CHƯ KINH TẬP YẾU

Soạn dịch: Sa-môn Thích Đạo Thế ở chùa Tây Minh, đời Đường
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 17

 

PHẦN THỨ 26: RƯỢU THỊT

– Duyên thuật ý
– Duyên uống rượu
– Duyên ăn thịt

Thứ 1: Duyên thuật ý

Rượu là cửa buông lung. Bậc Thánh nhân biết được cội nguồn nó nên luôn xa lìa chỗ say sưa: lìa duyên rượu, bỏ bạn rượu, gần bạn pháp là ra cửa mê, vào cửa tỉnh.

Thịt là đoạn mất hạt giống Đại từ. Bậc Thánh nhân biết đó là nhân giết hại nên xả bỏ mùi tanh tao, làm thanh tịnh thân, miệng, chỉ ăn rau để giữ gìn tâm mình, ngưỡng mộ lòng từ thiện mà cảm ứng lâu dài. Cho nên Tục-lễ-ký có nói: “Thấy việc sanh chứ không nỡ thấy viêc chết, nghe tiếng kêu không ăn thịt.” Đây cũng là nghĩa không giết hại. Nếu xúi người ăn thịt uống rượu tức đồng với súc sanh, cầm thú, lang, sói, cũng là giết tất cả quyến thuộc. Ăn nuốt thân thuộc thì bị báo oán trải qua số kiếp lâu dài không có cùng tận.

Trong luận Tát-bà-đa có dạy: Có một cô gái làm hại chó Sói đến năm trăm đời. Chó Sói cũng hại cô ta trong năm trăm đời.

Lại có một cô gái giết hại Quỷ trong năm trăm đời. Quỷ cũng giết hại cô ta suốt năm trăm đời.

Nên biết trong lúc trải qua sáu đường đều phải chịu nhiều báo oán, hoặc là Sư trưởng, cha mẹ, anh em, chị em, con cháu, hoặc là bạn bè. Nay thân phàm phu này đều không có đạo nhãn, không biết phân biệt nên trở lại ăn thịt lẫn nhau, không có sự giác ngộ. Lúc ăn thịt, vật ấy có linh hồn, nó liền sân hận, trở thành kẻ thù oán. Cốt nhục chí thân trở thành oán thù. Sự việc này, sao không thể tự tư duy, chỉ tạm tranh lấy một chút vị ngon nhất thời cho lưỡi mà lại gây oán đối lâu dài với kẻ oán, người thân, làm cho ai cũng đau lòng khó mà diễn tả được. Cho nên trong kinh Niết bàn có dạy: Tất cả thịt đều không ăn, và thịt tự chết cũng không ăn, huống nữa là thịt không tự chết.

Trong kinh Lăng-nghiêm có dạy: Vì lợi mà giết chúng sanh, vì tài để lấy thịt, cả hai nghiệp này đều không thiện. Đến khi chết phải đọa vào Địa ngục Kêu gào.

Thế nào là vì lợi mà giết hại chúng sanh?

Trên đất giăng lưới săn, dưới nước bủa lưới bắt. Đây là vì lợi mà giăng bắt chúng sanh.

Thế nào là vì tài mà giết hại chúng sanh?

Nếu đem so với người giết hại thì mình là người trung gian dùng tiền để mua thịt. Đây gọi là dùng tài để lấy thịt.

Nay người nào không dùng của mua thịt mà huân tập giới ác, làm hại chúng sanh, chuyên cung cấp cho miệng, cũng lại không có sự tính toán thì người ấy ăn thịt cũng là giết hại. Vì sao gọi là không giết hại. Đây là sự việc trái với văn kinh, đoạn hạt giống Đại từ, làm chướng ngại không gặp được Phật.

Thứ 2: Duyên uống rượu

Thuật rằng: Giáo lý này có quyền, có thật. Quyền tức là thuận theo dẫn dụ, lấy khinh thoát trọng, ban đầu khai không phạm. Căn cứ vào lý này thì chẳng phải là không có tội. Khái quát theo thật giáo thì khinh, trọng đều cấm, trước sau không phạm. Đây gọi là trì giới.

Ban đầu căn cứ theo quyền thuyết nên kinh Vị-tằng-hữu có dạy: Bấy giờ, Thái tử Kỳ-bà nghe nói về quả báo không cùng của thập thiện đạo. Thái tử liền quỳ xuống, chấp tay thưa:

Trước đây Phật dạy con thọ trì năm giới, nay con muốn xả bỏ. Vì sao? Vì trong năm giới thì giới rượu rất khó giữ nên con sợ mắc tội.

Đức Phật dạy: Lúc ông uống rượu để làm việc ác chăng?

Kỳ-bà đáp: Trong nước của con rất hùng mạnh, thường thường khi xuất trận đãi tiệc phải có rượu để cùng nhau hưởng lạc, không có ác ý. Vì sao? Vì có rượu là nghĩ đến giới nên không có sự buông lung. Do đó uống rượu mà không làm ác.

Đức Phật dạy: Lành thay! Lành thay! Kỳ-bà! Nay ông đã có được trí tuệ phương tiện. Nếu người ở đời đều như ông thì dù có uống rượu cả đời cũng không gây ra việc xấu ác gì. Như vậy, hành giả chỉ có sanh phước mà không có tội. Người nào uống rượu mà không sanh nghiệp ác vì tâm hoan hỷ nên không có phiền não. Nhân tâm thiện thì thọ quả báo thiện. Nếu giữ năm giới thì có mất gì không? Uống rượu mà nghĩ đến giới thì lại tăng thêm phước. Trước đây giữ năm giới, nay lại thọ thập thiện thì công đức này lại càng gấp bội quả báo thập thiện.

Lúc ấy, Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

Bạch đức Thế Tôn! Như lời Thế Tôn dạy khi tâm hoan hỷ thì không sanh nghiệp ác. Đó gọi là thiện hữu lậu. Sự việc này không đúng. Vì sao? Lúc người uống rượu thì tâm hoan hỷ. Do tâm hoan hỷ nên không phiền não. Vì không phiền não nên không làm não hại. Không não hại nên ba nghiệp thanh tịnh. Đạo thanh tịnh là nghiệp vô lậu.

Bạch Thế Tôn! Con nhớ xưa kia trong lúc đi dạo chơi săn bắn con quên dẫn Ngự trù theo. Khi ở trong núi rừng sâu con cảm thấy đói muốn ăn. Những người hầu cận liền tâu: “Lúc Hoang thượng đi không lệnh cho Ngự trù theo hầu nên hiện giờ không có gì để ăn”. Con nghe vậy thì vội cỡi ngựa về cung, bảo lấy thức ăn. Dương gia Trù giám Tu-ca-la thưa: “Giờ thì không có thức ăn. Thần sẽ làm ngay”. Trong lúc quá đói, con giận dữ, không suy nghĩ liền ra lệnh quần thần xử trảm Trù giám. Con ra lệnh xong thì quần thần cùng bàn luận: “Xét ra trong nước mình thì chỉ có người này xử sự trung lương. Bây giờ nếu nhà Vua ra lệnh giết đi thì không ai có thể làm Trù giám hợp ý Vua”.

Lúc ấy, phu nhân Mạt-lợi nghe tin con ra lệnh giết chết Tu-ca-la thì bà ta vô cùng luyến tiếc. Biết được con đang rất đói nên phu nhân liền sai dọn đủ thứ rượu thịt thơm ngon. Bà ta tắm gội rồi dùng hương thơm trang điểm thân mình xong dẫn các kỷ nữ đi đến chỗ con. Con thấy phu nhân trang sức lộng lẫy, dẫn theo kỷ nữ và mang rượu thịt ngon đến liền hết sân giận. Vì sao? Vì phu nhân Mạt-lợi giữ gìn năm giới của Phật, không uống rượu thì trong tâm con thường sân giận. Thế mà ngày nay bỗng nhiên lại đem rượu thịt đến hưởng lạc cùng con. Tình thế đã thay đổi, con liền cùng phu nhân uống rượu ăn thịt, trổi các kỷ nhạc, hoan hỷ vui chơi, tâm sân liền dứt. Phu nhân biết con không còn phẫn nộ liền sai Thái giám truyền mệnh lệnh con bảo thần chớ giết chết Trù giám. Thần phụng mệnh lệnh.

Đến sáng hôm sau, con tự trách mình, sầu não không ăn, nhan sắc tiều tụy. Phu nhân hỏi con sao mà sầu não, có bệnh gì chăng? Con nói: “Hôm qua ta bị cơn đói giày vò nên nỗi sân giận bảo giết Tu-ca-la. Ta nghĩ trong nước không có ai lại hết lòng chăm nom việc ăn uống cho ta như Tu-ca-la. Do đó ta rất hối hận nên sanh sầu não”.

Phu nhân tâu: “Người ấy còn sống. Xin Đại vương chớ âu sầu”. Con hỏi lại: “Sự thật đúng như thế hay chỉ là lời nói đùa?”

Phu nhân tâu: “Đúng là ông ta còn sống, chẳng phải thần thiếp nói đùa”.

Con ra lệnh cận thần gọi Trù giám đến. Sứ giả đến mời, chỉ trong chốc lát thì đã dẫn người đến. Do đó con vô cùng hoan hỷ nên không còn ưu sầu.

Nhà Vua bạch Phật:

Phu nhân Mạt-lợi giữ gìn năm giới của Phật, một tháng trì trai sáu ngày. Vậy mà chỉ trong một ngày nàng ấy đã phạm đến hai giới: uống rượu và nói dối ở trong năm giới và trong Bát quan trai giới. Sự việc ấy là thế nào? Giới tội đã phạm là nặng hay nhẹ?

Đức Phật đáp:

Người nào phạm giới như thế thì có được công đức rất lớn, chẳng có tội gì. Vì sao? Vì đã làm việc lợi ích.Như trước đây Ta đã giảng nói: “Có hai hạng người tu thiện: Tu thiện hữu lậu và tu thiện vô lậu”. Phu nhân Mạt-lợi đã phạm giới thuộc về thiện hữu lậu. Ngược lại không phạm giới là thiện vô lậu. Theo đó mà biết thì phá giới tu thiện là thiện hữu lậu, sanh khởi tâm thiện là thiện vô lậu.

Vua bạch Phật:

Như lời Thế Tôn dạy thì Phu nhân Mạt lợi đã phá giới uống rượu mà không sanh tâm ác nên có công đức mà không có tội. Tất cả mọi người đều cũng như vậy sao?

Đức Phật dạy:

Ta nghĩ gần đây, trong thành Xá-vệ, có các nhà hào tộc, Sát-lợi, vương công, vì một vài sự tranh tụng nhỏ mà lại dẫn đến thù oán lớn. Hai bên đều bày mưu kế và khởi binh đánh nhau. Họ đều là thân thích của nhà Vua nên Vua rất khó trách phạt. Nhà Vua suy nghĩ về việc đánh nhau của họ mà mình thì không thể can ngăn được nên trong lòng vô cùng ưu sầu. Vua lại nghĩ: “Xưa kia Thái tử cùng với Đề-vi-la giận nhau, sự thật khó phân nên họ muốn giết hại nhau. Nhờ có Thái hậu cho uống rượu mà họ được hòa thuận với nhau”. Nhà Vua suy nghĩ rồi ra lệnh Đại thần bày tiệc rượu và thức ăn ngon lành và ra lệnh cho các nhà hào tộc cho đến quần thần, sĩ dân trong nước đều đến tham dự để luận bàn việc lớn.

Quần thần đều tranh nhau đi, quyến thuộc và tùy tùng của hai nhà đều có đến năm trăm người cùng đi dự hội. Ở trên Điện đường trang nghiêm, nhà Vua vui vẽ ra lệnh các vị thần dùng loại chén báu lưu ly đựng đầy ba thăng rượu ngon rồi nhà Vua uống một chén ở trước chúng hội. Vua nói: “Nay luận bàn về việc nước thì cũng không khác gì tâm ta hiện giờ. Vì vậy mọi người hãy uống xong chén thuốc cam lồ này rồi sau đó sẽ bàn việc”.

Mọi người đều đáp: Chúng thần xin tuân chỉ.

Nhà Vua lại các nhạc công trổi nhạc. Mọi người được uống rượu và nghe nhạc nên trong tâm đều hoan hỷ rồi quên hẳn thù hận. Nhờ rượu chấm dứt sự chiến tranh nên cả nước đều hưởng thái bình. Đây chính là nhờ công năng của rượu.

Ta thầm nghĩ ở đời có đủ hạng người tiểu nhân, bần cùng, tôi tớ, mọi rợ hoặc dựa vào ngày Tết, hoặc thường ở quán rượu, tụ tập uống rượu. Vì tâm hoan lạc nên không cần bảo mà họ cũng tự nhãy múa, còn lúc chưa uống rượu thì không thể có vậy. Như thế nên biết: do uống rượu đem đến sự hoan lạc nên không sanh niệm ác, đó là tâm thiện. Nhờ có tâm thiện nên thọ quả báo thiện. Con khỉ được uống rượu còn biết nhãy múa huống là người đời.

Nhà Vua thưa:

Như lời Thế Tôn dạy: “Tạo nhân thiện thì nhận quả báo thiện, tạo nhân ác thì chịu quả báo ác”. Phu nhân Mạt-lợi trước đây đã từng đem sự tốt đẹp đến cho mọi người nên nay có được quả báo tốt đẹp. Như vậy, tại sao Thế Tôn còn bảo giữ gìn năm giới, một tháng trì trai sáu ngày. Trong các ngày trai thì không được trang sức đẹp đẽ, thoa hương, ca múa, trổi nhạc và không cho phép thân cận phu quân, luyến ái sắc đẹp. Rốt cuộc nàng đã làm gì mà phải chịu khổ như thế?

Đức Phật dạy: Lời Đại vương đã hỏi thật đúng như thế.

Lúc phu nhân Mạt-lợi còn trẻ nếu ta không dạy giữ gìn giới pháp, tu trí tuệ thì làm sao có được phước đức như ngày hôm nay để có thể tự độ và độ Vua. Công đức ấy quy về ai đây?

Dưới đây là lược nói về thật thuyết khinh trọng, không phạm gọi là giữ giới chân chánh. Bởi vì đức Phật tùy theo căn cơ của chúng sanh nên có thông, có ngăn. Thông là khai, giá tùy lúc. Lượng là tổn ích. Giống như Vua Ba-tư-nặc muốn giết trù giám, Thái tử muốn hại cha, tất cả đều nhờ rượu mà quên đi thù hận, bảo toàn tánh mạng, khỏi mắc trọng tội. Do dùng khinh để nói trọng nên không chịu tai ương nhưng vẫn có lỗi uống rượu. Tội báo về sau thì không dựa vào phép khai trươc đây nên liền đồng phạm. Do đó mà mỗi người hãy tự xét rõ ý của giáo lý; lại phải xét về bản thân mìnhlàm phước ít ỏi, đau được dự vào hàng Thánh. Tư-nặc, Mạt-lợi khai, giá không đồng, do đo phải nương kinh để không phạm đến mảy may mới là bậc Tối thắng.

Cho nên trong luật Tứ phần, đức Phật có dạy: “Người nào là đệ tử của ta thì không dùng rượu dù chỉ bằng ngọn cỏ huống chi là uống nhiều, cho nên cần phải đề phòng.

Luận Thành Thật dạy:

Hỏi: Uống rượu là có tội thật chăng?

Đáp: Không phải vậy. Vì sao? Uống rượu không làm phiền não cho chúng sanh nhưng lại là nhân gây tội lỗi. Người uống rượu là mở cửa bất thiện, làm chướng ngại tâm định và các pháp lành. Cũng như trồng cây ăn quả tất phải có tường ngăn. Nên biết lỗi của rượu giống như quả không vườn.

Kinh Ưu-bà-tắc có dạy: Nếu người nào ưa uống rượu thì người ấy hiện tại dễ bị mất của cải, thân tâm nhiều bệnh, thường ưa tranh cải, tiếng xấu vang xa, mất hết trí tuệ, không biết hổ thẹn, dung nhan và sức lực tiều tụy, thường bị mọi người trách mắng, không ai thích nhìn, không thể tu pháp lành. Đó là ác báo hiện tại. Sau khi bỏ thân mạng này rồi thì đọa vào Địa ngục, chịu cảnh đói khát và vô lượng khổ não. Đây là quả báo nghiệp ác trong đời sau. Nếu được làm người thì tâm thường cuồng loạn, không giữ được chánh niệm tư duy pháp lành. Vì nhân duyên ác này nên tất cả của cải đều bị tiêu tan.

Trong kinh Trường A-hàm có dạy: Người uống rượu thì phạm sáu lỗi: Mất của, sanh bệnh, đánh nhau, tiếng ác lưu truyền, sân giận, hung bạo và trí tuệ ngày một tổn giảm.

– Luận Trí-độ có dạy: Uống rượu có ba mươi sáu lỗi:

  1. Hiện tại của cải cạn kiệt. Vì sao? Vì uống rượu say sưa, tâm không kiềm chế nên phung phí vô độ.
  2. Là cửa ngõ của bệnh tật.
  3. Là nguyên nhân gây sự.
  4. Lõa lồ không biết hổ thẹn.
  5. Tiếng xấu vang xa, người không cung kính.
  6. Không có trí tuệ.
  7. Đáng được của mà không được, đã có của lại bị mất tiêu.
  8. Việc bí mật đều nói cho người khác nghe.
  9. Sự nghiệp bị phế bỏ, không thành đạt.
  10. Say sưa là nguồn gốc ưu sầu. Vì sao? Vì trong lúc say thì tạo nhiều tội lỗi, khi tỉnh thì xấu hổ, ưu sầu.
  11. Sức lực yếu dần.
  12. Nhan sắc bị hư hoại.
  13. Không biết kính cha.
  14. Không biết kính mẹ.
  15. Không kính Sa môn.
  16. Không kính Bà-la-môn.
  17. Không kính chú bác và các bậc tôn trưởng. Vì sao? Vì say sưa mê loạn nên không biết phân biệt.
  18. Không tôn kính Phật.
  19. Không kính Pháp.
  20. Không kính Tăng.
  21. Làm bạn với kẻ ác.
  22. Xa lánh người hiền.
  23. Là người phá giới.
  24. Không biết hổ thẹn.
  25. Không phòng hộ sáu căn.
  26. Phóng túng buông lung.
  27. Bị người oán ghét, không muốn trông thấy.
  28. Bị quyến thuộc và các hàng trí thức bỏ rơi.
  29. Làm việc bất thiện.
  30. Xả bỏ pháp thiện.
  31. Hàng trí thức không tin dùng. Vì sao? Vì uống rượu thì sanh phóng túng.
  32. Xa lìa Niết bàn.
  33. Gieo nhân duyên cuồng si.
  34. Sau khi chết thì đọa vào đường ác ở trong ngục Nê-lê.
  35. Nếu được làm người thì lúc sanh ra thường bị cuồng si.

– Vì các lỗi như thế, do đó không nên uống rượu.

Trong kinh Sa-di ni giới có dạy: Không được uống rượu, không được ngửi rượu, không được nếm rượu. Rượu có ba mươi sáu lỗi, bỏ đạo, phá nhà, hại thân, mất mạng đều do nơi rượu; kéo Đông, dẫn Tây, nắm Nam, vướng Bắc, không thể tụng kinh, không kính Tam bảo, khinh dễ thầy bạn, bất hiếu cha mẹ, tâm ý mê muội, đời đời ngu si, không gặp đạo lớn, không có ý thức, nên không uống rượu. Muốn lìa năm ấm, năm dục, năm triền cái, chứng đắc năm thần thông, thoát khỏi năm đường thì không nên uống rượu.

Bài kệ trong kinh Tát-giá Ni-kiền-tử:

Uống rượu nhiều buông lung
Hiện tại thường ngu si
Quên mất hết mọi việc
Bị người trí quở trách
Đời sau thường ngu si
Phần nhiều mất công đức.
Cho nên người có trí
Phải lìa xa lỗi rượu.

Như trong luận Thập-trụ Bà-sa có ghi:

Hỏi: Người nào bố thí rượu thì mắc phải tội gì không?

Đáp: Người bố thí rượu thì được phước nhưng người nhận lấy rượu thì không được uống. Do đó trong luận có dạy: Là Bồ-tát thì có lúc phải xả bỏ tất cả: ai cần ăn thì cho ăn, cần uống thì cho uống. Nếu có ai đem rượu đến bố thí thì nên sanh tâm niệm: “Nay là lúc ta hành bố thí Bala-mật thì nên tùy thuận ai cần dùng đến thì đem cho, sau đó mới tìm cách để dạy họ lìa rượu, được trí tuệ, không còn buông lung”. Vì sao? Vì pháp bố thí Ba-la-mật là làm theo sự mong cầu của mọi người.

Bồ-tát tại gia dùng rượu thì không mắc tội.

Trong kinh Phạm-võng có dạy: Nếu tự mình cầm bình rượu đưa cho người uống thì trong năm trăm đời thường không có tay, huống là tự uống; không được dạy người và tất cả chúng sanh uống rượu, huống là tự uống.

Kinh Ngũ giới tướng Ưu-bà-tắc dạy: Đức Phật ở tại ấp Bạt-đà-la Bà-đề, nơi ấy có con Rồng Am-la-bà-đề-đà rất hung dữ thường hay hại người nên không ai dám đến đây; voi, ngựa không thể đến gần, các loài chim cũng không bay qua được. Vào mùa Thu đúng lúc thu hoạch vụ lúa đậu…đều bị nó phá hoại.

Lúc ấy, Trưởng lão A-la-hán Tỳ-kheo Sa-già-đà du hành đến nước Chi-đề, nghỉ tạm qua đêm ở ấp Bạt-đề. Sáng sớm Tỳ-kheo đắp y, ôm bát vào trong thôn khất thực thì nghe nói ấp này có con Rồng hung ác thường hay hại người và các loài chim, thú. Nó cũng phá hoại vụ lúa, ngô…vào mùa Thu. Nghe vậy, Tỳ-kheo đi khất thực xong liền đến nơi Rồng Am-bà-đề-la ở. Các loài chim trải tòa để ngài ngồi. Rồng nghe mùi y thì rất sân giận, từ thân nó xuất ra khói. Trưởng lão Sa-già-đà liền vào Tam muội, dùng sức thần thông làm cho trên thân cũng xuất ra khói. Rồng càng sân giận thêm, nó làm trên thân xuất ra lửa. Trưởng lão lại vào Tam muội Hỏa quang làm cho trên thân cũng xuất ra lửa. Rồng lại mưa xuống rắn độc, hổ mang, rết, sâu bọ. Trưởng lão liền biến nó thành hoa sen xanh, châu báu, hoa chiêm bạc… Rồng hiện hết những thần lực nhưng cũng không hơn Sa-già-đà nên nó liền mất ánh sáng, oai lực. Sa-già-đà biết rồng đã hết sức không còn động đậy được nữa, Trưởng lão liền hóa thân nhỏ xíu chui vào hai lỗ tai, chui ra nơi hai mắt; ra khỏi hai mắt rồi vào mũi ra miệng; ở trên đó đi kinh hành qua lại mà không làm tổn thương rồng.

Bấy giờ, trông thấy việc như thế rồng hết sức kinh sợ đến nỗi sởn cả gai ốc, nó vội chắp tay thưa Sa-già-đà: Con xin nương theo Ngài.

Sa-già-đà nói: Ngươi chớ quy y ta, nên quy y Thế Tôn- bậc thầy của ta.

Rồng đáp: Từ nay con xin quy y Tam bảo. Con nguyện suốt đời làm Ưu-bà-tắc của Phật.

Rồng thọ Tam-quy làm đệ tử Phật rồi nên không làm cac viêc ác như trước nữa. Mọi người và các loài chim thú đều qua lại nơi ấy. Lúa, ngô… của mùa Thu không còn bị hư hoại, tiếng lành vang xa. Các quốc gia khác đều biết Sa-già-đà có năng lực hàng phục Rồng ác quay lại làm thiện. Nhờ danh tiếng lẫy lừng nên ai cũng tranh nhau làm thức ăn đến thỉnh Sa-già-đà. Trong nhóm người ấy có một cô gái nghèo tín kính đã thỉnh được ngài. Cô ta làm cháo sữa và thầm nghĩ: “Sa môn ăn cháo sữa này nên bị phát lạnh”, cô ta liền lấy rượu sắc đem cho Sa-già-đà. Sa môn không thấy liền uống. Uống xong Trưởng lão thuyết pháp rồi đi ngang qua giữa sân chùa. Lúc ấy, rượu đã thấm sâu phát say, đến gần cửa chùa thì Tỳ-kheo không còn một chút tình táo nào, nên đã ngã lăn xuống đất, y Tăng-già-lê, đảy lọc nước, bình bát, gậy…ở một nơi, người ở một ngã, say sưa chẳng biết gì.

Đức Phật cùng A-nan đang đi đến nơi này thì thấy Tỳ-kheo. Thế Tôn biết mà vẫn hỏi: A-nan, đây là ai vậy?

A-nan thưa: Bạch Thế Tôn! Đây là Trưởng lão Sa-già-đà.

Đức Phật liền bảo A-nan: ông nên lấy nước trải tòa, tập tăng ở đây cho Ta.

A-nan vâng lời, lấy nước trải tòa tập tăng rồi bạch Phật: chuúng tăng đã vân tập. Xin Thế Tôn biết cho.

Đức Phật liền rửa chân rồi hỏi các Tỳ-kheo: các ông đã thấy, nghe có con Rồng Am-ba-la-đề-đà hung bạo ác hại nên trước đây không ai dám đến nơi này. ngay cả loài chim thú cũng không thể bay ngang qua. Lúc lúa, ngô chín vào vụ Thu đều bị nó phá hại. Sa-già-đà có khả năng bảo nó làm thiện. Do đó chim thú được đến trên, dưới suối.

Trong số ấy thì có người được nghe nói, có người thấy, có người nghe, thấy.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: ý các ông nghĩ sao? Bấy giờ, thiện nam Sa-già-đà có chế phục được con ễnh ương không?

Đáp: Không thể.

Đức Phật dạy: Bậc thánh uống rượu còn phạm lỗi như thế, huống

là phàm phu. Như vậy, tất cả tội lỗi đều do nơi rượu gây ra. Từ này về sau nếu nói ta là đê tử Phật thì không được uống rượu, dù chỉ là một giọt bằng đầu ngọn cỏ cũng không được uống. Đức Phật liền dùng nhiều lời quở trách tôi lỗi uống rượu rồi. Nhân đó Ngài y theo luật chế giới không uống rượu.

Hỏi: Trên Trời có rượu không?

Đáp: Không chỉ có gạo chế ra rượu mà nghiệp cũng hóa thành rượu.

Do đó kinh Niệm Chánh Pháp dạy: Trời Dạ-ma nam cùng chúng Tiên nữ vào ao đùa giỡn và uống rượu Trời, lìa nơi say sưa, hiện lạc công đức: sắc, hương, vị, xúc đều đầy đủ. Chư thiên cso vị thì dùng bát báu mà uống rượu, thọ dụng thức ăn tô-đà, sắc, hương, vị, xúc đều đầy đủ. Họ thầm nghĩ: “Nước này thành rượu cho ta được uống”. Lúc nghĩ như thế, nước liền biến thành rượu Trời, lìa các sự say sưa. Trời đã uống rượu nên càng thêm an lạc. Vì nghiệp thiện này nên Trời sanh tâm hoan hỷ. Sau đó chư Thiênvì nghiệp lực mình nênthọ lạc như vậy. Bỗng có con chim Thường lạc thấy chr Thiên ở trong ao Hoan hỷ uống rượu nên nó nói kệ:

Chìm đắm vào phóng dật
Tham trước các cảnh giới
Rượu kia làm tâm mê
Việc gì lại uống rượu?
Vì cảnh giới lửa thiền
Không biết làm, không làm
Sanh tâm tham vườn rừng
Việc gì lại uống rượu?

Chim Thường lạc kia thấy chư Thiên vui say uống rượu Trời ở ao nên nói kệ để chế phục họ.

Kinh Niệm Chánh Pháp, Vua Diêm-la nói kệ trách người tội:

Rượu làm loạn tâm người
Đến nỗi như trâu, dê
Không biết làm hay không
Do đó nên bỏ rượu.
Rượu là chỗ tội lỗi
Thường không có lợi ích
Các thềm bậc đường ác
Tối tăm ở nơi này
Uống rượu đến Địa ngục
Cũng đến nơi Ngạ quỷ
Làm nghiệp loài Súc sanh
Là lỗi rượu gây cuồng
Rượu là độc trong độc
Địa ngục trong Địa ngục
Bệnh nặng trong các bệnh
Là lời bậc trí nói
Nếu người thích uống rượu
Là nhân không hoan hỷ
Không hoan hỷ nên sân
Không vui nên làm ác
Sanh nghi nơi đức Phật
Hoại thế gian, xuất thế
Như lửa thiêu giải thoát
Rượu là pháp duy nhất
Nếu người bỏ được rượu
Đi đúng đường chánh pháp
Là đến chỗ đệ nhất
Nơi không còn sanh, tử.

Hỏi: Không bệnh uống rượu thì mắc tội, nếu bị bệnh thì có khai cho uống rượu không?

Đáp: Căn cứ vào luật Tứ phần dạy: “Nếu có bệnh mà các loại thuốc khác không trị lành, cần dùng rượu làm thuốc thì không phạm”.

Hỏi: Khai cho được uống bao nhiêu rượu?

Đáp: Căn cứ vào kinh Văn Thù Sư-lợi thưa hỏi có dạy: Nếu hòa hợp các thứ để làm thuốc như thầy thuốc đã nói có nhiều loại thuốc hòa lại với nhau, ít rượu nhiều thuốc thì được dùng.

Kinh Xá-lợi-phất thưa hỏi có nói: Xá-lợi-phất bạch Phật:

Vì sao Thế Tôn dạy bậc chứng đạo thì không cho uống rượu. Giống như trái Đình lịch gọi là phá giới, mở cửa phóng dật. Tại sao trong tinh xá vườn trúc Ca-lan-đà có một Tỳ-kheo mắc bệnh nhiều năm đang bị nguy kịch, lúc ấy, Ưu-bà-ly hỏi: “Ông cần thuốc gì, ta sẽ đi khắp mười phương cho đến lên Trời để tìm kiếm cho ông. Nếu chữa lành bênh thì ta sẽ tìm lấy”.

Tỳ-kheo đáp: “Thuốc tôi cần đến trái với giới luật nên tôi không tìm kiếm mà đến nỗi này. Thà bỏ mạng sống này chứ không để phạm luật”.

Ưu-bà-ly: “Thuốc ấy là thứ gì?

Đáp: “Thầy thuốc nói cần năm thăng rượu”.

Ưu-bà-ly nói: “Nếu là bệnh thì Như Lai đã khai cho”.

Nhờ tìm được rượu mà Tỳ-kheo uống liền lành bệnh. Khi lành bệnh rồi, Tỳ-kheo cảm thấy hổ thẹn giống như phạm luật. Tỳ-kheo vội đến chỗ Phật tha thiết sám hối. Đức Phật thuyết pháp cho ông nghe. Nghe xong, Tỳ-kheo hoan hỷ nên liền đắc quả A-la-hán.

Đức Phật dạy: Rượu có nhiều lỗi, là nơi mở cửa phóng dật. Như người uống trái Đình lịch, phạm tội đã quở trách. Nếu trừ bệnh khổ thì không cấm như trước.

Thuật: không được thấy văn trước khai cho rồi tự do uống rượu. Đích thật là bệnh nặng đến lúc sắp chết mà đã dùng các loại thuốc khác không lành phải cần có rượu hòa vào mới lành thì y theo phương tiện khai trước mà được dùng. Tuy nhiên đối với người thân lực cường tráng, không nương oai nghi có chút bệnh liền tăng lòng tham, không hộ trì đạo nghiêp vọng dẫn lời kinh luật nói, Phật khai cho các loại thuốc là áo đắp mặc, thí Phật và tăng, nhân công lợi tư, dối trá đạo tục. Vì vậy người trí phải giữ giới như giữ mạng sống, không nên phạm phải. Cho nên, bài kệ trong kinh Tát-giá Ni-kiền-tử nói:

Rượu là gốc phóng dật
Không uống tránh đường ác
Thà bỏ trăm ngàn thân
Không hủy phạm giáo pháp
Thà để thân khô cằn
Quyết chí không uống rượu
Nếu như hủy phạm giới
Sống đến năm trăm năm
Không bằng người giữ giới
Tức thời mất thân mạng
Quyết chắc chữa lành bệnh
Ta còn không uống rượu
Huống là không biết được
Lành bệnh hay không lành
Tâm quyết định như thế
Nên hoan hỷ vô cùng
Tâm đã hoan hỷ rồi
Là được thấy chân đế
Bệnh hoạn liền tiêu tan.
 
Nên biết, chúng sanh có bao nhiêu bênh thì tất cả bệnh ấy đều do tham, sân, ngã mạn gây nên. Từ nhân có quả nên chịu khổ báo này chứ chẳng phải vì không được uống rượu nên không lành bệnh. Do đó kinh Niết bàn dạy:

Bốn mũi tên độc chính là nguyên nhân gây bệnh cho chúng sanh. Đó là: Tham dục, sân giận, ngu si, kiêu mạn. Nếu có nguyên nhân gây bệnh thì có bệnh sanh: lửa ái hấp thụ bệnh, khí huyết trái nghịch, thân thể tê liệt, tâm mê loạn, kiết lỵ, nôn mữa, mắc nghẹn, mắc tiểu hoài, tai mắt đau buốt, bụng trướng, lưng gù, điên cuồng mất trí, bị quỷ mỵ nhập vào. Đó là các bênh ở thân tâm. Nếu biết nguyên nhân gây bệnh, đoạn ác tu thiện thì khổ báo trong ba đời đều được dứt trừ. Nếu không biết quán xét mà lại dung túng người dùng thuốc rượu thì bệnh càng nặng thêm khó mà chữa lành được.

Trong kinh Tỳ Ni Mẫu, Tôn giả Ni-sa-tắc nói: Trước đây khi chưa xuất gia, hằng ngày Tỳ-kheo Sa-đề thường dùng ít rượu để nuôi dưỡng thân mạng, do đó sau khi xuất gia rồi không được uống rượu nên bốn đại không điều hòa. Các Tỳ-kheo thấy vậy bạch Phật. Đức Phật dạy:

Người bị bệnh thì cho phép ngửi cái vò rượu, nhưng đến khi lành thì không cho ngửi nữa; nếu không lành thì cho phép dùng rượu để tắm; nếu không lành thì cho phép dùng rượu hòa với bột làm bánh ăn; nếu không lành thì cho phép ngâm mình trong rượu.

Như Khế kinh trong luận Tỳ-bà-sa dạy: Tôn giả Xá-lợi-phất ở trong khu rừng tại nước Kiều-tát-la. Trong ấy cũng có Ngoại đạo xuất gia đang sinh sống gần Tôn giả. Cách rừng không xa, trong các thôn ấp ấy nhằm lúc thiết hội Nguyệt tiết. Lúc ấy, Ngoại đạo đi khắp các thôn ấp, ăn thịt heo no nê, tự do uống rượu, rồi trộm lấy đồ dư đem ve đến rừng thấy Xá-lợi-phất đang ngồi dưới một gốc cây. Vì rượu làm mê loạn nên Ngoại đạo sanh tâm khinh miệt nói:

Ta với người tuy cùng xuất gia nhưng chỉ mình ta giàu có hưởng lạc, còn người thì bần khổ. Thế rồi, Ngoại đạo nói kệ:

Ta đã no rượu thịt
Trộm của dư đem về
Mặt đất, cỏ cây, núi,
Đều xem như đống vàng.

Lúc ấy, Xá-lợi-phất nghe xong thì suy nghĩ: “Ngoại đạo chết tiệt này không biết hổ thẹn nên mới có thể không nương tựu theo pháp Giàđà này. Nay ta cũng nói kệ đáp lại nó”. Nghĩ rồi, Tôn giả liền nói kệ:

Ta thường no Vô tướng
Thường ở cửa Định, Không
Mặt đất, cỏ cây, núi,
Đều thấy như nước dãi.

Qua bài tụng này, Tôn giả Xá-lợi-phất đã rống tiếng rống Sư tử, nói đến ba cửa Giải thoát. Câu đầu nói về cửa Vô tướng Giải thoát. Câu hai nói về cửa Không Giải thoát. Hai câu sau nói về cửa Vô nguyện giải thoát.

Thứ 3: Duyên ăn thịt

Thuật rằng: Giáo pháp này cũng có quyền, có thật. Người nói về quyền giáo thì căn cứ trong luật Tỳ-ni có dạy: Thế Tôn lúc mới thành đạo vì muốn độ những kẻ phàm phu thô ác, chưa lãnh thọ được giáo pháp vi tế. Vả lại pháp tiệm giáo nói về ba thứ tịnh nhục: lìa sự thấy, nghe, nghi; không vì mình mà giết; chôn cất tự chết thì khai cho được ăn. Trước nói thô sau nói tế rồi lần lượt giúp người lìa khỏi tội lỗi cho nên ý nghĩa của nó tùy lúc khó hiểu được thuyết này.

Nếu căn cứ vào thật giáo thì từ lúc mới đắc đạo cho đến hôm nhập Niết bàn, bậc Đại thánh ân cần nhắc nhở, trước sau đều không khai.

Kinh Niết Bàn dạy: Tất cả chúng sanh nghe mùi thịt ấy đều kinh hãi lo sợ muốn chết, các loài sống ở nước, mặt đất, trên không cũng đều bỏ họ mà chạy. Chúng đều nói: kẻ ấy là oán thù của chúng ta. Cho nên Bồ-tát không ăn thịt nhưng vì độ chúng sanh mà thị hiện ăn thịt. Tuy thị hiện ăn thịt mà thật ra thì không ăn. Có các chúng sanh kiến chấp, không biết Như Lai phương tiện nói pháp liền thiên chấp về giáo pháp Tỳ-ni, nói Phật cho ăn ba loại thịt thanh tịnh. Đó cũng là phỉ báng lời dạy của Như Lai. Người ngu si ấy đã tạo nên tội chướng lớn, mãi mãi sẽ rơi vào chỗ không có lợi ích, cũng không thấy được đệ tử Hiền thánh ở hiên tại, vị lai, huống nữa là được gặp chư Phật, Như Lai.

Đại Tuệ! Các hàng Thanh-văn thường ăn gạo, bột, dầu, mật…mới có mạng thanh tịnh. Hạng người cất giữ phi pháp, thọ nhận phi pháp thì Ta nói đó là vật bất tịnh, Ta còn không cho ăn huống chi máu thịt bất tịnh mà lại cho phép ăn chăng?

Ăn thịt bất chánh làm hoại pháp lành, chướng đạo quả. Ngay cả những kẻ sống bằng nghề tà vạy, quanh co để mưu cầu cuộc sống riêng tư cũng là chướng đạo.

Kinh Văn Thù Sư Lợi thưa hỏi:

Nếu là đã giết thì không được ăn. Nếu thịt trong rừng đã nát vữa, muốn ăn thì được ăn. Nếu muốn ăn thịt thì nên đọc bài chú này:

Đa điệt tha, a nại ma, a nại ma, a thị bà đa, a thị bà đa, na xá, na xá, đà ha, đà ha, bà phất, bà phất, tăng kha lật đa nhĩ, sa ha.

Đọc bài chú này ba lần rồi mới được ăn thịt. Uống cũng không ăn.

Vì sao? Nếu nghĩ là uống thì không nên ăn huống chi là sẽ ăn thịt.

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi:

Do chúng sanh không có sức từ bi, thường ôm lòng giết hại, vì nguyên nhân này nên phải đoạn trừ việc ăn thịt. Nếu không ôm lòng giết hại, có tam từ bi rộng lớn nhưng vì giáo hóa tất cả chúng sanh nên nếu ăn thịt thì không có tội.

Thuật rằng: Đây cũng là giáo pháp tiệm chế trước kia nên trừ vì mình mà giết thì không được ăn. Nếu thịt tự chết bị nát vữa tưởng như cây cỏ mới khai cho ăn. Người muốn ăn thịt thì phải tụng chú và sanh tâm hổ thẹn rồi mới khai cho ăn. Nếu sau đó chế không cho ăn các loại thịt, không hỏi là thịt dư của chim, thịt tự chết đều không được ăn.

Như kinh Vị-tằng-hữu khai cho uống rượu. Kinh Văn Thù khai cho ăn thịt….Xét về các kinh này thì tất cả đều là lúc mới thành đạo, Như Lai quán biết căn cơ của chúng sanh không thể đốn đoạn, đốn chế cho nên Ngài tiệm khai, tiệm chế. Sau khi biết căn tánh của chúng sanh đã thuần thục nên Ngài vĩnh đoạn và chế ngự cho dù có nhỏ như lông tơ cũng không cho phép nếu không nói rõ nguyên nhân.

Bấy giờ, có người ngu chỉ đọc kinh này liền phóng túng phạm lỗi, vì không hiểu khai, giá, thông, bế có sự sai khác. Cho nên trong văn đốn, tiệm tổng lục nếu biết rõ gốc ngọn của nó thì gần như đoạn dứt hoàn toàn, khai mở phạm hạnh.

Hỏi: Rượu hòa làm thuốc rất hay. Thịt bổ sung thêm cho mâm cỗ thêm ngon. Xưa nay hai thứ này hòa đồng vị, bây giờ thấy gì dở mà không ăn?

Nếu Phật giáo cấm nơi tang lễ tức giống như Vua nghiêm khắc ra lệnh ban cho người đời ăn đâu có khai cho Tăng phải kiềm chế mà không ăn?

Đáp: Tham tài, ưa sắc là sự thô bỉ của đàn ông. Ăn ngon, ngửi thơm là sự xấu ác của kẻ sĩ. Dứt tình theo đạo thì được bậc Hiền tán thán. Nén dục, ngưỡng mộ đức, các nhà triết học xưa trăn trở, huống chi thịt lại là nguyên nhân của sự giết hại mạng sống. Rượu có thể làm loạn thần thức. Do đó không ăn là phải lẽ, cớ sao lại cho là trái. Nếu gặp sự phóng túng thì nghiêm cấm ngăn ngừa. Tuy trái lệnh Vua nhưng thuận tâm Phật.

Hỏi: Vì rượu hại mạng nên cấm ngăn là việc đương nhiên. Còn rượu không làm tổn hại chúng sanh tại sao lại đốn chế. Nếu không tổn

hại thì định tội nói dối cũng không có lỗi, uống nước ăn cơm cũng đều phạm tội, nhưng thực ra thì không như vậy, sao phải cấm đoán việc uống rượu?

Đáp: Kiết giới tùy việc, phạm tội thì căn cứ vào tâm, do làm hại thân mạng nên ăn thì mắc tội. Tánh của rượu thì không hại nhưng do mê muội nên gây ra các tội lỗi khác. Tội lỗi sanh là do rượu, bỏ rượu thì hết lỗi lầm. Cho nên việc ngăn, chế không đồng, chẳng gọi thể của rượu là tội lỗi.

Hỏi: Tội thì có tánh tội, giá tội mà thể rượu sanh tội, nay có người uống rượu không say, lại không mê loạn, cũng không sanh tội. Người này uống rượu mà không đắc tội. Như thế thì có thể uống, không gây tội lỗi, sao lại bỏ rượu mới thành giữ giới thiện? Có thể cho rằng người uống rượu không say thường gọi là trì giới, uống ít mà say thì đó là mắc tội lớn?

Đáp: Chế giới để ngăn lỗi lầm, là căn bản để sanh pháp lành. Giới là ngăn việc ác làm cho thân miệng không trái nghịch. Trong duyên ngăn, dứt, giá, tánh đều đoạn mới gọi là giới thiện. Nay người uống rượu đã không mê loạn, chưa phá giới khác. Đúng theo lý thì không mắc tội nhưng chính nhân uống rượu mà sanh tội, ngoìa thì trái với giáo lý, trong thì là duyên sanh tội nên vẫn gọi là có tội, do không đồng với không uống cũng giống như không trì giới.

Thứ nhất: Chứng minh thật có bị tổn hại.

Theo kinh dạy người uống rượu có mười tội lỗi.

1. Chứng minh tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay đều là thân thuộc của mình, do đó không nên ăn thịt lẫn nhau.

– Trong kinh Lăng Già dạy: Ta quán thấy chúng sanh luân hồi trong năm đường, cùng sống chết, cùng nuôi dưỡng nhau, thay đổi làm cha mẹ, anh chị em, hoặc trai, hoặc gái, trong đó đều là lục thân quyến thuộc; hoặc sanh vào các cõi ác, cõi thiên đều là thân thuộc. Do đó, Ta quán thấy các chúng sanh ấy lại ăn thịt lẫn nhau thì đều không phải là người thân. Do tham thịt nên lần lượt ăn nuốt lẫn nhau, thường sanh tâm giết hại, lại tăng thêm nghiệp khổ, luân chuyển trong sanh tử không thoát ra khỏi.

– Lúc Phật nói như thế, các La-sát ác nghe lời Phật dạy đều bỏ tâm ác, bỏ ăn thịt rồi chúng khuyên nhủ lẫn nhau cùng phát tâm Bồ-đề, bảo hộ mạng chúng sanh là cũng tự hộ thân mình, xa lìa và không ăn tất cả các loại thịt. Lúc ấy, bọn chúng cảm động, thương xót, rơi lệ, bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Con nghe lời Phật dạy rồi quán sát trong sáu đường thì con đã ăn thịt đều là thân thuộc của mình, mời biết ăn thịt chúng sanh là kẻ oán thù lớn, đoạn mất hạt giống đại từ, tăng thêm nghiệp bất thiện, là gốc khổ não lớn. từ nay con nguyện dứt bỏ, không ăn thịt và cũng không cho ai ăn thân quyến của con. Nếu đệ tử Như Lai có ai không ăn thịt thì ngày đêm con sẽ gần gũi ủng hộ. Nếu người nào ăn thịt thì con sẽ làm cho họ không được lợi ích.

– Đại Tuệ! Ác quỷ La-sát thường hay ăn thịt mà nghe lời Ta dạy còn phát tâm từ bỏ thịt không ăn, huống chi đệ tử của Ta hành theo thiện pháp mà lại cho ăn thịt? Nếu người nào ăn thịt thì nên biết đó là kẻ oán thù lớn nhất của chúng sanh. đoạn dứt hạt giống Thánh của Ta.

– Đại Tuệ! Nếu đệ tử của Ta, nghe lời dạy của Ta mà không quán sát lại ăn thịt thì nên biết đó là bọn Chiên-đà-la, chẳng phải là đệ tử của Ta, Ta không phải là thầy của họ.

2. Chứng minh vì chúng sanh ăn thịt thì sợ hãi. Do đó không nên ăn thịt.

– Như kinh kia dạy: Chúng sanh nghe mùi của người ăn thịt thì kinh hãi tháo chạy. Vì thế Bồ-tát tu hạnh như thật, vì hóa độ chúng sanh nên không ăn thịt.

– Thí như bọn Chiên-đà-la, thợ săn, đồ tể, bắt các loài chim, cá nơi họ đi qua. Do đó mà từ xa trông thấy họ, chúng sanh liền nghĩ: “Nay ta phải chết vì kẻ đi đến đây là kẻ đại ác, không biết tội phước, đoạn mạng chúng sanh để cầu lợi hiện tại. Nay nó đến nơi này là muốn tìm bắt chúng ta. Thân chúng ta đều có thịt nên nay nó đến đây thì nhất định chúng ta sẽ chết”.

– Đại Tuệ! Do người ăn thịt nên chúng sanh trông thấy thì kinh hãi như thế. Đại Tuệ! Chúng sanh ở trên không hay ở trên mặt đất trông thấy người ăn thịt đều kinh hãi và sanh tâm nghi hoặc: “Nay ta sẽ chết hay được sống. Người ác này không tu tâm từ cũng giống như lang sói thường đi khắp nơi tìm thịt để ăn, như loài trâu ăn cỏ, loài bọ hung ăn phẩn không biết no đủ. Thịt của thân ta chính là thức ăn của nó. Vậy ta không nên gặp nhau”. Nghĩ rồi, nó liền cao chạy xa bay như người sợ hãi La-sát vậy.

3. Chứng minh người ăn thịt làm hoại tín tâm của người khác. Vì vậy không nên ăn thịt.

– Như kinh kia dạy: Người nào ăn thịt thì làm mất tín tâm của chúng sanh, làm cho họ nghĩ thế gian không đáng tin cậy, đoạn dứt quả báo tin tưởng. Thế nên, Đại Tuệ! Bồ-tát vì muốn hộ tín tâm của chúng sanh thì đối với tất cả các thịt đều không nên ăn. Vì sao? Ở thế gian ai mà trông thấy người ăn thịt thì họ đều hủy báng Tam bảo rồi nói thế này: “Ở trong phật pháp nơi nào mà có Sa môn, Bà-la-môn chân thật tu phạm hạnh, xa bỏ thức ăn đáng ăn của bậc Thánh, ăn thịt chúng sanh giống như La-sát, đoạn bánh xe chánh pháp của Ta, diệt mất hạt giống Thánh, tất cả đều do lỗi ăn thịt. Thế nên, Đại Tuệ! Đệ tử của Ta vì muốn bảo hộ người ác hủy báng Tam bảo thì không nên sanh tâm tưởng đến thịt huống nữa là ăn.

4. Chứng minh người hành tâm từ thì ít muốn.

Như kinh kia dạy: Bồ-tát vì mong cầu thoát khỏi sanh tử thì phải luôn chuyên tâm niệm từ bi, hành ít muốn, biết đủ, nhàm chán sự khổ đau ở thế gian, mau cầu giải thoát. Hoặc bỏ nơi đô thị ồn náo đến nơi thanh vắng, ở rừng Thi-đà, chỗ A-lan-nhã, giữa gò mã, dưới gốc cây, một mình tư duy, quán sát tất cả thế gian chẳng có gì vui thích: vợ con quyến thuộc tưởng như xiềng xích; cung điện, lâu dài tưởng như lao ngục; ngọc ngà châu báu tưởng như đống phẩn; các thức ăn uống tưởng như máu mủ, nhận các thức ăn tưởng như bùn, ung nhọt, chỉ muốn duy trì mạng sống, buộc niệm nơi Thánh đạo, không tham mùi vị rượu, thịt, mùi hôi hành, hẹ, tỏi, kiệu đều xả bỏ không ăn. Nếu ai được như vậy là người tu hành chân chánh, đáng được thọ nhận sự cúng dường của tất cả Trời, người. Đối với thế gian nếu không sanh tâm nhàm chán, xa lìa mà lại tham trước các vị rượu, thịt; các vị cay, thơm đều ăn hết thì không xứng đáng để thọ nhận của tín thí ở đời.

5. Người ăn thịt đều do quá khứ đã từng làm quỷ La-sát, vì tập khí xưa nay tham mùi vị thịt. Do đó không nên ăn thịt.

– Như kinh kia dạy: Có các chúng sanh ở đời quá khứ đã tu vô lượng nhân duyên, có chút căn lành được nghe giáo pháp của Ta nên sanh tín tâm, xuất gia trong giáo pháp của ta. Các chúng sanh ấy quá khứ cũng đã từng làm quyến thuộc của La-sát, sanh trong loài hổ, sói, sư tử, chồn cho nên dù có ở trong giáo pháp của Ta mà tập khí ăn thịt vẫn còn sót lại, do đó khi họ trông thấy người ăn thịt thì hoan hỷ, thân gần, rồi vào các thành, ấp, xóm làng, chùa, tháp, uống rượu, ăn thịt để được hoan lạc. Chư Thiên và người trông thấy họ giống như La-sát tranh ăn thây chết. Thế mà họ đâu biết mình đã lìa chúng tăng, làm quyến thuộc La-sát, dù mặc áo cà-sa, cạo bỏ râu tóc nhưng chúng sanh trông thấy họ thì đều kinh hãi như gặp phải La-sát. Ở đây nói rõ người ăn thịt đều do quá khứ đã từng làm La-sát, sư tử, hổ, sói, chồn. Cho nên cần phải dứt bỏ viêc ăn thịt.

6. Chứng minh người ăn thịt học chú thuật thế gian còn không thành tựu huống nữa là học pháp xuất gia thì do đâu mà chứng được. Cho nên hành giả không nên ăn thịt.

– Như kinh kia dạy: Các thầy bùa chú Tà kiến ở thế gian mà ăn thịt thì làm chú thuật không thành. Vì muốn thành tựu chú thuật mà họ còn không ăn thịt, huống là đệ tử của Ta vì muốn xuất gia mong cầu giải thoát, đạt đến Thánh đạo, tu đại từ bi, tinh tấn khổ hạnh còn sợ không đắc đạo thì làm sao có sự giải thoát. Vì người ngu kia ăn thịt nên chịu quả báo như thế. Cho nên, Đại Tuệ! Đệ tử của Ta vì sự mong cầu giải thoát xuất thế thì không nên ăn thịt.

7. Chứng minh tất cả chúng sanh đều yêu quý thân mạng như mình. Cho nên hành giả không nên ăn thịt.

– Như kinh kia dạy: Ăn thịt thì tham đắm sắc lực, mùi vị mà phần đông con người đều tham trước. Cho nên quán sát trong thế gian tất cả các loài có mạng sống đều tự bảo trọng thân mình, sợ hãi khổ chết. sự quý mến thân mình ở loài người, loài vật đều không khác. Thà được sống còn dù cho ghẻ lở đầy thân cũng không chịu bỏ mạng để hưởng vui ở chư Thiên. Vì sao? Vì lo sợ nỗi khổ khi chết, do quán sát sự chết là đau đớn nhất, là pháp đáng sợ. Mình thì sợ chết, tại sao lại giết hại kẻ khác để ăn thịt. Cho nên, Đại Tụê! Người muốn ăn thịt thì trước hết phải nghĩ về thân mình, sau đó quán sát chúng sanh mà không nên ăn thịt.

8. Chứng minh người nào ăn thịt thì tất cả chư Thiên, Hiền thánh đều xa lìa, ác thần sợ hãi. Vì thế hành giả không nên ăn thịt.

– Như kinh kia dạy: Người ăn thịt thì chư Thiên đều xa lìa huống nữa là Thánh nhân. Do đó Bồ-tát thấy bậc Thánh đang tu hành từ bi thì không nên ăn thịt.

-Đại Tuệ! Người ăn thịt thì lúc ngủ hoặc thức đều khổ; nếu ở trong mộng thì chỉ thấy việc ác, kinh sợ đến nỗi sởn gai ốc, tâm không an. Vì họ không có tâm từ nên thiếu các thiện lực; nếu ở một mình nơi vắng vẻ thì đa số đều bị loài phi nhân rình tìm quấy nhiễu. Hổ, sói, sư tử cũng đến rình bắt họ để ăn thịt. Vì vậy họ thường sợ hãi, bất an.

9. Chứng minh những người ăn thịt, nếu là thịt thanh tịnh còn không nên ăn huống chi là thịt bất tịnh. Cho nên hành giả không nên ăn thịt.

–  Như kinh kia dạy: Ta nói những kẻ phàm phu vì mong cầu mạng sống thanh tịnh nên ăn thức ăn thanh tịnh còn tưởng như ăn thịt con mình, huống là cho phép ăn những thức ăn không phải thức ăn của bậc Thánh. Thánh nhân mà dùng thịt thì sanh vô lượng tội lỗi, mất hết công đức ở đời. Tại sao nói Ta cho phép các đệ tử ăn các mùi vị máu thịt bất tịnh. Người nào nói Ta cho phép thì đó là kẻ đã hủy báng Ta. Thế nên trong luật dạy: “ Ăn máu thịt của sanh vật, phạm tội Thâu-lan-giá.

10. Chứng minh người ăn thịt sau khi chết sẽ sanh vào trong loài La-sát. Cho nên hành giả không nên ăn thịt.

– Như kinh kia dạy: Người nào ăn thịt chúng sanh là do quá khứ đã huân tập việc ăn thịt. Đa số họ đều sanh vào loài La-sát, sư tử, hổ, sói, chồn, chim Thứu, chim Cắt, chim Ưng, chim Diêu, cú vọ. Tất cả loài có sanh mạng đều tự bảo vệ mình, nếu ai tùy tiện không vâng lời thì chịu đói khác, thường sanh tâm ác, nghĩ đến việc ăn thịt kẻ khác nên sau khi qua đời lại thọ sanh vào đường ác, khó được thân người, huống nữa là đắc đạo Niết bàn. Nên biết người ăn thịt có vô lượng tội lỗi như vậy. Do đó hành giả không ăn là đã tích tụ vô lượng công đức.

Trong kinh Ương Quật Ma, Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Do Như Lai Tạng nên Phật không ăn thịt chăng?

Phật dạy: Đúng như vậy. Tất cả chúng sanh từ vô thỉ luân chuyển trong sanh tử đều là cha mẹ, anh chị em, sự biến đổi của vô thường cũng giống như nhà ảo thuật. Thịt mình, thịt người ta cũng đều là một loại thịt. Cho nên chư Phật không ăn thịt.

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Tất cả cõi chúng sanh, cõi Phật tức là một cõi; thịt đã ăn tức là một thịt. Cho nên chư Phật quyết không ăn thịt.

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: nếu bò bị chết, người chủ lấy da bò làm giày, dép cúng dường cho người trì giới thì người ấy có nên nhận không? Người không thọ nhân là hành đúng pháp Tỳ-kheo, người thọ nhận là làm trái pháp Tỳ-kheo nhưng không phá giới, từ đó dần dần lìa nhân duyên giết hại

Lại nữa kinh này nói trong thân chúng sanh có tám mươi vạn vi trùng. Nếu đoạn mạng một chúng sanh là đoạn mạng tám mươi vạn vi trùng; hoặc nướng, hoặc nấu, hoặc ngâm nước, phơi nắng, đều có trùng nhỏ như: Giòi, ngài, ruồi thường gần bên. Cho nên lại giết hại thêm vô lượng mạng sống. Cho dù chính tay mình giết nhưng kẻ đồ tể không dám tự ăn đều vì người ăn thịt mà giết hại. Nên biết người ăn thịt là đồng tội với kẻ giết hại. Hoặc có Tăng ni xuất gia ở chùa mà cùng với các cư sĩ an nhiên tụ hội uống rượu, ăn thịt, làm xông mùi tạp uế cay nồng, ô nhiễm chốn chùa chiền, không biết tủi thẹn với Tôn nhan, hổn tạp như thế thì còn hơn Ngoại đạo.

Kinh Địa Ngục Ni-la-phù-đà dạy: thân như từng khúc thịt không có sự hiểu biết. Đây là ai? Đó là những Tăng ni xuất gia uống rượu, sao không thâm tín kinh điển sanh tâm hổ thẹn, tự bỏ chánh pháp thì đồng với Ngoại đạo. Nếu ăn thịt cha của chúng sanh, thì như ăn thịt cha mình. Nếu ăn thịt mẹ chúng sanh thì như ăn thịt mẹ mình. Như vậy thì anh chị em, lục thân quyến thuộc đều có sự tương quan lẫn nhau, cùng oán thù nhau, không có giải thoát được.

Giới kinh Sa-di-ni dạy: không được giết hại. Phải thương xót chúng sanh như cha mẹ nhớ con, thương loài nhỏ nhiẹm như con đỏ.

Thế nào là không giết hại? Đó là giữ gìn thân, miệng, ý. Thân không khinh thường người, loài vật có hơi thở. Tay cũng không làm, không dạy người làm; thấy giết không ăn, nghe giết không ăn, nghi giết không ăn, vì mình mà giét lại không ăn. miệng không nói nên giết, phải giết, báo oán, cũng không được nói chết vui, giết vui, thịt con này mập, thịt con kia ốm, thịt con này ngon, thịt con kia dở. Ý cũng không nhớ nghĩ, phải thương xót chúng sanh như cốt nhục của mình: như cha, như mẹ, như con. Các loài như thế không có sai khác, đều cùng một tâm niệm mong cầu Đại thừa.

Trong kinh Hiền Ngu, đức Phật bảo Vua Ba-tư-nặc: Quá khứ xa xưa trong vô số kiếp, ở cõi Diêm-phù-đề này có một nước tên là Ba-lanại. Vua tên là Ba-la-ma-đạt dẫn bốn binh chủng vòa núi săn bắn, vui chơi. Vua đến bên chằm đuổi theo cầm thú, một mình, một ngựa vào thẳng rừng sâu. Bấy giờ, Vua qua mệt mỏi liền xuống ngựa, nghỉ ngơi chốc lát.

Lúc đó, ở trong rừng ấy có một con sư tử cái dục tâm hừng hẫy đang chạy tìm đồng bọn. Vì không tìm được nên nó tạm ở dưới gốc cây. Bấy giờ trông thấy nhà Vua ngồi một mình ở giữa rừng nên lòng dục nó càng mạnh thêm, nên trong lòng muốn Vua thuận theo ý nó. Thế rồi, nó đến bên cạnh nhà Vua, ngồi quay lưng, cong đuôi. Vua biết ý nó nên tự suy nghĩ: “Đây là loài thú dữ, có thể nuốt sống ta. Nếu ta không theo ý nó thì dễ nguy hại đến tính mạng. Do sợ hãi nên Vua thuận theo sư tử để làm việc dâm dục, xong rồi, sư tử đi xa. Các binh chủng tùy tùng đến, Vua cùng mọi người liền trở về cung thành. Sư tử từ đó liền mang thai, đủ tháng, đủ ngày sanh ra một đứa trẻ, thân hình giống người nhưng ở chân thì loang lỗ. Sư tử nhớ biết nhà Vua kia liền cắp con mình mang đến cho nhà Vua. Vua cũng nghĩ nhớ đây là con mình liền nhận lấy, nuôi dưỡng. Do chân nó bị loang lỗ nên đặt tên là Ban-túc. Ngày tháng trôi đi, nó lớn lên dần và rất mạnh mẽ, hùng dũng. Sau khi Vua cha băng hà, Ban-túc lên ngôi kế vị.

