CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 21

Học Xứ Thứ Mười Hai: DÙNG LÔNG DÊ TOÀN ĐEN LÀM PHU CỤ

Đức Bạc-già-phạm ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó các Bí-sô dùng lông dê toàn đen làm phu cụ, tự làm hay bảo người làm. Loại lông dê này khó được và quý giá, các Bísô lại lo liệu mọi việc nên phế bỏ việc chánh tu, đọc tụng, tác ý. Các Bí-sô lại thường đến chỗ Bà-la-môn, Cư sĩ xin lông dê đen nên bị các Bí-sô thiểu dục chê trách rồi đem việc này bạch Phật. Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: …Nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô dùng lông dê toàn đen làm phu cụ mới, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.”

Nếu lại có Bí-so là chỉ cho người ở trong pháp này. Lông dê là không phải các loại lông khác. Đen có bốn: Một là toàn đen, hai là xanh sậm. Ba là màu bùn, bốn là màu xám. Lông dê trong đây là loại toàn đen.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Khi Bí-sô lo liệu lông dê đối với một chút ít, một nắm nhỏ hay một đống cắt hay rọc để làm phu cụ, khi làm phạm ác tác, làm thành thì phạm Xả đọa. Nếu nhận được vật đã làm thành hay vật đã dùng rồi hoặc vật cũ làm cho mới lại để thọ dụng thì không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu, hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Mười Ba: QUÁ PHẦN SỐ LÀM PHU CỤ

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, sau khi Phật cấm các Bí-sô không được dùng lông dê toàn đen làm phu cụ mới, các Bí-sô liền dùng bốn phần lông đen xen với một chút ít các loại lông màu khác để làm phu cụ mới. Các Bí-sô thiểu dục chê trách và bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô làm phu cụ mới bằng lông dê nên dùng hai phần toàn đen, phần thứ ba trắng, phần thứ bốn thô. Nếu Bí-sô không dùng hai phần toàn đen, phần thứ ba trắng, phần thứ bốn thô để làm phu cụ mới thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.”

Đen có bốn loại như trong giới trên đã nói. Trắng là loại lông bên hông, trên xương sống và bên cổ. Thô là loại lông nơi đầu, chân và bụng. Hai phần là nêu số lượng, như muốn làm cái nệm lông mười cân thì năm cân lông toàn đen, hai cân rưỡi lông trắng, hai cân rưỡi lông thô. Làm tăng hay giảm dựa theo đây nên biết, nếu làm khác với số lượng đã chế như hai phần sau có giảm bớt hoặc dùng lông toàn đen, khi làm phạm Ác-tác, làm thành thì phạm Xả đọa. Nếu không vì mình hoặc được vật đã làm thành, hoặc lông đen dễ được, các lông màu khác khó tìm nên tăng giảm đồng đếu thì không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu, hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Mười Bốn: DÙNG PHU CỤ DƯỚI SÁU NĂM

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó các Bí-sô chứa nhiều phu cụ nói với nhau: “Đại đức, cái nệm này dài quá”, hoặc “Đại đức, cái nệm này ngắn quá (nhỏ quá, rộng quá …), nói rồi liền bỏ cái đó để sắm sửa cái mới vừa ý hơn. Do làm phu cụ bận rộn nhiều việc nên sanh lỗi giống như ở giới trên. Các Bí-sô thiểu dục chê trách đem bạch Phật, Phật do duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô làm phu cụ mới, dù tâm không thích cũng phải thọ trì sáu năm, dưới sáu năm không bỏ cái cũ lại làm cái mới, phạm Ni-tát-kỳba-dật-để-ca”.

Một thời khác, Phật trụ trong rừng khoáng dã, vì thời tiết thay đổi bất ngờ lạnh rét nên các Bí-sô bị cảm lạnh, các vị Tri sự có ngọa cụ đều thọ trì sáu năm, do Phật đã chế giới nên không dám làm lại cái mới, do cảm lạnh nên các công việc đã làm đều dừng nghỉ. Thế tôn tuy biết nhưng vẫn hỏi cụ thọ A-nan-đà: “Tại sao Bí-sô Tri sự lại đình chỉ công việc?”, đáp: “Do Phật vừa chế học xứ thọ trì chưa đến sáu năm không được làm phu cụ mới, nhưng phu cụ của Bí-sô Tri sự dùng lâu quá mỏng không thể chịu nổi lạnh rét, nên phải dừng nghỉ công việc đang làm”. Phật nói: “Các Bí-sô Tri sự trông coi các việc vì phu cụ quá mỏng không chịu nổi lạnh rét, tuy phu cụ chưa đủ sáu năm cũng được đến trong Tăng xin trong sáu năm làm lại phu cụ khác. Nên xin như sau: Tập Tăng, Bí-sô tri sự đến trong Tăng ở trước vị Thượng tọa quỳ gối chắp tay bạch: Đại đức tăng lắng nghe, tôi Bí-sô tên ___ làm tri sự trông coi các việc, theo luật trong sáu năm không được làm phu cụ mới, nay đến trong Tăng xin tuy còn trong thời hạn sáu năm được làm lại phu cụ mới. Xin Tăng cho tôi Bí-sô ___ tuy còn trong thời hạn sáu năm được làm lại phu cụ mới, xin thương xót (3 lần). Nếu tăng xét thấy người kia đáng tin thì nên tác pháp cho, hoặc bảo đem cái cũ đến trong Tăng kiểm tra, nếu quá dài thì bảo cắt bỏ bớt, nếu quá ngắn thì nối thêm… tùy theo đó liệu lý, nếu rách nhiều không thể vá được thì Tăng nên tác pháp cho như trong Bách nhất yết ma có nói rõ. Trường hợp là Bí-sô Tri sự, Tăng xét thấy cần cho thì tuy còn trong thời hạn sáu năm vẫn cho tùy ý làm không phải nghi hoặc gì. Lúc đó Thế tôn khen ngợi người trì giới, cung kình giới tùy thuận thuyết pháp rồi bảo các Bí-sô: Trước kia là sáng chế, nay là tùy khai, học xứ này nên nói như sau: “Nếu lại có Bí-sô làm phu cụ mới, dù tâm không thích cũng nên thọ trì sáu năm, dưới sáu năm không bỏ cái cũ lại làm cái mới, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca, trừ được Chúng pháp.”

