SỐ 208
CHÚNG KINH TUYỂN TẠP THÍ DỤ
Sưu tập: Tỳ-kheo Đạo Lược.
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập.

 

QUYỂN 1

1- Người có trí suy nghĩ: “Tiền tài vật chất không thể tồn tại lâu dài.” Ví như ngôi nhà đang bị lửa cháy, người thông tuệ sáng suốt biết được sức mạnh của lửa, khi lửa mới cháy, đem gấp tiền tài, vật chất ra ngoài. Nhà tuy bị cháy mà tiền tài vật chất còn nguyên vẹn. Sau đó tạo nhà cửa, mở rộng sự nghiệp tốt đẹp trở lại.

Người trí gieo trồng phước đức, siêng tu bố thí cũng thường làm như vậy. Biết thân này là nguy ách; tiền tài, vật chất là vô thường; gặp được ruộng phước kịp thời gieo giống bố thí, đời sau được an vui.

Cũng như người kia lấy vật của trong nhà lửa ra, sau sửa lại nhà, tạo sự nghiệp, nhờ phước lợi đó mà tự an ủi.

Người ngu mê chỉ biết tham tiếc, ham hố kinh doanh tìm cầu rối loạn, mất trí, nên không lường được thế lực của lửa, sức mạnh của gió đốt phá đất đá tiêu tan, chỉ trong khoảng khắc tiêu ma hết sạch. Nhà cửa đã không cứu được, tiền tài vật chất cũng tiêu mất luôn, lạnh lẻo, đói khác, khổ đau suốt đời. Người tham tiếc cũng lại như vậy. Không biết thân mạng vô thường, mau chóng, không thể bền chắc, lại thêm thu góp, cất giấu tiền của, giữ gìn, mến tiếc, chết đến không hẹn, thoắt vậy buông tay ra là đi không trở lại, thân hình lạnh như đất, cứng đơ như khúc cây khô, tiền tài vật chất đều buông bỏ cả. Cũng như người ngu buồn khổ quá, quên cả sự tính toán lo liệu.

Người sáng suốt có trí tuệ có khả năng mau giác ngộ biết thân là như huyễn, tiền tài không thể giữ gìn, vạn vật đều trở về vô thường, chỉ có phước đức là nơi đáng nương tựa, nó có thể đưa người ra khỏi khổ đau và cũng có thể đưa người đến thành tựu đạo quả.


2- Bồ-tát bố thí không tiếc thân mạng. Cũng ví như chuyện:

Vua Thi-tỳ dùng thân bố thí để cứu mạng chim bồ câu. Trời Đế Thích đến thử để biết vua có tâm trí Bồ-tát hay không.

Trời Đế Thích mới nói với trời Tỳ-thủ-yết-ma:

–Ngươi hãy hóa làm thân chim bồ câu, ta sẽ hóa làm chim cắt, rượt ngươi, ngươi sợ hãi sà vào nấp dưới nách nhà vua. Liền khi ấy Tỳ-thủ biến thành chim bồ câu, Đế Thích hóa làm thân chim cắt, bay nhanh rượt bắt chim bồ câu, bồ câu bay vào ẩn nấp dưới nách vua, toàn thân run sợ. Khi ấy chim cắt bay đến đậu trên cây, nói với đức vua:

–Ngài hãy trả chim bồ câu lại cho tôi. Đó là món ăn của tôi, chẳng phải của ngài.

Vua nói:

–Ta đã phát tâm muốn cứu tất cả chúng sinh, mong họ hết khổ.

Chim cắt nói:

–Đức vua muốn cứu độ tất cả chúng sinh, tôi cũng là một trong số chúng sinh ấy, tại sao riêng tôi không được thương lo, mà còn đoạt đồ ăn của tôi?

Đức vua đáp:

–Ngươi cần ăn thứ gì?

Chim cắt nói:

–Tôi đã thề là chỉ ăn máu thịt tươi của chúng sinh mới giết.

Đức vua phát tâm Bồ-tát nói:

–Ta cũng có thệ nguyện: “Tất cả chúng sinh đến nương nơi ta, ta sẽ hết lòng cứu giúp, khiến cho họ không gặp tai nạn.” Ngươi cần ăn gì ta sẽ đem cung cấp cho.

Chim cắt lại nói:

–Đồ ăn của tôi là máu thịt tươi mới giết.

Đức vua liền nghĩ: “Đồ ăn này thật khó kiếm. Nếu không sát sinh làm sao có được. Không lẽ ta giết một mạng để cứu một mạng?”

Khi suy nghĩ như thế, trong lòng đã quyết định, vua liền kêu một người đến bảo họ dùng dao cắt thịt nơi vế của mình để bố thí cho chim cắt.

Chim cắt nói với đức vua:

–Nếu ngài muốn dùng thịt để cho ta, phải đúng với lẽ công bằng, nghĩa là làm sao cho thịt của ngài và chim bồ câu bằng nhau mới được. Chớ xem thường vậy.

Đức vua nói:

–Hãy đem cân đến, cân thịt để đối xứng với thân chim bồ câu.

Nhưng lạ thay, thân chim bồ câu lần lần nặng thêm, thịt của vua chuyển thành nhẹ. Vua sai cắt hết thịt đùi của hai vế, cũng còn nhẹ chưa đủ; thứ đến cắt thịt dưới hai gối, thịt hai vú, trước ngực, sau lưng, thịt toàn thân đã cắt lóc hết mà thân chim bồ câu vẫn còn nặng hơn. Khi ấy vua mang cả thân đặt vào bàn cân, thì mới nặng bằng thân chim bồ câu.

Chim cắt nói với vua:

–Này Đại vương, việc này khó làm thật, mà sao ngài phải cố dụng tâm như vậy? Chỉ đem chim bồ câu trả cho ta là được rồi!

Đức vua nói:

–Bồ câu đã đến với ta, sẽ không bao giờ trả lại cho ngươi. Ta xưa nay đã bỏ thân mạng không phải ít. Khi chưa vì pháp mới mến tiếc thân này, nay muốn cầu Phật đạo bám chắc vào với việc hướng thượng, tâm ta quyết không có hối hận.

Chư Thiên, Long thần, tất cả nhân dân đều cùng nhau tán thán:

–Vì một con chim bồ câu nhỏ mà phải chịu đau xót, độc hại đến thế! Việc này thật là ít có!

Khi ấy quả đất chấn động lớn. Tỳ-thủ tán thán:

–Lành thay! Đúng là bậc Đại sĩ chân thật không hư dối. Được như thế này mới là ruộng phước cho tất cả chúng sinh Đế Thích và Tỳ-thủ đều hóa trở lại thân trời, liền khiến cho thân của đức vua phục hồi như cũ.

Người cầu đạo được như thế mới mau thành Phật.


3- Ngày xưa, một người có việc phải đi xa, lỡ đường phải ngủ lại trong căn nhà bỏ hoang. Đêm ấy có một con quỷ vác một xác chết để ở trước sân, sau đó có một con quỷ khác đi đến, nổi giận la mắng con quỷ trước:

–Xác chết này là của ta, sao ngươi mang đến đây?

Hai con quỷ đều nắm mỗi người một tay của xác chết tranh giành nhau. Quỷ đến trước nói:

–Ở đây có người, chúng ta nên đến hỏi?

Liền hỏi:

–Người chết này ai mang đến?

Người ấy suy nghĩ: “Hai con quỷ này có năng lực rất lớn. Nếu nói thật cũng phải chết, nói dối cũng chết. Cả hai cách đều không ổn, vì sao ta phải nói dối?”, nên nói:

–Quỷ đến trước đã mang đến.

Quỷ đến sau rất giận, nắm tay người kia bứt ra khỏi thân, vứt xuống đất. Con quỷ tới trước thấy vậy liền lấy một cánh tay xác chết ráp vào. Lần lượt tiếp đến hai chân, đầu và hông đều bị quỷ bứt lìa ra. Quỷ đến trước nhanh tay dùng thân của xác chết ráp vào cho người kia như cũ. Khi ấy hai con quỷ cùng ăn thịt cái thân người được thay, rồi liếm miệng ra đi. Người kia suy nghĩ: “Thân ta cha mẹ sinh ra, đã chứng kiến hai con quỷ ăn hết. Nay thân ta hoàn toàn là thân thể của kẻ khác. Như vậy ta đang có thân hay không thân? Nếu cho là có thân thì thân này hoàn toàn là mượn thân của kẻ khác. Nếu cho là không thì thân hiện nay là như thế nào đây?”.

Suy nghĩ như vậy, tâm người kia trở nên mê muội, giống như người điên. Khi trời đã hừng sáng, anh ta tìm đường đến một nơi khác, thấy có tháp thờ Phật và chúng Tăng. Anh ta không hỏi gì khác, chỉ hỏi chư Tăng:

–Thân này có hay là không?

Các thầy Tỳ-kheo hỏi:

–Ngươi là ai?

Thưa:

–Tôi cũng không biết tôi là ai.

Liền sau đó anh ta vì chúng Tăng nói hết việc xảy ra đêm hôm qua. Các thầy Tỳ-kheo nói:

–Vị ấy biết rõ được pháp vô ngã, rất dễ được độ thoát.

Chư Tăng dạy thêm:

–Thân của ngươi từ xưa đến nay vốn là vô ngã, chẳng phải đến hôm nay ngươi mới thấy nó là do bốn đại hòa hợp, mà chấp cho là thân ta đó thôi.

Sau đó, các thầy tiếp độ anh ta vào đạo, lần lần tu hành đoạn các phiền não, liền được chứng quả A-la-hán. Vì vậy người nào hiểu được thân này là vô ngã, là hư dối thì sẽ đắc đạo không còn xa vậy.


4- Người trì giới muốn gì đều được vừa ý. Người phá giới tất cả đều mất. Cũng ví như câu chuyện sau đây:

Ngày xưa có một người nghèo thường cúng dường, phụng sự chư Thiên. Anh ta tuy nghèo nhưng rất chí thành, khấn nguyện bốn phương suốt mười hai năm, hết lòng cầu mong phú quý. Tâm chí vị ấy đã thành thục, chư Thiên thương xót, liền vì người ấy hiện thân mà hỏi rằng:

–Ngươi muốn cầu điều gì?

Người ấy đáp:

–Tôi cầu mong phú quý. Xin tất cả hãy giúp cho sự mong cầu của tôi được như sở nguyện.

Vị trời trao cho anh một đồ vật gọi là bình “công đức” mà nói rằng:

–Tất cả mong cầu của ngươi sẽ từ bình này mà có.

Người kia khi đã có bình rồi, muốn gì được nấy, anh ta dung bình ấy tạo ra nhà cửa to lớn tốt đẹp, voi ngựa, xe cộ, bảy báu trang hoàng trong nhà rực rỡ. Đồ ăn, thức uống đầy đủ, sẵn sàng cung cấp tiếp đãi quan khách không có thiếu sót. Có một vị khách hỏi:

–Anh trước đây nghèo, vì sao nay được phú quý như thế này?

Người ấy đáp:

–Ta có được bình “công đức do trời ban cho”, từ trong bình ấy sẽ sinh ra tất cả mọi đồ vật cần dùng, cho nên ta mới được giàu có như vậy.

Người khách nói:

–Mong ông đem bình ấy ra và cho chúng tôi được thấy nó sinh ra các đồ vật như thế nào?

Anh ta liền đem bình ra khoe và mọi người cũng được thấy trong bình ấy sinh ra các đồ vật như ý muốn.

Khi ấy anh ta được mọi người tán dương, khen ngợi, liền sinh tâm kiêu mạn, không tự kiềm chế, đứng dậy cầm bình nhảy múa. Do nắm không vững, sơ ý, sút tay rơi xuống đất bình vỡ. Tất cả các vật dụng do bình tạo ra đồng thời diệt mất.

Người trì giới tất cả niềm vui thù thắng đều được. Nếu người hủy giới mà lại còn kiêu mạn, buông lung thì cũng giống như người bị bể bình kia, tất cả đều mất. Vì vậy cho nên muốn có niềm vui ở các cõi trời và được an lạc Niết-bàn thì phải kiên trì giới cấm, chớ phá giới đã lãnh thọ. Nếu phá giới đã thọ thì phải chịu khổ trong ba đường ác, khó mong ra khỏi.

Luận rằng: Người muốn cầu quả báo ứng hợp với mình, thường phải tu tập thiện tâm thường xuyên liên tục không cho gián đoạn; đến khi chết mới thoát khỏi ác báo mà tiếp nhận quả báo lành. Vì sao vậy? Nếu có người trước đó không chịu tu tâm sửa tánh cho hiền lành thì đến khi sắp chết, muốn khởi tâm lành nhưng rốt cuộc là không kịp được vừa ý.

Như ở phương Tây có một ông vua, vì trong nước không có ngựa tốt, nên đem ngân sách quốc gia đi khắp nơi tìm cầu mua ngựa. Sau đó mua được tất cả năm trăm con ngựa hay đã có tập luyện để đề phòng chống giặc, đủ sức giữ yên bờ cõi. Nuôi dưỡng, tập luyện ngựa đã lâu mà trong nước yên lành vô sự, chẳng có việc gì phải dùng đến ngựa.

Vua liền suy nghĩ: “Năm trăm con ngựa ăn không phải ít, cho ăn nuôi dưỡng cực nhọc mà không ích lợi gì cho việc nước!” Vua liền ra lệnh cho người chăn ngựa:

–Hãy che mắt ngựa lại, đưa vào việc kéo cối xay, sẽ có lợi tức; đủ tự túc cho việc ăn dùng của nó, không tổn phí đến ngân sách quốc gia.

Ngựa kéo cối xay đã lâu, tập quen với việc đi vòng tròn. Bất ngờ nước kế cận kéo binh vượt biên giới đến lấn chiếm quốc gia.

Khi ấy vua mới ra lệnh đem ngựa, thắng yên cương chuẩn bị cho các tướng cỡi ra trận chiến đấu.

Khi các kỵ mã ra roi thúc ngựa hướng thẳng tới trước để đi vào trận địa, nhưng các chú ngựa được thúc roi, theo thói quen, tất cả đều chạy vòng trở lại, không thể điều khiển đi thẳng tới được. Quân giặc của nước lân bang thấy vậy biết là ngựa kia không có khả năng đối địch. Họ liền thúc ngựa tiến tới phá tan binh trận của nhà vua.

Cho nên người tu hành muốn được quả báo tốt đẹp, lúc sắp lâm chung, nếu con ngựa lòng không bị rối loạn, tất sẽ được tùy ý, tự tại.

Thường ngày phải luyện tập đều đặn, hướng dẫn tâm cho ngay thẳng, thuần thục, dễ sử dụng. Nếu không như thế, khi giặc chết liền đến, nó sẽ chạy quanh co, tán loạn và ta sẽ không được như ý muốn.

Cũng như ngựa của vua, không thể phá trừ giặc oán, bảo vệ an toàn cho đất nước vậy.

Vì vậy cho nên người tu hành thường phải tu tâm dưỡng tánh, thuần hậu lương thiện vậy.


5- Nếu có người nghèo khổ, biết nhịn phần ăn mặc của tự thân, đem bố thí, phước kia vô lượng. Cũng ví như câu chuyện sau đây:

Ngày xưa có một đức vua thiết lập trai hội, dùng các món ngon quý để cúng dường Đức Phật và chúng Tăng.

Thời ấy, có một bà già nghèo khổ, thường ngày chỉ biết đi xin ăn để tự nuôi sống. Nghe đồn đức vua thỉnh Phật và chúng Tăng cúng dường, trong lòng rất vui mừng, ý muốn khuyến khích, hỗ trợ, tự suy nghĩ: “Nay ta nghèo khổ không có gì cả, chỉ có một ít hạt đậu, muốn vào cúng đường, mà người giữ cửa không cho vào, phải làm sao đây?”

Khi ấy Đức Phật biết được tâm tốt của bà lão, liền dùng thần lực biến đậu thành nhiều, đặt chung vào trong món ăn. Khi đức vua ra chuẩn bị cúng đường, thấy có đậu trong món ăn, rất giận người đầu bếp. Vua hỏi:

–Vì sao trong món ăn có những hạt đậu như thế này?

Đức Phật nói với nhà vua:

–Việc đó chẳng phải lỗi của nhà bếp, mà là đồ bố thí của bà lão nghèo. Bà ta nghe đức vua thiết trai cúng đường, bà không có gì để khuyến trợ, nên đem một ít đậu này để tùy hỷ với đức vua. Do đó cho nên trong món ăn có đậu vậy.

Đức Phật dạy nhà vua:

–Bà lão ấy bố thí tuy ít nhưng được phước có thể nhiều hơn Đại vương.

Vua nghe vậy hỏi:

–Vì sao Ngài nhận được các món ăn ngon quý này mà người cúng lại được phước ít? Còn bà lão kia chỉ đem một ít vật hèn mọn mà lại được phước nhiều?

Đức Phật dạy vua:

–Bệ hạ tuy có cúng dường nhiều, nhưng tất cả vật thực có được đều từ nhân dân trăm họ mà ra, đối với vua không tổn hại gì. Còn bà lão này chỉ có một ít đậu, lại đem hết để tùy hỷ cúng dường. Vì vậy nên bà ấy được phước nhiều, còn vua được phước ít là vậy.

Sau đó Đức Phật vì vua mà thuyết pháp, vua và bà lão đều thấm nhuần đạo tích.

Vì vậy cho nên người nào muốn gieo trồng phước đức, chỉ do lòng chí thành, thấu rõ pháp tướng không thật, lo gì không kết quả.


6- Ngày xưa có một vị Bà-la-môn trong nhà nghèo thiếu, chỉ nhờ một con bò cái một ngày vắt được một đấu sữa để cung cấp cho sự sống. Nghe nói nếu ai trong ngày rằm cúng dường đồ ăn cho chúng Tăng sẽ được phước đức lớn, ông ta ngưng không vắt sữa suốt trong một tháng để dồn lại, hy vọng vắt được ba hộc sữa cúng đường các Sa-môn.

Đúng một tháng, ông ta mời các Sa-môn đến nhà, khi các ngài đã an tọa, ông ta mang bình ra chuồng bò vắt sữa, nhưng cũng chỉ một đấu. Tuy để lâu không vắt sữa mà sữa cũng không được nhiều.

Mọi người thấy vậy đều trách mắng:

–Ông ngu quá! Vì sao mỗi ngày không vắt sữa để dành, mà đợi cho đủ một tháng để mong có nhiều sữa làm sao được?

Người đời nay cũng như vậy, khi có tiền tài vật chất không chịu tùy khả năng nhiều ít mà bố thí. Họ cố gom chứa của cải cho thật nhiều, thật lâu rồi mới làm phước. Nhưng lẽ vô thường cũng như nước, lửa… và ngay cả thân mạng; chỉ trong khoảnh khắc cũng khó bảo toàn. Nếu không tỉnh ngộ, thì một sớm một chiều, khi buông tay sẽ mất hết không còn lại gì.

Tiền tài, vật chất nguy hiểm cho thân mạng cũng như rắn độc, không nên tham trước. Cũng ví như câu chuyện sau đây:

Ngày xưa, Đức Phật đi đến nước của vua Ba-tư-nặc. Ngài thấy có một kho tàng đầy bảo vật nằm trong lòng đất. Đức Phật dạy thầy

A-nan:

–Ngươi có thấy đây là loại rắn độc không?

Thầy A-nan thưa:

–Con đã thấy.

Thời bấy giờ, có người đi theo Đức Phật, nghe nói như vậy thử đến xem, thấy có vàng bạc, của báu quá nhiều, ông ta nghi ngờ lời dạy của Đức Phật, cho Ngài nói không thật, cố thêm thắt vào. Đây thật là của báu mà nói là rắn độc! Liền khi ấy họ gọi tất cả người nhà cùng nhau chở của báu ấy về, tạo nhà cửa, ruộng đất, thành người giàu có lớn.

Có người đến thưa với vua :

–Người kia gặp kho báu mà không chịu nộp cho quan.

Vua nghe báo, liền ra lệnh bắt giam tất cả người trong nhà và tịch thu gia sản; nhưng vua còn không tin đã lấy lại hết, nên sai người tìm nhiều phương cách khảo tra, trị tội. Đau đớn độc hại hết cách mà ông ấy cũng không khai và nhận tội. Vua rất giận, muốn giết hết bảy đời bà con dòng họ của ông ấy. Khi áp tải ra pháp trường, vua cho người theo dõi họ nói năng những gì. Ông ta trên đường đi, than thở:

–Đức Phật dạy rất đúng, đúng là rắn độc mà ta không chịu tin.

Nay biết rõ nó là rắn độc, phải làm sao đây? Nếu là rắn độc, thì giết ta và thân tộc ta thôi, mà nay phải chịu chết oan cả bảy đời. Thật quả đúng và độc hại hơn cả lời Ngài dạy!

Sứ giả đem những lời than trên thưa lại cho vua. Vua nghe qua liền ra lệnh gọi họ trở lại. Vua nói với người kia:

–Đức Phật có công đức rất lớn. Ngươi nhớ được lời Phật dạy, ta hoan hỷ trả lại bảo vật cho ngươi.

Sau đó vua ra lệnh tha tất cả bà con thân tộc trở về nhà.

Do nhân duyên niệm tưởng lời dạy của Đức Phật mà được khỏi nạn chết. Vì vậy nên lời dạy của Đức Phật không thể không hết long ghi nhớ.


7- Người trì giới thà mất thân mạng, không trái với lời Phật dạy. Ví như câu chuyện này:

Ngày xưa có người đi buôn, nương thuyền vào biển. Lúc bấy giờ có hai vị Đạo nhân muốn đến nước khác, cũng xin đi theo. Khi đã vào biển sâu, không may gặp gió to sóng lớn làm đắm thuyền.

Mọi người ai cũng kiếm vật nổi làm phao để tự cứu.

Khi ấy vị Đạo nhân hạ tọa tìm được một miếng gỗ, vị Thượng tọa nói:

–Pháp của Phật dạy phải cung kính Thượng tọa, ngươi nhường cho ta miếng gỗ để khỏi trái lời răn dạy của Ngài.

Vị Đạo nhân nghe như vậy, liền tự suy nghĩ: “Người tu hành lấy gì làm trọng? Phải hộ giới làm đầu. Như vậy ta thà tôn trọng lời dạy của Phật mà chết”, liền dâng miếng gỗ cho Thượng tọa, Hạ tọa chịu chìm trong biển nước.

Thủy thần thấy vị Đạo nhân trì giới không trái lời Phật dạy như vậy, rất cảm động, dùng năng lực của mình đưa Đạo nhân và tất cả vào bờ. Nhờ Đạo nhân chí thành trì giới mà mọi người trong thuyền đều được thoát nạn. Thủy thần tán thán vị Đạo nhân:

–Ngài thật là người chân chánh trì giới. Do vậy chúng ta nên giữ đúng lời dạy của Phật mà chết, còn hơn vi phạm lời dạy của

Ngài mà sống vậy.

Chúng sinh nếu nương cậy vào giới đức của Phật thì có thể qua khỏi biển khổ sinh tử vậy.


8- Tất cả mọi người trong thế gian đều tham lam, chấp trước vui thú ở đời, không chịu suy nghĩ để biết nó là vô thường, là hoạn nạn, là đau khổ. Ví như chuyện này:

Ngày xưa có một người phạm tội đáng chết, bị giam trong lao ngục, vì sợ chết, nên ông ta cố vượt ngục trốn chạy. Theo phép nước, nếu kẻ tử tù vượt ngục trốn chạy, chủ ngục thả voi theo đạp chết.

Khi voi rượt theo tội nhân, kẻ kia thấy voi sắp bắt kịp, liền chạy gấp đến định trốn trong cái giếng bỏ trống; nhưng nhìn xuống dưới đáy giếng thấy một con rồng độc há miệng hướng lên; ở trong giếng còn có bốn con rắn độc nằm bốn bên; trên miệng giếng có một rễ cây; kẻ tội phạm quá sợ hãi, cấp bách nắm lấy rễ cây, buông thân xuống giếng, lại thấy hai con chuột trắng đang gặm rễ cây đó. Ngay lúc ấy trên giếng lại có một cây lớn, trong cây này có mật ngọt, mỗi ngày có một giọt mật rơi vào trong miệng. Kẻ kia khi đã được mật, chỉ nhớ mật ngọt mà quên tất cả các tai họa khổ đau đang bao quanh và cũng không còn có ý muốn ra khỏi giếng nữa.

Những hình ảnh trên đây Thánh nhân mượn để làm thí dụ:

Ngục là chỉ cho chúng sinh đang ở trong tù ngục tam giới. Voi say là chỉ cho vô thường. Giếng là nhà ở của chúng sinh. Rồng độc dưới giếng là địa ngục. Bốn con rắn là bốn đại. Sợi dây, rễ cây là mạng sống con người. Chuột trắng là ngày, tháng.

Ngày tháng chế phục mạng sống con người mỗi ngày thêm tổn giảm, không có tạm dừng, nhưng chúng sinh thì tham lam, chìm đắm vào những vui thú ở đời, không biết suy nghĩ nó là tai họa lớn. Vì vậy cho nên người tu hành phải quán pháp vô thường để xa lìa các khổ.


9- Ngày xưa có một vị trưởng giả, tánh rất tham lam, bỏn sẻn. Đức Phật muốn độ ông ta, trước sai Tôn giả Xá-lợi-phất vì ông mà nói các pháp công đức bố thí, nhưng vị trưởng giả này không phát tâm bố thí. Thấy trời đã gần trưa, ông nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Ngài nên đi, tôi không cúng đồ ăn cho ngài đâu.

Tôn giả Xá-lợi-phất biết ông này không thể hóa độ liền trở về thưa lại với Phật. Đức Phật lại sai Tôn giả Mục-kiền-liên vận thần thông bay đến nhà ông ta để giáo hóa. Trưởng giả lại nói:

–Ngài muốn xin tôi thứ gì mà làm huyễn thuật này?

Tôn giả Mục-kiền-liên biết vị này khó cảm hóa, liền trở về trình lại với Phật. Khi ấy Đức Phật vì lòng thương xót, muốn dẹp bỏ lòng tham lam bỏn sẻn của ông ta, nên Ngài thân hành đi đến nhà, vị trưởng giả khi thấy Đức Phật đến, liền bước ra lễ Phật và mời Ngài vào ghế ngồi. Đức Phật nói các pháp phương tiện, Ngài nói với trưởng giả:

–Ông có thể thực hành năm việc bố thí lớn không?

Vị trưởng giả thưa:

–Bố thí nhỏ con còn làm chưa được, huống gì bố thí lớn.

Nhưng ông cũng hỏi Đức Phật:

–Thưa Ngài năm việc bố thí lớn là những gì?

Phật dạy:

–Năm việc bố thí lớn là: Một, không được sát sinh, ông có thể làm được không?

Vị trưởng giả suy nghĩ: “Nếu không sát sinh sẽ không tổn thất tiền tài, thú vật, như vậy thì được.” Ông liền bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn, việc ấy con làm được…

Như vậy, thứ lớp Ngài hỏi đến các giới và cuối cùng là không uống rượu, ông đều thưa là có thể làm được.

Khi ấy Đức Phật vì vị trưởng giả mà giảng ý nghĩa năm giới, nếu có thể thọ trì năm giới này thì người ấy đã làm xong năm việc bố thí lớn.

Khi trưởng giả nghe Đức Phật dạy như vậy, tâm rất hoan hỷ, muốn đem một khổ lụa xấu để cúng dường Ngài, liền vào kho tìm mà không có vải xấu, phải lấy một khổ vải tốt để cúng dường Đức Phật. Nhưng tất cả vải, lụa trong kho đều kéo dính theo, làm cho tâm ông ta do dự. Khi ông đến trước Phật, Đức Phật biết tâm ông chưa định, Ngài nói với trưởng giả:

–Trời Đế Thích cùng với loài A-tu-la chiến đấu, do tâm của vua không được định tĩnh cho nên ba lần tấn công mà không được như ý. Về sau vua trời tâm đã định, liền phá tan quân của A-tu-la.

Vị trưởng giả nghe Đức Phật dạy như vậy, biết Ngài là Bậc Đại Thánh hiểu rõ tâm ý của người; phát sinh lòng tin tưởng, tâm được thanh tịnh. Đức Phật liền vì ông ta mà nói pháp, ông ta chứng đạo quả Tu-đà-hoàn.

Ngày hôm sau, Ma vương biết được tâm ý của ông đã chuyển đổi, liền hóa làm Phật đi đến để phá hoại. Vị trưởng giả vì chưa được tha tâm thông nên không biết là ma, nên rất hoan hỷ, nghênh đón, mời vào ghế ngồi. Ma nói với trưởng giả:

–Những lời ngày hôm qua ta đã nói chỉ là phương tiện hoàn toàn không phải là lời mà Bậc Giác Ngộ nên nói, ngươi mau bỏ những ý tưởng ấy đi.

Vị trưởng giả khi nghe lời dạy ấy, cảm thấy quái lạ. Ông suy nghĩ: “Hình thức vị này tuy giống Phật mà lời nói nội dung rất trái, như con lừa đội lốt sư tử, hình thức là con sư tử, mà tâm ý chỉ là lừa”, nên ông không chịu tin.

Ma biết tâm của ông ta đã chân chánh, không thể phá hoại, liền hiện nguyên hình nói:

–Ta cố đến thử ngươi mà tâm ngươi không lay chuyển.

Thế cho nên trong kinh có dạy: Người thấy được chân lý còn không tin lời ma giả Phật, huống gì các đạo quả khác. Do quán sát nghĩa lý sâu xa, cho nên đệ tử của Phật đều hiểu sâu đạo lý, thì dù ma nói hay Phật nói, đều có thể biết rõ. Vì vậy cho nên, nghĩa lý Phật pháp không thể không học, bố thí không thể không tu.


10- Người tu hành muốn cầu đạo không nên tham vị, đắm sắc.

Nếu tham đắm như vậy, sẽ mất tất cả công đức. Ví như câu chuyện này vậy:

Ngày xưa có một vị A-la-hán thường vào trong cung của loài rồng thọ trai. Thọ trai xong, ngài vì họ mà nói pháp, sau đó từ cung rồng trở về, đem bát trao cho chú Sa-di rửa. Trong bát còn một vài hạt cơm, chú ấy nếm thử, thấy có hương vị đặc biệt. Vì muốn tìm hiểu nên tìm cách vào ẩn nấp dưới chân giường của thầy, hai tay ôm cứng chân giường.

Đến lúc thầy ngồi vào giường nhập định, mang cả giường vào Long cung. Long vương thưa:

–Vị ấy chưa được đạo, sao ngài cho đến đây?

Thầy nói:

–Do tôi không để ý nên không biết.

Chú Sa-di được ăn cơm ngon, lại thấy Long nữ thân thể đoan chánh, mùi thơm đặc biệt, ở thế gian ít ai sánh bằng. Chú quá say đắm trước những sự việc này, liền phát nguyện rằng: “Ta sẽ chiếm đoạt cung rồng này làm chỗ ở.”

Long vương nói:

–Sau thầy chớ mang chú ấy xuống đây nữa.

Sa-di khi trở về, hết lòng Bố thí, Trì giới, mong cầu sớm được làm thân loài rồng. Một hôm chú ấy đi nhiễu quanh chùa, dưới chân tự nhiên có nước, biết mình sắp được sinh vào loài rồng. Bèn đi đến bên bờ ao, nơi thầy thường đi vào cung rồng, chú dùng áo ca-sa phủ trên đầu rồi nhảy vào trong nước, liền chết. Vị ấy trở lại hóa sinh làm một con rồng lớn có nhiều năng lực, phước báo. Về sau “chú” giết Long vương, khắp ao nước nhuộm một màu đỏ.

Khi chú ấy còn sống, các thầy và chúng Tăng đã khuyên răn,nhắc nhở rất nhiều nhưng không được. Chú ấy nói: “Tâm con đã quyết định, các tướng đã xuất hiện, liền dẫn quý thầy đến ao để chứng kiến.”

Do nhân duyên này, người tu hành không nên tham luyến mùi thơm, đắm trước sắc đẹp, nó sẽ làm tiêu tan căn lành và đọa vào đường ác, như đã thấy rõ trong câu chuyện này.


11- Xưa có một vị trời sắp hết phước, có bảy điều để có thể tự biết:

  1. Hoa trang sức trên đầu bị héo.
  2. Ánh sáng trên cổ diệt lần.
  3. Thân hình gầy yếu, âu sầu.
  4. Dưới nách ra mồ hôi.
  5. Ruồi dơ dính vào thân.
  6. Đất bụi dính áo.
  7. Tự nhiên ưa rời khỏi chỗ ngồi.

Vị ấy tự biết sau khi hết phước sẽ xuống nhân gian, ở trong nhà nghèo theo heo mẹ ghẻ lác làm con, cho nên vị trời này buồn lo không vui. Khi ấy có một vị trời đến thăm chơi, hỏi:

–Ngươi vì sao không được vui?

Vị trời ấy đáp rằng:

–Ta thọ mạng sắp chết, sẽ bị đọa xuống nhân gian theo heo mẹ ghẻ lác làm con. Vì vậy cho nên ta buồn.

Vị trời kia mách bảo:

–Có Đức Thích-ca Văn Phật tại cung trời Đao-lợi đang vì mẹ mà nói pháp. Ông nên đến quy y Phật và chúng Tỳ-kheo Tăng, sẽ được khỏi khổ.

Vị trời kia nghe vậy liền đến gặp Phật, nguyện đem thân mạng về nương tựa ba ngôi Tam bảo, nhớ nghĩ không quên. Sau bảy ngày thọ mạng đã hết, trở lại thế gian, sinh vào làm con trong nhà trưởng giả giàu có lớn. Đặc biệt, khi còn ở trong thai mẹ, lúc thai đã lớn, thường nghe tiếng xưng niệm Tam quy. Mười tháng cưu mang đã mãn, khi vừa sinh ra, đứa bé chắp tay nói:

–Xin đem thân mạng quay về với Phật, Pháp, Tăng.

Người mẹ sợ hãi cho là không tốt, liền có ý muốn giết đi, nhưng bà suy nghĩ: “Nó là con trưởng giả. Không thể tự tiện, tội ấy không phải nhỏ.” Bà liền đến thưa với vị trưởng giả tất cả việc trên.

Trưởng giả nói:

–Con người sinh ra ở đời được mấy ai biết đem thân mạng nương tựa Tam bảo, mà đứa bé con ta, vừa mới sinh đã biết Tam bảo, đúng là Thần nhân. Hãy khéo nuôi dưỡng, chớ cho là kỳ quái.

Đứa bé ấy nhờ phước đời trước nên thông minh đặc biệt khác thường, cha mẹ lại rất thương yêu mến trọng. Đến khi được năm tuổi, cùng với các bạn trẻ chơi bên đường, khi Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đi qua, chú bé liền bước đến trước cung kính đảnh lễ. Ngài Xá-lợi-phất nói:

–Ta chưa thấy chú bé nào mà biết đảnh lễ Sa-môn như vậy.

Chú bé thưa:

–Các ngài không biết con sao?

Ngài Xá-lợi-phất nhập định, quán sát căn nguyên của chú mới biết là vị trời thọ sinh. Chú bé sau đó liền đến quỳ dưới chân hai vị

Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên thưa:

–Nguyện hai ngài vì con mà thỉnh Đức Phật và chúng Tăng ngày mai đến nhà con thọ trai.

Hai Tôn giả liền hứa chấp nhận. Chú bé trở về thưa với cha mẹ:

–Con đã hướng về ngài Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên mong hai vị thưa thỉnh Đức Thế Tôn và chúng Tăng ngày mai đến nhà mình thọ trai.

Cha mẹ rất vui vẻ, sửa soạn thiết trai cúng dường. Ngày hôm sau Đức Phật và chúng Tăng đến nhà. Chú bé và cha mẹ đều ra nghênh đón, đảnh lễ. Ngài và chúng Tăng đã an tọa, dùng nước rửa tay và thọ trai. Khi đã thọ trai xong, Đức Thế Tôn vì mọi người và gia đình mà nói pháp. Cha mẹ và cả chú bé đều được Vô sinh pháp nhẫn, hằng trăm ngàn người khác nhân đó cũng đều phát tâm Vô thượng chánh chân đạo ý.

Kinh dạy: Hết lòng hướng về Đấng Từ Tôn mới có thể được như vậy.


12- Ngày xưa có một người chăn bò, thấy ở trong đầm lớn có loại hoa màu vàng sáng chói rất đẹp, bèn suy nghĩ: “Đức Phật ở cách đây không xa ta nên lấy hoa đẹp này để cúng dường Ngài.”

Anh ta liền xuống hái hoa, kết lại một bó mang đi cúng Phật. Trên đường đi bị bò húc chết, do tâm chuyên chú nghĩ đến chuyện cúng dường Phật nên liền được sinh lên cõi trời Đao-lợi thứ hai, ở trong cung điện rộng rãi, trang nghiêm tốt đẹp. Bên ngoài bốn phía cung điện, đặc biệt có một loại hoa màu vàng, có ánh sáng soi chiếu.

Pháp thường của chư Thiên là khi được sinh lên trời thì quán sát kiếp trước của mình. Người chăn trâu này cũng vậy. Ông ta quán sát kiếp trước của mình, biết rõ do công đức mang hoa đi cúng Phật bị trâu húc chết, rất vui mừng tán thán:

–Đức Phật là Đấng Vô Thượng phước lộc, dù chưa kịp cúng dường Ngài mà phước báo rực rỡ như thế này, huống gì tu các công đức khác.

Vị trời liền hái hoa quanh cung điện và các vật cúng dường khác, muốn y theo nguyện xưa, đến gặp Đức Phật cúng dường. Chư Thiên thấy anh ta hái hoa đều đến hỏi:

–Ngươi mới đến đây để thọ hưởng phước báo, nên dùng năm dục để tự vui thú, hái hoa để làm gì?

Vị trời mới sinh trả lời:

–Khi tôi làm người muốn đem hoa cúng Phật mà không được như nguyện, còn được sinh lên đây, huống gì người phát tâm làm được việc này. Nay tôi hái hoa cúng Phật là muốn y theo nguyện xưa để tạo thêm công đức.

Lúc bấy giờ chư Thiên nghe như vậy đều rất hoan hỷ đồng phát thiện tâm, có đến tám vạn bốn ngàn vị ở cõi trời cùng nhau đi đến chỗ Đức Phật trụ trên hư không, khảy nhạc trời, rải hoa trời, xông hương trời và các món cúng dường lên Đức Phật và chúng Tăng. Chư Thiên vào trong các chùa, tháp, chẳng thấy Phật đâu, chưa được thấy Phật, chỉ mới gặp vị Thượng tọa Tỳ-kheo đã đắc đạo vì chư Thiên nói pháp.

Chư Thiên nghe pháp, tâm được hoan hỷ, tăng thêm công đức. Sau liền được gặp Đức Phật, họ dùng trống nhạc, đàn ca, rải các danh hoa và tất cả các thứ cúng dường khác dâng lên Đức Phật và chúng Tăng.

Đức Phật vì chư Thiên giảng nói Diệu pháp thanh tịnh, Vị trời kia cùng với tám vạn bốn ngàn chư Thiên khác đều được pháp nhãn thanh tịnh. Các vị trời này đời trước là thiện tri thức của nhau, cho nên nay mới có thể khởi đạo tâm cho nhau, để cùng một lúc được đạo.


13- Ngày xưa ở nước ngoài có một vị trưởng giả rất giàu chỉ sinh một người con trai nên thương mến, quý trọng vô cùng. Sau đó đứa con bị bệnh nặng, vô phương cứu chữa, đành phải chịu chết.

Người con trai này khi sắp lâm chung một lòng niệm Phật, thấy Đức Phật hiện ra trước mặt. Tâm anh ta nhờ đó mà được định tĩnh, an ổn.

Sau khi chết anh ta liền được sinh lên cõi trời. Cha mẹ vì chưa hiểu đạo, nên luôn nghĩ nhớ đến con, sầu buồn áo não, chỉ muốn chết theo con, trong lòng không được cởi mở. Vì vậy cha mẹ đã dùng củi để thiêu đốt thân anh ta, lấy tro xương bỏ trong một cái bình bằng bạc, mỗi tháng cứ đến ngày rằm, đặt đồ ăn trăm món trước bình đựng xương cốt kia, rồi cất tiếng buồn khóc, lăn lộn dưới đất.

Vị Thiên tử ở cõi trời thấy cha mẹ như vậy, tự nghĩ: “Nếu ta không hiện ra để cảm hóa thì ý của cha mẹ sẽ không được cởi mở.”

Nghĩ như vậy rồi vị ấy liền hiện xuống, biến thành một đứa bé khoảng tám, chín tuổi đi chăn bò ở bên đường. Khi ấy có một con bò chết nằm dưới đất, chú bé đi kiếm cỏ non đặt ở trước miệng con bò chết, lấy roi đánh bò, miệng kêu bò:

–Hãy dậy ăn!…

Cha mẹ và những người lớn nhỏ ở trong nhà, thấy chú bé làm như vậy đều buồn cười và đến hỏi:

–Mày con nhà ai mà ngu vậy? Bò đã chết mà đem cỏ bỏ trước miệng, làm sao nó ăn được?

Chú bé cười nói:

–Bò của tôi nay tuy đã chết, nhưng đầu và miệng vẫn còn nguyên vẹn, mà tôi đưa cỏ nó không chịu ăn. Huống chi chú bé con ông bà chết đã lâu, lại còn dùng lửa đốt thiêu, chỉ còn lại chút ít tro xương mà ông bà lại dùng đồ ăn trăm vị đặt ở trước bình tro kia, lại còn khóc lóc nữa, chú bé ấy có thể ăn được không?

Cha mẹ nhờ đó, ý liền cởi mở, hỏi chú bé:

–Ngươi là ai?

Chú bé thưa:

–Trước đây tôi là con của ông bà trưởng giả, nhờ chí thành niệm Phật nên được sinh lên cõi trời. Thấy cha mẹ buồn thương áo não thái quá, cho nên cố đến để hóa giải.

Cha mẹ nghe vậy trong lòng được cởi mở, rất vui và không còn sầu khổ như trước nữa.

Vị trời liền biến mất. Cha mẹ trở về nhà liền thiết lễ trai hội bố thí cúng dường, nguyện giữ gìn cấm giới, nghe kinh hành đạo, sau được đạo quả Tu-đà-hoàn.