Bấy giờ, Vua Ban Túc có hai phu nhân, một là dòng Sát-đế-lợi, hai là dòng Bà-la-môn. Khi đi du hành, Ban-túc dặn hai phu nhân nếu ai đến trước thì được cùng Trẫm vui chơi một ngày, nếu ai đến sau thì Trẫm không nhìn mặt. Sau khi Vua đi rồi, hai phu nhân trang sức lộng lẫy, nghiêm giá đi đến giữa đường thì gặp miếu thờ Thiên thần. Họ xuống xe, làm lễ xong rồi đến sau, theo lời Vua dặn mà họ không đến trước. Lúc ấy, phu nhân sân giận Thiên thần: “do làm lễ ngươi mà ta bị Vua dối xử lạnh nhạt. Nếu ngươi có thần lực thì sao lại không ủng hộ ta. Sau đó phu nhân hủy hoại, sang bằng miếu thờ. Thiên thần sầu não muốn đến phá cung Vua nhưng lại bị Thiên thần khác cản ngăn không cho vào. Có một Tiên nhân ở trong núi thường được nhà Vua cúng dường, hằng ngày đúng giờ ăn thường hay bay vào cung Vua. Tiên nhân không thích ăn thức ăn thịnh soạn, chỉ ăn các món ăn thô cứng. Chợt có một ngày Tiên nhân không đến, Thiên thần biết vậy liền hóa hình Tiên nhân, ngồi vào chỗ thường ngồi nhưng không chịu ăn thức ăn đã dọn sẵn mà muốn ăn cá thịt. Vua liền làm theo, Thiên thần ăn xong thì đi. Ngày hôm sau, vị Tiên nhân củ đến, Vua dọn thịt ra. Tiên nhân bực tức, Vua nói:

Hôm qua Đại tiên bảo tôi làm, sao nay lại không ăn?

Tiên nhân nói: hôm qua ta có bệnh nên nghỉ một ngày mà không đến. Đó là ai nói vậy thế nhưng chớ có khinh suất. Tiên nhân bảo Vua: Trong mười hai năm sau sẽ có chuyện ăn thịt người. Nói xong Tiên nhân bay trở về trong núi.

Sau đó có một hôm, Trù-giám quên làm thịt. Lúc ấy, không biết tính sao, ông ta liền đi ra ngoài tìm thịt thì trông thấy một đứa trẻ mâp mạp, trắng trẻo vừa mới chết nằm trên đất. Nghĩ là đúng lúc cần thiết, Trù-giám liền chặt bỏ đầu, chân rồi mang về nhà bếp, dùng thêm gia vị làm thức ăn cho Vua. Vua ăn xong thì có cảm giác thịt này ngon gấp bội thịt thường dùng. Nhà Vua hỏi Trù-giám:

Từ trước đến nay Trẫm đã dùng thịt nhưng chưa có loại thịt nào ngon như thịt này. Đây là thịt gì?

Trù-giám hoảng sợ vội quỳ xuống trước Vua, tâu:

Nếu nhà Vua tha tội thì thần mới dám nói thật.

– Nhà ngươi phải nói rõ sự thật thì ta mới không hỏi tôi của nhà ngươi.

Trù-giám liền trình bày tất cả sự viêc cho Vua nghe. Vua nói: Thịt này rất ngon. Từ nay về sau, ngươi cứ như thế mà làm.

Trù-giám tâu: trước đây là vô tình mà gặp người chết, nay muốn tìm cầu thì không thể có được.

Vua nói: nhà ngươi cứ bí mật tìm kiếm, nếu ai phát hiện thì việc xử đoán là do Trẩm.

Trù-giám tuân lệnh, tối đến thường lén bắt lấy trẻ con làm thịt dâng Vua dùng hằng ngày.

Lúc ấy, trong thành ai cũng khóc than bảo mất con nít. Mọi người đều thắc mắc: “Tại sao như thế?”. Các đại thần cùng nhau họp bàn, phải thử rình xem. Do đó trên các nẽo dường đều có người đứng rình nên bắt gặp người Trù-giám của nhà Vua bắt trẻ con. Họ liền trói lại đem trình lên nhà Vua và tâu trình hết tất cả sự việc.

Vua nói: Đó là Trẫm sai làm.

Các quan thần đều bực tức, tự nghĩ: “Nhà Vua là giặc ăn thịt các con ta. Vua ăn thịt người thì làm sao mà chúng ta có thể cùng nhau thống trị đất nước. Vì thế họ từ bỏ Vua để tránh khỏi tai họa sau này. Mọi người đồng tâm cùng bày mưu kế. Lúc ấy, họ nhóm họp bao vây nhà Vua rồi nói: Phải bắt Vua giết đi.

Vua thấy binh lính bao vây, hoảng hốt nói: tại sao các ngươi lại bức bách ta?

Các thần đáp: Người làm Vua là lấy việc nuôi dưỡng dân để làm sự nghiệp, sao lại sai người Trù-giám giết người làm thức ăn, tâm ác bạo ngược, không từ sự khổ đau nào nên phải giết Vua.

Vua bảo các thần: Từ nay về sau Trẫm tuyệt đối không làm. Xin các khanh tha thứ, Trẫm sẽ tự hối cải.

Các thần nói: Nhất quyết không thể tha thứ, không cần nhiều lời.

Nghe vậy, Vua biết mình sẽ chết liền bảo các thần: dù các khanh có muốn giết ta thì cũng xin hoãn lại giây phút cho ta được nói đôi lời. Nhà Vua liền lập thệ nguyện: “Từ trước đến nay con đã tu các hạnh lành, làm Vua đem pháp chánh trị nước, cúng dường Tiên nhân. Tất cả công đức ấy làm cho con ngày nay trở thành phi hành La-sát”.

Dứt lời, Vua liền biến thành La-sát bay lên không trung. Vua bảo các thần: Các ông muốn hợp sức giết ta nhưng ta có may mắn lớn nên mới có thể thoát khỏi. Từ nay về sau các ông hãy khéo mà giữ gìn vợ, con yêu quý của mình. Ta sẽ lần lượt bắt ăn. La-sát nói xong, bay đi giữa núi rừng bắt người mang về làm thức ăn. Mọi người sợ hãi, ai cũng lẫn trốn. Từ đó về sau La-sát luôn giết người để ăn. Bọn La-sát nương tựu nhau nên đồ chúng của nó càng về sau càng đông dần và việc hại người càng lan rộng ra. Sau đó các La-sát nói với Ban-túc: chúng tôi sẽ giúp việc cho nhà Vua. Xin nhà Vua cho phép chúng tôi cùng hội họp.

Vua liền chấp thuận và bảo chúng phải bắt được năm trăm nhà Vua để làm lễ hội. Bọn chúng hứa rồi, hằng ngày thường vào trong rừng sâu bắt được bốn trăm chín mươi chín nhà Vua. Lúc còn thiếu một người, chúng bắt được Tu-đà-tố-di là bậc đạo cao đức trọng. Tu-đà-tố-di theo Vua La-sát nghỉ được bảy ngày, nghỉ rồi lại đi. Tu-đà nói pháp cho chúng nghe. Ngài phân biệt tội giết hại và quả báo ác của việc giết hại. Ngài lại nói về phước của từ tâm, không giết hại. Ban-túc nghe rồi hoan hỷ, đảnh lễ, vâng theo lời dạy, không còn tâm giết hại. Nhà Vua liền thả cho các Vua về lại nước của mình. Tu-đà-tố-di liền bảo các binh chúng trở về giúp Vua Ban-túc xây dựng đất nước. Tiên nhân trước đây lập thệ nguyện nay đã đủ mười hai năm. Từ đó về sau không còn người ăn thịt.

Lúc ấy, Vua tu-đà-tố-di nay là thân Ta. Ban-túc nay là Ươngquật-ma-la. Những người trong mười hai năm bị Ban-túc ăn thịt nay là những người bị Ương-quật-ma-la giết chết. Các người này đời đời thường bị Ương-quật-ma-la giết hại. Ta cũng nhiều đời chế phục Ươngquật-ma-la làm thiện. Ương-quật-ma-la là Tỳ-kheo Chỉ-phát.

Lúc ấy, Vua Ba-tư-nặc lại thưa: Tỳ-kheo Chỉ-phát giết hại nhiều người, nay đã đắc đạo thì có chịu quả báo không?

Đức Phật dạy: Việc đã làm ra thì phải có quả báo. Nay Tỳ-kheo này đang ở trong phòng nhưng lửa Địa ngục đã phát ra từ các lỗ chân lông làm đau đớn vô cùng không thể dùng lời mà diễn tả được.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Ngươi đenm hộ bài này đến phòng Chỉ-phát để ngăn các lỗ chân lông.

Tỳ-kheo liền làm theo lời dạy, đem hộ bài vào trong phòng thì sự nóng bức được tiêu tan. Tỳ-kheo kinh ngạc trở lại bạch Phật.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: việc quả báo là như vậy.

Nhà Vua và cả hội chúng đều tin hiểu.

Bài tụng viết:

Tài, sắc cùng với rượu
Gọi là ba hoặc nghiệp
Thần mê thì tan nhà
Vua theo thì mất nước
Thịt ngăn tâm đại từ
Mùi nồng ngăn đức tịnh
Mến mộ đạo quân tử
Không muốn sự dơ ấy.

PHẦN THỨ 27: XEM TƯỚNG

– Duyên thuật ý
– Duyên quán tưởng
– Duyên quy tín

Thứ 1: Duyên thuật ý

Tất cả đạo giáo từ vô thỉ đều do đức đồng cảm. Phàm phu chạy theo nghiệp, tạo hóa lại lắm phương, tâm cảnh trái nhau, quả báo khổ vui đều sai khác. Như sáp ấn xuống bùn, ấn xong thì chữ hiện. Tướng nghiệp đã rõ ràng nên thấy quả báo thì có thể suy xét được. Do đó được làm người hay súc vật thì nơi chỗ và âm tiếng khác nhau. Hồ Hán đã phân hình. Sang, hèn đều có tôn ti sai khác. Thánh, phàm có thiện, ác không đồng.

Thứ 2: Duyên quán tướng

Như kinh Chánh kiến dạy: Lúc ấy,đức Phật đang ở trong hội chúng thì Tỳ-kheo Chánh Kiến dù là người mặc pháp phục nhưng tâm niệm còn nghi ngờ.

Phật dạy: Có sanh trong đời sau, ngay cả người chết cũng có sự báo ứng. Vì sao biết được?

Câu hỏi này chưa nói ra Phật cũng đã biết trước. Đức Phật bảo các đệ tử: Thí như gốc cây chỉ cần gieo một hạt, được bốn đại nuôi dưỡng, từ đó lớn lên sanh ra lá, cành, nhánh, đốt, rồi nó biến đổi dần thành cây đại thọ. Cây lại sanh quả, quả lại thành cây. Năm tháng trôi qua như thế nên chuyển thành vô số cây.

Phật bảo các đệ tử: Muốn có nhiều cành, lá, hoa, quả lại trở thành hạt có được không?

Các đệ tử thưa: Không thể được, bởi nó đã chuyển biến này một tàn rụi. Hạt trồng lại sanh ra vô số cành, lá, hoa, quả như thế, cành, lá, hoa, quả chuyển sanh rồi lại tàn rụi, không thể trở lại thành hạt vậy.

Đức Phật bảo các đệ tử: Cũng vậy, sanh tử là do Vô minh phát sanh, thay đổi hợp thành; mười hai nhân duyên thần thức thay đổi, theo đó mà có cha mẹ, lại thọ thân hình không có thần thức nên không có quả báo.

Thí như nung chảy đá ra thành sắt, rèn sắt làm đồ dùng. Đồ dùng có thể làm thành đá không?

Chánh Kiến thưa: Không thể đem sắt làm thành đá.

