CHƯ KINH TẬP YẾU

Soạn dịch: Sa-môn Thích Đạo Thế ở chùa Tây Minh, đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 5

 

PHẦN THỨ 7: THỌ THỈNH

– Duyên thuật ý
– Duyên cúng dường
– Duyên giản ngụy
– Duyên Thánh Tăng
– Duyên thí thực
– Duyên thực thời
– Duyên thực pháp
– Duyên thực ngật

Thứ 1: Trình bày về duyên ý

Tam bảo là bình đẳng rộng lớn như hư không, không oán thù, không thân thích, dứt hẳn sự sang, hèn và sang hèn đều phù hợp tất cả tâm của đàn việt, nên trong bóng tối thường bỏ tướng, cùng với hư không vô hạn mà cho là lớn. Biết lúc tùy duyên, cùng pháp giới bình đẳng, nhân đã không cùng thì quả cũng vô tận. Vả lại, suy nghiệm ở đời nếu bố thí tài của cho người nghèo thiếu thì vật đã có hạn, tâm cũng có hạn lượng, hoặc tính toán chọn người có đức, hoặc làm mà tính toán để trừ bỏ những hư xấu, hoặc theo hình tướng mà phân biệt, hoặc xem xét hình dung cho là xấu xa. Ước tính người, vật như vậy, mà tâm hạn cuộc thì khó ghi nhận. Phước mà có giới hạn thì chẳng có đức tin, phước báo của vô hạn thì làm sao thấm nhuần, nên xưa có Tỳ-xá-khư-mẫu biệt thỉnh năm trăm vị A-la-hán bị Như Lai quở trách, không bằng thỉnh một vị Tăng phàm phu theo thứ lớp thì được phước vô lượng. Nên biết, tâm không có giới hạn thì phước đức khắp mười phương, tài của chẳng là bao nhiêu thì tâm khắp pháp giới.

Thứ 2: Nhân duyên cúng dường

Trong luận Địa Trì dạy: Bồ tát cúng dường Như Lai nói tóm lược có mười loại: Một là cúng dường thân. Hai là cúng dường Chi đề(tháp). Ba cúng dường hiện tiền. Bốn là không cúng dường hiện tiền. Năm là tự mình cúng dường. Sáu là dạy người khác cúng dường. Bảy là cúng dường tài vật. Tám là cúng dường tối thắng. Chín là cúng dường thanh tịnh. Mười cúng dường đạt đến đạo quả. Nếu Bồ tát đối với sắc thân của Phật mà thiết lễ cúng dường gọi là cúng dường thân. Nếu Bồ tát vì Như Lai mà cúng dường, hoặc cúng dường Du-bà, hoặc Quật-nhã-xá, hoặc mới hay cũ đều gọi là cúng dường tháp. Nếu Bồ tát thấy thân Phật và tháp mà thiết lễ cúng dường, thì gọi là hiện tiền cúng dường. Nếu Bồ tát đối với Như Lai và tháp mà đầy đủ tâm mong cầu, nhiều tâm hoan hỷ, hiện tiền cúng dường một đức Như Lai thì chư Phật ba đời cũng như vậy. Hiện tiền cúng dường Như Lai và tháp vô lượng thế giới mười phương ba đời, hoặc mới hay cũ. Như vậy gọi là Bồ tát cúng dường hiện tiền.

Nếu Bồ tát đối với Như Lai và tháp không hiện tiền và sau khi nhập Niết bàn, lấy Xá lợi xây Du bà, nhiều cho đến trăm vạn ức tùy theo khả năng hiện có, gọi là cúng dường rộng lớn không hiện tiền. Do nhân duyên này được vô lượng quả lớn, thường gặt được phước đức thanh tịnh, trong vô lượng đại kiếp không đọa vào đường ác, được Bồ đề Vô thượng, đầy đủ tất cả.

Nếu Bồ tát cúng dường hiện tiền công đức lớn, không cúng dường hiện tiền được công đức lớn hơn trước. Cúng dường cả hiện tiền và không hiện tiền thì được công đức thật tối thượng.

Nếu Bồ tát đối với Như Lai và tháp tự mình cúng dường không biếng nhác, dạy người khác làm, đó gọi là Bồ tát tự cúng dường.

Nếu Bồ tát đối với Như Lai và tháp mà cúng dường thanh tịnh, khiến cho thân quyến tại gia hay xuất gia đều cùng cúng dường, đó gọi là mình và người cùng cúng dường.

Nếu Bồ tát có một ít tài vật, dùng tâm từ bi bố thí cho chúng sanh ít phước nghèo khổ để họ cúng dường Như Lai và tháp khiến được an lạc mà không vì mình. Đây gọi là dạy người khác cúng dường và mình cúng dường thì được qủa báo lớn. Khiến cho người khác cúng dường thì được qủa báo thật lớn, tự mình cúng dường và bảo người khác cúng dường, thì được quả báo thật tối thắng.

Nếu Bồ tát đối với Như Lai và tháp mà cúng dường đầy đủ tất cả cơm áo, các báu, đó gọi là cúng dường tài vật.

Nếu xưa nay Bồ tát dùng tài vật cúng dường hoặc nhiều hay ít, hiện tiền hay không hiện tiền, tự làm hay người khác làm với lòng tin thanh tịnh mà cúng dường, đem căn lành này hồi hướng Bồ-đề Vô thượng, đó gọi là cúng dường tối thượng.

Nếu Bồ tát tự cúng dường Như Lai và tháp, không khinh thường, không phóng túng, không biếng nhác với tâm cung kính, thanh tịnh, không do lòng tin của người tốt hiện có mà dua nịnh mong cầu tài vật, cũng không được dùng những vật bất tịnh cúng dường, đó gọi là cúng dường vô nhiễm.

Nếu Bồ tát thù thắng không đắm nhiễm vào tài vật, cúng dường Như Lai và tháp, hoặc tự năng lực của mình hay tìm cầu từ người khác, hoặc được vật vừa ý, hoặc do biến hóa thành một, hai, ba, cho đến trăm vạn ức thân, tất cả đều kính lễ Như lai. Mỗi thân ấy hóa thành trăm ngàn cánh tay, mỗi cánh tay cầm đủ loại hoa hương cúng dường Như Lai và tháp. Tất cả thân ấy đều tán thán công đức chân thật của Như Lai đã làm lợi ích cho chúng sanh. Như vậy, gọi là năng lực cúng dường tự tại như ý, không đợi Như Lai xuất hiện ở đời. Vì sao? Vì Bồ tát an trú quả vị Bất thối chuyển, ở trong các cõi Phật chưa từng bị chướng ngại. Nếu Bồ tát không do năng lực của mình mà được tài vật, cũng không tìm cầu người khác để cúng dường, nhưng đối với chúng sanh khác cho đến vô số thế giới mười phương với tâm thượng, trung, hạ đều đã cúng dường. Bồ tát đối với tất cả sự cúng dường đó đem lòng tin thanh tịnh, với tâm giải thoát thù thắng tùy hỷ cùng khắp, Bồ tát này dùng ít phương tiện để phát khởi sự cúng dường, giữ gìn Bồ đề lớn, cho đến trong chốc lát đối với con bò bệnh hay tất cả chúng sanh đều tu tập bốn Vô lượng tâm. Đó gọi là cúng dường đạt đến đạo quả. Như Lai là bậc tối thượng đệ nhất nên thường cúng dường tài vật trước trăm lần ngàn lần cho đến vô số ví dụ không thể tính kể. Mười pháp như vậy, gọi là tất ca loại cúng dường của Bồ tát, Như lai, Pháp, Tăng cũng vậy, phải biết đối với Tam bảo này phải thực hành mười pháp cúng dường. Bồ tát đối với Như Lai nên khởi sáu tâm thanh tịnh: Là tâm ruộng phước Vô thượng. Tâm ân đức. Đối với chúng sanh Vô thượng. Tâm như hoa Ưu đàm bát khó gặp. Chỉ có độc nhất một tâm trong ba ngàn đại thiên thế giới. Tâm đối với tất cả pháp thế gian và xuất thế gian đều luôn luôn nương vào nghĩa lý. Dùng sáu tâm này, dù tưởng chút ít đến cúng dường Như lai, Pháp, Tăng cũng được vô lượng công đức, huống nữa là nhiều.

Lại nữa, trong luận Du-già dạy: Thế nào là Bồ tát ở chỗ Như Lai cúng dường Như lai? Nên biết sơ lược cúng dường có mười loại: Một là đặt ra những thứ lợi ích để cúng dường. Hai là cúng dường riêng biệt. Ba là hiện tiền cúng dường. Bốn là cúng dường không hiện tiền. Năm là tự làm cúng dường. Sáu là dạy người khác cúng dường. Bảy là dùng tài vật cung kính cúng dường. Tám là cúng dường to lớn. Chín là cúng dường thanh tịnh. Mười là cúng dường đúng pháp.

Lại trong Giới kinh của Ưu-bà-tắc, Đức Phật dạy: Này thiện nam! Bồ tát tại gia, nếu muốn thọ trì giới Ưu-bà-tắc thì trước tiên nên thứ tự cúng dường sáu phần:

Ở phương Đông là cha mẹ. Nếu có người cúng dườngy phục, cơm nước,thuốc thang, đồ nằm, phòng nhà, tiền của và cung kính lễ bái, khen ngợi, tôn trọng cha mẹ thì người này có thể cúng dường cha mẹ ở phương Đông. Cha mẹ lại lấy năm việc để báo ân: Một là một lòng thương yêu. Hai là hoàn toàn không lừa dối. Ba là xả bỏ tài sản cho người đó. Bốn là làm dòng họ quý phái. Năm là dạy việc thế tục.

Phương Nam là Thầy tổ. Nếu có người cúng dường Thầy tổ các thứ y phục, thức ăn, chỗ nằm ngồi, thuốc thang và tôn trọng, tán thán, cung kính lễ bái, sáng sớm đến chiều tối làm theo pháp lành đã học, người này có thể cúng dường Thầy tổ ở phương Nam. Vị Thầy cũng dùng năm việc để đáp ơn (đệ tử). Một là nhanh chóng dạy bảo không để mất thời gian. Hai là dạy dỗ hết lòng. Ba là (đệ tử) hơn mình không ganh tỵ. Bốn là giao phó cho Thầy nghiêm, bạn tốt. Năm là lúc lâm chung xả bỏ tài sản cho đệ tử.

