CHƯ KINH TẬP YẾU

Soạn dịch: Sa-môn Thích Đạo Thế ở chùa Tây Minh, đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 20

 

PHẦN THỨ 30: TẠP YẾU

– Duyên thuật ý
– Duyên oán khổ
– Duyên bát khổ
– Duyên trùng ngụ
– Duyên ngũ tân
– Duyên tiệp khí
– Duyên tiện lợi
– Duyên hộ tịnh
– Duyên minh chung
– Duyên nhập chúng
– Duyên suy tướng
– Duyên thùy mộng
– Duyên tạp hành.

Thứ 1: Duyên thuật ý

Thần lý không tiếng mà do lời nói để viết ý. Lời nói cũng không vết tích mà do văn tự để làm đủ âm. Cho nên chữ là cái lưới của lời. Lời là cái nơm của lý. Nó làm cho âm nghĩa phù hợp không thể thay đổi. Thế nên dùng văn tự để ứng dụng cùng khắp vũ trụ tuy theo nhiều dấu vết mà lý khế hợp gọi đó là thần? Chỉ vì vô lượng kinh luận làm sao chép đủ, còn ký truyện thì lẫn lộn, có giảng rộng có nói lược, cho đến đạo đến nhiều phương, việc khai mở cho kẻ hậu học và chỉ rõ nhân duyên thì hoàn toàn cần sự sáng tỏ, việc dạy bảo thế tục cần xét kỹ điều chương, nắm lấy phần cốt yếu để lưu truyền chánh pháp đầy đủ như phần trước. Ngoài ra còn phần tạp sự thu hút cứu giúp thế tục, hiện tại những việc đáng làm được trình bày sơ lượt ở sau. Mong rằng sự mê muội ngày giảm đi, đèn pháp càng chiếu xa vậy

Thứ 2: Duyên oán khổ

Như kinh Trung A Hàm có dạy: Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳkheo:

Từ vô thỉ đến nay, tất cả chúng sanh mãi lưu chuyển trong vòng luân hồi sanh tử, không biết được nguồn gốc của khổ đau.

Này các Tỳ-kheo! Ý các ông nghĩ sao? Nếu dùng tất cả cỏ cây ở mặt đất này làm thẻ đếm về chúng sanh luân hồi lâu dài trong sanh tử nương nhờ cha mẹ thì số thẻ đã hết mà số chúng sanh, cha mẹ ấy vẫn không hết được.

Này các Tỳ-kheo! Như vậy Từ vô thỉ chúng sanh luân hồi lâu dài trong sanh tử mà không biết được nguồn gốc khổ đau.

Các ông cũng đã lưu chuyển trong sanh tử, uống sữa của mẹ còn nhiều hơn nước sông Hằng và biển cả. Vì sao? Các ông đã sanh trong loài voi và uống sữa của mẹ mình nhiều đến vô số, hoặc đã sanh trong các loài cầm thú như: trâu, ngựa, lừa, lạc đà và đã uống sữa của mẹ mình nhiều đến vô lượng vô số. Các ông cũng đã từng bị vứt bỏ ở nơi gò mả, máu mủ bị chảy ra cũng như vậy. Hoặc bị đọa vào Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh thì máu tủy chảy ra cũng như vậy.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Các ông bị luân hồi lâu dài trong sanh tử, máu trên thân đã chảy ra nhiều đến vô số còn hơn nước sông Hằng và nước biển cả. Các ông đã từng sanh trong loài voi, hoặc bị cắt đứt tai, mũi, đầu, chân nên máu huyết ấy đã chảy ra nhiều vô lượng, hoặc sanh trong các loài cầm thú: trâu, ngựa, lừa, lạc đà và đã bị cắt đứt tai, mũi, đầu, chân nên máu huyết ấy đã chảy ra nhiều vô lượng. Hoặc khi qua đời bị vứt nơi gò mả thì máu huyết ấy cũng đã chảy ra nhiều vô lượng. Hoặc bị đọa vào Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh nên khi chết đi thì máu huyết ấy đã chảy ra nhiều vô lượng. Hoặc luân chuyển lâu dài trong sanh tử, bị mất cha mẹ, anh chị em, bà con thân thuộc, hoặc bị mất tiền của mà phải khóc than thì nước mắt ấy cũng chảy ra vô lượng còn nhiều hơn nước bốn biển.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Khi các ông thấy các chúng sanh được an lạc thì nên nghĩ: “Chúng ta luân chuyển lâu dài trong sanh tử cũng đã từng hưởng được nhiều sự an lạc”. Hoặc lúc thấy các chúng sanh bị khổ não thì nên nghĩ: “Từ xưa đến nay chúng ta luân chuyển lâu dài trong sanh tử cũng đã từng chịu các khổ não như thế”. Hoặc thấy các chúng sanh sanh sợ hãi đến nỗi sởn cả gai ốc thì nên nghĩ: “Quá khứ chúng ta đã từng giết hại, làm nhiều sự tổn hại, là người xấu ác, nên phải luân chuyển lâu dài trong sanh tử mà không biết gốc khổ”. Hoặc thấy các chúng sanh thương yêu, hoan hỷ thì nên nghĩ: “Như thế, đời quá khứ chắc chắn đã làm cha mẹ, anh chị em, vợ con, thân thuộc, thầy bạn tốt của ta nhưng phải luân chuyển lâu dài trong sanh tử, bị vô minh che lấp, bị luyến ái trói buộc nên phải luân chuyển lâu dài mà không biết gốc khổ”.

Vì thế các Tỳ-kheo nên dùng phương tiện để siêng năng học, đoạn trừ các đại không cho nó sanh trưởng. Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Mỗi người trong một kiếp
Tích tụ thân thể ấy
Thường chất chứa không bỏ
Như núi Tỳ-phú-la
Nếu các Thánh đệ tử
Chánh trí thấy chân đế
Khổ và nhân của khổ
Lìa khổ được tịch diệt
Tu tập tám Thánh đạo
Chánh hướng Bát Niết bàn
Cho đến bảy lần sanh
Qua lại ở Trời, người
Dứt sạch các trói buộc
Thoát ra khỏi bờ khổ

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Từ vô thỉ chúng sanh bị luân chuyển trong sanh tử, không biết gốc khổ, không có người nào mà không sanh không chết. Do đó mà luân chuyển lâu dài trong sanh tử, không biết gốc khổ, cũng không có nơi nào mà không có cha mẹ, anh chị em, vợ con, quyến thuộc, sư trưởng. Thí như bong bóng mưa vưa có liền mất. Như vậy, chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc ở cổ, luân chuyển lâu dài nên không biết gốc khổ. Như có trận mưa rưới khắp Đông, Tây, Nam, Bắc, như vậy chúng sanh ở khắp bốn phương, lúc kiếp thành hoại bị luân chuyển lâu dài trong sanh tử, không biết gốc khổ cũng như mưa lớn thấm nhuần khắp nơi. Thí như lấy gậy ném vào không trung thì đầu rơi xuống đất hoặc đuôi rơi xuống đất, hoặc giữa rơi xuống đất. Như vậy từ vô thỉ chúng sanh bị luân chuyển trong sanh tử bị đọa vào Địa ngục, hoặc Ngạ quỷ, hoặc là Súc sanh.

Kinh Chánh Pháp Niệm có dạy: Bấy giờ Thiên vương Dạ Ma và chư Thiên nói: Trong thiên hạ có mười sáu điều khổ:

  1. Khổ ở nơi thân trung ấm
  2. Khổ ở nơi bào thai
  3. Khổ khi sanh ra
  4. Khổ vì mong cầu vật thực
  5. Khổ vì oán ghét mà gặp nhau
  6. Khổ vì thương nhau mà phải xa lìa
  7. Khổ vì bị nóng lạnh
  8. Khổ vì bệnh
  9. Khổ vì người sai sử
  10. Khổ vì mong cầu kinh doanh
  11. Khổ vì gần bạn ác
  12. Khổ vì vợ con, thân thuộc gây phiền hà
  13. Khổ vì đói khát
  14. Khổ vì bị người khác khinh chê
  15. Khổ vì già
  16. Khổ vì bệnh

Đó là mười sáu khổ lớn của con người khi còn ở thế gian cho đến lúc mạng chung. Ngoài ra còn có các khổ khác ở trong sanh tử không thể chịu đựng được. Ở trong pháp hữu vi không có một chút vui sướng, tất cả đều vô thường, tất cả đều bại hoại. Bấy giờ, Thiên vương Dạ Ma nói kệ:

Trong thế giới loài người
Có uẩn đều có khổ
Có sanh ắt có chết
Có chết thì có sanh
Hoặc thân ở trung ấm
Theo nghiệp chịu khổ não
Suốt đời chạy theo khổ
Sao nói hết khổ này
Đọa trong ngục phẩn tiểu
Bị khí nóng thiêu đốt
Khổ ở trong bào thai
Không thể nói hết được
Thường tham việc ăn uống
Tâm luôn mong chờ đợi
Thức ăn gây khổ lớn
Sao nói hết khổ này
Tâm luôn luôn hy vọng
Tham dục không biết đủ
Chịu các sự khổ não
Sao nói hết khổ này
Oán ghét cùng chung sống
Giống như lửa cháy lớn
Sanh ra các khổ não
Sao nói hết khổ này
Thương yêu mà xa lìa
Chúng sanh bị khổ lớn
Ác lớn khó chịu đựng
Sao nói hết khổ này
Khổ nóng rét đáng sợ
Sanh ra vô lượng khổ
Sanh nhiều điều tai ác
Sao nói hết khổ này
Bệnh khổ hại mạng người
Bị thần chết dắt đi
Chúng sanh chịu khổ này
Thì không thể nói hết
Bị người khác sai khiến
Thường không được tự do
Chúng sanh chịu khổ này
Thì không thể nói hết
Độc ái thiêu chúng sanh
Chịu khổ lớn dai dẳng
Mãi đến lúc mạng chung
Khổ này không nói hết
Hoặc gần bạn xấu ác
Các khổ thường chạy theo
Nên chịu khổ đường ác
Khổ này không nói hết
Bị vợ con quấy nhiễu
Gặp thì sanh khổ lớn
Còn hơn ở Địa ngục
Khổ này không nói hết
Đói khát thiêu đốt thân
Giống như ngọn lửa lớn
Hủy hoại nơi thân tâm
Khổ này không nói hết
Thường bị người khinh chê
Hoặc thân thuộc, bạn tốt
Nên sanh ưu sầu lớn
Khổ này không nói hết
Người bị già bức bách
Thân yếu tâm ý suy
Lưng gù chống gậy đi
Khổ này không nói hết
Người bị chết nắm bắt
Dắt qua thế giới khác
Chết này là khổ lớn
Không thể nói hết được.

Thứ 3: Duyên tám khổ

Như trong kinh Ngũ Vương, đức Phật đã thuyết pháp cho năm vị Quốc vương: Con người sống ở đời thường có vô lượng khổ não xé thân. Nay Ta lược nói về tám khổ cho các ông nghe. Tám khổ đó là: Sanh, Già, Bệnh, Chết, Thương yêu mà xa lìa, Mong cầu không đạt được, Oán ghét mà gặp nhau, Sầu bi. Đó là tám khổ.