Phật dạy: Thức được chuyển từ thân trung ấm như đá thành sắt, rồi lại chuyển thọ thành thân khác như sắt thành đồ dùng. Khi chết thì thân hình thay đổi không thể trở lại như cũ. Vì thức thọ nhận thân người lại nhờ có cha, mẹ; đã có cha mẹ lại có căn

  1. Khi đã ở trong thân trung ấm thì không thể trở lại.
  2. Tùy theo chỗ thọ thân ở trong bào thai.
  3. Mới sanh ra thì quên mất tất cả.
  4. Lúc biết bò biết đi thì ý niệm cũ lại snh ý niệm mới.
  5. Ý niệm mới đã sanh thì tham trước việc ăn uống nên đoạn dứt ý niệm cũ.
  6. Từ lúc được sanh ra thì ngày ngày huân tập thêm những điều mới lạ nên không.

Đức Phật dạy các đệ tử:

Khi thần thức là chuyện ác thì lúc chết đi lại tùy theo việc đã làm mà chịu quả báo sai khác. Thân không thể trở lại thành thức. Xem tướng có thể biết được quả báo vậy. Nếu chưa có tâm Bồ-đề, không có mắt thanh tịnh thì lúc thân chết, thức sẽ đi luân hồi theo hành động đã tạo, rồi thọ lấy thân khác. Do đâu mà có sự báo ứng ấy?

Thí như đêm ba mươi có vật dụng năm màu để trong bóng tối, thì ngàn vạn ức người không thể thấy được. Nếu có người cầm đuốc chiếu sáng vật ấy thì ai cũng phân biệt được năm màu. Như người ngu si mờ mịt trong đường ác chưa có mắt tuệ, do đó phải luân hồi qua lại giống như đêm ba mươi muốn thấy năm màu thì không thấy được. Nếu người tu tập trì giới, thâu nhiếp tâm ý thì như người cầm đuốc để thấy được màu sắc.

Thí như người cụt tay muốn vẽ, người mù mắt muốn nhìn, muốn xâu kim trong đêm tối, tìm lửa trong nước thì hoàn toàn không thể đạt được.

Các ông hãy siêng tụng kinh, trì giới, suy gẫm sâu về sự sống chết, nó từ đâu đến và sẽ đi về đâu thì sẽ được thanh tịnh, trừ các phiền não, điều nghi được giải. Chánh Kiến nghe rồi hoan hỷ vâng làm.

Kinh Thái tử A-dục-vương có dạy: Trong sáu đường đều có tướng ấy.

+ Tướng Địa ngục.

Nguồn gốc của con người
Trôi theo dòng sanh tử
Ứ đọng hoặc chảy thẳng
Rơi vào trong năm đường
Chết kia lại sanh đây
Thảy đều có nhân duyên
Tướng mạo của con người
Giờ đây Ta sẽ nói
Đi, đứng mà vội vàng
Không biết được về mình
Nhìn ngó láo liếng quanh
Là thường hay quên nhiều
Cử chỉ rất nhẹ nhàng
Thích dạo chơi đồng vắng
Thì người này mới từ
Trong Địa ngục đến đây
Đau nhức cả tay, chân
Ngủ, nghỉ thường kinh sợ
Mộng thấy các điều ác
Địa ngục Dây đen đến
Tóc cứng, mắt đỏ hung
Răng dài, hay sân giận
Tiếng không trong, lắm tật
Từ ngục Hiệp hội đến
Nói năng luôn lớn tiếng
Không có chút e dè
Thích tranh cãi với người
Không rõ việc thật hư
Nằm ngủ thì rên rỉ
Mộng sợ rồi hét vang
Nên biết hạng người này
Từ ngục Khóc gào đến
Thương hay thích khóc than
Mong muốn sự cao xa
Ưa gây gổ với người
Không cần biết thân sơ
Mở miệng thì sân giận
Qua đêm thì không ăn
Người này vốn đã từ
Địa ngục Khóc gào đến
Thân lớn mà chân nhỏ
Sức lực lại yếu ớt
Nói năng thường uất nghẹn
Nghe như tiếng lu bể
Thần thức thì không định
Tâm không có hiếu thuận
Nên biết hạng người này
Từ ngục A-tỳ đến
Thân thô kịch, xấu xí
Thường rét run, khổ nhiều
Ưa nóng và thích khát
Xan tham và tật đố
Thấy người làm bố thí
Mình liền sanh phiền não
Hạng người này mới từ
Địa ngục Nóng đốt đến
Thấy lửa thì kinh sợ
Lại thích sự nóng ấm
Bước đi rất nhẹ nhàng
Không bỏ phí thời gian
Làm rồi liền hối tiếc
Và ưa muốn bố thí
Hạng người này đã từ
Địa ngục Nóng bức đến
Mắt nhỏ hay sân giận
Thường hay bị quên lãng
Làm các việc thấp hèn
Không có tâm quảng đại
Thấy việc lớn lo sợ
Thấy việc nhỏ ham vui
Hạng người này mới từ
Địa ngục Ưu- bát đến
Mắt đỏ, thân xấu xí
Thường hay ưa gây chuyện
Phỉ báng bậc Hiền thánh
Và những vị đắc đạo
Ngày đêm thường rình người
Làm các việc phi pháp
Nên biết hạng người này
Từ ngục Bát đầu đến
Mắt có đến ba sừng
Bất hiếu với cha mẹ
Sanh ra thì chết yểu
Là ngục Câu móc đến
Thích mang đao, cầm kiếm
Ức hiếp đánh người ta
Thì sẽ bị người giết
Từ ngục Bân trì đến
Thân bị nhiều nhọt nóng
Hơi miệng thường hôi thối
Không ai thích thân gần
Từ ngục Khoáng dã đến
Thân hình thì dài lớn
Bước đi rất yếu ớt
Da mỏng manh, tóc ít
Thường hay đau đớn nhiều
Người thấy liền bực tức
Tham ăn không biết chán
Nên biết hạng người này
Từ Địa ngục Lửa đến
Da trắng và mắt xanh
Nói năng thì mù mờ
Lời không có đầu mối
Thích đùa ở thế gian
Trông thấy bùn lầy sâu
Thì lại nằm trên đó
Hạng người này mới từ
Trong Địa ngục Tro đến
Tóc quăn và mắt vàng
Người gặp thì chán ghét
Việc đến thì lo sợ
Từ ngục Rừng kiếm đến
Tay thường luôn cầm đao
Nghe đánh đấu liền vui
Thì bị đao làm hại
Từ Địa ngục Đao đến
Da đen, cổ thì nghẹt
Ưa ở nơi phòng tối
Miệng nói lời hung ác
Từ ngục Than hừng đến
Sức yếu và hơi ngắn
Không có được tự do
Tất cả điều được, mất
Đều không do nơi mình
Thấy đồ tể giết hại
Thì gần gũi bên họ
Nên biết hạng người này
Từ ngục Xé nát đến
Giận, vui rất bất thường
Biết ăn ăn sửa đổi
Có thể xin cảm tạ
Không kể ngày hay đêm
Luôn trách cứ tâm mình
Hạng người này mới từ
Địa ngục Cong lưng đến
Thích sống nơi dơ, tối
Thích ăn dở, thô cứng
Đắm trước sự dơ, xấu
Từ Địa ngục Phân đến
Nhan sắc rất xấu xí
Lời nói lại thô kệch
Thích tranh cải với người
Từ ngục Hương thơm đến
Nên quán xét thân này
Đã từ ở đâu đến
Biết rồi nên xa lìa
Như tránh khỏi kiếp thiêu
Tướng trạng trong Địa ngục
Nói sơ qua như thế.

+ Tướng Súc sanh

Kế đến nói Súc sanh
Thân hình đều khác nhau
Chuyên tâm để quán sát
Không tạo các duyên ấy
Nói năng mà thư thả
Không sanh tâm sân giận
Khiêm hạ bậc Tôn trưởng
Là từ loài voi đến
Thân hình rất hôi hám
Chịu đựng sự nóng, lạnh
Sân giận khó bỏ được
Từ loài lạc đà đến
Đi xa và ăn nhiều
Không tránh sự nguy hiểm
Nhớ đến việc chân chính
Là từ loài ngựa đến
Ban ân và độ lượng
Vượt trên sự nóng, lạnh
V quên mất việc đã làm
Là từ loài trâu đến
Lớn tiếng, không hổ thẹn
Chứa nhiều sự nhớ thương
Không biết việc phải trái
Là từ loài lừa đến
Không sự già hay trẻ
Thường tham muốn ăn thịt
Không từ nan việc gì
Là loài sư tử đến
Thân lớn, mắt tròn xoe
Dạo ở nơi vắng vẻ
Ganh ghét cả vợ con
Là từ loài cọp đến
Lông dài mà mắt nhỏ
Rất ít khi sân giận
Thích đi khắp mọi nơi
Là từ cầm thú đến
Tánh tình rất trung thành
Ưa thích dùng độc hại
Một mình ở gò mả
Là từ loài cáo đến
Tiếng yếu ớt, nhỏ nhẹ
Không có sự dâm dục
Không thương yêu vợ con
Là từ loài sói đến
Không thích ăn mặc đẹp
Hay rình bắt, gian trá
Ít ngủ và hay sân
Là từ loài chó đến
Thân lùn và lông dài
Ăn nhiều, ngủ cũng nhiều
Không thích nơi sạch sẽ
Là từ loài heo đến
Lông vàng, rất hung ác
Thích ở núi một mình
Tham ăn các hoa quả
Là từ loài khỉ đến
Thường có nhiều gian dối
Không sợ hãi một ai
Làm việc thì cẩn thận
Là từ loài quạ đến
Đam mê các sắc dục
Ít biết sự lẽ nghĩa
Tâm chẳng ghi nhớ gì
Từ loài bồ câu đến
Làm viêc rất chăm chỉ
Không chịu sự nhục mạ
Bất hiếu với cha mẹ
Là loài cối, tu hú
Cũng không biết về pháp
Lại không biết về tội
Ngày đêm thường mê muội
Là từ loài dê đến
Thích nói chuyện hão huyền
Thân gần các hào tộc
Được mọi người yêu mến
Là từ loài vẹt đến
Đi, đứng thường vội vàng
Không thích ở trong chúng
Nói năng rất nhiều lời
Là từ loài ngỗng đến
Bước đi rất chậm chạp
Trong tâm không đắn đo
Làm hại nhiều chúng sanh
Là từ loài hạt đến
Thân nhỏ mà tham dâm
Tâm, ý thường bất định
Thấy sắc thì mê liền
Từ loài khổng tước đến
Mắt đỏ và răng cùn
Nói sủi bọt mép ra
Nằm thì thân cuộn lại
Là từ loài rắn đến
Nói năng liền sân giận
Không quán xét nghĩa lý
Miệng phát xuất lửa độc
Là từ loài chẩm đến
Ở một mình, tham ăn
Nói ra thì ấm ớ
Đêm đến thường ít ngủ
Là từ loài mèo đến
Xuyên tường để trộm cướp
Tham của, hay bắt nạt
Không có kẻ thân sơ
Là từ loài chuột đến
Quán sát về tướng mạo
Từ loài Súc sanh đến.

+ Tướng Ngạ quỷ

Thân dài, hay sợ hãi
Lông tóc dầy khắp thân
Y phục luôn dơ bẩn
Là loài Ngạ quỷ đến
Dâm loạn và xan tham
Ghét những kẻ thành đạt
Không thích làm bố thí
Là từ ngạ quỷ đến
Bất hiếu với cha mẹ
Cùng những người lớn nhỏ
Động đến thì tranh cải
Là từ ngạ quỷ đến
Không có tâm chí thành
Hướng đến các công việc
Sức yếu, trí kém cỏi
Là từ ngạ quỷ đến
Âm tiếng bị tắc nghẹn
Dễ sanh tâm sân giận
Thích ăn thức ăn nóng
Là từ ngạ quỷ đến
Thường túng thiếu tiền bạc
Nghèo hèn và xấu xí
Bị người trí cười chê
Là từ ngạ quỷ đến
Trong nhà không thờ Phật
Không thích nghe chánh pháp
Đoạn tuyệt đường Trời, người
Là từ ngạ quỷ đến
Không biết dạy vợ, con
Anh em hay chị em
Bị mọi người chán ghét
Là từ ngạ quỷ đến
Sống cô độc một mình
Không ai nhìn ngó đến
Chết thọ thân đời sau
Không lìa khỏi duyên xưa
Ý chí rất hẹp hòi
Không ưa sự vinh hoa
Làm các việc xấu ác
Là từ ngạ quỷ đến
Hành vi không tốt lành
Gây ra nhiều phiền toái
Bị mọi người ruồng bỏ
Là từ ngạ quỷ đến
Gặp các việc thất bại
Không hiểu rõ nguyên nhân
Không nghe người can gián
Là từ ngạ quỷ đến
Ghét những nơi thanh vắng
Thích những chỗ hôi hám
Nhan sắc rất xấu xí
Từ loài phong thần đến
Thân lớn thích làm đẹp
Tham ăn các loại thịt
Thích ở nơi đền miếu
Từ loài Dạ xoa đến
Sân giận và đánh nhau
Thấy của thì tham đắm
Không có các tai họa
Là loài Dạ xoa đến
Thấy người thì kinh hãi
Gặp họ thì trừng mắt
Giống như kẻ mất của
Là từ La sát đến
Thân nhỏ, da manh mai
Nhan sắc rất tươi vui
Nghe đến thì hoan hỷ
Là Càn thát bà đến
Tâm tốt và nhỏ nhẹ
Tự mình thoa hương thơm
Biết các thứ kỷ nghệ
Là Càn thát bà đến
Thường ưa thích ca múa
Nam nữ chỉ bảo nhau
Trước nói rồi sau cười
Là Chân-đa-la đến
Tánh tình rất nhu mì
Biết được trước thời tiết
Đoạn trừ các phiền não
Là Chân đà la đến
Đây là tướng Ngạ quỷ
Dạ xoa và La sát.