Ở phương Tây là vợ con. Nếu có người dâng cúng vợ con các thứ: Y phục, thức ăn, chỗ nằm ngồi, thuốc thang, đầy đủ vật trang sức trên thân như chuỗi hột thì người này có thể cúng dường vợ con ở phương Tây. Vợ con người ấy cũng dùng mười bốn việc để báo ân lại: Một là nên hết lòng trợ cấp cho họ. Hai là thường làm lụng, trọn không nên giải đãi. Ba là mọi việc làm đều xong hoàn toàn. Bốn là làm nhanh nhẹn chớ để mất thời gian. Năm là thường trông xem khách quý. Sáu là nhà cửa phòng nhà phải sạch sẽ. Bảy là thường phải kính mến, hiền hòa. Tám là luôn dùng lời dạy bảo nhẹ nhàng. Chín là có thể giữ gìn của cải hoàn toàn. Mười là sáng dậy tỉnh táo, tối ngủ giấc sâu. Mười một là giữ gìn nhà sạch sẽ. Mười hai là có thể chịu nghe lời dạy bảo. Mười ba có thể giấu kín việc xấu. Mười bốn là có thể chăm sóc người bịnh.

Người ở phương Bắc là thiện tri thức. Nếu người nào có khả năng cung cấp và gánh vác những việc nặng cho bạn, nói ôn hòa, cung kính lễ bái, tán thán, thì người này có thể cúng dường thiện tri thức ở phương Bắc, là thiện tri thức. Lại có bốn pháp để báo ân người ấy: Một là dạy bảo tu tập pháp thiện. Hai là khiến trừ bỏ việc ác. Ba là khi sợ hãi thì được người cứu giúp. Bốn là người buôn lung thì khiến diệt trừ.

Người ở phương Dưới là giúp việc. Nếu có người cung cấp cơm áo, thuốc thang lúc bệnh thuốc thang cho kẻ giúp việc, không la mắng đánh đập, thì người này có thể cung cấp cơm áo, thuốc thang lúc bệnh cho kẻ giúp việc ở phương Dưới. Người giúp việc này lại dùng mười pháp để báo ân: Một là không gây tội lỗi. Không đợi sai bảo mới làm. Ba là làm chắc chắn phải hoàn thành. Bốn là làm nhanh mà không để thiếu sót. Năm là người chủ tuy nghèo khó nhưng nhất định không bỏ đi. Sáu là thức dậy sớm. Bảy là giữ gìn của cải. Tám là ân ít báo ân thì nhiều. Chín là luôn nhớ nghĩ kính trọng. Mười là kể điều tốt che việc xấu.

Người ở phương Trên tức là Sa-môn, Bà-la-môn… Nếu có người cúng dường y phục, thức ăn nước uống, thuốc thang lúc bệnh cho Samôn, Bà-la-môn ở phương Trên thì người ấy khi sợ hãi được cứu giúp, đói khát có người bố thí thức ăn, nghe việc ác có thể ngăn cản, cung kính, tôn trọng lễ bái tán thán. Người này là có thể cúng dường Samôn… ở phương Trên. Người xuất gia lại dùng năm pháp để báo ân: Một có thể khiến cho sanh lòng tin. Hai là dạy bảo tu tập trí tuệ. Ba là giáo hóa để thực hành bố thí. Bốn là chỉ dạy để trì giới. Năm là dạy bảo để được đa văn. Nếu người cúng dường sáu phương như vậy thì có thể tăng trưởng tài sản và sanh mạng, thường thọ trì giới Ưu-bà-tắc.

Lại trong luận Trí-độ dạy: Chư Phật cung kính pháp nên cúng dường pháp, lấy pháp làm thầy. Vì sao? Vì chư Phật ba đời đều dùng tướng quý của các pháp làm thầy.

Hỏi: Như Phật không cầu phước đức tại sao phải cúng dường?

Đáp: Đức Phật trong vô lượng kiếp, tu tập các công đức, thường thực hành các việc thiện, không chỉ cầu báo ân, mà kính công đức nên làm việc cúng dường. Khi Đức Phật còn tại thế, trưởng lão A Na Luật trước đã được thiên nhãn, mắt mù không thấy, mà may áo quần bằng tay, khi kim bị rơi, liền nói: Ai muốn phước đức thì may giúp áo quần cho tôi.

Lúc ấy, Đức Phật vừa đến nơi bảo với Tỳ-kheo: Ta là người thích làm phước đức đến may áo quần cho thầy.

Vị Tỳ-kheo biết tiếng của Đức Phật vội vã mặc y phục làm lễ dưới chân Ngài, thưa:

Đức Phật công đức đã tràn đầy sao lại thích phước đức?

Đức Phật dạy: Ta tuy công đức đã đầy đủ nhưng biết rõ năng lực công đức của báo ân nên Ta đối với tất cả chúng sanh đạt được đệ nhất tối thượng. Do công đức này nên muốn giáo hóa cho đệ tử vì thế mà dạy bảo như vậy. Ta làm các công đức tại sao các ông không làm. Như người ca múa lão luyện cả một trăm năm mà vẫn còn múa hát.

Có người quở trách nói: Người đã lão luyện một trăm năm sao lại còn múa hát?

Người ấy trả lời: Tôi không cần ca múa mà chỉ muốn dạy lại cho con cháu mới làm như vậy.

Đức Phật cũng thế, công đức đã tràn đầy, vì muốn giáo hóa cho đệ tử thực hành các công đức nên hành cúng dường.

Bà Đại Ái Đạo là mẹ nuôi của Đức Phật khi qua đời, có bốn Thiên vương tiễn đưa kim quang, Ngài ở trước đốt hương, dâng trầm cúng dường để báo ân. Tuy không cầu báo đáp mà vẫn thực hành cúng dường. Chỉ có Phật mới cúng dường Phật, còn người khác không biết công đức của Ngài. Thuyết kệ:

Người trí kính trí tuệ
Thích luận với người trí
Người trí biết trí tuệ
Như rắn biết chân mình.

Lại trong kinh Tần Tỳ Bà La Vương tác phật cúng dường dạy: Bấy giờ, vua Tần Tỳ Bà La của nước Ma-kiệt đến chỗ của Phật, thưa Thế tôn: Trẫm làm chủ trong cõi nước này có tài sản, đủ tất cả xin trọn đời cúng dường những vật cần dùng như, y phục, thức ăn, chăn màn, giường chiếu thuốc thang lúc ốm bệnh cho Như Lai và các Tỳ-kheo. Trẫm cũng sẽ khuyến khích các quan thần noi theo để được nhờ ơn cứu độ, xa lìa ba đường, hoàn toàn ở nơi an ổn.

Lại trong kinh Tạp Báu Tạng dạy: Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Có tám hạng người, nhất định phải cúng dường, bố thí không nên sanh nghi. Một là cha. Hai là mẹ. Ba là Đức Phật. Bốn là đệ tử. Năm là người đi xa. Sáu là người từ xa đến. Bảy là người bệnh. Tám là người khám bệnh.

Lại trong luận Trí độ dạy: Bồ tát thành tựu vô lượng, vô tận công đức, chỉ dùng một bữa ăn để cúng dường chư Phật và chúng Tăng mà vẫn đầy đủ không hết. Ví như dòng suối chảy mãi không khô cạn. Như Bồ tát Văn Thù Sư Lợi dùng bát cơm nhỏ hoan hỷ cúng dường tám vạn bốn ngàn vị Tăng, tất cả đều đầy đủ mà vẫn không hết. Lại nữa, Bồ tát với bát cơm này cúng dường chư Phật mười phương, chư Phật trước đã dùng đầy đủ mà vẫn còn nguyên cứ sanh ra mãi. Ví như quỷ thần được một miếng thức ăn của người mà lại tăng thêm gấp ngàn vạn lần.

Lại trong kinh Văn Thù Sư Lợi Vấn dạy: Bồ tát vì cúng dường

Phật, Pháp, Tăng, cha mẹ và anh em thì được cất giữ tài của để xây chùa tháp, tạc tượng, bố thí. Do nhân duyên này mà được nhận vàng bạc, không bị mắc tội.

Thứ 3: Nhân duyên giảm thiểu sự sai dối

Như trong kinh Hiền Ngu dạy: Nếu có đàn việt đối với mười sáu loại biệt thỉnh đầy đủ, tuy được phước báo nhưng chưa gọi là nhiều. Những gì là mười sáu? Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni đều có tám loại, cũng không bằng tự nhiên thỉnh bốn vị thì phước đức nhiều hơn trước, trong mười sáu phần không bằng một phần. Đến đời vị lai pháp sắp diệt, dù cho Tỳ-kheo nuôi vợ, giữ con, bốn người trở lên gọi là Tăng, phải cung kính như Xá Lợi Phất, Mục-kiền-liên.

Bấy giờ, Bồ tát Di Lặc hỏi chúng Tăng: Nếu có đàn việt thỉnh một Sa-môn thanh tịnh trì giới đến nhà cúng dường thì được lợi ích rất nhiều, có bằng người được mười vạn tiền không?

Khi ấy, Tôn giả Kiều Trần Như liền thưa: Giả sử người được trăm xe báu quý tính ra phước lợi đó cũng không bằng thỉnh Sa-môn thanh tịnh trì giới đến nhà cúng dường được lợi rất lớn.

Tôn giả Xá Lợi Phất thưa: Giả sử có người có châu báu đầy trong cõi Diêm phù đề còn không bằng thỉnh một vị giữ giới thanh tịnh đến nhà cúng dường được lợi như thế.

Tôn giả Mục Kiền Liên thưa: Dù cho có người được châu báu đầy trong hai thiên hạ cho đến bốn thiên hạ thì lợi ích đó cũng không bằng thỉnh một Sa-môn thanh tịnh đến nhà cúng dường sẽ được lợi ích thù thắng.

Lại trong kinh Tượng Pháp Quyết Nghi dạy: Nếu có đàn việt chuẩn bị thức ăn, cung thỉnh chư Tăng, lại bảo một người giữ cửa ngăn cản Tỳ-kheo ni và những người xin ăn nghèo cùng già bịnh, không cho vào trong hội, thọ dụng xong nhưng chẳng được phần phước lợi.

Trong kinh Phổ Quãng dạy: Bốn chúng đệ tử nếu thực hành trai giới, tâm phải thường nhớ thỉnh Tăng mười phương, không chọn lựa người lành hay dữ, trì giới hay phá giới, cao hay thấp, đến chùa thỉnh Tăng, phải theo thứ tự cúng dường không nghĩ đến sự phân biệt, phước đó mới nhiều vô lượng, vô biên. Nếu gặp vị đạt đến bốn quả vị A-lahán và người có tâm rộng lớn, nhờ công đức này mà được phước lớn, chỉ một lần nghe pháp thì đắc được đạo Niết bàn Vô thượng.

