HOẰNG MINH TẬP

Thích Tăng Hựu trụ chùa Kiến Sơ ở Dương Đô soạn vào đời Lương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

LỜI TỰA

Phàm biển giáo không bờ, gương tuệ tròn chiếu. Sự giáo hóa kỳ diệu khắp trong cõi nước, nhưng lại mô phỏng theo Nghiêu Thuấn; nghĩa lý thật u huyền vượt ra ngoài ngôn ngữ mà tùy thuận theo Khổng, Chu. Nhưng đạo lớn thì khó tin, Thanh cao thì ít người hòa. Tu-di chót vót thì gió mạnh nổi lên; kho báu tích tụ thì sinh ra oán giặc. Khi xưa đức Như Lai còn tại thế, sự giáo hóa của Ngài chấn động khắp Đại thiên, mà còn bị Y ma phẩn nộ, sáu ngoại đạo sư oán hận, hà huống gì vào đời Tượng, Mạt này mà có thể tránh được ư? Từ khi giáo pháp truyền đến Đông thổ này, đến nay đã hơn năm trăm năm, về duyên thì có tin và không; về vận thì lúc hưng lúc suy. Người chánh kiến thì khen ngợi, kẻ tà mê thì hủy báng. Đến hàng nho học sinh ra thiển cận theo văn thì phản bác cho là dị giáo, còn kẻ tà đạo xảo ngôn thì dẫn dụng cho là đồng pháp. Như phản bác thì có cái mê mất bản giáo, dẫn dụng thì có cái loạn lợi danh. Từ đó bèn phát sinh nhiều luận già trẻ và từ ngữ điêu ngoa. Phàm chim hạt đán kêu ban đêm cũng không đổi được ánh sáng của mặt trời, chim Tinh vệ ngậm đá mà không làm suy tổn thế của biển lớn. Nhưng dùng tối để loạn sáng, dùng nhỏ để mờ che lớn, tuy không làm lay động mảy may, mà cũng có người nghe thấy, khiến cho kẻ yếu đuối theo lời ngụy biện mà mãi mãi lầm mê, hàng điên đảo thì theo tà thuyết mà trường kỳ chìm đắm. Do đó mà dễ lạc vào chốn u đồ, khó bước lên cảnh giới thanh tịnh.

Tăng Hựu tôi vì hàng tu học thời mạt pháp, chí sâu rộng giữ gìn sự an tĩnh, mà lời thì tùy theo thế tục phẩn uất nơi tâm; nên trong lúc tật bệnh tạm an, thời giờ rảnh rỗi mới soạn ra những văn sáng xưa nay, những luận hay của đạo tục, với chủ ý phá tà, lập ngôn hộ trì chánh pháp; không phân Đại, Tiểu, tất cả đều chọn dùng. Cho đến Thư, Ký,Văn, Lục của các bậc Thắng sĩ đời trước mà có ích cho Tam bảo cũng được gom chép, phân loại, sắp xếp thành mười bốn quyển. Phàm đạo là do người hoằng dương, còn giáo thì dùng văn để làm sáng tỏ. Hoằng đạo minh giáo, nên lấy tên là Hoằng Minh Tập. Sau cùng có phụ một bài nói lên bản hoài thô thiển của mình, ngõ hầu dùng một hạt bụi, một giọt nước thêm vào núi cao, vào biển lớn. Nhưng tài học thì thấp kém, sự thấy biết thì nông cạn, hổ thẹn mình hạn hẹp, kính mong các bậc quân tử làu thông gia ân tăng bổ cho tập sách được sâu rộng thêm!

 

QUYỂN 1

1. MÂU TỬ LÝ HOẶC LUẬN

Còn gọi: Thương Ngô Thái Thú Mâu Tử Bác Truyện

Mâu Tử vốn đã giỏi kinh truyện các nhà, lại còn rất thích các sách vở khác. Tuy không ưa binh pháp nhưng cũng xem đọc; dù xem các sách nói về Thuật thần tiên bất tử mà chẳng tin, cho là hoang đãng. Bấy giờ Linh đế đã băng hà, đất nước loạn lạc, chỉ có Giao Châu hơi bình yên, những dị nhân phương Bắc đều đến lánh nạn, nhưng phần nhiều theo thuật tịch cốc trường sinh của đạo thần tiên. Đối với những người có học bấy giờ, Mâu Tử thường dùng Ngũ kinh để gạn hỏi, các Đạo gia, thuật sĩ không ai dám luận đáp, giống Mạnh Kha phản bác Dương Chu, Mặc Địch.

Lúc đầu Mâu Tử dẫn mẹ lánh qua Giao Chỉ, đến năm hai mươi tuổi mới trở về Thương Ngô cưới vợ. Thái Thú nghe danh Mâu Tử học rộng nên mời ra làm quan, bấy giờ tuổi đang còn trẻ, dốc chí học tập, vả lại thấy thời thế nhiễu loạn, không có ý làm quan, nên Mâu Tử chẳng nhận. Các quan châu quận thời ấy nghi hiềm nhau, nên không kết giao qua lại, quan Thái Thú thấy Mâu Tử học rộng biết nhiều nên sai làm sứ mang lễ vật đến Kinh Châu. Mâu Tử cho rằng: Vinh tước thì dễ nhường, sứ mệnh thì khó tránh, nên chuẩn bị lên đường, lại gặp lúc quan Châu Mục chuộng văn tài, mời ra làm quan, nhưng Mâu Tử cáo bệnh chẳng đến. Bấy giờ em của quan Châu Mục là Thái thú Dự Chương bị Trung Lang Tướng Sạ Dung sát hại. Châu Mục sai Kỵ Đô Úy Lưu Ngạn đem quân hỏi tội, nhưng sợ các châu quận khác nghi nan, không cho tiến binh. Vì thế Châu Mục đến hỏi Mâu Tử rằng: “Em tôi bị nghịch tặc sát hại, đau xót tình cốt nhục, hận đến tim gan, nay sai Lưu Đô Úy hành binh, nhưng sợ bên ngoài hiềm nghi, quân đi chẳng thông. Tôi nghe nói ngài văn võ song toàn lại có tài luận biện, nay muốn cùng đến thuyết phục Linh Lăng, Quế Dương mượn đường để lưu thông, ngài nghĩ thế nào?” Mâu Tử đáp rằng: “Được nuôi dưỡng đã nhiều, chịu ơn đãi ngộ đã lâu, thì kẻ sĩ sẽ quên thân báo đáp, mong rằng ra đi nhất định sẽ thành công!” Mâu Tử định sẽ lên đường, nhưng gặp lúc mẹ già qua đời, nên chẳng thể đi được. Lâu ngày nghĩ lại, mới biết vì luận biện thông đạt, cho nên thường được giao cho nhiều sứ mệnh, gặp lúc thời thế nhiễu loạn, chẳng phải là lúc để hiển lộ mình, nên than rằng:

– “Lão Tử bậc Thánh lìa Trí, tu thân dưỡng chân, vạn vật chẳng làm lay động được chí của ngài, thiên hạ chẳng thay đổi được niềm vui của ngài. Chẳng làm bầy tôi cho Thiên tử, chẳng làm bạn hữu của chư hầu, thật đáng tôn quý vậy!”

Bấy giờ Mâu Tử bèn chuyên tâm vào Phật Đạo, đồng thời nghiên cứu Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Uống Huyền diệu làm rượu ngon, xem Ngũ Kinh làm đàn sáo. Hàng thế tục bấy giờ đều chê bai ông cho rằng trái với Ngũ Kinh mà theo dị đạo. Ông nghĩ: “Như muốn luận tranh thì chẳng phải Đạo, còn im lặng thì chẳng thể được,”do đó mới dùng bút mực lược ghi lời của Thánh hiền để minh chứng và giải thích, đặt tên là Mâu Tử Lý Hoặc.

Người mê hỏi rằng: Phật sinh nơi đâu; có tông tổ quê hương chăng? Làm những việc gì? Hình trạng như thế nào?

Mâu Tử đáp: Thật hay thay câu hỏi này! Xin được dùng sự hiểu biết hạn hẹp của mình mà lược giải thích những điều cốt yếu. Từng nghe Phật hóa làm các hình trạng, tích lũy công đức trải qua ngàn ức năm không thể ghi chép hết. Nhưng lúc sắp thành Phật thì sinh nơi Thiên Trúc, gá vào thân phu nhân của vua Bạch Tịnh. Ban ngày phu nhân nằm mộng thấy cưỡi voi trắng sáu ngà, tâm vô cùng vui mùng nên cảm ứng mà có thai. Đến ngày mồng tám tháng tư, Thái tử xuất sinh từ hông phải của mẹ; vừa sinh liền đi bảy bước, tay phải chỉ lên trời nói rằng: “Trong cõi trời, cõi người này không ai hơn được ta!” Bấy giờ trời đất chấn động, trong cung sáng rực. Cũng trong ngày hôm ấy thị tì của vua cũng sinh một bé trai đặt tên là Xa-nặc; ngựa trắng trong chuồng cũng sinh một con ngựa đặt tên là Kiền-trắc. Vua thường cho theo hầu Thái tử. Thái tử có đủ ba mươi hai tướng quý và tám mươi vẻ đẹp tùy hình, thân cao một trượng sáu, da màu vàng ròng, trên đỉnh đầu có nhục kế, hai gò má như má sư tử, lưỡi khi thè ra thì che phủ cả mặt, bàn tay có tướng Thiên bức luận. Ánh sáng trên đầu chiếu xa vạn dặm. Đó là lược nói về hình tướng vậy.

Năm mười bảy tuổi vua bảo Thái tử cưới một công chúa nước láng giềng làm vợ. Nhưng cả hai khi ngồi thì khác tòa, khi ngủ thì khác giường. Do đạo trời rỗng sáng, âm dương linh thông mà công chúa có thai sáu năm mới sinh ra bé trai. Phụ vương rất nuông chiều, trân quý Thái tử, nên xây cung điện, tuyển chọn mỹ nữ; châu ngọc quý giá bày biện trong ấy. Nhưng Thái tử không tham đắm niền vui thế gian, ý muốn giử đức hạnh. Vào khuya mồng tám tháng hai năm mười chín tuổi, Thái tử gọi Xa-nặc dẫn ngựa Kiền-trắc đến, rồi cùng vượt thành. Nhờ mười chín thần giúp đỡ, đưa ngựa bay vọt ra khỏi Hoàng cung. Sáng hôm sau mọi người cũng chẳng biết Thái tử đi đâu; vua quan và nhân dân đều than khóc, sai người đuổi tìm đến đồng ruộng thì gặp. Vua nói rằng: “Khi chưa có con thì ta cầu xin Thần thánh, nay đã sinh được con thì ta quý như châu ngọc, mong sẽ kế thừa Vương vị. Nay vì sao lại bỏ đi?”

Thái tử thưa rằng: “Vạn vật vô thường lúc còn, lúc mất nay con muốn học đạo để sau cứu độ khắp mười phương”. Vua biết Thái tử đã kiên quyết, nên xa giá trở về. Thái tử cũng liền đi thẳng. Trải qua sáu năm tư duy về đạo, Thái tử thành Phật. Sở dĩ sinh vào tháng Mạch hạ, là vì thời tiết lúc này chẳng lạnh chẳng nóng, cỏ cây nở hoa, bỏ áo lông mà mặc áo vải, là thời tiết trung hòa. Sở dĩ sinh ở Thiên Trúc vì nơi ấy là khoảng giữa của Thiên hạ. Phật thuyết mười hai thể loại Kinh, gồm tám ức bốn ngàn vạn quyển. Quyển nhiều nhất có một vạn chữ trở xuống, quyển ít nhất cũng có một ngàn lời trở lên. Phật dạy dỗ trời người, độ thoát nhân dân. Ngài Niết-bàn vào ngày mười lăm tháng hai. Kinh giới của Phật vẫn tiếp tục tồn tại, người theo đó mà tu hành thì cũng đạt đến vô vi, phước lưu truyền đến đời sau. Người thọ năm giới, giữ sáu ngày trai trong một tháng. Vào ngày trai thì chuyên tâm khắc ý sám hối tội lỗi đã qua, tự đổi mình ngày càng tốt đẹp. Sa-môn thọ hai trăm năm mươi giới giữ trường trai, giới này hàng Ưu-bà-tắc chẳng được dự nghe. Oai nghi đi đứng đều giống như phép tắc xưa chẳng khác. Ngày đêm chuyên giảng đạo tụng kinh, không tham dự vào việc thế tục. Lão Tử nói: “Hình dáng của Đức lớn, chỉ tùy thuận theo Đạo”, chính là ở đây vậy.

