HOẰNG MINH TẬP

Thích Tăng Hựu trụ chùa Kiến Sơ ở Dương Đô soạn vào đời Lương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 3

4. DỤ ĐẠO LUẬN

(Tôn Xước soạn)

Như có người nghi Chí Đạo, thì hiển dụ họ rằng:

Thiên hạ bao la, vạn loài đầy khắp, thiên biến vạn hóa mờ mịt chẳng có mối manh. Vì thế hàng có thức tình bốn phương mỗi mỗi đều mong có sở kiến, vậy loài mai vảy thì chẳng biết việc trên đất, loài lông cánh thì chẳng rõ thế lực của dòng nước; chỉ biết ở giếng ao thì kinh sợ với cái lượng rộng lớn của biển khơi; bay cao được vài trượng thì nghi ngờ sức mạnh vút trời; trói buộc trong thế giáo, chỉ xem dấu vết của Chu Khổng rồi cho rằng Nghiêu Thuấn là tận cùng của chí đức, Lão Dịch là tận cùng của diệu ngôn mà đâu thấy được chỉ thú kỳ diệu ngoài thế gian, sự chiếu soi siêu tuyệt trong hoàn vũ. Buồn thay! Giống như mũ của Nho sĩ bỏ nơi kẻ lõa hình; nhạc Thiều, Hạ mà trao cho người thô lậu; chí chân bị tuyệt nơi kẻ buông lung, Đại đạo phế nơi kẻ ngu si. Nếu đã cùng mê mà chẳng biến cải, thì lời lẽ dụ dẫn cũng chẳng thể cảm hóa được. Nay thử luận về chỉ thú này, ngỏ hầu có người ngộ nơi đây!

Phật là người thế hội được Đạo. Đạo tức dẫn dắt vạn loài, ứng cảm thuận thông, không làm mà không gì chẳng làm. Không làm, nên rỗng lặng tự nhiên; không gì chẳng làm nên, mới thần diệu giáo hóa muôn vật. Vạn vật mong cầu có cao hèn chẳng đồng, nên thuật giáo có tinh thô sai biệt. Ngộ được Thượng Thức thì nêu Tông bản; như người chẳng thuận mà còn gây họa như uống rượu thì bị trói thân, dâm tà thì phạt nặng, trộm cắp thì bị đánh, ba tích năm hình nếu phạm thì chẳng tha. Đó là pháp thường của các vua chúa do Tể Mục nắm giữ. Nếu bậc Thánh vương ra đời, trăm quan đều sáng suốt, thì các tội nhân kể trên ắt bị xét xử đến cùng tận, mà không có đất ẩn trốn. Khiến kẻ gian ác không thể tự do phóng túng. Thế thì quốc gia không nghịch với nhân dân, mà hàng hiền thiện ắt được trọng dụng làm quan vậy. Vả lại vua anh minh, bầy tôi chí công thì đời an bình, thạnh trị. Lại còn làm cho thiện ác phân minh; thẳng cong chẳng lẫn lộn. Hà huống chỗ đến của thần minh mà không có xa gần, tăm tối, thông minh, chánh trực, phạt ác, giúp thiện ư? Cho nên một chút công lao, mảy may tội lỗi, thì thời kỳ báo ứng đến không bao giờ sai lệch. Xem những bằng chứng về họa phước từ xưa đến nay, đều có nguyên do, năm tháng, quê quán rõ ràng, há có giấu giếm ư? Đó là những gì? Như kẻ thường có âm mưu thì con cháu chẳng được hưng thịnh, làm tướng ba đời thì Đạo gia cúng giỗ lớn. Đó chẳng phải là do trong chiến trận hung hiểm giết người nhiều dẫn đến sao? Như Ngụy Khỏa theo di mệnh mà báo kết cỏ; Tử Đô giữ tín mà được ban cho ngựa quý; Tể Tương đổ tội cho người mà bị họa té xe; Tắn Huệ bỏ Lễ, nên gặp khốn ở Tế Hàn. Đó đều là ứng nghiệm về người chết báo người sống. Đến như Tuyên Mạnh Thương Ế Tang đói khát, Phiếu Mẫu cảm Hoài Âm mệt nhọc, mà dùng một bữa cơm cứu lúc đói rét; cho nên sau Triệu lại được ân bãi binh, Phiếu Mẫu được thưởng ngàn lượng vàng. Đây là tạo một mà báo gấp vạn lần, chẳng vượt ra ngoài thế gian. Cho nên lập đức trong chỗ mờ mịt, mà phước báo hiển lộ ra vạn vật. Âm làm dương hiển là thế lực tự nhiên vậy. Thí như gieo hạt trên ruộng sau đó thâu hoạch nhiều gấp trăm lần. Đất và hạt không có tình đối với người, mà lợi tự nhiên đến.

Có người gạn hỏi rằng: Việc báo ứng, thật có bằng chứng, vì sao giáo của Chu Khổng chẳng bảo trừ bỏ sát sinh mà để Thiếu Chánh thọ hình, Nhị Thúc bị tru diệt?

Đáp: Có thể nói ông mới biết được giáo thanh chứ chưa đạt được giáo tình, cho rằng Thánh nhân có tâm giết hại ư?

Không có!

Đáp: Ông thật biết Thánh nhân không có tâm giết hại. Giết hại là tâm của bá tánh. Phàm thời thay thế đổi, vạn vật có tốt có xấu. Trước khi Kết thằng (đời Thượng cổ, thắt dây thế văn tự) thì thiên hạ thái hòa. Đến thời Đường Ngu mới lập Lễ Pháp, đến Tam Đại thì chế định hình pháp kỷ cương rõ ràng. Đao phủ tuy nghiêm mà còn chẳng thể trừng trị. Đến như vua tôi chém giết nhau, cha con tàn hại nhau, ăn nuốt lẫn nhau, thật quá loài lang sói. Bậc Thánh biết sự cố chấp của tánh người, đối với việc sát sinh không thể dứt trừ trong sớm chiều, nên từ từ chế phục để cầu đoạn tuyệt. Giống như rắn rết độc cắn vào chân, phải mau chóng chặt chân để bảo toàn mạng sống. Bệnh ung thư nhiễm vào thân, phải giết bỏ để cứu nhiều mạng, mất một cứu giữ mười, cũng là quyền biến khinh trọng mà thôi. Cho nên xử chém phải thi hành vào mùa thu đông, đó là thuận thời sát. Mùa xuân săn bắn, mùa hạ gieo cấy cần phải loại trừ những loài vật có thai. Vào ngày Lễ Tam Khu, nếu chim đến phải giấu cung tên, nghe tiếng kêu, thấy thịt đem đến thì chẳng ăn, đánh cá thì chẳng quăng lưới lớn; bắn thì chẳng bắn chim ngủ ban đêm. Phàm đối với các loài côn trùng phải có lòng trắc ẩn. Đến như lúc đoán ngục thì nên miễn tội chết; lầm lỗi nên tha bổng. Hình án nào còn nghi thì nên giảm nhẹ, cho đến nguyện làm mất tội danh. Khóc mà hạ búa, buồn bã xót thương, chớ nên vui mừng. Ân sinh dưỡng phải dốc lòng, đạo nhân ái nên tận sức. Còn như làm thì chẳng cậy, lớn mà chẳng tự cao. Đức gồm đủ mà nên cho rằng công chẳng ở nơi mình; hằng ngày sử dụng mà muôn vật chẳng hay. Nêu những điều này để cầu, thì đủ làm cho người ngộ được mà trở về.

Hỏi rằng: Chu Khổng bảo nên sát đúng thời, còn Phật thì muốn đoạn tuyệt, như thế lấy gì để trừng ác trị gian, lãnh đạo quân sinh.

