GIỚI KINH SA DI NI
Hán dịch: Mất tên người, phụ vào dịch phẩm đời Hậu Hán
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

Giới thứ nhất của Sa-di ni là không được sát sanh, phải thương chúng sanh như cha mẹ thương con, bảo vệ thương xót cả loài côn trùng như con đỏ.

Không sát sanh như thế nào? Là giữ gìn thân, miệng, ý. Thân không giết người, vật và các loại côn trùng. Không tự tay mình giết cũng không bảo người khác giết. Thấy giết không ăn, nghe giết không ăn, nghi giết không ăn, vì mình mà giết thì càng không ăn. Miệng không nói lời phải giết, phải hại để trả oán, cũng không nói lời thích thú về sự chết và giết hại chúng sanh hay nói lời con này mập, con kia ốm, con này thịt nhiều, con kia thịt ít. Ý cũng không nghĩ: phải như có giặc giết nó đi thì thích biết bao, hay nuôi cho mập, để con kia ốm. Nên thương xót tất cả chúng sanh như xương, tủy của mình, như cha mẹ, như con cái, như thân thể…, một lòng bình đẳng với mọi loài, chí luôn hướng về Đại thừa. Đó là Giới cần phải học đầu tiên của Sa-di-ni.

Giới thứ hai của Sa-di-ni là không được trộm cắp. Dù chỉ một tiền trở lên hay một cọng cỏ, chiếc lá, sợi lông, hạt gạo cũng không được lấy. Miệng không nói việc lấy, tâm không nghĩ việc lấy, mắt không mê sắc, tai không ham tiếng, mũi không ngửi trộm mùi, lưỡi không nếm trộm vị, thân không tham y phục, tâm không nghĩ về dục. Sáu căn không đắm nhiễm, thường hành động theo trí tuệ thì gọi là không trộm cướp. Đó là Giới của Sa-di-ni.

Giới thứ ba của Sa-di-ni là không được dâm dật. Không dâm dật là sao? Là một lòng giữ gìn luôn thanh tịnh trong sạch. Thân không dâm dật miệng không nói lời dâm, tâm không nghĩ dâm, giữ mình luôn tươi sáng như ngọn gió lướt giữa hư không, không bị vướng mắc vào nơi nào. Thân không hành dâm, mắt không nhìn cảnh dâm, tai không nghe tiếng dâm, mũi không ngửi mùi dâm. Miệng không nói lời dâm, tâm không giữ ý dâm. Quán thân bốn đại vốn không thật có, xét đất, nước, lửa, gió là không ngã, không nhân, không có tuổi thọ, không mạng sống; vậy dâm dật cái gì, đam mê cái gì? Thế nên, ý phải hợp với không, vô tướng, vô nguyện. Đó là Giới của Sa-di-ni.

Giới thứ tư của Sa-di-ni là không được nói ly gián, nói lời thô ác. Lời nói phải ôn hòa. Không thấy không được nói thấy, không nghe không được nói nghe, thấy điều xấu không rao truyền, nghe điều xấu không phổ biến. Lời thô ác cần tránh ngay, thường thực hành bốn Tâm vô lượng, không nói lời chẳng hay, khi nói thường nói về đạo pháp, không bàn luận việc thế tục, không được bàn tán việc vua chúa, quan lại và giặc cướp. Thường khen ngợi Phật Pháp, chánh giới của Bồ tát, chí nguyện ở đại thừa, không theo học thuyết hẹp hòi và luôn thực hành Bốn Tâm vô lượng. Đó là giới của Sa-di-ni.

Giới thứ năm của Sa-di ni là không được uống rượu, không được ham muốn rượu, không được nếm rượu, rượu có ba mươi sáu lỗi: Mất đạo, phá nhà, hại thân, mất mạng đều do uống rượu; nghiêng bên đông, ngã bên tây, giữ bên nam, vướng bên bắc; không thể tụng kinh, không kính Tam bảo, khinh dể thầy bạn, bất hiếu cha mẹ. Tâm mê mờ, ý ngăn che, đời đời ngu si, không gặp Đại đạo vì tâm không hiểu biết. Vì vậy, không được uống rượu nếu muốn xa lìa năm ấm, năm dục, năm cái (ngăn che) để được năm thần thông và giải thoát khỏi năm đường. Đó là giới của Sa-di ni.

