ĐỊNH NGHIỆP VÀ BẤT ĐỊNH NGHIỆP
(Thư Học Phật Số 79)
Btg Bảo Đăng

(Tiếp theo Thư Học Phật số 78)
…………………………….

Phải biết mỗi chúng sanh đều có NGHIỆP QUẢ riêng. Người tâm xấu ác phải mang nghiệp nặng. Người tâm lành, tốt sẽ mang nghiệp nhẹ. Người tốt ắt sẽ được quả báo tốt. Người ác, xấu, ắt sẽ bị quả báo ác xấu v.v… Cho nên, các việc thành, bại, siêu, đọa đều tùy thuộc vào cái TÂM và NGHIỆP LỰC của đương nhân dẫn đường hết cả.

Người có NGHIỆP LỰC quá nặng nề, thì dù cho có Phật đến đứng trước mặt giảng pháp, họ cũng không muốn nghe nữa. Hoặc là dùng phương tiện “tiếp dẫn” và “khai ngộ” cho họ được siêu thoát ra khỏi cái khổ, cái đọa, họ cũng không thèm, không muốn !Theo ý của câu dạy như sau:

Thiên đường hữu lộ, vô nhân đáo,
Địa ngục vô môn, hữu khách tầm.

(Nghĩa là: Thiên đàng tuy có đường, nhưng không ai muốn đi. Còn địa ngục không có cửa, mà người người lại muốn tìm kiếm để vào) !!

Trong Kinh có ghi lại chuyện nói về “ĐỊNH NGHIỆP” như sau :

Phật bảo cùng với Vua Ba Tư Nặc rằng:

“Ta nhớ hồi đời quá khứ từ vô thỉ kiếp, có một nước lớn tên là Bùi Phiến Xà. Có một người nữ tên là Đề Vi cũng là dòng giống Bà La Môn. Chồng chết nên ở góa, nhà rất giàu có mà lại không có con cái gì cả, cha mẹ lại chết sớm, nên sống côi cút, một mình quạnh hiu không có ai để mà nhờ cậy.”

Theo luật pháp của Bà La Môn : Nếu việc gì mà không được như ý, thì liền nghĩ ra sự thiêu thân tự vận.

Các Thầy Bà La Môn thấy biết hoàn cảnh như vậy, nên thường rủ nhau đến nhà Đề Vi mà giáo hóa rằng : “Các quả KHỔ đời nay là do bởi các NHÂN nghiệp đời trước của ngươi tạo.

Tại sao gọi là TỘI?‌

Nghĩa là, đời trước đã gây những tội : Không cung kính các Thầy Bà La Môn, không hiếu thuận cha mẹ, không trọn tình nghĩa với chồng, không tròn bổn phận đối với con cái, không có từ tâm với mọi người. Nên kiếp nầy côi quạnh chịu khổ. Ngươi nay nếu không tu phước, tạo công đức để cho hết tội, thì đời sau sẽ phải chịu thống khổ hơn kiếp nầy, khổ đến nỗi bị đọa vào địa ngục rồi, chừng đó có ăn năn cũng không kịp.

Bà Đề Vi hỏi rằng : Con phải làm những Phước, Đức gì để được hết Tội?‌

Các Thầy Bà La Môn dạy rằng : Muốn được hết tội, có 2 cách:

1. Người tội nhẹ thì cúng dường tứ sự cho chư Tăng, đem hết tài sản mà cúng dường, bố thí v.v…

2. Người tội nặng thì nên đến sông Hằng, chất củi tự thiêu. Các Thầy sẽ đến chú nguyện cho, thì tất cả tội nghiệp trong nhiều đời trước sẽ được tiêu trừ.

Bà Đề Vi liền ưng thuận chọn cách thứ 2, là sẽ tự thiêu. Bèn sai các kẻ tôi tớ trong nhà đem 10 cỗ xe vào trong núi đốn củi để làm lễ thiêu thân.

Bấy giờ trong nước có một vị Đạo Nhân tên là Bát Đề Bà (còn gọi là BIỆN TÀI) là người tu hành tinh tấn, trì giới, đạt được trí huệ, thông Phật lý… Ngài thường đem từ tâm giáo hóa chúng sanh, khiến ai ai cũng cải tà quy chánh, bỏ dữ làm lành. Ngài nghe đồn về chuyện bà Đề Vi muốn tự thiêu thân để được tiêu nghiệp tội, nên sanh lòng thương xót.

Ngài đi đến hỏi bà Đề Vi rằng:

Bà sắm củi lửa muốn làm gì vậy?‌

Bà Đề Vi đáp:

Con muốn tự thiêu thân để diệt hết nghiệp tội khổ.

Ngài Đạo Nhân nói rằng:

Tội nghiệp của đời trước là do cái TÂM, chứ không do cái THÂN. Nếu ngươi thiêu cái thân, thân xác của ngươi chịu khổ… thì làm sao được hết tội ‌

Luận ra thì sẽ biết, tất cả Họa, Phúc đều từ TÂM mà có. Hễ Tâm niệm thiện, thì được cái quả báo thiện, hễ tâm niệm ác thì chịu các quả báo ác. Tâm niệm khổ, vui, thì chịu các quả báo khổ, vui.

Ví như người chết đói, chết sẽ làm quỷ đói. Người sắp chết mà bị các khổ não, chết rồi sẽ chịu các quả báo khổ não. Người sắp chết có tâm hoan hỷ, chết rồi sẽ được các quả báo hoan hỷ. Người sắp chết tâm thần an ổn, chết rồi sẽ được quả bơu an ổn. Người sắp chết tâm thần được khoái lạc, chết rồi sẽ được quả báo khoái lạc.

Ngươi nay đang sống trong vòng khổ não, tự đốt thân khổ não, mà muốn được hết nghiệp tội, và mong được các quả báo lành ư. Thì thật là vô lý !

Thôi ! Đừng làm thì tốt hơn !

