CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ BÍ SÔ NI TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 12

Học Xứ Thứ Hai: CHÊ BAI MAI MỈA

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Lục chúng Bí-sô chê bai mai mỉa các Bí-sô như nói: “Thầy mắt chột, lưng gù, quá cao, quá lùn, quá mập, hoặc điếc, mù, câm, ngọng, chân què đi chống nạng, răng hô, môi sệ…”, khiến các Bí-sô này hổ thẹn không vui, bỏ phế việc tụng niệm tư duy. Các Bí-sô thiểu dục liền chê trách: “Tại sao Bí-sô lại chê bai mai mỉa Bí-sô, nói thầy mắt chột … giống như đoạn văn trên”, bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp hai bộ chúng hỏi sự thật, quở trách Lục chúng… cho đến câu: “… Đây không phải là việc làm của một sa môn, vì sao? Các thầy hãy lắng nghe:

Ngày xưa trong một tụ lạc nọ có một trưởng giả cưới vợ thời gian không lâu sau sanh được mười một con gái dần dần lớn khôn. Trưởng giả phải tự mình cày ruộng, lúc đó có một cư sĩ tử, cha mẹ đều qua đời, thường vào rừng đốn củi đem bán để tự nuôi sống, khi gánh củi tới một gốc cây dừng nghỉ liền thấy trưởng giả đang tự mình cày ruộng nên đến hỏi: “Cậu đã già yếu, tại sao lại tự cày ruộng cực khổ như thế?”, đáp: “Này cháu, ta không có anh em cũng không có con trai nếu không tự cày ruộng thì làm sao có cơm ăn”, cư sĩ tử nói: “Để cháu cày thay cho, cậu hãy nghỉ tay một chút”. Trưởng giả vui vẻ đưa cái cày cho chàng trai cày thay, đến trưa người nhà mang cơm nước đến, trưởng giả bảo chàng trai cùng ăn, ăn xong chàng trai nói: “Cậu hãy về nghỉ để cháu cày luôn đến chiều, nhưng cháu không biết nhà cậu, chiều tối cậu cho người ra đầu thôn đón cháu”, trưởng giả nghe vậy liền về nhà nghỉ, chàng trai cày đến chiều, thả bò cho ăn cỏ rồi gánh củi lùa bò trở về, đến đầu thôn đã thấy trưởng giả đứng đón dẫn chàng trai về nhà. Về đến nhà chàng trai quét dọn chuồng bò, rải rơm khô rồi bỏ cỏ cho bò ăn, trưởng giả thấy chàng trai siêng năng chịu khó như vậy liền suy nghĩ: “Ta nhờ chàng trai này mà được thảnh thơi, ta nên gả con gái cho nó”. Ăn tối xong, trưởng giả nói: “Này cháu, cháu hãy ở đây siêng năng chịu khó coi ngó gia nghiệp, ta sẽ gả đưa con gái của ta cho cháu làm vợ”, chàng trai nói: “Nếu được như vậy thì cháu thật tốt phúc”. Từ đó chàng trai hết mình phục vụ cho sanh nghiệp của gia đình trưởng giả, trưởng giả có nuôi hai con bò, con lớn bẩm tánh hiền lành, con nhỏ tánh ham ăn, tuy đã xỏ mũi vẫn tìm cách ăn lúa bắp của người nên bị đồng tử chăn giữ ném đá đánh đuổi làm gãy mất một cái sừng, do đó nó có tên là con bò gãy sừng; thời gian sau nó lại ăn lúa bắp của người bị người chăn giữ quăng cái liềm chặt đứt cái đuôi của nó, từ đó nó được gọi là con bò gãy sừng cụt đuôi. Trải qua một thời gian, chàng trai nhắc trưởng giả về hôn nhân mà ông đã hứa, trưởng giả nghe rồi liền bảo vợ: “Hiền thủ hãy sắm sửa y phục và chuỗi anh lạc cho con gái, không bao lâu nữa sẽ gả con gái lấy chồng”, người vợ liền hỏi gả cho ai, trưởng giả nói: “Tôi đã hứa gả cho cư sĩ tử”, người vợ nói: “Tông tộc của cư sĩ tử này vốn không biết rõ, tại sao lại đem con gái gả cho nó. Bàn chuyện hôn nhân thì thân thuộc phải qua lại mời nhau ăn uống, dòng họ có tương ưng tôi mới chịu gả con”, trưởng giả nói: “Hiền thủ, cư sĩ tử này từ ngày đến nhà ta đã siêng năng chịu khó làm hết mọi việc nên tôi mới được thảnh thơi”, người vợ nói: “Tôi thật không thể gả con cho một gã làm thuê, xóm giềng sẽ nhiều lời mai mỉa”. Trưởng giả nghe rồi liền suy nghĩ: “Nếu ta nói không gả con gái thì chàng trai này sẽ bỏ đi, ta sẽ phải cực khổ như trước, ta nên dối lập phương tiện”, nghĩ rồi liền nói với chàng trai: “Này cháu, họ hàng thân tộc của ta rất đông, khi tụ về dự lễ cưới ắt phải cần nhiều thức ăn thức uống, vậy cháu hãy đợi mùa thu lúa chín”. Sau vụ lúa mùa thu chàng trai lại nhắc việc hôn nhân, trưởng giả nói: “Cháu hãy đợi đến mùa mía”, thu hoạch mía xong chàng trai lại nhắc, trưởng giả lại nói: “Hãy đợi đến mùa lúa mạch”, thu hoạch lúa mạch xong chàng trai lại nhắc, trưởng giả lại bảo hãy đợi đến mùa lúa mới, chàng trai thấy trưởng giả cứ hẹn lần hẹn lữa liền suy nghĩ: “Hết hẹn mùa lúa tới hẹn mùa mía… xem ra đều là lừa gạt ta, ta nên nói cho mọi người trong thôn biết, nếu không được ta kiện lên quan”. Nghĩ rồi liền nói cho mọi người trong thôn biết, mọi người nghe rồi liền đến hỏi trưởng giả: “Ông đã hứa gả con sao không chịu làm lễ thành hôn cho chúng nó?”, trưởng giả nghe rồi nổi giận nói: “Chàng trai đó là người làm công, lẽ nào tôi lại hứa gả con cho người làm công như nó”. Mọi người nghe rồi đều im lặng, cư sĩ tử suy nghĩ: “Ta không được tiền công lại không được vợ, thật là luống uổng thời gian mà chẳng được gì. Nay ta phải gây tổn hại gì cho họ rồi mới ra đi”. Nghĩ rồi đến giữa trưa chàng trai lùa hai con bò ra ngoài đánh đập khổ sở rồi cột vào gốc cây cho phơi nắng. Thời đó súc vật hiểu được lời nói của người nên nói với cư sĩ tử: “này chàng trai, trước đây ông biết được sự khó nhọc của chúng tôi nên thương tưởng, ân đồng như cha mẹ, sao nay lại đánh đập chúng tôi khổ sở còn cột chúng tôi vào gốc cây cho phơi nắng như thế này, chúng tôi có lỗi gì với ông?”, cư sĩ tử nói: “Các ngươi không có lỗi gì nhưng chủ của ngươi có lỗi với ta”, bò hỏi: “Chủ tôi có lỗi gì?”, đáp: “Ông ta trước hứa gả con gái cho ta nay lại nuốt lời”, bò nói: “Sao ông không kiện lên quan?”, đáp: “Vì không có người làm chứng”, bò nói: “Chúng tôi sẽ làm chứng cho ông”, chàng trai hỏi: “Ngươi có nói được tiếng người không?”, bò nói: “Chúng tôi không nói được tiếng người nhưng chúng tôi sẽ hiện tướng khiến cho người ta hiểu. Ông phải ở trước quan thề cho họ tin, sau đó đưa chúng tôi đến làm chứng. Ông hãy nhốt chúng tôi vào chuồng đừng cho ăn cỏ uống nước đủ bảy ngày rồi thả chúng tôi ra chỗ có nhiều cỏ nước để cho họ thấy và tin chúng tôi vẫn không chịu ăn cỏ uống nuớc, chúng tôi sẽ hiện tướng để vua quan tin lời ông nói là sự thật, lúc đó chúng tôi mới ăn uống lại”. Chàng trai nghe rồi liền thả bò ra lùa chúng đến chỗ cỏ xanh tươi để nó ăn no rồi mới lùa chúng về chuồng. Sau đó chàng trai đến chỗ vua tâu rằng: “Đại vương, tại thôn ___ có ông trưởng giả tên ___ đã hứa gả con gái cho tôi để tôi cực khổ làm việc nhiều năm nay, nay lại nuốt lời không chịu gả”. Nhà vua cho gọi ông trưởng giả đến hỏi rõ thực hư, trương giả nói không có hứa như vậy, vua hỏi cư sĩ tử: “Ngươi có người làm chứng không?”, đáp: “Có, là hai con bò nuôi trong nhà trưởng giả”, vua hỏi: “Chúng có nói được tiếng người không?”, đáp: “Chúng không nói được tiếng người, nhưng chúng có thể hiện tướng khiến người hiểu được, hai con bò làm chứng này đem nhốt trong chuồng bảy ngày không cho ăn uống, đủ bảy ngày thả ra ở chỗ có cỏ nước, nó vẫn không ăn uống và hiện tướng cho đến khi nào đại vương tin, nó mới chịu ăn uống. Nếu tôi nói hư dối tôi xin chịu tội tử”. Nhà vua bảo đại thần: “Hãy y theo lời nói của chàng trai để chúng nghiệm thật hư”. Đại thần tuân lịnh đem hai con bò nhốt trong chuồng không cho ăn uống, lúc đó con bò gãy sừng cụt đuôi nói với con bò lớn: “Tại sao chúng ta phải nhận lấy hạn kỳ bảy ngày ở trong chuồng không được ăn uống gì”, bò lớn nói: “Chúng ta đã hứa với chàng trai làm chứng, tự nhịn đói nhịn khát cho đến khi nào vua tin lời chàng trai nói”, bò gãy sừng cụt đuôi nói: “Nếu được thả ra gặp đá tôi cũng nuốt huống chi là cỏ nước”, bò lớn nói: “Chàng trai đã thương tưởng chúng ta như cha mẹ, chúng ta không thể làm trái lời đã hứa”, bò gãy sừng cụt đuôi nói: “Tuy có ái niệm nhưng chàng ta vẫn thường gọi tôi là bò gãy sừng cụt đuôi, tôi không thích”. Đủ bảy ngày hai con bò được thả ra chỗ có nhiều cỏ nước, vua và đại thần đều đến xem hai con bò hiện tướng gì làm chứng. Lúc con bò gãy sừng cụt đuôi muốn ăn cỏ uống nuốc, con bò lớn liền đưa cặp sừng làm cho mũi của bò nhỏ hổng lên trời, vua thấy vậy hỏi đại thần: “Chúng hiện tướng như vậy là ý gì?”, đại thần là người có trí tâu vua: “Ý chúng muốn nói sự việc đó không chỉ hai chúng nó làm chứng mà vị hộ thế thứ năm cũng làm chứng”. Nhà vua thấy việc hy hữu này rồi liền bảo các đại thần: “Súc sanh là loài vô tri thức còn vì người làm chứng sự việc hứa hôn không phải là hu dối. Nay ta tác thành cho chàng trai và con gái của trưởng giả thành chồng vợ”.

