CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ BÍ SÔ NI TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 19

Học Xứ Thứ Một Trăm Hai Mươi Lăm: GỞI DỤC TRẢI QUA ĐÊM

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Tăng già có việc quan trong nên nhóm họp các Bí-sô ni, tất cả đều đến nhóm chỉ riêng có Thổ-la-Nan-đà là không đến, ni chúng sai người đến kêu, Thổ-laNan-đà nói: “Tôi đã như pháp gởi dục rồi, chúng Tăng tùy ý làm”. Sáng hôm sau ni chúng lại tập họp để trao việc, Thổ-la-Nan-đà cũng không đến nhóm, ni chúng sai người đến bảo Thổ-la-Nan-đà gởi dục, liền đáp: “Hôm qua tôi đã như pháp gởi dục rồi”, các ni nói: “Trải qua đêm gởi dục há thành gởi dục hay sao?”, đáp: “Dục có hư mục hay sao mà gởi qua đêm lại không thành?”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni gởi dục cách đêm thì phạm Ba-dật-để-ca.

Nếu lại có Bí-sô ni là chỉ cho Thổ-la-Nan-đà hoặc có ni khác giống như vậy. Gởi dục là nói ý muốn của mình đến trong Tăng. Tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Hai Mươi Sáu: CẦU GIÁO THỌ

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Thổ-la-Nan-đà cùng các bạn ni du hành trong nhân gian đi đến một thôn, trong đây có một trú xứ liền xin ở lại, họ nhớ ra hôm nay là ngày mười lăm nên cùng làm Trưởng tịnh (Bố tát), các ni khác nói: “Nên đến trong chùa tăng cầu giáo thọ”, Thổ-la-Nan-đà nói: “Tôi thông hiểu ba tạng, há chẳng biết việc này nên làm, việc này không nên làm hay sao mà phải đi cầu giáo thọ. Tất cả tôi đều thông cần gì nhọc thỉnh”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni 282 hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni mỗi nửa tháng nên cầu giáo thọ, nếu không cầu thì phạm Ba-dật-để-ca.

Giải thích và tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Hai Mươi Bảy: CHỖ KHÔNG CÓ BÍ SÔ LÀM TRƯỞNG TỊNH

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Thổ-la-Nan-đà cùng các bạn ni du hành trong nhân gian đến trong một thôn, dừng nghỉ trong một trú xứ vào ngày mười lăm cùng làm trưởng tịnh, các ni khác nói với Thổ-la-Nan-đà: “Thánh giả như Thế tôn đã dạy, Bí-sô ni không nên ở chỗ không có Bí-sô mà làm Trưởng tịnh, chúng ta nên đến chỗ gần trú xứ Tăng cùng làm Trưởng tịnh”, Thổ-la-Nan-đà nói: “Tôi thông suốt ba tạng há không biết làm trưởng tịnh hay sao mà phải đến gần chỗ có Bí-sô?”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni ở chỗ không có Bí-sô mà làm Trưởng tịnh thì phạm Ba-dật-để-ca.

Nếu lại có Bí-sô ni là chỉ cho Thổ-la-Nan-đà hoặc có ni khác giống như vậy. Làm trưởng tịnh là mỗi nửa tháng nói Giới kinh Ba-lađề-mộc-xoa. Tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Hai Mươi Tám: CHỖ KHÔNG CÓ BÍ SÔ TÁC PHÁP AN CƯ

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Thổ-la-Nan-đà cùng các bạn ni du hành đến một thôn, có một trưởng giả trong thôn giàu có xây cất một trú xứ cho ni chúng, khi thấy các ni đến liền lễ kính và thỉnh ở lại trú xứ đó an cư. Các ni nghe rồi đều muốn ở lại đây an cư, một ni nói với Thổ-la-Nan-đà: “Thánh giả, như Thế tôn đã dạy các Bí-sô ni không nên ở chỗ không có Bí-sô tác pháp an cư, chúng ta nên đến gần trú xứ tăng để cùng tác pháp”, Thổ-la-Nan-đà nói: “Tôi thông suốt ba tạng há không biết tác pháp an cư hay sao mà phải tìm đấn gần trú xứ Tăng”, các ni nghe rồi liền cùng ở lại trú xứ đó an cư, an cư xong ba tháng, các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni ở chỗ không có Bí-sô mà tác pháp an cư thì phạm Ba-dật-để-ca.

Nếu lại có Bí-sô ni là chỉ cho Thổ-la-Nan-đà hoặc ni khác giống như vậy. An cư là tiền hạ an cư hay hậu an cư. Tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Hai Mươi Chín: KHÔNG Ở TRONG HAI BỘ CHÚNG NÓI BA VIỆC TÙY Ý

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó các Bí-sô ni hạ an cư xong, vào ngày mười lăm muốn tác pháp Tùy ý nên nói với Thổ-laNan-đà: “Thánh giả, chúng ta phải đến trong Tăng tác pháp Tùy ý”, Thổ-la-Nan-đà nói: “Chỉ làm ở đây, cần gì đến đó”, các ni nói: “Như Thế tôn đã dạy Bí-sô ni nên ở trong hai bộ chúng nói ba việc Tùy ý thấy nghe nghi”, Thổ-la-Nan-đà nói: “Tôi thông suốt ba tạng, có thể hỏi đáp, há không biết tác pháp tùy ý hay sao, cần gì phải đến trong hai bộ chúng?”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni an cư xong không đến tròng bộ chúng nói ba việc Tùy ý thì phạm Ba-dật-để-ca.

Giải thích và tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Ba Mươi: TRÁCH CHÚNG

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Thổ-la-Nan-đà dùng đủ lời chê trách ni chúng… làm việc tà mạng, dụ dẫn nhau và nói với các ni: “Các cô là người ngu si, không có khéo léo, không biết cái gì nên cho, việc gì nên làm, không rành việc chúng”, các ni nói: “Thánh giả dùng đủ lời quở trách như thế là có hợp lý hay không?”, đáp: “Hợp hay không thì tôi cũng đã nói rồi”. Các ni đem việc này bạch các Bísô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni quở trách ni chúng, phạm Ba-dật-để-ca. Giải thích và tướng phạm như trên.

Nhiếp Tụng Mười Bốn:

Mắng chúng, năm giới xẻn,
Khen, nhà, chùa, thực, pháp,
Ăn nữa, nuôi hài tử,
Quần tắm, bảo giặt y.

Học Xứ Thứ Một Trăm Ba Mươi Mốt: MẮNG CHÚNG

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Thổ-la-Nan-đà nổi sân mắng ni chúng, như nói: “Cô không thể tự kiếm sống nên cầu xuất gia; cô là hạng nghèo khổ, chủng tộc thấp hèn, Thánh pháp không có phần, có tâm Tặc trụ, dối lừa người khác, thật không phải thanh tịnh, là kẻ phá giới”, các ni nói: “Thánh giả vì sao nổi sân nói ra lời thô ác như thế?”, Thổ-la-Nan-đà nói: “Tôi sanh trong chủng tộc Thích ca tôn quý, trách mắng các người là hợp lý, không biết các cô thuộc tộc họ gì mà nghe mắng thì im lặng nhẫn chịu”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni quở mắng ni chúng, phạm Ba-dật-để-ca.

Nếu lại có Bí-sô ni là chỉ cho Thổ-la-Nan-đà hoặc ni khác giống như vậy. Quở mắng là nói lời thô ác. Tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Ba Mươi Hai: THẤY NGƯỜI KHÁC ĐƯỢC KHEN, KHỞI TÂM TẬT ĐỐ

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó các Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ đều khen ngợi đức hạnh của các Bí-sô ni Đại-thế-chủ, Liên-hoa-sắc, Pháp dự… như núi Diệu cao. Thổ-la-Nan-đà khởi tâm tật đố chê bai, các ni trách: “Tại sao Thánh giả lại chê bai như vậy”, đáp: “Tôi thuộc dòng họ Thích ca xuất gia, thông suốt ba tạng, là đại pháp sư, có luận nạn vấn đáp gì đều không vướng mắc, đáng lẽ phải khen ngợi tôi mà ngược lại khen ngợi người khác”, các ni nói: “Vì sao Thánh giả lại tật đố không công nhận đức tốt của người khác?”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni thấy người khác được khen ngợi mà khởi tâm tật đố, phạm Ba-dật-để-ca .

Giải thích và tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Ba Mươi Bốn: ĐỐI VỚI NHÀ NGƯỜI XẺN TIẾC

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó các Bí-sô ni nhân đi khất thực đến một nhà giàu có tín tâm, tất cả đều được thanh tịnh thí thức ăn ngon, được thức ăn rồi mang về trong chùa, Thổ-la-Nan-đà thấy liền hỏi từ chỗ nào được, các ni nói chỗ thí, Thổ-la-Nan-đà chê trách các ni: “Nhà này nên đi, nhà kia không nên đi, nhà nọ không nên vào…”

Các ni nói: “Tại sao Thánh giả lại đối với nhà người xẻn tiếc?”, đáp: “Có lỗi gì, tôi là môn sư đâu làm người khác nhọc mệt mà mất kính tín”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni đối với nhà người có tâm xẻn tiếc, phạm Badật-để-ca.

Giải thích và tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Ba Mươi Lăm: ĐỐI VỚI CHÙA XẺN TIẾC

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Thổ-la-Nan-đà xấy cất chùa ni, tầng trên có một ni ở, khi đi trên đó có tiếng động, Thổ-laNan-đà nghe liền nổi giận chê trách: “Ở đâu có hạng người vô lại, bước đi trên đó ra tiếng như chân voi cái, không có ai dạy dỗ”, các ni nói: “Thánh giả tại sao đối với chùa xẻn tiếc mà nói ra lời thô như thế?”, đáp: “Tôi giận thì có lỗi gì, tôi xây chùa này, tay chân đều nứt nẻ, thân thể lao nhọc, khổ sở biết bao, làm sao không xẻn tiếc”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni đối với chùa có tâm xẻn tiếc, phạm Ba-dậtđể-ca.

Giải thích và tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Ba Mươi Sáu: ĐỐI VỚI LỢI DƯỠNG ĂN UỐNG XẺN TIẾC

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó các Bí-sô ni vào giờ tiểu thực đắp y mang bát theo thứ lớp khất thực, được thức ăn rồi về chùa, Thổ-la-Nan-đà vì ham ăn nhiều nên đêm không ngủ được, vừa mới chợp mắt thì trời sáng. Trời sáng vừa thức dậy thì thấy các ni khất thực trở về, Thổ-la-Nan-đà thấy rồi liền suy nghĩ: “Chư ni khất thực quá sớm, ta nên tìm cách đi trước họ”, nghĩ rồi liền nhơn lúc giáo giới nói với các ni: “Các cô ăn trộm thức ăn của người khác, suốt đêm không ngủ nghỉ, chỉ nghĩ đến thức ăn, không tư duy pháp ghĩa, không phụng sự Thân giáo sư, không cung kính Phật, không thoa trét đất đàn tràng để tán tụng, chỉ chờ trời sáng là mang bát khất thực, đây là pháp thức gì?”, các ni nói: “Thánh giả nói như vậy thì từ nay sẽ không đi khất thực sớm nữa”. Hôm sau trời vừa sáng, Thổ-la-Nan-đà liền đắp y mang bát vào thành khất thực, lúc đó có một Bà-la-môn chọn giờ tốt để đi đến phương khác, sắp ra khỏi cửa thành liền gặp Thổ-la-Nan-đà, trong lòng phẫn nộ nên đánh Thổ-la-Nan-đà khổ sở. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni đối với lợi dưỡng thức ăn có tâm xẻn tiếc, phạm Ba-dật-để-ca.

Giải thích và tướng phạm như trên.

Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Xét thấy Ni-thổ-lanan-đà vì xẻn tiếc lợi dưỡng thức ăn của người khác, tự có tâm tham nên mới bị đánh khổ sở như thế”, Phật nói: “Cô ni này không phải chỉ đời này do tâm tham bị người khác đánh khổ sở, mà thuở xa xưa về trước cũng đã như vậy, các thầy lắng nghe: Thuở xưa có con chim Đại-cù-dục thấy xe chở Ô-ma (mè đen) bị nghiêng bên đường, các chim Cù-dục khác muốn đến mổ ăn, chim Đại-cù-dục nói: “Chớ nên ở bên đường mổ an mè đen, trời sắp tối ắt có xe ngựa, xe voi đi qua đạp chết các ngươi”, các chim nghe nói rồi bay đi tứ tán. Tuy chim Đại-cù-dục nói với các chim khác như thế, nhưng bản thân nó vào ban đêm lại đến mổ ăn mè đen, do tham ăn không để ý nên bị xe đi qua cán chết. Lúc đó chư thiên nói tụng:

“Tự mình không huệ giải,
Lại gượng dạy kẻ khác,
Đêm tham ăn mè đen,
Nên bị xe cán chết.”

“Này các Bí-sô, do nhân duyên này các thầy nói như thế nào thì nên làm theo như thế ấy, nên học như thế.”

Học Xứ Thứ Một Trăm Ba Mươi Bảy: XẺN PHÁP

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó các Bí-sô ni thỉnh Thổ-la-Nan-đà làm giáo thọ, Thổ-la-Nan-đà nhận lời nhưng đến giờ giáo thọ các ni đến học thì Thổ-la-Nan-đà lại sai các ni làm những việc như quét nhà xách nước…, các ni nói với nhau: “Thánh giả này đối với chúng ta có tâm xẻn pháp nên không chịu giáo thọ, chỉ sai chúng ta làm việc”, nói rồi cùng nhau đến gạn hỏi Thổ-la-Nan-đà: “Thánh giả vì sao không giáo thọ?”, đáp: “Các cô cho rằng pháp dễ cầu hay sao, tôi phải trải qua thời gian dài cần khổ phụng sự minh sư để cầu pháp mới cầu được pháp”, cuối cùng Thổ-la-Nan-đà không giáo thọ gì cả. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi bảo các Bí-sô ni: “Người xẻn pháp sẽ chiếu lấy năm lỗi: Một là bị mù khi mới sanh, hai là không có trí huệ, ba là xa lìa Phật pháp, bốn là oan gia ở trong nhà, năm là không vào Thánh vị, sau khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục”, quở trách rồi chế học xứ này như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni xẻn pháp thì phạm Ba-dật-để-ca. Giải thích và tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Ba Mươi Tám: ĂN RỒI ĂN NỮA

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Thổ-la-Nan-đà sáng sớm vào thành khất thực được thức ăn rồi mang về trong phòng tùy ý ăn no rồi đi kinh hành, kinh hành xong lại ăn nữa, ăn hết thức ăn trong bát rồi nằm dài, các ni nói: “Thánh giả ăn rồi kinh hành, kinh hành rồi ăn nữa, ăn no rồi lại nằm như vậy hay sao?”, Thổ-la-Nan-đà nghe rồi liền mắng các ni. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni ăn rồi lại ăn nữa thì phạm Ba-dật-để-ca. Giải thích và tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Ba Mươi Chín: NUÔI CON CỦA NGƯỜI KHÁC

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Thổ-la-Nan-đà nhân đi khất thực đến một nhà thấy người đàn bà mới sanh con liền chúc cho người này được mọi điều tốt lành và xin thức ăn. Người mẹ này hỏi Ni-thổ-la-nan-đà cách dỗ con khóc, ni nói: “Cô biết sanh con mà không biết cách nuôi con hay sao?”, người mẹ này hỏi ni có biết không, ni đáp: “Các thắng pháp thế gian tôi còn biết huống chi là cách nuôi con, nếu tôi dạy cô cách nuôi con, cô có cho thức ăn không?”, đáp là cho, lại hỏi có cho thị giả của tôi không, cũng đáp là cho. Lại hỏi có cho người giữ phòng của tôi không, cũng đáp là cho. Thổ-la-Nan-đà nghe rồi liền bồng hài nhi để trên bắp đùi, lấy dầu nóng thoa lên mình nó, dùng hột thơm thoa rồi lấy nước ấm lau sạch, sau đó đặt nó nằm trong chăn, đứa bé liền ngủ say. Người mẹ của đứa bé giữ lời đã hứa, lấy thức ăn ra dâng cúng. Thời gian sau Đại-thế-chủ cũng khất thực đến nhà ấy, người mẹ của đứa bé hỏi Đại-thế-chủ: “Thánh giả có thể làm cho đứa bé này được an ổn không?”, Đại-thế-chủ nói: “Đó không phải là việc nên làm của người xuất gia, há có người xuất gia nào đã làm việc này rồi hay sao?”, người mẹ đứa bé đáp là Ni-thổ-la-nan-đà. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni nuôi con của người khác thì phạm Ba-dật-đểca.

Giải thích và tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Bốn Mươi: KHÔNG MAY SẮM QUẦN ÁO TẮM

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó có nhiều Bí-sô ni cùng các người nữ thế tục tắm trong sông A-thị-la, dùng tay chỉ vào ngực, eo lưng, bắp đùi… của nhau rồi tùy việc khen ngợi lẫn nhau. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni không may sắm quần áo tắm, phạm Ba-dậtđể-ca.

Nếu lại có Bí-sô ni là ni trong pháp luật này. Tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Bốn Mươi Mốt: BẢO THỢ GIẶT GIẶT Y

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó chúng mười hai ni nằm mộng thấy cùng nam tử giao hội nên tiết ra chất bất tịnh làm dơ y, sau đó đem y dơ này bảo thợ giặt giặt. Người thợ giặt đem y dơ này ngâm giặt chung với áo của người thế tục nên làm dính dơ áo của họ. Chủ của cái áo bị dính dơ đến chê trách, người thợ giặt nói: “Do tôi đem y của Bí-sô ni ngâm giặt chúng nên mới làm dính dơ áo như vậy”. Người chủ cái áo nghe rồi liền chê trách: “Người xuất gia này không phải là người cầu tịch tĩnh”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni sai bảo thợ giặt giặt y, phạm Ba-dật-để-ca. Giải thích và tướng phạm như trên.

Nhiếp Tụng Mười Lăm:

Thượng chúng, y sa môn,
Hai bịnh y, theo xin,
Không cùng xuất, chia y,
Gây, không dặn, học chú.

Học Xứ Thứ Một Trăm Bốn Mươi Hai: CÙNG THƯỢNG CHÚNG ĐỔI Y

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Bí-sô ni Hắc-danh có người con trai tên là Độc-tử và bốn người con gái cũng đồng xuất gia. Độc-tử mới may y Tăng-già-chi liền mặc đi đến chỗ ni Hắc-danh, ni em gái thấy người anh Độc-tử mặc y mới, màu sắc tươi sáng nên tâm sanh ưa thích xin của anh, Độc-tử không cho, ni em gái liền khóc. Ni Hắc-danh nói với Độc-tử: “Sao con không cho em, để nó làm phiền mẹ”, Độc-tử nghe rồi liền đưa y cho em, ni em gái liền mặc rồi vào trong chùa khoe với ni em gái kế, ni em gái kế này thấy liền xin, ni chị không cho, ni em liền khóc, ni mẹ bảo ni chị: “Hãy cho em đi, đừng làm phiền mẹ”, ni chị nghe rồi liền đưa y cho ni em, ni em này lại mặc y rồi đi khoe với các ni khác, các ni khác hỏi: “Ở đâu có được chiếc y mới thượng diệu như của trời Tịnh cư, ai thấy đều muốn mặc?”, ni em liền nói: “Y này có được từ người anh Bí-sô, tôi nguyện cho anh tôi mọi việc đều tốt đẹp”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni cùng thượng chúng đổi y, phạm Ba-dật-đểca.

