GIỚI PHÁP
Tỳ Kheo Thích Nhất Chân

A- Tổng quát về giới pháp

Định nghĩa

1) Giới pháp là gì?

Những gì đức Phật nói ra để giáo hóa chúng sinh thì gọi là Pháp. Giới do đức Phật nói ra hay chế lập ra để cho chúng sinh tu trì, nên được gọi là Giới pháp.

2) Giới có nghĩa là gì?

Giới có nghĩa là “cấm ngăn”.

Luật, Biệt giải thoát – Xứ xứ giải thoát

3) Giới pháp của đức Phật còn được gọi là gì nữa?

Còn được gọi là Luật hay còn được gọi là Biệt giải thoát.

4) Các danh xưng này của Giới pháp phạn ngữ nói là gì?

Giới theo phạn ngữ là Thi la (Sìla); Luật theo phạn ngữ là Tỳ ni (Vinaya); Biệt giải thoát theo phạn ngữ là Ba la đề Mộc xoa (Pràtimoksa).

5) Luật có nghĩa là gì?

Luật có nghĩa là các quy luật hay các nguyên tắc về trì, phạm và không phạm, và về định tội nặng nhẹ v.v…

6) Biệt giải thoát có nghĩa là gì?

Biệt giải thoát, còn được gọi là Xứ xứ giải thoát, có nghĩa là mỗi giới của đức Phật là một nơi giải thoát hay một phần giải thoát riêng rẽ. Chữ “Biệt” có nghĩa là riêng rẽ, mỗi giới của Phật là một phần giải thoát riêng rẽ, nên giới của Phật được gọi là “Biệt giải thoát”. Còn chữ “Xứ” có nghĩa là nơi chốn, “Xứ xứ” là nơi nơi chốn chốn, tức có nghĩa là tất cả mọi giới của Phật đều là các nơi chốn giải thoát, thế nên toàn thể giới của Phật được gọi là “Xứ xứ giải thoát”.

7) Giải thoát ở đây là giải thoát khỏi những gì?

Ngay hiện tại mà nói là giải thoát khỏi các nghiệp ác của thân khẩu, còn theo kết quả cứu cánh mà nói là giải thoát khỏi mọi phiền não trói buộc vào ba cõi, tức là cứu cánh Niết bàn vậy.

Tác dụng của giới & ý nghĩa của tội lỗi

8) Như vậy tác dụng của giới là gì?

Tác dụng của giới là “phòng phi chỉ ác”. “Phòng” là đề phòng ngăn ngừa, “phi” là các điều không phải hay lỗi lầm; “chỉ” là chặn đứng lại, “ác” là các tội lỗi. Như vậy “phòng phi chỉ ác” là phòng ngừa lỗi quấy và chặn đứng tội ác lại.

9) Thế nào là tội ác hay lỗi quấy?

Vì các tâm tham sân si mà gây đau khổ và tổn hại cho các chúng sinh khác, do đó mà bị đọa vào các cảnh khổ trong luân hồi, thì đó là tội ác và lỗi quấy trong thế gian.

Vì các tâm tham sân si mà không chịu xả bỏ phiền não để đi theo con đường giải thoát, do đó mà trầm luân trong luân hồi bất tận, thì đó là tội ác và lỗi quấy đối với Thánh đạo xuất thế.

Vì không có tâm thành Phật để cứu độ chúng sinh, thế nên hoặc là trầm luân trong luân hồi bất tận hoặc là lạc vào con đường tự lợi tiểu thừa, thì đó là tội ác và lỗi quấy đối với con đường phật đạo cứu độ chúng sinh.

Con đường giới – thánh đạo

10) Như vậy phải chăng giới đưa đến nhiều kết quả sai khác nhau?

Đúng vậy. Hoặc giới là con đường công đức hữu lậu chặn đứng mọi tội lỗi của thế gian để đưa đến kết quả hưởng phước trong cõi trời và cõi người, tức vẫn thuộc về luân hồi. Giới ở đây thuộc về “Nhân thiên thừa”.

Hoặc giới là con đường giải thoát vô lậu chấm dứt mọi nguyên nhân tội lỗi của luân hồi để đưa đến kết quả tự lợi là Niết bàn giải thoát khỏi luân hồi trong ba cõi. Giới ở đây thuộc về “Tiểu thừa”.

Hoặc giới là con đường công đức vô lậu ngăn ngừa các tội lỗi của thế gian và tránh khỏi các lỗi lầm tự lợi của Tiểu thừa để đưa đến kết quả thành Phật cứu độ tất cả chúng sinh trong ba cõi. Giới ở đây thuộc về “Đại thừa”.

11) Tại sao cũng cùng là giới mà các kết quả lại khác nhau như vậy?

Là do vì tâm nguyện của người thọ giới có khác nhau, mà thành ra kết quả cũng khác nhau. Nếu người thọ giới mà vì tâm nguyện muốn tránh làm điều ác để khỏi bị quả khổ và đạt được quả sướng cho chính bản thân mình, thì đây là người thọ giới theo con đường nhân thiên.

Nếu người thọ giới mà vì tâm nguyện muốn thoát khỏi mọi nhân quả luân hồi thuộc ba cõi để đạt được Niết bàn tịch diệt cho chính mình, thì đó là người thọ giới theo con đường tiểu thừa.

Nếu người thọ giới mà vì tâm nguyện muốn độ thoát tất cả chúng sinh ra khỏi luân hồi khổ, chứ không vì ích lợi gì riêng cho chính mình, thì đó là người thọ giới theo con đường đại thừa.

Do tâm nguyện khác nhau như thế, nên giới thành ba con đường khác nhau đưa đến ba kết quả khác nhau.

12) Vậy Giới pháp mà đức Phật chế lập ra cho chúng ta thọ nhận ở đây là Giới pháp theo con đường nào?

Giới pháp mà đức Phật chế lập ra cho chúng ta tu trì ở đây được gọi là Thánh pháp, vốn theo con đường Niết bàn giải thoát của Tiểu thừa.

13) Tại sao lại gọi là Thánh pháp?

Vì giới này nhằm diệt tận hết tham sân si để đưa đến Niết bàn. Con đường diệt tận hết tham sân si được gọi là con đường Thánh (Thánh đạo), các kết quả đạt được trên con đường ấy được gọi là các Thánh quả, người chứng được các kết quả ấy được gọi là các bậc Thánh, các giáo pháp do đức Phật chỉ dạy để đi theo con đường ấy được gọi là Thánh pháp.

14) Vậy thọ nhận các Giới pháp này là bắt buộc phải đi theo con đường tiểu thừa hay sao?

Không phải như vậy, mà như đã trả lời trong câu hỏi 11, thì dù các Giới pháp này tuy thuộc về Tiểu thừa, song nếu chúng ta thọ nhận bằng tâm nguyện đại thừa thì các Giới pháp ấy đều trở thành đại thừa hết.

Các loại giới pháp, ba tụ tịnh giới

15) Các Giới pháp này là những pháp nào?

Gồm có năm loại như sau :

1/ Tam quy
2/ Năm giới
3/ Tám giới
4/ Sa di giới
5/ Tỳ khưu giới hay Cụ túc giới

16) Khi thọ các Giới pháp này bằng tâm nguyện đại thừa thì có thêm gì đặc biệt hay không?

Có. Vì thọ giới theo tâm nguyện đại thừa thì không phải chỉ thọ các Giới pháp như trên, mà còn phải thọ thêm hai tụ tịnh giới nữa là “nhiếp thiện pháp giới” (tức là giới nguyện làm tất cả mọi thiện pháp) và “nhiêu ích hữu tình giới” (tức là giới nguyện làm ích lợi cho tất cả mọi loài hữu tình). Còn thọ Giới pháp là thuộc về tụ tịnh giới thứ nhất được gọi là “nhiếp luật nghi giới” (tức là giới nguyện thọ trì mọi giới pháp của Phật). Tóm lại theo Đại thừa thọ giới là phải thọ đủ cả ba tụ tịnh giới như trên.

17) Có Giới pháp nào dành riêng cho con đường đại thừa hay không?

Có. Đó là Bồ tát giới của Đại thừa. Song các nguyên tắc căn bản về thọ giới, về trì giới phạm giới, về định tội nặng nhẹ thì không khác gì với các Giới pháp ở đây.

Về giới thể, pháp thức thọ giới & tam quy

18) Có thể tự ý tu trì lấy Giới pháp của Phật được không?

Không được. Trước khi muốn tu trì Giới pháp của Phật, bắt buộc chúng ta phải thực hiện pháp thức thọ giới để đắc được Giới thể trước đã, rồi sau đó chúng ta mới được thọ nhận giới tướng để mà tu trì

19) Tại sao lại phải như vậy?

Bởi vì một pháp nào đó được gọi là giới là do nơi mặt bản thể của nó chứ không phải nơi mặt hình tướng của nó. Thí dụ như một người thường không sát sinh và đức Phật không sát sinh, thì cái pháp “không sát” của người ấy trên mặt hình tướng không khác gì với pháp “không sát” của đức Phật; nhưng cái pháp “không sát” của người ấy chỉ được gọi là thiện chứ không được gọi là Giới, và chỉ riêng pháp “không sát” của đức Phật mới được gọi là Giới. Tại sao vậy? Vì sở dĩ đức Phật không sát sinh là do tâm của ngài đã giải thoát khỏi mọi ái luyến và hoàn toàn thanh tịnh không còn tham sân si đối với tất cả chúng sinh, thế nên bản thể của pháp “không sát” ấy chính là tâm thanh tịnh giải thoát của ngài, và nhờ có bản thể là tâm thanh tịnh giải thoát như thế nên pháp “không sát” này mới được coi là Giới; trong khi người kia không sát sinh không phải là do tâm thanh tịnh giải thoát mà là do tâm vô minh phân biệt ta người và ái luyến thế gian mà ra, với tâm như vậy là bản thể, pháp “không sát” của người kia chỉ đuợc coi là thiện pháp, chứ không thể nào lại là Giới pháp được.

Do đó, không phải chúng ta cứ tự động không sát sinh là thành nghĩa tu trì giới, mà muốn tu trì giới không sát sinh này bắt buộc chúng ta phải thọ giới để đắc được bản thể của Giới, tức Giới thể, trước đã. Khi đã có Giới thể rồi thì đối với chúng ta pháp không sát kia mới trở thành giới và lúc đó chúng ta mới thọ nhận lấy giới không sát đó mà tu trì.

Ngoài ra theo Đại thừa, thì sở dĩ đức Phật không sát sinh không phải chỉ là vì tâm ngài đã giải thoát và hoàn toàn thanh tịnh đối với tất cả chúng sinh, mà còn là vì tâm ngài từ bi thương xót tất cả chúng sinh, luôn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh và luôn đang ra tay cứu độ tất cả chúng sinh, thế nên ngài mới không sát sinh. Do đó đối với Đại thừa, bản thể của pháp không sát sinh này không phải chỉ là tâm thanh tịnh giải thoát mà còn là tâm từ bi cứu độ chúng sinh nữa. Cho nên với Đại thừa, phải phát tâm thọ đủ ba tụ tịnh giới như đã nói ở trên, thì mới đắc Giới thể được.

20) Như vậy thật sự Giới thể có nghĩa là gì?

Theo Tiểu thừa, Giới thể thật sự là tâm thanh tịnh giải thoát khỏi ba cõi luân hồi của đức Phật.

Theo Đại thừa, Giới thể thật sự là tâm giác ngộ từ bi thương xót tất cả chúng sinh, luôn luôn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, luôn luôn cứu độ tất cả chúng sinh.

