SỐ 208
CHÚNG KINH TUYỂN TẠP THÍ DỤ
Sưu tập: Tỳ-kheo Đạo Lược.
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập.

 

QUYỂN 2

23- Ở nước ngoại, có một thầy chuyên tụng chú để cảm hóa rồng. Thầy dùng bình đựng đầy nước mát, tắm rửa mát mẻ rồi, đến bên ao rồng một lòng tụng chú. Khi ấy rồng ở trong ao này thấy lửa từ đáy ao cháy lên, rồi lan ra khắp trong ao chỗ nào cũng đều có lửa cháy. Rồng thấy lửa sợ hãi, ngước đầu nhìn lên núi, lại thấy lửa lớn đốt cháy núi rừng. Ngước xem đỉnh núi cũng thấy không có chỗ để nương thân. Khắp nơi đều bị lửa đốt cháy, không có nơi nào làm đất dung thân. Chỉ còn lại bình nước mát là nơi có thể vào đó để tỵ nạn.

Muốn vào đó phải dẹp bỏ thân to lớn kềnh càng, biến thành thân hình nhỏ gọn mới có thể vào trong bình nước mát được.

Ao rồng ví như cõi Dục. Ngước nhìn lên núi ví như cõi Sắc.

Nhìn đảnh núi cao ví như cõi Vô sắc. Thầy tụng chú cảm hóa rồng ví như Bồ-tát. Bình nước mát ví như Niết-bàn. Dùng chú thuật ví như pháp phương tiện. Lửa lớn đốt cháy ví như hiện cảnh vô thường.

Rồng có thân to lớn ví như lòng kiêu mạn. Thân hình nhỏ ví như long khiêm tốn.

Ở đây nói: Bồ-tát thị hiện kiếp thiêu, làm cho tất cả Dục giới, Sắc giới đều bị đốt cháy. Ngọn lửa lớn vô thường sẽ khủng bố chúng sinh, khiến cho chúng sinh diệt trừ lòng kiêu mạn, thực hành khiêm cung nhỏ nhẹ, về sau mới tiến tu để vào Niết-bàn.


24- Ngày xưa có một người thợ săn chim, anh ta giăng lưới trong rừng vắng, dùng thức ăn mà chim ưa thích đặt vào trong lưới.

Các loại chim cùng bạn bè tranh nhau đến ăn. Khi ấy thợ săn kéo sập lưới xuống, tất cả chim đều bị rơi vào bẫy lưới. Lúc ấy, có một con chim lớn đủ sức mạnh, dùng đôi cánh lớn quạt gió, cất bổng lưới lên, cùng với các chim khác bay đi. Thợ săn thấy bóng liền đi theo.

Có người nói với người thợ săn:

–Chim bay trên trời cao, còn ngươi thì đi bộ dưới đất, sao mà ngu vậy?

Thợ săn đáp:

–Không như ông nói đâu, chim kia khi trời tối sẽ tìm chỗ nghỉ, ý muốn tiến tới, thoái lui không đồng nhau. Như vậy sẽ bị rơi xuống.

Thợ săn nói như vậy và tiếp tục đi theo. Mặt trời đã sang xế chiều, thợ săn ngước nhìn bầy chim, thấy chúng nó bay ngược, bay xuôi, cạnh tranh nhau. Có con muốn đến phía Đông, con khác lại muốn sang Tây. Nhiều con mong lên rừng sâu, hoặc có con lại muốn xuống suối, khe; tranh nhau không dừng. Do ý chí bất đồng như thế, chỉ trong khoảnh khắc liền bị rơi xuống đất tất cả. Thợ săn tóm trọn rồi lần lượt giết hết.

Thợ săn là ma Ba-tuần. Giăng lưới cũng như kết sử. Mang lưới mà bay cũng như người chưa lìa kết sử mà muốn ra khỏi ba cõi. Trời chiều, tìm chỗ nghỉ, như người biếng nhác, không cầu tiến lên. Tìm chỗ nghỉ không đồng, như khởi sáu mươi hai kiến chấp tương phản nhau. Chim rơi xuống đất, như người chấp nhận tà giáo bị rơi vào địa ngục.

Do đây chúng ta biết được kết sử và trần cấu là lưới ma. Kết sử phủ che con người như lưới giăng. Được hưởng phước trời, người thì phải khéo giữ gìn thân nghiệp và khẩu nghiệp, tâm không buông lung vì chúng ta còn ở trong lưới ma. Ba đường ác là khổ, vì phải chịu sinh tử lâu dài, không thể kham nhẫn ở mãi đây vậy.


25- Ngày xưa có năm trăm người đi buôn, nương thuyền vào biển muốn tìm cầu châu báu, không may gặp lúc cá Ma-kiệt ngẩng đầu, há miệng muốn ăn nuốt tất cả chúng sinh.

Ngày ấy gió thuận, thuyền đi nhanh như tên bắn. Vị thương chủ nói với mọi người:

–Thuyền đi nhanh quá, nên hạ buồm xuống.

Nghe vậy, mọi người đều hạ buồm xuống, nhưng thuyền đi càng nhanh, không thể hãm bớt lại được. Vị thương chủ hỏi người ngồi trên cột buồm:

–Ngươi thấy những gì?

Người ấy đáp:

–Tôi thấy phía trên có hai mặt trời xuất hiện, dưới mặt trời có núi trắng, giữa là núi đen.

Vị thương chủ kinh hãi nói:

–Đây là cá lớn, chúng ta phải làm sao? Ta cùng các ngươi nay gặp tai ách ngay khốn, vào trong bụng cá này thì không ai còn sống được. Các ngươi nên tùy chỗ tôn thờ của mình mà hết lòng cầu cứu.

Khi đó mọi người đều tùy chỗ tôn thờ của mình, mà hết long cầu mong thoát khỏi ách nạn ấy. Nguyện cầu càng gấp, thuyền đi càng nhanh, chỉ trong khoảnh khắc, nếu không dừng lại được sẽ vào miệng cá tất cả. Khi ấy thương chủ bảo mọi người:

–Ta có đại thần hiệu gọi là Phật, các người đều nên bỏ chỗ tạp cầu, mà hãy cùng nhau một lòng xưng niệm.

Khi ấy năm trăm người cùng phát ra tiếng xưng niệm lớn:

“Nam-mô Phật”.

Cá nghe được hiệu Phật, tự suy nghĩ: “Ngày nay thế gian còn có Phật, tại sao ta lại nỡ sát hại chúng sinh.” Vì nghĩ thế, cá liền ngậm miệng, nước vì vậy mà chảy ngược trở lại. Thuyền lần lần xa miệng cá, năm trăm người đi buôn liền được thoát nạn.

Con cá này trước đây đã từng làm Sa-môn, do tạo tội cho nên phải thọ sinh làm loài cá có thân hình to lớn ấy. Đã nghe được tiếng xưng niệm Phật, cá nhớ lại tiền kiếp của mình, vì vậy mà tâm lành liền phát sinh.

Ở đây chúng ta thấy: Năm trăm người đi buôn chỉ một long niệm Phật, tạm xưng danh hiệu mà liền được thoát nạn. Nếu có người biết thọ trì niệm Phật tam-muội, thì tội nặng chuyển thànhnhẹ, tội nhẹ được tiêu trừ. Câu chuyện trên đủ để làm chứng nghiệm vậy.


26- Ngày xưa có một chú đồ tể đi đến gặp vua A-xà-thế cầu xin một ước nguyện. Vua bảo:

–Ngươi cầu xin điều gì?

Anh ta thưa:

–Khi ngài mở hội cúng tế, cần mổ giết súc vật, nếu vua chấp nhận tôi sẽ tận tâm làm việc ấy.

Vua nói:

–Mổ giết là việc ít ai ưa, vì sao ngươi lại muốn làm?

Thưa:

–Tôi ngày xưa vốn là người nghèo, chuyên nghề giết dê bán để tự sinh sống. Nhờ việc làm đó, sau khi chết được sinh cõi trời Tứ Thiên vương. Hết tuổi thọ ở cõi trời, sinh trở lại làm người, tiếp tục làm nghề giết dê. Khi chết lại được sinh lên cõi trời lần thứ hai. Như vậy sáu đời ở dương gian làm nghề giết dê, nhờ đó mà sáu lần được sinh lên cõi trời, thọ phước không thể lường được. Vì lý do như vậy nên tôi đến đây xin vua làm việc mổ giết ấy.

Vua nói:

–Ngươi đặt bày nói dối như vậy, chứ ngươi làm sao biết được.

Anh ta thưa:

–Tôi biết được đời trước.

Vua nghe không thể tin, cho là nói dối, vua suy nghĩ: “Kẻ hạ tiện như vậy làm sao có thể biết được tiền kiếp?”. Sau đó, vua được gặp Đức Phật, liền đem việc ấy thưa hỏi. Đức Phậy dạy:

–Thật như lời anh ấy nói, không phải hư dối. Vị này đời trước đã từng gặp được Bích-chi-phật. Anh ta thấy vị Bích-chi-phật long hoan hỷ, chí tâm quán sát kỹ, chiêm ngưỡng từ đầu cho đến chân, rồi liền phát sinh tâm lành. Do nhân duyên đó mà được sáu lần sinh lên cõi trời, sáu lần trở lại nhân gian, tự biết được túc mạng. Do phước đức đã thuần thục nên chưa đến lúc phải thọ quả khổ. Khi hết thân này, mới đọa vào địa ngục chịu tội đã giết dê. Tội ở địa ngục mãn, sẽ phải sinh làm dê nhiều lần để thường mạng. Tên đồ tể ấy chỉ biết một ít đời trước, thấy sáu lần được sinh lên trời mà không biết được đời thứ bảy: Khi thọ thân người thì phước đã tạo trước đó rồi, nên mới hiểu lầm rằng: “Nhờ giết dê mà được sinh lên cõi trời.” Như vậy chỉ biết được đời trước, chẳng phải thần thông mà cũng chẳng phải là người sáng suốt đâu!

Vì thế nên người tu hành khi tạo công đức phải phát nguyện, chớ có buông thả, khiến quả báo không rõ ràng. Lấy chuyện thí dụ này để có thể chiêm nghiệm vậy.


27- Thời Đức Phật còn tại thế, Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, Ngài sinh trong vương cung, xuất gia tìm đạo, sáu năm khổ hạnh. Sau đó ngồi dưới gốc cây Bồ-đề mà được giác ngộ. Như vậy quả Phật, có phải dễ được thành tựu hay không?

Đức Phật dạy Tôn giả A-nan:

–Ngày xưa có vị trưởng giả rất giàu có, các thứ châu báu đều đủ cả, chỉ thiếu hạt ngọc bội trân châu. Cho là chưa đủ, ông liền dẫn người vào biển tìm châu báu. Trải qua biết bao nhiêu điều nguy hiểm, trở ngại mới đến chỗ có ngọc châu, phải chích lấy máu trong thân đựng trong túi, đặt dưới đáy biển. Con sò có ngọc nghe mùi máu đến ăn mới bắt được nó, tách vỏ sỏ để lấy ngọc. Chọn lựa trong suốt ba năm mới có được một hạt ngọc bội trân châu.

Khi trở về, băng qua biển gặp một hòn đảo, ghé vào lấy nước ngọt, đồng bạn thấy ông ta được ngọc báu nên lập mưu với nhau. Khi xuống thuyền lấy nước, họ xô ông ta xuống giếng, lấp lại rồi bỏ đi.

Vị trưởng giả bị rơi xuống đáy giếng, Sau đó tình cờ, một hôm ông thấy một con sư tử từ trong hốc đá bên hông giếng đi vào uống nước, ông rất sợ hãi. Khi sư tử đã lui ra, ông lần mò theo lỗ hổng ấy mà được ra ngoài đất liền.

Những người bạn kia cướp được châu báu, trở về nhà trước. Khi ông tìm được đường trở về nhà, liền gọi những người bạn kia đến hỏi:

–Các ngươi âm mưu hại ta lấy ngọc bội trân châu, cho rằng không ai biết. Nay ta đã trở về đây, các ngươi nếu biết khôn ngoan, tế nhị, hãy giao trả tất cả ngọc báu lại cho ta. Nếu không, ta sẽ tố cáo các ngươi.

Những người kia sợ hãi, cùng nhau giao trả số ngọc châu trở lại cho ông ta, trong đó có cả hạt ngọc bội trân châu. Lúc đó trong nhà có hai đứa con nhỏ của ông ta, đang chơi giỡn với nhau, được thấy hạt châu, nó hỏi nhau:

–Ngọc châu này từ đâu mà có?

Chú bé nói:

–Nó sinh từ trong túi em đây.

Chú bé lớn hơn nói:

–Nó được cất giữ ở trong túi nhà mình.

Người cha nghe các con nói như vậy liền cười. Bà vợ hỏi:

–Ông cười gì vậy?

Ông đáp:

–Ta có được hạt châu này rất khó khăn, cực nhọc. Các con nương theo ta mà có, làm sao biết được nguồn gốc của hạt châu, nên nó cho rằng hạt châu có từ trong túi.

Đức Phật dạy Tôn giả A-nan:

–Ngươi chỉ biết Ta thành Phật dưới gốc cây Bồ-đề mà không hiểu rõ Ta từ vô số kiếp, siêng năng khó khổ, tu hành Bồ-tát đạo, đến nay mới thành tựu, nên các ông cho là dễ. Như chú bé cho rằng ngọc báu xuất phát từ trong túi vậy!

Như vậy muốn thành tựu đạo quả phải phát tâm tu theo Lục độ vạn hạnh của Bồ-tát, tích chứa công đức trong nhiều kiếp, chứ chẳng phải chỉ làm một việc, tu một hạnh, xả bỏ một thân mà có thể được đạo vậy.


28- Ngày xưa có một vị đạo sư muốn vào biển để tìm châu báu.

Thời ấy có năm trăm người xin cùng đi theo. Đạo sư nói:

–Người đi vào biển sẽ gặp năm thứ tai nạn là:

  1. Ghềnh thác.
  2. Sóng nước xoáy tròn.
  3. Cá lớn.
  4. Quỷ dữ.
  5. Cỏ thơm ăn vào bị say.

Nếu người nào đủ quyết tâm vượt qua năm tai nạn này thì có thể cùng đi biển.

Tất cả đều chấp nhận và cùng sửa soạn các thứ cần thiết xong, đến lúc thuận gió xuôi buồm vào biển.

Đến được bãi biển có châu báu, mọi người đi tìm châu báu.

Trong nhóm có một người không chế ngự được, ăn nhằm cỏ thơm, say nằm bảy ngày. Mọi người kiếm châu báu đã đủ, gió thuận thổi đến, họ chuẩn bị trở về. Đạo sư dùng tiếng trống tập hợp tất cả lại.

Riêng một người chưa thỏa mãn, không chịu trở về, tiếp tục tìm cầu châu báu. Trên đường đi tìm, anh ta gặp một người khác ăn nhầm cỏ thơm say nằm dưới gốc cây, chưa tỉnh, liền dìu vị ấy về trại. Sau đó hai người cùng chặt cây lớn làm bè, kiếm cây làm sào chống, cùng nhau trở về nước. Người nhà nghe tin rất mừng, đều đến đón trở về.

Người bị say trên đảo tự thấy mình không tìm được vật báu nào cả nên đau khổ, hổ thẹn. Anh ta buồn nên vác gậy vào chợ thăm chơi. Có người trong chợ thấy gậy quý nên đi theo trả giá. Họ đòi mua với giá hai ngàn lượng vàng. Vị ấy thấy giá mua quá cao, ngoài mức mong ước nên anh ta chịu bán. Khi bán xong hỏi người mua:

–Gậy này có công dụng gì mà anh mua với giá ấy?

Người mua nói:

–Đây là cây báu, nếu nghiền nó ra làm bột, đốt thành khói, xông các loại ngói đá thì ngói đá ấy sẽ thành ngọc châu.

Người bán thấy vậy xin lại được chút ít đem về thử nghiệm.

Quả đúng như lời nói của người kia, các thứ gạch đá được xông đều thành châu báu quý giá.

Dụ này nói: Vị Đạo sư là Bồ-tát. Năm nạn là chỉ cho năm uẩn.

Bến châu báu là pháp Bát-nhã, là Thất thánh tài. Người say là theo tánh biếng nhác mà bỏ phế đạo nghiệp. Chặt nhằm cây báu là tự mình phải siêng năng tu hành cho đến kết quả thì mới phát khởi tinh tấn hơn. Xông ngói đá thành châu báu nghĩa là dùng kinh điển, giáo pháp huấn tập cho người làm ác thành bậc pháp khí vậy.


29- Ngày xưa ở trong núi có hai vị Sa-môn an nhàn hành đạo, chứng đắc sáu phép thần thông. Cách chỗ ở của hai vị không xa, có một con sư tử sinh được hai con nhỏ, sau dần dần lớn khôn. Sư tử mẹ muốn đi xa, trong lòng suy nghĩ: “Chỉ có đạo đức của hai vị thầy Từ bi kia mới có thể ủy thác thân mạng.” Sư tử đến thưa:

–Con muốn đi lại kiếm sống mà hai con còn nhỏ, sợ người làm tổn thương giết hại, muốn đem gởi Đạo nhân, xin mong ngài Từ bi giúp đỡ, con sẽ tới lui thăm viếng.

Đạo nhân chấp nhận nuôi hai con sư tử. Khi sư tử mẹ trở về, thấy hai con nương theo Đạo nhân nên an tâm đi nữa. Đạo nhân mỗi khi khất thực về, đem đồ ăn dư cho hai sư tử con cùng ăn. Mỗi lần thấy Đạo nhân về, nó đều chạy ra vui mừng nghênh đón.

Sau đó Đạo nhân đi vắng, có người thợ săn thấy được sư tử, cả hai con đều chạy trốn vào cỏ rậm. Thợ săn muốn mượn hình thức của Đạo nhân nên lẻn vào tịnh thất lấy trộm áo ca-sa mặc vào, đi đến đám cỏ vạch tìm. Sư tử tưởng lầm là Đạo nhân liền chạy đến nên bị thợ săn bắn chết. Ông ta lột da sư tử để làm áo lông, giá bán cả ngàn lượng vàng.

Khi vị Đạo nhân trở về không thấy sư tử, liền ngồi thiền quan sát, biết là đã bị thợ săn giết. Vì lòng Từ, Sa-môn dùng thần lực lấy da sư tử trở lại làm nệm lót ngồi thiền, miệng thường vì hai sư tử mà chú nguyện.

Về sau, Đạo nhân lại ngồi thiền quán sát, biết kiếp sau chúng nó sẽ được sinh vào nước kia, làm con của vị trưởng giả. Đạo nhân đi đến nhàvị trưởng giả, hỏi ông ta muốn mong cầu gì. Ông ta thưa:

–Chúng tôi chỉ phiền là không có con.

Vị Đạo nhân dạy:

–Tôi sẽ vì trưởng giả mà cầu tự.

Trưởng giả nghe vậy rất vui mừng. Đạo nhân nói:

–Nếu có con, ông báo ân như thế nào?

Trưởng giả thưa:

–Nếu con khôn lớn, tôi sẽ cho ngài làm Sa-di.

Đạo nhân nói:

–Ông chớ quên lời nguyện trọng yếu này.

Sau đó, bà vợ vị trưởng giả có thai, sinh được hai người con trai giống nhau như đúc. Đến lúc đã tám, chín tuổi, Đạo nhân đi ngang qua, ghé vào thăm vị trưởng giả. Hai đứa bé vừa gặp, tự nhiên rất mừng rỡ, mến thương. Đạo nhân nói với trưởng giả:

–Đạo hữu còn nhớ lời nguyện trước đây không?

Vợ chồng trưởng giả không dám trái lời nguyện, liền dẫn hai con đến đảnh lễ Sa-môn, xin theo thầy làm đệ tử.

