CHƯ KINH TẬP YẾU

Soạn dịch: Sa-môn Thích Đạo Thế ở chùa Tây Minh, đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 15

 

Thứ 6: Duyên hai lưỡi.

Con đời sống trong cuộc đời này, đối với sanh, già, bệnh, chết đều không có thời hạn để tự thoát khỏi. Bồ-đề Niết bàn là nơi hội tụ của những ai biết tu hành. Sỡ dĩ chư Phật được mọi người phàm cũng như Thánh kính trọng nương theo là vì quý Ngài đã tu tập thành tựu Bốn nhiếp pháp. Bồ-tát thành Thánh là do hành sáu pháp Ba-la-mật nên ai cũng kính ngưỡng. Nay thấy những kẻ phàm tục thường tụ tập lại để nói lời ác chia rẽ, nói chuyện đúng, sai, khiến cho quyến thuộc của người khác xa lánh nhau, bạn bè ly tán, và gieo rắc nghiệp bất hòa làm cho người lia phải sống đau khổ trong cảnh chia lìa. Nếu tâm tốt mà chỉ bbảo người xa lánh kẻ ác thì cũng trở nên phá hoại. Tuy nhiên thấy làm như vậy, sẽ đem lại lợi ích cho người khác thì không phạm tội. Thế nên, luận Thành Thật dạy: “Nếu dùng thiện tâm giáo hóa, tuy làm họ biệt ly nhưng không mắc tội. Nếu dùng ác tâm làm người gây loạn tức là nói hai lưỡi, nên mắc tội rất nặng, tức đọa vào Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Nếu sanh trong loài người thì bị người khác phỉ báng, mắc tội xấu ác, và rơi vào tình trạng quyến thuộc chia lìa như quả báo của sự nói dối được trình bày ở trên. Nếu căn cứ vào việc không thuận với người này hay người kia mà sanh ra nói dối, thì cũng có nghĩa là nói hai lưỡi. Như trên đã trình bày rõ, tội nói hai lưỡi này chắc chắn sẽ đọa vào đường ác, chịu khổ đau trong ba đời, nên không cần phải ghi chép gì nữa.

Trong luật Tứ phần, đức Phật bảo cá Tỳ-kheo: Các ông nên biết: Xưa kia, có hai con thú ác làm bạn với nhau. Một con là Sư tử Thiện Nha,một con là Hổ Thiện Bát . Hai con thú này ngày đêm rình bắt đàn hươu. Lúc ấy, có một con Dã can (chồn) thường đi đến chỗ hai con thú kia để ăn thịt thừa của chúng. Nó tự suy nghĩ: “Nay ta không thể đến đây mãi mãi. Phải tìm cách gì để cho hai con thú kia cấu xé nhau, không còn thân nhau nữa”.

Lúc ấy, Dã can đến nói với Sư tử Thiện Nha: Hổ Thiện Bát nói thế này: “Quê quán, dòng họ, sức lực của ta hơn nó. Vì sao? Ngày ngày, ta ăn thức ăn ngon. Sau đó, Sư tử Thiện Nha đến chỗ ta, ăn thừa của ta để sinh sống”. Lúc ấy, nó liền nói kệ:

Hình sắc và chỗ sanh
Sức mạnh và thù thắng
Thiện Nha không thể hơn
Thiện Bát nói như thế.

Thiện Nha hỏi Dã can: Do đâu mà ngươi biết được?

Đáp: Hai chúng tôi cùng đến gặp nhau một chỗ để trò chuyện nên biết.

Bấy giờ, Dã Can nói dối với Thiện Nha rồi đến nói với Hổ Thiện Bát: Bạn không biết đâu, Thiên Nha nói thế này: “Dòng họ, quê quán, thế lực của ta ngày nay đều hơn nó. Vì sao? Ta thường ăn thịt ngon. Hổ Thiện Bát ăn thịt dư của ta để sinh sống”. Lúc ấy, nó liền nói kệ:

Hình sắc và chỗ sanh
Sức mạnh và thù thắng
Thiện Bát không thể hơn
Thiện Nha nói như thế.

Thiện Bát hỏi: Do đâu mà ngươi biết được?

Đáp: Hai chúng tôi cùng đến gặp nhau một chỗ để trò chuyện nên biết.

Sau đó hai con thú gặp mặt thì trừng mắt nhìn nhau. Sư tử Thiện Nha liền nghĩ: “Ta cần phải hỏi”. Nó liền đưa tay đánh con kia.

Bấy giờ, Sư tử Thiện Nha nói kệ với Hổ Thiện Bát:

Hình sắc và chỗ sanh
Sức mạnh và thù thắng
Thiện Nha không bằng ta
Thiện Bát nói vậy chăng?

Thiện Bát tự nghĩ: “Nhất định là do Dã Can gây sự chia rẽ chúng ta”. Nó liền nói kệ:

Thiện Bát không nói vậy
Hình sắc và chỗ sanh
Sức mạnh và thù thắng
Thiện Nha không thể hơn
Nếu nghe lời không tốt
Tin người nói hai bên
Tự phá hoại tình thân
Liền thành kẻ oán thù
Nếu dùng trí chân thật
Sẽ diệt trừ sân giận
Nay ta có thể khuyên
Cho thân được lợi ích
Cần phải khéo hàng phục
Để diệt kẻ xấu ác Cần phải giết
Dã Can Kẻ gây rối chúng ta.

Hai con thú liền đánh chết Dã Can.

Bấy giờ, đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Hai con thú này bị con thú kia phá hoại, cùng tụ hội một chỗ nhìn nhau không vui. Huống chi loài người, bị người phá hoại mà tâm lại không phiền não chăng?

Kinh Niệm Chánh Pháp, Vua Diêm La nói kệ trách tội nhân:

Vui quá nói nhiều lời
Càng tham làm người sợ
Lỗi miệng tự nói láo
Hai lưỡi là đệ nhất.

Kinh Hoa Thủ, đức Phật nói kệ:

Miệng ác và hai lưỡi
Thích nói lỗi người khác
Người không thiện như thế
Ác nào mà chả làm.

Luận Trí Độ có dạy: Nói thật thì không cần bố thí, trì giới, trí tuệ, nghe nhiều nhưng tu theo lời chân thật sẽ được phước vô lượng. Kinh Báo Ân, đức Phật nói kệ:

Phật bảo A Nan
Người sanh ở đời
Phước ra từ miệng
Nên hộ trì miệng
Còn hơn lửa lớn
Lửa lớn bùng cháy
Thiêu của thế gian
Miệng ác bùng phát
Thiêu hủy Thánh tài
Tất cả chúng sanh
Họa ra từ miệng
Búa bủa thân thể
Họa diệt thân mình.

Bài tụng Chánh Báo:

Hai lưỡi gây gổ người
Bị Địa ngục phân thân
Ngục tốt chặt miệng ra
Dao nung đỏ cắt lưỡi
Đã khổ đau như thế
Lại càng thêm đói khát
Nghiệp ác, không tự do
Lại uống máu trong thân.

Bài tụng Tập Báo:

Dèm pha hại nhiều người
Thêm chịu khổ ba đường
Nếu như được làm người
Dư báo vẫn luôn theo
Quyến thuộc phần đông ác
Ngang ngược và sân giận
Mà tạo ác không mất
Địa ngục không xưa nay.

Thứ 7: Duyên thêu dệt

Nếu nói lời trung thực thì hiển bày đạo lý, còn nói lời thêu dệt thì trái lẽ chơn thường. Từ lời nói trung thực này có thể làm phát sanh tính chân thực và kế tiếp hình thành nên phong thái đức độ, rồi nghiễm nhiên trong vị trí Thánh Hiền. Ngược lại nhười nói lời thiêu dệt hư vọng sanh khởi rồi chìm sâu trong tội lỗi và chịu nhiều khổ đau. Bởi vậy, nên biết muốn thành tựu thánh vị, việc nói chân thật là con đường hữu hiệu nhát. Người nói lời hư dối, hoàn toàn trái với đạo lý. Lời không chân chánh đều là lời thêu dệt. Những lời nói thêu dệt chẳng có lợi ích cho mình và người, chỉ tăng thêm sự buông lung, tăng thêm lời nói không tốt, nên khi chết rồi sẽ đọa vào ba đường ác. Sau khi được sanh làm người dù có nói lời chân chánh thì người cũng không tin. Tuy nhiên việc nói năng không rõ ràng thì đồng nghĩa với nói lời thêu dệt. Thế nên Luận Thành Thật dạy: Dù là lời nói chân thật mà nói không đúng lúc thì cũng rơi vào lời nói thêu dệt. Như trong bài kệ luận Trí Độ có dạy:

Kẻ rơi vào Ngạ quỷ
Lửa xuất ra từ miệng
Bốn hướng phát thanh lớn
Là tội báo của miệng
Dù hiểu biết nghe nhiều
Thuyết pháp giữa đại chúng
Do nghiệp không thành tín
Mọi người không tin được
Muốn danh tiếng lừng vang
Được mọi người tin theo
Nên cần phải chí thành
Không nên nói thêu dệt.

Luận Tát-bà-đa có dạy: Lỗi của miệng thường có bốn loại:

1. Nói hai lưỡi nhưng không nói dối, không nói lời ác. Nếu có người đem lời nói của người này đến nói với người kia, với lời thành thật không nói dối, lời dịu dàng không nói hung ác nhưng với tâm chia lìa nên gọi là hai lưỡi.

2. Nói hai lưỡi là nói dối nhưng không nói ác. Nếu có người đem lời nói của người này đến nói với người kia bằng tâm chia lìa nên gọi là hai lưỡi, bằng lời nói dối nên gọi là nói dối, bằng lời nói êm dịu nên gọi là không nói hung ác.

3. Nói hai lưỡi là nói hung ác nhưng không nói dối. Nếu có người đem lời nói của người này đến nói với người kia bằng tâm chia lìa nên gọi là hai lưỡi, bằng tâm thô ác nên gọi là nói ác, nhưng nói thành thật nên không phải là nói dối.
4. Nói hai lưỡi là nói dối, nói hung ác. Nếu có người đem lời nói của người này đến nói với người kia bằng tâm chia lìa nên gọi là hai lưỡi, bằng lời nói dối nên gọi là nói dối, bằng lời nói ác nên gọi là nói hung ác.

Mình hoặc người nói dối, nói hung ác đều có bốn loại như vậy. Có một loại nói thêu dệt không chia lìa nhau nên không nói riêng. Vì thế luận Thành thật dạy: “Ngoài ba nghiệp của miệng hoặc hợp hoặc lìa, còn một loại nói thêu dệt tất không chia lìa nhau.” Bài tụng Chánh báo:

Thêu dệt không nghĩa lý
Làm tâm người mê loạn
Làm họ mất căn lành
Bị nước đồng rót miệng
Sắt nung đỏ đốt lưỡi
Ngũ tạng đều tan nát
Thống khổ không chịu nỗi
Thường đau xót kêu gào.

Bài tụng Tập báo:

Nói dối trái chân lý
Do đó đọa đường ác
Thoát khỏi, được làm người
Lời nói không rõ ràng
Không có tâm tin tưởng
Thường bị người chê cười
Xấu hổ với người trí
Sao không nói tốt đẹp.

Thứ 8: Duyên xan tham

Chúng sanh thường mắc bệnh nghi ngờ, chấp ngã làm đầu mối và các thứ mê muội, tham lam, keo kiệt làm nền tảng cho thiện nghiệp mỏng như lông tóc, ác nghiệp nặng hơn núi cao, phước ít như băng đóng mùa Xuân, bần cùng nhiều như mưa mùa Thu. Vì vậy, lưới Sáu trần dễ gì thoát được, bến Ba độc do đâu để vượt qua. Thân thể nặng nề như loài cá chìm trong sông nên muốn vỗ cánh bay như chim trên Trời thì khó đạt được, đến nỗi phải chịu nhiều sự khốn cùng tiếp nối, giành giựt, bức hiếp khổ não không dừng, tranh nhau làm hại. Giống như thiêu thân bay vào ngọn lửa, như tằm làm kén tự ràng buộc mình. Tất cả đều do tham lam, keo kiệt mà phải chịu tội đói lạnh. Bố thí là nhân sanh phước nên thường thọ nhận sự giàu có vui sướng. Như trong kệ kinh Phân Biệt Nghiệp Báo có dạy:

Thường ưa tu trí tuệ
Mà không hành bố thí
Sanh ra thường thông minh
Nghèo khổ không tài sản
Chỉ ưa hành bố thí
Mà không tu trí tuệ
Sanh ra được giàu có
Ngu si không hiểu biết.
Tu bố thí, trí tuệ
Sanh có trí, giàu sang
Hai việc này không tu
Suốt đời nghèo, ngu si.

Trong Nhiếp luận có dạy: Keo kiệt là chướng ngại nhiều của sự ganh ghét là chướng ngại sự tôn quý. Lại nữa, chúng sanh khởi tham lam thì không nằm ngoài tài sản, sắc đẹp. Thứ nhất ái sắc có nhiều lỗi như trước đã trình bày. Vì sợ có người không đồng ý nên nay xin nói sơ qua.

Trong kinh Niết bàn có dạy: Ví như có người cưới vợ là nữ La-sát và Nữ La-sát này theo đó sanh con, sanh rồi liền ăn, ăn con rồi lại ăn chồng. Ái sắc cũng như vậy, tùy theo các chúng sanh mà sanh con thiện căn, sanh rồi lại ăn con, ăn con rồi lại ăn chúng sanh, do đó phải đọa vào Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Lại nữa, như có người thích hoa thơm nhưng không thấy cành hoa có quá nhiều rắn độc nên liền đến ngắt lấy, ngắt rồi liền bị rắn cắn mà qua đời. Tất cả phàm phu cũng vậy, tham hoa năm dục, không biết tai họa rắn độc của ái này mà liền thọ nhận nên bị rắn độc ái chích đốt và sau khi qua đời liền đọa vào đường ác.

Luận Trí Độ có dạy: Tài vật là nhân duyên tội nghiệp của vô số phiền não còn các pháp thiện như trì giới, thiền định, trí tuệ… là nhân duyên Niết bàn. Do vậy, đối với tài vật còn phải tự bỏ đi huống chi ở trong ruộng phước tại sao không bố thí! Ví như có hai anh em ra đi đều mang theo mười cân vàng, giữa đường lại không có gặp người bạn nào khác. Người anh nghĩ: “Tại sao ta không giết em để lấy vàng. Ở giữa đường trống mênh mông này ai mà biết được sự việc này.” Người em cũng sanh tâm muốn giết chết anh để lấy vàng. Hai anh em đều có tâm ác nên nói năng, nhìn ngó khác thường. Sau đó hai anh em đều giác ngộ mà trở lại sanh tâm hối hận: “Chúng ta chẳng phải là người, nếu đem so với cầm thú thì có khác gì đâu? Chúng ta đồng là anh em, chỉ vì một ít vàng mà phải sanh tâm niệm ác. Hai người liền đi đến bên bờ suối. Người anh đem vàng vứt trong nước. Người em nói: “Lành thay! Lành thay!” Người em cũng vứt vàng trong nước. Người anh nói: “Lành thay! Lành thay!” Hai anh em cùng hỏi nhau: “Vì sao nói “Lành thay”? Hai người đều đáp: “Vì số vàng này mà ta sanh tâm xấu, muốn làm hại nhau. Nay bỏ được nó, ta nói “Lành thay! Lành thay!” Do nhân duyên này nên cần phải tự xả bỏ.

Luận Đại Trang Nghiêm có dạy: Ta từng nghe, ở nước Xá-vệ, Phật cùng A Nan đi trong đồng trống, đến một bờ ruộng thấy có của báu dưới đất. Đức Phật liền bảo: A Nan! Có rắn độc lớn.

A Nan thưa: Bạch Thế Tôn ! Rắn độc ác.

Lúc ấy, có một người đang cày ruộng, nghe đức Phật và A Nan nói có rắn độc liền nghĩ: “Ta đến xem thử, vì sao Sa-môn nói là rắn độc”. Người cày ruộng đi đến chỗ ấy thì trông thấy đống vàng, liền suy nghĩ: “Sa-môn nói rắn độc, đó là vàng ròng”. Người ấy liền lấy vàng đem về nhà.

Trước đây, anh ta nghèo cùng ăn mặc thiếu hụt. Nhưng nay, do nhặt được vàng mà trở nên giàu có, ăn mặc tùy ý. Nhà Vua thấy lạ liền cho mời người nhà giàu ấy đến giam vào ngục, xét hỏi. Tuy nhiên số vàng lấy được trước kia nay anh ta đã dùng hết nên không được miễn tội, vua ban lệng liền đem ra xử trảm.

Người ấy nói: Rắn độc, A Nan! Rắn độc ác, Thế Tôn! Người bên cạnh nghe vậy liền tâu lên nhà Vua.

Vua cho gọi người ấy đến hỏi: Vì sao nói rắn độc, A Nan. Rắn độc, Thế Tôn?

Người ấy tâu: Ngày trước thần dân đang cày ruộng thì nghe đức Phật và A Nan nói: “Rắn độc, rắn độc ác”. Đến nay, thần dân mới hiểu được.

Nhà Vua nghe nói vậy liền phóng thích anh ta.

Kinh Tăng nhất A-hàm có dạy: Xưa kia, lúc đức Phật còn ở đời, trong thành Xá-vệ có Trưởng giả Bà-đề có nhà cửa sang trọng, của cải vô lượng, vàng bạc nhiều không thể tính kể. Mặc dù giàu có như thế nhưng ông ta vô cùng keo kiệt, cất giữ không dám dùng đến, ăn mặc rất tồi tệ, cũng không dám đem cho vợ con, quyến thuộc, tôi tớ, bạn bè thân quen và các Sa-môn, Bà-la-môn…lại còn sanh khởi Tà kiến, đoạn mất căn lành. Do không có con cháu nên sau khi qua đời tất cả châu báu của ông ta đều nộp vào cửa quan. Vua Ba-tư-nặc tự đến thâu nhận. Lấy rồi, nhà Vua về đến chỗ Phật thưa: “Sau khi Trưởng giả Bà-đề qua đời thì sẽ sanh vào đâu?”

Đức Phật dạy: “Trưởng giả Bà-đề do đã hết phước mà không tạo nghiệp phước mới, do sanh khởi tà kiến đoạn mất căn lành nên sau khi qua đời bị đọa vào Địa ngục Rên xiết.”

Vua Ba-tư-nặc nghe lời Phật dạy nên khóc than, bạch Phật: “Trưởng giả Bà-đề xưa kia đã tạo nghiệp gì mà được sanh vào nhà giàu có và đã tạo ác gì mà không hưởng được sự sung sứớng?”

Đức Phật dạy: “Quá khứ xa xưa, có đức Phật Ca Diếp sau khi Niết bàn thì Trưởng giả này sanh ở nước Xá-vệ làm con nhà nông. Bấy giờ, có Phật Bích Chi đến nhà đó khất thực, Trưởng giả liền đem thức ăn cúng dường. Đức Phật thọ nhận rồi bay lên hư không mà đi. Trông thấy vậy, Trưởng giả liền phát nguyện: “Mong nhờ căn lành này mà làm cho con đời đời được sanh ra trong nhà giàu có, không đọa vào ba đường ác”. Sau khi cúng dường rồi, Trưởng giả lại sanh tâm hối hận: “Thức ăn của ta vừa rồi nên đem cho người đày tớ còn hơn, không nên cho Sa-môn trọc đầu kia”.

Đức Phật bảo nhà Vua: “Nhờ quá khứ Trưởng giả Bà-đề đem thức ăn cúng dường Phật Bích Chi và với công đức phát nguyện cho nên thường được sanh ra có nhiều của báu, không bị thiếu thốn. Do sau khi cúng dường xong lại sanh tâm hối hận nên dù được sanh ra trong nhà giàu có mà không được hưởng thụ món ăn sang trọng, keo kiệt cất giữ không dám ăn, mặc, lại không cho vợ, con, quyến thuộc, cũng không cho bạn bè quen biết và Sa-môn, Bà-la-môn…Vì thế người có trí được nghe nhân duyên này nếu có của cải dù nhỏ thì nên đem bố thí, chớ có keo kiệt. Trong lúc bố thí phải chí tâm, tự tay mình trao cho người. Bố thí rồi thì nên hoan hỷ, chớ sanh tâm hối hận. Có bố thí như thế thì mới có được quả báu lớn vô lượng vô biên”.

Kinh Xuất Diệu có dạy: Xưa kia lúc đức Phật còn ở đời, trong nước Xá-vệ có Trưởng giả Nan-đà giàu có nhiều của cải, vàng bạc, châu báu, voi ngựa, xe cộ, tớ trai, tớ gái, y phục, ruộng vườn, cơ nghiệp đồ sộ không thể suy lường. Nói chung ông là người giàu có nhất nước không ai sánh bằng. Mặc dù nhà giàu nhưng Trưởng giả không có tín tâm, lại keo kiệt, tham lam, ganh tỵ. Cửa nhà lầu làm bảy lớp, Trưởng giả bảo người giữ cửa nếu có người đến xin dù chỉ một người cũng không được cho vào. Trên không, trong sân giăng lưới sắt thưa, sợ có chim bay vào ăn lúa gạo. Dưới bốn bức tường dùng đất sét trét kín, sợ chuột đào hang làm hao tổn tài vật. Trưởng giả chỉ có một người con tên là Chiên Đàn Hương. Đến lúc sắp qua đời Trưởng giả dạy nó: “Bệnh của ta chắc không qua nỗi. Sau khi ta chết, tất cả của báu con chớ làm hao phí một mảy may, chớ có cho Sa-môn, Bà-la-môn. Nếu có trẻ con đến xin thì không nên cho một đồng. Tất cả của cải này cung cấp đủ cho trong bảy đời”. Dạy con rồi, Trưởng giả qua đời liền gá sanh vào bào thai của bà mù thuộc dòng Chiên-đà-la ở nước Xá-vệ. Sau khi chào đời thì mắt đứa bé ấy bị mù không trông thấy gì. Bà mẹ nghĩ: “Nay ta mù mắt, nếu sanh được con trai thì ta có người giúp đỡ”. Biết được người con sanh ra bị mù thì bà ta càng ưu sầu gấp bội, thảm thương nói kệ:

Con mù, ta cũng mù
Hai người không mắt sáng
Gặp lúc nghèo túng này
Tăng thêm sầu cho ta.

Bấy giờ, bà mù nuôi con lớn đến tám, chín tuổi, có thể đi lại được. Bà ta trao cho một cây gậy ăn xin và bảo con: “Con hãy tự mình đi xin ăn để sinh sống, không cần ở lại đây. Ta cũng mù cũng phải đi xin ăn để sống những ngày còn lại”.

Đứa bé mù đi xin ăn từng nhà, rồi lần lữa cũng đến nhà Chiên Đàn Hương, đứng ở ngoài cửa nói: “Tôi bị mù lòa nên đến xin ăn”.

Lúc ấy, người giữ cửa sân giận nắm tay đứa trẻ liệng xuống hầm sâu, bẻ gãy tay trái, và đánh lõa đầu rồi đem thức ăn xin được vứt xuống đất. Có người trông thấy vậy cảm thương đến nói với bà mù.

Bà mẹ nghe rồi liền chống gậy lần mò tìm đến chỗ đứa trẻ rồi vội bồng nó đặt lên đầu gối mình mà nói: “Con có tội gì mà phải chịu nguy hiểm này”.

Đứa trẻ thưa: “Vừa rồi, con đến ngoài cửa nhà Chiên Đàn Hương xin ăn liền bị kẻ xấu đánh ném như vậy”.

Bấy giờ, đức Phật thấy biết như vậy rồi liền bảo A Nan:

Tai họa! Tai họa! Trưởng giả Nan Đà qua đời, sanh làm con của bà mù thuộc dòng Chiên-đà-la kia, lúc mới chào đời đã bị mù lòa. Xưa kia, cơ nghiệp giàu có vô lượng, nào là voi ngựa, bảy báu nhiều vô số không thể tính kể nhưng nay có dùng được chăng? Bởi vì keo kiệt tham lam nên phải chịu quả báo mù lòa này. Sau khi qua đời đọa vào Địa ngục A-tỳ.

Đức Phật cùng chúng Tỳ-kheo và nhân dân trong nước vây quanh, đi đến nhà Chiên Đàn Hương nơi chỗ đứa bé mù. Lúc ấy, Chiên Đàn Hương nghe đức Phật ở bên ngoài liền ra lễ lạy rồi đứng qua một bên. Đức Phật biết chúng đã tập hợp, lại thấy Chiên Đàn Hương liền nên Ngài giảng nói rộng về sự keo kiệt, tham lam, ganh tỵ thì phải chịu vô lượng tội. Ngài lại giảng nói bố thí thì hưởng phước nhiều vô tận. Đức Phật muốn cho mọi người xa lìa chấp có, hướng đến đạo giải thoát.

Lúc ấy, Thế Tôn muốn cho Chiên Đàn Hương thoát khỏi khổ nơi Địa ngục nên Ngài hỏi đứa bé: Ngươi là Trưởng giả Nan đà phải không?

Đứa bé đáp: Chính con là Nan Đà.( Hỏi đáp ba lần như thế).

Đại chúng nghe rồi ngạc nhiên nói: Trưởng giả Nan Đà sao mà thân hình lại như thế?

Lúc ấy, Chiên Đàn Hương nghe thấy việc này rồi thương cảm không cầm được nước mắt, liền vội đảnh lễ cầu cứu Phật, nguyện xin dứt sạch tội lỗi và thỉnh Phật cùng chúng Tăng ngày mai đến nhà thọ thực. Ngày hôm sau, đức Phật thọ thực xong liền thuyết pháp vi diệu. Lúc ấy Chiên Đàn Hương đắc quả Tu-đà-hoàn.

Đức Phật bảo A Nan: Người nào cất chứa của cải, không dám ăn mặc, lại không bố thí, đó chính là kẻ ngu trong bọn người ngu. Cho nên người trí cần phải hành bố thí, cầu lìa sanh tử, chớ sanh tâm keo kiệt mà phải chịu vô lượng khổ đau.

Luật Thập Tụng có dạy: Lúc đức Phật còn ở nước Xá-vệ, có trưởng lão Ca Lưu Đà Di đã chứng đắc đạo A-la-hán. Trưởng lão ôm bát vào thành khất thực. Khi đi đến nhà Bà-la-môn thì chủ nhà đi vắng, vợ ông ta đang đóng cửa chiên bánh trong nhà.

Tỳ-kheo Ca Lưu Đà Di nhập định, xuất thần thông từ bên ngoài ẩn xuống mặt đất rồi vọt lên trong nhà. Mới nghe tiếng tằng hắng thì bà ta ngoảnh mặt lại nhìn rồi thầm nghĩ: “Sa-môn này từ đâu vào, chắc là thèm ăn bánh nên đến đây. Ta nhất quyết không cho”.

Bà ta liền nói: “Giả sử có làm rơi mắt của ngươi, ta cũng không cho”.

Tỳ-kheo dùng thần lực làm cho hai con mắt rớt ra.

Bà ta lại nghĩ: “ Có làm mắt ngươi lớn như cái bát, ta cũng không cho”.

Tỳ-kheo lại biến mắt lớn như cái bát.

Bà ta lại nghĩ: “Giả sử ngươi có đứng chổng chân lên Trời, ta cũng không cho”.

Tỳ-kheo liền đứng lộn ngược.

Bà ta lại nghĩ: “Nếu như ngươi chết đi, ta cũng không cho”.

Tỳ-kheo liền nhập định Diệt thọ tưởng khiến tâm tưởng đều diệt, không còn nhận biết.

Lúc ấy vợ Bà-la-môn lôi kéo Tỳ-kheo mà không thấy động đậy gì nên bà ta lo sợ: “Sa-môn này thường đến cung Vua Ba-tư-nặc, là bậc thầy của phu nhân Mạt-lợi. Nếu nhà Vua mà nghe tin chết ở chỗ ta thì ta sẽ gặp phải nguy hại lớn”. Bà ta liền nói với Tỳ-kheo: “Nếu ngươi sống lại thì ta sẽ cho một cái bánh”.

Ca Lưu Đà Di liền xuất định. Vợ Bà-la-môn nhìn thấy bánh nướng xong thơm ngon quá nên lòng tham tiếc không muốn cho. Bà ta liền cắt một miếng bột nhỏ ở trong thau đem nướng. Nướng xong, bà ta để vào chỗ bánh trước rồi mới cho. Bà vừa cầm cái bánh ấy lên thì thấy các cái kia cũng dính chùm vào nhau.

Thấy thế, Ca Lưu Đà Di nói: “Tôi không cần bánh này. Bà có thể đem cúng dường cho chúng Tăng ở tinh-xá Kỳ-hoàn”.

Bà này đời trước đã trồng căn lành nên bây giờ liền suy nghĩ: “Thật ra Tỳ-kheo này không tham bánh nhưng vì thương xót ta nên mới đến đây vậy”. Bà liền đem rổ bánh đến tinh-xá Kỳ-hoàn cúng dường chúng Tăng rồi ngồi trước Ca Lưu Đà Di.

Bấy giờ, Ca Lưu Đà Di quán biết được nhân duyên của ba ta nên Tôn giả liền giảng nói giáo pháp vi diệu. Ngay lúc ấy bà ta đắc pháp nhãn tịnh trở thành Ưu-bà-tắc. Sau đó hai vợ chồng Bà-la-môn đem hết của cải và sức lực của mình để cúng dường A-xà-lê cho đến khi họ qua đời giống như người con phụng dưỡng cha mẹ, cho đến đời sau nhân duyên ấy vẫn còn.

Kinh Bách Duyên dạy: “Một thời Đức Phật ở tại vườn Trúc lâm Ca-lan-đà nơi thành Vương-xá. Bấy giờ, Mục Liên đang ở dưới một gốc cây, trông thấy thân một Ngạ quỷ giống như đống lửa, bụng lớn như núi, cổ họng nhỏ như cây kim, tóc cứng như dao nhọn đâm quanh thân thể, ở nơi chân tay đều có lửa đốt cháy, đói khát muốn chết, môi miệng khô cháy. Lúc nó đến gần sông, suối thì nước liền khô cạn. Nếu như nước mát, ngọt trên Trời rơi xuống thân nó thì đều biến thành lửa cháy. Mục Liên liền hỏi về nghiệp duyên của nó, Ngạ quỷ đáp: “Con phải chịu đói khát không thể nào nói được. Ông nên về thưa hỏi đức Phật”.

Mục Liên liền đi đến chỗ Phật trình bày sự việc trên mong Ngài nói rõ xưa kia Ngạ quỷ đã tạo nghiệp gì mà nay phải chịu khổ não như thế?

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn bảo Mục Liên: Ông hãy lắng nghe, Ta sẽ vì ông mà phân biệt giải nói.

Trong hiền kiếp ấy, ở nước Ba-la-nại có đức Phật ra đời hiệu là Ca Diếp.

Lúc ấy, có một Sa-môn đi đường nóng khát quá bỗng trông thấy cô Ác Kiến múc nước bên giếng. Sa-môn đến xin nước, cô ta đáp: “Mong sao cho ngươi phải chịu chết khát, ta quyết không cho. Dù ngươi có làm cho nước của ta vơi cạn đi nữa, ta cũng không cho”. Do đó Sa-môn đành chịu khát mà lên đường đi tiếp. Còn cô gái kia thì vẫn keo kiệt, tham tiếc, gặp người đến xin nhất quyết không cho. Sau khi qua đời, cô ta đọa trong loài Ngạ quỷ. Do nghiệp duyên ấy mà phải chịu khổ như vậy.

Đức Phật bảo Mục Liên: Cô gái không cho nước lúc ấy, bây giờ là Ngạ quỷ này.

Lúc đức Phật nói về nhân duyên của cô Ác Kiến rồi thì các Tỳkheo liền bỏ nghiệp xan tham. Có vị thì chứng đắc bốn quả Sa-môn, có vị thì phát tâm Vô thượng Bồ-đề.

Sau khi nghe lời đức Phật dạy, tất cả đại chúng đều hoan hỷ làm theo.

Kinh Phó Pháp Tạng dạy: “Bấy giờ có La-hán Tăng-già-Da-xá có nhiều trí tuệ, lời nói thanh thoát. Xưa kia tuy dã xuất gia nhưng lúc chưa chứng quả Tu-đà-hoàn nhưng khi dạo đi bên bờ biển ông ta vẫn trông thấy một cung điện được trang hoàng bằng bảy báu, có ánh sáng thù thắng. Ông ta liền vào cung điện ấy nói kệ khất thực:

Đói lã, bệnh đệ nhất
Hành là khổ đệ nhất
Như vậy người biết pháp
Sẽ đắc đạo Niết bàn.

Lúc ấy, chủ nhà ra nghênh đón, cung phụng, trải đệm cỏ mời ngồi. Da-xá thấy ở trong nhà ấy có hai Ngạ quỷ trần trụi, đen gầy, đói khát, thân thể bị còng lại và đặt ở trên giường, lại thấy có một cái bát đựng đầy nước hương, dùng bình nước đầy đặt ở bên cạnh Ngạ quỷ. Bấy giờ, chủ nhà liền đem thức ăn để dâng cúng Tỳ-kheo. Chủ nhà nói: “Đại đức! Xin Ngài cẩn thận, chớ đem thức ăn cho Ngạ quỷ kia”. Lúc ấy, Tỳ-kheo trông thấy chúng đói khổ liền lấy một ít thức ăn cho chúng. Ngạ quỷ ăn rồi liền ói ra máu mủ lan tràn khắp mặt đất, làm dơ bẩn cung điện.

Lúc ấy, Tỳ-kheo thấy chuyện lạ liền hỏi: “Ngạ quỷ này do đâu mà phải chịu khổ báo này”. Chủ nhà đáp: “Có lẽ Ngạ quỷ này đời trước là cháu của con, hoặc là vợ, là con của con. Xưa kia con bố thí, làm việc công đức mà vợ chồng kia thường luôn sân giận, tham tiếc. Con thường khuyên bảo mà họ không chịu nghe lời. Do đó, con lập nguyện: “Tội nghiệp như thế chắc họ phải chịu quả báo ác. Nếu lúc chịu tội, mong cho con được thấy họ”. Do nhân duyên ấy nên họ phải chịu khổ não như thế.

Da-xá đi một đoạn đến chỗ khác thấy lầu gác được trang trí bằng các thứ báu kỳ diệu, có rất nhiều chúng Tăng kinh hành, ngồi thiền. Hằng ngày họ thường đi đến đó đánh chùy, tập trung thọ thực. Lúc ăn sắp xong thì bàn cỗ biến thành máu mủ, họ liền lấy bình bát đánh ném lẫn nhau, đầu mặt bị thương, máu chảy khắp thân nên Da-xá nói: “Vì sao họ tham tiếc tài vật để nay phải chịu khổ này?”