21) Vậy thì làm sao các chúng sinh phàm ngu như chúng ta có thể có được Giới thể đây?

Vì người phàm không có được tâm thanh tịnh giải thoát, cũng như không có được tâm giác ngộ từ bi của đức Phật, tức không có được Giới thể, thế nên chúng ta mới phải thọ giới để mà đắc được Giới thể.

22) Cách thức thọ giới ra sao mà có thể đắc được Giới thể?

Người thọ giới phải phát tâm nguyện thọ giới thanh tịnh hoặc hơn nữa phải phát tâm nguyện bồ đề cứu độ chúng sinh, sau đó phải dùng hai nghiệp thân và khẩu thực hành pháp thức quy y Tam bảo rồi mới đắc được giới thể.

23) Tại sao phát tâm thanh tịnh thọ giới rồi, lại còn phải thực hiện pháp tam quy nữa mới đắc đuợc Giới thể?

Vì chúng ta không thể tự tạo ra được Giới thể này bằng cách cứ tự mình phát nguyện lấy là xong, mà chúng ta chỉ có thể thọ nhận được Giới thể ấy duy nhất từ nơi đức Phật truyền sang bằng cách thức quy y Tam bảo. Bởi vì mọi tâm nguyện giải thoát và cứu độ chúng sinh mà không có quy y Tam bảo thì chỉ là tâm nguyện riêng tư của bản ngã chúng ta tạo ra, các tâm nguyện ấy vẫn chỉ thuộc về tâm vô minh, vẫn hoàn toàn bị ô nhiễm bởi tâm chấp ngã của chúng ta, chứ không hề phải là tâm thanh tịnh đại bi chân thật, thế nên chỉ phát nguyện xuông không thôi mà không quy y Tam bảo, thì không thể nào thành Giới thể được.

24) Giới thể là chung cho mọi loại Giới pháp hay mỗi loại Giới pháp có một Giới thể riêng?

Mỗi loại Giới pháp có Giới thể riêng của mình, như Năm giới có Giới thể riêng của Năm giới, Tám giới có Giới thể riêng của Tám giới v.v… Tại sao vậy? Bởi vì các loại giới này là riêng rẽ và độc lập với nhau, thế nên Giới thể của chúng phải khác nhau chứ không chung cùng được. Do đó mỗi khi muốn thọ loại giới nào chúng ta phải thọ Giới thể của riêng loại giới đó.

25) Các Giới thể ấy khác nhau ở chỗ nào?

Khác nhau ở chỗ phẩm chất mạnh yếu. Mạnh yếu này là do nơi khi phát tâm thọ giới. Chẳng hạn khi phát tâm thọ Tám giới thì dĩ nhiên phải mạnh hơn là khi phát tâm thọ Năm giới. Do đó mà Giới thể của Tám giới mạnh hơn là giới thể của Năm giới.

26) Khi đắc được Giới thể rồi thì phải chăng tâm của người thọ giới cũng thanh tịnh và giải thoát y như đức Phật?

Không phải vậy. Thứ nhất, Giới thể nơi tâm người thọ giới chỉ là Giới thể của loại giới này hay loại giới kia mà thôi chứ không phải là Giới thể của toàn thể vô lượng giới, trong khi tâm phật là Giới thể của tất cả vô lượng giới. Thứ hai, Giới thể nơi tâm người thọ giới chỉ mới là nhân hay chủng tử thanh tịnh từ nơi tâm Phật được gieo vào trong tâm phàm tham sân si của họ mà thôi; trong khi Giới thể nơi tâm đức Phật vốn là quả, Giới thể và tâm của Phật là một, tâm Phật hoàn toàn thanh tịnh giải thoát và tức chính là Giới thể vậy.

Về giới tướng

27) Vậy muốn cho Giới thể này thành quả, người thọ giới phải làm sao nữa?

Sau khi đã đắc Giới thể rồi, người thọ giới phải gìn giữ cho Giới thể này không bị hoen ố và làm cho Giới thể này được liên tục phát triển cho đến khi thành quả. Muốn như vậy, người thọ giới phải thực hành sự trì giới bằng cách thọ nhận các giới tướng mà tu trì, nhờ đó Giới thể này mới không bị ô nhiễm và chuyển biến dần để thành quả giải thoát.

28) Giới tướng ở đây là gì?

Giới tướng ở đây là năm điều giới, tám điều giới v.v… thuộc các loại Giới pháp năm giới, tám giới v.v…, tức là các giới điều như “không sát sinh”, “không trộm cắp”, “không nói dối” v.v…

29) Số lượng của giới tướng là cố định hay là vô lượng?

Nếu kể tương ưng theo Giới thể thì số lượng của giới tướng là vô lượng. Nếu tính theo từng loại Giới pháp riêng rẽ, thì số giới tướng cố định theo mỗi loại Giới pháp một. Như loại Năm giới thì số giới tướng cố định là năm, loại Tám giới thì số giới tướng cố định là tám, loại Mười giới thì số giới tướng cố định là mười v.v…

30) Tại sao số lượng giới tướng tương ưng theo Giới thể lại là vô lượng?

Vì Giới thể chính là tâm thanh tịnh giải thoát, mà thanh tịnh và giải thoát ở đây là đối với tất cả các cảnh hữu tình cũng như vô tình đều không khởi lên các nghiệp ác ô nhiễm tham sân si, nên giải thoát khỏi mọi bám trước vào các cảnh ấy, nhờ không bám trước vào các cảnh nữa nên không gây tổn hại cho các cảnh. Sự không gây tổn hại cho các cảnh, hay nói cách khác là sự không tạo tội ác đối với các cảnh, chính là giới tướng. Như vậy có bao nhiêu cảnh thì đối với tâm thanh tịnh giải thoát này, tức là Giới thể, cũng sẽ có bấy nhiêu giới tướng. Mà cảnh hữu tình và vô tình vốn là vô lượng, do đó đối với Giới thể số lượng của giới tướng là vô lượng.

31) Nếu vậy một khi chúng ta đã đắc Giới thể rồi, đúng lý ra chúng ta phải trì giữ vô lượng giới tướng, chứ tại sao lại chỉ trì giữ một số giới tướng cố định như năm giới hay tám giới mà thôi?

Bởi vì Giới thể mà chúng ta đắc được chỉ mới ở giai đoạn chủng tử hay nhân mà thôi, tâm của chúng ta vẫn là tâm phiền não chứ chưa phải là tâm thanh tịnh giải thoát, thế nên chúng ta không thể nào trì giữ được hết vô lượng giới tướng, mà khả năng của chúng ta chỉ có thể trì giữ được một số giới tướng chính và quan trọng nào đó như năm giới hay tám giới mà thôi.

32) Vậy ai có thể giữ được vô lượng giới tướng?

Chỉ có Phật (và chư đại Bồ tát), vì tâm của ngài hoàn toàn thanh tịnh và giải thoát đối với tất cả các cảnh, thế nên Phật không cần phải ra công trì giữ mà tự nơi tâm ngài lúc nào cũng sẵn có đầy đủ vô lượng giới rồi.

Các bậc thánh A la hán, tâm các ngài hoàn toàn giải thoát khỏi căn bổn phiền não tham sân si, thế nên nơi các ngài cũng có đủ vô lượng giới, song vô lượng giới ở đây chỉ thuộc về nhiếp luật nghi giới mà thôi. Vì thiếu đại bi tâm cứu độ tất cả chúng sinh, nên các ngài không có được vô lượng giới thuộc hai tụ giới nhiếp thiện pháp giới và nhiêu ích hữu tình giới. Còn chư Phật và chư đại Bồ tát thời có đủ vô lượng giới thuộc về cả ba tụ tịnh giới.

33) Trong các loại Giới pháp có các giới tướng chính trùng với nhau, thí dụ như giới tướng “không sát sinh”, vậy khi đã thọ Năm giới rồi mà trong đó có giới không sát này, thì khi thọ Tám giới sau đó có được miễn khỏi phải cần thọ lại giới không sát này hay không?

Không được. Bởi vì giới tướng không sát sinh của Năm giới và giới tướng không sát sinh của Tám giới không phải là một. Tại sao vậy? Vì Giới thể của Năm giới và Giới thể của Tám giới vốn khác nhau, như câu hỏi 25 đã có nói, nên các giới tướng của hai loại giới đó cũng khác với nhau.

34) Khi nói thọ giới là chúng ta thọ Giới thể hay thọ các giới tướng?

Là thọ cả hai, thọ đắc Giới thể là để chúng ta có được nhân chủng của Đạo, còn thọ lấy giới tướng là để chúng ta ra sức tu trì. Chính sự tu trì này là nghiệp lực thanh tịnh của Đạo, có công năng làm tăng trưởng và phát triển nhân chủng giới thể kia trở thành Đạo quả.

Song Giới thể vốn là nền tảng của Giới pháp nói chung, thế nên Giới thể luôn luôn là quan trọng hơn hết. Nếu chúng ta không đắc được Giới thể là coi như chúng ta không có giới, dù chúng ta có thực hành đến vô lượng giới tướng đi nữa thì cũng chỉ là làm điều thiện chứ không phải là trì giới, và sẽ không sao đạt đến Đạo quả được.

35) Theo như câu hỏi 27 thì số giới tướng của mỗi loại Giới pháp là cố định, vậy khi thọ giới có bắt buộc phải thọ đủ số giới tướng cố định ấy hay không? Thí dụ như khi thọ năm giới có bắt buộc phải thọ hết năm giới tướng hay không?

Không bắt buộc phải thọ hết các giới tướng, song ít nhất là phải thọ một giới.

36) Không thọ đủ năm giới tướng thì sao gọi là thọ Năm giới được?

Theo Nam sơn luật tông thọ giới chính yếu là đắc Giới thể. Khi thọ Năm giới, nếu chúng ta không đắc được Giới thể là coi như chúng ta chưa có giới, thì dù sau đó chúng ta có trì giữ đủ năm giới tướng đi nữa chúng ta vẫn không được coi là trì giới mà chỉ được coi là làm năm điều thiện mà thôi. Còn nếu như chúng ta đã đắc được Giới thể, thì dù chúng ta chỉ giữ một giới tướng chúng ta vẫn được coi là người thọ trì năm giới. Lại nữa phải đắc được Giới thể rồi thì năm điều “không sát sinh” v.v… kia mới trở thành giới được. Do đó có được Giới thể rồi mới thành được tư cách thọ giới, mới có được giới tướng để mà thọ nhận tu trì.

37) Tại sao không bắt buộc phải thọ đủ số giới tướng cố định?

Vì đắc Giới thể là có giới rồi, lúc đó mới tiến sang giai đoạn thực hành giới, tức giai đoạn thọ nhận giới tướng để trì giữ. Thực hành là trì giữ sao cho không vi phạm vào các giới tướng, nhờ đó mà Giới thể được thanh tịnh và tăng trưởng. Thế nên khi chọn giới tướng để thực hành thì được quyền chọn các giới tướng nào mà chúng ta có thể trì giữ được theo đúng khả năng và hoàn cảnh của chúng ta cho phép, chứ không bắt buộc phải giữ trọn hết mọi giới tướng. Nếu bắt buộc phải giữ các giới tướng vượt ngoài khả năng trì giữ của chúng ta thì chắc chắn chúng ta sẽ vi phạm vào các giới tướng ấy và làm ô nhiễm tổn hại Giới thể.

38) Tại sao không đợi đến khi nào chúng ta có thể trì giữ đủ cả năm giới tướng thì rồi hãy thọ giới?