Sanh khổ là gì? Khi người chết không biết tinh thần đi về đường nào, chưa biết được chỗ sẽ sanh đến nên đều thọ thân trung ấm cho đến hai mươi mốt ngày, lúc cha mẹ hòa hợp thì liền đến thọ thai. Tuần đầu tiên thì thai giống như váng sữa, tuần thứ hai thì như sữa đặc, tuần thứ ba thì như huyết đọng, tuần thứ tư thì như cục thịt, tuần thứ năm thì như thành tựu năm chi phần, hơi thở vào bụng thổi vào thân thể, sáu căn khai mở. Thai ở trên thục tạng, ở dưới sanh tạng trong bụng mẹ nên khi mẹ ăn chén thức ăn nóng vào trong thân thể thì thai nhi giống như ở trong nồi nước đồng. Mẹ uống chén nước lạnh thì thai nhi như đang bị băng giá cắt thân. Khi mẹ no thì thai nhi bị bức bách đau đớn không thể nói được. Khi mẹ dói thì trong bụng trống rỗng nên thai nhi như đang bị dốc ngược chịu vô lượng khổ. Đến lúc đủ tháng sắp sanh ra thì đầu hướng về cửa sinh bị chèn ép như hai núi đá. Lúc sắp sanh ra thì người mẹ rất nguy hiểm, còn người cha lo sợ. Lúc sanh ra rơi trên cỏ, vì thân thể mềm nhũn nên tiếp xúc với cỏ như bị dao kiếm cắt, do đó mà hốt hoảng hét lên. Như vậy, có khổ không?

Mọi người đều nói: “Đó thật là khổ lớn”.

Khổ già là gì? Cha mẹ nuôi dưỡng đến lúc trưởng thành, đầy đủ sức lực, gánh vác tất cả các việc nặng nhẹ không hề so lường, nóng lạnh thất thường, đến lúc già, đầu bạc răng rụng, mắt mờ, tai điếc, suy yếu, da nhũn, mặt nhăn, đau đớn toàn thân, đi lại khổ cực, đứng ngồi rên rỉ, tâm trí ưu sầu, thần thức suy giảm, quên lẫng tất cả, mạng sống ngắn, nói thì mũi chảy, ngồi phải có người nâng đỡ. Như vậy có khổ không?

Đáp: Rất khổ.

Khổ bệnh là gì? Con người do bốn đại hòa hợp mà thành. Nếu một đại không điều hòa thì sanh ra một trăm lẻ một bệnh. Bốn đại không điều hòa thì sanh ra bốn trăm lẻ bốn bệnh. Địa đại không điều hòa thì toàn thân nặng nề. Thủy đại không điều hòa thì toàn thân sưng phù. Hỏa đại không điều hòa thì toàn thân nóng hừng. Phong đại không điều hòa thì toàn thân cứng đờ, các đốt xương đau nhức như bị gậy đánh. Bốn đại tăng giảm thì tay chân không đứng vững được, khí lực sút giảm, ngồi dậy cần người, miệng khô, môi cháy, gân đứt, mũi nứt, mắt không thấy sắc, tai không nghe âm thanh, bất tịnh chảy ra rồi nằm trên đó. Tâm luôn khổ não, lời nói bi ai, thân thuộc đêm ngày chăm sóc bên cạnh, ăn các thứcc ăn ngon cũng đều khổ não. Như vậy có khổ không?

Đáp: Thật là quá khổ.

Khổ chết là gì? Khi người chết thì bốn trăm lẻ bốn bệnh cùng phát ra một lúc, bốn đại sắp hoại, thần hồn không an. Lúc sắp chết thì gió đao xẻ thân nên không chỗ nào mà không đau đớn, mồ hôi chảy ra, hai tay quờ quạng rỗng không (bắt chuồn chuồn), bà con nội ngoại đứng ở hai bên sầu bi rơi lệ đau thấu xương tủy nhưng không giữ được vì người chết đã ra đi, phong mất khí dứt, hỏa diệt thân lạnh, xả bỏ thần hồn, thân thể cứng đờ chẳng còn cảm giác, qua khỏi bảy ngày thì thịt hoại huyết chảy, phình trướng hôi thối khó mà đến gần, đem vứt thây chết ở nơi đồng trống thì chim tranh đến ăn hết thịt còn xương khô, đầu thân khác chỗ, thế thì khổ không?

Đáp: Đúng là rất khổ.

Khổ thương yêu mà xa lìa là gì? Vợ con, anh em, thân thuộc trong nhà cùng thương yêu nhau, một mai có người mất đi thì đi sang kiếp khác, chia cắt nhiều đường, cha ở phương Đông, con ở phương Tây, mẹ ở phương Nam, con ở phương Bắc chẳng cùng chung sống, làm kẻ tôi tớ rất là bi ai, ruột thịt đoạn tuyệt, cách xa mờ mịt không có lúc gặp lại, thế thì khổ không?

Đáp: Thật là quá khổ. Khổ mong cầu không đạt được là gì?

Tiên của trong nhà đem dùng tìm cầu chức quan, mong được sự phú quý, hết lòng tìm cầu mà không đạt được. Khi được làm quan chưa được mấy năm thì tham lấy của dân, bị người tố cáo, một sớm có việc xe tù đứng đợi, khi sắp tử hình đau khổ vô lượng không biết sống chết ngày nào. Như thế thì khổ không?

Đáp: Thật là quá khổ.

Khổ oán ghét mà gặp nhau là gì? Con người ở đời thường đều sống trong ái dục, tranh giành những việc không cần thiết mà lại giết hại nhau tạo nên oán lớn nên đều lẫn tránh nhau cũng không ra khỏi mặt đất. Cho nên họ mài dao, vót tên, lắp cung, cầm gậy và sợ hãi khi gặp nhau. Khi bất chợt gặp nhau ở đường hẻm thì họ trương cung bắn tên như mưa hai bên cùng bắn nên không phân biệt được thắng bại là ai. Ngay lúc ấy thì họ vô cùng sợ hãi. Thế thì khổ không?

Đáp: Thật là quá khổ.

Ưu sầu khổ não là gì? Con người sống ở đời, sống lâu thì đến trăm tuổi, chết yểu thì ngay lúc ở bào thai. Người sống lâu cho đến trăm tuổi thì tính về ban đêm là mất hết nữa thời gian, còn lại năm mươi năm. Lúc say rượu, bệnh tật , không biết làm người là mất hết năm năm. Lúc còn nhỏ ngu si, lên mười lăm tuổi thì chưa biết lễ nghĩa, quá tám mươi tuổi thì lãng trí, tai điếc mắt mờ, không có phép tắc, lại giảm hai mươi tuổi. Khi đã chín mươi tuổi, hoặc hơn chín mươi thì trong mười năm chịu nhiều ưu sầu: lúc thiên hạ muốn loạn cũng sầu, lúc Trời hạn hán cũng sầu, lúc nước lũ lụt cũng sầu, lúc sương sa mù mịt cũng sầu, thiên hạ không thuần thục cũng sầu, gia đình, bà con bị nhiều bệnh tật cũng sầu, giữ của cải để sinh sống sợ mất cũng sầu, quan quyền thâu trăm thứ thuế cũng sầu, người nhà bị quan trói, nhốt vào ngục chưa biết lúc nào được thả cũng sầu, anh em đi xa chưa về cũng sầu, gia đình nghèo khổ không có cơm áo cũng sầu, trong thôn xóm có việc cũng sầu, không làm việc cho xã tắc cũng sầu, người nhà bị chết không có tài vật để tẩm táng cũng sầu, đến mùa Xuân làm nhiều việc mà không có trâu cày cũng sầu. Do nhiều sầu bi như thế nên không có lúc nào an lạc. Ngay cả ngày Tết cùng nhau gặp gỡ thì nên vui vẻ thế mà lại cùng nhau khóc buồn.

Như thế có khổ không?

Đáp: Thật là quá khổ.

Lại nữa, kinh Kim Sắc Vương có dạy: Có một Thiên nữ nói kệ với Vua Kim Sắc:

Pháp gì gọi là khổ?
Đó là bị nghèo hèn
Khổ nào là nặng nhất?
Đó là khổ bần cùng
Khổ này và bần cùng
Hai khổ chẳng khác nhau
Thà chịu khổ để chết
Không nên sống bần cùng.

Thứ 4: Duyên trùng ngụ

Như kinh Thiền Bí Yếu có dạy: Lại nữa, Xá Lợi Phất! Nếu lúc hành giả nhập thiền định dục giác khởi tham dục làm dao động bốn trăm lẻ bốn mạch, từ nhãn căn cho đến thân căn dao động cùng lúc làm các căn bế tắc động đến tâm khiến tâm điên đảo, nhân đó phát sanh cuồng loạn, bị quỷ mỵ bám víu, đêm ngày suy tư về dục như cứu lửa cháy đầu, phải mau chóng trị nó. Cách thức để trị nó là dạy hành giả kia quán tử tạng. Tử tạng ở dưới sanh tạng, ở trên tục tạng, có chín mươi chín lớp màng như màng bao heo chết. Bốn trăm bốn lẻ bốn mạch từ tử tạng giống như rể cây phân tán khắp các căn như túi đầy phẩn. Một ngàn chín trăm đốt giống như các bẹ chuối. Tám mươi hộ trùng vây quanh một trăm lẻ bốn mạch và tử tạng giống như ruột ngựa, nằm ngay cửa sanh như vòng xuyến đeo tay. Các vòng lớn nhỏ trên tròn dưới nhọn hình như khứa sò. Khoảng giữa mỗi lớp trong chín mươi chín lớp đều có bốn trăm lẻ bốn trùng. Mỗi trùng có mười hai cái đầu, mười hai cái miệng. Khi người uống nước, tinh dịch nước đi vào các mạch phân tán khắp các trùng, vào đỉnh trùng Tỳ la, đến ở cửa sinh rồi mỗi nửa tháng xuất ra nước bất tịnh. Các trùng đều mửa ra máu mủ vào miệng chín mươi trùng. Mười hai trùng trong sáu khiếu xuất ra nước màu đỏ. Lại có các trùng nhỏ như lông tóc dạo quanh trong đó. Vì những người đàn ông tạo tội ác đời trước nên trong bốn trăm lẻ bốn mạch từ mắt phân tán khắp tay chân chảy vào ruột, đến dưới sanh tạng, lên trên tục tạng. Hai bên phổi, lá lách, thận đều có sáu mươi bốn trùng. Mỗi trùng đều có mười hai đầu, mười hai miệng chúng bám víu vào nhau như vòng ngọc đeo tay, máu mủ màu xanh như tinh heo rừng, hôi hám khó chịu, đến nơi tạng ấm thì phân làm ba. Hai chín trùng ở trên như bẹ chuối ba tiêu có đến một ngàn hai trăm mạch. Trong mỗi mạch đều có trùng nhỏ như lông tóc, giống như mỏ chim tỳ lan đa. Các trùng ở trong đó sanh ra bảy vạn tám ngàn trùng gân sắc bao quanh bên trong như vòng ngọc, như mắt chim cù sư, khắp chín mươi tám mạch từ tim cho đến đỉnh tóc. Khi mắt những người đàn ông tiếp xúc với sắc làm lay động tâm tưởng thì bốn trăm lẻ bốn mạch bị chúng sai sử nên dao động không dừng. Do đó tám mươi hộ trùng liền hả miệng, mắt tuôn ra máu chảy xuống các mạch. Ngay cả trùng trên đỉnh và các trùng đều cuồng loạn, không biết liền tiếp xúc nữ căn. Tinh màu xanh, trắng của đàn ông là nước mắt của các trùng. Tinh màu vàng, đỏ của đàn bà là máu mủ của các trùng. Chín mươi tám mạch của tám mươi hộ trùng làm tác động đến bốn đại: địa, thủy, hỏa, phong.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Nếu có bốn chúng mặc áo tàm quý, uống thuốc tàm quý, mong cầu giải thoát, cứu khổ thế gian thì nên học pháp này như uống cam lồ. Người học pháp này thì trước tiên quán tưởng tử tạng rồi đến nữ căn. Khi nam tử phân tâm thì các trùng lớn nhỏ đều hả miệng, nhe răng, trừng mắt, nhổ mủ, dùng tay phản kháng nên định tâm đoan chánh, quán niệm hơi thở làm cho định tỉnh. Quá hơn một ngàn chín trăm chín mươi chín lần quán tưởng như thế rồi đặt tâm ở đầu gối bên phải và quán tưởng như trước, lại dùng tay ngăn lại bằng cách che trên đầu nên các vật bất tịnh của các trùng này đến mắt, tai, mũi, miệng và khắp thân thể. Thấy việc này rồi nên đối với những kẻ háo sắc nam, sắc nữ cho đến Thiên tử, Thiên nữ thì khi mắt nhìn họ như thấy người hủi, đâm phải mụt nhọt, như Địa ngục tên bắn, như quỷ thần Đa la, như lửa hừng hực thiêu cháy ở Địa ngục. Do đó cần phải quán sát về thân mình, thân người. Tất cả thân chúng sanh ở dục giới đều là bất tịnh nên đều cũng như vậy.