– Hỏi rằng: Vì sao gọi là Phật? Phật nghĩa là gì? Mâu Tử đáp: Phật là thụy hiệu, giống như gọi Tam Hoàng Thần, Ngũ Đế Thánh vậy. Phật là nguyên tổ của đạo đức, là cội gốc của thần minh. Phật nghĩa là giác, trong chỗ mờ mịt mà biến hóa, phân thân chia thể, lúc còn lúc mất, làm lớn làm nhỏ, hay tròn hay vuông, hoặc già hoặc trẻ, thường ẩn thường hiện, đi trong lửa mà chẳng bị cháy, bước trên đao nhọn mà chẳng tổn thương, vào nơi dơ mà chẳng nhiễm, ở trong họa mà chẳng bị tai ương, muốn đi thì bay, vừa ngồi thì phóng ánh sáng, vì thế gọi là Phật.

Hỏi: Vì sao gọi là Đạo? Đạo đây là gì?

Mâu Tử đáp: Đạo tức là dẫn dắt, dẫn dắt mọi người đến chỗ vô vi, kéo mà không ở trước, dẫn mà chẳng ở sau, đưa lên mà không ở trên, đè xuống mà chẳng ở dưới, nhìn thì không có hình, nghe thì không thấy âm thanh, bốn phương là lớn mà bao phủ bên ngoài, mảy trần là nhỏ mà chuyển động tự tại ở bên trong. Nên gọi là Đạo vậy!

Hỏi: Khổng Tử lấy Ngũ Kinh làm Đạo để chỉ dạy, có thể cầm lấy mà tụng, theo đó mà thực hành. Nay ông nói Đạo là hư vô, mờ mịt, chẳng thấy được ý nghĩa, chẳng chỉ ra sự hành, vì sao lại khác với lời của bậc Thánh vậy?

Mâu Tử đáp: Chẳng thể xem thói quen là nặng, chỗ chưa biết là nhẹ, mê lầm theo vật bên ngoài mà đánh mất tâm bên trong. Lập sự nghiệp mà chẳng làm mất đạo đức, giống như điều chỉnh dây đàn mà chẳng mất cung bậc. Đạo trời thì có bốn mùa, đạo người thì có ngũ thường. Lão Tử nói: “Có vạn vật là do nơi hỗn độn tạo thành, có trước cả trời đất, có thể cho đó là mẹ của Thiên hạ. Ta chẳng biết nó tên gì, gắng gượng gọi là Đạo vậy!” Đạo đó là vạn vật; ở nhà có thể cung phụng cha mẹ, làm vua có thể cai trị nhân dân, đọc thì dùng để tu thân. Theo đó mà thực hành thì cũng khắp cả trời đất; phế bỏ đi không dùng thì nó tiêu hoại mà chẳng xa lìa. Vì ông chẳng hiểu, chứ đâu có gì khác?

Hỏi: Phàm chỗ chân thật cùng tột thì không rườm rà, lời tột cùng thì chẳng hoa mỹ. Lời ngắn gọn mà rốt ráo thì đó là đẹp, sự đơn giản mà đạt thành thì đó là sáng. Cho nên châu ngọc ít mà quý, ngói đá nhiều mà vô dụng. Bậc Thánh lập gốc của bảy kinh, chẳng hơn ba vạn lời, mà các sự đều gồm đủ. Còn như nay Phật kinh đến cả vạn, ngôn từ trên số ức, sức một người chẳng kham thọ học. Tôi cho đó là rườm rà mà chẳng thiết yếu vậy!

Mâu Tử nói: Sở dĩ sông biển khác với vũng nước là vì nó sâu rộng; núi Ngũ nhạc sở dĩ khác với gò đồi là vì nó cao lớn. Nếu cao chẳng hơn đồi gò thì loài dê sẽ dẵm đạp trên đỉnh núi, nếu sâu chẳng hơn dòng nước nhỏ thì trẻ con sẽ tắm ở vực sâu. Kỳ lân chẳng ở trong vườn, cá kình chẳng bơi trong khe hẹp. Tách con ngao ba tấc mà tìm hạt châu minh nguyệt, lấy cái tổ gai tranh mà bắt chim phượng hoàng, thật là khó được. Vì sao? Vì nhỏ chẳng nuốt được lớn. Kinh Phật, trước nói về việc của ức năm, lại nói điều cốt yếu của vạn thế, lúc Thái Tố (vạn vật mới thành) chưa khởi, Thái thỉ (khởi đầu của hình tượng) chưa sinh, Càn khôn mới có tượng, vi tế không thể nắm bắt, nhỏ quá không thể vào trong. Phật nhất định bao trùm bên ngoài sự rộng lớn ấy, phân tích đến bên trong chỗ u vi ấy. Không việc gì là không ghi chép, vì thế kinh quyển mới lên số vạn, lời lẽ đạt đến số ức. Nhiều thì càng đầy đủ, đông thì càng phong phú, có gì mà không cần thiết? Tuy một người chẳng thể kham nhận, nhưng cũng như đến bên suối uống nước hết khát, mà đâu biết là nước thừa?

Mâu Tử đáp: Không được! Phàm mặt trời mặt trăng đều có ánh sáng, mà mỗi mỗi đều có nơi chiếu soi riêng; hai mươi tám vì sao mỗi mỗi đều có chủ; một trăm vị thuốc đều sinh mà mỗi vị đều trị mỗi bệnh; áo lông chống rét, áo vải che nóng, xe cộ thuyền bè thủy bộ khác nhau mà đều vì kẻ lữ hành. Khổng Tử chẳng cho năm kinh là đủ nên mới soạn Xuân Thu, Hiếu Kinh, đó là vì muốn mở rộng đạo thuật, khai phóng ý người vậy. Kinh Phật tuy nhiều, nhưng quy về một ý; giống như bảy kinh tuy khác mà then chốt là ở đạo đức, Nhân nghĩa cũng là một. Sở dĩ nói về Hiếu rất nhiều đó là vì tùy theo đức hạnh của người mà chỉ dạy. Như Tử Trường, Tử Du đều hỏi về một hiếu, mà Trọng Ni đáp mỗi mỗi khác nhau, đó là để công kích sở đoản của họ mà thôi, đâu có gì phải bỏ?

Hỏi: “Phật đạo thật chí tôn, chí đại”, Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng há chẳng giỏi sao, mà trong bảy kinh chẳng thấy lời này; ông đã thích Thi, Thư vui cùng Lễ Nhạc, sao lại còn thích Phật đạo vui với Dị thuật nữa? Há có thể bỏ Kinh Truyện mà khen Thánh nghiệp ư? Trộm nghĩ ông chẳng nên giữ lấy vậy!

Mâu Tử đáp: Thư chưa hẳn phải là lời của Khổng Tử, thuốc chưa hẳn phải là phương dược của Biển Thước, hễ sách nào hợp nghĩa thì theo, thuốc nào trị lành bệnh là tốt. Người quân tử nên gom giữ mọi điều thiện để trợ giúp tu thân. Tử Cống nói: “Phu tử đâu có gì gọi là Thường Sư? Nghiêu thờ Doãn Thọ, Thuấn thờ Vụ Thành, Đám học Lã Vọng, Khâu học Lão Đam cũng đâu thấy ghi trong bảy kinh. Bốn vị tuy đều là Thánh nhưng so với Phật thì giống như nai trắng so với kỳ lân, én so với phượng hoàng. Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng hãy có phải học Phật. Huống gì Phật còn đủ ba mươi hai tướng quý, tam mươi vẻ đẹp, thần lực biến hóa vô cùng, đâu thể bỏ qua mà chẳng học? Sự và nghĩa của năm kinh thiếu sót nên không thấy ghi Phật, đâu cẩn phảinghi ngờ gì?

Hỏi: Phật có ba mươi hai tướng quý, tám mươi vẻ đẹp, vì sao khác xa với người thường như thế? Ắt là lời thuận tai chứ chẳng có thật?

Mâu Tử đáp: Ngạn ngữ có câu: “Phàm việc gì ít thấy, thì có nhiều điều quái dị” như thấy con lạc đà thì cho là ngựa bị sưng lưng; lông mày của vua Nghiêu có tám màu, mắt vua Thuấn có hai đồng tử; Cao Đào có miệng ngựa, Văn Vương có bốn lỗ mũi, Vua Vũ có ba lỗ tai; Chu Công lưng gù, Phục Hy mũi rồng, Trọng Nữ đỉnh đầu lõm; Lão Tử trán nhô cao, mắt đen, mũi có ba cây trụ, tay có cầm mười văn tiền, chân đạp hai mươi lăm văn tiền. Đó chẳng phải là các tướng khác người thường ư? Vậy Phật có tướng quý và vẻ đẹp đâu có gì phải nghĩ?

Hỏi: Hiếu Kinh nói rằng: Thân thể, râu tóc, da dẽ đều nhận của cha mẹ, chẳng dám làm tổn thương. Tăng Tử lúc lâm chung còn gọi đệ tử đến bảo rằng: “Dở mền ra để ta xem tay chân của ta có còn chăng!” Nay hàng Sa-môn cạo tóc, thì khác gì đã trái lời Thánh nhân, chẳng hợp đạo hiếu. Ta nghĩ ông luôn thích luận về thị phi, bàn về tà chánh mà lại trái với điều thiện sao?

Mâu Tử đáp: Phàm chê Thánh hiền là bất nhân, luận chẳng đúng là bất trí; bất nhân bất trí thì lấy gì mà lập đức, đức mà chẳng lập được thì đó là bọn ngu si, đâu dễ gì luận bàn? Khi xưa có hai cha con người nước Tề đi thuyền qua sông, chẳng may người cha rớt xuống nước, người con đưa tay nắm đầu vớt lên rồi dốc ngược đầu xuống đất để nước từ bụng trào ra ngoài, do đó người cha thoát chết. Phàm nắm đầu, dốc ngược cha đó là đại bất hiếu, nhưng làm cho cha toàn mạng sống. Nếu khoanh tay khư khư giữ lấy cái thường tình của người con hiếu, thì người cha chết chìm dưới sông rồi!

Khổng Tử nói: “Có thể được thì nói thật Đạo, chưa được nói quyền nghi. Nghĩa là tùy thời nghi mà thi hành vậy!” Hiếu Kinh có nói: “Tiên Vương có chí đức lại cầu đạo, mà Thái Bá cạo tóc, xăm mình, theo tục của Ngô Việt, trái với nghĩa giữ thân thể râu tóc, nhưng Khổng Tử lại khen. Có thể cho đó là người chí đức vậy”. Trọng Ni chẳng cho rằng Thái Bá cạo tóc là hủy hình. Do đó có thể thấy rằng nếu có đức lớn thì chẳng câu nệ việc nhỏ. Hàng Sa-môn lìa gia đình bỏ tài sản vợ con, chẳng nghe tiếng, chẳng nhìn sắc, có thể cho là sự xả bỏ cùng tột; đâu trái với lời Thánh hiền chẳng hợp với hiếu nghĩa? Dự Nhượng nuốt than, sơn thân thể; Niếp Chánh rạch mặt mình; Bá Cơ đạp trên lửa, Cao Hành hủy dung mạo; người quân tử vì dũng, mà có nghĩa. Chẳng nghe có lời chê bai họ tự hủy mình. Hàng Sa-môn cạo bỏ râu tóc, so với người kể trên chẳng phải đã hơn xa lắm ư?