Lại luật Thập Tụng dạy: Lộc-tử-mẫu biệt thỉnh năm trăm vị A-lahán. Đức Phật dạy: Kẻ vô trí bất thiện. Ở trong Tăng, nếu theo thứ tự thỉnh một vị thì được công đức lớn, quả báo lợi ích hơn người biệt thỉnh năm trăm vị A-la-hán, tất cả xa gần đều biết.

Lại trong kinh Thỉnh Tăng phước điền và kinh Nhơn vương, đều quở trách không cho biệt thỉnh, nếu thỉnh như vậy là pháp ngoại đạo chẳng là pháp của bảy Đức Phật.

Trong kinh Phạn Võng dạy: Nếu có đàn việt đến thỉnh chúng Tăng, thì khách Tăng có phần lợi ích. Vị chủ Tăng phòng nên theo thứ lớp mời khách Tăng thọ thỉnh, nếu chư Tăng ở trước chỉ thọ thỉnh mà không mời khách Tăng thì vị chủ Tăng phòng mắc vô lượng tội, không khác súc sanh, chẳng phải Sa-môn, chẳng phải dòng họ Thích, phạm tội khinh cấu. Lại trong luận Trí độ dạy: Như có trưởng giả giàu có, ưa thích cúng dường chúng Tăng, thưa vị Tăng Tri sự: Tôi theo thứ lớp thỉnh Tăng đến nhà thọ thỉnh, mỗi ngày xin thỉnh cho đến hết các vị Sa-di. Vị Tri sự không cho Sa-di thọ thỉnh.

Các Sa-di thưa:Vì lý do gì mà không cho phép Sa-di?

Vị Tri sự đáp: Vì đàn việt không thích thỉnh người trẻ tuổi, liền nói kệ:

Tóc mai trắng như tuyết
Răng rụng da thịt nhăn
Còm lưng thân gầy yếu
Thích thỉnh chúng như vậy.

Các Sa-di đều là A-la-hán, như đánh thức vị thầy, bỗng nhiên từ chỗ ngồi liền nói kệ:

Người đàn việt vô trí
Thấy hình tướng bỏ đức
Bỏ đi tướng người trẻ
Chọn tướng già đen gầy.

Tướng của người trẻ là trên hết, như Đức Phật thuyết kệ:

Gọi là tướng trưởng lão
Không hẳn là quá già
Gầy ốm tóc bạc trắng
Già rỗng không vô đức.
Xả bỏ quả tội phước
Siêng năng tu phạm hạnh
Đã lìa tất cả pháp
Ấy gọi là Trưởng lão.

Các Sa-di ấy lại nghĩ: Chúng ta không nên ngồi xem đàn việt so sánh Tăng đẹp xấu, liền nói kệ:

Giữa khen ngợi, quở trách
Tâm chúng ta tuy một
Người này hủy pháp Phật
Phải nên khuyên dạy bảo.
Nhanh chóng đến nhà họ
Dùng giáo pháp dạy dỗ
Chúng ta không độ người
Tức là xả bỏ vật.

Ngay lúc ấy, các Sa-di tự biến đổi thân mình thành người lớn:

Tóc mai trắng như tuyết
Mi rũ che phủ mắt
Da nhăn như gợn sóng
Gáy cong tợ dây cung.
Hai tay nương gậy đi
Thứ lớp mà thọ thỉnh
Toàn thân đều run rẩy
Đi đứng không an ổn.
Ví như cây bạch dương
Theo gió mà lay động
Đàn việt thấy chúng này
Vui vẻ mời vào ngồi.
Ngồi chỉ trong giây lát
Lại thành người trẻ tuổi
Đàn việt sợ hãi nói:
Hình tướng già như thế
Lại trở thành hình trẻ
Như uống thuốc trẻ lại
Việc này là thế nào?

Các Sa-di nói: Ngươi chớ sanh nghi ngờ! Chuyện đó là thường tình, thật đáng thương xót các ngươi, nên hiện thân này. Ngươi phải nhận thấy rõ, Thánh chúng không thể lường, nói kệ:

Ví như dùng miệng muỗi
Để đo lường đáy biển
Tất cả trời và người
Không thể lường chúng Tăng.
Lấy công đức làm quý
Vẫn còn không phân biệt
Mà ngươi tính tuổi tác
Xưng hô các Đại đức
Lớn nhỏ do trí sanh
Không ở nơi già trẻ
Có trí siêng tinh tấn
Tuy nhỏ mà là lớn.
Biếng nhác không trí tuệ
Tuy lớn mà trẻ con
Nay ông bình chọn Tăng
Sai lầm vì nhỏ lớn.

Như muốn dùng ngón tay lường để biết đáy biển lớn, thì người trí buồn cười, ngươi không nghe Phật dạy: Bốn việc tuy nhỏ nhưng không thể xem thường. Thái tử tuy nhỏ nhưng sẽ làm vua của một nước, đây không thể xem thường. Con rắn tuy nhỏ nhưng nọc độc có thể làm chết người, đây không thể xem thường. Ngọn lửa tuy nhỏ nhưng có thể thiếu đốt rừng hoang, không thể xem thường. Sa-di tuy nhỏ nhưng được thần thông của bậc Thánh, lớn lao không thể xem thường. Đàn việt nghe những việc này rồi, thấy được thần thông, toàn thân lông tóc dựng ngược, chấp tay hướng về Sa-di thưa: Thưa các Đại Thánh! Hôm nay, con xin sám hối, tâm phàm phu của con mang nhiều tội lỗi, nay muốn thưa hỏi: Với lòng tin thanh tịnh, ở trong Phật bảo, Tăng bảo phước đức nào là tối thắng?

Chúng Sa-di đáp: Chúng tôi trước không thấy có sự tăng giảm trong Phật bảo, Tăng bảo. Vì sao? Như một thời, Đức Phật vào thành Xá-ba-đề khất thực có một Bà-la-môn dòng họ Bà-la-đõa-thệ, Đức Phật nhiều lần đến đó khất thực, Bà-la-môn suy nghĩ: Sa-môn này sao lại đến nhiều lần, như bị mắc nợ người. Đức Phật nói kệ:

Khi tuôn mưa thật nhiều
Nhiều ngũ cốc sanh trưởng
Tu vô số phước đức
Được phước báu vô lượng.
Có nhiều pháp thọ sanh
Nên chịu nhiều pháp tử
Thành tựu nhiều pháp Thánh
Ai chịu nhiều sanh tử!

Bà-la-môn nghe kệ xong, Đức Phật đã biết rõ tâm tàm quý của ta, nên lấy bát vào nhà đựng nhiều thức ăn hảo hạng dâng cúng Phật.

Ngài không nhận, liền bảo: Ta thuyết kệ mà được thức ăn này, Ta không ăn.

Bà-la-môn thưa: Thức ăn này nên dâng cúng ai?

Đức Phật dạy: Ta không thấy ai, trong hàng trời người có thể dùng hết thức ăn ấy, ngươi hãy bỏ trên cỏ dại hoặc trong nước không có trùng. Bà-la-môn theo lời Phật dạy mang thức ăn để vào nước không có trùng, nước liền phát ra nhiều khói lửa phun lên, như ném vào sắt nung đỏ. Bà-la-môn thấy vậy hốt hoảng nói: Chưa từng có chuyện này, cho đến trong thức ăn mà vẫn có thần lực như vậy. Bà-la-môn đảnh lễ sám hối Đức Phật, xin phép xuất gia thọ giới, dần dần diệt trừ các phiền não, đắc quả A-la-hán. Sau đó. Ma ha Kiều Đàm Di dùng y báu thượng, hạ, bằng vàng dâng cúng Phật. Ngài khuyến nên cúng dường Tăng chúng thì có thể tiêu trừ tất cả, thọ nhận hết tất ca, nên biết Phật bảo, Tăng bảo phước đức vô lượng, nói kệ:

Nếu người tôn kính Phật
Cũng nên kính trọng Tăng
Không nên có phân biệt
Tất cả đều là báu.

Lại trong kinh Pháp Cú Dụ dạy, Thế tôn nói kệ:

Đạo nhơn tâm nhớ nghĩ
Không ăn tự biết đủ
Từ đây khổ mỏng dần
Tiêu hết được sống lâu.

Trong luật Thập tụng dạy: Bấy giờ, trong thành Vương xá có một cư sĩ Thi-lợi-cừu-đa rất giàu có của cải là đệ tử của ngoại đạo. Người này thường nghi ngờ, Sa-môn Cù-đàm có Nhất thiết trí không? Cư sĩ liền đi đến chỗ Phật mời: Sáng mai Sa-môn Cù-đàm đến khất thực nhà tôi. Đức Phật vì muốn độ người này, im lặng nhận lời. Khi ấy, cư sĩ đến ngoài cửa nhà, đào đốt hầm lửa lớn mà không có khói lửa bốc lên rồi lấy cát phủ lên, lại vào nhà không trải tòa ngồi, lấy thuốc độc hòa vào thức ăn, suy nghĩ: Nếu Cù-đàm là bậc Nhất thiết trí thì sẽ biết việc này, nếu không phải thì sẽ bị rơi vào hầm lửa này và trúng thuốc độc chết. Khi ấy, bảo người đến thưa Đức Phật: Thức ăn đã làm xong.

Đức Phật bảo A Nan: Nên nói lại các Tỳ-kheo không được đi trước Ta. Đức Phật đi vào trước, chúng Tỳ-kheo đi sau. Hầm lửa của nhà Thi-lợi-cưu-đa, Đức Phật đã biến thành hồ sen đầy nước trong mát, ngọt ngào. Đức Phật và chúng Tăng bước trên lá hoa sen vào nhà, ngồi không tòa tự nhiên biến thành có tòa. Đức Phật bảo Thi-lợi: Hãy từ bỏ nghi ngờ trong tâm, Ta thật là người đạt Nhất thiết trí. Cư sĩ thấy hai năng lực, nên sanh lòng tin tôn kính Đức Phật, chấp tay thưa: Thức ăn này đã có thuốc độc, Đức Phật không dùng được.