Nếu lại có Bí-sô ni là ni trong pháp luật này. Thượng chúng là chỉ cho Bí-sô.

Học Xứ Thứ Một Trăm Bốn Mươi Ba: VỘI CHO NGƯỜI THẾ TỤC PHÁP Y

Duyên khởi tại thành Vương-xá, lúc đó có đứa bé vui tính xin Thổ-la-Nan-đà y, ni liền cho. Đứa bé này được y liền mặc vào làm Cầutịch đến trêu chọc Lục chúng. Lục chúng tìm hiểu biết được Thổ-laNan-đà đã cho đứa bé này pháp y, trong lòng tức giận suy nghĩ: “Chính ni kia muốn trêu chọc ta chứ không phải đứa bé này”, nghĩ rồi chờ dịp, cho đến một hôm ở chỗ vắng gặp được Thổ-la-Nan-đà, Lục chúng liền đánh, khắp người Thổ-la-Nan-đà đều sưng đau phải nằm trên giường, các ni hỏi nguyên do, Thổ-la-Nan-đà nói: “Là do Lục chúng đánh, họ là anh tôi nếu họ không răn dạy tôi thì còn ai răn dạy tôi nữa chứ”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni đem pháp y của Sa môn cho người thế tục thì phạm Ba-dật-để-ca.

Nếu lại có Bí-sô ni là chỉ cho Thổ-la-Nan-đà hoặc ai khác giống như vậy. Giải thích và tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Bốn Mươi Bốn: KHÔNG MAY SẮM BỊNH Y

Duyên khởi ở thành Thất-la-phiệt, lúc đó các Bí-sô ni nhân đi khất thực bị bất tịnh chảy dính ướt nội y đang mặc khiến các Bà-lamôn, trưởng giả chê trách. Các ni bạch Bí-sô, Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Phiền não chưa trừ, theo nghiệp chảy ra. Người nữ mỗi tháng ra chất bất tịnh nên các Bí-sô ni phải may sắm bịnh y”. Lúc đó Thổ-la-Nan-đà không nghe theo lời Phật dạy may sắm bịnh y, các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni không may sắm bịnh y, phạm Ba-dật-để-ca. Bịnh y là chỉ cho nội y. Tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Bốn Mươi Lăm: BỊNH Y CỦA ĐẠI CHÚNG LẠI ĐEM DÙNG RIÊNG

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Thổ-la-Nan-đà đến nói với phu nhơn Thắng man rằng: “Thế tôn chế Bí-sô ni nên may sắm bịnh y”, phu nhơn nghe rồi liền dâng cúng vải cho Thổ-la-Nan-đà và đại chúng để may bịnh y, Thổ-la-Nan-đà liền đem về cho riêng mình dùng. Thời gian sau có nhiều ni khác đến chỗ phu nhơn xin bịnh y, phu nhơn nói: “Tôi đã cúng bịnh y cho đại chúng rồi”, các ni hỏi đã đưa cho ai, phu nhơn nói là đã đưa cho Ni-thổ-la-nan-đà, các ni liền trở về hỏi Thổ-la-Nan-đà nhưng Thổ-la-Nan-đà không chịu đưa. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni lấy bịnh y của đại chúng đem về cho riêng mình dùng thì phạm Ba-dật-để-ca.

Nếu lại có Bí-sô ni là chỉ cho Thổ-la-Nan-đà hoặc ni khác giống như vậy. Giải thích và tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Bốn Mươi Sáu: THEO NGƯỜI NGHÈO XIN Y YẾT SỈ NA

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó có một trưởng giả tín tâm, trước kia giàu có nhưng nay trở nên nghèo khó. Trước kia khi các Bí-sô ni trương y Yết-sỉ-na, chính ông là người dâng cúng, năm nay khi đến thời trương y Yết-sỉ-na, các ni liền đến chỗ ông nhắc, ông nói:

“Hiện nay gia cảnh khó khăn, tôi không có tài vật dâng cúng”. Các ni nói: “Nay đã đến thời dâng y, nếu ông không có tài vật thì mua thiếu, sau này có sẽ trả lại”. Trưởng giả nghe rồi liền mua y thiếu chịu để dâng cúng Tăng điền và hứa sau này sẽ trả, nhưng ông lại không trả nổi, chủ nợ liền kéo lôi đòi nợ, mọi người thấy hỏi rõ nguyên do rồi chê trách: “Do ông có lóng tín kính sa môn Thích nữ nên gặp khổ nạn này”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni biết người kia nghèo mà theo xin y Yết-sỉ-na thì phạm Ba-dật-để-ca.