Thầy dẫn vào núi chỉ dạy phương pháp tu hành. Nhờ hai chú bé đều siêng năng tinh tấn, sau cả hai đều được đạo quả A-la-hán. Họ thường ngồi trên tấm da cũ, ngày ngày nhập định. Khi tự quán sát đời trước, liền biết tấm da này là thân cũ của mình đời trước, liền đứng dậy lễ tạ. Họ cũng biết được nhờ ân đức, năng lực của thầy nên mới được đạo.

Vì vậy chúng ta biết rằng: Tất cả năng lực hộ niệm của bậc Ân sư là vô cùng to lớn. Loài cầm thú mà phát thiện tâm còn được giải thoát; huống gì chúng ta chú tâm phát thiện nguyện mà không được giải thoát hay sao?


30- Ngày xưa, có một chú đồ tể muốn cúng dường người tu hành, nhưng vì nhà chú ấy làm nghề ác, dù cố tâm mà không có Đạo nhân nào đến viếng nhà. Sau gặp được một Sa-môn còn trẻ mà có oai nghi đáng kính, anh ta thỉnh vị ấy đến nhà cúng dường.

Sau khi thọ trai xong, gia chủ phát nguyện thỉnh Đạo nhân đến nhà để xin cúng dường trọn đời. Đạo nhân chấp nhận, nên thường đến nhà thọ trai. Sa-môn tuy thấy việc sát sinh mà không dám can gián, quở trách.

Trải qua nhiều năm, sau đó người cha của chú đồ tể chết, bị đọa làm quỷ ở một dòng sông, thường dùng dao để tự cắt xẻ thân.

Khi thân đã phục hồi, lại cắt xẻ nữa. Một hôm, Đạo nhân đi qua sông, con quỷ đến níu thuyền lại nói:

–Hãy bỏ Đạo nhân kia xuống sông thuyền mới có thể đi được!

Mọi người trong thuyền sợ hãi không biết sao, nhưng quỷ lại nói tiếp:

–Nhà ta xưa nay cúng dường Đạo nhân kia, đã trải qua nhiều năm tháng mà ông ta không có lời quở trách, can gián ta làm việc sát sinh, nay mới chịu tai ương này. Ta rất giận, nên muốn giết ông ấy.

Người đi thuyền nói:

–Ông chỉ sát hại sinh vật mà còn phải chịu tai họa như vậy, huống hồ làm tổn hại Đạo nhân!

Quỷ nói:

–Tôi cũng biết như vậy, nhưng vì sân hận cho nên mới nói như thế. Nếu quý vị có thể vì tôi mà bố thí làm phước, kêu tên chú nguyện cho tôi, tôi sẽ buông thả cho quý vị đi.

Sa-môn và người trong thuyền nghe vậy đều hứa sẽ làm phước hồi hướng cho quỷ. Quỷ liền buông thả.

Đạo nhân về thiết lập trai hội, cúng dường chúng Tăng và kêu tên chú nguyện cho quỷ. Những người khác cũng lần lượt thiết lập trai hội cúng dường chú nguyện. Khi mọi người đã làm xong, đến bên sông gọi quỷ hỏi:

–Ngươi đã được cảm ứng gì chưa?

Quỷ nói:

–Tôi nay đã bớt khổ, không còn phải tự hành hạ nữa.

Mọi người đã đi thuyền, nói rằng:

–Ngày mai chúng tôi sẽ cùng nhau vì ông thiết trai cúng dường chú nguyện. Vậy ông có thể đến được không?

Quỷ vui vẻ nói:

–Tôi sẽ đến được.

Sáng ngày mai, quỷ hóa làm một người Bà-la-môn đi đến trai hội, tự tay đem cơm cúng dường, tự nhận lời chú nguyện. Thượng tọa đại diện chúng Tăng, vì ông ta nói kinh. Quỷ nghe xong liền được đạo quả Tu-đà-hoàn, vui vẻ lạy tạ mà lui ra.

Do vậy người bố thí, kẻ thọ thí đều phải đúng như pháp mà có lời can gián chính đáng. Ông ta nhờ phước cúng dường, cho nên bị đọa vào đường ác mà cũng còn có nhiều thiện duyên.

Luận rằng: Hiểu biết thiện tri thức là một nhân duyên lớn vậy.


31- Ngày xưa có một số thương khách ra biển để tìm châu báu, gặp một vị Long thần hình thù to lớn, làm cho thuyền chao đảo muốn đắm. Mọi người đều sợ hãi. Long thần nói:

–Các ngươi có đi qua nước kia không?

Thương khách thưa:

–Chúng tôi có qua nước ấy.

Long thần đem một cái trứng lớn bằng cái bình, nặng năm thăng và bảo những người thương buôn:

–Các ngươi đem trứng này đến đặt gần chợ của nước kia, dưới một tàng cây lớn. Nếu các người không làm đúng như vậy, sau này ta sẽ giết các ngươi.

Những thương khách kia hứa sẽ làm theo. Khi đã đến nước kia, họ tìm cách lén đặt trứng ở gần chợ, dưới gốc cây. Từ đó về sau, trong nước này gặp nhiều tai biến, tật dịch. Nhà vua cho mời đạo sĩ đến để suy đoán nguyên do tai nạn. Ông ta bảo:

–Có một cái trứng độc đang ở trong nước nên mới có thiên tai, tật dịch. Bệ hạ hãy cho người lục tìm, đốt bỏ đi, bệnh tật sẽ được dứt trừ.

Những thương khách sau đó trở về, đi ngang qua biển, gặp lại Long thần, ông ta hỏi họ việc ấy xảy ra như thế nào. Những thương khách nói:

–Trước đây, chúng tôi đã theo lời thần dạy, lén đặt cái trứng vào trong chợ, khiến cho trong nước ấy bị nhiều tật, dịch. Vua nước ấy triệu Phạm chí đến; ông ta bảo có trứng độc, phải tìm để thiêu đốt mới hết tật dịch.

Long thần bảo:

–Ta hận không giết bọn tôi tớ.

Các thương khách hỏi vị thần:

–Vì sao ngài giận ghét họ như vậy?

Long thần nói:

–Các ngươi đã từng nghe ở nước kia có một chú bé rất dung kiện tên ấy không?

Thương khách thưa:

–Chúng tôi có nghe danh, nhưng người ấy đã chết rồi mà!

Long thần bảo:

–Đó là thân trước của ta. Ta thời ấy khi còn sống ưa lấn hiếp, hại người trong nước. Ngay từ đầu không ai dạy bảo, quở trách ta mà chỉ có khen ngợi ta mà thôi. Do lỗi lầm ấy mà nay ta phải đọa vào loài rắn độc, nên ta muốn giết hết họ vậy.

Vì chuyện này, cho nên chúng ta phải cố gắng can gián những sai lầm của người khác; luôn luôn sống thuận thảo với nhau. Cũng chớ nương vào những thế lực nhất thời để lấn hiếp người, vì như thế sẽ phải chịu khổ đau, đọa lạc trong ba đường ác, làm thân quỷ thần, chỉ có thể nghe tiếng mà không thấy hình dáng ở đâu cả.


32- Ngày xưa ở nước Ba-la-nại, có năm trăm người mù đi xin ăn khắp nơi, gặp lúc đói kém rất khó kiếm thức ăn. Họ cùng bàn luận với nhau:

–Đức Phật hiện đang ở tại thành Xá-vệ, Ngài thường dạy người phải nhân ái và bố thí. Chúng ta hãy tìm đến nước đó, mới có thể kiếm sống được.

Sau đó họ tìm thuê một người để dẫn đường. Vị ấy chịu hướng dẫn với giá mỗi người mù phải trả một đồng tiền vàng, thì ông ta hứa sẽ đem họ đến nước đó.

Khi đến đoạn đường khó đi, người hướng dẫn nói với những người mù:

–Con đường chúng ta sẽ đi qua rất nguy hiểm, các ngươi đem tất cả tiền bạc giao cho ta. Nếu gặp giặc cướp thì ta sẽ cất giấu cho.

Những người mù nghe nói vậy, đều đem tiền bạc giao phó hết cho anh ta. Người kia khi đã có tiền bạc liền bỏ đi, các người mù đi quanh quẩn vài ngày, bị đó khát mà chẳng biết đường thoát thân.

Với hoàn cảnh khó khăn như thế này họ chỉ biết hướng về Đức Phật và đều thành tâm khấn nguyện:

–Đức Phật là Bậc Thần Thánh có nhiều năng lực. Xin Ngài thương xót chúng con, khiến cho chúng con thoát khỏi khổ nạn này.

Khi ấy Đức Phật vận thần thông hiện ra trước mắt họ, dùng tay sờ đầu, nhờ đó mà những người mù ấy đôi mắt liền được sáng tỏ, mà cũng không còn cảm thấy đói nữa. Khi được sáng mắt, năm trăm vị ấy quá vui mừng và đều phát tâm nguyện theo làm đệ tử. Đức Phật mở lòng Từ bi hứa khả, tất cả năm trăm vị ấy, râu tóc đều tự rụng, y pháp, bình bát tự có đủ, thành tướng Sa-môn. Đức Phật vì họ mà giảng nói giáo pháp. Sau khi nghe xong, tất cả đều chứng quả A-lahán; vận thần thông bay theo Đức Phật, trở về tinh xá Kỳ hoàn. Tôn giả A-nan bạch với Đức Phật:

–Năm trăm vị này kiếp trước đã tạo tội gì? Tu phước gì mà phải gặp những hoàn cảnh đặc biệt như vậy?

Đức Phật dạy:

–Đời trước rất lâu xa, có một vị trưởng giả thuê năm trăm vị ấy làm công. Họ đều đã lấy tiền trước nhưng không chịu làm, mà rủ nhau bỏ trốn. Đã trải qua nhiều đời, nay phải chịu tai nạn này vậy.

Trưởng giả thời ấy nay là người lấy hết tiền của những người mù này mà vẫn bỏ họ để đi. Nhờ vậy, nợ kiếp trước được trả xong, gặp Ta khai ngộ cho, tất cả đều được đạo quả.

