GIỚI LUẬT TẠI GIA
Tỳ Kheo Thích Nhất Chân
doahong

1) Muốn hiểu rõ về Giới thời phải làm sao?

Cần phải biết rõ về bốn giai đoạn của giới.

2) Bốn giai đoạn ấy là gì?

  1. Giới pháp.
  2. Giới thể.
  3. Giới hành.
  4. Giới tướng.

3) Nghĩa tổng quát và sự liên hệ của bốn giai đoạn ấy ra sao?

  1. Đức Phật chế lập ra giới gọi là Pháp.
  2. Thâu nạp Pháp vào tâm thành nghiệp, gọi là Thể.
  3. Y theo Thể mà khởi lên sự hộ trì Thể ấy, thì gọi là Hành.
  4. Khi Hành như thế biểu lộ ra các tư cách (oai nghi), thì gọi là Tướng.

I. GIỚI PHÁP

A – Danh Xưng và Ý Nghĩa

Thánh pháp

1) Mục tiêu của Giới pháp là gì?

Giới pháp nhằm đưa chúng sinh đến chỗ giải thoát. Nghĩa là Giới pháp lập thành con đường cho tâm thức chúng sinh có chỗ noi theo để đi đến giải thoát.

2) Như vậy Giới pháp không phải là pháp của thế gian?

Đúng vậy. Giới pháp vốn được kêu là Thánh pháp.

3) Tại sao lại kêu là Thánh pháp?

Vì Giới pháp là một trong ba học (tam học) gồm: Giới, Định và Huệ. Mà ba học là các pháp do các bậc thánh sơ quả trở lên tu tập, tức các pháp thuộc bậc thánh, nên gọi là Thánh pháp.

4) Như vậy người thường làm sao tu tập đây?

Giới pháp tuy là Thánh pháp, song nếu người thường biết tuân theo, kính trọng, giữ gìn, bảo vệ, cho thật trong sạch, thì cũng có thể lấy Giới pháp này làm nền tảng cho Thánh đạo được vậy.

Hóa giáo và Chế giáo

5) Các giáo pháp mà đức Phật giảng nói cho chúng sinh và Giới pháp này khác nhau ra sao?

Khi đức Phật thuyết pháp là thuyết cho cả người tại gia lẫn xuất gia, nhằm giảng giải cho họ hiểu mà phát lòng tin. Còn khi ngài chế lập Giới pháp là chế riêng cho người xuất gia, để họ tuân theo phụng trì tu hành nhằm đối trị các sai lầm tội lỗi.

6) Hai pháp ấy có tên gọi gì khác không?

Pháp Phật giảng nói để khai ngộ cho mọi chúng sinh được gọi là Hóa giáo, còn Giới pháp mà phật chế lập cho người xuất gia tu trì được gọi là Chế giáo hay Hành giáo.

7) Xin cho thí dụ vài pháp về Hóa giáo và về Chế giáo.

Như thập thiện, ngũ đình tâm quán, tứ hoằng thệ nguyện, lục độ, tất cả các quán hành v. v… đều thuộc về Hóa giáo.

Còn những gì bị ngăn cấm không cho làm, hoặc được cho phép làm, cũng như các tội nặng nhẹ ra sao trong Tỳ ni, và trọn cả tạng Luật, đều thuộc về Chế giáo (hay Hành giáo).

8) Vậy tóm lại hai giáo ấy khác nhau ra sao?

1. Hóa giáo thuộc về Lý, nên có các trường hợp như thuận hay nghịch với Lý. Còn Chế giáo y theo giới pháp, nên có các trường hợp trì hay phạm đối với Giới pháp.

2. Hóa giáo nhằm giúp chúng sinh hiểu ra chân lý mà phát sinh lòng tin vào chân lý ấy, còn áp dụng thực hành thì tùy duyên của chúng sinh. Trong khi Chế giáo được chế lập ra là để tuân theo mà tu trì, khi thực hành thì gọi là trì, mà vi phạm ngược lại thì bị coi là phạm tội.

3. Do đó Hóa giáo chỉ khai mở trí huệ, chứ không đối phó với lỗi lầm. Còn Chế giáo được chế lập ra là để ngăn chặn lỗi lầm.

4. Hóa giáo dành chung cho cả người tại gia lẫn người xuất gia. Còn Chế giáo chỉ dành riêng cho người xuất gia mà thôi.

9) Vậy thời năm giới và tám giới được chế riêng cho người tại gia, là Chế giáo hay Hóa giáo?

Năm giới và tám giới vì dành riêng cho người tại gia hành trì nên thuộc về Hóa giáo. Tuy nhiên, sự lãnh thọ cũng như mọi quy tắc áp dụng thực hành thì đều thuộc về Chế giáo.

Thiện và Giới

10) Mọi điều Thiện đều là Giới hết hay sao?

Chỉ có các điều Thiện thuộc về Luật nghi mới được gọi là Giới.

11) Thuộc về Luật nghi là sao?

Tức phải có đầy đủ hai điều kiện sau đây: 1. phải nguyện làm điều ấy trong một thời gian cố định; 2. phải nguyện làm điều ấy đối với tất cả mọi loài chúng sinh.

Ngoài ra và dĩ nhiên là Giới là phải do Phật chế lập ra.

12) Như vậy, mười điều thiện (thập thiện) có thuộc về Giới hay không?

Có bốn trường hợp phân biệt về Thiện và Giới như sau:

1. Trường hợp Thiện mà không phải là Giới: tức ba điều thiện cuối cùng trong thập thiện, là không tham, không sân, không tà kiến. Lý do là vì Luật không hề chế định áp dụng cho tâm không thôi, thế nên các điều tốt ở trong tâm chỉ là Thiện mà thôi chứ không thành Giới được.

2. Trường hợp Giới mà không phải là Thiện: tức trường hợp của các ác luật nghi, nói cách khác là “giới luật” của những nghề nghiệp độc ác.

3. Trường hợp vừa là Thiện mà cũng vừa là Giới: đó là trường hợp của bẩy chi đầu trong thập thiện. Bẩy chi này vốn chỉ là các điều thiện, nhưng nếu được nguyện làm trong một thời hạn cố định nào đó và làm đối với tất cả chúng sinh, thì chúng sẽ được coi là Giới.

4. Trường hợp không phải là Thiện mà cũng không phải là Giới: đó là trường hợp của các nghiệp vô ký thuộc thân và khẩu.

13) Theo trường hợp thứ hai ở trên thì Giới cũng là từ dùng chung cho cả ác Giới nữa hay sao?

Đúng vậy. Giới có Giới thiện và Giới ác. Giới của Phật là Giới thiện, còn ngoài ra các nghề nghiệp ác như săn bắn, đồ tể v. v… đều thuộc về ác Giới.

14) Vậy giữa Thiện và Giới hơn thua nhau ra sao?

1. Thiện thuộc về công đức của thế gian, Giới thuộc về công đức xuất thế gian.

2. Thế nên Thiện không đưa lại được cứu cánh giải thoát, mà trái lại vẫn hoàn toàn hệ thuộc vào ba cõi luân hồi đau khổ; trong khi Giới nhằm đưa lại cứu cánh giải thoát khỏi ba cõi.

3. Giới là Thánh pháp và Thiện chỉ là pháp công đức của thế gian mà thôi.

Già và Tính

15) Giới là ngăn cấm không cho làm điều ác, nhưng trong Giới có nhiều điều đâu phải là ác mà vẫn bị ngăn cấm là tại sao vậy?

Vì các điều ấy sẽ làm cho người tu đạo từ từ ô nhiễm thế trần, gây rối loạn cho sự nghiệp tu đạo, đưa lại sự chê trách của thế gian và do đó cả mình lẫn người đều bị thiệt hại.

16) Các điều ấy trong Giới là những điều nào?

Trong Năm giới là giới thứ năm, tức giới “không uống rượu”. Còn trong Tám giới là bốn giới sau, tức: 1. không uống rượu; 2. không đeo vòng hoa, anh lạc và thoa xức dầu thơm; 3. không nằm ngồi giường cao rộng, không nghe kịch nhạc hay cố tình đi xem nghe; 4. không ăn phi thời.

17) Như vậy trong Giới không phải chỉ thuần một tính chất là cấm ngăn các điều ác?

Thật ra tất cả những điều mà Giới cấm ngăn đều bị coi là “ác” hay “tội”. Song khi nhìn theo thế gian, thì trong những điều “ác ” hay “tội” này có các điều ác thật và có các điều không phải là ác mà do bị Giới ngăn cấm nên trở thành ác. Do đó trong Luật cũng thể theo đó mà phân “ác” hay “tội” thành hai loại, và Giới cũng vì thế mà thành hai tính chất.

18) Hai loại “ác” hay “tội” này được gọi là gì?

Loại thứ nhất được gọi là Tính ác hay Tính tội. Loại thứ hai được gọi là Già ác hay Già tội.

19) Tính ác hay Tính tội là gì?

Tức các điều ác hay tội lỗi mà dù Phật không chế giới ngăn cấm, chúng vẫn bị coi là ác như thường; các điều ác hay tội lỗi này bị cả thế gian lẫn Giới luật của Phật đều coi chúng là ác thật sự; bởi vì bản tính của chúng là ác là tội, nên chúng được gọi là Tính ác hay Tính tội.

20) Già ác hay Già tội là gì?

Tức các điều không phải là ác hay là tội mà do vì Phật chế giới ngăn cấm (già), nên chúng trở thành bị coi là ác; các điều ác hay tội lỗi này chỉ bị Giới luật của Phật coi là ác là tội, chứ thế gian thì không coi chúng là ác hay là tội; bởi vì bản tính của chúng không phải là ác là tội, mà do Giới luật ngăn cấm (già) nên chúng mới bị coi là ác là tội, thế nên chúng được gọi là Già ác hay Già tội.

21) Chữ “già” này có nghĩa là gì?

“Già” có nghĩa là “ngăn cấm”, “chặn lại”, “không cho phép làm”, “bác bỏ”, “phủ nhận” v. v…, được dùng trong Giới theo nghĩa “ngăn cấm”.

22) Do hai loại ác và tội này, nên Giới cũng phân làm hai tính chất là như thế nào?

Các Giới ngăn chặn các loại ác thuộc Tính ác, thì được gọi là Tính giới; các Giới ngăn chặn các loại ác thuộc Già ác, thì được gọi là Già giới.

23) Xin kể ra các Giới thuộc Tính giới và các Giới thuộc Già giới. Tính giới là bốn giới đầu trong Năm giới cũng như trong Tám giới, tức là: 1. không sát sinh; 2. không ăn cắp; 3. không nói dối; 4. không tà dâm. Ba giới đầu trong Tám giới cũng là một với Năm giới, chỉ có giới thứ tư, thì thay vì “không tà dâm”, thì trong Tám giới là “không dâm dục” (nghĩa là cả chính dâm hay tà dâm đều bị ngăn cấm).

Còn Già giới tức là các giới còn lại.

14) Như vậy thì sự đoán định tội lỗi giữa thế gian và Giới luật có khác với nhau?

Đúng vậy. Đối với các Già ác thì người nào có thọ Giới mà phạm vào các điều ấy, mới thành là có tội; còn người không thọ Giới thì có làm cũng không có tội. Đối với các Tính ác thì dù người không thọ Giới mà phạm vào cũng vẫn là có tội; còn người có thọ Giới mà phạm vào các Tính ác này, thì sẽ vừa có tội theo thế gian và còn có tội với Giới luật nữa.

25) Vậy sự định tội giữa Tính giới và Già giới sẽ như thế nào?

Với một người có thọ Giới, thì khi phạm vào Tính ác, thời có đến ba tội: 1. đi ngược lại với đức lý mà làm điều ác; 2. vi phạm vào giới chế của đức Phật; 3. gây phương hại cho đạo nghiệp.

Khi người ấy phạm vào Già ác, thời chỉ có hai tội là: 1. Vi phạm vào giới chế của đức Phật; 2. Gây phương hại cho đạo nghiệp.

B – Bản Thể Của Giới Pháp

1) Phải chăng trong Giới luật cũng có các lập trường khác nhau mà thành các Tông phái?

Đúng vậy. Song đầu tiên hết là bắt nguồn từ sự phân phái trong đạo Phật khoảng hơn một trăm năm sau khi đức Phật nhập Niết bàn. Sự phân tông chia phái này càng ngày càng nẩy nở và thêm thâm sâu, từ đó Tam tạng kinh điển mà các tông phái sử dụng cũng đều có phản ảnh ra lập trường riêng của mỗi tông phái. Luật tạng cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Ngày nay, chúng ta được truyền thừa lại một Tạng luật gồm nhiều bộ Luật thuộc các tông phái khác nhau, tuy cùng một nội dung, song tinh thần và ý nghĩa của Giới luật đã được giảng giải theo các lập trường khác nhau thuộc về tông phái.

2) Các bộ Luật ấy là các bộ nào?

Đại biểu là “Tứ phần luật” thuộc bộ phái Đàm vô đức (tức Pháp tạng bộ); “Thập tụng luật” thuộc bộ phái Tát bà đa (tức Nhất thiết hữu bộ); và “Ngũ phần luật” thuộc bộ phái Di sa tắc (tức Hóa địa bộ) v. v…

3) Hiện tại chúng ta y theo bộ luật nào làm tông chính?

Phật giáo Việt Nam tông theo Tứ phần luật của Đàm vô đức bộ. Song khi Tứ phần luật được truyền sang Trung Hoa, thì các Tổ luật tông bên đó cũng có các lập trường khác nhau, nên tuy cùng tông theo Tứ phần luật, mà vẫn phân thành ba phái nhÜ sau:

1. Nam sơn tông của ngài Đạo Tuyên (596 – 667).

2. Tướng bộ tông của ngài Pháp Lệ (569 – 635).

3. Đông tháp tông của ngài Hoài Tố (625 – 698).

Trong ba tông trên, chúng ta y theo là theo Nam sơn luật tông của tổ Đạo Tuyên.

Ngoài ra đến thời nhà Tống, có Nguyên Chiếu luật sư (1048 – 1116), ngài chuyên hoằng Luật, và giải thích rất sâu sắc về quan điểm của tổ Đạo Tuyên, ngài trụ ở chuà Linh Chi, nên thường được gọi là Linh Chi tôn giả. Học về Nam sơn Luật thường phải theo sự giải thích của tổ Linh Chi này mới thấu đáo được.

4) Ba tông ấy khác nhau ra sao?

Sự khác biệt chính yếu giữa ba tông ấy là: Ngài Pháp Lệ theo nghĩa lý của “Thành thật luận” để giải thích Tứ phần luật; ngài Hoài Tố thì theo quan điểm của “Câu xá luận” để giải thích Tứ phần luật; tổ Đạo Tuyên lại y theo Đại thừa Duy thức, đồng thời bao trùm luôn cả hai bộ Luận tiểu thừa trên để giải thích Tứ phần luật.

Tóm lại, hai tông kia giải thích Tứ phần luật theo lập trường của Tiểu thừa, còn Nam sơn luật tông là dựa trên lập trường của Đại thừa mà giải thích bộ luật ấy.

5) Ba lập trường trên thường được đề cập đến bằng các danh xưng như thế nào trong truyền thống của Nam sơn luật tông?

Tổ Đạo Tuyên gọi quan điểm của Câu xá, và nói chung các Luật và Luận của Tát bà đa bộ là “Thật pháp tông”, và ngài phán tông này là “đương phận Tiểu thừa giáo”. Vì giáo lý của tông này chủ trương rằng “tất cả các pháp đều thật có”, và hoàn toàn thuộc về Tiểu thừa giáo, nên mới gọi là “đương phận”. Tông này còn thuờng được gọi tắt là “Đa tông” (từ chữ Tát bà “đa” mà ra).

Tổ lại gọi luận Thành thật, và nói chung bộ phái Đàm vô đức với bộ luật Tứ phần là “Giả danh tông”, và phán là “quá phận Tiểu thừa giáo”. Vì tông này cho các pháp chỉ là “giả danh” chứ không thật có, nên tông này tuy thuộc về Tiểu thừa, song muốn vượt quá Tiểu thừa để mà chuyển sang Đại thừa, nên mới gọi là “quá phận”. Đôi khi tông này được gọi tắt là “Giả tông” hay “Thành tông” (là lấy theo tên bộ luận “Thành thật”).

Tổ gọi lập trường của Kinh “Đại bát niết bàn” và của Duy thức học là “Viên giáo tông”, và phán là “chung cùng Đại thừa giáo”. Nghĩa là ý nghĩa của tông này là viên mãn nhất, và là giáo lý cứu cánh của Đại thừa, nên mới gọi là “chung cùng”.

6) Vậy ba tông trên phán xét thế nào về bản thể của Giới pháp?

Theo Thật pháp tông, thì Thể của Giới pháp là “hình sắc” thuộc thân và khẩu.

Theo Giả danh tông, thì Thể của Giới pháp là “phi sắc phi tâm” (không phải sắc cũng không phải tâm).

Theo Viên giáo tông, thì Thể của Giới pháp là các “chủng tử huân tập nơi tạng thức”.

Bản thể của Giới pháp ở đây chỉ nói lược qua thôi. Khi học đến phần Giới thể thì mới là đề tài chính, và mới đi sâu vào chi tiết vậy.

C – Tầm quan trọng của Giới

1) Nền tảng hay bước đầu của con đường Đạo phải chăng chính là Giới?

Đúng vậy. Đức Phật vì muốn cứu vớt chúng sinh, nên ngài mới sáng lập ra Giới cho chúng sinh nương theo đó mà đi để vượt qua biển khổ mà đến được bờ giải thoát bên kia. Giới do đó là con đường giải thoát khỏi ba cõi luân hồi, chứ không phải là con đường hạnh phúc thế gian.

Lại nữa, nếu theo Đại thừa, thì Đạo ở đây là chỉ cho Phật thừa, thế nên con đường Giới này con vượt hơn cả Nhị thừa và quyền thừa Bồ tát nữa, chứ đừng nói gì là thế gian.

2) Con đường Đạo mà Giới là khởi đầu là con đường nào?

Đó là con đường gồm ba học là: Giới, Định và Huệ.

3) Ba học này liên hệ với nhau ra sao?

Theo như Thành Luận có nói: “Giới như bắt giặc, Định là trói lại, Huệ là giết đi. ”

4) Giặc ở đây là ví cho cái gì?

Ví cho phiền não, tức ba độc tham, sân và si.

5) Thứ tự của ba học không thể đảo lộn được hay sao?

Đúng nguyên tắc thì không thể nào đảo lộn được. Bởi vì phải có Giới thì mới sinh Định, có Định rồi thì mới sinh Huệ. Giới là gốc rễ, Định là thân cành, Huệ là hoa quả. Do đó luận theo lẽ nguồn gốc khởi phát, thì thứ tự Giới Định Huệ là lẽ đương nhiên không thể đảo lộn được.

Lại nữa, khi áp dụng ba học để đối trị phiền não, thì phải đối trị từ phần thô trước rồi mới tới phần tế sau. Giới là để trị phần phiền não thô thuộc nghiệp của thân và khẩu, Định và Huệ là để trị các phần phiền não tế và tế hơn nữa thuộc tâm, tức ý nghiệp. Do đó cũng phải đi từ Giới trước rồi mới tới Định, rồi Huệ sau hết.

6) Vậy không có Giới là không thể đắc Định và Huệ được hay sao?

Đúng vậy. Long Thụ bồ tát trong Đại trí độ luận có ví người không có Giới mà đòi đắc được Thánh đạo, tức con đường giải thoát, thời giống như không cánh mà đòi bay, không thuyền mà muốn qua sông.

7) Nếu vậy thì Giới là nền tảng của toàn thể Đạo pháp?

Đúng vậy. Tổ Nam sơn nói: Tam bảo mà được hưng thịnh vững bền, muôn loài có được thầy giáo huấn, người tu có đường để thực hành, hiền thánh có nơi y chỉ, tất cả đều do nương theo Giới.

Các danh xưng về Giới

1) Giới chỉ có một danh xưng là Giới, hay còn có danh xưng nào khác nữa?

Có cả thảy ba danh xưng:

1. Tỳ ni, dịch nghĩa là Luật.

2. Thi la, dịch nghĩa là Giới.

3. Ba la đề mộc xoa, dich nghĩa là “Xứ xứ giải thoát” hay là “Biệt giải thoát”, thường được gọi tắt là “Mộc xoa giới”.

2) Luật nghĩa là gì?

Luật nghĩa là các “nguyên tắc” trì, phạm, không phạm, và tội nặng nhẹ ra sao v. v…

3) Giới là gì?

Giới có nghĩa là “tính [chất]”. Tính ở đây là nói chung cho cả tính thiện và tính ác, nên nói Giới là cũng gồm luôn cả các ác luật nghi. Nhưng trong Luật tạng luôn luông dùng chữ Giới này với nghĩa là “cấm ngăn”.

4) Xứ xứ giải thoát là gì?

Trước hết theo kết quả gần mà gọi tên là như vậy, bởi vì “xứ xứ” là từng chỗ một, tức từng giới một đều có phần giải thoát của riêng mình, nên gọi là “xứ xứ giải thoát”.

Sau nữa là theo kết quả xa mà đặt tên như vậy, tức nhắm nơi kết quả cuối cùng của Giới, chính là quả thánh, tức khi giải thoát tất cả mọi phiền não ràng buộc vào ba cõi luân hồi.

Mộc xoa giới, Định cộng giới và Đạo cộng giới

1) Ngoài các ý nghĩa về Giới như trên, còn có ý nghĩa nào khác về Giới nữa hay không?

Ngoài ra còn có hai loại Giới đặc biệt khác nữa là:

1. Định cộng giới, còn gọi là Thiền giới, tức là giới phát sinh cùng với Định.

2. Đạo cộng giới, còn gọi là Vô lậu giới, tức là giới phát sinh cùng với Vô lậu trí.

2) Hai loại Giới ấy là như thế nào?

Hai loại Giới này do tu đắc bốn thiền định hay khi chứng ngộ ra Lý của Tứ đế và khi đoạn diệt phiền não chứng các thánh quả, tức khi phát sinh các trí vô lậu (vô lậu nghĩa là không có phiền não nữa), thì tự nhiên trong tâm của hành giả phát sinh Giới thể thanh tịnh, và mọi hành động thân khẩu của người ấy đều tương ưng với Giới thanh tịnh.

Hai loại Giới này là tùy theo tâm định và tâm vô lậu mà phát sinh, chứ không phải tuỳ theo quy thức thọ giới qua ba nghiệp thân khẩu ý mà phát sinh như Mộc xoa giới. Định cộng giới vì tùy theo tâm định mà có, nên khi nào tâm xuất khỏi định, thì Giới ấy cũng xả theo. Đạo cộng giới cũng vậy, khi nào trở lại với tâm bình thường, thì Đạo cộng giới cũng không còn nữa.

3) Vậy giữa hai loại Giới ấy và Mộc xoa giới, sự hơn thua nhau ra sao?

Mộc xoa giới được coi là thắng hơn hai loại Giới kia bởi các lý do sau đây:

1. Mộc xoa giới hiếm có hơn hai Giới kia, là vì chỉ khi nào có Phật xuất hiện, thì trong thế gian này mới có Mộc xoa giới, trong khi hai Giới kia không cần phải có Phật ra đời mà lúc nào cũng có thể có được.

2. Mộc xoa giới được áp dụng rộng rãi hơn là hai Giới kia, bởi vì Mộc xoa giới áp dụng trên cả hữu tình và phi tình, trong khi hai Giới kia chỉ áp dụng trên hữu tình mà thôi.

3. Mộc xoa giới mới là chính nhân của Phật đạo, bởi vì Mộc xoa giới phát sinh từ “tâm từ”, trong khi hai Giới kia không phải do từ tâm, mà do “trí” mà đắc. Hai Giới này chuyên tự lợi, nên không so được với Mộc xoa giới vì cứu khổ cho chúng sinh mà thành lập.

4. Mộc xoa giới mới có công năng tiếp độ được chúng sinh một cách rộng rãi, vì Mộc xoa giới là nền tảng thành lập nên cả bẩy chúng trong Phật đạo; Mộc xoa giới mới có công năng làm cho Tam thừa, Tam bảo và Tam đạo được tiếp tục duy trì trong thế gian này. Hai giới kia không sao có được các công năng ấy, nên khôngsao bằng được.

5. Mộc xoa giới chỉ có đệ tử của Phật mới có được, còn trong hai Giới kia thì tuy Vô lậu giới ngoại đạo không đắc được, song Thiền giới thì ngoại đạo vẫn có được.

