Hãy quán vô thường để tâm tự tại
Viên Thắng

 

Thoáng trước lá còn đây
Thoáng sau lá đã rơi đầy ngoài sân
Nào ai biết trong giây lát
Chiếc lá lìa cành chiếc lá bay.

Thật vậy, mỗi buổi sáng chỉ cần chúng ta đọc tin tức vài trang báo, hay các tin tức từ truyền thông, hoặc xảy ra những việc đau lòng chung quanh mình thì thấy bệnh tật, tai nạn, chết chóc bất ngờ như bị tai nạn giao thông, đường thủy, hàng không, tai nạn lao động; lại có những cái chết, họ giết chết người chỉ vì vài câu nói hiềm khích nhau v.v… để lại cho người thân nỗi đau tột cùng. Từ đầu năm 2020 đến nay- tháng 5, thế giới ghi nhận gần 5,5 triệu người nhiễm COVID-19, trong đó hơn 346.000 người chết, một con số thật rùng rợn. Chứng kiến tình cảnh đau lòng này, chúng ta mới thực sự thấy mạng người mong manh vô cùng, khác nào như chiếc lá bay, theo giáo lý Phật giáo gọi là ‘vô thường’; cho nên tổ Quy Sơn dạy: “Vô thường già bệnh không hẹn cùng người, sớm còn tối mất, giây phút chuyển qua đời khác…”

Vậy, thế nào là vô thường? Là không thường trụ. Bởi vì tất cả pháp hữu vi luôn sinh diệt đổi dời, không thường trụ và cũng do nhân duyên sinh, nương theo bốn tướng sinh, trụ, dị, diệt nên sinh diệt trong từng sát na, xưa không mà nay có, nay có mà về sau không, gọi chung là ‘vô thường’. Chính vì thế, nhà thơ Trần Tế Xương nói:

“Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai…”

Chúng ta thấy thân con người luôn thay đổi trong từng sát na, một đứa bé mới chào đời hôm nào, chỉ vài ba tháng sau chúng ta gặp lại thấy nó lớn bất ngờ; ngày nào chúng ta còn thanh niên mạnh khỏe, tràn đầy sức sống, thắm thoát thời gian trôi qua bây giờ đã già suy. Tâm chúng ta cũng thay đổi trong từng phút giây, theo cảm xúc buồn, giận, thương, nhớ v.v… cũng con người đó, khi thương chúng ta có thể hy sinh thân mình vì người đó, nhưng đến khi oán ghét thì như kẻ thù không đội trời chung. Điều này chúng ta thấy rất rõ ngay trong cuộc sống hằng ngày, có những cặp vợ chồng khi còn yêu thương mặn nồng họ quấn quýt như sam không rời nhau; đến khi không thể sống chung với nhau họ quyết định chia tay. Có những cặp vợ chồng tình cờ gặp nhau không thèm nhìn mặt; lại còn gây đau khổ, khốn đốn cho người mình từng đầu gối tay ấp bao phen điêu đứng. Cho nên, mọi người thường nói:

“Khi thương, thương cả lối đi,
Khi ghét, ghét cả tông ty họ hàng”.

Những điều trên theo kinh Hoa Nghiêm đức Phật dạy: “Tất cả do tâm tạo”. Cho đến muôn vật bên ngoài cũng bị chi phối bởi định luật vô thường, cây cỏ hoa lá thay đổi theo bốn mùa. Do đó ở phương Đông, Khổng Tử thốt lên: “Sông ơi, chảy mãi như thế này ư? Ngày đêm không thôi!” Từng khơi gợi bao ý lớn cho mọi người suy ngẫm. Cũng thế, hiền triết Hérachite của Hy Lạp từng nói: “Người ta không bao giờ có thể tắm hai lần trên một dòng sông”. Khiến cho mọi người trào dâng cảm xúc khi nghĩ về thân phận con người và sự vật.

Do đó, chúng ta thấy các vị tu hành chứng ngộ chỉ sống an trú trong hiện tại. Bởi vì quá khứ đã qua, tương lai thì chưa đến, nên các ngài chẳng bận tâm; cho nên trong kinh A Nan Nhất Dạ Hiền, đức Thế Tôn cũng dạy:

“Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng,
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính là đây…”

Thiền sư Thiền Lão cũng nói:

“Sống ngày nay biết ngày nay
Còn xuân thu trước ai hay làm gì!”