Ngài dạy tiếp rằng:

Như người bịnh khổ, trong khi bị khổ ép bức, nếu có người ác đến mắng nhiếc người bịnh, rồi lấy tay xách lỗ tai lên. Thì ngươi nghĩ sao ‌ Người bịnh lúc ấy, dù hiền lành cho thế mấy đi nữa, cũng không tránh khỏi tức giận chăng?‌

Đề Vi đáp:

Bịnh khổ kia lúc chưa thấy ai, còn ôm lòng buồn rầu, huống chi còn bị xách lỗ tai, mà lòng không khởi niệm giận tức ư ?!

Đạo Nhân dạy tiếp rằng:

Ngươi nay cũng như vậy. Vì tội nghiệp đời trước nên nay phải chịu khổ, quạnh hiu… thường ôm lòng lo buồn, ảo não, lại muốn hủy thân để lìa khỏi sự buồn khổ, đâu có thể được ư?‌

Ví như người đang bịnh khổ, lại còn bị người mắng nhiếc thì càng thêm khổ não, trăm ngàn vạn tội. Huống chi là còn tự thiêu thân, khi lửa bốc cháy, thân thể bị sức nóng của lửa đốt cháy sẽ đau đớn, khổ não đến bực nào, thân xác đã bị cháy tiêu… Trong khi hơi thở chưa dứt, Tâm chưa hư hoại, đương khi thân, tâm đang bị đốt đó, thần thức chưa lìa, sự khổ càng gia tăng… Trong lúc thần thức đang bị khổ não liền thác sanh vào địa ngục, phải chịu tiếp các cảnh khổ trong đó gấp trăm ngàn vạn lần. Chừng đó, muốn thoát khổ, muốn ra khỏi địa ngục cũng không thể nào được. Huống chi là ngươi muốn hủy thân, muốn thiêu thân để cầu cho HẾT KHỔ ư ‌!!

Bà Đề Vi sau khi nghe được những lời giáo hóa đó, tâm ý được mở tỏ liền đổi ý nguyện hết muốn hủy thân, bèn hỏi Ngài Đạo Nhân rằng:

Vậy con phải làm phương cách nào để hết tội?‌

Ngài Đạo Nhân đáp rằng:

TÂM trước tạo ác, ví như đám mây đen che phủ mặt trăng. TÂM sau khởi thiện, bỏ hẳn việc ác, thì cũng như cây đuốc sáng, sẽ làm tiêu hết bóng tối. Ngươi nay thật tâm có ý muốn cầu cho hết tội, thì sẽ có phương cách để trừ tội nghiệp.

Ngài lại dạy tiếp:

Nguyên do tạo tội nghiệp là đều ở nơi “Thân, Khẩu, Ý” hết cả.

THÂN có 3 nghiệp không lành là: Sát, Đạo, Dâm (sát sanh, trộm cắp, tà dâm)

KHẨU có 4 nghiệp không lành là: Nói láo, nói hung ác, nói thêu dệt, nói 2 chiều.

Ý có 3 nghiệp không lành là: Tham, Sân, Si.

Người mà có những nghiệp ác ở trên, thì phải chịu những quả báo ác.

Nay ngươi phải nhất tâm thành thật mà SÁM HỐI. Dù cho đời nay có những tội như vậy, nếu thành tâm lễ lạy SÁM HỐI mỗi ngày, đem của cải, tiền bạc ra mà bố thí, đem chánh pháp ra dẫn dắt, giáo hóa người tu hành, thì sẽ diệt được tất cả tội trong quá khứ, lẫn hiện tại.

Sau khi nghe lời Ngài Đạo Nhân chỉ dạy, bà quy y Tam bảo, và đem pháp Thập Thiện ra lần lựa cùng nhau đi giáo hóa, giúp người có phương tiện để tu học… trải qua rất nhiều ngày tháng năm.

Bấy giờ ở trong nước bỗng gặp gạo mắc, nhân dân đói khát, khổ sở. Khi đó có 5 vị Tỳ Kheo (Thầy tu Phật giáo), lười biếng, giải đãi, không chịu học hỏi giáo lý, Kinh luận chi cả, lại không chuyên tu, không trì giới, không tinh tấn. Vì thế nên người đời khinh dể, không cúng dường, nghèo cùng khốn khổ, không có kế gì sinh sống được.

Năm người (giả tu) ấy mới bàn luận với nhau rằng:

Luận về người ta mưu sống, thì tùy thời mà thay hình đổi dạng, mạng người rất quý trọng, không lẽ chúng ta chịu chết hay sao?‌

Đoạn mỗi người đều cố gắng đi xin, sắm được tọa cụ (vải lót ngồi), giường dây (để nằm theo luật người tu), tìm chỗ đồng trống quét dọn sạch sẽ, rải hoa treo tràng phan rực rỡ, rồi y theo thứ lớp mà ngồi.

Ngoài thân thì giả bộ như là “Thiền tướng” (làm bộ ra người chân tu). Còn trong tâm thì dẫy đầy tà trược.

Người đời mới trông thấy thì tưởng là “Thánh tăng”, đem đến cúng dường trăm thứ đồ ăn uống. Thế là 5 người đó no đủ, có dư.

Bấy giờ có bà Đề Vi là thiện nữ nhân, nghe biết việc ấy liền sai người dò hỏi. Người đi dọ tin rồi về thưa rằng :

Có 5 vị Thánh tăng đang riêng ngồi trong núi, người ta xúm lại hầu hạ như hầu hạ 5 vị Thiên thần.

Bà Đề Vi nghe rồi, trong tâm hoan hỷ, tự vui mừng rằng:

NGUYỆN của ta đã thoả mãn rồi vậy !

Đoạn sai người sắm sửa hương hoa, kỹ nhạc và trăm thứ thức ăn đi đến chỗ 5 Thầy Tỳ Kheo (giả tu).