Chủ nhà đáp: “Trưởng lão! Đời trước, vào thời đức Phật Ca Diếp, bọn chúng đồng ở một chỗ. Khi khách tăng đến ai cũng sân giận, cất chứa thức ăn uống không chịu đem ra phân chia. Do nhân duyên ấy nên phải chịu khổ báo này”.

Bài tụng Chánh báo:

Tham dục giả đạo đức
Trau chuốc làm nghiệp lành
Chứa nhiều điều xảo trá
Tâm cầu lợi ngàn vàng
Chịu tội trong Địa ngục
Tập khí như giặc cướp
Cùng nhau cắt hết thịt
Liên tiếp đến xương trắng.

Bài tụng Tập báo:

Vì tham dục cho nên
Luân hồi trong sáu đường
Hết tội được làm người
Chủ báo còn theo thân
Tâm thường như chó sói
Ai mà thích gần họ?
Suốt đời không tỉnh ngộ
Đáng trách- người ngu si.

Thứ 9: Duyên sân nhuế

Hễ bốn con rắn hung dữ khởi động, ba độc tháo chạy, sáu giặc xâm lấn khiến trăm sầu tụ hợp. Kẻ nào xưa kia huân tập sự hiềm khích, rình tìm chỗ tốt xấu, lòng thường kết oán thì chỉ làm hại nhau thêm. Người không có nhân nghĩa, dễ mất lòng từ bi, tạo duyên giết hại, pháp giết hại, dạy cách chết, khen ngợi sự chết, hoặc cất giấu thuốc độc, lén tạo thần chú tà vạy, làm tổn thương lục phủ ngũ tạng, xé nát ruột gan khiến kẻ khác phải ngậm hờn suốt đời, ôm sầu nơi chín suối, thì kết quả oán nghiệp cứ xoay vần mãi mãi trong ác đạo. Như vậy, làm sao nói hết được nỗi phiền toái khó trình bày này. Cho nên trong kinh có dạy: “Trong nhà Trưởng giả sanh nhiều cây độc, La-sát trên biển thường xin phao nỗi, cũng như có vạn bó củi khô mà chỉ cần một chút lửa là có thể thiêu cháy. Căn nhà tối trăm năm chỉ cần một ngọn đèn là có thể phá tan hết bóng tối. Nên biết tâm sân còn mạnh hơn lửa cháy rực. Do đó hành giả cần phải phòng hộ tâm mình. Trong bọn giặc cướp phá hoại công đức thì không có gì nguy hại hơn sự sân giận. Bởi vì một chút sân khởi lên có thể thiêu cháy hết thảy rừng công đức . Do đó kẻ bạo ác thì thường làm cho loài người, loài vật đều sợ hãi. Nếu ai không biết chọn lời của người lành thì liền có hại. Kẻ ưa hại người thì ai cũng nhàm chán, không yêu thích, và tránh xa kẻ ấy như trốn tránh hổ, sói. Kẻ ấy bây giờ phải chịu nghèo khổ, chết rồi đọa vào Địa ngục. Cho nên người trí thấy tội lỗi này rồi thì cần phải dùng sự nhẫn nhục để diệt trừ nó mới không còn lo sợ khổ não.”

Kinh Niệm Chánh Pháp dạy: “Kẻ nào khởi sân giận là tự thiêu cháy thân mình, trong lòng ôm sự độc hại thì nhan sắc thay đổi làm cho mọi người lìa bỏ, sợ hãi, lánh xa, khinh bỉ, không ưa. Sau khi qua đời, kẻ ấy sẽ đọa vào Địa ngục. Đối với kẻ sân giận thì không việc ác nào mà họ không làm. Cho nên người trí phải xa lìa sân giận như tránh lửa lớn. Ai biết được tội lỗi của sân giận thì có thể tự làm lợi ích cho mình. Muốn được lợi mình, lợi người cần phải thực hành nhẫn nhục. Thí như lửa lớn thiêu cháy phòng ốc, nếu có người dũng cảm dùng nước rưới lên thì dập tắt lửa. Cũng vậy, nước trí tuệ có khả năng diệt lửa sân giận. Nhẫn nhục là tâm lành bậc nhất, có khả năng trừ bỏ sân giận. Người hành hạnh nhẫn nhục thì được mọi người yêu mến, muốn nhìn và tin tưởng. Người hành nhẫn nhục thì nhan sắc thanh tịnh, tâm yên lặng không tháo động, thân tâm thanh tịnh, tránh xa lỗi lầm ở thân, miệng, lìa tâm sầu não, lìa nỗi sợ hãi ở đường ác, lìa sự oán ghét, lìa suy nghĩ ác, lìa sự sầu não, lìa sự sợ hãi oan gia, lìa người ác, miệng ác mắng chửi, lìa sự sợ hãi hối cải, sợ nạn tiếng ác, lìa sự sợ hãi không có lợi, lìa sự sợ hãi khổ đau, lìa sự sợ hãi kiêu mạn. Nếu người có thể lìa sự sợ hãi như thế thì tất cả công đức đều được đầy đủ, được xưng danh hiệu là bậc nghe thấy khắp mọi nơi, được an lạc trong hiện tại và tương lai. Ai gặp họ cũng xem như cha mẹ mình. Người hành nhẫn nhục như thế thì mọi người đều gần gũi. Bởi vì sân giận giống như rắn độc, cũng như dao, lửa nên phải dùng nhân nhục để trừ diệt nó làm cho nó không còn. Nhẫn chịu sự sân giận gọi là nhẫn nhục. Người thiện nhân nào thường tu hành thiện thì nên nghĩ thế này: “Nhẫn nhục giống như châu báu, cần phải giữ gìn nó. Thế nhưng các chúng sanh có tâm thiện, ác khác nhau. Người ngu lăng nhục người khác cho đó là sự tối thắng. Người trí lấy sự im lặng làm bậc nhất. Người ngu thì đối với sự tranh tụng nhỏ cũng trở thành oán lớn. Nếu mình hơn người thì oán càng sâu, hoặc bị oan ức thì lại tăng thêm sầu khổ. “Do đó cần giữ gìn miệng lưỡi không nói lỗi của người. Nếu người kia có mắng nhiếc ta thì đều là nghiệp xưa, chẳng phải quả báo bây giờ.”

Kinh Lục Độ Tập có dạy: “Xưa kia lúc Bồ-tát làm thân con voi chúa, tâm tánh bao dung, thấy biết có Phật, pháp, tăng, quy y Tam bảo, thường dùng lòng từ rộng lớn cứu giúp chúng sanh, thệ nguyện lúc thành Phật thì sẽ cứu độ tất cả. Voi chúa thường có năm trăm voi tùy tùng bên mình. Lúc ấy, voi chúa có đến hai vợ. Một hôm, voi chúa bẻ được một cành hoa sen trong nước, màu sắc tuyệt diệu, nó liền đem đến cho vợ cả. Vợ cả được tặng hoa, vui vẻ nói: “Thời tiết bây giờ băng giá quá nhiều, làm sao kiếm được hoa này?” Vợ bé thấy vậy sanh tâm ganh tỵ nên thề: “Ta nguyện sẽ lấy độc chim Châm để giết chết mày”. Lập tức nó bị uất khí mà chết. Lúc ấy, thần thức cảm ứng nên nó làm con gái của dòng họ Chiên-đà-la nhưng lại có nhan sắc tuyệt đẹp, trí tuệ thông suốt, hiểu rộng các việc xưa nay, xem tướng thiên văn thì biết được lúc thịnh, suy. Nhà Vua nghe như thế nên đến cưới làm vợ. Cô ta được cưới về liền lên phương án trị nước, hội họp trung thần. Vua rất vui mừng, kính trọng cô ta và cũng hết sức chìu chuộng. Một hôm, cô ta nói: “Thiếp nằm mộng thấy con voi sáu ngà nên trong lòng thiếp muốn dùng ngà ấy để làm đồ trang sức. Nếu Đại vương không kiếm được nó thì có lẽ thiếp sẽ chết mất”. Vua nói: “Chớ nói lời quái lạ, người ta mà nghe thấy thì họ sẽ chê cười”.

Bấy giờ thấy phu nhân ưu sầu, Vua liền cho mời bốn vị đại thần đến bàn chuyện, tự nói là mình nằm mộng thấy. Vua hỏi: “Xưa nay có con voi như thế chăng?”

Vị đại thần thứ nhất tâu: “Thần không nghe nói có con voi như thế”. Vị thứ hai tâu: “Đại vương không thể mộng thấy như vậy”. Vị thứ ba tâu: “Thần thường nghe nói có con voi ấy ở nơi xa”. Vị thứ tư tâu: “Nếu có thể đến chỗ Đế Thích thì sẽ rõ việc đó”.

Bốn vị thần liền triệu tập những người săn bắn ở bốn phương đến hỏi. Người phương Nam nói: “Khi cha tôi còn sống ông ta thường nói có con voi ấy nhưng ở nơi xa xôi khó đến được”. Các vị thần liền tâu lên Vua: “Người này biết con voi ấy”. Phu nhân liền nói: “Ngươi đi về hướng Nam khoảng ba ngàn dặm rồi vào núi, đi trong hai ngày thì đến chỗ voi ở. Ngươi làm hầm bên đường, cắt tóc, mặc y phục Sa-môn, rồi ở trong hầm bắn nó, chặt lấy hai ngà của nó đem về đây cho ta”.

Tượng sư vâng lệnh đi đến chỗ voi, bắn chân voi. Thấy tượng sư mặc pháp phục, ôm bình bát, ngồi ở trong hầm, voi chúa tưởng là Samôn liền cúi đầu thưa: “Đãnh lễ Đạo sĩ. Ngài muốn làm việc gì mà giết chết tôi”.

Đáp: “Ta muốn có được ngà của ngươi”. Voi nói: “Tôi đau đớn quá nên khó nhẫn chịu được. Vậy Ngài hãy mau lấy ngà của tôi đi. Nếu không thì tâm tôi não loạn sẽ sanh niệm ác. Khi niệm ác sanh khởi thì sẽ rơi vào Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Nếu tâm luôn nhẫn nhục hành từ nhưng mà ác đến thì thiện đi”. Đó là hạnh nguyện cao cả của Bồtát.

Ngươi kia liền cắt lấy ngà voi. Voi nói: “Đạo sĩ, ông hãy đi đi. Nếu không thì bầy voi tìm đến sẽ đạp chết mất”. Voi đợi người kia đi thật xa đến lúc đau đớn khó chịu nỗi, nó ngã lăn xuống đất an nhiên mà chết, và liền được sanh lên cõi Trời.

Đàn voi ở khắp nơi chạy lại đều nói: “Ai đã giết voi chúa của ta”. Chúng chạy tìm khắp nơi không có liền trở về bên voi chúa mà khóc than đau đớn. Thợ săn lấy ngà voi đem về dâng Vua. Vua trông thấy ngà voi thì trong lòng rất đau xót. Phu nhân cầm ngà voi trong tay sắp muốn nhìn xem thì liền bị sét đánh, thổ huyết mà chết, rồi đọa vào Địa ngục.

Đức Phật dạy các Sa-môn: Bấy giờ voi chúa là thân ta. Vợ lớn là Cầu-di. Thợ săn là Điều-đạt. Phu nhân là Hảo-thủ. Bồ-tát giữ chí Bát nhã hành trì giới như vậy.

Trong luận Trí độ, Thích-đề hỏi Phật:

Vật gì giết an ổn
Vật gì giết không sợ
Vật gì là gốc độc
Tiêu diệt tất cả thiện.
Đức Phật nói kệ đáp:
Giết sân thì an ổn
Giết sân thì không sợ
Sân là gốc độc hại
Sân diệt tất cả thiện.