Giới thứ sáu của Sa-di ni là không được nắm giữ hương hoa để xông ướp và trang sức cho mình.Y phục, chăn mềm, giày dép không được có năm màu, không được lấy các loại báu để xâu chuỗi cho mình, không được mặc các loại gấm, vải có thêu hoa, lụa là dệt bằng tơ mỏng, lụa có màu sắc sặc sỡ, không được ngắm nghía mà phải mặc y phục bằng vải thô có màu xanh, đen, mộc, lam, mặc y lót bên trong và cúi đầu mà đi. Muốn trừ sáu trần phải lấy giới làm hương thơm, cần cầu giáo pháp sâu xa mà làm châu báu chân thật, ba mươi hai tướng tốt làm chuỗi ngọc, các vẻ đẹp đã gieo trồng làm y phục. Nguyện được sáu thần thông vô ngại, dùng sáu độ dắt dẫn mọi người. Đó là giới của Sa-di ni.

Giới thứ bảy của Sa-di ni là không được ngồi giường cao bằng vàng bạc hay mền làm bằng gấm, lụa có thêu hoa và rèm quí giá, cũng không được nghĩ đến, không được bảo người tìm cầu giường nằm, chỗ ngồi đẹp đẽ, quạt năm sắc, phất trần hảo hạng, không được đeo vòng tay và nhẫn. Chân thật, tín tâm, giữ giới, hổ thẹn, bố thí, học rộng, có trí tuệ; nhất tâm tinh chuyên, thường cầu thiền định làm tòa ngồi, tâm không lay động, trí tuệ tự nhiên dùng làm tọa cụ. Bảy giác phần không thối chuyển, chí nguyện nơi tâm đạo. Đó là giới của Sa-di ni.

Giới thứ tám của Sa-di ni là không được nghe xem ca múa, âm nhạc, vỗ tay cổ vũ. Không được tự làm hay bảo người làm, thường tự tu thân, thực hành theo chánh pháp, không làm hạnh tà, nhất tâm nương theo Phật; tụng kinh thực hành đúng chánh pháp lấy đó làm pháp an vui, không làm theo cái vui của thế tục, lắng nghe kinh kệ, khéo suy nghĩ để hiểu được nghĩa đúng; không tật bệnh thì không được đi xe, cưỡi ngựa, voi, luôn nhớ nghĩ sự cử động thư thái chính là để đạt được tám thần thông khó nghĩ bàn dùng làm chiếc xe vượt khỏi tám nạn. Đó là giới của Sa-di ni.

Giới thứ chín của Sa-di ni là không được chất chứa châu báu. Không được tự tay lấy hay bảo người khác lấy, thường tự chuyên tinh, lấy Đạo làm vật báu, lấy Kinh làm tôn quí, lấy nghĩa làm vi diệu, lấy sự thông suốt Không, Vô tướng, Vô nguyện làm căn bản, đạt được ba giải thoát chứ không cầu tham dục, muốn xa lìa chín não thì an trụ dài trong Đạo thật, không cùng không tận, không có biên giới cũng không có chỗ dừng, đó là giới của Sa-di ni .

Giới thứ mười của Sa-di ni là không ăn phi thời. Thường ăn đúng giờ, không được trễ, qua giữa trưa không được ăn nữa, dù có vị ngon ngọt hảo hạng quyết không ăn nữa, không bảo người phạm, tâm không được nghĩ đến, giá như thức ăn tuyệt hảo tự nhiên đem đến cũng không được ăn. Nếu trưởng giả, quốc vương sau bữa trưa có dâng cúng cũng không ăn, đến chết không phạm, thường tư duy Thiền định, đối với tất cả món ăn tuy ăn cũng vừa đủ để nuôi thân mạng là muốn cho hiểu biết tất cả và đạt được ý nguyện sâu xa, được mười lực dùng làm thức ăn uống. Đó là giới của Sa-di ni.

Sa-di ni đã thọ mười giới rồi luôn tư duy về Đạo, siêng năng phụng hành mười giới thì 500 giới tự nhiên đầy đủ. Ví như người không bị khiếm khuyết đầu, tay, chân, mắt, tai, mũi, miệng, tim, bụng, lưng thì tất nhiên các căn, ruột, dạ dày, phổi, gan, ngũ tạng, khớp gân và huyết mạch đều đầy đủ. Như cây có gốc rễ vững chắc thì không bị khô héo, mục nát, thân, cành, nhánh, lá, hoa trái tự nhiên tươi tốt sum suê. Sa-di ni cũng thế, giữ vững gốc mười giới này thì 500 giới kia đều được viên mãn và có thể đạt hết thần thông không bị trở ngại. Thí như gieo giống không hư lép vào ruộng thì phì nhiêu, gặp gió mưa, thời tiết thuận hòa thì sẽ được mùa, dân chúng ấm no. Sa-di ni có thể thực hành mười giới thì 500 giới đều được trọn vẹn. Như quốc vương cai trị đúng theo đạo đức, lễ nghĩa khiến muôn dân an ổn. Sa-di ni cũng vậy, siêng năng giữ gìn đầy đủ mười giới thì năm trăm giới tự nhiên trọn vẹn. Cũng như cha mẹ từ hòa chắc chắn con cháu, quyến thuộc, tôi tớ, tự nhiên phục tùng theo.