Tóm lại Mộc xoa giới quí hơn hai Giới kia về năm phuơng diện là: thời, cảnh, tâm, công và nhân (tức là người).

Về trùng thọ giới

1) Giới trong trường hợp nào là được thọ lại lần nữa?

Thọ lại lần nữa có nghĩa là “trùng thọ”. Trong trường hợp một Ưu bà tắc đi thọ Bát quan trai giới, vì là Ưu bà tắc thế nên vị này đã thọ Năm giới rồi, giờ đây lại thọ Tám giới, thì trong Tám giới lại có cả Năm giới, do đó vị đó coi như thọ lại Năm giới một lần nữa, nghĩa là “trùng thọ” năm giới vậy. Nếu trong đời vị ấy thọ Bát quan trai thường xuyên, thì như vậy là vị ấy “trùng thọ” Năm giới rất nhiều lần.

2) Như vậy phải chăng phẩm chất của Năm giới càng thêm tăng trưởng mỗi phen “trùng thọ”?

Theo Đa tông, một khi đã thọ đắc Giới thể rồi, thì coi như phần giới ấy cố định, không hề có trường hợp “trùng phát”, nghĩa là phẩm chất của Giới ấy không hề có tăng hơn. Do đó không có vấn đề “trùng thọ” đối với Đa tông. Nghĩa là năm giới sau khi thọ Năm giới rồi, sau đó thọ Tám giới, rồi lại thọ Mười giới, thì năm giới ấy trước sau vẫn chỉ là một, không hề tăng trưởng thêm.

Còn theo Thành tông thì trong vòng một ngày thôi mà nếu tuần tự thọ cả bẩy Luật nghi (tức Năm giới, Tám giới, Mười giới, Cụ túc giới, Thiền giới, Định giới và Đạo cộng giới), thì trong sáu Luật nghi sau, năm giới thọ đầu tiên đã không mất, mà còn tăng trưởng hơn lên thành phẩm chất của các Luật nghi sau, nên được gọi tên theo các Luật nghi sau vậy. Thí dụ như giới sát sinh, lúc thọ Năm giới, thời thuộc về phẩm chất của Năm giới và được gọi tên là “Năm giới”; sau đó phát tâm mạnh hơn, người ấy thọ Tám giới hay Mười giới v.v…, thì giới sát sinh sẽ tăng theo phẩm chất của các Giới sau này mà đưọc gọi tên thành “Tám giới”, “Mười giới” v.v…

Tóm lại theo Đa tông thì không có “trùng thọ”, còn theo Thành tông thì có “trùng thọ”. Nam sơn tông (tức tông mà chúng ta theo) chấp nhận quan điểm của Thành tông.

3) Thọ Năm giới rồi, sau đó thọ Tám giới hay Mười giới, thì năm giới đầu tiên được gọi là “trùng thọ”. Nếu bây giờ lại thọ lại Năm giới, chứ không phải là Tám hay Mười giới, thì có được kêu là “trùng thọ” hay không?

Khi thọ Giới có nghĩa là thâu nạp Giới pháp vào tâm để thành Giới thể, mà mỗi “cấp bậc” Giới có Giới thể riêng biệt, thế nên khi từ Năm giới rồi lại thọ Tám giới, thời có nghĩa là từ Giới thể của Năm giới tăng trưởng lên thành Giới thể của Tám giới. Tăng trưởng như thế không có nghĩa là Giới thể của Năm giới trước đó mất đi, mà chính là phát triển hơn lên nữa thành Giới thể của Tám giới. Do đó mới gọi là “trùng phát”, tức Giới thể phát lại thành một phẩm chất mạnh mẽ hơn nữa, có thể nói là Giới thể “trùng tăng”, tức Giới thể lại tăng thêm lần nữa. Như vậy, tăng thêm có nghĩa là vẫn không mất Giới thể cũ nhưng tăng lên thành một “cấp bậc” cao hơn nữa, như từ Năm giới lên thành Tám giới, từ Tám giới lên thành Mười giới v. v…

Do đó, phải thọ Năm giới rồi sau đó thọ Tám giới v. v… mới được gọi là “trùng thọ”. Còn nếu thọ Năm giới rồi lại thọ lại Năm giới lần nữa, thì trường hợp này Giới thể vẫn chỉ là một, không có nghĩa gì là tăng trưởng ở đây hết, vậy thì sao gọi là “trùng thọ” được.

Tuy nhiên, Linh Chi luật sư có đề cập đến vấn đề phát tâm thọ giới gồm ba phẩm chất hạ, trung và thượng (ba phẩm chất này sẽ được nói đến trong phần phát tâm thọ Năm giới sau này). Người thọ giới lúc đầu thọ chỉ có thể phát tâm trung hay hạ, Phật cho phép “trùng thọ” để chuyển thành phẩm chất thượng.

Theo đó thời vấn đề “trùng thọ” còn tuỳ thuộc nơi việc phát tâm nữa. Nếu vậy, lúc đầu thọ Năm giới với tâm phẩm hạ, sau đó thọ Năm giới lại với tâm phẩm thượng, Giới thể sẽ được phát lại (trùng phát) với một phẩm chất hoàn hảo hơn. Nếu đúng vậy, thời trường hợp ở đây vẫn có đủ ý nghĩa của “trùng thọ”, song không căn cứ theo chỗ Giới thể mới cao cấp hơn làm tăng trưởng Giới thể cũ, mà căn cứ theo chỗ tâm thọ giới được phát lại với phẩm chất cao hơn làm tăng trưởng Giới thể cũ. (Thí dụ như một học sinh thi từ lớp một lên lớp hai, rồi lớp hai lên lớp ba v. v…, cứ vậy mà tăng lên. Và trường hợp một học sinh học lại lớp với một sự chăm chỉ hơn trước làm tăng trưởng sự hiểu biết của mình hơn xưa vậy. ) 4) Trùng phát và trùng thọ khác nhau ra sao?

Trùng phát là nói cho khi Giới thể “mới”, thí dụ của Tám giới chẳng hạn, được phát ra, thì Giới thể “cũ”, tức thuộc Năm giới đã thọ trước đó, sẽ y theo Giới thể “mới” này mà phát lại lần nữa, nên gọi là “trùng phát”. Trong khi “trùng phát” như thế, thì Giới thể “trùng phát” của Năm giới ấy vẫn là một với Giới thể “cũ”, thế nên Giới thể “cũ” này được coi như “trùng thọ” lại.

 

II. TAM QUY

A – Ý Nghĩa Của Tam Quy

1) Quy y nghĩa là gì?

Theo Đa luận thì Tam quy là: lấy Tam bảo làm chỗ quay về (sở quy). Chỗ quay về có nghĩa là cứu giúp che chở. Ví như có người bị tội với vua của xứ mình, chạy sang xứ khác để cầu được cứu giúp che chở. Vua xứ kia nói rằng: “Nếu ông muốn hết sợ hãi, thì hãy quy hàng về ta, đừng ra khỏi lãnh vực của ta, đừng vi phạm vào giáo pháp của ta, thì ông sẽ được cứu giúp che chở. ” Chúng sinh cũng như vậy, bị hệ thuộc vào Ma, mắc dính vào lỗi lầm sinh tử, nay quy hướng về Tam bảo, Ma không còn làm hại gì được nữa.

2) Ma ở đây có nghĩa là gì?

Ma ở đây gồm có bốn loại: (1) Thiên ma, (2) Ngũ ấm ma, (3) Phiền não ma, (4) Tử ma. Chúng sinh khi chưa quy y về Tam bảo, thì đều bị lệ thuộc vào bốn loại Ma ấy.

3) Như vậy phải chăng khi chưa có Tam bảo, thì chúng sinh hoàn toàn lệ thuộc vào bốn loại Ma ấy?

Đúng vậy. Khi Phật chưa xuất hiện thì chưa có Tam bảo và Giới pháp biệt giải thoát. Cho dù “Thập thiện” và “Tứ vô lượng tâm” vẫn có mặt trong thế gian này, song hai pháp này không đủ sức vươn lên đến chỗ thanh tịnh vượt ngoài lãnh vực của thế gian. Chỉ đến khi đức Phật xuất thế, mục tiêu là để đoạn phiền não cho chúng sinh, kéo họ ra khỏi sự trói buộc của ba cõi, chứ không phải là vì thiện của thế gian, nên đức Phật mới giảng nói về Giới pháp, mới lập thành Tam bảo, cho chúng sinh có nơi nương tựa mà theo đó tu hành mà đạt đến chỗ giải thoát.

4) Có bao nhiêu loại Tam quy?

Có năm loại Tam quy: (1) Phiên tà Tam quy, (2) Tam quy thuộc Năm giới, (3) Tam quy thuộc Tám giới, (4) Tam quy thuộc Mười giới, (5) Tam quy thuộc Cụ túc giới.

5) Tam quy vốn là một, tại sao lại phân thành năm loại như trên?

Bởi vì khi thọ Tam quy là lúc đắc Giới thể, mà mỗi “cấp bậc” Giới đều có một Giới thể riêng biệt, thế nên các Tam quy để thọ các Giới thể riêng biệt này cũng trở thành các Tam quy riêng biệt chứ không phải là một nữa. Và cũng chính vì lý do đó mà mỗi lần thọ Giới là mỗi lần phải thọ Tam quy. Nghĩa là một người dù đã thọ Tam quy rồi, song đến khi thọ Năm giới, thì trước khi được truyền cho năm giới, bắt buộc phải thọ Tam quy để đắc Giới thể của Năm giới. Đắc Giới thể của Năm giới có nghĩa là đắc được Năm giới, và có nghĩa là đủ tư cách để được truyền thọ cho năm giới vậy. Đến khi thọ Tám giới hay Mười giới và Cụ túc giới sau đó, thì mỗi lần lại phải thọ Tam quy trước rồi mới thọ Giới sau.

Trên nguyên tắc là vậy, song về sau này thì khi thọ Cụ túc giới, để đắc Giới thể, phép bạch Yết ma được thay thế cho Tam quy, thế nên ngày nay thật sự chỉ còn có bốn loại Tam quy mà thôi.

6) Mỗi lần thọ Giới đều phải thọ Tam quy, phải chăng như vậy có nghĩa là thọ lại hay “trùng thọ” hay không?

Tuy như trên đã nói, mỗi “cấp bậc” Giới là một Giới thể riêng rẽ, nên Tam quy của mỗi “cấp bậc” Giới ấy là một loại Tam quy riêng biệt, có phẩm chất khác hẳn nhau, chứ không phải là cùng một loại, do đó mà Tam quy mới thành là có năm “loại”. Song theo Nam sơn Luật tông thì nơi tự thân của Tam quy vẫn có ý nghĩa trùng thọ này.

7) Nhưng tại sao đã đồng là một Tam quy mà Giới thể của mỗi “cấp bậc” Giới lại không đồng với nhau?

Vì nếu chỉ cần một lần Tam quy là đắc Giới thể chung cho tất cả các ‘cấp bậc” Giới, thì hóa ra thọ Năm giới cũng đồng với thọ Tám giới, với Mười giới, và với Cụ túc giới, như thế thời bản “thể” của Ưu bà tắc, Cận trụ, Sa di và Tỳ khưu sẽ là một, không còn phân biệt được nữa ! Một người chỉ cần thọ Năm giới cũng đủ thành Tỳ khưu! Do đó mỗi “cấp bậc” Giới có một loại Tam quy riêng biệt, và một Giới thể riêng biệt.

8) Tam quy không thôi mà không thọ Giới gì hết, có đắc Giới thể hay không?

Phải khi nào thọ một trong các “cấp bậc” Giới như Năm, Tám, Mười, thì mới có vấn đề đắc Giới thể, còn chỉ thọ Tam quy không thôi thì không có vấn đề đắc Giới thể, mà chỉ đắc Thiện pháp mà thôi.

9) Thọ Tam quy không thôi được gọi là gì?Được gọi là Phiên tà Tam quy.

10) Phiên tà có nghĩa là gì?

Phiên có nghĩa là “lật ngược trở lại”, “quay ngược trở lại”, “chuyển ngược trở lại”. Tà có nghĩa là “cong queo”, “lệch lạc”. Phiên tà có nghĩa là từ chỗ cong queo lệch lạc chuyển ngược trở lại về chỗ ngay thẳng chân chính, tức từ thế gian vọng tưởng không thật quay trở về với Tam bảo cứu cánh chân thật.

Tà ở đây chỉ cho toàn thể thế gian gồm ba cõi luân hồi đau khổ và không thật, nên một khi đã nương vào ba cõi ấy mà hoạt động thì chỉ là nghiệp phiền não, và nghiệp này sẽ dẫn dắt chúng ta đi lệch ra khỏi con đường đưa đến cứu cánh an lạc giải thoát và giác ngộ, để chỉ lạc vào trong vòng luân hồi đau khổ thuộc lãnh vực của bốn Ma, cho nên Tà ở đây là chỉ cho bốn Ma vậy.

Một khi muốn vượt thoát ra khỏi lãnh vực của bốn Ma, tức ra khỏi lãnh vực của toàn khối đau khổ, chúng ta phải chuyển sang nương tựa vào Tam bảo, bỏ cái nẻo Tà ấy đi, nên gọi là Phiên tà Tam quy.

B – Ý Nghĩa Của Tam Bảo

1) Tam bảo là gì?

Tam là ba, Bảo là vật báu. Tam bảo chỉ cho ba báu vật hiếm có nhất và quí báu nhất trong khắp thế gian này, tức là Phật, Pháp và Tăng.

2) Tại sao Phật, Pháp và Tăng lại được gọi là ba báu vật như vậy?

Vì Phật, Pháp và Tăng có ích lợi bậc nhất cho thế gian ở chỗ chỉ có Phật, Pháp và Tăng mới có thể kéo chúng sinh ra khỏi ba cõi luân hồi, chấm dứt mọi sinh tử đau khổ. Có công năng cao quí bậc nhất như thế nên mới được gọi là Tam bảo.

Trong Bảo Tính Luận có nói về sáu nghĩa của “Bảo” như sau: (1) Nghĩa hiếm có (hi hữu), như báu vật trong thế gian kẻ nghèo cùng không thể có được, cũng vậy với Tam bảo kẻ phúc mỏng không thể gặp gỡ được. (2) Nghĩa lìa cấu (ly cấu), như báu vật trong thế gian không có chút bợn dơ, cũng vậy Tam bảo lìa sạch mọi lậu hoặc (tức phiền não). (3) Nghĩa thế lực, như báu vật trong thế gian có năng lực trừ hết các nghèo cùng khổ não, cũng vậy Tam bảo có năng lực của sáu thần thông không lường. (4) Nghĩa làm đẹp (trang nghiêm), như báu vật trong thế gian trang điểm cho thân, cũng vậy Tam bảo trang điểm cho Pháp thân. (5) Nghĩa có giá trị hơn hết (tối thắng), như báu vật trong thế gian là quí giá hơn hết trong các sự vật, cũng vậy Tam bảo là tôn quí vô thượng trong tất cả các cõi Hữu. (6) Nghĩa không cải đổi (bất cải), như báu vật thế gian có mài dũa gì cũng không biến chất, cũng vậy Tam bảo bất động trước tám pháp, tức tám thứ “gió” là: thua thiệt, thắng lợi, hủy nhục, hãnh diện, ca ngợi, chê bai, khổ sở, sung sướng (suy, lợi, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc).

3) Có mấy loại Tam bảo?

Có bốn loại Tam bảo: (1) Lý thể Tam bảo, (2) Hóa tướng Tam bảo, (3) Trụ trì Tam bảo, (4) Nhất thể Tam bảo.

4) Lý thể Tam bảo là gì?

Pháp thân gồm có năm phần giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến (ngũ phần pháp thân) là Phật bảo; Lý tịch diệt vô vi là Pháp bảo; Công đức hữu học và vô học của các bậc Thanh văn là Tăng bảo.

5) Hóa tướng Tam bảo là gì?

Thích Ca phật là bậc vua về hóa đạo cho khắp thế giới ba ngàn, là Phật bảo; Giáo pháp Tứ đế được truyền giảng rộng rãi là Pháp bảo; Nhóm năm ngài Câu Lân… là Tăng bảo.

6) Trụ trì Tam bảo là gì?

Các hình, tượng phật và các tháp miếu thờ Phật là Phật bảo; Các kinh điển được ghi lại trên giấy là Pháp bảo; Hình tướng oai nghi và giới pháp của các vị tăng là Tăng bảo.

7) Nhất thể Tam bảo là gì?

Tam bảo tuy là ba tướng khác nhau, song thể chỉ là Một tâm mà thôi, gọi là Nhất thể Tam bảo.

8) Bốn loại Tam bảo này liên hệ với nhau ra sao?

Tâm vọng niệm của chúng sinh vốn tự nhiên đã có đầy đủ cả ba Bảo một cách chân thật, gọi là Nhất thể Tam bảo. Nơi quả của chư Phật thời có các đức tính thanh tịnh không nhiễm, thì gọi là Lý thể Tam bảo. Tùy thời hiện ra làm ích lợi dẫn dắt quần sinh, gọi là Hóa tướng Tam bảo. Thương tưởng đến các đời sau, truyền lại đến vô cùng, gọi là Trụ trì Tam bảo.

9) Nếu có đến bốn loại Tam bảo, thì khi nói quy y Tam bảo là quy y loại Tam bảo nào?

Chiếu theo Đa luận thì: Quy y Phật có nghĩa là quy y Pháp thân gồm năm phần thuộc Nhất thiết trí. Quy y Pháp là quy y Niết bàn thuộc Diệt đế. Quy y Tăng là quy y các công đức hữu học và vô học của các bậc hiền thánh…

Do đó quy y Tam bảo có nghĩa là quy y “Lý thể Tam bảo”.

10) Tại sao lại quy y Lý thể Tam bảo?

Vì phải “thường trụ” và “thanh tịnh lìa cấu” thì mới có thể làm chỗ quy y cho thế gian được. Hóa tướng và Trụ trì Tam bảo đều không có tính chất “thường trụ”, thế nên không thể làm chỗ quy y cho thế gian được. Còn Nhất thể Tam bảo tuy cũng thường trụ song lại ở trong “mê”, tuỳ chuyển theo mê, chưa hiển lộ ra được, nghĩa là chưa lìa cấu được, thế nên cũng không thể làm chỗ quy y được. Chỉ có Lý thể Tam bảo có đủ hai tính chất ấy, nên được coi là chỗ nương tựa cho thế gian vậy.

11) “Lý thể” có nghĩa là gì?

Tổ Đạo Tuyên giải thích: “Lý” có nghĩa là lý tột cùng (chí lý), vốn tự nhiên chân thật thường trụ (thiên chân thường trụ), lại chính là bản thể của tâm (tâm thể)…

Tổ Linh Chi nói là “thanh tịnh tâm bổn”, có nghĩa là bản thể của tâm vốn là thanh tịnh.

Như vậy “lý thể” ở đây chỉ cho cái Lý chân thật nhất, Lý này lại chính là bản Thể của tâm. “Lý thể” này vốn có đầy đủ tính chất của Tam bảo, song khi còn ở tâm chúng sinh, bị các phiền não che đậy, không hiển rõ ra được, thì gọi là Nhất thể Tam bảo. Một khi “Lý thể” này đã hiển rõ ra rồi, tức đã lìa hết mọi phiền não cấu uế, chính là ở nơi giai đoạn Phật quả, “Lý thể” này trở thành bản thể của Phật, Pháp và Tăng.

12) Như vậy phải chăng ba loại Tam bảo kia đều không đủ tính chất cao quý để làm chỗ quy y, vậy thì đâu có thể coi là “Bảo” được?

Không phải như vậy, thật ra bản Thể của Tam bảo gồm cả hai phương diện là Sự và Lý: Thân Phật với ba mươi hai tướng, hoặc tượng đất, tượng kim loại, tranh vẽ là Sự, năm phần Pháp thân là Lý; âm thanh, danh tự, chữ nghĩa, giấy mực để tạo thành Kinh điển là Sự, Diệt lý Niết bàn là Lý; hình tướng xuất gia là Sự, các công đức hữu học và vô học của các bậc thánh thuộc bốn quả là Lý. Tóm lại Hóa tướng và Trụ trì Tam bảo là thuộc về Sự, Lý thể và Nhất thể Tam bảo thuộc về Lý. Lý vốn thường trụ, Sự thì vô thường, thế nên khi quy y Tam bảo tuy là quy y cả Sự và Lý, song chỗ quy y chính là chỗ thường trụ, vì vậy Lý Tam bảo được coi là chỗ quy y là vậy.

Tuy nhiên Lý do Sự mà hiển, Lý không có ngoài Sự, thế nên quy y vào Lý Tam bảo tức là quy y luôn cả Hóa tướng và Trụ trì Tam bảo vậy.

Còn Nhất thể Tam bảo tuy thuộc về Lý song vì không hiển rõ nên không thể làm chỗ quy y được.

13) Như vậy phải chăng khi làm pháp thức thọ Tam quy thì phải nương vào Trụ trì Tam bảo, song đối tượng để quy y thì lại là Lý thể Tam bảo?

Khi nói quy y Lý thể Tam bảo, là lấy chỗ chân lý làm nơi nuơng tựa cho chúng sinh, ý muốn đưa chúng sinh đến chỗ chứng chân lý ấy, chứ không phải giản dị chỉ là chỗ quy y mà thôi, ý muốn nói quy y Tam bảo là con đường Đạo của chân lý, chứ không phải là nơi để nương nhờ vì bất cứ lý do gì khác.

Do đó, thật sự ra quy y là quy y với Trụ trì Tam bảo, song nếu không biết gì hết đến chân ý nghĩa của Trụ trì Tam bảo, tức Lý thể Tam bảo, thời coi như sự quy y ấy không còn có ích lợi và giá trị cao quý gì nữa. Như người có viên ngọc mà không biết gì đến giá trị của viên ngọc ấy hết, thì có cũng như không; có biết được chỗ quý giá của ngọc thì ngọc mới trở nên có giá trị và được coi trọng. Cũng vậy quy y về Lý thể Tam bảo là để biết được chân giá trị của Tam bảo, nhờ đó mà mới thấy được giá trị và biết coi trọng ba loại Tam bảo kia.

Vả lại Lý cũng không có ngoài Sự, dù Sự có phân làm hai loại là Hóa tướng và Trụ trì, song cả hai cũng chỉ cùng một Lý, thế nên không được coi thường Trụ trì Tam bảo.

Lấy thí dụ mà nói, khi vàng còn là quặng ở trong mỏ, đó là Nhất thể Tam bảo; khi vàng được lấy ra khỏi mỏ và được tinh lọc thuần chất, đó là Hóa tướng Tam bảo; khi vàng được chế thành đủ thứ đồ dùng trang sức, đó là Trụ trì Tam bảo; và nói chung lại, bản thể của vàng là Lý thể Tam bảo.

Lại tuy nói quy y Lý thể Tam bảo, song chúng sinh không ai chứng được Lý thể Tam bảo hay nhất thể Tam bảo, Hóa tướng Tam bảo thì không còn nữa, thế nên quy y thật sự vẫn là quy y vào Trụ trì Tam bảo. Có điều chúng ta vẫn phải luôn ý thức rằng là quy y vào Trụ trì Tam bảo có nghĩa là quy y vào ý nghĩa chân thật nhất của Trụ trì Tam bảo, tức là Lý thể Tam bảo vậy. Như khi chúng ta mua một cái vòng vàng, thì không phải chỉ mua cái vòng không thôi, mà chính yếu là mua cái thể chất vàng của vòng ấy vậy.

14) Bốn loại Tam bảo đều có đủ sáu nghĩa “Bảo” ở trên hay sao?

Theo tổ Linh Chi so sánh như sau:

(1) về nghĩa thứ nhất là hiếm có (hi hữu) thời cả bốn loại Tam bảo đều có nghĩa này: Trụ trì Tam bảo kẻ không tin thì không gặp; Hóa tướng Tam bảo kẻ không có duyên thì không gặp, như ba ức người ở thành Xá vệ không gặp phật Thích Ca; Lý thể Tam bảo thì thuộc vào thánh pháp, nên kẻ phàm ngu không gặp được; Nhất thể Tam bảo thời hàng nhị thừa không gặp được.

(2) Về nghĩa thứ hai là lìa cấu (li cấu) thì chỉ có Lý thể Tam bảo mới có ý nghĩa này. Tổ Đạo Tuyên có nói: “Trụ trì Tam bảo thể là hữu vi, nên có đủ mọi phiền não ô nhiễm. Hóa tướng Tam bảo thể là vô thường…, diệt đã mấy ngàn năm, song có thể truy tưởng để tăng thêm tâm kính trọng. Nhất thể Tam bảo thì ở trong mê, tuỳ theo nhiễm. Cho nên cả ba loại Tam bảo này đều không có nghĩa lìa cấu. ”

(3) Về nghĩa thứ ba là thế lực tức sáu thần thông thì chỉ Hóa tướng Tam bảo mới có nghĩa này mà thôi.