Đức Phật bảo: Dùng thức ăn cúng dường này chúng Tăng chẳng bị bệnh. Đức Phật bảo A Nan: Truyền lệnh trong Tăng: Nếu chưa cùng nhau tụng chú cúng dường thì chưa được ăn. Chú nguyện của Phật là pháp chơn thật để diệt trừ tham giận, ngu si, mong cầu, những chất độc trong thế gian này. Nhờ chơn ngôn này mà độc dược đều tiêu tan, thức ăn tinh khiết, chúng Tăng dùng đủ rồi về. Cư sĩ ngồi trước Phật, nghe pháp ngay chỗ ngồi đắc được pháp nhãn tịnh.

Đức Phật trở về nhóm họp Tăng chúng và dạy: Từ nay không được đi trước Ta và Hòa thượng, Thượng tọa, sư Tăng, chưa cùng nhau xướng cúng dường thì chưa được ăn. Trong luận Ma-đắc-lặc-già dạy: Chúng Tăng khi đi khất thực, Thượng tọa nên dạy tất cả đều bình đẳng, cùng nhau xướng Tăng-bạt, sau đó mới ăn.

Thứ 4: Duyên Thánh Tăng

Bậc Đại giác Nê hoàn (Đức Phật), pháp quay về của Thánh chúng, Bồ tát Ứng chơn xiển dương dẫn dắt đời mạt pháp và biến khắp các cõi, tùy duyên hóa độ. Căn cơ khác biệt thì cùng nhà mà ngăn cách cõi trời, nếu ứng hợp thì khác cảnh mà như trước mặt. Chùa Chánh thắng có Tỳ-kheo Thích Pháp Nguyện, chùa Chánh-hỷ có Tỳ-kheo Thích Pháp Cảnh cuối đời Tống, niên hiệu Thái thủy, họa đồ Thánh Tăng ban đầu cho đến đầu đời Đường mới hiện điềm lành, dấu chân còn in lại trên đường, còn một nửa thì lưu lại, hoặc dấu tích trượng chống xuống in sâu trong đất. Cho nên, vua Lương Võ Đế nghe được rất vui mừng, tâm kính ngưỡng, cảm niệm đất nước nên cúng tế. Đến năm thứ tám niên hiệu Vĩnh minh, nhà vua liền lành bịnh, vui mừng nghe chim khách thuật lại mà rời khỏi chiếu chăn, cuối cùng phát thề nguyện quy y Thánh Tăng, thỉnh vào cung điện, cúng tế bảy ngày, cúng dường chư Phật, Thánh hiền và chúng Tăng thức ăn. Trai đường thật nghiêm trang, bụi trần nhỏ cũng không động. Bảy ngày hoàn mãn mới có linh cảm ứng hiện mùi thơm vi diệu của cõi trời, vào sâu trong mũi xuống tận đáy lòng, ánh sáng rọi vào mất đi mùi hương, không còn thơm nhiều, hình ảnh dấu chân và giày dép còn lưu lại đầy trai đường, dựng cây tích trượng tiếng vang lanh lảnh phát ra ngoài cửa sổ, thấy dấu tích nghe mùi hương thần khí đều rung động. Khi có những ánh sáng từ từ xuất hiện thì có hơn mười người đều nghe thấy cùng tấu lên, ngồi đầy đủ trong trai đường, an nhiên dự tiệc. Sở dĩ, mỗi sáng thường quay về thì thấy rõ linh nghiệm thần ứng. Sau đó, ánh sáng từ từ hiện ra. Những người đạo tục bày ra cúng tế, cung thỉnh đều có điềm tốt lành, bậc Thánh thông suốt cảm ứng không thể thọ hết.

Như xưa, có Trưởng giả Thọ Đề Ca làm cái bát bằng gỗ Chiên đàn, làm túi bỏ vào, treo lên cái cộc bằng răng voi, rồi nói: Nếu Samôn, Bà-la-môn không dùng cái thang hay gậy có thể lấy được thì biếu luôn, các người trong và ngoài đạo muốn hiện thần thông đều cầm lấy nó mà đi. Tân Đầu Lô nghe việc này, liền hỏi Tôn giả Mục Kiền Liên:

Có đúng như vậy không?

Đáp: Đúng vậy!

Lại nói: Thầy là đệ tử số một của Phật nên đi đến đó mà lấy.

Tôn giả Mục Kiền Liên sợ trái lời Phât dạy nên không lấy. Tân Đầu Lô liền vào phòng của mình, ngồi trên tòa nhập thiền định, duỗi cánh tay lấy bát. Theo luật Tứ phần, tòa lúc ấy vuông vức bằng đá, chu vi rất lớn, dùng thân bay trên hư không, khi được bát rồi, trở lại.

Đức Phật nghe vậy, quở trách: Tỳ-kheo chỉ vì bát của ngoại đạo mà trước người chưa thọ giới lại hiện năng lực thần thông, từ nay về sau đuổi ông ra khỏi chúng không được trú trong cõi Diêm phù đề. Lúc ấy, Tân Đầu Lô như lời dạy của Phật, đến Tây-cù-da-ni giáo hóa bốn chúng, giảng thuyết rộng về pháp Phật, đệ tử bốn chúng ở Diêm phù đề quán xét thấy Tân Đầu Lô, bạch Phật. Ngài cho phép trở lại tòa, thị hiện thần thông, không cho nhập Niết bàn, dạy: Hãy vì bốn chúng ở đời mạt pháp mà làm ruộng phước, thầy cũng tự phát nguyện: Ở dưới ba tầng trời nếu có cung thỉnh thì sẽ đến. Lại trong kinh A Dục Vương dạy:

Tỳ-kheo Hải Ý, từ cái vạc bay lên hư không, vì vua nói kệ:

Thân ông như thân người
Năng lực ông hơn người
Nên khiến ta biết ông
Vì ông hiện thần thông.
 
Vua phát tâm, thỉnh Tăng bốn phương, nói kệ:

Có các A-la-hán
Tương lai hộ trì tôi
Nên thỉnh A-la-hán
Tất cả đều đến đây.

Nên trong kinh Y thỉnh Tân Đầu Lô dạy: Vua của nước Thiên trúc là Ưu-bà-tắc, trưởng giả nếu mở tất cả hội thí, thường thỉnh Tân Đầu Lô Phả La Đọa dạy bảo các vị A-la-hán. Tân Đầu Lô là tên, Phả La Đọa là họ. Người này là trưởng giả Thọ-đề, thị hiện thần thông. Đức Phật biết được nên không cho phép nhập Niết bàn, liền dạy vì bốn bộ chúng đời mạt pháp mà làm ruộng phước. Khi thỉnh, ở nơi thanh vắng đốt hương, hướng về núi Ma-lê nước Thiên trúc chí tâm xưng danh hiệu: Đại đức Tân Đầu Lô Phả La Đọa nguyện nhận lời dạy của Đức Phật vì người đời mà làm ruộng phước, xin nhận lời thỉnh của ta đến đây thọ thực, nếu làm nhà mới cũng nên thỉnh như vầy: Xin nhận lời thỉnh của ta, đến nhà này mà nghỉ qua đêm, khi cung thỉnh chúng Tăng tắm rửa cũng thỉnh: Xin chấp nhận lời thỉnh của ta đến nơi này tắm rửa. Trước khi trời sáng, chuẩn bị các thứ nước hương dầu, nước tro, bã đậu (xà phòng), tăm xỉa răng, nước hương rồi hòa vào nước ấm như cách tắm của người, mở cửa thỉnh vào, sau đó đóng cửa. Vị ấy tắm xong, Tăng chúng mới vào. Khi muốn ăn thì cần tắm rửa, chủ yếu là chư Tăng, chí tâm cầu giải thoát không nghi ngờ mê muội, với lòng tin thanh tịnh, sau đó mới khuất phục. Đời gần đây, có một trưởng giả nghe nói Tân Đầu Lô là đại A-la-hán, theo lời dạy của Phật vì đời mạt pháp làm ruộng phước, đúng như pháp mà mở đại thí, chí tâm thỉnh Tân Đầu Lô, rải hoa đầy khắp dưới thảm, muốn được linh nghiệm ấy. Đại chúng dùng cơm xong, mở thảm ra, hoa đều héo tàn, sầu não tự trách không biết từ quá khứ đến vị lai bị tinh lực khô kiệt từng nào, suy nghĩ liền hỏi pháp sư, lại mở hội cúng dường, rải hoa như trước, cũng bị héo, lại càng cạn kiệt hơn. Đem hết tài sản trong nhà, lại mở hội cúng thí, thì vẫn như trước, sầu não tự trách liền thỉnh hơn một trăm vị Pháp sư, cầu thỉnh đầy đủ, sám hối tội lỗi, hướng đến một vị Thượng tọa lớn tuổi, hối hận trình bày những lỗi lầm của mình trước bốn bộ chúng. Thượng tọa bảo: Ngươi đã ba lần mở hội thí mời, ta đều nhận lời. Nhưng ngươi lại bảo người hầu đứng giữ cửa, ngăn cản, vì ta già nua, mặc y phục cũ rách nên bị đuổi ra, Sa-môn Lại-đề không muốn thấy ta trước mắt, ta vì ngươi thỉnh nên cố vào lại bị người hầu dùng gậy đánh bể đầu, trán phải bị thương, nên ngươi bị như vậy, Sao còn sầu não? Nói xong biến đi. Trưởng lão mới biết vị ấy là Tân Đầu Lô. Từ đây về sau, các người mở hội phước đều không dám bảo người giữ cửa. Nếu được Tân Đầu Lô đến, ngồi ở đâu thì hoa càng tươi đẹp thêm. Nếu xây phòng nhà mới, làm giường chõng, muốn thỉnh Tân Đầu Lô thì phải đem dầu hương rải trên đất, đốt hương đèn, giường mền mới, trải tơ lụa, lại dùng lụa trắng phủ lên, đầu đêm như pháp mà thỉnh Ngài, đóng cửa nhớ cẩn thận khuy cài, tất cả đều với lòng tin thì chắc chắn Ngài đến, chí thành thì cảm ứng sẽ đến. Nếu có đến thì trên mền có hiện ra chỗ nằm, ở nhà tắm cũng hiện ra nước dùng. Khi nhận lời cung thỉnh của hội, thì tùy theo Thượng tọa, Trung tọa hay Hạ tọa mà hiện ra hình tướng Tăng, nếu người cầu khác thì hoàn toàn không thể được. Về sau, thấy chỗ ngồi hoa không héo, mới biết sự việc như vậy.