Này Xá Lợi Phất! Nay ông có rõ không? Căn bản chủng tử trong thân căn của chúng sanh đều không thanh tịnh, không thể nói hết được nên phải nhất tâm quán sát hơi thở. Người nào dùng thuốc này chính là đấng Điều ngự Đại trượng phu, thầy của Trời người, thoát khỏi nước đục ứ đọng, không bị chìm nỗi trong nước dục của sông lớn ân ái. Dâm dục không an, là huyễn sắc yêu mỵ hay làm tổn hại. Nên biết người dâm dục thì chưa ra khỏi sanh tử. Người nào thân thanh khiết như hoa sen chính là Hương tượng trong loài người, là lực sĩ trong Long vương, Thiên vương cõi sắc cũng không sánh bằng, được Trời, người cung kính.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Ông khéo thọ trì để giảng nói cho bốn chúng, cẩn thận ghi nhớ, chớ để quên mất.

Bấy giờ, Xá Lợi Phất, A Nan.v.v. nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

Lại nữa, trong kinh Chánh Pháp Niệm dạy: Tỳ-kheo tu hành thấy thân đúng như thật, quán sát toàn thân từ đầu đến chân. Vị ấy dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn quán sát trong đầu lâu có trùng sinh sống, gọi là não hành là đi lại trong xương, sống ở trong não, lúc đi hoặc đứng đều ăn não ấy. Lại có các trùng ở trong đầu lâu, đi lại và ăn đầu lâu. Lại có trùng tóc ở bên ngoài xương, ăn chân tóc, do trùng nỗi sân nên làm tóc rụng. Lại có trùng tai ở trong tai, ăn thịt trong tai, do trùng nỗi sân nên làm tai người bị đau, hoặc làm tai điếc. Lại có trùng mũi ở trong mũi, ăn thịt trong mũi, do trùng nỗi sân nên làm cho người ăn uống không ngon, não nhỏ dãi xuống, do trùng ăn dãi não nên khiền cho người ăn uống không ngon. Lại có trùng mỡ ở trong mỡ, thường ăn mỡ người, do trùng nỗi sân nên làm cho người bị đau đầu. Lại có trùng kế tục, sống giữa các khớp xương, có trùng ở trong răng người, do trùng nỗi sân nên làm cho các mạch của người bị đau nhức giống như kim châm. Lại có các trùng ăn nước dãi, ở trong lưỡi người, do trùng nỗi sân nên làm cho miệng người bị khô xám. Lại có trùng răng, ở trong răng, do trùng nỗi sân nên làm răng người bị đau nhức. Lại có trùng ói mửa, do thức ăn không phù hợp nên phần nhiều bị ói mửa ra. Cho nên, người tu hành cần phải quán thân có mười loại trùng này ở trong đầu, hoặc dùng văn tuệ, hoặc dùng thiên nhãn, ban đầu quán về cổ họng có trùng ăn nước dãi. Khi chúng nhai ăn giống như đồ ói mửa hòa lẫn với nước dãi thì cùng lúc cổ họng và não hoạt động, trùng ăn nước dãi cùng ăn thức ăn này để nuôi mạng sống. Nếu trùng lớn lên thì làm người bị ho. Nếu ăn nhiều thức ăn béo hoặc thức ăn dơ, hoặc thức ăn hun (xông khói), hoặc thức ăn chua, hoặc thức ăn lạnh thì trùng sẽ lớn lên làm cổ họng người bị đau.

Lại dùng văn tuệ, hoặc dùng thiên nhãn thấy trùng tiêu đàm ở trong cổ họng, nếu người không ăn các thức ăn béo… như trên tì trùng được an ổn và đàm được tiêu, đối với mười mạch thì được xuất ra mùi thơm, an ổn hưởng lạc. Nếu người nhiều đàm thì trùng bị bệnh, do trùng bị bệnh nên nhổ ra nước bọt lạnh, trong ngực bị bệnh.

Lại dùng văn tuệ, hoặc dùng thiên nhãn quán trùng khạc nhổ ở trong thân người, trú ở mười mạch lưu chuyển khắp nơi. Khi người ăn thì từ mạch dưới vọt lên trên thân, đến nơi cổ họng làm người khạc nhổ, sanh ra năm loại nôn mửa: Mửa gió, mửa lạnh nước bọt, mửa đồ tạp nhạp, mửa dòi. Nếu trùng an ổn thì miệng thuận với dạ dày mà thức ăn đi vào bụng.

Lại dùng văn tuệ, hoặc dùng thiên nhãn thấy trùng an các vật bất tịnh, trùng vào trong cổ họng làm cho trùng khạc nhổ chuyển động mà sanh ra khạc nhổ.

Lại dùng văn tuệ, hoặc dùng thiên nhãn thấy trùng say mùi vị hoạt động ở trong lưỡi, đi khắp các mạch trong đó, hoặc đi, hoặc đứng, nhỏ nhiệm không chân. Nếu ăn thức ăn ngon thì trùng tăng thêm sự mê say. Nếu ăn thức ăn không ngon thì trùng suy yếu. Nếu ta không ăn thì bệnh, không được an ổn.

Lại dùng văn tuệ, hoặc dùng thiên nhãn thấy trùng buông lung ở trên đỉnh đầu, nếu lên ở não thì người sanh bệnh, nếu lên đỉnh đầu thì người bị mụt nhọt, nếu đến cổ họng thì như kiến đầy khắp trong cổ họng, nếu ở tại chỗ cũ thì không bị bệnh.

Lại dùng văn tuệ, hoặc dùng thiên nhãn thấy trùng sáu vị tham ngửi các mùi vị. Ta cũng tham mùi vị tùy theo trùng tham vị này, nếu trùng không ngửi thì ta cũng không được ngửi, nếu ta bị sốt nóng thì trùng đã bị sốt nóng như vậy, do đó làm cho người bệnh ăn không ngon và không biết mùi vị.

Lại dùng văn tuệ, hoặc dùng thiên nhãn thấy trùng tuôn khí, do trùng nỗi sân nên làm não thành lỗ, hoặc cổ họng đau, hoặc bị tắc nghẽn, sẽ sanh khổ chết. Trùng tuôn khí này cùng với các trùng trong cổ họng khêu chiến làm loạn nên sanh ra nhiều đau đớn. Loại trùng này nhỏ, ngắn, có mặt, có chân.

Lại dùng văn tuệ, hoặc dùng thiên nhãn thấytrùng ghét mùi vị trú ở dưới đầu trong cổ họng. Vì sao trùng này làm ta khổ não, hoặc an ổn? Do thấy trùng kia ghét các vị chỉ ngửi một vị: hoặc ngửi vị ngọt ghét các vị khác, hoặc ngửi vị chua ghét các vị khác. Tùy theo trùng ghét vị nào thì ta cũng ghét vị đó. Tùy theo trùng thích ngửi vị nào thì ta cũng ngửi vị đó. Các mạch trong lưỡi tùy thuận các vị làm cho lưỡi khô khan. Do trùng nỗi sân nên lưỡi bị đau, hoặc làm cổ họng đau. Nếu trùng không sân thì cổ họng không bị các bệnh như trên.

Lại dùng văn tuệ, hoặc dùng thiên nhãn thấy trùng thích ngủ hình thể nhỏ nhiệm như hạt bụi, ở khắp các mạch, đi đến các vị, ở trong xương tủy, hoặc trong thịt, hoặc trong đầu lâu, hoặc trong má, hoặc trong xương răng, hoặc trong xương cổ, hoặc trong tai, hoặc trong mắt, hoặc trong mũi, hoặc ở nơi tóc. Trùng thích ngủ này gió thổi di chuyển. Nếu trùng này bệnh, hoặc trùng mệt mỏi thì ở trong tim như hoa sen nở vào ban ngày. Vì ban đêm không có ánh sáng Mặt trời nên hoa úp lại tim cũng như vậy, trùng này ở trong đó bám víu các cảnh nên làm cho các căn mệt mỏi. Trùng ngủ nghỉ thì người cũng ngủ nghỉ. Tất cả chúng sanh đều có ngủ nghỉ như trùng ngủ nghỉ này, ban ngày mệt mỏi thì người cũng ngủ nghỉ.

Lại dùng văn tuệ, hoặc dùng thiên nhãn thấy trùng sung phù hoạt động trong thân, hình thể nhỏ nhiệm. Khi trùng uống máu thì thịt sung phù đau đớn. Trùng này ở trên mặt, hoặc ở trên đỉnh đầu, hoặc ở nơi cổ họng, hoặc ở trong não, hoặc ở các chỗ khác. Tại chỗ trùng ở thì làm 12 cho thịt sung phù. Nếu ở trong gân thì không bị bệnh.

Lại dùng văn tuệ, hoặc dùng thiên nhãn thấy có mười loại trùng đến ở gan, phổi thì làm cho người bị bệnh.

Mười loại trùng ấy là: 1. Trùng thực mao; 2. Trùng khổng huyệt hành; 3. Trùng thiền đô ma la; . Trùng xích; 5. Trùng thực trấp; . Trùng mao đăng; . Trùng sân huyết; . Trùng thực nhục; . Trùng tập tập; 10. Trùng thố.

Các loại trùng này hình thể nhỏ nhiệm, không chân, không mắt, đi lại trong máu làm người đau nhức.

Lại dùng văn tuệ, hoặc dùng thiên nhãn thấy trùng thực mao mà nổi sân thì nó có thể ăn lông mày và làm cho lông mày bị rơi rụng, làm cho người bị bệnh lại. Hoặc trùng khổng huyệt mà nổi sân thì nó hoạt động trong máu làm thân thô rít, đầu tê không còn cảm giác. Hoặc trùng thiền đô ma la lưu chuyển trong máu, hay trong mũi, trong miệng làm cho mũi, miệng người đều bị hôi thối. Hoặc trùng kỳ xích mà nổi sân thì nó hoạt động trong máu làm sanh mụt nhọt trong cổ họng người. Hoặc trùng thực trấp mà nổi sân thì nó hoạt động trong máu làm cho người bị xanh xao, ốm yếu, hoặc đen, hoặc vàng, gầy guộc. Hoặc trùng mao đăng nổi sân, hoạt động trong máu thì sẽ sanh bệnh nhọt mủ, hắc lào, sốt, ghẻ, hủi. Hoặc trùng sân huyết nổi sân thì nó hoạt động trong máu làm cho da người bị đỏ tấy, người nữ thì bị đỏ ở dưới, da nổi mụt, ghẻ vở mủ. Hoặc trùng thực nhục mà phiền não, đầu bị quay cuồng thì sẽ sanh mụt nhọt trong cổ họng, trong miệng, và hâu môn. Hoặc trùng tập tập hoạt động trong máu thì người sẽ sanh bệnh, mệt mỏi vô cùng chẳng cần ăn uống. Hoặc trùng thố nổi sân thì cũng làm cho người bị bệnh như trên.

