gián Sức Vương đầy đủ mười hiệu.
Phạm Vương! Kinh Điển Kim Quang Minh vi diệu này, nếu nghe giữ chính đúng sẽ có uy lực lớn. Giả sử có người ở trăm ngàn Đại Kiếp thực hành sáu Ba La Mật mà không có phương tiện. Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện viết chép Kinh Kim Quang Minh như vậy, nửa tháng, một tháng chuyên tâm đọc tụng thì nhóm Công Đức này đối với Công Đức lúc trước, trăm phần chẳng theo kịp một phần…cho đến tính đếm, ví dụ cũng chẳng thể theo kịp
Này Phạm Vương! Thế nên nay Ta khiến ông tu học, nghĩ nhớ, nhận giữ, vì người khác rộng nói. Tại sao thế? Ta ở xưa kia, khi hành Bồ Tát Đạo thời giống như dũng sĩ đi vào chiến trận, chẳng tiếc thân mạng, lưu thông Kinh Vương vi diệu như vậy, thọ trì đọc tụng, vì người khác giải nói.
Phạm Vương! Ví như Chuyển Luân Thánh Vương. Nếu vua còn ở đời thì bảy báu chẳng diệt, nếu vua hết mạng thì hết thảy bảy báu tự nhiên diệt hết.
Này Phạm Vương! Kim Quang Minh Vi Diệu Kinh Vương này. Nếu
hiện tại đời thì vô lượng Pháp Bảo thảy đều chẳng diệt. Nếu không có Kinh này (thì Pháp Bảo) tùy theo nơi chốn ẩn mất. Bởi thế nên biết đồi với Kinh Vương này, chuyên tâm lắng nghe, thọ trì, độc tụng, vì người khác giải nói, khuyên khiến viết chép, hành Tinh Tiến Ba La Mật, chẳng tiếc thân mạng, chẳng ngại lao nhọc, trong Công Đức là hơn hết. Đệ Tử của Ta cần phải tinh cần tu học như vậy”.
Khi ấy, Đại Phạm Thiên Vương cùng với vô lượng Phạm Chúng, Đế Thích, bốn Thiên Vương với các Dược Xoa đều từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính, rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn!
Chúng con đều nguyện thủ hộ, lưu thông Kinh Điển Kim Quang Minh vi diệu này với vị Thầy nói Pháp nếu có các nạn thì con sẽ trừ khiển khiến cho đủ mọi điều tốt lành, sắc lực sung mãn, biện tài không có ngăn ngại, thân ý an nhiên. Thời trong Hội, người lắng nghe đều được an vui. Đất nước cư trú, nếu có đói kém mất mùa, oán tặc, Phi Nhân gây não hại thì Thiên Chúng chúng con đều làm ủng hộ khiến cho người dân nước ấy an ổn, sung túc, vui vẻ không có các tai vạ oan khuất… đều là sức của Thiên Chúng chúng con. Nếu có người cúng dường Kinh Điển này thì chúng con cũng sẽ cung kính cúng dường như Đức Phật không có khác”
Bấy giờ Đức Phật bảo Đại Phạm Thiên Vương với các Phạm Chúng cho đến bốn Thiên Vương, các hàng Dược Xoa: “Lành thay! Lành thay! Các ông được nghe Pháp màu nhiệm thâm sâu, lại hay đối với Kinh Vương vi diệu này phát Tâm ủng hộ với người trì Kinh, sẽ được vô biên Phước thù thắng, mau thành Vô Thượng Chính Đẳng Bồ Đề”
Thời hàng Phạm Vương nghe Đức Phật nói xong, đều vui vẻ đỉnh thọ.
Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh
TỨ THIÊN VƯƠNG QUÁN SÁT NGƯỜI TRỜI_PHẨM THỨ MƯỜI MỘT_
Bấy giờ, Đa Văn (Vaiśravaṇa) Thiên Vương, Trì Quốc (Dṛḍharāṣṭra)Thiên Vương, Tăng Trưởng (Virūḍhaka)Thiên Vương, Quảng Mục (Virūpākṣa)Thiên Vương đều từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, lễ bàn chân của Đức Phật xong, rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này, tất cả chư Phật thường nhớ quán sát, là nơi mà tất cả Bồ Tát cung kính, nơi mà tất cả Trời Rồng thường cúng dường với các Thiên Chúng thường sinh vui vẻ, tất cả Hộ Thế (Loka-pāla) xưng dương khen ngợi. Thanh Văn, Độc Giác đều cùng thọ trì. Hay ban cho tất cả chúng sinh an vui thù thắng. Chận đứng khổ não trong các nẻo Địa Ngục, Quỷ đói, Bàng Sinh. Đều hay trừ hết tất cả sự sợ hãi. Hết thảy oán địch lại liền lui tan. Thời ác đói kém mất mùa hay khiến cho no đủ. Đều khiến trừ sạch tật dịch, bệnh khổ. Thảy đều tiêu diệt tất cả tai biến, trăm ngàn khổ não
Thế Tôn! Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này hay làm cho an ổn lợi lạc như vậy, nhiêu ích cho chúng con. Nguyện xin Đức Thế Tôn ở trong Đại Chúng rộng tuyên nói. Bốn Thiên Vương chúng con với các quyến thuộc nghe Pháp Vị Cam Lộ vô thượng này thì khí lực thêm mạnh mẽ, tăng ích cho uy quang, tinh tấn dũng mãnh, Thần Thông vượt hơn gấp bội.