Điều này không ai cấm cản, song hoàn cảnh của người tại gia đôi khi cả đời không cho phép chúng ta có thể thọ đủ cả năm giới tướng, thì suốt đời chúng ta không thọ giới hay sao? Vả lại cứ chờ đợi cho đến bao giờ đây một khi vô thường có thể đến bất cứ lúc nào. Và điều quan trọng hơn hết là thọ đắc Giới thể chứ không phải là đủ hay không đủ giới tướng.

Thật sự mà nói, trên nguyên tắc chỉ có hoàn cảnh của người xuất gia và môi trường của Tăng đoàn mới thuận lợi cho việc trì giới tướng được đầy đủ và trọn vẹn, vì vậy nên giới của các vị xuất gia mới được gọi là “cụ túc giới”.

Tính giới và già giới

39) Phải chăng tất cả các giới tướng đều là ngăn cấm làm các điều ác?

Đúng vậy. Song “ác” ở đây là nhìn theo quan điểm của con đường giải thoát xuất thế gian của Tiểu thừa, nghĩa là bất cứ pháp nào trói buộc chúng ta vào ba cõi luân hồi thì đó là “ác” pháp. Nếu nhìn theo quan điểm của thế gian thì trong giới những điều ác bị ngăn cấm đã đành rồi, mà có nhiều điều không ác cũng bị ngăn cấm luôn, thí dụ như uống rượu, trang điểm, hát múa v.v…

40) Vậy trong giới có phân ra hai loại ác như thế không?

Có. Những điều ác mà thế gian chấp nhận là ác thời trong Luật gọi là tính tội, có nghĩa là các việc ác mà chính ngay bản tính của chúng đã là tội ác rồi. Còn những điều “ác” mà thế gian không cho đó là ác song lại bị Giới luật ngăn cấm không cho làm, thì được gọi là già tội (già có nghĩa là ngăn cấm, ngăn chặn), có nghĩa là các điều này bản tính của chúng vốn không phải là tội ác, song vì chúng bị Giới cấm ngăn (già) nên chúng sẽ trở thành tội lỗi nếu chúng ta phạm vào.

Cũng có thể hiểu nghĩa già tội là các tội ác tuy bản tính không phải là ác, song chúng ngăn chặn (già) không cho người tu hành được tự tại trên con đường Đạo, chúng trì giữ người tu không cho thoát khỏi thế gian luân hồi này (như ham ăn ngon, mặc đẹp, trang điểm v.v…), và chúng dễ đưa đến các tội ác thuộc tính tội (như uống rượu say mà thành sát sinh v.v…).

41) Các giới nào thuộc tính tội và các giới nào thuộc già tội?

Các giới thuộc tính tội được gọi là tính giới, theo Năm giới mà kể ra thì đó là các giới sát sinh, trộm cắp, vọng ngữ và tà dâm; theo Tám giới mà kể ra thì đó là các giới sát sinh, trộm cắp, vọng ngữ và dâm dục.

Các giới thuộc già tội được gọi là già giới, theo Năm giới mà kể ra thì đó là giới uống rượu; còn theo Tám giới mà kể ra thì đó là các giới trang điểm, nằm giường cao rộng, ca múa nhạc và ăn phi thời.

Tuy phân ra như thế, song chúng ta đừng quên rằng theo tinh thần của giới luật thì tính tội cũng có luôn tính chất của già tội. Có nghĩa là theo quan điểm của giới thì tính tội có đến hai tội : một là tội tự bản chất (tức tính tội), hai là tội do bị giới cấm làm (tức già tội). Do đó tính giới cũng có luôn cả ý nghĩa già giới trong nó.

Hóa giáo & chế giáo

42) Giới pháp và giáo pháp khác nhau ra sao?

Giới pháp và giáo pháp đều là Pháp do đức Phật nói ra. Song trong Luật phân ra làm hai loại và gọi Giới pháp là chế giáo, vì đây là các giới pháp do chính đức Phật chế lập ra dùng làm khuôn phép cho người xuất gia y theo đó mà hành trì, giữ cho thanh tịnh không được phạm vào, cốt là để thoát ra khỏi vòng luân hồi của thế gian chứng đắc Niết bàn, thế nên chế giáo còn được gọi là hành giáo.

Còn giáo pháp của đức Phật nói chung thì Luật gọi là hóa giáo, nhằm để giáo hóa mọi chúng sinh bất kể là xuất gia hay tại gia, khiến cho họ hiểu ra được chân lý và phát tín tâm chân chính vào chân lý ấy, rồi tuỳ theo duyên mà thực hành.

Tóm lại, chế giáo thuộc về phương diện thực hành, dành cho những người xuất gia tìm giải thoát; còn hóa giáo thuộc về phương diện lý thuyết, dù chưa phải là người xuất gia cũng đều được phép lắng nghe để tìm hiểu và tin tưởng.

43) Chế giáo là những pháp nào và hóa giáo là những pháp nào?

Trong ba tạng kinh điển thì trọn cả một tạng Tỳ ni hay Luật tạng là thuộc về chế giáo, ngoài ra các phần nói về giới luật trong các Kinh và Luận cũng thuộc về chế giáo. Còn các pháp như thập thiện, tứ niệm xứ, từ hoằng thệ nguyện v.v… được giảng nói trong Kinh tạng và Luận tạng là thuộc về hóa giáo.

44) Nếu nói chế giáo, tức giới luật, chỉ dành riêng cho người xuất gia, vậy Năm giới và Tám giới của người tại gia có thuộc về chế giáo hay không? Hay lại thuộc về hóa giáo?

Giới luật, tức chế giáo, vốn là con đường Thánh đạo do đức Phật chế lập ra là cốt để cho người xuất gia phụng trì tuân hành. Tại sao vậy? Bởi vì con đường Thánh là con đường thoát ra khỏi ba cõi luân hồi, mà ái dục là gốc rễ của luân hồi, gia đình lại là ổ chính của ái dục, thế nên muốn thực hành đi theo con đường Thánh ấy thì bắt buộc phải ra khỏi gia đình, tức là xuất gia. Vì vậy Giới luật hay chế giáo, vốn là nền tảng của con đường Thánh đạo, nên chỉ dành riêng cho những người xuất gia muốn đạt đến giải thoát chứng đắc Niết bàn mà thôi.

Năm giới và Tám giới tuy cũng được gọi là giới, cũng có đủ các tính chất của giới và cũng cùng các nguyên tắc về trì phạm, song vì là các loại giới dành riêng cho người tại gia, vẫn chưa dứt khóat hướng thẳng đến con đường xuất gia để ra khỏi luân hồi, thế nên không được kể là chế giáo mà vẫn bị coi là hóa giáo.

Cho dù trong Tám giới có cấm hẳn dâm dục, song cũng chỉ là tạm thời trong một giai đoạn ngắn ngủi là một ngày một đêm, thế nên Tám giới này cũng như Năm giới vẫn chỉ là các phương tiện tạm thời để dẫn dắt dần dần các chúng sinh tại gia vào con đường Thánh đạo xuất gia giải thoát mà thôi.

45) Như vậy phải chăng Đạo chỉ có nghĩa là con đường xuất gia?

Đúng vậy, mà chính xác hơn nữa, chỉ khi nào người xuất gia đúng như pháp thọ cụ túc giới xong xuôi, Giới thể tỳ khưu thành tựu, thì lúc ấy mới là bắt đầu con đường Thánh đạo giải thoát. Nhưng ngoại đạo cũng xuất gia, cũng có giới của họ, thế nên nghĩa xuất gia ở đây còn phải là nghĩa quy y về  với Tam bảo, có đức Phật làm bậc đạo sư, mục tiêu là thành tựu viên mãn sự thanh tịnh cá nhân, tức nhổ hết mọi gốc rễ của tham sân si, chứng thánh quả, đắc Niết bàn, diệt tận hết mọi đau khổ của luân hồi.

Ngoài ra, theo Đại thừa, thì Bồ tát vì để cứu độ chúng sinh mà phương tiện sống cuộc sống tại gia trong ái dục, thì đó chính là con đường Đạo. Tại sao vậy? Chúng ta có thể nói rằng bắt đầu của con đường thánh đạo giải thoát là ngay khi mà Giới thể hay bản thể của Tỳ khưu thành tựu. Còn bắt đầu của con đường bồ tát đạo là ngay khi Giới thể hay bản thể của Bồ tát thành tựu, tức khi phát Bồ đề tâm thọ ba tụ tịnh giới. Thế nên đối với Đại thừa, một khi Bồ đề tâm thành tựu rồi là bắt đầu ở trên con đường Đạo dù là không xuất gia đi nữa.

Mộc xoa giới, định cộng giới & đạo cộng giới tĩnh lự luật nghi & vô lậu luật nghi

46) Nếu bảo rằng chế giáo là thực hành và hóa giáo là lý thuyết, vậy khi một người tu tập tứ niệm xứ chẳng hạn thì người ấy có được coi là thực hành con đường Thánh đạo giải thoát hay không? Hay cũng chỉ là thực hành Bồ tát đạo mà thôi?

Nếu một người không thọ giới, không quy y Tam bảo, không xuất gia, không thực hành giới luật, mà áp dụng tu hành thẳng các phương pháp thiền định trong hóa giáo, thì đó chỉ là một người phàm lấy trộm giáo lý của đức Phật mà tu theo ý riêng của mình, họ tu như thế là đi theo con đường riêng lệch lạc của họ, chứ họ không có tư cách gì của Tỳ khưu hay của Bồ tát, nên cũng không sao có được con đường giải thoát hay con đường bồ tát để mà thực hành đi theo. Tại sao vậy? Bởi vì người ấy không quy y thọ giới, nên không sao đắc được Giới thể của Tỳ khưu hay Bồ tát, không đắc được Giới thể nên họ không có được chủng tử của giải thoát hay thành Phật, không có được các chủng tử này thì dù họ có ra công tu tập các pháp của hóa giáo đến đâu đi nữa họ cũng không đắc được Niết bàn hay Phật quả, tức có nghĩa là họ không sao có được con đường giải thoát hay bồ tát để mà đạt đến kết quả.

Nhưng nếu một người là Tỳ khưu xuất gia hoặc cư sĩ tại gia mà có thọ giới, có quy y Tam bảo, song thay vì thực hành giới, vị ấy chuyên tu về thiền định. Nếu vị này tinh tiến đắc thiền định thì vị này vẫn được coi là có thực hành chế giáo chứ không phải chỉ thực hành hóa giáo mà thôi, nghĩa là vị ấy vẫn có đắc được Giới thể qua sự chứng đắc thiền định của mình.

Hoặc bất cứ ai, dù xuất gia tỳ khưu hay tại gia cư sĩ có thọ giới hay không thọ giới, song do vì nghe đức Phật thuyết pháp mà tỏ ngộ, phát sinh “đạo nhãn” thanh tịnh, thì người này coi như là có thực hành chế giáo, vì người ấy có đắc được Giới thể qua sự chứng đắc “đạo nhãn” của mình.

Còn bất cứ ai không thực hành con đường thánh giải thoát khỏi luân hồi, vẫn ngụp lặn trong luân hồi mà muốn nhận là mình thực hành con đường bồ tát cứu độ chúng sinh, thì người ấy bắt buộc phải đắc cho được Giới thể, hay nói cách khác là bản thể của Bồ tát, tức là Bồ đề tâm với ba tụ tịnh giới, chứ không thể tự ý nhận bừa được.