(4) Về nghĩa thứ tư là trang nghiêm thời chung cho cả bốn loại: Trụ trì và Hóa tướng Tam bảo làm phát sinh tín tâm; Lý thể và Nhất thể Tam bảo có thể tu chứng; nên cả bốn đều có nghĩa trang nghiêm.

(5) Về nghĩa thứ năm là tối thắng cũng chung cho cả bốn loại. Nghĩa tối thắng của ba loại kia thì dễ hiểu, duy có Trụ trì Tam bảo tuy là các vật thuộc thế gian, song phải hiểu là không thứ nào mà không biểu hiện cho Pháp thân…. Vàng, gỗ, đá, tuy là các vật vô tình, song đã tạo thành tượng Phật rồi thì người kính được phúc, người huỷ bị tội… Pháp bảo cũng cùng một nghĩa như vậy. Còn Tăng tuy còn nhiễm trước, song vốn là phúc điền của thế gian, trong người trời là hơn hết; Tăng có phá giới hay ác hành vẫn còn hơn là ngoại đạo và thế tục, huống gì còn biết phụng trì giới hành.

(6) Về nghĩa thứ sáu là không cải đổi (bất cải) thì Nhất thể Tam bảo tuy cũng là thường, song thuận theo chỗ mê, tuỳ duyên mà chuyển biến. Hai Tam bảo kia thì vô thường. Nên chỉ có Lý thể Tam bảo mới có nghĩa này.

C – Công Đức và Lợi Ích

1) Công đức của Tam quy ra sao?

Công đức của Tam quy không có hạn lượng. như kinh Thiện Sinh có nói: “Nếu ai mà thọ tam tự quy, thì quả báo đắc được không thể cùng tận. Ví như có bốn kho báu lớn, nhân dân toàn quốc trong vòng bẩy năm chuyển vận không hết, người thọ tam quy phúc của họ còn hơn cả bốn kho báu kia đến mức không thể tính toán được nữa. ”

Kinh Giáo Lượng Công Đức nói: “Có người suốt đời cúng dường các bậc đắc quả nhị thừa đầy khắp bốn châu lớn, không bằng có người nam hay người nữ nào đó mà nói rằng: ‘Con tên là…. xin quy y Phật, Pháp và Tăng. ‘ Công đức của người này không thể nào suy nghĩ bàn luận được. Bởi vì trong tất cả mọi phúc đức, Tam bảo là trên hết. ”

2) Ích lợi của Tam quy ra sao?

Trong Kinh có nói: Nếu người nào nghe đuợc hai chữ “thường trụ”, người ấy đời đời không đọa vào ác thú. Vì sao mà được như vậy? Do vì biết được Phật và Pháp bổn tính vốn là thường. Cái biết ấy huân vào bổn thức thành nghiệp chủng, nên lòng tin thanh tịnh không bao giờ mất. Huống gì lại lập nguyện quy y, tuân thủ phép tắc, thì muôn kiếp luôn thanh tịnh thù thắng, do nghĩa ấy nên không hề bị đọa lạc.

Lại theo trong Kinh, có người thọ Tam quy thôi mà được giải thoát ngay nơi hội thứ nhất của Phật Di Lặc.

Cho nên Tam quy chính là cái bến lành (lương tân) để ra khỏi biển khổ, là cấp bậc (giai vị) để bước vào phật Pháp. Song những kẻ do vì tội nhiều ác nặng mới coi nhẹ xem thường, tuy từng đã thọ Tam quy, song cứ theo duyên mà sẩy mất.

Vì thế người trí ngay từ lúc bắt đầu thọ Tam quy, đã để hết tâm duyên theo đó, mới đúng là quy y, và mới cảm được thiện thần theo bên ủng hộ.

Ngoài ra kinh Đại Tập có nói: Phụ nữ có mang, sợ thai không an, thì trước hết nên thọ Tam quy, thai nhi sẽ không bị hư hại. Đến khi sinh ra, thân tâm đều trọn vẹn và có thiện thần hộ trì.

D – Sám Hối

1) Trước khi Tam quy có cần phải Sám hối hay không?

Các kinh A Hàm đều nói là phải Sám hối. Kinh Niết Bàn nói: “Thố lộ (phát lộ) ra các điều ác là mọi điều ác mà mình đã làm từ thuở sinh tử đến giờ cho đến chỗ không còn chỗ để đi nữa đều thố lộ ra hết [để mà sám hối]”.

2) “Chỗ không còn chỗ để đi nữa ” là nghĩa gì vậy?

Tức chỉ cho đến lúc đắc Niết bàn. Vì Niết bàn là chỗ cùng cực để mà tu chứng vậy, đến Niết bàn rồi là không còn chỗ nào để mà tiến đến nữa (tức không có pháp nào cao hơn để mà tu chứng nữa), thế nên mới nói là “không có chỗ nào để đến nữa” (vô chí xứ).

Ý nói Sám hối ở đây là sám hối không phải chỉ các tội lỗi trước mắt hay trong hiện tại không thôi, cũng không phải chỉ các lỗi hiện tại và tất cả các tội lỗi quá khứ từ thuở sinh tử đến giờ, mà cả các lỗi lầm trong tương lai nữa. Tương lai là đến bao giờ? Bất tận hay sao? Cho đến bao giờ chứng đắc Niết bàn. Vì Niết bàn mới hoàn toàn thanh tịnh chấm dứt tất cả mọi lỗi lầm vậy.

3) Các lỗi lầm trong tương lai chưa biết là mình có tạo hay không, vả lại ngay hiện tại mình không có tạo thì tại sao lại phải Sám hối?

Niết bàn là nghĩa thanh tịnh không còn chút lỗi lầm, nên ngay hiện tại mà chưa chứng Niết bàn, chứng tỏ là chúng ta đã đang và sẽ ở trong lỗi lầm, thế nên phải Sám hối trọn cả ba thời là vậy.

Lỗi lầm ở đây, nói đúng ra, là lỗi sinh tử luân hồi. Mà tương lai chính là ý nghĩa của sinh tử luân hồi, thế nên Sám hối lỗi tương lai là rất đúng lẽ vậy.

4) Nếu vậy cần gì phải Sám hối lỗi quá khứ, vì quá khứ đã qua mất rồi, đâu còn tác dụng gì cho luân hồi sinh tử nữa?

Quá khứ tuy qua mất rồi, song vẫn để lại kết quả của nó tức chính là hiện tại, nghĩa là tiềm lực của quá khứ vẫn tiếp tục hoạt động mới thành đời sống hiện tại. Các tiềm lực quá khứ này thúc đẩy đời sống hiện tại tiếp tục lầm lỗi theo con đường sinh tử, thế nên cần phải Sám hối lỗi quá khứ vậy.

Vả lại đem lỗi lầm quá khứ ra mà Sám là để dựa theo đó làm tiêu chuẩn, quán sát các lỗi lầm tương lai cũng y như vậy mà Sám hối.

5) Nhưng chúng ta đâu có biết rõ là trong quá khứ, nhất là từ vô thủy sinh tử, chúng ta đã làm những lỗi lầm gì để mà Sám hối?

Lỗi lầm ở đây là lỗi lầm “sinh tử” thuộc về Đạo chứ không phải lỗi lầm thông thường của thế gian, nghĩa là một khi chúng ta không giác ngộ và chưa chứng được Niết bàn, điều ấy chứng tỏ chúng ta hoàn toàn lỗi lầm. Vì không giác ngộ và chưa chứng được Niết bàn, thì chúng ta đã luôn luôn và mãi mãi sẵn sàng là một chất liệu để tạo nên tất cả mọi đau khổ thuộc ba cõi từ Địa ngục lên đến tứ Thiền, tứ Định. Thế nên, phải hiểu sự vô minh và phiền não của chúng ta cùng các hoạt động (tức nghiệp) của chúng là nguyên nhân sai lầm tạo ra toàn thể ba cõi.

Do đó, khi Sám hối theo thế gian thì phải thấy rõ là mình đã làm lỗi gì, rồi mới sám hối; và lỗi lầm thì chỉ được xét theo quan điểm đúng sai của đạo đức thế gian mà thôi. Trong khi Sám hối theo con đường Đạo là Sám hối tất cả các hành nghiệp (tức là các hành động hoặc thiện hay ác) xuất phát từ vô minh và phiền não (tức tham, sân, si), làm cho chúng ta dính chặt vào ba cõi mà không sao giải thoát đuợc. Dù có thể là chúng ta không làm tất cả các hành nghiệp ấy, song bản chất vô minh và phiền não của chúng ta lại là gốc gác của tất cả các hành nghiệp ấy, và đã có sẵn đầy đủ tính chất của các hành nghiệp ấy, nên khi Sám hối là phải quán tất cả mọi hành nghiệp của ba cõi đều là hành nghiệp vọng tưởng của chính mình, và theo đó mà Sám hối tất cả mọi vọng nghiệp từ Địa ngục lên đến trời Hữu đỉnh (tức cõi trời cao nhất trong ba cõi, thuộc cõi vô sắc).

6) Sám hối như thế nào?

Bằng các cách thức thông dụng theo Kinh điển như Hồng Danh Sám, Thủy Sám, Lương Hoàng Sám v. v… Nhưng thông thường thì người thọ Tam quy chỉ cần lập lại theo sự hướng dẫn của Giới sư, nói lên lời bộc bạch (phát lộ) Sám hối đối trước Tam bảo như sau:

“Đệ tử tên là….. kể từ vô thủy cho đến ngày nay, lỡ tạo các điều tội lỗi, ngày nay thành tâm sám hối, thề tránh các điều ác, nguyện làm các việc lành, cúi xin Tam bảo từ bi gia hộ, khiến cho đệ tử tội diệt phúc sinh, căn lành thêm lớn, hiện tiền phúc huệ trang nghiêm, khi xả báo thân này, nguyện sinh về cõi Phật. ”

Thưa ba lần như thế, và sau mỗi lần thưa thì lạy một lạy (trước khi lạy có thể xướng lên danh hiệu “Nam mô Cầu sám hối Bồ tát ma ha tát”. Và sau đó Giới sư có thể dùng nước tịnh thủy rải trên đầu vị thọ Tam quy, gọi là lễ quán đỉnh).

7) Mục tiêu của Sám hối là gì?

Là để rửa sạch ba nghiệp thân, khẩu, ý, khỏi hết tất cả mọi tội lỗi, tức là làm cho ba nghiệp được thanh tịnh.

8) Tại sao phải thanh tịnh ba nghiệp?

Ba nghiệp đưọc gọi là “hành nhân”, nghĩa là các “hành” động, hay còn gọi là “nghiệp”, làm “nhân” cho cả ba cõi luân hồi, và cả Phật quả, Niết bàn giải thoát. Nghĩa là nếu ba nghiệp ấy ô nhiễm bởi tham sân si, thì kết quả sẽ là ba cõi luân hồi; nếu ba nghiệp được thanh tịnh nhờ Sám hối, thì kết quả sẽ là Phật quả và giải thoát.

Thế nên quy y Tam bảo là cốt để thoát khỏi sự kềm tỏa của bốn Ma trong ba cõi, cho nên phải Sám hối cho thanh tịnh ba nghiệp. Thanh tịnh ba nghiệp ví như cởi các khóa xích của bốn Ma cột mình vào ba cõi, để mà thoát ra, mới tự tại mà chuyển sang nương tựa vào Tam bảo được.

Sám hối để thanh tịnh ba nghiệp như thế là thuận theo với ý nghĩa “phiên tà”.

Lại nữa, tâm của chúng sinh vốn đã có đủ Tam bảo (gọi là Nhất thể Tam bảo), song chúng sinh không thể nào hiển hiện ra được toàn thể công đức tam bảo của mình, và để cho công đức ấy hoạt động tự tại được, chính là vì ba nghiệp ô nhiễm của chúng sinh tiếp tục tự nhận chìm mình trong ba cõi ô nhiễm ấy. Cho nên chúng ta phải sám hối cho ba nghiệp thanh tịnh, ba nghiệp thanh tịnh tức tương ưng với công đức tam bảo sẵn đủ nơi tự tâm, và sẽ đem đến kết quả là làm cho công đức ấy hiển lộ ra trọn vẹn và được tự tại tác động, gọi là Lý thể Tam bảo. Rồi từ Lý thể Tam bảo này, Hóa tướng và Trụ trì Tam bảo mới được thiết lập.

Sám hối để thanh tịnh ba nghiệp như thế là thuận theo nghĩa “Tam quy”.

9) Như vậy Sám hối và quy y theo Tam bảo là để thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử, chứ không phải chỉ là một hành động đạo đức lương thiện của thế gian?

Đúng vậy, như câu hỏi số năm đã có trả lời về vấn đề Sám hối. Thế nên sám hối mà không sám với Tam bảo, và sám hối mà không phải để quy y Tam bảo, thì chỉ là sám hối của thế gian, nghĩa là một hành động thiện thuộc thế gian, vẫn thuộc về tính chất ô nhiễm của ba cõi luân hồi đau khổ.

Cho nên Sám hối để quy y Tam bảo là thuộc về thánh Pháp, thuộc về con đuờng giải thoát giác ngộ, chứ không phải là con đường thiện thế gian.

E – Pháp Thức Quy Y

1) Có thể tự quy y lấy được không?

Không thể được. Luận Thiện kiến có nói: “Cần phải có thầy truyền cho. ”

2) Thầy ở đây là ai?

Tức vị xuất gia, thuộc về một trong năm chúng (Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, Sa di, Thức xoa ma na, và Sa di ni).

3) Tại sao lại phải cần có thầy truyền thọ?

Luận Thiện kiến nói: “Lời lẽ cần phải phù hợp, vì nếu không nói ra, hoặc nói không đầy đủ, không xưng tên, không hiểu, đều không thành quy y. ” Do đó cần phải có thầy hướng dẫn thưa thỉnh đúng cách mới thành quy y được.

4) Tại sao không nói ra, hay nói không đúng v. v… lại không thành quy y được?

Vì trong phạm vi của quy giới (tức quy y và thọ giới) thời khẩu nghiệp là hành động cuối cùng để đúc kết thành “vô biểu”, tức là Thể của nghiệp, hay là nghiệp nhân để thành quả sau này vậy. Do đó quy y cần phải nói ra lời và nói cho rõ ràng rành mạch. Điều này đòi hỏi cần phải lặp lại theo lời của Giới sư hướng dẫn là vậy. (Về “vô biểu” sẽ được nói rõ ở dưới, nhất là trong phần Giới Thể).

5) Pháp thức thưa bạch ra sao?

Theo luận Đại Trí Độ: “[Người thọ Tam quy phải] hai gối quỳ xuống, hai tay chắp lại (hỗ quỳ hợp chưởng), ở ngay trước Tỳ khưu, và nói theo lời dạy của Tỳ khưu như sau: ‘Con tên là…. suốt đời quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng’ (lặp lại như thế ba lần), thì liền phát thiện pháp. Tiép theo là phần kết thúc Tam quy (tam kết), [cũng lặp lại theo lời của Giới sư] nói như sau: ‘Con tên là…. suốt đời quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, quy y Tăng rồi’ “. (Pháp thức quy y này dùng chung cho cả Năm giới và Tám giới).

6) Tại sao pháp thức thọ Tam quy lại phải như vậy?

Vì để phát được thiện “vô biểu” vậy, như ở trên nói ngay sau khi quy y là “liền phát thiện pháp”, thiện pháp ở đây là nghiệp thiện “vô biểu” vậy.

Tổ Đạo Tuyên nói trong Nghiệp Sớ như sau: “Khi thực hiện pháp thức Tam quy, phải biết rằng vừa nói xong ba lần Tam quy là “vô tác” liền phát sinh. ” Vô tác tức là tên khác của “vô biểu” vậy.

Do đó, trong pháp thức thọ Tam quy, theo Đa Luận, thì khi quỳ hai gối xuống chắp hai tay lại, là nghiệp thiện thuộc về Thân; khi miệng nói lên ba lần Tam quy, là nghiệp thiện thuộc về Khẩu. Hai nghiệp này gọi là “biểu” nghiệp. Nếu như với tâm nguyện thiết tha trong khi quỳ nói Tam quy như thế, thì sẽ phát sinh nghiệp thiện thuộc về “vô biểu” vậy.

Chính vì để phát được nghiệp “vô biểu” này, cho nên pháp thức quy y là phải quỳ ngay ngắn, nói cho rành mạch chính xác, và phải phát tâm nhiệt thành tha thiết là vậy.

7) Vậy Vô biểu là gì?

Vô biểu còn gọi là “Vô giáo” hay “Vô tác”.

“Vô” nghĩa là “không”; “biểu” là bên ngoài, mặt ngoài; “giáo” là chỉ cho biết; “tác” là làm, hành động. Vậy Vô biểu là không biểu lộ ra bên ngoài, không cho người khác thấy biết (tức nghĩa Vô giáo), không hành động nữa (theo nghĩa Vô tác).

Theo Đa Luận, nghiệp phát động qua ba phương diện là Thân, Khẩu, và Ý. Nghiệp Thân và Khẩu lại có hai loại là “biểu” và “vô biểu”. Khi chúng ta làm một hành động thiện hay ác hiển lộ ra rõ ràng qua thân hay khẩu, mà nếu có ai chứng kiến, họ đều thấy biết rõ ràng, thì hành động ấy gọi là “biểu” nghiệp. Khi biểu nghiệp thiện hay ác ấy chấm dứt rồi, chúng ta không tiếp tục làm hành động ấy nữa, song cái hành động thiện ác ấy vẫn tiếp tục hoạt động ngay nơi thân chúng ta mà không ai thấy biết được, nên hành động thiện ác ở giai đoạn sau này mà không ai thấy biết hết, được gọi là Vô biểu nghiệp.

Nói cách khác khi chúng ta tạo một hành động thiện hay ác bằng thân hay khẩu. Hành động ấy tuy đã chấm dứt rồi ngay sau khi làm xong, song nó vẫn để lại một “tiềm năng” để chiêu cảm lấy quả báo trong tương lai. “Tiềm năng” ấy là sự liên tục của hành động kia từ lúc hoàn tất xong cho đến khi thành quả. Khi hành động kia đang phát động, mọi người đều nhận biết được, thì gọi là “Biểu nghiệp”. Khi hành động ấy chấm dứt rồi, nó trở thành một tiềm năng tiếp tục hoạt động cho đến khi đưa đến kết quả, song không ai thấy biết được, nên gọi là “Vô biểu nghiệp”.

8) Tóm lại, bản thể của Tam quy là gì?

Theo Đa Luận: Tam quy lấy “giáo” (tức là biểu nghiệp) và “vô giáo” (tức là vô biểu nghiệp) làm thể tính. Quỳ gối chắp tay cung kính và nói lên lời Tam quy, là “giáo”; nếu với tâm tha thiết chân thành, thì vừa nói xong liền phát “vô giáo”.

“Vô giáo” này chính là Thể của nghiệp Tam quy (tức hành động quỳ gối chắp tay và nói xong ba lần Tam quy). Một khi “vô giáo” phát sinh rồi thì tiếp tục hiện hữu, không cần phải làm lại hành động Tam quy ấy, không cần phải hiện ra nơi thân, nói ra nơi miệng như lúc quy y lần đầu tiên, mà nghiệp Tam quy vẫn có tác dụng liên tục cho đến khi thành quả giác ngộ và giải thoát mới thôi. Tác dụng liên tục này của nghiệp Tam quy gọi là “vô giáo” hay “vô tác” hay “vô biểu”.

Tóm lại, Biểu nghiệp như hạt cam, Vô biểu nghiệp như tác dụng liên tục của hạt cam ấy sau khi hạt cam ấy diệt mất qua sự biến dạng thành mầm, thành cây, cành, lá hoa… cho đến khi thành trái. Tam quy là tính chất của loại cam: Một thiện biểu nghiệp là một hạt thuộc loại cam ngọt, nó sẽ mang lại trái ngọt; một ác biểu nghiệp là một hạt thuộc loại cam đắng, nó sẽ mang lại trái đắng; và biểu nghiệp thuộc Tam quy ở đây là một hạt của loại cam giải thoát, nó sẽ mang lại trái giác ngộ và giải thoát.

9) Phần kết thúc Tam quy, gọi là Tam kết, là để làm gì?

Theo Tổ Linh Chi, thì phần Tam kết không thuộc về thể vô giáo của nghiệp Tam quy, phần này chỉ là muốn nhắc nhở lần sau cùng rằng giờ đây pháp Tam quy không còn là một pháp khách quan ở bên ngoài, ngay cả không phải là pháp của Phật nữa, mà là pháp thiện thuộc về con đường giải thoát và giác ngộ của chính người thọ Tam quy. Pháp Tam quy, qua Biểu nghiệp của người thọ Quy là quỳ gối chắp tay cung kính và nói lên ba lần Tam quy, đã trở thành Vô biểu nghiệp của người ấy, tức trở thành nhân chủng, để trong tương lai khi đến đúng lúc đúng thời, sẽ kết thành quả giải thoát và giác ngộ cho chính người thọ Tam quy này. (Ý nghĩa này về Tam kết là chung luôn cho cả Năm giới và Tám giới).

10) Thọ riêng từng quy một với ba thầy khác nhau, có được không?

Không được. Tại sao vậy? Tổ Linh Chi giải thích là vì mỗi lần thọ là một Quy khác, và một thầy truyền Quy khác, như vậy thể của ba Quy sẽ thành sai khác, không đồng nhất nữa.

11) Không cần phải thọ suốt đời, có được không?

Theo Nam sơn Luật tông thì được. Tổ Đạo Tuyên nói: Được thọ Tam quy tùy theo ít hay nhiều ngày.

12) Hữu tình của cõi nào cũng thọ Tam quy được hết sao?

Mọi loài hữu tình đều thọ Tam quy được, chĩ miễn hiểu được lời nói của Giới sư.

 

III. NĂM GIỚI

A – Công Đức Thù Thắng

1) Năm giới là những giới nào?

  1. không sát sinh
  2. không trộm cắp
  3. không tà dâm
  4. không vọng ngữ
  5. không uống rượu

2) Công đức của Năm giới ra sao?

Theo trong Kinh có nói, dù có ai bố thí đủ bốn điều cúng dường cho vô số chúng sinh đầy khắp thế giới, thì công đức bố thí ấy không bằng được công đức trì giới trong một ngày đêm. Tại sao vậy?

Tổ Đạo Tuyên giải thích: vì pháp bố thí chỉ hoạt động trên cảnh hữu tình, trong khi Giới pháp hoạt động trên cả hai cảnh hữu tình và vô tình.

Vừa mới thọ giới, cũng đã là thực hành cả ba loại bố thí cho cùng khắp chúng sinh giới, trong khi tài thí chỉ có hạn lượng, thì làm sao có thể so bì được.

3) Tại sao thọ giới lại là thực hành ba loại bố thí?

Tổ Đạo Tuyên nói: Suốt đời không trộm cắp, chính là thí tài cho pháp giới hữu tình; không sát sinh, chính là thí vô úy cho hữu tình; thực hành Giới pháp và giáo hóa cho người khác thực hành, chính là thí pháp cho chúng sinh.

4) Ích dụng của Năm giới ra sao?

Tổ Đạo Tuyên nói: Tài vật là pháp hạn hẹp, có tập có tán, là cửa ngỏ để đưa đến chỗ phiền não tai hại. Còn Giới pháp thì lắng trong, chấm dứt tất cả các phiền não tai hại ấy.

Theo luận Đại Trí Độ: Không trì giới mà tài thí không thôi, phần nhiều chỉ là tâm tham bất tịnh, bố thí để cầu lợi, gọi là ác cầu, tham cầu. Đời sau sẽ phải chịu quả bất tịnh, như loài súc sinh, ăn mặc gì cũng đều thô xấu. Nếu bố thí mà có trì giới thì sẽ dứt hẳn mọi ác cầu, thanh tịnh dứt tuyệt hết mọi hành nghiệp, cho đến thành Phật quả.

Tổ ĐạoTuyên trích luận nói: Do Giới nên Thí thành thanh tịnh.

5) Tại sao lại so sánh Giới với bố thí để nói về công đức của Giới?

Vì bố thí là pháp công đức chính yếu của thế gian, nên khi muốn so sánh về công đức thì thường là so sánh với pháp bố thí.

6) Tại sao ở trên lại nói bố thí là pháp hạn hẹp?