Lại nữa, Sa-di ni phải tôn trọng Tam bảo, quí kính Hòa thượng A-xà-lê hơn cả cha mẹ trăm ngàn vạn lần. Vì cha mẹ ta sanh dưỡng ta chỉ có một đời nhưng bậc Hòa thượng thì cứu độ ta vượt qua vô số đời không thể hạn lượng, phải luôn luôn nghĩ đến việc trả ơn, không nên phản nghịch, thường nhàm chán thân uế trược như người tù bị nhốt trong nhà xí dơ bẩn. Không tham đắm thân nữ sẽ không bị thiêu đốt do sắc dục, giống như đang ở trong đám lửa lớn. Nếu ở nơi có giặc, tâm luôn nghĩ rằng tất cả như cha mẹ, như con cái, như bản thân, thường xấu hổ hành động của mình, luôn có thái độ không thích thú. Được thân này nên hiểu vốn là không, như huyễn hóa, không nam, không nữ, theo nghiệp quả mà có, vốn không có năm đường huống gì là nam nữ, chí cầu Đại thừa, tỏ ngộ hết thảy các pháp là không, như huyễn, như hóa, cảnh trong mộng, ảnh, tiếng vọng, dợn nắng, cây chuối, tiếng dội lại trong núi sâu, đều dựa vào đối đãi mà có chứ không có thật. Tìm Sắc như hình bóng, Thọ như cây chuối, Tưởng như dợn nắng, Sanh tử (hành) như bong bóng nước, Thức như nhuyễn, chẳng phải ngã, nhân duyên hợp thì có, duyên không còn thì không, đến một mình đi cũng một mình không ai theo cả. Người muốn hành Đạo phải lấy trí tuệ phương tiện làm cha, mẹ, lấy pháp lạc làm anh em, không xa rời nghĩa lý thâm diệu là Hòa thượng. Lấy việc từ bi, hỷ, xả, an trụ vững chắc trong chánh pháp làm con cái, lấy sáu Ba-la-mật làm bạn bè, lấy tuệ thần thông làm xe cộ, không trái Kinh pháp, giới pháp, tư duy nghĩa Không, làm nhà ở.

Lại nữa, Sa-di ni không được đi một mình mà phải đi cùng người đồng học, hoặc hai hoặc ba người, nếu không có Sa-di ni nên cùng với nữ cư sĩ đi chung, nếu người theo hầu, không được ngồi chung giường, tòa với Sa-di lớn, người nam, không nói lời cũng không được cư trú gần chùa, chính mình không tật bệnh, không được qua lại nhà đàn việt nhiều lần. Họ mời tụng kinh, thuyết pháp thì không được tự tiện, phải theo thứ bực mà dạy bảo và kính trọng nhau, không được kiêu mạn tự ý hướng dẫn người khác. Nếu họ có lỗi lầm, phải đến chỗ khuất mà khuyên can, tuyệt đối không được nói giữa chúng. Nghe điều tốt, thấy điều tốt của họ thì tuyên dương, nghe điều xấu, thấy điều xấu không được loan truyền, chỉ có thể thưa với Hòa thượng, không được nói cho người khác. Hãy luôn tự trách mình, thấy điều thiện phải suy nghĩ làm cho được, thấy điều ác thì tự quán sát lại mình, thương xót người kia nhưng ý không làm theo họ.

Đã là Sa-di ni thì phải cầu Hòa thượng có trí tuệ sáng suốt, việc làm hợp với pháp đời đời có khả năng tiếp độ người; ví như thuyền vững chắc hoàn toàn có khả năng qua bờ bên kia. Còn như thầy không sáng suốt, thực hành không đúng pháp thì chẳng phải là bậc Đại sư để làm Hòa thượng; như thuyền hư mà muốn vượt biển sẽ bị chìm ngay giữa đường, đã làm nhiều người chết đuối mà mạng sống của thầy cũng chẳng còn. Do đó, là người bắt đầu học pháp được người dạy Kinh Giới thì vị ấy chính là thầy. Sa-di ni nghe vị Đại sư muốn cầu họ làm Hòa thượng để làm Sa-di ni mà không đến được, nhưng đã là Sa-di ni rồi mà không cầu được vị ấy thì nên hướng về danh và thể vị ấy xem như thầy mình chớ không cần phải gặp mặt. Vì tâm muốn gần thì gần, tâm xa thì xa, dẫu thân tuy gần mà tâm trái ngược thì cách xa nhau ngàn ức dặm. Sa-di ni đi không được cùng người nam đi chung đường với nhau, không được ở sát phòng nhau, ở cùng chùa với người nam và Sa-môn, mỗi một pháp lớn lớn nhỏ đều phải riêng biệt khác nhau vậy.