Thế Tôn! Bốn Thiên Vương chúng con tu hành Chính Pháp, thường nói Chính Pháp, dùng Pháp cảm hóa đời. Chúng con khiến cho hàng Trời (Deva), Rồng (Nāga), Dược Xoa (Yakṣa), Kiện Thát Bà (Gandharva), A Tô La (Asura), Yết Lộ Trà (Garuḍa), Cưu Bàn Trà (Kumbhaṇḍa), Khẩn Na La (Kiṃnara), Mạc Hô La Già (Mahoraga) với các Nhân Vương (Nārendra) thường dùng Chính Pháp cảm hóa thế gian, ngăn đuổi các ác. Hết thảy Quỷ Thần hút tinh khí con người, loài không có Từ Bi thảy đều đi xa.
Thế Tôn! Bốn Thiên Vương chúng con cùng với 28 Bộ Dược Xoa Đại Tướng kèm với vô lượng trăm ngàn Dược Xoa dùng Thiên Nhãn (Devya-cakṣu) thanh tịnh hơn hẳn người đời, quán sát ủng hộ Thiệm Bộ Châu (Jambu-dvīpa) này.
Thế Tôn! Do nhân duyên này mà chúng con, các vua có tên là bậc Hộ Thế (Loka-pāla). Lại ở trong Châu này, nếu có quốc vương bị oán tặc nơi khác thường đến xâm nhiễu với nhiều nạn đói kém mất mùa, bệnh dịch lưu hành, vô lượng trăm ngàn việc tai ách.
Thế Tôn! Bốn Thiên Vương chúng con đối với Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này cung kính cúng dường. Nếu có Bật Sô Pháp Sư (vị Pháp Sư là Tỳ Kheo) thọ trì đọc tụng thì bốn Thiên Vương chúng con cùng nhau đến thức tỉnh, khuyến thỉnh người ấy, thời vị Pháp Sư ấy do sức Thần Thông thức tỉnh của con, đi đến cõi nước kia rộng tuyên lưu bày Kinh Điển Kim Quang Minh vi diệu này. Do sức của Kinh khiến cho vô lượng trăm ngàn việc suy não, tai ách kia thảy đều trừ hết.
Thế Tôn! Nếu các Nhân Vương ở trong nước ấy, có vị Bật Sô Pháp Sư trì Kinh này đi đến nước ấy thời nên biết Kinh này cũng đến nước ấy
Thế Tôn! Lúc đó, quốc vương kia nên đến chỗ của vị Pháp Sư lắng nghe vị ấy nói. Nghe xong vui vẻ, cung kính cúng dường vị Pháp Sư ấy, thâm tâm ủng hộ khiến cho không có lo lắng bực bội, diễn nói Kinh này lợi ích cho tất cả
Thế Tôn! Do Kinh này cho nên bốn Thiên Vương chúng con đều cùng nhau một lòng hộ giúp vị Nhân Vương với người dân trong nước, khiến lìa tai họa thường được an ổn.
Thế Tôn! Nếu có Bật Sô, Bật Sô Ni, Ô Ba Tác Ca, Ô Ba Tư Ca trì Kinh này thời vị Nhân Vương kia tùy theo chỗ họ cần dùng mà cung cấp cúng dường khiến cho không có thiếu thốn. Bốn Thiên Vương chúng con khiến cho vị Quốc Chủ kia với người trong nước thảy đều an ổn, xa lìa tai họa.
Thế Tôn! Nếu có người thọ trì, đọc tụng Kinh Điển này mà Nhân Vương cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi người này thì chúng con sẽ khiến cho vị vua ấy ở trong các vua được cung kính, tôn trọng, rất ư bậc nhất. Các quốc vương khác cùng nhau khen ngợi”
Đại Chúng nghe xong, vui vẻ thọ trì
KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG KINH
_QUYỂN THỨ NĂM (Hết)_