47) Tại sao thiền định và đạo nhãn lại đắc được Giới thể?

Giới thể có công năng là “phòng phi chỉ ác”, tức chặn đứng lại mọi hành vi tội ác của thân và khẩu, mà khi một hành giả đắc thiền định hay đắc đạo nhãn thanh tịnh tức vô lậu trí, thì lúc ấy trong tâm hành giả phát sinh ra công năng “phòng phi chỉ ác” chặn đứng lại hết mọi hành vi tội lỗi của thân khẩu, tương đương với công năng của Giới thể, thế nên hành giả được coi như đắc Giới thể.

48) Có tên gọi gì cho ba loại Giới thể ấy không?

Giới thể do thực hành đúng pháp thức thọ giới mà đắc được, thì vì giới ở đây là Ba la đề Mộc xoa , thế nên Giới thể này được gọi là Ba la đề mộc xoa giới hay vắn tắt hơn là mộc xoa giới.

Giới thể đắc được do thiền định được gọi là định cộng giới, nghĩa là giới có cùng với thiền định, hay còn gọi là tĩnh lự luật nghi. Tĩnh lự có nghĩa là yên tĩnh suy xét, là nghĩa chính của chữ “thiền” (dhyàna).

Giới thể đắc được do đạo nhãn hay trí vô lậu được gọi là đạo cộng giới, nghĩa là giới có cùng với đạo nhãn, hay còn gọi là vô lậu luật nghi. Vô lậu có nghĩa là không có các phiền não. Còn Luật nghi là đồng nghĩa với Giới thể vậy

49) Có gì sai khác nhau giữa ba loại Giới thể trên hay không?

Có thể nói rằng Giới thể do thọ giới mà đắc được, tức mộc xoa giới vốn là chủng tử, trong khi định cộng giới và đạo cộng giới là kết quả nhất thời do nỗ lực chứng đắc thiền định và trí vô lậu mà có được. Vì là chủng tử cho nên mộc xoa giới vốn nằm trong tâm phiền não và cùng có đồng thời với tâm phiền não hữu lậu này, như hạt giống hoa sen nằm ở trong bùn. Trong khi định cộng giới và đạo cộng giới là  khi mà tâm phiền não hữu lậu do bị năng lực của thiền định và trí vô lậu đối trị nên ngay trong lúc ấy tạm đứt đoạn, nhờ đó mà Giới thể thành tựu; vì thế hai loại giới này không thể đi cùng hay có cùng lúc với tâm phiền não hữu lậu được, cũng như thức thì không có ngủ mà ngủ thì không có thức. Do đó khi xuất định hay xả trí vô lậu để trở về với tâm phiền não hàng ngày thì hai giới này sẽ bị mất, trong khi mộc xoa giới hoạt động ngay trong tâm phiền não cho đến bao giờ thành quả tức là lúc phiền não tận diệt và hoàn toàn giải thoát.

Hai giới định và đạo là do nghiệp của tâm lực và trí lực mà thành. Còn mộc xoa giới là do nghiệp của nguyện lực thọ giới cùng với hai nghiệp của thân và khẩu theo đúng pháp thức thọ giới mà thành. Nghĩa là hai giới kia chỉ thuộc về ý nghiệp, còn mộc xoa giới thì gồm luôn cả ba nghiệp.

Mộc xoa giới do đức Phật chế lập ra để tiếp độ chúng sinh, nên : 1/ chỉ vào thời nào có Phật mới có; 2/ chỉ có đệ tử Phật mới có; 3/ là nền tảng của Thánh đạo và là nơi nương tựa để hành trì cho cả bẩy chúng đệ tử Phật; 4/ là do nơi từ tâm của đức Phật truyền đến cho chúng sinh nên là nhân chính của Đạo. Trong khi hai giới kia thì : 1/ thời không có Phật cũng có được; 2/ ngoại đạo cũng có được định cộng giới, Độc giác phật cũng có được đạo cộng giới; 3/ là do tâm tự lợi mà thành nên không thể truyền lại làm nhân Đạo cho chúng sinh được; 4/ và do đó không có công năng độ được chúng sinh.

Ngoài ra, hai giới kia chỉ áp dụng được nơi tâm, còn mộc xoa giới áp dụng vào tất cả các pháp hữu tình cũng như vô tình.

Về thập thiện – Thiện và giới

50) Thập thiện là gì?

Thập thiện là không làm mười điều ác, do không làm mười điều ác ấy nên được gọi là mười điều thiện. Mười điều ác này do ba nghiệp thân khẩu ý tạo ra, nên được phân theo ba nghiệp như sau :

Thân nghiệp có ba điều ác là : 1/ sát sinh, 2/ trộm cắp, 3/ tà dâm.

Khẩu nghiệp có bốn điều ác là : 1/ vọng ngữ, 2/ nói hai lưỡi (lưỡng thiệt), 3/ ác khẩu, 4/ nói tầm phào vô ích (ỷ ngữ).

Ý nghiệp có ba điều ác là : 1/ tham dục, 2/ sân hận, 3/ tà kiến.

Nơi ba nghiệp của mình mà không làm mười điều ác trên thì gọi là thực hành mười điều thiện.

51) Thập thiện có phải là giới hay không?

Không phải hễ cứ là việc thiện thì đồng thời có nghĩa là giới, mà chỉ có các thiện pháp thuộc về Luật nghi mới được coi là giới. Do đó thập thiện chỉ là thiện thôi chứ không phải là giới.

52) Các thiện pháp thuộc về Luật nghi là các pháp nào?

Là năm giới tướng, tám giới tướng cũng như các giới tướng của Mười giới và Cụ túc giới.

53) Nếu vậy trong thập thiện cũng có các điều giống như các giới tướng này, tại sao lại không được coi là giới?

Vì như trên đã nói, thập thiện không thuộc về Luật nghi.

54) Thế nào là thiện thuộc về Luật nghi?

Luật nghi là các quy tắc của giới luật. Thuộc về Luật nghi  cần phải có các điều kiện sau đây :

1/ Khi giới luật bảo “không được sát sinh” thì coi như điều thiện “không sát” ấy thuộc về Luật nghi. Còn  các điều thiện  nào mà giới luật không nói đến thì đều không thuộc về Luật nghi, thí dụ như bố thí hay có hiếu với mẹ cha v.v…

2/ Quy tắc của giới luật bắt buộc phải nguyện không sát sinh như thế trong khoảng một thời gian cố định nào đó, như suốt đời hay trong một ngày một đêm; và phải nguyện đối với tất cả các cảnh giới chúng sinh đều không được sát, thì điều “không sát” kia mới là thuộc về Luật nghi. Do đó cho dù chúng ta có thực hành điều thiện “không sát sinh” kia đi nữa, mà nếu chúng ta không có nguyện làm trong khoảng một thời gian cố định nào đó và không nguyện làm đối với tất cả chúng sinh, thì coi như việc làm “không sát sinh” của chúng ta chỉ là thiện chứ không phải thuộc về Luật nghi.

3/ Qui tắc của giới luật bắt buộc rằng là dù chúng ta đã có nguyện “không sát sinh” trong một thời hạn cố định và không sát đối với tất cả mọi cảnh giới chúng sinh, song chúng ta còn phải thực hiện pháp thức thọ giới để đắc được Giới thể xong xuôi, lúc bấy giờ điều “không sát sinh” kia mới thật sự là thuộc về Luật nghi. Thế nên cho dù chúng ta có thệ nguyện “không sát sinh” trong khoảng thời gian cố định nào đó và không sát đối với tất cả chúng sinh, nhưng nếu chúng ta không trải qua các nghi thức thọ giới để có được Giới thể, thì coi như chúng ta vẫn chỉ là làm điều thiện chứ không phải là hành giới.

Tóm lại, các điều thiện thuộc về Luật nghi là các giới điều được ghi trong Giới luật, thuộc về các tâm nguyện có hạn kỳ cố định và đối với mọi cảnh giới chúng sinh, và phải trải qua pháp thức truyền thọ Giới thể để mà thọ nhận.

55) Như vậy phải chăng chúng ta không được tự tiện tự chế lập giới luật lấy? Và nhất nhất phải tuân theo giới luật mà thực hành không thêm không bớt?

Đúng vậy. Giới luật chỉ có một mình đức Phật mới chế lập được. Tại sao vậy? Vì mục tiêu chế giới của đức Phật là để truyền tâm phật viên mãn thanh tịnh giải thoát của ngài vào trong tâm phiền não mê mờ của chúng sinh để thành một chủng tử giải thoát cho chúng sinh. Do đó nếu chúng ta chưa phải là Phật thì chúng ta lấy tâm phật ở đâu ra mà truyền lại cho người khác, và làm sao chúng ta biết rõ được là phải truyền lại bằng một cách thức như thế nào và bằng những pháp như thế nào đây? Do đó đối với giới luật, chúng ta không được quyền tự tiện chế giới mà phải y đúng theo giới luật mà phụng trì.

56) Nếu vậy còn biết bao điều thiện tốt đẹp khác ngoài giới luật, chúng ta bỏ đi không làm hay sao? Và nếu đúng vậy thì Giới đâu còn là thiện viên mãn nữa !?

Đối với tinh thần Giới luật, thiện có nghĩa là giải thoát khỏi mọi luân hồi đau khổ, nó gồm có con đường giải thoát, tức chính là sự thực hành Giới, và kết quả giải thoát, tức là Niết bàn. Các điều thiện tốt đẹp khác ngoài Giới luật đều không phải là con đường đưa đến quả giải thoát niết bàn thì sao lại gọi là thiện được. Các điều thiện và ác của thế gian này đều là các năng lực trói chặt chúng sinh trong luân hồi, ngăn chặn con đường giải thoát, thế nên cả thiện và ác đó của thế gian đối với Giới đều có nghĩa là ác. Do đó Giới là thiện viên mãn ở chỗ Giới là con đường giải thoát khỏi mọi điều ác lôi kéo chúng sinh vào các cảnh giới luân hồi thuộc địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, và mọi điều ác (mà thế gian gọi là thiện) lôi kéo chúng sinh vào các cảnh giới luân hồi thuộc người, trời, cõi thiền, cõi định.

57) Vậy một người theo đạo Phật thì chỉ thực hành giới thôi chứ không thực hành thiện hay sao?

Vì Giới là Thánh đạo giải thoát, thế nên không phải ai cũng có thể thực hành được, vì vậy trong khi dự tập, tức trong giai đoạn tại gia, để rồi có thể thực hành được Giới, chúng ta cần phải làm các điều thiện kèm theo với các Giới tại gia.

Với một bậc thánh thì Giới là con đường thực hành duy nhất của các ngài, các điều thiện dưới con mắt chính kiến của các ngài chỉ là các pháp ô nhiễm thuộc luân hồi, các ngài có làm đi nữa thì chỉ là tuỳ thuận theo nhân duyên mà làm thôi, và cứ thế chờ đợi cho các nhân duyên đó chấm dứt mà nhập thẳng vào vô dư Niết bàn, đó mới là công việc cao cả duy nhất mà các ngài sống đó để mà làm.

Ngoài ra theo con đường Bồ tát đạo, thì không phải chỉ các điều thiện thuộc luật nghi mới là Giới luật, mà cho đến tất cả mọi điều thiện thuộc thế gian cũng đều thuộc về Giới luật của Bồ tát phải hành trì, tức là tụ tịnh giới thứ hai nhiếp thiện pháp giới. Do đó con đường đạo của Bồ tát là phải thực hành luôn cả tất cả mọi điều thiện của thế gian nữa, nhưng bắt buộc phải là trên căn bản của Giới thể bồ đề tâm, thì các thiện thế gian ấy mới đủ tư cách để trở thành Giới, tức thành con đường Đạo được.