Lại quán mười loại trùng hoạt động trong các ấm. Mười loại trùng đó là: 1. Trùng Sanh sang; 2. Trùng Thích; 3. Trùng Bế cân; 4. Trùng động mạch; 5. Trùng thực bì; 5. Trùng Động chỉ; 7. Trùng Hòa tập; 8. Trùng Xú; 9. Trùng Hấp sanh; 10. Trùng Nhiệt.

Lại dùng văn tuệ, hoặc dùng thiên nhãn thấy trùng Sang vây quanh các chỗ có mụt nhọt để ăn, hay làm sanh mụt nhọt ở cổ họng. Hoặc trùng Thích nổi sân thì làm cho người bị bệnh kiết lỵ, trong miệng khô cháy như lửa đốt, ăn uống không tiêu. Nếu người sầu não thì trùng hoan hỷ, ăn huyết mạch làm người suy yếu, hoặc làm ra máu huyết, hoặc ăn không tiêu bị bón. Hoặc trùng Bế cân hoạt động trong gân lớn, gân nhỏ thì làm cho người bị đau nhức, nếu không hoạt động trong gân thì người không bị đau nhức, tất cả xương thịt đều cũng gầy guộc, trong gân đau nhức. Nếu trùng nổi sân thì người không thể ăn. Nếu trùng ở trong gân mà ăn máu người thì làm cho người không còn sức lực. Nếu ăn thịt người thì làm cho người ốm yếu. Hoặc trùng Động mạch, loại trùng này đi khắp tất cả các mạch. Hình thể nó nhỏ nhiệm, hoạt động không bị cản trở. Nếu trùng vào ăn mạch thì người sẽ có bệnh, làm cho thân người khô khan, không muốn ăn uống. Nếu trùng ở trong mạch nước thì người sẽ sanh bệnh, miệng khô khan. Nếu trùng ở trong mạch mồ hôi thì làm cho các lỗ chân lông không toát ra mồ hôi được. Nếu trùng ở trong mạch tiểu thì làm cho người bị bệnh lậu, hoặc tinh bị hoại, hoặc làm cho đau nhức. Nếu trùng nổi sân đi xuống hậu môn thì làm cho người đi đại tiện không thông, khổ não đến chết. Hoặc trùng Thực bì là do người ăn quá nhiều nên làm cho trùng nổi sân khiến cho sắc mặt xấu xí, hoặc nổi ghẻ nước, hoặc da bị ngứa, đỏ, vàng, hoặc bị hư hoại, hoặc lông tóc bị rơi rụng, làm cho người bị bệnh nặng, hoặc da bị chết, hoặc thịt vở ra. Hoặc trùng Động chỉ trú ở nơi các mạch mỡ trong thân người. Nếu người ăn quá no, hoặc ngủ nghỉ nhiều thì trùng nổi sân nên ăn uống không tiêu, hoặc sanh ghẻ, hoặc bị phù thủng, hoặc bị bướu, hoặc bong gân, hoặc bị táo bón, hoặc thân hôi hám, hoặc khi ăn thì toát mồ hôi. Hoặc trùng Hòa tập, gồm hai loại thân: thân cảm giác và thân không cảm giác. Da, thịt, máu huyết.v.v.gọi là thân cảm giác. Tóc, móng, răng.v.v. gọi là thân không cảm giác. Do ăn quá nhiều nên trùng cũng mất sức mà người cũng mất sức, do đó mà đi lại không được mau lẹ, ngủ nghỉ mê muội, hoặc bị nóng khát, da, thị, máu huyết, xương, tủy, tinh hoàn bị tổn hại. Hoặc thấy trùng Xú ở trong phân, tiểu trong thịt. Do ăn quá nhiều nên trùng nổi sân làm cho phân tiểu trong thân cháy ra hôi thối, mủ chảy trong mũi, hoặc chảy nước mắt hôi hám. Tùy theo các chỗ trùng đi qua thì liền bị hôi hám, như y phục, nệm, hoặc thức ăn. Trùng ở trong răng nên khi ăn thì thức ăn tùy theo đó mà bị hôi hám, y phục cũng theo đó mà hôi, trên lưỡi cũng có nhiều máu hôi, thân cũng hôi dơ. Hoặc trùng Hấp hành hoạt động ở trong thịt sau lưng, khi ăn tiêu rồi vào trong ba lỗ, phân người dơ dáy chảy ra lỏng là nước tiểu, đặc là phân rồi làm cho ra ở hạ môn.

Lại nữa hành giả quán sát trong thân có mười loại trùng hoạt động trong đó. Tất cả con người đều có mười loại trùng này. Mười loại trùng ấy là: 1. Trùng Tập tập; 2. Trùng Song song; 3. Trùng Miêu hoa; 4. Trùng Hỏa diệm; 5. Trùng Hắc; 6. Trùng Đại thực; 7. Trùng Noãn hành; 8. Trùng Tác nhiệt; 9. Trùng Hỏa; 10. Trùng Đại hỏa Các trùng này ở trong âm hoàng.

Lại dùng văn tuệ, hoặc dùng thiên nhãn thấy trùng Tập tập, do người ăn nhiều nên trùng nổi sân làm cho người mù mắt, hoặc đau mắt chảy ra nhiều ghèn. Trùng này nhỏ nhiệm, nếu nó hoạt đọng trong mắt thì mắt nhiều bệnh, hoặc làm hư mắt. Nếu ở trong con ngươi thì mắt màu trắng, còn trùng màu đỏ. Nếu trùng không sân thì mắt không bị bệnh này. Hoặc thấy trùng Song song ở trong thân người, hoạt động trong nơi tối tăm, âm hoàng che thân. Nếu trùng vào trong xương thì làm cho người nóng bức. Nếu hoạt động trong da thì làm cho người ngày đêm thường nóng bức cả tay lẫn chân, hoặc nước trong da chảy ra. Hoặc thấy trùng Miêu hoa hoạt động trong tối tăm thì mỏ bén chân thấp, thân như kho lửa, không muốn ăn uống, trùng đến chỗ nào thì chỗ ấy bốc lửa, thịt trong thân nở ra và thân ấy nóng bức. Nếu trùng hoạt động thuận tiện thì không bị bệnh này. Hoặc thấy trùng Hỏa diệm sống ở trong thân, hoạt động ở trong âm hoàng, lúc an lúc không an. Do ăn quá nhiều nên trùng nổi sân, từ đầu đến chân chuyển động đều không ngăn ngại, có thể làm cho tất cả máu huyết trong thân sanh ra nhọt nóng, hoặc máu hoặc âm từ trong miệng, trong mắt chảy ra, nếu trùng không sân thì không bị bệnh này. Hoặc thấy trùng Hắc sống ở trong thân, hoạt động trong hoàng, hoặc an hoặc không an, do người ăn quá nhiều nên trùng nổi sân làm nhăn da mặt, hoặc xấu xí, hoặc da đen, vàng, đỏ, hoặc làm cho thân xấu xí, hoặc làm máy mắt, hoặc sanh mụt nhọt trong miệng, trong chỗ đi tiêu, đi tiểu. Nếu trùng không sân thì không có bệnh này. Hoặc thấy trùng Đại thực, do người ăn quá nhiều nên trùng nổi sân, trụ ở trong âm hoàng tùy theo thức ăn ăn vào thì nó tiêu hóa hết. Nếu trùng không sân thì không có bệnh này. Hoặc thấy trùng Noãn hành thường thích thức ăn ấm, ghét thức ăn lạnh. Nếu ta ăn thức ăn lạnh thì trùng nổi sân, miệng xuất ra nhiều nước, làm cho người lười biếng, hoặc ngủ, hoặc tâm mờ mịt, hoặc thân đau đớn, hoặc đau cổ họng. Nếu trùng không sân thì không có bệnh này. Hoặc thấy trùng Nhiệt sống ở trong thân người. Do người ăn quá nhiều nên bệnh dơ tăng lên làm hại hơi thở, làm thân thô xám, hoặc cổ họng bị nghẽn, khiến đi tiêu đi tiểu đều ra màu trắng, không ưa lạnh rét, không ăn thức ăn nhạt. Hoặc thấy trùng Thực hỏa sống ở trong thân người, hoạt động trong ấm. Khi trùng này rét thì nó ưa thích, khi nóng thì nó mềm yếu. Khi rét trùng hoan hỷ nên người muốn ăn uống. Khi nóng thì lửa tăng nên người không muốn ăn uống. Vào mùa Đông lạnh thì âm mát mẻ, nóng thì âm phát nhiệt. Hoặc thấy trùng Đại hỏa, nếu người ăn uống nhiều thì trùng nổi sân ăn thịt trong thân người làm cho người đau ruột, hoặc đau chân tay. Tùy theo chỗ nào trùng ăn thì chỗ đó bị đau đớn. Nếu trùng không sân thì không có bệnh này.

Lại nữa hành giả quán bên trong thân bằng cách dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn quán thấy trong xương có mười loại trùng.

Mười loại trùng ấy là: Trùng Thỉ cốt, trùng Xỉ cốt, trùng Cát tiết, trùng Xích khẩu xú, tùng Lạn, trùng Xích khẩu, trùng Đầu đầu ma, trùng Thực bì, trùng Phong đao và trùng Đao khẩu.

Mười loại trùng này hoạt động trong xương làm tổn hại thân tâm, không thể trình bày hết.

Lại nữa hành giả quán bên trong thân bằng cách dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn quán thấy có mười loại trùng hoạt động ở trong chỗ tiểu tiện.

Mười loại trùng ấy là: Trùng Sanh, trùng Châm khẩu, trùng Tiết, trùng Vô túc, trùng Tán trấp, trùng Tam tiêu, trùng Phá tràng, trùng Bế tắc, trùng Thiện sắc và trùng Uế môn phẩn, lông nó dơ dáy, thường ở trong phẩn dơ.

Mười loại trùng này trái với tánh sân, thường làm tổn hại thân người, không thể trình bày hết, nếu muốn xem đủ thì ở tại kinh văn.

Lại nữa hành giả quán bên trong thân bằng cách dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn quán thấy mười loại trùng hoạt động trong tủy, có trùng hoạt động trong tinh.

Mười loại trùng ấy là: Trùng Mao, trùng Hắc khẩu, trùng Vô lực, trùng Đại thống, trùng Phiền bế, trùng Hỏa, trùng Hoạt, trùng Hạ lưu, trùng khởi thân căn và trùng Ức niệm hoan hỷ.

Mười loại trùng này trái với tánh sân nên cũng làm tổn hại người. Ở đây không nói đủ, muốn xem tường tận thì ở kinh văn.

Thứ 5: Duyên ngũ tân

Như trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật dạy: Này Đại Tuệ! Như vậy tất cả cả loại hành, hẹ, tỏi là vật xú uế, bất tịnh, làm chướng ngại Thánh đạo, cũng chướng ngại nơi thanh tịnh ở thế gian, Trời, người, huống chi quả báo Tịnh độ của chư Phật. Rượu cũng như vậy.

Lại nữa, trong kinh Niết bàn có dạy: Ngay cả ăn hành, hẹ tỏi, kiệu cũng đều như vậy, sẽ sanh vào đường khổ, là vật xú uế, bất tịnh, làm chướng ngại Thánh đạo, cũng chướng ngại nơi thanh tịnh ở thế gian, Trời, người, huống chi quả báo Tịnh độ của chư Phật. Rượu cũng như vậy, có thể làm chướng Thánh đạo, làm tổn hại nghiệp thiện, hay sanh các lỗi lầm.

