CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 44

Học Xứ Thứ Tám Mươi Hai: VÀO CỬA CUNG VUA

Tổng Nhiếp Tụng:

Trước hết hai Nan-đà,
Bảy ngày và Thiện dữ,
Năm người bốn hy hữu,
Thắng man chỉ bảo vua,
Hai thành có thạnh suy,
Nguyệt-quang khuya bạch vua,
Tiên-đạo xuất gia rồi,
Ảnh-thắng hỏi kệ tụng,
Đảnh-kế hại mạng cha,
Sẽ đọa trong Vô gián,
Nghe lời hai nịnh thần,
Báng không có La hán
Hai thần mang báu đi,
Bụi cát đầy khắp thành,
Đại thần đem nữ nam,
Đều giao cho sư chủ,
Cám-nhan đi theo thầy,
Nhân duyên của Tiên-đạo,
Duyên Thiện tài xây chùa,
Chuẩn-đà luận bảy phước,
Tráng sĩ Khoáng-dã-thủ,
Cám-dung chứng Bất hoàn,
Vô tỷ, người xỏ kim,
Trình bày việc Sư tử,
Hai người nói thiện ác,
Cám-dung đều bị thiêu,
Khúc tích cúng tăng nhơn,
Vào vương cung sau cùng.

1. Hai Long vương Nan-đà và Ô-ba-nan-đà: Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Phật bảo các Bísô: “Các thầy nên ở dưới gốc cây hoặc nơi Lan-nhã… hoặc chỗ đất trống hoặc nơi rừng thây chế… ở những chỗ như thế phải loại bỏ ngoại duyên, chánh tâm tĩnh lự để đoạn trừ phiền não, chớ có buông lung sau sẽ hối hận, đây là lời giáo giới chân thật của ta”. Sau đó có một Bí-sô được thế tục thông bèn lên núi Diệu cao tĩnh lự, bên dưới núi Diệu cao này từ Kim luân cho đến đáy biển có tám vạn Du thiện na, từ mặt nước biển lên cao cũng như vậy; bốn bên núi, mỗi bên đều có hai ngàn Du thiện na. Hình dạng núi oai nghiêm hùng vĩ trời người đều thích ngắm nhìn, bên trên có ba mươi ba cung trời do bốn báu tạo thành, phía Đông là thủy tinh, phía Nam là phệ lưu ly, phía Tây là bạch ngân, phía Bắc là huỳnh kim. Dưới núi là biển, trong biển có cung điện của Long vương cũng do bốn báu tạo thành, thọ dụng đầy đủ, có hai Long vương Nan-đà và Ô-ba-nan-đà nương ở, mỗi Long vương đều có tám vạn bốn ngàn rồng làm quyến thuộc. Dù là vua của loài Kim súy điểu cũng không thể hại được hai Long vương này, thức ăn uống của hai Long vương đồng với chư thiên nhưng vì do tham ái nên mỗi con dùng thân hình của mình quấn quanh núi bảy vòng và ngẩng đầu lên, lúc đó hai Long vương suy nghĩ: “Tất cả đồ thọ dụng đều do phước nghiệp của ta chiêu cảm được”. Hai Long vương này do tâm ganh ghét não hại nên mỗi ngày ba lần phun hơi độc khiến cho tất cả cầm thú trong vòng hai trăm năm mươi Du thiện na bị hơi độc này mà chết, các Bí-sô tu tĩnh lự trên núi cũng bị hơi độc này làm cho da thịt biến sắc trở nên vàng vỏ, Long vương phun hơi độc rồi liền ngủ mê. Như Phật đã dạy các Bí-sô mỗi nửa tháng tụ họp làm lễ trưởng tịnh, cho nên các Bí-sô này đến tập họp để trưởng tịnh, các Bí-sô trú xứ vừa gặp liền hỏi: “Vì sao da vẻ của các thầy trở nên vàng vỏ như thế?”, các Bí-sô tu tĩnh lự này liền đem sự việc trên kể lại, các Bí-sô trú xứ nghe rồi liền nói: “Rồng gây não hại như vậy tại sao không điều phục nó?”, các Bí-sô tu tĩnh lự nói: “Chỉ có Phật và các bậc đại Thanh văn mới có thể điều phục được rồng, chúng tôi không thể”. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật liền suy nghĩ: “Trong các đệ tử của ta ai có thể hàng phục được hai rồng này”, Phật quán biết chỉ có Đại Mục-kiền-liên mới hàng phục được liền bảo Mục-liên đến núi đó hàng phục hai rồng này, Đại Mục-kiền-liên vâng lời Phật dạy liền nhập định, biến mất ở thành Thất-la-phiệt rồi hiện thân ở trên núi Diệu cao kinh hành trên thân của hai Long vương nhưng hai Long vương đang ngủ mê không hay biết. Lúc đó tôn giả suy nghĩ: “Có hai cách hàng phục được rồng, một là làm cho chúng nổi giận, hai là làm cho chúng hoảng sợ. Nếu ta làm cho chúng nổi giận thì châu Thiệm bộ này sẽ bị chấn động, ta nay nên làm cho chúng hoảng sợ”, nghĩ rồi tôn giả liền hóa làm con rồng lớn gấp ba lần hai Long vương quấn bên ngoài hai Long vương bảy vòng rồi ngẩng đầu lên. Hai Long vương cảm thấy thân mình nặng bèn thức dậy, thấy thân con rồng kia quá lớn nên hoảng sợ không biết phải làm sao liền suy nghĩ: “Chỗ ở này đã bị kẻ khác chiếm đoạt rồi”, nghĩ rồi liền hóa thành thân nhỏ bé trốn đi, vừa ra khỏi Long cung liền gặp tôn giả Đại Mục-kiền-liên đứng ở phía trước hỏi muốn đi đâu, hai Long vương nói: “Có một con rồng rất lớn chiếm lấy Long cung muốn hại chúng tôi nên chúng tôi muốn trốn đi nơi khác”, tôn giả nói: “Ta vừa vào trong Long cung của ngươi sao không thấy”, hai Long vương nói: “Chính chúng tôi trông thấy nó mà”, tôn giả nói: “Hai ngươi hãy trở lại đó chỉ cho ta xem”, hai Long vương nói: “Thánh giả muốn nó giết chúng tôi sao?”, tôn giả nói: “Ta cùng đi, nó không dám giết hại hai ngươi đâu”. Hai rồng cùng tôn giả trở lại trú xứ chỉ thấy Long cung trống, không có rồng nào cả, hai Long vương liền hỏi: “Há chẳng phải Thánh giả thấy chúng tôi kiêu mạn hung bạo nên biến hiện ra như thế để khúng bố chúng tôi hay sao?”, tôn giả nói: “Cũng có thể như thế”, hai rồng hỏi: “Do duyên gì Thánh giả đến đây?”, tôn giả nói: “Hai Long vương lắng nghe: quá khứ hai ngươi đã tạo ác nghiệp nên nay đọa trong loài bàng sanh; đã thọ ác báo này lại còn khởi tâm ác phun hơi độc não hại hữu tình, sau khi bỏ thân này trừ cõi Nại-lạc-ca sẽ không thọ sanh vào cõi nào khác”, hai Long vương đảnh lễ rồi nói: “Vậy chúng tôi nên làm thế nào?”, tôn giả nói: “Hai ngươi nên quy y Tam bảo thọ trì năm học xứ, đối với các loài cầm thú nương ở chung quanh núi Diệu cao này hai ngươi nên khởi tâm bố thí vô úy, khiến chúng không sợ hãi nữa”, hai Long vương nói: “Chúng tôi ngu si không có huệ giác, may nhờ Thánh giả cứu vớt khỏi bể khổ, chúng tôi từ nay xin nghe theo lời dạy bảo của Thánh giả quy y Tam bảo và thọ trì năm học xứ, bỏ tâm sân độc đối với chúng hữu tình không làm cho khổ não nữa”. Tôn giả Đại Mục-kiềnliên hàng phục được hai rồng rồi định trở về bổn xứ thì hai rồng bạch: “Chúng con nhờ Thánh giả cứu vớt ra khỏi bến mê, nay Thánh giả trở về cho chúng con kính lời thăm hỏi Thế tôn có được ít bịnh, ít não, khinh an không, cúi xin Thế tôn từ bi khi các Bí-sô, Bí-sô ni thọ thực xong tụng kệ Phước hãy gọi tên chúng con để cứu vớt chúng con bỏ ác nghiệp này sẽ sanh vào cõi lành”, tôn giả nhận lời bạch giúp hai rồng rồi liền biến mất ở núi Diệu cao, như tráng sĩ co duỗi cánh tay hiện trở lại ở rừng Thệđa đến chỗ Thế tôn đảnh lễ bạch Phật: “Thế tôn, con đã hàng phục được hai rồng Nan-đà và Ô-ba-nan-đà rồi, chúng cũng đã thọ Tam quy và năm học xứ nên đối với các hữu tình chung quanh núi Diệu cao đều khởi tâm từ bi. Hai Long vương nhờ con kính chuyển lời thăm hỏi Thế tôn có được ít bịnh… như đoạn văn trên cho đến câu được sanh vào cõi lành”, Phật nghe rồi khen rằng: “Lành thay, hai Long vương đã sanh tâm nhàm lìa”, Phật liền bảo các Bí-sô: “Từ nay về sau, các Bí-sô, Bí-sô ni mỗi khi ăn xong nên nói kệ Đạc-kỳ-noa, xưng tên của hai Long vương chú nguyện khiến bỏ cõi ác sanh vào cõi lành. Nên làm như thế, nếu không y theo thì phạm Ác-tác”. Kể từ đó hai Long vương mỗi tháng vào ngày mồng tám, rằm và cuối tháng nếu là ban ngày thì biến hình người, nếu là ban đêm thì giữ nguyên hình trạng rồng để đến chỗ Thế tôn nghe pháp. Mỗi lần từ núi Diệu cao đến thành Thất-la-phiệt, Long vương đều bố trí Long binh ở tả hữu hai bên đường khắp trong hư không làm thị vệ. Lúc đó là vào ban ngày nên hai Long vương biến thành hai trưởng giả đến chỗ Phật nghe pháp, vua Thắng quang lúc đó cũng đến chỗ Phật… duyên khởi giống như trong giới năm mươi tám, chỉ khác tên của nhà vua là Thắng quang và tên của hai Long vương này là Nan-đà và Ô-banan-đà, cho đến câu vua ra lịnh tả hữu: “Các người chờ hai trưởng giả đó ra về đến cửa ngỏ thì chém đầu cho ta”. Các long binh trên hư không nghe biết nhà vua vì phẫn hận mà nói lời này đều giận dữ nói với nhau: “Chúng ta có thể đập tan núi Diệu cao, làm nghiêng đổ hết nước trong biển cả, nhà vua dựa vào đâu mà dám nói như thế”, nói rồi các long binh nổi mây giáng xuống mưa đá và sấm chớp, dao kiếm khắp trong hư không chực chờ rơi xuống. Lúc đó Thế tôn được niệm không quên liền bảo tôn giả Đại Mục-kiền-liên đến cứu nguy cho vua Thắng quang và dân chúng trong thành. Tôn giả vâng lời Phật dạy liền nhập định Từ khiến cho mưa đá và dao kiếm trong hư không biến thành mưa hoa trời rơi xuống. Lúc đó vua Thắng quang vừa về đến cung thấy mưa hoa trời rơi xuống cho là hi hữu liền tập họp các phi hậu, vương tử, đại thần… nói rằng: “Ta vừa từ rừng Thệ-đa về đến thấy có vô số hoa trời rơi xuống, thất là hi hữu không biết do oai lực nào mà có?”, cận thần a dua tâu rằng: “Đây là do đại vương như pháp giáo hóa, không làm điều ác khiến dân khổ sở nên chư thiên hoan hỉ mưa hoa xuống”, vua nói: “Chính là do ta thường dùng pháp an dân nên phước lực được như vậy”, các cung phi nói: “Do chúng tôi trinh thuận một lòng với quốc chủ nên chư thiên soi xét mà hiện điềm lành này”, thái tử nói: “Do con biết hiếu dưỡng cha mẹ nên thần linh cảm ứng hiện điềm lành này”, đại thần nói: “Do chúng tôi đều phụng lịnh giúp vua trị nước an dân nên được điếm lành này”… Nhà vua nghe rồi liền suy nghĩ: “Đây là việc hi hữu, ta nên đến thỉnh hỏi Thế tôn”, nghĩ rồi vua liền mang một ít hoa trời đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi đem việc trên bạch Phật, Phật nói: “Đại vương, hoa trời này chẳng phải do phước lực của đại vương, cũng chẳng phải do các cung phi, vương tử…. Mà chính là do sức oai thần của tôn giả Đại Mụckiền-liên. Nếu vừa rồi Mục liên không nhập định Từ biến mưa đá và dao kiếm trong hư không thành mưa hoa trời thì vua và bá tánh trong thành Thất-la-phiệt đều thành tro bụi. Do vậy vua và thần dân nên cúng dường Đại Mục-kiền-liên”, vua nói: “Vì sao chỉ do phước lực của một Thánh giả Đại Mục-kiền-liên mà không phải do Thế tôn hay các đệ tử khác?”, Phật nói: “Nếu vua nghi ngờ thì hãy trút số hoa trời xuống đất thì sẽ hiểu”. Vua nghe lời trút hoa trời xuống đất, liền thấy hoa biến thành dao kiếm, vua kinh hoàng bạch Phật: “Thế tôn, các loại dao kiếm này từ đâu đến?”, Phật nói: “Nhà vua còn nhớ trước đây không lâu, vua do tâm sân hận nên nói ra lời bạo ác là ra lịnh tả hữu giết chết hai Long vương nên các long binh nổi giận giáng mưa đá và dao kiếm xuống, nhờ Mục liên nhập định từ biến mưa đá và dao kiếm này thành mưa hoa trời rơi xuống”, vua nói: “Thế tôn, con chưa hề gặp hai Long vương thì làm sao ra lịnh chém đầu cho được?”, Phật nói: “Nhà vua không nhớ khi đến chỗ ta gặp hai trưởng giả đang nghe pháp, thấy nhà vua đến không đứng dậy chào hỏi nên vua sân giận, sau đó ra lịnh cho tả hữa chém đầu hai trưởng giả, hai trưởng giả đó chính là hai Long vương biến hình đến chỗ ta nghe pháp”, vua nghe rồi liền nói: “Do con mắt thịt không biết thần long nên phạm lỗi, nay con nên làm thế nào?”, Phật nói nên sám ma, vua nói: “Hai Long vương ở trên núi Diệu cao làm sao con sám tạ được”, Phật nói: “Mỗi tháng vào những ngày mồng tám và ngày trưởng tịnh, hai Long vương đó đều đến chỗ ta nghe pháp, vua cũng nên đến, ta sẽ chỉ hai Long vương cho nhà vua sám tạ”, vua hỏi: “Khi con sám tạ Long vương có cần đảnh lễ hay không?”, Phật nói: “Vua chỉ cần duỗi tay hữu ra trước rồng nói rằng: Tôi đã nói lời thô ác xin hai Long vương dung thứ cho tôi, lúc đó hai Long vương sẽ dung thứ cho nhà vua”. Sau đó đến ngày trưởng tịnh, hai Long vương biến hính người đến chỗ Phật, vua cũng đến, Phật liền hiện tướng cho vua biết, vua liền như lời Phật dạy đến trước hai rồng nói lời sám ma, lúc đó hai rồng nói: “Lành thay đại vương, chúng ta cùng dung thứ cho nhau”.

2. Bảy ngày: Lúc đó vua Thắng quang muốn báo ân thánh giả Đại Mục-kiền-liên nên thỉnh Phật và Tăng cúng dường trong bảy ngày, Thế tôn im lặng nhận lời, nhà vua biết Phật đã nhận lời nên bảo các đại thần: “Ta duyên nơi thánh giả Đại Mục-kiền-liên nên thỉnh Phật và Tăng đến trong cung cúng dường trong bảy ngày. Các khanh nên dọn dẹp đường sá và trang nghiêm thành quách và lo liệu các bửa ăn thượng diệu để cúng dường”. Sau khi lo liệu mọi việc xong, nhà vua sai sứ đến thỉnh Phật và tăng, sáng sớm Phật đắp y mang bát cùng đại chúng đến cung vua ngồi vào chỗ thiết thực, nhà vua tự tay dâng cúng thức ăn, sau khi ăn xong Phật nói kệ phước thí và nói pháp cho vua nghe, cứ như thế cho đến bảy ngày.

Thời gian sau do trong cung phát hỏa nên một con voi lớn chết cháy, vua Thắng quang liền ra thông cáo cho quốc dân biết: “Từ nay về sau, ban đêm không được tự tiện đốt lửa, nếu ai trái phạm sẽ bị phạt sáu mươi kim tiền, không nộp tiền thì phải ngồi tù”. Lúc đó các Bí-sô có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, hai Long vương Nan-đà và Ô-ba-nanđà đã tạo nghiệp gì phải đọa trong loài bàng sanh; lại do tạo nghiệp gì mà cung điện đều do bốn báu tạo thành, thọ dụng thức ăn uống đồng như chư thiên, quyến thuộc có đến tám vạn bốn ngàn rồng, dù là vua của loài chim Kim súy điểu cũng không hại được?”, Phật bảo các Bísô: “Hai Long vương này, những nghiệp đã tạo trở lại thọ lấy quả báo không ai thay thế được”. Phật nói kệ:

“Dù trải qua trăm kiếp,
Ngiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội họp,
Tự thọ lấy quả báo”.

Các thầy lắng nghe:

Trong Hiền kiếp xa xưa, lúc con người sống thọ hai vạn tuổi, Phật Ca-diếp-ba xuất hiện ở đời có đủ mười hiệu, lúc đó vua trị nước ở thành Ba-la-nê-tư tên là Ngật lật chỉ khiến đất nước giàu đẹp, dân chúng an vui. Hai đại thần dùng pháp và phi pháp giúp vua trị nước tên là Nan-đà và Ô-ba-nan-đà có người cháu ngoại tên là Vô ưu xuất gia trong giáo pháp của Phật Ca-diếp-ba, siêng năng tu tập không bao lâu sau đoạn tất cả hoặc chứng quả A-la-hán. Lúc đó Vô ưu thường đến chỗ hai cậu nói pháp khuyên ngăn không nên dùng phi pháp giúp vua trị nước, đời sau sẽ thọ quả báo ác, nhưng hai cậu không chịu nghe, nói rằng: “Thánh giả, pháp trị nước không thể chỉ dùng thuần là pháp mà cảm hóa người được”, Vô ưu nói: “Nếu vậy hai cậu nên tu tập tư lương dành cho đời sau”, hai cậu liền hỏi là làm việc gì, Vô ưu nói: “Nên tạo lập trú xứ cho Tăng”, hai cậu nghe lời liền cho xây cất một ngôi chùa lớn cúng dường tăng bốn phương, cúng dường tứ sự đầy đủ, Bí-sô trong nước xem đồng như vương tử, Bí-sô ni xem đồng như cung phi. Nhưng vì hai đại thần này dùng pháp và phi pháp giúp vua trị nước nên có nghiệp ác phải đọa trong loài bàng sanh; nhờ có tạo lập chùa cho Tăng nên cung điện do bốn báu tạo thành; nhờ cúng dường tứ sự cho Tăng nên thọ dụng thức ăn uống đồng như chư thiên; do xem trong các Bí-sô, Bí-sô ni nên quyến thuộc có đến tám vạn bốn ngàn rồng, dù là vua của loài Kim súy điểu cũng không làm hại được.

Này các Bí-sô, nếu tạo nghiệp ác thì chịu quả báo ác; nếu tạo nhơn lành thì được quả báo lành, các thầy nên học như thế”.

3. Thiện dữ: Trong thành Thất-la-phiệt có một trưởng giả tên là Thiện dữ giàu có, thọ dụng dư dã, tài sản sỡ hữu ngang bằng với Tỳ sa môn thiên vương. Trưởng giả này thánh không bỏn xẻn thương ra ân cứu giúp người nghèo khó nên được tên là Thiện dữ, lúc đó ông đến chỗ Phật đảnh lễ, nghe pháp rồi bạch Phật: “Thế tôn, xin Phật thương xót cúng chúng Tăng sáng mai đến nhà con thọ thực”, Phật im lặng nhận lời, trưởng giả biết Phật nhận lời rồi liền đảnh lề ra về, ngay trong đêm đó lo liêu chu tất các món ăn thượng diệu, sáng ngày sai sứ đến bạch Phật đã đến giờ. Sáng sớm Thế tôn đắp y mang bát cùng đại chúng đến nhà trưởng giả, trưởng giả tự tay dâng cúng thức ăn, ăn xong Phật quán căn tánh sai biệt của hai vợ chồng trưởng giả nói pháp khiến ngay nơi chỗ ngồi đều được Kiến đế. Chứng quả dự lưu… Ngay ngày hai vợ chồng đắc quả, đêm đó bà vợ biết mình mang thai, từ đó hai vợ chồng hằng ngày thỉnh Phật và Tăng đến nhà thọ thực cho đến chín tháng trôi qua, Phật lại nói pháp khiến cho hai vợ chồng đều đắc quả Bất hoàn, đến ngày sanh, bà vợ hạ sanh con trai dung mạo đoan nghiêm ai nấy đều yêu mến… Cho đến câu tông thân nhất trí đặt tên cho hài nhi là thần thông vì ngày bé nhập thai là ngày cha mẹ đắc quả dự lưu, ngày bé chào đời là ngày cha mẹ đắc quả Bất hoàn. Trưởng giả giao hài nhi cho tám bà vú chăm sóc… Đồng tử Thần thông khôn lớn dung mạo càng đoan nghiêm đĩnh đạc. một hôm đồng tử đi ngang qua Vương thành, một cung nhơn trên lầu cao từ xa nhìn thấy sanh tâm ái nhiễm liền ném tràng hoa xuống chỗ đồng tử, thị vệ trông thấy liền tâu vua biết, vua nghe rồi nổi giận không kịp tra xét liền ra lịnh pháp quan bắt đồng tử xử tội chết.

Dân chúng trong thành biết đồng tử phi pháp chết uổng nên lớn tiêng kếu oan cho đồng tử, vua nghe được những lời kêu oan này liền suy nghĩ: “Do ta hấp tấp không tìm hiểu thật hư, các khanh và dân chúng hãy thứ lỗi cho ta”. Lúc đó trưởng giả thấy con đã chết, niềm hy vọng nơi con cũng tiêu tán nên đem tất cả gia sản bố thí hết, chỉ để lại một kim tiền mua các phẩm vật bán ra được bốn tiền, hằng ngày lấy một tiền muaa bột hương thoa chà nơi điện Phật, một tiền cúng thức ăn thường nhật cho tăng, một tiền dùng chi tiêu về y thực, còn một tiền làm vốn. Không bao lâu sau trưởng giả khánh tận, nếu có người đến xin thì chỉ cho thức ăn thô dở nên còn được gọi là Thiện dữ thô dở. Lúc đó trưởng giả đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên, Phật hỏi: “Lúc này ông vẫn còn thường bố thí hay sao?”, trưởng giả bạch Phật: “Con vẫn thường bố thí nhưng vì lúc này nghèo khó nếu có cho chỉ cho đồ thô xấu”, Phật nói: “Này trưởng giả, vật bố thí tốt hay xấu đều được quả dị thục. Nếu người bố thí không có tín tâm, không sanh cung kính, không tự tay cho, không cho đúng lúc, không thanh tịnh thì dù vật thí tốt hay xấu vẫn không thể như trưởng giả được quả báo tùy ý thọ dụng. Người ấy đối với nhà cửa… Sắc thanh hương vị xúc mà tâm keo kiệt thì không thể thọ dụng, vì do không có lòng tin… Mà bố thí nên được quả báo như thế. Lại nữa vật bố thí tốt hay xấu nếu tâm tin tưởng, cung kính, tự tay cho, cho đúng lúc, đem vật thanh tịnh bố thí cho người đến xin thì được quả báo như trưởng