Đến đây, chúng ta hiểu vì sao Đại sư Ấn Quang dạy đệ tử tu học một phương pháp thật vi diệu, là mọi người thường nghĩ đến ‘cái chết’. Đại sư dạy người thật sự tu đạo nên dán chữ chết trên trán, từng giờ từng phút nghĩ mình sắp chết. Chúng ta sắp chết rồi, còn có chuyện gì chưa buông xuống được? Không buông xuống cũng phải buông xuống. Cả đời Đại sư làm tấm gương cho hàng hậu học noi theo.

Thật ra, cái chết không đáng sợ, đáng sợ nhất là cái chết như thế nào. Nghĩ về cái chết mỗi ngày để tâm chúng ta không sợ hãi, mà tự nhìn lại mình nhiếp niệm tu hành nội tâm an tịnh đạt tới đâu? Chúng ta có sống tử tế đàng hoàng và làm lợi ích cho mình, cho mọi người chưa? Có thực hành như thế thì chúng ta sẽ giảm bớt tâm tham lam, luyến ái, hận thù v.v… Địa vị, danh vọng, giàu sang cũng không bền vững lâu dài. Câu chuyện thiền sư Ô Sào và quan thị lang Bạch Cư Dị sau đây đáng để chúng ta suy ngẫm:

Một hôm, quan thị lang Bạch Cư Dị, một thi hào lừng danh đời Đường, đi dạo ngang cổng chùa, trông thấy Thiền sư Ô Sào đang ngồi vắt vẻo trên tàng cây, vốn không ưa hạng người ‘lánh nợ đời’ như thế, ông cau mày hỏi:

– Bộ ông hết chỗ ngồi rồi hay sao, mà lựa chỗ nguy hiểm như thế để ngồi?

Thiền sư bình thản đáp:

– Chỗ của tôi xem ra còn vững vàng hơn chỗ của quan lớn đang ngồi nhiều.

Quan thị lang nhìn lại chiếc kiệu của mình đang ngồi, ngạc nhiên hỏi:

– Chỗ tôi đang ngồi có gì đáng ngại đâu?

Thưa, chỗ đại quan là dưới vua, trên các quan và trăm họ. Vua thương thì quần thần ghét, được lòng dân thì mất lòng vua. Tính mạng của đại quan cùng thân quyến đều lệ thuộc vào lòng yêu ghét của vua và sự ganh tỵ của bạn bè. Một chiếc ghế được kê trên đầu lưỡi thiên hạ thì làm sao bì được với sự cứng chắc của cội cây này được. Có phải thế không thưa đại quan?

Vậy thì khi chúng ta đang làm việc ở chốn quan trường ra sức tranh giành đấu đá giết hại lẫn nhau, cuối cùng sẽ được gì?

“Ngoảnh lại cuộc đời như giấc mộng, Được, mất, thành, bại bỗng chốc  hóa hư không...[1]

Trước đây, tôi tu học ở chùa Từ Nguyên, đường Thạch Lam, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh gần lò thiêu Bình Hưng Hòa, nên ngày nào cũng chứng kiến xe tang chạy qua, nên luôn nghĩ mình một ngày nào đó mình sẽ lên xe tang như họ, cũng là pháp môn tu sách tấn mình nhiếp tâm tinh tấn tu học, cố gắng đem sức mình làm việc có lợi cho mình và cho người:

Xe tang vừa khuất qua mau,
Đưa người đi trước, mai sau đưa mình,
Thân ai cũng án tử hình,
Khác nhau một chút thời gian ngắn dài.

Do đó, chúng ta thường quán vô thường thay đổi trong từng sát na, nên khi bị các tai nạn, bệnh dịch bất ngờ ập đến với người thân hay chính mình thì chúng ta sẽ giữ được tâm bình tĩnh để đối diện sự thật, tránh được sự đau khổ hoảng loạn, suy sụp tinh thần. Vì vậy, khi một người lâm vào bệnh nan y, biết mình đang đến dần cái chết, họ sẽ cố gắng sống cho thật trọn vẹn trong những ngày còn lại. Họ sống thật chậm để nhìn cuộc đời, để nhìn những người thân lần sau cuối. Tất cả xung quanh họ đều thật đẹp, thật quý biết bao. Họ trân trọng từng phút giây đi qua và từng phút giây đang đến. Đối với họ, mỗi giây được sử dụng một cách cẩn trọng, không bao giờ họ đánh mất một giây phút nào cho việc làm vô ích.

Chúng ta là đệ tử Phật, hãy cố gắng ứng dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống hằng ngày, để làm chất liệu đề kháng chống lại những điều đau khổ phiền não do vô thường đưa đến. Làm được như thế thì tâm chúng ta mới tự tại an nhiên giữa cuộc đời đầy dẫy khổ đau này.

***

[1] . Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa