CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA
Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 49
Học Xứ Thứ Tám Mươi Ba: DỐI NÓI KHÔNG BIẾT
Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Phật bảo các Bí-sô mỗi nửa tháng nên nói giới Ba-la-đề-mộcxoa, các Bí-sô vâng lời Phật dạy nhưng khi Lục chúng nghe nói giới liền nói rằng: “Nay tôi mới biết được pháp này được nói ra từ trong Giới kinh”, các Bí-sô nói: “Mỗi nửa tháng khi nói Giới kinh, cụ thọ há không nghe hay sao?”, Lục chúng nói: “Tôi đâu phải chỉ nghe nói giới này mà không nghĩ đến việc khác, đối với các cảnh dục cũng phải suy nghĩ”, các Bí-sô bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu có Bí-sô khi nghe thuyết giới mỗi nửa tháng nói rằng: Này các cụ thọ, nay tôi mới biết pháp này nói ra từ trong Giới kinh. Các Bí-sô biết Bí-sô này đã hai, ba lần cùng làm trưởng tịnh hoặc nhiều hơn thì nên nói với Bí-sô kia rằng: Này cụ thọ, đây là pháp hy kỳ, khó thể gặp được, khi thuyết giới thầy không cung kính phải chăng, trụ tâm không ân trọng phải không, khởi tưởng ý bất nhất phải không, không nhiếp tâm lắng nghe giới phải không, thì phạm Ba-dật-để-ca”. Nếu có Bí-sô là chỉ cho Lục chúng. Khi nói giới kinh là nói từ bốn Tha thắng cho đến bảy Diệt tránh, theo thứ lớp nói rõ yếu nghĩa của giới. Nói nay tôi mới biết… là Lục chúng cùng các Bí-sô khác nghe giới mà cố ý nói là nay mới biết, ý muốn làm cho người khác sanh tâm ưu hối, làm não loạn chúng, nên có lỗi này.
Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?
Bí-sô nghe nói bốn Tha thắng cho đến bảy Diệt tránh mà nói như thế thì mỗi mỗi lời đều phạm bổn tội. Nếu thật sự không hiểu biết như người ngu si thì không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.
Học Xứ Thứ Tám Mươi Bốn: LÀM ỐNG ĐỰNG KIM
Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một người thợ tiện tên là Đạt-ma tiện đồ bằng xương, sừng rất khéo tay. Người này trước kia kính tín ngoại đạo không y, một hôm nhơn nghe Bí-sô nói pháp yếu bèn sanh tâm kính tín Phật giáo. Sau nhơn nghe Bí-sô này nói về bảy phước nghiệp hữu sự liền suy nghĩ: “Trước đây ta không biết nên quy y ngoại đạo lộ hình, họ lấy tu khổ hạnh làm sự nghiệp, là tà biên không phải trung đạo. Nay ta nên tu phước nghiệp hữu sự để đời này đời sau được cứu giúp, nhưng ta vốn nghèo khó, chỉ có thể dùng sức mình tu phước”, nghĩ rồi liền đến bạch các Bí-sô: “Con khéo tiện đồ bằng ngà, sừng, xương; nếu vị nào cần làm ống đựng kim, con sẽ tiện cúng dường”. Lúc đó có Bí-sô bảo làm ống đựng kim bằng ngà, người thợ tiện liền làm cúng dường, thấy món đồ tinh xảo dễ thương các Bí-sô đều khen ngợi và lần luợt bảo làm, khiến cho ngà, sừng xương đều hết nên người thợ tiện phải lâm cảnh nghèo khốn, áo không đủ che thân, cơm không đủ no bụng. Ngoại đạo lộ hình thấy vậy liền nói: “Trước kia quy y theo chúng tôi, gia cảnh còn đầy đủ, nay quy y theo những người cạo tóc nên mới lâm cánh nghèo khốn, do đây nghiệm biết ai là bạn tốt”. Các Bí-sô thiểu dục nghe rồi liền chê trách: “Tại sao Bí-sô bảo thợ tiện làm mà không biết lượng xét đến nỗi làm cho người ta lâm cảnh nghèo khốn lại còn bị ngoại đạo chê bai”, đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu có Bí-sô làm ống đựng kim bằng ngà, sừng, xương, phạm Ba-dật-để-ca, nếu đã làm rồi thì nên đập bỏ.”
Nếu có Bí-sô là chỉ cho người trong pháp này. Ống đựng kim có hai: Loại đựng một cây và loại đựng nhiều cây, nếu làm bằng ngà, sừng, xương thì không cho; tự làm hay bảo người khác làm đều không được, nếu đã làm rồi thì nên đập bỏ rồi sám tội, người đối sám nên hỏi Bí-sô phạm đã đập bỏ rồi chưa, nếu không hỏi thì người đối sám phạm Ác-tác. Hỏi rồi mới cho sám tội. Bí-sô nên dùng ống tre, ống trúc hay miếng vải để đựng kim hay gói kim, thỉnh thoảng nên mở ra xem đừng để kim bị rỉ sét thì không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.
Học Xứ Thứ Tám Mươi Lăm: LÀM GIƯỜNG QUÁ LƯỢNG
Phật trong rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một Bí-sô du hành trong nhân gian đến trong rừng Thệ-đa, gặp trời tối cửa đóng, thấy dưới mái hiên có một cái giường chân ngắn thấp liền rửa chân lên giường ngồi kiết già nhập định. Ở dưới chân giường có một con rắn thích mát lạnh nên bò lên cắn ngay trán của Bí-sô nên Bí-sô chết, thần thức thác sanh lên cõi trời ba mươi ba ngồi chắp tay. Trời Đế thích sai năm trăm Thiên nữ hầu hạ, âm thanh của chuỗi anh lạc trên người Thiên nữ vang ra tiếng vi diệu, vị thiên tử này tuy nghe tiếng nhưng không nhìn Thiên nữ chỉ hỏi: “Tại sao các vị đến làm phiền tôi?”, các Thiên nữ thấy việc này rồi đều khen là kỳ lạ, đến bạch trời Đế thích, thiên chủ bảo đem tấm gương để trước thiên tử đó, thiên tử lúc đó mới thấy trên người mình cũng đầy chuỗi anh lạc, sanh tâm nhàm lìa nên nói kệ:
“Ở trong thế gian này,
Thân người rất khó được,
Chánh tín lời Như lai,
Xuất gia lại càng khó,
Việc khó gặp như thế,
Tôi đều đã gặp được.
Sao để mất pháp nhãn,
Vào trong lao ngục này?
Tôi không được chánh kiến,
Quyết không thọ dục lạc,
Do đây chướng giải thoát,
Đắm chìm trong đường ác.
Tôi ở giữa Thiên nữ,
Như bị quỷ thần vây,
Vào rừng ngu si này,
Làm sao sẽ xuất ly.”
Pháp thường của chư thiên là khi mới sanh lên trời liền khởi ba niệm: Ta từ cõi nào chết, nay sanh vào cõi nào và do nghiệp lực gì. Thiên tử này liền quán biết mình từ loài người chết, hiện sanh lên cõi trời ba mươi ba và do nghiệp lực khéo trì tịnh giới chiêu cảm. Lúc đó các Thiên nữ bảo thiên tử: “Đại tiên, hãy đến kính lễ thiên chủ Đế thích”, thiên tử hỏi: “Thiên chủ Đế thích đã có thể xa lìa dục nhiễm sân si chưa?”, các Thiên nữ đáp là chưa, thiên tử nói: “Trước đây tôi đã quy y nơi Thế tôn đại sư là người đã xa lìa dục nhiễm sân si nên lễ kính, nay tôi làm sao có thể kính lễ người còn đủ ba độc. Các vị hãy chỉ giúp tôi có nhân duyên gì có thể khiến thiên chủ trở lại kính lễ tôi hay không?”, các Thiên nữ nói: “Có vườn Thắng uyển tên Diệu địa là trú xứ của thiên tiên, nếu ở trong đó xuất gia thiên chủ Đế thích sẽ đến kính lễ”. Thiên tử nghe rồi liền đến trong Diệu địa, trú xứ của thiên tiên cầu xuất gia, thiên chủ Đế thích nghe biết việc này rồi liền đến trong vườn Uyển kính lễ, khen ngợi rồi cáo lui. Lúc đó thiên tử suy nghĩ: “Nếu ta không đến kính lễ Thế tôn mà liền thọ thiên lạc là điều không nên, nay ta nên đến đảnh lễ Thế tôn”, nghĩ rồi, thiên tử lấy hoa trời đựng đầy trong cái y kích (giỏ hoa, gùi hoa), thân trang nghiêm bằng các chuỗi anh lac rồi như tráng sĩ co duỗi cánh tay biến mất ở thiên cung hiện ra ở rừng Thệđa. Do sức oai thần nên thân quang của thiên tử chiếu sáng khắp rừng Thệ-đa, thiên tử đến chỗ Phật đảnh lễ rồi rãi hoa cúng dường, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi ngồi một bên, nói kệ thỉnh hỏi Phật:
“Con ở giữa Thiên nữ,
Như bị quỷ thần vây,
Vào rừng rậm u tối,
Làm sao tu xuất ly?”,
Phật nói kệ đáp:
“Có diệu đạo bằng thẳng,
Đi không sợ sệt gì,
Pháp nhẫn là bò lớn,
Tiếng xe kéo không loạn.
Hổ thẹn làm niệm phủ,
Chuyên niệm là thị tùng,
Trí huệ là người lái,
Chánh kiến dẫn đường đi.
Nếu có thiện nam tử,
Ngồi xe an ổn này,
Một lòng không nghĩ khác,
Đến được chỗ tối thắng”.
Lúc đó Thế tôn quán căn tánh ý nhạo tùy miên của thiên tử mà thuyết pháp khiến thiên tử được khai ngộ, ngay nơi tòa ngồi chứng được quả Dự lưu. Đã Kiến đế rồi, thiên tử bạch Phật: “Thế tôn, nhờ Phật khai ngộ khiến con ở trong các nạn mà được giải thoát, điều này không phải do cha mẹ… cho đến sa môn, Bà-la-môn có thể làm được. Thế tôn là bậc đại thiện tri thức đã cứu vớt con ra khỏi ba cõi, đặt để con vào cõi trời người, hết khổ sanh tử, được đạo Niết-bàn, làm cạn biển máu, vượt khỏi núi xương, núi thân kiến từ vô thỉ đến nay đếu bị phá tan bằng chày trí Kim cang, chứng được Sơ quả. Nay con xin quy y Tam bảo, từ hôm nay cho đến trọn đời thọ trì năm học xứ, cúi xin Thế tôn chứng biết con là Ô-ba-sách-ca”, liền nói kệ:
“Con nhờ thần lực Phật,
Đóng hẳn ba đường ác,
Mở được cửa thiên diệu,
Thẳng lên đường Niết-bàn.
Con nương đức Thế tôn ,
Nay được nhãn thanh tịnh,
Chứng Thánh đạo, kiến đế,
Vượt qua bờ sanh tử,
Phật siêu việt người trời,
Lìa hẳn sanh lão tử,
Trong biển Hữu khó gặp,
Con nay gặp, đắc quả,
Con dùng thân trang nghiêm,
Hoan hỉ đảnh lễ phật,
Hữu nhiễu trừ oán kết,
Xin trở về thiên cung”.
Thiên tử đảnh lễ Phật rồi bỗng nhiên biến mất trở về lại thiên cung.
Đến sáng hôm sau Bí-sô Thọ sự ở rừng Thệ-đa ra mở cửa chùa thấy vị Bí-sô ngồi kiết già trên chiếc giường nhỏ đã mạng chung, lại thấy có con rắn độc ở dưới chân giường, liền đem việc này bạch Phật, Phật bảo lo việc hỏa táng rồi nói: “Không nên nằm ngủ trên giường nhỏ và thấp, cũng không nên rửa chân trước giường, nếu làm trái phạm tội Việt pháp”. Lúc đó Lục chúng nghe Phật chế rồi liền làm giường chân cao đến bảy khuỷu tay rồi dùng thang leo lên leo xuống, các Bà-la-môn cư sĩ trông thấy đều chê trách, các Bí-sô bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: …chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu có Bí-sô làm giường lớn, giường nhỏ, chân giường nên cao bằng tám ngón tay của Như lai, nếu cao quá lượng phải cắt bỏ, phạm Ba-dật-để-ca”.
Sau đó cụ thọ Ô-đà-di do thân hình cao lớn khi ngồi trên loại giường này thì cằm đụng đầu gối, các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: Trước kia là sáng chế, bây giờ là tùy khai, học xứ này nên nói lại như sau: “Nếu có Bí-sô làm giường lớn, giường nhỏ, chân giường nên cao bằng tám ngón tay của Như lai, trừ khúc gỗ tra vào lỗ mộng ở chân giường, nếu cao quá lượng này phải cắt bỏ, phạm Ba-dật-để-ca”.
Nếu có Bí-sô là chỉ cho Lục chúng. Làm giường lớn, giường nhỏ là tự làm hay bảo người làm. Chân giường cao tám ngón tay của Như lai: tám ngón tay của Như lai bằng một khuỷu tay của người trung bình. Trừ khúc gỗ tra vào lỗ mộng ở chân giường là không tính chiều cao này.
Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?:
Nếu Bí-sô làm giường cho Tăng hay cho riêng mình, cao quá tám ngón tay của Như lai đều phải cắt bỏ rồi sám tội Đọa, người đối sám nên hỏi là đã cắt bỏ rồi chưa, nếu không hỏi thì người đối sám phạm Ác-tác, nếu nói chưa cắt bỏ thì không cho thuyết hối. Nếu làm đúng lượng thì không phạm; Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.
Học Xứ Thứ Tám Mươi Sáu: DÙNG CỎ, BÔNG GÒN DỒN LÀM NỆM GIƯỜNG
Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Ô-ba-nan-đà được cái giường lớn liền lấy bông gòn dồn làm nệm để nằm. Sau đó có một Bí-sô già từ nơi khác đến cần cấp cho ngọa cụ nên Bí-so Thọ sự sắp xếp đến ở trong phòng của Ô-ba-nan-đà, Ô-banan-đà lúc đi mang theo cả nệm bông. Bí-sô già không để ý bông gòn rơi rớt trên giường nên lên giường nằm ngủ, sáng dậy ra khỏi phòng thì trên người dính đầy bông gòn, các Bí-sô thấy rồi liền hỏi nguyên do, Bísô già kể lại việc trên, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu có Bí-sô dùng bông gòn… dồn làm nệm trải trên giường của Tăng thì phải quăng bỏ, phạm Ba-dật-để-ca”.
Nếu có Bí-sô là chỉ cho Ô-ba-nan-đà. Vật dồn có năm thứ: Bông gòn, bông cỏ, cỏ bồ, kíp bối, lông dê; nếu Bí-sô dùng năm thứ này tự dồn hay bảo người khác dồn làm nệm nằm đều phạm Đọa, tội nên thuyết hối.
Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?:
Nếu Bí-sô ở trên ghế giường của Tăng dùng bông gòn… dồn làm nệm trải ngồi nằm đều phạm Đọa, phải quăng bỏ bông gòn này rồi sám tội, người đối sám nên hỏi là đã quăng bỏ bông gòn đó chưa, nếu không hỏi thì người đối sám phạm Ác-tác; nếu nói chưa quăng bỏ thì không cho thuyết hối.
Học Xứ Thứ Tám Mươi Bảy: MAY NI SƯ ĐẢN NA QUÁ LƯỢNG
Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, như Phật đã dạy các Bí-sô nếu dùng ngọa cụ của Tăng hay của người
khác cho đến các vật của riêng mình đều nên dùng vật lót ở dưới bảo vệ. Lúc đó các Bí-sô không biết may với kích lượng như thế nào nên may quá lớn vất bỏ cái nhỏ, hoặc chê dài ngắn… may lại cái khác sanh nhiều việc phiền phức thường phải tìm cầu, khiến trở ngại việc tu phẩm thiện. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô làm Ni-sư-đản-na nên làm đúng lượng, đúng lượng là bề dài hai trương tay, bề rộng một trương tay rưỡi của Phật, nếu làm quá lượng này thì phạm Ba-dật-để-ca, nếu làm thành rồi phải cắt bỏ”.
Sau đó cụ thọ Ô-đà-di do thân hình to lớn, mỗi khi ngồi phải lấy lá cây lót ở hai bên chân để hộ ngọa cụ, Thế tôn đi xem xét các phòng thấy lá bỏ bừa bãi, hỏi rõ nguyên do rồi bảo các Bí-sô: Trước kia là sáng chế, bây giờ là tùy khai, học xứ này nên nói lại như sau: “Nếu lại có Bí-sô làm Ni-sư-đản-na nên làm đúng lượng, đúng lượng là bề dài hai trương tay, bề rộng một trương tay rưỡi của Phật, bề dài thêm một trương tay, nếu làm quá lượng này phạm Ba-dật-để-ca, nếu làm thành rồi phải cắt bỏ”.
Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho người trong pháp luật này. Ni-sư-đảnna tức là phu cụ, tự làm hay bảo người làm đều phạm tội như nhau. Đúng lượng: Một trương tay của Phật bằng ba trương tay của người thường, tổng cộng Phật chế trước sau có chín trương tay tức là bốn khuỷu tay rưỡi; bề rộng một trương tay rưỡi của Phật bằng bốn trương tay và sáu ngón tay của người thường. Nếu Bí-sô không y theo kích thước này mà làm quá lượng thì phải cắt bỏ, tội phải thuyết hối. (Theo ý chế trong đây thì Ni-sư-đản-na là vật để lót ngọa cụ khỏi bị hư tổn, không dùng cho việc gì khác. Phật do thấy thân hình của người khác to lớn nên chế kích thước thêm một trương tay)
Học Xứ Thứ Tám Mươi Tám: MAY Y CHE GHẺ
Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, như Thế tôn đã dạy, nên may y che ghẻ, các Bí-sô không biết may với kích lượng như thế nào nên may quá lớn hoặc quá nhỏ, đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô làm y che ghẻ nên làm đúng lượng, đúng lượng là bề dài bốn trương tay, bề rộng hai trương tay của Phật, nếu may quá lượng này nên cắt bỏ, phạm Ba-dật-để-ca”. Nếu lại có Bí-sô… giống như giới trên.
Học Xứ Thứ Tám Mươi Chín: MAY Y TẮM MƯA
Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, trong ba tháng hạ an cư Tỳ-xákhư-lộc-tử-mẫu đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên, Phật vì nói pháp chỉ dạy được lợi hỉ rồi im lặng, Tỳ-xá-khư bạch Phật: “Thế tôn, con xin thỉnh Phật và Tăng sáng mai đến nhà con thọ thực”, Phật im lặng nhận lời, Tỳ-xá-khư biết Phật nhận lời rồi liền đảnh lễ Phật ra về, về đến nhà ngay trong đêm ấy lo liệu đầy đủ các món ăn thượng diệu. Hôm sau trời gần sáng, Phật thấy ở phương Đông có nhiều đám mây đen bao phủ liền đoán trời sẽ mưa lớn nên bảo cụ thọ A-nan-đà: “Thầy nên đến bảo các Bí-sô trời chắc sẽ mưa lớn, nước mưa thấm nhuần có oai lực lớn, nếu tắm mưa này sẽ trừ được nhiều bịnh”, A-nan-đà vâng lời Phật dạy đi thông báo nên khi trời mưa xuống các Bí-sô đều ra đứng ở giữa sân tắm mưa. Lúc đó Tỳ-xá-khư-lộc-tử-mẫu sửa soạn thức ăn xong, trải chỗ ngồi rồi sai thị nữ đến trong rừng Thệ-đa bạch đã đến giờ thọ thỉnh thực, thị nữ này đến nơi thấy cửa đóng, bèn nhìn qua lỗ hỗng cửa thấy các Bí-sô lộ hình tắm mưa ở giữa sân liền cho là ngoại đạo lộ hình, liền trở về bạch lại, Tỳ-xá-khư nghe rồi liền suy nghĩ: “Sáng nay trời mưa nên các Thánh chúng lộ hình tắm trong mưa chứ chẳng phải ngoại đạo lộ hình”, nghĩ rồi liền sai người khác đến gõ cửa bạch đã đến giờ thọ thỉnh thực. Phật cùng đại chúng đến nhà Tỳ-xá-khư ngồi vào chỗ thọ thực… Tỳ-xá-khư bạch Phật: “Cúi xin Thế tôn thương xót chấp nhận tám điều nguyện của con:
Một là con nguyện cúng áo tắm mưa cho các Bí-sô.
Hai là con nguyện cúng áo tắm cho các Bí-sô ni.
Ba là con nguyện cúng thức ăn cho khách Bí-sô mới đến.
Bốn là con nguyện cúng thức ăn cho Bí-sô sắp đi.
Năm là con nguyện cúng thức ăn uống cho Bí-sô bịnh.
Sáu là con nguyện cúng thức ăn cho Bí-sô nuôi bịnh.
Bảy là con nguyện cúng thuốc cho Bí-sô bịnh.
Tám là con nguyện thường cúng cháo cho Tăng”
Phật hỏi: “Do nhân duyên gì cô nguyện cúng áo tắm mưa cho các Bí-sô?”, Tỳ-xá-khư đáp: “Vì hôm nay đến giờ thọ thực con sai thị nữ đến bạch, khi đến cửa chùa nhìn thấy các Bí-sô lộ hình tắm trong mưa liền cho là ngoại đạo lộ hình, cho nên con nguyện cúng áo tắm mưa cho các thánh chúng che thân khi tắm”, Phật hỏi: “Do nhân duyên gì cô nguyện cúng áo tắm cho Bí-sô ni?”, đáp: “Con nhớ trước đây thấy có Bí-sô ni lộ hình tắm trong sông bị người tục chê trách, cho nên con cúng áo tắm cho chư ni che thân khi tắm”, Phật hỏi: “Do nhân duyên gì cô nguyện cúng thức ăn cho khách Bí-sô mới đến?”, đáp: “Vì khách Bí-sô mới đến chưa biết rõ khất thực theo thứ lớp, lại còn mệt nhọc nên cần ăn thức ăn ngon, cho nên con cúng”, Phật lại hỏi: “Do nhân duyên gì cô nguyện cúng thức ăn uống cho bi sô sắp đi?”, đáp: “Bí-sô sắp đi với bạn đồng hành, nếu phải khất thực thì sẽ theo không kịp bạn, cho nên con cúng”, Phật lại hỏi: “Do nhân duyên gì cô nguyện cúng thức ăn cho Bí-sô bịnh?”, đáp: “Vì Bí-sô bịnh nếu không được thức ăn, bịnh sẽ nặng thêm, cho nên con cúng”. Phật lại hỏi: “Do nhân duyên gì cô nguyện cúng thức ăn cho Bí-sô nuôi bịnh?”, đáp: “Vì người nuôi bịnh nếu phải khất thực thì chăm sóc bịnh nhân sẽ không chu toàn, cho uống thuốc trái thời, cho nên con cúng”. Phật lại hỏi: “Do nhân duyên gì cô nguyện cúng thuốc cho Bí-sô bịnh?”, đáp: “Vì nếu không có thuốc thang thì bịnh sẽ khó lành, bịnh hoạn kéo dài sẽ phế bỏ tu phẩm thiện, cho nên con cúng”, Phật lại hỏi: “Do nhân duyên gì cô nguyện thường cúng cháo cho tăng?”, đáp: “Vì các Bí-sô nếu không ăn cháo sáng thì sẽ bị đói bức bách, cho nên con cúng”. Tỳ-xá-khư lại bạch Phật: “Con nghe ở chỗ ___ có Bí-sô qua đời, Phật thọ ký vị ấy chứng quả Dự lưu hoặc chứng quả Nhất lai, Bất lai, A-la-hán. Bạch Thế tôn, các vị đó đã từng đến thành Thất-la-phiệt thọ con cúng dường hay chưa?”, Phật nói: “Đã từng thọ”, Tỳ-xá-khư nói: “Nếu các vị ấy đã từng thọ con cúng dường thì với phước mà con đã thí, nhờ nhân duyên này con sẽ được phước trí viên mãn”, Phật nói: “Lành thay, phước mà cô đã thí công đức viên mãn”.
Sau đó Phật bảo các Bí-sô: “Ta cho phép các Bí-sô cất chưa áo tắm mưa để tùy chỗ tắm rửa”, các Bí-sô không biết may với kích lượng như thế nào nên may hoặc quá rộng hoặc quá chật, đem việc này bạch Phật, Phật nói không nên may như vậy, nên may đúng lượng, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu có Bí-sô may áo tắm mưa nên may đúng lượng, đúng lượng là bề dài sáu trương tay, bề rộng hai trương tay rưỡi của Phật, nếu may quá lượng này phải cắt bỏ, phạm Ba-dật-để-ca”. Áo tắm mưa là dùng để tắm mưa, tự làm hay bảo người làm đều phải làm đúng lượng.
Học Xứ Thứ Chín Mươi: MAY Y ĐỒNG VỚI KÍCH THƯỚC Y CỦA PHẬT
Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, lúc đó Ô-ba-nan-đà may y kích thước bằng y của Phật, chỉ khoác một bên, còn lại bao nhiêu đều dồn ở trên vai, các Bí-sô thấy tưởng là khách mới đến muốn cho mát nên mới đắp y như thế, Ô-ba-nan-đà liền giải thích là do may y bằng kích thước y của Phật, các Bí-sô che trách rồi bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu có Bí-sô may y bằng kích thước y của Phật hoặc hơn thì phạm Ba-dật-để-ca. Kích thước y của Phật là bề dài mười trương tay, bề rộng sáu trương tay của Phật”.
Nếu có Bí-sô là chỉ cho Ô-ba-nan-đà. Mười trương tay của Phật bằng ba mươi trương tay của người thường tức là mười lăm khuỷu tay; bề rộng sáu trương tay của Phật bằng mười tám trương tay của người thường tức là chín khuỷu tay.
VI. BỐN PHÁP BA LA ĐỀ XÁ NI
Nhiếp Tụng:
Thọ của ni chẳng thân thích,
Trong nhà xử phân thức ăn,
Không thỉnh mà đến Học gia,
Thọ thức ăn bên ngoài chùa.
Học Xứ Thứ Nhất: THỌ THỨC ĂN TỪ NI KHÔNG THÂN THÍCH
Phật ở trong Trúc lâm thành Vương xá, lúc đó ở thành Đắc-xoathi-ca có một trưởng giả cưới vợ chưa bao lâu sanh được một con gái, thân có ba đức như hoa Ốt-bát-la xanh: Một là thân có sắc màu vàng ròng như tua của hoa sen, hai là mắt màu xanh biếc như màu lá sen, ba là thân có mùi thơm như hương hoa sen. Sau hai mươi mốt ngày trưởng giả mở tiệc ăn mừng đặt tên cho con, thân tộc bàn với nhau: “Hài nhi này có ba đức của hoa sen xanh nên đặt tên là Thanh-liên-hoa”. Đến khi trưởng thành Thanh-liên-hoa được gả cho con trai của một trưởng giả trong thành, về nhà chồng chưa bao lâu thì cha của Thanh-liên-hoa lâm bịnh qua đời. Thời gian sau, mẹ của Thanh-liên-hoa không thủ chí thờ chồng nên cùng con rễ tư thông, lúc đó Thanh-liên-hoa đã sanh được một gái, một hôm tình cờ bắt gặp mẹ và chồng cùng làm việc phi pháp nên tức giận bồng con gái nói với chồng: “Ngươi là đồ vô loại, sao không cùng đứa bé này làm điều phi pháp luôn đi”, nói rồi quăng đứa bé gái lên cành cây làm đứa bé bị thương nơi đầu. Thanh-liên-hoa lúc đó giận không ngó lại, lấy khăn trùm đầu rồi bỏ nhà đi, gặp một đoàn thương buôn đi về hướng thành Vị độ bèn tháp tùng theo. Vị thương chủ thấy Thanh-liên-hoa nghi dung đoan trang nên hỏi: “Cô đã thuộc về ai chưa?”, đáp: “Ai có thể lo cho tôi cơm áo thì tôi thuộc về người đó”, thương chủ nghe rồi bèn cung cấp y thực cưới làm vợ, sau đó dẫn về nhà cùng ở trải qua thời gian khá lâu. Thời gian sau nhân dịp chở hàng hóa đến thành Đắc-xoa-thi-ca, một người bạn thân nói với thương chủ: “Có của cải mà không thọ lạc, còn đợi đến khi nào. Bạn nên tìm thêm một người con gái đẹp nữa cưới làm vợ”, thương chủ nói: “Nếu có người nào dung nghi tương tợ như Thanh-liên-hoa thì tôi mới cưới”, người bạn nói: “Tại nhà ___ có một người con gái đẹp hơn Thanh-liên-hoa nhiều”, thương chủ nghe rồi liền cùng đến đó xem thử, thấy vừa ý liền hỏi cưới làm vợ rồi dẫn trở về thành Vị độ, cách nhà không xa liền để người vợ mới cưới và phân nửa hàng hóa ở đó rồi về nhà, Thanh-liên-hoa thấy liền hỏi: “Sao ít hàng hóa thế?”, thương chủ nói là bị cướp, Thanh-liênhoa hỏi sao không truy tầm, thương chủ nói: “Tôi vì số hàng hóa bị cướp đó nên muốn trở lại truy tầm”, nói rồi liền ra đi. Sau đó người bạn kia đến nhà thăm, Thanh-liên-hoa nói là đi truy tầm giặc cướp, người bạn kia liền nói: “Không phải là đi truy tầm giặc cướp mà là đến ở với vợ nhỏ”, nói rồi liền kể lại việc trước đó cho Thanh-liên-hoa nghe. Sau đó thương chủ lại trở về nhà, Thanh-liên-hoa liền hỏi: “Ông đã cưới vợ khác sao không dẫn về đây?”, thương chủ nói: “Tôi sợ có tranh chấp nên không dám dẫn về”, Thanh-liên-hoa nói: “Nếu nàng ấy tương tợ với tôi thì tôi coi như chị em, nếu nhỏ hơn tôi nhiều thì tôi coi như con gái, sẽ không có tranh chấp”. Thương chủ nghe rồi liền dẫn vợ nhỏ về nhà, Thanh-liên-hoa nghe nói là đồng hương nên đặc biệt lưu tâm từ niệm, một hôm ngồi chải tóc cho người vợ nhỏ thấy trên đầu có vết sẹo liền hỏi nguyên do, người vợ nhỏ này nói: “Người trong nhà nói khi em còn bé, mẹ em giận ba em vì một việc gì đó nên quăng em lên cây làm em bị thương trên đầu, do đó có vết sẹo