Tổ Linh Chi giải thích vì bố thí chỉ hạn hẹp nơi tài thí mà thôi, thiếu pháp thí và vô úy thí, trong khi Giới có đủ cả ba thí, nên không sao bằng Giới được.

7) Tại sao Giới không cho ra một sự vật gì cụ thể hết, mà lại có nghĩa là thí được?

Thí tài vật là để cho chúng sinh được “an”, chứ không phải cứ cho là có nghĩa bố thí. Vì nếu cho mà làm cho chúng sinh bất an hay thành hại chúng sinh, thì cho như thế không còn là công đức nữa, và không còn có nghĩa là bố thí nữa.

Lại nữa, tâm bố thí chính là tâm muốn cho chúng sinh được “an”. Vì nếu cho với tâm kẻ cả kiêu mạn, với tâm cau có bực bội, với tâm coi thường xua đuổi, làm tủi nhục người nhận, thì cho như thế không còn là công đức nữa, và không còn có nghĩa là bố thí nữa. Chính vì vậy, ý nghĩa thật sự của bố thí là làm cho chúng sinh đưọc “an”, chứ không phải cứ có cho một cái gì cụ thể là có nghĩa bố thí vậy.

Giới có nghĩa bố thí ở chỗ làm cho chúng sinh được “an” như trong phần câu hỏi thứ ba đã có giải thích.

8) Tại sao Giới có thể làm cho bố thí thành thanh tịnh được? Và thanh tịnh ở đây có nghĩa là gì?

Bố thí là một hành nghiệp thiện, song bị các tâm tham sân si làm cho thành ô nhiễm. Thanh tịnh ở đây có nghĩa là tẩy rửa các tâm tham sân si ấy đi để cho nghiệp bố thí trở nên thanh tịnh. Vậy thanh tịnh là chấm dứt tham sân si. Mà con đường của Giới nói chung là con đường thánh xuất thế, nghĩa là con đường lìa bỏ tham sân si, thế nên trì giới mà bố thí thì bố thí thành thanh tịnh.

Lại nữa, bố thí với tâm phân biệt phải trái, đúng sai, tốt xấu, là ô nhiễm; mà con đường của Giới là lìa phân biệt, dứt ác, thuần thiện, thế nên bố thí với tâm trì giới, thì bố thí sẽ hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, bố thí như là một hành nghiệp làm nhân để chiêu cảm quả trong ba cõi, là ô nhiễm; mà Giới là con đường chấm dứt các hành nghiệp để giải thoát khỏi ba cõi, thế nên trì giới mà bố thí, bố thí mới thật sự thanh tịnh.

B – Tư Cách Người Thọ Giới

1) Ai cũng có thể thọ giới được hay sao?

Không phải vậy, mà trưóc khi thọ giới, phải xét hỏi trước xem người xin thọ giới có ở trong các trường hợp “già, nạn” hay không. Nếu ở trong các trường hợp ấy, thì không được phép thọ giới.

2) Già và Nạn có nghĩa là gì?

“Già” là ngăn chặn, che chướng; “nạn” là khó khăn, tai nạn. Nói chung “già, nạn” là các trường hợp chướng ngại khiến người cầu thọ giới không được phép thọ giới nữa. Trong trường hợp của Năm giới thì “già nạn” đi chung với nhau như một nghĩa, chứ không phân ra làm hai như trường hợp xuất gia.

3) Các trường hợp “già nạn” ở đây ra sao?

Theo kinh Thiện Sinh, người thọ giới sẽ bị hỏi như sau:

1- Các vị không có ăn trộm đồ vật của hiện tiền tăng có phải vậy không?

2- Các vị có làm việc bất tịnh đối với lục thân, với Tỳ khưu hay Tỳ khưu ni hay không?

3- Các vị có bỏ mặc cha, mẹ, hay sư trưởng trong khi đang có bệnh hay không?

4- Các vị có giết chúng sinh phát tâm bồ đề hay không?

Theo tổ Linh Chi, thì người bạch y mà phạm vào bốn điều ấy thời sẽ bị chướng ngại không phát được giới. Thấy cha mẹ bệnh mà bỏ mặc là cũng coi như thuộc vào trường hợp “giết cha mẹ” vậy.

Song, ngày nay, cách thức hỏi về “già nạn” này không thấy được áp dụng cho Năm giới, đó là một điều sơ sót vậy.

*Hiện tiền tăng là chư tăng đang hiện diện tại một trú xứ đúng theo pháp của Phật. Vật của hiện tiền tăng là các đồ vật cúng dường thuộc sở hữu của cá nhân mỗi vị.

*Lục thân là cha, mẹ, anh, em, vợ, con, hoặc nói chung cho họ hàng thân thuộc.

*Làm việc bất tịnh có nghĩa làm việc dâm ô uế.

4) Tại sao trong các trường hợp “già nạn” không có trường hợp vọng ngữ?

Tổ Linh Chi nói: “vì người bạch y không thể phạm vào điều này được.” Tại sao? Vì sẽ không ai chịu tin lời một người phàm tục khi người ấy vọng ngữ là đã chứng thánh.

5) Nếu phạm phải một trong các điều “già nạn” ấy, mà muốn thọ giới thời có được không? Nếu được, thì phải làm sao?

Vẫn thọ giới được, nhưng phải sám hối cho hoàn toàn thanh tịnh, rồi mới được thọ giới.

Song trường hợp làm ô uế Ni hay Tỳ khưu, thì sau này không được phép xuất gia. Ngoài ra Thành Luận còn kể thêm các trường hợp như năm tội nghịch và tặc trụ cũng sẽ không được phép xuất gia.

Thành Luận nói như sau: “Năm tội nghịch, tặc trụ và ô uế Ni, thời theo Luật không cho phép xuất gia. Vì những người ấy bị nghiệp ác làm hoen ố, thành trở ngại đối với thánh Đạo, nên không được phép xuất gia. Còn nếu là bạch y, thì có thể đắc thiện Luật nghi, được phép tu hành các thiện pháp như bố thí, từ bi v. v… [tóm lại là] có được giới của thế gian. ”

Như vậy, năm tội nghịch và tặc trụ cũng phải được kể vào trong các trường hợp “già nạn” của Năm giới vậy. (Năm tội nghịch, tặc trụ và ô uế Ni, đều thuộc vào 13 trường hợp “nạn” của Cụ túc giới. )

6) Năm tội nghịch là gì?

  1. giết cha
  2. giết mẹ
  3. giết A la hán
  4. làm thân Phật chẩy máu
  5. phá hoà hợp Tăng

7) Tặc trụ là gì?

“Tặc” là kẻ thù, quân giặc; “trụ” là lén vào ở. Tặc trụ là các kẻ oán nghịch lén vào ở trong Tăng chúng để mà học lén Giới pháp.

Hoằng Nhất đại sư giải thích: “Tặc trụ là người chưa thọ Giới cụ túc mà lén hòa vào chúng tăng cùng hưởng lợi dưỡng, hoặc nghe trộm các lúc Tăng chính thức làm Yết Ma v. v… thì sẽ thành chướng nạn cho việc xuất gia. [Còn trường hợp] nếu hàng bạch y [chứ không phải là tặc trụ] mà lén đọc Giới luật của tăng, hoặc chỉ là nghe chúng tăng “nói” giới với nhau, thì tuy không phải là chướng nạn [cho việc xuất gia sau này], song cũng là điều Phật chế định không cho phép. ”

Tại sao hàng bạch y lại không được coi Giới của người xuất gia?

Tổ Đạo Tuyên nói trong Giới Sớ: “Vì hàng chúng ở dưới không rõ vấn đề, phần nhiều sẽ sinh thói kiêu mạn, nên Phật chế định không cho Giới luật của Tăng lọt vào tai mắt của bạch y, thì nhờ đó sẽ thành trọng pháp kính Tăng, sinh lòng khâm ngưỡng. ” Đó là do sợ bạch y khởi tâm khinh thường, nên chế định không cho phép, chứ không giống như vấn đề “tặc trụ” ở trên.

8) Hữu tình thuộc loài nào cũng có thể thọ giới được hay sao?

Theo Thành Luận thì: “Chúng sinh ở các nẻo luân hồi khác cũng đắc được Luật nghi giới, vì Kinh có nói các loài Rồng cũng thọ giới một ngày một đêm (tức Bát quan trai) ” Luận Thiện Kiến cũng có nói: “Các loài Rồng và quỷ thần cũng đắc Tam quy và Năm giới. ”

Song theo Đa Luận thì: “Loài Rồng thuộc về hàng súc sinh, do nghiệp chướng nên không hiểu biết rõ ràng, do đó không thọ giới pháp được. Tuy trong Kinh có nói Rồng thọ Tám trai pháp, song chỉ được công đức thuộc thiện tâm, chứ không đắc trai giới. ”

Tóm lại thì đắc giới hay không là ở chỗ có hiểu rõ lời nói của Giới sư hay không. Cho dù là người đi nữa mà không hiểu rõ, thì cũng không đắc giới, huống gì là súc sinh. Song vẫn có những trường hợp đặc biệt, tức tuy là súc sinh mà hiểu rõ được lời của Giới sư, thì dù là súc sinh, cũng vẫn đắc giới như thường.

9) Tại sao khi phiên tà Tam quy thì không cần hỏi về “già nạn”, mà đến khi thọ Năm giới này thì lại phải hỏi để chọn lọc người như vậy?

Tổ Nam sơn nói: Vì người thọ phiên tà Tam quy vốn là người sơ tâm, khó mà cứu độ được, nên khi họ gặp thiện duyên mà phát tâm quy y, thì phải dẫn họ quy về Tam bảo ngay. Nếu lại lo lọc lựa, làm khó khăn cho họ, thì họ sẽ quay về lối cũ mà thôi. Còn trường hợp người thọ Năm giới lại không giống như vậy, vì trước hết họ đã có quy y rồi, tâm đã được điều hòa; giờ đây để bước vào cửa Đạo, thì cần phải chọn lọc đồ đựng cho thanh tịnh mà chứa đựng Giới pháp, vì nếu mà cái “thể” để chứa đựng Năm giới mà có thiếu khuyết gì đó thì ba Thừa còn biết trông cậy vào đâu nữa.

C – Chuẩn Bị Để Phát Giới

1) Trước khi thọ Giới có cần phải có một sự chuẩn bị nào đó hay không?

Trước khi thọ Giới, người thọ cần phải được giảng giải cho nghe trước (gọi là khai đạo) về việc: (1) “pháp thể” được thọ là gì, (2) “cảnh lượng” để duyên ra sao, (3) “phát tâm” như thế nào, (4) và phải dụng tâm như thế nào đối với Giới pháp mình thọ.

Sự chuẩn bị này cần thiết, vì có thế chúng ta mới đắc được Giới tăng thượng, như luận Tát Bà Đa nói: “Thường khi thọ Giới pháp, trước hết phải thuyết pháp cho người thọ, dẫn dắt cho họ hiểu rõ, khiến họ đối với tất cả mọi cảnh khởi tâm từ mẫn, thì họ mới đắc được tăng thượng Giới. ”

Pháp thể được thọ

1) Giới pháp mà chúng ta thọ là pháp gì vậy?

Tổ Linh Chi nói: “Chính là Giới pháp do Phật ra đời chế lập, vốn để ngăn ngừa thân khẩu, điều phục tâm hành. Do chư Phật khắp mười phương, hiền thánh cả ba thừa, đều cùng tu Pháp này, nên gọi là Thánh pháp. ”

2) Tại sao cần phải biết rõ Pháp mình thọ là Pháp gì?

Vì thông thường người thọ không hiểu rõ Giới pháp mình thọ là Thánh pháp, chỉ tưởng đâu là các pháp thiện trong thế gian mà thôi, nên đôi khi sinh tâm lơ là, và coi các pháp thức truyền thọ chỉ là các nghi lễ hình thức, không biết dụng tâm mà thâu nạp Giới thể, thế nên không phát được “vô biểu” để trở thành Giới thể.

Người ấy coi như không đắc Giới !

Cho nên, Tổ Linh Chi mới nói: ” Hiểu rõ [về Giới pháp mình thọ] tức là trí. Giới pháp sâu rộng, nên không có trí thì không thể đắc được. ”

3) Thể của Giới pháp này là gì?

Giới pháp này lấy nghiệp Vô biểu, phát sinh ngay sau khi pháp thức Tam quy chấm dứt, làm Thể, gọi là Giới thể. Tức là sau khi chúng ta quỳ gối chắp tay cung kính, phát tâm sâu rộng đúng pháp, và lặp lại ba lần Tam quy theo lời nói của Giới sư, tức thời ba nghiệp thân khẩu ý của chúng ta lúc đó sẽ làm phát sinh nghiệp Vô biểu, được gọi là Thể của Giới pháp mà chúng ta thọ.

Như Tổ Linh Chi nói: “Giờ đây chúng ta phát tâm thề nhận lãnh Giới pháp ấy, thực hiện theo pháp thức thọ giới mà thọ nhận. Một khi nhân duyên hòa tập, tâm và cảnh khế hợp, làm phát sinh “vô tác” (tức Vô biểu) mà lãnh nạp vào tâm, thì gọi là Giới thể. Cho nên phải hiểu khi thọ Giới cần phải dụng tâm cho đúng. Việc quan trọng của cả một đời không thể tự coi thường được. ”

4) Thể có nghĩa là gì?

Thể là thể chất hay bản thể. Một “sự vật” được coi là thật có thời phải gồm đủ ba phương diện là Thể, Tướng và Dụng. Như cái bàn thờ: thể của nó là gỗ; tướng của nó là cao, rộng, mầu nâu; tác dụng của nó là để thờ. Cũng vậy, Giới pháp muốn trở thành hiện thật, Giới pháp cần phải có Thể, có Tướng và có Dụng. Tướng của Giới pháp là thân khẩu của người thọ giới hoạt động tuân theo Giới hay phạm Giới, gọi là “trì phạm”; Dụng của Giới pháp là kéo chúng sinh ra khỏi ba cõi luân hồi, thanh tịnh hóa và đưa chúng sinh đến chỗ giải thoát cứu cánh, tức Niết bàn; Thể của Giới pháp là nghiệp Vô biểu có được qua hai biểu nghiệp của thân và khẩu theo đúng pháp thức Tam quy với tâm nguyện chân thành tha thiết.

Trong ba phuơng diện trên, thì Thể là quan trọng nhất. Vì nếu không có Thể thì Tướng và Dụng chỉ là huyễn ảo hư giả mà thôi, ví như một ảo ảnh vẫn có hình tướng, vẫn có tác dụng, song vì thật Thể không có, nên ảo ảnh đó chỉ là một pháp giả mà thôi, một pháp muốn là thật có, pháp ấy bắt buộc phải có Thể.

5) Vậy Thể của Giới pháp, tức Vô biểu này, là Tâm, là Sắc, hay là phi Tâm phi Sắc?

Vấn đề này sẽ được nói đến một cách chi tiết khi chúng ta học đến phần Giới Thể. Ở đây chỉ cần biết là theo Nam sơn Luật tông của tổ Đạo Tuyên, thì Giới thể ấy thuộc về Tâm pháp, song là một “loại” Tâm pháp đặc biệt, được ví như “chủng tử” và được cất chứa trong Tạng thức.

Nghĩa là khi chúng ta thọ giới, thời Giới pháp từ nơi tâm của Phật chuyển sang tâm của chúng ta, và thành Giới pháp của chúng ta, chứ không còn là Giới pháp của Phật nữa. Giới pháp ấy chuyển sang tâm của chúng ta được là nhờ tâm nguyện thọ giới của chúng ta, cùng tâm quán tưởng đúng pháp để thâu nạp Giới pháp, và nhờ hai Biểu nghiệp thuộc thân và khẩu theo đúng pháp thức thọ giới. Tâm quán tưởng và hai Biểu nghiệp này (tức ba nghiệp thiện xuất thế) mở đường cho Giới pháp từ tâm giác ngộ của chư Phật chuyển hết sang tâm phiền não vô minh của chúng ta, trở thành “chủng tử” giác ngộ và giải thoát, được gọi là Vô biểu hay Giới thể. Y như hoa sen đã thành quả (tức Giới pháp của Phật), rồi lại gieo hạt sen vào lại vũng bùn lầy (tức thọ nạp Giới pháp vào trong tâm phiền não của chúng sinh thành chủng tử Vô biểu), để rồi trong tương lai lại kết thành đóa hoa sen thanh tịnh (tức quả giải thoát Niết bàn).

Cảnh lượng để phát Giới

1) Nếu chỉ có hai Biểu nghiệp của thân và khẩu là chắp tay quỳ cung kính và nói lên ba lần Tam quy theo Giới sư không thôi có đắc Giới thể hay không?

Muốn đắc Giới thể thì hai Biểu nghiệp của thân và khẩu không thôi không đủ, mà cần phải có tâm “thuần trọng” nữa.

Như luận Tát Bà Đa nói: “Nếu tâm thuần trọng sẽ phát được Vô giáo (tức Vô biểu hay là Giới thể), còn tâm hời hợt thì Vô giáo sẽ không phát được. ” Tổ Đạo Tuyên phê bình thêm: “Thế nên đâu có thể nàocứ lơ lửng mà được, trái lại [tâm thọ giới] phải hết sức thiết tha vậy. ”

2) Tâm thuần trọng là như thế nào?

Tổ Linh Chi gọi là tâm nghiêm trọng (trọng tâm), ngược lại là tâm hời hợt (khinh tâm). Ngài nói: ” Hai tâm nghiêm trọng và hời hợt này khó mà giải thích rõ ràng được. Riêng về tâm nghiêm trọng không phải cứ thành khẩn tha thiết là xong, mà cần phải thấy cảnh cho rõ ràng, phải phát thệ theo thượng phẩm, thì mới đúng là ‘tăng thượng trọng tâm’. ”

Do đó tâm có thuần trọng hay không là tùy thuộc vào hai phương diện, một là “cảnh”, hai là “phẩm”, của tâm ấy.

3) Cảnh là gì?

Cảnh là chỗ mà tâm nương vào đó để phát, nói cách khác là tâm “duyên” theo Cảnh mà sinh, nên Cảnh được gọi là “sở duyên” của tâm. Thí dụ như tâm tham vàng, thì “vàng” là Cảnh của tâm tham, hay là “sở duyên” của tâm tham. Nay tâm thọ giới cũng phải có Cảnh làm sở duyên, thì tâm thọ giới mới phát được.

4) Không phải rằng Cảnh của tâm thọ giới là năm giới pháp hay sao? Và bất cứ ai khi thọ giới cũng đều ý thức rõ là mình muốn thọ giới, vậy tại sao lại phải nhấn mạnh về Cảnh như vậy?

Đúng vậy, song “năm giới pháp” chỉ là ý nghĩa tổng quát, được gọi là “tổng tướng”, của Cảnh mà thôi. Nếu muốn đạt được tâm thuần trọng, thì Cảnh cần phải được xác định rõ ràng và chính xác hơn. Thídụ khi chúng ta nói “tôi muốn giầu có”, thì Cảnh của tâm của chúng ta là sự giầu có, song Cảnh giầu có ở đây chỉ là ý nghĩa tổng quát về giầu có mà thôi; khi chúng ta nói “tôi muốn có hàng tỉ bạc, hàng tấn vàng, châu báu vô lượng, xe hơi nhà lầu đếm không hết… ” thì Cảnh của tâm chúng ta vẫn chỉ là sự giầu có, song Cảnh giầu có ở đây hoàn toàn rõ ràng và chính xác hơn.

Nhờ sự rõ ràng và chính xác này mà tâm chúng ta mới có thể trở nên “thuần trọng” được.

Như Nam sơn tổ sư có nói: “Cần phải nói tổng quát và chi tiết cho mọi người [thọ giới] đều tỏ rõ. Vì nếu họ không hiểu rõ thì tâm họ sẽ lơ lửng mù mờ, việc thọ giới sẽ không xong, chỉ làm khổ mình khổ người mà thôi. ”

Lại như tổ Linh Chi đặt câu hỏi: Cớ gì người thọ giới cần phải được chỉ dẫn rõ ràng về cảnh? Và ngài trả lời: “Chúng sinh tạo ác do mê Cảnh ở trước mình. Nghiệp ác đã do Cảnh mà khởi, thì thiện giới cũng từ Cảnh mà sinh. Cảnh là chỗ tựa (sở y) của chế pháp, là gốc chính để phát giới. Nếu không rõ ràng về Cảnh, thì lấy gì mà dụng tâm. Nên phải đặc biệt nói rõ ràng về Cảnh này, ý về Cảnh rất là thâm sâu vậy. ”

Ngài còn nói: “Vạn cảnh chi chít, có Cảnh nào mà lại không phải là Cảnh để trì giới đâu? Nếu trước mà không phát tâm trì giới với mọi Cảnh, thì từ đâu mà có sự thực hành được? Mới hay trước khi thọ giới cần phải học về Cảnh cho rành rẽ. Thời nay thường mù mờ trước giáo pháp, còn có ai thấu tỏ được chăng?”

5) Vậy thì Cảnh chính xác để làm cho tâm thọ giới trở thành “thuần trọng” là như thế nào?

Thí dụ khi chúng ta nói “tôi nguyện thọ giới không sát sinh”, thì đó là Tâm không giết, và Cảnh của Tâm không giết này là chúng sinh. Vậy chúng sinh chính là Cảnh của tâm thọ giới vậy. Song Cảnh này chỉ mới là Cảnh tổng quát. Nếu muốn tâm không giết của chúng ta được thuần trọng, thì Cảnh chúng sinh này cần phải được tỏ rõ rành mạch hơn nữa.

Thế nên, theo tổ Linh Chi, Cảnh mà chúng ta duyên theo để phát tâm thọ giới được thuần trọng nhờ đó mà đắc được Giới thể ở đây là: “Chính là các pháp gọi là y báo và chính báo của pháp giới chúng sinh. ”

6) Y báo, chính báo và pháp giới chúng sinh là gì?

Báo có nghĩa là đáp ứng lại, đền đáp lại. Theo đạo Phật, thì báo là quả báo, nghĩa là kết quả đáp ứng tương xứng lại với nhân. Nhân nào cũng có quả, và quả luôn luôn đáp ứng tương xứng lại với nhân, nên gọi là quả báo.

Quả báo ở đây là quả báo của hữu tình. Nghĩa là hữu tình do phiền não nên tạo nghiệp bằng thân khẩu và ý. Nghiệp này [phát sinh Vô biểu] trở thành nhân để kết thành quả thù đáp lại tương xứng với nhân ấy, tức hữu tình phải chịu tái sinh để thọ nhận một đời sống mới nữa tương ưng với nghiệp nhân kia, gọi là quả báo. Nếu nghiệp nhân là ác thì đời sống quả báo này đầy đau khổ, nếu nghiệp nhân là thiện thì đời sống quả báo này đầy hạnh phúc.

Một quả báo như thế gồm có hai phần: một là bản thân của hữu tình, là quả báo “chính” của nghiệp nhân, được gọi là Chính báo; hai là thế giới mà hữu tình “y” vào đó để thọ nhận quả báo gọi là Y báo. Có nghĩa là đã phải chịu quả báo tái sinh ra để nhận một đời sống mới, thì chúng ta sẽ phải chịu nhận lấy một thân thể mới với một thế giới mới. Thí dụ như một người làm thiện chết đi, được quả báo sinh lên cõi trời, thì quả báo “chính” mà người đó sẽ thọ nhận là một thân cõi trời, gọi là Chính báo; và thân đó sẽ “y” vào thế giới cõi trời để hưởng phúc báo, thế giới cõi trời này gọi là Y báo.

“Pháp giới chúng sinh” ý nói là tất cả các chúng sinh không sót một loại nào. Đạo Phật không chấp nhận chúng sinh là những cái “Ngã” có thật độc lập ngoài các Pháp, mà chúng sinh thật sự chỉ là các Pháp. Có hai cách để chấp Ngã: một là cho rằng Ngã là một thật thể độc lập đứng bên ngoài các Pháp; hai là cho rằng Ngã chính là các Pháp. Cách đầu gọi là “ly uẩn ngã”, cách sau gọi là “tức uẩn ngã”, và các Pháp ở đây là năm uẩn. Hai cách ấy đều là sai lầm. Với đạo Phật, Ngã không hề có, khi nói chúng sinh, thì không phải chỉ cho một cái ngã nào đó, hoặc “ly uẩn ngã” hoặc “tức uẩn ngã”, mà chỉ cho các Pháp, tức là năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành và thức). Tất cả mọi loài chúng sinh đều được nhiếp trong năm uẩn Pháp này. Thí dụ khi chúng ta nói “con chó A là loài vật, anh B là loài người, ông tiên C là loài trời “, thì A, B và C là cá nhân các chúng sinh nào đó; còn loài vật, loài người, loài trời, là các loài chúng sinh. Song thể tính của cả ba đều chỉ là năm uẩn Pháp. Thế nên khi không nói riêng cho cá nhân chúng sinh nào, cũng không nói riêng cho một loại chúng sinh nào, mà muốn nói chung cho tất cả mọi loài chúng sinh, thì trong đạo Phật nói là “pháp giới chúng sinh”. Đồng thời ý cũng muốn nói là tất cả các chúng sinh này không hề có thật Ngã, mà chỉ gồm các “loại ” Pháp (như sắc, thọ, tưởng, hành, thức), nên gọi là “pháp giới” chúng sinh (“giới” ở đây có nghĩa là chủng loại).

