CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ BÍ SÔ NI TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 13

Nhiếp Tụng Thứ Hai:

Chủng tử, khinh, xúc não,
Để giường, nệm cỏ, kéo (lôi),
Gượng ở, giường sút chân,
Tưới cỏ; ba, hai tầng.

Học Xứ Thứ Mười Một: HOẠI SANH CHỦNG

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Lục chúng Bí-sô tự chặt hoặc bảo người chặt cây và chặt phá các loại cỏ tươi, tùy hái hoa trái để dùng. Các ngoại đạo thấy rồi đều chê trách: “Các sa môn Thích tử này tự chặt hoặc bảo người chặt phá cây cỏ không khác gì những người thế tục và Bà-la-môn chúng ta, ai lại cúng dường cho hạng người như thế”. Các Bí-sô nghe biết bạch Phật, Phật do nhơn duyên này nhóm các Bí-sô… cho đến câu: “… Nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni tự phá hoại chủng tử là thôn xóm của chúng hữu tình và bảo người khác phá hoại thì phạm Ba-dật-để-ca.” Nếu lại có Bí-sô ni là ni trong pháp luật này.

Chủng tử thôn có năm loại là Căn chủng (loại củ), Hành chủng (loại cành, cọng), Tiết chủng (loại có lóng, có mắt), Khai chủng (loại do nứt ra, nở ra), và Tử chủng (loại có hột). Sao gọi là Căn chủng? Như các loại cây Hương phụ tử, cây Xương bồ, Hoàng cương, bạch cương… đều từ củ mà sanh nên gọi là Căn chủng. Sao gọi là Hành chủng? Như các loại cây Thạch lựu, cây Liễu, Bồ đào, Bồ đề… đều từ cành mà sanh nên gọi là Hành chủng. Sao gọi là Tiết chủng? Như các loại cây mía, cây trúc, cây Lau… đều từ lóng mắt mà sanh nên gọi là Tiết chủng. Sao gọi là Khai chủng? Như các loại cây cam, quýt, bưởi… đều do chín nứt ra mà sanh nên gọi là khai chủng. Sao gọi là Tử chủng? Như các loại cây lúa, cây đậu, đại mạch… đều từ hột mà sanh nên gọi là Tử chủng. Gọi chung năm loại chủng tử này là Chủng tử thôn.

Thôn xóm của hữu tình chỉ cho các loại cây trên, đều là nơi nương ở của các loài hữu tình như ong, bướm, kiến… Nếu Bí-sô ni nhổ hoặc chặt phá cây cối là chỗ ở của hữu tình đếu phạm Đọa.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nhiếp Tụng:

Củ… tưởng là sanh chủng,
Chặt cây cỏ và hoa,
Cây… ở chỗ kinh hành,
Rêu xanh, bình, giá y.

Nếu Bí-sô ni nơi Căn chủng khởi tưởng là căn chủng, sống khởi tưởng là sống, tự chặt hay bảo người chặt đều phạm Ba-dật-để-ca. Nếu cây khô tưởng là sống và nghi, khi chặt phá đều phạm Ác-tác.

Nếu Bí-sô ni nơi Căn chủng khởi tưởng là Hành chủng, tưởng sống và nghi, tự chặt, bảo người chặt đều phạm Ba-dật-để-ca. Nếu cây khô tưởng là sống và nghi, chặt phá đều phạm Ác-tác. Căn chủng đã như vậy thì tiết chủng… ba loại còn lại đều có bốn câu như trên nên biết. Nếu lấy Hành chủng vọng về bốn loại sau, mỗi loại đều có bốn câu kết phạm như trên nên biết.

Nếu Bí-sô ni đối với năm loại chủng tử này tự làm hay bảo người làm, đem ném vào trong lửa muốn làm cho năm loại chủng tử này bị hoại thì phạm năm tội Đọa, không tổn hoại thì phạm năm Ác-tác. Đem bỏ vào trong nước cũng phạm như trên, đem bỏ vào trong cối giả kết phạm cũng như trên.

Nếu Bí-sô ni dùng một phương tiện chặt cây, khi chặt đứt phạm một Ác-tác, một tội Đọa. Nếu chặt một nhát mà đứt hai cây thì phạm một Ác-tác và hai tội Đọa. Nếu chặt một lần mà đứt nhiều cây thì phạm một Ác-tác và nhiều tội Đọa. Nếu hai lần chặt đưt một cây thì phạm hai Ác-tác một tội Đọa; nếu hai lần chặt đứt hai cây thì phạm hai Ác-tác hai tội Đọa; nếu hai lần chặt đứt nhiều cây thì phạm hai Ác-tác, nhiều tội Đọa. Nếu chặt nhiều lần mà đứt chỉ một cây thì phạm nhiều Ác-tác một tội Đọa; nếu chặt nhiều lần mà đứt hai cây thì phạm nhiều Ác-tác hai tội Đọa; nếu chặt nhiều lần đứt nhiều cây thì phạm nhiều Ác-tác nhiều tội Đọa. Cây đã như vậy thì đối với hoa cỏ chuẩn theo đó nên biết.

Nếu Bí-sô ni nhổ cây phạm Đọa, làm cho da cây bị nứt và làm thương tổn chỗ không cứng chắc thì phạm Ác-tác; nếu làm thương tổn phần cứng chắc của cây thì phạm Đọa. Bí-sô ni làm tổn hoại cây cỏ tươi phạm Đọa, tổn hoại lá vàng phạm Ác-tác, làm tổn hoại hoa chưa nở phạm Đọa, hoa đã nở phạm Ác-tác. Nếu hoại trái chưa chín phạm Đọa, hoại trái đã chín phạm Ác-tác. Chỗ đất có mọc cỏ đổ nước sôi lên hay lấy phân bùn đổ lên khiến nó bị tổn hoại thì phạm Đọa, nó không bị tổn hoại thì phạm Ác-tác, nếu không có tâm làm tổn hoại thì không phạm. Nếu Bí-sô ni kinh hành trên đất có cỏ, nghĩ muốn làm nó tổn hoại, tùy tổn hoại tới đâu đều phạm Đọa. Chỗ đất có cỏ kéo củi qua hay lấy chiếu phủ lên làm nó bị tổn hoại thì phạm Đọa, không có tâm làm tổn hoại thì không phạm. Nếu kinh hành trên đất có rêu xanh phạm hay không phạm giống như trên. Trên đất có rêu xanh kéo củi qua… phạm hay không phạm giống như trên. Bèo, rong rêu trong nước nếu vớt lìa khỏi nước phạm Đọa, chưa lìa khỏi nước phạm Ác-tác. Nhổ nấm mọc trên đất phạm Ác-tác. Nếu Bí-sô ni đối với bình chậu… và trên y phục hoặc mền, nệm, chiếu có mốc xanh mốc trắng khởi tâm làm tổn hoại đều Ác-tác. Nếu bảo người biết tịnh rồi thọ dụng thì không phạm. Nếu đối với năm loại sanh chủng bảo người biết tịnh cũng không phạm.