Tội, phước rõ ràng như vậy. Do con người tạo nghiệp không đồng, nên khi sinh ra ở đời, hoặc là để tạo nghiệp, hoặc là để trả nghiệp. Chúng ta không thể không cẩn thận.


33- Ngày xưa, có hai người thân thích gần gũi và hiểu biết lẫn nhau nên không bao giờ trái ý, mất lòng nhau. Sau đó có một người phạm phải tội chết, liền chạy đến người thân kia để nương tựa.

Người kia không đón tiếp, lại lạnh lùng hỏi:

–Ngươi là ai?

Người phạm tội đáp:

–Ta là người quen thường lo lắng cho ngươi đó. Nay có tội nên đến nhờ giúp đỡ.

Người thân kia nói:

–Khi bình thường là thân thích, ngươi giúp đỡ ta, nhưng nay ngươi gặp việc gấp thì phải tìm đường mạnh ai nấy đi, không như lúc trước được.

Người phạm tội rất buồn, tự nghĩ: “Ta lúc bình thường cùng với nó thân cận tới lui, ăn uống, lo lắng cho nhau, không một phút xa lìa.

Nay gặp khó khăn, sao đành lìa nhau, nó thật không phải là người bạn tốt!”

Người phạm tội kia buồn khổ đi vào trong núi, sau đó lại được gặp một vị Thiện tri thức, vị ấy lại vui vẻ đón mừng, mở cửa mời vào, tìm cách che chở và nói:

–Lúc trước ngươi với ta tuy tình cảm sơ sài, nhưng nay ngươi gặp khó khăn, ta sẽ đem ngươi đến chỗ an ổn.

Vị ấy liền dùng xe chở nhiều của báu và tự mình đưa vị ấy đến một nước khác, dẫn đến gặp gỡ, thăm viếng, làm quen với vua chúa, trưởng giả, rồi vì ông ta mà tạo lập cung điện, nhà cửa, sắp xếp ruộng vườn, tiền bạc, vật báu, cung cấp cho đầy đủ tất cả rồi mới trở về.

Đức Phật thấy việc này đều có trong mỗi người chúng ta nên dẫn làm thí dụ. Kẻ lanh lợi bị phạm tội ví cho tinh thần của con người chúng ta. Người bạn thân gần là ví cho thân tứ đại. Thiện tri thức là ví cho phước nghiệp của con người làm các công đức như giữ gìn Tam quy, Ngũ giới.

Người kia khi còn sống chỉ biết cung dưỡng thân tứ đại, thường đem đồ ăn uống ngon, áo mặc đẹp, thuốc thang, chỗ ở, tạo điều kiện giúp đỡ cho thân không thiếu thốn. Khi vô thường đến phải đọa vào địa ngục ác thú, đến cầu xin thân tứ đại kia trốn tránh trong khoảnh khắc. Thân tứ đại lại lạnh lùng đóng cửa, không xem thân thích như trước nữa!

Sau gặp thiện tri thức, vị tri thức này đem đến nước khác, đưa vào chỗ an ổn, cung cấp đồ cần dùng không có thiếu sót, ví như người có Bố thí, Trì giới, đến khi chết nhờ năng lực của phước đức dẫn đến cõi trời, ở trong cung điện bảy báu, mang áo đẹp, đồ ăn trăm vị của cõi trời tự nhiên đều có, vui sướng vô cùng.

Vì vậy cho nên người sinh ra ở đời chớ đặt nặng việc ăn uống, nuôi dưỡng bản thân, mà chúng ta phải nên cắt giảm tạo phước đức để dành cho đời sau. Nếu như chỉ biết nuôi dưỡng thân tứ đại đâu có lợi ích gì! Người hiểu biết nên thực hành như vậy.


34- Sau khi Đức Phật vào Niết-bàn một trăm năm có một ông vua phụng thờ Thiên thần, thường tổ chức cúng tế lớn, dùng đến bò, dê, heo, chó, gà, vịt … mỗi loại hằng trăm con; tất cả đều giao phó cho vị phụ trách nhà bếp lo liệu. Trong các đầu bếp, có một vị đã thọ giới Ưu-bà-tắc. Ông ta nói với người giám sát việc bếp:

–Tôi phát nguyện trì giới của Phật, không thể làm việc giết hại.

Vị giám sát rất giận, đem câu phát biểu kia tâu với nhà vua, muốn vua trị tội người ấy. Khi gặp, vua hỏi:

–Nếu ngươi cố ý trái lệnh ta, ta sẽ giết ngươi.

Đầu bếp thưa:

–Tôi là đệ tử của Phật, đã phát nguyện giữ gìn năm giới, thà chịu mất thân mạng, không thể trái lời Đức Phật dạy mà làm việc sát hại. Nếu theo lệnh vua mà phạm giới sát, khi chết đọa vào địa ngục trải qua muôn vạn năm tội hết mới được ra khỏi. Nếu được sinh làm người cũng thường bị chết yểu. Trái lại, nếu biết giữ gìn giới không sai phạm, dẫu bị vua giết, khi chết sẽ được sinh lên cõi trời. Nếu được hưởng phước ở cõi đời, tất cả mong cầu đều tự nhiên có. Vì vậy, nay vì lệnh vua mà chết tôi sẽ được chuyển sinh lên cõi trời.

Quả báo của việc tạo tội và làm phước cách nhau rất xa. Nay tôi dẫu có bị chết cũng chấp nhận, không thể phạm giới.

Vua nói:

–Ta cho kỳ hạn bảy ngày sẽ dùng voi đạp chết ngươi. Nếu ngươi không chết, lời nói ấy mới có thật.

Sau bảy ngày đã hết, cư sĩ hóa như thân của Phật. Vua muốn nghiệm xem, cho năm trăm con voi đến chà đạp. Ưu-bà-tắc như pháp của Phật dạy, vận lòng thành, đưa bàn tay lên, dùng năm ngón tay tưởng thành năm hòn núi lớn, ở khoảng giữa mỗi núi có một con sư tử xuất hiện. Voi thấy sư tử hoảng sợ, đều quỳ xuống đất như khi Đức Phật còn tại thế.

Nhà vua nhờ đó mới tin và biết có Phật. Sau đó vua ra lệnh bãi bỏ việc cúng tế, theo cư sĩ hướng dẫn, để được thọ giới của Phật.

Quan lại, nhân dân cũng đều phát tâm theo thọ giới tu học. Vị cư sĩ này được vua tôn làm quốc sư.

Người hiền đức trì giới sẽ giúp ích được nhiều người như vậy.


35- Ngày xưa, khi Đức Phật còn tại thế có một vị Ưu-bà-di sớm tối cúng dường Đức Phật, một lòng thành kính, chưa từng giải đãi.

Đức Phật biết nên hỏi:

Phật tử có chí nguyện gì?

Cô ấy bạch Phật:

–Nếu con có phước báo, nguyện đời này sinh được bốn người con.

Đức Phật hỏi:

–Vì sao muốn sinh bốn người con?

Ưu-bà-di bạch Phật:

–Nếu có bốn người con, khi chúng đã khôn lớn; con sẽ cho một người chuyên buôn bán kinh doanh kiếm tiền của, vật báu.

Còn một người làm nghề nông, chăn nuôi gia súc, lúa gạo sẽ đầy bồ, lục súc tăng trưởng đầy nhà. Một người cho đi học, sau sẽ ra làm quan, ăn lộc vua, phúc ấm che chở cho cả gia đình. Người con cuối cùng sẽ xuất gia làm Sa-môn, khi thành tựu đạo quả, trở lại độ cho cha mẹ và tất cả mọi người. Cầu mong sinh được bốn người con là có ý như vậy.

Đức Phật dạy:

–Ngươi sẽ được như nguyện.

Vị Ưu-bà-di rất vui mừng, đảnh lễ Phật lui ra. Sau này lập gia đình, cô ta chỉ sinh được một người con trai, thông minh sáng suốt.

Người mẹ hết lòng mến thương ít ai so bằng.

Người con khi đã lớn khôn, thưa với mẹ:

–Vì sao mẹ để ý chăm sóc đến con nhiều như vậy?

Mẹ nói với con:

–Nguyên trước đây mẹ nguyện sinh được bốn người con, mà nay mẹ chỉ được có một mình con, nên tình thương và hy vọng của mẹ chỉ trông cậy nơi một mình con đó thôi.

Rồi mẹ nói hết ý muốn của mình cho con nghe. Người con nghe xong rất thông cảm ý nguyện của mẹ. Người con trai sau đó lúc đầu đi kinh doanh buôn bán làm ăn. Chưa đầy một năm mà tiền của dư dả bạc ức, bạc triệu. Tiếp đến, dùng tiền ấy mua ruộng vườn, trâu bò, ngựa xe gia súc đầy đủ. Đến mùa thu hoạch lúa gạo rất nhiều.

Khi đã dư dả tiếp tục học hành, sau được đổ đạt ra làm quan, vinh quy bái tổ, cưới vợ sinh được con trai, thành một gia thế hào phú nhất trong vùng. Sau người con suy nghĩ: “Sở dĩ mẹ ta mong sinh được bốn người con để mỗi người làm một việc. Nay ta thay thế đã làm xong hết ba việc. Chỉ còn một việc chưa xong. Nếu được xuất gia tu học nữa thì quá tốt đẹp. Mẹ hiền sẽ nói: Ý nguyện sinh bốn người con đã được trọn vẹn.”

Trong tâm người mẹ cũng nghĩ: “Vốn trước đây ta mong sinh bốn người con để giao phó cho mỗi người một việc mà còn lo sợ làm không xong. Việc làm của con ta bây giờ hơn cả điều mong mỏi lúc trước. Nếu con ta được xuất gia tức có thể thành đạo.”