Đáp: Chẳng đúng! Chu Khổng tức Phật, Phật tức Chu Khổng. Đó từ trong ngoài mà gọi tên. Cho nên ở ngôi Hoàng đế thì gọi là Hoàng, ở vị Vương thì gọi là Vương. Phật là tiếng Phạn, Trung Quốc dịch là Giác, Giác nghĩa là ngộ được vạn vật. Giống như Mạnh Kha gọi bậc Thánh là Tiên Giác, cũng cùng một ý nghĩa với ở đây. Ứng thuận thế gian, làm phép tắc cho muôn vật, lại cũng tùy thời nghi nữa. Chu Khổng cứu chở cực xấu ác, còn Phật thì luận rõ về căn bản. Cùng một giáo mà có đầu đuôi khác nhau, như bậc Thánh của ngoại giáo có dấu tích sâu cạn vậy. Vào đời Nghiêu Thuấn thì thiên hạ vua thái bình, cho nên hai nhường vị, thời Thang Võ loạn lạc nên hai đế tranh nhau. Im lặng và xao động, dấu tích của nó ở tại Hồ và Việt, nhưng nguyên gốc của dấu tích ấy đâu từng có bờ mé? Cho nên nghịch cầu thì thường thấy có hai, mà thuận thông thì không đâu chẳng là một.

Hỏi: Giáo của Chu Khổng lấy hiếu làm đầu. Hiếu đức là gốc của trăm hạnh. Gốc lập thì đạo sinh, thông đến thần minh. Cho nên con cái phụng sự cha mẹ, lúc sống thì hết lòng cung dưỡng, khi chết thì chí thành cúng tế. Trong ba ngàn tội, không tội nào qua tội tuyệt tự. Thân thể ta là của cha mẹ, chẳng dám làm thương tổn, vì thế Nhạc Chánh bị thương nơi chân mà suốt đời hổ thẹn. Nhưng đạo Sa-môn xa lánh chỗ sinh ra, lìa thân theo sơ, cạo bỏ râu tóc, hủy hoại dáng mạo trời ban. Sống thì không dưỡng nuôi, chết thì không tế tự, xem cốt nhục song thân như người qua đường, trái lý tổn tình không đâu hơn đây, mà nói là hoằng đạo, trải lòng nhân, rộng cứu quần sinh? Như thế đâu khác gì chặt gốc rễ, mé cành lá mà nói là không mất đi sự xanh tốt? Chưa nghe nói da đã không còn mà lông sẽ mọc! Rất trái với thế giáo, ông lấy gì để trừ dẹp đây?

Đáp: Thật là điều quá mê hoặc của thế tục, lầm lẫn lớn của điên đảo kiến, xin được luận bàn mà chẳng thể im lặng vậy. Phàm cha con một thể, vì mạng đồng. Cho nên mẹ cắn ngón tay mình thì tim con co thắt, vì đồng khí mà cảm nên, chỗ đồng không gián đoạn. Như chỉ làm tâm mẹ được an vui tức đã tận hiếu. Cha thịnh thì con quý, con quý thì cha tôn cho nên hiếu là quý. Quý có thể lập thân, hành đạo, vĩnh viễn làm rực rỡ cha mẹ. Nếu cứ ra sức ôm giữ ngày làm ba con bò, mà chẳng khiến vạn vật tôn quý mình, cả đời ta nhờ đó để cung dưỡng cha mẹ thì cái vinh ấy rất gần vậy. Phàm duyên chính cho là Kinh, giữ lòng nhu là Thường, hình danh đều Tuyệt, Người thân và Ngã đều quên, đó là đạo phụng dưỡng cha mẹ. Đã nói về Tông rồi, bây giờ vì ông mà luận đến việc kế tiếp. Phàm Trung và Hiếu chẳng thể đồng lập. Như Dĩnh Thúc trái vua mà Kinh Thư khen là thuần hiếu. Thạch Thạc giết con mới toàn được tiết nghĩa. Tả Truyện ghi: “Con làm quan, cha dạy lòng Trung, ghi tên vào thẻ, trao hình cho vua, cả hai nên sáng tỏ!”. Thế thì ung dung chết nơi triều đình thì bỏ đạo làm con vậy. Vì sao bị nguy ách trao cho thân mạng mà nguyện chẳng đoái hoài đến cha mẹ, đều có tên ghi trong sử sách. Về sự thì nêu hiếu làm đầu, mà người ghi chú há lại cho bất hiếu là tội? Cho nên ngạn ngữ có câu: “Cầu trung thần ắt phải đến nhà người con có hiếu!” rõ ràng tuy phạm một trái nghịch nhỏ với việc này mà đại thuận với việc kia. Hài cốt bỏ ngoài biên thùy mà Vũ chẳng bảo đem về; nếu như bỏ lệnh của Nghiêu để tìm cha, thì mất chí công ở nơi riêng tư. Đó chỉ là một điều thiện nhỏ, chưa phải là to lớn, cao xa. Như Tần Ba đời Chu lìa bỏ cha mẹ đến một nước xa xăm, cạo tóc vẽ mình, cha mẹ còn mất cũng chẳng trở về mà luận, cho là chí đức, Thư ghi là Đại hiền. Thật ra ông ấy đã bỏ ngôi vua tôn kính để giữ cái linh hư cao quý. Công lao ba lần nhường thì xa, tội làm thương tổn thì nhỏ, cho nên ông mới thay đổi lớn về tập tục của Di, truyền phong hóa, dạy dỗ dẫn dắt. Bá Di, Thúc Tề cùng nhịn đói ở Thủ Dương không thương hậu duệ của Cô Trúc, Trọng Ni cho là hiền nhân. Người luận đúng đắn, đâu thể nói đó là mất đức? Cao Hành đời Lương hủy hoại dung nhan để thủ tiết. Bá Cơ đời Tống vì thuận lý mà quên thân, danh đứng đầu liệt nữ, đức làm mô phạm cho các bà. Nêu hai người nữ này lên để tránh sự chê bai của người ngu muội vậy. Kể ra các việc trên thì chỗ khinh trọng giữ lấy có thể biết được. Khi xưa Phật còn là Thái tử, đã bỏ nước nhà mà tu đạo, Ngài cũng muốn bảo toàn thân hình để tu đạo, nhưng sợ rằng không tránh được những trói buộc, nên mới cạo bỏ râu tóc, thay đổi áo quần. Vì bên ngoài biểu thị sự bất cập, bên trong cầu giản dị, nên mới bỏ cung điện đẹp đẽ, mà sống nơi rừng núi, vất long bào mà mặc da thú; kết cành cây làm nhà, nhờ vào cỏ làm đệm, bỏ lược gương phiền toái, dẹp nước nóng nhọc nhằn, ghìm dây cương rong ruổi, đóng cánh cửa dục động; mắt thôi nhìn sắc đẹp, tai bặt tiếng dâm, miệng quên ngọt đắng, ý chẳng vui buồn, tâm lìa các khổ, lòng chỉ ôm một, đó là hồn phách, trong niệm hơi thở, một sổ, hai tùy, ba chỉ, bốn quán, năm hoàn, sáu tịnh; tưởng quán Tam Tứ Thiền, xuất nhập mười hai môn, Thiền định lặng lẽ, núi dừng sông cạn, thần như tro lạnh, thân như cây khô, ngồi lặng sáu năm mới thành đạo lớn, hiệu gọi là Phật, đầy đủ ba minh, trọn vẹn sáu thông, thành Chánh giác vô thượng. Thân cao trượng sáu, có ba mươi hai tướng quý cùng tám mươi vẻ đẹp, lại thêm thần túc vô ngại. Bấy giờ Ngài bước ra ngoài ba cõi, tự tại giáo hóa trong cảnh giới vô tận. Nào xoay trời, chuyển đất, làm núi chạy sông dừng, mắt còn chớp mắt, thần biến cao xa. Nơi ý đến không đâu chẳng thông, làm phép tắc lớn cho quần tà, chuyển họ trở về đường chánh. Ma quân, Tiểu đạo thấy đều tuân phục. Lúc bấy giờ trời trong đất thấm, vạn loại đều được an hưởng. Loài trùng kiến được nước linh dưỡng dục, cây cối héo khô trở lại tốt tươi. Ngài lại trở về bản gốc rộng chuyển pháp âm, phụ vương cảm ngộ, liền đến đạo tràng. Làm hiển vinh cha mẹ như thế, có tâm hiếu nào bằng? Bấy giờ hàng hậu học cảm ngộ lời giáo huấn sâu rộng, tư duy đến phép tắc cao xa; tất cả đều do cha mẹ đồng lòng ưa thích, trước vâng theo tâm hoan hỉ rồi sau mới khiến cảm ngộ. Nếu có anh em thì cũng giáo dưỡng chứ chẳng bỏ. Như thế đã hoằng truyền được nghiệp lớn mà ân đức chẳng suy. Lại còn khiến người chết được phước sinh về cõi trời, chẳng cần phải lo tế tự theo thế tục. Đó há chẳng phải là ạo Hiếu thiện gồm thông ư?