Nếu lại có Bí-sô ni là ni trong pháp luật này. Giải thích và tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Bốn Mươi Bảy: KHÔNG CÙNG XUẤT Y

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, như Thế tôn dạy ni an cư xong nên du hành trong nhơn gian, lúc đó có nhiều Bí-sô ni cùng du hành giữa đường gặp giặc nên trở về chùa báo cho các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói: “Từ nay các Bí-sô ni nếu gặp giặc nên cho họ phần y Yết-sỉ-na”, các ni nói với Thổ-la-Nan-đà: “Thánh giả hãy cùng đến tác pháp xuất y Yết-sỉ-na”, Thổ-la-Nan-đà không chịu đến. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni không cùng xuất y Yết-sỉ-na, phạm Ba-dậtđể-ca.

Giải thích và tướng tội như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Bốn Mươi Tám: KHÔNG CÙNG CHIA Y Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó các Bí-sô xuất y Yết-sỉ-na, muốn cùng chia y nhưng Thổ-la-Nan-đà không chịu đến, các ni nhiều lần tới kêu sanh mệt nhọc, người giữ y cũng sanh phiền não. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni không chịu đến cùng các Bí-sô chia y, phạm Ba-dật-để-ca.

Giải thích và tướng tội như trên, không phạm là không có y muốn lấy phần y này.

Học Xứ Thứ Một Trăm Bốn Mươi Chín: THẤY NGƯỜI TRANH CẢI KHÔNG KHUYÊN DỨT

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó các Bí-sô ni tranh cải chia làm hai nhóm nên không tu phẩm thiện, hai nhóm cùng đến chỗ Thổ-la-Nan-đà nói lên ý kiến của mình. Thổ-la-Nan-đà có khả năng nhưng lại không khuyên can họ dứt tranh cải, chỉ nói: “Để tôi xem các cô có phục tôi không”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni tự biết có khả năng, khi thấy các ni khác tranh cải mà không khuyên dứt thì phạm Ba-dật-để-ca.

Nếu lại có Bí-sô ni là chỉ cho Thổ-la-Nan-đà hoặc ai khác giống như vậy. Tự biết có khả năng là có thể điều phục được họ. Tướng tội như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Năm Mươi: BỎ CHỖ Ở ĐI MÀ KHÔNG DẶN LẠI

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Thổ-la-Nan-đà bỏ chỗ ở đi du hành trong nhân gian mà không dặn lại các bạn ni, sau khi đi chùa bỗng phát hỏa, tất cả vật dụng tư cụ y bát… đều cháy rụi. Thời gian sau các bạn ni trở lại thấy không còn gì liền hỏi Thổ-la-Nan-đà: “Vì sao Thánh giả khi đi không dặn lại cho ai biết, để y bát, tư cụ và vật dụng của tăng già đều bị cháy hết như thế?”, Thổ-la-Nan-đà nói: “Thà bị lửa cháy chứ không để cho các cô dùng”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni bỏ chỗ ở đi mà không dặn lại, phạm Ba-dậtđể-ca.

Giải thích và tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Năm Mươi Mốt: ĐẾN NGƯỜI THẾ TỤC CẦU HỌC CHÚ PHÁP

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Thổ-la-Nan-đà đến người thế tục chuyên về chú pháp để cầu học, đó là chú “Hí lý hí lý phốt sa ha”, không phải chỉ đến một lần mà hai, ba lần. Các ni hỏi: “Tôi vốn nghe Thánh giả thông minh biết nhiều hiểu rộng, thông suốt ba tạng, tại sao còn theo người thế tục cầu học chú pháp?”, đáp: “Không phải là tôi không thông hiểu, chỉ là tôi thích nói chuyện với người ấy”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni đến người thế tục cầu học chú pháp, phạm Ba-dật-để-ca.

Giải thích và tướng tội như trên.

Nhiếp Tụng Mười Sáu:

Dạy chú pháp, bán bún,
Lo việc nhà, sai ni,
Xe tơ, dệt, đi dù,
Giày, ghẻ, độ dâm nữ.

Học Xứ Thứ Một Trăm Năm Mươi Hai: DẠY CHÚ PHÁP CHO NGƯỜI THẾ TỤC

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó có người thế tục đến chỗ Thổ-la-Nan-đà cầu học chú pháp, Thổ-la-Nan-đà liền dạy câu chú “Hí lý hí lý phốt sa ha”. Người đó vừa nghe liền nhận hiểu, Thổ-laNan-đà nói lại, người đó nói là đã nhận hiểu rồi nhưng Thổ-la-Nan-đà vẫn nói lại chú pháp khiến người đó nổi sân nói: “Tôi không cần chú pháp”, các ni nói: “Người ta không cần, tại sao Thánh giả cứ nói lại mãi thế?”, Thổ-la-Nan-đà nói: “Chỉ là tôi muốn nói chuyện với người ấy”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni dạy chú pháp cho người thế tục, phạm Ba-dậtđể-ca.