Học Xứ Thứ Mười Hai: CHÊ TRÁCH KHINH RẼ

Duyên khởi như trong luật Bí-sô cho đến câu Phật chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni chê bai khinh rẽ Bí-sô ni khác, phạm Ba-dậtđể-ca.

Chê bai khinh rẽ là đối diện nói thẳng và mượn việc khác dùng lời nói biểu đạt.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô ni bị tăng tác pháp quở trách rồi ở trước mười hai hạng người được Tăng sai, đang trong giai đoạn hành sự mà sân trách, khinh rẽ đều phạm Ba-dật-để-ca. Nếu Bí-sô ni bị tăng tác pháp quở trách rồi ở trước mặt mười hai hạng người được Tăng sai, dù đã qua giai đoạn hành sự mà vẫn sân trách, khinh rẽ đều phạm Ba-dật-để-ca. Nếu Bí-sô ni không bị tăng tác pháp quở trách ở trước mười hai hạng người được tăng sai đang trong giai đoạn hành sự mà sân trách thì phạm Ác-tác, khinh rẽ cũng phạm Ác-tác. Nếu Bí-sô ni không bị Tăng tác pháp quở trách ở trước mười hai hạng người được Tăng sai, tuy đã qua giai đoạn hành sự mà vẫn sân trách khinh rẽ đều phạm Ác-tác. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Mười Ba: TRÁI LỜI DẠY XÚC NÃO

Duyên khởi giống như trong luật Bí-sô cho đến câu Phật chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni chống trái lời dạy xúc não thì phạm Ba-dậtđể-ca.

Nếu lại có Bí-sô ni là ni trong pháp luật này. Chống trái lời dạy xúc não là khởi tưởng xúc não người khác, dùng lời nói biểu đạt.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu có Bí-sô ni đến Bí-sô ni khác nói rằng: “Cô có thấy Bí-sô ni mới cạo râu tóc, mặc đại y đỏ, tay cầm tích trượng, tay bưng bát đựng đầy tô, mật… đi qua đây không?”, đáp: “Không thấy, tôi chỉ thấy Bí-sô ni đi bằng hai chân”. Nếu Bí-sô ni cố tâm nói lời này để não loạn vị kia thì phạm Ba-dật-để-ca. Nếu có người khác đến hỏi như trên, chỉ khác ở chỗ là Bí-sô, đáp rằng: “Không thấy, tôi chỉ thấy Bí-sô đi bằng hai chân”. Nếu Bí-sô cố tâm nói lời này để não loạn vị kia thì phạm Ba-dậtđể-ca, như vậy cho đến hỏi về Chánh học nữ, cầu tịch, cầu tịch nữ, đáp cũng giống như trên đều phạm như trên. Nếu có người hỏi: “Cô có thấy người tục vác mía, tre, củi… đi ngang qua đây không?”, đáp: “Không thấy, tôi chỉ thấy có người đi bằng hai chân”. Nếu cố ý nói lời này để xúc não vị kia thì phạm Ba-dật-để-ca. Nếu hỏi như trên chỉ khác là mặc áo xanh, đỏ, vàng…, đáp cũng như trên để não loạn đều phạm Đọa. Hỏi về người nam đã như thế thì hỏi về người nữ cũng như thế nói hay im lặng để xúc não đều phạm Đọa.

Không phạm là nếu có thợ săn đuổi theo con nai vào trong chùa hỏi Bí-sô ni có thấy con nai chạy qua đây không, Bí-sô ni không nên đáp là thấy. Nếu lúc đó là mùa lạnh thì nên bảo thợ săn vào trong chùa sưởi ấm chốc lát; nếu là mùa nóng nực thì nên bảo thợ săn vào chùa uống nước mát. Nếu thợ săn nói: “Tôi không mệt, tôi chỉ hỏi về con nai”, lúc đó Bí-sô ni nhìn móng tay nói rằng: “Nặc-khư-bát-xa-nhĩ”; nếu thợ săn hỏi về nai nữa thì Bí-sô ni nên nhìn mặt trời nói rằng: “Nạp bà bát xa nhĩ”. (Nặc-khư là tiếng Phạm, nghĩa là móng tay, cũng có nghĩa là không; Bát-xa nghĩa là thấy; Nhĩ nghĩa là tôi. Câu này ý nói tôi thấy móng tay, cũng có nghĩa là nói mắt tôi không thấy, người kia nghe nói không cho là Bí-sô ni không thấy con vật. Đây là phương tiện để cứu chúng sanh nên không phạm. Nạp-bà nghĩa là thái hư, cũng có nghĩa là không, câu-nạp-bà-bát-xa-nhĩ ý nói tôi thấy thái hư, cũng có nghĩa là nói tôi không thấy. Vì diễn đạt cả hai nghĩa trên nên giữ nguyên âm Phạm không dịch). Nếu thợ săn nói: “Tôi không hỏi móng tay và thái hư, tôi chỉ hỏi về con nai”, lúc đó Bí-sô ni nên nhìn khắp bốn phương khởi nghĩ trong thắng nghĩa đế, tất cả các hành vốn không có hữu tình, liền đáp là tôi không thấy hữu tình cũng không phạm. Nếu Bí-sô ni vào trường hợp khác khi hỏi không đáp như thật đều phạm Đọa.

Học Xứ Thứ Mười Bốn: ĐỂ PHU CỤ CỦA TĂNG NƠI ĐẤT TRỐNG

Duyên khởi giống như trong luật Bí-sô, lúc đó có một trưởng giả thỉnh Phật và Tăng đến nhà thọ thực, các Bí-sô vào sáng sớm đã đắp y mang bát đi đến nhà trưởng giả, Thế tôn ở chùa sai người đi lấy thức ăn về do có năm duyên: Một là cần yên tĩnh, hai là nói pháp cho chư thiên, ba là thăm nom người bịnh, bốn là xem xét phu cụ của tăng, năm là chế học xứ cho các Bí-sô. Trường hợp này Phật muốn đi xem xét phu cụ của Tăng và chế học xứ cho các Bí-sô. Sau khi chúng tăng đi rồi, Thế tôn cầm chìa khóa đến các phòng xem xét và khắp nơi ngoài sân chùa, sau cùng đến một phòng không người ở, thấy có nhiều phu cụ để bừa bãi trên đất trống. Lúc đó bổng có gió mưa ập đến, Phật nghĩ: “Những phu cụ này là do lòng tin của Bà-la-môn cư sĩ đã chịu cực khổ, nhín phần chi dụng của vợ con mang đến cúng cho Tăng già để cầu thắng phước. Vậy mà các Bí-sô khi thọ dụng lại không biết lượng, không khéo giữ gìn đem bỏ bừa bãi”, nghĩ rồi, Thế tôn vận dụng thần thông che chắn gió mưa để thu cất các phu cụ, thu cất xong lấy áo tắm mưa ra ngoài để tắm mưa, tắm xong vào phòng trụ trong yên tĩnh. Sau đó Bí-sô lấy thức ăn về đến, thường pháp của chư Phật là hỏi thăm người mang thức ăn về: “Chư tăng thọ ẩm thực có được no đủ không?”, đáp là đều no đủ. Thế tôn thọ thực rồi sau đó lại trụ trong yên tĩnh cho đến xế chiều mới xuất định, đến trong chúng tăng ngồi vào chỗ ngồi rồi bảo các Bí-sô: “Sau khi chư tăng đi phó thực, ta ở lại chùa cầm chìa khóa đi xem xét các phòng… giống như đoạn văn trên cho đến câu thu cất các phu cụ. Này các Bí-sô, thí chủ nhín phần chi dụng của vợ con mang đến cúng cho tăng già để cầu thắng phước, các thầy không thể như pháp thọ dụng lại còn làm hư tổn của tín thí”, liền nói kệ:

“Đối với vật tín thí,
Biết lượng mà thọ dụng,
Tự thân được an ổn,
Khiến phước đức tăng trưởng”.

Lúc đó Thế tôn khen ngợi người tri túc y pháp thọ dụng của tín thí rồi bảo các Bí-sô: “Ta nay chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni để phu cụ của Tăng và các giường ngồi nơi đất trống, khi đi không tự cất, không bảo người cất, phạm Ba-dật-để-ca.”

Phật chế học xứ rồi, sau đó có Bí-sô theo đoàn thương buôn du hành trong nhân gian đến một trú xứ xin nghỉ qua đêm, cuối đêm họ thức dậy đi, Bí-sô nghe kêu vội thức dậy dặn trao ngọa cụ nên bị bỏ lại ở sau và gặp giặc cướp. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Nơi tạm nghỉ nếu có Bí-sô thì nên dặn rồi đi”. Sau đó ở thành Thất-laphiệt có hai trưởng giả nhiều đời oán cừu nhau, một người có tín tâm, một người không có tín tâm. Người có tín tâm suy nghĩ: “Nay ta không nên làm tăng thêm thù hận, ta nên xả bỏ oán thù làm người xuất gia”, người không có tín tâm nghe tin này liền nói: “Dù oan gia có vào thành vô úy ta cũng không buông tha”. Bí-sô trưởng giả nghe được lời này liền suy nghĩ: “Ta vì xả bỏ oán thù mà xuất gia, nếu ta ở đây người ấy cũng đến khủng bố, ta nên lánh đi nơi khác”, nghĩ rồi liền đến xin phép Ô-ba-đà-da đi lánh nạn, Trưởng giả không có tín tâm nghe biết được liền mang theo lương thực đi đường để duổi theo Bí-sô, Bí-sô vì nương theo thời mà đi còn phi thời không đi; ngược lại trưởng giả kia thời và phi thời đều đi nên đuổi kịp Bí-sô, từ xa trông thấy Bí-sô vào nghỉ qua đêm trong một ngôi chùa, trưởng giả sợ vào trong chùa gây bất lợi sẽ có nhiều người trong chùa trở lại gây bất lợi cho ông, nên tìm nơi nghỉ qua đêm đợi sáng mai chặn đón Bí-sô trên đường đi. Trời vừa sáng như lời Phật đã dạy, Bí-sô dặn dò lại Bí-sô ở trú xứ thu cất giùm phu cụ vì phải gấp lên đường đến Vương thành. Bí-sô đi rồi, trưởng giả ở trên đường đợi không thấy nên vào trong chùa hỏi, sau khi biết được đường đi của Bí-sô liền đuổi theo bắt kịp được Bí-sô, Bí-sô nói: “Hiền thủ, tôi nay đã xuất gia muốn xả bỏ oán ác”, trưởng giả nói: “Bây giờ ta muốn xả bỏ oán ác đây”, nói rồi liền cầm cây đánh Bí-sô gần chết, bát bị bể, y bị rách, Bí-sô gắng gượng trở lại ngôi chùa kia kể lại mọi việc, các Bí-sô trong chùa nói: “Nếu chúng tôi không bảo cụ thọ đi theo con đường đó thì không bị khổ não như thế này”. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói trừ thời nhân duyên, rồi bảo các Bí-sô: “Trước kia là sáng chế, bây giờ là tùy khai, học xứ này nên nói lại như sau: Nếu lại có Bí-sô ni mang giường ghế phu cụ của Tăng để nơi chỗ đất trống, khi đi không tự cất, không bảo người cất, nếu có Bí-sô ni mà không dặn trao thì phạm

Ba-dật-để-ca, trừ thời nhân duyên.”

Nếu lại có Bí-sô ni là ni trong pháp luật này.

