Nghĩ Về Lời Nói
Viên Thắng

 

Trong cuộc sống hằng ngày, lời nói đóng một vai trò rất quan trọng trong mối quan hệ giao tiếp giữa người với người. Nếu như chúng ta nói lời hòa nhã dịu dàng, hay bằng tâm chia sẻ nỗi lòng với người khác đang gặp nỗi buồn là chúng ta thành công. Còn như lời nói chúng ta phát ra trong cơn sân hận, ganh ghét v.v… nếu nói nạt nộ cay cú, nói mỉa mai, châm biếm, nói cho hả dạ, làm tổn thương đối phương, khiến họ đau khổ oán hận là chúng ta thất bại. Cho nên người xưa dạy:

Lời nói không là dao
Mà cắt lòng đau nhói……
Lời nói không là mây
Mà đưa ta xa mãi,
Sao không ngồi nghĩ lại
Nói với nhau nhẹ nhàng…

Thật vậy, mỗi ngày chúng ta tiếp xúc từ người thân trong gia đình, cho đến người ngoài xã hội, nếu như chúng ta nói năng không cẩn trọng thì không những dẫn đến mất đi tình cảm thân thiết bao nhiêu năm gắn bó mà còn gây ra sự oán thù; cho nên ông bà ta dặn dò con cháu: “Phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Tại sao chúng ta phải uốn lưỡi bảy lần? Bởi vì lưỡi chúng ta không có xương, nên nó uốn theo kiểu nào cũng được. Có khi vì được lợi cho mình mà nó nói lời ngon ngọt, nịnh nọt cho vừa lòng người khác. Có khi vì tâm ganh tỵ hơn thua mà nó nói xấu đối phương làm cho họ tán gia bại sản, khổ sở điêu đứng v.v. Vì thế, giới thứ tư trong năm giới cấm của người Phật tử tại gia, đức Phật cấm người Phật tử không được nói dối, nói thêu dệt, nói ly gián và nói lời hung ác.

Điều này ngay trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường thấy rõ nhất. Những kẻ có tiền, có quyền thường nói những lời trịch thượng cao ngạo xem thường người nghèo khổ. Có người ỷ mình cấp trên nên lúc nào cũng nghĩ mình có quyền mắng chửi, mạt sát cấp dưới, nên có những em làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp tư nhân hay tới than thở với tôi: “Chúng con làm việc khổ lắm cô ơi! Mỗi ngày làm đầu tắt mặt tối, có khi tăng ca vào ban đêm, mà còn bị chủ la mắng, vì cuộc sống hằng ngày nên chúng con phải chịu đựng”.

Nghe lời than thở cho vơi nỗi buồn của các em, tôi nghe lòng mình đau nhói. Có lẽ thấy rõ căn bệnh trầm kha đầy dẫy thói hư tật xấu của hàng hậu thế, nên người xưa đã viết câu chuyện Những Vết Đinh nhằm giáo dục cho các bé thiếu nhi, nhưng người lớn chúng ta cũng đáng suy ngẫm:

Một cậu bé kia có tính rất xấu là hay nổi nóng. Một hôm, cha cậu cầm đưa một túi đinh cho cậu, rồi bảo: “Mỗi khi con nổi nóng với ai đó thì hãy chạy ra sau nhà đóng một cái đinh lên các cây gỗ ở hàng rào”. Ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng tất cả ba mươi bảy cái đinh lên hàng rào. Nhưng sau vài tuần, cậu tập kiềm chế cơn giận của mình nên số lượng đinh đóng lên hàng rào ngày một ít đi. Cậu nhận thấy kiềm chế cơn giận của mình dễ hơn là đi đóng một cây đinh lên hàng rào.

Đến một hôm, suốt cả ngày cậu không nổi giận lần nào. Cậu liền thưa với cha và ông bảo: “Tốt lắm! Bây giờ, nếu sau này mỗi ngày mà con không còn nổi giận với ai dù chỉ một lần thì con hãy nhổ cây đinh ra khỏi hàng rào”.