Giải thích và tướng tội như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Năm Mươi Ba: BÁN BÚN KHÔ

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Thổ-la-Nan-đà nhân đi khất thực thấy có người mua bún khô liền nói với người đó: “Hãy đến chỗ tôi, tôi sẽ bán bún khô ngon cho”, người ấy liền đến và tlnđ đem bún khô ra bán, người đó ở trong đám đông người nói: “Ở trong chùa ni có bán bún khô ngon”, mọi người nghe nói rồi liền kéo đến mua. Sau đó có người lại đến chùa mua bún khô, không may gặp Đại-thế-chủ liền hỏi mua bún khô, Đại-thế-chủ hỏi: “Có cô ni nào bán bún khô hay sao?”, người kia nói: “Chính Ni-thổ-la-nan-đà bán bún khô, mọi người đều biết”, Đại-thế-chủ nghe rồi liền than: “Nay chùa ni 2 biến thành chỗ bán bún khô”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni bán bún (thực phẩm), phạm Ba-dật-để-ca.

Bán thực phẩm là bán thức ăn cho đến dùng vàng bạc tiền… đổi chác, tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Năm Mươi Bốn: LO LIỆU VIỆC NHÀ CHO NGƯỜI THẾ TỤC

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Thổ-la-Nan-đà khất thực đến một nhà gặp người vợ của chủ nhà, chúc cho người vợ đó mọi việc được tốt lành và xin thức ăn, người vợ kia nói: “Tôi không thông thạo việc nhà nên không có thức ăn cho Thành giả”, Thổ-la-Nan-đà nói: “Bà chỉ biết kim chỉ, ngoài ra không biết việc gì hết sao?”, người vợ kia hỏi: “Thánh giả biết lo liệu việc nhà hay sao?”, đáp: “Tất cả việc nhà tôi đều biết cả”, người vợ kia nói: “Thánh giả giúp tôi với”, Thổ-laNan-đà hỏi: “Nếu tôi giúp, bà có cho tôi thức ăn không?”, đáp là cho, lại hỏi: “Có cho thị giả và người giữ phòng của tôi không?”, đáp đều cho, Thổ-la-Nan-đà liền để y bát xuống đi xách nước rồi lượt xem có trùng hay không, kế quét dọn khắp nơi rồi nấu thức ăn… mọi việc xong xuôi rồi nhận lấy phần thức ăn của mình mang về chùa. Thời gian sau Đại-thế-chủ khất thực cũng đến nhà đó, người vợ kia liền nói: “Thánh giả hãy giúp tôi lo liệu mọi việc trong nhà, tôi sẽ cho thức ăn”, Đạithế-chủ hỏi: “Có người xuất gia nào đã làm việc này hay sao?”, đáp: “Ni-thổ-la-nan-đà đã từng giúp tôi làm việc này”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni lo liệu việc nhà của người thế tục, phạm Badật-để-ca.

Giải thích và tướng tội như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Năm Mươi Lăm: DỜI GIƯỜNG GHẾ

Duyên khởi và nơi chốn như gới trước, lúc đó Thổ-la-Nan-đà giáo thọ các ni, sai các ni đến học dời giường ghế ra ngoài hoặc bảo dời để ngoài cửa, hoặc dời để dưới hiên hoặc dời lên trên gác… khiến các ni nhọc mệt nói với nhau: “Suốt ngày sai bảo chúng ta dời giường ghế, có dạy học gì đâu”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni sai khiến các ni dời giường ghế nhọc mệt, phạm Ba-dật-để-ca.

Giải thích và tướng tội như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Năm Mươi Sáu: TỰ TAY XE TƠ

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Thổ-la-Nan-đà tự tay xe tơ rồi đem bán cho thợ dệt, các thợ dệt khác hỏi mua tơ từ đâu, đáp là từ Sa môn nữ. Thời gian sau người thợ dệt đó gặp Đại-thế-chủ liền hỏi: “Thánh giả xe tơ xong chưa?”, Đại-thế-chủ hỏi: “Đã có ni nào xe tơ bán hay sao?”, đáp: “Ni-thổ-la-nan-đà xe tơ bán, ai cũng biết”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni tự tay xe tơ để bán, phạm Ba-dật-để-ca.

Giải thích và tướng tôi như trên, không phạm là nếu vì mình cần dùng thì được xe tơ ở chỗ kín đáo.