Lại nữa, trong kinh Tạp A Hàm có dạy: Không nên ăn năm loại cay nồng. Năm loại ấy là: hành, hẹ, nén, tỏi, kiệu.

Lại nữa trong kinh Phạm Võng có dạy: Là người con Phật thì không được ăn năm thứ cay nồng. Hành, hẹ, nén, tỏi, kiệu là năm loại cay nồng nên không được ăn.

Lại nữa, kinh Ngũ Tân Báo Ứng có dạy: Bảy chúng không được ăn thịt ướp các thứ cay nồng, vì ăn vào mà đọc tụng kinh luận thì sẽ mắc tội. Nếu người có bệnh thì Phật khai cho ra khỏi chùa vào ở nhà bạch y để chữa trị, uống đủ bốn mươi chín ngày rồi xông hương, tắm rửa sạch sẽ, sau đó mới cho phép đọc tụng kinh luận thì không phạm.

Lại nữa, luật Tăng Kỳ, Thập Tụng, Ngũ Phần đều có dạy: Cuối cùng không còn thuốc nào trị được thì cho Tỳ-kheo bệnh được uống tỏi, cho phép bảy ngày ở trong phòng nhỏ mé chùa, không được nằm giường, nệm của chúng tăng, nhà vệ sinh của chúng và giảng đường đều không được đến, lại không được nhận lời mời thỉnh và ăn trong chúng, không được đến lễ bái Phật, được phép đứng ở đằng xa phía dưới gió mà làm lễ. Qua khỏi bảy ngày thì phải tắm rửa, xông y phục rồi mới được vào trong chúng. Nếu có mụt nhọt, thầy thuốc bảo cần hương để điều trị thì Phật dạy cúng dường Phật rồi, sau đó cho phép được thoa thân, ở chỗ khuất, còn tất cả các việc đều đồng như trước.

Thứ 6: Duyên tiệp khí

Như luật Tăng Kỳ có dạy: Nếu ở trong nhà thiền, người hắt hơi không được tự do hắt hơi lớn. Nếu khi hắt hơi thì chịu khó dùng tay che mũi, hoặc dùng tay ngăn mũi mà hắt hơi, chớ làm cho nước miếng, nước mũi văng dơ người bên cạnh. Nếu Thượng tọa hắt hơi thì nên nói “hòa nam”, còn Hạ tọa hắt hơi thì im lặng.

Lại nữa, luật Tứ Phần có dạy: Khi Thế Tôn hắt hơi thì các Tỳkheo chú nguyện nói “sống lâu”. Khi ấy có cư sĩ đang làm lễ Tỳ-kheo thì hắt hơi, đức Phật bảo Tỳ-kheo chú nguyện nói “sống lâu”.

Lại nữa, trong luật Tăng Kỳ, đức Phật dạy: Nếu xì hơi bức bách thì phải kiềm chế, nếu không chế ngự được thì nên quay về phía hạ tọa, không được tự do phóng khí ở trước mặt. Nếu xì hơi mà không cố nén được thì nên ở phía dưới mà tuôn khí.

Lại nữa, kinh Tỳ Ni Mẫu có dạy: Khí có hai loại: Khí trên và khí dưới. Khi khí ở trên muốn phóng ra thì chớ nên há miệng cho nó tuôn ra mà phải quay mặt về chỗ không có người rồi cho nó tuôn ra. Khi khí dưới muốn tuôn ra thì không cho phép tuôn ra ở trong chúng mà phải tìm cách đi ra ngoài, đến chỗ không có người rồi cho nó tuôn ra, sau đó mới vào trong chúng, chớ để chúng cơ hiềm dơ dáy. Khi vào tháp không được phóng khí dưới ra. Ở trong chúng ngồi dưới gốc cây bên tháp không được xuất khí ra. Ở trước mặt thầy tổ, các Đại đức Thượng tọa cũng không được phóng khí dưới ra tiếng. Nếu trong ruột có bệnh bức bách thì nên ra ngoài, chớ làm cho người sanh tâm chê dơ.

Thứ 7: Duyên tiện lợi

Như kinh Ưu Bát Đà Vương có dạy: Đất chùa mà hành giả phóng uế trong đó thì năm trăm đời bị đọa vào Địa ngục Bạt ba, trải qua hai mươi tiểu kiếp thì tay thường bốc đồ phẩn tiểu này, thường ở chỗ dơ uế cho đến lúc qua đời.

Lại nữa, kinh Tỳ Ni Mẫu có dạy: Các Tỳ-kheo đi vệ sinh trong phòng làm dơ đất và mùi hôi không thoát ra ngoài. Đức Phật nghe sự việc này rồi bảo các Tỳ-kheo: từ nay về sau, không cho phép các Tỳkheo đi vệ sinh trong Tăng già lam, nên đi ở nơi dơ vắng, hoặc bình đất, hoặc ống trúc, vệ sinh rồi thì đem chôn dưới đất, dùng vật che đậy ở trên chớ để có mùi hôi. Nếu lúc đến nhà xí thì đầu tiên lấy thẻ rồi đến nhà xí, khảy móng tay ba lần làm cho người hoặc phi nhơn nhận biết. Nếu không có thẻ thì không được lau trên tường, không được lau trên tường, xà nhà … không được dùng đá, không được dùng cỏ sống, cục đất, vỏ cây, lá cây mềm đều không được dùng. Những thứ nên dùng là cây trúc, cỏ lau làm thẻ, dài khoảng một gang tay, ngắn khoảng bốn ngón tay, dùng rồi không được để lại trong thẻ sạch làm dơ người khác. Đó là pháp dùng thẻ đi nhà xí. Lên nhà xí có hai chỗ: Chỗ đứng nghỉ và chỗ dùng nước. Chỗ dùng nước rồi đến chỗ móc áo. Tất cả như chỗ đứng nghỉ không khác. Trước cửa nhà xí đặt bình nước sạch, lại nên đặt thêm một bình nhỏ. Nếu người nào có bình nước riêng thì tự dùng lấy. Nếu người không có bình riêng thì dùng bình nhỏ bên nhà xí. Không được dùng bình lớn làm dơ nước của chúng Tăng. Đó là pháp dùng nước khi lên nhà xí.

Trước tháp, trước tăng chúng, trước Hòa thượng, A-xà-lê thì không được há miệng lớn nhổ nước bọt xuống đất. Nếu muốn nhổ nước bọt thì nên đến chỗ vắng, chớ để người khác nhờm gớm. Đây là pháp nhổ nước bọt.

Lại nữa, trong Ba Ngàn Oai Nghi có dạy: Nếu Tỳ-kheo đi vệ sinh rồi mà không rửa thì phạm tội Đột-kiết-la, và không được ngồi trên tọa cụ sạch của chúng tăng, hoặc có làm lễ Tam bảo thì sự làm lễ ấy không có phước đức.

Lại nữa, khi đến sau nhà xí có hai mươi lăm việc:

  1. Khi muốn đi vệ sinh thì nên đi, trên đường đi không được làm lễ Thượng tọa.
  2. Không được nhận người làm lễ
  3. Khi đi nên cúi đầu nhìn thẳng xuống đất
  4. Đến nơi phải khảy móng tay ba lần
  5. Đã có người ra hiệu lại thì không nên hối thúc
  6. Đã khảy móng tay rồi mới ngồi lên
  7. Ngồi ngay chính giữa
  8. Không được để chân trước, chân sau
  9. Không được dựa thân
  10. Buộc y phục, không được nhổ nước miếng trong nhà xí.
  11. Không được cố nuốt làm đỏ mặt
  12. Nên nhìn phía trước, không được quay lại sau
  13. Không được làm dơ tường
  14. Không được cúi đầu nhìn trong nhà xí
  15. Không được nhìn phần âm
  16. Không được dùng tay cầm phần âm
  17. Không được dùng cỏ vẽ lên đất
  18. Không được cầm cỏ viết chữ lên tường
  19. Không được dùng phí nước quá
  20. Không được làm dơ bên vách
  21. Không được dùng tay rửa rồi để lên tay chưa rửa
  22. Dùng đất phải đến ba lần
  23. Nên dùng tháo đậu
  24. Được dùng nước ba lần
  25. Nếu thấy nước, cỏ, đất hết thì gọi người coi việc đó, hoặc tự mình đi lấy thì tốt.

Lại nữa, luật Tăng Kỳ có dạy: Đi vệ sinh rồi không dùng nước để rửa mà dùng tọa cụ, giường, nệm của chúng tăng thì mắc tội.

Lại nữa, luật Thập Tụng có dạy: Đi vệ sinh mà không rửa thì không được ngồi nằm trên giường chúng tăng, nếu ngồi nằm thì mắc tội.

Lại nữa, luật Ma-đắc-lặc-già có dạy: Đi vệ sinh rồi mà không rửa thì không được lễ bái, trừ chỗ không có nước, hoặc bị phi nhơn nổi sân, hoặc bị thần nổi giận, hoặc đang dùng thuốc thì khai cho không phạm.

Kinh Tạp Thí Dụ có dạy: Có một Tỳ-kheo không khảy móng tay mà đi vệ sinh là dơ mặt ma quỷ ở trong đó. Cho nên ma quỷ muốn hại. Sa-môn trì giới thì ma quỷ có theo rình tìm chỗ sơ hở cũng không làm hại được.

Kinh Hiền Ngu có dạy: Xưa kia, lúc Phật còn ở đời, trong thành Xá Vệ có một người nghèo cùng tên là Ni Đề. Ni Đề quá nghèo nên thường làm người hốt phân. Đức Phật biết người ấy đáng được độ liền dẫn A Nan đến đó. Lúc ấy Ni Đề đang gánh phân ra bỏ ngoài thành. Thùng phân bị lủng nên làm dơ hết thân Ni Đề. Từ xa trông thấy Thế Tôn, anh ta sanh lòng hổ thẹn, không dám nhìn Phật. Đức Phật đến đó giảng rộng về chánh pháp, Ni Đề liền sanh tín tâm muốn được xuất gia. Đức Phật bảo A Nan dẫn Ni đề xuống sông dùng nước rửa sạch rồi dẫn về Kỳ Hoàn. Đức Phật thuyết pháp, Ni Đề liền đắc quả Tu-đà-hoàn, chuyên tâm xuất gia nên đắc quả A-la-hán. Vua và dân chúng trong nước nghe tin anh ta xuất gia đều rất bực bội: “Tại sao Thế Tôn lại cho phép người này xuất gia?”. Vua Ba-tư-nặc muốn đến chỗ Phật để ngăn việc này. Ngay lúc ấy trên tảng đá lớn ở cửa tinh xá Kỳ Hoàn Ni Đề đang ngồi vá áo, có bảy trăm chư Thiên cúng dường hương hoa. Nhà Vua thấy vậy rất hoan hỷ, người vào bạch Phật. Tỳ-kheo Ni Đề ẩn mất trong đá, ra vào dễ dàng. Bạch cho Phật biết rồi, nhà Vua liền đến chỗ Phật, trước tiên là hỏi về việc này: Tỳ-kheo vừa rồi họ, tên gì?

Đức Phật bảo: Là người nghèo hèn nhất trong nước, thường gánh phân bỏ đi tên Ni Đề.

Nghe Phật dạy xong thì hết hủy báng, nhà Vua đến chỗ Ni Đề rồi chấp tay làm lễ, xin sám hối xong lui ra.

