Cảm nghĩ bài thơ  ‘nhìn lại một năm qua’
Viên Thắng

 

Mỗi lần nhìn mùa Đông trôi qua, mùa Xuân lại về, làm cho tôi nhớ đến bài thơ Nhìn lại một năm qua của tác giả Thích Tánh Tuệ. Đọc kỹ bài thơ nhiều lần rồi suy ngẫm, tôi thấy tâm đắc vô cùng. Bởi vì 365 ngày trôi qua nhanh chóng, nhìn lại một năm trôi qua chúng ta đã làm được những việc gì có lợi cho mình, cho người và hằng ngày chúng ta có ứng dụng lời đức Phật dạy làm chất liệu trong cuộc sống không? Và tâm tu tập đạt được chút chánh niệm nào không? Hay vẫn:

Một năm qua, tựa ngày hôm qua vậy!
Vẫn loay hoay giữa thương, ghét, giận hờn…
Ngày luôn mới sao hồn mình vẫn cũ ?
Khi tóc chiều đã nhuộm ánh tà dương.

Thật vậy, hàng phàm phu chúng ta phước mỏng nghiệp dày nên bị vô minh che lấp tâm thanh tịnh sáng suốt. Cả đời cứ mãi sống trong giữa thương, ghét, giận hờn… nên chúng ta thường gây đau khổ cho mình và người khác. Người thương thích ta thì họ khen ngợi tâng bốc, làm cho ta hớn hở vui mừng, tâm hồn phơi phới lâng lâng suốt ngày. Còn kẻ ghét, ganh tỵ ta thì phê bình chỉ trích khiến ta buồn phiền, ăn không ngon ngủ không được giống như mũi tên đâm vào tim mình. Do đó, ta đau khổ nghĩ cách báo thù họ mới hả dạ; cho nên suốt ngày tâm ta bị chi phối theo cảnh bên ngoài với bao thương, ghét, giận, hờn…

Thời gian trôi qua nhanh chóng, tóc chúng ta cũng sắp pha sương, nếu như tâm tính mình vẫn mắc bệnh cố chấp thói hư tật xấu như ngày nào thì uổng phí một đời. Tôi có biết vài vị Phật tử đến chùa học Phật gần mấy mươi năm, nghe chùa nào có quý thầy, cô giảng liền đến tham dự không bỏ sót buổi nào. Khóa tu nào cũng có mặt, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật rất tinh tấn, nhưng khi con cháu lỡ lời nói vài lời không vừa lòng thì giận hờn không nguôi. Bạn đồng tu góp ý khuyến tấn thì giận dỗi nói: “Chị tu học đạt được bao nhiêu mà dám lên mặt dạy tôi?” Cho nên tác giả nói:

Một năm qua vẫn đến chùa lễ Phật
Vẫn trông đời bằng nét mặt kiêu sa,
Biết đạo lý Phật-đà là lẽ thật
Bước chân còn chưa hướng đến vị tha..
Còn Tổ sư cũng răn nhắc hàng hậu học:
“Sân si nghiệp chướng không chừa,
Bo bo giữ lấy tương dưa ích gì?”

Lời Tổ sư cảnh tỉnh chúng ta thật thâm thúy vô cùng. Vì thế, trong đạo Phật thường dùng từ ‘phản tỉnh’ nghĩa là sự hồi tâm, quay trở về bên trong để quán sát thân tâm mình, không để tâm ý bị ngoại cảnh chi phối, dẫn dắt. Mỗi ngày chúng ta nên xét lại mình, có nói điều gì làm ai buồn không? Trong một ngày, một đêm chúng ta có giữ chánh niệm được chút nào không? Có nhiếp tâm niệm Phật được bao nhiêu danh hiệu không? Nếu chúng ta có thực hành là người ‘biết lý Phậtđà là lẽ thật’. Cho nên đức Phật dạy: “Người có nhiều điều lỗi mà không tự ăn năn, dập tắt tâm này ngay thì tội đến với thân, như nước đổ về biển, lâu dần thành sâu rộng. Nếu người có lỗi tự biết nhận lỗi, đổi ác làm lành thì tội sẽ tự nhiên tiêu diệt, như bệnh mà được ra mồ hôi, bệnh dần dần thuyên giảm!”.