Nội dung của học xứ này là tuy không thích vẫn phải thọ trì sáu năm, chưa tới sáu năm dù xả hay không xả mà làm lại cái mới thì phạm xả đọa.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô trong năm nay làm phu cụ mới, cũng trong năm nay lại làm cái mới, khi làm cái thứ hai phạm ác tác, làm thành phạm xả đọa, cái làm ban đầu không phạm. Tuy không cùng một năm, đến năm thứ hai cho đến năm thứ ba, thứ tư, thứ năm lại làm cái mới đều phạm giống như trên, cái làm ban đầu không phạm. Nếu Bí-sô trong năm nay đã làm phu cụ rồi, cũng trong năm nay lại làm cái khác, nếu trong năm nay làm xong thì phạm xả đọa, nếu không làm xong mãi đến năm năm mới làm xong cũng phạm xả đọa. Nếu Bí-sô trong năm nay làm phu cụ mới chưa xong lại làm cái khác, khi hai cái cùng làm xong nói rằng: “Tôi giữ cái trước bỏ cái sau”, hoặc giữ cái sau bỏ cái trước thì cái sau phạm Xả đọa, cái trước không phạm. Nếu cái trước làm chưa xong mãi đến năm thứ hai, cho đến năm thứ ba, thứ tư, thứ năm mới xong nói rằng: “Tôi thọ trì cái trước bỏ cái sau…” Phạm không phạm giống như trên.

Nếu Bí-sô trong năm nay đã làm phu cụ rồi, trong năm nay lại làm cái khác chưa xong thì ngừng, qua năm thứ hai lại làm cái khác chưa xong thì ngừng, đến năm thứ ba cho đến năm thứ tư, thứ năm cũng như vậy thì những cái chưa thành này đều phạm Ác-tác, cái ban đầu không phạm. Nếu Bí-sô đã làm nệm rồi trong năm đó không làm cái khác, cho đến năm thứ năm cũng không làm cái khác, đến năm thứ sáu đủ thời hạn mới làm thì không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Mười Lăm: LÀM PHU CỤ MỚI KHÔNG CHO HOẠI SẮC

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, sau khi Thế tôn đắc đạo quả vô thượng rồi khắp cả bốn phương đều nghe biết ở nước Trung phương có Phật ra đời. Lúc đó các thương nhơn phương Bắc cũng nghe biết nếu có ai dâng phẩm vật cúng dường thì được quả báo lớn, được Lợi-ích lớn liền suy nghĩ: “Nay ta nên mang hàng hóa đến thành Thất-la-phiệt một là cầu được lợi nhuận, hai là được yết kiến Thế tôn”. Nghĩ rồi liền cùng năm trăm thương nhơn chở hàng hóa từ phương Bắc đến nước Trung phương, khi đến thành Thấtla-phiệt sắp đặt hàng hóa xong liền đến chỗ trưởng giả Cấp-cô-độc nói rằng: “Trưởng giả, chúng tôi muốn yết kiến Thế tôn”, Trưởng giả nói: “Lành thay các vị có thể sanh ý diệu, Như lai Ứng Chánh biến tri khó được gặp như hoa Ô-đàm-bạt-la, các vị nên kính lễ”. Nói rồi liền dẫn năm trăm thương nhơn đến chỗ Phật, họ đảnh lễ Phật rồi ngồi qua một bên, Thế tôn tuyên nói pháp yếu cho Trưởng giả và năm trăm thương nhơn, chỉ dạy được lợi hỉ rồi im lặng. Các thương nhơn đảnh lễ Phật rồi đi đến chỗ các Bí-sô kỳ túc và tham quan các phòng ốc của Bí-sô, họ nhìn thấy Ni sư đãn na trên nệm giường của các Bí-sô đều bị lủng rách ở giữa nên hỏi Trưởng giả duyên do, Trưởng giả nói: “Các Bí-sô tôn túc ban đêm phần nhiều tĩnh tọa đến sáng, do nhơn duyên này nên Ni sư đãn na đều lủng rách ở giữa”. Các thương nhơn nghe rồi sanh lòng tín kính bèn đem năm trăm diệu điệp phụng hiến chúng tăng. Được diệu điệp này các Bí-sô liền làm Ni sư đãn na mới, những cái cũ dồn lại thành đống đem để ở trong phòng kế cận. Lúc đó có một trưởng giả thỉnh Phật và Tăng đến nhà thọ thực, các Bí-sô tới giờ đều đi phó thỉnh chỉ trừ Thế tôn ở lại trong chùa và bảo người đi lấy thức ăn. Có năm nhân duyên khiến Phật không đi phó thỉnh: Một là vì muốn trụ trong yên lặng, hai là nói pháp cho chư thiên, ba là thăm viếng người bịnh, bốn là đi xem xét ngọa cụ, năm là chế học xứ cho các Bí-sô. Trường hợp này Thế tôn muốn xem xét ngọa cụ và muốn chế học xứ cho các Bí-sô. Đợi các Bí-sô đi phó thỉnh rồi Thế tôn cầm chìa khóa đi đến các phòng xem xét thì thấy một đống Ni sư đãn na cũ bừa bãi trên đất. Thế tôn thấy rồi liền suy nghĩ: “Thí chủ thâm tâm tín kính như cắt máu thịt của mình để cúng thí vì tu nghiệp phước, còn các Bí-sô lại bỏ phu cụ cũ bừa bãi, không có tâm giữ gìn, không biết lượng thọ dụng”. Thế tôn liền giũ sạch bụi đất các phu cụ cũ rồi để trên giá, sau đó rửa tay chân rồi trở về phòng đoan tọa. Lúc đó Bí-sô lấy thức ăn mang về đến chỗ Phật, Thế tôn nhận thức ăn rồi hỏi: “Các Bí-sô có được thức ăn ngon và đầy đủ không?”, đáp: “Thế tôn, đại chúng đều được thức ăn ngon và đầy đủ”. Thế tôn thọ thực rồi rửa tay chân, trở vào phòng ngồi nhập định, xế chiều Thế tôn xuất định đến trong đại chúng ngồi vào chỗ ngồi rồi bảo các Bí-sô: “Sau khi các thầy đi phó thỉnh, Như lai cầm chìa khóa đi xem xét các phòng… giống như đoạn văn trên cho đến câu không có tâm giữ gìn, không biết lượng thọ dụng, đây là diều bất thiện. Này các Bí-sô, đối với vật thí của người tín tâm phải xứng lượng thọ dụng, thuận thời tri túc mà thọ dụng, đó mới là điều thiện. “Thế tôn liền khen ngợi người ái hộ, thuận thời tri túc thọ dụng của tín thí rồi bảo các Bí-sô: … Nơi Tỳ nại da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô làm Ni sư đãn na mới, nên lấy một miếng vải còn chắc của cái cũ dọc ngang bằng một gang tay của Phật may đính lên trên cái mới làm cho hoại sắc. Nếu Bí-sô làm Ni sư đãn na mới không dùng một miếng vải còn chắc của cái cũ may đính lên trên cái mới làm cho hoại sắc thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.”