Vua bạch Phật: Xưa kia Tỳ-kheo Ni Đề đã làm việc gì mà này phải chịu thân nghèo hèn này?

Phật dạy: Xưa kia sau khi đức Phật Ca Diếp nhập Niết bàn, có một Tỳ-kheo coi sóc hết mọi việc của Tăng, chợt lâm bệnh nhẹ mà lười biếng ra vào nên đi vệ sinh trong bô rồi sai một đệ tử đem đi đổ. Nhưng người đệ tử ấy đã chứng quả Tu-đà-hoàn. Do đó nên Tỳ-kheo ấy bị luân hồi trong sanh tử làm người hèn hạ, trong năm trăm đời thường làm người hốt phân. Nhờ công đức xuất gia, trì giới xưa kia mà nay được gặp Phật, xuất gia đắc đạo.

Lại nữa, trong kinh Phật Thuyết Trừ Tai Hoạn, đức Phật bảo A Nan:

Quá khứ kiếp trước vào thời Phật Ca Diếp, con người thọ đến hai vạn tuổi, khi phật sự xong rồi liền bỏ thân mạng. Bấy giờ có Vua tên là Thiện Cảnh cúng dường xá lợi, xây tháp bảy báu cao một do tuần. Tất cả chúng sanh đều đến đốt đèn, xông hương, rải hoa, cúng dường, lễ lạy. Bấy giờ có nhiều cô gái đến cúng dường tháp, cùng nhau chung sức quét tháp. Bỗng thấy có phân chó làm dơ đất tháp thì một cô gái dùng tay bốc bỏ đi. Một cô gái khác thấy người này dùng tay bốc phân chó liền nhổ nước miếng, nói: “Tay người đã dơ, không ai có thể gần”. Cô ta còn dùng nhiều lời trái tai để rủa: “Người còn tệ hơn dâm nữ, nước rửa tay ta lại còn sạch hơn”. Đức Phật, Trời, người đều cảm niệm việc làm ấy. Dùng tay trừ bỏ sự bất tịnh rồi liền rửa tay, cô gái liền đi nhiễu quanh tháp, cầu nguyện: “Nay quét sạch tháp, nguyện cho con đời đời được thanh tịnh, dứt sạch các dơ uế. Bấy giờ các cô gái quét tháp, nay chính là các cô gái ở trong chúng hội này. Còn cô gái nguyện dứt sạch mọi phiền não, được uống nước cam lồ đã dùng tay bốc phân chó nay là cô gái vườn Nại. Lúc ấy cô ta nguyện luôn được thanh tịnh, không còn ô uế, do phước báo đó nên không sanh ra ở chỗ bào thai mà lại hóa sanh từ hoa sen. Cô gái dùng lời ác rủa là dâm nữ nay chính là dâm nữ, gặp Phật nghe pháp và đắc quả Tu-đà-hoàn.

Kinh Tạp Bảo Tạng có dạy: Ở Nam Thiên Trúc, có một thiếu nữ mỗi sáng thường quét sạch hai bên cửa đình. Có một trưởng giả nữ sáng sớm cũng quét đường từng gặp Như Lai đi ngang qua cửa thì sanh tâm hoan hỷ chăm chú nhìn Phật. Khi tuổi thọ đã hết cô ta liền sanh lên cõi Trời. Người nào được sanh lên cõi Trời thường có ba suy nghĩ: “Trước đây ta đã làm thân gì và tự biết được thân mình. Nay đang sanh vào nơi nào và nhập định biết là sanh ở cõi Trời. Xưa kia đã tạo nghiệp gì mà nay được sanh ở đây và biết là do thiện nghiệp gặp Phật thì hoan hỷ nên được quả báo này”. Do đó mà cảm niệm ân đức của Phật, Tiên nữ liền xuống cúng dường Phật, nghe Phật thuyết pháp và đắc quả Tu-đàhoàn.

Lại nữa, luận Tân Bà-sa dạy: Xưa kia ở nước Đát-xoa-thi-la có một cô gái đến chỗ Vua Nguyệt Quang bỏ ngàn đầu, làm lễ chỗ Vua Vô Ưu để xây miếu. Cô ta trông thấy phân chó trước tòa ngồi của Phật liền suy nghĩ: “Nơi đây thanh tịnh vì sao lại có phân chó làm ô uế trong ấy”. Cô liền dùng tay bốc bỏ đi, rồi dùng hương thoa sạch. Do năng lực nghiệp thiện này nên toàn thân cô ta đều phát ra hương thơm như hương chiên đàn. Trong miệng thường tỏa ra hương hoa sen xanh. Vì các chúng sanh không bảo hộ sự thanh tịnh nên trong thì phiền não, ngoài thì dơ uế. Do đó luận tụng nói:

Các uế ở đời là cỏ
Thường làm dơ uế ruộng, vườn
Như vậy các tham là uế
Hay làm dơ uế chúng sanh
Các uế ở đời là cỏ
Thường làm dơ uế ruộng, vườn
Như vậy các sân là uế
Hay làm dơ uế chúng sanh.

Lại nữa, kinh Hiền Ngu có dạy: Khi Phật tại thế ở trong thành La Duyệt có một hố nước dơ uế không sạch, rất nhiều phân dơ. Nhân dân trong nước đều đem phân tiểu đổ xuống đó. Trong ấy có một con trùng lớn, thân hình như rắn mà có thêm bốn chân, chạy xuôi chạy ngược, hoặc chìm hoặc nỗi trải qua nhiều năm thường ở trong đó chịu vô lượng khổ.

Bấy giờ Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo đến hố nước, hỏi: Các ông có biết con trùng này đời trước đã tạo duyên gì không? Các Tỳ-kheo đều nói không biết.

Phật bảo các Tỳ-kheo: Vào thời đức Phật Tỳ Bà Thi, có một đoàn khách buôn vào biển lấy châu báu. Sau khi lấy được nhiều châu báu, họ bình an trở về rồi soạn các châu báu tốt để dâng cúng chúng Tăng và đợi chúng tăng thọ thực mới thọ nhận châu báu, bèn đem giao cho Mama-đề (chủ chùa). Sau khi Tăng thọ thực xong liền đến nhận châu báu nhưng ông ta không đưa nên chúng tăng buồn bã. Chủ chùa sân giận nói: “Các người chỉ có ăn phẩn, còn của báu này thuộc về ta, do đâu mà đến đây nhận của báu”. Bởi mắng rủa chúng tăng như thế nên sau khi qua đời liền đọa vào Địa ngục A-tỳ. Thân thể thường quay cuồng trong phẩn sôi, trải qua chín mươi mốt kiếp mới ra khỏi Địa ngục, nay lại đọa vào trong đây. Từ đây cho đến khi bảy đức Phật qua đời cũng thường làm trùng này. Cho đến ngàn đức Phật ở hiền kiếp cũng thường như vậy.

Lại nữa, kinh Bách Duyên có dạy: Đức Phật ở tại Trúc lâm Ca Lan Đà tại thành Xá vệ, lúc ấy Tôn giả Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên theo phép thọ thực: trước quán về Địa ngục, Súc sanh, Ngạ quỷ, sau đó mới ăn. Mục Liên thấy một Ngạ quỷ thân như cột trụ lửa, bụng như quả núi lớn, cổ như cây kim, tóc như dùi nhọn vây quanh chích thân, giữa các lóng đốt đều phát ra lửa, rên rỉ, gào thét rảo chạy bốn phía, cầu tìm phân tiểu để ăn uống, vất vả suốt ngày mà chẳng được gì.

Mục Liên hỏi Ngạ quỷ: Người đã làm nghiệp gì mà chịu khổ này?

Ngạ quỷ đáp: Chỗ có Mặt trời thì không cần đèn đuốc. Nay đức Thế Tôn đang còn ở đời, ông có thể đến hỏi. Giờ tôi đang đói, khát không thể trả lời cho ông được.

Lúc ấy, Mục Liên tìm đến chỗ Phật trình bày hết sự việc trên rồi hỏi Như Lai, Ngạ quỷ đã tạo nghiệp gì mà nay phải chịu khổ này.

Thế Tôn liền bảo Mục Liên: Ông hãy lắng nghe, ta sẽ nói cho. Trong hiền kiếp này, ở thành Xá Vệ có một trưởng giả giàu có vô lượng không thể tính kể, thường sai người hầu ép nước mía đem cho mọi người. Có một vị Phật Bích Chi bị bệnh khát, thầy thuốc bảo uống nước mía thì bệnh mới có thể lành.

Lúc ấy Phật Bích Chi đến nhà trưởng giả xin nước mía. Trưởng giả trông thấy thì rất hoan hỷ, bảo vợ ông ta tên là Phú Na Kỳ: Ta có việc gấp muốn đi ra ngoài. Bà ở nhà lấy nước mía dâng cho Phật Bích Chi.

Người vợ đáp: Ông cứ việc đi đi, rồi tôi sẽ dâng cho.

Ông chồng đi rồi, bà ta lấy bát của Phật Bích Chi, đi vào chỗ vắng tiểu trong bát và dùng nước mía đổ lấp ở trên xong đem dâng Phật Bích Chi. Phật Bich Chi nhận rồi, biết không phải nước mía nên đổ xuống đất và cầm bát không ra về. Sau khi qua đời, bà ta liền đọa vào loài Ngạ quỷ, thường bị sự đói khát bức bách. Do nghiệp ấy nên chịu khổ này.

Đức Phật bảo Mục liên: Nên biết vợ ông trưởng giả bấy giờ, nay là Ngạ quỷ Phú-na-kỳ.

Lúc Phật thuyết giảng như thế, các Tỳ-kheo đều xả bỏ xan tham, nhàm chán sanh tử, có vị đắc bốn quả Sa-môn, có vị phát tâm Phật Bích Chi, có vị phát tâm Vô thượng Bồ-đề.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Thứ 8: Duyên hộ tịnh

Trong luật Thập Tụng chép: Súc miệng là gì?

Phật dạy: Cho nước vào trong miệng, súc ba lần. Đó là pháp làm sạch miệng.

Luật Tăng Kỳ chép: Bấy giờ Thế Tôn thuyết pháp ở trong chúng hội, có một Tỳ-kheo miệng hôi nên ngồi dưới gió.

Đức Phật biết mà vẫn hỏi: Tại sao vị Tỳ-kheo này lại ngồi một mình?

Đáp: Thế Tôn chế giới không cho phép xỉa răng cho nên miệng bị hôi. Do sợ mùi hôi bay dơ người khác nên con ngồi dưới gió.

Phật dạy: Cho phép dùng tăm xỉa răng, dài khoảng sáu ngón tay, ngắn khoảng bốn ngón tay. Khi xỉa răng nên ở chỗ vắng, rửa tay sạch sẽ. Tăm dùng rồi thì lấy nước rửa sạch rồi vứt bỏ. Khi xỉa răng không được nuốt. Nếu thầy thuốc bảo bệnh nên nuốt thì cho phép. Nếu không có răng thì nên dùng nước muối súc miệng rồi ăn. Nếu đang ăn mà muốn tẩy tịnh thì nên dùng nước sạch rửa tay, sau đó mới tẩy tịnh. Nếu tay dơ thì dùng lá cây để nhận thức ăn. Khi uống nước thì không được ngậm môi làm cho khí dâng lên trán, phải hả môi mà uống. Khi uống nước không được uống hết mà phải chừa lại một ít để súc miệng rồi nhổ bỏ. Khi bất tịnh nên khéo giữ sạch sẽ, nếu thấy thần khí mệt mỏi thì nên đổ một chỗ, dùng cỏ làm dấu cho người biết là bất tịnh. Nếu dùng nước uống phi thời thì cũng như pháp ở trước.