Sau đó anh ta phát tâm xuất gia, cha mẹ, gia đình đều hoan hỷ. Anh hướng về Đức Thế Tôn nguyện làm Sa-môn tinh tấn tu hành, không bao lâu liền được đạo quả A-la-hán, trở lại độ thoát cha mẹ, gia đình và tất cả mọi người đều được phước đức, được đạo quả, ai ai cũng đều hoan hỷ vô cùng.

Vì vậy cho nên khi làm phước phải phát nguyện, biểu lộ ý chí ở bên trong thì không nguyện gì mà không được thành tựu.


36- Ngày xưa có một bà lão chỉ có một người con đã lớn, sau do bị bệnh mà chết, bà mang tử thi con để ở gò mả. Vì quá thương con, làm mất tự chủ, bà than:

–Ta chỉ có một người con để an ủi thân già, nay nó đành bỏ ra đi, ta làm sao có thể sống mà trở về một mình cho được!

Bà ấy tính sẽ cùng chết chung với con nên không ăn uống đã bốn, năm ngày rồi. Đức Phật biết được, vì lòng từ bi dẫn năm tram thầy Tỳ-kheo đi đến chỗ gò mả. Bà lão thấy Đức Phật từ xa đi đến, oai thần sáng chói, như người đang mê được ngộ, như say chợt tỉnh, liền đi đến chỗ Đức Phật đang trú, đảnh lễ đứng qua một bên. Đức

Phật hỏi bà lão:

–Bà cụ đến đây có việc gì?

Bà ấy thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, con chỉ có một người con duy nhất mà nay đã chết. Vì thương con nên con cũng muốn chết theo!

Đức Phật bảo bà lão:

–Chắc bà muốn con sống phải không?

Bà ấy thưa:

–Nếu con tôi sống lại được thì tốt quá!

Đức Phật dạy:

–Bà hãy đi lấy lửa thắp hương để ta chú nguyện, may ra nó sống lại.

Ngài lại dạy:

–Nên đến lấy lửa nơi nhà nào xưa nay chưa có ai chết.

Khi ấy bà đi tìm lửa, gặp nhà nào cũng hỏi:

–Nhà này xưa nay chưa có ai chết phải không?

Nhà nào họ cũng đều đáp như nhau:

–Từ ông bà, tổ tiên, con cháu nhà nào mà khỏi có người chết!

Trải qua cả mười nhà mà bà cũng chưa lấy được lửa, liền phải trở về chỗ Phật, bạch lại với Ngài:

–Thưa Đức Thế Tôn, con đi khắp xin lửa, nhưng không có nhà nào là không có thân nhân đã chết, cho nên con không lấy lửa được.

Đức Phật dạy:

–Từ thuở khai thiên lập địa cho đến nay, không có ai sống mà không chết. Người trước có chết thì người sống mới có chỗ để sinh hoạt thuận tiện. Riêng bà sao lại không biết mà đòi chết theo con?

Khi nghe dạy như vậy, tâm bà được cởi mở, rõ được lý vô thường. Đức Phật nhân đây nói pháp cho bà nghe. Nhờ nghe pháp bà liền được đạo quả Tu-đà-hoàn. Tại chỗ gò mả cao này có vài ngàn người đến xem, nhân đó nghe được pháp cũng đều phát tâm Vô thượng chánh chân đạo lý.


37- Ngày xưa có một người đàn ông có hai vợ. Người vợ lớn không có con; người vợ nhỏ sinh được một người con trai rất xinh đẹp, dễ thương nên bà rất vui mừng.

Người vợ lớn trong tâm rất ganh ghét, nhưng bên ngoài giả mến thương như con ruột của mình. Chú bé khi được một tuổi, trong nhà ai cũng biết bà vợ lớn luôn tỏ vẻ thương mến chú bé, nên không ai còn nghi ngờ gì. Lúc ấy bà vợ lớn mới ra tay. Bà dung một cây kim nhỏ đâm vào tai thật sâu, lấp dưới da thịt của chú bé.

Đứa bé đau đớn kêu khóc, bỏ bú, nhưng mọi người trong nhà không ai biết lý do. Bảy ngày sau nó chết, bà vợ lớn cũng khóc. Riêng bà vợ nhỏ vì nghĩ nhớ thương con, buồn khóc suốt đêm không dứt, nằm dài không ăn uống.

Về sau bà nhỏ biết bà lớn làm hại chết con mình, liền tìm cách báo thù. Bà đi đến chùa, tháp hỏi thăm các thầy Tỳ-kheo:

–Thưa các Đại đức, người mong cầu thực hiện ý nguyện, nên tu công đức gì?

Các thầy dạy:

–Muốn đạt thành chí nguyện nên thọ trì giới Bát quan trai, chỗ mong cầu sẽ được như ý.

Cô ta cùng Phật tử khác, đến quý thầy xin thọ giới Bát quan trai. Khi đã xả giới trở về nhà, bảy ngày sau thì chết, đời sau thọ sinh làm con bà vợ lớn.

Bà lớn sau này, sinh được một người con gái rất dễ thương, nhưng chỉ được một tuổi đứa bé ấy chết. Bà lớn quá buồn thương, kêu khóc đau đớn còn hơn nỗi khổ của bà vợ nhỏ.

Như vậy bà nhỏ chết đi rồi trở lại làm con bà lớn tới bảy lần, hoặc sống chỉ hai năm, ba, bốn, năm, sáu, hoặc bảy năm. Mỗi lần sinh trở lại đều đoan chánh, tốt đẹp hơn lần trước. Sau cùng, bà lớn sinh một bé gái được mười bốn tuổi đã hứa hôn với người, chỉ bệnh trong một đêm, sáng ra đã chết. Bà lớn khóc lóc, buồn đau không thể tả bỏ ăn bỏ uống, suốt đêm kêu khóc, rơi lệ tiếc thương; cố giữ thây con ở trong hòm không cho đậy nắp, hàng ngày nhìn ngắm tiếc thương. Đặc biệt sắc mặt cô bé khi chết mà còn đẹp hơn lúc còn sống.

Hơn hai mươi ngày sau có một vị A-la-hán thấy tình cảnh như vậy, thương xót cố đến để hóa độ. Ngài đi đến nhà để khất thực. Bà sai người giúp việc đem cơm cúng dường. Ngài không chịu thọ nhận mà nói với người ở:

–Ta muốn gặp bà chủ của ngươi.

Người giúp việc vào nhà thưa:

–Vị ấy muốn gặp bà chủ.

Bà ấy nói:

–Ta buồn đau muốn chết, làm sao có thể ra gặp Sa-môn?

Ngươi vì ta đem vật thực cúng, rồi mời họ đi.

Người giúp việc đem vật thực cúng Sa-môn, nhưng ngài vẫn cố không chịu đi. Sa-môn nói:

–Ta chỉ muốn gặp chủ nhân.

Cứ như vậy người giúp việc phải đi vào, đi ra vài ba lần, mà vị

Sa-môn vẫn không chịu đi. Bà ấy sầu lo không biết tính sao.

Vị Sa-môn cứ đứng ở đấy, không chịu đi, làm loạn ý định của bà. Không còn nhẫn nại được, bà liền nói với người giúp việc:

–Hãy ra mời Sa-môn vào.

Khi vị Sa-môn đi vào, thấy bà ta nhan sắc tiều tụy, đầu tóc rối bù, rủ xuống che lấp cả mặt. Sa-môn nói:

–Bà vì sao mà phải như thế này?

Bà ấy nói:

–Tôi trước sau sinh được bảy người con gái, sáng suốt, dễ thương, nhưng đều chết yểu hết, còn riêng người con gái sau cùng này đã lớn, sắp đến tuổi cài trâm lại cũng vừa mới chết, khiến tôi quá buồn khổ.

Vị Sa-môn nói:

–Hãy sửa tóc, rửa mặt đàng hoàng, tôi sẽ nói chuyện cho bà nghe.

Bà ấy cứ khóc không chịu dừng. Sa-môn gọi bà ấy nói:

–Người vợ nhỏ của nhà này nay ở đâu? Người con trai của bà ta vì sao mà phải chết?

Bà ấy khi nghe hỏi như vậy mới suy nghĩ: “Vị Sa-môn này vì sao mà biết được?”. Trong lòng bà hơi sợ hãi, e ngại. Sa-môn nói tiếp:

–Hãy mau sửa soạn cho đàng hoàng, ta sẽ vì ngươi nói rõ cho mà nghe.

Sau đó bà đã chịu vén dọn đầu tóc gọn gàng xong, vị Sa-môn lại hỏi lại:

–Bà biết con trai của bà vợ nhỏ vì sao mà chết?

Bà vợ lớn khi nghe hỏi thế, chỉ biết im lặng, không trả lời được, trong lòng hổ thẹn, không dám thưa.

Vị Sa-môn nói tiếp:

–Ngươi giết con trai người ta. Bà mẹ của nó buồn rầu áo não mà phải chết, cho nên nó cố đến làm con của ngươi trước sau bảy lần, đó là kẻ oan gia. Bà nhỏ muốn dùng việc ưu phiền, khổ độc, để giết hại ngươi. Bà bây giờ thử đến xem người con gái đã chết ở trong quan tài, để biết cô con gái cưng của ngươi bây giờ như thế nào?

Bà ấy đến xem, thấy thân con hư hoại, rã rời, hôi hám không thể đến gần. Sa-môn hỏi:

–Bà đã thấy và hiểu chưa? Vì sao bà còn cố tâm nghĩ đến?

Bà vợ lớn rất hổ thẹn, liền sai người khiêng thây thối chôn gấp.

Lúc ấy bà tỉnh ngộ, theo thầy Sa-môn cầu xin thọ giới. Thầy Sa-môn dạy:

–Sáng ngày mai, hãy vào chùa làm lễ.

Người con gái đã chết liền thọ thân rắn độc, biết bà vợ lớn đang đi xin thọ giới, nó nằm sẵn ở đường để đợi cắn chết bà ấy. Bà vợ lớn sáng mai đi đến chùa, con rắn bò ra chận đường không cho bà đi. Trời đã sáng, bà ấy rất sợ, suy nghĩ: “Ta muốn đến chùa gặp Sa-môn, ngài đã hứa cho thọ giới, con rắn này vì sao ngăn cản, không cho ta đi?”