Sau khi thiết đãi ăn uống, cúng dường xong, bà Đề Vi và quyến thuộc chắp tay cung kính thưa với 5 Thầy Tỳ Kheo giả tu ấy rằng:

Đức Thầy rất lớn, bực vô thượng phước điền của chúng sanh nhờ cậy, không dám tự khinh. Theo ngu ý của kẻ đệ tử nầy, muốn thỉnh 5 Ngài quang lâm đến bần xá (nhà nghèo), để tỏ chút lòng thành. Cúi xin thương xót, giúp đỡ quần sanh. Chỗ ở của đệ tử cũng có vườn cây thanh tịnh, suối trong, ao tắm, đẹp đẽ trong sáng.

Bà Đề Vi và quyến thuộc cúi đầu, đôi ba phen mời thỉnh, khi đó 5 Thầy Tỳ Kheo giả biết bà có lòng chí thành mới hứa chịu đó.

Bấy giờ bà Đề Vi hoan hỷ trở về nhà, sai người chưng dọn xe báu, đến rước 5 Thầy Tỳ Kheo (giả tu) kia về nhà để cúng dường.

Nơi ở của bà Đề Vi có vườn cây tốt đẹp cách nhà không bao xa, miếng vườn kia vuông vức được 10 mẫu, trong đó có suối trong, ao tắm, hoa thơm, quả lạ, lại có những thứ chim rất đẹp như là chim Giao tịnh, chim Oan ương….

Ở trong vườn dựng lập phòng nhà, xây đắp bằng 7 báu. Trong phòng nhà kia sắm đủ giường nằm, chiếu nệm, và các tọa cụ tốt đẹp, thơm sạch bậc nhất, rồi mời 5 Thầy Tỳ Kheo về ở trong đó.

Nữ nhân Đề Vi trọn đời cung cấp phụng sự, mùa nào thức ăn nấy, đồ ăn uống, thuốc thang đầy đủ, đất đai 10 mẫu, phòng nhà đầy đủ, giường nằm, chiếu nệm thơm sạch bậc nhất. Hết lòng cúng dường, hầu hạ không sái ngày giờ.

Khi ấy 5 Thầy Tỳ Kheo đã được chủ nhân ân hậu cúng dường, an ổn sung sướng mà tự nghĩ rằng:

Có gì yên ổn cho bằng. Luận như người sanh ra ở trên đời phải dùng đủ thứ mưu kế, phương cách để tìm kiếm tiền của, để giúp qua cơn nghèo ngặt, tuy được như ý nhưng cũng không bằng bọn chúng ta, chẳng đã chẳng nhọc thân mà lại được hưởng phước lộc. Đó không phải là nhờ sức trí huệ đó hay sao ‌!

Năm Thầy Tỳ Kheo kia xét thấy chủ nhân hết lòng trọng đãi, mới cùng nhau bàn rằng:

Tuy được chủ nhân tùy nghi cúng dường mỗi ngày giàu to, nhưng tính đến những năm nghèo như cái năm đói rét, thì không có thể giúp cho mình được giàu sang, vui sướng. Vậy bọn ta phải ra phương tiện để tìm kiếm tiền của, dành dụm cho thời sau mà hưởng cái sự vui ngũ dục.

Bàn như thế rồi, liền cùng nhau thay đổi, sai một người đi dạo trong các hàng xóm, rao nói rằng:

Bốn Thầy Tỳ Kheo kia, yên ở chỗ vắng lặng giữ gìn giới cấm, dứt hẳn rượu thịt, không ăn hành tỏi, đáng bậc phạm hạnh, tu thiền chỉ quán, chứng nghiệp vô lậu, tu hành không bao lâu sẽ thành quả A LA HÁN, thật là bậc vô thượng phước điền trong thiên hạ.

Những người Phật tử sau khi biết, đua nhau xúm lại mang đến đủ thứ tiền tài, ẩm thực, cúng dường như thế nhiều năm.

Còn nữ nhân Đề Vi vẫn một lòng kính tin, cứ tùy nghi hoan hỷ cúng dường không biết chán. Sau khi mãn kiếp trọn đời được sanh lên cõi Trời HÓA LẠC.

Còn 5 ông Thầy giả tu kia, chuyên làm việc xảo ngụy, vì có tâm tà trược, nên khi phước hết mạng chung, thác sanh vào địa ngục 8000 ức kiếp chịu các quả báo rất khổ. Tội địa ngục hết rồi phải chịu các thân Ngạ quỷ ly mỵ, vọng lượng (loài Ma da dưới nước). Tội Ngạ quỷ hết rồi, lại chịu các thân lục súc (như trâu, bò, chó, ngựa) để đền trả sự cúng dường trước cho chủ nhân.

Nhân duyên ngiệp báo, hoặc phảo làm thân lạc đà, lừa, trâu, ngựa, voi, tùy theo chủ nhân sai khiến, chỗ thọ phước gì thì thường đem sức mạnh để đền trả “NỢ” cho chủ nhân.

Lần lựa như thế cũng trả nợ 8000 đời. Tội súc sanh hết rồi.

Tuy là:

Đặng thân người, nhưng : Các căn ám độn, Nam cũng không phải Nam, Nữ cũng không phải Nữ, gọi là Thạch Nữ. Từ đây trở về sau cũng trải qua 8000 năm, thường phải đem sức lực đi làm tôi mọi để đền trả cho chủ nhân, đến nay cũng chưa hết.

PHẬT bảo cùng với vua Ba Tư Nặc rằng:

– Đề Vi khi đó là hoàng hậu đây vậy.

– Ông Biện Tài Đạo Nhân thiện tri thức ngày xưa, nay là Mục Kiền Liên.

– Còn 5 Thầy Tỳ Kheo giả tu kia, tức là 5 người bọn Phiến Đề La theo hầu hạ, khiêng kiệu cho bà hoàng hậu hôm nay đây.