Mới có hai: Một là mới làm, hai là mới được. Mới ở trong đây là mới làm. Ni sư đãn na tức là phu cụ. Làm là tự làm hay bảo người làm. một miếng vải còn chắc của cái cũ là cắt lấy một miếng ở chỗ nào đó tương đối còn chắc của cái cũ. Một gang tay Phật bằng một khuỷu tay rưỡi của người thường. May đính lên trên cái mới là may đính lên trên cái mới may để làm cho hoại sắc cũng là để được bền hơn.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô dùng một miếng của Ni sư đãn na cũ bằng một gang tay của Phật may đính lên trên cái mới mà thiếu bằng một ngón tay hay nửa ngón tay cũng phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca. Không phạm là dùng cái cũ may khắp giáp cái mới hay cái cũ hoàn toàn bị rách nát không thể cắt lấy một miếng nào để may đính lên cái mới thì không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Mười Sáu: TỰ GÁNH LÔNG DÊ ĐI

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Lục chúng Bí-sô bàn luận với nhau: “Các Hắc-bát kia dùng mỡ con Di hầu thoa dưới chân nên đi đến đâu đều được lợi dưỡng, đi đên nơi xa thì có người cung cấp được nhiều người ái kính. Còn chúng ta như ếch ngồi dưới đáy giếng không đi đâu xa làm sao có được lợi dưỡng. Chúng ta nên đi đây đó”. một trong Lục chúng nói: “Chúng ta nên đi đâu”, Ô-ba-nan-đà nói: “Chúng ta ra ngoài tìm đoàn thương buôn, nhưng nếu chúng ta đi hết thì môn đồ quyến thuộc và thí chủ của chúng ta đều bị các Hắc-bát khác xâm đoạt, phải có một người ở lại”. Sau khi bàn bạc, Ô-đà-di được ở lại, nếu được lợi dưỡng đem về sẽ cùng chia đều, năm người còn lại ra ngoài tìm đoàn thương buôn, thấy một đoàn thương buôn đi về hướng nước Nê-ba-la liền nói: “Chúng tôi muốn tháp tùng”, thương buôn nói: “Thánh giả, nuớc Nê-ba-la đất đai khô cằn, nhiều đá sỏi như xương sống con lạc đà, các thánh giả sẽ không thích trụ nơi đó”. Thấy các Bí-sô nhất quyết muốn cùng đi, đoàn thương buôn chấp nhận cho tháp tùng, khi đến nước kia các Bí-sô liền cảm thấy không vui thích nên vào một ngày khác họ đến hỏi các thương buôn chừng nào trở về, thương buôn hỏi: “Các Thánh giả cảm thấy không vui thích phải không?”, các Bí-sô nói: “Ngay vừa mới đến chúng tôi đã không vui thích rồi”, thương buôn nói: “Hàng hóa của chúng tôi chưa giao dịch xong nên không thể trở về ngay được, nhưng chúng tôi có người quen sắp trở về, chúng tôi sẽ nói với họ cho các Thánh giả tháp tùng”. Ở nước Nê-ba-la có hai mặt hàng giá rẽ dễ mua là lông dê và hùng hoàng nên các thương buôn mua nhiều lông dê chở về bán, các Bísô cùng đi với đoàn xe chở lông dê, vì sợ bụi dơ nên các Bí-sô đi trước hoặc đi sau đoàn xe tải, lúc đó các Bí-sô đang đi sau xe tải. Trong đoàn xe tải có một chiếc chở lông dê bị gảy trục không chạy được, các thương nhơn bàn luận với nhau: “Nếu chúng ta ở lại đây để sửa cái trục xe, nếu đám giặc cướp nghe biết được sẽ đến giết chúng ta trước rồi đoạt tài vật sau. Chúng ta nên chở hàng hóa quý giá đi, còn xe chở lông dê bỏ lại”. Đang bàn luận thì các Bí-sô đi đến, thấy cảnh tượng như vậy liền hỏi: “Tại sao các vị tỏ vẻ ưu sầu, không chịu đi tiếp nữa”, thương nhơn kể rõ sự việc, các Bí-sô hỏi: “Như vậy các vị định bỏ lông dê lại hay sao?”, thương nhơn nói: “Đành phải bỏ lại”, các Bí-sô nói: “Nếu các vị bỏ, hãy cho chúng tôi, chúng tôi tùy sức mang về”, thương nhơn nói: “Tùy ý Thánh giả, dù sao chúng tôi cũng bỏ lại”. Lúc đó các Bí-sô bàn luận với nhau: “Số lông dê này rất nhiều, chúng ta dồn y bát của năm người cho một người mang, bốn người còn lại lấy dây cỏ cột số lông dê này thành bốn gánh cho bốn người gánh”. Các thương nhơn nói: “Không ngờ các thánh giả lại gánh hết số lông dê này, chúng tôi xin trả tiền để lấy lại sô lông dê này”, các Bí-sô nói: “Chúng tôi đâu phải người làm thuê, nếu các vị nói như vậy chúng tôi sẽ quăng bỏ hết”, các thương nhơn nói: “Chúng tôi nói đùa thôi, xin đừng trách, các Thánh giả cứ mang về dùng”. Lúc đó có một ngoại đạo thấy vậy liền trêu chọc các Bí-so: “Gánh nặng như vậy, đến đâu mới buông xuống và được bao nhiêu lợi”, các Bí-sô nói: “Phá võ bụng của ngươi ra, đạp trên đầu ngươi đi, chúng tôi mới buông xuống và thu lợi”. Ngoại đạo liền im lặng, các Bí-sô bàn với nhau: “Nếu chúng ta cùng đi với đoàn thương buôn sẽ bị nhiều trêu chọc nữa, chúng ta nên đi trước”. Bàn rồi tách ra đi riêng đến gần một xóm làng thường bị cướp nên người trong làng thường cảnh giác, lúc đó người trong làng từ xa thấy nhiều người gánh đi đến liền báo động là có đoàn quân voi kéo đến khiến người trong làng đều hoảng sợ bỏ chạy vào rừng trốn, chỉ để lại một số thanh niên khỏe mạnh giữ làng. Những thanh niên này nói với nhau: “Hình như không phải là đoàn quân voi mà là đoàn lạc đà”, lại nói: “Hình như không phải đoàn lạc đà mà là lừa chở hàng hóa”, lại nói: “Cũng không phải lừa ngựa chở hàng hóa mà là người gánh”. Khi đoàn người đến gần mới nhìn rõ là gánh lông dê liền nói: “Các thánh giả gánh to và nặng như vậy thật khác thường khiến người trong thôn tưởng giặc cướp kéo đến nên bỏ chạy trốn hết”, các Bí-so nói: “Các ngươi là người không hiểu biết, thấy ngưới gánh đồ vật đến sợ cho là giặc, nếu giặc cướp nghe biết liền đến cướp hết tài vật thì sao. Các ngươi hãy đi trấn an họ bảo họ trở về”. Các Bí-sô thấy xảy ra sự việc như vậy liến bàn với nhau: “Nếu chúng ta đi đường cái quan thì bị trêu chọc chê cười, chúng ta nên đi đường nhỏ”. Lúc đó các thuế quan đi kiểm soát để bắt người trốn thuế, trông thấy đoàn người gánh lông dê liền nói: “Này các thương nhơn, các người thường trốn thuế nên không đi đường cái quan mà trốn đi con đường nhỏ phải không?”, các Bí-sô nói: “Chúng tôi không phải là thương nhơn trốn thuế”, thuế quan hỏi: “Vậy các vị là ai?”, đáp: “Chúng tôi là Bí-sô”, thuế quan nói: “Nếu là Bí-sô thì các Thánh giả cứ đi”. Lúc đó các Bí-sô bàn với nhau: “Nếu chúng ta vào rừng Thệ-đa bằng cửa chính, các Hắc-bát sẽ trêu chọc chúng ta, chúng ta nên gánh đi vào cửa sau”. Khi đi đến cửa sau có một Ma-ha-la trông thấy liền hỏi: “Các vị khách gánh đồ cớ sao lại đi vào cửa sau?”, các Bí-sô nói: “Ông già này gọi chúng ta là khách gánh đồ sao?”, liền hỏi: “Vậy các vị là ai?”, đáp: “Chúng ta là Lục chúng Bí-sô”, lại hỏi: “Các vị thật là Lục chúng sao?”, đáp phải, Maha-la liền nói: “lành thay các đại đức”. Vào đến nơi, Lục chúng liền bỏ xuống thành một đống lớn như núi ngay giữa chùa khiến mọi người đều kinh ngạc hỏi: “Các cụ thọ có thể gánh nặng như thế này sao, các vị không sọ người đời trêu chọc hay sao?”, Lục chúng nói: “Cái miệng của chúng tôi há chỉ biết ăn thôi sao, ai trêu chọc tôi, tôi cũng sẽ trêu chọc lại gấp ba, bốn lần”. Các Bí-sô thiểu dục nghe rồi liền chê trách: “Tại sao Bí-sô tự gánh nặng như vậy mà đi, không cảm thấy xấu hổ mà còn khởi tâm cống cao ngã mạn”. Các Bí-sô liền đem việc này bạch Phật, Phật do duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô trên đường đi nhận được lông dê, cần thì được nhận. Nếu không có người mang giúp thì được tự mang đi khoảng đường chừng ba Du thiện na, nếu đi quá xa thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.”