Học Xứ Thứ Một Trăm Năm Mươi Bảy: TỰ TAY QUAY TƠ

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Thổ-la-Nan-đà tự tay quay tơ bị người thế tục chê trách nên Phật chế học xứ này như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni tự tay quay tơ, phạm Ba-dật-để-ca. Giải thích và tướng phạm như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Năm Mươi Tám: CẦM DÙ ĐI

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Châu-kế-Nan-đà cầm dù đi khất thực, các Bà-la-môn trưởng giả… không có tin kính đều chê trách. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni cầm dù đi, phạm Ba-dật-để-ca. Giải thích và tướng tội như trên.

Học Xứ Thứ Một Trăm Năm Mươi Chín: MANG GIÀY DÉP NHIỀU MÀU SẮC

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Châu-kế-Nan-đà mang giày dép có nhiều màu sắc đi khất thực, các Bà-la-môn trưởng giả thấy đều chê trách là tuy đã xuất gia mà vẫn còn ham muốn trói buộc. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni mang giày dép có nhiều màu sắc, phạm Badật-để-ca.

Giải thích và tướng tội như trên, không phạm là chỉ mang trong phòng riêng.

Học Xứ Thứ Một Trăm Sáu Mươi: CÓ GHẺ BẢO NGƯỜI BĂNG RỒI LẠI THÁO RA

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Châu-kế-Nan-đà có ghẻ nhọt trên cánh tay phải nhờ người mời thầy thuốc đến chữa trị, thầy thuốc thoa thuốc lên ghẻ nhọt rồi băng lại, vừa băng xong ni liền bảo: “Băng chặt quá, hãy nới bớt ra một chút”, thầy thuốc tháo ra băng lại, ni liền nói: “Nới lỏng quá, hãy băng chặt lại một chút”, cứ như thế tháo ra rồi băng lại khiến thầy thuốc nổi giận nói: “Ghẻ nhọt này lành hay không có liên quan gì đến tôi”, nói rồi liền bỏ đi, các ni hỏi tại sao lại làm như thế, Châu-kế-Nan-đà nói: “Chỉ là vì tôi muốn nói chuyện với người ấy”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni có ghẻ nhọt trên cánh tay, bảo người băng rồi lại tháo ra nhiều lần thì phạm Ba-dật-để-ca.

Nếu lại có Bí-sô ni là chỉ cho Châu-kế-Nan-đà hoặc có ni khác giống như vậy. Tướng phạm như trên, không phạm là thật sự băng quá chặt nên bảo tháo ra băng lại.

Học Xứ Thứ Một Trăm Sáu Mươi Mốt: ĐỘ DÂM NỮ

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Thổ-la-Nan-đà độ dâm nữ, cùng người này đi khất thực, các nam nữ mê sắc nhìn thấy đều chê trách: “Dâm nữ này trước kia hành nghề phi pháp, nay lại cho xuất gia cùng ở chung một chỗ”. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu Bí-sô ni độ dâm nữ xuất gia, phạm Ba-dật-để-ca.

Giải thích và tướng phạm như trên.

Nhiếp Tụng:

Sai ni thoa chà thân,
Về người có năm giới,
Hương thoa, nước hồ ma,
Vội hỏi, đeo nữ trang.

Học Xứ Thứ Một Trăm Sáu Mươi Hai: SAI BÍ SÔ NI THOA CHÀ THÂN

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Thổ-la-Nan-đà sai các Bí-sô ni khác thoa chà thân để từ sự xúc chạm này khởi tưởng thọ lạc. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni sai Bí-sô ni thoa chà thân, phạm Ba-dật-đểca.

Giải thích và tướng tội như trên.

Bốn Học Xứ Kế

(Từ một trăm sáu mươi ba đến một trăm sáu mươi lăm)

SAI CHÁNH HỌC NỮ… THOA CHÀ THÂN

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Thổ-la-Nan-đà sai các Chánh học nữ, Cầu-tịch nữ, người nữ thế tục, người nữ ngoại đạo thoa chà thân để tữ sự xúc chạm này khởi sinh thọ lạc. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni sai Chánh học nữ, Cầu-tịch nữ, người nữ thế tục, người nữ ngoại đạo thoa chà thân, phạm Ba-dật-để-ca. Giải thích và tướng tội như trên.

Hai Học Xứ Một Trăm Sáu Mươi Sáu & Một Trăm Sáu Mươi Bảy-

DÙNG HƯƠNG THOA THÂN VÀ ĐẦU

Duyên khởi và nơi chốn như giới trước, lúc đó Thổ-la-Nan-đà dùng hương thoa thân rồi đi khất thực, khi vào nhà người mùi thơm bay phảng phất, vợ trưởng giả có lòng tín kính hỏi nguyên do, Thổ-la-Nanđà nói rõ nguyên do nên bị chê trách là tuy đã xuất gia mà vẫn còn tham dục. Các ni đem việc này bạch các Bí-sô, các Bí-sô bạch Phật, Phật do việc này nhóm họp các Bí-sô ni hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni dùng hương thơm thoa chà thân và trên đầu, phạm Ba-dật-để-ca

Giải thích và tướng tội như trên.