Vua Ba Tư Nặc bạch PHẬT:

Theo như lời của PHẬT nói, thì có cả thảy 5 người, mà nay đây chỉ có 4 người thôi. Còn một người nữa ở chỗ nào ‌

PHẬT bảo vua rằng:

Còn một người nữa, người ấy ở trong cung, quét dọn cầu xí, tức là người đổ phẩn đó vậy.

hoàng hậu (tức là bà Mạt Lợi phu nhân) nghe PHẬT nói rồi, rùng mình, rởn gáy, ôm lòng kinh sợ, liền đứng dậy làm lễ PHẬT, đứng chắp tay mà bạch cùng với PHẬT rằng :

Bạch đức Thế Tôn, cứ như lời của PHẬT nói, té ra bọn Phiến Đề La là nhân duyên Thầy của con đời trước, lòng con nay thiệt rất là lo sợ là phạm phải tội nghịch. Sở dĩ như thế là sao?‌

Vì luận là người bậc Thầy, thì phải cung kính, đầu đội, lễ bái mới phải lẽ vậy, mà nay trở ngược lại sai khiêng kiệu, đổ phân, không khác gì trâu ngựa. Do nhân duyên đó, nên lòng con rất lấy làm lo sợ.

Cúi xin PHẬT xót thương, dạy cho con phép SÁM HỐI.

PHẬT bảo hoàng hậu rằng:

Bởi hoàng hậu là người có phước đức, vốn không có tội lỗi. Cớ sao lại nghi sợ ‌ Bởi chúng sanh tánh hạnh khác, nghiệp quả lại không giống nhau.

Hễ:

– Làm lành thì hưởng phước.

– Làm ác phải thọ tai ương.

hoàng hậu đời trước, nhất tâm thanh tịnh, chăm ưa làm việc phước, do nhân duyên phước đức như thế, nên bao nhiêu đời trước sanh ra thường gặp Minh Sư, tin thọ lời giáo huấn. Gặp lành làm lành, gặp phước thì làm phước cho đến ngày nay, hưởng phước tự nhiên, gặp PHẬT ra đời là nhờ vì phước, đức, nhân duyên của ngày trước. Lại : Nghe được chánh pháp, như thuyết mà tu hành.

Do các nhân duyên đó nên : KHÔNG CÓ TỘI LỖI CHI HẾT.

Còn nhân duyên của 5 người trong bọn Phiến Đề La, là do thuở trước gian hùng, dối trá, gạt người, nịnh hót không có chút từ tâm, không có tu tập mà hưởng của người cúng dường.

nhân duyên tội nghiệp nên phải chịu đến để đền trả nợ nần đời trước.

hoàng hậu bạch PHẬT rằng:

Thưa đức Thế Tôn, nay con nghe PHẬT nói nhân duyên, bổn nghiệp, đệ tử hết nghi không còn lo sợ nữa. Nhưng không biết nhân duyên tội nghiệp của bọn Phiến Đề La kia, chừng nào mới hết. đệ tử nay muốn tha thứ cho họ, tùy ý muốn đi đâu thì đi. Cúi xin đức Thế Tôn thuyết pháp khai hóa, khiến cho tâm của bọn ấy hiểu đạo, cải ác, tu thiện, để mau được khỏi khổ.

PHẬT bảo hoàng hậu:

Nếu muốn TA khai hóa cho bọn ấy, thì phải kêu người đổ phẩn trong cung lại đây luôn.

hoàng hậu tức thời sai sứ đi kêu bọn Phiến Đề La lại hết. Sứ giả vâng mạng, trong giây phút kêu bắt đem đến hết. Bọn Phiến Đề La 5 người cả thảy nhóm lại đứng ở trước PHẬT.

Đức Thế Tôn đại từ, trước dùng lời lành, an ủi sự mệt nhọc của chúng mà nói rằng:

“Chúng ngươi các con thân thể có được mạnh khỏe, an ổn, vui sướng và không có khổ não chăng”?‌

Năm người ấy nổi giận, nói rằng:

PHẬT không biết thời. Tại sao?‌ Vì ngày đêm cần khổ, bị đánh đập sai khiến làm khổ, không có lúc được nghỉ ngơi, có vui sướng gì đâu. PHẬT há không biết các sự khổ như vậy hay sao, mà trở lại hỏi: Các ngươi có vui sướng gì chăng ‌!!

PHẬT bảo 5 người rằng:

– Các sự khổ não đời nay, đều là do đời trước gian dối, nịnh hót, đem tâm bất thiện hưởng của người cúng dường, tội nghiệp nhân duyên lần lựa sanh ra nhân duyên tội báo, đền trả cho đến đời nay vẫn còn chưa hết.

– Nếu muốn cầu cho khỏi quả báo ác, thì nay phải hết lòng và chí thành “SÁM HỐI”, cải ác làm lành, nhân duyên từ đây mới được khỏi tội.

Bọn Phiến Đề La nghe PHẬT nói rồi, nổi giận tưng bừng, liền quay lưng trước mặt đức Thế Tôn, không muốn nghe nữa. PHẬT liền dùng thần lực hiện ra một hóa PHẬT khác, đứng ở trước mặt bọn ấy rồi dùng phương tiện bày vẽ, khuyên bảo họ SÁM HỐI, nhưng bọn nhất định không nghe. Bọn họ quay về hướng Đông, cũng có hóa PHẬT đứng ở trước mặt. Họ xay về hướng Tây, cũng có hóa PHẬT. Cho đến xay đủ 4 phương, ngước mặt lên, cúi mặt xuống đất cũng đều có hoá PHẬT đứng ở trước mặt khuyên nhủ dạy bảo. Bọn họ thấy PHẬT xung quanh, thức thời 5 người cùng la to nói lớn rằng:

“Bọn chúng tôi là người tội tệ ác. PHẬT nay vì sao, thấy chúng tôi KHỔ mà còn dằn ép thêm nữa chứ”.

Bấy giờ Thế Tôn liền thâu nhiếp hóa PHẬT lại thành một PHẬT. Ngài mới kêu tất cả đại chúng, vua, hoàng hậu và các Tỳ Kheo lại mà nói rằng :

Các ngươi có thấy bọn Phiến Đề La ấy chăng?‌

Tức thời ai cũng thưa rằng: Dạ thấy.