Tự xét lại mình cũng là một phương pháp tu dưỡng đạo đức. Khổng Tử nói: “Thấy người hiền thì suy nghĩ mình có bằng hay không, thấy kẻ không hiền thì quay lại tự xét mình”. Tự xét lại mình là quá trình ý thức để kiểm điểm lời nói và hành động của mình, như Chu Hy từng nói: “Mỗi ngày tự kiểm điểm bản thân, có khuyết điểm thì sửa đổi ngay; còn như không thì nhắc nhở bản thân không được phạm sai phạm”. Học trò của Khổng Tử là Tăng Tử cả đời luôn tự xét lại bản thân, xác thực đã làm được “ba điều tự mình phản tỉnh mỗi ngày”. Ở đây tác giả cũng nhắc nhở chúng ta thật là hay: Một năm qua, đếm bao ngày Tỉnh thức, Với bao lần sống thực Hiểu và Thương? Ngồi lặng lẽ mà nghe nơi lồng ngực Sống đang tồn tại, hay sống qua đường!

Do đó, một ngày trôi qua, tối đến chúng ta cố gắng dành thời gian ngồi tĩnh lặng để xét lại mình là pháp tu hay nhất. Bởi vì, con người ta sống ở đời cần có những phút giây tĩnh lặng, dành thời gian để tu tập, tùy theo căn cơ của mỗi người như tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, hay dành thời gian lắng nghe người thân chia sẻ. Nếu như chúng ta cứ mãi lao vào vòng xoáy danh lợi xã hội tất bật kiếm tiền, rồi hưởng thụ, không biết tu tập nhìn lại mình, cũng chẳng có thời gian dành cho người thân trong gia đình thì thật là đáng tiếc, chỉ để luống uổng trôi qua một đời. Mặc dù đời sống vật chất đầy đủ tiện nghi nhưng đời sống tinh thần rất nghèo nàn.

Có những bé trai, bé gái thổ lộ với cô giáo chủ nhiệm: “Con ước mẹ (hay ba) chơi với con một ngày”. Thế nhưng ba mẹ cứ nghĩ chơi với con là tốn thời gian, là điều xa xỉ. Họ đâu biết dành thời gian gần gũi với con để chia sẻ, lắng nghe con thổ lộ những điều vui buồn, mơ ước, khiếm khuyết của con để kịp thời chỉ dạy uốn nắn, tạo cho con một nền tảng căn bản đạo đức làm người, là hành trang vững chắc để sau này con bước vào đời. Cho nên, em Hồ Công Khánh Vân, học sinh lớp 12 trường Quốc Tế Á Châu đã trải nỗi lòng đăng trên báo Phụ Nữ bài viết ‘Con không nói dối nếu bố mẹ biết lắng nghe’. Đoạn cuối bài viết em bộc bạch: “Xin cha mẹ đừng vội bác bỏ điều gì mà hãy lắng nghe và có cái nhìn thực sự từ góc độ của chúng con. Đến lúc đó, có lẽ những lời nói dối sẽ dần mất đi. Cuối cùng vẫn là ở mỗi người, biết được giá trị và trân quý bản thân, cùng quyết tâm thực hiện những mục tiêu trong đời.” Không những dành thời gian cho người thân trong gia đình, chúng ta lắng nghe họ bày tỏ để Hiểu và Thương mà còn các mối quan hệ ngoài xã hội cũng có Hiểu rồi mới Thương thì mối thâm giao được tồn tại lâu dài mãi mãi, cũng là một pháp tu.

Một mùa xuân nữa lại về, mọi người trao tặng nhau những lời chúc tốt đẹp, may mắn, bình an phúc lạc hơn trong năm mới. Người học Phật chúng ta cũng chúc nhau bằng những lời đạo lý, để thấm nhuần dòng sữa pháp, hãy mở rộng lòng mình đón ánh bình minh chan hòa ấm áp thì tâm xuân vũ trụ đều xuân, tâm bình thế giới đâu đâu cũng bình:

Tàn Đông giá Xuân về trong ấm áp
Xin mở lòng cho nắng rọi vào tim!
Từng giọt nắng thanh lương là giọt Pháp
Xuân mới về, mong đổi mới quang minh.