58) Thập thiện có thể chuyển thành Giới được hay không?

Được. Vì bẩy chi đầu của thập thiện (tức ba chi thuộc thân sát, trộm, dâm, và bốn chi thuộc khẩu vọng, hai lưỡi, ác khẩu, ỷ ngữ) không khác gì với bốn giới chính trong Giới pháp (tức sát, trộm, dâm, vọng), thế nên khi thọ giới đắc Giới thể rồi, thì nơi giới vọng phát nguyện giữ thêm ba chi hai lưỡi, ác khẩu, ỷ ngữ nữa là thành bẩy chi của thập thiện.

Riêng ba chi sau là tham, sân, tà kiến, vì thuộc về ý nên Giới không bắt phải thực hành (vì sự đối trị tâm này trong ba học Giới Định Huệ là thuộc về giai đoạn Thiền định chứ không phải thuộc giai đoạn Giới).

Còn đối với Bồ tát đạo, thì thập thiện vốn cũng là Giới, song thuộc về tụ giới nhiếp thiện pháp giới của Bồ tát.

Ác giới – ác luật nghi

59) Giới có ác giới hay không?

Khi Giới có nghĩa là “bản tính” thì Giới vừa chỉ cho tính thiện mà vừa chỉ luôn cho tính ác. Như vậy trong nghĩa Giới là có luôn cả Giới ác. Giới ác còn được gọi là ác luật nghi, các hạng đồ tể, thợ săn, giết mướn, cai ngục chuyên tra tấn v.v…, cũng như những kẻ chuyên làm việc sát hại được gọi là những kẻ thọ ác giới hay là những kẻ trì ác luật nghi. *

B- Các Pháp thức về quy giới

B1- Tam quy

Định nghĩa

1) Tam quy là gì?

Tam là ba, chỉ cho Tam bảo là ba bảo vật hay ba ngọc báu hiếm có và quý giá bậc nhất, tức Phật, Pháp và Tăng. Quy là quy y, nghĩa là quay về nương tựa. Tam quy là quay trở về nương tựa vào Tam bảo.

2) Tại sao theo Đạo phật lại dùng nghĩa là quay trở về nương tựa?

Vì Tam bảo chính là nơi mà chúng ta phải tìm đến để được bảo bọc che chở, và muốn có được sự bảo bọc ấy chúng ta phải nương tựa hoàn toàn vào Tam bảo, phải an trú luôn ở trong Tam bảo không bao giờ lià xa.

Bảo bọc chúng ta đối với những đe dọa và nguy hiểm nào? Những đe dọa và nguy hiểm của luân hồi. Chúng ta bị dính chặt trong luân hồi, chìm đắm trong luân hồi, có thể phải chịu mọi nguy hiểm của luân hồi như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, phải mang thân vô thường, phải chịu bệnh khổ, phải chịu sự chết, phải chịu nô lệ vào các thụ hưởng vô nghĩa, chịu mọi thế lực của tham sân si đàn áp và chi phối từ bên ngoài vào đến bên trong, không một phút giây nào được tự tại ! Để có được sự che chở và bảo vệ cho chúng ta trước các nguy hiểm ấy, chúng ta phải quay hướng về Tam bảo, tìm đến đó mà nương tựa vững chắc vào đó.

Do đó đi theo Đạo phật có nghĩa là hoàn toàn xả bỏ thế gian này để quay hướng về con đường Đạo mà đầu đường là sự quy y Tam bảo.

Phiên tà tam quy

3) Quy y không thôi mà chưa có thọ giới thì gọi là gì? Thì gọi là phiên tà tam quy.

4) Phiên tà nghĩa là gì?

Phiên là lật ngược lại, quay ngược lại; tà là chỉ cho bốn Ma, tức bốn năng lực chính chi phối toàn thể cuộc sống luân hồi, đó là : 1/ thiên ma, 2/ ngũ ấm ma, 3/ phiền não ma, 4/ tử ma. Quy y về Tam bảo là nương về Tam bảo để phản ngược lại hay lật ngược lại các năng lực của bốn Ma, nên gọi là phiên tà tam quy.

5) Quy y như thế là đã bước chân vào con đường Đạo rồi hay chưa?

Con đường Đạo chính là Giới, thế nên chỉ quy y thôi mà chưa thọ giới thì coi như là chưa thật sự bước chân vào con đường Đạo, mà chỉ mới là bỏ con đường cũ, tức con đường luân hồi của bốn Ma, để quay hướng về con đường mới, tức con đường thánh giải thoát của Giới. Nên Tam quy này mới được gọi là phiên tà.

Thọ giới tam quy

6) Vậy Tam quy mà có thọ giới thì được gọi là gì?

Được gọi theo tên của loại Giới pháp mà chúng ta thọ. Như Tam quy khi chúng ta thọ Năm giới thì gọi là Tam quy năm giới, khi thọ Tám giới thì gọi là Tam quy tám giới, khi thọ Mười giới thì gọi là Tam quy mười giới.

7) Như vậy mỗi lần thọ giới đều phải có tam quy hay sao?

Bắt buộc phải như vậy. Tại sao? Vì Tam quy để thọ Giới chính là ý nghĩa thọ nhận tâm thể thanh tịnh giải thoát của đức Phật truyền vào trong tâm phiền não của chúng ta để trở thành chủng tử giải thoát cho chúng ta và được gọi là Giới thể. Có Giới thể rồi thì mới được coi là có Giới, mà Giới thể có được là phải nhờ vào pháp thức Tam quy. Do đó cứ mỗi lần thọ một loại Giới pháp là mỗi lần đều phải có Tam quy riêng của loại Giới pháp ấy.

Pháp thức tam quy

8) Pháp thức Tam quy ra làm sao? Và có khác gì nhau giữa các loại Tam quy ấy hay không?

Các loại Tam quy đều có cùng một pháp thức thực hành như sau :

1/ Hai gối quỳ xuống, hai tay chắp lại, đối trước vị Giới sư.

2/ Lặp lại theo lời vị Giới sư ba lần như sau : “Con tên là …. suốt đời quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”

3/ Sau cùng nói ba lần kết thúc như sau : “Con tên là … suốt đời quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, quy y Tăng rồi”

9) Phiên tà tam quy không thôi có đắc Giới thể hay không?

Phải là Tam quy khi thọ giới thì mới đắc Giới thể, phiên tà tam quy là chỉ tam quy không thôi, nên chỉ đắc được thiện pháp, chứ không có Giới thể để mà đắc.

10) Khi thọ Tam quy có bắt buộc phải nói theo Giới sư một cách rõ ràng rành mạch và chính xác hay không?

Bắt buộc. Vì nếu không nói ra, hoặc nói không đầy đủ, không xưng tên, hay không hiểu rõ lời nói của Giới sư, đều không thành Tam quy. Tại sao vậy? Bởi vì ngữ nghiệp có tác dụng nhằm xác nhận một hiện trạng nào đó của tâm mình công khai trước công chúng, nhờ đó hiện trạng ấy được chính thức trở thành hiện thực, tức là thành tựu. Thí dụ một người muốn ăn kẹo (tức ý nghiệp), người ấy đưa tay cầm lấy viên kẹo (tức thân nghiệp), song nếu người ấy chưa nói ra thành lời rõ ràng với mọi người là “tôi muốn ăn kẹo” (tức khẩu nghiệp), thì cái hiện trạng muốn ăn kẹo của tâm người ấy chưa được chính thức xác nhận công khai đối với mọi người, và do đó người ấy chưa phải thật sự là “người muốn ăn kẹo”. Dù người ấy có nói ra, nhưng lại nói lộn, nói không rõ ràng, không nói rõ là “tôi” muốn, thì cái hiện trạng mình muốn ăn kẹo vẫn không thành tựu được. Chỉ khi nào người ấy nói ra một cách rõ ràng chính xác trước công chúng hay chỉ cần trước một người làm chứng là coi như cái bản thể “muốn ăn kẹo” của người ấy hoàn toàn thành tựu, và người ấy thật sự và chính thức trở thành “người muốn ăn kẹo”.

Thọ Tam quy cũng như vậy, cần phải dùng ngữ nghiệp nói lên tên mình và lời Tam quy cho rõ ràng không lầm lộn, thì bản thể Tam quy mới thành tựu được. Do đó cần phải có một Giới sư hướng dẫn để cho lời nói Tam quy khỏi bị mập mờ lầm lẫn và Giới sư như thế cũng kiêm luôn là người làm chứng, chứng nhận cho bản thể Tam quy của mình được chính thức và công khai thành tựu.

11) Bản thể Tam quy này có phải là Giới thể hay không?

Khi thọ giới thì bản thể Tam quy này chính là Giới thể.

12) Quy y một Bảo không thôi có đắc Giới thể được không?

Trong Luật có ghi lại nhiều trường hợp đắc Giới thể một cách đặc biệt, song đó chỉ là các trường hợp ngoại lệ. Còn cứ đúng theo Luật thì quy y là phải quy y đủ Tam bảo mới đúng nghĩa là quy y và mới đắc Giới thể được.

Tâm nguyện thọ giới – tư ý nghiệp

13) Pháp thức quy y chỉ áp dụng cho hai nghiệp thân và khẩu thôi hay sao?

Đúng vậy. Song hai nghiệp thân và khẩu chỉ được coi như là “công cụ” của Ý nghiệp. Bản tính của thân và khẩu vốn là vô ký, không phải thiện cũng chẳng phải Đạo, chẳng biết gì là quy y, nhưng một khi ý nghiệp hoạt động, thì Ý nghiệp ấy sẽ sách động hay sử dụng hai nghiệp thân khẩu để hành sử sao cho thỏa mãn được ý muốn của nó. Và nếu Ý nghiệp là thiện thì hai nghiệp thân khẩu sẽ là thiện, nếu Ý nghiệp là ác thì hai nghiệp thân khẩu sẽ là ác, nếu Ý nghiệp là Đạo thì hai nghiệp thân khẩu sẽ là Đạo.

Do đó, do vì Ý nghiệp muốn quy y thế nên nó mới phát động thân khẩu hoạt động sao cho thành tựu ý muốn quy y này của nó. Pháp thức quy y là các cách thức đúng đắn nhất giúp cho hai nghiệp thân khẩu thành tựu được ý muốn quy y này.

Song chúng ta đừng nên quên là ý nghiệp gồm hai loại : một là Ý nghiệp chính và căn bản được gọi là Tư (cetana), tức là “ý muốn”, là Ý nghiệp được nói đến ở đây; hai là ý nghiệp thông thường tức các hoạt động của tâm ý đi kèm theo với hai nghiệp thân và khẩu. Có nghĩa là khi Ý nghiệp chính là Tư phát động hai nghiệp thân và khẩu tạo tác thì đồng thời nó cũng thúc đẩy ý nghiệp hoạt động kèm theo để hướng dẫn hai nghiệp kia hoạt động cho được chính xác và thông suốt để đưa đến kết quả đúng như nó muốn.

14) Tư ý nghiệp chỉ là ý muốn thọ giới thôi hay sao?

Đúng vậy. Song phải hiểu “muốn” thọ giới ở đây không phải là muốn thọ điều giới tướng này hay thọ điều giới tướng kia, mà là muốn thọ nhận được phần pháp thể thanh tịnh và giải thoát từ tâm giác ngộ của đức Phật truyền sang tâm phiền não và vô minh của chúng ta, được gọi là Giới thể. Muốn thọ Giới có nghĩa là muốn thọ Giới thể, chứ không phải là giới tướng.