PHẬT bảo:

Các ngươi phải biết chúng sanh “tội nghiệp” có 2 món chướng

Thế nào là 2 món chướng ‌

1. Là Nghiệp chướng,

2. Là Phiền não chướng.

– Người tội nhẹ thì có “Phiền não” chướng.

– Người tội nặng thì có “nghiệp chướng”.

Bọn Phiến Đề La đây có đủ cả 2 chướng. Vì tội “chướng” quá nặng nề, nên bị “chướng” che, không được nghe lời giáo hóa của PHẬT. TA cũng không biết làm sao được.

hoàng hậu thấy chúng không chịu nghe lời của PHẬT, nên thương cảm nói với 5 người nầy rằng:

Các ngươi đã rõ “nhân duyên” rồi, thôi thì tùy ý đi đâu cũng được.

Bọn 5 người quỳ xuống khóc lóc thưa rằng:

Muôn tâu lịnh Bà, 5 người chúng tôi phụng sự, hầu hạ lịnh Bà, không ngờ có làm nên lỗi gì mà bị đuổi bỏ. Nếu có sự chi không vừa ý, cúi xin Bà rộng lòng tha thức, để cho chúng con hầu hạ như trước.

hoàng hậu từ chối đôi ba lần không được, họ không muốn đi đâu hết.

hoàng hậu bạch PHẬT:

Bạch đức Thế Tôn, đệ tử thật tình dung thứ cho bọn họ, mà chúng nhất định không chịu đi đâu hết, sẽ tính làm sao đây ?‌

PHẬT bảo hoàng hậu rằng:

Bọn nầy đền trả nợ đời trước chưa hết, nhân duyên bó buộc, nên đi không được. Chẳng cần làm sao, cứ tùy thuận theo ý họ, để họ phụng sự như trước, đến chừng nhân duyên đền trả hết rồi, thì tự được giải thoát.

PHẬT bảo với vua và đại chúng rằng:

Nầy đại vương, thí dụ luận người hay tu “phước”, lại khiêm nhường, giữ một lòng thanh tịnh… (không giao động trước mọi hoàn cảnh (buồn, vui, sướng, khổ v.v…)) thì được “công đức” không thể lường. Dù lửa (sân) cũng không thể đốt được, dù nước (ngũ dục) cũng không thể cuốn trôi. Dù cho trộm cắp, giặc cướp cũng không thể cướp đoạt được, dù cho sức mạnh của vua cũng không thể lay động được.

PHẬT dạy tiếp:

Người đem TÂM làm ác, tham của hiện tiền, như bọn Phiến Đề La trải qua nhiều đời chịu khổ, đến nay chưa dứt. Dù có gặp PHẬT ra đời, dù được nghe những lời giáo hóa, cũng như gió thổi ngoài tai.

Vì sức NGHIỆP TỘI quá mạnh, nên trở lại sanh lòng oán ghét, ngu si, tâm trí mờ mờ, mịt mịt biết đến bao giờ mới ra khỏi.

Phải biết, hễ có TÂM lành mà phải chịu lãnh quả ÁC, việc đó không thể có !…

Qua câu chuyện trên, Phật đã dạy cho chúng sanh chúng ta thấy rằng:

– Phàm làm việc gì, phải nghĩ đến cái hậu quả của nó trước.

– NGHIỆP LỰC dẫn đường cho tất cả họa phước, siêu đọa của chúng sanh.

– Còn như cái NGHIỆP “ĐỊNH” hoặc “BẤT-ĐỊNH”, đều tùy thuận vào cái TÂM có tha thiết muốn chuyển hay không. Người tu hành cần phải biết rằng

Dù cho mỗi ngày có sám hối, lạy đủ 12 danh hiệu Phật cho đến 1000 danh hiệu Phật đi chăng nữa, mà :

– TRẦN TÂM VỌNG ĐỘNG VẪN CÒN Y NGUYÊN (như cũ).

(tức là miệng trì danh hiệu Phật, thân lễ Phật nhưng TÂM vẫn mải mê chạy theo 2 đường danh lợi)

– KHÔNG THẬT LÒNG CHỊU DỨT TRỪ NHỮNG LỖI CỦA MÌNH.

– CHẠY THEO GIẢ CẢNH (ngũ dục, lục trần…) HOÀI KHÔNG NGỪNG.

Thì:

– LÀM SAO MÀ TỊNH TÂM (để mà sám hối) CHO ĐƯỢC ‌

Mà mong:

– NGHIỆP CHƯỚNG ĐƯỢC TIÊU TRỪ ‌

Lại nữa, cũng cần phải nghĩ thêm rằng:

Ta từ vô thỉ kiếp đến nay, đã từng gây tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp, giả sử nếu như những “nghiệp tội” ấy mà có hình tướng thì khắp cả 10 phương hư không cũng chẳng thể nào dung chứa cho hết được ! Duyên nay may mắn, sanh làm thân “người”, lại còn được thêm nghe và học hiểu Phật Pháp, thật là một điều hy hữu không thể nghĩ bàn !!!

Sách có câu:

Nhân thân nan đắc,
Phật Pháp nan phùng.
Bá kiếp thiên sanh,
Vị tằng nhứt ngộ.

Nghĩa là:

Thân người khó được,
Phật Pháp khó gặp.
Trăm kiếp ngàn đời,
Chỉ có một lần!

Cho nên, trong kiếp nầy may mắn được mang thân người (giàu sang, trẻ đẹp, thông minh) mà không biết phát tâm tu hành (lễ Phật, niệm Phật, sám hối) chi cả, thì khi hơi thở tan rồi, nghiệp ác quá khứ vẫn chưa trả, chưa giải trừ được hết, thì nó sẽ còn theo sát đời đời, kiếp kiếp không bao giờ mất.