14- Thời xưa, trải vô số kiếp có một ngôi chùa lớn; trong chùa có hơn ngàn vị Sa-môn ở đó tu học. Hằng ngày có vài trăm chú Sa-di khuất thực để cúng dường chúng Tăng. Thầy dạy mỗi chú một ngày phải cúng một đấu gạo và phải học thuộc một bài kệ.

Có một chú Sa-di vào phố thị khất thực, chú vừa đi vừa nhẩm học bài kệ. Trong phố có một vị Hiền giả, thấy Sa-di vừa đi vừa nhẩm học bài kệ, Hiền giả đảnh lễ, hỏi:

–Đạo nhân vừa đi vừa nói gì vậy?

Chú Sa-di ấy thưa rằng:

–Tôi vừa đi khất thực để cúng dường chúng Tăng, vừa phải học thuộc một bài kệ.

Hiền giả lại hỏi:

–Nếu chú không vướng bận việc gì cả thì tụng thuộc bao nhiêu kệ.

Thưa rằng:

–Có thể thuộc hơn mười bài kệ.

Lại hỏi:

–Chú phải khất thực bao nhiêu ngày?

Chú thưa:

–Trong chín mươi ngày phải cung cấp chín mươi đấu gạo.

Hiền giả thưa với Đạo nhân:

–Chú hãy trở về chùa yên tâm lo học kinh kệ, tôi sẽ giúp cho chú cung cấp số gạo đó.

Chú Sa-di nghe Hiền giả nói vậy rất vui mừng. Hiền giả liền đem chín mươi đấu gạo cúng dường. Chú mang về thưa thầy, rồi nộp cho chúng Tăng xin đóng cửa học kệ, tụng kinh. Trải qua ba tháng, chú ấy đã học thuộc một ngàn bốn trăm bài kệ, chú thưa với thầy:

–Con học kệ đã xong. Bây giờ, con xin đến nhà thí chủ tụng những bài kệ đó để nhờ kiểm tra lại.

Thầy hoan hỷ chấp nhận. Đến nhà Hiền giả, chú thưa:

–Nhờ thí chủ trợ duyên nên tôi được yên ổn, tụng kinh, học kệ.

Nay việc học kệ đã xong, tôi đến đây xin đọc để đạo hữu nghe.

Chú Sa-di đọc kệ, văn cú lưu loát, không vấp váp trở ngại.

Hiền giả nghe qua rất vui vẻ, cúi đầu đảnh lễ, thưa:

–Nguyện cho tôi đời sau thông minh, hiểu biết rộng rãi, thấu đáo, nghe nhiều không quên.

Nhờ làm việc phúc đức nên vị Hiền giả này đời đời sáng suốt, hiểu biết, nhớ dai, đến khi gặp Phật ra đời được làm đệ tử tên là A-nan.

Thường làm thị giả cho Đức Thế Tôn, đặc biệt riêng ngài là vị đệ tử biện thuyết thông suốt, nghe nhiều vào bậc nhất.

Thầy dạy:

–Hiền giả thời ấy nay là Đại đức A-nan.

Luận rằng: Ai chú tâm khuyến khích, hỗ trợ cho người tu học, là được công đức lớn, nếu người ấy có ý chí hoặc cầu nguyện gì đều được thành tựu. Đó là nương vào phước báo mà được vậy.

Phía Nam núi Tu-di có một cây đại thọ cao bốn ngàn dặm. Các con chim to loại Bát-xoa nương ở trên cây mà cây vẫn bình thường, không chuyển động. Chỉ có một con chim thân hình rất nhỏ, loại thuần âm, bay đến đậu trên cây kia, cây liền bị dao động. Chim to

Bát-xoa nói với thọ thần:

–Không biết tại sao thân ta rất nặng, thường nương ở đây mà cây vẫn bất động, còn con chim nhỏ kia mới vừa bay đến, chưa ngủ qua đêm mà lại làm cây chấn động?

Thọ thần nói:

–Chim kia tuy nhỏ nhưng nó từ đáy biển lớn mà đến. Hằng ngày chỉ ăn toàn đá quý, kim cương. Đá kim cương này va chạm vào các vật khác, các vật kia đều bị phá hoại. Vì vậy cho nên khi chim kia đến đậu, ta rất sợ hãi, không thể tự yên.

Kinh nêu thí dụ này, ý muốn nói: Nếu có người phàm hiểu rõ ý nghĩa sâu sa của một câu kinh, miệng đọc tụng, tâm nghĩ nhớ thì ba độc, bốn ma, tám vạn cửa trần cấu, thảy đều không thể tự yên, huống gì người tu hành rộng thâu thập các pháp giải thoát để làm cầu đò cho tất cả chúng sinh.


15- Một hôm Đức Phật dạy Tôn giả Mục-liên:

–Nghiệp quả của Tôn giả sắp đến lúc phải trả.

Mục-liên thưa:

–Con có thần lực có thể vượt qua núi Tu-di, quả báo nếu từ phía Đông mà tới, con sẽ bay về phía Tây, nếu từ phía Bắc mà đến, con liền nhảy sang phía Nam… Làm sao nghiệp quả bắt gặp con được?

Đức Phật dạy:

–Tội phước tự nhiên không thể trốn tránh. Nếu Tôn giả bay xa trên núi cao, đến khi không còn hơi thở thì cũng sẽ phải rơi vào trong núi.

Thời bấy giờ có một ông lão đang cỡi xe, Mục-liên bị nạn rơi vào ngay trước đầu xe, hình dáng xấu xí như quỷ. Ông lão cho là vật xấu ác, liền cho xe cán ngang qua, khiến Tôn giả bị gãy xương.

Mục-liên khi ấy trong lòng áo não, mê man không còn biết gì. Đức Phật thương xót giúp cho Tôn giả phục hồi thần lực, khi ấy Tôn giả mới định tỉnh, tìm cách phục hồi trở lại thân hình.

Ông lão cỡi xe cán qua thân ngài, thời trước là cha của Mụcliên.

Vì cha con cùng tranh cãi nhau, Mục-liên thời ấy nghĩ ác rằng:

“Giết được ông già kia để chẻ xương mới hả giận.” Vì nhân duyên đời trước sân giận, ác khẩu nên ngày nay mới vương phải tai ương như vậy. Phải cẩn thận, chớ tạo tội bất hiếu với cha mẹ.

Vì vậy, người biết xử thế chẳng những phải dè dặt ý nghĩ và lời nói, mà còn phải hiếu dưỡng cha mẹ.


16- Ngày xưa có một vị Sa-môn đang đi trong đám cỏ rậm, có một con rắn nói:

–Xin chào Hòa thượng.

Vị Sa-môn giật mình nhìn xem hai bên. Rắn nói:

–Thầy chớ sợ hãi, mong ngài vì tôi mà giảng nói kinh điển, khiến cho tôi thoát khỏi thân tội báo này.

Rắn thưa tiếp:

–Ngài có biết vua A-kỳ-đạt không?

Sa-môn nói:

–Có biết.

Rắn thưa:

–Ông ấy là tiền thân của tôi.

Sa-môn nói:

–Vua A-kỳ-đạt tạo lập chùa tháp, cúng dường chúng Tăng, công đức rất lớn, đang được sinh ở cõi trời, do nhân duyên gì mà phải bị đọa vào loài này?

Rắn thưa:

–Khi tôi sắp chết, người hầu cận cầm quạt hầu, sơ ý để quạt rơi nhằm mặt tôi, tôi khi ấy nổi sân giận, nên sau khi chết phải đọa vào thân rắn này.

Sa-môn liền vì rắn mà giảng kinh, rắn một lòng lắng nghe, rồi quyết nhịn ăn trong bảy ngày mà chết. Khi xả thân nghiệp báo ấy thì liền sinh lên cõi trời. Vài tháng sau đó, vị trời này mang hoa trời xuống rải cúng dường Đức Phật và chúng Tăng. Lúc ấy đại chúng rất ngạc nhiên, liền ở trong hư không có tiếng nói:

–Tôi kiếp trước là vua A-kỳ-đạt, bị đọa làm súc sinh. Nhờ vị Sa-môn giảng dạy Phật pháp, tôi được nghe, nhờ đó mà được sinh lên cõi trời. Nay mang hoa đến rải cúng dường Đức Phật và chúng Tăng để báo ân.

Vì vậy, chúng ta đối với người đau bệnh sắp chết, khi thân cận giúp đỡ phải cố gắng cẩn thận hộ trì tâm của người ấy.


17- Ngày xưa, ở ngoại quốc có một người làm ăn buôn bán tấn phát, tiền của vàng bạc thâu vào có hơn ngàn cân. Trong lòng vị ấy rất lo lắng, muốn chôn giấu dưới đất nhưng sợ dế mèn, côn trùng, chuột bọ đục phá; muốn cất giấu trong cây cỏ, núi rừng cũng sợ chồn, cáo, con người gặp được lấy mất. Lại cũng không tin vợ con trong nhà, anh em bên ngoài, chỉ còn cách là mang theo trong người.