Bài kệ trong kinh Tạp-bảo-tạng:

Chiến thắng tăng thêm oán
Thất bại lại thêm sầu
Người không tranh thắng, bại
An lạc tối thắng nhất.

Người nào thực hành nhẫn nhục thì có được năm đức: Một là không sân giận. Hai là không mắng chửi. Ba là được mọi người yêu mến. Bốn là có danh tiếng tốt. Năm là được sanh vào cõi thiện. Nếu thành tựu năm đức này thì có được sự an lành. Bài kệ trong kinh Trường A-hàm:

Ngu mắng, trí im lặng
Thì thắng được kẻ ngu
Ngu kia không hiểu biết
Nghĩ rằng được khủng bố
Ta quán đệ nhất nghĩa
Nhẫn nhục là hơn hết
Người ác ở cõi ác
Gặp sân lại sanh sân
Ở nơi sân không sân
Là chiến thắng tối thượng
Hễ người có hai duyên
Vì mình cũng vì người
Gặp người không tranh cải
Không gọi là ngu si
Nếu người có năng lực
Hay nhẫn người ngu si
Nhẫn ấy là đệ nhất
Hơn hết trong các nhẫn
Ngu tự cho có lực
Lực ấy chẳng phải lực
Lực nhẫn đúng như pháp
Lực ấy không thể ngăn.

Bài kệ trong kinh Tu hành đạo địa:

Miệng nói lời dịu dàng
Mà tâm chứa độc hại
Thấy người rất hoan hỷ
Thân thích như tùy tùng
Miệng nói lời hòa nhã
Trong tâm chứa chấp độc
Như cây hoa sáng đẹp
Mà quả đắng hoặc độc

Kinh Xích Chủy Điểu Dụ dạy: “Xưa kia có con chim tên là Câu kỳ dạo ở rừng cây Sản nhụ còn các con nó thì ở trên cây. Bấy giờ Câu kỳ thân với một con Khỉ. Ở giữa rừng cây ấy có một con Rắn, đợi Câu kỳ đi vắng nó liền ăn hết các con Chim con. Câu kỳ mất con thì khóc than bi ai, không biết con mình giờ ở đâu? Nó suy nghĩ hồi lâu mới biết là Rắn đã ăn con mình. Lúc ấy Khỉ đến chơi thấy vậy liền hỏi xem chuyện gì xãy ra. Chim đáp: “Rắn đã ăn hết con của tôi”. Khỉ nói: “Tôi sẽ trả thù cho bạn”.

Khi Rắn độc bò đi, khỉ liền quấy nhiễu. Rắn sân giận quấn lấy Khỉ. Khỉ chụp lấy đầu rắn kéo lên trên đá, nghiền nát đến chết và ném bỏ xác rồi trở về. Câu kỳ thấy mối thù đã trả xong nên rất vui mừng. Loài súc sanh mà còn muốn trả thù nhau nữa, huống chi là con người.

Kinh Tạp Thí Dụ dạy: “Xưa kia có một con rắn, đầu và đuôi của nó tranh cải nhau. Đầu nói với đuôi: “Ta phải làm lớn”. Đuôi nói với đầu: “Ta phải làm lớn”. Đầu nói: “Ta có tai có thể nghe, có mắt có thể thấy, có miệng có thể ăn, lúc đi ta đi ở trước nên ta làm lớn. Ngươi không có những khả năng này thì làm sao làm lớn”. Đuôi nói: “Ta làm cho ngươi đi nên mới đi được vậy. Nếu ta không đi, ta dùng thân quấn quanh cây ba vòng thì nội trong ba ngày thôi, ngươi không ăn, không uống sẽ đói khát mà chết”. Thấy vậy, đầu nói: “Ngươi có thể thả ta ra, ta cho ngươi làm lớn”. Đuôi nghe nói vậy liền thả ra. Đầu nói: “Ngươi đã làm lớn thì cho ngươi đi trước”. Đuôi đi trước chưa được mấy bước liền rơi vào hầm sâu mà chết”. Đây là dụ chúng sanh chấp vào nhân ngã nên cuối cùng phải đọa vào ba đường ác.

Luật Tăng-kỳ dạy: Vào thời quá khứ, có một đàn gà ở trong một rừng cây ăn quả. Lúc ấy, có một con cáo đến ăn hết đàn gà chỉ còn sót lại một con gà mái. Bấy giờ, có con quạ đi lại với con gà mái nên gà mái sanh con. Lúc con học kêu, quạ nói kệ:

Con này không phải ta
Cha đồng trống, mẹ xóm làng
Hòa hợp sanh con nhỏ
Không quạ, chẳng phải gà
Nếu muốn học tiếng ông
Lại là gà đã sanh
Nếu muốn học tiếng mẹ
Cha nó lại là quạ
Học quạ tợ tiếng gà
Học gà tợ tiếng quạ
Học cả gà lẫn quạ
Hai tiếng đều không thành.

Đây là dụ Đạo nhân trì cấm giới không thuần, trong giống như thiện nhưng miệng nói lời ác, muốn nói lời thiện thì miệng lại xuất ác, muốn nói không thiện mà hình tướng là xuất gia.

Kinh Chặt cây độc có dạy: “Xưa kia ở nước Xá-vệ, có khu vườn của một vị quan nọ sanh ra một cây độc. Người nào đến dạo chơi dưới cây này đều bị đau đầu như muốn vỡ ra, hoặc là bị đau ở thắt lưng. Cây này bị chặt rồi nó cũng sanh lại. Vì cây tốt đẹp nên mọi người đều thích ngắm nhìn. Người nào không biết được sự độc hại của nó mà đến đó liền bị chết. Có người trí bảo nên đốn tận gốc nó. Vừa muốn đào gốc, họ lại sợ chết nên phải suy đi nghĩ lại. Người xuất gia học đạo cũng như vậy. Đức Phật nói kệ:

Chặt cây không tận gốc
Chặt rồi nó lại sanh
Chặt ái không tận gốc
Thường luôn sanh sầu khổ
Giác ngộ được tự tánh
Liền chứng đắc sơ quả.

Bài kệ trong kinh Trâu nghé:

Ác từ tâm sanh
Lại tự làm giặc
Như sắt sanh sét
Sét lại hủy sắt
Cây nhiều hoa quả
Bị chiết lấy cành
Hổ mang ngậm độc
Lại hại thân thể.

Bài kệ trong luật Thiện kiến:

Nếu người khởi tâm sân
Như xe vội vã chạy
Lái xe chế phục nó
Không cho đó là khó
Người chế phục tâm sân
Việc này là khó nhất.

Bài kệ trong kinh Tu-hành-đạo-địa:

Có kẻ do tâm sân
Liền oán hại kẻ khác
Đời sau làm Hổ mang
Hoặc làm loài thú dữ
Thí như bửa cây trúc
Ba tiêu, lừa mang thai
Nó liền hại trở lại
Nên phải phát tâm từ.

Kinh Bách Duyên có dạy: “Một thời Đức Phật ở vườn Trúc Calan-đà nơi thành Xá-vệ. Trong thành ấy có trưởng giả Hiền Diện, có vô lượng của báu không thể nào tính kể. Thế mà trưởng giả thường nịnh hót, quanh co, keo kiệt, tham lam, ganh tỵ, không hề có tâm bố thí, ngay cả loài chim bay ngang qua cũng bị đuổi đi không cho nó đến gần nhà, có Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào đến xin thì ông ta dùng lời ác mắng họ. Do đó sau khi qua đời, ông ta làm thân rắn để trở lại giữ tài vật xưa. Nếu có người đến gần của cải đó thì nó lại trừng mắt sân giận hung dữ nhìn họ, làm cho họ sợ hãi chết đứng. Vua Tần-bà-sa-la nghe vậy thì rất hãi hùng. Vua suy nghĩ: “Nay con rắn độc này thấy người thì làm hại. Chỉ có đức Phật mới điều phục được nó”. Nghĩ vậy rồi, Vua liền dẫn quần thần đi đến chỗ Phật, đãnh lễ dưới chân Phật xong, ngồi qua một bên rồi thưa hết sự việc trước và nói cúi xin Thế Tôn điều phục con rắn này, chớ để cho nó làm hại người”. Đức Phật im lặng nhận lời.

Ngày hôm sau, đức Phật đắp y, ôm bình bát đi đến chỗ rắn ở. Rắn thấy đức Phật đến thì sân giận muốn cắn chết Như Lai. Đức Phật dùng năng lực từ bi ở năm đầu ngón tay của Ngài phóng ánh sáng năm màu chiếu đến thân rắn làm cho nó được mát mẻ nên lửa độc tiêu trừ. Do đó, nó hoan hỷ ngẫng đầu lên mọi người xung quanh rồi tự nhủ: “Đây là phước đức ai phóng ánh sáng chiếu đến thân thể ta được mát mẻ, sung sướng không gì bằng”.

Bấy giờ đức Thế Tôn thấy rắn đã được điều phục nên Ngài nói về nhân duyên xưa kia. Nghe Phật nói xong, rắn hết sức hối hận, tự trách mình. Nhờ vậy, mây chướng tan đi nên rắn nhớ được kiếp trước: Lúc làm Trưởng giả đã tạo nghiệp ác. Bởi vậy, ở trước đức Phật, nó hết lòng tin kính Ngài.

Đức Phật bảo: “Đời trước ngươi không nghe lời ta khuyên nên nay phải chịu làm thân rắn. Bây giờ, ngươi đã chịu khuất phục thì nên nghe lời dạy bảo của Ta”. Rắn đáp: “Con xin tùy thuận theo lời dạy bảo của Ngài”. Đức Phật dạy: “Nếu ngươi vâng lời thì nên vào trong bình bát của Ta”. Đức Phật nói dứt lời thì nó chui vào trong bình bát. Ngài đem nó vào trong rừng. Nhà Vua cùng quần thần nghe Thế Tôn điều phục rắn độc vào trong bình bát đem đi nên liền cùng dân chúng trong nước đến xem. Rắn trông thấy mọi người thì hết sức hổ thẹn, chán ghét thân hình này liền chết đi nên được sanh lên cõi Trời Đao-lợi. Nó tự nghĩ: “Ta đã tạo phước gì mà được sanh lên cõi Trời”. Nó liền quán sát biết được: “Lúc còn ở thế gian ta phải chịu làm thân rắn. May thay được gặp Phật, sanh tâm tín kính, nhàm chán thân rắn ác độc nên được sanh lên đây, hưởng thọ sự khoái lạc của cõi Trời. Nay ta nên trở lại để báo đáp ân Phật”. Rắn liền đem hương hoa, ánh sáng chiếu diệu đến trước chỗ Phật. Nó đãnh lễ Ngài, cúng dường xong ngồi qua một bên nghe Phật thuyết pháp, tâm ý sáng tỏ liền đắc quả Tu-đà-hoàn. Ở trước đức Phật, nó nói kệ khen Ngài:

Đại thánh tôn quý nhất
Công đức đều đầy đủ
Hay khai mở kẻ ngu
Sẽ được đắc đạo quả
Trừ bỏ phiền não dơ
Vượt qua biển sanh tử
Nay nhờ ân của Phật
Được thoát ba đường ác.

Bấy giờ, Thiên tử khen ngợi đức Phật xong, đi nhiễu quanh Ngài ba vòng rồi trở về cung Trời. Lúc Vua Tần-bà-sa-la nghe đức Phật nói về nhân duyên keo kiệt, tham lam thì trong hội chúng ấy có người đắc bốn quả Sa-môn, có người thì phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Tất cả đại chúng đều hoan hỷ phụng hành.