Bí-sô là chỉ cho Lục chúng và có ai khác giống như vậy. Nhận được lông dê là vật của người khác cho. Ba Du thiện na là chiều dài dặm đường, trong khoảng đường này không có ai mang giúp được tự gánh mang, nếu mang đi quá chiều dài đặm đường này thì phạm Ni-tátkỳ-ba-dật-để-ca.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Bảy Cực vi thành một Vi trần, bảy Vi trần thành một Đồng trần, bảy Đồng trần thành một Thủy trần, bảy Thủy trần thành một Thố mao trần, bảy Thố mao trần thành một Dương mao trần, bảy Dương mao trần thành một Ngưu mao trần, bảy Ngưu mao trần thành một Khích du trần, bảy Khích du trần thành một Kỷ, bảy Kỷ thành một Sắt, bảy Sắt thành một Khoáng mạch, bảy Khoáng mạch thành một ngón tay, hai mươi bốn ngón tay thành một khuỷu tay, ba khuỷu tay rưỡi thành một người, bốn khuỷu tay thành một Cung, năm trăm Cung thành một Câu-lô-xá, tám Câu-lô-xá là một Du thiện na, bảy thôn mỗi thôn có một Câu-lô-xá. Khi mang lông dê đi đến nửa đường thì phạm Ác-tác, vào đến trong thôn thì phạm xả đọa. Nếu từ thôn đến chỗ khoáng dã bằng ¼ Câu-lô-xá thì phạm Ác-tác, dủ một Câu-lô-xá thì phạm xả đọa. Nếu từ chỗ khoáng dã đi đến dưới ba Du thiện na thì không phạm, quá ba Du thiện na thì phạm xả đọa. Nếu lông dê này dùng để làm mão, khăn trải, cờ phướn… mang đi một cách kín đáo thì không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu, hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Mười Bảy: NHỜ NI KHÔNG PHẢI THÂN TỘC LIỆU LÝ LÔNG DÊ

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Lục chúng nói với nhau: “Chúng ta nên chia số lông dê đã mang về”, Nan-đà hỏi: “Chia làm mấy phần, Ô-đà-di ở nhà có được chia phần không?”. Ô-đà-di nghe rồi liền suy nghĩ: “Ngũ chúng được nhiều lợi dưỡng, ta phải làm phương tiện gì để được chia một phần”, nghĩ rồi liền hỏi: “Các cụ thọ bàn việc gì, số lông dê đã được hãy nhập chung lại rồi chia đều, ai được phần nấy, tôi cũng được một phần”. Ô-ba-nan-đà liền suy nghĩ: Thế tôn pháp chủ đang ở đây, lợi dưỡng ắt rất nhiều, vì sao Ô-đà-di lại nói như thế, xưa nay chúng ta được gọi là Lục chúng, không lẽ nay lại thành năm người hay sao, nên chia làm sáu phần đồng đều”. Lúc đó Nan-đà nói: “Ai là người chia phần?”, Xiển-đà nói: “Ô-đà-di lâu nay ở nhà, nay nên làm người chia phần”. Ô-đà-di liền chia làm sáu phần rồi đem phần của mình cất trong phòng, A-thuyết-ca thấy liền nói: “Đại đức hãy đem vật được chia chia cho chúng tôi với”, Ô-đà-di nói: “Từ khi các vị đến đây, tôi chưa nhận được một bối xỉ, nếu không tin thì cứ hỏi các vị đồng phạm hạnh”, Bổ-nại-phạt-tố nói: “Không ngờ Ôđà-di khinh lộng chúng ta”, Ô-đà-di nói: “Có được nhiều vật mà không chia mới là khinh lộng, một bối xỉ tôi còn không được thì làm sao thành khinh lộng”. Lúc đó Ô-đà-di suy nghĩ: “Số lông dê này ta nhờ ai lo liệu đây, nếu giao cho người giúp việc thì có thể mất hết vì người này không giới hạnh, khó tin. Nếu giao cho mười hai ni thì họ cũng khó tin, tính toan tỷ mỷ như người cân bột làm bánh. Bí-sô ni Đạt-ma-đà-na lại khéo trì kinh tạng, quyến thuộc của cô cũng trì kinh, siêng tu phẩm thiện, nếu giao cho họ, thời gian sẽ kéo dài làm mãi không xong. Kiều-đápdi kheo trì Luật tạng, môn đồ cũng trì luật, đối với trì phạm cân nhắc khinh trọng, nếu giao cho họ cũng khó thành. Đại thế chủ lấy tĩnh lự làm tâm, môn nhơn cũng tu tịch tĩnh, ta có thể giao lông dê cho họ vào những lúc rảnh lo liệu cho ta”. Nghĩ rồi liền thấy Đại thế chủ đến đảnh lễ Thế tôn, vội bước tới nói: “Đại thế chủ, như Thế tôn có nói người đủ giới cấm, tâm nghĩ gì đều được thành tựu vì do sức của tịnh giới. Tôi vừa nghĩ đến Đại thế chủ thì người lại vừa đi đến, đúng lúc như qua sông gặp đò”. Đại thế chủ hỏi: “Đại đức cần gì ở tôi?”, đáp: “Tôi có một ít lông dê cần liệu lý, người có thể làm giúp được không?”, Đại thế chủ nói: “Tôi vốn đến để kính lễ Thế tôn, kính lễ xong tôi sẽ sai hai ni đến lấy đem về liệu lý cho đại đức”. Ô-đà-di liền về phòng bó số lông dê thành hai bó để ở phía sau cửa phòng, Đại thế chủ kính lễ Thế tôn xong cũng liền sai hai ni đến phòng Ô-đà-di lấy số lông dê, Ô-đà-di nói: “Để ở phía sau cánh cửa”, hai cô ni bước vào đưa hai tay kéo hai bó lông dê ra nhưng không kéo nổi vì quá nặng, liền nói: “Thánh giả, trong bó lông dê có đá hay sao”, Ô-đà-di nói: “Hai cô còn trẻ lẽ nào xương sống lại gãy, hãy cúi xuống tôi để lên”, nói rồi liền để trên lưng mỗi cô một bó, hai cô liền cảm thầy đầu ê ẩm, lưng đau thắt, khổ sở lê về chùa, vừa bỏ xuống đất liền nằm dài vừa thở vừa rên. Các Bí-sô ni thấy vậy liền nói: “Mang một ít lông dê về mà khổ sở như bị gãy xương sống”, hai ni liền nói: “Hãy đến kéo thử thì biết”. Các ni đến kéo thấy không nhúc nhích liền nói: “Trong bó lông dê này có đá hay sao?”. Sau đó các ni mở hai bó ra liền thành một đống to nên cười vang dậy, Đại thế chủ nghe tiếng cười vang dậy nên quở trách các ni, các ni bạch: “Thánh giả, đại đức Ô-đà-di nói một ít lông dê mà còn một đống như thế này, nếu nói nhiều thì như thế nào nữa”. Đại thế chủ nói: “Ô-đà-di là người hay làm hạnh ác, ở trong giáo pháp của Phật thường hay hủy hoại như bờ sông bị lỏ sắp sụp. Phật nói có hai hạng người lành: Một là hạng người không hứa nhận, hai là hạng người đã hứa nhận thì phải làm tròn trách nhiệm. Nay ta đã hứa thì phải làm cho xong, các cô cùng ta lo liệu, tùy lấy ít nhiều làm xong thì đem giao lại”. Sau khi làm xong hai ni mang đến giao cho Ô-đà-di , Ô-đà-di lại đòi số lông dê còn dư, hai ni cũng mang số lông dê còn dư giao cho Ô-đà-di. Đại thế chủ vì liệu lý số lông dê này nên hai tay có sắc đỏ như thợ nhuộm, khi đến kính lễ Phật, Phật nhìn thấy liền hỏi: “Vì sao tay của Đại thế chủ có sắc đỏ như thợ nhuộm?”, đáp: “Như Thế tôn có dạy: việc nên làm thì không làm lại làm việc của người khác, nay tôi đã làm như vậy”. Phật hỏi: “Đại thế chủ đã làm việc gì?”, Đại thế chủ liền đem sự việc trên kể lại, Phật liền hỏi A-nan-đà: “Các Bí-sô đã nhờ ni không phải họ hàng lo liệu lông dê phải không?”, đáp: “Thật vậy Thế tôn”. Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô nhờ ni không phải họ hàng giặt nhuộm chải lông dê, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Ô-đà-di. Lông dê là không phải loại lông khác. Giặt là cho đến nhúng vào nước. Nhuộm là cho đến nhuộm một lần. Chải cho đến vuốt một cái.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Bí-sô đối với ni không phải họ hàng khởi tưởng không phải họ hàng hoặc sanh nghi mà nhờ họ giặt, nhuộm, chải lông dê đều phạm Xả đọa. Giặt, nhuộm mà không chải, hoặc giặt chải mà không nhuộm, hoặc nhuộm mà không giặt chải cũng phạm xả đọa. Nếu đối với ni là họ hàng mà khởi tưởng không phải họ hàng hoặc sanh nghi nhờ làm ba việc trên đều phạm Ác-tác. Nếu là họ hàng khởi tưởng là họ hàng thì không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu, hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Mười Tám: CẦM GIỮ VÀNG BẠC

Phật ở trong Trúc lâm thành Vương xá, lúc đó có Cư sĩ chủ một tụ lạc tên là Bảo kế đến đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên bạch Phật: “Thế tôn, gần đây ở giữa đại chúng vua và các quan hội họp có hỏi: Sa môn Thích tử có được thọ giữ vàng bạc hay không, có người nói là được, có người nói là không được. Thế tôn trong hai người này ai xứng lý, ai không xứng lý; ai báng Phật, ai không báng Phật; ai bị Thắng nhơn làm cho xấu hổ, ai không bị Thắng nhơn làm cho xấu hổ?”. Thế tôn nói: “Này Cư sĩ, người nào nói Sa môn Thích tử được thọ giữ vàng bạc là người ấy nói không xứng lý, là nói phi pháp, là hủy báng ta, là người bị Thắng nhơn làm cho xấu hổ. Ngược với trên là Thiện Vì sao, vì Bí-sô không được thọ giữ vàng bạc tiền. Bí-sô không thọ giữ vàng bạc tiền là pháp của sa môn, là thích ca tử, là pháp thuần thiện. Lần thứ hai, thứ ba ta cũng nói như vậy. Nếu người nào thọ giữ vàng bạc tiền là không phải sa môn, không phải là Thích ca tử, không phải pháp thuần thiện. Lần thứ hai, thứ ba ta cũng nói như vậy”. Cư sĩ nói: “Thế tôn, ý con như vầy: Nếu Bí-so không thọ giữ vàng bạc tiền mới là chơn sa môn, là Thích ca tử. Nếu thọ giữ thì chẳng phải là chơn sa môn, không phải là Thích ca tử”. Thế tôn nói: “Lành thay cư sĩ, như ý ông đã hiểu là khéo phân biệt”. Cư sĩ Bảo kế nghe Phật nói rồi vui mừng tín thọ lễ Phật cáo lui, lúc đó cụ thọ A-nan-đà đang đứng quạt hầu Phật, Phật bảo A-nan-đà: “Thầy đến thông báo cho các Bí-sô đến tập họp nơi nhà ăn”. A-nan-đà vâng lời Phật dạy đi thông báo xong trở về bạch Phật: “Các Bí-sô đã tập họp nơi nhà ăn rồi, xin Thế tôn biết thời”. Thế tôn đi đến nhà ăn ngồi vào chỗ ngồi rồi bảo các Bí-sô: “Có cư sĩ chủ của một tụ lác tên là Bảo kế đến chỗ Như Lai kính lễ xong ngồi một bên bạch như vầy… giống như đoạn văn trên. Này các Bí-sô, cư sĩ này ở trong triều đình đã cất tiếng rống của sư tử nói quyết định rằng: Sa môn Thích tử không được thọ giữ vàng bạc tiền. Như lai cũng nói sa môn Thích tử không nên thọ giữ vàng bạc tiền. Cho nên các Bí-sô nếu vì xây cất phòng xá các việc nên cầu xin vật tư và nhơn công chớ không nên xin tiền bạc. Ta không nói có phương tiện thì Bí-sô được thọ giữ vàng bạc tiền”. Đây là duyên khởi nhưng Phật chưa chế giới.

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa, lúc đó Lục chúng tự tay cầm giữ vàng bạc tiền hoặc sai người cầm giữ để làm các phòng xá hoặc mua sắm giường tòa, ngoại đạo thấy liền chê trách: “Sa môn Thích tử tự tay cầm giữ vàng bạc tiền… hoặc bảo người cầm giữ, như vậy sa môn cùng với thế tục chúng ta có khác gì đâu. Vì sao lại khiến các Bà-la-môn, cư sĩ sanh lòng tín kính mang thuớc ăn uống đến dâng cúng cho họ”. Các Bí-sô nghe biết đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô tự tay cầm vàng bạc tiền hoặc bảo người cầm, phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Lục chúng. Vàng bạc tiền là chỉ cho bảy báu.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu khi bảo người cầm lấy có mười tám trường hợp không đồng đều thành tướng phạm:

1. Nói ngươi lấy vật này: Là bảo người lấy vàng bạc… ở chỗ dễ thấy, phạm Ác-tác; khi tay cầm giở lên phạm xả đọa.

2. Nói ngươi lấy ở chỗ này: Là bảo người khác lấy vật ở trong rương trắp…, phạm tội giống như trên.

3. Nói ngươi lấy chừng ấy vật này: Là bảo người khác lấy vật với số lượng trăm, ngàn, vạn… phạm như trên.

4. Nói ngươi mang vật này: Là bảo người khác mang vật đến (đi), phạm giống như trên.

5. Nói ngươi ở chỗ này mang đi: Là bảo người khác mang vật đựng trong rương trắp… phạm giống như trên.

6. Nói ngươi mang chừng ấy vật này: Là bảo người khác mang vật với số lượng chừng trăm, ngàn, vạn… phạm giống như trên.

7. Nói ngươi để vật này: Là bảo người khác đặt để vàng bạc… phạm giống như trên.

8. Nói ngươi để ở đây: Là bảo người khác để vật trong rương trắp… phạm giống như trên.

9. Nói ngươi để chừng ấy vật này: Là bảo người khác đặt để vật với số lượng trăm, ngàn… phạm như trên.

Chín trường hợp này là căn cứ vào vật ở chỗ dễ thấy mà bảo người khác làm.

10. Nói ngươi lấy vật kia: Là bảo người khác lấy vật ở chỗ không thấy, phạm Ác-tác; khi nhấc vật lên phạm Xả đọa.

11. Nói ngươi lấy ở chỗ kia: Là bảo người khác lấy vật ở trong rương trắp, phạm giống như trên.

12. Nói ngươi lấy chừng ấy vật kia: là bảo người khác lấy vật với số lượng chừng trăm ngàn… phạm như trên.

13. Nói ngươi mang vật kia đến (đi): Là chỉ vật kia bảo người mang đến hay mang đi.

14. Nói ngươi mang vật ở chỗ kia đến (đi): Là chỉ vật đựng trong rương trắp bảo người khác mang đến hoặc mang đi, phạm giống như trên.

15. Nói ngươi mang chừng ấy vật kia: Là chỉ vật kia bảo người khác mang đến (đi) với chừng ấy sô lượng, phạm giống như trên.

16. Nói ngươi để vật kia: Là chỉ vật kia bảo người khác đặt để, phạm giống như trên.

17. Nói ngươi để ở chỗ kia: Là chỉ người để vật trong rương trắp ở chỗ kia, phạm giống như trên.

18. Nói ngươi để với chừng ấy vật kia: Là chỉ vật kia bảo người khác đặt để với chừng ấy số lượng, phạm như trên.

Chín trường hợp này là căn cứ vật ở chỗ không thấy mà bảo người làm.

Nếu Bí-sô tự tay cầm giữ vàng bạc, bối xỉ… phạm xả đọa. Nếu Bí-sô cầm vàng bạc đã thành hay chưa thành đều phạm Xả đọa. Nếu Bí-sô cầm vàng bạc, bối xỉ có văn tướng thành tựu đều phạm Xả đọa. Bí-sô chạm vào vật bảy báu như Ma ni… phạm Xả đọa. Bí-sô cầm tiền mà nước Biên phương cùng dùng thì phạm Xả đọa; nước Biên phương không cùng dùng thì phạm Ác-tác. Cầm sắt đồng thiếc… thuộc kim loại thì không phạm.