Cho nên khi cần đi đâu vị ấy rất sợ mất của.

Thời ấy, gặp tháng trường trai, bốn chúng đệ tử đến chùa tháp đốt hương rải hoa. Vị ấy xem xét đã thấy tất cả, lại thấy ở trước tháp tự có một bát lớn, bốn chúng đệ tử đi nhiễu quanh tháp, đem tiền của, vàng bạc, vật báu đặt vào trong bát ấy cúng dường Tam bảo.

Người kia thấy vậy hỏi:

–Vì sao đem vật báu để trong bát này?

Có vị Sa-môn đứng gần đó đáp:

–Đây gọi là phát tâm bố thí để đúc tượng Phật, làm chùa tháp, tạo công đức cho người cúng, cho nên gọi là nơi cất giấu vững chắc, cũng gọi là nơi gởi không bị mục nát.

Người ấy nghe vậy suy nghĩ, chấp nhận, nói:

–Đúng như lời ngài nói. Thật đúng với chỗ mong cầu của tôi. Ông ta phát tâm đem tất cả vàng bạc để vào trong bát cúng dường. Vị Sa-môn vì người kia mà chú nguyện, lại dạy thêm:

–Tôi nói chỗ cất chứa vững chắc có nghĩa là người có tâm cúng dường Tam bảo, phước đức ấy nước không thể làm chìm, lửa không thể đốt, trộm cướp, oan gia đều không thể xâm phạm, tổn hại công đức này được. Đã gieo vào trong kho báu này rồi thì không bao giờ mục nát, hư hoại, đời sau sẽ được gặt hái quả báu gấp trăm ngàn vạn lần của báu đã cúng dường hôm nay, nên gọi là bố thí.

Vị ấy nghe dạy như vậy, ý được cởi mở, vui vẻ vô cùng, tức thời ở ngay trước tháp mà được đạo quả Tu-đà-hoàn. Vì vậy nên người chí tâm biết làm phước, công đức ấy không bao giờ cùng tận, sau cùng tự mình cũng sẽ được đạo quả giải thoát.


18- Ngày xưa ở chùa Tước ly có vị Trưởng lão Tỳ-kheo, đã được đạo quả A-la-hán, dẫn một chú Sa-di vào thành thăm viếng, y bát nặng, thầy sai chú Sa-di mang đi theo sau.

Chú Sa-di đang đi trên đường, tự suy nghĩ: “Con người sinh ra ở đời đều chịu đau khổ. Muốn thoát khỏi nỗi khổ này nên phát tâm tu theo con đường nào?” Lại suy nghĩ: “Đức Phật thường tán thán Bồ-tát là thù thắng, ta nay nên phát tâm tu hành Bồ-tát đạo.”

Khi chú suy nghĩ như vậy, thầy của chú dùng Tha tâm thông rõ hết ý nghĩ kia. Vị thầy dạy chú Sa-di:

–Chú đem y bát đến đây.

Chú đem y bát trao cho thầy. Rồi thầy bảo chú:

–Ngươi hãy đi trước đi!

Sa-di đi trước, lại suy nghĩ: “Con đường tu hành Bồ-tát đạo phải siêng năng, chịu khó. Nếu có người xin đầu phải cho đầu, xin mắt phải cho mắt. Việc này rất khó, không phải sức ta có thể làm xong, chi bằng chứng quả A-la-hán để mau được lìa khổ.” Vị thầy biết chú suy nghĩ như vậy nên nói với chú ấy:

–Ngươi mang y bát đi theo sau ta.

Như vậy ba lần. Chú ấy rất kinh ngạc, không hiểu thầy có ý gì?

Đến chỗ bóng mát, thầy trò nghỉ chân, chú chắp tay thưa hỏi thầy về ý nghĩa kia. Vị thầy dạy:

–Ngươi với con đường tu hành Bồ-tát, ba lần muốn tiến lên, cho nên ta ba lần nhường cho ngươi đi tới trước. Tâm ngươi ba lần thoái thất nên ta ba lần đẩy ngươi lui ra sau. Đó là lý do vậy.

Người phát tâm tu hành Bồ-tát đạo, công đức kia thù thắng hơn người được đạo quả A-la-hán. Cho dù đầy cả ba ngàn thế giới người được đạo quả A-la-hán cũng không đủ để so sánh vậy.


19- Ngày xưa, vào thời Đức Phật Ca-diếp, có hai anh em đều xuất gia làm Sa-môn. Người anh ưa trì giới, ngồi thiền, một lòng cầu đạo mà không thích bố thí. Người em trái lại ưa bố thí, tu phước mà không chịu giữ giới.

Đến khi Đức Thích-ca ra đời, người anh gặp Phật, xuất gia tu học. Tuy được đạo quả A-la-hán mà lại chịu bạc phước, thường bị nạn cơm ăn áo mặc không đủ. Cùng các thầy đi khất thực, mà riêng mình thường chịu đói trở về.

Trong khi đó người em sinh trong loài voi, là một con voi có nhiều sức mạnh, có thể dẹp trừ giặc oán, được nhà vua mến trọng, dùng các món vàng bạc, ngọc báu, chuỗi anh lạc để trang điểm thân cho voi. Vua còn phong vài trăm hộ trong ấp phải cung cấp đồ cần dùng cho voi.

Người anh làm thầy Tỳ-kheo gặp lúc mất mùa, đi khất thực tiếp tục bảy ngày mà không được món gì ăn cả. Sau cùng chỉ được một ít món ăn tầm thường để duy trì mạng sống. Ngài biết con voi của vua trước kia là anh em, nên đi đến thăm, tay cầm tai voi nói nhỏ:

–Ta với ngươi đều có tội.

Voi suy nghĩ lời của thầy Tỳ-kheo dạy, liền biết được tiền kiếp, thấy rõ nguyên nhân kiếp trước của mình. Từ đó voi rất buồn rầu, không còn muốn ăn uống. Người nài chăm sóc voi thấy vậy rất sợ, đến tâu với đức vua:

–Thưa, voi không muốn ăn uống, hạ thần không biết lý do gì.

Vua hỏi người chăm sóc:

–Trước đó ngươi có thấy ai xúc phạm voi không?

Người chăm sóc voi tâu:

–Thưa không thấy có ai khác, chỉ thấy một Sa-môn đi đến bên voi, trong khoảng khắc rồi đi.

Vua liền ra lệnh cho người đi khắp nơi để tìm vị Tỳ-kheo ấy.

Có người ở trong rừng cây gặp được, liền dẫn vị Sa-môn kia đến trước nhà vua. Vua hỏi Sa-môn:

–Thầy đến bên voi của trẫm nói những gì?

Vị Sa-môn thưa:

–Tôi không nói gì nhiều, chỉ nói thẳng với voi: “Ta cùng ngươi đều có tội.”

Khi ấy Sa-môn liền thưa với vua về nhân duyên đời trước.

Nghe xong, tâm vua được tỉnh ngộ, liền thả vị Sa-môn về chỗ ở của ngài.

Vì vậy, ai là người tu phước, việc Trì giới, Bố thí đều phải thực hành, chớ thiên chấp mà công đức không được đầy đủ.


20- Ngày xưa có một thầy Tỳ-kheo phạm lỗi, bị đuổi ra khỏi chúng Tăng, trong lòng rất buồn khổ, vừa đi vừa khóc. Trên đường đi gặp một con quỷ, nó cũng bị phạm pháp, đang bị vua trời Tỳ-sa-môn đuổi. Khi ấy quỷ hỏi thầy Tỳ-kheo:

–Ông vì sao mà vừa đi vừa khóc như thế?

Vị Tỳ-kheo nói:

–Tôi phạm việc cấm của chúng Tăng nên chư Tăng đuổi, tất cả sự cúng dường của đàn-việt cho tôi đều mất sạch, lại tiếng xấu đồn khắp xa gần, vì vậy nên tôi buồn khóc.

Quỷ nói với thầy Tỳ-kheo:

–Tôi có thể giúp ông trừ bỏ hết tiếng xấu mà còn được cúng dường lớn lao.

Quỷ nói tiếp:

–Bây giờ ông có thể ngồi trên vai trái tôi, tôi sẽ vác ông bay đi trên hư không, mọi người chỉ thấy ông mà không thấy thân tôi. Nếu ông được cúng dường nhiều, nên chia cho tôi cùng hưởng.