Hỏi: Phàm tạo phước không gì hơn là kế thừa, bất hiếu không gì bằng tuyệt hậu. Hàng Sa-môn lìa vợ con, bỏ sản nghiệp, hoặc suốt đời chẳng lấy vợ. Sao lại trái với hạnh phước hiếu, tự làm khổ mình mà chẳng lấy làm kỳ; tự làm xấu mình mà chẳng lấy làm khác lạ?

Mâu tử đáp: Phàm bên trái dài ắt bên phải ngắn, phía trước lớn ắt phía sau nhỏ. Mạnh Công Xước làm đến Triệu Ngụy Lão thì được nhưng chẳng thể cho làm Đằng Tiết Đại Phu. Vợ con tài sản là việc của thế gian, thanh bần vô vi là chỗ diệu của đạo. Lão Tử nói rằng: “Danh và lợi, điều nào quý hơn, thân và tài cái nào nhiều hơn?” Lại nói: Xem di phong của Tam Đại, xét đạo thuật của Nho Mặc, đều là tụng Thi Thư, học lễ tiết, tôn nhân nghĩa, trọng sự trong sạch, người trong nước truyền sự nghiệp danh dự vang xa. Đó là chỗ làm của hàng Trung sĩ; người đạm bạc thì chẳng quan tâm. Cho nên trước thì có hạt châu của nhà Tùy, sau mới có hổ gầm, người nhìn thấy thì chạy, mà chẳng dám lấy. Vì sao? Vì trước lo đến thân, sau mới nghĩ đến lợi. Hứa Do lánh ở Sào Mộc; Di, Tề nhịn đói ở Thủ Dương; Thuấn, Khổng khen là người hiền rằng: “Cầu nhân thì được người nhân vậy!” Chẳng nghe ai chê họ là tuyệt hậu, không có tài sản. Hàng Sa-môn tu đạo đức, để thay cái vui thế tục, trở về với hiền tuệ để xa lìa niềm hoan lạc vợ con. Đó chẳng phải là kỳ, ai cho là kỳ, đó chẳng phải là lạ ai cho là lạ?

Hỏi: Hoàng Đế vô vi cai trị mà chế định y phục; Ky Tử đặt ra quy tắc lớn dùng dáng mạo đứng đầu năm việc, Khổng Tử soạn Hiếu Kinh, nêu phục sức là Khởi đầu của ba đức. Lại nói: Chấn chỉnh về áo mão, tôn kính cho người nhìn, nguyên Hiến nghèo mà chẳng bỏ áo mão, Tử Lộ gặp nạn mà chẳng quên thắc giải mũ. Nay hàng Sa-môn cạo tóc đắp ca-sa, thấy người không có lễ nghi quỳ lạy, không có dung nghi đường hoàng, thật trái với chế định về y phục dáng mạo; nghịch với trang phục của nho quan.

Mâu Tử đáp: Lão Tử nói: “Bậc Thượng đức chẳng phải đức mới thật có đức, hàng Hạ đức chẳng để mất đức tức là vô đức”. Thời Tam Hoàng, con người chỉ ăn thịt, mặc vỏ cây, ngủ trên tổ ở trong hang, chuộng sự thuần phát, đâu cần áo mão cân đai? Nhưng người bấy giờ được khen là có đức mà đôn hậu, thành tín mà vô vi. Hàng Sa-môn cũng giống như thế!

Hỏi: Như lời ông nói thì kinh sách của Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng đều bỏ hết, không đáng làm phép tắc ư?

Mâu Tử đáp: Phàm thấy biết nhiều thì chẳng mê, nghe thông suốt thì chẳng lầm. Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng khéo về thế sự, Phật Lão thì chí tại vô vi. Trọng Ni đi khắp mười bảy nước, Hứa Do nghe nói nhường ngôi thì liền rửa tai bên suối. Đạo của bậc quân tử có lúc xuất thân có lúc ẩn lánh, hoặc nói hoặc nín, mà chẳng phóng túng tâm tình, chẳng mê loạn bản tánh. Cho nên phàm nói đến Đạo thì quý ở chỗ dùng, đâu có gì phải bỏ?

Hỏi: Phật đạo nói ngưới chết rồi sẽ sinh trở lại, tôi chẳng tin lời này!

Mâu Tử nói: Người vừa chết, người trong gia đình leo lên mái nhà kêu gọi, đã chết rồi thì kêu gọi ai?

Đáp: Kêu gọi hồn phách của họ.

Mâu Tử nói: Thần thức trở lại thì sống, chẳng trở lại thì gọi thần thức là gì?

Đáp: Thành quỷ thần.

Mâu tử nói: Đúng vậy! Quỷ thần nhất định chẳng diệt, chỉ có thân này tự hư hoại. Thân thể được ví như gốc rễ cành lá của ngũ cốc, qủy thần ví như hạt ngũ cốc, rễ lá có sinh ắt phải chết, còn hạt há có diệt mất ư? Đắc đạo thì thân diệt. Lão Tử nói: “Sở dĩ Ta có nỗi lo lớn là vì Ta có thân. Nếu Ta chẳng có thân thì nào có lo lắng gì?” Công thành danh toại, thì thân trở về, đó là đạo trời vậy.

Lại có người hỏi rằng: Tu đạo cũng chết không tu đạo cũng chết, đâu có gì khác nhau?

Mâu Tử nói: Đó chính là kẻ không có một ngày làm thiện mà muốn hỏi tìm danh dự suốt đời vậy! Có đạo tuy cũng chết mà thần đến cảnh giới phước; còn làm ác đã chết mà thần sẽ còn bị tai họa nữa. Người ngu thì mê mờ nơi việc đã thành hình, bậc trí thì dự biết việc chưa phát sinh. Có đạo và không đạo như vàng và cỏ, thiện và phước như trắng và đen, sao chẳng khác mà nói là: Đâu có gì khác!

Hỏi: Khổng Tử nói: “Chưa thể phụng sự người thì đâu thể phụng sự thần? Chưa biết sống, làm sao biết chết”. Đây là lời của bậc Thánh. Nay nhà Phật thường nói đến việc sống chết, việc quỷ thần, đó ắt chẳng phải là lời của bậc Thánh triết. Phàm người đạt đạo thì nên sống rỗng rang đạm bạc, tâm ý thuần phác, vì sao lại luận sống chết để loạn ý, bàn 12 những việc quỷ thần viễn vông.

Mâu Tử đáp: Như lời ông nói thì chỉ thấy ngoài mà chưa biết bên trong. Khổng Tử bệnh, Tử Lộ chẳng hỏi gốc ngọn gì cả, lấy việc này để mà xét biết vậy. Hiếu Kinh nói: “Lập Tông miếu để quỷ thần hưởng thọ, tế tự hai kỳ xuân thu để luôn luôn nghĩ nhớ đến”. Khi sống thì lo kính yêu, khi chết thì đau xót”; đó há chẳng phải là dạy người phụng sự quỷ thần, biết sống chết đó ư? Lại Chu Công vì Võ Vương mà tâu xin rằng: “Đán nhiều tài nghệ có thể phụng sự quỷ thần”. Đó là gì? Kinh Phật nói cõi sinh tử, chẳng phải là nghĩa này sao?

Lão Tử nói: “Đã biết con, lại giữ mẹ, suốt đời chẳng nguy”. Lại nói rằng: “Dùng ánh sáng ấy, lại chiếu sáng mình, thân không bị tai họa”. Đó là nói đến chỗ về của sinh tử, là chỗ gá nương của lành dữ. Chỗ cốt yếu của chí đạo chính là chỗ rỗng lặng. Nhà Phật đâu có muốn nói, vì người đến hỏi, không thể không đáp. Chuông trống đâu thể tự kêu, có người đánh mới kêu.

Hỏi: Khổng Tử nói: “Di Địch có vua chẳng bằng các nước vùng Hoa Hạ chẳng có vua”. Mạnh Tử chê bai Trần Tướng trở lại học thuật của Hứa Hành, nói rằng: “Ta nghe nói dùng phép Hoa Hạ để biến cải Di Địch, chứ chưa nghe nói dùng phép của Di Địch biến cải Hoa Hạ”. Ông lúc hai mươi tuổi đã học Đạo Nghiêu Thuấn, Chu Khổng mà nay lìa bỏ, lại học thuật của Di Địch, chẳng phải đã bị mê hoặc rồi ư?

Mâu Tử nói: Đây là những lời luống suông khi ta chưa hiểu được đạo lớn. Như ông, tôi có thể cho rằng ông mới chỉ thấy được cái hoa mỹ của lễ nhạc mà chưa biết được cái thật của đạo đức; mới thấy ánh sáng của ngọn đuốc, chưa thấy được mặt trời trên thiên đình. Lời Khổng Tử nói là để thuận với thế pháp, lời của Mạnh Kha thì chuyên nhất. Khi xưa Khổng Tử muốn đến sống ở Cửu Di, mới nói rằng: “Quân tử sống nơi ấy cũng đâu có gì thô lậu?” Đến lúc Trọng Ni không được Lỗ Vệ dung nạp, Mạnh Kha chẳng được Tề Lương tin dùng, thì cũng đâu trở về làm quan nơi Di Địch?

Vũ sinh tại Tây Khương mà là bậc Thánh triết, Cổ Tẩu sinh ra Thuấn mà lại là kẻ ngu hèn; Do Dư sinh ở nước Địch mà xưng Bá ở Tần, Quản Tế xuất từ Hà Lạc mà lời được lưu truyền. Truyện ghi: “Sao Bắc Thần, đối với trời thì ở giữa, đối với người thì ở phương Bắc. Theo đây thì đất Hán chưa hẳn là ở giữa trời đất”. Kinh Phật nói các loài vật có máu trong trời đất này đều thuộc về Phật. Vì thế ta tôn kính mà theo học, cũng đâu xả bỏ đạo Nghiêu Thuấn Chu Khổng! Vàng ngọc chẳng làm tổn thương nhau, châu ngọc chẳng làm hại nhau, chỉ có người khi mê thì tự lầm mà thôi!

Hỏi: Dùng tiền bạc của cha mẹ bố thí cho người đi đường chẳng thể cho là ban ân huệ; cha mẹ còn sống mà tự giết mình để thay cho người, thì chẳng gọi là nhân. Nay kinh Phật nói Thái tử Tu-đại-noa dùng tài vật của cha để thí cho người ở xa, lấy voi báu của quốc gia ban cho oán địch, lại còn đem vợ con cho người khác. Chẳng kính người trên mà kính kẻ khác, đó là trái đức. Tu-đại-noa bất hiếu, bất nhân mà nhà Phật lại tôn kính, thì đâu chẳng khác ư?

Mâu Tử đáp: Theo nghĩa của Ngũ Kinh thì lập con trưởng làm Đích tử, nhưng Văn Vương thấy được chì của Xương, nên chuyển lập con út làm đích tử mà thành tựu sự nghiệp nhà Chu, đất nước thái bình. Lấy vợ theo nghĩa là phải thưa với cha mẹ, nhưng Thuấn cưới vợ mà chẳng thưa, lại thành tựu luân lý đạo đức cơ bản. Hàng Trinh sĩ cần phải có lễ mời mới đến, bậc hiền thần đợi chiếu triệu mới vào triều, nhưng Y Doản vác đảnh cầu kiến vua Thang; Ninh Thính gõ sừng trâu để mong gặp vua Tề; Thang phong Doản làm Vương, Tề phong Thích làm Bá. Theo lễ thì nam nữ chẳng được chạm nhau, nhưng khi gặp người đàn bà sắp chết đuối thì phải dùng tay mà vớt lên, đó là quyền biến khi có nguy cấp. Nếu muốn được việc lớn thì chẳng nên câu nệ việc nhỏ. Bậc đại nhân há lại chấp vào thường tình ư ?