Phàm nhà bên Đông giết trâu, nhà bên Tây tế tự, nhà Ân thích lúa thóc, nhà Chu chuộng minh đức. Việc hưng suy ở đây hiển lộ rõ ràng nhất. Đức Phật nói mười hai thể loại Kinh, trong đó có bốn loại chuyên nói về việc khuyên hiếu dưỡng, chỉ thú rất tha thiết có thể cho là cùng tột. Nhưng người đời chẳng biết nguồn gốc, chưa bước đến đạo tràng rồi lộng ngôn vọng thuyết sinh tâm phản bác. Dùng cái thấy biết của đom đóm mà nghi sự rực rỡ của trời trăng, với giọt sương trong kẽ lá mà ngờ lượng nước của biển sâu. Dùng lưới vu báng để luận biện, lấy sự ương ngạnh để nổi danh, thật có thể nói là khinh khi bậc Đại nhân, xem thường mệnh trời như vậy.

Cư Sĩ Tông Bính đáp thư của Hà Thừa Thiên gạn hỏi về Bạch Hắc Luận.

Thư Hà gởi cho Tông.

Gần đây tôi biết được Hiền giả qua thơ của Trung Lãng, trong thư nói Túc hạ siêng năng với pháp sự Tây phương. Hiền giả có chí lớn, đâu cho vạn kiếp là xa, chỉ hận cuộc đời quá ngắn không cách gì lường được cái Linh minh vậy. Nay có tạo nhân Huệ Lâm ở Dã Thành soạn luận Bạch Hắc bị chúng Tăng tẩn xuất, may nhờ gặp được minh chúa khéo cứu giúp, mới tránh khỏi tội Ba-la-di. Đã làm Tỳ-kheo thì chẳng nên luận điều này, còn hàng Bạch y vì sao chẳng nói? Túc hạ thử xem, hai nhà ai đúng, còn tôi rất mờ mịt, mong có vài lời khai ngộ quý báu!

Hà Thừa Thiên kính ghi. Tông Bính phúc đáp Hà Thừa Thiên.

Bộ luận Bạch Hắc của Huệ Lâm mà ngài gởi cho tôi thật văn hay ý đẹp, nhưng tôi còn mờ mịt chỗ nói về Chiếu Lý, chưa đạt được ý ấy. Đã nói: “Lý sâu kín chẳng cùng tận với nhân sự (sự động loạn, hay hành vi của con người), Chu Khổng nghi nên chẳng luận, Thích Thị Luận mà chẳng thật”, thế thì lý sâu kín ngoài nhân sự kia là trống rỗng như hư không, hay còn có thần minh? Nếu trống rỗng như hư không, vì sao Lão Trang đều nói có thần minh? Nếu đã có thần minh, vì sao lại đoán là chẳng thật, như Phật nói? Nay cùng nhau tại cõi của người thường, tính toán việc gần gũi mà còn sai lầm để rước lấy tai họa, cho đến việc thô lậu như cờ bạc mà còn phải chú tâm nghiên cứu, hoặc cho rằng sinh rồi tử, hoặc cho tử là thật sinh. Trong các việc gần bên, chưa thấy việc gì thường còn mà chẳng mất. Vì sao quyết đoán trong chỗ mờ mờ ngoài trời đất, vượt ức kiếp, mà cho điều luận biện là không thật? Nếu suy cứ đến sự mà không đạt được chỗ chân thật, thì có thể nghi. Nay thân người thì quá thô, tinh thần thì chí diệu. Vì hình tùy theo thần, thì đâu thể đồng dứt tuyệt chỗ cơ cảm của tâm, như thành đổ, sương rơi, cầu vồng xuyên qua mặt trời, sao Thái bạch phạm đến sao Ngang, khí do chú thuật tạo che phủ; tâm tạo nước lửa thì lạnh nóng liền theo. Hà huống nay dùng cái trí cực sáng, cái chí cực thuần, chí thành thấu triệt cơ cảm để thọ thân. Lại sinh vào cõi bảy báu, thì vì sao chẳng cho là thật? Lại nói: “Chặt một mảy may của cây thì chẳng làm thương tổn đến sự mát mẻ của bóng cây, chất đống trong nhà trống cũng không làm mất vẻ đẹp của sự cao to tráng lệ của ngôi nhà. Gấm quý nhờ màu sắc mà rực rỡ, canh ngon phải dùng muối mơ làm chính”, để ngăn bớt giáo thuyết bản vô, thì chẳng đúng vậy!

Kinh Phật nói Bản vô chẳng phải nói cái do các duyên hòa hợp

là không. Vì bóng mát hay sự cao lớn tráng lệ ấy tự có thể nơi vật, nên gọi là Hữu đế; vì tánh vốn không, nên gọi là vô đế. Tuy tôi chưa rõ hết lý Phật, nhưng lời này rất rõ ràng đúng như thế. Những cái Hữu thiên biến vạn hóa xưa nay, bỗng chốc trở về không, lại đang lúc Thịnh Hữu đâu chẳng phải là Thường Hữu, nhất định là thật của không, cho nên bỗng chốc mà được không ư? Cũng như Huệ Tử nói: “Vật vừa sinh liền tử, mặt trời vừa trưa liền chiều”. Tử và chiều đã luôn dự biết trước khi chưa sinh, chưa trưa. Nhưng người ngu chẳng biết lý này, chỉ thấy lúc hiện hữu; nên Tề Hầu thâu lấy chỗ dư của họ Sàng Cưu, giả dối luyến tiếc sự vui thú. Bậc hiền thì tâm và lý là một, cho nên Nhan Tử gần như Từng Không, tức có mà như không, thật mà giống hư. Từ Nhan Tử về sau, mỗi mỗi tùy theo sự hiểu biết sâu cạn mà cũng nếm, được vị hư ấy. Vả lại càng về lâu sau dẫu cho chẳng thể tự thấu được chí ngôn để trừ hoặc cứ nổi lên, cũng đâu từng không có mảy may phảng phất. Đâu thể ngược lại vì một ngọn lửa trong cái lạnh, khiến luyến tiếc cái dục vui thú? Lại nói: “Nói vô thường thì tăng lòng mong được che chở, luận rõ khổ ngụy thì dốc lòng nghĩ đến việc xu thời”. Lời này sai lầm vậy. Như các lời “thuyền qua khe nhỏ”, “xe tứ mã qua đường hẹp” đều đã được nghe đầy tai ở Trung Quốc; chẳng phải là chỗ ảo diệu của lý, cho nên chẳng nêu làm giáo bản. Cho rằng phân tích lý này lại là do người, những người bình thường. Phàm các thí dụ “thuyền qua khe”, “âm thầm diệt mất” Phật kinh dùng để nói về hiện tại chẳng dừng trụ. Thật như rõ được lý này thì vật ngã thường rỗng không, há chẳng phải là chỗ áo diệu của lý ấy sao? Bởi vì người ngộ quá ít, nên chẳng lấy đó làm gốc của sự giáo hóa. Chi Công cho rằng chưa đồng với Phật, vì sao lại dùng những lời đã được nghe ở Trung Quốc để miệt thị lời Thánh? Vả lại xét về thần quang thì thật không chiếu sáng được gang tấc, nghiệm về linh biến thì chẳng thật có mảy may, chỉ nói suông là thọ vô lượng, thì ai nấy được ông già một trăm tuổi. Những việc này đều cho là chẳng hợp sự thật. Phàm thần quang, linh biến và thọ vô lượng đều do lòng thành tín sâu kín kỳ diệu mà có. Cho nên khi sinh đến cõi Phật thì tự thân phát ánh sáng và tuổi thọ vô lượng. Nay bị chìm trong tà kiến, xem thường sự linh hóa, theo lý thì cách xa trời đất, vậy do đâu để thấy việc ấy phù hợp? Phàm, tâm chẳng tham dục là gốc của thập thiện, nhìn xuống thì không còn địa ngục, ngửa lên thì sinh thiên đường, đó là hiểu nghĩa, hành theo đạo, làm ngay thẳng tâm vậy. Nay bên trong ôm lòng chí thành kính ngượng, nên lễ bái sám hối tội lỗi. Như đạt được vô thường, nên lòng không bỏn xẻn, bố thí cả vợ con. Vậy đâu có gì mong cầu hơn nữa? Vậy đâu thể nói không từ ý cung kính, không nhờ lòng không bỏn xẻn mà có?