Vị Sa-môn biết được việc đó, liền đi đến chỗ ấy. Khi đã thấy ngài đến, bà rất mừng, liền tới trước làm lễ. Thầy Sa-môn nói với con rắn:

–Ngươi nhiều đời làm vợ nhỏ của người khác, cùng nhau tạo nghiệp ác độc không thể cùng tận. Nay ngươi sinh ra ở đời bị bà lớn giết con, nhưng bà ấy đã khổ não vì bảy lần mất con. Những lỗi lầm của ngươi từ trước đều có thể độ được. Bây giờ bà ấy phát tâm đi thọ giới mà ngươi có ý xấu ác cố chận đường. Việc làm này của ngươi nếu không ăn năn sẽ đời đời đọa vào địa ngục, không có ngày ra khỏi. Nay ngươi bị làm thân rắn độc, là loài súc sinh, so ra đâu bằng bà này đang được thân người?

Con rắn khi nghe được Sa-môn dạy như thế, mới sực nhớ đời trước của mình, phiền não oán hận mới được dẹp bớt, gục đầu trên đất không dám thở, suy nghĩ lời của Sa-môn vừa dạy. Thầy Sa-môn chú nguyện:

–Nay hai ngươi nhiều đời đã làm khổ não cho nhau, lỗi lầm ấy đến nay nên chấm dứt. Từ nay về sau đừng dùng ác ý mà hại nhau nữa.

Người và rắn đều tỏ lòng ăn năn, sám hối. Con rắn liền chết, được sinh trở lại làm người. Bà lớn khi nghe thầy Sa-môn dạy như vậy, tâm được khai ngộ, ý hiểu rõ, rất vui mừng, liền được đạo quả Tu-đà-hoàn, theo thầy Sa-môn vào chùa thọ giới, làm vị Ưu-bà-di.

Do đây chúng ta nên biết: Con người đối với nhau nếu sinh ác ý, tạo tội, tạo ác nghiệp thì oan gia sẽ trở lại đối đầu với nhau mãi mãi, chúng ta không thể không cẩn thận.


38- Ngày xưa, ở nước Xá-vệ, buổi sáng có một cơn mưa máu rưới xuống, ngang rộng bốn mươi dặm. Vua và quần thần đều lấy làm lạ và rất sợ hãi. Vua cho mời các đạo gia có pháp thuật và các nhà chiêm tinh đến, đoán thử xem hiện tượng này hiền hay dữ. Có chiêm tinh gia thưa:

–Ở sách xưa có ghi: “Tai họa của mưa máu là sẽ sinh người trăn, một loài ác độc.” Phải tìm khắp trong nước cho ra người ấy, để tách riêng, phòng ngừa tai họa.

Vua nói:

–Vì sao phải tách riêng?

Chiêm tinh gia biết việc này, nói:

–Đây là người rất độc hại khó có thể lường được.

Khi ấy vua ra lệnh cho những đứa bé mới sinh, người mẹ phải bồng triệu tập về đây, dùng một cái bình trống, bảo mấy chú bé nhổ nước miếng vào trong đó. Nếu có chú bé nào nhổ vào bình liền thành lửa bốc cháy, như vậy sẽ biết đứa bé ấy là người trăn.

Khi đã khám phá ra người trăn rồi, vua tôi cùng bàn: “Nên đem nó đến chỗ vắng người, trong nước có người đáng chết, mới đưa đến đó, người trăn sẽ nhả độc giết chết.” Như vậy trước sau những người có tội bị người trăn giết chết là bảy vạn hai ngàn người.

Sau đó ở trong nước có một con sư tử xuất hiện, tiếng rống của nó vang xa bốn mươi dặm, người và vật nghe đều sợ hãi. Nó hung dữ, tàn hại, không ai chế phục nổi. Nhà vua lo sợ, chiêu mộ người tài năng trong nước, ai có thể trừ khử sư tử sẽ được tặng ngàn vàng và được phong cho một huyện, nhưng không ai dám hưởng ứng. Các quan tâu với đức vua:

–Thưa, chúng ta dùng người trăn mới có thể trừ khử được.

Vua ra lệnh cho sứ giả đến bảo với người trăn nên trừ khử con sư tử hung ác kia. Người trăn chấp nhận.

Khi người trăn đi đến chỗ sư tử ở, nó thấy sư tử từ xa, liền đi thẳng đến trước đầu, sư tử chưa kịp hành động, đã bị người trăn cắn, dùng khí độc thổi vào, sư tử bật ngửa chết ngay. Từ đây nạn dữ đã qua, nhân dân an lạc.

Sau này người trăn tuổi đã già lại hay bệnh, mạng sống không còn bao lâu nữa. Đức Phật thương cho người trăn đã tạo tội, một khi đã bị đọa vào đường ác thì rất khó mà được ra khỏi. Cho nên Ngài dạy Xá-lợi-phất:

–Ngươi nên đến khuyến hóa người trăn để khiến cho nó thoát khỏi tội nặng phải đọa lạc lâu dài sau này.

Ngài Xá-lợi-phất liền đi đến nhà người trăn, vận năng lực thần thông, đứng ngay trước mặt nó. Người trăn nổi giận nghĩ: “Ta chưa chết mà vị ấy dám coi thường, vào cửa không báo trước, lại đi thẳng đến trước mặt ta.” Nó liền phóng khí độc để hại ngài. Tôn giả Xá-lợi-phất dùng năng lực Từ bi mà đẩy khí độc ấy ra, gương mặt ngài càng sáng đẹp, một mảy lông cũng không động. Nó tiếp tục ba lần phóng độc khí mà không có thể hại được ngài. Người trăn biết đây là bậc Tôn quý, nhiều năng lực nên ác ý liền tiêu tan, niệm lành sinh khởi, dùng tâm hiền từ quan sát, chiêm ngưỡng ngài Xá-lợi-phất đến bảy lần. Ngài giảng dạy Phật pháp cho nó rồi trở về tinh xá.

Sau đó người trăn trút hơi thở cuối cùng, khi ấy trời đất có chuyển động lớn. Hiền thiện đúng mức cũng chấn động trời đất. Tạo ác to lớn cũng chấn động như vậy.

Lúc đó có vua nước Ma-kiệt đi đến thăm viếng Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ, thưa:

–Người trăn khi mạng chung, sẽ sinh vào cõi nào?

Đức Phật dạy:

–Nay người ấy đã được sinh lên cõi trời thứ nhất.

Vua nghe Đức Phật dạy như vậy lấy làm lạ, liền hỏi Đức Phật:

–Kẻ giết người, tạo tội như thế, làm sao lại được sinh lên cõi trời?

Đức Phật dạy:

–Do người kia khởi sinh tâm lành, chiêm ngưỡng toàn thân Xá-lợi-phất bảy lần. Nhờ công đức này mà được sinh lên cõi trời thứ nhất. Khi thọ mạng hết, lại được sinh lên cõi trời lần thứ hai, được sinh lên cõi trời bảy lần như thế. Sau cùng sẽ được quả Bích-chi-phật mà vào Niết-bàn.

Vua bạch Đức Phật:

–Tội đã giết bảy vạn hai ngàn người không thường mạng sao?

Đức Phật dạy:

–Khi ông ta chưa chứng quả Bích-chi-phật, thân ấy sắc vàng, đẹp như vàng ròng. Khi đang ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây bên đường, nhiếp tâm nhập định. Lúc ấy có một toán quân rất đông, có đến hơn bảy vạn người đi qua thấy Bích-chi-phật cho là người bằng vàng liền lấy tượng ấy, dùng kiếm chặt phân nhỏ ra định nhau chia, nhưng xem kỹ lại thì chỉ là thịt, tất cả đều hối hận, trả gom thịt ấy trở lại một chỗ rồi bỏ đi. Bích-chi-phật nhân đấy mà vào Niết-bàn. Tội lỗi tạo đời nay, đến khi đó gom lại để thường mạng là xong vậy.

Đức Phật dạy vua:

–Gặp được bậc Thiện tri thức, dù chứa tội lớn như nước cao cũng có thể tiêu trừ được, mà nếu chịu khó tu hành còn có thể đạt đến đạo quả.

Khi nghe Đức Phật dạy như vậy, vua và toàn thể đại chúng đều rất hoan hỷ, lễ Phật mà lui ra.


39- Ngày xưa có một thầy Sa-môn thường ngồi bên gốc cây tụng kinh, có chim bay đến đậu trên cây nghe kinh. Trong đó, có một con chim chuyên tâm nghe kinh, không nhìn bên phải, ngó sang bên trái, bị thợ săn bắn chết. Con chim này khi bị chết, tâm của nó không tán loạn, thần hồn liền sinh lên cõi trời, tự suy nghĩ: “Ta nguồn gốc từ đâu sinh lên đây?”. Khi đã biết rõ đời trước của mình, vị ấy liền trở lại dùng hoa trời rải dưới gốc cây, chỗ vị Sa-môn ngồi. Vị trời nói với thầy Sa-môn:

–Con nương nhờ ân phước, đến lắng nghe Đạo nhân tụng kinh, nên khi bỏ thân chim, được sinh lên cõi trời.

Thầy Sa-môn khi nghe tiếng nói của vị trời mà đời trước là chim, liền được dấu vết của đạo, trong khoảnh khắc không còn hiện thân. Vị trời trở về Thiên cung.

Thầy dạy: Người học đạo, khi mạng sống sắp hết, nếu tâm không tán loạn, đời sau sẽ không đọa vào đường ác, đau khổ; mà còn nhớ được đời trước của mình từ đâu sinh ra, có thể nói lại nhân duyên đời trước của mình để chỉ bày cho người sau vậy.


40- Ngày xưa, khi Đức Phật còn tại thế, cách tinh xá Kỳ hoàn bảy dặm, có một ông lão rất khỏe, thường uống rượu. Đệ tử Đức Phật là thầy A-nan, đến khuyên can:

–Nay Đức Phật đang ở gần đây, ông nên đến bái kiến Ngài.

