HAI QUÁN LÁNG GIỀNG
Hạnh Đoan bình thuật
Có một thanh niên bảnh bao sang trọng bước vào tiệm “Thiên” dùng bữa tối. Chủ quán nhìn bộ dạng đường bệ của anh, tíu tít mời:
– Chào Tiên sinh! Ngài dùng gì?
Khách nói:
– Tôi muốn đem hết số tiền mang theo bên mình ăn một bữa ra trò, tiệm ông có gì ngon chăng?
Chủ quán cười híp mắt:
– Thức ăn ngon, rượu ngoại hảo hạng, vi cá, bào ngư?…
Khách cười:
– Ông muốn đãi tôi thứ gì tuỳ ý, hôm nay tôi nhất định phải ăn cho sạch túi mà!
Chủ quáng lính quýnh bê ra toàn những món đắt tiền.
Khách đánh chén no nê, lộ vẻ rất mãn nguyện. Ăn xong, anh rút trong túi ra tờ… mười ngàn, bảo chủ quán:
– Đây là số tiền hiện có trong túi tôi
Chủ quán trợn mắt:
– Tiên sinh! Ngài khéo đùa! Những món ngài vừa ăn toàn là thứ thượng hạng, ít nhất cũng mấy trăm ngàn, ngài trả thế này là sao?
Thanh niên nói:
– Hồi nãy tôi đâu khoe mình lắm tiền, tôi chỉ nói là “Đem hết tiền tôi có mua thức ăn”, ông đãi gì tôi cũng hoan hỉ… Đáng lẽ, trước hết ông phải hỏi thăm xem tôi có bao nhiêu tiền, hoặc phải báo giá các món ăn trước… Đằng này, ông xăng xái dọn thức ăn lên, tất nhiên tôi không khách sáo dùng ngay. Tại ông, chứ nào phải do tôi?
Chủ quán tức anh ách nhưng đuối lý không cãi được. Đột nhiên mắt ông sáng lên, ông nảy ra một ý hay, nhũn nhặn rót rượu mời khách, dịu dàng nói:
– Thôi được, xem như bữa tiệc vừa rồi tôi đãi anh. Tiền này tôi không lấy, biếu luôn cho anh đó!… nhưng xin anh hãy làm giúp tôi một việc là… mau mau qua cái tiệm “Địa” bên cạnh, áp dụng chiêu ông đã xài ở tiệm tôi với lão chủ quán bên đó giùm!
Vừa nói, chủ tiệm Thiên vừa nghĩ thầm: “Lão Địa này có bịnh đau tim nặng, nếu bị tên lưu manh này chơi một vố như ta vừa lãnh… thì nhất định lão sẽ lên tension, tức chết và xỉu luôn cho coi!”…
(Hoá ra hai tiệm Thiên và Địa dù ở sát vách nhau song lại hiềm khích thù nghịch, chẳng bao giờ qua lại với nhau).
Khách nghe chủ quán nói, cầm ly rượu uống cạn. Xong, tủm tỉm cười, cất tờ mười ngàn vào túi rồi bước ra cửa, đứng chân trong chân ngoài, ngoái cổ lại thủng thỉnh bảo chủ quán:
– Ông muốn tôi qua tiệm Địa hả?… Hồi sáng tôi đã vào đó rồi! Cũng kêu y hệt như vầy nè… lão chủ quán bên đó cũng không lấy tiền, vui vẻ tặng cho tôi năm chục ngàn và còn dặn đi dặn lại, bảo tôi nhớ qua quán ông dùng bữa tối! Xem như việc hai ông nhờ tôi đều làm xong hết rồi nhé!?…
BÌNH:
Đúng là “chí lớn” gặp nhau, hai địch thủ có cùng một điểm chung đủ để họ… hao tổn không nhiều thì ít. Trong đời, ta vẫn thường bắt gặp cảnh hai nhà láng giềng thù nghịch, hai quán đối diện tuyệt giao. Dù cách nhau chỉ một bức vách hay con đường nhỏ… song ngăn cách trong lòng họ rất kiên cố: cao hơn núi, sâu hơn vực thẳm.
Có khi, thù hiềm kết nối kéo dài, đời này truyền sang đời khác, khó phá, khó lay chuyển. Thật ra, chỉ cần vài phút kết oán với người đối diện, lòng ta đã nóng bức ưu phiền, huống nữa là nhiều năm cưu mang, chất chứa thù oán, lại phải ở cạnh nhau, đối mặt nhau thường; hẳn là lòng phải sôi bùng, nóng như hỏa diệm sơn… kết cuộc hai bên đều sa vào bể khổ khó thoát.
Phật gọi đây là cái khổ của “oán tắng hội”, vì ghét thậm tệ mà phải gặp nhau; phải ở chung phố, chung đường, thậm chí chung nhà… thì quả là cực kỳ khó kham.
Nếu như chúng ta không dẹp được tường thành hiềm khích trong tâm, không thể chuyển duyên ác thành duyên thiện, không muốn giải toả vượt qua… thì chỉ còn một giải pháp là lìa xa nhau, di dời đến phương khác ở để khỏi chạm mặt nhau. Bởi, khi niệm oán ghét dâng cao làm mờ lý trí, thì lòng chỉ mong hại được đối phương, mà càng muốn hại người thì càng chiêu vạ vào mình. Đây là lý do vì sao khổ đau và nước mắt không bao giờ vắng ở nhân gian. Giáo pháp Phật hiện diện như một liều thuốc cứu khổ nhiệm mầu, hướng dẫn chúng sinh thực hành để đạt đến hạnh phúc tốt đẹp. Cuộc đời không có gì là cố định, không có xích mích thù hiềm nào là không thể bôi xoá. Hạnh phúc hay khổ đau, cách nhau một chữ “chuyển” và tuỳ thuộc ta có muốn chuyển hay không.
Trích dịch phẩm đã in “Truyện ngụ ngôn 1”