Nếu biết nghiệp của mình nhẹ, kiếp nầy cũng không làm điều gì xấu ác, thì mừng và phải nỗ lực tu nhiều hơn lên, siêng năng Trì Chú, niệm Phật cầu sanh Cực Lạc để mau thoát khỏi sanh tử !

Còn như biết mình nghiệp nhẹ, phước lớn (giàu sang) mà không chịu tu hành chi cả, thì thử hỏi kiếp sau sẽ còn đủ phước để xài nữa hay không. Vì tất cả phước lộc mà hiện đang có, đang xài (tho thích) là phước “thừa” (còn sót lại) từ trong quá khứ.

Nếu kiếp nầy kiêu ngạo, phách lối, mục hạ vô nhơn, phỉ báng người, tiêu xài phung phí không đúng chỗ, lại suốt cuộc đời nầy không gieo nhân lành, không bố thí, không tu hành chi cả… thử hỏi kiếp sau sẽ còn phước để tiêu xài tiếp nữa hay không ‌

Vì kiếp nầy tiêu xài là tiền của kiếp trước.

Kiếp sau sẽ không còn tiền (để dành) của kiếp trước nữa, và kiếp nầy lại không có gieo trồng phước đức chi cả, thì có đâu để xài ở kiếp sau chứ ‌

Trong Kinh Phật có dạy:

– Kiếp thứ nhất có tu hành, bố thí, bòn phước (để dành).

– Kiếp thứ hai sẽ giàu sang (vì nhờ phước của kiếp thứ nhất), nhưng vì giàu sang không còn chịu tu nữa, tạo nghiệp, không chịu bòn phước (để dành) nữa. Thì

– Kiếp thứ ba sẽ nghèo khổ, lại còn tạo thêm nhiều “nghiệp ác” mới, kiếp sau khó mà thoát khỏi cảnh bị đọa lạc trong 3 ác đạo (địa ngục, Ngạ quỷ, súc sanh).

Phật dạy đây là Tam Thế Oán.

Chừng ấy, phải chịu những sự khổ đau cùng cực, như là:

1. Bị nấu nơi vạc dầu sôi, thiêu đốt trong lò lửa lớn, hoặc lên non đao, rừng kiếm, thân thể nát tan… không biết lúc nào mới ra khỏi địa ngục !

2. Giả sử như nếu được ra khỏi địa ngục rồi, thì vẫn còn “dư nghiệp” (là nghiệp sót thừa lại) ắt phải bị đọa vào vòng “Ngạ quỷ” : Miệng to, bụng lớn mà cổ họng lại nhỏ như cây kim, vì thế cho nên chịu biết bao nhiêu là đói khát trong ngàn muôn kiếp (đói đến nỗi miệng phun ra khói, lửa), và không được nghe đến tên thức ăn, nước uống. Vì thế mà chẳng bao giờ được no lòng, mát cổ.

3. Hết kiếp Ngạ quỷ rồi, liền đọa vào trong loài “súc sanh”, nặng thì bị giết thịt, nhẹ thì làm vật cho người xử dụng, như cỡi, chở nặng nề, lại còn thêm bị hành hạ, đánh đập, chẳng chút nương tay !

4. Đến khi mãn nghiệp “súc sanh”, được mang thân NGƯỜI thì bị các căn ám độn, tâm ý ngu si, hoặc thân thể tàn khuyết, cùi hủi, lở lói… không ai thèm muốn thấy nhìn, huống hồ chi còn nói đến việc “gặp được Phật Pháp” để mà tu niệm ư .

Do đó cho nên : Trọn đời chẳng (được bậc thiện-hữu nào chỉ dạy cho) biết làm việc lành, trái lại hằng luôn gây tạo ra nhiều ác nghiệp !

Rồi: Chẳng mấy chốc lại bị đọa nữa !!

Nghiệp cũ trả chưa xong, nghiệp mới lại chất chồng… Như thế cứ mãi bị luân chuyển trong 6 nẻo luân hồi, trải qua kiếp số nhiều như cát bụi, biết bao giờ mới ra khỏi được ‌

Cho nên, ta đừng nên ham “Tu Phước”, mà phải biết “Phước Huệ song tu”. Nghĩa là, là người Phật tử chân chánh học Phật, nếu đã có học ít nhiều Phật lý rồi, phải cẩn thận suy xét trước khi làm bất cứ sự việc gì. Tất cả các bậc tu hành, trên từ “Thượng Thánh”, dưới đến “hạ phàm”, đều phải nằm ở trong vòng nhân quả cả.

Có mấy ai biết, chịu tin, chịu tu hành, chịu sám hối ‌

Cho nên:

– Phàm làm việc gì, phải suy xét đến cái “hậu quả” của  trước.

– Phải xem xét những việc mình sắp sửa làm đó có phạm vào trong lý nhân quả xấu ác hay không, để tránh việc : Trả quả báo xấu ác về sau.

Và khỏi phải : Hờn duyên trách phận.

Hoặc: Oán trời, trách người.

Khi quả báo đến với mình về sau.

Cho nên trong Kinh dạy: Trong đời có hai loại người anh dũng, hiếm có khó gặp. Đó là:

– Một người không bao giờ tạo TỘI.

Và:

– Một người đã (lỡ) tạo tội (rồi) mà biết thành tâm SÁM HỐI.

Phải biết rằng:

Những tội nghiệp đã qua, tuy là rất nặng nề, to lớn… Nhưng nếu biết HỐI (phải do tận nơi đáy lòng mà thành tâm phát lồ sám hối), rồi y theo các sự hiểu biết chân chánh đã có của mình (chánh kiến), mà quyết chí tu hành theo Mật Tịnh pháp môn, và làm những việc lợi mình, lợi người… thì tội nghiệp kia quyết định sẽ tiêu mòn, tâm tánh dần dần mở thông, tỏ sáng vậy. Còn nếu như không thật tâm ăn năn, chừa cải, thì dù có HỐI cho mấy cũng bằng thừa !