Phật bảo các Bí-sô: “Các thầy nên biết loài bàng sanh nghe chê bai còn không thích huống chi loài người. Từ nay các thầy không được dùng ác ngữ chê bai mai mỉa người khác”. Đây là duyên khởi nhưng Phật chưa chế giới, Phật lại bảo các Bí-sô: “Khi nói lời chê bai mai mỉa người khác thì việc đã làm trong đời hiện tại không thể thành tựu”. Các thầy lắng nghe:

Ngày xưa, trong một thôn nọ có ông trưởng giả làm nghề đánh xe, nuôi hai con bò cái để kéo xe, một con tên Hoan-hỉ, một con tên Mỹ-vị. Thời gian sau cả hai con bò đều sanh được một con dần dần khôn lớn, con của bò Hoan-hỉ có sừng dài nên được gọi là Hoan-hỉ sừng dài; con của bò Mỹ-vị đầu trọc không sừng nên được gọi là Mỹ-vị trọc đầu, cả hai con bò này đều mập mạnh như nhau. Một hôm nhóm người đánh xe cùng cho bò uống nước trong ao, một người nói: “Hãy thử xem bò của ai sức mạnh hơn”, ai nấy đều nói bò của mình sức mạnh hơn, trưởng giả nói: “Bò của tôi có sức mạnh hơn hết”, mọi người hỏi: “Làm sao biết được bò của ông có sức mạnh hơn hết?”, trưởng giả nói: “Bò tôi có thể kéo được một xe nặng lên sườn dốc”. Mọi người nghe rồi liền đánh cược với trưởng giả năm trăm kim tiền rồi cho hai con bò kéo chiếc xe nặng lên sườn dốc, trưởng giả quát hai con bò: “Hoan-hỉ sừng dài kéo nhanh lên, Mỹ-vị trọc đầu kéo nhanh lên”. Lúc đó con bò trọc đầu nghe kêu mình là trọc đầu nên không vui liền đứng yên không chịu kéo xe lên. Trưởng giả thua cuộc mất năm trăm kim tiền nên nổi giận đánh đập hai con bò tàn nhẫn, rồi cột bên gốc cây cho phơi nắng. Bò sừng dài nói với trưởng giả: “Trước đây ông thương tưởng chúng tôi như cha mẹ, nay tôi có lỗi gì mà ông lại đối xử như vậy?”, trưởng giả nói: “Do hai ngươi không chịu kéo xe lên sườn dốc nên ta thua mất năm trăm kim tiền”, bò sừng dài nói: “Do ông tạo khẩu nghiệp chớ chúng tôi có lỗi gì “, trưởng giả hỏi: “Ta đã tạo khẩu nghiệp gì?”, bò trọc đầu nói: “Trước mọi người ông lại quát kêu tôi là trọc đầu, tôi không thích, nếu ông gọi tôi bằng tên gọi trìu mến hơn thì tôi mới vui vẻ kéo xe lên sườn dốc. Lần sau ông đánh cược lại gấp đôi tiền lần trước, chúng tôi sẽ kéo xe lên sườn núi bù lại số tiền thua cuộc lần này”.Thời gian sau trưởng giả lại đánh cược với nhóm người đánh xe, họ nói: “Ông muốn thua cuộc lần nữa hay sao?”, trưởng giả nói: “Tôi thua thì các ông đâu có mất mát gì, lần này xe chở nặng hơn lần trước và tiền cá cược là một ngàn kim tiền”. Mọi người nghe rồi bằng lòng đánh cược, trưởng giả liền cho hai con bò kéo xe lên sườn dốc và cổ vũ chúng nó: “Hoan-hỉ nhanh lên nào, Mỹ-vị nhanh lên nào”. hai con bò nghe cổ vũ với giọng trìu mến nên vui vẻ ra sức kéo xe lên sườn dốc, trưởng giả thắng cược thu về một ngàn kim tiền. Lúc đó thiên thần trên hư không nói kệ:

“Dù có chở nặng mấy,
Từ dưới kéo lên đồi,
Tâm hai bò nếu vui,
Cũng kéo được xe này.
Nếu nói lời thuận ý,
Hai bò nghe vui mừng,
Kéo xe lên không khó,
Giúp chủ thắng ngàn vàng,
Cho nên thường ái ngữ,
Đừng nói lời chối tai,
Vì khi nói ái ngữ,
Vô tội thường an vui”.

Phật bảo các Bí-sô: “Loài bàng sanh nghe lời chê bai còn không vui giúp chủ huống chi là người, cho nên các Bí-sô không nên nói lời chê bai người khác”. Phật quở trách Lục chúng Bí-sô rồi bảo các Bí-sô: “… Nơi Tỳ-nại-da chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau: Nếu lại có Bí-sô ni nói lời chê bai mai mỉa, phạm Ba-dật-để-ca.”

Nếu lại có Bí-sô ni là ni trong pháp luật này. Hủy tử ngữ là dùng lời chê bai mai mỉa người khác, nếu người kia hiểu được ưu sầu không vui thì Bí-sô này phạm Ba-dật-để-ca.

Tổng Nhiếp Tụng:

Chủng tộc và công xảo,
Nghiệp, tướng, bịnh là năm.
Tội và phiền não loại,
Ác mắng là sau cùng.

Biệt Nhiếp Tụng:

Dòng họ, dệt lông, may,
Sắt, đồng và làm da,
Thợ gốm và hớt tóc,
Làm mây tre, đầy tớ.

Nếu Bí-sô ni khởi ý chê bai đến Bí-sô ni thuộc dòng Bà-la-môn nói rằng: “Cụ thọ thuộc dòng Bà-la-môn xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô ni này phạm Ác-tác. Nếu Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni thuộc dòng Sát-đế-lợi nói rằng: “Cụ thọ thuộc dòng Sát-đế-lợi xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô ni này phạm Ác-tác. Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni thuộc dòng Bệ-xá nói rằng: “Cụ thọ thuộc dòng Bệ-xá xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bàla-môn”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô ni này phạm Ba-dật-để-ca. Bí-sô ni khởi ý chê bai đền chỗ Bí-sô ni thuộc dòng Thú-đạt-la nói rằng: “Cụ thọ thuộc dòng Thú-đạt-la xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bàla-môn”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô ni này phạm Ba-dật-để-ca.

Nếu Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni là thợ dệt nói rằng: “Cụ thọ là thợ dệt xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bàla-môn”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô ni này phạm Ba-dật-để-ca. Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni là thợ dệt lông nói rằng: “Cụ thọ là thợ dệt lông xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô ni này phạm Ba-dật-để-ca. Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni là thợ may nói rằng: “Cụ thọ là thợ may xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô ni này phạm Ba-dật-để-ca. Như vậy cho đến là thợ làm đồ sắt, thợ làm đồ đồng, thợ làm đồ da, thợ làm đồ gốm, thợ hớt tóc, thợ điêu khắc, thợ làm đồ mây tre, làm đầy tớ… đều nói giống như trên nên biết. Đây là luận về chủng tộc.