Thuật lại: Ngày nay, thấy nhà trai đường phần nhiều không y theo pháp mà chỉ theo ý của người phàm mà an trí phàm nhân, không lo tòa ngồi của Phật và Thánh Tăng như kinh trước đã dạy. Thí chủ, trước cần quét dọn lau chùi Phật đường và trang hoàng chỗ ngồi của Tăng, tắm rửa sạch sẽ, đốt hương hảo hạng, treo các cờ lọng, rải những loại hoa, tay nâng lư hương, hết lòng cung kính, phụng thỉnh Tam bảo và Thánh Tăng. Tất cả Thánh phàm trong pháp giới mười phương cũng nên cung thỉnh khắp, nhận sự cung thỉnh của các đệ tử theo các nghi lễ của bậc Thánh đến nhà, mọi người trong nhà đều chí thành đảnh lễ đến trước bảy ngày. Lại phát nguyện này, nếu nhà nghèo cùng, không có hương hoa, lại không có nơi để trang hoàng, nên khi thỉnh đến cần châm chước, không được ngồi toà tốt đẹp trên hết, vì để an trí cho Phật, quét dọn lau chùi đúng pháp, mọi nơi đều sạch, chuẩn bị tòa chúng Tăng bằng những vật mới trắng sạch mềm mại, rồi lót lụa lên. Nếu tâm thí chủ có nhiều cảm ứng, thì sau khi ăn xong, chỗ ngồi giống như của vị ấy, liền biết báo thân đã đến. Nếu không hiện tướng chỉ Hóa thân hiện đến thì không nên xem thường. Nếu Báo, Hóa thân đều không đến thì tòa ấy không được dùng gấm lụa mỏng nhiều màu sắc, vàng bạc để trang hoàng mà chỉ rãi hoa. Tuy là A-la-hán mà cùng với phàm Tăng thọ hai trăm năm mươi giới Biệt giải thoát, nên không được nhận những vật gấm lụa vàng bạc. Nếu là hàng Đại thừa Bồ tát, chư Phật chẳng phải hạn cuộc trong tướng của người xuất gia, đều thọ nhận tất cả sự cúng dường. Trải tòa Thánh Tăng, cũng không được cao quá sáu thước, chỉ ngang bằng sáu thước, như pháp mà trải tòa Tăng, cũng không được tạo hình Thánh Tăng màu trắng đặt ở chỗ ngồi. Các Báo thân tự đến, không được kéo tượng trắng xuống mà ngồi, cũng không được đem bình bát thức ăn của Tăng thường trú mà đựng đầy thức ăn, vì sợ Báo thân đến không thể chạm đến bình bát sạch của Tăng để ăn. Nếu dùng bát bằng chén hay bằng cái mâm của thế tục hiến cúng thì cả Hóa và Báo thân, trên hết là như pháp. Nếu tiền của Thánh Tăng thì trả lại để Thánh Tăng dùng. Nên mua bát, chén, muỗng, đũa, xoong, bát nhỏ, khăn tay, mua cái mâm mặt trên thật đẹp và bên dưới khắc ký hiệu của mỗi người, không dám dùng lộn xộn. Mỗi ngày, từ sáng đến trưa đến từng nhà khất thực, khi đầy thức ăn, dâng cúng Phật và Tăng, là việc làm thật tốt. Khi còn dư tiền thì mua cái giá, những vật để cúng và một cái bàn ăn. Ăn xong nên dùng bã đậu lau chùi sạch sẽ. Đặt những vật cúng tế lên trên cái giá, dùng lụa trắng phủ lên, mỗi ngày cứ như vậy thì đã tỏ lòng cúng dường Tam bảo, thường không quên mất, được công đức. Nếu dư tiền nhiều thì như pháp của chùa Tây quốc và phòng nhà của thế tục, ở nơi vắng lặng mà xây phòng nhà cho chúng Tăng, tùy theo bốn mùa, Đông, Hạ mà bày ra vật cúng dường. Nếu ở mùa Hạ, trong thiền đường mỗi ngày nên trải chiếu sạch sẽ, rồi tự tọa thiền. Cái thau đồng, bình đồng rửa bằng bã đậu rồi lấy khăn lau sạch, đến trước giờ ngọ dâng cúng cơm, nửa đêm đốt hương thắp đèn, tùy theo năng lực của tâm, như pháp cúng dường. Nếu đến mùa Đông lạnh chuẩn bị mềm dày, chăn, đốt lửa than, nước nóng, đèn sáng. tùy thời cúng dường. Nếu tiền tài của Thánh Tăng còn quá nhiều thì không được đem đến Tăng khác, phải để Tăng thường trú dùng, cũng không được dùng vào việc của Phật, lại không được dùng vào việc tạc riêng tượng Thánh Tăng. Thấy nhiều người đem tiền của của Thánh Tăng để khắc họa tượng Phật và bốn bức tường thì họa tượng các Thánh Tăng Ca Diếp, A Nan. Do Thánh nhơn La-hán Tân Đầu Lô hiện tại không vào Niết bàn, lại không được đi đứng, nhận làm quyến thuộc của Thánh Tăng, đâu được cùng tự do nơi khác. Nếu sử dụng riêng cho mình thì phải trả gấp bội, nếu không thì mắc tội. Nên trong luật Tứ phần dạy: Đối với điều này thì không được, nếu khác thì mắc tội. Từ trên đến đây đã trình bày theo kinh, luật, sách của Thánh ý nên thực hành. Vật của Tam bảo lại không được cùng nhau sử dụng, sợ sai lầm chỉ bằng một sợi lông thì mất đi ngàn dặm, nói thành thật không hư dối, cảnh tỉnh chính mình chớ nên dùng đến. Thế nên, thời vua Lương Võ Đế có Đại đức Anh-nho nước Hán cùng đến Ấn-độ thỉnh Tam tạng. Dùng mọi cách tập hợp Thánh Tăng, phiên dịch ra đời được năm quyển, như trước đã trình bày, tóm lược cũng không khác.

Thứ 5: Duyên thí thực

Như kinh Tăng nhất A hàm dạy: Bấy giờ, Thế tôn bảo các Tỳkheo: Chúng sanh có bốn loại thức ăn, nuôi dưỡng chúng sanh. Những gì là bốn? Đó là đoàn thực, hoặc nhiều hoặc ít; lạc thực; niệm thực; khất thực, đó là bốn loại thức ăn. Thế nào là đoàn thực? Là thức ăn của người đời, các thức ăn đưa vào miệng, nhai nuốt gọi là đoàn thực. Thế nào là lạc thực? Là dùng y phục, dù lọng che, xông ướp các loại hương hoa, đốt hương, dầu thơm và tụ tập các phụ nữ cùng với họ vui chơi, thì được khoái lạc, đó là lạc thực. Thế nào gọi là niệm thực? Là sự tư duy, tưởng tượng, nhớ nghĩ trong tâm, hoặc nói bằng miệng, hoặc thân xúc chạm hay giữ gìn các pháp, đó gọi là niệm thực. Thế nào là thức thực? Là sự nhận biết của ý, Phạn thiên là đứng đầu cho đến Hữu tưởng, Vô tưởng thiên lấy thức làm thức ăn, đó gọi là thức thực. Do bốn thứ thức ăn này mà lưu chuyển trong sanh tử.

Lại trong kinh Tăng nhất dạy: Thế tôn bảo Tôn giả A Na Luật: Tất cả các pháp đều do thức ăn mà tồn tại. Mắt lấy sự nhìn thấy làm thức ăn. Tai lấy âm thanh làm thức ăn. Mũi lấy mùi hương làm thức ăn. Lưỡi lấy mùi vị làm thức ăn. Thân lấy trơn láng, mịn màng làm thức ăn. Ý lấy pháp làm thức ăn. Niết bàn lấy sự không buông lung làm thức ăn. Bấy giờ, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Đúng như pháp vi diệu này các ngươi hãy quán thức ăn có chín loại. Thế gian có bốn loại: Một là đoàn thực, hai là lạc thực, ba là niệm thực, bốn là thức thực. Thức ăn của người xuất gia có năm loại: Một là thiền thực, hai là nguyện thực, ba là niệm thực, bốn là bát giải thoát, năm là hỷ thực. Đây là thức ăn của người xuất gia, phải thường cùng nhau nhớ nghĩ để xả bỏ bốn loại thức ăn, cầu được thức ăn của người xuất gia.

Trong kinh Chánh pháp niệm dạy: Nếu chúng sanh nào có lòng từ bi, lòng tin hiểu dùng các thức ăn bố thí cho người, khi qua đời được sanh vào cõi trời Chất-đa-la hưởng thọ các thứ an vui, sau khi mạng chung được làm thân người, giàu sang của cải thật nhiều, thường thực hành chánh pháp. Kinh ấy lại dạy: Chúng sanh nào thấy các người bịnh mà bố thí thuốc thang làm cho họ lành bịnh thì khi mạng chung được sanh vào cõi trời Dục cảnh, hưởng thọ năm dục lạc, ở đó mạng chung được sanh làm thân người, giàu có nhiều của cải. Nếu ai thấy người bịnh lúc sắp mạng chung khát nước, mà lấy đường, nước hay nước đá bố thí cho người này, thì người ấy lúc lâm chung được sanh đến cõi trời Thanh lương, thọ hưởng khoái lạc của cõi trời. Ở đó lúc qua đời sanh làm thân người, cơm nước luôn đầy đủ.

Trong kinh Niết bàn dạy: Quỷ thần ở nơi đồng vắng, do thọ giới không sát sanh nên không ăn thịt, khí lực suy yếu, thân mạng sắp qua đời. Đức Phật bảo với quỷ: Ta đã dạy cho các đệ tử Thanh-văn, Phật pháp tùy nơi, phải bố thí thức ăn cho các ngươi, nếu họ ở đâu mà không bố thí là quyến thuộc của ma, chẳng phải là đệ tử chơn chánh của Ta. Thức ăn phân cho chúng sanh cần chia phần nghiêm chỉnh. Nếu người chủ bố thí thức ăn cho người khác thì nên theo luật Ngũ phần mà phân chia: Nếu ai cho chó, chim ăn thì nên lường trong phần của mình để cho chúng chứ không được lấy của người khác cho ăn.

