CẢM NGHĨ VỀ MÙA XUÂN
Viên Thắng

 

Xuân về trăm hoa nở,
Chim oanh hót trên cành.
Bỗng dưng lòng chợt thấy,
Đời thoáng chút mong manh.

Mùa xuân về! Cảnh vật như bừng sáng, từ cây cối bắt đầu đâm chồi nảy lộc xanh tươi, trăm hoa khoe sắc rực rỡ, cho đến loài chim hót líu lo trên cành, nên nhìn ở đâu chúng ta cũng thấy cảnh vật như vui tươi tràn đầy sức sống, xua đi những ngày mùa đông bầu trời thường u ám giá rét, mưa rả rích suốt ngày đêm. Ngắm nhìn cảnh vật thay đổi, tôi chợt thấy định luật “vô thường” thay đổi ngay trong cuộc sống.

Vạn vật đang vận hành theo quy luật thành, trụ, hoại, không, nên nó thay đổi không ngừng trong từng sát na. Xuân đến trăm hoa đua nở khoe sắc màu; hạ về nóng bức, hoa phượng nở đỏ rực; thu về lá vàng rụng bay trong gió; đông sang gió bấc lạnh lẽo, cây cối trơ trụi lá khẳng khiu… Còn con người và các loài động vật khác cũng bị theo bốn quy luật sanh, già, bệnh và chết.

Thế nhưng, khi mùa xuân về là sắp đến ba ngày tết, nên trẻ con thì đếm ngược từng ngày chờ mong tết đến để được mặc quần áo mới, được đi chơi xa đến những nơi danh lam thắng cảnh (trong tỉnh nhà) mà thường ngày chúng nó chưa được đi đến đó; lại còn được tiền lì xì từ ông bà, cha mẹ và người thân. Còn người lớn tuổi thì cảm thấy “tết đến là sự chết đến gần kề”, con đường đời ngày càng ngắn lại. Cho nên, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã viết: “Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần”. Nhờ quán chiếu sự vô thường vạn vật thay đổi không ngừng mà chúng ta sẽ thấy rõ thật tướng của các pháp: Trong cái sanh diệt, có cái bất sanh bất diệt, để mầm sống vẫn tiếp nối trong không gian vô cùng, thời gian vô tận. Vì thế, Thiền sư Mãn Giác nói:

“Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết.
Đêm qua sân trước một cành mai”

Và vua Trần Nhân Tông, bậc chứng ngộ thấy rõ bản chất của các pháp nên viết lên cảm xúc của mình nhân mùa xuân đến:

Thuở bé chưa từng biết sắc không,
Xuân về hoa nở rộn trong lòng.
Chúa xuân nay bị ta khám phá,
Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng1

Xuân về cũng là dịp vô cùng đặc biệt trong năm để sum họp, đoàn tụ, kết nối tình thân trong gia đình, họ hàng, xóm giềng cùng bà con xa gần. Ngày tết về cũng là dịp người thân quan tâm với nhau nhiều hơn, sống trọn vẹn nghĩa tình với người thân, hàng xóm và cộng đồng của mình. Ở đâu chúng ta cũng nghe bài hát: “Tết tết tết tết đến rồi, tết đến trong tim mọi người. Mừng ngày tết trên khắp quê tôi… Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam. Dù đi đâu ai cũng nhớ. Về chung vui bên gia đình2. Những ngày tết sắp đến chúng ta thấy không khí vui nhộn, trên các đường phố nhiều gian hàng bánh mứt, quần áo, đồ dùng gia đình v.v… trưng bày la liệt; đặc biệt là những người xa quê hương vì cuộc mưu sinh hay đi học phải xa gia đình nên tết đến ai cũng lo đặt vé để được về thăm người thân.

Nhớ những năm tháng tôi tu học và làm việc ở Sài Gòn, những ngày tết sắp đến nhìn thành phố vắng hoe; lại nghe bài hát “Xuân này con không về” là trong lòng buồn da diết nên phải thốt lên:

Sài Gòn ơi trắng đêm buồn nỗi nhớ,
Giữa phồn hoa du tử héo hon lòng.

Trong ba ngày tết, có một điều vô cùng đặc biệt đó là phong tục chúc Tết của người Việt, được gói gọn trong câu thành ngữ: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Đây là nếp sống từ ngàn xưa đã trở thành phong tục ngày tết, được bảo tồn và giữ gìn qua bao thế hệ, thể hiện lòng hiếu thảo, sự tri ân của con cháu với ông bà, cha mẹ, hai bên nội – ngoại và tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Những ngày đầu năm, ai nấy đều dành cho nhau lời chúc tốt đẹp. Cho dù năm cũ họ có giận hờn nhau, nhưng qua năm mới ai nấy đều bỏ qua hết tay bắt mặt mừng, thăm hỏi vui vẻ với nhau. Nghi thức này đã trở thành nét đẹp văn hóa trong ngày tết cổ truyền của dân tộc.

Lại nữa, những ngày tết đến cũng là lúc chúng ta nhìn lại mình một năm trôi qua, mình đã làm được những việc gì cho mình, cho người thân, cho cộng đồng xã hội. Đối với người xuất gia thì luôn luôn nhìn lại mình từng giây phút, có lẽ nợ rất nhiều, nhất là đàn na tín thí. Từ chén cơm, manh áo, thuốc thang, giường nằm, vật dụng hàng ngày cho đến xây dựng ngôi già lam, phòng ở chúng Tăng đều do quý Phật tử phát tâm cúng dường bằng tịnh tài, tịnh vật hay công sức. Vì thế, tôi hay nói với quý Phật tử: “Thầy trò cô nợ quý Phật tử nhiều lắm”. Chính vì tôi luôn thấy mắc nợ nên thầy trò thường sách tấn tu hành để đền đáp bốn ân mà người xuất gia luôn ghi nhớ.

Theo truyền thống Phật giáo, ngày mùng một tết là ngày đản sanh của đức Phật Di Lặc, một vị Phật tương lai, biểu tượng cho sự hoan hỉ, an lành. Thông thường, vào ngày mùng một tết, khách thập phương đến chùa rất đông. Mọi người thường ngắm nhìn chiêm ngưỡng hình ảnh Ngài ngồi cười thật là thoải mái; đôi mắt hoan hỷ. Đặc biệt, Ngài phanh cái bụng to đùng phơi trần ra cho cả tam thiên đại thiên thế giới cùng ngắm như để dung chứa tất cả những thói hư tật xấu của chúng sinh mà sẵn sàng bao dung, tha thứ cho họ, xung quanh Ngài có sáu đứa bé đang vui đùa. Cho nên, người xưa từng ca ngợi Ngài:

“Bụng to, má núng đồng tiền
Vây quanh sáu trẻ ngửa nghiêng reo hò”.

Xuân về giúp chúng ta quán chiếu cảm nhận rất nhiều điều tốt đẹp trong những ngày tết đến. Nhờ quán chiếu vô thường mà giúp chúng ta nỗ lực tinh tấn tu tập, để ngay trong giây phút hiện tại ta tìm thấy sự giải thoát giác ngộ thì tương lai chắc chắn được giải thoát. Theo tinh thần Phật giáo tất cả mọi pháp đều do tâm tạo:

Vui xuân vui khắp phương trời,
Buồn xuân riêng để cho người tương tư.

Xuân Quý Mão đang tràn về, kính chúc quý vị một năm mới hạnh phúc, an lạc.