Nếu Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni thuộc dòng Bà-lamôn nói rằng: “Cụ thọ thuộc dòng Bà-la-môn xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn. Cô nên học các công xảo và kỷ thuật của mình tức là oai nghi pháp thức đã có của Bà-la-môn như cầm bình tẩy tịnh và lấy tro đất, quy tắc đọc tụng, học thổi tiếng vò, tiếng bồng, học Tứ Vệ đà, học làm các phương pháp thí hội, thí thọ”. Bí-sô mi kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô ni này phạm Ác-tác. Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni thuộc dòng Sát-đế-lợi nói rằng: “Cụ thọ thuộc dòng Sát-đế-lợi xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn. Cô nên học các công xảo và kỷ thuật của mình tức là oai nghi pháp thức đã có của Sát-đế-lợi như cởi voi, ngựa, xe, cách cầm cung, cầm móc câu, cầm dây, học các động tác xoay chuyển tới lui, học các nghệ thuật bắn cung, đánh kiếm…”. Bí-sô ni kia nhe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô ni này phạm Ác-tác. Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni thuộc dòng Bệ-xá nói rằng: “Cụ thọ thuộc dòng Bệ-xá xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn. Cô nên học các công xảo của mình, tức là oai nghi pháp thức đã có của dòng Bệ-xá như cách cày ruộng, cách chăn trâu bò, cách mua bán giao dịch…”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bísô ni này phạm Ba-dật-để-ca. Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni thuộc dòng Thú-đạt-la nói rằng: “Cụ thọ thuộc dòng Thú-đạt-la xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn. Cô nên học các công xảo của mình, tức là oai nghi pháp thức đã có của dòng Thú-đạt-la như cách vận chuyển cây, củi, cách chăn nuôi cầm súc…”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô này phạm Ba-dật-để-ca.

Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni là thợ dệt nói rằng: “Cụ thọ là thợ dệt xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn. Cô nên học công xảo của mình như cách dệt đại điệp, tiểu điệp, mền chăn…”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô ni này phạm Ba-dật-để-ca. Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni là thợ dệt lông nói rằng: “Cụ thọ là thợ dệt lông xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn. Cô nên học công xảo của mình như cách dệt thảm lớn, thảm nhỏ hoặc dày hoặc mỏng…”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô ni này phạm Ba-dật-để-ca. Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni là thợ may nói rằng: “Cụ thọ là thợ may xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn. Cô nên học công xảo của mình như cách may áo dài, quần dài, áo ngắn, quần ngắn…”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô ni này phạm Ba-dật-để-ca. Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni là thợ làm đồ sắt nói rằng: “Cụ thọ là thợ làm đồ sắt xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn. Cô nên học công xảo của mình như cách làm bát sắt lớn nhỏ, làm kim, đao, búa rìu…”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô ni này phạm Ba-dật-để-ca.

Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni là thợ làm đồ đồng nói rằng: “Cụ thọ là thợ làm đồ đồng xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn. Cô nên học công xảo của mình như cách làm mâm đồng, bình đồng, chuông linh đồng…”. Bí-sô kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô ni này phạm Ba-dật-để-ca. Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni là thợ làm đồ da nói rằng: “Cụ thọ là thợ làm đồ da xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn. Cô nên học công xảo của mình như cách làm giày da, giày ống phú la, dép…”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô ni này phạm Ba-dật-để-ca. Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni là thợ làm đồ gốm nói rằng: “Cụ thọ là thợ làm đồ gốm xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn. Cô nên học công xảo của mình như cách làm bình, chậu, lu, vại …”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô ni này phạm Ba-dật-để-ca.

Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni là thợ hớt tóc nói rằng: “Cụ thọ là thợ hớt tóc xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bàla-môn. Cô nên học công xảo của mình như cách hớt đủ kiểu tóc, cắt móng tay, lấy ráy tai…”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô ni này phạm Ba-dật-để-ca. Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni là thợ mộc nói rằng: “Cụ thọ là thợ mộc xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn . Cô nên học công xảo của mình như cách đóng giường, ghế, bàn, tủ…”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô ni này phạm Ba-dật-để-ca. Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni là thợ làm đồ mây tre nói rằng: “Cụ thọ là thợ làm đồ mây tre xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn. Cô nên học công xảo của mình như cách làm chiếu, làm quạt, làm dù…”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô ni này phạm Ba-dật-để-ca. Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni là đầy tớ nói rằng: “Cụ thọ là đầy tớ xuất gia, nay chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn. Cô nên học công xảo của mình như cách phục dịch cho người…”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không sanh phiền não, Bí-sô ni này phạm Ba-dật-để-ca.

Đây là luận về công xảo.

Nếu Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni thuộc dòng Bà-lamôn nói rằng: “Cụ thọ thuộc dòng Bà-la-môn xuất gia… chẳng phải Bàla-môn. Cô nên làm các hành nghiệp của mình như tẩy tịnh… như đoạn văn trên”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này… giống như đoạn văn trên cho đến phạm Ác-tác. Như thế cho đến đầy tớ đều bảo làm theo nghề nghiệp của mình giống như đoạn văn trên cho đến phạm Ba-dật-để-ca. Đây là luận về công việc.

Bí-sô ni khởi ý chê bai đến chỗ Bí-sô ni què chân nói rằng: “Cụ thọ là người què chân xuất gia, chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-lamôn”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này tùy sanh phiền não hay không, Bí-sô ni này phạm Ba-dật-để-ca. Như vậy cho đến chê bai mai mỉa các Bí-sô ni mắt chột, mù, điếc, câm, ngọng, gù lưng…, các Bí-sô ni kia nghe rồi tùy sanh phiền não hay không, Bí-sô ni này phạm tội giống như trên. Đây là luận về hình tướng.

Bí-sô ni khởi ý chê bai mai mỉa đến chỗ Bí-sô ni mắc bịnh lại nói rằng: “Cụ thọ là người mắc bịnh lại xuất gia, chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn”. Bí-sô ni kia nghe lời chê bai này rồi tùy sanh phiền não hay không, Bí-sô ni này phạm Ba-dật-để-ca. Như thế cho đến chê bai mai mỉa các Bí-sô ni mắc bịnh nan y, khó trị, truyền nhiễm…, các Bí-sô ni kia nghe rồi tùy sanh phiền não hay không, Bí-sô ni này phạm tội giống như trên. Đây là luận về bịnh hoạn.