Nê-hoàn lấy không vui làm vui, Pháp thân lấy không thân làm thân. Nếu vốn chẳng rỗng lặng, thì cũng có thể tăng thêm lòng đam mê, khởi lên tâm hiếu kỳ. Nếu thành thực tu tập thì đam mê tiêu trừ, đạt được lợi ích nơi không lợi ích. Vì sao lại nói quan hệ đến thế tục tranh đoạt danh lợi?

Lại nói: “Đạo ở tại vô dục mà dùng dục để tìm cầu”, trong cuộc đời ngắn ngủi này, nếu không có lợi thì chẳng ai làm, sao lại vu báng Phật sâu nặng thế? Phàm chỉ thú của nhà Phật là do tám khổ đều do Dục mà có; luận rõ mười hai nhân duyên làm cho hàng cao diệu sáng được thần minh nơi vô sinh. Người muốn đạo này, có thể cho rằng có dục nơi vô dục vậy. Đến như dùng các việc thô gần để dẫn dắt, thì nói thiên đường địa ngục đều có ảnh hưởng chân thật. Cũng giống như Vu Công vì lòng nhân cứu sống, mà được phong chức, Nghiêm Thị Thích giết người mà bị tru di. Sợ tru di hay muốn phong tước, ắt phải bỏ tâm sát tu lòng nhân. Siêng năng Tu-diệu hạnh để mong sinh thiên đường; giữ năm giới để xa lìa địa ngục. Tuy có dục nơi vô dục, nhưng thật ra đó là con đường trong sạch dẫn đến chỗ mỗi ngày một giảm. Đó cũng là đi về phía Tây để về đất Dĩnh, lo gì chẳng đến? Ngặt vì xanh đỏ làm mê mờ con mắt kẻ thích sắc, gỗ đất dối gạt tâm ưa tráng lệ, tạo thành quyền riêng tư, cấu kết thế bè đảng, cầu mong danh dự, buông thả cái chí tranh đoạt, củng cố cái xấu của loài sâu đen. Hoặc có thể cho rằng cách làm ở nơi thuần lương, mà tệ hại như tham, vậy đâu thể khinh mạn Phật mà nói rằng: “Cách làm ở nơi tham”?

Vương Mãng trộm sáu kinh để soán Đế vị. Tần Thủy Hoàng nhân lễ Triều Cận mà xây cung A Phòng, đâu thể vì việc ấy mà đổ tội cho Lễ giáo của vua trước?

Lại nói: Nên phế bỏ dấu vết mập mờ mà giữ lấy yếu chỉ; nêu bày việc đời sau là che lấp mất đạo thích đó. Như nói “bất dắc dĩ”, xin hỏi rằng cái chỉ thú đó muốn cầu điều gì? Ắt là muốn khiến người tu lợi, cải ác theo thiện để thành tựu cho cái tánh ấy. Thánh nhân không có tâm thường hằng, chỉ tùy theo tâm vật làm tâm. Nếu thân chết thần diệt là chân tánh của vạn vật, thì chỉ đem tánh ắt diệt ấy cùng với Chu Khổng ra sức chỉ dạy, khiến cho vạn vật không bẩm thọ, thế thì sự thật cải ác tu thiện, há chẳng thuần nhất ư? Vì sao lại phải dùng thuyết bất diệt dễ lừa, dùng Phật lý để dối gạt, khiến cho người cạo bỏ râu tóc, đốt da, dứt tình chồng vợ, đoạn tuyệt vô lượng con cháu; làm hại như thế, tổn thương đến sự cao đẹp của Tận tánh, vì sao Thích Thị cho là bất đắc dĩ?

Nếu những người không tin, thì sẽ không chịu tu lợi mà cải ác theo thiện. Còn người tin thì ắt như Kỳ Vực, Kiền-đà-lặc, Di-đà-mật, Trúc Pháp Thừa, Bạch Pháp Tổ, Trúc Pháp Hộ, Vu Đạo Thúy, Trúc Pháp Hành, Vu Pháp Lan, Khuyết Công Tắc, Phật Đồ Trừng, Thi-lợi-mật, Quách Văn Cử, Thích Đạo An, Chi Đạo Lâm, Viễn Hòa thượng. Thần lý và phẩm đức của họ tựa hồ chẳng kém Lâm Tỳ-kheo, thì há họ lại vọng hủy nhân lý mà lạc vào sự giáo hóa của người chẳng thật? Đó đều là do sự thật linh minh kỳ diệu dẫn dắt cái tâm vô cùng, để thành tựu sự nghiệp đạt được thần, trong sạch chân tánh.

Túc hạ dựa vào tâm chẳng tin ấy, nên từ xa gửi cho tôi bản luận này, hơn nữa người nghi ở đời cũng đều cho là hay; nên tôi phải ra sức giải đáp để bày tỏ tâm ý mình.

Phàm thế gian chấp nhận hay phản bác Phật Pháp cũng đều là việc lớn hưng hay mất của con người, thì đâu thể cùng nhau ở khoảng giữa của việc thị phi ấy. Vì thế tôi dốc hết ngu ý để soạn Minh Phật Luận, hầu hiến tặng bản hoài của mình. Vừa soạn xong, tôi liền bảo người chép lại, nhưng không kịp với lá thư này. Sợ muộn nên tôi sai người mang thư hồi đáp ngài trước, sẽ gởi bản luận đến sau!

Tông Bính bạch. Thư đáp Cư sĩ Tông Bính giải thích Quân Thiện Luận.

Lúc trước tôi có gửi cho ngài một bản Quân Thiện Luận, đồng thời thưa hỏi, cầu nghe được chỉ thú; ngài đã trả lời thật đầy đủ, và cho rằng cần phải hiểu rõ sự hưng diệt của lý này, không thể ở khoảng giữa của sự chấp nhận và phản bác. Tôi tuy chẳng thể y cứ hoàn toàn, nhưng cũng không chấp thiên kiến, chỉ cầu hạt châu dạ quang nơi biển lớn, đó là điều mà tôi chưa được.