 Ngày tháng trôi qua, một hôm cậu bé hớn hở vui mừng thưa với cha là không còn một cây đinh nào trên hàng rào. Cha cậu đi đến bên hàng rào và nhỏ nhẹ nói với cậu: “Con đã làm rất tốt, nhưng con hãy nhìn những lỗ đinh còn để lại trên hàng rào, vì nó không giống như trước đây. Cũng vậy, nếu con nói ra điều gì trong cơn giận dữ thì những lời nói ấy cũng giống như những lỗ đinh này, đã để lại nhiều vết thương rất khó lành trong lòng người khác. Cho dù sau đó con có nói lời xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa thì các vết thương đó vẫn còn lại mãi mãi. Con hãy luôn ghi nhớ: vết thương tinh thần còn đau đớn hơn cả những vết thương thể xác. Những người xung quanh ta, bạn bè ta là những viên đá quý. Họ giúp con cười và giúp con mọi chuyện. Họ nghe con than thở khi con gặp khó khăn, khuyến khích con và luôn sẵn sàng mở trái tim mình ra cho con. Hãy nhớ lấy lời cha…”.

Đọc qua câu chuyện, chúng ta thấy chắc chắn rằng ai cũng mắc phải sai lầm với người thân và người ngoài không ít thì nhiều. Bởi vì hàng phàm phu chúng ta hội đủ ‘tham, sân, si’ rất nặng. Do đó, trong Tăng đoàn Phật giáo, đức Phật dạy Sáu Pháp Hòa Kính, là cẩm nang sống cao thượng của một cá nhân, là một nếp sống đạo đức tốt đẹp, là nền tảng vững chắc để xây dựng đời sống cộng đồng xã hội. Cho nên mỗi buổi sáng trước giờ dùng cơm ở tự viện, đại chúng thường tụng bài này Lục Hòa, là để nhắc nhở mình là người con Phật:

…Miệng hòa lời nói dịu dàng
Ôn tồn chân thật lại càng quý hơn,
Khuyên ai chớ nói xa gần
Đừng lời khiêu khích, gợi phần hơn thua,
Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau…

Chúng ta là người học Phật, khi nói năng, hành động luôn luôn thể hiện mình là người con Phật. Khi cơn giận bùng phát, chúng ta cố gắng kiềm chế để không nói ra lời cay cú gây tổn thương cho đối phương. Đối với người ngoài xã hội, chúng ta kiềm chế được cơn giận là thể hiện mình là người văn minh, giữ được tình cảm trong giao tiếp bạn bè, tình đồng nghiệp lâu dài. Còn trong gia đình chúng ta kiềm chế được cơn giận thì giữ mái ấm hạnh phúc gia đình cho con cái bình yên, không dẫn đến cảnh tan đàn xẻ nghé. Dẫu biết rằng bệnh tham, sân, si đã thâm nhập trong tâm thức phàm phu thành thâm căn cố đế nên rất khó sửa đổi; nhưng nếu chúng ta biết tu tập, nỗ lực sửa đổi từ từ thì nhất định sẽ đạt được kết quả như cậu bé trong câu chuyện.

Ngồi viết những dòng này, tôi nghĩ chỉ để nhắc nhở mình là trước tiên. Bởi vì tôi mắc bệnh ‘sân’ rất nặng, nhưng khi nghĩ đến cuộc sống vốn vô thường, ngắn ngủi và nhiều khổ đau trong kiếp người, tại sao mình không cố gắng tạo nhiều an lạc cho người thân và mọi người?

Gặp nhau một thoáng cuộc đời
Xin đừng oán trách, nặng lời khổ đau!
Mai kia dầu tóc bạc màu
Cũng còn một chút trước sau cõi
này[1]

***

[1] . Thơ Thích Tuệ Đức