Bí-sô ni khởi ý chê bai mai mỉa đến chỗ Bí-sô ni phạm tội Ba-lathị-ca nói rằng: “Cụ thọ đã phạm tội Ba-la-thị-ca, chẳng phải Sa môn, chẳng phải Bà-la-môn”. Bí-sô ni kia nghe rồi tùy sanh phiền não hay không, Bí-sô ni này phạm Ba-dật-để-ca. Như thế cho đến chê bai mai mỉa các Bí-sô ni phạm tội Tăng-già-phạt-thi-sa, Tốt-thổ-la-để, Ba-dậtđể-ca, Ba la đề Đề-xá-ni, Đột-sắc-ngật-lý-đa, các Bí-sô ni kia nghe rồi tùy sanh phiền não hay không, Bí-sô ni này phạm tội giống như trên. Đây là luận về phạm tội.

Bí-sô ni khởi ý chê bai mai mỉa đến chỗ Bí-sô ni hay sân nói rằng: “Cụ thọ hay nổi sân, chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn”. Bí-sô ni kia nghe rồi tùy sanh phiền não hay không, Bí-sô ni này phạm Badật-để-ca. Như vậy cho đến chê bai mai mỉa các Bí-sô ni có các phiền não như hận, phú, não, tật đố, xan tham, vô tàm, vô quý, tà kiến…, các Bí-sô ni kia nghe rồi tùy sanh phiền não hay không, Bí-sô ni này phạm tội giống như trên. Đây là luận về phiền não.

Sao gọi là dùng lời thô ác mắng nhiếc? Tức là nói những lời thô bỉ khó nghe, Bí-sô ni kia nghe rồi tùy sanh phiền não hay không, Bí-sô ni này phạm tội giống như trên. Không phạm là trong một trú xứ có nhiều Bí-sô ni trùng tên, hoặc khi hỏi người kia mà người kia không hiểu nên nói rằng: “Bí-sô ni thuộc chủng loại như vậy… ”, thì không phạm.

Học Xứ Thứ Ba: NÓI LY GIÁN

Duyên khởi giống như trong luật Bí-sô, lúc đó Lục chúng Bí-sô đến các Bí-sô nói ly gián khiến cho các Bí-sô oán hận nhau, trong lòng ưu sầu không được an lạc trụ, bỏ cả việc tu tập chánh nghiệp, đọc tụng tư duy, tâm ái niệm trước đây đều do lời ly gián này mà đoạn tuyệt. Các Bí-sô thiểu dục chê trách rồi bạch Phật, Phật do duyên này nhóm họp hai bộ chúng hỏi sự thật, quở trách rồi chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau: Nếu lại có Bí-sô ni nói lời ly gián, phạm Ba-dật-để-ca.

Nếu lại có Bí-sô ni là ni trong phap luật này. Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Tổng Nhiếp Tụng:

Chủng tộc và công xảo,
Nghiệp, tướng, bịnh là năm,
Tội và phiền não loại,
Ác mắng là sau cùng.

Biệt Nhiếp Tụng:

Chủng tộc là bốn họ,
Cho đến dòng tôi tớ,
Công xảo việc đều đồng,
Tác nghiệp cũng như vậy,
Trong đó có tạp loại,
Thợ dệt, lông, làm kim,
Thợ sắt và khắc đồng,
Nghề da và nghề gốm,
Hớt tóc và nghề mộc,
Cho đến nghề mây tre,
Cả thảy mười một loại,
Đầy tớ ở sau cùng.

Nếu Bí-sô ni khởi ý ly gián đến chỗ Bí-sô ni thuộc dòng Bà-lamôn nói rằng: “Cụ thọ, có Bí-sô ni nói cụ thọ thuộc dòng Bà-la-môn xuất gia, chẳng phải sa môn, chẳng phải Bà-la-môn”, nếu hỏi là ai, đáp là Bí-sô ni tên ___, khi nói tên phạm Ác-tác, khi nói chủng tộc phạm Đọa. Như vậy cho đến đến chỗ Bí-sô ni thuộc dòng Sát-đế-lợi… Bí-sô ni là đầy tớ để nói ly gián, phạm tội đều giống như trên .

Học Xứ Thứ Tư: PHÁT CỬ (Nơi pháp yết ma phát khởi lại)

Duyên khởi giống như trong luật Bí-sô, lúc đó Lục chúng Bí-sô biết chúng tăng đã như pháp hòa hợp xử đoán việc tranh cải rồi, còn nơi pháp yết ma phát khởi lại… cho đến câu Phật quở trách rồi chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni đã biết Tăng như pháp hòa hợp xử đoán việc tranh cải, việc tranh cải đã dứt diệt rồi con nơi pháp yết ma phát khởi lại thì phạm Ba-dật-để-ca.

Nếu lại có Bí-sô ni là ni trong pháp luật này.

Biết là mình hiểu rõ. Hòa hợp là đồng một vị. Tránh có bốn loại là bàn luận tránh, phi ngôn tránh, phạm tội tránh và tác sự tránh. Nơi yết ma phát khởi lại là khơi động lại khiến cho việc tranh cải không dứt diệt.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Bí-sô ni đối với việc thuộc bàn luận tránh khởi tưởng là bàn luận tránh, biết việc đã trừ diệt khởi tưởng là đã trừ diệt hoặc sanh nghi mà phát khởi lại, phạm Ba-dật-để-ca. Việc chưa trừ diệt khởi tưởng đã trừ diệt hoặc nghi mà phát khởi lại thì phạm Ác-tác.

Bí-sô ni đối với việc thuộc Bàn luận tránh khởi tưởng là thuộc Phi ngôn tránh, biết việc đã trừ diệt khởi tưởng là đã trừ diệt hoặc nghi mà phát khởi lại, phạm Ba-dật-để-ca.

Bí-sô ni đối với việc thuộc bàn luận tránh khởi tưởng là thuộc Phạm tội tránh, biết việc đã trừ diệt khởi tưởng là đã trừ diệt hoặc nghi mà phát khởi lại, phạm Ba-dật-để-ca.