Có người cho rằng kinh Phật hay hơn mỗi nhà của chín dòng (Cửu Lưu), xem lẫn Đạo và Mặc, từ bi và ưa bố thí chẳng khác Trung Quốc. Bậc Đại nhân quân tử lấy đức Nhân làm nhiệm vụ, tâm không ghi nhớ. Nhưng người đời dùng hình tượng trau truốt đẹp đẽ để làm vui tai mắt của kẻ tầm thường, điều ấy sẽ tổn giảm chỗ cao thượng. Vì chỗ dẫn dụng rộng và hiểu rõ, cho nên cả hai đều tồn tại. Đến như người hiếu sự nhân đó mà cho rằng siêu Khổng vượt Lão, chỉ có đây là quý nhất. Người này thật chưa thể tìm được gốc lập ngôn, mà mê mờ ngọn ngành vậy. Người biết lời này, ắt sẽ đợi bậc quên lời. Nếu chỉ tin về báo ứng thiên đường địa ngục, linh nghiệm nhân duyên bất diệt, ức chế tình thức, ăn chay, siêng năng lễ bái, hầu được che mắt dưới lọng Bảo Xứng, lên tòa Tu-di, thì thật là một trò đùa lớn của Thuần Vu Sinh.

Ngài luận rằng: Các Thánh Lão Trang đều nói có Thần minh, vì sao lại đoán là không đúng như lời Phật nói? Tôi xin đáp rằng: Ở cõi sáng thì có lễ nhạc, ở chốn u ẩn thì có quỷ thần, vì thế bậc Thánh vương mới chỉ dạy, không có mảy may mê lầm về sự có ấy. Nếu thật có chuyện báo ứng đời sau, sao Chu Khổng im lặng mà nói một lời? Như đứa bé sa xuống hầm kẻ phàm phu thấy đều kinh hãi, bậc Thánh lại bất nhân ư?

Ngài luận rằng: Hình người thì quá thô, tinh thần thì chí diệu, vì hình tùy theo thần, thì đâu thể cùng diệt hết. Tôi đáp rằng: Hình và Thần nương nhau. Người xưa dùng củi và lửa để thí dụ. Củi ít thì lửa yếu, củi hết thì lửa tắt. Tuy có sự kỳ diệu, nhưng đâu thể chỉ một mình nó mà lưu truyền được?

Lại nói rằng: Tâm cảm nên thành đổ, sương rơi, cầu vồng xuyên qua mặt trời, sao Thái bạch phạm vào sao Mão, vì thuốc cấm khí, lạnh nóng liền theo; vậy như chí thành diệu cảm để thọ thân, lại sinh vào cõi bảy báu, thì vì sao chẳng được?

Xin đáp rằng: Thành đổ sương rơi, cầu vồng vắt ngang mặt trời, sao Thái bạch phạm vào sao Mão đều chẳng phải là thí dụ về đời sau, chẳng phải là việc cần phải dẫn ở luận này. Còn như thấy nước lửa cấm kỵ mà mong sinh vào quê hương bảy báu, thì giống như thấy vàng nấu chảy ra rồi mong cầu nó tự có thể đúc thành đồ vật, rốt cuộc chẳng thể được; vậy việc sinh kia không thể được, cũng có thể biết.

Luận lại nói: Hữu đế và vô đế, lời này hiển nhiên rất đúng; từ xưa những sự thiên biến vạn hóa, đang có bỗng chốc đều không. Ngay lúc thịnh có, há chẳng thường có sự thật về ắt không ư? Người ngu chẳng biết lý ấy, chỉ thấy lúc có mà thôi! Tôi đáp rằng: Như luận nói đang lúc thịnh có, đã có sự thật ắt không, thế thì vạn vật thường không, không và vật là một. Nay không và có chưa khác nhau mà hiền ngu đã phân biệt rồi, là vì sao? Xưa gọi là đạo thì ở nơi hình mà vô hình, nơi sự mà vô sự, lặng lẽ sâu xa, dưỡng trí an thần, đâu phải chỉ sợ chưa trừ ái dục và túc duyên? Chỉ thấy đến sự có (hiện hữu), há lại là lỗi ư? Lấy đây mà chê cười Tề Hầu thì giống như người mới đi được năm mươi bước mà cười người đi một trăm bước. Việc thuyền lướt qua khe, âm thầm biến diệt, kinh Phật dùng để nói đến nghĩa hiện tại không dừng trụ. Nếu thật có thể thấu rõ được lý này, thì vật ngã thường rỗng không. Xin đáp rằng: Âm thầm biến diệt chẳng dừng trụ, há chẳng phải từ sống vào chết, từ có về không ư? Vì thế mới nói: Thân thể biến hóa mà tâm thần không suy tổn, hình hài thay đổi mà không sợ cái chết. Giả Sinh cũng nói rằng: “Hóa làm vật khác thì đâu có gì phải lo?” Đó là người đã đạt được sự biến hóa của sự sống chết vậy! Sao lại cứ khư khư lấy bỏ, lúc còn sống thì lo nghĩ đến cái chết, tâm còn bị vô lượng trói buộc mà chí cầu sinh thiên đường. Chúng tôi thường lấy làm lạ trước điều này!

Lại luận rằng: Thần quang, linh biến và thọ vô lượng do sự thành tín sâu kín kỳ diệu, nên mới phát ra ánh sáng; nay chìm vào tà kiến, theo lý chắc chắn cách xa như trời đất. Xin đáp rằng: Nay cũng chẳng theo kẻ dối trá để cầu ánh sáng, chỉ theo người thành tín để cầu vậy! Xét giáo pháp của Đức Thích-ca, thì dùng phương tiện khéo léo để cứu vật, nếu có ứng nghiệm như thế, vì sao không hiện sự linh biến ấy để cảnh tỉnh kẻ tà kiến? Như thế sao không tiếc nói vài chục, trăm, ngàn, vạn lời mà chỉ tiếc phát thần quang trong giây lát; chỉ luận bàn suông, rốt cuộc vẫn mê mờ nơi chân trí. Cho nên suốt đời lao nhọc mà chẳng biết chốn trở về, há chẳng đáng thương xót ư?

Ngài lại nói: Bên trong ôm lòng chí thành kính ngưỡng, nên lễ bái sám hối tội lỗi. Đạt được vô thường, nên lòng không bỏn xẻn, bố thí cả vợ con, thì đâu có gì mong cầu nữa đâu? Xin trả lời rằng: Lập nhiều phương tiện khéo léo để tạo nên việc, chẳng bằng trừ tham dục mà dứt tranh giành; tuân theo giới để sám hối rửa sạch tội, chẳng bằng bỏ vinh hoa mà cầu sự thuần phác. Huống gì dùng sự ưa chuộng dụ dẫn để cầu lợi, quên đi thiên tánh để cầu danh mà cho rằng chẳng mong cầu, thật tôi chẳng thể tin.

Lại nói rằng: Nê-hoàn lấy không vui làm vui, Pháp thân lấy không có thân mà làm thân, nếu thật có thể tuân phụng thì lòng đam mê tiêu trừ, đạt được lợi ích nơi không lợi ích. Xin đáp rằng: Nê-hoàn lấy sự lìa khổ làm vui, lấy việc thọ thiện làm thân. Vì thế mới khiến cho những người sùng phụng không thể tự dứt ra được. Nếu thật trở về nơi không lợi ích, thì người siêng năng đâu đạt được gì, mà nói là đạt được ở nơi không lợi ích? Đây là minh chứng cho việc hình và thần đều diệt; sợ rằng đó chẳng phải là lời mà bộ luận hay nên nói đến.

Ngài lại nói: Người muốn đạo ấy, có thể nói là có dục nơi vô dục. Đến như dùng các việc thô gần để dẫn dắt, nói có ảnh hưởng chân thật; cũng giống như Vu Công vì lòng nhân mà sống còn được phong chức; Nghiêm Thị hiếu sát nên bị tru diệt; gắng sức Tu-diệu hạnh để cầu sinh thiên đường, giữ kỹ năm giới để xa lìa địa ngục. Tuy có dục nơi đáng dục, mà thật đã bước trên con đường “ngày càng giảm”. Cũng như đi về phía Tây đến đất Dĩnh, lo gì chẳng đến!