Lúc đó cụ thọ Ưu-ba-ly hỏi Phật: “Thế tôn, rời phu cụ đi khoảng bao xa gọi là thế phần?”, Phật nói: “Như Bà-la-môn Sanh văn trồng cây Am một la mỗi cây cách nhau khoảng bảy tầm, trong vòng bảy cây có bốn mươi chín tầm, khi để phu cụ nơi đất trống với khoảng cách này thì phải dặn dò trao lại. Rời khỏi thế phần này phải tự thu cất, nếu không tự cất cũng không bảo người cất thì gọi là không thu cất.” Có Bí-sô ni là nơi đó có người ở có thể dặn dò trao lại. Có năm cách dặn: Một là nói với người chủ: “Cụ thọ, phòng ở này nên coi ngó, phu cụ nên thu cất, đây là chìa khóa phòng”. Nếu ở đó không có Bí-sô ni thì nên dặn lại Cầu-tịch nữ, nếu không có Cầu-tịch nữ thì nên dạn lại người thế tục, nếu không có nguời thế tục thì nên nhìn bốn phía rồi cất chìa khóa phòng vào một nơi kín đáo mới được đi; nếu giữa đường gặp Bí-sô ni nên nói cho biết chỗ đã cất chìa khóa. Trừ thời nhân duyên là trừ có nạn duyên.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Bí-sô để phu cụ của Tăng cố ý không dặn lại mà bỏ đi, chưa rời khỏi thế phần thì phạm Ác-tác, nếu rời khỏi thì phạm Đọa. Nếu Bí-sô ni trải phu cụ của Tăng nơi đất trống rồi vào trong phòng tĩnh tọa, xuất định xong rồi đi như thế cho đến canh đầu, nếu phu cụ không tổn hoại thì phạm Ác-tác, tổn hoại thì phạm Đọa.

Cụ thọ Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thế tôn, có mấy trường hợp làm cho phu cụ bị hư hoại?”, Phật nói: “Có hai trường hợp là gió và mưa, gió thổi cuốn hư gọi là gió làm hoại, mưa ướt làm mục gọi là mưa làm hoại”.

Bí-sô ni vào xế chiều trải phu cụ nơi đất trống không thu cất, cũng không bảo người cất đến nửa canh nếu không tổn hoại thì phạm Ác-tác, tổn hoại thì phạm Đọa. Như vậy cho đến hết một canh, một canh rưỡi, hai canh, hai canh rưỡi, ba canh, ba canh rưỡi, bốn canh, bốn canh rưỡi đến trời sáng, nửa buổi sáng, đến trưa, đúng ngọ, quá ngọ, xế chiều, chiều tối, tối trong khoảng thời gian ngày đêm này trải phu cụ của Tăng mà không xem xét, không thu cất, nếu chưa tổn hoại thì phạm Ác-tác, tổn hoại thì phạm Đọa.

Học Xứ Thứ Mười Lăm: KHÔNG THU CẤT PHU CỤ CỎ

Duyên khởi giống như trong luật Bí-sô, lúc đó có hai Bí-sô một già một trẻ vì muốn kính lễ Phật nên cùng đi đến thành Thất-la-phiệt, chiều tối ghé vào một ngôi chùa xin nghỉ qua đêm. Các Bí-sô ở đây phân chia phòng và ngọa cụ cho Bí-sô già, còn Bí-sô trẻ chỉ được phòng không được ngọa cụ nên Bí-sô này tìm nhiều cỏ khô trải dầy cho ấm…

Sáng hôm sau ra đi không thu dọn nên kiến nương ở trong phu cụ cỏ này, thời gian sau làm hư hỏng phóng xá. Phật đi đến các phòng xem xét ngọa cụ thấy cỏ bừa bãi… quở trách rồi chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni ở trong phòng tăng tự trải phu cụ cỏ hoặc bảo người trải, khi đi không thu cất, không bảo người thu cất, nếu có Bí-sô ni mà không dặn dò thì phạm Ba-dật-để-ca.

Thế tôn chế học xứ rồi, sau đó có nhiều Bí-sô du hành trong nhân gian đến chỗ một trưởng xin nghỉ qua đêm rồi trải cỏ khô làm nệm dầy bằng đầu gối để ngủ cho ấm. Sáng hôm sau bỏ đi không nói cũng không thu dọn sạch sẽ nên bị trưởng giả chê trách. Phật nói: “Nên nói cho chủ biết và phải thu dọn sạch sẽ, nếu làm trái thì phạm tội Việt pháp”. Thời gian sau lại có nhiều Bí-sô du hành đến một ngôi chùa xin nghỉ qua đêm, sáng hôm sau muốn đem bỏ phu cụ cỏ, vị chủ chùa nói: “Loại cỏ này tìm rất khó được lại rất xa, không nên đem bỏ”, khách Bí-sô nói: “Thầy không biết tự thân phạm tội, lại muốn chúng tôi cùng phạm tội hay sao?”, nói rồi liền đem bỏ phu cụ cỏ. Phật nói: Không nên đem bỏ, nếu có Bí-sô thì nên dặn trao lại, khi nào họ bảo đem bỏ thì mới bỏ, nếu làm trái thì phạm tội Việt pháp. Trước kia là sáng chế, bây giờ là tùy khai, học xứ này nên nói lại như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni ở trong phòng tăng tự trải hay bảo người trải phu cụ cỏ; khi ra đi không tự thu dọn, không bảo người thu dọn, nếu có Bí-sô ni mà không dăn lại thì phạm Ba-dật-để-ca, trừ duyên khác.

Nếu lại có Bí-sô ni là ni trong pháp luật này. Tướng phạm giống như giới trên, nếu ở chỗ đất đá sỏi hay đất cát, không có trùng kiến dù trải phu cụ cỏ không thường coi ngó cũng không phạm.

Học Xứ Thứ Mười Sáu: GƯỢNG BỨC NÃO NGƯỜI KHÁC

Duyên khởi giống như trong luật Bí-sô, lúc đó Ô-đà-di đến chỗ các Bí-sô trẻ tuổi khuyến dụ họ cùng đi du hành… cho đến câu các Bí-sô trẻ này bị bức ra ngoài ngủ nơi đất trống, suốt đêm chịu khổ vì lạnh… Phật quở trách rồi chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni nơi trú xứ Tăng, biết các Bí-sô ni khác đã nghỉ nơi đó trước, mình đến sau mà vào ở trong đó cố ý xúc não họ bằng cách nằm ngồi trên ngọa cụ của họ, nghĩ rằng: Nếu họ bực mình thì tự xa tránh đi nơi khác, thì Bí-sô này phạm Ba-dật-để-ca.

Nếu lại có Bí-sô ni là ni trong pháp luật này. Tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Mười Bảy: CỐ Ý NGỒI NẰM TRÊN GIƯỜNG SÚT CHÂN

Duyên khởi giống như trong luật Bí-sô, lúc đó Ô-ba-Nan-đà đến khuyến dụ các Bí-sô trẻ: “Các thầy hãy cùng tôi du hành trong nhân gian, chắc chắn sẽ hàng phục được các tông khác. Tự sẽ được danh xưng. Các vị nếu muốn đọc tụng, thiền tư và y thực các món cần dùng sẽ không để các vị thiếu thốn”, các Bí-sô trẻ nghe rồi nhưng biết rõ Ôba-Nan-đà thường làm việc xấu không thể cùng ở chung nên không ai chịu cùng đi. Lúc đó có một Bí-sô khất thực nghe Ô-ba-Nan-đà đang tìm bạn đồng hành liền hứa cùng đi chung, người bạn thân của Bí-sô khất thực can ngăn nhưng Bí-sô khất thực không chịu nghe theo, nói rằng: “Tôi đã đủ mười hạ, không phải y chỉ vị ấy, cũng không đến vị ấy cầu thọ học nghiệp, vị ấy muốn làm gì tôi cũng không thể làm được”, người bạn thân nói: “Sau thầy sẽ tự biết”. … Cho đến câu Ô-ba-Nan-đà cố ý buông thần ngồi nằm trên giường sút chân, khiến chân giuờng rơi xuống trúng đầu Bí-sô khất thực…, Phật quở trách rồi chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau:

“Nếu lại có Bí-sô ni ở trong trú xứ tăng biết chân giường và chân ghế trên tầng gác bị sút mà buông mình ngồi nằm, phạm Ba-dật-đểca”.

Nếu lại có Bí-sô ni là ni trong pháp luật này. Biết là tự biết hay người khác nói cho biết . Chân giường bị sút là chân giường lỏng lẻo, không liên kết với giường ghế. Buông mình ngồi nằm là ngồi nằm mạnh xuống cố ý làm cho chân giường sút ra để gây thương tích cho người khác.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô biết phòng xá của tăng có giường bị sút chân mà buông mình ngồi nằm cố ý gây tổn hại cho người khác đếu phạm Đọa. Nếu giường kê sát đất hay có vật chống đỡ ở dưới thì không phạm.

Học Xứ Thứ Mười Tám: DÙNG NƯỚC CÓ TRÙNG

Duyên khởi ở nước Kiều-thiểm-tỳ giống như trong luật của Bí-sô, lúc đó Xiển đà dùng nước có trùng tưới lên cỏ, đất…, các Bí-sô thiểu dục chê trách rồi bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni biết nước có trùng, tự tưới lên cỏ, đất hay trộn với phân bò…, hoặc bảo người tưới thì phạm Ba-dật-để-ca.

Tướng phạm là nếu Bí-sô ni đối với nước có trùng khởi tưởng có trùng và nghi mà tự tưới dùng hay bảo người tưới dùng thì phạm Đọa. Nếu nước không có trùng khởi tưởng là có trùng và nghi thì Ác-tác.

Học Xứ Thứ Mười Chín: CẤT CHÙA LỚN QUÁ LƯỢNG

Duyên khởi như trong luật Bí-sô, như Phật đã dạy người tu phước đời này, đời sau thường thọ lạc; người không tu phước, đời sau thường khổ não. Cho nên các Bí-sô giáo hóa các Bà-la-môn, cư sĩ xây cất chùa cho Tăng ở, lúc đó Lục chúng lại hay phê bình chỉ trích chùa nay chùa kia xây cất không hoàn hảo… cho đến câu Phật quở trách rồi chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni xây cất chùa lớn có nhiều tầng bên bệ cửa phải đặt ngạch cửa, cửa sổ phải có song cửa, phải có lỗ thông gió và chỗ thoát nước. Khi xây vách tường lên nếu là hồ nhão không chắc thì chỉ nên xây chừng hai tầng, không quá ba tầng, nếu xây quá phạm Badật-để-ca.”

Chùa lớn có hai một là vật thí lớn, hai là hình lượng lớn, trong giới này là hình lượng lớn. Khi xây vách tường lên nếu là hồ nhão không chắc tức là làm nền móng không chắc do trộn hồ non thì khi xây tường lên làm nhiều tầng chỉ nên chừng hai tầng, không quá ba tầng sẽ dễ bị sụp đổ.

Tướng phạm nói đầy đủ trong luật Bí-sô.

Học Xứ Thứ Hai Mươi: THỌ QUÁ MỘT BỬA ĂN

Duyên khởi ở tại thành Thất-la-phiệt giống như trong luật Bí-sô, lúc đó Thế tôn thần thông giáo hóa phá được các ngoại đạo nên họ phân tán đi khắp nơi và đến ở nơi chốn biên phương. Nơi đó có một trưởng giả xây cất một trú xứ cho các tà sư ngoại đạo ở, sau đó có một người bạn thân quen đến thăm trưởng giả và hỏi: “Nơi đây có phước điền thù thắng đáng cung kính không?”, trưởng giả liền dẫn đến gặp các tà sư ngoại đạo, người bạn liền nói với trưởng giả: “Những vị này không phải là phước điền thù thắng, phước điền thù thắng chính là các vị Thánh đệ tử của Phật Thế tôn”. Sau đó Lục chúng nghe biết tin này liền cùng nhau đến chỗ trưởng giả… cho đến câu làm cho trưởng giả mất lòng tin thanh tịnh, lại còn đánh các ngoại đạo đuổi ra khỏi chỗ ở. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật quở trách rồi chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau: Nếu lại có Bí-sô ni ở nơi trú xứ của ngoại đạo, được ngủ qua một đêm và thọ một bửa ăn, nếu thọ quá phạm Ba-dật-để-ca. Lúc đó Thế tôn quan biết trưởng giả đã đến lúc được điều phục nên sai cụ thọ Xá-lợi-tử đến đó thuyết pháp giáo hóa. Tôn giả vâng lời Phật đến đó thuyết pháp giáo hóa khiến cho trưởng giả và trăm ngàn hữu tình ở nơi đó đều thấy được chơn đế lý. Do thuyết pháp quá lâu, thời thực trôi qua, tôn giả không ăn lại bị trúng gió… nên Phật do duyên này bảo các Bí-sô: “Trước kia là sáng chế, bây giờ là tùy khai, học xứ này nên nói lại như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni ở trú xứ ngoại đạo, được ngủ qua một đêm và ăn một bửa cơm, trừ nhân duyên bịnh, nếu thọ dụng quá thì phạm Badật-để-ca.”

Nếu lại có Bí-sô ni là ni trong pháp luật này. Trú xứ ngoại đạo là thí chủ đem trú xứ cho ngoại đạo ở trước.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô ni ở trú xứ khác đã thọ một bửa ăn, nếu ngủ qua một đêm nữa thì phạm Ác-tác, nếu thọ thức ăn nữa thì phạm Đọa. Nếu ngủ đêm ở chỗ này mà ăn ở chỗ khác, khi ngủ phạm Ác-tác, khi ăn không phạm. Nếu ngủ đêm ở chỗ khác còn ăn ở đây thì khi ngủ không lỗi, khi ăn phạm Đọa. Nếu ngủ đêm ở chỗ khác và ăn ở chỗ khác, tạm thời đến đây thì không phạm. Nếu nơi đây có nhiều người cộng tác hoặc thí chủ mời ở lại hoặc trú xứ này do bà con xây cất thì ăn quá một bửa không phạm.

Nhiếp Tụng Ba:

Quá ba, không dư thực,
Khuyên đủ và biệt chúng,
Phi thời xúc, không thọ,
Trùng, ngoại đạo, xem quân.

Học Xứ Thứ Hai Mươi Mốt: THỌ THỨC ĂN QUÁ BA BÁT

Duyên khởi ở tại thành Thất-la-phiệt giống như trong luật Bí-sô, lúc đó ở phương Bắc có vị thương chủ nghe danh xưng của Phật và các vị Thánh đệ tử nên cùng các thương nhơn đi đến thành Thất-la-phiệt và dừng nghỉ ở ngoài thành. Lục chúng Bí-sô biết được liền tìm đến chỗ họ nói pháp để mong cầu được họ cúng y, không bao lâu sau họ bỏ đi đến nơi khác, Lục chúng lại tìm đến chỗ đó gặp họ và nói kệ:

Lục chúng liền nói kệ:

“Biên phương đường hiểm không nên đến,
Dù có đi cũng chớ dừng ở,
Chẳng những nơi chốn không nên đến,
Người nơi ấy cũng chớ kết bạn,
Kẻ ở núi hiểm mới gặp tốt,
Như vàng mài đá mất tươi sáng.
Người ở Trung phương không như vậy,
Thỉ chung không đổi như núi Nhạc”.

Thương chủ nghe kệ rồi nói: “Các Thánh giả vì sao lại phiền giận, vừa gặp đã quở trách?”, Lục chúng nói: “Chúng tôi đã cùng các vị bày tỏ tình nghĩa, bỏ việc tu phẩm thiện để đến nói pháp cho các vị nghe”, nói rồi lại hiện tướng cầu y, cuối cùng cũng được cúng y, các thương nhơn lại thỉnh thọ thực, Lục chúng thọ nhiều quá nên các lương thực của các thương nhơn đều hết sạch, họ phải đi mua thêm lương thực và bị giặc cướp hết nên các thương nhơn chê trách Lục chúng. Đây là duyên khởi nhưng Phật chưa chế học xứ.

Duyên khởi cũng ở trong thành Thất-la-phiệt như trong luật Bí-sô, lúc đó có một trưởng giả cưới vợ chưa bao lâu thì người vợ qua đời, cứ như thế cho đến cưới thêm người vợ thứ bảy cũng lại qua đời cho nên trưởng giả đó được mệnh danh là người hại vợ. Từ đó không ai chịu làm vợ ông ta nữa, thời gian sau ông hỏi cưới được một người con gái chột mắt phải, người bạn cũ liền nói kệ:

“Nhà ba la sắp xếp gọn sạch,
Như người nằm ngủ gối đầu Tây,
Người chột mắt phải cưới làm vợ,
Có thể làm tổn trời Đế-thích,
Hai ác gặp nhau ắt có tổn,
Ví như hai đá chạm cùng nhau,
Cả hai đều là người làm hại,
Nếu cưới nhất định gặp chết chóc”.

Lúc đó cha mẹ của người nữ chột mắt phải đang sửa soạn các phẩm vật cho ngày hôn lễ của con, Lục chúng đến nhà đó khất thực thọ nhiều quá nên thức ăn chuẩn bị tiễn đưa con gái về nhà chồng đều hết sạch … khiến cho hôn lễ không thành, cha mẹ của cô gái chê trách Lục chúng. Phật do duyên này quở trách rồi chế học xứ này cho hai bộ đê tử như sau:

Nếu lại có nhiều Bí-sô ni đến trong nhà thế tục, có Bà-la-môn, Cư sĩ tịnh tín… ân cần thỉnh cúng bánh bún… các món ăn, Bí-sô cần thì được thọ hai, ba bát, nếu thọ quá thì phạm Ba-dật-để-ca. Thức ăn đã thọ được mang về trú xứ, nếu có Bí-sô thì nên cùng chia cho nhau ăn. Đây là thời. ”

Nếu lại có nhiều Bí-sô ni là ni trong pháp luật này, trên hai người thì gọi là nhiều. Nhà thế tục tức là nhà của cư sĩ bạch y, Bà-la-môn … Hai ba bát: Bát Có ba bậc thượng trung và hạ, bát bậc thượng của nước Ma-kiệt-đà đựng được hai thăng gạo nấu thành cơm; bát bậc trung đựng được một thăng rưỡi gạo nấu thành cơm; bát bậc hạ đựng được một thăng gạo nấu thành cơm.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?:

Khi Bí-sô ni dùng ba bát cỡ lớn thọ thức ăn của người khác thì phạm Ác-tác, khi ăn phạm Đọa.

Học Xứ Thứ Hai Mươi Hai: ĂN ĐỦ

Duyên khởi giống như trong luật Bí-sô, lúc đó Phật bảo các Bí-sô: “Khi ta hành theo pháp Nhất tọa thực, ta thường được thiểu dục, không bịnh, thân tâm khinh an, được an lạc trụ. Các thầy cũng nên hành theo pháp Nhất tọa thực … để được an lạc trụ”. Các Bí-sô nghe Phật nói hành theo pháp Nhất tọa thực được công đức như thế nên tất cả đều hành theo, nhưng khi đang ăn thấy A-giá-lợi-da, Ô-ba-đà-da cho đến các bậc kỳ túc khác đến đều đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi; đã rời khỏi chỗ ngồi liền cho là ăn đủ nên không dám ăn nữa, do ăn không đủ nên sắc mặt xanh xao, thân thể gầy yếu. Thế tôn biết rõ nguyên do mà vẫn hỏi A Nan-đà: “Vì sao các Bí-sô sắc mặt lại xanh xao và thân thể gầy yếu?”, đáp: “Do Thế tôn dạy hành theo pháp Nhất tọa thực được an lạc trụ nên tất cả các Bí-sô đều hành theo pháp này, nhưng khi thấy hai thầy và các bậc kỳ túc khác đến đều đứng dậy chào hỏi, đã rời khỏi tòa ngồi liền cho là ăn đủ nên không dám ăn nữa; do ăn không đủ nên sắc mặt xanh xao thân thể gầy yếu”, Phật bảo A Nan-đà: “Bí-sô hành Nhất tọa thực khi đang ăn dù hai thầy hay ai khác đến cũng không nên đứng dậy, cứ tùy ý ăn cho no”.

Sau đó các Bí-sô tùy có được chút ít các loại canh rau đậu, ăn rồi cho là ăn đủ liền đứng dậy, đã đứng dậy rồi nên không dám ăn nữa; do nhân duyên này nên gầy yếu, Thế tôn lại hỏi A Nan-đà nguyên do, A Nan-đà liền đem nguyên do trên bạch Phật, Phật nói: “Có năm loại thức ăn Kha-đãn-ni là củ, cọng, lá, hoa và quả nếu ăn thì không thành ăn đủ; có năm loại thức ăn Bồ-thiện-ni là cơm, bánh, bún, cá thịt nếu ăn thì thành ăn đủ. Nếu Bí-sô được ăn năm loại thức ăn Kha-đãn-ni trước thì sau được ăn năm loại thức ăn Bồ-thiện-ni . Nếu trước được ăn năm món Bồ-thiện-ni thì sau không nên ăn năm món Kha-đãn-ni, nếu ăn phạm tội Việt pháp”. Sau đó các Bí-sô vừa thọ thực được một ít, vì có duyên sự nên đứng dậy, đã đứng dậy rồi nên không dám ăn nũa, do nhân duyên này nên gầy yếu, Thế tôn lại hỏi A Nan-đà nguyên do, A Nan-đà đem nguyên do trên bạch Phật, Phật nói: “Có năm nhân duyên mới thành ăn đủ,lại có năm nhân duyên không thành ăn đủ. Thế nào là năm nhân duyên thành ăn đủ?

1. Biết đây là thức ăn: Tức là biết thuộc năm món Kha-đãn-ni hay thuộc năm món Bồ-thiện-ni.

2. Biết có người trao thức ăn: Tức là nam, nữ hay bán trạch ca…

3. Biết thọ rồi mới ăn: Tức là biết hai loại của năm món ăn trên thọ được từ người khác mà ăn.

4. Biết ngăn món ăn: Tức là biết ngăn hai loại năm món thức ăn trên.

5. Biết xả oai nghi: Là từ chỗ ngồi đứng dậy đi.

Ngược với năm nhân duyên trên thì không thành ăn đủ.

Lại có năm duyên thành ăn đủ và năm duyên không thành ăn đủ. Thế nào là năm duyên thành ăn đủ? Một là thức ăn thanh tịnh, hai là có một ít thức ăn không thanh tịnh xen tạp, ba là không phải thức ăn thuộc ác xúc, bốn là có một ít thức ăn thuộc ác xúc xen tạp, năm là rời khỏi chỗ ngồi. Thế nào là năm duyên không thành ăn đủ? Một là thức ăn không thanh tịnh, hai là có phần nhiều thức ăn không thanh tịnh xen tạp, ba là thức ăn thuộc ác xúc, bốn là có phần nhiều thức ăn thuộc ác xúc xen tạp, năm là chưa rời khỏi chỗ ngồi ăn.

Lại có năm duyên thành ăn đủ và năm duyên không thành ăn đủ. Thế nào là năm duyên thành ăn đủ? Một là thấy người dọn đưa thức ăn đến, Bí-sô nói không cần; hai là hoặc Bí-sô nói hãy đi; ba là Bí-sô hoặc nói thôi, bốn là Bí-sô hoặc nói đã đủ, năm là Bí-sô hoặc nói ăn xong rồi. Năm cách nói trên là quyết đoán không thọ thêm thức ăn nữa; ngược với năm cách nói trên gọi là năm duyên không thành ăn đủ.”

Như Thế tôn dạy Bí-sô không nên ăn quá no hay ăn rồi lại ăn nữa, lúc đó Lục chúng Bí-sô dù no hay không no vẫn ăn nữa, các Bí-sô bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: “…Chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau: Nếu lại có Bí-sô ăn đủ rồi lại nữa, phạm Ba-dật-để-ca .” Sau đó có một trưởng giả thỉnh Phật và tăng đến nhà thọ thực, lúc đó có rất nhiều Bí-sô mắc bịnh, những người nuôi bịnh đi phó thực ăn no rồi lấy thức ăn mang về cho các Bí-sô bịnh ăn, nhưng các Bí-sô bịnh ăn không hết, người nuôi bịnh đã ăn đủ rôi nên không dám ăn nữa, lại không có cầu tịch hay tịnh nhân để cho họ ăn, bèn đem thức ăn dư đó đổ đống ở bên ngoài, chim quạ bay đến giành ăn kêu la inh ỏi. Thế tôn nghe rồi liền hỏi A Nan-đà: “Vì sao có tiếng chim kêu la như thế?”, A Nan-đà liền đem sự việc trên bạch Phật, Thế tôn suy nghĩ: “Nay ta nên làm cho các Bí-sô được an lạc trụ và thí chủ được phước thọ dụng, nên cho các Bí-sô tác pháp dư thực để ăn”, nghĩ rồi liền bảo A Nan-đà: “Nay ta cho phép các Bí-sô tác pháp dư thực để được tùy ý ăn”. Lúc đó các Bí-sô không biết tác pháp như thế nào liền bạch Phật, Phật nói: “Trường hợp Bí-sô ăn đủ rồi, lại có thí chủ đem hai loại của năm món ăn đến, nếu Bí-sô cần nên rửa tay sạch rồi thọ, sau đó mang đến chỗ Bí-sô đang ăn mà chưa rời khỏi chỗ ngồi, ở trước vị ấy nói rằng: “Cụ thọ, tôi Bí-sô tên ___ đã ăn đủ rồi lại được hai loại của năm món ăn, ý muốn ăn nữa nên đến trước cụ thọ xin tác pháp dư thực”. Bí-sô kia nên vì tác pháp dư thực bằng cách tự mình ăn vài miếng rồi nói: “Hãy mang đi, đây là thức ăn của thầy cứ tùy ý ăn”. Sau khi tác pháp dư thực rồi, Bí-sô này được tùy ý ăn no. Nếu Bí-sô ăn đủ rồi, ý muốn ăn nữa mà không tác pháp dư thực, khi ăn phạm tội Việt pháp”.