Thái tử Tu-đại-noa biết tài vật thế gian vô thường chẳng phải là vật báu của mình, mới tự ý bố thí mà sau thành tựu đạo lớn. Quốc gia được phước này mà oan gia chẳng xâm nhập; cho đến thành Phật thì cha mẹ, anh em đều được độ. Đó chẳng phải là hiếu, là nhân thì cái gì là nhân là hiếu đây?

Hỏi: Phật đạo trọng vô vi, thích bố thí, chăm chăm trì giới như đứng bên bờ vực thẳm, mà nay có Sa-môn thích uống rượu, nuôi vợ con, giữ cái hèn mà bỏ chỗ cao quý, chuyên làm điều hư dối. Đó là sự trá ngụy của thế gian mà Phật đạo lại cho là vô vi ư?

Mâu Tử nói: Công Thâu có thể cho người búa kềm, mực thước chứ chẳng thể làm cho người khéo léo được; Thánh nhân có thể dạy cho người Đạo lớn chứ chẳng thể khiến người theo đó mà hành trí được; Cao Đào có thể trị tội kẻ trộm, chứ chẳng thể làm kẻ trộm khiến Bá Di, Thúc Tề được; năm loại hình phạt có thể trừ kẻ đại gian ác, chứ không thể làm kẻ ác thành Tăng Mân; vua Nghiêu chẳng thể cải hóa Đan Chu, Châu Công chẳng thể dạy dỗ Quản Thái. Đâu phải giáo Đường Nghiêu chẳng rõ, đạo nhà Chu đủ, nhưng không bằng kẻ ác, là vì sao? Ví như người đời học làu thông bảy kinh mà còn đam mê tài sắc, có thể cho lục

nghệ là tà dâm ư? Hà Bá tuy là thần, nhưng chẳng thể nhận chìm hết người trên đất liền được. Gió thổi tuy nhanh thật, nhưng chẳng thể làm cho nước trong lặng nổi bụi mù được; người đang lo sợ thì chẳng thể đi, đâu thể cho rằng đường Phật có hiểm ác?

Hỏi: Khổng Tử nói: “Xa xỉ thì chẳng khiêm nhường, cần kiệm thì sinh hẹp hòi”. Thúc Tôn nói: “Cần kiệm là đức khiêm cung, xa xỉ là ác to lớn”. Nay nhà Phật cho bố thí hết tiền bạc là danh, ban phát tận tài vật là quý. Như thế há có phước ư?

Mâu Tử đáp: Kia là lời nói nhất thời, đây cũng là lời nói nhất thời. Lời của Trọng Ni cho rằng quá xa hoa thì không có lễ nghĩa, lời của Thúc Tôn là chê Nghiêm Công xa hoa, chứ chẳng phải là cấm bố thí. Khi Thuấn cày ở Lịch Sơn thì ân đức chẳng thấm nhuần các châu quận; lúc Thái Công giết trâu thì ân huệ chẳng đến vợ con. Đến khi được trọng dụng thì ân nhuần tám cõi, huệ ban khắp bốn biển. Tài sản vô số thì quý ở chỗ hay ban phát cho người; nghèo túng không tài sản thì quý ở chỗ hành đạo, Hứa Do chẳng tham ngôi quốc chủ, Bá Di chẳng cam chịu ân lộc của quốc gia, Ngu Khanh dùng tước phong vạn hộ để cứu cùng dân nguy cấp, mỗi người đều có chí riêng. Hi Phụ Ky biếu một bữa cơm để bảo toàn nơi ở của mình; Tuyên Mạnh thí một bữa cơm mà cứu sống được thân mạng chẳng lường của mình. Âm thí thì hiển hiện bất ngờ, dương báo thì rõ ràng như ngày sáng. Huống hồ dốc tài sản, phát thiện tâm, thì công đức ấy cao lớn như Tung Sơn, Thái Sơn, mênh mông như sông biển vậy. Người có tâm thiện thì hưởng phước báo, kẻ mang lòng ác thì bị chiêu cảm tai ương. Không có việc trồng lúa mà được đậu, gây họa mà được phước!

Hỏi: Phàm về Sự thì không gì hơn Thành, về Thuyết thì không gì qua Thật. Lão Tử gạt bỏ lời hoa mỹ, chỉ chuộng ngôn ngữ thuần phát mà thôi. Kinh Phật khi thuyết không chỉ rõ sự, chỉ rộng dùng thí dụ, mà thí dụ thì chẳng phải là yếu nghĩa của đạo. Lấy dị làm đồng thì chẳng phải là chỗ diệu của Sự. Tuy ngôn từ rộng nhiều, nhưng cũng giống một xe ngọc vỡ, chẳng thể cho là vật báu.

Mâu Tử đáp: Khi Sự mà mọi người đồng thấy, thì có thể nói là Thật. Nếu một người thấy một người chẳng thấy thì khó cho đó là Thành. Khi xưa, một người chưa thấy Lân hỏi người đã thấy rằng: “Lân giống con gì?” Người đã thấy đáp: “Lân giống Lân”. Người kia liền nói: “Nếu tôi đã thấy Lân, thì không hỏi ông, nay ông nói Lân giống Lân thì tôi đâu thể biết được!” Người đã thấy Lân bèn nói: “Lân có thân như cái cối, đuôi trâu, chân nai, lưng ngựa”, người kia lại mờ mịt. Khổng Tử nói: “Với người chẳng biết thì chẳng giận, chẳng phải cũng là quân tử ư?” Lão Tử nói: “Trong khoảng trời đất, nó giống như cái bể thợ rèn ư?” Lại nói: “Thí như Đạo ở trong Thiên hạ giống như ao nhỏ và sông biển vậy” như thế đâu có gì hoa mỹ đâu? Luận Ngữ nói: “Vì phép tắc mà dụ đức như sao Bắc Thần, dẫn trời dụ cho người”. Tử Hạ nói: “Dùng dụ về các loại cây cỏ để phân biệt”. Ba trăm bài của Kinh Thi đều dẫn vật để so sánh; từ sấm vĩ của các nhà, cho đến nghĩa bí yếu của Thánh nhân đều dùng thí dụ để thuyết minh; sao ông chỉ chê Phật thuyết kinh dùng dụ thôi?

Hỏi: Con người sống trên đời này, không ai chẳng thích giàu sang, ghét nghèo hèn; thích vui nhàn mà ghét khổ nhọc. Hoàng Đế dưỡng tánh lấy năm hào làm trên hết; Khổng Tử nói: “Đối với gạo thì cái tinh chẳng biết đủ; với nem thì sự tế nhuyễn chẳng bao giờ thừa!”Nay Samôn đắp ca-sa, ngày ăn một bữa, đóng chặt sáu căn, tự đoạn thế tình, như vậy đâu có gì là vui thú?

Mâu Tử đáp: Phàm giàu và sang là điều mà con người ước muốn, chẳng vì Đạo ấy, dù được nó mà chẳng ở; nghèo và hèn là điều mà con người chán ghét, chẳng vì Đạo ấy, dù gặp nó mà chẳng bỏ. Lão Tử nó: “Năm sắc khiến cho mắt người bị mờ, năm thanh khiến cho tai người bị điếc; năm vị khiến cho lưỡi người bị tê, dong ngựa săn bắn khiến tâm người phát cuồng, tài vật quý hiếm khiến hạnh người bị tổn thương. Thánh nhân chỉ vì bụng chẳng vì con mắt”, lời này há hư dối ư? Liễu Hạ Huệ chẳng vì tước vị Tam Công mà thay đổi hành vi của mình; Đoàn Can Mộc chẳng vì thân mà đổi lấy sự phú quý của Ngụy Văn. Hứa Do, Sào Phụ sống trên cây, tự cho đã ở yên nơi Đế Cung; Bá Di, Thúc Tề nhịn đói ở Thủ Dương mà tự cho là đã no với cơm của Văn Võ, đó là do mỗi người đạt được ý chí của mình mà thôi, đâu có gì mà chẳng vui thú?

Hỏi: Nếu kinh Phật sâu xa vi diệu, ngôn từ hay đẹp, vì sao ông chẳng đem ra bàn nơi triều đình, luận với quân vương, dạy dỗ chốn khuê môn, giao tiếp với bằng hữu, mà lại đọc Kinh Truyện, đọc Chư Tử vậy?

Mâu Tử đáp: Chưa biết được nguồn mà chỉ hỏi đến dòng của nó vậy! Phàm bày lễ vật trước cửa quân doanh, dựng tinh kỳ khắp chốn triều đường, mặc áo lông cừu để chống với tháng năm, mang áo vải để chịu với tháng 11, chẳng phải không đẹp đẽ ư? Nhưng đã trái nơi chốn, lại chẳng hợp thời tiết. Cho nên phải giữ cái thuật của Khổng Tử mà vào cửa của Thương Ưởng, mang cái thuyết của Mạnh Kha để đến nơi Tô, Trương. Công chẳng bao nhiêu mà họa thì to lớn. Lão Tử nói: “Bậc Thượng sĩ nghe đạo thì siêng năng thực hành, hàng Trung sĩ nghe đạo thì lúc nhớ lúc quên, kẻ Hạ sĩ nghe đạo thì cười”. Ta sợ cười nên chẳng dám nói. Khi khát nước chẳng cần phải tìm đến sông hồ, mà uống nước giếng cũng được đã khát vậy! Vì thế lại phải đọc Kinh truyện.

Hỏi: Đất Hán mới nghe được Phật đạo, vậy Phật đạo từ đâu mà xuất hiện?

Mâu Tử đáp: Khi xưa Hiếu Minh Đế nằm mộng thấy một thần nhân, toàn thân có ánh sáng bay vào cung, Đế vui mừng khôn xiết. Sáng hôm sau Đế hỏi khắp các quần thần, rằng đó là vị thần nào. Có một vị quan tên là Phó Nghị học rộng biết nhiều tâu rằng: “Thần nghe ở Tây Thiên Trúc có một người đắc đạo, gọi là Phật, có thể bay trong hư không, thân có vầng ánh sáng mặt trời; ắt là vị thần này”. Bấy giờ Đế mới biết, liền sai mười hai người như Trung Lang Thái Âm, Lang Trung Vũ Lâm Tần Cảnh, Bác Sĩ Đệ Tử Vương Tuân … đến nước Nguyệt Chi chép kinh Tứ Thập Nhị Chương mang về giữ tại gian thứ mười bốn trong thạch thất Lan Đài. Bấy giờ Đế ban sắc xây chùa Phật bên ngoài Ưng Môn, phía tây thành Lạc Dương. Trên vách chùa có vẽ hình ngàn cổ xe vạn kỵ mã nhiễu tháp ba vòng. Lại tại Thanh Lương Đài ở Nam Cung và trên cổng thành Khai Dương cũng có vẽ hình Phật. Khi Minh Đế còn tại vị cũng dự định tu sửa Thọ lăng. Trên lăng có ghi: “Hiển Tiết cũng đã vẽ tượng Phật trên lăng”. Bây giờ đất nước giàu có, nhân dân an lạc. Các nước ở vùng ngoại biên xa xôi mến chuộng đạo nghĩa, do đó người học Phật bấy giờ rất đông.

Hỏi: Lão Tử nói: “Người biết thì không nói, người nói thì chẳng biết”; lại nói: Giỏi luận như khờ, quá khéo như vụng, quân tử hổ thẹn vì lời nói vượt hơn việc làm. Ví như Sa-môn có chí đạo thì sao chẳng ngồi mà hành trì, sao lại luận thị phi, bàn tà chánh? Tôi cho đó là đức hạnh thấp kém.