Bí-sô ni đối với việc thuộc Bàn luận tránh khởi tưởng là thuộc Tác sự tránh, biết việc đã trừ diệt khởi tưởng đã trừ diệt hoặc nghi mà phát khởi lại phạm tội như trên. Như lấy việc thuộc bàn luận tránh làm đầu vọng về ba tránh sau có bốn câu, nếu lấy ba tránh còn lại làm đầu chuẩn theo đây nên biết, tổng cộng có mười sáu câu. Có năm hạng người:

1. Người chủ: Là người đối với việc tranh cải hiểu rõ từ đầu đến cuối.

2. Người làm yết ma: Là người bỉnh pháp yết ma quyết đoán việc tranh cải này.

3. Người gởi dục: Là người gởi ý muốn của mình đến Tăng lúc đang làm yết ma.

4. Người nói tự thấy: Là người nói tự thấy sự việc lúc đang yết ma.

5. Người khách: Là người không hiểu rõ đầu đuôi sự việc tranh cải. Trong năm hạng người này thì ba hạng đầu biết chúng tăng hòa hợp quyết đoán việc tranh cải, đã như pháp diệt trừ, nếu phát khởi trở lại thì phạm Ba-dật-để-ca. hai hạng sau do không biết rõ, nếu phát khởi lại chỉ phạm Đột-sắc-ngật-lý-đa.

Học Xứ Thứ Năm: NÓI PHÁP CHO MỘT NAM TỬ QUÁ NĂM, SÁU LỜI

Duyên khởi giống như trong luật Bí-sô, lúc đó Bí-sô Ô-ba-Nan-đà hiểu rành về thân tướng, vào buổi sáng đắp y mang bát vào thành Thấtla-phiệt khất thực tới các nhà của Bà-la-môn, cư sĩ nói tướng ẩn mật, bạo ác… của họ… cho đến câu Phật quở trách rồi chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni nói pháp cho nam tử quá năm, sáu lời thì phạm Ba-dật-để-ca, trừ có người nữ trí huệ bên cạnh.

Nếu lại có Bí-sô ni là ni trong pháp luật này. Nam tử là người hiểu được lời nói tốt xấu. Không quá năm, sáu lời là khi nói năm câu pháp lại cố ý nói đến sáu câu; khi nói sáu câu pháp lại cố ý nói đến bảy câu. Tướng phạm trong học xứ này là nếu Bí-sô ni nói pháp cho nam tử nghe năm, sáu câu lại cố ý nói đến sáu, bảy câu thì phạm Đọa.

Học Xứ Thứ Sáu: CÙNG NGƯỜI CHƯA THỌ GIỚI ĐỌC TỤNG ĐỒNG CÂU

Duyên khởi giống như trong luật Bí-sô, lúc đó Lục chúng Bí-sô cùng người chưa thọ cụ giới đọc tụng đồng một câu khiến cho trú xứ ồn náo lên, như Bà-la-môn đọc các ngoại luận, như các học trò trong học đường cao tiếng tập đọc… cho đến câu Phật chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau:

Nếu lại có Bí-sô một cùng người chưa thọ viên cụ đọc tụng đồng một câu và dạy pháp thì phạm Ba-dật-để-ca.

Nếu lại có Bí-sô ni là ni trong pháp luật này. Người chưa thọ viên cụ: Có hai loại viên cụ là Bí-sô và Bí-sô ni, ba chúng dưới đều gọi là người chưa thọ viên cụ. Cú (câu) có dồng câu và câu trước, đồng câu là khi vị viên cụ đọc câu Chư ác mạc tác thì người chưa thọ viên cụ đồng loạt cùng đọc câu Chư ác mạc tác; câu trước là khi vị viên cụ đọc câu Chư ác mạc tác, âm thanh chưa dứt thì người chưa thọ viên cụ đọc nối tiếp theo câu trước là câu Chúng thiện phụng hành. Tự (chữ) cũng có đồng chữ và chữ trước, đồng chữ là khi vị viên cụ đọc chữ Chư thì người chưa thọ viên cụ đồng loạt cùng đọc chữ Chư; chữ trước là khi vị viên cụ đọc chữ Chư, âm thanh chưa dứt thì người chưa thọ viên cụ dọc nối tiếp theo chữ trước là chữ ác.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Bí-sô ni đối với người chưa thọ viên cụ khởi tưởng là chưa thọ viên cụ và nghi mà cùng đồng câu hay câu trước đọc tụng thì phạm Đọa. Nếu đối với người chưa thọ viên cụ khởi tưởng là chưa thọ viên cụ và nghi mà cùng đồng chữ hay chữ trước đọc tụng cũng phạm Đọa. Nếu đối với người chưa thọ viên cụ khởi tưởng là đã thọ viên cụ và nghi mà cùng đồng câu, câu trước hay đồng chữ, chữ trước đọc tụng đều phạm Ác-tác. Nếu đối với người đã thọ viên cụ khởi tưởng là chưa thọ viên cụ và nghi mà cùng đọc tụng thì phạm Ác-tác. Nếu đối với người thọ viên cụ khởi tưởng là thọ viên cụ thì không phạm, nếu nói lắp, nói nhanh cũng không phạm.

Học Xứ Thứ Bảy: NÓI TỘI THÔ ÁC CHO NGƯỜI CHƯA THỌ CỤ GIỚI

Duyên khởi giống như trong luật Bí-sô, lúc đó có Bí-sô do chưa ly dục nên phạm tội Chúng giáo (Tăng-tàn), cầu sám hối trừ tội và hành pháp Biến trụ, Lục chúng Bí-sô nói cho người tục biết khiến họ sanh bất tín… cho đến câu Phật quở trách rồi chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni, biết Bí-sô ni khác có tội thô, đem nói cho người chưa thọ cận viên biết, phạm Ba-dật-để-ca.”