Luật Tăng Kỳ dạy: Tỳ-kheo sáng sớm dậy nên dùng nước sạch rửa tay, không được rửa một cách thô tháo, rửa năm ngón tay, không được rửa đến nách, nên rửa sạch đến cổ tay, không được thô lỗ, rửa thì không được chùi mạnh làm chảy máu, nên dùng rau cỏ hoặc tro đất. Rửa tay rồi lại lau chùi thì gọi là bất tịnh, phải rửa tay lại. Trước khi ăn Tỳ-kheo nên rửa tay sạch sẽ. Nếu xoa đầu, cầm y phục thì lại phải rửa tay. Khi tụng kinh, ăn uống thì theo đây mà thực hành. Tay sạch còn như thế huống nữa là tay giết hại sanh mạng, uống máu, ăn thịt để ô uế thân miệng, buông thả truyền pháp thì tâm cũng bất tịnh.

Luật Tứ Phần dạy: Lúc ấy có các Tỳ-kheo bệnh làm hôi phòng. Phật dạy: Nên dùng nước để quét dọn. Nếu còn hôi thì dùng hương rải. Nếu còn hôi thì nên dùng hương treo bốn góc.

Luật Thập Tụng dạy: Lúc ấy có Tỳ-kheo không xỉa răng, trong miệng hôi thối. Đức Phật dạy: Cho phép xỉa răng. Xỉa răng có năm lợi ích: Miệng không dơ; miệng không hôi; trừ gió; trừ bệnh nhiệt và trừ đàm

Lại nữa, xỉa răng có năm lợi ích: Trừ gió; trừ nhiệt; phân biệt được các vị; thích ăn; sáng mắt.

Luật Tứ Phần dạy: Không xỉa răng có năm lỗi: Miệng hôi; không phân biệt được các vị; bị bệnh nhiệt không tiêu; không muốn ăn và mắt không sáng.

Luật Ngũ Phần dạy: Tăm xỉa răng rồi nên rửa sạch rồi vứt bỏ, vì sợ trùng ăn vào sẽ chết.

Trong Ba Ngàn Oai Nghi có dạy: Dùng tăm xỉa răng có năm việc: Bẻ đúng quy đinh; bỏ đúng như pháp; tăm xỉa răng không quá ba phân; răng thưa thì nên xỉa từng răng và nên lấy nước tự dùng.

Cạo lưỡi có năm việc: Không được quá ba lần; trên lưỡi có máu thì nên dừng lại; không được vung tay mạnh làm dơ y Tăng-già-lê

hoặc chân; không được vứt tăm xỉa răng nơi đường đi và nên vứt ở chỗ khuất.

Thứ 9: Duyên minh chung

Như trong kinh Phó Pháp Tạng dạy: Bấy giờ có nhà Vua Kế Nê Tra tham lam, tàn ác, vô đạo, nhiều lần đem quân đi chinh phạt làm dân chúng vất vả mà chẳng biết nhàm chán, muốn Vua các nước xung quanh cử binh lính canh giữ biên giới, làm cho thân thích phải chia lìa. Nỗi khổ này đến bao giờ mới dứt? Nên chúng ta phải đồng tâm để diệt trừ ông ta thì sau đó mới được an lạc. Gặp lúc Vua tàn bạo bệnh để người ngồi canh giữ, trong chốc lát thì ông ta băng hà. Nhờ được nghe Tỳ-kheo Mã Minh thuyết pháp nên sanh vào trong biển làm con cá ngàn đầu. Lưỡi kiếm xoay tròn chặt đầu ấy thì đầu khác lại sanh, tiếp đến lại chặt, như vậy cứ xoay chuyển cho đến vô lượng. Chỉ trong khoảnh khắc mà đầu đầy biển cả. Lúc ấy có La Hán làm Duy Na trong Tăng, nhà Vua liền đến thưa hỏi: Nay lưỡi kiếm xoay tròn này nghe tiếng chuông thì liền dừng lại. Khi ấy đau khổ được dứt trong thời gian ngắn ngủi đó. Xin nguyện Đại đức rủ lòng thương xót, nếu tiếng chuông kéo dài ra thì đau khổ được dừng lại trong thời gian dài hơn. La Hán thương xót liền đánh chuông kéo dài ra. Qua bảy ngày rồi liền hết thọ khổ mà trên chùa này do vì Vua kia nên bảo nhau đánh chuông kéo dài, cho đến ngày nay vẫn như xưa.

Đã biết ý kinh, nghe tiếng chuông được cứu khổ, lại để tập họp chúng thì cần Duy Na đóng chuông, cùng nhau chấp tay, phát nguyện lợi sanh, nhờ niệm thiện đóng chuông, nên các chúng sanh đều hết thọ khổ.

Kinh Tăng Nhất A Hàm dạy: Khi đánh chuông nguyện cho tất cả khổ đau trong đường ác đều ngưng lại. Khi nghe tiếng chuông mà đọc luôn bài kệ tán thán thì được trừ trọng tội sanh tử trong năm trăm ức kiếp:

Hàng phục oán của ma
Trừ sạch hết phiền não
Ở nơi đánh kiền chùy
Tỳ-kheo đến tập họp
Người được nghe pháp này
Thoát khỏi biển sanh tử
Nghe tiếng nhiệm mầu này
Đều đến đây tập họp.

Lại kinh Tạp Dụ nói kệ:

Nghe chuông mà nằm ì
Hộ Pháp Thiện Thần quở
Hiện tại ít phước báo
Đời sau làm thân rắn
Ở chỗ nghe tiếng chuông
Đang nằm phải đứng dậy
Chắp tay phát tâm thiện
Hiền Thánh đều hoan hỷ.
Tiếng chuông giác ngộ hết chúng sanh
Vang khắp mười phương các cõi nước
Tất cả hữu tình đều nghe biết
Dứt khổ lâu dài cho chúng sanh
Sáu thức thường mê khổ mãi hoài
Vô minh che mờ tâm mê muội
Đêm ngày nghe chuông liền giác ngộ
Ôn hòa thanh tịnh đắc thần thông.

Thứ 10: Nhập chúng

Luật Tứ Phần dạy: Muốn nhập chúng phải đủ năm pháp:

1. Phải bằng tâm từ

2. Nên tự hạ mình giống như khăn lau

3. Phải biết pháp đứng, ngồi. Nếu thấy Thượng tọa thì không nên ngồi yên. Nếu thấy Hạ tọa thì không cần đứng dậy

4. Người khác đến trong tăng thì không nên nói chuyện tạp nhạp của thế gian, hoặc mình nói, hoặc bảo người kia nói.

5. Nếu thấy trong Tăng có việc không vừa ý, tâm không an thì nên im lặng. Cho nên luận Trí Độ dạy: Đệ tử Thanh Văn của Phật chung sống hòa hợp có hai pháp: nói như Hiền Thánh và im lặng như Hiền Thánh.

Lại nữa, kinh Ba Ngàn Oai Nghi có dạy: Muốn lên giường phải có bảy pháp:

  1. Ngồi ngay ngắn trên giường
  2. Không được bò trên giứờng
  3. Không làm cho giường có tiếng
  4. Không được quét giường có tiếng
  5. Không được ngáp lớn, than thở suy nghĩ việc thế gian
  6. Không được nằm như bầy chó
  7. Tùy theo thời tiết mà dậy sớm

Lại nữa, Luận Địa Trì dạy: Nếu thấy chúng sanh nên từ mẫn thăm hỏi, nhan sắc vui vẽ, mắt nhìn từ hòa, chánh niệm hiện tại. Nếu Bồ-tát biết chúng sanh kia có thật công đức mà dùng tâm hờn giận không nói với họ, cũng không tán thán, hoặc có người tán thán mà không nói lành thay. Đây gọi là phạm, là phạm nhiễm ô khởi.

Luận Lương Nhiếp dạy: Bồ-tát thấy chúng sanh trước phải tươi cười, sau đó mới cùng nói chuyện. Do đó luật Ngũ Phần dạy: Người không nhẫn nhục, có năm lỗi:

  1. Hung ác, không nhẫn nhịn
  2. Sau rồi hối hận
  3. Nhiều người không ưa
  4. Tiếng xấu lan truyền
  5. Chết đọa đường ác

Thứ 11: Duyên suy tướng

Như kinh Phân Biệt Duyên Khởi Sơ Pháp Môn, Thế Tôn dạy: Già có năm thứ suy tổn:

1. Râu tóc suy tổn: râu tóc bị biến hoại

2. Thân tướng suy tổn: Nhan sắc, sức lực đều suy tổn

3. Sự nghiệp suy tổn: Hơi thở, lời nói đứt đoạn, thân thể thay đổi, đứng thì lưng gù do các đốt xương không còn năng lực, ngồi thì khòm xuống do bị gầy yếu, đi phải chống gậy vì thân yếu ớt, những điều suy nghĩ, hiểu biết đều ngu độn vì niệm mê loạn

4. Thọ dụng suy tổn: Đối với vật chất hiện tại thọ dụng rất ít, đối với nhạc cụ giải trí đều không có khả năng cảm thọ, đối với các cảnh vật mà sắc căn hiện hành đều không thể mau chóng, sáng suốt, linh hoạt, hoặc không thể thực hành

5. Mạng căn suy tổn: Tuổi thọ sắp hết, gần kề cái chết, gặp chút nguy hiểm không thể nhẫn chịu.

Kinh A Hàm dạy: Đầu bạc có bốn duyên: Hỏa vượng trong thân; sầu nhiều; bệnh nhiều và bạc lúc còn trẻ.

Bệnh ốm có bốn duyên: Ăn ít; có buồn lo; nhiều sầu muộn và có bệnh chưa điều trị

Có bốn việc không nói trước với người: Đầu bạc; già; bệnh và chết. Bốn việc này không thể tránh, cũng không thể chối bỏ.

Tất cả vị không ngoài tám loại: Đắng; chát; cay; mặn; nhạt; ngọt; chua và không rõ mùi vị.

Thứ 12. Duyên thùy mộng

Luật Thiện Kiến dạy: Mộng có bốn loại: Mộng do bốn đại không điều hòa; mộng do thấy trước; mộng Trời, người và mộng tưởng

Thế nào là mộng do bốn đại không điều hòa? Khi ngủ mộng thấy núi lở, hoặc chim bay trên không, hoặc thấy hổ, sói, sư tử, giặc rượt chạy. Đây là bốn địa không điều hòa, là mộng giả không thật.

Thế nào là mộng do thấy trước? Hoặc ban ngày thấy trắng hoặc đen, nam hoặc nữ nên đêm đến mộng thấy. Đây là mộng do thấy trước, cũng là mộng không thật.

Thế nào là mộng Trời, người? Hoặc thiện tri thức, Trời, người hiện mộng lành vì muốn người làm việc lành. Hoặc ác tri thức vì người mà hiện mộng ác. Đây là mộng thật.

Thế nào là mộng tưởng? Người này đời trước có phước đức hoặc có tội chướng. Nếu người có phước thì thấy mộng lành. Như khi Bồ-tát muốn gá vào thai mẹ thì mẹ Bồ-tát mộng thấy voi trắng từ cõi Trời Đâu Suất bay xuống, vào hông bên phải của bà. Đây là mộng tưởng. Hoặc mộng thấy lễ Phật, tụng kinh, bố thí, trì giới.v.v.làm các việc công đức.

Đây cũng là mộng tưởng.

Hỏi: Mộng là thiện, bất thiện hay là vô ký?

Đáp: Cũng thiện, bất thiện, vô ký.