Ông lão nói:

–Tôi nghe Đức Phật ở gần đây, ý muốn đến bái kiến Ngài. Đức Phật khéo dạy truyền trao năm giới cho người, trong đó có giới không được uống rượu. Nhưng tôi không uống rượu như trẻ nhỏ không được uống sữa, sẽ chết. Vì tôi cảm thấy không chịu được, nên không dám đến.

Sau đó, ông ta lại đi uống rượu say mèm, trên đường trở về nhà, gặp gốc cây, dùng chân đá mạnh vào, ý muốn cho trốc gốc cây lên. Ông ta liền bị té nhào xuống đất như núi lớn sụp đổ, toàn thân trầy trụa, sưng bầm đau nhức. Ông tự nói thầm: “Ta uống rượu say sưa, kết quả là sự đau đớn này, có khoái thích gì đâu? Ngài A-nan thường khuyên ta đến viếng Đức Phật, ta không chịu vâng lời. Nay thân ta chịu đau đớn không thể tả, thật đáng ân hận!”

Nghĩ xong, ông liền gọi mọi người lớn nhỏ trong nhà, nói:

–Ta nay muốn đến viếng Đức Phật.

Trong nhà ai nghe qua cũng đều kinh ngạc, vì ông xưa nay vphản đối đi gặp Phật, nay sao ông lại muốn đến thăm. Ông ta nói rồivliền ra đi, đến dừng ở trước cửa tinh xá Kỳ hoàn. Khi ấy Tôn giả A-nan thấy ông lão đứng đó, ngài vội vã đến bạch với Đức Phật:

–Thưa Đức Thế Tôn, cách Kỳ hoàn bảy dặm có một ông lão đến muốn gặp Đức Điều Ngự, đang đứng đợi ngoài cửa.

Đức Phật dạy:

–Ông lão không thể tự đến, năm trăm voi trắng cố sức dẫn đến đấy.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Thưa, con không thấy năm trăm voi, chỉ thấy ông ta đi một mình.

Đức Phật dạy thầy A-nan:

–Năm trăm voi trắng là thiện căn ở trong thân tâm của ông ta.

Khi ấy Tôn giả A-nan gọi ông vào, ông đến trước Phật đảnh lễ rồi thưa:

–Con lâu nay nghe Đức Phật ở đây, do vì ngu si che lấp, không chịu sớm đến để chiêm ngưỡng, mong Ngài tha thứ, diệt trừ tội lỗi cho con.

Đức Phật hỏi ông ta:

–Có năm trăm xe củi chất thành một đống lớn trên đất, muốn đốt hết, nên dùng bao nhiêu xe chở lửa?

Ông lão bạch Phật:

–Thưa, không cần dùng nhiều lửa, chỉ một đốm lửa như hạt đậu, trong khoảnh khắc sẽ cháy hết.

Đức Phật lại hỏi:

–Ông mặc áo này bao lâu rồi?

Ông lão thưa:

–Con mặc áo này đã một năm.

Đức Phật hỏi ông ta:

–Muốn giặc cái áo này cho sạch, cần thời gian bao nhiêu năm?

Ông lão thưa:

–Chỉ cần một đấu tro tốt, hòa với nước, giặt trong chốc lát liền sạch.

Đức Phật dạy:

–Tội của ông chất chứa cũng như năm trăm xe củi, lại cũng như cái áo cũ một năm bị dơ của ông vậy.

Ông lão nghe Đức Phật dạy, hiểu được liền xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tỳ-kheo và phát nguyện thọ trì năm giới. Khi ấy Đức Phật vì ông ta mà giảng pháp hơn vài trăm lời. Nghe xong, đột nhiên tâm ông được cởi mở, liền được vào địa vị Bất thoái chuyển.


41- Ngày xưa, sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn một trăm năm, có đức vua tên là A-dục. Ông rất kiêu sa tạo cung điện, nhà cửa ngang rộng đến mười dặm. Sau khi xây dựng xong, vua triệu tập các nhà điêu khắc, họa sĩ giỏi ở các tiểu quốc đến, ra lệnh cho họ tùy chỗ thích hợp mà đắp vẽ các hình tượng cho tuyệt đẹp.

Ở phía Bắc nước Kế tân có một nước nhỏ. Vì ở xa nên họa sĩ được đưa đến là người sau cùng. Anh ta nhìn xem trong cung điện, thấy khắp nơi trên vách, các họa phẩm và điêu khắc đều đã lấp đầy tất cả. Duy chỉ còn một tấm vách rộng năm thước ở một bên gần cửa ra vào là chưa đắp vẽ. Lại nhìn xem cảnh vật, anh ta đang phân vân, không biết sẽ vẽ gì đây? Ông tự suy nghĩ: “Ta trên đường về đây, có đi ngang qua một thị thành nhỏ. Ta thấy ở bên thành ấy có một ao nước, trong ao nước có hoa sen nở đầy. Đứng bên hồ ao có một người con gái rất đoan chánh, xinh đẹp, có tướng xứng đáng làm mẹ trong thiên hạ.”

Đã hồi tưởng như thế, họa sĩ liền dùng bút mực vẽ hình ảnh thành trì ao sen, có hoa đang nở đẹp và cuối cùng là hình tượng người con gái. Vừa vẽ xong thì nhà vua cũng vừa đi đến. Ông chưa vào cung điện đã thấy họa phẩm ngay này. Vua hỏi người cận vệ:

–Người nào vẽ bức tranh này?

Người hầu thưa:

–Thưa, có một họa sĩ đến sau vừa vẽ xong.

Vua cho người mời họa sĩ đến. Vua hỏi người họa sĩ kia:

–Bức họa này ngươi thấy hình thật mà vẽ hay tưởng tượng mà vẽ?

Vị họa sĩ đáp:

–Thưa, hạ thần nhân thấy thật mà tạo hình, chứ không phải tưởng tượng.

Vua hỏi:

–Ngươi chỉ như hình thật mà tạo tượng, hay có vẽ vời thêm cho đẹp?

Vị ấy thưa:

–Thưa, thần không dám vẽ vời thêm, mà chỉ vẽ đúng như thật.

Vua nhìn tướng biết người con gái này biết có thể làm mẹ trong thiên hạ. Sau đó vua sai sứ đi tìm người đẹp ấy về làm hoàng hậu.

Sứ giả vâng lệnh đi đến nước kia. Khi gặp cha mẹ của cô gái, sứ giả thưa:

–Vua sai chúng tôi đến đây mời rước hiền nữ của ông bà về làm hoàng hậu.

Cha cô gái nói:

–Con tôi đã gả đi lấy chồng rồi, làm sao đây?

Sứ giả liền đi đến nhà người chồng của cô gái và nói:

–Đức vua sai chúng tôi đi rước cô này, đường xa cách trở, ba năm mới đến được đây. Nếu anh chấp nhận vua là bậc chí tôn thì anh không nên thương tiếc, mà phải nhường vợ cho đức vua.

Người chồng này là một Ưu-bà-tắc, anh tự suy nghĩ: “Con người thường vì tài sắc mà phải bị tổn thương nguy hiểm đến thân mạng. Nay nếu ta không chấp nhận thì có thể ta và cả thân thuộc sẽ bị hại.” Đã suy nghĩ như thế nên anh đành đem vợ giao cho sứ giả.

Khi sứ giả trở về, dẫn cô gái ấy đến gặp vua, nhà vua rất vui mừng, liền mở yến tiệc phong làm hoàng hậu.

Một hôm, hoàng hậu gặp bình hoa sen thơm đẹp, không dằn được lòng thổn thức liền bật khóc, nước mắt ràn rụa. Nhà vua thấy vậy, hỏi:

–Vì lý do gì mà ái khanh phải khóc?

Hoàng hậu thưa:

–Nếu đức vua tha thứ tội cho thì thần thiếp mới dám thưa.

Vua bảo:

–Ái khanh cứ nói.

Hoàng hậu thưa:

–Hoa này có mùi hương tợ như mùi thơm nơi thân của người chồng cũ. Vì lý do đó mà thần thiếp khóc vậy.

Vua giận nói:

–Khanh bây giờ là mẫu nghi của thiên hạ, vì sao còn nghĩ đến kẻ bần tiện? Như vậy, ta sẽ giao cho thái hậu có cách sửa trị ngươi.

Nhưng ta cũng cho sứ giả tìm gặp người chồng cũ để biết mùi thơm ấy thực hư như thế nào. Nếu không thành thật thì ta sẽ trị sau.

Khi sứ giả đến thăm hỏi nhà người chồng cũ kia, người nhà thưa:

–Vị hiền giả khi đã nhường vợ, anh ta đến thưa với cha mẹ xin xuất gia làm Sa-môn, nay đã được đạo quả A-la-hán.

Sứ giả đến chỗ Đức Phật xin gặp Sa-môn và thưa:

–Vua muốn gặp và xin cúng dường Đạo nhân.

Vị Sa-môn nói:

–Ta vốn không thật có, lấy gì để gặp ta?

Sứ giả thưa:

–Đức vua muốn cúng dường Đạo nhân.

Sa-môn theo sứ giả về cung, được dẫn vào yết kiến đức vua.

Khi vua đã gặp Sa-môn, mùi trong thân của vị này còn thơm hơn cả hương của hoa sen. Vua cũng còn nghi là vị này có thể dùng dầu thơm thoa vào thân, nên ra lệnh đem nước ấm cho ngài tắm. Nhưng khi tắm xong, mùi thơm lại càng tăng thêm. Vua lại ban lụa mới để thế y cũ. Khi đắp vào, mùi thơm trong thân tỏa ra gấp bội. Lúc đó, vua mới chịu tin, thưa với Sa-môn:

–Ngài do nhân duyên gì mà mùi thơm đặc biệt như vậy? Xin ngài trình bày cho tôi được rõ.