Thời gian sau ở trong thành Thất-la-phiệt có Bí-sô Quảng-ngạch và Bí-sô ni Tùng-cán ở nhà thế tục làm việc nhơ nhà người, hiện tướng bất thiện khiến mọi người không sanh tín kính. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô ni: “Các Bí-sô ni nên sai một Bí-sô ni đến các nhà thế tục nói cho họ biết Bí-sô Quảng-ngạch và Bí-sô ni Tùng-cán đã làm việc phi pháp. Bí-sô ni không có năm đức thì không nên sai, nếu đã sai thì không nên đi, đó là có thương, giận, sợ, si, không biết nên nói và không nên nói. Nếu có đủ năm đức ngược với năm đức trên thì nên sai, đã sai thì nên đi. Nên sai như sau: Trải tòa đánh kiền chùy tập tăng, tăng nhóm rồi liền hỏi ai có thể đến nhà thế tục nói cho họ biết những việc làm phi pháp của Bí-sô Quảng-ngạch và Bí-sô ni Tùng-cán, nếu có người đáp là có thể thì nên sai một Bí-sô ni tác pháp yết ma, bạch như sau:

“Đại đức ni tăng lắng nghe, Bí-sô Quảng-ngạch và Bí-sô ni Tùngcán này ở nhà thế tục đã làm những việc phi pháp khiến mọi người không sanh tín kính. Bí-sô ni này tên ___ có thể đến nhà thế tục nói cho họ biết Bí-sô Quảng-ngạch và Bí-sô ni Tùng-cán đã làm những việc phi pháp. Nếu ni tăng đúng thời đến nghe, ni tăng nên chấp thuận, nay ni tăng sai Bí-sô ni này tên ___ đến nhà thế tục nói cho họ biết những việc làm phi pháp của Bí-sô Quảng-ngạch và Bí-sô ni Tùng-cán. Bạch như vậy”. Kế tác yết ma:

“Đại đức ni tăng già lắng nghe, Bí-sô Quảng-ngạch và Bí-sô ni Tùng-cán ở nhà thế tục đã làm những việc phi pháp khiến mọi người không sanh tín kính. Bí-sô ni này tên ___ có thể đến nhà thế tục nói cho họ biết những việc làm phi pháp của Bí-sô Quảng-ngạch và Bí-sô ni Tùng-cán. Nay ni tăng sai Bí-sô ni này tên ___ đến nhà thế tục làm người nói lỗi, nói cho họ biết những việc làm phi pháp của Bí-sô Quảngngạch và Bí-sô ni Tùng-cán. Nếu các cụ thọ chấp thuận Bí-sô ni này tên ___ đến nhà thế tục làm người nói lỗi nói cho họ biết những việc làm phi pháp của Bí-sô Quảng-ngạch và Bí-sô ni Tùng-cán thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Ni tăng nay chấp thuận sai Bí-sô ni này tên ___ làm người nói lỗi vì im lặng. Nay tôi xin nhớ giữ như vậy”.

“Này các Bí-sô ni, nay ta chế hành pháp cho Bí-sô ni làm người nói lỗi”: Bí-sô ni làm người nói lỗi này đến nhà thế tục nói rằng: “Các vị lắng nghe, người làm nhơ nhà thế tục và người làm nhơ người xuất gia ví như ruộng lúa xanh tươi mà bị sương mù, mưa đá làm cho hư hoại hết. Đối với hai hạng người này các vị chớ cùng ở chung khiến Thánh giáo thương tổn. Vì sao, vì người tự thân bị tổn hại như hạt giống bị khô cháy không thể nẩy mầm, ở trong Thánh giáo không thể tăng trưởng. Các vị nên quy hướng về Như lai Ứng cúng Chánh biến tri và các tôn giả Thượng tọa đã chứng ngộ như Kiều-trần-như, Bà-đạp-ba, Vô-thắng, Hiền-thiện, Đại-danh, Danh-xưng, Viên-mãn… Thân-tử, Đại Mục-kiềnliên…”. Bí-sô ni được sai nói rồi cáo từ”. Lúc đó Bí-sô ni Tùng-cán nghe biết việc này liền suy nghĩ: “Chúng tăng đã sai Bí-sô ni kia đến nhà thế tục nói tội lỗi của mình”, nghĩ rồi liền đến chỗ Bí-sô ni kia hỏi: “Cô đã đến nhà thế tục nói tội lỗi của tôi phải không?”, đáp: “Vì chúng tăng như pháp sai tôi làm như vậy”, Bí-sô ni Tùng-cán nói: “Việc làm của tôi đúng hay sai tự tôi biết, nếu cô còn đi nói nữa tôi sẽ mổ bụng cô, kéo ruột cô ra đem treo ở gốc cây cho mọi người được thấy”. Bí-sô ni được sai nghe rồi hoảng kinh trở về báo lại cho các Bí-sô ni biết rồi nói: “Nay tôi không dám đến nhà thế tục nói tội lỗi của họ nữa”. Các Bí-sô ni đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Tùng-cán là người ngu si, có thể khinh dễ cá nhơn một người chứ không thể khinh dễ đại chúng. Tăng già nên đơn bạch đi nói tội lỗi của họ như sau”: Trải tòa, đánh kiền chùy, tập họp chúng rôi sai một Bí-sô ni tác bạch: “Đại đức ni tăng lắng nghe, Bí-sô Quảng-ngạch và Bí-sô ni Tùng-cán đã làm những việc phi pháp khiến thế tục không sanh tín kính. Nay không ai dám đến nhà thế tục nói tội lỗi của họ, nếu Tăng già đúng thời đến nghe, tăng già nên chấp thuận, Tăng già nếu thấy Bí-sô Quảng-ngạch và Bí-sô ni Tùng-cán làm việc phi pháp liền nói cho thế tục biết, nên nói như sau: Các vị nên biết, Bí-sô và Bí-sô ni tội ác này đã làm thương tổn Thánh giáo, người này tự thân bị tổn hoại cũng như hạt giống cháy không thể nẩy mầm, ở trong Thánh pháp luật không thể tăng trưởng, Các vị nên quy hướng Như lai Ứng cúng Chánh biến tri và các tôn giả đã chứng ngộ như Kiều-trầnnhư… Bạch như vậy”.

Như lời Phật đã dạy, đại chúng liền thông cáo cùng khắp cho các tục gia biết về hành xứ của Bí-sô và Bí-sô ni đó, không ngờ thông cáo này lại khiến cho nhiều người không sanh tín kính, các Bí-sô ni đi khất thực gặp khó khăn. Các Bí-sô ni đem việc này bạch Phật, Phật bảo: “Tục gia nào biết hành xứ của Bí-sô và Bí-sô ni kia thì nên nói, không biết thì đừng nói”. Lúc đó Phật khen ngợi trì giới, tùy thời tuyên nói pháp thiểu dục rồi bảo các Bí-sô: “Trước kia là sáng chế, bây giờ là tùy khai, học xứ này nên nói lại như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni biết Bí-sô ni kia có tội thô ác mà nói cho người chưa thọ cận viên biết, trừ Tăng yết ma, phạm Ba-dật-để-ca.”