Người ngày nay đa phần không tin có luật nhân quả, vì thấy mình làm thiện mà vẫn cực khổ, nghèo hèn, còn người làm ác sao vẫn giàu sang, sung sướng. Vậy là Nhân và Quả bất đồng rõ ràng rồi. Tâm và hành động đều khác nhau (tức là ngôn hành bất tương ưng), ngoài khác, trong khác, thành ra NGHIỆP QUẢ cũng sai khác luôn.

Đây không phải không có nhân quả, chỉ là duyên nghiệp chưa tới.

Tổ Quy Sơn có lời dạy rằng:

Giả sử bá thiên kiếp,
Sở tác nghiệp bất vong.
nhân duyên hội ngộ thời,
quả báo hoàn tự thọ.

Nghĩa là:

Dầu cho trăm ngàn kiếp,
Nghiệp gây tạo vẫn còn.
Khi nhân duyên đầy đủ,
Báo ứng đến không sai.

Cho nên, phàm là người Phật tử thì trong bước đầu tiên phát khởi đức tin tu học theo Phật Pháp. Trước hết cần phải biết về luân hồi, nhân quả không phải là một điều thấp nhỏ. Từ xưa đến nay, các bậc giải thoát trong hàng Tứ Thánh từ khi mới bắt đầu phát tâm tu học cho đến lúc đạt được đạo quả Niết Bàn, thành bậc Chánh Giác, đâu có ai ra ngoài vòng nhân quả bao giờ !

Vì thế mà : Bồ Tát thì sợ NHÂN, nhưng chúng sanh chỉ sợ QUẢ là như vậy.

Bồ Tát vì sợ Nhân, cho nên không dám gieo Nhân (ác). Còn chúng sanh không sợ Nhân (ác), nên gieo Nhân (ác) thả cửa. Khi cái Quả (ác) tới rồi, thì lại oán trách Phật, Trời, Bồ Tát sao không từ bi cứu độ.

Y cứu bất tử bệnh,
Phật hóa hữu duyên nhân.

(Nghĩa là, thuốc chỉ cứu được người chưa chết, cũng như Pháp của Phật chỉ cứu được người chưa mất thân “huệ mạng” (Phật tánh). Và Phật chỉ hóa độ được người có duyên (với Phật) mà thôi).

Cũng như 5 người Phiến Đề La may mắn ra đời lúc Phật còn tại thế, lại được Phật đứng trước mặt thuyết pháp khai ngộ, và giúp giải NGHIỆP LỰC cho. Ấy vậy mà họ cũng không chịu nghe, không chịu giải (nghiệp), nhất định và sẵn sàng trả nghiệp quả.

Cho nên người có duyên lành trong Phật Pháp thật là hiếm hoi, đừng để lầm đường, lạc lối thì khó mà quay trở lại lắm. Phải cẩn thận !

Từ bây giờ trở đi, mãi cho đến tương lai cả trăm, ngàn năm sau, cả thế gian con “Người” ham ưa làm điều ác, sân si lẫy lừng, giết hại lẫn nhau. Tuy họ mang xác người nhưng TÂM, TÁNH, và TRÍ đa phần là của Quỷ và của Thú vật. Vì thế cả thế giới con người đều đảo điên hết.

Tuy thấy mang thân Người đẹp, trẻ, giàu sang, phú quý, ăn, uống, cười, nói, lại cũng sanh con, đẻ cái v.v… cũng sống y như con người, nhưng kỳ thật kiếm một NGƯỜI (mà có được cái tht Tâm tht tình, tht Tánh, tht Hnh ca mt con người) thì vô cùng khan hiếm. Nhất là kiếm được một người mà có được cái “Nhân tình”, có được “thánh đạo” thì lại càng khó gặp. Hiện nay đã là hiếm rồi, huống chi vài chục năm sau ư ‌!

Càng ngày tâm tánh con người càng tham lam, càng hung ác, vô tình, vô nghĩa, vô đạo, vô tâm và vô trí huệ, giết thân “huệ mạng” của người có căn lành, làm đảo lộn hết dương trần, khiến gây ra nhiều thiên tai, bão lụt, đao binh, khói lửa… không kể xiết, không còn người hoằng dương Phật Pháp nữa. Cho nên đạo Pháp và đạo đức con người ngày càng suy đồi một cách trầm trọng, khó thể nào cứu vãn được.

Những NGHIỆP LỰC (ác) của họ đã gây ra quá lớn, nên chiêu cảm cái quả ác đập trả lại họ.

Tự chúng sanh tạo tác ra, thì cũng “tự” chúng sanh trả nghiệp. chúng sanh gieo “Nhân” nào thì tự hái “Quả” đó ! Vì thế, bao nhiêu thiên tai, bão lụt, khói lửa, đói khổ, bệnh tật không thuốc trị (nan bệnh), sẽ xảy ra trong tương lai đều là từ nơi “Tâm ác, Tâm quỷ” của chúng sanh tạo ra cả.

Nếu tất cả chúng sanh đều làm việc lành, thì làm gì có quả ác kéo đến quá nặng nề như thế ‌

Thật sự Phật, Trời, Thần Thánh đâu có giáng xuống “thiên tai” để làm tổn hại cho chúng sanh bao giờ !

chúng sanh đã làm quá nhiều điều ác không biết nương tay, xong còn trở lại trách mắng Thần thánh sao để cho thiên tai xảy đến nặng như vậy ‌ Ôi, thiệt là tội lỗi biết bao! Tội đã nặng lại càng nặng thêm.

Tội nghiệp cho Ngọc Hoàng Thượng Đế trên cõi Trời, chư Thiên, chư Thần thánh và chư Phật, chư đại Bồ Tát xiết bao… vì phải cực nhọc ra công sức ngày đêm không phút giây nào ngừng nghỉ để cứu khổ cho những chúng sanh vô tội thoát khỏi nạn tai. Còn vô số chúng sanh “tàn ác” kia kết quả sẽ đưa họ vào đâu ‌

Thiệt đúng với câu:

MA ĐƯA LỐI, QUỶ DẪN ĐƯỜNG,
XÂM XÂM TÌM CHỐN ĐOẠN TRƯỜNG MÀ ĐI !