này”, Thanh-liên-hoa hỏi thêm về nhà cửa, chỗ ở, sau khi nghe nói rồi liền biết người vợ nhỏ này chính là con gái trước kia của mình, trong lòng thương cảm suy nghĩ: “Xưa cùng mẹ đồng chồng, nay cùng con đồng chồng, thật là đau lòng, đáng tởm biết bao”. Nghĩ rồi liền lấy khăn trùm đầu bỏ nhà đi, tháp tùng theo các thương nhơn đi đến thành Quảng nghiêm, tại đây Thanh-liên-hoa không làm dâm nữ mà chỉ tư thông với các người nam trong thành. Các dâm nữ trong thành liền đến nói với Thanh-liên-hoa rằng: “Cô trộm pháp của chúng tôi để kiếm sống mà không nói một lời tình nghĩa gì cả, cô có thuật gì dụ hoặc được họ?”, Thanh-liên-hoa nói: “Tôi không có thuật gì khác, nhưng không có một người nam nào gặp mà lại không theo tôi”, các dâm nữ nói: “Nếu như lời cô nói thì trong thành này có một nam tử bán hương đã thành tựu pháp quán bất tịnh, đối với người nữ sanh tâm nhàm lìa, nếu cô phá hoại được phạm hạnh cùa người nam đó thì chúng tôi sẽ tôn cô là bậc nhất trong giới dâm nữ, nếu cô không làm được thì chúng tôi sẽ phạt cô sáu mươi kim tiền”, Thanh-liên-hoa liền nhận lời. Sau đó Thanh-liên-hoa dọn tới ở gần nhà người nam bán hương, dối lập bày phương tiện rất yêu chồng bằng cách sai thị nữ đến cửa hàng của người nam này mua hương thoa và các loại thuốc nói rằng: “Phu chủ của cô chủ tôi bị bịnh cần dùng các thứ này”, người chủ bán hương này nghe rồi liền nghĩ cô chủ này trinh thuận nên mới đối với chồng tận tâm như thế, dần dần sanh ái luyến. Thời gian sau, Thanhliên-hoa nói dối là chồng chết, khi đi ngang qua cửa hàng bán hương hiện dáng vẻ thương tiếc sầu khổ, người chủ bán hương thấy vậy càng thêm ái luyến… cuối cùng bị Thanh-liên-hoa phá hoại phạm hạnh, không bao lâu sau mang thai, các dâm nữ vô cùng thán phục, suy tôn là bậc nhất trong giới dâm nữ. Lúc đó ở thành Quảng nghiêm, cửa Đông và cửa tây đều có nam tử giữ cửa, hai người này có ước hẹn với nhau là nếu bên này sanh trai, bên kia sanh gái thì cung nhau kết thông gia. Thời gian sau Thanh-liên-hoa sanh được một trai, sợ nuôi con sẽ mất đẹp và các nam tử không tìm đến nữa nên Thanh-liên-hoa giao hài nhi cho thị nữ và một cây đèn nói rằng: “Ngươi hãy đem đứa bé này để ở giữa đường nơi vắng vẻ cùng với cây đèn này, rồi rình xem ai đến mang nó đi”, thị nữ vâng lời làm như lời chủ bảo, thấy người giữ cửa Đông đến bồng đứa bé đi liền trở về báo lại. Lúc đó người giữ cửa Đông bồng hài nhi về giao cho vợ bảo nuôi nấng dạy dỗ như con ruột của mình, sau đó mở tiệc ăn mừng, người giữ cửa Tây liền mang lễ vật đến chúc mừng. Thời gian lâu sau Thanh-liên-hoa lại mang thai và sanh một gái, cũng như lần trước bảo thị nữ đem bỏ giữa đường, lần này người giữ cửa tây đến bồng về nuôi nấng, người giữ cửa Đông lại đem lễ vật đến chúc mừng. Trải qua thời gian lâu sau hai trẻ đều trưởng thành, con trai của người giữ cửa Đông được các bạn rũ đi chơi trong ngày tiết hội, chúng hùn với nhau được sáu mươi kim tiền để được cùng Thanh-liên-hoa hoan lạc. Đứa con trai này sau khi cùng Thanh-liên-hoa giao hoan sanh tâm yêu quý nên dẫn về nhà cùng ở chung. Sau đó không lâu người giữ cửa Đông đến hỏi người giữ cửa Tây có còn nhớ lời ước hẹn trước kia không, người giữ cửa Tây liền nói: “Con trai của bạn đã dẫn dâm nữ về nhà ở chung, sao còn nhắc lại lời ước hẹn trước”, người giữ cửa Đông nói: “Nhắc lại để hỏi cưới thì có lỗi gì?”. Cả hai cùng thực hiện lời ước hẹn trước kia nên con gái của người giữ cửa Tây về làm dâu nhà người giữ cửa Đông. Lúc đó tôn giả Đại Mục-kiền-liên đến khất thực nhà ấy liền nói với người con gái: “Con có biết chăng, người vợ trước của chồng con chính là mẹ ruột của con, chồng con lại là anh ruột của con. Cho nên con chớ nên đố kỵ lẫn nhau khiến tạo thêm nghiệp ác”, nói rồi liền bỏ đi. Thời gian sau Thanh-liên-hoa lại sanh được một trai, người con gái này bồng đứa bé ra ngoài dạo chơi gặp một thầy tướng Bà-lamôn dùng kệ hỏi:
“Nàng đẹp như diệu hoa,
Thâm tín nơi tam bảo,
Hài nhi đang bồng chơi,
Bà con chi với nàng?”
Người con gái nói kệ đáp:
“Bà-la-môn nghe kỹ,
Đây là em của tôi,
Cũng là con anh tôi,
Cũng là con của tôi,
Cũng là em của chồng,
Cha nó là cha tôi,
Vừa là cha là chồng,
Thánh giả từ bi nói”.
Bà-la-môn nghe rồi cười bỏ đi. Lúc đó Thanh-liên-hoa ở trong nhà nghe được lấy làm lạ hỏi thị nữ: “Cả hai vừa nói việc gì?”, thị nữ thuật lại đầy đủ, Thanh-liên-hoa nghe rồi liền suy nghĩ: “Ta do tạo nghiệp gì, trước kia cùng mẹ đồng chồng, sau cùng con gái đồng rễ, nay lại cùng con gái đồng chồng vừa là con vừa là rễ”, nghĩ rồi gieo mình xuống đất, cảm thấy xấu hổ biết bao, nghĩ rồi liền bỏ nhà ra đi, tháp tùng theo các thương nhơn đi đến thành Vương xá. Lúc đó có năm trăm người nam trong thành này thường tụ tập vui chơi, nghe tiếng tăm của Thanh-liênhoa nên đưa năm trăm kim tiền cùng Thanh-liên-hoa đến trong vườn cỏ thơm hoan lạ. Lúc đó tôn giả Đại Mục-kiền-liên biết Thanh-liên-hoa đã đến lúc được giáo hóa nên đến trong vườn đó kinh hành dưới một gốc cây, một trong những ngưới nam này trông thấy liền nói với Thanhliên-hoa: “Cô có thấy tôn giả kia không, tôn giả đó có đại oai thần, giới hạnh thanh khiết, bùn lầy tham dục không thể làm nhiễm ô, cô có thể khiến cho tôn giả sanh tâm nhiễm hay không?”, Thanh-liên-hoa nói: “Trước kia tôi đã làm cho nam tử bán hương tu quán bất tịnh thành tựu phải sanh tâm nhiễm đắm huống chi là người này”. Nói rồi liền đến chỗ tôn giả hiện vẻ yêu kiều, dùng thân xúc chạm tôn giả, tôn giả liền vọt lên hư không nói kệ:
“Ngươi đem thân do xương nối kết đáng nhàm,
Tất cả gân mạch ràng buộc lại với nhau,
Thân này vốn do tinh huyết được thành tựu,
Nương người khác kiếm sống bảo đến khinh ta,
Đãy da bao bọc đầy ắp chất bất tịnh,
Ngày đêm ăn vào thải ra không ngừng dứt,
Chín lỗ thường chảy, ghẻ không lành,
Dọc ngang khí uế chứa đầy thân,
Nếu mọi người ngộ biết việc này,
Như ta biết thân ngươi bất tịnh,
Ví như nhà xí không thể gần,
Bỏ đó lìa xa, tâm không đắm,
Do họ mù mờ, không mắt huệ,
Thường bị ngu si che khuất lấp,
Do tâm mê này yêu thích ngươi,
Giống như voi già lún bùn sâu”.
Thanh-liên-hoa mắt thấy tôn giả thần lực hi hữu, nghe kệ xét thấy thân mình là bất tịnh, từ xa kính lễ tôn giả rồi nói kệ:
“Con biết thân do xương nối kết đáng nhàm,
Tất cả gân mạch ràng buộc lại với nhau,
Thân này vốn do tinh huyết được thành tựu,
Nương người khác kiếm sống bảo liền khinh nhau,
Đãy da bao bọc đầy ắp chất bất tịnh,
Ngày đêm ăn vào thảy ra không ngừng dứt,
Chín lỗ thường chảy bất tịnh, ghẻ không lành,
Dọc ngang khí uế chứa đầy thân,
Nếu mọi người ngộ biết việc này,
Như đại Thánh giả biết bất tịnh,
Ví như nhà xí không thể gần,
Bỏ đó lìa xa, tâm không đắm,
Do họ mù mờ không mắt huệ,
Thường bị ngu si che khuất lấp,
Do tâm mê này yêu thích con,
Giống như voi già lún bùn sâu.
Cúi xin Đại thánh hiện thân xuống,
Vì con giảng nói pháp vi diệu,
Xuất gia trong Thánh giáo tối thắng,
Phát nguyện thường tu hạnh ly dục”.
Lúc đó tôn giả vì thương xót nên hiện thân trở xuống, quán xét căn cơ nói pháp khiến cho Thanh-liên-hoa được Kiến đế. Đã Kiến đế rồi liền đảnh lễ tôn giả cầu xin xuất gia, sau đó trở lại chỗ năm trăm người nam trả lại tiền cho họ, xấu hổ tạ tội, mọi người tùy hỉ đồng đến đảnh lễ tôn giả rồi đi. Đại Mục-kiền-liên sau đó dẫn Thanh-liên-hoa đến chỗ Thế tôn đảnh lễ Phật rồi đem việc trên bạch Phật, Thế tôn viết thư cho Đại thế chủ bảo Thanh-liên-hoa mang đến thành Thất-la-phiệt, vua Ảnh-thắng sai người đưa Thanh-liên-hoa đến đó để xuất gia. Sau khi được xuất gia, cô nổ lực siêng tu không ngơi nghỉ, không bao lâu sau đắc quả A-la-hán, được Phật khen là thần lực bậc nhất trong các Bí-sô ni. Phật bảo các Bí-sô: “Các thầy nên quán sát trong biển sanh tử luân hồi bất định, ai không phải là cha mẹ, ai không phải là con trai con gái và bao nhiêu thân thức khác như Thanh-liên-hoa, ngay trong thân tộc còn làm việc phi pháp huống chi là cách đời, nếu không chứng Thánh quả thì trầm luân mãi không thôi. Các thầy ở trong ba cõi nên cầu xuất ly như lửa cháy đầu, cảnh dục thế gian không có hạn kỳ nhàm đủ nên mau xa lìa, tu tưởng vô thường, khởi tưởng thây hôi thối, ngày đêm hệ niệm quán chiếu, nên học như thế”. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Vì nhân duyên gì thân của Thanh-liên-hoa có đủ ba đức như Thế-lại đối với thân tộc làm điều tạp loạn. Sau khi xuất gia liền chứng được quả A-la-hán, được Phật khen ngợi là thần lực bậc nhất trong các Bí-sô ni?”, Phật bảo các Bí-sô: “Thuở xưa có một thương chủ mang hàng hóa đến phương khác kinh doanh để vợ ở lại nhà, thời gian sau do phiền não bức bách, bị lửa dục đốt lòng, người vợ thấy nhà của dâm nữ cách đó không xa thường có nam tử lui tới nên tình sanh ưa thích. Người vợ này liền hỏi một bà già: “Làm phước nghiệp gì để những mong cầu của mình được xứng ý?”, bà già nói: “Hãy cúng dường thức ăn và các món cần dùng cho vị thắng phước điền thì mọi sở nguyện đều được thành tựu”. Sau đó bà già chỉ người vợ của thương chủ đến cúng dường cho một vị Độc giác, người vợ này cúng dường thức ăn và hoa sen xanh rồi phát nguyện: “Nguyện công đức cúng dường này ở đời vị lai được thân đoan nghiêm như sắc hoa sen xanh, mùi thơm viên mãn thuân theo ý mong cầu của người nam không để thiếu thốn, cho đến được đại thần lực, gặp bậc đại sư đích thân thừa sự’.”
Phật bảo các Bí-sô: “Tiền thân của Thanh-liên-hoa thường làm mai mối cho nhiều người ở trong thân tộc cùng làm việc phi pháp. Xưa do phát nguyện nên nay được thân thắng diệu có ba đức của hoa sen, do xưa làm mai mối cho trong thân tộc nên nay ở trong thân tộc của mình tự chiêu lấy quả báo. Lại do nguyện lực nên gặp Mục liên dẫn đến gặp ta, được xuất gia chứng quả A-la-hán”.
Phật ở trong thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô ni Thanh-liên-hoa dã chứng quả rồi do kính trọng Tam bảo nên phát nguyện: “Khất thực được thức ăn lần đầu sẽ dâng cúng cho Tăng, khất thực được lần sau mới tự thọ dụng”. Một hôm, sau khi khất thực được thức ăn dâng cúng cho Tăng rồi, khất thực lần sau định thọ dụng thì gặp một Bí-sô mang bát không trở về, cô liền đưa phần ăn của mình cúng cho vị ấy, tự mình phải nhịn đói. Qua hôm sau, thức ăn khất thực được lần đầu đem cúng cho Tăng rồi, thức ăn khất thực được lần sau định ăn thì gặp Ô-ba-nanđà, Ô-ba-nan-đà muốn thử tâm cô nên đến hỏi xin thức ăn, cô liền đem phần thức ăn của mình cúng cho Ô-ba-nan-đà, tự mình phải nhịn đói như vậy là trọn hai ngày. Qua sáng hôm sau trong lúc theo thứ lớp khất thực, do bị đói hai ngày và do khí trời nóng bức nên cô ngã xỉu giữa đường, ngoại đạo thấy rồi cùng nhau bàn tán: “Nghe nói Thanh-liênhoa lìa dục đắc quả, tại sao nay gặp Thích ca tử lại khởi tâm dục nhiễm ngã xỉu như thế”, các Bí-sô nghe biết liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu có Bí-sô trên đường đi trong thôn xóm, từ chỗ Bí-sô ni không phải bà con tự tay thọ thức ăn để ăn thì Bí-sô này sau khi trở về trú xứ nên đến chỗ các Bí-sô ở ngoài thôn nói riêng từng vị: Đại đức, tôi phạm ác pháp đối thuyết, là việc không nên làm, nay đối trước đại đức thuyết hối. Đây gọi là pháp đối thuyết”.
Nếu có Bí-sô là chỉ cho Ô-ba-nan-đà. Thức ăn là chỉ cho hai loại của năm món ăn. Bí-sô này là chỉ cho người phạm tội.
Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?
Nếu Bí-sô đối với ni không phải bà con, khởi tưởng không phải bà con và nghi ở trên đường đi trong thôn tự tay nhận thức ăn thuộc trong hai loại của năm món ăn, khi ăn phạm tội Đối thuyết. Nếu ni là bà con, khởi tưởng không phải là bà con và nghi thì phạm Ác-tác. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.
Học Xứ Thứ Hai: THỌ THỨC ĂN DO BÍ SÔ NI CHỈ TRAO
Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc thành Thất-la-phiệt, lúc đó trong thế gian mất mùa đói kém khất thực khó được, Lục chúng đến chỗ chúng mười hai ni được mời dùng tiểu thực, Lục chúng không thọ nói
rằng: “Nếu khi thí chủ thỉnh Tăng thọ thực, các cô nên chỉ vẽ thí chủ dâng cúng thức ăn ngon cho chúng tôi thì chúng tôi mới ăn”, chúng mười hai ni nhận lời. Sau đó có thí chủ thỉnh Phật và tăng đến nhà thọ thực, Phật không đến chỉ có chúng tăng đến, khi chúng tăng ăn, ni Thổ la-nan-đà bảo thí chủ: “Thánh giả Nan-đà… sáu vị này là thuộc dòng họ Thích xuất gia thông suốt ba tạng, là bậc đại pháp sư, cô hảy dâng thức ăn ngon tới cho các thánh giả đó”, thí chủ nghe rồi liền dâng thức ăn ngon đến cho sáu vị nhiều hơn các Bí-sô khác, khiến các Bí-sô kia ăn không đủ no. Thí chủ thấy vậy biết mình đã làm việc phi pháp, cúng dường không có tâm bình đẳng bèn chê trách cô ni, vị thị giả mang thức ăn về cho Phật đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu có nhiều Bí-sô thọ thực ở nhà bạch y, có Bí-sô ni chỉ vẽ thí chủ nên dâng cúng thức ăn ngon cho Bí-sô này… thì các Bí-sô nên bảo cô ni kia rằng: Cô đừng nên làm như vậy, hãy đợi các Bí-sô ăn xong. Nếu không có một vị nào nói lời như thế thì các Bí-so sau khi trở về trú xứ nên nên chỗ các Bí-sô ở ngoài thôn nói riêng từng vị: Đại đức, tôi phạm ác pháp đối thuyết, là việc không nên làm, nay đối trước đại đức thuyết hối. Đó gọi là pháp đối thuyết”.
Nếu có nhiều Bí-sô là chỉ cho hai, ba người trở lên. Bí-sô ni là chỉ cho ni Thổ la-nan-đà. Các Bí-sô là chỉ cho người nói lời khiển trách. Nếu không có một vị nào là nói số lượng tối thiểu. Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?
Nếu Bí-sô ăn ăn ở gác trên và ở gác giữa, lúc đó ở gác trên có ni chỉ vẽ thì trong các Bí-sô nay nên có một vị nói lời khiển trách cô ni, nếu không có ai khiển trách cô ni thì các Bí-sô đều phạm pháp đối thuyết. Bí-sô ăn ở gác giữa nên hỏi Bí-sô ở gác trên đả có ai khiển trách cô ni đó chưa, nếu không hỏi mà ăn thỉ đếu phạm Ác-tác. Nếu Bí-sô ăn ở tầng trệt và ở phòng trong cũng chuẩn theo trên nên biết. Nếu Bí-sô từ trong nhà đi ra, có Bí-sô khác từ ngoài đến, vào trong nhà nếu nghe có tiếng cô ni chỉ vẽ thì nên hòi Bí-sô vừa mới đi ra là có vị nào khiển trách cô ni chưa, nếu không hỏi mà ăn thì phạm Ác-tác. Nếu thí chủ dọn ăn ở nhiều chỗ, chỗ nào có cô ni chỉ vẽ thì chỗ đó phạm bổn tội, các chỗ khác phạm khinh. Nếu thí chủ duyên nơi cô ni này mà dâng cúng thức ăn cho Tăng thì tùy cô có chỉ vẽ gì, Bí-sô đều không phạm. Hoặc tuy có chỉ vẽ nhưng với tâm không phân biệt, hoặc thấy có vị không được thức ăn nên bảo thí chủ mang đến đều không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.