Lại trong kinh Y Thập Nhị Đầu Đà dạy: Nếu ai được thức ăn thì nên nhớ nghĩ đến sự đói khát của chúng sanh, lấy một phần đem bố thí cho họ. Ta là chủ bố thí, kia là người được nhận, bố thí xong liền phát nguyện: Khiến cho chúng sanh cùng được hưởng phước này, không còn đói khát khổ cực, mang đến nơi thanh vắng, bớt đi một nắm để trên đá sạch bố thí cho cầm thú, cũng như lời phát nguyện trên. Mỗi khi muốn ăn thì nên nhớ nghĩ, trong thân có tám vạn vi trùng, nếu trùng được thức ăn này thì được an ổn. Hôm nay, ta dùng thức ăn này để bố thí vi trùng. Sau khi đắc đạo thì nên lấy pháp bố thí cho người ấy, đó gọi là không bỏ chúng sanh. Lại trong kinh Quán Phật hình tượng dạy, Đức Phật bảo đại chúng: Có nhiều người đời phát nguyện mong cầu bố thí hàng ngày, không kể ít nhiều, miễn sao khiến đầy đủ, khi sự nghiệp đầy đủ rồi, còn nhiều thức ăn hảo hạng, ăn không hết, đều mang đến cúng dường các vị Sa-môn trì pháp trong chùa, chúng Tăng cùng nhau phân chia thức ăn. Do khi đưa vật ra chỉ mong cầu sanh phước, chứ tất cả không đòi hỏi để phần cho vợ con, ấy là như mầm ở trên đá, các gốc rễ đã tiêu diệt sạch trọn không còn sanh trở lại, khiến người bố thí được rất nhiều phước đức, do cúng dường Tăng. Đây là thí một mà được phước báo gấp vạn lần.

Lại trong luật Tứ Phần dạy: Cúng dường cháo chúng Tăng thì được năm lợi ích: Một là trừ đói, hai là trừ khát, ba là thức ăn đêm dễ tiêu, bốn là đại tiểu tiện dễ dàng, năm là mắt sáng trong. Luật Tăng kỳ dạy: Cúng dường cháo có mười lợi ích, nói kệ:

Người thanh tịnh trì giới được cúng
Tùy thời cung kính được dâng cháo
Hành giả đầy đủ mười lợi ích
Sắc lực thọ vui biện tài giỏi.
Ăn đêm tiêu trừ cơn đói khát
Ấy gọi là loại thuốc Phật dạy
Muốn sanh người trời vui sống lâu
Nay nên cúng dường cháo chư Tăng.

Lại trong kinh Thực thí hoạch ngũ phước báo dạy, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Phải biết ăn uống có điều độ chớ để tổn giảm. Người cầm thức ăn bố thí cho người thì có năm công đức khiến người được đạo, bậc trí thông suốt, tâm cứu độ rộng lớn thì được năm phước. Những gì là năm? Một là bố thí mạng sống. Hai là bố thí sắc đẹp. Ba là được năng lực. Bốn là được an lạc. Năm là được biện tài. Thế nào là bố thí mạng sống? Nếu người không có thức ăn, thì nhan sắc tiều tụy, tàn tạ, sống không qúa bảy ngày bỗng nhiên chết, nên người trí phải bố thí thức ăn. Người bố thí thức ăn tức là bố thí mạng sống. Người đó, thường được sống lâu, sanh trong hàng trời người, được sống mãi không bị chết yểu, phước báo tự nhiên của cải vô lượng, đó là bố thí mạng sống. Thế nào là bố thí sắc đẹp? Nếu người không có thức ăn, thì nhan sắc tiều tụy tàn tạ, người trí phải bố thí thức ăn. Người bố thí thức ăn thì được sắc đẹp. Người ấy, đời đời đoan chánh, sanh trong hàng trời người nhan sắc tươi sáng, người thấy ưa thích cúi đầu làm lễ, đó là bố thí sắc đẹp. Thế nào là được bố thí sức lực? Người không được thức ăn thì thân gầy yếu, ý chí thấp, làm không có sức lực. Vì thế, người trí phải bố thí thức ăn. Người bố thí thức ăn ấy thì được năng lực, đời đời có nhiều sức mạnh, sanh trong hàng trời người, sức mạnh không ai bằng, ra vào lui tới sức lực không tiêu hao, đó gọi là được bố thí sức lực. Thế nào là được bố thí an lạc? Người không được thức ăn, thì tâm ủ rũ, thân rã rời đứng ngồi không yên, không được an ổn, nên, người trí phải bố thí thức ăn. Người bố thí thức ăn thì được an ổn, người đó đời đời được an vui, sanh trong hàng trời người không gặp tai ương, sống ở nơi nào thường gặp người tốt, tài của nhiều vô lượng, không bị chết yểu, đó gọi là được bố thí an lạc. Thế nào là được bố thí biện tài? Người không được thức ăn, thân gầy yếu, ý chí yếu hèn, miệng nói không ra lời, nên người trí phải bố thí thức ăn. Người bố thí đó được biện tài, nói năng lưu loát, trí tuệ biện tài thông đạt, sanh trong hàng trời người, người nghe thấy đều hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ, thọ nhận giáo pháp. Đó là năm phước của bố thí thức ăn.

Trong kinh Tăng nhất A hàm dạy: Bố thí có năm việc gọi là đúng thời: Một là từ xa đến. Hai là đi xa. Ba là khi bịnh. Bốn là khi nóng lạnh. Năm là khi mới đắc quả. Nếu được lúa gạo mới thì trước đem dâng người tinh tấn trì giới, sau đó mình mới ăn. Lại bố thí có ba cách. Thứ nhất là mang thức ăn đến chùa gọi là bậc thượng, đến nhà cúng dường là bậc trung, làm thức ăn cho người đi xin, phát tâm cho như vậy là bậc hạ.

Trong kinh Phó Pháp Tạng dạy: Đời quá khứ chín mươi mốt kiếp Đức Phật Tỳ Bà Thi sau khi nhập Niết bàn có một Tỳ-kheo bịnh đau đầu nặng. Bấy giờ, Bạc Câu La làm một người nghèo, thấy Tỳ-kheo bịnh liền lấy một quả A-lê-lặc cúng dường Tỳ-kheo. Tỳ-kheo uống vào liền lành bịnh. Do quả bố thí này, nên chín mươi mốt kiếp ở trong hàng trời người hưởng phước báo khoái lạc, chưa từng có bịnh. Cuối cùng sanh vào nhà Bà-la-môn, mẹ mất sớm, cha liền cưới vợ khác. Lúc còn nhỏ, Câu La thấy mẹ làm bánh, liền đến lấy bánh của mẹ. Sau đó người mẹ ganh ghét, nắm lấy cậu bé đôi vào trên lò sấy. Lò này tuy đang đốt cháy nhưng không thiêu hại. Người cha từ ngoài chạy vào, thấy Bạc Câu La đang trên lò sấy nóng, liền ẩm xuống. Thời gian sau, khi bà mẹ nấu thịt trong nồi, cậu bé lại bóc thịt của mẹ, bà quá tức giận tìm cậu ta quăng vào trong chảo, nhưng cũng không nấu chín. Người cha tìm không thấy, liền gọi, Câu-la nghe tiếng gọi, ở trong chảo liền đáp, người cha lại ẩm ra như trước. Bà mẹ dẫn Câu La đến bỏ bên dòng sông, người mẹ giận dữ mà la mắng: Mày là vật quỷ quái yêu tinh sao đã thiêu đốt mà không chết, liền ẩm Câu La đôi xuống dòng sông, gặp một con cá lớn nuốt ăn. Do phước đức nên còn sống không chết, có người đánh cá bắt được con cá này, đem ra chợ bán, đòi giá cao nên nhiều người không mua, từ sáng đến tối cha của Bạc Câu La thấy vậy đồng ý mua mang về nhà, lấy dao mổ bụng. Đứa con trong bụng con cá lớn tiếng thưa: Nguyện xin cha làm cho con được an toàn chớ bị thương. Người cha vạch bụng cá ẩm đứa trẻ ra. Thời gian sau lớn lên cầu xin xuất gia đắc quả A-lahán, từ sanh đến chết, đã một trăm sáu mươi năm chưa từng mắc bệnh, cho đến cũng không có bệnh nóng lạnh. Do bố thí thuốc nên được sống lâu như vậy. Năm nơi không chết: Lò sấy nóng không cháy, nấu trong chảo không chín, chìm trong nước không chết, cá nuốt không tiêu, dao cắt không làm thương tổn.Vì nhân duyên này, người trí biết phải nên thực hành như vậy. Lại trong kinh Tạp Thí Dụ dạy: Xưa trong nước Xá-vệ, có gia đình nghèo cùng, trong sân trước có cây Bồ đào, trên cây có nhiều bông hoa, họ nghĩ để dâng cúng đạo nhơn. Trước đó nhà vua đã thỉnh cúng thức ăn trong một tháng. Người nghèo cùng thế lực không phải như vua, sau hơn một tháng, mới thỉnh được một đạo nhơn, liền mang hoa dâng cúng, thưa đạo nhơn: Con nghĩ muốn đem hoa cúng dường đã qua một tháng rồi, nay mới được toại nguyện.

Đạo nhơn bảo với Ưu-bà-di: Bố thí trong một tháng.

Ưu-bà-di thưa: Con chỉ cúng dường bông hoa Bồ đào, lấy đâu mà dâng cúng được một tháng?

Đạo nhơn bảo: Chỉ trong một tháng, nghĩ đến việc muốn xả thí tức là đã làm bố thí được một tháng rồi.

Thứ 6: Duyên ăn đúng thời

Hỏi: Thế nào là ăn đúng thời? Thế nào là ăn chẳng đúng thời?

Đáp: Theo Luật Tứ Phần dạy: Đúng thời là lúc mặt trời xuất hiện mới được ăn cơm, cho đến nửa ngày, ngay giờ ngọ là ăn đúng thời, mọi người đều quyết định thời gian như nhau, nên kinh Tỳ La Tam Muội dạy: Thế tôn dạy cho Bồ tát Tuệ Phát ăn có bốn thời: Thời gian buổi sáng là chư thiên ăn, giờ ngọ là ăn đúng pháp, buổi chiều là súc sanh ăn và ban đêm là quỷ thần ăn. Đức Phật đã đoạn trừ nhân trong sáu đường để được đồng với chư Phật ba đời là pháp ăn đúng giờ ngọ, sau giờ đó mà ăn thì giống với các cõi dưới ăn, nên nói chẳng phải thời. Trong luật Thập tụng dạy: Chư thiên ăn quá giờ ngọ cũng không mắc tội. Lại dạy: Ở cõi Diêm-phù-đề có Tỳ-kheo đi đến Tây-câu-gia-ni thì theo thời gian ăn ở Diêm-phù-đề, Tỳ-kheo Câu Gia Ni đến hơn ba phương khác cũng như vậy. Nếu ở lại đêm chỗ này thì dùng thời gian ở nơi này, nếu ở lại đêm chỗ kia thì dùng thời gian ở nơi kia, đến ba phương khác cũng như vậy. Cho nên trong luận Ma-đức-lặc-già hỏi: Nếu có lúc ăn chẳng đúng thời thì không phạm chăng?

