CẦU TRÍ TUỆ
(Tự Thuật Của Đại Sư Tinh Vân)

Nguyên tác Bạch Thoại: Lâm Thanh Huyền
 Dịch Việt: Hạnh Đoan

 

Tôi mười hai tuổi xuất gia, mười lăm tuổi thọ giới. Sư phụ cho là tôi còn nhỏ tuổi quá, biết sau này có chịu nổi thử thách sóng gió mà vững vàng đi trên đường đạo? Vì muốn tôi trụ yên chốn Phật môn, người yêu cầu giới sư đốt liều (để sẹo đầu) cho tôi; hòng lưu dấu tích rõ ràng, để sau này hễ ai vừa nhìn thấy tôi thì biết tỏng ngay đây là người có “gốc sư” thuộc “nhà Phật”, một kẻ “xuất xưởng”.. từ cửa chùa; hầu chặn đứng ý “nhập thế” nơi tôi, đặt tôi vào đất chết cho tôi được “sống còn”, để tôi an phận làm tu sĩ và rụi tắt hết mọi điều.

Giới sư nghe thầy tôi ngỏ ý thế rồi, khi dí nhang vào đầu tôi ông càng ra sức thổi mạnh. Nhang cháy phừng phừng, đốt da đầu tôi lõm sâu xuống. Mười hai nốt sẹo to tướng nằm kề nhau trên đầu tôi giống hệt cái thung lũng. Chẳng biết lần đốt liều quá kỹ này có phạm tới thần kinh não chăng, mà tôi hoàn toàn mất hẳn trí nhớ, sự thông minh lanh lẹ trước đây không còn, tôi trở nên tối dạ chậm lụt, không sao học thuộc được bài.

Nhưng ở Phật học viện chương trình học rất căng. Kinh điển văn chương đều phải học thuộc lòng, nếu không muốn bị phạt thì phải cố mạng mà học.

Do mất trí nhớ nên dù rất cố gắng tôi vẫn không tài nào nhớ được. Có nhồi nhét cho mấy vào đầu rồi cũng cứ quên, tới khuya tôi còn ráng mò mẫm ôn bài. Tôi đợi mọi người ngủ hết, lẩm nhẩm học: “Qui khứ lai hề, qui khứ lai hề..” Tôi đọc tới đọc lui hằng trăm lần, cơ hồ thuộc như cháo. Rồi lại học tiếp câu: “Điền viên tương vu hồ bất qui?” (Ruộng vườn sắp hoang vu sao không về ?)

Tôi đọc cả trăm lần, thấy dường như mình nhớ kỹ thuộc làu hết. Nhưng khi ôn lại câu vừa học trước đó thì đà quên tuốt luốt. Tôi than thầm: – Thôi chết rồi! Mình lú lẫn đần độn thiệt rồi!”

Thế là tôi bị thầy giáo phạt bắt quì ngoài hành lang ôn bài. Nhưng trí não tôi khăng khăng không hợp tác. Tôi vắt óc nghĩ suy, lo rầu héo ruột gan mà vẫn nghĩ không ra cách để học thuộc bài. Khi thầy giáo gọi kiểm tra lại, tôi vẫn cứ đần. Thầy buộc phải đánh đòn, quất xuống lòng bàn tay tôi ông vừa cười vừa mắng:

– Cái chú nhóc u mê này, sao không thuộc bài hử? Mi HÃY ĐẾN LỄ ĐỨC QUAN ÂM MÀ CẦU TRÍ TUỆ ĐI!

Nói xong, “Chát”! ông lại quất xuống.

Tôi nghe thầy giáo nói, bao nhiêu đau đớn bay lên mây hết, lòng khấp khởi mừng vui. Con đường sáng vụt mở ra trước mắt với niềm hi vọng vô bến bờ:- “A! Lạy đức Quan Âm có thể cầu trí tuệ, hết ngu được ư ? Vậy thì tốt quá! Nhất định mình sẽ chuyên cần lễ bái Ngài!”

Nhưng trong chùa mọi sinh hoạt đều phải đồng chúng, không được tự tiện hành động riêng. Dù có lễ Phật cũng phải lễ theo thời khóa đã ấn định. Lòng khao khát trí tuệ, tôi đợi đến đêm khuya, khi mọi người đã ngủ say, tôi se sẽ rời giường, rón rén đi tới chánh điện. Giữa đêm thâu tĩnh mịch tứ bề im ắng, côn trùng đã ngưng tiếng nỉ non, bầu trời đêm nay thiếu vắng ánh trăng, chỉ có gió lộng vần vũ quanh ngôi cổ tự. Tôi lạy vùi trước đức Quan Âm, râm râm khấn vái:

– Đệ tử tối dạ ngu dữ quá! Kính lạy Bồ-tát trợ giúp cho con được thông minh sáng suốt.. NAM MÔ ĐẠI TỪ ĐẠI BI CỨU KHỔ CỨU NẠN ĐẠI LINH CẢM QUAN THẾ ÂM BỒ-TÁT!

Tôi có cảm giác mình giống như đứa con côi vừa tìm được mẹ, như thuyền đang lạc hướng được hải đăng sáng soi, tôi lạy và gởi gắm tất cả lòng tin cậy chí thành.

Khuya nào tôi cũng tha thiết lễ đức Quan Âm, ròng rã như thế độ hai tháng. Dù tôi không mơ thấy đức Quan Âm xoa đảnh thọ ký hay rưới nước cam lồ, song tôi lại có được cảm nhận bất tư nghì. Trí nhớ tôi không những được hồi phục mà còn thông tuệ vượt xa trước đây. Bài vở trường cho, tôi học thuộc nhanh chóng, liếc qua là nhớ liền. Ngày mai thi bạn bè tôi lo chuẩn bị, ôn tập ráo riết, còn tôi cứ ung dung chơi đùa; tối đến chỉ cần nhìn sơ qua bài vở một chút là đã thuộc làu làu, sáng ra ứng phó tự tại.

Nhưng thuở ấy tôi còn bé, vì cầu thông minh muốn học thuộc bài nên siêng năng lễ bái đức Quan Âm, được thông minh rồi thì thôi không lễ nữa. Giá như lúc đó có một bậc cao đức giải thích cho tôi hiểu bi tâm của Bồ-tát, hướng dẫn và khuyến khích tôi tiếp tục lễ Ngài, thì chắc chắn hiệu quả rất lớn vậy!

(Trích dịch phẩm đã in SAO TRỜI MÊNH MÔNG)