7) Vậy Cảnh để duyên mà phát Giới thể là vô lượng hay sao, vì pháp giới chúng sinh vốn là vô lượng mà?

Đúng vậy, như tổ Linh Chi nói: “Giới y nơi Cảnh mà chế định, Thể tuỳ theo Cảnh mà phát sinh. Cảnh đã vô lượng, thì Thể cũng vô biên. ”

8) Nếu nói Cảnh sở duyên để phát Giới thể là gồm cả Y báo, vậy là duyên cả Cảnh vô tình hay sao?

Đúng vậy, tổ Linh Chi nói: Cảnh mà chúng ta duyên tuy nhiều, song không ngoài hai loại:

(1) là Cảnh hữu tình, tức hằng sa chư Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn, chư thiên, thế nhân, Tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, súc sinh, cho đến ruồi, muỗi, bọ, rận, côn trùng ngọ nguậy, khắp mười phương, trọn ba đời, kể cả “trung ấm” chúng sinh không thuộc về nẻo luân hồi nào hết, vô lượng vô biên chúng sinh không thể tính hết được như thế, đều là số lượng Cảnh hữu tình mà tâm thọ giới cần phải duyên theo để mà phát Giới thể.

(2) Hai là Cảnh phi tình, nghĩa là tất cả thế gian vi trần, quốc độ, núi, sông, đại địa, cỏ, cây, hoa, quả, cho đến một đóa hoa, một chiếc lá, một sự vật, một mảy trần, đều là số lượng Cảnh phi tình mà tâm thọ giới phải duyên theo đó để phát Giới thể. Cho đến kể cả hai Đế “Không và Hữu”, diệt lý Niết bàn, thánh giáo kinh quyển, hình tượng, tháp miếu, địa, thủy, hỏa, phong, không, thức v. v… đều là Cảnh phi tình phải duyên để phát Giới thể.

9) Cả năm giới đều duyên số lượng Cảnh bằng nhau hay sao?

Không phải vậy, trước hết đối với Cảnh hữu tình và phi tình, thì Giới sát và Giới tà dâm là chỉ duyên theo Cảnh hữu tình, tức từ chư Phật cho đến côn trùng v. v…; Giới rượu chỉ duyên theo Cảnh vô tình, tức là rượu; Giới trộm và Giới vọng ngữ duyên cả hai Cảnh hữu tình và vô tình.

Thứ nữa, Cảnh lượng của Giới rượu chỉ là tất cả các loại rượu mà thôi, chứ không phải tất cả các Cảnh phi tình, hay tất cả các loại chất lỏng.

10) Còn các Cảnh “Không và Hữu”, Niết bàn diệt lý v. v… mà ở trên có đề cập đến là các sở duyên đối với Giới nào?

Tổ Linh Chi giải thích về các cảnh này như sau: Không và Hữu là nói cho tứ Đế: Khổ, Tập và Đạo được gọi là Hữu đế; còn Diệt là Không đế. Không và Hữu này vốn là Pháp, song thuộc về Hóa tướng Tam bảo, tức là “Hóa tướng Pháp”; trong khi Niết bàn diệt lý cũng là Pháp, song thuộc về Lý thể Tam bảo, nên gọi là “Lý thể Pháp”. Hai loại Pháp này được coi là Cảnh vô tình. Theo tổ Nam sơn thì chúng ta có thể hủy báng và làm tổn hại các Pháp ấy được, như Đề Bà phá Pháp chẳng hạn, nên phải lấy đó làm Cảnh sở duyên mà phát Giới không làm tổn hại Pháp. (Làm tổn hại ở đây có thể là thuộc về Giới trộm cắp)

Còn “thánh giáo kinh quyển, hình tượng, tháp miếu” là Pháp bảo và Phật bảo thuộc Trụ trì Tam bảo, là Cảnh sở duyên cho Giới trộm. “Địa, thủy, hỏa, phong, không, thức” cũng là Cảnh sở duyên cho Giới trộm cắp. (Đến phần Giới trộm trong bài Giới tướng sẽ nói rõ chi tiết)

11) Tại sao phải duyên với Cảnh vô lượng như thế mới phát tâm thuần trọng được?

Tổ Linh Chi nói: Thân tâm hiện giờ đây của chúng ta, trong vô lượng kiếp nay và ngay trong đời này, tạo biết bao là nghiệp sinh tử, đếm không hết được, ác tâm trải khắp đầy nghẹt pháp giới. Kinh nói: “Nếu ác tâm mà có thể tướng thì cùng hết hư không giới cũng không thể chứa trọn được.” Do đó nếu mà đắc giới được ắt chuyển ngược vô lượng ác nghiệp đều thành giới thể thanh tịnh, thành chủng tử thiện, lập thành nền tảng thành Phật.

Nam sơn tổ sư nói: “Chưa thọ giới trước đó thì ác cùng pháp giới, nay cầu tiến lên mà thọ giới, thời chuyển ngược cảnh ác trước, cùng khởi thiện tâm, cho nên chỗ làm nhân để phát giới cũng cùng khắp pháp giới. ”

Tổ Linh Chi lại nói: “Nói pháp giới thông thường chỉ hạn hẹp nơi tam thiên đại thiên thế giới; ở đây thể theo ý của Viên giáo thì phải là pháp giới khắp mười phương, Thể vô tác (tức Giới thể vô biểu) sẽ tương xứng với Cảnh mà phát, nên bằng ngang với lượng của pháp giới.”

Ngài lại nói: “Gom vô biên giới pháp quy về Thức tạng vô tận, trở thành thiện chủng tử, làm nền móng cho Thánh đạo. Nhờ đó mới chuyển ác duyên từ vô thủy đều trở thành giới thiện, biến khổ báo hữu lậu tức trở thành Pháp thân. Giới có ích dụng như thế, tại sao chúng ta lại không biết quý trọng lấy? Ân Phật sâu nặng, có tan xương nát thịt cũng chưa đủ báo đáp đưọc, ngài quả là bậc đạo sư trong biển khổ, là đấng từ phụ trong nhà nát. Nguyện từ ngày nay cho đến suốt đời vị lai, gắng hết sức, quên cả mình, thường tán thán Tam bảo, quảng độ quần sinh, để báo đáp chút Thánh từ.

Y cảnh phát tâm

1) Ở trên đã nói phải y theo hai phuơng diện để phát tâm “thuần trọng”, là Cảnh và Phẩm. Cảnh đã nói rồi, còn Phẩm là như thế nào?

Phẩm là phẩm chất. Phát tâm thọ giới có nông có sâu, có hời hợt có tha thiết, có mù mờ có sáng tỏ…, các tính chất ấy gọi là phẩm chất của tâm thọ giới.

Thông thường, tâm thọ giới phân làm ba phẩm: hạ, trung và thượng.

2) Ba phẩm này ra sao?

Luật Tỳ Bạt nói: Ta nay cầu Đạo [thọ giới] để cứu hộ tất cả chúng sinh, vì chúng sinh đều quý tiếc mạng sống. Do lý do ấy mà phát tâm thọ, thì chỉ là phát tâm yếu đuối (nhuyễn tâm), thuộc Hạ phẩm. Tuy đắc Giới của Phật, song vẫn chưa phải là bậc tối thượng.

Thế nào là Trung phẩm? Nếu nguyện rằng: Tôi nay chính tâm hướng về Đạo, giải tỏa các nghi ngờ của chúng sinh, tôi sẽ làm cầu bờ cho tất cả, vừa tự lợi vừa lợi tha, nên mới thọ trì chính Giới.

Thế nào là Thượng phẩm? Nếu nguyện rằng: Tôi nay phát tâm thọ giới, vì để thành tựu ba tụ tịnh Giới, hướng đến ba môn Giải thoát, chính để cầu quả Nê hoàn, rồi lại dùng pháp này dẫn dắt chúng sinh đưa họ đến Niết bàn, và làm cho Pháp trụ được lâu dài.

3) Ba phẩm chất ấy hơn kém nhau ra sao?

Tổ Linh Chi giải thích như sau: Phẩm đầu chỉ là hộ mệnh cho chúng sinh, chứ không cứu thoát được chúng sinh, tức là tâm của Nhị thừa. Có nghĩa là y theo quả “nhỏ” mà cầu Đạo.

Còn như Trung phẩm, thì dùng pháp khai mở cho chúng sinh hiểu rõ, mình và người đều lợi, song nơi mặt cứu độ thì chưa được cứu cánh, tức tiểu Bồ tát, tuy mong cầu Phật quả, mà sự thực hành chỉ ở khoảng giữa, so với phẩm trước thì thắng, mà so với Phẩm sau thì kém hơn.

Thượng phẩm là dẫn dắt chúng sinh cho đến tận Niết bàn, đồng quy về Phật đạo, tức sự thực hành của đại Bồ tát. Đây là phẩm tối thắng.

4) Vậy phát tâm thọ giới là phát tâm theo Phẩm nào? Và phát ra làm sao?

Trong lúc dạy cho phát giới, Giới sư nói với vị thọ giới như sau: “Hãy phát tâm thượng phẩm, để đắc Giới thượng phẩm. ”

Theo Nam sơn Luật tông thì Thượng phẩm là như trong câu hỏi thứ hai đã giải thích, tức: (1) Thọ giới là để thành tựu ba tụ Tịnh giới. (2) Hướng đến ba môn Giải thoát, chính cầu Niết bàn. (3) Đưa chúng sinh đến Niết bàn. (4) Hộ pháp khiến pháp được trụ thế lâu dài.

5) Ba tụ Tịnh giới là gì?

Tổ Linh Chi giải thích:

1. Nhiếp luật nghi Giới: do Luật nghi ngăn cấm làm các đìều ác, nên kết nghiệp phiền não được cứu cánh đoạn diệt. Đây là sự thực hành về Chỉ vậy.

2. Nhiếp thiện pháp Giới: do mọi sự tu hành thuộc Đại thừa, Tiểu thừa, thế gian, xuất thế gian, được cứu cánh tu, tức chính là sự thực hành về Tác vậy.

3. Nhiếp chúng sinh Giới (hay còn gọi là Nhiêu ích hữu tình Giới): do tất cả các hàm thức đuợc cứu cánh độ, tức chính là sự thực hành về bốn Nhiếp pháp vậy. (Bốn Nhiếp pháp là bố thí, aí ngữ, lợi hành, đồng sự. )

6) Ba môn Giải thoát là gì?

Tổ Linh Chi giải thích:

1. Không giải thoát Môn: tức là tính Không vậy.

2. Vô tướng giải thoát Môn: tức là tướng Không vậy.

3. Vô tác giải thoát Môn (còn gọi là Vô nguyện giải thoát Môn): tức là duy Thức vậy.

Ba Môn giải thoát tuy là quán Huệ, song nếu không có Định thì Huệ không phát, nên ba Giải thoát này là gồm luôn cả hai học Định và Huệ. Ba Môn này tuyệt hết mọi trói buộc, chứng được chân thật, theo đó mà nhập vào [chỗ giải thoát], nên gọi là ba Môn giải thoát. Tuy về phương diện danh xưng thì chung luôn cho cả Tiểu thừa giáo, song khi đi cùng với ba tụ giới này thì thuộc về Đại thừa. Nghĩa Niết bàn ở đây cũng vậy, cũng thuộc về Đại thừa vậy.

7) Còn nghĩa về Hộ pháp là thế nào?

Do vì chính mình hướng về Niết bàn và đưa người khác cũng hướng đến Niết bàn, tức tự lợi lợi tha, mà thành Phật chủng tương tục không đứt đoạn, nên gọi là Phật pháp được trụ lâu dài.

Tóm lại, nếu phát tâm thọ giới mà có đủ các tính chất như trên, thời gọi là tâm thượng Phẩm.

8) Phát tâm Đại thừa như thế, thì sự thực hành về Năm giới này là thuộc Đại thừa hay Tiểu thừa?

Theo sự giải thích của tổ Linh Chi thì sự thực hành Năm giới đây (và nói chung cho đến Cụ túc giới) vẫn là sự thực hành của Tiểu thừa, vì nếu cho là Đại thừa thì sẽ lẫn lộn với sự thực hành Bồ tát giới của Phạm Võng Kinh, nên sự thực hành ở đây vì phát tâm Đại thừa như thế, nên có thể gọi là tương đương, hay có phần chung, với Đại thừa.

9) Vậy Thể của Năm giới ở đây là đồng hay khác với thể của Bồ tát giới?

Tổ Linh Chi trả lời: Thể thì giống mà Duyên thì khác. Duyên khác có nghĩa là thọ Bồ tát giới thì phải Tam quy, rồi phát Tứ hoằng, phải hỏi về Già nạn, rồi ba phen bạch Yết ma, cùng các pháp thức khác nữa, so với pháp thức của Tiểu tông ở đây thì hai đường cách biệt.

Còn nói Thể giống thì vì Duyên chỉ là phụ trợ, tâm mới là chính Nhân. Duyên thì xa, Nhân mới gần, Thể theo Nhân mà phát. Nên trước tâm đã phát thượng phẩm, thì Thể giờ đây chính là Đại thừa.

10) Nếu Thể đã giống nhau, thì trên phương diện thực hành cũng sẽ không có gì khác nhau mới phải?

Tổ Linh Chi trả lời: Thể tuy theo Viên giáo, song thực hành thì vẫn phải y theo Giới mà mình thọ. Vì Giới được thọ ở đây thuộc Tiểu giáo, nên mọi nguyên tắc và cách thức thực hành vẫn đúng theo Tiểu giáo.

11) Nếu vậy thì cần gì phải phát Thể theo Viên giáo đại thừa?

Tổ trả lời: “Giới thể có nhiều loại từ Nhị thừa, tiểu Bồ tát, cho đến đại Bồ tát, nên khi phát tâm phải phát theo Viên giáo, thì mới gom hết về một chỗ được (tức là chuyển hết thành Đại thừa). Còn về phương diện Luật nghi (tức trên phương diện để thực hành), thì Năm giới v. v.. không có gì thay đổi dù đối với thừa hay giáo nào, thế nên cứ theo đúng “tông” của Giới ấy mà đắc, mà thực hành. ”

Theo chư tổ, thì dứt khóat chúng ta theo Đạo, là theo con đường Đại thừa. Song trên phương diện thực hành, thì Đại thừa bao trùm hết mọi cách thức thực hành, từ thiện thế gian cho đến con đường xuất thế gian của Tiểu thừa. Sự thực hành của Đại thừa vẫn có thể là một với sự thực hành thiện của thế gian và sự thực hành xuất thế gian của Tiểu thừa. Điểm khác nhau chỉ ở chỗ nhân và quả. Nhân nằm ở chỗ phát tâm: tuy cũng bố thí, song người thế gian chỉ bố thí vì phát tâm tội nghiệp, trong khi người hành Đại thừa bố thí là vì phát tâm Bồ đề; tuy cũng thọ Ba la đề mộc xoa Giới, song hàng nhị thừa chỉ thọ giới vì phát tâm thoát ly, trong khi người hành Đại thừa thọ giới cũng là vì phát tâm Bồ đề. Khi đạt đến kết quả, thì người thế gian được phúc đức thế gian, người hành Đại thừa thành tựu Tịnh độ; người Nhị thừa đắc A la hán quả và Niết bàn tiểu thừa (tức vô dư Niết bàn); người hành Đại thừa đắc Phật quả và Niết bàn đại thừa (tức vô trụ Niết bàn). Ngoài ra trên phương diện thực hành, tuy Đại thừa vẫn có lối thực hành riêng, song vẫn có thể không cần phải riêng rẽ gì hết, mà hoàn toàn trùng hợp với mọi thực hành của thế gian và Tiểu thừa. Và khi áp dụng sự thực hành của thế gian và Tiểu thừa, Đại thừa vẫn theo đúng tất cả mọi nguyên tắc và hình thức của sự thực hành ấy, chỉ có khác là tâm áp dụng vẫn luôn luôn chỉ là tâm Bồ đề thượng phẩm mà thôi.

Nên tổ Linh Chi mới nói: “Một khi đã khai mở tỏ rõ về Đại thừa rồi, thì y theo Luật nghi tiểu thừa mà thực hành cũng thành là thực hành Đại thừa, không phải là cứ phải xả bỏ Tiểu thừa thì mới được gọi là Đại thừa đâu.”

12) Phát tâm như vậy là vào thời điểm nào?

Nam sơn tổ sư nói: “Trước khi thọ giới, phải có bậc thầy giảng rõ cho nghe phải duyên cảnh như thế nào và phát tâm ra làm sao cho được tâm tăng thượng (tức thượng phẩm tâm). Người thọ giới phải giữ tâm tăng thượng ấy cho liên tục, cảnh sở duyên phải quán cho tỏ rõ, không được đến lúc vào thọ rồi mới nói chuyện phát tâm. Vì nếu đợi đến lúc vào thọ rồi thầy mới dạy là hãy phát tâm, thì lúc ấy bối rối hấp tấp, tâm không định, cảnh không tỏ, làm sao mà đắc được thượng phẩm tâm?”

Dụng tâm nạp thể

1) Đã phát tâm thượng phẩm và đã quán rõ cảnh rồi, vậy khi đến lúc thực hiện pháp thức, thì phải dụng tâm ra sao?

Tổ Linh Chi nói: “Tâm và cảnh tương ưng, là việc chính yếu để nạp thọ Giới thể. Đúng ngay lúc thực hiện pháp thức thọ giới, tâm của người thọ phải thầm tưởng, duyên khắp hết các cảnh hữu tình và phi tình như trên đã trình bày. Do cảnh rộng lớn, nên tâm cũng mở rộng theo, trong từng niệm một quán sát các cảnh hiện rõ như ngay trước mặt mình. Phải quán tưởng thân của mình trùm hết hư không giới, để thọ nhận vô lượng Giới pháp nhiều như bụi trần trong pháp giới. Đúng ngay vào lúc ấy hết sức chú tâm, đừng duyên theo bất cứ gì khác, vì sai một chút thôi, là tâm mình vẫn không thoát khỏi dòng ô nhiễm, thành uổng hết tâm nguyện thọ giới, nên không cẩn thận sao được !”

Vấn đề này sẽ được nói rõ hơn nữa trong phần “Chính thức nạp thọ Giới thể” bên duới

D – Chọn Lọc Giới Tướng

1) Nay phần chuẩn bị đã xong xuôi rồi, đã có thể chính thức thực hiện pháp thức thọ giới được chưa?

Phần chuẩn bị cho người thọ biết rõ về Cảnh, biết phát tâm thượng phẩm, biết phải quán tưởng trong lúc thực hiện pháp thức ra sao rồi, song người thọ cần phải biết rõ là Giới pháp mà mình sẽ thọ đây là “loại” (hay là “cấp bậc”) Giới nào: Năm, hay Tám giới?

2) Dĩ nhiên ai phát tâm thọ giới thì cũng phải biết là mình thọ “loại” Giới nào rồi, vậy cần gì phải nói về vấn đề này nữa?

Phải nói cho người thọ biết về Giới pháp mà họ thọ ở đây là “loại” Giới nào, tức là nói về các “Giới tướng” mà họ sẽ phải tuân theo mà giữ gìn sau khi họ đã thọ nạp được Giới thể qua pháp thức thọ giới.

Nói ra “Giới tướng” ở đây là để cho họ tự lựa chọn lấy xem họ có khả năng thực hành được điều Giới nào thì họ mới thọ điều Giới ấy, chứ không bắt buộc phải thọ tất cả mọi “Giới tướng”.

Như Kinh Thiện Sinh nói: Sau khi hỏi về các “già nạn” xong xuôi, nếu người thọ giới không hề bị các già nạn ấy, thì Giới sư phải nói với họ rằng: “Giới này rất là khó gặp, nó có thể làm căn bản cho Giới của Thanh văn và Bồ tát. Thiện nam tử (hoặc thiện nữ nhân), Giới này có năm thứ (tức năm Giới tướng): bắt đầu từ không giết cho đến không uống rượu. Nếu thọ một giới thì gọi là “nhất phận Ưu bà tắc” (hoặc là Ưu bà di), nếu thọ đủ cả năm giới thì gọi là “mãn phận Ưu bà tắc” (hoặc là Ưu bà di). Nay ông muốn thọ bao nhiêu phần Giới, thì cứ tuỳ ý mà thọ. ” Người thọ nghe theo đó tuỳ ý mà thọ.

3) Tại sao không bắt buộc phải thọ hết cả năm giới tướng?Theo Đa tông thì bắt buộc phải thọ hết cả năm giới mới đắc Giới thể. Song theo Thành tông và Nam sơn Luật tông thì tùy ý mà thọ bao nhiêu giới cũng được. Tại sao vậy? Tổ Linh Chi giải thích: ” Vì muốn cho khi thọ ‘Giới tướng’ và sau đó lúc thực hành được tương ưng với nhau (tức là nhận giới nào thì thực hành đúng giới ấy, chứ không phải là nhận rồi mà không thực hành), đồng thời cốt tránh cho lúc thực hành không bị tổn phạm (vì thọ giới điều quá khả năng của mình trì giữ), nên phải xét theo sức và ý muốn của người thọ, xét xem họ có khả năng ra sao, theo sức của họ mà đưa họ tiến về pháp, và để không phải chỉ thành thọ xuông mà thôi. ”

Tổ Nam sơn nói: “Do năm thể (tức Năm giới) này mà bị tổn khuyết thì cả ba Thừa đều không còn chỗ trông cậy nữa. Nên tùy phần mà thọ đều là tùy theo khả năng để truyền trao giới pháp mà tiếp độ chúng sinh.” Tổ Linh Chi giải thích: “Thể mà được thanh tịnh cũng là do nơi khả năng trì giới của người thọ, nên cho phép tuỳ phần mà thọ. Cho thấy rõ là vì ngại việc phạm giới vậy.”

4) “Giới tướng” ở đây có nghĩa là gì?

“Giới tướng” ở đây không phải là giai đoạn Giới tướng thuộc các nguyên tắc trì phạm và phán tội nặng nhẹ khi vào đến phương diện thực hành, mà “Giới tướng” ở đây chỉ có nghĩa là các giới điều của một “loại” hay “cấp bậc” Giới nào đó thôi. Thí dụ như Năm giới là gồm có năm giới điều “không sát sinh”, “không trộm cắp” v. v…, năm giới điều này được gọi là “Giới tướng” của Năm giới.

Chúng ta có thể định nghĩa “Giới tướng” ở đây là các điều bị ngăn cấm không cho phép làm trong một “loại” Giới nào đó.

E – Sám Hối Thanh Tịnh

1) Thọ Năm giới có cần phải sám hối trước khi thọ giới hay không?

Trong các kinh A Hàm đều có nói: trước khi thọ giới phải sám hối tội lỗi xong đã, rồi sau đó mới thọ Giới pháp.

Nam sơn tổ sư giải thích: Phải sám hối cho thanh tịnh để mà thọ nạp Giới pháp. Vô minh từ vô thủy đến giờ là gốc của sinh tử, trên cả hai phương diện Lý hoặc Sự dù có thuận hay nghịch cũng đều là tội lỗi, nên cần phải sám hối trước cho tâm được thanh tịnh, rồi mới có thể xứng với thánh pháp mà thọ.

2) Tại sao thuận hay nghịch gì cũng đều có tội là sao?

Tổ Linh Chi giải thích: Hư vọng khởi lên mà không giác ngộ thì gọi là “vô minh từ vô thủy”, vô minh này làm chỗ y cứ cho nghiệp khổ, nên gọi là “gốc của sinh tử”. Động niệm là “nghịch lý”, làm ác là “nghịch sự”; lắng tâm là “thuận lý”, tu thiện là “thuận sự”. Nghịch tức là tội thì dễ biết, còn thuận mà có tội là do dùng tâm phàm mà học Đạo, nên các phiền não gốc vẫn còn tồn tại, về Lý thì vẫn còn thấy đúng thấy sai (thủ xả vị vong ), về Sự thì vẫn phân biệt ta người (ngã nhân nan bạt ), cho nên thuận hay nghịch cả hai đều có tội.

(Ngoài ra xem thêm phần Sám hối trong bài Tam quy)

F – Thực Hiện Pháp Thức

Khai đạo

1) Có thể tự thọ giới lấy được không?

Theo Đa Luận thì bắt buộc phải theo năm chúng mà thọ (năm chúng là Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Thức xoa ma na và Sa di ni).

Song theo Trí Luận, Thành Luận và Tứ Phần Luật (tức Nam sơn tông) thì cũng cho phép được tự thọ nữa. Bởi vì trong Luật có dạy cho lời văn tự nguyện thọ như sau: “Thế tôn, con nay quy y Phật, Pháp, Tăng, suốt đời không giết v. v…, cho đến không uống rượu.” Lại Thành Luận còn nêu ra vấn đề là Tám giới đã cho phép tự thọ, thì tại sao Năm giới lại không được.

Song cho phép tự thọ là muốn giúp cho chúng ta ở trong các trường hợp đặc biệt, khi không thể có chúng Tăng để theo thọ, mà vẫn có được giới pháp mà tu hành, chứ không có nghĩa là cứ việc tự thọ không cần đến Tăng chúng. Tóm lại khi có năm chúng, thì bắt buộc phải theo năm chúng mà thọ.

2) Tại sao Tam quy thì không cho tự thọ, mà Năm giới lại cho tự thọ?

Không thấy trong Luật giải thích vấn đề này. Song cứ suy theo lý thì người thọ Tam quy là bước đầu chuyển tâm theo Đạo, thế nên người bắt đầu thì bắt buộc phải theo thầy hướng dẫn, như trong phần thực hiện pháp thức của Tam quy có trình bày. Còn Năm giới cho tự thọ là như trên đã có giải thích rồi.

3) Bắt đầu phần thực hiện pháp thức là như thế nào?

Tổ Nam sơn nói: “Chính là lúc phải giảng nói cho đầy đủ rõ ràng để hướng dẫn người thọ phát giới được đúng nghĩa. ”

Nghĩa là cho dù người thọ đã được chuẩn bị trước rồi, song đến ngay lúc sắp thâu nạp Giới thể, thì vẫn phải có lời khai đạo cho họ.

4) Lời khai đạo nghĩa là sao?

Nghĩa là lời nói khích lệ cho họ phát đúng tâm thượng phẩm, và sau đó hướng dẫn họ cách quán Giới pháp, quán thân và quán nạp thọ Giới pháp vào để chuyển thành Giói thể.

5) Lời khích lệ để phát tâm thượng phẩm ra sao?

Tổ Nam sơn nói: “Giới sư phải nói với ngưòi thọ giới như sau: thiện nam tử (hay thiện nữ nhân), Giới pháp thâm sâu này là thượng thiện, bao trùm khắp pháp giới, phải phát tâm thượng phẩm mới đắc được thượng pháp. Thọ giới là để hướng đến quả Niết bàn, để quay về ba cửa Giải thoát, để thành tựu ba tụ tịnh giới, để làm cho chính pháp tồn tại lâu dài… Phát tâm thọ giới như thế là phát tâm thượng phẩm. ”

6) Cách quán Giới pháp và quán thân ra sao?

Giới sư nói tiếp: “Tiếp đến ông hãy mở rộng cõi lòng của ông ra, vì Giới pháp nhiều như cát bụi sẽ rót vào trong thân ông, cho nên không thể đem cái thân tâm có được do nghiệp báo này ra mà chứa nhận hết được Giới pháp, mà phải quán thân ông như một đồ chứa có dung lượng như hư không, thì mới dung nạp được hết các Giới pháp thuộc pháp giới này. Cho nên Luận có nói: ‘Nếu giới pháp này mà có hình sắc, thì khi vào thân ông, thân ông sẽ nổ lớn như trời long đất lở. Do vì Giới pháp không phải là sắc pháp, nên khi vào thân ông, ông vẫn không hề hay biết gì !’ Ông cần phải khởi lên cái tâm kinh hoàng (kinh tủng) ấy mà phát tâm thượng phẩm trịnh trọng ân cần (thượng phẩm ân trọng tâm). ”

7) Phần quán nạp thọ Giới thể ra sao?

Giới sư lại nói: “Nay tôi sẽ vì ông mà thực hiện pháp thức thọ nạp Giới thể. Giới pháp này là do Như lai chế lập ra, nó làm phát sinh ra thiện pháp nhiều như cát bụi khắp pháp giới, sẽ rót hết vào thân tâm ông. Ông phải biết rõ như vậy.

8) Ba cách quán này nói tóm gọn lại là như thế nào?

Tổ Linh Chi nói: (1) Trước hết (tức phần quán Giới pháp) là khích lệ cho tâm người thọ giới làm động chuyển các Giới pháp trong khắp pháp giới; (2) kế đến (tức phần quán thân) gom giới pháp lại tập trung trong hư không [ngay trên đỉnh đầu người thọ giới]; (3) sau cùng (tức phần quán nạp thể) là Giới pháp ấy rót đổ vào thân tâm của người thọ.

Qua ba cách quán này, việc thâu nạp Giới thể được thành tựu trọn vẹn. Do nhờ nghiệp lực của tâm không thể nghĩ bàn nổi, nên tuỳ theo tâm tạo tác, không gì không thành toại.

Chính thức thâu nạp Giới thể

1) Phần chính thức thâu nạp Giới thể là như thế nào?

Chính là phần thực hiện pháp thức. Giới tử lập lại lời của Giới sư nói như sau: “Con tên là… quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời làm Ưu bà tắc (hoặc Ưu bà di) Năm giới. Như lai chí chân đẳng chính Giác là Thế tôn của con.” (Nói như thế ba lần)

2) Ý nghĩa của lời Tam quy trên là như thế nào?

Tổ Linh Chi giải thích như sau: Phần Tam quy trên gồm có năm phần: (1) một là nói tên mình ra; (2) hai là quy y Tam bảo; (3) ba là nói lên thời hạn thọ giới của mình (thời hạn trong lời văn là “suốt đời”, song tùy ý người thọ mà thay đổi, như một ngày một đêm, hay một tháng một năm v. v… ); (4) bốn là chính thức lập thệ thọ giới (Lời văn nói là Năm giới, tức là mãn phần, còn thì tùy theo khả năng người thọ hoặc một phần hoặc hai phần v. v… mà thay đổi); (5) năm là kết quy về căn bổn chân chính, tức là “Như lai chí chân đẳng chính Giác”.

3) Như lai chí chân đẳng chính Giác có nghĩa là gì?

Tổ Linh Chi giải thích như sau:

Như lai có nghĩa là đi theo con đường “như” thật “lại” mà thành Phật vậy.

Chí chân là chỗ giác ngộ của đức Phật không một chút tà.

Đẳng chính Giác là đạo của Phật là một với đạo của chư Phật trong ba đời.

4) Tại sao đã nói Tam quy rồi, mà còn phải nói thêm lời kết quy về Như lai như vầy nữa?

Tổ Linh Chi giải thích: Bởi vì danh xưng Tam bảothì ngoại đạo cũng có, nếu chỉ nói quy y Tam bảo không thôi có thể lẫn lộn với ngoại đạo, nên sau khi Tam quy, thì phải nêu rõ lên chỗ quy y chân chính của mình bằng vào ba danh hiệu ấy mà ngoại đạo vốn khônghề có.

Tóm lại câu kết quy ấy muốn nói rằng Tam bảo mà tôi quy y là Tam bảo thuộc về đấng Như lai chí chân đẳng chính Giác, ngài mới thật là chỗ tôi quy y, ngoài ngài ra đều không phải chỗ mà tôi quy kính, nên lời văn mới nói rằng “là Thế tôn của con”.

5) Ba quán để thọ nạp Giới thể ở trên là áp dụng trước khi nói hay trong khi nói hay sau khi nói ba lần Tam quy?

Ba quán ấy phải được áp dụng ngay trong khi nói ba lần Tam quy như sau:

1- Khi nói thệ nguyện quy y lần thứ nhất, thì thiện pháp ở khắp pháp giới, do nghiệp lực của tâm mà mọi ác đều chuyển thành thiện.

2- Khi nói thệ nguyện quy y lần thứ hai, thì thiện pháp ở khắp pháp giới tụ tập lại trên hư không như mây như lọng.

3- Khi nói thệ nguyện quy y lần thứ ba, thì thiện pháp khắp pháp giới, từ trong hư không tuôn xuống, rót vào thân tâm, tràn ngập chính báo.

6) Phải chăng vừa quán và nói xong ba lần Tam quy là đắc Giới thể?

Đúng vậy. Theo pháp thức thì trao truyền Tam quy xong Giới sư nói: “Vừa rồi ông được truyền Tam quy xong, chính đó là Giới thể. Nay đến phần tam kết là nói lên chỗ mà giới quy về.

7) Tại sao sau khi Tam quy, Giới sư lại phải nói lời xác định về Giới thể như thế?

Có nhiều ý kiến về vấn đề thời điểm chính xác để đắc Giới thể là lúc nào? Như trong Đa Luậncó nói về các ý kiến này như sau: “Có ý kiến cho rằng sau khi Tam quy xong, Giới sư sẽ tuyên nói về năm giới tướng, thì ngay khi vừa nói xong Giới thứ nhất, là lúc đắc Giới thể. Có ý kiến thì cho rằng phải nói xong hết năm giới mới là lúc đắc Giới thể. ” Hai ý kiến này tuy khác nhau, song cùng thuộc về một tông, là Đa Tông. Tông này bắt buộc phải thọ đủ cả năm giới thì mới đắc Giới thể, thế nên họ chỉ tranh luận với nhau ở chỗ là phải nói xong năm giới tướng mới đắc Giới thể, hay chỉ vừa nói xong Giới thứ nhất là đắc Giới thể rồi (các người chủ trương ý kiến này lập luận rằng vì dĩ nhiên tâm của người thọ giới là thọ đủ cả năm giới, thế nên chỉ cần nói lên một giới đầu tiên, là cả năm giới đều theo đó mà hiển rõ. Do đó vừa nói xong giới thứ nhất là đắc Giới thể vậy.)

Đa Luận lại có nói: “Lại có ý kiến cho rằng thọ Tam quy xong là đắc Giới thể.” Thì đây là ý nghĩa đúng nhất được Nam sơn Luật tông chấp nhận.

Tổ Linh Chi nói: “Vì sợ có người chấp theo hai ý kiến ở trên, nên Nam sơn Luật mới phải nói lên lời xác nhận là Giới thể được đắc ngay sau khi Tam quy, để phủ nhận hai ý kiến kia vậy. ”

8) Không thọ Tam quy thì không đắc Giới thể, song có đắc được “giới tướng” hay không?

Đa Luận trả lời: Không được, trước hết phải được truyền Tam quy rồi sau đó mới đắc “giới tướng”. Khi đọc lên tên của các giới tướng là để [cho người đã có Giới thể rồi] biết được là mình phải hộ trì và thực hành các giới nào vậy.

9) Pháp thức tam kết ra sao?

Giới tử cũng lập lại ba lần theo Giới sư như sau: “Con tên là… quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, quy y Tăng rồi, suốt đời làm Ưu bà tắc (hoặc Ưu bà di) Năm giới, Như lai chí chân đẳng chính Giác là Thế tôn của con. ”

10) Ý nghĩa Tam kết ra sao?

Tổ Linh Chi nói: “Phần kết thúc Tam quy (tức Tam kết) là lời dặn bảo hay nhắc nhở chứ không phải thuộc về Giới thể. ” Ngoài ra coi phần “Pháp thức quy y”, câu hỏi số 9.

Tuyên nói Giới tướng và khuyến trì

1) Tuyên nói về Giới tướng như thế nào?

Đại Trí Độ Luận nói: Giới sư tuyên nói như sau: “Này Ưu bà tắc (hay Ưu bà di) hãy lắng nghe, đấng Như lai Ứng cúng Chính biến tri vì các Ưu bà tắc (và Ưu bà di) mà nói ra tướng của năm Giới pháp, ông hãy lắng nghe mà thọ nhận:

Suốt đời không sát sinh là giới của Ưu bà tắc (hay Ưu bà di), ông có trì giữ được không? (Trả lời: Được)

Suốt đời không trộm cắp là giới của Ưu bà tắc (hay Ưu bà di), ông có trì giữ được không? (Trả lời: Được)

Suốt đời không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu v.v… cứ theo các mẫu trên mà nói.

(Ý nghĩa của năm giới tướng này sẽ được trình bày chi tiết khi học đến phần “trì phạm” thuộc giai đoạn Giới tướng)

2) Về khẩu có bốn lỗi, tại sao trong năm giới lại chỉ cấm có vọng ngữ?

Theo Trí Luận trả lời: Chỉ cần nêu lên vọng ngữ thôi là gồm cả ba chi kia là hai lưỡi, ác khẩu và ỷ ngữ. Sở dĩ lấy vọng ngữ làm đại biểu cho cả ba thứ kia, là vì Phật pháp coi trọng thật ngữ nhất, nên mới đặt vọng ngữ lên trước hết.

Song theo Đa Luận thì Năm giới, Tám giới và Mười giới về khẩu chỉ giữ duy nhất có một chi vọng ngữ mà thôi. Chỉ có Cụ túc giới mới giữ trọn đủ bốn chi của khẩu nghiệp. Thành Luận thì cùng ý kiến với Trí Luậnlà từ Năm giới lên cho đến Cụ giới đều phải giữ đủ bốn chi của khẩu nghiệp. Nam sơn Luật tông y theo ý kiến của Thành Luận và Trí Luận vậy.

3) Tại sao thọ Năm giới theo Đa Tông thì bắt buộc phải thọ suốt đời, còn theo Thành Tông lại không bắt buộc?

Như hai bộ Đa Luận và Tạp Luận giải thích: Năm giới chỉ thọ một lần thôi là điều do Phật chế định, thế nên khi thọ là phải thọ suốt đời. cũng như Tám giới, thời hạn thọ là phải đúng một ngày một đêm, không được sai trái.

Còn như Thành Luận thì tùy theo thọ bao nhiêu ngày hay cho đến suốt đời cũng đều được.

Chẳng qua là vì Đa Luận không chấp nhận vấn đề “trùng thọ”, trong khi Thành Luận và Tứ Phần Luật (tức Nam sơn tông) thì đều cho phép “trùng thọ”, như trong Luật có nói trường hợp Mạt Lợi phu nhân trùng thọ Năm giới nhiều lần, đó là chứng cớ cho việc “trùng thọ” này vậy.

4) Khi nói giới tướng, có nêu lên ba danh hiệu của Phật là có ý gì?

Tổ Linh Chi nói: “Nêu lên cả ba danh hiệu của Phật để cho người thọ giới sinh lòng tin tưởng phụng hành. ”

5) Phần kết thúc pháp thức thọ giới gọi là gì?

Đó là phần nhắc nhở dặn dò (chúc lụy ), Giới sư nói như sau: “Đó là năm giới của người tại gia, ông suốt đời (hoặc bao lâu tùy ý) thọ trì; phải cúng dường Tam bảo; khuyên dạy các người khác và làm các công đức; một năm ba tháng, một tháng sáu ngày, thường phải trì trai; dùng công đức này thí lại cho chúng sinh, nguyện đồng thành phật Đạo. ”

Tổ Linh Chi giải thích: Phần chúc lụy này gồm bốn phần: (1) trước hết đặn dò phải cẩn thận hộ trì Giới pháp; (2) hai là khuyến khích làm phúc (tức cúng dường Tam bảo và làm phúc); (3) ba là phải nên thọ trai (một năm ba tháng là tháng giêng, tháng năm, tháng chín; một tháng sáu ngày là mồng 8, 14, 15, 23, 29, 30, nếu gặp tháng thiếu có 29 ngày, thì lấy ngày mồng 1 thế ngày 30); (4) bốn là dạy phải hồi hướng.

Về việc trì trai, thì hoặc là thọ bát quan trai, hoặc là trì trai, tức là chỉ ăn một bữa trước giờ ngọ. Hoằng Nhất đại sư nói: “Ngày nay người ăn chay không tiết chế ăn chiều, tuy như thế chưa phải là trì trai, song còn hơn là ăn thịt ăn tỏi. Lại có người uống nước suốt ngày, cho là thanh trai, thật ra đó là tà thuật. Đức Phật nói tất cả chúng sinh đều nương nơi “ăn” mà tồn tại, chỉ miễn đừng có quá ngọ, mới là giáo pháp chân chính của đức Phật. ”

6) Không phải rằng khi đắc Giới thể là đã gom vô lượng Giới pháp vào thân mình rồi, vậy tại sao lại phải phân Giới thành ra các “loại”Giới hữu hạn như Năm giới cho đến Cụ túc giới? Rồi pháp thức thọ giới lại phân ra phần đắc Giới thể và phần trao “giới tướng” khác nhau? Vậy khi nói thọ giới hay khi nói đắc giới là thọ và đắc vô lượng giới hay chỉ thọ và đắc năm hay tám giới mà thôi?

Trước tiên chúng ta phải hiểu rằng Giới thể và giới tướng không phải là một. Ví như một sinh viên và các môn học. Phải trở thành một sinh viên trước đã, nghĩa là phải có đủ tư cách là một sinh viên, rồi thì mới hợp lý để học các môn học ấy, nghĩa là phải có Giới thể rồi thì mới hợp lý để mà thực hành giới tướng. Cho nên pháp thức thọ giới chia hai phần Giới thể và giới tướng ra khác nhau: Giới thể như tư cách sinh viên, giới tướng như các môn học phải học.

Học là đưa đến kết quả thành tài, và cần phải học rất nhiều môn trong vòng nhiều năm, thế nên các môn ấy phải chia ra làm nhiều cấp để mà học trong từng năm. Cũng vậy giới tướng được chia ra làm nhiều “cấp” từ Năm giới cho đến Cụ túc giới để thực hành trong từng giai đoạn.

Tuy mỗi năm người sinh viên chỉ học một số môn giới hạn nào đó, song tâm nguyện và bổn phận của người ấy ngay phút đầu tiên để trở thành sinh viên phải là học hết tất cả các môn của ngành ấy để thành tài. Cũng vậy để có được Giới thể, người thọ giới phải nguyện thọ vô lượng vô biên giới, nhưng khi thực hành giới tướng thì chỉ thực hành một số giới tướng hữu hạn thuộc một “cấp” Giới nào đó mà thôi.

Do đó khi thọ Giới thể mà nói là gom vô lượng vô biên giới về thân tâm của mình, thì đó là phần tâm nguyện, chứ chưa phải phần thực hành. Thực hành thì cần phải rõ ràng là giới nào và giới hạn là bao nhiêu giới, nhưng tâm nguyện thọ giới mà muốn trở thành Giới thể thì phải phát tâm thọ vô lượng vô biên giới. Chính vì lẽ đó, nên giữa Giới thể và giới tướng không có gì mâu thuẫn với nhau.

Vậy khi nói thọ giới hay khi nói đắc giới, chúng ta phải hiểu ngay là có hai phần để mà thọ và đắc: một là Giới thể, hai là giới tướng. Thọ là để đắc, mà muốn đắc Giới thể thì phải “phát tâm” thọ vô lượng giới; muốn đắc giới tướng thì phải đắc Giới thể trước đã, rồi sau đó mới thọ một số các giới điều nào đó để “thực hành”.

7) Nếu chỉ phát tâm thọ các giới mà mình có thể thực hành được thôi, thí dụ tôi chỉ giữ được giới không sát sinh, khi phát tâm thọ giới, tôi nguyện chỉ giữ một giới đó thôi, chứ không phải là vô lượng giới, phát tâm như thế có đắc Giới thể hay không?

Trong “phần Chuẩn bị để phát giới” khi nói về “Pháp thể được thọ” đã có nói qua về ý nghĩa của Pháp thể hay Giới thể. Theo đó, muốn đắc Giới thể chúng ta phải theo đúng pháp thức thọ Giới thể.

Trước hết, khi chúng ta muốn thọ giới, chẳng hạn như Năm giới, thì dù ý của chúng ta không phải là thọ mãn phần, mà chỉ muốn thọ một phần hay hai ba phần mà thôi, thì loại giới hay “cấp” giới mà chúng ta thọ vẫn được gọi là Năm giới.

Thứ nữa, khi thọ Giới thể chúng ta vẫn phải phát tâm thượng phẩm và phải quán cảnh vô lượng để phát vô lượng giới mà thu nạp về tâm mới thành Giới thể được.

8) Tại sao thọ không đủ hết năm giới, tức mãn phần, mà vẫn được coi là thuộc về Năm giới?

Giới căn bản của đức Phậtchế lập không có loại một, hai, ba hay bốn giới, mà loại giới căn bản đầu tiên là Năm giới, nên khi chúng ta phát tâm thọ Giới của Phật, thì loại Giới căn bản đầu tiên cho chúng ta thọ là Năm giới. Chữ “Năm” ở đây đúng ra là chỉ cho tên của “cấp bậc” Giới đầu tiên cho người sơ tâm thọ nhận, hơn là chỉ cho số lượng của giới điều. Nên dù khi thọ nhận giới tướng chúng ta chỉ thọ nhận một phần hay ít phần, thì vẫn là một phần hay ít phần của Năm giới, chứ không được lập một phần hay ít phần đó thành loại hay “cấp” Giới riêng rẽ. Ví như anh sinh viên học cấp một, giả dụ như cấp một này có năm môn học phải học, nhưng nếu do hoàn cảnh hay khả năng, anh ta có thể chỉ chọn một hay hai ba môn để học trước, song anh ta vẫn là sinh viên của cấp một, chứ không phải vì vậy mà anh ta trở thành một cấp riêng biệt.

Lại nữa, khi một người phát tâm thọ giới, người ấy phải biết trước Giới mà mình thọ đây là Năm giới, cho dù trong nhất thời mình chỉ có khả năng thọ được một hay hai giới, song Giới mà mình thọ vẫn có tên là Năm giới, tư cách mình vẫn là Ưu bà tắc năm giới, song chỉ ít phần thôi. Ví như anh sinh viên cấp một, dù chỉ học ít môn thôi, song vẫn được gọi là sinh viên cấp một.

9) Nếu thọ giới ít phần mà vẫn được gọi là Ưu bà tắc năm giới, thì dựa vào căn bản nào mà một người chỉ thọ có ít phần giới thôi lại vẫn có tư cách ngang với một người thọ giới mãn phần?

Tư cách Ưu bà tắc có được là ở nơi Giới thể, chứ không phải nơi giới tướng. Nếu không có Giới thể mà thực hành các giới tướng ấy, thì lúc ấy các giới tướng này không được coi là giới pháp nữa, mà chỉ còn là các thiện pháp mà thôi. Một người không thọ giới, không đắc Giới thể, thì cho dù có thực hành đủ năm điều không sát sinh v. v…, vẫn không được coi là trì giới, mà chỉ được coi là làm điều thiện mà thôi. Một người có thọ giới đúng pháp thức, có đắc Giới thể, thì dù người ấy chỉ hành một giới tướng thôi, người ấy vẫn đúng là người trì giới. Như một người chưa học xong trung học, chưa đủ tư cách làm sinh viên, thì dù người ấy có học hết các môn học của đại học, người ấy vẫn không được coi là một sinh viên, mà chỉ được coi là người có kiến thức rộng; trái lại một người đã tốt nghiệp trung học, đủ tư cách làm sinh viên, thì dù người ấy chỉ học ít môn của đại học, người ấy vẫn là một sinh viên hợp thức, như một sinh viên khác học đủ các môn.

10) Tại sao Giới thể lại thành lập nên tư cách của Ưu bà tắc, chứ không phải là giới tướng?

Ưu bà tắc có nghĩa là người thực hành giới. Sở dĩ mình thực hành giới, vì chính bản thể cuả mình là giới, nên mới gọi là Giới thể. Nếu bản thể của một người mà chưa phải là Giới, thì người ấy có thực hành bao nhiêu điều giới đi nữa, người ấy vẫn không có Giới, nên không thể gọi là Ưu bà tắc được, mà người ấy chỉ có tư cách của một người lương thiện mà thôi. Ví như một người không đi học, mà chỉ ở nhà đọc sách lấy thôi, dù người ấy có giỏi đến đâu đi nữa, người ấy cũng không được gọi là học sinh. Muốn có được bản thể học sinh để đủ tư cách chính thức là một học sinh, người ấy phải đến trường thực hiện đủ “pháp thức” nhập học, rồi sau đó người ấy mới đắc được tư cách của học sinh, mới được chính thức gọi là học sinh.