Đáp: Có. Nếu ở phía Bắc-cu-lô châu ăn theo thời gian ở đó thì không phạm, còn các phương khác cũng vậy. Thời gian ở Diêm-phù-đề thì đúng ngọ, ở phương Bắc thì nửa đêm, ở phương Đông lúc mặt trời lặn, ở phương Tây là mặt trời mọc. Còn các phương khác thay đổi tùy đó mà biết.

Lại trong luận Tát-bà-đa dạy: Giải thích thời có bốn: Một là, từ khi mặt trời mới mọc cho đến nửa ngày (giờ ngọ), ánh sáng mặt trời nóng dần, gọi là thời, từ trưa đến nửa đêm, ánh sáng giảm dần rồi lặn mất, gọi là chẳng phải thời. Hai là từ khi sáng cho đến nửa ngày là khất thực đúng thời, không sanh phiền não, nên gọi là thời, từ trưa đến nửa đêm là thời gian người đời tổ chức vui chơi, nếu vào thôn xóm khất thực thì bị nhiều phiền não, nên gọi là phi thời. Ba là từ sáng đến nửa ngày, việc dâm loạn của người đời chưa phát, nên khất thực không sanh phiền não, gọi là thời, từ trưa trở về sau, thế gian dừng nghỉ những công việc, đùa giỡn hí lộng, nếu vào thôn xóm khất thực thì sẽ bị phỉ nhục, nên gọi là phi thời. Bốn là từ sáng đến nửa ngày, là khất thực đúng thời, ăn để nuôi thân, tâm tu tập đạo, việc làm thuận theo pháp, nên gọi là thời, từ trưa trở về sau, cần phải tu tập đạo, chẳng phải thời gian khất thực, nên gọi là phi thời.

Thứ 7: Duyên pháp ăn

Như trong kinh Đại Di Giáo dạy:Tỳ-kheo khi ăn thì nên vì đàn việt đốt hương tán thán ba lần, khen ngợi bố thí được thức ăn ngon. Thượng tọa nên dạy bảo, mỗi một Đạo sĩ nên rửa tay, súc miệng rồi đến tòa ngồi, cùng nhau nói bài kệ, theo thứ lớp mà đứng dậy không được trái ngược.

Trong kinh Tăng nhất dạy: Nếu có người cúng dường, tay nâng lư hương hướng đến Phật thưa: Hương làm để cúng dường Phật, nên đốt hương cung thỉnh chư Phật mười phương.

Hương giới, hương định, hương giải thoát
Đài mây ánh sáng khắp thế giới
Cúng dường vô lượng Phật mười phương
Thấy nghe đều được chứng Niết bàn.

Trong kinh Tam Thiên Oai Nghi dạy: Người ngồi thọ hương cũng được người nữ dâng hương, nhưng sợ tiếp xúc bị đắm nhiễm, nên ra khỏi chỗ ngồi.

Thuật rằng: Nếu được cơm áo thì không được lựa chọn đẹp xấu, chỉ che thân để tu tập đạo, mới thích hợp tâm Phật, như trục xe cần phải có mỡ trơn, bỏ bớt phần gì mịn đẹp, chỉ cần tiến đến trước, là việc làm tốt đẹp, nên trong kinh Tạp bảo tạng, Thế tôn nói kệ:

Thân này như chiếc xe
Tốt xấu không cần chọn
Hương thơm và mỡ hôi
Giống nhau ở lợi ích.

Lại trong luận Trí độ dạy: Ăn là để hành đạo, chứ không phải làm lợi thân, như nuôi ngựa, heo không khác. Nếu trước khi ăn thì nên dâng cúng Tam bảo, sau mới bố thí bốn loài,nên trong kinh Hoa nghiêm nói kệ:

Nếu khi được ăn
Nguyện cho chúng sanh
Chí ở Phật đạo
Vì pháp cúng dường

Trong kinh Ưu-bà-tắc giới dạy: Nếu mình may y áo, làm bình bát, trước nên dâng cúng Phật, cha me và Sư trưởng, Hòa thượng dùng trước, sau đó đến mình. Nếu dâng lên Phật rồi thì dùng hương hoa để nhận lại. Trước khi ăn, nên cúng dường Sa-môn phạm chí sau đó mới dùng. Khi ăn phải nhớ quán tưởng, muỗng thứ nhất là nguyện đoạn hết tất cả ác, muỗng thứ hai nguyện trọn tu tất cả thiện, muỗng thứ ba tu tập được các căn lành, hồi hướng đến tất cả chúng sanh đều thành Phật đạo. Nếu khi ăn, miệng không thể niệm đến mình đang ăn thì chỉ tổng thâu trong một niệm cũng được, nên trong luận Ma-đức-lặc-già dạy: Nếu lúc đang ăn, phải biết mình đang ăn, lúc mặc áo phải biết đang mặc áo, lúc vào phòng phải biết đang vào phòng, hoặc người độn căn thì phải biết tổng thâu trong một niệm, nên quyển thứ sáu trong kinh Hoa Nghiêm dạy: Bồ tát có một trăm bốn mươi nguyện, khi được cúng dường thì nên tụng kệ, nếu người thọ nhận như vậy thì chẳng có phiền não, chẳng xa lìa phiền não, lý sự dung thông, lợi ích chúng sanh và được vật tốt. Trong kinh Tăng nhất A Hàm dạy: Cúng dường vừa đủ thì không phải lỗi ở pháp bố thí. Làm việc vừa đủ thì không phải lỗi của phương pháp làm. Báo ân vừa đủ thì không phải lỗi của pháp báo ân. Nếu ăn quá no thì hơi thở dồn dập, thân hình to lớn, mạch máu không lưu thông, làm cho tâm bị bế tắc, ngồi suy nghĩ không yên. Nếu phân chia có hạn ăn ít thì thân gầy yếu tâm lơ lửng, khí hư hao không vững bền. Nên trong kinh Tăng nhất A-hàm nói kệ:

Ăn nhiều bị khổ não
Ăn ít khí lực suy
Khi dùng biết vừa đủ
Gọi là không nhiều ít.

Trong kinh Tát Giá Ni Càn Tử, nói kệ:

Người nào ăn quá nhiều
Thân nặng nhiều biếng nhác
Đời hiện tại, vị lai
Với thân mất lợi lớn
Ngủ nghỉ tự chịu khổ
Làm khó khăn người khác
Đều mê, khó tỉnh ngộ
Nên ăn phải biết đủ.

Lại trong luật Tứ phần dạy: Nếu người nào trong một tháng trông coi thức ăn cho chúng, muốn biết sống chín mặn lạc thì phải để trong lòng bàn tay mà nếm.

Thuật rằng: Cho nên xuất gia muốn ăn thì trước phải rửa tay, để nhận thức ăn từ người khác, vì người xuất gia không giống phàm phu, nhận rồi ăn. Luận Tác ba đa dạy: Tỳ-kheo nhận thức ăn có năm ý nghĩa: Một là đoạn trừ nhân duyên trộm cắp. Hai là để làm gương. Ba là dứt bỏ phỉ báng. Bốn là thành tựu ít muốn biết đủ. Năm là làm cho người sanh lòng tin cung kính.

Xưa kia, có một Tỳ-kheo cùng đi với ngoại đạo, nghỉ dưới gốc cây, trên cây có quả, muốn ăn thì phải leo lên.

Ngoại đạo bảo với Tỳ-kheo: Hãy leo lên cây mà hái xuống!

Tỳ-kheo nói: Trong giới pháp của ta, cây cao hơn người không được trèo lên.

Ngoại đạo lại bảo: Sao không rung cây mà lấy quả!

Tỳ-kheo nói: Trong giới pháp của ta, không được tự mình rung cây để quả rơi xuống.

Ngoại đạo nghe vậy, tự lên cây hái quả, ném xuống đất cho Tỳ-kheo, rồi bảo Tỳ-kheo lấy quả mà ăn.

Tỳ-kheo nói: Trong giới pháp của ta không được tự lấy ăn.

Ngoại đạo trở xuống lấy quả đưa cho Tỳ-kheo. Ngoại đạo còn biết như vậy, đối với một quả mà còn có giới pháp như vậy huống nữa là giới pháp của người xuất gia. Ngoại đạo liền sanh tâm tin kính, biết pháp Phật thanh tịnh không như ngoại đạo, nên theo Tỳ-kheo ở trong pháp Phật xuất gia tu đạo, diệt hết các lậu.

Trong kinh Xá Lợi Phất vấn, Phật dạy: Ngoại đạo phạm chí còn biết thọ nhận huống nữa là đệ tử của Ta không nhận thức ăn, đối với các vật không nên không thọ, chỉ trừ cúng dường sanh báu vật sống và người nữ. Nếu người hành pháp thì cần truyền trao y trên thân, nếu cất giữ vàng bạc, nhận rồi thì phân ra bố thí cúng dường.

Thuật rằng: Cúng dường thức ăn chúng Tăng phải bình đẳng, không kể là Thánh phàm lớn nhỏ đều chia khắp, nên trong luật Tăng kỳ dạy: Nếu đàn việt mang nhiều thức ăn dâng Thượng tọa, thì vị Thượng tọa nên hỏi: Tất cả chúng Tăng có được như vậy không?

Đáp: Chỉ một mình Thượng tọa được vậy.

Thì Thượng tọa nên dạy, phải cúng bình đẳng cho tất cả, nếu nói tất cả đều được như vậy thì mới thọ. Pháp của Tăng Thượng tọa không được tuỳ tiện ăn, nên đợi cùng tụng cúng dường rồi sau đó mới ăn. Pháp của Thượng tọa thường dùng cơm chậm rãi, không được ăn nhanh xong trước rồi bỏ đi, nên đợi nước đến, tùy thuận chú nguyện rồi sau mới đi.

Lại trong kinh Xứ xứ dạy, Đức Phật dạy: Sau giờ trưa không được ăn thì được năm phước: Một là ít dâm. Hai là ít nằm. Ba là được nhất tâm. Bốn là không hạ phong. Năm là thân được an ổn, cũng không mắc bịnh, thế nên Sa-môn biết phước không ăn.