Kinh Bách Duyên dạy: “Lúc ở nước Kiều-tát-la, đức Phật cùng chúng Tỳ-kheo muốn đến chỗ cây Lặc-na, vào trong một cái đầm có năm trăm con trâu rất hung dữ. Lại có năm trăm người chăn trâu trông thấy đức Phật dẫn các Tỳ-kheo từ xa đến trong đường này, chúng liền lớn tiếng kêu gọi: “Xin Thế Tôn chớ đi đến con đường này, vì trong bầy trâu ấy có con trâu hung ác, nó thường húc người bị thương nên Ngài khó có thể đi qua được”. Phật bảo người chăn trâu: “Các ngươi chớ sợ hai. Nếu con trâu ấy đến húc Ta thì Ta tự biết tránh đi”.

Tức thời, con trâu ác liền chạy đến, nó vễnh đuôi, dựng sừng, nhãy cẫng, rống lên rồi nhào đến phía trước. Bấy giờ, ở năm ngón tay của Như Lai hóa làm năm con Sư tử đứng hai bên Ngài, có hầm lửa lớn ở bốn phía xung quanh Ngài. Lúc ấy con trâu ác kia vô cùng kinh hãi, nó nhìn quanh bốn phía để tẩu thoát nhưng không có lối ra, chỉ có một khoảnh đất nhỏ ở phía trước chân Phật là mát mẻ an ổn. Nó liền chạy đến và cảm thấy bình an không còn sợ hãi. Nó vội quỳ xuống, gục đầu, liếm chân Thế Tôn rồi lại ngẫng đầu lên nhìn Ngài. Nó cảm nhận được sự hoan hỷ tràn đầy thân mình.

Lúc ấy đức Phật biết tâm niệm của trâu đã thuần thục nên Ngài vì nó mà nói kệ:

Tâm dữ sanh ý ác
Muốn đến làm hại Ta
Dốc lòng mong chiến thắng
Trở lại liếm chân Ta

Nghe đức Thế Tôn nói kệ rồi con trâu vô cùng xấu hổ. Tự nhiên, tâm ý nó được sáng tỏ, mây chướng tiêu tan nên nó biết được đời trước, lúc ở trong loài người nó đã tạo nghiệp ác. Do đó nó càng thêm xấu hổ, liền bỏ ăn, bỏ uống mà qua đời. Sau khi chết, vừa được sanh lên cõi Trời Đao-lợi tự nhiên nó to lớn như em bé tám tuổi. Nó suy nghĩ: “Ta đã tu phước gì mà được sanh lên cõi Trời này?” Quán sát rồi, nó biết được lúc mình còn ở đời đã làm thân trâu, may nhờ có Phật hóa độ mới được sanh lên cõi Trời. Vậy nay ta hãy trở lại thế gian để báo đáp ân Phật”. Nghĩ rồi, nó liền đem hương hoa đến chỗ Phật, ánh sáng rực chiếu nơi Ngài. Thiên tử đãnh lễ dưới chân Ngài rồi ngồi qua một bên. Đức Phật liền vì nó mà thuyết pháp Tứ-đế. Sau khi nghe pháp thì tâm ý được sáng tỏ liền đắc quả Tu-đà-hoàn. Sau đó, Thiên tử nhiễu quanh Phật ba vòng rồi trở về cung Trời.

Sáng sớm hôm sau, năm trăm người chăn trâu đi đến chỗ Phật, đức Phật nói pháp vi diệu làm sáng tỏ tâm ý họ nên tất cả đều chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, rồi cầu xin Phật cho phép xuất gia làm Sa-môn.

Đức Phật nói: “Lành thay! Tỳ-kheo!” Thì râu tóc tự rụng, pháp phục đắp trên thân, họ liền trở thành Sa-môn, siêng năng tu hành. Tức đắc quả A-la-hán. Các Tỳ-kheo thấy việc này rồi, bạch Phật:

Bầy trâu và năm trăm người chăn trâu này xưa kia đã tạo nghiệp gì mà sanh trong loài trâu? Chúng lại tu phước gì mà được gặp Thế Tôn?

Đức Phật bảo: Các ông muốn biết nhân duyên nghiệp ác xưa kia chúng đã tạo. Nay ta sẽ nói cho các ông nghe. Đức Phật liền nói kệ:

Xưa tạo nghiệp thiện ác
Năm kiếp rồi không mất
Nhờ nhân duyên nghiệp thiện
Nay được quả như vậy.

Trong hiền kiếp, ở nước Ba-la-nại có đức Phật xuất hiện ở đời, hiệu là Ca Diếp. Ở trong giáo pháp ấy có Tỳ-kheo Tam tạng dẫn năm trăm người đệ tử du hành đến nước khác. Ở trong đại chúng có người hỏi đến pháp, nhưng vì không thông hiểu để giải đáp nên Tam Tạng sanh tâm sân giận rồi dùng lời ác mắng họ: “Các ông bây giờ không có sự hiểu biết lại đi hỏi ta thì cũng giống như những con trâu đến húc người vậy”. Lúc ấy các đệ tử thấy vậy liền bỏ đi. Vì nhân duyên nghiệp ác của miệng nên trong năm trăm đời thường sanh ra trong loài trâu và người chăn trâu thường tùy tùng theo. Cho đến ngày hôm nay vẫn chưa thoát khỏi thân trâu.

Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo! Nên biết Tỳ-kheo Tam tạng kia nay chính là con trâu ác ở trong bầy trâu. Các đệ tử lúc ấy, nay là năm trăm người chăn trâu.”

Lúc đức Phật nói về nhân duyên con trâu ác đó thì ai nấy đều tự phòng hộ nghiệp thân, miệng, ý, nhàm chán sanh tử, chứng đắc bốn quả Sa-môn, có người phát tâm Vô thượng Bồ-đề .

Khi nghe lời đức Phật dạy xong, tất cả đại chúng đều hoan hỷ phụng hành. Bài tụng Chánh báo:

Người ngu nhiều sân giận
Bị địa ngục thiêu đốt
Sói vây quanh giành giựt
Rắn độc tranh đến trước
Sân giận cắn xé ăn
Bới tung cả thân thể
Mình tạo thì mình chịu
Lửa sân tranh nhau đốt.

Bài tụng Tập báo:

Tâm sân nhiều độc hại
Trầm luân đường ác khổ
Sau khi được làm người
Dư báo theo não hại
Người thích tìm lỗi lầm
Hiềm khích như cỏ độc
Điều ấy không có lợi
Ngu sân có gì quý?

Thứ 10: Duyên tà kiến

Trước tiên hội nhập vào Phật pháp cần phải có tín tâm làm đầu. Thí như có người đến núi báu, nếu không tin có châu báu thì tay không mà trở về. Thế nên trong kinh dạy: “Người ngu không biết nhân quả, mê vọng sanh khởi Tà kiến, hủy báng không có Tam bảo, Tứ đế, không họa, không phước, cho đến không có thiện ác, cũng không có nghiệp báo thiện ác, cũng không có đời nay, đời sau chúng sanh thọ sanh thì chính là kẻ phá hoại pháp thiện ác đoạn mất căn lành, chắc chắn sẽ đọa vào địa ngục A-tỳ.

Trong kinh Đại-phẩm có dạy: Người nào không tin, hủy báng kinh Bát-nhã Đại thừa thì sẽ đọa vào Địa ngục A-tỳ trong vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp, chịu nhiều khổ đau, luân chuyển từ Địa ngục này đến Địa ngục khác. Sau khi hết kiếp ở Địa ngục này lại sanh trong Đại Địa ngục ở phương khác, hết kiếp Địa ngục ở phương ấy lại sanh trong Đại Địa ngục ở phương này; hết tội ở Địa ngục lại sanh trong loài Súc sanh và cũng phải trãi qua mười phương cõi nước; hết tội Súc sanh lại sanh trong loài người ở chỗ không có phật pháp, bần cùng, hạ tiện, các căn không đủ, thường bị si cuồng, không biết phân biệt, tuy có hiểu biết nhưng vọng sanh tà chấp nên cũng gọi là Tà kiến. Bởi vậy, trong luận Thành-thật có dạy: “Kẻ ngu si có sự sai khác. Vì sao? Không phải tất cả kẻ ngu đều là bất thiện. Nếu ngu tăng thượng trở thành Tà kiến tức thành nghiệp đạo bất thiện. Cho nên từ sự ngu si tăng trưởng Tà kiến tức thành tội nặng, chắc chắn sẽ đọa vào Địa ngục A-tỳ. Tùy theo mỗi loại Tà kiến mà có tội nặng, nhẹ. Tội nhẹ thì có thể chuyển hóa, tội nặng thì không thể thay đổi. Không “Nhân” thấy có “Nhân”, không “Quả” thấy có “Quả”, đó là tội có thể chuyển đổi. Nên biết nghiệp ác gọi là Tà kiến. Nghiệp thiện là Chánh kiến. Không hủy báng Tứ đế, mê hoặc Thánh đạo, không biết đạo lý từ tâm sanh ra chỉ làm khổ thân để cầu giải thoát như con chó đuổi theo hòn đá mà không biết nguồn gốc của nó”. Do đó, luận Đại Trang Nghiêm dạy: “Như khi người bắn Sư tử thì nó tìm đuổi theo người. Như con chó ngu thấy có vật đánh ném thì nó liền chạy theo hòn đá mà không biết nguôn gốc. Nói Sư tử là dụ cho người trí thông hiểu tìm rõ nguồn gốc để diệt phiền não. Nói con chó ngu tức là dụ cho ngoại đạo bị năm ngọn lửa đốt thân, không biết được là do tâm làm nguồn gốc. Thế nhưng các phàm phu ngu si đa số đều mê hoặc Chánh đạo, không biết quán sát thân tâm vốn là không có Ngã, chỉ tu khổ hạnh, lấy đó làm đạo cũng như ngoại đạo mê vọng, thực hành theo tà pháp, chấp chặt vào sự sai lầm trái với chân lý nên thành pháp ác”. Cho nên luận Trí Độ dạy: “Tà kiến là tội nặng nên dù có trì giới…nơi thân, miệng có tốt đi nữa cũng đều theo Tà kiến, vì tâm ác bất thiện”. Như thí dụ Phật tự nói: “Gieo trồng giống khổ dù cho bốn đại đã thành đều tạo ra khổ. Cũng vậy, người Tà kiến dù có trì giới tinh tấn đều thành pháp ác. Những kẻ không chấp dù ít hành bố thí nhưng không chấp vẫn dễ dạy. Kẻ chấp chặt thì khó hóa độ, dù không tự hại mình thì cũng làm tổn thương người khác”. Cho nên, Luận Thành Thật dạy: “Thà không làm, chớ đừng làm theo Tà đạo mà đến khi thân hoại mạng mất sẽ phải đọa vào đường ác”.

Kinh Niệm Chánh Pháp dạy: Vua Diêm-la nói kệ trách người mới phạm tội:

Ngươi Tà kiến ngu si
Bị lưới si trói buộc
Nay đọa Địa ngục này
Ở nơi biển khổ lớn
Ác kiến thiêu hết phước
Hèn hạ nhất loài người
Ngươi sợ Địa ngục trói
Đó là phòng nhà ngươi
Hoặc quyến thuộc Tà kiến
Người ấy không trí tuệ
Đi khắp các Địa ngục
Bị oan gia phiền nhiễu
Tâm là oán đệ nhất
Oán này là ác nhất
Oán này trói buộc người
Dẫn đến chỗ Diêm vương.

Bấy giờ đức Thế Tôn nói kệ:

Ngu như cá lấm bùn
Trụ yêu thích phòng nhà
Tạo nghiệp thì vui cười
Thọ khổ thì khóc than.

Bài kệ trong kinh Tu Hành Đạo Địa:

Miệng kia có ngu si
Tâm ngươi đầy mê ám
Không thể nghĩ đến ác
Cũng không thể nghĩ thiện.
Nằm ngủ thì mê mờ
Mọi việc không thể làm
Như nấu nướng trong bão
Thức ăn không thể chín
Huân tập nhiều ngu si
Các căn không đầy đủ
Sanh trong loài trâu, dê
Sau đó đọa Địa ngục.

Trong kinh Nguyệt Quang đồng tử cũng gọi là kinh Thân Nhật có dạy:

Lúc ấy có Trưởng giả tên là Thân Nhật nhận lời của Lục sư Ngoại đạo muốn thỉnh Phật và chúng Tăng đến nhà mình để hại chết. Ngoại đạo bảo: “Trong, ngoài nhà Trưởng giả đào hầm sâu năm, sáu thước, trong đó đổ hơn nữa hầm than lửa và dùng tấm tôn mỏng che lên. Trên đó lại phủ một lớp đất mỏng. Trong thức ăn dọn ra đều có độc. Nếu hầm lửa không giết chết họ thì thức ăn độc cũng đủ hại, dùng mưu đồ này thì lo gì mà họ không chết”. Trưởng giả làm theo lời dặn, Ngoại đạo rất hoan hỷ.

Lúc ấy Thân Nhật đi đến chỗ Phật, ân cần thỉnh Ngài và Thánh chúng. Bấy giờ, đức Thế Tôn thương xót kẻ cuồng si muốn tế độ họ nên Ngài im lặng nhận lời. Trong lòng Thần Nhật vui mừng “quả đúng như mưu kế”.

Ngay cả lửa độc của núi Tu-di, thiêu đốt ngàn cõi nước hay mũi nhọn của đao kiếm cũng không thể đủ sức làm tổn hại một sợi lông tơ của Phật. Nay chúng muốn dùng hầm lửa, thuốc độc mà muốn làm hại Phật thì cũng giống như ruồi, muỗi mà muốn làm sụp đổ núi Thái sơn. Như cánh của ruồi, của mối đất mà muốn che mặt Trời, mặt Trăng thì chỉ thêm hại đén mình, chi bằng chúng phải sớm hối cải.

Bấy giờ, Trưởng giả bị tội lỗi ngăn che, tâm không sáng tỏ. Đức Thế Tôn nghĩ: “Nay Ta nhận lời mời của Trưởng giả không giống như thường lệ. Ngài liền hiện thần thông làm chấn động khắp mười phương thì năm ngàn Thánh chúng cùng các Long thần bay trên không, đi dưới đất nhiều vô số không thể tính kể, cùng một lúc đến nhà Trưởng giả để làm việc lợi ích. Phật dùng thần đức biến hầm lửa thành ao bảy báu đầy đủ tám vị, thức ăn độc biến thành thức ăn ngon của cõi Trời. Lục sư Ngoại đạo kinh hãi cùng nhau tẩu thoát. Còn Trưởng giả thì thuần phục, đãnh lễ dưới chân Phật rồi thuật lại sự việc. Lúc ấy Trưởng giả biết giác ngộ theo Phật và được Ngài cứu độ. Tất cả mọi người đến trong hội đều được an lạc trong pháp âm, được phước, được độ nhiều không thể tính kể.

Trong kinh Quán Phật Tam Muội có dạy: “Bấy giờ, Thế Tôn thưa phụ vương: “Trong thành Xá-vệ, ở nhà Trưởng giả Tu-đạt có một nô tỳ già tên là Ni-đê-la. Bà ta rất siêng năng trong công việc nhà. Thấy vậy, Trưởng giả giao chìa khóa, ủy thác tất cả công việc chi, tiêu trong nhà cho bà. Tu-đạt thỉnh Phật và chúng Tăng để cung cấp những thứ cần dùng. Lúc ấy có Tỳ-kheo bệnh nên cầu xin nhiều vật dụng. Bà già keo kiệt, tham tiếc liền nỗi sân, cơ hiềm phật pháp cùng chúng Tăng. Do đó bà ta nói: “Trưởng giả của ta ngu si nên bị mê hoặc mà chấp nhận pháp thuật của Sa-môn. Những kẻ khất sĩ ấy cầu xin không biết chán. Có đạo nào mà như thế”. Nói xong, bà ta phát nguyện ác: “Đến lúc nào thì ta mới được khỏi nghe danh Phật, khỏi nghe tên Tăng”.

Lời nói ấy truyền đi khắp thành Xá-vệ. Nghe lời nói này, phu nhân Mạt-lợi than: “Trưởng giả Tu-đạt như hoa sen thơm được mọi người ưa mến. Thế mà tại sao ông ta lại có rắn độc bảo hộ”. Phu nhân liền cho gọi vợ Tu-đạt đến nói: “Người nô tỳ già ở trong nhà ngươi đã nói lời ác hủy báng phật pháp. Tại sao ngươi không đuổi bà ta đi.”

Vợ Trưởng giả quỳ xin: “Thưa Phu nhân, Ương-quật-ma là người hung ác mà đức Phật còn có thể điều phục được, huống chi nô tỳ già này”.

Mạt-lợi nghe vậy thì hoan hỷ nói: “Ngày mai ta thỉnh Phật, nhà ngươi sai nô tỳ đến trong lúc thọ trai”.

Hôm sau, Trưởng giả sai nô tỳ đem đầy bình vàng đến trợ giúp Vua cúng dường. Mạt-lợi thấy bà ta đến liền nói: “Người Tà kiến kia, nếu mà được Phật hóa độ thì có lẽ ta sẽ được lợi ích”.

Lúc ấy, đức Phật đi vào cửa chánh. Nan-đà hầu bên phải, A-nan hầu bên trái, La-hầu-la đi sau Phật. Bà lão trông thấy đức Phật thì trong lòng rất kinh hãi đến nỗi sởn gai ốc. Đức Phật nói: “Người ác kia, đi theo sau Ta”. Tức thì bà ta chạy trốn theo cái lỗ nhỏ của chó đi ra. Cửa liền đóng lại, các cửa đều đóng bít, chỉ có một cửa chính mở ra. Người nô tỳ già lại lấy quạt để che mặt. Đức Phật ở phía trước làm cho cái quạt của bà trong như tấm kính, không còn ngăn cản. Bà ta quay mặt về hướng Đông thì thấy hướng Đông có Phật. Hướng Nam, Tây, Bắc cũng vậy. Bà ta ngẩng đầu nhìn lên, phương trên cũng có Phật. Bà cúi đầu xuống đất, đất hóa thành Phật. Bà lấy tay che mặt thì đầu mười ngón tay đều hóa thành Phật. Bà lão nhắm mắt nhìn tâm liền được khai ngộ, thấy hư không hóa Phật đầy khắp mười phương.

Lúc ấy trong thành có hai mươi lăm Chân-đà-la nữ, lại có năm mươi Bà-la-môn nữ và các dòng tộc khác đến cùng phu nhân Mạt-lợi. Trong cung gồm năm trăm người nữ, những người không tin Phật khi trông thấy đức Phật Như Lai bước đi trên không, vì bà lão mà hiện vô số thân thì họ đều phá bỏ Tà kiến, đê đầu đãnh lễ Phật và nói: “Nam mô Phật”. Xướng lên rồi thì họ liền trông thấy Hóa Phật nhiều như rừng nên họ đều phát tâm Bồ-đề. Bà lão Tà kiến vẫn chưa sanh lòng tin nhưng nhờ được gặp Phật nên trừ diệt tội sanh tử trong tám mươi vạn ức kiếp. Được gặp Phật rồi, bà ta vội chạy về nhà thưa với Trưởng giả: “Ngày nay, thình lình ta phải đối diện việc đại ác, trông thấy Cù Đàm ở cung Vua tạo các sự huyễn hóa, thân như núi vàng, mắt như hoa sen xanh, phóng ra ánh sáng thù thắng”. Nói xong, bà ta vào trong lồng tre, dùng trăm tấm vải mỏng che trên lồng tre, dùng bạch điệp quấn đầu, nằm ở chỗ tối tăm.

Đức Phật trở về tinh xá, Mạt-lợi bạch Phật: “Xin Ngài hóa độ người đàn bà tà kiến này, chớ trở về tinh xá”. Đức Phật dạy: “Người này tội chướng nặng nề, không có duyên với Như Lai. Bà ta có duyên lớn với La-hầu-la. Đức Phật ra về rồi sai La-hầu-la đến nhà Tu-đạt độ bà lão kia. La-hầu-la hóa làm Chuyển luân Thánh vương, một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo hóa làm Thiên tử cùng đến nhà Tu-đạt, biến bà lão thành ngọc báu nữ.

Lúc ấy Thánh vương dùng châu như ý chiếu sáng mặt người nữ làm cho bà ta trông thấy như ngọc báu nữ. Do đó bà ta càng hoan hỷ gấp bội mà nói: “Các Sa-môn lớn tiếng đàm luận nói có đạo nhưng không thành tựu bậc nhất. Chỉ có Thánh vương xuất hiện ở đời làm cho ta được nhiều lợi ích, làm cho ta đang già nua lại được như ngọc báu nữ”. Nghĩ vậy rồi, bà đãnh lễ Thánh vương. Lúc ấy thần Điển Tạng tuyên nói về Thập thiện. Nghe xong bà ta vô cùng hoan hỷ, vội làm lễ, hối hận tự trách, tâm được điều phục. Bấy giờ La-hầu-la và các Tỳ-kheo hiện lại nguyên hình. Bà lão thấy rồi liền nghĩ: “Phật pháp thanh tịnh không bỏ chúng sanh. Giống như ta là người hung ác mà còn được hóa độ”. Bà liền thọ trì năm giới, chứng đắc Tu-đà-hoàn. La-hầu-la dẫn bà đến chỗ Phật làm lễ sám hối tội lỗi đã tạo và bà cầu xin xuất gia.

Sau khi chứng quả A-la-hán, bà lão hiện mười tám pháp biến ở giữa hư không. Thấy vậy, Vua Ba-tư-nặc và phu nhân Mạt-lợi đều bạch Phật: “Bà lão ấy trước đây có tội lỗi gì mà sanh làm nô tỳ, lại có phước gì mà được gặp Phật đắc đạo?”

Đức Phật bảo Vua: “Quá khứ lâu xa, có đức Phật xuất hiện ở đời hiệu là Nhất Bảo Cái Đăng Vương. Sau khi đức Phật ấy nhập Niết bàn, trong thời tượng pháp, có Vua Tạp Bảo Hoa Quang có một người con tên là Khoái Kiến. Khoái Kiến xuất gia học đạo mà tự ỷ mình là con Vua nên thường kiêu mạn. Hòa thượng nói nghĩa “không” sâu xa của kinh Bát nhã Ba-la-mật cho Khoái Kiến nghe. Vương tử nghe rồi lại lầm hiểu tà thuyết. Sau khi vị thầy diệt độ, Khoái Kiến nghĩ: “Đại Hòa thượng của ta hoàn toàn không có trí tụê, chỉ biết tán thán về nghĩa “Không”. Ta nguyện đời sau không gặp nhau vậy. A-xà-lê của ta có trí tuệ biện tài, nguyện đời đời thường làm thiện tri thức của ta”. Nghĩ vậy rồi liền dạy đồ chúng cùng hành Tà kiến. Tuy trì cấm giới nhưng do hủy báng Bát nhã, lầm hiểu theo tà thuyết nên sau khi qua đời thì rơi vào Địa ngục A-tỳ chịu khổ vô cùng trong tám mươi ức kiếp. Lúc ra khỏi Địa ngục thì làm người nghèo hèn, trải qua năm trăm kiếp thân bị mù, si, không mắt, một ngàn hai trăm kiếp thân thường làm nô tỳ.