15) Vậy tại sao lại có thêm phần thọ giới tướng?

Giới thể chỉ mới là nhân chủng của Đạo, còn phải tu trì vun xới thì nhân chủng ấy mới phát triển mà thành Đạo quả được. Do đó, muốn thọ giới có nghĩa là muốn có Giới thể để mà thực hành tu trì. Và phần thực hành tu trì này là phần thọ nhận các giới tướng để mà thực hành tu dưỡng và trì giữ nhân chủng Giới thể cho đến khi thành quả.

16) Giới thể này hay phần pháp thể thanh tịnh giải thoát của tâm đức Phật có phải là một sự vật cụ thể như chiếc y hay bình bát để có thể truyền trao lại cho chúng ta một cách rõ ràng cụ thể hay không? Hay phải truyền trao bằng cách nào?

Không phải vậy. Giới thể này vốn là tâm của Phật, nên khi truyền sang chúng ta cũng là truyền sang tâm của chúng ta thọ nhận, nên không thể nào lại giản dị cụ thể như truyền lại một chiếc y hay một cái bình bát bằng cách tay trao tay được, mà cách truyền đạt chính là bằng cách đức Phật chế lập và nói lên Giới pháp cho tâm chúng ta tác ý mà thọ nhận đúng cách.

17) Vậy phần chúng ta thọ nhận đúng cách là ra làm sao?

Chúng ta thọ nhận Giới thể ấy qua Giới pháp bằng cách phải tin tưởng một cách chân thật thiết tha mà phát khởi lên một “ý muốn” thọ Giới thể, và phải vận tâm quán tưởng cho đúng cách. Rồi từ “ý muốn” ấy và từ cách vận tâm đúng pháp, chúng ta phải vận động hai nghiệp thân khẩu thực hiện đúng pháp thức Tam quy, lúc ấy Giới pháp này sẽ chuyển động nhập thẳng vào trong tâm chúng ta và trở thành Giới thể của chúng ta.

18) Ý muốn như thế nào là một “ý muốn” thọ Giới thể?

Đó là một ý muốn hoàn toàn thoát ly hay nói cách khác là hoàn toàn giải thoát.

Thoát ly hay giải thoát khỏi cái gì? Khỏi tất cả ba cõi luân hồi. Nói ba cõi luân hồi là chỉ cho tất cả pháp giới chúng sinh gồm y báo và chính báo. Y báo là tất cả các thế giới luân hồi, chính báo là tất cả các loài hữu tình.

Nói rõ ra là chúng ta phải có một “ý muốn” dứt khóat giải thoát ra khỏi tất cả mọi dính líu ràng buộc với tất cả mọi thế giới vô tình cũng như hữu tình.

Theo Đại thừa bồ tát đạo thì “ý muốn” thọ Giới thể là một ý muốn cứu độ tất cả các loài hữu tình trong tất cả các thế giới luân hồi đồng được giải thoát hay đồng được thành Phật cùng với mình.

Vận tâm quán tưởng để thọ giới

19) Cách vận tâm quán tưởng đúng pháp là như thế nào?

1/ Tức phải khởi tưởng lên tất cả các cảnh giới hữu tình và vô tình mà mình muốn thoát khỏi hay muốn cứu độ một cách rõ ràng tường tận như hiện ngay trước mặt mình.

2/ Đối với mỗi cảnh giới hữu tình hay vô tình ấy là một cảnh giới để mình giải thoát hay để mình cứu độ, có nghĩa là mỗi một cảnh giới ấy là một Giới pháp giải thoát hay một Giới pháp độ sinh của Phật truyền trao lại cho mình. Mà các cảnh giới ấy lại là vô lượng vô biên, thế nên Giới pháp của Phật là vô lượng vô biên. Do đó chúng ta phải vận tâm quán tưởng Giới pháp của Phật mà chúng ta sẽ thọ nhận là vô lượng vô biên ở khắp mọi nơi cùng hết pháp giới.

3/ Vì thế để thọ nhận hết tất cả Giới pháp ấy vào tâm mình, chúng ta phải vận tâm quán tưởng thân của mình biến rộng bao trùm hết hư không giới bất tận để không có một Giới pháp nào mà chúng ta lại không thọ nhận.

Khi tâm của chúng ta quán tưởng đúng như trên về cảnh giới chúng sinh vô lượng, về Pháp giới vô lượng và về thân của mình vô lượng thì gọi là vận tâm quán tưởng đúng cách.

Ba cách quán để đắc giới thể

20) Trong lúc thực hiện pháp thức Tam quy để đắc Giới thể, lúc ấy chỉ cần vận động có hai nghiệp thân và khẩu thôi hay sao? Còn ý nghiệp thì cứ để tự nhiên hay phải hoạt động như thế nào?

Ý nghiệp lúc đó không được để tự nhiên mà phải biết cách quán tưởng kèm theo với hai nghiệp thân và khẩu như sau :

1/ Khi nói Tam quy lần thứ nhất, người thọ giới phải quán tưởng tất cả các Giới pháp ở khắp pháp giới do lực của tâm nguyện muốn thọ giới của mình lôi kéo mà bắt đầu chuyển động hướng về chỗ giới tràng của mình.

2/ Khi nói Tam quy lần thứ hai, người thọ giới quán tưởng tất cả các Giới pháp ấy đều tụ về hết trong hư không ngay trên đỉnh đầu của mình như một tàng mây lớn hay như một lọng che khổng lồ.

3/ Khi nói Tam quy lần thứ ba, người thọ giới quán tất cả các Giới pháp từ trên hư không rót xuống qua đỉnh đầu mình thẩm nhập vào trong thân tâm mình, tràn ngập chính báo. Với ba pháp quán này thuộc ý nghiệp, thì khi giới tử vừa nói dứt xong lần Tam quy thứ ba là đắc được Giới thể.

Tam kết & linh tinh

21) Phần kết thúc Tam quy là để làm gì?

Phần kết thúc Tam quy cũng được lặp lại ba lần nên gọi là tam kết. Phần này không thuộc về Giới thể mà chỉ là phần nhắc nhở dặn dò hay xác nhận là giờ đây Giới thể đã thuộc về giới tử rồi, giới tử đã đắc Giới thể rồi, Giới thể không còn là một Giới pháp vô tư ở ngoài tâm giới tử nữa mà là một nhân chủng thanh tịnh trong tâm giới tử có công năng phòng phi chỉ ác, và trong tương lai sẽ thành quả giải thoát cho chính giới tử vậy.

22) Có tự quy y lấy được không?

Không được, quy y cần phải có thầy truyền cho mới được.

23) Ai có đủ tư cách để truyền Tam quy?

Theo trong Luật thì một vị xuất gia thuộc về năm chúng đệ tử Phật là Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, Sa di, Thức xoa ma na và Sa di ni, đều có thể truyền Tam quy. Dĩ nhiên nếu có Tỳ khưu hay Tỳ khưu ni thì phải do các vị này truyền, bao giờ không có các vị này thì Sa di, Thức xoa hay Sa di ni mới được phép truyền.

Phải nên nhớ Tam quy ở đây là phiên tà. Còn nếu là Tam quy của Năm giới hay Tám giới thì đó là Tam quy để thọ Giới thể, tức thuộc về lãnh vực thọ giới, lúc ấy cần phải do các vị Tỳ khưu hay Tỳ khưu ni có giới hạnh và hiểu rõ về giới làm giới sư để chỉ bảo và hướng dẫn giới tử đúng cách, thì mới có thể đắc Giới thể được.

24) Quy y là quy y với giới sư hay quy y với Tam bảo?

Dĩ nhiên là quy y với Tam bảo, nên mới gọi là Tam quy. Giới sư chỉ là vị thầy truyền lại cho giới tử quy pháp hay Giới thể của đức Phật, mà vị ấy đã đắc được, bằng cách hướng dẫn và chỉ dậy cho giới tử quy y đúng pháp thức mà thôi, để giới tử có thể đắc được quy pháp trong trường hợp phiên tà, và đắc được Giới thể trong trường hợp thọ giới.

Phải nên nhớ là người phật tử chỉ quy y duy nhất nơi cá nhân một người mà thôi, đó là cá nhân đức Phật. Ngoài ra không có cá nhân của một vị tăng nào được phép làm nơi quy y cho phật tử, mà chỉ có tập thể các vị tăng mới là nơi quy y của người phật tử. Cá nhân một vị tăng chỉ có thể làm thầy dạy dỗ và truyền trao quy pháp hay Giới thể của đức Phật mà vị ấy đã đắc được lại cho người phật tử, chứ không phải là nơi quy y của người phật tử. Tóm lại, nghĩa quy y chỉ dành cho Tam bảo mà thôi.

25) Cá nhân các bậc thánh A la hán có thể làm nơi quy y cho chúng sinh được chăng?

Các bậc thánh cũng vậy, chỉ có thể làm thầy hay làm phúc điền cho chúng sinh mà thôi chứ không thể làm nơi quy y được, chỉ có tập thể các bậc thánh mới là nơi quy y cho chúng sinh mà thôi.

26) Vậy khi giới sư truyền giới là truyền lại Giới thể của giới sư hay truyền lại Giới thể của Phật? Nếu Giới thể được truyền lại là của giới sư thì lẽ ra phải quy y nơi giới sư mới đúng?

Giới thể là từ tâm Phật truyền lại cho tất cả các chúng sinh hữu duyên, song phải theo một pháp thức đúng như pháp thì chúng sinh mới thọ nhận được. Giới sư là người đã đắc Giới thể ấy của Phật, lại còn hiểu rõ về ý nghĩa của giới và biết thực hành pháp thức truyền và thọ giới một cách đúng như pháp. Do đó giới tử phải nương theo giới sư mới có thể thọ nhận được Giới thể từ đức Phật truyền lại cho đến giới sư, và từ giới sư truyền đến mình. Như vậy, Giới thể mà giới tử nhận được là Giới thể của đức Phật, cho nên giới tử phải thọ Tam quy mới đắc Giới thể. Nếu Giới thể là của giới sư truyền lại, thì đâu cần gì phải quy y Tam bảo mà chỉ cần quy y giới sư là đắc Giới thể rồi. Do đó không có chuyện quy y với giới sư, mà quy y là  chỉ quy y với Tam bảo mà thôi.

27) Tại sao chỉ có riêng cá nhân đức Phật mới là nơi quy y cho chúng sinh được?

Bởi vì chỉ nơi bản thể của đức Phật mới có đủ trọn ba tính chất của Tam bảo.

Tuy một vị thánh hay một vị giới sư đều quy y về Tam bảo nên mới có được cái Thánh thể hay Giới thể ấy để mà trở thành thánh hay trở thành giới sư, song bản thân của các vị này vẫn không phải là Phật, thế nên các vị này không sao thành tựu Phật bảo được.

Lại nữa bản thân các vị này vẫn chỉ là các cá nhân riêng rẽ phải nương tựa vào Tam bảo để tìm đường giải thoát, chứ không phải như cá nhân đức Phật là nơi nương tựa cho chúng sinh của cả ba cõi chứ không riêng gì cho tập thể thánh đệ tử của ngài hay bẩy chúng đệ tử của ngài, thế nên cá nhân các vị này không thể nào thành tựu được ý nghĩa tập thể của Tăng bảo mà chỉ có đức Phật mới có được tính chất tập thể này của Tăng bảo.

Lại nữa bản thân các vị này vẫn chỉ là các cá nhân riêng rẽ nương tựa vào Tam bảo chỉ để tìm lợi ích cho riêng mình, thế nên Pháp thể mà các vị ấy đắc được chỉ có được tính chất riêng tư làm trong sạch cá nhân các vị ấy khỏi tham sân si để thành tựu được tư cách của một bậc thánh, hay để cho mình nương tựa vào đó mà ra sức trì giữ cho trong sạch để đủ tư cách của một giới sư, nên các vị ấy không thể nào thành tựu được ý nghĩa của Pháp bảo như là bản thể của một vị Phật, như một quy tắc dẫn đạo toàn thể ba cõi, như một con đường cứu độ mọi loài chúng sinh. Chỉ riêng có đức Phật mới có được tính chất Pháp bảo này.

Thế nên chỉ riêng có cá nhân đức Phật mới là nơi quy y của chúng sinh mà thôi.

28) Tại sao cá nhân của Phật lại có được ý nghĩa tập thể của Tăng?

Như trên đã nói, vì chỉ có cá nhân Phật mới có thể làm nơi nương tựa cho toàn thể ba cõi, và là nơi nương tựa cho trọn tập thể chư tăng, nghĩa là từ nơi đức Phật mà phát sinh ra trọn cả một tập thể chư tăng, thế nên cá nhân đức Phật có trọn công đức tập thể của Tăng. Lại nữa nơi bản thể của Phật có đủ tất cả mọi công đức thanh tịnh và giải thoát của tất cả các vị tăng hợp lại, thế nên nơi Phật có đủ ý nghĩa của Tăng.

Bốn loại tam bảo

29) Nếu Phật đã có đủ hết công đức thanh tịnh của Tăng sao còn phân ra ba Bảo làm gì?

Nơi bản thể của Phật vốn có đủ ba Bảo, thế nên không cần phải phân ra làm ba. Song tuy không phân ra làm ba mà luôn luôn có đủ cả ba, thế nên vẫn là Tam bảo và được gọi là nhất thể (hay đồng thể) Tam bảo.

Khi đức Phật để ứng vật tiếp sinh mới lập bản thể ấy thành Pháp và dùng ngữ nghiệp để nói lên bản thể ấy, gọi là thuyết pháp, nhằm giúp cho tâm thức chúng sinh hiểu được, tin được và thọ nhận được, thì bản thể này trở thành giáo lý : Tính chất Phật của bản thể này trở thành lý của năm phần pháp thân (tức giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến). Tính chất Pháp của bản thể này trở thành lý của diệt lý vô vi (tức Niết bàn tịch diệt). Tính chất Tăng của bản thể này trở thành lý của các công đức hữu học và vô học (tức các thánh quả của các bậc thánh). Do đó năm phần pháp thân, diệt lý vô vi và các công đức hữu học vô học là lý của ba tính chất Phật, Pháp và Tăng nơi bản thể của đức Phật, nên được gọi là lý thể Tam bảo.

Đức Phật lập nhất thể Tam bảo thành lý thể Tam bảo là cốt để giáo hóa chúng sinh, vì chỉ có bằng vào lý thì chúng sinh mới có thể hiểu rồi tin và quy y theo được. Khi muốn giáo hóa thì cần phải có một thân tướng sống thực và một ngữ nghiệp sống thực để tuyên thuyết lên chân lý ấy, thân tướng và ngữ nghiệp này chính là Phật Thích ca. Chân lý được thuyết lên là các ý nghĩa chân thật nhất, đó chính là giáo lý Tứ đế của Phật. Và phải có các hữu tình sống thực thật chứng được từng phần cho đến viên mãn chân lý ấy, đó chính là các bậc thánh hữu học và vô học đệ tử của Phật. Phật Thích ca, Pháp tứ đế, các đệ tử hữu học và vô học, là Tam bảo sống động hữu hình tướng làm gương mẫu để giáo hóa chúng sinh, nên được gọi là hóa tướng Tam bảo.

Để ích lợi cũng như để tiếp tục cứu độ chúng sinh trong thời vị lai, thế nên sau khi Phật Thích ca nhập diệt, tất cả các thân xá lợi của ngài, các bảo tháp thờ xá lợi của ngài, các hình tượng của ngài được lưu lại (trụ) và duy trì (trì) trong thế gian này, được coi là Phật như chính hiện thân của ngài. Các giấy lụa v.v… ghi lại các giáo pháp mà ngài đã thuyết lên bằng chính ngữ nghiệp của ngài để lưu lại và duy trì trong thế gian này, được coi là Pháp. Các vị tu sĩ xuất gia theo đúng hình tướng oai nghi và giới pháp mà ngài chế lập và chỉ dạy vẫn còn liên tục hiện hữu trong thế gian này, được gọi là Tăng. Các tượng tháp xá lợi, các kinh quyển, các tăng sĩ đắc giới đúng pháp, là Tam bảo được lưu giữ và duy trì lại trong thế gian này để lợi lạc cho chúng sinh, nên đưọc gọi là trụ trì Tam bảo.

Tóm lại Phật, Pháp và Tăng vốn không phải một không phải ba, không phải lý cũng không phải sự. Song vì để độ sinh và ích lợi cho tận vị lai mà phân thành ba, và thành lý (tức nhất thể Tam bảo và lý thể Tam bảo) thành sự (tức hóa tướng Tam bảo và trụ trì Tam bảo).

30) Nếu vậy khi nói quy y Tam bảo là quy y Tam bảo nào?

Theo sự giải thích của Luận và Luật, thì quy y là quy y nơi lý thể Tam bảo. Tại sao vậy? Vì Tam bảo này thuộc về lý nên không chịu lệ thuộc vào pháp vô thường như hóa tướng Tam bảo và trụ trì Tam bảo. Lý đó vừa chân thật vừa thường hằng, thế nên mới có thể làm chỗ nương tựa vững bền cho chúng sinh được. Nhất thể Tam bảo tuy cũng thuộc về lý, song lại thuộc về cảnh giới vô phân biệt tự chứng của đức Phật không liên hệ gì đến sự ích lợi cho chúng sinh hết, thế nên chỉ khi nào lý thể Tam bảo được thành lập, phân rõ ra làm ba bảo và khiến cho chúng sinh hiểu rõ được và tin rồi nương tựa, lúc đó chúng sinh mới có Tam bảo để quy y.

Tuy nói như thế, nhưng thật ra cả bốn loại Tam bảo đều là nơi quy y của chúng sinh. Vì phải có nhất thể Tam bảo thì mới thành lập được lý thể Tam bảo, và phải có hóa tướng Tam bảo thì lý thể Tam bảo mới hiển rõ, và phải có trụ trì Tam bảo thì lý thể Tam bảo mới được lưu truyền lại cho chúng sinh. Nhưng lý thể Tam bảo vốn là nền tảng của ba loại Tam bảo kia, và là mục tiêu mà sự quy y muốn đạt đến, thế nên mới được coi là nơi quy y chính yếu.

Ngoài ra, theo các sớ giải về Luật thì nhất thể Tam bảo là chân tính sẵn có trong tâm vọng tưởng của chúng sinh, như là nhân chủng sẵn có, tức Phật tính. Còn lý thể Tam bảo là quả ở nơi chư Phật có đức tính thanh tịnh vô nhiễm. Đó là thể theo nguyên tắc nhân quả từ chúng sinh mà thành Phật để giải thích về hai loại Tam bảo thuộc lý này.

Vô biểu – vô giáo – vô tác

31) Trong Luật và Luận thường gọi Giới thể là gì?

Trong Luật và Luận thường gọi Giới thể là vô biểu hoặc gọi là vô giáo hoặc gọi là vô tác. Bởi vì Giới thể là một chủng tử có công năng hoạt động ẩn tàng “không hiển lộ rõ ràng ra bên ngoài” nên gọi là vô biểu, “không cho người khác thấy rõ” nên gọi là vô giáo, “không cho thấy rõ sự hoạt động của mình” nên gọi là vô tác.

Giới thể còn gọi là nghiệp, nói rõ hơn là nghiệp vô biểu, nghiệp vô giáo hay nghiệp vô tác. Nghĩa là ngay khi tác pháp quy y Tam bảo, hai nghiệp thân khẩu ý của giới tử biểu lộ ra rõ ràng khiến mọi người đều thấy biết chính xác, thì lúc ấy gọi là biểu nghiệp, giáo nghiệp hay tác nghiệp. Nhưng vừa chấm dứt xong hành động quy y, thì hành động quy y Tam bảo vẫn tiếp tục liên tục cho đến khi thành quả giải thoát, song cái hành động, tức nghiệp, liên tục quy y Tam bảo này không hiển hiện ra rõ ràng, không biểu lộ ra bên ngoài cho người khác thấy rõ, nên gọi là nghiệp vô tác, vô biểu hay vô giáo. Nghiệp này chính là Giới thể vậy.

B2- Năm giới

Liệt kê năm giới

1) Năm giới là những giới nào?

1/ không sát sinh (sát)

2/  không trộm cắp (đạo)

3/  không tà dâm (tà dâm hay tà hành)

4/  không nói là chứng thánh (vọng ngữ)

5/  không uống rượu (ẩm tửu)

2) Thế nào là tà dâm?

Giới dâm phân ra làm chính dâm và tà dâm. Dâm với người không phải là chồng hay vợ chính thức thì gọi là tà dâm. Dù là dâm với vợ hay chồng chính thức mà không đúng nơi chỗ, không đúng lúc, không đúng đường dâm, thì cũng vẫn là tà dâm. Còn dâm với vợ hay chồng chính thức ở đúng chỗ, vào đúng lúc và đúng đường dâm, thì gọi là chính dâm.

Trong Năm giới chỉ cấm tà dâm chứ không cấm chính dâm.

3) Giới vọng ngữ có cấm luôn cả nói gây chia rẽ, nói ác khẩu và nói chuyện vô ích mà có hại hay không?

Tuy chỉ nói có vọng ngữ, nhưng thật ra là cấm trọn cả bốn chi thuộc ngữ nghiệp, tức nói là mình chứng thánh (vọng ngữ), nói gây chia rẽ (lưỡng thiệt), nói chửi bới nguyền rủa (ác khẩu) và nói lời vô ích có hại (ỷ ngữ).

Các tội chướng không được thọ năm giới

4) Ai cũng có thể thọ giới được hay sao?

Những người phạm vào các tội lỗi như sau thì không được thọ giới :

1/ Lấy trộm vật của Tăng

2/ Làm việc ô uế đối với thân thuộc hoặc Tỳ khưu hay Tỳ khưu ni

3/ Bỏ mặc cha mẹ hay sư trưởng đang khi những vị này có bệnh cần chăm sóc

4/ Giết chúng sinh phát tâm bồ đề

Ngoài ra các tội nặng như năm tội nghịch, tặc trụ dĩ nhiên là không được thọ giới.

Nếu ai không phạm vào các tội kể trên thì đều được thọ giới.

5) Trước khi thọ giới có cần phải chuẩn bị gì không?

Phần chuẩn bị trước khi thọ giới là do giới sư hướng dẫn và chỉ bảo cho biết giới hay Giới thể có nghĩa là gì, phải phát tâm ra sao, phải quán cảnh như thế nào, phải dụng tâm thế nào và quán tưởng ra sao trong khi nói ba lần Tam quy để thọ nhận Giới thể (như phần Tam quy trước đó đã có trình bày). Ngoài ra cần phải lựa chọn giới tướng trước xem giới nào mình có thể trì giữ được thì sẽ thọ nhận, còn giới nào chưa thể trì giữ được thì chưa thọ nhận; và cần phải sám hối cho ba nghiệp thanh tịnh để chuẩn bị thọ nhận Giới thể. Các phần này cũng đều do giới sư hướng dẫn.