Con quỷ kia liền vác thầy Tỳ-kheo bay trên không, ngang qua xóm làng mà trước đó thầy đã bị đuổi. Khi ấy mọi người thấy đều kinh hãi, quái lạ. Họ cho rằng vị kia đã đắc đạo, cùng nhau bàn rằng:

–Chúng Tăng không nắm được tình hình nên đã đuổi người đắc đạo một cách oan uổng.

Khi ấy mọi người trong xóm làng cùng đi đến chùa trách móc  chúng Tăng. Họ liền đi đón thầy Tỳ-kheo ấy trở về chùa và được cúng dường trọng hậu hơn trước.

Vị Tỳ-kheo ấy khi được đồ ăn cúng dường, liền đem chia phần cho quỷ, không trái với lời hứa. Con quỷ này là thuộc hạ của vị quan hầu của Tỳ-sa-môn Thiên vương.

Một hôm, đang vác vị Tỳ-kheo đi trên không, chợt thấy vị quan hầu Tỳ-sa-môn Thiên vương đi thẩm tra, quỷ rất sợ hãi, liền quăng bỏ thầy Tỳ-kheo, ra sức chạy trốn. Thầy Tỳ-kheo bị rơi xuống đất chết, đầu mình đều tan nát.

Câu chuyện thí dụ này khuyên người tu hành nên tự nỗ lực để đạt đến ý chí hướng thượng của mình, không nên tìm cầu bên ngoài.

Nếu người tu hành mà ưa nương tựa kẻ giàu có, thế lực, một mai tình thế thay đổi, sẽ như thầy Tỳ-kheo bị hại kia không khác.


21- Ngày xưa, Tôn giả Mục-kiền-liên cùng đệ tử từ núi Kỳ-xà-quật đến thành Vương xá khất thực. Tôn giả đang đi trên đường, ngước nhìn lên hư không, đột nhiên phát ra lời than, người đệ tử theo hầu thưa:

–Vì nhân duyên gì mà thầy than?

Tôn giả Mục-liên dạy:

–Con muốn biết, khi trở về gặp Đức Phật thì đem ra thưa hỏi.

Khi thầy trò khất thực xong, trở về chỗ Đức Phật đang ngự.

Người đệ tử đem việc Tôn giả đã than khi sáng ra hỏi. Mục-liên đáp:

–Ta thấy trong hư không có một ngạ quỷ, thân rất lớn, hình tướng xấu xa, có bảy viên sắt tròn vào từ miệng và xuyên suốt xuống chân, khi ra ngoài lại vào từ miệng, làm cho toàn thân bị đốt cháy, đau khổ lăn lóc, lộn nhào xuống rồi lại đứng dậy, vừa đứng dậy rồi lại lộn nhào xuống. Vì thế cho nên ta than. Việc này chẳng phải chỉ có ta thấy, Đức Thế Tôn cũng thấy như vậy.

Đệ tử hỏi:

–Do nhân duyên gì mà ngạ quỷ kia phải chịu đau khổ như vậy?

Tôn giả Mục-liên dạy:

–Ngươi nên đem việc này thưa hỏi Đức Thế Tôn.

Người đệ tử liền đến bạch với Đức Phật về nhân duyên việc kia. Khi ấy Đức Phật dạy:

–Con ngạ quỷ này, đời trước đã từng làm Sa-di. Gặp lúc đói kém, chư Tăng phải dùng đậu làm thức ăn. Chú Sa-di phân chia đồ ăn cúng dường chúng Tăng, vì có tâm thiên vị, khi đến bên thầy của mình cố bỏ thêm bảy hạt đậu. Do tạo lỗi này, cho nên phải làm thân ngạ quỷ, chịu khổ đau như vậy.

Đức Phật dạy:

–Ta cũng đã thấy, sở dĩ không nói là sợ con người không tin, phải mắc tội rất nặng.

Câu chuyện thí dụ này cho chúng ta thấy: Với một ít hạt đậu của chúng Tăng, do tâm thiên vị vì thầy chứ không phải vì mình mà tội kia còn như vậy. Huống gì Đức Phật nói lý Bát-nhã mà chúng ta không tin, lại còn phỉ báng, tội kia rất nặng, như tội ngũ nghịch, phải chịu khổ ở địa ngục không biết bao lâu.


22- Ngày xưa có một vị cư sĩ, bà vợ đang mang thai, ông thỉnh Đức Phật đến nhà cúng dường, muốn nhờ Đức Thế Tôn đoán thử bà vợ của ông sau này sinh con, sẽ là trai hay gái.

Đức Phật dạy:

–Sau này bà ấy sẽ sinh con trai, trang nghiêm tốt đẹp. Đến khi lớn khôn, tuy ở trong loài người mà hưởng thọ cái vui của cõi trời.

Nếu xuất gia tu hành sẽ được đạo quả A-la-hán.

Vị cư sĩ nghe Đức Phật dạy như vậy, trong lòng không tin. Sau đó, ông lại thỉnh nhóm Lục sư đến cúng dường để nhờ họ đoán thử.

Cư sĩ nói với Lục sư:

–Trước đây tôi đã nhờ Sa-môn Cù-đàm đoán. Ngài dạy sau này sẽ sinh con trai. Theo ý các ngài, có phải bà ấy sẽ sinh con trai không?

Lục sư đáp:

–Bà ấy sẽ sinh con gái.

Nhóm Lục sư đố kỵ với Phật pháp, nên muốn nói ngược trở lại, nhưng rồi họ lại suy nghĩ: “Nếu sau này bà ấy sinh con trai, cư sĩ này sẽ bỏ ta mà phụng sự Cù-đàm”, nên họ dùng lời quỷ quyệt mà nói với cư sĩ:

–Vợ ông sẽ sinh con trai, nếu sinh trai, sau này sẽ gặp tai họa hung ác, gia đình thân thuộc của ông bảy đời sẽ bị tuyệt diệt. Do không được tốt, cho nên trước ta nói dối là sinh con gái.

Cư sĩ nghe xong rất sợ hãi, không biết làm sao. Nhóm Lục sư liền nói với cư sĩ:

–Muốn được tốt đẹp và lợi ích nên trừ khử trước đi.

Nhóm Lục sư liền giải phẫu bà vợ của cư sĩ để trừ bỏ đứa bé.

Muốn trừ bỏ đứa bé mà trái lại bà mẹ thì bị hại. Vợ của cư sĩ chịu đựng không nổi phải chết, còn đứa bé thì không sao, vì phước đức đời trước đã giúp đứa bé.

Vị cư sĩ mang xác vợ đến nghĩa địa chất củi hỏa thiêu. Khi ngọn lửa đã cháy, Đức Phật dẫn các đệ tử đến nơi lửa đang cháy thân của bà vợ cư sĩ để xem; liền thấy trong ngọn lửa, đứa bé ngồi trên hoa sen, trang nghiêm tốt đẹp, hình thể trắng như tuyết, Đức Phật thấy vậy liền sai Tôn giả Kỳ-vực bồng đứa bé ra. Tôn giả vang lời dạy bước vào lửa bồng đứa bé ra ngoài rồi giao lại cho ông cư sĩ để ông ta mang về nuôi dưỡng.

Khi chú bé đã lớn, đến năm mười sáu tuổi, tài hoa tốt đẹp hơn người. Cư sĩ lại mở tiệc, sắm sửa thức ăn thỉnh nhóm Lục sư cúng dường. Nhóm Lục sư ngồi chưa bao lâu, liền có một người phì cười.

Có người hỏi:

–Thưa, vì sao ngài cười?

Lục sư đáp:

–Ta thấy cách đây năm vạn dặm có một núi lớn, dưới chân núi có suối nước chảy, một con khỉ rơi tõm xuống nước, vì vậy mà ta cười.

Chú bé nghe qua biết họ nói dối nên lấy bát của Lục sư bỏ canh và món ăn ở dưới, lấy cơm phủ lên trên, sai người đem bát dâng cho họ. Những bát khác thì dưới để cơm, trên để đồ ăn. Khi đại chúng đều thọ trai, riêng Lục sư giận không ăn. Chủ nhân hỏi:

–Sao các ngài không ăn?

Lục sư đáp:

–Không có canh làm sao ăn?

Chủ nhân hỏi:

–Mắt các ngài thấy xa năm vạn dặm, biết có con khỉ rơi xuống nước, sao các ngài không thấy dưới cơm trong bát có canh?

Khi nghe nói vậy, họ tự ái, càng sân giận hơn, không thể ăn được liền đứng dậy ra về.

Vị cư sĩ và chú bé nhân việc này chấm dứt không phụng sự họ nữa, mà từ đấy cư sĩ hết lòng đặt niềm tin phụng sự Tam bảo, thường theo Phật nghe pháp, sau đều được đạo quả.

Câu chuyện thí dụ này rất dài, chỉ ghi tóm lược để rõ điều thật giả là như vậy.

Pages: 1 2