Tôi xin giải rằng: Nói dùng các việc thô gần để dẫn dắt khai phát, vậy nên dùng báo ứng dụ như bóng và vang, chẳng phải cũng hay hơn chăng? Nhưng nhân của bóng và vang ắt là hình và tiếng. Hình bình thường thì đâu thể có được cái bóng tám vạn do tuần? Nếu chỗ trệ ngại là có dục nơi vô dục, thì còn thường trệ ngại vào chỗ dục. Tai mắt có nhiệm vụ riêng, công và nghệ cũng khác nghiệp. Công và thương đồng tồn tại, hoài nghi và tin thành chẳng cùng chung. Vì thế vàng đá được hòa hợp mà Thái sơn chẳng thể tự hiển bày sự cao lớn; chim hồng hộc vừa tụ tập mà mùa thu mờ mịt chẳng thể truyền ý chỉ; như thế mà muốn lấy có dục để thành vô dục, hy vọng việc ngày càng giảm, thì tuy nói đi về Tây mà cách đất Dĩnh càng xa, như thế thì làm sao?

Lại nói: Nếu thân chết thần diệt là chân tánh của vạn vật, thì chỉ cần cùng với Chu Khổng ra sức giáo hóa, vì sao lại dùng thuyết bất diệt để dối lừa, dùng Phật lý để gạt gẫm, khiến cho người cạo tóc, đốt da, cắt tình chồng vợ, làm tổn thương đến cái đẹp của Tận tánh? Xin đáp rằng: Trung Hoa và Di Dịch tự khác biệt nhau. Vì sao? Vì người Trung Quốc bẩm tánh trong sạch hòa hiếu, gồm đủ nhân nghĩa. Vì thế Chu Khổng dạy về giáo Tánh tập (tu tánh). Người ngoại quốc bẩm tánh ngang ngược, tham dục, hung dữ, nên Thích Thị mới nghiêm khắc đề ra năm giới. Đó là điều mà thư ngài nói: “Bậc Thánh không có thường tâm, chỉ theo tâm tánh của vật”. Trừng ác thì không đâu khổ bằng địa ngục, khuyến thiện không gì tốt hơn là thiên đường. Muốn nhổ tận cái gốc của sự tàn hại, thì chẳng phải là lời Trung dung được. Chu Khổng chẳng phải như thế, chỉ thuận theo thiên tánh mà trừ bỏ đi những cái thái quá. Dâm, trộm thì nêu ở Ngũ hình, rượu chè thì nói ở Chu cáo. Đi săn vào mùa xuân thì không nên vây trọn, thấy sống thì không nỡ giết. Dùng ngũ phạm, không vây trọn (săn chỉ vây ba mặt), bắt cá mà chẳng giăng lưới; vì thế lòng nhân ái ban cùng khắp, ân đức nhuần thấm đến loài chim cá. Trong Gia Lễ (một trong năm lễ thời xưa: Cát, Hung, Quân, Tân và Gia) có mâm lễ vật, người già được ăn thịt, mùa xuân cầy cấy, mùa thu thâu hoạch, nuôi tằm dệt vải đúng thời, tam linh (trời, đất, người) cảm cách, trăm thần đồng hưởng. Việc làm ấy, há chẳng rộng lớn ư? Đặt ra sự ban thưởng là nghiêm phạt kẻ nghi pháp; thuật lại lời nói của Bồ Tể để làm gốc cho việc khuyến hóa; diễn lại lời đáp của Quân Hạo để làm rõ việc ứng nghiệm của đời sau; họ lại mặc lễ phục tốt đẹp, rồi trợn mắt nhướng mày mà khoe khoang thuyết này, như thế thì tâm của họ cũng ở nơi hung hãn vậy.

Luận lại nói: Những người như Kỳ Vức, Di-đà-mật-thi-lợi … về thần lý và phẩm hạnh chẳng sau Lâm Tỳ-kheo. Vậy Túc hạ đã từng nói người tầm thường chẳng tính toán được việc gần. Vì sao nay lại biết được việc thắng bại trước một trăm năm, ngoài ngàn dặm? Như Tỳ-kheo Lâm có hình tướng Tăng sĩ mà rất thông minh, thấu suốt được chân ngụy. Cho nên chẳng chịu kỵ úy Kinh điển, giúp đỡ Thầy tổ tô vẽ cho ngụy thuyết. Điều đó khiến tôi kính phục. Tôn Hưng Công nói Trúc Pháp Hộ đạt sâu, Vu Pháp Lan chuyên và rộng, vậy Túc hạ muốn so với ai của Trung Thổ đây? Cho đến Sở Anh lập chùa Tu Nhân, Sạ Dung cấp thức ăn cho người đi đường đói khát; vậy những người này há lại có phẩm chất trong trắng chân chánh ư?

Xưa ở Đông Ấp có Sa-môn Đạo Hàm từ Ngô Trung đến, thấy rõ được sự khuyến dụ, có tâm rất thành khẩn, bèn ở lại ba đêm cùng nhau bàn về chuyện luyện thân thể làm trong sạch tinh thần và sự ứng nghiệm về tội phước khởi diệt; tất cả đều có hệ thống. Tôi khoanh tay ngồi nghe lời chân thật đến sáng quên cả ngủ nghỉ. Sau đó, tôi cho rằng sở dĩ kẻ sĩ có thể lập thân, dương danh, thủ tín, hành đạo được thật là nhờ vào lời dạy của Chu Khổng. Tử Lộ nói rằng đã nghe được mà chưa thể làm được, chỉ sợ có nhiều người nghe đến việc làm của ta vậy. Như thế vì sao lại bỏ đây mà mong cầu nơi kia? Vả lại xét phép tắc hợp tình lập văn, thì biết chuyện đời sau là xa vời, rốt cuộc suốt đời buồn bã mãi không thôi, mà hiểu thọ thân hình là khó được lại. Đã nói Thánh nhân là thầy của ta, vậy Chu Khổng há lại lừa dối ta sao?

Nhân Túc hạ có lòng chí thiết, nên tôi bày tỏ đầu đuôi; mong rằng bậc kỳ cựu đại trí chỉ dạy người không mỏi mệt, không thể im lặng về việc này. Trước tôi đã sai người lấy. Minh Phật Luận, đợi luận đến; mong rằng có thể làm sáng tỏ tâm mình. Hà Thừa Thiên Bạch. Đáp lời vấn nạn của Hà Hành Dương, giải thích Bạch Hắc Luận.

Kính xem bài luận ngài gởi đến, thì biết ngài đoạn dứt Phật giáo mà dốc chí vào nghiệp Nho. Ý nghĩa bài luận đã chặt chẽ mà văn tài biện bác thật xác thực, khéo có thể dùng để cảnh sách người đời. Thật là bài văn hay của Trung Thổ. Xét ý của Túc hạ, thì chẳng phải cho người chế định Phật Pháp chẳng phải Thánh, chỉ cho Pháp này là quyền chứ chẳng phải thật. Nhưng chưa thẩm định xong thì lấy gì để biết đó là không thật? Nay cùng với ngài đoán định, như mới nhìn thấy sự mà đã vội tính toán thì được mất đã qua một nửa rồi! Sự linh hóa vượt ra ngoài huyền cực, nhưng nguyên do thì kết chặt nơi cõi u minh; chưa từng có thần nhân chỉ bày dạy bảo, chỉ tin vào khuyết văn của sử sách còn lại sau khi đã bị thiêu đốt, mà vội muốn phế bỏ thần hóa để trợ giúp cho tâm thống khổ này. Phàm bậc Thánh đạt cùng lý, thấu Tận tánh, cho đến đối việc cai trị muôn dân, nếu có người chết vì tai họa, giống như mình đẩy họ vào thành trì. Nay ngài vội nói rằng dùng thuyết bất diệt để lừa dối, dùng chuyện thành Phật để gạt gẫm khiến cho người cạo đầu, đắp y vàng, thiêu thân đốt tay, chẳng theo Thiên mệnh để dưỡng nuôi cái đạo cha mẹ, vợ chồng, cha con!