Cho nên bậc Thánh nhân vì sợ QUẢ (ác) nên không hề gieo NHÂN (ác), còn chúng sanh chúng ta không hề sợ QUẢ (ác), mà lại ham ưa gây tạo vô số nhân (ác) một cách thoả thích.

Tóm lại: Gieo nhân nào thì hái quả nấy.

Tất cả TỘI, PHƯỚC đều từ nơi TÂM (tạo). Thì phải từ nơi TÂM mà diệt.

Vậy muốn được tiêu trừ NGHIỆP CHƯỚNG, bắt buộc phải SÁM HỐI mỗi ngày.

TỘI tùng TÂM khởi, tùng TÂM SÁM.
TÂM NHƯỢC diệt, thời TỘI diệt vong.
TỘI vong TÂM (ác) diệt, lưỡng câu không,
THỊ tắc danh vi chân SÁM HỐI.

Tức là: Tất cả các tội nghiệp đều do từ nơi TÂM mà sanh khởi ra, lại cũng hoàn từ nơi TÂM mà diệt (sanh ra ở nơi nào diệt ngay ở nơi đó).

Nghĩa là, phải tự thân “phát lồ sám hối” một cách thành kính, tha thiết van xin, chứ không phải đi nhờ người nầy, kiếm người kia sám hối giùm, hoặc đến thiệt nhiều chùa đem nhiều tiền của ra nhờ nhiều Thầy, nhiều Ni giải nghiệp nạn giùm v.v… thì nhất định sẽ không bao giờ được. Vì trong thời buổi hiện nay, kẻ ác đông nhiều như kiến, bậc “chân tu” còn khó gặp, thì làm gì kiếm được “Thánh Tăng” (để giải nghiệp cho) ‌

Như trường hợp Thân Mẫu của Ngài Mục Kiền Liên, lúc sanh tiền phỉ báng Phật, mắng Tăng, không tin nhân quả, tham sân, tà ác, dối gạt mọi người, do đó mới thọ quả báo đọa trong Ngạ quỷ chịu nhiều đau đớn. Cuống họng nhỏ như cây kim, chỉ còn da bọc xương, cơm chưa kịp đưa vào miệng đã hóa thành lửa đỏ.

Mặc dù Ngài Mục Kiền Liên có đầy đủ thần thông (có thể lên Trời, xuống biển, dời núi v.v…), nhưng vẫn không cứu được Mẹ. Thật may mắn cho Bà lúc đó Phật còn tại thế, chư Tăng tu hành đều có đầy đủ giới hạnh thanh tịnh, đức độ rộng sâu như biển, bất khả tư nghì. Nếu ai may mắn cúng dường lên các bậc chân Tăng, hiền Thánh trong ngày Tự Tứ, thì nghiệp quả của cha mẹ hiện đời, hoặc quá cố và lục thân quyến thuộc nhất định ra khỏi 3 ác đạo, tội diệt phước sanh, mọi việc an lành, liền được giải thoát.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời kỳ “Đấu Tranh kiên cố”, biết tìm kiếm nơi nào có những bậc Chân Tăng, hiền Thánh để giải nghiệp nạn cho ta ?‌ Thôi thì, Nghiệp của ai thì người đó tự sám hối, tự tu để giải nghiệp cho bản thân vậy.

Nên có câu rằng:

Ai ăn nấy no,
Ai tu nấy chứng.
Phước ai nấy hưởng,
Tội ai nấy mang.
Ai có Nghiệp nặng,
Thì tự sám hối.

Vì thế chư Bồ Tát, Tổ Sư mới nói rằng: TÂM đã hay tạo nghiệp được,

Thì: TÂM cũng hay chuyển nghiệp được, chính là như vậy.

Chỉ cần nhất tâmTRÌ MỘT CÂU CHÚ (ĐẠI BI) CŨNG SẼ ĐẠT ĐƯỢC TRÍ LỰC, VÀ thần lực, CÔNG NĂNG (giải nghiệp, tiêu nghiệp, phước sanh) CỦA NÓ KHÔNG THỂ nghĩ bàn ĐƯỢC. Huống chi còn kiêm thêm niệm Phật, sám hối, bố thí, cúng dường và làm tất cả điều lành, Tâm buông bỏ tất cả điều ác. Thì nguyện nào mà không thành tựu !

Diệu pháp của Phật thật là mầu nhiệm không thể nghĩ bàn.

BẢO ĐĂNG luôn thành tâm khấn nguyện và cầu mong cho tất cả các Phật tử, Bổn Đạo xa, gần được vào trong cảnh : TÂM mình sẽ chuyển được NGHIỆP.

Và: quả báo tuy định mà sớm thành ra BẤT ĐỊNH.

Nguyện xin chư Phật, Bồ Tát từ bi gia hộ cho tất cả các người con PHẬT (Phật tử), luôn được MINH TÂM, KIẾN TÁNH, LẬP TÂM (Bồ Đề) kiên cố… dù cho đứng trước mọi hoàn cảnh nào cũng không bao giờ ĐỔI TÂMTHỐI CHÍ, hay khởi lên một NIỆM nào BẤT CHÁNH đối với TAM BẢO…. mà bỏ đi đường TU của mình đã dầy công tu tập từ bấy lâu nay… hầu khỏi bị LẠC vào MA ĐẠO và NGHIỆP LỰC.

Mà phải bị: VĨNH VIỄN CHỊU luân hồi TRONG SÁU NẺO.

Muốn khỏi bị lạc vào vòng NGHIỆP LỰC và MA ĐẠO phải làm sao?‌

Cần phải: Trì Chú ĐẠI BI và NIỆM PHẬT cho thật chuyên cần, giữ TÂM cho thật “trong sáng”, thì sẽ đạt được NHẤT TÂM, mới giải được NGHIỆP LỰC.

Mong mỏi lắm vậy thay !

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT