GIÀNH PHẦN HƠN
Hạnh Đoan bình thuật
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Có một đôi vợ chồng đói khổ kiếm được ba cái bánh. Hai vợ chồng mỗi người ăn một cái, còn thừa lại một cái.

Người chồng nói:

– Tôi ra ngoài làm việc cực khổ lắm, cái bánh này tôi ăn mới đúng!

Cô vợ phản đối:

– Đâu được! Tôi ở trong nhà vất vả hơn ông nhiều, phải để tôi ăn chứ!

Hai vợ chồng tranh giành cả buổi, chẳng ai chịu nhường ai.

Cuối cùng họ bảo nhau:

– Giờ chúng ta hãy so tài đi! Hễ ai mở miệng nói trước là coi như thua. Người thắng cuộc sẽ hưởng trọn cái bánh.

Giao ước xong, hai người ngồi cạnh cái bánh ngó chăm chăm không rời, chẳng ai dám mở miệng nói.

Được một hồi lâu, có tên trộm lẻn vào nhà sau, do hai vợ chồng giữ im lặng cao độ nên tên trộm ngỡ nhà vắng người, nó yên chí trộm đồ, ung dung quơ tiền bạc vật dụng bỏ vào bao.

Xong, tên trộm vác bao đi lên, lúc ngang qua nhà trên nó mới phát hiện hai vợ chồng đang ngồi im lìm ở đó.

Mới đầu, tên trộm hoảng hốt hét lên một tiếng, song thấy hai vợ chồng kia vẫn im lặng không nói, nó đâm ra bạo gan và tò mò tiến lại gần quan sát, thấy họ vẫn ngồi im như tượng, nó nảy ý muốn chọc ghẹo cô vợ.

Bị tên trộm giở trò sàm sỡ, cô vợ nhịn hết nổi, hét toáng lên:

– Làng xóm ơi! Bắt trộm nè!

Tên trộm nghe la, sợ hãi bỏ chạy.

Cô vợ giận dữ, nhiếc chồng:

– Anh có ngu thì ngu vừa vừa thôi! Vì một cái bánh, trộm vào lấy đồ và sàm sỡ với tôi mà anh cũng im lìm bất động thì quá tệ!

Anh chồng lúc này mới vỗ tay cười to:

– Ha ha! Thắng rồi! Cái bánh này giờ xem như tôi hưởng trọn, khỏi phải chia cho mụ.. ha ha!
(Kể theo Kinh Bách Dụ)

BÌNH: 

Đọc xong câu chuyện này ắt chúng ta sẽ nghĩ: “Có đôi vợ chồng nào lại ham ăn và ngu dữ vậy? Thèm ăn thì cắt đôi bánh ra mà chia nhau, ai cũng có phần, cùng ăn, cùng vui. Có phải hay hơn không?”… Song trong cuộc sống, đôi lúc ta cũng giống như đôi vợ chồng này, vì chúng ta vẫn có những ý niệm háo thắng, so kè (với người thân yêu nhất) từng chút một!

Chúng ta sẽ không chịu nhường nhau (dù tí xíu!) vì bị lòng háo thắng, tranh hơn thua làm mù quáng. Chẳng hạn như: trong cuộc cãi lẫy nhỏ, ta vẫn muốn giành phần thắng, giành phần hơn, giành lý đúng về mình. Ta sẵn sàng “ăn thua đủ” (với người thân nhất) từng lời… và không ai chịu nhịn ai. Kết cuộc là: Nguyên nhân dù nhỏ, nhưng chỉ một chút háo thắng muốn hơn đó, lại dẫn đến hậu quả trọng đại, gieo tổn thương và đổ vỡ khó bù đắp… Anh chồng hí hửng mừng vì cái bánh dư thuộc về mình cũng giống hệt vẻ khoái trá của ta khi thắng được (quên béng đó là người thân yêu nhất), người mà có thể đã có lần ta từng nói là “thương họ hơn bản thân mình”. Song, phần thưởng mà ta có được trong cuộc đấu lý hơn thua đó, giá trị nó chẳng bao nhiêu, đôi lúc còn nhỏ hơn cái bánh nữa!