Phàm từ khi có Phật Pháp đến nay, từ sông Sa trở về Tây gồm ba mươi sáu nước, cuối cùng đến Trung Quốc, người cắt đứt sự nối dõi ấy, có thể kể đến ức triệu. Đông Di, Tây Khương hoặc có thể còn được, còn bậc Thánh và các người như Do Dư, Nhật Thiền, Đắc Lai … muốn sống mà chẳng được sống cũng rất nhiều vậy. Ví như Phật Pháp không thật, thì sự thãm khốc của việc đẩy người vào thành trì đâu thể nói hết? Và sự quyền biến của kinh hợp với đạo gì, mà nói: Muốn dùng pháp cải lỗi quá đáng để trị những kẻ ngang ngược hung bạo? Phàm những kẻ hung bạo, dùng ba chương hình pháp để trói buộc, khen thưởng, trị phạt, chúng còn chẳng tin sợ, huống gì dùng những lời Tức sắc bản vô, Niếtbàn, Pháp thân, mười hai nhân duyên, vi trần kiếp số để trị? Người tin nhận được lời giáo huấn này đều là những người mà Túc hạ nói: “Bẩm chất trong sạch, hòa ái, gồm đủ nhân nghĩa” vậy. Nhờ vào sự trong sạch hòa ái để thông suốt lời vi diệu, gắng giữ điều nghĩa để tu tập diệu hạnh, nên họ có thể làm trong lặng sự chiếu soi, thấy rõ được các vật. Vật và chiếu đều không mà đạt đến đạo. Đó là các điều mà kinh Phật đều có ghi, Túc hạ đã tin vậy.

Đến như các bậc đã đạt được Thần, đức độ cao quý gần đây như tám Hiền mà Tôn Hưng Công đã khen, năm Triết mà Chi Đạo Lâm đã ca ngợi, đều là những bậc được người đương thời tôn quý. Cho nên hai công mới viết lời khen, vì sao lại là vọng ngữ? Tôn ca ngợi sự uyên đạt của Trúc Pháp Hộ, sự thuần bác của Vu Pháp Lan. Tôi chẳng quan hệ đến kẻ sĩ thế tục nên chẳng biết sánh họ với ai? Nhưng đệ tử của Pháp Lan là Đạo Thúy, chưa bằng thầy của mình. Tôn bàn rằng: “Bấy giờ như so với hàng cao quý thì có Dửu Văn Bính”. Như Thế Hộ và Lan phải vượt trên Văn Bính; nhưng tôi thì hoàn toàn không biết Tỳ-kheo Lâm, lại bất tất phải luận theo thế tục. Nếu Túc hạ cho rằng người đồng với Văn Bính, thì chắc chắn sẽ không thua Đạo Thúy, nhưng còn kém Hộ và Lan. Vậy lời luận bàn trước chưa phải là sai lầm; thật đúng là có Tăng tướng, thông minh, hiểu sâu được lẽ chân ngụy, sao nhất định chẳng phải là trời Đế thích hóa thân? Vì thế mà dùng thuyết thành Phật để khích lệ ư? Cho nên biết rằng Bạch Hắc Luận chưa thể cho là thành thật được. Ngài gởi đến nêu điều nghi rằng: Nếu thật có báo ứng đời sau, vì sao Chu Khổng chẳng nói một lời? Đây là mối nghi thường hằng của người thiên kiến, đúng là điều chúng ta nên cùng luận bàn. Phàm Thánh Thần sâu kín phát động, trước có cảm rồi sau mới ứng, chẳng phải xướng lên trước khi có vạn vật. Vào cuối đời Thương Chu, nhân dân rơi vào cảnh lầm than, nghịch tặc giết hại hoành hành khắp nơi. Nêu lên thế tình để cảm bậc Thánh chính là loạn lạc. Cho nên mới lập kinh để ứng với trị loạn mà thôi, do vậy mà không có lời Phật. Lưu Hướng khen ngợi chín châu Vũ Cống, đó là thuật lại lời của Sơn Hải Kinh đã ghi: “Người dân nước Thân Độc gần gũi người và thương người”. Quách Phác cho rằng đó là Thiên Trúc, nơi phát khởi của Phù đồ (Phật). Tuy nơi ấy là vùng đất của Di, nhưng có vạn cõi nước như sao trên bầu trời, rốt cuộc biết nước nào là Trung Hoa đây? Chỉ suy xét chỗ cảm về tình thân ái đó mà Phù đồ ứng hóa đến vậy. Chỗ thô của cõi kia là có việc loạn ngược, vua tôi bất trị. Điều tinh cõi này là tùy thời giữ đạo, Phật sự cũng tồn tại. Tuy có thể thọ nhận pháp tánh nơi y lạc, sùng phụng chân tế ở Chu Tứ, nhưng Sử Dật cho rằng chẳng phải là đạo trị nước nên chẳng ghi; Bốc Thương cho rằng trái với nho thuật nên chẳng chép. Dẫu có tồn tại trong những sách vở ngoài kho tàng thì cũng bị Tần Thủy Hoàng đốt sạch. Việc Chu Khổng không nói đến, do đó chẳng cần phải xét nữa. Phàm đạo hư huyền, việc linh tiên sách vở thế gian đều nói đến, nhưng lời đạo của Phu Tử, xa thấy ở thiên Trang Chu; yến tiệc của Diêu Trì lại tìm được từ Cấp Trủng. Thế thì học theo Ngũ kinh chưa thể thấu rõ hết những sự biến hóa kỳ diệu ngoài cõi trời này. Túc hạ gạn hỏi: Nếu “tức vật thường không”, không và vật là một, khi không và vật chưa khác, vì sao có hiền ngu sai biệt? Phàm Kinh Phật nói: Tức sắc là không, lại chẳng khác không. Không, chẳng phải cho rằng không có gì, mà có tức là không vậy. Có thì hiền ngu sai biệt, không thì vạn sự sai biệt đều không. Phàm sắc chẳng tự là sắc, nên tuy sắc mà không, do duyên hợp mà có. Vốn tự chẳng có, nhu huyễn tạo ra, như cảnh trong mộng. Tuy có mà chẳng có. Tương lai chưa đến, quá khứ đã diệt, hiện tại chẳng dừng trụ. Có chẳng nhất định là có. Những nghĩa trên đây đều là lý cùng tột của bậc Hiền thánh, như dùng lời mà bài bác thì thật khó có thể thấu rõ được! Nhưng dùng đó để quán xét vật và ngã thì thật biết được nó rất rõ ràng. Cho nên sáng tỏ thì tăng thêm sự tẩy rửa trong sạch tâm mình. Còn Túc hạ lấy gì để có thể an định đây?

Lại nói: Hình và thần nương nhau, người xưa dùng củi và lửa để

dụ, củi ít thì lửa yếu, củi hết thì lửa tắt, tuy thần có diệu nhưng đâu thể tồn tại riêng biệt. Phàm lửa là do củi sinh ra, mà thần thì chẳng phải do thần tạo; ý có tinh thô cơ cảm mà được hình thể tùy theo đó. Tinh thần đạt đến cực tấc thì vượt ngoài hình thể mà tồn tại độc lập, không có hình mà thần vẫn tồn tại, đó chính là Pháp thân thường trụ. Vì thế đầu tiên là phàm phu, cuối cùng là Như Lai; tuy một đời vẫn còn thô, nhưng nếu biết hướng thượng thì vạn kiếp vẫn không mất, nếu tu tập sẽ trở nên trong sạch. Nhền nhện có con mà tò vò mang lấy, huống gì tại Thần minh, được che dưới lọng Bảo tích, được thăng lên tòa Đăng Vương, sao lại không có hy vọng? Lại nghi Đức Thích-ca dùng phương tiện khéo léo cứu vật, sao chẳng tiếc nói hàng chục trăm vạn lời mà lại tiếc hiện thần quang trong giây lát để khai ngộ cho kẻ tà kiến?