Thuật rằng: Nếu tham mà ăn lâu thì tăng thêm phiền não, nên cần quán tưởng bất tịnh để nhàm chán, nên luận Trí độ dạy: Nói về tưởng xa lìa thì phải nên quán thức ăn từ bất tịnh mà sanh: Như thịt toàn từ máu huyết mà sanh, là chỗ máu mủ để vi trùng sinh sống. Như sữa tươi, sữa đặc, phô ma đều từ máu mà thành, cùng với mủ hư thối không khác. Con người như cái túi ô uế đủ mọi thứ bất tịnh, mỗi khi đã vào miệng. Mủ thối rữa có trong nước dãi chảy ra theo hai đường dưới. Nước miếng hòa vào mới thành mùi vị, hình trạng ấy như thức nôn ra ngoài, nhập vào từ cửa bụng. Đất giữ nước thối mục, gió làm chuyển động, lửa nấu chín, như chảo cháo chín nhừ, cặn bã thỉ chìm xuống dưới, nước trong thì ở trên. Như người cất rượu chờ lâu lắng xuống, phần trong là nước cấu, cổ họng có ba lỗ, hơi thở có nước nhờn, tan hòa vào trong trăm mạch, cùng hợp với máu trước ngưng lại thành thịt, từ thịt mới đó sanh ra mỡ xương tủy, cũng từ đó mà sanh ra các căn của thân, từ thịt mới hòa với thịt cũ sanh ra căn của năm tình. Từ năm căn sanh khởi năm thức, năm thức tuần tự sanh ý thức, rồi phân biệt chấp tướng so lường tốt xấu. Sau đó, sanh tâm ngã (tôi) và ngã sở (của tôi), các phiền não và các nghiệp tội. Lại suy nghĩ về thức ăn này. Người thì công ơn nhiều nông phu rất lớn tính một bát cơm đã mất hết biết bao mồ hôi, nói chung cơm thì ít mà mồ hôi lại nhiều. Thức ăn khổ cực cay đắng như vậy mà khi ăn vào trở thành bất tịnh, qua đêm thì biến thành phân nước tiểu, đó là vị ngon mà dơ bẩn không dám nhìn. Hành giả tự quán xét, như thức ăn dơ bẩn này, nếu ta tham đắm sẽ đọa vào ba đường. Quán thức ăn như vậy sẽ nhàm chán năm dục. Ví như Bà-la-môn tu tập pháp trong sạch, vì có duyên sự nên đến một nước bất tịnh, tự suy nghĩ: Ta phải làm sao thoát khỏi bất tịnh, chỉ cần nhịn ăn mới được thanh tịnh. Thấy một bà già bán bánh trong trắng mà nói: Ta có nhân duyên đến đây một trăm ngày, bà thường làm bánh mang đến nhiều cho ta, sẽ trả nhiều tiền cho. Bà già mỗi ngày làm bánh đưa đến, Bà-la-môn ưa thích nên ăn no vui vẻ. Bà già lần đầu làm bánh trong sạch, sau lại không có màu vị. Bà-la-môn liền hỏi bà: Tại sao như vậy?

Bà già trả lời: Do mùi vị ung nhọt!

Bà-la-môn nói: Sao lại nói vậy?

Bà già trả lời: Ta là phu nhân của đại gia, ở nơi an ổn mà bị ung nhọt, nên lấy bột hình con óc đắp vào đó, nhọt nóng chảy mủ ra hòa vào trong bánh óc này. Mỗi ngày như vậy ta lấy bánh này cho ông, vì thế nên bánh ngon. Hôm nay, ung nhọt của ta đã lành, lấy ở đâu mà làm được?

Bà-la-môn nghe như vậy, hai tay đánh vào đầu, vỗ ngực nôn ra sạch. Ta phải làm sao để trừ bỏ dơ uế để được pháp tịnh, nôn xong sẽ bỏ hết công việc, trở về nước. Hành giả cũng vậy, tham đắm ưa thích ăn uống, ăn mà không quán bất tịnh, về sau gặp khổ báo hối hận sao kịp.

Thứ 8: Duyên thọ thực xong

Trong luật Thập tụng dạy: Có Tỳ-kheo thọ nhận thức ăn của người, im lặng vào rồi bỏ đi. Các cư sĩ quở trách: Chúng tôi không biết thức ăn có ngon không. Chư Tỳ-kheo thưa Phật.

Đức Phật dạy: Từ đây, khi ăn xong phải khen ngợi và chú nguyện cho thí chủ. Chúng Tỳ-kheo không biết ai làm, Đức Phật dạy: Thượng tọa làm. Nếu Thượng tọa không có khả năng thì thứ tự cử người có khả năng làm, nên trong luật Tăng kỳ dạy: Thượng tọa phải biết, người trước đã cúng dường những gì để chú nguyện cho họ. Lại trong luận Ba-ly dạy: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, cư sĩ nếu ăn xong mà không dùng bã đậu tắm rửa, sau đó dùng phân bò để súc miệng thì không thành trai phạn. Như quá khứ, có Tỳ-kheo Liên-đề sáu mươi năm giữ gìn giới cấm không phạm, chỉ mỗi ngày khi ăn xong đều dùng nhiều bã đậu, phân bò (cự ma) để chà xát được sạch sẽ, nếu không như vậy thì chẳng thành trai tịnh. Kinh này không có đề mục, nương vào nghĩa cốt yếu của luật mà nói ra: Cự ma là phân bò vậy. Nếu theo kinh này thì có dùng để súc miệng không?

Truyện ký Xá Pháp sư cho: Những người đời, ngoại đạo ở phương Tây tôn thờ con bò là trời Phạn thiên. Do hai việc này, sanh ra vạn vật nuôi dưỡng nhân dân, cho nên phân bò dùng làm thanh tịnh đạo tràng, Đức Phật cũng tùy theo phong tục nên dùng để làm sạch như vậy, nhưng không dùng để súc miệng chăng? Nếu theo luật Tứ phần, chỉ hộ trì bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi, khi ăn quán tưởng năm việc, bốn tướng mà không rong ruổi thì thành tựu trai pháp, không kể phải rửa bằng bã đậu hay súc miệng mới thành. Nếu vì thời tiết mà lỗi oai nghi hoặc mất oai nghi thì dẫu có tắm cũng không thành trai pháp. Trong luận Thiện kiến dạy: Ăn rồi nôn ra, chưa ra khỏi cổ, trở vào lại thì không phạm, nếu nôn ra ngoài lại khỏi cổ thì phạm tội. Trong luật Tăng kỳ dạy: Ăn xong, nếu có khát, Đức Phật cho phép lấy tất cả lúa mạch, đậu, lúa tẻ để nấu. Người không phá giới phi thời dùng nước hồ uống cũng được, hoặc dầu tô, đường, mật, các nước trái cây cần lấy nước làm sạch thì được uống. Nếu đáy bể còn nước cặn, nước mưa tràn vào làm sạch cũng gọi là sạch. Luận Thiện kiến dạy: Nước quả Xá-lâu-già lắng cặn được nước trong, chẳng phải thời cũng được uống. Luận Ma-đức-lặc-già dạy: Nước đường chẳng phải thời cũng được uống. Luật Tăng Kỳ dạy: Con người có bốn trăm lẻ bốn bịnh: Phong đại có một trăm lẻ một, thì dùng dầu mỡ để chữa trị. Nhiệt bệnh hỏa đại có một trăm lẻ một bịnh, dùng cây tía tô để trị. Hàn bệnh thủy đại có một trăm lẻ một bịnh, dùng mật để trị, còn các bịnh khác có một trăm lẻ một bịnh, tùy theo đó mà dùng ba loại thuốc trên để trị. Trong luật Thập Tụng dạy: Đường chẳng phải thời thì không được ăn. Có năm hạng người được ăn phi thời, đó là: Người đi xa, người bịnh, người ít ăn, người đến nơi cúng toàn nước(?), hòa vào trong nước thì được ăn. Trong luật Ngũ phần dạy: Cho phép người đói khát được ăn hai lần.

Trong luật Tăng Kỳ dạy: Hồ tiêu, lá lốt, khương ha lê lặc… những loại thuốc này phi thời cũng được dùng. Hòa vào là cho phép uống phi thời. Lại luật Tứ phần dạy: Tất cả đắng cay ngọt mặn không được giữ để làm thức ăn, cho phép phi thời uống thuốc trọn đời. Trong luật Thiện kiến dạy: Tất cả cây quả gốc rễ cành lá không được giữ mà ăn, chỉ được phép làm thuốc trọn đời.

Thuật rằng: So sánh sự nhận biết của mọi người, trong phần phi thời, đối với uống thì đúng thời, vì sao? Vì đạo tục thiên lệch, nghe luật khai uống nước trái cây, bèn uống nước táo khi khát, hoặc ăn lê, bồ đào, thạch mật không xây nhỏ thành nước mà uống, và ăn đủ thứ. Tuy có nghiền nhỏ nhưng chẳng lắng lại lấy nước trong, lại lấy luôn nước đục, nồng nặc và cặn bã mà uống. Hoặc có nghe khai giới cho uống nước quả Xá-lâu-già khi bịnh sốt nóng bèn lấy cọng ngó sen sống mà ăn. Hoặc lấy nước hồ (gạo) mà uống. Hoặc thân không đói khát mà phi thời uống tía tô, dầu, mật, đường. Hoặc dùng hạnh nhân sắc cho đặc lại. Những việc lạm dụng này chẳng phải một, không thể kể hết. Căn cứ theo luật Thập Tụng nếu không phải năm hạng người như người đi xa… kể trước thì không được ăn, nếu ăn thì phạm giới, thấy nhiều người phạm, nên trong ký Biệt sơ nói kệ:

Trăng mọc thật sáng trong
Trời đẹp chiếu vô cùng
Bốn chúng theo thời họp
Bảy chúng lên thiền đường.
Cung kính thanh tịnh tụng
Ai oán động Cung, Thương
Mùi hương quyện trên không
Theo gió bay khắp nơi.
Cùng vui tán công đức
Lời nói vui sâu xa
Diệt não dạy lời hay
Hiện tại bỏ phần thừa
Nương nhờ tướng tơ lụa
Pháp tài phát thần quang
Ruộng phước nay tròn đầy
Dạy ân huệ còn mất.

CHƯ KINH TẬP YẾU
(HẾT – QUYỂN 5)