Có năm nhân duyên không thành tác pháp dư thực: ở ngoài giới, ở chỗ xa có che ngăn, ở sau lưng, ở một bên và vị đối tác pháp đã rời khỏi chỗ ngồi. Ngược với năm duyên trên thì thành tác pháp dư thực.

Lại có năm duyên không thành tác pháp dư thực: Ngoài giới, chỗ có ngăn che, không dùng đồ đựng, tay không cầm thức ăn đến và vị đối tác pháp đã rời khỏi chỗ ngồi. Ngược với năm duyên trên thì thành tác pháp dư thực. Một người tác pháp dư thực rồi có nhiều Bí-sô đến cùng ăn đều không phạm.

Lúc đó Thế tôn khen ngợi người trì giới, tôn trọng giới nói pháp tùy thuận cho các Bí-sô rồi nói: “Trước kia là sáng chế, bây giờ là tùy khai, nên nói lại học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau: Nếu lại có Bí-sô ni ăn đủ rồi, không làm pháp thức ăn dư mà ăn nữa thì phạm Ba-dậtđể-ca.”

Nếu lại có Bí-sô ni là ni trong pháp luật này. Không làm pháp thức ăn dư là không đem hai loại của năm món ăn đến trước một Bí-sô ni khác-tác pháp.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu có Bí-sô ni ăn đủ rồi, khởi tưởng ăn đủ rồi và nghi mà ăn nữa thì phạm Đọa. Ăn không đủ khởi tưởng là ăn đủ và nghi mà ăn nữa thì phạm Ác-tác. Ăn không đủ khởi tưởng ăn không đủ hoặc ăn đủ khởi tưởng là ăn không đủ mà ăn nữa đều không phạm. Lúc đó cụ thọ Ưu-baly hỏi Phật: “Ăn những thứ cháo như thế nào được gọi là ăn đủ?”, Phật nói: “Cháo vừa chín nếu dựng cái muỗng vào mà không ngã, hoặc lấy ngón tay vẻ cái móc mà dấu không mất, ăn loại cháo này được gọi là ăn đủ”, lại hỏi: “Thế tôn, ăn loại bún như thế nào được gọi là ăn đủ?”, Phật nói: “Bún khi nấu với nước nếu dựng cái muỗng vào mà không ngã, hoặc dùng tay vẻ cái móc mà dấu không mất, ăn loại bún như thế được gọi là ăn đủ. Lại nữa tất cả loại cháo lỏng, bún lỏng đều gọi là ăn không đủ”.

Học Xứ Thứ Hai Mươi Ba: KHUYÊN NGƯỜI KHÁC ĂN ĐỦ

Duyên khởi giống như trong luật Bí-sô, chỉ khác đối tượng trong học xứ này là người vợ không phải người chồng, lúc đó người vợ đến chỗ Bí-sô ni cầu xin xuất gia, vị ni này dẫn đến chỗ vị Thân giáo sư để cho xuất gia. Cho xuất gia xong, vị Thân giáo sư bảo Bí-sô ni giáo thọ người nữ mới xuất gia này. Thời gian sau có một trưởng giả thỉnh Phật và Tăng đến nhà thọ thực, thọ thực xong đến nhà một thí chủ thân quen lại được cúng thêm thức ăn, vị thầy hỏi người đệ tử già: “Cô muốn được thức ăn này không?”, đáp là muốn được, nói rồi liền nhận lấy hai phần thức ăn mang về chùa. Về đến trong chùa vị thầy hỏi người đệ tử già: “Cô muốn lược nước hay đi tác pháp dư thực?”, đáp: “Con đi tác pháp dư thực”. Vị thầy liền đi lược nước còn đệ tử đi đến chỗ Bí-sô ni chưa ăn xong mang phần thức ăn của mình ra xin tác pháp dư thực, còn phần thức ăn của thầy thì không làm. Vị thầy lược nước xong trở vào trong chùa hỏi người đệ tử già đã tác pháp dư thực chưa, liền đáp là đã tác pháp rồi nên vị thầy lấy phần thức ăn của mình ra ăn. Đợi thầy ăn xong, người đệ tử già nói: “Thầy cho phép con gạn hỏi tội phạm?”, thầy nói: “Cô cứ tùy ý hỏi”, đệ tử nói: “Thầy có tội phải như pháp sám hối”, thầy nói: “Tôi không thấy tội”, đệ tử nói: “Thầy không tác pháp dư thực mà ăn”, thầy nói: “Này cụ thọ, tôi há không hỏi cô đã tác pháp dư thực chưa, cô nói đã tác pháp rồi, tại sao đợi tôi ăn rồi cô mới nói là không tác pháp dư thực?”, đệ tử nói: phần của con thì đã tác pháp rồi, nhưng phần của thầy thì không làm”, thầy nói: “Này cụ thọ, tôi thật không có tội, chuẩn theo lý thì cô mới có tội”. Thầy giáo thọ liền đem việc này bạch các Bí-sô ni, các Bí-sô ni liền đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: “… Chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau: Nếu lại có Bí-sô ni biết Bí-sô ni khác ăn đủ rồi, không làm pháp dư thực mà khuyên ăn nữa, nói rằng: Cụ thọ nên ăn thức ăn này, chỉ vì muốn cho người kia phạm tội, sanh ưu não thì phạm Ba-dật-để-ca.”

Nếu lại có Bí-sô ni là chỉ cho Bí-sô ni đệ tử già. Biết là tự biết hay do người khác nói mà biết. Bí-sô ni khác là chỉ cho người trong giáo pháp này.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô ni biết người khác ăn đủ rồi, không làm pháp dư thực mà khuyên người kia ăn hai loại của năm món ăn thì phạm Đọa.