+ Tướng A-tu-la

Mắt tròn và mặt vuông
Thân và tóc đều vàng
Biết hết các kỹ thuật
Là A-tu-la đến
Đi thẳng nhìn xuống đất
Không có sự do dự
Gặp kẻ oán liền đánh
Là A-tu-la đến Đây là A-tu-la
Nói sơ lược tướng ấy.

+ Tướng người

Biết được chỗ sanh ra
Chấp chặc không quên mất
Biết rõ về sự nghiệp
Là từ loài người đến
Hiểu rõ sự hư dối
Mà mình không làm theo
Tạo nên sự bình đẳng
Là từ loài người đến
Lời nói thiên hoặc ác
Ban đầu không quên mất
Không tin sự gian trá
Là từ loài người đến
Tham dâm, ghét, keo kiệt
Tâm chấp chặc khó bỏ
Hiểu rõ pháp ở đời
Là từ loài người đến
Bố thí bằng tín tâm
Hiểu pháp và phi pháp
Tâm tánh luôn ngay thẳng
Là từ loài người đến
Không bỏ phí thời gian
Cũng không có lười biếng
Cung kính các bậc Thánh
Là từ loài người đến
Nếu gặp các sa môn
Trì giới học hiểu rộng
Thì hết lòng cung phụng
Là từ loài người đến
Biết cúng dường chư Phật
Chánh pháp và chúng tăng
Tùy thời đến nghe pháp
Là từ loài người đến
Nghe pháp liền hiểu rõ
Nghe việc ác không làm
Mau đến cõi Niết bàn
Là từ loài người đến
Đây là tướng loài người
Nói thô về tướng ấy.

+ Tướng Trời

Nương ở núi Tu-di
Là có năm cõi Trời
Vốn đã tạo nhân duyên
Tướng ấy không đồng nhau
Thân nhỏ mà chân lớn
Miệng thường luôn mỉm cười
Người trí tuệ quán sát
Từ nơi Khúc thiên đến
Tâm tánh tốt vô cùng
Của cải rất ít có
Thấy đánh thì sợ hãi
Là từ Thi thiên đến
Thân to lớn, da trắng
Dung mạo rất đoan chnáh
Không ưa thích ánh lửa
Là từ Bà thiên đến
Tâm tánh luôn vui vẻ
Việc ác không căn cứ
Không hề ùa theo họ
Là từ Lạc thiên đến.
Chịu khó để suy nghĩ
Phân biệt nghĩa hoàn hảo
Từ hiếu với cha, mẹ
Từ Tỳ-diệu thiên đến.
Đêm không thích ở nhà
Ưa dạo ở núi, rừng
Vọng nghĩ sắc người nữ
Là từ Nhị thiên đến.
Của báu tuy rất ít
Sanh trong nhà hèn hạ
Tâm thì ưa thanh tịnh
Là từ Tam thiên đến.
Xét hành động của mình
Không thể chế phục được
Mong đạt được hy vọng
Là từ Diệm thiên đến.
Ý muốn dâm người khác
Không giữ vợ của mình
Bị quỷ sứ sai sử
Là từ Hóa thiên đến.
Phụng sự cha lẫn mẹ
Đúng pháp và đúng nghĩa
Lỗi mình gây, người chịu
Từ Đâu suất thiên đến.
Cầu đạo theo tà đạo
Tâm không có gian lận
Không thích ở trong nhà
Là từ Phạm thiên đến.
Ý nguyện rất chất thực
Thường ham thích ngủ nghỉ
Cũng không hiểu biết pháp
Từ Vô tưởng thiên đến.
Trong sáu đường chúng sanh
Thảy đều có nguồn gốc
Tánh hạnh đều không đồng
Ý chí lại khác nhau.

Thứ 3: Duyên quy tín

Như trong kinh Na Tiên Tỳ-kheo vấn Phật dạy: Lúc ấy, có Vua Di-lan-đà hỏi La-hán Tỳ-kheo Na Tiên:

Nghe nói:“Người đời làm ác trong một trăm năm, đến lúc sắp chết niệm Phật thì sau khi qua đời có được sanh lên cõi Trời”, Ta không tin lời nói này. Lại nói: “Giết chết một chúng sanh thì sau khi chết sẽ đọa vào Địa ngục”, Ta cũng không tin lời nói này.

Tỳ-kheo Na Tiên hỏi Vua: Ví như có người đem hòn đá nhỏ để trên nước thì hòn đá ấy chìm hay nỗi?

Vua nói: Hòn đá ấy sẽ chìm.

Na Tiên hỏi: Ví như đêm trăm cục đá lớn để ở trên thuyền thì thuyền ấy chìm không?

Vua nói: Không chìm.

Na Tiên nói: Đem trăm cục đá lớn để trong thuyền, nhờ có thuyền nên không bị chìm. Người tuy có gốc ác nhưng bất chợt niệm Phật, nhờ vậy mà không đọa vào Địa ngục, lại được sanh lên cõi Trời. Điều ấy không thể tin được chăng?

Hòn đá nhỏ bị chìm giống như người làm ác không biết về Phật pháp nên sau khi chết liền đọa vào Địa ngục. Điều này không thể tin được chăng?

Vua nói: Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo Na Tiên nói:

Như có hai người cùng chết, mọt người sanh ở cõi Phạm thiên thứ bảy, một người sanh ở nước Kế Tân. Hai người này ở gần, xa khác nhau nhưng cùng chết một lúc.

Như có hai con quạ cùng bay, một con ở trên cây cao, một con ở trên cây thấp. Hai con quạ cùng bay thì hình bóng chúng nó có cùng in xuống mặt đất không?

Như có người ngu làm ác thì bị tai ương lớn. Người trí làm ác thì bị tai ương nhỏ.

Thí như đốt sắt ở trên đất mà một người biết là đốt sắt, một người không biết. Trong lúc hai người cùng cầm lấy thì người thì người không biết sẽ bị phỏng nặng, còn người biết thì bị thương nhẹ. Làm ác cũng vậy, vì người ngu không thể tự hối cải nên họa ấy rất lớn, người trí làm ác mà biết nên hằng ngày tự hối hận thì tai họa nhẹ dần đi.

Kinh Học Tứ Phẩm nói: Người đời còn có kẻ không bằng Súc sanh. Súc sanh có lúc còn hơn người. Vì sao? Vì con người tạo tội không biết dừng nghỉ, đến lúc chết đọa vào Địa ngục; hết tội Địa ngục mới được làm Ngạ quỷ; hết tội Ngạ quỷ mới chuyển làm Súc sanh; hết tội Súc sanh mới trở lại làm người. Do hết tội Súc sanh mà được làm người nên phải siêng làm việc thiện, vâng theo lời dạy của Tam bảo thì luôn được lìa khỏi ba đường ác, được phước Trời, người, về sau lại được giải thoát.

Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật dạy: Ở đời có năm điều khó: Một là nghèo khổ bố thí là khó. Hai là giàu sang học đạo là khó. Ba là giữ thân không chết là khó. Bốn là được gặp kinh Phật là khó. Năm là sanh ra gặp Phật ra đời là khó.

Kinh Tạp Thí Dụ dạy: Ở đời có mười tám việc khó:

  1. Gặp đức Phật ra đời là khó.
  2. Giả sử gặp Phật rồi mà được làm người là khó.
  3. Giả sử làm người rồi mà được ở nơi thủ đô là khó.
  4. Giả sử ở nơi thủ đô mà được sanh vào nhà tôn quý là khó.
  5. Giả sử sanh vào nhà tôn quý mà tay chân và sáu căn được hoàn thiện là khó
  6. Giả sử tay chân và sáu căn được hoàn thiện mà có được tài sản là khó.
  7. Giả sử có được tài sản mà gặp được bạn tốt là khó.
  8. Giả sử có trí tuệ mà có trí tuệ là khó.
  9. Giả sử mà được tâm tốt là khó.
  10. Giả sử được tâm tốt mà làm việc bố thí là khó.
  11. Giả sử làm việc bố thí mà muốn gặp người hiền thiện, gặp bậc có đức là khó.
  12. Giả sử gặp người hiền thiện, gặp bậc có đức mà đi đến chỗ đó là khó.
  13. Giả sử đi đến chỗ đó mà thích nghi là khó.
  14. Giả sử thích nghi mà nghe và lãnh thọ chánh pháp là khó.
  15. Giả sử nghe pháp và lãnh thọ chánh pháp mà thông hiểu là khó.
  16. Giả sử thông hiểu mà thọ kinh thậm thâm là khó.
  17. Giả sử thọ kinh thậm thâm mà theo lời dạy để tu hành là khó.
  18. Giả sử thọ kinh tu hành mà chứng quả Thánh là khó.

Đó là mười tám việc khó.

Bài kê trong kinh Tội Nghiệp Báo Ứng:

Nước chảy không thường đầy
Lửa mạnh không sáng lâu
Mặt Trời mọc rồi lặn
Trăng tròn rồi lại khuyết
Người giàu sang phú quý
Vô thường lại qua đi.

Nên biết thân người khó được, dễ mất. Do dễ mất mà không nên tham trước. Thân người trong mỗi niệm đều đến gần cái chết, như khiêng heo, dê đi đến lò mổ. Cho nên kinh Niết bàn dạy: Quán xem thân mạng này thường bị vô lượng oán thù quấy nhiễu, mỗi niệm dần dần không được tăng trưởng, giống như nước dốc không thể dừng lại, cũng như sương móc không thể tồn tại lâu dài, như người tù đi đến chợ thì trong mỗi bước lại đến gần cái chết.

Trong kinh Ma Già có kệ:

Thí như Chiên-đà-la
Đuổi trâu đến lò mổ
Mỗi bước gần cái chết
Mạng người mau chóng vậy.
 
Kinh Thúc Ca nói: Con Bà-la-môn Thúc Ca bạch Phật: Hàng cư sĩ tại gia thường tu phước đức, can lành thì hơn hàng xuất gia, việc này là thế nào?

Đức Phật dạy: Sự viêc này không nhất định. Như có kẻ xuất gia không tu căn lành thì không bằng tại gia. Tại gia siêng tu thì hơn người xuất gia.

Trong ba ngàn oai nghi có dạy về sự nghiệp của người xuất gia là: Ngồi thiền, tụng kinh và hóa độ chúng sanh.

Nếu làm đủ ba việc này là đúng pháp xuất gia. Nếu không thực hành như thế thì sống hay chết đều uổng phí, chỉ là nguyên nhân chịu tội.

Kinh Bách Dụ dạy: Xưa kia có người cần dùng lửa và nước lạnh, họ liền đem cất lửa ở trong nước. Sau đó khi họ muốn lấy lửa thì lửa đã tắt, muốn lấy nước lạnh thì nước lại nóng. Hai việc lửa và nước đều mất. Cũng vậy, người đời ở trong Phật pháp xuất gia cầu đạo, đã xuất gia rồi lại nhớ đến sự vui sướng với vợ con, năm dục. Do đó mà mất lửa công đức và mất cả nước trì giới. Người nhớ nghĩ về dục cũng vậy.

Kê tụng:

Thiện ác đều khác nhau
Đạo Thánh phàm cũng vậy
Năm ấm tuy giống nhau
Mà sáu đường sai khác
Xem tướng quán hình sắc
Đều biết rõ nghiêp xưa
Khổ, vui hình khác nhau
Ai có thể ngăn cấm.

CHƯ KINH TẬP YẾU
(HẾT – QUYỂN 17)