Đức Phật bảo Đại vương: “Hòa thượng lúc ấy, nay là thân Ta. Axà-lê nay là La-hầu-la. Tỳ-kheo con Vua nay là bà lão. Đồ chúng đệ tử nay là những người nữ Tà kiến phát tâm Bồ-đề.

Kinh Tát-giá-Ni-kiền-tử có dạy: Xưa kia lúc Phật còn ở đời, nơi thành Uất-xà-diên có Vua Nghiêm Xí nghe Tát-giá-Ni-kiền-tử nói:

“Nếu có người ác không tin Tam bảo, thiêu đốt chùa tháp, kinh điển, hình tượng, dùng lời ác chê bai nói người tạo tác không có phước đức gì, người cúng dường thì hiện tại bị hao tổn, tương lai không ích lợi gì, hoặc nghi ngờ về chùa tháp và các hình tượng rồi hủy hoại nơi ấy, phá bỏ đem để chỗ khác, hoặc phá phòng nhà của Sa-môn, hoặc lấy vật của Phật, Pháp, Tăng như vườn rừng, ruộng nhà, voi ngựa, xe cộ, nô tỳ, lục súc, y phục, ngọa cụ, tất cả châu báu, hoặc bắt Sa-môn làm việc quân dịch, trách mắng họ, bảo lột cà sa, bắt hoàn tục, hoặc có lúc thì khinh lờn, đùa bỡn, lúc thì hủy nhục, mắng nhiếc chê bai, hoặc dùng gậy, cây tự tay quất đánh, hoặc dùng các vật khác làm hại thân họ bị thương, thì xếp vào tội gì trong chúng sanh?

Đáp: Đại vương, người này thuộc vào hạng chúng sanh ác nghịch. Đại vương, nên biết đó là thuộc hạng chúng sanh bị trị tội rất nặng. Vì sao? Vì đã tạo tội căn bản rất nặng. Có năm tội thuộc về tội căn bản:

1. Phá hoại tháp chùa, thiêu đốt kinh tượng, lấy vật của Tam bảo, hoặc do mình tự làm, bảo người làm hay thấy người làm mà hoan hỷ trợ giúp. Đây là tội nặng căn bản thứ nhất.

2. Hủy báng pháp ba thừa, che dấu tội ác. Đây là tội nặng căn bản thứ hai.

3. Nếu có Sa-môn tín tâm xuất gia, cạo bỏ râu tóc, thân mặc cà sa, hoặc có người trì giới lại đem bắt nhốt vào ngục, dùng xiềng xích trói buộc, sai đi quân dịch, trách mắng đủ điều, hoặc bắt cởi bỏ cà sa, ép buộc hoàn tục, hoặc giết chết họ. Đây là tội nặng căn bản thứ ba.

4. Trong năm tội nghịch, nếu tạo một tội thì đó là tội nặng căn bản thứ tư.

5. Hủy báng tất cả đều không có nghiệp báo thiện ác, suốt đời thường làm mười nghiệp bất thiện, không sợ đời sau, tự mình làm hoặc bảo người làm và chấp chặt không bỏ. Đây là tội nặng căn bản thứ năm.

Nếu người phạm tội nặng căn bản như thế mà không tự sám hối thì nhất định tất cả các căn lành đều bị đốt cháy, sẽ vào Địa ngục lớn chịu khổ không bao giờ dứt, không có thời hạn ra khỏi. Nếu trong nước nào có người ác này thì Tam bảo bị hủy diệt, tất cả La-hán, chư Phật, Thánh nhân đều bỏ nước mà đi. Chư Thiên đau xót, Thiện thần không ủng hộ, mọi người giết hại nhau, giặc nổi loạn khắp nơi, Long vương lẫn trốn, nước khô cạn bất thường, mưa gió không đúng thời, ngũ cốc không thu hoạch được, nhân dân đói khát, dần dần ăn nuốt nhau, xương trắng đầy đồng, vô số bệnh tật, chết chóc đầy dẫy. Tất cả dân chúng không biết suy nghĩ về tội lỗi này mà trở lại oán trách chư Thiên và Thiện thần.

Kinh Quán Phât Tam muội có dạy: Có bảy tội nặng. Trong mỗi một tội đều có thể làm cho chúng sanh đọa vào Địa ngục A-tỳ, trải qua tám vạn bốn ngàn đại kiếp:

  1. Không tin nhân quả.
  2. Hủy báng không có mười phương Phật.
  3. Đoạn việc học Bát nhã.
  4. Phạm bốn tội nặng, lừa dối ăn của tín thí.
  5. Dùng vật của Tăng.
  6. Phá phạm tịnh hạnh Tỳ-kheo-ni.
  7. Hành bất tịnh hạnh với thân quyến.

Kinh Tiểu ngũ trược có dạy: Tội ngũ nghịch phân biệt có năm hạng:

  1. Ngạo mạn với cha mẹ mà phụng sự Quỷ thần.
  2. Giết Vua.
  3. Khinh khi bạc đãi kẻ hậu sanh.
  4. Coi rẻ thân mạng, quý trọng tài vật.
  5. Bỏ phước, theo họa.

Trong Kinh Trung A-hàm, đức Phật dạy các Tỳ-kheo: “Nếu người phàm tục ngu si, thân tạo ác, miệng nói ác, ý hành ác hạnh thì sau khi qua đời sẽ sanh vào cõi ác trong Địa ngục Nê-lê, chịu nhiều sự thống khổ, không có được một phút an vui.”

Như có kẻ ăn trộm bị bắt được giao cho Vua trị. Vua liền bắt kẻ ấy, rồi ra lệnh cai ngục vào lúc sáng sớm dùng trăm cái kích để đâm, nhưng kẻ ấy vẫn còn sống. Đến trưa, Vua lại ra lệnh dùng hai trăm cái kích để đâm, kẻ ấy vẫn còn sống. Đến chiều tối Vua lại ra lệnh dùng ba trăm cái kích để đâm, phá nát thân mạng nhưng kẻ ấy vẫn còn sống.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Ý các ông thế nào? Kẻ ấy có bị cái kích làm khổ không? Khi một cái kích đâm vào đã đau đớn, huống chi ba trăm cái.”

Đức Phật liền lấy một ít cát đá như hạt đậu ở trong tay và bảo các Tỳ-kheo: Cát đá ở trong tay Ta đem so với đá ở núi Tuyết thì ở đâu nhiều hơn?

Các Tỳ-kheo thưa: “Đá ở núi tuyết quá nhiều không thể dùng để ví dụ.”

Đức Phật dạy: “Đau khổ bị ba trăm cái kích đâm đem so với khổ ở Địa ngục thì như một ít cát đá trong tay Ta. Khổ ở Địa ngục thì gấp 2 trăm ngàn lần như đá ở núi Tuyết không thể ví dụ được. Đau khổ trong Địa ngục Nê-lê như thế nào?

Nếu có chúng sanh đọa trong Đia ngục Nê-lê thì bị ngục tốt dùng búa thui lửa bổ thân ra làm tám mảnh và đem để ở bốn phương, phải trải qua trăm ngàn năm như thế, đau khổ vô cùng mà không chết được; lúc mong được hết khổ lại ngồi nơi giường sắt, bị kìm kẹp sắt miệng, nuốt hòn sắt nóng, phải trải qua trăm ngàn năm như thế; lại ngồi giường sắt, bị nước đồng đổ vào miệng, phải trải qua trăm ngàn năm như thế; lại nằm nền sắt, bị sắt nóng đâm vào đầu, vào thân, phải trải qua trăm ngàn năm như thế; lại lè lưỡi ra liếm nền sắt, bị đinh đóng vào lưỡi như trương da trâu, phải trải qua trăm ngàn năm như thế; lại kéo cổ, gân buộc ở trên xe, phải trải qua trăm ngàn năm như thế; lại đốt nền sắt rồi bắt đến đó, trải qua trăm ngàn năm như thế; lại bắt đứng trên núi lửa, máu thịt tiêu tan, lúc dơ chân lên thì sống lại, phải trải qua trăm ngàn năm như thế; lại bỏ vào nồi để nấu, phải trải qua trăm ngàn năm như thế, đau khổ vô cùng mà không chết được. Đến lúc xét thấy hết tội thì mới được ra khỏi. Đây là sự thống khổ trong Địa ngục Nê-lê. Hết tội ở Địa ngục lại sanh vào loài Súc sanh phải luôn ở chỗ tối tăm và chúng thường ăn nuốt lẫn nhau, chịu khổ vô lượng không thể kể hết. Tội Súc sanh hết nếu được làm người thì rất khó giống như rùa mù gặp bộng cây nỗi. Khi sanh trong loài người thì nghèo nàn hèn hạ, bị người sai khiến, nhan sắc xấu xí, hoặc các căn bị tàn tật, thiếu khuyết, hoặc bị chết yểu. Nếu tạo nghiệp ác thì thân chết đi rồi sống lại luân chuyển mãi mãi ở trong Địa ngục Nê-lê, không thể tính được.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Phàm phu ngu si tạo các hạnh ác nơi thân, miệng, ý nên mắc tội như vậy.

Phật dạy: Nếu người có trí tuệ tạo hạnh lành nơi thân, miệng, ý thì khi qua đời sẽ được sanh ở cõi lành, hoặc được sanh ở cõi Trời hưởng thêm sự an lạc. Chẳng khác nào Chuyển luân vương đầy đủ bảy báu và bốn thứ diệu lạc trong nhân gian.

Phật bảo các Tỳ-kheo: Ý các ông nghĩ sao? Đó có phải là an lạc không?

Các Tỳ-kheo đáp: Một báu, một diệu lạc còn an lạc huống chi là bảy báu, bốn diệu lạc.

Đức Phật lại lấy một ít cát rồi bảo các Tỳ-kheo: Cát đá ở trong tay Ta đem so với đá ở núi Tuyết thì ở đâu nhiều hơn?

Các Tỳ-kheo thưa: Đá ở núi tuyết nhiều vô lượng không thể ví dụ.

Đức Phật dạy: Sự khoái lạc của Chuyển luân vương so với sự khoái lạc ở trên Trời thì như một ít cát đátrong tay Ta. Sự sung sướng ở trên Trời còn gấp trăm ngàn lần như đá ở núi Tuyết không thể lấy làm ví dụ. Sự sung sướng ở trên Trời như thế nào?

Nếu được sanh lên Trời thì thọ sáu trần tùy ý, hưởng thọ khoái lạc không thể tính kể. Nếu ở trên Trời rồi sanh xuống nhân gian thì được sanh trong nhà Vua chúa, hoặc được sanh trong dòng họ cao sang, giàu có, tôn quý, của báu nhiều vô lượng, tiếng tốt vang xa, đoan chánh thù diệu, được mọi người yêu mến.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Nếu người có trí tuệ làm các hạnh lành nơi thân, miệng, ý thì được phước như thế. Đây là sự khoái lạc hữu lậu ở thế gian. Nếu tu căn lành hồi hướng Bồ-đề thì ngay lúc đang ở trong sanh tử cũng được thọ phước báu, cho đến Niết bàn vẫn không hề mất.

Bài tụng Chánh báo:

Sáu giặc tà gian dối
Bảy thức loạn trái chơn
Hủy báng lý chân chánh
Nói dối, sân, tham lam
Ngang ngược tạo nghiệp ác
Lời thật không ưa nghe
Nhất định vào Địa ngục
Chịu đựng muôn sầu khổ.
Bài tụng Tập báo:
Tà kiến nghiệp ngu si
A-tỳ thọ gai độc
Hết tội được làm người
Lại tiếp tục Tà kiến
Tà, chánh đã trái nhau
Tự nhiên thành quanh co
Nếu không sửa tâm này
Thì ở mãi lao ngục

CHƯ KINH TẬP YẾU
(HẾT – QUYỂN 15)