Mâu Tử nói: Xuân đến sẽ đói mà Thu nay nhịn ăn, tháng mười một trời lạnh mà tháng năm lo mặc áo lông cừu. Tuy có dự định sớm mà chẳng thể không bị chê là ngu. Lão Tử nói: “Người đã đắc đạo thì xong, còn người chưa đắc đạo, đâu biết được gì?” Đạo lớn chỉ một lời mà thiên hạ an vui, đó chẳng phải là đại biện tài ư? Lão Tử chẳng từng nói Công thành thì Thân trở về, đó là đạo của trời; Thân đã trở về thì đâu có gì để nói? Nay hàng Sa-môn chưa đắc đạo thì đâu chẳng được nói; Lão Tử cũng còn nói vậy. Nếu Lão Tử chẳng nói thì năm ngàn lời kia làm sao mà tỏ bày? Nếu biết mà chẳng nói thì còn được; nếu đã chẳng biết mà chẳng thể nói thì đó là người ngu. Cho nên có thể nói mà chẳng thể làm là thầy của nước, có thể làm mà chẳng thể nói là cái dụng của nước; có thể nói có thể làm là vật báu của nước nhà. Ba phẩm mỗi mỗi đều có chỗ thi hành, đâu phải là đức kém? Chỉ như chẳng thể nói, lại chẳng thể làm mới là đức kém.

Hỏi: Như lời của ông thì chỉ cần học luận biện thông đạt, giỏi ngôn từ là được, sao lại còn tu tâm tánh, hành đạo đức?

Mâu Tử đáp: Sao chậm hiểu như thế? Phàm ngôn ngữ, đàm luận mỗi mỗi phải hợp thời. Như Cừ Viện nói: “Quốc gia có đạo thì ngay thẳng, quốc gia không có đạo nghiêng mà hủy hoại”. Ninh Võ Tử nói: “Quốc gia có đạo thì trí, Quốc gia không đạo thì ngu”. Khổng Tử nói: “Đáng nói mà chẳng nói thì mất người, chẳng đáng nói mà nói thì mất lời”. Cho nên trí hay ngu tự có lúc, luận đàm mỗi mỗi có ý riêng. Vì sao đang nói năng mà chẳng hành?

Hỏi: Ông nói Phật đạo chí tôn, chí lạc, vô vi, đạm bạc, vì sao các học sĩ thế gian phần nhiều phỉ báng rằng: “Lời nói rỗng suông khó dùng, giáo thuyết thì hư vô khó tin?”

Mâu Tử nói: Vị ngon quá thì chẳng hợp với nhiều miệng, âm cao quá thì chẳng thuận với nhiều tai. Soạn Hàm Trì, tạo Đại Chương, khởi Tiêu Thiều, Vịnh Cửu Thành, thì chẳng ai hòa được. Trương Trịnh, Vệ Chi đàn ca âm điệu thời tục thì không hẹn mà vỗ tay. Cho nên Tống Ngọc nói: “Khách ca ở đất Dĩnh, tấu khúc Hạ Lý thì cả ngàn người hòa theo, nhưng khi dẫn sang tấu Thương tấu Giốc thì chẳng có ai theo”. Vì họ đều vui thích với âm bất chánh mà chẳng hiểu được âm lượng khoan hòa rộng lớn. Hàn Phi với cái thấy nhỏ hẹp của mình mà chê bai Nghiêu Thuấn, Tiếp Dư dùng thân phận thấp kém của mình mà phản bác Khổng Tử, họ đều là người chỉ tham việc nhỏ, chẳng biết việc lớn. Phàm nghe âm Thương trong mà cho là âm Giốc, đó chẳng phải do lỗi của đàn, chỉ vì người nghe chẳng đạt; thấy hạt ngọc của Biện Hòa mà cho là đá, đó chẳng phải là do hạt ngọc tầm thường, chỉ vì người xem chẳng rõ. Rắn thần đứt rồi có thể nối liền, nhưng chẳng thể khiến người chẳng đoạn; rùa linh báo mộng cho Tống Nguyên mà chẳng thoát khỏi lưới của Dự Tư. Đạo lớn thì vô vi, hàng phàm tục chẳng thể thấy được, Đạo chẳng vì người khen mà quý, chẳng vì người chê mà hèn; dùng hay chẳng dùng là do trời, hành hay chẳng hành là tùy thời, tin hay chẳng tin là do người mà thôi!

Hỏi: Ông dùng Kinh truyện của các nhà để giải thích lời của Phật, tôi thấy ngôn từ phong phú mà nghĩa lý rõ ràng; lời văn mạnh mà thuyết giáo trọn vẹn, không có gì trái, đó ắt là do ông biện luận vậy?

Mâu Tử đáp: Chẳng phải tôi luận biện, vì thấy rộng nên chẳng lầm mà thôi!

Hỏi: Thấy rộng, có thuật gì ư?

Mâu Tử đáp: Từ Kinh Phật mà ra. Khi tôi chưa hiểu được kinh Phật, còn mê lầm hơn ông nữa! Tuy đọc Ngũ Kinh làu thông, nhưng lúc ấy chỉ mới là hoa, chưa kết thành quả. Khi tôi đã xem kinh Phật, xét tinh yếu của Lão Tử, giữ được tánh điềm đạm, quán hạnh vô vi rồi trở lại nhìn thế sự thì giống như đứng trên bầu trời mà nhìn khe cốc, lên núi cao mà ngắm gò đồi. Ngũ Kinh là ngũ vị, Phật đạo là ngũ cốc. Từ khi tôi nghe Đạo đến nay, như vẹt mây đen nhìn thấy mặt trời, cầm đuốc lớn bước vào phòng tối!

Hỏi: Ông nói kinh Phật như sông biển, văn từ như dệt gấm thêu hoa. Vì sao chẳng dùng kinh Phật đáp lời tôi; lại dẫn Thi Thư để giải thích, đó là hợp dị làm đồng ư?

Mâu Tử đáp: Người khát nước chẳng cần phải uống nước sông biển, người đói ăn chẳng cần phải đến kho gạo thóc mới được no. Đạo là vì người trí mà lập, luận biện là vì người biết mà giải thông, Sách là vì người hiểu mà truyền, Sự là vì người thấy mà bày sắp. Tôi cho rằng ông biết được ý này, cho nên mới dẫn việc ấy để thuyết minh. Nếu dùng lời trong kinh Phật, luận đến yếu chỉ vô vi, cũng như nói năm màu với người mù, tấu năm âm cho người điếc. Sư Khoáng tuy giỏi đàn, nhưng chẳng thể khảy đàn không dây. Hồ Lạc tuy ôm hận nhưng chẳng thể đốt người không có khí lực. Công Minh Nghị đàn âm điệu “Giốc trong” cho một con bò cái nghe, nhưng bò vẫn cắm cúi gặm cỏ như cũ. Chẳng phải con bò không nghe, chỉ vì tiếng đàn không có tác dụng đối với đôi tai của bò, nó cho là tiếng muỗi vo ve. Nếu có tiếng kêu của bò con thì nó liền vẫy đuôi, vễnh tai, bước lên nghe ngóng. Vì thế tôi dùng Thi Thư giải thích cho ông nghe vậy!

Hỏi: Khi xưa tôi ở Kinh đô đã vào Đông quán đến Thái học đã thấy được phép tắc của các tuấn sĩ, nghe được chỗ luận đàm của Nho gia, nhưng chưa từng nghe nói tu Phật đạo là quý, hủy hình mạo là cao. Vậy sao ông ham thích đến thế? Phàm đi lạc thì chuyển đường khác, suy cùng thì trở về nơi cũ, Ông khá chẳng suy nghĩ lại ư?

Mâu Tử đáp: Phàm người giỏi biến hóa thì không thể dùng sự trá ngụy để chỉ bày, người thông suốt Đạo thì chẳng thể dùng sự kỳ quái làm kinh sợ, người thấu rõ được ngôn từ thì không thể dùng lời nói để mê hoặc; người đạt nghĩa thì chẳng thể vì lợi lộc mà động tâm. Lão Tử nói: “Danh là cái hại của thân, lợi là vết hại nhơ của hạnh”. Lại nói: Dẫu đối lập được quyền, lấy hư vô làm quý, học lễ nghi chốn khuê môn, sự giao tiếp của thế tục, đạt đến chỗ tinh vi để cầu mong thích hợp đương thời thì đó cũng chỉ là việc làm của hàng Hạ sĩ, hàng Trung sĩ không màng đến. Hà huống chí đạo mênh mông là chỗ làm của bậc Thánh, lồng lộng như trời xanh, sâu thẳm như biển cả, chẳng hợp với kẻ có cái thấy nông cạn hạn hẹp cố chấp. Người thấy cái cửa, ta thấy cái nhà, người hái hoa, ta thâu quả, người cầu nhiều ta lấy chỗ chuyên nhất. Ông mau chuyển đường, ta xin ông thực hành Phật đạo, vì gốc của họa phước chưa biết thế nào?

Hỏi: Ông dùng lời trong Kinh truyện, ngôn từ hoa mỹ để tán dương hạnh của Phật, ca ngợi đức của Phật, cao thì vút tận trời mây, rộng thì khắp cùng mặt đất, như vậy có vượt cái gốc, quá cái thật chăng? Còn lời tôi phản bác thì như đã chẩn xét trúng căn bệnh vậy!

Mâu Tử đáp: Ôi! Lời khen của tôi giống như thêm mảy bụi vào núi Tung núi Thái, hứng giọt sương mai mà đổ vào biển lớn. Lời ông chê bai lại giống như dùng gáo múc nước muốn cạn sông biển, kéo chiếc cày mà muốn san bằng núi Côn Lôn? Dùng một bàn tay mà muốn che ánh mặt trời, ném một hòn đất để ngăn chặn Hoàng Hà. Tôi khen chẳng thể khiến đạo Phật cao, ông chê cũng chẳng làm cho Phật thấp.

Hỏi: một trăm bảy mươi quển lục Thần Thư của Vương Kiều, Xích Tòng Bát Tiên có nói đến thuật trường sinh có đồng với kinh Phật chăng?

Mâu Tử đáp: So về loại giống như Ngũ Bá với Ngũ Đế, Dương Hoa với Trọng Ni; so về hình thì như gò đồi với Hoa Sơn Hằng Sơn, ao vũng với sông biển. Xét về văn thì giống như da hổ với da dê, vải thô với gấm thêu. Đạo có chín mươi sáu loại, nhưng chỉ có Phật đạo là chí tôn chí đại. Sách của thần tiên tuy nghe thì đầy lổ tai mà tìm cầu chỗ công hiệu thì như nắm gió, bắt bóng vậy. Vì thế Đại đạo chẳng lấy nó, pháp vô vi chẳng quý trọng nó. Như thế thì đâu thể đồng!

Hỏi: Người tu Đạo hoặc là tịch cốc chẳng ăn, nhưng có uống rượu ăn thịt, cũng gọi là một thuật của Lão Tử. Nhưng Phật đạo thì xếp ăn thịt uống rượu vào trọng cấm, ngược lại ăn ngũ cốc, vì sao trái nghịch như thế?

Mâu Tử đáp: Đạo gồm chín mươi sáu loại nhưng chỉ có Phật đạo là đạm bạc nhất. Ta xem hai Thiên thượng hạ của Lão Tử chỉ thấy giới cấm ngũ vị chứ chưa thấy ghi tuyệt ngũ cốc. Bảy bộ sách của Thánh nhân cũng chẳng ghi về thuật nhịn ăn; năm ngàn lời của Lão Tử không đề cập đến việc tịch cốc. Thánh nhân nói: “Ăn ngũ cốc thì có trí, ăn rau cỏ thì ngu, ăn thịt là hung dữ, hớp khí thì trường thọ”. Người đời chẳng hiểu việc này thấy sáu loài chim nín thở, mùa thu mùa đông nhịn ăn, muốn bắt chước làm theo, mà chẳng biết mỗi loài đều có tánh riêng, giống như nam châm hút sắt, không thể dời đổi mảy may.

Hỏi: Có thể tuyệt ngũ cốc chăng?

Mâu Tử đáp: Khi ta chưa hiểu Đại đạo, cũng đã học qua. Phương pháp tịch cốc có đến ngàn, trăm cách, nhưng thực hành không có công hiệu, làm theo thì không thành tựu, nên tôi bỏ. Xem như ba vị thầy mà tôi theo học, mỗi mỗi tự cho là đã sống bảy trăm, năm trăm, ba trăm tuổi, nhưng tôi đến học, chưa đầy ba năm thì họ đã qua đời. Vì sao thế? Vì chẳng ăn ngũ cốc, mà ăn quả đủ loại, hưởng thịt đầy mâm, uống rượu cạn hủ, tai mắt điếc mờ, hoang dâm chẳng cấm. Ta thấy vậy mới hỏi căn nguyên, thì họ đáp rằng: Lão Tử nói: “Giảm rồi lại giảm, giảm đến chỗ không làm gì (vô vi)”, chỉ ngày mai sẽ giảm”. Nhưng ta xem thấy ngày càng tăng chứ chẳng giảm. Vì thế mỗi người chưa đến năm mươi tuổi đã chết. Vả lại Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng vị nào cũng chẳng thọ đến một trăm tuổi, mà người đời sau ngu si uống linh đan và tịch cốc để mong trường thọ!

Hỏi: Người tu đạo cho rằng có thể tự tiêu trừ bệnh hoạn. Khi bệnh chẳng cần châm cứu, uống thuốc mà bệnh tự lành, có tin như thế chăng? Vì sao nhà Phật khi có bệnh lại phải cần châm cứu, uống thuốc?

Mâu Tử đáp: Lão Tử nói: “Vật lớn thì sẽ già, đó là chẳng có đạo”. Chẳng có Đạo thì sớm mất. Chỉ có người đắc đạo thì chẳng sinh, chẳng sinh thì chẳng lớn, chẳng lớn thì chẳng già, chẳng già thì chẳng bệnh, chẳng bệnh thì chẳng hư hoại. Vì thế Lão Tử mới cho thân là mối lo sợ lớn nhất. Võ Vương bị bệnh, Châu Công xin mạng sống; Trọng Ni bị bệnh Tử Lộ khẩn cầu. Ta thấy bậc Thánh đều có bệnh, chưa thấy ai chẳng bị bệnh. Thần Nông nếm cỏ trị bệnh đến mấy mươi lần, Hoàng Đế cúi đầu cho Kỳ Bá châm kim. Ba vị Thánh này đâu như các Đạo sĩ ngày nay? Xét kỹ lời này cũng đủ để phế bỏ rồi vậy!

Hỏi: Đạo thì chỉ có một vô vi, vì sao ông lại phân biệt ra nhiều loại khác nhau như thế, khiến cho người học sinh nghi ngờ? Tôi cho rằng uổng phí mà vô ích.

Mâu Tử đáp: Đều cho là cỏ, thì tánh chất của cỏ chẳng thể nói hết; đều cho là vàng thì tánh chất của vàng chẳng thể nói hết. Đồng loại mà khác tánh, vạn vật đều như thế, đâu chỉ có Đạo mà thôi? Khi xưa Dương Mặc bít đường đi của các nho sĩ, xe cộ người ngựa chẳng thể đi qua, nhờ Mạnh Kha khai thông, mới biết được nơi đến. Sư Khoáng khảy đàn đợi tri âm mai sau; bậc Thánh chế định phép tắc mong rằng quân tử sẽ thấy. Ngọc đá chung một hòm, Y Thuận vì thế áy náy chẳng yên, đỏ tía tranh đoạt nhau, Trọng Ni vì thế mà than thở. Mặt trời mặt trăng chẳng phải không sáng, nhưng do các bóng râm che mất ánh sáng của nó, Phật đạo chẳng phải không ngay, nhưng bởi các điều tà vạy ngăn bít sự công chánh của đạo. Vì vậy ta chia chẽ ra để biện biệt. Lời trí của Tang Trượng, ngay thẳng của Vi Sinh, chân thật của Trọng Ni đều là lời trị thế, đâu có gì là uổng phí và vô ích?

Hỏi: Ông chê thuật thần tiên, bác bỏ điều kỳ quái, chẳng tin có đạo bất tử, vì sao chỉ tin Phật đạo độ được thế gian? Phật ở một cõi nước khác, chân ông chưa dẫm lên đất ấy, mắt ông chưa nhìn thấy nơi ấy, mới xem sách vở mà đã tin hành vi của Phật rồi. Phàm thấy hoa chưa thể biết được quả, nhìn ảnh chưa thể biết được thật hình. Tôi nghi điều ấy chẳng chân thật!

Mâu Tử đáp: Khổng Tử nói: “Thấy khởi nguyên của nó, xem con đường của nó trải qua, xét nơi nó an định, thì con người đâu thể che giấu được!” Xưa Châu Công, Lã Vọng hỏi Thi Chánh, thì mỗi người đều biết được nguyên nhân chung cuộc mai sau; ngày Nhan Uyên cưỡi xe tứ mã, thấy con ngựa của Đông Dã, mà biết ngựa sắp đuối sức; Tử Cống xem hội ở Châu Lỗ mà biết nguyên nhân có tang; Trọng Ni nghe tiếng đàn của Sư Khoáng mà biết được chi tiết của Văn Vương; Lý Tử nghe nhạc mà biết phong tục của các nước, cần gì phải đi đến nơi ấy, nhìn thấy cõi ấy?

Hỏi: Tôi từng đến nước Vu Điền, có vài lần gặp Sa-môn, tôi đều dùng đạo của mình để gạn hỏi, nhưng tất cả đều chẳng đối đáp được, mà lời lẽ lại lui sụt, phần nhiều đã hồi tâm cải ý. Chỉ có ông là khó cải hóa mà thôi!

Mâu Tử đáp: Lông nhẹ ở trên cao gặp gió nhẹ thì bay, đá nhỏ ở dưới đất gặp dòng nước thì lưu chuyển. Chỉ có Thái sơn chẳng bị gió làm lay động, đá tảng chẳng bị dòng nước xiết chuyển dời. Cây mai cây lý gặp sương thì lá rụng, mà cội tòng cội bá đâu dễ điêu tàn. Những Samôn đạo nhân mà ông gặp, chẳng qua vì học chưa đến, biết chưa rộng, nên mới bị khuất phục như thế. Như tôi ngu khờ, lại chẳng thể học đến cùng tận mà như thế, hà huống gì người đạt đạo? Ông chẳng tự sửa đổi mà muốn sửa đổi người, thật tôi chưa từng nghe nói Khổng Tử học theo đạo chích, Thang Võ bắt chước Kiệt Trụ!

Hỏi: Theo thuật thần tiên thì thu đông chẳng ăn, hoặc nhập thất nhiều tuần chẳng ra, có thể nói rằng đã cùng tột đạm bạc rồi, tôi cho là tôn quý rồi, còn Phật đạo thì chẳng được như thế!

Mâu Tử đáp: Chỉ Nam là Bắc mà cho là không lầm, lấy Tây làm Đông mà tự nói là chẳng mê, lấy phận cú mèo mà cưỡi phượng hoàng, với thân dế giun mà bỡn cợt rồng rùa. Ve nhịn ăn, bậc quân tử chẳng cho là quý; rắn ếch nấp trong hang, Thánh nhân không lấy làm trọng. Khổng Tử nói: “Tánh của trời đất, lấy người làm quý,” chưa nghe nói tôn trọng rắn ve bao giờ! Nhưng người đời nay, có kẻ ăn xương bồ mà bỏ quế gừng, uống cặn rượu mà bỏ cam lồ. Mảy lông tuy nhỏ, nhưng nhìn thì rõ ràng, Thái sơn dù lớn mà quay lưng thì chẳng thấy. Về Chí thì có giữ và chẳng giữ, ý thì có bén nhạy và chẳng bén nhạy. Nước Lỗ tôn Lý Thị mà hạ thấp Trọng Ni, nước Ngô yêu kính Tể Thỉ mà chẳng thích Tử Tư. Điều ông nghi ngờ chẳng phải cũng nên sao?

Hỏi: Đạo gia cho rằng bảy mươi hai đệ tử của Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng, đều chẳng chết mà thành Tiên. Phật gia nói con người đều phải chết, không ai tránh khỏi, là vì sao?

Mâu Tử đáp: Đây là lời của loài yêu mị, chẳng phải của thánh nhân. Lão Tử nói: “Trời đất còn chẳng được lâu dài, huống gì con người?” Khổng Tử nói: “Người hiền qua đời, nhân hiếu thì thường còn”. Tôi xem cả lục nghệ, đọc cả truyện ký thì thấy Nghiêu có Tồ Lạc (chết), Thuấn có núi Thương Ngô, Vũ có lăng Cối Kê, Bá Di Thúc Tề có mộ ở Thủ Dương, Văn Vương chẳng kịp giết Trụ thì đã chết, Võ Vương chẳng đợi Thành Vương khôn lớn mà băng; Chu Công có soạn một thiên Cải táng, Khổng Tử có giấc mộng hai cây cột, Bá Ngư có nói về tuổi thọ của cha, Tử Lộ có lời văn cháo thịt, Bá Ngưu có văn vong mạng, Tăng Sâm có từ mở chân, Nhan Uyên có ghi lời bất hạnh yểu mạng, Miêu Nhi có dụ chẳng đẹp… Tất cả đều có ghi trong kinh sách, là lời chân thật của Bậc Thánh, tôi dùng Kinh truyện để chứng minh để người đời nghiệm xét, nếu còn nói là bất tử, há chẳng mê làm quá ư?

Hỏi: Lời ông giải thích thật đầy đủ, đều là những điều mà từ xưa chúng tôi chưa được nghe. Nhưng lời ông giải thích lấy gì làm căn cứ, soạn ba mươi bảy thiên cũng có phép tắc chứ?

Mâu Tử đáp: Phàm thấy cỏ bồng theo gió xoay chuyển mà chế thành bánh xe; thấy khúc cây lõm trôi mà tạo thuyền chèo; thấy nhện giăng mà làm ra lưới, thấy dấu chân chim mà lập văn tự. Nên có khuôn mẫu thì dễ thành, không khuôn mẫu thì khó đạt. Ta xem kinh Phật thấy có ba mươi bảy phẩm thiết yếu, đọc Đạo kinh của Lão Tử cũng xét có ba mươi bảy thiên, nên ta lấy đó làm phép tắc vậy.

Bấy giờ, người kia nghe như thế thì kinh sợ mặt biến sắc, vội vòng tay rời chỗ ngồi, cung kính quỳ lạy thưa rằng:

Kẻ hèn này thật đui mù sinh nơi hèn kém, dám nói những lời ngu si, chẳng nghĩ đến họa phước. Nay nghe được lời chỉ dạy, bỗng chốc tan như sương tuyết. Nguyện đổi ý rửa lòng tự răn, xin được thọ năm giới làm một Ưu-bà-tắc!

 

2. CHÁNH VU LUẬN

Không rõ tác giả

Có một người lạ vu báng Phật rằng: Doãn Văn có thần thông, thương xót cha con người nước Hồ, loạn dâm tham gian, giết hại mưu lợi, vô sĩ làm tổn hại người, thích giết chóc quần sinh, không biết nhún nhường, tàn ác không thể luận bàn, thí dụ đủ các các việc… lại bảo đệ tử đắc đạo biến hóa… cấm sát sinh, đoạn tuyệt việc hôn nhân, khiến không có con cháu nói dõi. Dẹp cái thuật người Hồ, ai giỏi hơn người ấy?

