Hạnh phúc là buông xả
Viên Thắng

 

Suốt bốn mươi chín năm hoằng pháp lợi sanh, đức Phật đã để lại kho tàng giáo lý vô tận, nhưng không ngoài mục đích giúp cho chúng sanh giác ngộ hóa giải đau khổ thành an vui hạnh phúc. Thế nhưng, hàng phàm phu chúng ta bị vô minh che lấp, không ngộ được chân lý đức Phật dạy, nên tự đày đọa mình trong tham, sân, si, ‘chấp ngã’ nên mãi đau khổ triền miên trong sanh tử mà không tìm ra lối thoát. Vì thế, cố Hòa Thượng Thích Thiện Siêu nói:

Một chút giận, hai chút hờn,
Lận đận cả đời ri cũng khổ.
Trăm điều xả, ngàn điều bỏ,
Thong dong tấc dạ rứa mà vui.

Đúng vậy, hàng phàm phu chúng ta mắc bệnh ‘chấp ngã’ rất nặng, cho nên cứ mãi đau khổ dài dài. Nào là bản thân tôi, nhà tôi, chồng tôi, vợ tôi, con tôi v.v… những gì thuộc về sở hữu của mình thì ôm giữ chặt, lại còn phải hơn người khác; luôn luôn cho mình là người tài giỏi, giàu sang hơn người, mình là số một.

Vì vậy, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường thấy người giàu sang có địa vị trong xã hội thì luôn được mọi người tâng bốc khen ngợi đưa họ lên chín tầng mây, nên bản ngã họ càng to. Do đó, khi họ gặp việc không vừa ý thì nổi giận đùng đùng la hét, nạt nộ mọi người, bản thân họ bị đau khổ còn gây bất an cho nhân viên cấp dưới trong cơ quan, thậm chí về đến nhà còn trút cơn giận cho cả vợ con mà vẫn chưa hả dạ.

Ở gần chùa tôi có một chị cứ mãi lo buôn bán, kiếm tiền lo cho gia đình, nên không có thời gian đến chùa nghe quý thầy cô giảng Phật pháp để thực hành. Do đó, khi chị biết chồng ngoại tình chị đau đớn khổ sở vô cùng, đến khi chồng chị biết lỗi quay về gia đình, chị chấp nhận tha thứ, cho nên chồng chị ra sức làm việc và dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình; riêng chị ngoài miệng nói tha thứ cho chồng nhưng trong tâm thì đau khổ dằn vặt. Bởi vì, trong đầu chị lúc nào cũng hình dung cảnh chồng và cô tình nhân vui vẻ âu yếm với nhau là chị ăn không ngon, ngủ không được; cho nên sức khỏe chị ngày càng sa sút tiều tụy, bầu không khí trong gia đình càng thêm nặng nề. Con cái thấy ba mẹ như vậy nên chán nản, không còn tha thiết đến chuyện học hành.

Nếu như chị là người học Phật, biết thay đổi cách nghĩ để tha thứ cho chồng, thấy được sự thay đổi tích cực của anh; đồng thời buông bỏ bớt ‘cái tôi’ thì chắc chắn gia đình sẽ được hạnh phúc, tạo mái ấm gia đình cho con cái. Người ta thường nói, một vốc muối nếu bỏ vào một ly nước nhỏ, nước trong ly sẽ rất mặn; nhưng cũng vốc muối ấy, nếu chúng ta bỏ vào một thau nước, một hồ nước thì vị của nước muối đó sẽ thay đổi nhiều. Đời đẹp hơn nếu trái tim mình biết rộng mở đến với mọi người. Câu chuyện ‘Những Củ Khoai Tây’ giúp cho chúng ta bài học sâu sắc vô cùng về lòng bao dung tha thứ.