Nếu mộng thấy lễ Phật, tụng kinh, nghe pháp, thuyết pháp thì đó là công đức thiện. Nếu mộng thấy giết hại, trộm cắp, dâm dục thì đó là mộng bất thiện. Nếu mộng thấy các màu xanh, vàng, đỏ, trắng.v.v thì đó là mộng vô ký.

Hỏi: Nếu như thế thì phải thọ quả báo?

Đáp: Không thọ quả báo. Vì sao?Vì tâm nghiệp yếu kém nên không có sự cảm ứng. Do đó trong luật dạy: trừ trong mộng thì không phạm.

Lại nữa, luật Ca Chiên Diên nói:

Hỏi: Thế nào là tất cả thùy miên tương ưng?

Đáp: Hoặc thùy mà không miên tương ưng. Như khi chưa ngủ mà thân không nhẹ nhàng thì tâm không nhẹ nhàng, thân nặng nề thì tâm nặng nề, thân đờ đẫn thì tâm đờ đẫn, thân rối bời thì tâm rối bời, thân ngủ thì tâm ngủ bị ma ngủ quấy nhiễu. Đây là thùy mà không miên tương ưng.

Thế nào là miên mà không thùy tương ưng?

Đáp: Ngủ mộng tâm bất nhiễm ô. Đây là miên mà không thùy tương ưng.

Thế nào là thùy miên tương ưng?

Đáp: Ngủ mộng tâm nhiễm ô. Đây là thùy miên tương ưng.

Thế nào là không miên không thùy?

Đáp: Trừ các trường hợp trên.

Hỏi: Ngủ là thiện, bất thiện hay vô ký?

Đáp: Khi ngủ hoặc thiện hoặc bất thiện hoặc vô ký.

Thế nào là thiện?

Đáp: Ngủ mộng tâm thiện.

Thế nào là bất thiện?

Đáp: Ngủ mộng tâm bất thiện.

Thế nào là vô ký?

Đáp: Trừ các trường hợp trên.

Như trong mộng bố thí, làm phước, giữ giới, trì trai là lúc ngủ bằng tâm thiện làm phước và tâm hồi hướng phước. Đây là thiện.

Thế nào là khi ngủ làm việc không có phước?

Đáp: Như trong mộng mà giết hại, trộm cắp .v.v. là khi ngủ bằng tâm bất thiện và tâm không hồi hướng phước. Đây là bất thiện.

Thế nào là khi ngủ mà tạo phước không phước?

Đáp: Như khi ngủ bằng tâm không phước và tâm chẳng không hồi hướng phước. Đây là khi ngủ tâm vô ký.

Hỏi: Mộng là tên của pháp nào?

Đáp: Là triền cái vô minh thuộc năm triền cái.

Lại nữa, luật Thập Tụng dạy: Có Tỳ-kheo ngủ ở trong chúng. Phật dạy: Cho phép dùng nước gội đầu.

Nếu vẫn còn ngủ. Phật sai Tỳ-kheo dựa vào năm pháp dùng nước tẩy rửa:

  1. Lân mẫn
  2. Không làm phiền người khác
  3. Ngủ nghỉ
  4. Đầu dựa tường
  5. Ngồi duỗi chân..

Nếu vẫn còn ngủ thì cho phép dùng tay đánh. Nếu vẫn còn ngủ thì Phật cho phép lấy bóng ném. Nếu vẫn còn ngủ thì Phật cho phép dùng thiền trượng. Khi cầm thiền trượng nên sanh tâm cung kính, dùng hai tay nắm thiền trượng đánh trên đầu. Nếu vẫn còn ngủ thì nên đứng dậy xem những khác ngủ và dùng thiền trượng gõ, gõ rồi trở về chỗ ngồi. Nếu không có người nào ngủ thì lấy thiền trượng để trước chỗ mình để ngồi. Nếu vẫn còn ngủ thì Phật cho phép dùng thiền trấn để ở chỗ trống rồi dùng dây quấn quanh lỗ trống, đầu dây làm thành cái quai, treo lỗ tai lên đến trước trán khoảng bốn ngón tay. Khi đặt thiền trấn, thiền trấn rơi xuống đất, Phật dạy: Khi triền trấn rơi nên đứng dậy đi như pháp ngỗng đi.

Luật Tứ Phần dạy: Tỳ-kheo Bạt Nan Đà che dù lớn đi trên đường. Các cư sĩ trông thấy tưởng là Vua, hoặc quan lớn nên sợ hãi tránh đường. Nhìn kỹ mới biết là Tỳ-kheo. Do đó các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Tỳ-kheo không nên che dù đi trên đường, cũng không được che dù khi Trời mưa. Ở trong chùa lấy vỏ cây, hoặc lá, trúc làm dù che, cũng không cho phép cầm quạt lớn của Vua. Nếu đi đường gặp lúc nóng bức thì cho phép dùng cây, lá.v.v… làm quạt.

Lúc ấy các Tỳ-kheo sợ trùng, đất rơi trên thân. Phật dạy: Cho phép làm quạt, bằng cỏ, lá, vỏ cây, hoặc dùng chỉ, vải vụn. Lúc ấy có Tỳ-kheo được cái quạt lông chim. Phật dạy: Cho phép cất giữ. Có Tỳkheo nhỏ tuổi không hiểu được sự việc này nhưng cho phép dùng nên ghi nhận.

Luật Tứ Phần dạy: Lúc ấy có các Tỳ-kheo tự tấu nhạc, thổi sáo cúng dường. Phật dạy: Không nên vậy.

Người kia kính phục không dám sai bạch y dùng âm nhạc cúng dường. Phật dạy: Cho phép

Đức Phật dạy: Họ không biết cúng dường tháp, cúng dường ẩm thực, ai sẽ cúng dường thức ăn? Phật dạy: Tỳ-kheo hoặc Sa-môn hoặc Ưu-bà-tắc hoặc người kinh doanh nên cúng dường ẩm thực.

Lại nữa, luận Tát Bà Đa dạy: Người xuất gia đối với pháp buôn bán ở chợ, không được trả thấp giá vật của người khác bán, nếu hạ giá thì mắc tội Đột-cát-la. Vải của chúng tăng xướng chưa được ba lần thì tăng giá, qua ba lần rồi thì không nên tăng giá, chúng tăng cũng không nên cho. Vì vải đã thuộc về người khác nên Tỳ-kheo xướng ba lần rồi được vải thì không nên hối tiếc. Nếu hối tiếc cũng không trả lại chúng tăng, cũng không trả lại giá.

Luận Tân Bà Sa dạy: Thánh giả và chúng sanh thì ai có lo sợ? Có người nói: Chúng sanh có lo sợ. Thánh giả không lo sợ. Vì sao? Vì Thánh giả đã lìa năm sự sợ hãi:

  1. Không sợ sự sống
  2. Không sợ tiếng xấu
  3. Không sợ chúng
  4. Không sợ chết
  5. Không sợ đường ác.

Trong kinh Tạp Bảo Tạng, đức Phật dạy: Châu như ý này từ trong não của cá Ma Kiệt sanh ra. Thân cá dài hai mươi tám do tuần. Hạt châu này tên là Kim cang kiên, có năng lực thứ nhất là có thể làm cho những người đang bị trúng độc mà nhìn thấy thì độc liền tiêu mất, hoặc được ánh sáng chiếu vào thân thì độc cũng tan biến. Năng lực thứ hai: Người bị bệnh nóng mà thấy nó thì được lành bệnh, hoặc được ánh sáng chiếu vào thân thì cũng được lành bệnh. Năng lực thứ ba: Người bị vô lượng trăm ngàn oan gia mà cầm châu này thì được họ thân thiện. Châu này là vật quý trong Diêm Phù Đề, là một phần giá trị trong chư Thiên.

Lại nữa, luật Tứ phần dạy: Lúc ấy, có rắn vào phòng các Tỳkheo, các Tỳ-kheo chưa ly dục đều khiếp sợ. Phật dạy: Chớ sợ, nên dùng ống tre đựng rồi đem vứt bỏ, hoặc dùng dây cột rồi đem ra ngoài đất thả đi. Nếu có chuột vào phòng thì dùng lồng tre bắt đem ra ngoài bỏ, hoặc bò cạp, rết, sâu bọ vào phòng thì dùng cục bùn hoặc chổi quét hốt nó rồi đem bỏ ra ngoài, hoặc ban đêm dơi vào phòng, ban ngày én bay vào, Phật dạy: Cho phép đan lồng thưa để ngăn, hoặc dùng chấn song để ngăn.

Bấy giờ, có Tỳ-kheo già bị bệnh bắt chấy rận bỏ xuống đất. Phật dạy: Không được như thế. Cho phép dùng đồ đựng, hoặc bắt bỏ trong vải. Nếu chấy rận bò ra thì nên đựng trong ống tre. Nếu chấy rận bò ra ngoài ống tre thì nên dùng nắp đậy.

Lại nữa, luật Tứ Phần dạy: Bấy giờ, Lục quần Tỳ-kheo tụng bùa chú, các sách ngoại đạo, coi ngó nhà cửa, đoán sự tốt xấu như chú chi tiết, chú sát lợi, chú biết người sống hay chết, biết điềm lành hay điềm dữ, chú hiểu các âm thanh. Phật dạy: Không được làm thế. Người kia dạy họ là để mưu sinh cũng không nên làm như vậy

Bấy giờ Thế Tôn ở tại nước Tỳ Xá Ly, có các Ly Xa ngồi trên voi, ngựa, xe chở đồ, cầm dao, kiếm đến yết kiến Thế Tôn. Họ để dao, kiếm ở bên ngoài chùa rồi vào trong thăm hỏi Thế Tôn. Lúc ấy các cư sĩ cầm dao, kiếm đến gửi các Tỳ-kheo cất, các Tỳ-kheo sợ không dám nhận. Phật dạy: Vì đàn việt mà cất giữ chắn chắn thì cho phép.

Lại nữa, Ngũ Bách Vấn Sự có dạy: Không được dùng miệng thổi bụi trên kinh, trên tượng. Tuy chẳng phải là kinh đang dùng cũng nên cất giữ thận trọng, không được thiêu đốt kinh cũ, nếu đốt thì mắc trọng tội như đốt cha mẹ, không biết thì có tội nhẹ.

Lại nữa, luật Tăng kỳ có dạy: Đốt lửa có năm việc không lợi ích: Hoại mắt; hoại sắc; thân ốm; y phục cấu bẩn; đồ nằm hư hoại; duyên sanh phạm giới và thêm lời bàn tán của thế tục Kinh Nguyệt Thượng Nữ có dạy: Vợ Duy Ma Cật tên là Vô Cấu, có thai đến chín tháng rồi sanh ra người con gái tên là Nguyệt Thượng.

Kinh Ly Cấu Thí Nữ có dạy: Vua Ba-tư-nặc có một người con gái tên là Duy Ma La Đạt, đời Tấn dịch là Ly Cấu Thi, chưa đầy mười hai tuổi mà thân tướng xinh đẹp tuyệt trần, thông minh tuyệt đỉnh.

Kinh Chuyển Nữ Thân có dạy: Vợ trưởng giả Tu Đạt tên là Tịnh nhật, có người con gái tên là Vô Cấu Quang.

Bài tụng viết:

Nói qua các việc cốt yếu
Xả bỏ phiền não ô nhiễm
Vạn hạnh đoan chánh kiên cố
Sáu trần có thể xa lìa
Tâm tánh ngay thẳng, sáng suốt
Trong sáng rực rỡ như ngọc
Giống như một rừng ngọc quỳnh
Rõ ràng không chút tỳ vết

CHƯ KINH TẬP YẾU
(HẾT – QUYỂN 20)