Chính ghi: Người vu báng đã nói không có Phật, lại cho rằng Doãn Văn có thần thông; có đệ tử đắc đạo, giỏi biến hóa thấu đạt hết cái lý thần diệu, đó thật là lời mâu thuẫn không suy nghĩ. Phàm Doãn Văn là học trò của Lão Tử, Lão Tử là đệ tử của Phật, cho nên trong kinh của Lão Tử có nói: “Nghe nói ở Trúc Càn có một vị Cô Tiên sinh, diệu nhập Nê-hoàn, vô thỉ vô chung, vĩnh viễn tồn tại chẳng diệt”. Trúc Càn tức là Thiên Trúc, Nê-hoàn là tiếng nước Hồ, nhà Tấn dịch là Vô vi. Nếu Phật chẳng xuất thế trước Lão Tử, vì sao được gọi là Tiên sinh. Nếu Lão Tử chẳng sống trước Doãn Văn, vì sao Doãn Văn xin Đạo Đức kinh. Lấy đây mà suy thì biết Phật chắc chắn là Tổ tông của Doãn Văn, là khởi nguyên của các Thánh. Vậy đâu có lý đệ tử được thần hóa mà Thầy chẳng có? Phàm bậc Thánh đứng đầu thế gian ắt phải để giáo hóa dùng đạo mà cai trị, nếu người ở phương xa không phục, trước dùng Lễ nhạc cho yên định. Bất đắc dĩ mới dùng binh lực, thì cũng để trừ bạo, dẹp can qua, cứu vớt quần sinh, dùng tiểu sát để chấm dứt đại sát. Cho nên vào đời Xuân Thu, chư hầu chinh phạt, động binh một cách chánh thuận. Như nước Địch khi có biến động, thì đánh trống để nêu rõ tội lỗi, dùng binh chính nghĩa để đến bắt tội nhân, không bao giờ ngầm giết hại người. Vì thế người quy phục thì dùng lời nhu hòa để phủ dụ, không vội vã dùng trọng hình, võ lực mạnh; đắc thắng thì dùng tang lễ để đối xử;

giết người thì buồn khổ khóc than. Vì thế châm biếm, dụ dẫn là dùng để ngăn chặn căn nguyên diệt tuyệt. Nếu ôm lòng ác mà tính điều bất nghĩa, mượn đạo đức để mong toan thành việc bạo ác, thì cũng đã thấy trong Kinh truyện, Biến văn chê bai rất nhiều vậy. Cho nên hội minh ở Tống là để chế phục Sở, nhưng trước phạt Tấn là vì ghét sự dối trá của Tân Phi, mà tôn kính sự cao đẹp của Trớ Tín vậy. Phàm oán kẻ địch thì ân huệ chẳng đến được người nối dõi, ác trừ hết nơi thân thì bốn trọng tội chẳng còn. Đó là phép tắc rõ ràng của các vua, là tiểu lệnh để trị quốc. Đến khi các tướng thời mạt thế đều là kẻ thích dùng binh, sợ rằng đạo mỏng đức suy, mới mặc tình lừa dối, ra sức tranh giành, dùng mưu kế quỷ quyệt cộng thêm với tâm tàn độc, đánh ngoài đồng nội thì tự do tiến lên giết sạch, đánh trong trành quách chôn hết chẳng chừa. Cho nên Bạch Khởi bị chặt đầu nơi Đỗ Bưu, Đổng Trác táng thân ở triều đình. Người quân tử biết họ ắt sẽ chết, cả thế gian buồn vì họ bị giết; sự tệ hại của binh nhung cũng đến như thế. Điều này thật đáng đau lòng mà mãi thở than vậy, có bậc Thánh nào muốn bắn tên âm độc giết hết lê dân đâu! Hơn nữa, một làng bé nhỏ mà còn có hiền tài, hà huống gì vạn dặm bao la rộng lớn!

Trọng Hoa sinh ở Đông Di, Văn Mạng ra đời ở Tây Khương, bậc Thánh triết xuất sinh, há có nơi chốn nhất định. Hoặc diễn ná nơi này, im lặng giáo hóa nơi kia. Hình biến hiện hơn độ khắp vạn phương, nhưng lý chuyển vận không mảy may sai biệt. Sở dĩ đạo Phật tuyệt tích ở Trung Thiên mà sáng rực tại Tây Vức, đó là có ý thú đặc biệt, chẳng thể trình bày hết được. Đâu có bậc Thánh nào ghét cường địch, muốn giết sạch không chừa. Điều này đâu khác gì dịch khí đã lan, mà chẳng xua đuổi sạch, dù có thiêu đốt Trung Nguyên, hoa lan du cỏ du hôi thối đều cháy, lại sự bạo ngược của Kiệt Trụ còn chẳng như thế! Dẫu có khiến cho nước Hồ phần nhiều tin tà ác; như dùng bạo ngược thay bạo ngược, thì chẳng phải là chỉ thú của quyền biến. Dẫn các lời này vừa đủ để biết những lời hủy báng kia mê hoặc người ngu si, đâu thể hợp tình hợp nghĩa mà có tâm nghi nan?

Vu báng rằng: Doãn Văn khinh khi trời có ba mươi hai tầng … lại vọng dẫn kinh Lâu Thán nói: Cung điện của chủ Thiên dài rộng hai mươi bốn vạn dặm, mỗi mặt mở một trăm cửa, cửa cao rộng vạn dặm…

Đính chánh rằng: Kinh Phật nói cảnh giới của trời đất thềm bậc cao thấp đều có hệ thống xuyên suốt, bộ vị rõ ràng, thứ tự hợp lý. Mà người vu báng hoặc thêm vào, dối tạo ngụy thuyết, hoặc điên đảo lầm lẫn không đạt được nghĩa cốt yếu. Đâu lý nào một cung điện rộng hai mươi bốn vạn dặm mà cửa chiếm bốn trăm vạn dặm. Dùng một việc để xét thì biết rõ người ấy lầm lẫn rất nhiều. Người nô lệ hay trẻ chăn trâu còn biết được điều ấy sai lầm, huống gì bậc hiểu biết? Muốn tỏ cái rộng mà lại lộ cái ngu vậy!

Vu báng rằng: Phật cũng vào khắp năm đường; người phạm đủ các tội, làm việc ác mà còn thành Phật; vậy đây chẳng phải là pháp để khủng bố người làm ác. Lại tính tất cả chúng sinh thì người hành thiện ít, kẻ làm ác thì nhiều. Người ác chết thì đọa vào lục súc, thế thì từ khi có trời đất đến nay đã đủ từ lâu rồi, đáng lẽ nay súc sinh chiếm chín phần mười, còn loài người thì hy hữu mới đúng!

Đính chính ghi: Đúng như lời ông nói, Phật cũng từng làm ác, sở dĩ nay được thành Phật là do cải ác theo thiện. Nếu cứ mãi làm ác, chẳng hết mê lầm, sau tiếp theo trước, thì mãi mãi ở trong đêm dài chịu khổ, luân chuyển trong năm đường, không có cách nào ra khỏi. Nay đã nhổ gốc ác, diệt tắt lửa ba độc, tu năm giới thiện, học mười đức tốt; thấu hiểu được Bản tế, rõ ràng được ba đời là không. Nên mới hiểu được ngoài sinh tử hư vọng có cõi vô vi. Như nói đến các loài côn trùng thì chẳng thể tính lường hết, còn người ở tại chín châu thì chẳng bằng mảy may mà thôi, chín phần mười thì có gì đáng nói đâu? Cho nên tánh của trời đất lấy người làm cái tôn quý nhất. Vinh Kỳ sở dĩ tự được ba điều vui thú là vì phân biệt rõ ràng quý tiện.

Nay chẳng trở về nương tựa nơi con người, chẳng chán ghét súc sinh, lấy nước thải làm cam lộ cho sự trói buộc là an ổn, thì đâu chẳng vì đó mà sinh nhiều nghi ngờ?

Vu báng rằng: Có Vô Linh Hạ Kinh, Vô Linh Hạ kinh là sách yêu quái, chẳng phải là lời dạy răn trong ba phần năm điển, bậc thông đạt nho cũng chưa nghiên cứu đến. Lời của Tam Tằng Ngũ Tổ lại giống như hiểu tấu văn ư? Điều này chẳng cần cật vấn mà điều hư vọng cũng đã tự lộ rõ vậy. Nay tôi xin nói điều này! Hàng phàm tục thường cho rằng người chết thì hết, không có linh hồn, không có thần quỷ. Như không có linh hồn thì không có Thiên Tào, không thần quỷ thì không ai bắt thâu. Nếu con cháu thờ Phật mà vì trách tội tổ tiên, hoặc tổ tiên là hiền nhân quân tử vì lúc ở đời không hành sự đồng với con cháu, mà Thiên Tào thâu bắt về trị tội, khiến cho thi thể nhan hồi, nhiễm canh chịu hình phạt thống khổ vô ích, Tổ Khảo nhân từ thì lại càng oán hận di thể. Đó là đâu phải là vị thần thông minh chánh trực? Nếu chẳng phải như thế, thì các loại quỷ hồ lạc, võng lượng, dâm lệ vì sao có thể ngược lại áp chế linh hồn người hiền nhân, làm khốn khó người có giới hạnh. Lấy đây mà luận thì biết đó là kinh sách tồi tệ.

Lại vu báng rằng: Người tu đạo Phật gom góp vật chất của bá tánh, xây dựng nhiều chùa pháp, lộng lẫy xa hoa, thì thật là hoang phí, vô ích.

Đính chính rằng: Phàm giáo thì có cạn sâu, hợp thời ứng vật, đã trình bày đầy đủ ở đầu luận rồi, nhưng đây xin được nói lại. Nói về tâm cần kiệm thì không ai hơn Nghiêu Thuấn, thế mà cũng đầy đủ lễ phục gấm nhung thêu núi, rồng, hoa, trũng. Vì thế Tả Truyện ghi: “Dùng tích, loan, hòa (đều là chuông của xe ngựa) và linh để phát ra âm thanh; dùng ba loại cờ áo mặt trời, mặt trăng và sao để phát khởi ánh sáng; dùng tỷ tượng xe cộ, binh khí … năm màu để tỏ rỏ khí vật”. Vì thế nơi vua chúa ở nhất định là cửa vàng, thềm ngọc, linh đài, cung phượng, để khác biệt với phàm dân, và phân chia quý tiện. Phàm con người tùy theo cảnh mình thấy mà cảm biết, như nghe tiếng trống, thấy cờ xí thì nghĩ đến tướng nái; nghe tiếng đàn, thấy nghi biểu an tường nghiêm nghị thì nghĩ đến quan ở triều đình. Thay đổi cảnh quan, thay đổi cái nhìn thì tâm tánh và dáng mạo cũng biến chuyển theo, khiến một số người thấy hình mà chẳng biết đến đạo. Không ai chẳng quý điều cao thượng mà bỏ chỗ thô lậu, vì thế người kính Phật ngưỡng mộ di tích, tư duy đến oai dung còn lại, mô phỏng theo để khắc họa thành hình tượng để thành kính chiêm lễ; lại dùng các tài vật quý giá tôn đạo chùa viện; khiến cho bậc Thượng căn đến xem thì quên hình tích mà giữ lấy ý vị cao xa; hàng Trung, Hạ đến xem thì khen sự hoa mĩ, thưởng thức cái rực rỡ của kiến trúc; trước làm vui hòa tai mắt, sau đó dần dần dùng chánh đạo để chỉ dạy họ. Cả ba bậc đều có thể thâu hút không sót, giống như vật chứa nước, túy theo dung lượng nhiều ít mà dùng, chỉ như thủng dáy không giữ được, thì mới chẳng thể chứa nước.

Lại có người dối rằng họa phước do Phật tạo ra, có thể cho rằng người ấy chưa hiểu vậy. Tôi cũng xin giải thích điều này. Phàm kiết hung và họa phước cũng giống như ảnh tùy hình, vang tùy tiếng tự nhiên như thế, không thể tránh khỏi, xa lìa nhau được. Hành thì do nơi mình mà lý thì ứng hợp một cách vi diệu. Phật và Chu Khổng đều nói về trung hiếu tín nghĩa, thuận theo thì gặp lành, trái nghịch thì gặp dữ. Như muốn qua sông thì phải nhờ thuyền bè, chẳng thể đi bộ mà qua được. Như phép dạy người, thuật cứu nguy cũng giống như Thần Nông bảo ăn ngũ cốc để trị đói, Hoàng Đế dạy may y phục để chống nóng lạnh. Nếu ngậm miệng mà muốn no, để trần mà cầu ấm thì chẳng thể cưỡng ép mà cho được. Lại nữa, sở dĩ Biển Thước được gọi là lương y là vì ông tùy bệnh mà cho thuốc, chẳng sai lầm phương dược. Chẳng thể mong cầu ông khiến không có người chết. Hơn nữa Biển Thước cũng đã nói: “Ta có thể làm cho người đang sống chẳng chết, nhưng chẳng thể khiến người chết sống lại!” như làm con thì bất hiếu, làm tôi thì bất trung, cứ giữ chặt sai lầm chẳng chịu tỉnh ngộ, đưa thuốc hay chẳng chịu uống, đến ngày họa đến sắp chết thì lại đổ lỗi cho Thánh nhân, oán hận lương y, thì không chỉ đã mê muội mà có su thế rơi vào hầm sâu nữa.