Sau khi Phật chế học xứ này cho các Bí-sô rồi, lúc Phật đang ở rừng Thệ-đa, ở nước Chiêm Ba có một trưởng giả tâm thâm tín thuần thiện thường dùng vật thượng diệu để cúng dường, lại xây cất một trú xứ nguy nga tráng lệ cúng cho Phật và tăng. Có nhiều Bí-sô an cư ở đây, sau khi làm lễ Tùy ý xong liền bảo Trưởng giả: “Nay chúng tôi muốn đến thành Thất-la-phiệt đảnh lễ Đại sư vá các Bí-sô kỳ túc, Trưởng giả hãy thí y cho chúng tôi”, Trưởng giả nói: “Thánh giả, ở đây không có điệp y thượng diệu, hãy đợi đoàn thương buôn đến, tôi sẽ mua dâng cúng”, Bí-sô nói: “Nếu không có điệp y thượng diệu thì cúng y thô xấu cũng được”, Trưởng giả nói: “Thánh giả, tôi xưa nay chỉ thí y thượng diệu không cúng y thô xấu. Nếu Thánh giả không đợi được thì tôi cúng giá tiền y tùy ý các vị mua”, Bí-sô nói: “Thế tôn đã chế giới không được cầm giữ tiền bạc”, Trưởng giả nói: “Nếu như vậy thì thà tôi không cúng chứ tôi không cúng y thô xấu”.

Các Bí-sô biết rốt cuộc không được gì nên ra đi đến thành Thất-laphiệt, các Bí-sô trú xứ nói: “Thiện lai cụ thọ, chẳng phải chỗ các vị an cư đã nhận được nhiều y phục hay sao mà vẫn mặc y phục thô rách thế này?”, đáp: “Vì không có y thượng diệu để thọ nhận”, lại hỏi: “Các vị an cư ở đâu?”, đáp: “Ở trú xứ của truởng giả ___ nước Chiêm Ba”, lại hỏi: “Nghe nói Trưởng giả ấy chỉ cúng y thượng diệu, vì sao lại không có để thọ nhận?”, đáp: “Chính vì duyên này nên mới không được y”, liền đem sự việc trên kể lại cho các Bí-sô, các Bí-sô liền bạch Phật, Phật suy nghĩ: “Các Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ kính tín muốn cúng giá tiền y cho các Bí-sô, các Bí-sô cũng muốn được y, ta nên tùy khai cho các Bí-so không bị thiếu thốn”, nghĩ rồi liền bảo các Bí-sô: “Nếu có người cúng giá tiền y, cần thì được nhận, nhận rồi nên khởi niệm là vật của người kia để cất giữ, các Bí-sô cũng nên tìm người chấp sự”. Các Bí-sô không biết tìm người chấp sự như thế nào, Phật bảo: “nên tìm tịnh nhơn hay Ô-ba-sách-ca, nên hỏi người ấy rằng; người có thể làm thí chủ cho tôi không, nếu đáp là được thì nên khởi tâm ký gởi cho người ấy để cất giữ vật kia, nên bảo người đó cầm, không được tự cầm”.

Lúc đó có Bí-sô đi đến phương khác nghĩ rằng: “Nay ta đến đây không có thí chủ”, liền khởi tâm truy hối bạch Phật, Phật nói: “Dù đi đến phương xa, miễn người đó còn sống thì vẫn là thí chủ”. Lúc đó có Bí-sô chưa tìm được thí chủ thì có người đem cúng giá tiền y, Bí-sô nghi không dám nhận bạch Phật, Phật nói: “Nên nhận rồi cầm giá tiền y đó đến trước một Bí-sô nói rằng: Cụ thọ biết cho, tôi Bí-sô tên ___, được vật bất tịnh này, tôi muốn đem vật bất tịnh này đổi lấy tịnh tài. Nói ba lần rồi tùy tình thọ dụng”. Lúc đó có thí chủ xây cất trú xứ ở ven làng cúng cho Tăng thường bị giặc đến khủng bố nên các Bí-sô bỏ đi nơi khác, giặc cướp vào chùa lấy hết các thứ, Phật nói: “Nếu là vật của tăng già hay của Tốt đổ ba như vàng bạc vật báu thì nên cất giấu ở chỗ chắc chắn rồi mới bỏ đi nơi khác”. Phật bảo cất giấu, các Bí-sô không biết bảo ai cất giấu, Phật nói: “Bảo tịnh nhơn hay Ô-ba-sách-ca cất giấu”. Có trường hợp bảo họ cất giấu thì họ lấy luôn, Phật bảo nên tìm Ô-basách-ca thâm tín, nếu không có thì bảo cầu tịch, nếu không có Cầu tịch thì Bí-sô tự tay cất giấu. Bí-sô không biết cất giấu như thế nào, Phật bảo nên đào hầm, Bí-sô không biết bảo ai đào, Phật bảo sai tịnh nhơn hoặc Ô-ba-sách-ca. Trường hợp họ đào cất giấu rồi lấy luôn thì nên tìm người thâm tín, nếu không có người thâm tín thì nên bảo Cầu tịch, nếu không có Cầu tịch thì Bí-sô tự tay đào cất giấu, sau khi giặc bỏ đi thì lấy lại giao cho Tăng già. Phật bảo các Bí-sô: “Ta vì nạn duyên nên khai cho các việc trên, nạn duyên không còn thì không nên dùng nữa, nếu vẫn còn dùng thì phạm Ác-tác. Không phạm là người phạm ban đầu, hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách”.