11) Tóm lại, sự liên hệ giữa Giới thể và giới tướng ra làm sao?

Bản thể của chúng sinh vốn là phiền não, thế nên chúng sinh có làm thiện hay ác gì đi nữa, thì kết quả chúng sinh vẫn là phiền não. Như đất sét, chúng ta có nặn thành hình Phật hay hình Ma, thì thể chất của nó vẫn là đất sét. Do đó chúng sinh muốn có được kết quả thanh tịnh giải thoát, chúng sinh cần phải chuyển “Thể” từ phiền não thành thanh tịnh. Thể phiền não của chúng sinh chính thật là Tâm, thế nên chuyển Thể chính là chuyển Tâm. Tâm lại phải có cảnh sở duyên thì Tâm mới hiện hữu: cảnh sở duyên của Tâm phiền não là thế gian với các cõi luân hồi; cảnh sở duyên của Tâm thanh tịnh giải thoát là Tam bảo. Thế nên muốn chuyển Tâm từ phiền não ô nhiễm thành thanh tịnh giải thoát, chúng sinh phải chuyển Tâm về quy y vào Tam bảo. Chuyển Tâm có nghĩa là “phát nguyện”, phát nguyện quy y về Tam bảo và nhận lãnh pháp thanh tịnh của Phật, tức Giới pháp. Một khi Tâm nguyện thanh tịnh ấy được thực hiện đúng pháp thức bằng hai nghiệp thân và khẩu, Tâm nguyện ấy trở thành Giới thể vô biểu. Giới thể này chính là nhân giải thoát cho quả Niết bàn trong tương lai.

Song nếu chỉ có nhân không thôi mà không có lực để dẫn đến quả, thì nhân sẽ không thành quả được. Lực để đưa đến quả này chính là Nghiệp. Sự thực hành các giới tướng được coi là Nghiệp thanh tịnh để làm cho nhân thanh tịnh kia, tức Giới thể, phát triển và thành quả giải thoát.

Tóm lại, Giới thể là nhân, sự thực hành giới tướng chính là lực tương tục chuyển biến của nhân cho đến khi thành quả.

12) Giới tướng thì cũng chỉ là những điều thiện trong thế gian, cớ sao lại được gọi là Giới?

Nhờ có Giới thể rồi, nên các điều thiện như không sát sinh v.v… đều trở thành Giới pháp để mà thực hành, gọi là giới tướng. Ví như cũng là đi đứng nằm ngồi, song nếu bản thể của hữu tình ấy là người, thì các oai nghi đi đứng v. v… kia cũng đều là người; nếu bản thể của hữu tình là súc sinh, thì các oai nghi đi đứng v. v… ấy sẽ đều là súc sinh. Cũng vậy, nếu bản thể của hữu tình là phiền não tham sân si, thì dù hữu tình ấy có thực hành các thiện pháp không sát sinh v. v…, các thiện pháp này cũng đều thuộc về thể phiền não; nếu bản thể của hữu tình chuyển thành Giới thể, thì khi hữu tình ấy thực hành các điều thiện không sát sinh v. v… kia, các điều thiện ấy đều trở thành Giới pháp.

13) Nếu khi có Giới thể rồi, thì các điều thiện mà mình làm đều trở thành Giới pháp, vậy thì phần giới tướng đâu cần phải thiết lập?

Không được, do vì muốn đắc quả giải thoát, cho nên chúng ta muốn thực hành Giới pháp của Phật; do vì muốn thực hành Giới pháp của Phật, cho nên chúng ta mới thọ nhận Giới pháp, gọi là giới tướng; do vì muốn thọ nhận Giới pháp, cho nên chúng ta phải có được Giới thể. Giới thể này là Thể của Giới pháp của Phật mà chúng ta muốn thọ nhận, chứ không phải là một Giới thể chung cho tất cả các loại Giới pháp. Nghĩa là do vì tôi muốn thọ Năm giới cho nên tôi mới cầu đắc Giới thể để được thọ nhận Năm giới, Giới thể này là Giới thể “của” Năm giới, chứ không phải là một Giới thể tự do và chung cho cả Tám giới, Mười giới, Cụ túc giới hay tất cả các Giới pháp, chính vì thế nên mỗi khi chúng ta thọ một loại Giới khác, chúng ta vẫn phải thọ Giới thể riêng của loại Giới ấy. Ví như không phải tôi là học sinh rồi, thì tôi là học sinh của tất cả các cấp; trái lại dù đều là học sinh, song học sinh cấp một thì chỉ là học sinh “của” cấp một, chứ không thể là học sinh “của” cấp hai được; muốn học cấp hai tôi phải có đủ các điều kiện nào đó để thành lập được tư cách của học sinh cấp hai, lúc ấy tôi mới được gọi là học sinh cấp hai được.

Do đó, vì muốn thực hành Năm giới, nên mới thọ đắc Giới thể của Năm giới, thọ được Giới thể của Năm giới là chỉ để thực hành Năm giới mà thôi, chứ không phải là Giới thể chung để thực hành tất cả mọi Giới.

14) Như vậy, Giới pháp cũng như sự thực hành giới chỉ giới hạn trong sự ấn định và chế lập của đức Phật thôi hay sao?

Đúng vậy, chúng ta thọ và thực hành Giới, là thọ và thực hành Giới của đức Phật ấn định và chế lập ra, chứ không phải là bất cứ điều thiện nào của thế gian hay bất cứ giới của ngoại đạo hay của bất cứ ai đặt ra. Tại sao như vậy?

Vì Giới của Phật mới thuần thiện, vì Giới của Phật hoàn toàn thanh tịnh và giải thoát, thiện pháp tuy thiện nhưng hoàn toàn thuộc về phiền não ô nhiễm; giới của ngoại đạo thì không tránh khỏi tà kiến vô minh.

15) Thông thường thiện thế gian là một hành động tích cực, như bố thí, phóng sinh, giúp đỡ người bệnh tật v. v…; trong khi Giới pháp chỉ là một hành động tiêu cực, như “không” sát sinh, “không” trộm cắp v. v…; vậy tại sao một hành động tiêu cực lại được coi là thuần thiện, thanh tịnh và giải thoát, trong khi các hành động tích cực lại bị coi là phiền não ô nhiễm, tà kiến vô minh?

Các hành động của hữu tình mà đưa lại kết quả là luân hồi khổ, được kêu là “hành nghiệp”. Các hành nghiệp, dù là thiện và tích cực, mà không đưa chúng sinh ra khỏi cái khổ sinh lão bệnh tử của luân hồi, thì sao gọi là thanh tịnh, thuần thiện và giải thoát được? Lý do các hành nghiệp này không đưa đến thanh tịnh giải thoát được, là vì chúng bị thúc đẩy và điều động bởi các tâm phiền não tham, sân, si, cũng như bởi các kiến chấp điên đảo về ngã, thường v. v… Tóm lại, do tâm hữu tình bám chấp vào các pháp thuộc ba cõi luân hồi, cho là thật có ngã, thật có pháp, là thường, là lạc…, thật có người, có ta, có chúng sinh…, thế nên thương ghét, phải trái, đúng sai, bừng khởi thúc đẩy chúng sinh làm thiện làm ác. Lực của nghiệp thiện và ác này trói chặt chúng sinh vào vòng luân hồi bất tận, trong đó có đủ tất cả mọi thứ khổ đủ loại.

Giới pháp nhằm gỡ chúng sinh thoát ra khỏi vòng xoay vần đau khổ ấy, chứ không phải nhằm tích cực “tạo” thêm các năng lực bám chặt thêm vào đó. Thế nên chỉ Giới pháp mới có được tác dụng “ngưng” làm các điều ác, và “không” tạo thêm các điều thiện thế gian nữa, nhờ đó mới trở thành năng lực thuần thiện, thanh tịnh và giải thoát được. Ví như sát sinh thì sinh vào địa ngục, phóng sinh thì sinh vào cõi trời. Cả hai hành động ấy đều không thoát khỏi sự tái sinh, có chăng một hành động nào thoát được sự tái sinh? Đó là hành động của Giới không sát sinh. Hành động này ngưng làm điều ác để sinh địa ngục, mà cũng không tạo thêm điều thiện nào để sinh cõi trời, nên gọi là giải thoát.

16) Vậy mọi kẻ tiêu cực an phận trong thế gian này, họ không làm thiện mà cũng chẳng làm ác, thì đều được giải thoát hết hay sao?

Hành động tiêu cực trong thế gian không hề phải là hành động thanh tịnh thuần thiện của Giới, và không thể nào có năng lực dẫn đến quả giải thoát được. Bởi vì hành động này thuộc bản thể “si”, chứ không phải thuộc Giới thể, nên hành động ấy chỉ là một nghiệp “si”, và chỉ đưa đến kết quả luân hồi thuộc si tính mà thôi.

17) Không phải rằng Nghiệp mới đưa đến kết quả, mà Nghiệp thì phải là hành động thiện và ác của thân khẩu. Nay các Giới pháp chỉ dạy là “không làm” điều này, “không làm” điều kia. Tại sao chỉ không làm việc ác như không sát sinh chẳng hạn, mà lại là một “nghiệp” thanh tịnh thuần thiện, và lại có được công năng đưa đến kết quả giải thoát xuất thế gian như vậy?

Nghiệp thật sự chính là Vô biểu, tức sau khi biểu nghiệp chấm dứt, Vô biểu tiếp tục hoạt động cho đến bao giờ thành quả mới thôi. Vô biểu như thế được coi như sự liên tục chuyển biến của nhân để thành quả, hay còn gọi là “lực” của Nghiệp, tức “nghiệp lực”. Song Nhân thật sự là gì? Một người vô ý sát sinh, hành động ấy không được coi là ác, biểu nghiệp sát ấy chấm dứt sẽ không kết thành vô biểu để đưa đến một kết quả ác. Hay như một cục đá rơi từ trên cao xuống làm chết một người, hành động của cục đá ấy không hề tạo ra một vô biểu ác nào để đưa lại kết quả ác cho cục đá. Tại sao vậy? Bởi vì cục đá không có tâm thức, nên không có thiện ác nhân quả; còn như người kia tuy có tâm thức, song lại không hề có tâm ý muốn sát sinh, nên cũng không thành được nhân quả thiện ác. Do đó để có được Vô biểu, một biểu nghiệp thiện hay ác phải được kích phát và hướng dẫn bởi một tâm ý muốn làm chuyện thiện hay ác đó. Thế nên cái “ý muốn” này của tâm chính là Nhân. Trong Phật học, ý muốn này được gọi là Tư tâm sở. Tóm lại, ý muốn là nghiệp nhân, hành động là nghiệp lực, kết quả là nghiệp báo.

Ý muốn thúc đẩy chúng sinh hành động, dù là thiện hay ác, cũng không bao giờ thoát khỏi các tính chất tham, sân và si, thế nên kết quả của chúng sinh, dù thiện hay ác, thì cũng không ra khỏi cái khổ luân hồi. Cho nên chúng sinh muốn gỡ mình ra khỏi cái khổ này, thì phải trước tiên gieo Nhân giải thoát bằng cách phát tâm ý muốn thọ quy giới. Ý muốn này thúc đẩy hai nghiệp thân khẩu hành động theo đúng pháp thức thọ quy giới, khi hai biểu nghiệp này hoàn tất, liền tác thành Vô biểu làm Nhân cho giải thoát.

Nhân giải thoát này có tính chất quay lại nương vào Tam bảo để kéo mình ra khỏi luân hồi, thế nên hành động sau đó để phát triển Nhân này cho đến khi thành quả luôn luôn là hành động chấm dứt “làm” các việc ác, nên có nghĩa là thiện, và ngưng “làm” các việc thiện trói buộc vào luân hồi, nên được coi là thanh tịnh; một hành động thiện không đưa đến luân hồi mà đưa đến giải thoát khỏi luân hồi, nên gọi là thuần thiện.

Sở dĩ không làm các hành nghiệp của thế gian nữa mà vẫn được gọi là “nghiệp”, là hành động, thì chính yếu đây là chỉ cho Ý nghiệp, chứ không phải căn cứ nơi hai nghiệp thân và khẩu. Sau khi thực hiện pháp thức thọ quy giới bằng cả ba nghiệp thân, khẩu, ý rồi, hành giả đã có được Giới thể vô biểu làm nhân, từ đó trở đi hành giả quán sát tất cả mọi cảnh chúng sinh và niệm Giới để chận đứng mọi hành động thân khẩu định tạo nghiệp để lại tiếp tục trôi lăn vào vòng luân hồi. Thế nên các giới tướng “không” sát sinh, “không” trộm cắp, “không” v. v…, không phải là các thái độ tiêu cực, mà là một Ý nghiệp thanh tịnh chận đứng tất cả các hành động phiền não và vô minh của thân khẩu, nhằm chấm dứt dòng luân hồi bất tận để tựu thành quả giải thoát.

18) Nếu vậy người thọ giới khi hành giới là không được tạo tác nữa, vậy tại sao khi phát tâm thọ giới, lại là thọ ba tụ tịnh giới, trong đó có “nhiếp thiện pháp giới”? Và lại phải phát tâm thượng phẩm độ thoát chúng sinh?

Vì Nam sơn Luật tông là Luật tông thuộc Đại thừa, thế nên dù có thực hành Luật nghi giới của Thanh văn đi nữa cũng vẫn phải phát tâm đại thừa. Nhờ phát tâm đại thừa, nên mọi hoạt động thực hành giới theo Thanh văn này đều trở thành con đường Đại thừa.

Lại nữa tuy hành giả đại thừa vẫn làm hết tất cả các thiện pháp thế gian theo tụ giới “nhiếp thiện pháp”, song các nghiệp này được làm không phải do tâm vô minh hay tham sân thúc đẩy, mà do Bồ đề tâm kích phát và hướng dẫn, thế nên tất cả các nghiệp này cũng đều thanh tịnh thuần thiện và giải thoát, và không có gì mâu thuẫn với các nghiệp thanh tịnh của Luật nghi giới.

Tóm lại, có hai loại thiện pháp: một loại thiện pháp xuất thế gian, thanh tịnh giải thoát khỏi luân hồi khổ, thường gọi là vô lậu (tức không có phiền não nữa), thuộc các bậc thánh Thanh văn và Duyên giác, và dành cho những ai muốn đi theo con đường thánh giải thoát này, đại biểu là Quy giới của đức Phật. Loại thứ hai là thiện pháp thuộc tình cảm và quan niệm của thế gian, nghĩa là thuộc tính chất phân biệt ta người, thương ghét, phải trái đúng sai, nên gọi là hữu lậu (nghĩa là có phiền não), loại này thuộc về luân hồi và dành cho các phàm phu muốn đi theo con đường nhân thiên trong luân hồi, đại biểu là bố thí, thương người thương vật v. v…

Riêng con đường Đại thừa là hành loại thiện pháp nào? Con đường Đại thừa thực hành cả hai loại thiện pháp trên, vừa xuất thế gian vừa cả thế gian.

Tại sao lại phải hành cả hai loại? Vì chỉ hành một loại thôi không thể thành Phật được, mà mục tiêu cứu cánh của con đường Đại thừa là thành Phật độ chúng sinh, thế nên phải hành cả hai loại.

Thực hành một lúc cả hai có mâu thuẫn hay không? Để có thể thực hành cả hai loại thiện pháp này mà không bị mâu thuẫn, thì chỉ có con đường Đại thừa của Bồ tát mà thôi.

Nhờ đâu mà con đường Đại thừa không bị mâu thuẫn khi thực hành cả hai loại thiện pháp nói trên? Nhờ Bồ đề tâm. Bồ đề tâm gồm hai thành phần chính là Trí huệ và Từ bi. Vì Từ bi tâm muốn cứu độ chúng sinh, nên Bồ tát thực hành thánh pháp (tức thiện pháp thanh tịnh giải thoát), song thực hành thánh pháp là để cứu độ chúng sinh, chứ không phải để chứng lấy Niết bàn, thế nên Bồ tát không chứng Niết bàn; lại vì Từ bi tâm muốn cứu độ chúng sinh, nên Bồ tát thực hành thiện pháp thế gian, song thực hành thiện pháp thế gian là để nhiếp phục chúng sinh mà độ họ, chứ không phải vì ái trước vào các pháp của ba cõi luân hồi, thế nên Bồ tát không trói vào luân hồi. Niết bàn và luân hồi là hai pháp mâu thuẫn với nhau, Từ bi tâm của Bồ tát đều không dính vào hai pháp ấy, nên Từ bi tâm tránh được sự mâu thuẫn. Hai pháp ấy tuy mâu thuẫn, song chỉ mâu thuẫn nơi mặt thế gian và xuất thế gian, chứ không mâu thuẫn nơi tính chất thiện, Từ bi tâm của Bồ tát gom hết các công đức thiện của cả hai pháp ấy, nên không bị mâu thuẫn. Đối tượng của Từ bi tâm lại là tất cả chúng sinh, Từ bi tâm không gom hết các công đức thiện ấy cho riêng một bản ngã nào, mà gom công đức về chỉ để hồi hướng hết cho tất cả chúng sinh, thế nên Bồ tát không bị kẹt vào Niết bàn (tức thánh), không bị kẹt vào luân hồi (tức phàm), không bị kẹt vào chính mình (tức Bồ tát phi thánh phi phàm), chỉ có tất cả các chúng sinh được hết mọi công đức lợi ích.

Lại nhờ Trí huệ tâm, Bồ tát thấy được “thật tướng” của các pháp, nơi thật tướng Niết bàn và luân hồi bình đẳng một tướng mà thôi, thế nên thật ra Niết bàn và luân hồi không hề mâu thuẫn. Trong khi thực hành thiện pháp xuất thế, tâm Trí huệ của Bồ tát không hề thấy có người thực hành và có pháp thiện xuất thế gian để thực hành, thế nên Bồ tát không kẹt vào thánh đạo; trong khi thực hành thiện pháp thế gian, Trí huệ của Bồ tát thấy không có người làm thiện, có kẻ được giúp đỡ, có pháp thiện để làm, cho nên Bồ tát không kẹt vào thế gian đạo; trong khi hồi hướng toàn thể công đức đến cho tất cả chúng sinh, Trí huệ của Bồ tát thấy không có ai là người hồi hướng, không có ai là tất cả chúng sinh, không có pháp hồi hướng, cho nên Bồ tát không kẹt vào chính ngay Bồ tát đạo nữa. Nhờ đó tất cả các pháp thiện thế gian, thiện xuất thế gian, thiện từ bi, đều bình đẳng một tướng, là tướng giải thoát, thanh tịnh. Đại thừa thường gọi thật tướng bình đẳng của tất cả các pháp này là tính KHÔNG.

IV. TÁM GIỚI

A – Ý Nghĩa Của Quan, Trai, Giới

1) Quan là gì?

Quan có nghĩa là “cửa”, thế gian dùng cửa để chống phòng giặc cướp. Tám giới ở đây lấy ý nghĩa ngăn chận, ví như “cửa”, để ngăn chận các điều sai trái buông lung, nhằm yên tĩnh an định thân tâm (cấm bế phi dật, tĩnh định thân yâm ), nên Tám giới còn gọi là Tám quan.

2) Trai là gì?

Trai có hai nghĩa: (1) một là ngay bằng (tề ), nghĩa là Tám giới làm cho tâm mình chuyên nhất bình đẳng (tề nhất kỳ tâm ); (2) hai là nghĩa lắng trong (thanh ), nghĩa là Tám giới này làm cho mọi suy lự của mình được gom lại yên tĩnh (tĩnh nhiếp kỳ lự ), như các phòng nghỉ ngơi an dưỡng của thế gian rất nhàn tĩnh được gọi là “trai”. Nên Tám giới còn gọi là Tám trai.

3) Tám giới là gì?

“Tám” là chỉ cho tám điều phải phòng ngừa, “giới” là hành động sửa trị tám điều kia không cho phát tác.

4) “Tám quan trai giới” là gì?

Là sự thực hành ngăn chận (giới ) tám điều sai quấy không cho phát tác, ví như cánh cửa (quan ) ngăn chận tám giặc cướp, như tâm định tĩnh làm trong sạch (trai ) hết không còn tám điều lầm lỗi.

Tám quan trai giới có thể gọi riêng là Tám quan, Tám trai, Tám giới, cả ba danh xưng chỉ là một, và đều có chung một nghĩa là gom lấy sự thanh tịnh về tâm mình (nhiếp tịnh quy tâm ), có nghĩa là thực hành Bát quan trai giới là để làm cho tâm mình được thanh tịnh.

B – Công Đức Và Ích Lợi Của Tám Giới

1) Tám giới này có công đức và ích lợi ra sao?

Đa Luận trích Kinh nói: Dù làm vua của cả cõi Diêm phù này, và làm chủ của tất cả các vật báu của thế gian, cũng không bằng được một phần mười sáu công đức của Tám giới.

2) Tại sao lại lấy con số “mười sáu” để so sánh?

Tổ Linh Chi giải thích: “Xứ Thiên trúc phân một đồng tiền làm mười sáu phần theo trọng lượng, nên trong các Kinh Luận hay lấy ra làm tỉ dụ. ”

3) Nếu so với công đức của cõi trời thì sao?

Thành Luận nói: Phúc báo của Thiên vương cũng không so nổi với công đức của Tám giới. Như trong Kinh, khi Đế thích ca ngợi công đức của người trì Tám trai giới là bằng ngang với mình, thời đức Phật ngăn Đế thích lại, ngài nói: “Chỉ có các bậc dứt hết phiền não rồi mới nói bài kệ ấy được. ”

Ý đức Phật muốn nói là công đức của người trì Tám trai giới bằng ngang với công đức vô lậu của các bậc thánh, mà phúc đức của vua trời Đế thích không thể nào so nổi.

Bài kệ như sau:

Sáu ngày trai thuộc Thần,
Lục trai thần chi nhật,
mà phụng trì Tám giới,
phụng trì ư bát giới,
người này được phúc đức,
thử nhân hoạch phúc đức,
phải nói bằng với Ta
tắc vi dữ ngã đẳng.

4) So sánh với công đức của Năm giới ra sao?

Tổ Nam sơn nói: “Do vì Năm giới chỉ là lìa tà dâm, chứ chưa được hoàn toàn thanh tịnh; trong khi thực hành Tám giới là hoàn toàn thanh tịnh, tương đương với công đức vô lậu…, nên công đức vượt hơn Năm giới. ”

5) Tuy là vậy, song thọ Tám giới chỉ trong một ngày một đêm, thì làm sao lại có công đức hơn hẳn Năm giới được thọ suốt đời?

Trí Luận nói: “Ví như tướng yếu kém mà chỉ huy quân lính [suốt đời đi nữa] thì rồi cũng chẳng lập nên công trạng gì hết. Trái lại, như một vị tướng mạnh, dù chỉ cầm quân trong một ngày, cũng đủ lập công khắp thiên hạ. ”

Tổ Nam sơn nói: Ý nghĩa của Năm giới và Tám giới cũng y như vậy… Tám giới xét theo kỳ hạn thọ giới tuy ngắn ít, mà về mặt thực hành lại là nhiều, nên công đức vượt hơn Năm giới.

Ngoài ra trong Luật còn nói: Các Ưu bà tắc thọ Tam quy ngũ giới, khi nghe Phật nói pháp chỉ có thể đắc được hai quả đầu, chứ không chứng được hai quả ba và bốn; trong khi người thọ Tám giới có thể chứng luôn hai quả ba và bốn.

6) Ích lợi của Tám giới ra sao?

Kinh Thiện Sinh nói: Trừ tội năm nghịch ra, thọ trì Tám giới diệt trừ được tất cả các tội khác.

C – Tư Cách Người Thọ Giới

Đây là phần hỏi về già nạn, thời cũng giống như cách thức của Năm giới. (Xem phần Năm giới)

D – Sám Hối

1) Sám hối có khác gì với Sám hối của Năm giới hay không?

Không khác gì với Năm giới. Như A Hàm kinh Tăng Nhấtcó nói: Nếu thọ Tám trai, trước phải sám hối tội, rồi sau mới thọ giới.

Song lời văn tác bạch Sám hối trong Trí Luận có ghi như sau: “Con tên là…, hoặc có thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp gì bất thiện, là do tham sân si, hoặc đời này hoặc đời trước mà có các tội như thế. Ngày nay thành tâm sám hối, cho ba nghiệp được thanh tịnh, mà thọ nhận và thực hành Tám trai giới. Như thế là bố tát. ”

2) Bố tát là gì?