Vu báng rằng: Ở Kinh lạc có rất nhiều Sa-môn, mà chưa từng nghe nói làm cho Hoàng đế được kéo dài tuổi thọ. Trên thì chẳng thể điều hòa âm dương, chẳng làm cho mùa màng bội thu, nhân dân giàu có, tiêu trừ tai nạn, xua đuổi dịch bệnh, định yên họa loạn; dưới thì chẳng thể nhịn ăn ngũ cốc, luyện khí ngưng thần, giữ mạng vượt nguy, trường sinh bất lão …

Đính chính rằng: Chẳng đúng! Trang Chu nói rằng: “Người mà thấu đạt được thân mệnh, không mong cầu điều mà thân mệnh không thể làm được”. Như thế đã định kỳ hạn thì không thể dời đổi. Nếu như có dùng trí đức mà cầu cứu được tánh mạng, thì hai Thái tử Cơ Phát, Cơ Đán đủ khiến cho cha là Văn Vương thọ cả ngàn tuổi. Nhan Tử chết thì hợp mệnh trời, nhưng mọi người đều vô cùng thương tiếc, không biết làm sao để kéo dài mạng sống cho ông. Vả lại trải bao năm tháng, mang lấy vận mạng sáu trăm năm là cùng tột rồi đến lúc phải ra đi. Vì thế Nghiêu mới có nạn hồng thủy ngập trời, Thang có hỏa tai ngút đất; Trác Lộc máu đổ thành sông, Phản Tuyền thây đầy đồng nội. Vì sao chẳng ngồi yên mà cứu hết? Việc ấy chưa được như thế ư? Phàm thực hành các thuật dưỡng sinh của Đạo gia như “Hùng kinh vô duệ”, dẫn khí ra vào, tuyệt ngũ cốc hút nhụy hoa, hớp gió uống sương thay cho lương thực, lấy các thuật này mà cầu trường thọ, đều là có sự mong đợi. Như thế sẽ có lúc yểu vong mà chẳng thể trường tồn .

Hàng Sa môn xem Xích Tòng, Vương Kiều như những đứa trẻ chưa ra đời mới chẳng chịu để tâm cầu ra khỏi lưỡng nghi, mà ở mãi trong miền sinh tử. Thế thì đâu thể lóng tâm trong sạch để trường thọ sánh cùng Quyên Tử, Bành Tổ? Người vấn nạn nếu muốn dùng lời lẽ hoa mĩ để luận biện phản bác, lập ngôn từ mạnh mẽ để cản ngăn, lời không có tiết tấu, nghĩa chẳng hợp cung bậc, than ôi! Bắc Lý Loạn mất nhã phong, màu xanh kia đoạt mất sắc vàng. Còn tất cả âm điệu huyên náo khác chẳng có kỷ cương thì nhất luật tuân theo Tôn Sư chẳng đáp.

Vu báng rằng: Vào cuối đời Hán có Sạ Dung hợp binh theo Thứ Sử Từ Châu là Đào Khiêm, Đào Khiêm sai Dung làm Đốc vận ( lo chuyển vận quân lương); mà trước kia Sạ Dung theo đạo Phật, nên nay trộm lấy tài vật của quan quân, dùng tự lợi này làm chùa Phật, cấp rượu thịt cho người đi đường… Sau bị Lưu Dao đánh giết.

Chánh rằng: Câu hỏi này chẳng đợi trói mà đã tự buộc. Phàm Phật giáo luôn lấy nhân tử bất sát, trung tín chẳng lỗi lầm, liêm trinh không trộm cắp làm đầu. Như Lão Tử nói: “Binh khí là vật bất tường”, đến gần thì hung hiểm, nhưng Dạ Dung lại nhẫn tâm đem binh kết cấu với giặc cướp, đó là phạm sát; nhận sứ mệnh của người, lấy mà chẳng báo đáp cho chủ, đó là phạm tội khi dối; cướp lấy vật của quan để tự lợi là phạm tội trộm cắp; Kinh Phật dạy không được ban cấp rượu cho người khác, mà Sạ Dung lại tự do cấp cho, đó là phạm tội uống rượu. Phạm cả giới thì đi vào con đường chết vậy. Giống như kẻ làm quan đã treo ấn, trả mũ, mà hoành hành bạo ngược trên đường thì đứa bé cũng có thể chế phục, Sạ Dung chết dữ cũng đã giúp sáng tỏ được đạo lý làm ác gặp tai ương vậy.

Vu báng rằng: Thạch Sùng cũng rất Kính Phật mà chẳng tránh khỏi tội bị tru di tộc họ.

Chánh rằng: Thạch Sùng này, tôi biết rất rõ, đó là kẻ kiêu ngạo, đam mê rượu thịt, phóng túng vô độ. Cất chứa tiền bạc rất nhiều mà chẳng cứu giúp cho người cô độc. Luận về tài thì chỉ ra tay 1 lần là đoạt lợi, về đức thì không được mảy may. Tuy thờ Phật mà chẳng giữ cấm giới, giống như người thế gian; hình dáng thì có vẻ thanh cao, nhưng tâm thì ô uế; sắc diệu thì cứng cỏi nhưng trong lòng thì nhu nhược; miệng luôn khen Vũ Thang mà làm thì như Kiệt Chích. Tự chuốc lấy cái họa ấy, thì đâu có gì mà lạ?

Vu báng rằng: Chu Trọng Trí kính tin Phật cũng rất tinh tấn, nhưng rốt cuộc cũng chẳng hưởng được phước.

Đính chính rằng: Mới nghe lời này thì tựa như cái họa của người được ân sủng chẳng phải là lời thông đạt! Trọng Trí tuy có tâm mến mộ Phật đạo, nhưng chưa thọ giả làm đệ tử. Luận về bẩm tánh thì trong sáng, ngay thẳng, lịch lãm, kiệt xuất, có thể cho là bậc anh tài; nhưng còn lo về sức mạnh của thân, chưa hợp với chí thú anh nhi (dùng chì luyện thuốc)của Đạo gia. Như thế mà gặp kẻ mạnh tật đố tài danh thì ắt sẽ táng thân ngay. Như nói rằng tinh tấn mà bị hại, thì thật đã có. Việc ấy đâu khác gì Nhan Tử, Hạng Võ yểu mạng; Bá Di, Thúc Tề nhịn đói chết, Tỷ Can tận trung mà bị họa lấy tim. Công Tử Thân Sinh chí hiếu mà đau xót vì tự ải. Những việc giống như thế chẳng kể hết. Khổng Tử nói: “Người có đức nhân thì sống lâu; người có nghĩa thì sáng tỏ,” vậy mà có người chẳng tránh khỏi yểu vong. Cho nên phải tin có đức mạng.

Vu báng rằng: Nhà Phật ưa tử ghét sinh, đến khi người thân chết thì cho rằng vì phước lộc mà đi, nên không có vẻ buồn đau thương xót gì cả?

Đính chính rằng: Người gạn hỏi ắt đối với vạn vật đã đạt được tâm minh bạch rồi; nếu không vì sao lại nói trái nghịch như thế? Phàm kinh Phật đã nói rằng người đắc đạo thì người, ta đồng nhất, dài ngắn như nhau; lội trong dòng sinh tử vẫn vắng lặng không phân biệt, vào trong cõi phước họa tâm vẫn bình đẳng chẳng nhọc nhằn lao khổ. Vui với trời, biết số mệnh, yên với thời, sống thuận đạo. Còn người chưa thể hội được Đạo, than ôi! Phải có tâm thận trọng đến lúc cuối đời; vì muốn tăng trưởng tâm này, thuần nhất không tạp, nên mới có nghĩa “Đại bi hoằng thệ”. Phàm kẻ thù chết mà còn thương xót, dùng đức báo oán, chẳng nghĩ đến thù xưa, huống gì tình cốt nhục sâu đậm tự nhiên, mà có thể chẳng có lòng đau xót ư? Phàm thương người thân, chẳng dám gây ác với người khác, sợ rằng mãi mãi báo trả cho mình. Trái với tình, nghịch với đạo thấy rõ nơi đây vậy!

Thích Tăng Hựu trụ chùa Kiến Sơ ở Dương Đô soạn vào đời Lương Phàm biển giáo không bờ, gương huệ tròn chiếu. Sự giáo hoá kì diệu khấp trong cõi nước, nhưng lại mô phỏng theo Nghiêu Thuấn; nghĩa lý thật u vì vượt ra ngoài ngôn ngữ mà tùy thuận theo Khổng, Chu. Nhưng đạo lớn thì khó tin, thanh cao thì ít người hòa. Tu ơi chót vót thì gió mạnh thổi lên; Kho báu tích tụ thì sinh ra oán giặc. Khi xưa Đức Như Lai còn tại thế, sự giáo hóa của ngài chấn động khắp đại thiên, mà còn bị y ma phẩn nộ, sáu Sư oán hận, hà huống gì vào đời Tượng, mạt này mà có thể tránh được ư? Từ khi giáo pháp truyền đến Đông thổ này, đến nay đã hơn năm trăm năm, về duyên thì có tin và không; về vận thì lúc hưng lúc suy. Người chánh Kiến thì khen ngợi, kẻ tà mê thì hủy bán. Đến hàng nho sinh thiển cận theo văn thì phản bác cho là dị giáo, còn kẻ tà đạo xảo ngân thì dẩn dụng cho là đồng pháp. Như phản bác thì có cái mê mất bản giáo, dẫn dụng thì có cái loạn lợi danh. Từ đó bèn phát sinh nhiều ngụy luận và ngoa từ mạnh mẽ. Phàm chim Hạt đám kêu ban đêm cũng không đổi được ánh sáng của mặt trời, chim Tinh vệ ngậm đá mà không làm suy tổn thế của biển lớn. Nhưng dùng tối để loạn sáng, dùng nhỏ để mờ che lớn, tuy không làm lay động mảy may, mà cũng có người nghe thấy, khiến cho kẻ yếu đuối theo lời ngụy biện mà mãi mãi làm mê, hàng điên đảo thì theo tà thuyết mà tưởng kỳ chìm đắm. Do đó mà dễ lạc vào chốn u đồ, khó bước lên tịnh cảnh.

Hựu tôi vì hàng tu học thời mạc pháp, chí sâu rộng giữ gìn sự an tĩnh, mà lời thì tùy theo thế tục phẩn uất nơi tâm; nên trong lúc tật bệnh tạm an, thời giờ rảnh rỗi mới soạn ra những văn sáng xưa nay, những luận hay của đạo tục, với chủ ý phá tà, lập ngôn hộ trì chánh pháp; Không phân Đại, Tiểu, tất cả đều chọn dùng. Cho đến Thư, Ký,Văn, Lục của các bậc Thắng sĩ đời trước mà có ích cho Tam bảo cũng được gom chép, phân loại, sắp xếp thành mười bốn quyển. Phàm Đạo là do người hoằng dương, còn giáo thì dùng văn để làm sáng tỏ. Hoằng đạo minh giáo, nên lấy tên là Hoằng Minh Tập. Sau cùng có phụ một bài nói lên bản hoài thô Thiển của mình, ngõ hầu dùng 1 hạt bụi, 1giọt nước thêm vào Thái Sơn vào biển lớn. Nhưng tài học thì thấp kém, sự thấy biết thì nông cạn, hổ thẹn mình hạn hẹp, kính mong các bậc quân tử làm thông gia ân tăng bổ cho tập sách được sâu rộng thêm!

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14