Thầy giáo yêu cầu mỗi học sinh mang một túi nilông sạch và một bao tải khoai tây đến lớp. Sau đó, thầy bảo nếu học sinh nào không tha thứ lỗi lầm cho bạn mình thì hãy chọn ra một củ khoai tây viết tên bạn đó và ngày tháng lên rồi bỏ nó vào túi nilông. Sau vài ngày, có nhiều túi trở nên vô cùng nặng. Sau đó, thầy lại yêu cầu học sinh này phải luôn mang cái túi theo bên mình dù đi bất cứ nơi đâu, tối ngủ phải để túi bên cạnh, làm việc thì đặt trên bàn. Thật là phiền phức khi phải mang vác cái túi, khiến cho các học sinh này cảm thấy gánh nặng tinh thần mà mình đang chịu đựng. Không những thế, học sinh còn phải luôn để tâm đến nó, nhớ đến nó và nhiều khi đặt nó ở những chỗ chẳng tế nhị chút nào. Qua thời gian, khoai tây bắt đầu hư hoại thành một thứ chất lỏng nhầy nhụa nên các học sinh không muốn mang nó bên người.

Đọc qua câu chuyện chúng ta thấy mình giận hờn với người nào chỉ làm khổ mình trước tiên. Lúc còn đi học, tôi thường nghe các vị giáo thọ dạy Ni sinh chúng tôi: “Chúng ta giận người khác là tự mình uống thuốc độc trước”. Ngẫm lại lời dạy của quý thầy, tôi thấy thật là thâm thúy. Bởi vì khi tâm phiền não nổi lên thì thân sinh ra bệnh tật. Như vậy chẳng phải chúng ta tự uống thuốc độc là gì? Theo các nhà y học, khi chúng ta tức giận sinh ra tám thứ bệnh, đó là: Một, nám da; hai, lão hóa tế bào; ba, loét dạ dày; bốn, thiếu máu cơ tim; năm, gan bị tổn thương; sáu, kích thích tuyến giáp; bảy, hại phổi; tám, tổn thương hệ thống.

Mặc dù ai cũng biết tức giận sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe, nhưng có mấy người hóa giải được cơn tức giận? Có người cơn giận bùng phát lên không tự kiềm chế được đánh mất lương tâm và lý trí nên gây ra biết bao nhiêu tội lỗi. Có người tức giận nói ra không được, trong lòng luôn ấm ức, nên thân hình ngày càng héo hon tiều tụy v.v… cho nên trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy: “Một niệm sân hận nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra”… Xưa kia, các vị Tổ sư cũng dạy hàng đệ tử xuất gia:

“Sân si nghiệp chướng không chừa,
Bo bo mà giữ tương dưa ích gì!”.

Do đó, chúng ta muốn đoạn trừ tham, sân, si là một việc rất khó khăn vô cùng. Bởi vì ba thứ độc này ăn sâu vào tâm con người từ vô số kiếp. Vì thế, chúng ta phải ứng dụng thực hành lời đức Phật dạy ngay trong cuộc sống là ‘hãy xem mình như đất cát, cỏ rác’. Mình chẳng là gì cả. Có quán như vậy chúng ta mới phá được ‘cái tôi’ ở cõi Ta bà này, mới nhẫn nhịn được trước những chướng duyên nghịch cảnh do hoàn cảnh hay con người gây ra. Bởi vì ở cõi này người làm ác nhiều hơn người làm thiện; cho nên, đức Phật dạy chúng ta phải kham nhẫn chịu đựng để chuyển hóa các nỗi đau khổ thành niềm vui. Hòa thượng Thánh Nghiêm từng dạy: “Trong cuộc sống hằng ngày, những việc không như ý có đến tám, chín phần. Do đó, khi gặp việc không như ý chúng ta phải đối diện nó, tiếp nhận nó, xử lý nó và buông bỏ nó”.

Chúng ta được phước duyên học Phật pháp qua nhiều phương tiện, nên biết rõ vạn pháp là không thật có, còn duyên thì nó hội tụ, hết duyên thì nó tự tan rã, thân tứ đại này rồi ai cũng về với cát bụi thì mình cũng là một người bình thường, nên chúng ta làm bất cứ việc gì, ở đâu tâm cũng tự do tự tại. Mỗi ngày ta ung dung quét dọn ‘cửa không’ với tâm hồn trong sáng hồn nhiên, chẳng có chút khổ sầu vì do con người hay hoàn cảnh đưa đến.