Tuy nói phương tiện khéo léo, nhưng cảm ứng, sáng tối mỗi mỗi đều y cứ vào tội phước. Xưa Đức Phật vì đại chúng mà phóng ánh sáng, mọi người đều đã tích lũy tâm chí thành tốt đẹp, nên mới có được thần thông du hý. Nếu bấy giờ nói xong rồi viết chép, nhất định kẻ ngã mạn sẽ nhìn thấy; ánh quang minh phát ra là do quán chiếu, tà kiến không do đâu mà phát sinh. Nay xem kinh mà không cải lỗi thì tà kiến vẫn hiện hữu như trước như thế lại có ích lợi gì? Nếu người hiền thành tín riêng họ sáng tỏ với thần minh chiếu soi, thì Túc hạ làm sao biết được mà nói tức là vọng thuyết. Các ngôi sao chẳng hiện vào đêm trăng sáng vậy. Xét niên đại thì Đức Phật sinh vào đêm phóng ánh sáng. Quản Ấu An ban đêm bị gió thổi trôi dạt trên biển, bạn đồng hành đều chết chìm, trong đêm tối An thấy luồng ánh sáng chiếu xuống đảo, nên chỉ một mình An được cứu sống. Đức Phật không yêu ghét, chỉ người thiện thì ứng mà hiện. Như Vương Tường, Quách Cự không thể nói ra mà họ cũng thấy ánh sáng thật phù hợp. Túc hạ chưa thấy, mà liền nói không có Phật sao? Vả lại sự trình bày của Chu Khổng như so với Phật là rộng lớn, nhưng đó là sự đầy đủ của bậc quân vương trị nước vậy; chỉ có tinh thần chẳng diệt âm thầm vận chuyển mà thôi, trong một chớp mắt một hơi thở của cuộc đời có đầy đủ tám khổ. Tuy khắc chí với nho nghiệp để an định trong giây lát, nhưng chưa bao lâu đã diệt mất. Các nạn Tam Giám cha con nghi ngờ nhau, anh em giết hại nhau. Bảy mươi hai người đều được tôn lên bàn thờ, đưa vào tông miếu, mà được sống đến tuổi năm mươi chẳng được vài người. Trong đó Nhan thì yểu mạng, Nhiễm thì bệnh tật, Do bị lóc thịt ướp muối, Tứ bị cắt râu, Khuông bị khổ ở đất Trần, đâu thể kể hết? Chịu đói khổ để hoằng đạo ở các nước loạn lạc, rốt cuộc lại cứu được những gì? Từ Phật Pháp mà nhìn, chỉ thấy sự lo buồn như thế há chẳng phải do túc duyên của chúng sinh thế gian dẫn đến ư? Nếu thật lý đã gồm đủ, thì ở đây còn chưa được nói là sâu rộng. Nếu bên ngoài theo Lễ nhạc, bên trong tu vô sinh, lắng trong tinh thần nơi cảnh Nê-hoàn, lấy ức kiếp làm năm hiện tại thì há chẳng thật là rộng lớn lắm ư? Sự chẳng truyền về sau, lý chưa thể biết. Xin chớ y cứ vào các dấu vết thô thiển mà nói rằng: “Chu Khổng chẳng phải như thế”. Người đời đều cho Phật là vọng ngữ, kinh Sơn Hải nói rằng có rất nhiều người chết rồi sống lại. Như núi Côn Lôn, đồng Quảng Đô, gò Hiên Viên, nước Bất Tử, thời tiết chẳng lạnh chẳng nóng, trứng chim phượng là thức ăn, cam lồ là thức uống, nghỉ ngơi dưới cây Can kỳ, tắm mát trong nước suối Chu, con người ở đây sống đến vài nghìn năm, rồi hóa thành màu vàng mà vào Vũ Uyên, các chuyện như Thân Sinh, Bá Hữu thì Tả Khâu Minh nói đến cũng chẳng ít. Như thế có thể suy xét cái thô ở chốn này mà tin được cái tinh diệu ở chốn kia. Xưa nhờ có đạo, nghe được Phật pháp mà lễ kính, người đó nhất định chẳng khác gì tạo ra cái chết ở Bồ Thành, kẻ sĩ có thể biết được vậy, đó là do chỗ nghe hiểu chưa cao ư? Chỗ nghe biết của Túc hạ đã cao, thì ngay đây có thể trở thành tốt đẹp. Con người là tinh thần vật, chỉ cần làm cho trở về tin được cái linh minh cùng cực ấy, thô nhận sự khuyên bảo, dẫu có cạn mỏng, yếu kém cũng đủ để cảm được; có cảm thì càng thăng cao, như thế há chẳng giải là kế hay cho việc phải thoát hoặc bất diệt ư? Sự thật của việc thần bất diệt, khi xưa như Phật đã nói, mà nay lại quay lưng với thần, hủy hoại tâm tự nghịch với cõi u minh, thì đâu biết được sự khổ sở của đời này chẳng phải do nhân đời trước sao? Vội dùng sự thấy biết của riêng mình để khinh ngạo lời chỉ dạy của Tôn thần, e rằng mê lầm mà tự để lại sự trở ngại vậy.

Kinh Phật nói khi xưa đức Phật Thích-ca Văn làm một Tỳ-kheo tu Tiểu thừa hủy báng Đại thừa, vì thế chịu khổ ở địa ngục vô số kiếp, hà huống là kẻ hoàn toàn chẳng tin? Như thế, vì sao lại đoán định kinh này là hư vọng? Điều Túc hạ cật vấn trong lá thư trước có nói rằng: “Nhân nơi chương cú của Lâm Đạo Nhân”, ý này tôi đã tạm hiểu, nhưng chẳng thể một vài lời mà đáp xong. Nay Luận Minh Phật đã soạn xong, trong đó trình bày thông suốt mọi việc. Xin được gửi đến Túc hạ. Tôi gắng sức khéo léo tham tầm, trình bày đầy đủ điều phải trái trong đó. Tôi già yếu sắp qua đời viết thư này tiếp theo luận ấy. Mong rằng luận này đến thì liền nhờ đó mà tìm lời giải đáp. Vì tất cả đều đầy đủ.

Tông Bính bạch. Phúc đáp thư của Tông Cư Sĩ.

Xin đáp lại thư ngài rằng: Khi tôi đọc luận này xong, thấy trong đó bày trận như Hạng Tịch, đủ để làm khốn khó cho Hán Cao Tổ, hà huống là kẻ sĩ hèn kém này? Nào là chứng minh thí dụ chặt chẽ rõ ràng, văn từ uyên bác và phong phú. Ngài thật muốn quảng bá lợi ích Phật Pháp nhuầm thấm đến phàm dân, thấu rõ được dụng tâm của quân tử vậy. Túc hạ muốn ảnh hưởng để thần cách giáo ấy, cho nên tôi phải im lặng trước việc giúp cho người thành tựu điều tốt đẹp. Nhưng tôi thường cho rằng việc của nước ngoài chẳng phải là việc làm của người Trung Hoa, vì thế mới có lời nói khi trước vậy. Thật như nayngài nói trong ngoài đều đồng, thì tôi đã kém cỏi rồi. Xin thứ lỗi vì mình không sáng suốt. Tuy nhiên vẫn có một vài điều nghi, phàm người đạt rõ được tánh của trời đất thì chẳng mê hoặc nơi các việc quái dị, người thấu được con đường thạnh suy thì chẳng lao nhọc tâm mình đối với các việc ngoài lý. Ví như bộ luận hay kia chẳng do nơi phương tiện khéo léo, dốc lòng dạy dỗ mà đều do tình cảm phát ra, thì há chẳng phải là điều tệ hại của người đã thông đạt sao?

Tôi chưa có duyên gặp Túc hạ để bày tỏ, xin được dùng thư này để thay thế.

Hà Thừa Thiên bạch.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14