Nếu lại có Bí-sô ni là ni trong pháp luật này. Tội thô ác là nhân tội của Ba-la-thị-ca và Tăng-già-phạt-thi-sa. Tội thô ác trong đây có hai: Một là tự tánh thô ác, hai là nhơn khởi thô ác. Thông cáo là nói rõ việc đó. Trừ Tăng yết ma là đại chúng vì việc đó mà tác pháp.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô ni đối với tục gia không biết khởi tưởng là không biết và nghi mà đến nói cho họ biết tội thô ác của người đó thì phạm Đọa. Nếu đối với tục gia biết mà khởi tưởng là không biết và nghi, đến nói cho họ biết thì phạm Ác-tác. Không phạm là đối với thế tục không biết mà khởi tưởng là họ đã biết, hoặc đại chúng nói rõ việc đó, hoặc mọi người đều nghe biết, như bức tranh trên trên vách mọi người đều nhìn thấy, không phải chỉ riêng mình biết thì nói không có lỗi.

Học Xứ Thứ Tám: THẬT ĐƯỢC PHÁP THƯỢNG NHƠN, NÓI CHO NGƯỜI CHƯA THỌ CỤ GIỚI BIẾT

Duyên khởi và nơi chốn giống như trong luật Bí-sô, lúc đó có nhiều Bí-sô chuyên cần thực hành, hệ niệm tu tập… cho đến được chứng quả A-la-hán. Sau đó họ đến các quyến thuộc nói cho họ biết để hiển bày oai đức của mình… cho đến câu Phật quở trách rồi chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni thật đã chứng được pháp thượng nhơn mà đến nói cho người chưa thọ cụ giới biết thì phạm Ba-dật-để-ca.

Nếu lại có Bí-sô ni là ni trong pháp luật này. Pháp thượng nhơn như đã giải thích trong giới thứ tư Tha-thắng, trong giới này chỉ khác là thật chứng. Tướng phạm trong học xứ này là nếu Bí-sô ni không có tâm giả dối khởi tưởng là thật chứng mà đến nói cho người chưa thọ cụ giới biết thì phạm Đọa.

Học Xứ Thứ Chín: VU BÁNG HỒI CHUYỂN LỢI VẬT CỦA TĂNG

Duyên khởi như trong luật của Bí-sô cho đến câu Phật chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau:

Nếu lại có Bí-sô ni trước đồng tâm chấp thuận, sau nói ngược lại rằng: Các cụ thọ đem lợi vật của Tăng đã được hồi chuyển cho người mà mình thân quen thì phạm Ba-dật-để-ca.”

Nếu lại có Bí-sô ni là ni trong pháp luật này. Trước đồng tâm chấp thuận là trước đã chấp thuận việc làm ấy của Tăng. Sau nói ngược lại là thời gian sau mới nói lời chê trách. Bí-sô ni thân hậu là đồng thân giáo sư, đồng quỷ phạm sư hoặc thân giáo sư cho đệ tử hay đệ tử cho thân giáo sư; quỷ phạm sư cho đệ tử hay đệ tử cho quỷ phạm sư; y chỉ sư cho đệ tử hay đệ tử cho quỷ phạm sư… và các thân hữu khác. Lợi vật có hai ẩm thực và y phục, trong giới này là chỉ cho y phục.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô ni tùy có lợi vật nhiều hay ít của chúng tăng, trước đồng tâm chấp thuận đem cho sau nói ngược lại như trên thì phạm Ba-dật-đểca. Nếu thật sự Tăng không hồi chuyển đem cho mà là tự cá nhân hồi chuyển đem cho, nói lời chê trách thì không phạm.

Học Xứ Thứ Mười: KHINH CHÊ GIỚI

Duyên khởi như trong luật Bí-sô cho đến câu Phật bảo các Bí-sô nên mỗi nửa tháng nói Ba-la-đề-mộc-xoa, các Bí-sô vâng lời Phật dạy mỗi nửa tháng nói Giới kinh. Lục chúng Bí-sô khi nghe giới nói rằng: “Tại sao ở chỗ tôi có lỗi lầm mà lại thường làm cho thương tổn, mỗi nửa tháng nói các tiểu tùy tiểu giới này khiến cho các Bí-sô nghe tâm sanh phiền não, khởi tâm truy hối”. Các Bí-sô thiểu dục nghe rồi đều chê trách bạch Phật, Phật quở trách rồi chế học xứ này cho hai bộ đệ tử như sau: Nếu lại có Bí-sô ni vào mỗi nữa tháng khi nói Giới kinh chê trách rằng: Các cụ thọ cần gì nói những tiểu tùy tiểu giới này, vì khi nói những giới này sẽ khiến các Bí-sô ni Ác-tác phiền não hoài nghi truy hối. Nếu nói khinh chê giới như thế thì phạm Ba-dật-để-ca.”

Nếu lại có Bí-sô ni là ni trong pháp luật này. Giới kinh là nghĩa theo thứ lớp tương ưng từ bốn Tha-thắng cho đến bảy Diệt-tránh. Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?:

Nếu Bí-sô ni vào mỗi nữa tháng khi Tăng nói bốn Ba-la-thị-ca, Tăng-già-phạt-thi-sa cho đến bảy Diệt-tránh nói rằng: “Cần gì nói tiểu tùy tiểu giới này khiến các Bí-sô ni sanh tâm Ác-tác…”, thì phạm Badật-để-ca. Hoặc sanh phiền não hối hận hoài nghi, hoặc nói nhớ việc đời, hoặc nói không thích xuất gia hoặc nói hoàn tục… đều phạm Đọa. Như vậy nên biết, đối với mười sáu việc còn lại, các tạp sự, Ni đà na, Mục đắc ca… và các kinh tương ưng với luật giáo, khi nói đến các việc ấy mà nói rằng: “Cần gì nói tiểu tùy tiểu giới này, vì khi nói những việc này sẽ khiến các Bí-sô ni sanh tâm Ác-tác…”, thì phạm Ba-dật-để-ca. Khi nói các kinh khác nói rằng: “Cần gì y theo kinh này vì nói như vậy khiến người phiền não hối hận hoài nghi”, thì phạm Ác-tác.