Tổ Linh Chi giải thích “bố tát” có nghĩa là “ở yên trong chỗ thanh tịnh” (tịnh trụ ), hoặc chỉ là nghĩa “thanh tịnh”, chỉ cho ý nghĩa của Sám hối.

E – Thực Hiện Pháp Thức Thọ Giới

Chính thức nạp Giới thể

1) Thọ Tám giới có phải chuẩn bị và phải khai đạo giống như thọ Năm giới hay không?

Phần chuẩn bị và khai đạo hoàn toàn giống như Năm giới.

2) Cách thức thưa bạch giữa hai giới cũng giống như nhau?

Cũng giống như nhau, giới tử cũng phải nói theo lời của Giới sư hướng dẫn. Như Câu Xá Luận nói: trước lúc thọ nhận Giới, ngồi xuống chắp tay, nói theo Giới sư, không được nói trước hay nói cùng lúc. Nếu vi phạm là việc thọ giới không thành.

3) Tại sao phải nói theo sau Giới sư như vậy?

Tổ Linh Chi giải thích: “Có như thế mới đúng theo đạo thầy trò, nghi thức truyền thọ mới đúng cách, chứng tỏ là người thọ giới không có coi thường Giới pháp vậy. ”

Ngoài ra các ý nghĩa khác thời coi phần Tam quy và Năm giới.

4) Pháp thức thọ nạp Giới thể ra sao?

Trí Luận nói: Thọ Giới pháp một ngày một đêm như sau: Quỳ ngay ngắn chắp tay và phải nói theo Giới sư như vầy: Con tên là… quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, một ngày một đêm, làm tịnh hành Ưu bà tắc (hoặc Ưu bà di) (nói ba lần )

5) Lời văn Tam quy trên gồm các nghĩa nào?

Tổ Linh Chi giải thích: Lời văn Tam quy chia làm bốn đoạn: (1) một là xưng tên; (2) hai là cảnh sở duyên để quy y, tức Tam bảo; (3) ba là thời hạn thọ giới, ở đây là một ngày một đêm, song theo Thành Luận thì thời gian dài ngắn tùy ý; (4) bốn là lập thệ.

6) Tại sao cuối cùng không có lời xác định “Như lai Chí chân Đẳng chính giác là Thế tôn của con” giống như pháp thức của Năm giới?

Tổ Nam sơn giải thích: Vì khi thọ Năm giới là mới bắt đầu lìa bỏ tà duyên, nên mới xác định là nương vào “Chính” giác Như lai Chí chân để cách ly khỏi “tà”. Nay trên Năm giới ấy lại tăng thêm (trùng tăng ) các Giới khác làm cho sự thực hành thêm mạnh hơn nữa, chứ đâu phải là mới thọ Tam quy lần đầu, thế nên cần gì phải xác định lại về ba danh xưng của đức Phật như thế nữa.

Tổ Linh Chi nói thêm: “Nếu gặp trường hợp người chưa thọ Năm giới, mà thọ thẳng Tám giới, tức khôngphải là trường hợp tăng thêm, thì đúng lý cần phải nói thêm ba danh hiệu của Phật vậy. ”

7) Tịnh hành là gì? Và tại sao lại có thêm danh xưng này mà Năm giới lại không có?

Tịnh hành có nghĩa là sự thực hành thanh tịnh. Tổ Nam sơn giải thích: Nói Tịnh hành là vì trong thời gian mình hạn định mà phụng trì Tám giới này, Tám giới này đồng với Giới của Phật, nên được gọi là “Tịnh”.

Tổ Linh Chi nói: khi thọ Tám giới thời được gọi là Ưu bà tắc Tịnh hành là vì Tám giới này đoạn dâm hoàn toàn, khác với Năm giới chỉ đoạn tà dâm, chứ chưa đoạn chính dâm, thế nên gọi là Tịnh hành để phân biệt với nhau vậy.

Nói giới tướng và phát nguyện

1) Tám giới tướng này, lời văn truyền thọ ra sao?

Theo trong Tùy Cơ Yết Ma thì khi trao giới tướng Giới sư nói như sau:

1- Như chư Phật suốt đời không sát sinh, con tên là…, một ngày một đêm không sát sinh. Có giữ được không? (Đáp: giữ được)

2- Như chư Phật suốt đời không trộm cắp, con tên là…, một ngày một đêm không trộm cắp. Có giữ được không? (Đáp: giữ được)

3- Như chư Phật suốt đời không dâm dục, con tên là…, một ngày một đêm không dâm dục. Có giữ được không? (Đáp: giữ được)

4- Như chư Phật suốt đời không vọng ngữ, con tên là…, một ngày một đêm không vọng ngữ. Có giữ được không? (Đáp: giữ được)

5- Như chư Phật suốt đời không uống rượu, con tên là…, một ngày một đêm không uống rượu. Có giữ được không? (Đáp: giữ được)

6- Như chư Phật suốt đời lìa hoa, hương, anh lạc, dầu thơm bôi mình, con tên là…, một ngày một đêm lìa hoa, hương, anh lạc, dầu thơm bôi mình. Có giữ được không? (Đáp: giữ được)

7- Như chư Phật suốt đời lìa không ngồi trên giường cao tốt đẹp và ca xướng âm nhạc, cố ý đi xem nghe, con tên là…, một ngày một đêm lìa không ngồi trên giường cao tốt đẹp và ca xướng âm nhạc, cố ý đi xem nghe. Có giữ được không? (Đáp: giữ được)

8- Như chư Phật suốt đời lìa bỏ ăn phi thời, con tên là…, một ngày một đêm lìa bỏ ăn phi thời. Có giữ được không? (Đáp: giữ được)

2) Tại sao lại phải có thêm câu “như chư Phật suốt đời không… ” mà trong pháp thức trao giới tướng của Năm giới lại không có câu ấy?

Tổ Nam sơn nói: “Nói lên câu ‘ như chư Phật… ‘ là nêu lên cảnh thù thắng cho người thọ giới duyên theo đó mà thọ nhận để thực hành. ”

Thọ Năm giới cho dù kỳ hạn là suốt đời đi nữa, song vẫn không thể nói là giống “như chư Phật ” được, lý do vì Năm giới vẫn chưa hoàn toàn thanh tịnh ở chỗ vẫn cho phép chính dâm. Tám giới ở đây đoạncả chính dâm, nên hoàn toàn thanh tịnh giống “như chư Phật”, chỉ có khác ở chỗ kỳ hạn của chư Phật là suốt đời, còn kỳ hạn của người thọ Tám giới là một ngày đêm. Song tuy kỳ hạn ngắn ngủi nhưng chúng ta không được phép coi thường, mà phải hiểu thọ Tám giới đây là đồng thanh tịnh với chư Phật, có thế mới phát tâm thuần trọng mà lãnh thọ vậy.

Xét đó đủ thấy Giới thể là điều quan trọng hơn hết, chứ không phải là thọ nhiều giới tướng hay thời gian dài ngắn, vì Giới thể mới thật sự là chính nhân vậy.

3) Theo như Trí Luận thì lời văn thọ giới tướng như sau: “Như chư Phật suốt đời không sát sinh, con tên là…, một ngày một đêm không sát sinh cũng y như vậy.” Các giới khác cũng theo mẫu như vậy mà nói. Lời văn ở đây không có hỏi đáp là nghĩa thế nào?

Tổ Nam sơn giải thích: “Có bổn ghi là ‘Con tên là…, một ngày một đêm không sát sinh cũng y như vậy’, đó là nói thẳng ra mình cũng khế hợp với giới, đồng với Phật ở trên, nên không cần phải hỏi đáp cũng vẫn có nghĩa là nói lên giới tướng.”

Lời văn trong Trí Luận không có phần hỏi đáp, cho thấy thích hợp cho những người tự thọ vậy.

4) Trong Trí Luận lại phân điều “không ngồi trên giường cao lớn” thành một giới riêng biệt, và sắp theo thứ tự là giới thứ sáu. Như vậy thành ra là chín chi giới cả thảy, nghĩa ấy ra làm sao?

Trí Luận coi giới thứ chín “không ăn quá ngọ” như là “trai”, coi tám giới kia như là “trai thể”, nên mới phân tám giới riêng ra như khi nói xong tám giới thời lời văn có nói thêm câu: “Vậy là đã thọ xong tám giới”, rồi tiếp theo mới nói đến giới “không ăn quá ngọ”.

Tổ Linh Chi giải thích như sau: Theo văn thì có chín giới cả thảy, song chỉ nói “tám giới” mà thôi. Theo Đa Luận, “trai” lấy việc không ăn quá ngọ làm thể, tám giới kia hiển rõ lên ý nghĩa ấy, nên được coi là “trai thể”, [nghĩa là “trai” có hai nghĩa: một là tiết chế ăn uống, hai là thanh tịnh. Tiết chế ăn uống chính là không ăn quá ngọ, vốn là bản thể căn bản của “trai”; song còn phương diện thanh tịnh của “trai” chính là nhờ tám giới kia mà thể hiện ra được, nên tám giới ấy chính là bản thể thanh tịnh của “trai” vậy, ngược lại tám giới đó cũng nhờ bản thể “trai” không ăn quá ngọ mà đều thành có nghĩa là “trai” hết. ] Do hỗ tương nâng đỡ nhau như thế, nên gọi chung lại là “trai tám chi” (bát chi trai), và thường nói là “tám trai”, chứ không nói là chín, và “không ăn quá ngọ” mới được nói riêng ra sau hết.

Theo Tùy Cơ Yết Ma thì lại hợp hai giới “giường cao” và “ca múa” lại làm một, và “không ăn quá ngọ” thành ra giới thứ tám.

Ngoài ra trong Tăng Nhất A Hàm thì “quá ngọ” lại được kể là giới thứ sáu, và hợp “trang điểm thân” và “đi xem nghe nhạc” lại làm một, đều là những điểm sai khác nhau, song tùy theo cách nào cũng được.

5) Nguyên văn lời văn nói giới tướng theo Trí Luận ra sao?

Như chư Phật suốt đời không sát sinh, con tên là…, một ngày một đêm không sát sinh cũng y như vậy.

Như chư Phật suốt đời không trộm cắp, con tên là…, một ngày một đêm không trộm cắp cũng y như vậy.

Như chư Phật suốt đời không dâm dục, con tên là…, một ngày một đêm không dâm dục cũng y như vậy.

Như chư Phật suốt đời không vọng ngữ, con tên là…, một ngày một đêm không vọng ngữ cũng y như vậy.

Như chư Phật suốt đời không uống rượu, con tên là…, một ngày một đêm không uống rượu cũng y như vậy.

Như chư Phật suốt đời không ngồi trên giường cao lớn, con tên là…, một ngày một đêm không ngồi trên giường cao lớn cũng y như vậy.

Như chư Phật suốt đời không đeo hoa man, anh lạc và dùng hương thoa thân hay ướp vào y phục, con tên là…, một ngày một đêm không đeo hoa man, anh lạc và dùng hương thoa thân hay ướp vào y phục cũng y như vậy.

Như chư Phật suốt đời không tự ca múa chơi nhạc và cố ý đi xem nghe, con tên là…, một ngày một đêm không tự ca múa chơi nhạc và cố ý đi xem nghe cũng y như vậy.

Vậy là đã thọ xong tám giới.

Như chư Phật suốt đời không ăn quá ngọ, con tên là…, một ngày một đêm không ăn quá ngọ cũng y như vậy.

Con tên là…, thọ nhận và thực hành tám giới, theo học pháp của chư Phật, gọi là Bố tát.

6) Pháp thức kết thúc thọ Tám giới ra sao?

Tùy Cơ Yết Ma ghi: Theo A Hàm kinh, thì sau khi truyền trao giới tướng như trên xong, Giới sư phải dạy cho người thọ giới phát nguyện như sau: “Con nay do công đức thọ Bát quan trai này, không đọa vào ác thú, tám nạn và biên địa. Nguyện đem công đức này, nhiếp hết mọi việc ác của tất cả chúng sinh, bao công đức của con đều ân thí cho họ, sao cho họ thành tựu Đạo vô thượng chính chân, khiến họ trong tương lai, được ở trong ba hội của đức Di lặc phật, thoát sinh lão bệnh tử. ”

7) Ý nghĩa lời văn phát nguyện ấy ra sao?

Tổ Nam sơn giải thích: Phần phát nguyện này có đủ cả hai nghĩa tự lợi và lợi tha: Tự lợi là đem công đức trì trai đối trị các ác thú, là diệt các chướng ngại cho sự trì giới; đối trị tám nạn và biên địa, là diệt các nạn chướng ngại không được nghe và tư duy về chính pháp.

Lợi tha là thu lấy cái ác của người khác, ban lại cho họ cái thiện của mình, đó là thực hành đại đạo tâm. Làm cho họ thành đạo, nghĩa là chỉ theo pháp “nhất thừa” mà thôi, chứ không theo các phương tiện khác. Ba hội trong tương lai, là duyên gặp Từ thị, chỗ gần nhất để phó thác tâm.

Tổ Linh Chi giải thích thêm: Trước hết về tự lợi. Giới pháp duy có loài người mới thọ được, nên các ác thú là chướng nạn của giới. Ba trí huệ có được do nghe pháp, do tư duy về nghĩa của pháp và do tu theo nghĩa của pháp (văn tư tu huệ ) muốn có thì phải sinh vào nẻo thiện để gặp Phật nghe Pháp mà có đủ chính tín, nên tám nạn là chướng ngại cho nghe Pháp và tư duy về Pháp vậy.

Còn về lợi người thì thực hành đại đạo tâm, là thực hành Bồ tát đạo. Nhất thừa là thật giáo thuộc con đường của Phật, “các phương tiện khác” là quyền giáo thuộc hai thừa.

Tóm lại, đâu phải chỉ có Tám giới mới phát nguyện như thế đâu, mà trọn cả một Tông giới luật khi nói lên giáo pháp của mình đều theo ý nghĩa ấy. Người học phải nên rõ như vậy.

Ngoài ra sau lời văn thọ giới tướng của Trí Luận cũng có lời phát nguyện khác với lời văn ở trên, như sau:

“Nguyện đem phúc báo Bố tát này, khiến cho đời đời không đọa vào ba ác đạo hay tám nạn; con cũng không cầu các khóai lạc của Chuyển luân thánh vương, hay của các thế giới Phạm Thích thiên vương, chỉ nguyện các phiền não tận diệt, đạt được Tát vân nhã và thành tựu Phật đạo. ”

Tát vân nhã hay còn nói là Tát bà nhã, dịch là Nhất thiết trí.

F – Các Vấn Đề Phụ Khác

1) Người thọ Tám giới là thuộc vào chúng nào trong số bẩy chúng đệ tử của Phật?

Đa Luận trả lời: Tuy Tám giới không phải là giớigiữ trọn đời, song lại có thời hạn trong một ngày đêm, nên phải gọi là Ưu bà tắc. Mà đã gọi là Ưư bà tắc thì lại thiếu giới trọn đời, mà bảo không phải Ưu bà tắc thì lại có giới ngày đêm. Cho nên chỉ là người ở giữa (trung gian nhân), nghĩa là ngoài bẩy chúng ra, còn có thêm Mộc xoa tám giới nữa.

Tổ Linh Chi phê bình: “Trường hợp Năm giới, Mười giới và Cụ túc giới thì cả bẩy chúng đều phải thọ suốt đời, cho nên “giới ngày đêm” (nhật dạ giới ) không có trong số các chúng đó. Nếu vậy, người thọ Tám giới rốt cuộc gọi là gì? [Và ngài] trả lời: Như trong pháp thức thọ giới có gọi là “tịnh hành Ưu bà tắc”, đó không phải là danh xưng thì còn là gì nữa? Trên kia là căn cứ theo Đa Tông, thời các giới Năm và Tám đều cục hạn vào thời gian cố định, thế nên Tám giới mới bị đặt ra ngoài bẩy chúng. Nếu theo Thành Tông thì tiếp thu vào tục chúng (tức Ưu bà tắc), nên người thọ Tám giới không phải là ngoài bẩy chúng. ”

2) Thọ Tám giới có bắt buộc phải thọ đủ tám giới tướng hay không?

Theo Đa Tông thì bắt buộc phải thọ đủ tám giới tướng.

Theo Thành Tông thì được phép tùy ý mà thọ một, hai, hay ba giới…, hay ngày tháng dài ngắn gì đều được.

3) Thời hạn thọ Tám giới có bắt buộc phải cố định là một ngày một đêm hay không?

Theo Đa Tông, khi thọ Tám giới, phải nói rõ thời hạn là “một ngày một đêm”, để khỏi lẫn lộn với giới trọn đời (chung thân giới).

Theo Thành Tông, thì cả Năm giới và Tám giới cứ tùy ngay tháng dài ngắn, hoặc một năm một tháng, cho đến nửa ngày nửa đêm, “trùng thọ”, “giảm thọ” đều được.

4) Tại sao Thành Tông lại chủ trương tùy nghi như vậy?

Tổ Nam sơn nói: Thành Tông cho rằng Năm và Tám giới là giáo pháp để tiếp độ chúng phàm tục, nên tùy lực họ mà co dãn nhiều ít, chứ không thể ước định kỳ hạn hay số giới tướng để thực hành một cách dứt khóat được.

Còn ngoài ra thì coi phần Tám giới có nói rõ về lý do này.

5) Thọ Tám giới có thể tự thọ được không?

Theo Đa Tông thì thọ Tám giới phải do năm chúng truyền cho.

Theo Thành Tông thì, nếu khi không có ai thuộc năm chúng, chỉ cần tâm niệm, miệng nói, cho đến câu “con trì Tám giới”, là cũng thành thọ giới.

Tổ Nam sơn giải thích: “Theo Đa Luận cả năm chúng đều truyền được, bởi vì năm chúng chính là các vị đủ tư cách hoằng pháp. ”

Tổ Linh Chi nói thêm: “Đa luận khẳng định là phải thọ nơi người khác, Luận ấy nói: Hễ cứ thọ trai pháp là phải thọ nơi người khác. Thọ nơi ai đây? Thọ nơi năm chúng. ”

Còn về việc cho phép tự thọ, tổ Nam sơn giải thích: “Hai luận Thành và Trí cho phép tự thọ không phải trong các trường hợp bình thường, mà phải là trường hợp đặc biệt, nên trong văn mới nói là “nếu khi không có ai trong số năm chúng”thì được phép thọ theo tâm niệm (tâm niệm thọ ), đó là nói rõ ra trường hợp đặc biệt được cho phép vậy.”

Tổ Linh Chi nói: “Hai luận Thành và Trí đều cho phép tự thọ. Theo văn mà xét thì phải là trường hợp không có thầy, ý cũng nói chung cho mọi trường hợp bị nhân duyên làm trở ngại (duyên ngại). ”

6) Vì để giữ giới trai là không ăn quá ngọ, nên thọ Tám giới có bắt buộc phải thọ trước giờ ngọ hay không?

Bắt buộc phải thọ trước giờ ngọ. Song nếu gặp các trường hợp đặc biệt, thì có thọ sau ngọ vẫn được chấp nhận.

Như luận Câu Xá nói: Nếu trước đã có ý thọ vào ngày trai ấy rồi, [song vì lý do đặc biệt nào đó, nên] tuy ăn rồi (tức quá giờ ngọ trai) thì cũng vẫn được phép thọ.

Nghiệp Sớ nói: Nếu sắp sửa thọ, gặp chuyện trở ngại không thọ được. Đợi việc trở ngại giải quyết xong, thọ cũng thành.

Tổ Linh Chi giải thích: Các nhân duyên trở ngại như vua hay giặc trói nhốt v. v…, tâm thì thông mà sự thì ngại, sau khi ngọ cũng cho phép thành.

7) Thọ giới, thọ một mình hay thọ tập thể có khác gì nhau không?

Kinh Thiện Sinh nói: “Thọ Tám giới không được thọ chung nhiều người, mà phải riêng mình thọ thôi. ”

Tổ Linh Chi giải thích: “Kinh Thiện Sinh không cho thọ chung là vì sợ đông người hỗn tạp, tâm không chuyên nhất. Nói chung về quy giới mà thọ riêng một mình là hay nhất, vì tâm sẽ không duyên gì khác, pháp không lẫn lộn. Ngày nay nhiều người cùng thọ một lúc, theo lý tuy thông, song dĩ nhiên không được tốt bằng thọ một mình. ”

Song chúng ta phải hiểu, thọ một mình tốt là khi chúng ta được giảng giải rõ về pháp thức thọ quy giới, và chúng ta được theo đúng pháp thức thọ giới. Nếu không đúng như vậy, thì thọ một mình cũng chẳng có lợi gì. Điều nữa, thọ tập thể mà đại chúng đều phát đại tâm, đều thấu rõ và theo đúng pháp thức, thì vẫn rất là lợi ích.

8) Trường hợp không phải là ý của mình mà vì lệnh của cấp trên bắt phải đánh đập tra khảo người khác, trong thời gian ấy có thọ trai giới được không?

Kinh Thiện Sinh nói: Nếu các bậc cao cấp thường ra lệnh mình phải làm ác, nếu muốn thọ giới vào lúc ấy, thì trước hết phải chấm dứt các việc ác đó, sau thọ giới mới thành được. Nếu không ngưng lại thì không thành thọ giới được.

Luận Thành Thật nói: Có người y theo pháp quan hoặc bị sức mạnh áp bức bắt phải hại người, cho như thế là mình không có tội. Song người ấy vẫn bị tội sát, vì đủ các duyên để thành tội vậy.

Tổ Nam sơn nói: “Nếu đã thọ trai mà đi đánh đập chúng sinh, cho dù ngay ngày ấy không làm, mà đợi ngày mai mới làm, thì đều là trai “bất tịnh”. Nói đúng ra, cứ thân và khẩu mà làm các nghiệp không đúng với oai nghi của giới, thì đều là “bất tịnh”. Cho đến nếu tâm khởi các tâm tưởng tham, sân hay hại, thì dù là không phá trai, nhưng trai không thanh tịnh nữa. Cho nên [trong khi trì Tám trai giới này] nếu không tu tập sáu niệm, thì cũng gọi là bất tịnh. ”

9) Ý nghĩa đoạn văn trên của tổ Nam sơn là sao?

Tổ Linh Chi giải thích: Trì Tám trai giới là phải thanh tịnh đủ cả ba nghiệp thân, khẩu và ý. Nếu thân và khẩu đi ngược lại với oai nghi của giới, tức làm các việc ác, thì dù là hứa hẹn vào ngày khác đi nữa, vẫn bị coi là “bất tịnh”. Đây là nói lên việc phạm giới qua thân và khẩu. Đoạn dưới nói về tâm làm ác, tức ý phạm. Thuận theo ý là tham, nghịch theo ý là sân, có ý làm khổ người khác là hại. Hành động ngược với giới bằng thân khẩu, thì gọi là “tác phạm”; hành động tham, sân, hại của tâm gọi là “chỉ phạm”. Tại sao trường hợp tham, sân, hại lại bị gọi là “chỉ phạm”? Bởi vì trong ngày thọ trai giới, tâm phải theo sáu niệm, tức niệm Phật, Pháp, Tăng, thiên, thí và giới; nay ngưng không niệm mà để cho tâm tác ý phạm vào tham sân hại, nên gọi là “chỉ phạm” vậy.

Tuy tổ Linh Chi giải thích rành mạch như vậy. Song nếu xét kỹ, thì cả trường hợp thân và khẩu ở trên thật sự cũng chỉ hoàn toàn thuộc về ý nghiệp. Như hôm nay vì thọ trai giới, nên tránh không đánh đập, nhưng trong tâm hứa hẹn ngày mai, thì thật ra đó vẫn chỉ là ý nghiệp mà thôi. Bởi vì cho dù ngày mai không đánh đập đi nữa, thì cái tâm hứa ngày mai đánh này vẫn làm cho trai giới thành bất tịnh. Do đó trong thời gian trì trai giới, phải hết sức cẩn thận giữ tâm cho thanh tịnh bằng sáu niệm.

10) Tác phạm và chỉ phạm là gì?

Phạm tức phạm vào những gì bị giới cấm ngăn không cho làm. Phạm như thế có hai cách: một là chúng ta “làm” những điều ác giới cấm làm, cho nên chúng ta thành phạm giới; hai là chúng ta “ngưng” không chịu làm những điều thiện mà giới dạy phải làm, nên chúng ta thành phạm giới.

Phạm giới vì “làm” các điều ác bị cấm đoán, thì gọi là “tác phạm”, vì “tác” có nghĩa là “làm”.

Phạm giới vì “ngưng” không chịu làm các điều thiện phải làm, thì gọi là “chỉ phạm”, vì “chỉ” có ngĩa là “ngưng không làm”.