giả tùy ý thọ dụng. Người ấy đối với nhà cửa… Sắc thanh hương vị xúc, tâm rộng rãi thì thọ dụng nhiều. Trưởng giả hãy lắng nghe: Thuở xưa có một đại Bà-la-môn là quý tộc bậc nhất tên Bệ la ma, thường ở chỗ Bà-la-môn ở dùng tám mươi bốn ngàn thớt voi lớn với yên vàng, lục lạc vàng… để bố thí; lại dùng tám mươi bốn ngàn con ngựa với yên cương bằng vàng…; tám mươi bốn ngàn cỗ xe do bốn báu làm thành, có vẽ hình sư tử hổ báo…; tám mươi bốn ngàn lâu đài đẹp đẽ cũng do bốn báu làm thành; tám mươi bốn ngàn giường ghế cũng do bốn báu làm thành với chăn mền nệm trải đều là thượng hạng; lại dùng tám mươi bốn ngàn cái bát vàng đựng đầy lúa bạc; dùng tám mươi bốn ngàn cái bát bạc đựng đầy lúa vàng; lại dùng tám mươi bốn ngàn cặp bạch điệp thượng diệu; lại dùng tám mươi bốn ngàn con bò cái và con nghé; lại dùng tám mươi bốn ngàn đồng tử với các chuỗi anh lạc bằng bốn báu… để bố thí cho các Bà-la-môn huống chi là y phục và thức ăn thượng diệu. Trưởng giả nên biết, Bà-la-môn đại phú quý bậc nhất bố thí như vậy mà phước đức có được không bằng người chỉ đem thức ăn cúng dường cho một trăm tiên nhơn ngũ thông, ngoại đạo lìa dục vì phước đức này có quả báo thù thắng hơn. Bà-la-môn đại phú quý kia dùng các phẩm vật như đã kể trên cúng cho các Bà-la-môn và một trăm ngoại đạo ẩn sĩ cũng không bằng người chỉ dùng thức ăn cúng dường cho một bồ tát dị sanh chưa lìa dục nhiễm ngồi dưới cội cây Thiệm bộ, vì phước đức này có quả báo thù thắng hơn. Lại nữa Bà-la-môn đại phú quý kia dùng các phẩm vật như đã kể trên cúng dường cho các Bà-lamôn, một trăm ngoại đạo ẩn sĩ và bố tát dị sanh cũng không bằng người chỉ dùng thức ăn cúng dường cho một vị chứng Dự lưu hướng, vì phước đức này có quả báo thù thắng hơn… cứ như vậy nhân lên cho đến không bằng có người chỉ dùng thức ăn cúng dường cho một vị chứng quả A-lahán, vì phước đức này có quả báo thù thắng hơn. Lại nữa, như Bà-lamôn đại phú quý kia dùng các loại nhạc cụ thắng diệu huệ thí cho các Bà-la-môn, một trăm ẩn sĩ, bồ tát dị sanh… A-la-hán cũng không bằng người đem khu vườn cúng cho Tăng bốn phương, vì phước đức này có quả báo thù thắng hơn. Lại nữa, như Bà-la-môn đại phú quý kia… cho đến đem khu vườn cúng dường cho Tăng bốn phương cũng không bằng người xây cất chùa cúng cho Tăng, vì phước đức này có quả báo thù thắng hơn. Lại nữa như Bà-la-môn đại phú quý kia… cho đến xây chùa cúng Tăng cũng không bằng người ở trong chùa ấy đem giường ghế ngọa cụ chăn mền cúng thí cho Tăng, vì phước đức này có quả báo thù thắng hơn. Lại nữa, như Bà-la-môn đại phú quý kia… cho đến đem giường ghế… mền gối cúng thí Tăng cũng không bằng người ở trong chùa ấy hằng ngày cúng thức ăn cho Tăng, vì phước đức này có quả báo thù thắng hơn. Lại nữa, như Bà-la-môn đại phú quý kia… cho đến ở trong chùa đó cúng thức ăn hằng ngày cho Tăng cũng không bằng người trọn đời quy y Tam bảo, thọ trì giới hạnh, vì phước đức này có quả báo thù thắng hơn. Lại nữa, như Bà-la-môn đại phú quý kia… cho đến quy y Tam bảo, thọ trì học xứ cũng không bằng người đối với tất cả hữu tình tu tập quán Từ chỉ trong một thời gian ngắn, vì phước đức này có quả báo thù thắng hơn. Lại nữa, như Bà-la-môn đại phú quý kia … cho đến tu quán Từ trong một thời gian ngắn cũng không bằng người thông hiểu các hành là vô thường, hoại diệt, đáng nhàm chán, tu tưởng xuất ly, vì phước đức này có quả báo thù thắng hơn. Do nhân duyên này trưởng giả nên biết, thường tu quán các hành vô thường… mong cầu xuất ly là pháp môn chính yếu mau được giải thoát. Nên học như thế, nên tu như thế, chớ có buông lung”. Lúc đó trưởng giả Thiện dữ và đại chúng nghe Phật thuyết giảng xong liền đảnh lễ Phật, hoan hỉ phụng hành rồi lui ra. Trưởng giả về nhà ngay trong đếm đó thắp đèn đọc lời Phật dạy, quan tuần tra đi tuần bắt gặp ánh đèn trong nhà trưởng giả liền hỏi: “Há ông không biết nhà vua đã ra thông báo không được đốt đèn ban đêm, nếu ai trái nghịch thì phạt sáu mươi kim tiền, nếu không nộp tiền thì phải ngồi tù hay sao?”, trưởng giả nói có biết, quan tuần tra hỏi: “Nếu đã biết tại sao còn thắp đèn?”, trưởng giả nói: “Vì tôi muốn đọc lời Phật dạy”, quan tuần tra bắt trưởng giả nộp tiền phạt, trưởng giả không có tiền nộp phạt nên chịu ngồi tù. Nhà vua cho xây ngục tù có phân biệt ba bậc, người có phẩm hàm cao quý thì nhốt ở tầng trên, người bậc trung nhốt ở tầng giữa, thứ dân ti tiện thì nhốt ở tầng dưới; trưởng giả được xem là người thuộc dòng tộc thù thắng nên bị nhốt ở tầng trên. Lúc đó Tứ thiên vương biết trưởng giả là bậc gần với quả vị vô học nên vào đầu đêm đến thăm trưởng giả ở trong ngục, trưởng giả nói: “Đại tiên, đây không phải là điều tôi muốn”, Tứ thiên vương hỏi phạm tội gì, trưởng giả kể rõ nguyên nhân phạm tội, Tứ thiên vương nói: “Chúng tôi sẽ mang vàng ngọc đến tùy ý trưởng giả thọ dụng”, trưởng giả nói: “Đại tiên chớ lo lắng, nếu đại tiên có rảnh thì nên nghe diệu pháp”. Tứ thiên vương liền ở lại nghe pháp, do thân quang của Tứ thiên vương chiếu sáng nên từ xa nhà vua trông thấy cho là trong ngục đốt đèn. Đến nửa đêm thì trời Đế thích đến thăm hỏi, cuối đêm Phạm thiên đến thân quang chiếu sáng gấp bội chư thiên trước, tất cả đều ở lại nghe pháp xong mới trở về thiên cung. Tất cả ánh sáng kỳ lạ này nhà vua đều trông thấy nên trời vừa sáng liền hỏi người giữ ngục: “Đêm qua ai đã đốt đèn trong ngục?”, người giữ ngục đáp là không có, nhà vua liền ra lịnh đại thần vào trong ngục tra xét rồi trở vào bạch vua là không có ai đốt đèn, nhà vua hỏi: “Ai bị nhốt ở tầng trên?”, người giữ ngục đáp là trưởng giả Thiện dữ, nhà vua cho đòi trưởng giả đến để tra hỏi: “Trước kia đốt đèn nên chịu ngồi tù, tại sao nay lại đốt đèn nữa?”, trưởng giả đáp là không có đốt, nhà vua nói: “Từ đầu đêm đến cuối đêm đều thấy có ánh sáng chiếu soi, sao lại nói là không có đốt đèn?”, trưởng giả liền đem việc đêm qua kể lại rồi nói: “Đó chính là thân quang của chư thiên không phải là đốt đèn”, vua nghe rồi sanh hoan hỉ cho là hi hữu liền nói: “Trưởng giả có đại lực, tùy ông muốn điều gì ta đều sẽ cung Cấp-đầy đủ”, trưởng giả nói: “Tôi chỉ muốn xin nhà vua một điều”, vua hỏi điều gì, trưởng giả nói: “Tôi muốn ban đêm đọc kinh Phật, xin đại vương đừng cấm ban đêm đốt đèn”, nhà vua nói: “Từ nay trẫm cho phép ban đêm được đốt đèn không phạm tội”. Lúc đó trưởng giả Thiện dữ và những người phạm tội trước đó đều được nhà vua tha tội đều rất vui mừng.