Sa-môn thưa:

–Tôi đời trước thuộc dòng dõi Bà-la-môn. Từ xa thấy có Đạo nhân đang nói kinh, tôi liền chắp tay, vui vẻ đến lắng nghe và hết lòng tán dương vị Bồ-tát ấy, lại còn dùng một ít hương thơm đốt xông cúng dường. Do nhân duyên này, cho nên nay được phước báo thân có mùi thơm và cũng được đạo quả vậy.


42- Ngày xưa có hai cha con cùng ở chung một nhà thường đi vào núi chặt cây, phát rừng. Họ thấy dưới suối nước có vật gì óng ánh như vàng. Khi trở về nhà, người con xin cha đi đãi vàng. Nó thưa:

–Con không dùng các vật khác, tất cả đều để lại cho cha, chỉ cho con một xe bò, hai hộc gạo, một ít cỏ khô và một cái rìu chặt cây.

Người cha không cho đi, nhưng can gián một vài lần không được, người cha phải tùy thuận nhưng nói:

–Ngươi chớ trở lại nhà này nữa.

Người con đi vào núi cố đào tìm đãi vàng ở trong nước, ngày nào cũng làm mà không được gì cả. Người cha không yên tâm, đi đến xem cố quan sát xem thử vàng kia đúng vị trí của nó là ở đâu?

Ông ngước nhìn lên núi, thấy vàng nằm ở triền núi, do đó mà có bóng hiện ở dưới suối. Người cha liền leo lên núi, dùng cây sào dài thòng xuống, đẩy những thỏi vàng rơi xuống đất.

Người cha nói với con:

–Con đã biết phương pháp tìm vàng là thế nào chưa? Đâu phải chỉ đào tìm bóng dáng dưới nước, thì đời nào có vàng được?

Người con không biết cách tìm vàng là chỉ cho người không trì năm giới, chỉ chạy theo âm thanh sắc tướng. Đời sau thân người dễ gì gặp lại được.

Người cha chỉ cho cách tìm vàng phải biết xem xét tận nguồn ngọn của nó. Cũng như người thọ trì năm giới do Phật chỉ dạy, lại thêm thực hành mười điều lành, sau được sinh lên cõi trời. Còn không thì thân người đời đời không mất, thường tinh tấn tu hành cũng sẽ được thành tựu quả Phật.


43- Ngày xưa vua trời Đế Thích rất thân thiện với vị trời Phạm thiên thứ bảy. Thời ấy Phạm thiên xuống cõi trời Đao-lợi để cùng Đế Thích vui chơi. Thấy Đế Thích không vui, Phạm thiên hỏi:

–Vì sao ngài không được vui?

Đế Thích nói:

–Ngài có thấy chư Thiên trên cõi trời chúng ta lúc này bị giảm bớt đi không? Ở cõi dưới, mọi người không chịu làm việc thiện, đều bị đọa vào đường ác, khó sinh lên được. Còn các vị trên cõi trời, sinh xuống nhân gian, ít người được trở lại. Vì vậy cho nên tôi buồn.

Trời Phạm thiên nói với Đế Thích:

–Tôi đề nghị như thế này, ngài hóa làm một con sư tử rất hung mạnh, còn tôi hóa làm Bà-la-môn. Chúng ta xuống cõi Diêm-phù-đề cùng dạy người trong thiên hạ làm việc lành. Nếu họ biết làm việc thiện, sau khi chết sẽ được sinh lên cõi trời.

Bàn luận xong, hai vị liền biến hóa, cùng nhau hiện xuống một nước nọ. Sư tử đi đến đứng trước cửa thành, nói:

–Ta muốn có người để ăn thịt.

Mọi người nghe nó nói như vậy đều rất sợ hãi. Tất cả đến trước sư tử cúi đầu vái lạy, cầu xin mà nó cũng không chịu đi. Khi ấy vị Bà-la-môn nói với nhân dân trong nước:

–Con sư tử này rất hung dữ, nếu đem tội nhân đáng chết khoảng ba mươi người cho nó, thì nó sẽ đi.

Vua nước ấy nghe như vậy, liền xuất ngục đem ba mươi người phạm tội đáng chết, nạp cho sư tử. Sư tử khi nhận được người, lùa họ đi vào trong núi, nhưng chưa ăn người nào. Vị trời hóa làm Bà-la-môn nói với mọi người:

–Các vị lúc này nên thọ trì năm giới và nhớ đến mười điều lành, làm cho thân, miệng, ý được thanh tịnh thì con sư tử này sẽ không dám ăn quý vị đâu.

Mọi người cùng thưa:

–Chúng tôi sẽ phải bị chết, ở đây còn ai biết để dạy chúng tôi làm lành đâu? Nếu được, xin ngài dạy cho chúng tôi.

Khi ấy tất cả đều xin theo Bà-la-môn biến hóa ấy để thọ giới, nghe dạy việc lành. Nhờ vậy mà sư tử không ăn thịt. Sư tử nói:

–Các vị biết cải ác làm lành, ta để cho các vị trở về. Tuy vậy, ta cũng đã biết tâm của các vị. Nếu người nào từ đây về sau không giữ gìn năm giới của Phật, ta sẽ bắt người ấy ăn thịt.

Khi ấy ba mươi vị ấy được an tâm trỏ về nước, mọi người trong nước thấy vậy rất ngạc nhiên, đều đến thăm hỏi:

–Các vị làm sao mà trở về được?

Họ đều đáp:

–Rất may, chúng tôi gặp một Bà-la-môn dạy chúng tôi giữ gìn năm giới của Phật và khuyên chúng tôi thường nghĩ và làm mười điều lành. Do đó sư tử không dám giết chúng tôi, mà còn tha cho chúng tôi trở về.

Một hôm khác sư tử lại trở vào thành, người trong nước một lần nữa rất sợ hãi, họ đều theo ba mươi người kia xin thọ trì năm giới, tập làm việc lành. Sư tử thấy mọi người đã làm lành mới bỏ đi.

Nó lại đến một nước khác. Như vậy, lần lượt sư tử và vị Bà la môn đi qua tám vạn nước, dùng mọi phương tiện để khiến cho thiên hạ làm việc lành; Sau khi chết nhờ đó mà họ được sinh lên cõi trời.

Từ đây cõi trời trở lại đông vui thịnh vượng.

Bồ-tát dùng phương tiện để độ người là như vậy, sau sẽ được thành Phật.

Đức Phật dạy thầy A-nan:

–Trời Đế Thích hóa làm sư tử thời ấy là tiền thân của Ta. Còn vị Phạm thiên hóa làm Bà-la-môn là tiền thân ông Ca-diếp vậy. Lúc bấy giờ Ca-diếp đã giúp Ta hóa độ mọi người trong thiên hạ, khiến Ta mau thành tựu Phật quả. Cho nên Ta đối với ông Ca-diếp muốn nhường tòa cùng ngồi là để báo ân thời ấy vậy.


44- Ngày xưa, vào thời Đức Phật Ca-diếp còn trụ ở đời, có một đức vua tên là Câu-tuần-ni, ông ta vì Đức Phật tạo lập tinh xá, khi đã hoàn thành thì dâng cúng dường Đức Phật và chúng Tăng. Đức vua có vị công chúa thứ bảy, trước đó phụng sự các Phạm chí, sau cô ta tin theo Đức Phật. Vì vậy, Phạm chí có ý xấu và ganh ghét. Một hôm vua nằm mộng thấy mười điều quái lạ, đem hỏi các Phạm chí. Các Phạm chí suy nghĩ điều mộng, muốn nhân đó hãm hại công chúa, nên nói với vua:

–Mười điều mộng của vua không được tốt, nếu được ái nữ chịu thiêu thân cúng tế Thiên thần, đất nước mới được an lành.

Vua nghe các Phạm chí nói như vậy, trong lòng không được vui. Thấy vậy công chúa hỏi vua cha:

–Vì sao phụ vương không được vui?

Đức vua nói cho công chúa nghe việc Phạm chí đề nghị. Công chúa thưa:

–Nếu con chịu chết mà đem lại an lành cho muôn dân thì con xin nhận trách nhiệm.

Công chúa hỏi các Phạm chí:

–Bao nhiêu ngày nữa các ngài sẽ mở hội cúng tế?

Các Phạm chí thưa:

–Sau bảy ngày sẽ sửa soạn kịp.

Công chúa thưa với phụ vương:

–Ngày hy sinh của con cũng đã gần kề, mong vua cha chấp thuận cho con đến viếng Đức Phật lần cuối và cũng xin phụ vương thương con mà ra lệnh cho tất cả người ở ngoại thành phía Nam đưa tiễn con đi viếng Phật lần cuối.

Đức vua thương con nên chấp nhận, ra lệnh cho dân ở phía Nam thành tiễn công chúa đi viếng Phật. Nhân đấy công chúa dẫn nhân dân đến chỗ Đức Phật đang ngự. Đức Phật vì tất cả mà nói pháp.

Một ngày như vậy, người ở một phía thành tiễn đưa bốn ngày người ở bốn phía thành, tất cả đều đến chỗ Đức Phật nghe pháp và đều hiểu được chân lý. Công chúa lại tâu phụ vương xin người ở trong cung thành tiễn đưa, cũng như thế. Ngày thứ sáu, công chúa cầu xin vua, quan và tất cả quyến thuộc của vua quan, Phạm chí đều tiễn đưa và tất cả đều đến gặp Đức Phật, Đức Thế Tôn vì họ nói pháp, tất cả họ đều hiểu rõ chân lý giác ngộ. Lúc đó vua và mọi người đều biết các Phạm chí dối trá. Đức vua bảo các Phạm chí:

–Các ngươi dùng mưu kế cố giết ái nữ của ta. Nếu ngươi không ăn năn theo Phật xuất gia làm Sa-môn thì ta sẽ đuổi ngươi ra khỏi nước.

Các Phạm chí đã thấy lỗi và cũng không còn đường nào để lựa chọn, nên xin theo Đức Phật xuất gia làm Sa-môn. Tuy vậy, sau nhờ hiểu Phật pháp, họ tinh tấn tu hành, cũng được đạo quả A-la-hán.

Pages: 1 2