Pháp thức thọ năm giới

6) Diễn tiến của pháp thức thọ giới ra sao?

Khi đã chuẩn bị xong xuôi như trên nói rồi, khi vào tới giới tràng thì diễn tiến như sau :

1/ Giới sư khai đạo nhắc nhở giới tử phát tâm thượng phẩm, vận tâm quán tưởng thân mình rộng lớn như hư không để dung nhận trọn hết Giới pháp, vượt lên dòng tục nhập vào dòng thánh.

2/ Kế đến là phần chính thức thâu nạp Giới thể, tức là phần tác pháp Tam quy bằng thân nghiệp và chính yếu là ngữ nghiệp : thân quỳ ngay ngắn và nói theo giới sư ba lần như sau : “Con tên là…. quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, nguyện suốt đời (hay thời gian bao lâu tuỳ ý) làm Ưu bà tắc năm giới. Như lai chí chân đẳng chính Giác là Thế tôn của con.”

Trao truyền Tam quy xong, giới sư xác nhận như sau : “Vừa rồi là pháp truyền Tam quy cho ông, và đó chính là Giới thể. Nay đến phần Tam kết để xác nhận rằng chính nơi tâm ông là chỗ mà Giới quy về.”

3/ Kế là phần kết thúc Tam quy gọi là Tam kết, cũng lặp lại ba lần theo giới sư như sau : “Con tên là… quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, quy y Tăng rồi, nguyện suốt đời làm Ưu bà tắc năm giới. Như lai chí chân đẳng chính Giác là Thế tôn của con.”

4/ Sau cùng là phần trao giới tướng và khích lệ tu hành. Trao giới tướng thời giới sư hỏi tuần tự về năm giới và giới tử trả lời theo mẫu như sau: “Suốt đời (hay trong bao lâu đó tuỳ giới tử phát nguyện) không sát sinh là giới của Ưu bà

tắc ông có trì giữ được không? ” Giới tử đáp : “Mô Phật được”.

7) Ưu bà tắc có nghĩa là gì?

Ưu bà tắc (Upasaka) có nghĩa là người thân cận ủng hộ hay phụng sự cho mình, chữ Hán gọi là cận sự. Ý nói các đệ tử tại gia quy y Tam bảo thọ Năm giới, có bổn phận phải gần gũi phụng sự và ủng hộ cho Tam bảo thì gọi là cận sự. Danh xưng này chỉ cho người nam, nên để phân biệt với người nữ mà gọi là cận sự nam.

Người nữ thì được gọi là Ưu bà di (Upasikà), dịch là cận sự nữ.

Linh tinh

8) Năm giới có tự thọ lấy được không?

Trong Luật có cho phép tự thọ năm giới. Song đó là trường hợp ở những nơi không có thầy làm giới sư, chứ nếu đã có thầy thì bắt buộc phải theo thầy mà thọ. Ngoài ra người tự thọ cũng phải biết rõ hết về các ý nghĩa của giới và các pháp thức thọ giới thì mới có thể tự thọ được.

9) Thầy ở đây là ai?

Tức một vị trong năm chúng đệ tử xuất gia là Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, Sa di, Thức xoa ma na và Sa di ni.Trường hợp có Tỳ khưu hay Tỳ khưu ni thì phải thọ giới với các vị này, trừ khi không có các vị này mới theo Sa di v.v… mà thọ.

B3- Tám giới

Liệt kê tám giới

1) Tám giới là những giới nào?

Tám giới còn gọi là Bát quan trai, gồm các giới như sau :

1/  không sát sinh

2/  không trộm cắp

3/  không dâm dục

4/  không vọng ngữ

5/  không uống rượu

6/  không đeo anh lạc tràng hoa thơm, không thoa xức dầu thơm vào mình

7/  không ngồi giường cao tốt đẹp, không ca xướng âm nhạc và cố ý đi xem nghe

8/  không ăn phi thời

2) Thế nào là phi thời?

Phi thời nghĩa là sau giờ ngọ (từ 11 giờ cho đến 1 giờ trưa), hay đúng hơn là sau khi mặt trời đứng bóng, tức ngay giữa đỉnh không (đúng 12 giờ). Sau thời gian đó là không được phép ăn.

Sự khác biệt giữa năm giới và tám giới

3) Ngoài ba giới sau thì năm giới đầu của Tám giới có khác gì với Năm giới không?

Trong năm giới đầu của Tám giới chỉ có giới thứ ba tức giới dâm là khác với Năm giới, vì Năm giới chỉ cấm tà dâm, còn Tám giới thì đoạn hẳn dâm bất kể là tà hay chính.

4) Tại sao Tám giới lại đoạn hẳn dâm và có thêm ba giới sau nữa?

Tám giới là do đức Phật phương tiện chế lập ra cho người tại gia có thể theo đó mà thực hành giới của người xuất gia được. Bởi vì căn bản của giới xuất gia là đoạn hẳn dâm, tức không lập gia đình, đó là nền tảng của sự xuất gia; ngoài ra không hưởng thụ ăn và diện, tức ba giới sau, đó là sự sinh hoạt của người xuất gia. Do đó cho nên trong Tám giới mới đoạn hẳn dâm dục và có thêm ba giới sau nữa.

5) Như vậy công năng của Tám giới có gì hơn Năm giới hay không?

Tám giới vì hoàn toàn thanh tịnh không còn dâm nữa và hoàn toàn trai giới không ăn phi thời nữa, thế nên có công năng ngang bằng với công năng của giới xuất gia, Năm giới không thể so bì được. Trong Luật nói công đức của Tám giới hơn hẳn công đức của cõi trời; và người thọ Năm giới nghe Phật nói pháp thì chỉ đắc được hai quả thánh đầu, chứ không chứng được hai quả thánh ba và bốn, trong khi người thọ Tám giới có thể chứng luôn cả hai quả ba và bốn.

6) Bốn thánh quả là những quả nào?

1/ quả thứ nhất là Tu đà hoàn, dịch nghĩa là “nhập vào dòng thánh”, tức là quả nhập lưu.

2/ quả thứ hai là Tư đà hàm, dịch nghĩa là “chỉ còn phải sinh lại cõi dục một lần nữa thôi”, tức là quả nhất lai.

3/ quả thứ ba là A na hàm, dịch nghĩa là “không còn sinh trở lại cõi dục nữa”, tức là quả bất lai hay bất hoàn.

4/ quả thứ tư là A la hán, dịch nghĩa là “không còn tái sinh trong ba cõi luân hồi nữa”, tức là quả vô sinh.

Quan và trai

7) Tại sao Tám giới lại gọi là “trai”? Và “quan” là gì?

Do giới không ăn phi thời nên Tám giới được gọi là “trai”. Còn “quan” có nghĩa là cửa ngõ, nghĩa bóng là ngăn chặn, đóng kín, đồng nghĩa với chữ giới.

Pháp thức thọ tám giới

8) Trước khi thọ Tám giới có phải chuẩn bị như khi thọ Năm giới hay không?

Sự chuẩn bị trước khi thọ Tám giới không khác gì với khi thọ Năm giới. Người thọ giới cũng phải không từng phạm các tội lỗi như trong phần Năm giới có nêu ra.

9) Diễn tiến thọ giới ra sao?

1/ Trước hết thân nghiệp quỳ xuống chắp tay đối trước giới sư.

2/ Kế đến khẩu nghiệp lặp lại theo giới sư ba lần như sau : “Con tên là… quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, một ngày một đêm làm tịnh hành Ưu bà tắc ( nếu nữ thì nói là Ưu bà di) “.

3/ Theo sau là phần kết thúc Tam quy, tức Tam kết, cũng lặp lại theo giới sư ba lần như sau : “Con tên là… quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, quy y Tăng rồi, một ngày một đêm làm tịnh hành Ưu bà tắc (hay Ưu bà di) rồi”.

4/ Tiếp đến là phần trao giới tướng, giới sư trao và giới tử đáp theo câu mẫu như sau :

Hỏi : “Như chư Phật suốt đời không sát sinh, giới tử trong một ngày một đêm không sát sinh, có giữ được không? “

Đáp : “Mô phật, giữ được.”

5/ Cuối cùng là phần phát nguyện, giới tử nói theo giới sư một lần thôi : “Con nay do công đức, thọ bát quan trai này, khỏi đọa vào ác thú, bát nạn và biên địa. Xin đem công đức này, nhiếp hết mọi điều ác, của tất cả chúng sinh, bao nhiêu công đức ấy, xin ban cho mọi người, nguyện cho họ thành tựu, đạo vô thượng chính chân, (đến đây nếu nguyện sinh Tịnh độ thì nói như sau: “và nguyện trong tương lai, họ cùng con vãng sinh, A di đà lạc quốc”, còn nếu không thì nói tiếp như sau 🙂 và nguyện trong tương lai, nơi ba hội Di lặc, tất cả đều độ thoát, khỏi sinh lão bệnh tử.” 

Linh tinh

10) Tại sao lại gọi người thọ Tám giới là “tịnh hành”?

Vì người thọ tám giới đoạn hẳn dâm dục, nên gọi là người thực hành sự thanh tịnh, tức “tịnh hành”.

11) Thọ Tám giới có được phép chọn lựa giới tướng để hành trì hay không?

Theo Nam sơn luật Tông dựa theo Thành thật luận, thời thọ Tám giới cũng được phép chọn lựa giới tướng nhiều ít để hành trì. Song nếu đúng theo lý thì hai giới dâm và ăn phi thời bắt buộc phải hành trì, vì nếu không thì không thể gọi là “tịnh hành” hay là “trai” được.

Ngoài ra vì Tám giới có tính chất xuất gia thanh tịnh, thế nên khi người phát tâm thọ thì phải sẵn sàng thọ nhận mọi giới tướng, nhất lại chỉ trong thời hạn có một ngày một đêm, thế nên thọ Tám giới nên thọ đủ tám giới tướng mới là đúng lý. Song gặp những trường hợp đặc biệt ngoại lệ, thì vẫn có thể được chọn lấy giới tướng mà hành trì.

12) Thọ Tám giới có bắt buộc phải trong thời hạn một ngày một đêm hay không?

Cũng theo Nam sơn Luật tông dựa theo Thành thật luận thì thời gian dài ngắn tuỳ ý người thọ. Song đúng lý thì dù ngắn nhất cũng phải có thời gian từ đúng ngọ cho đến qua đêm thì mới thực hành giới không ăn phi thời được, và có thế mới gọi là “trai” được.

13) Thọ Tám giới có tự thọ lấy được không?

Cũng vậy Nam sơn Luật tông và Thành thật luận cũng như Đại trí độ luận đều cho phép tự thọ Tám giới, nhưng cũng phải là trường hợp cả năm chúng xuất gia đều không có được, thì mới được tự thọ.

Tóm lại thọ giới có nghĩa là thọ Giới thể, thế nên dù có tự thọ thì cũng phải biết cách vận tâm quán tưởng ra sao cho đắc Giới thể, chứ không phải cứ tự nguyện là xong, thế nên mới cần phải có thầy biết rõ về giới truyền trao cho mình. Nhưng trong những trường hợp hết sức đặc biệt, người phát tâm thọ giới hết sức tha thiết và thuần trọng, thì cũng có thể tự thọ mà đắc giới được./.