BÁT NHÃ ĐĂNG LUẬN THÍCH
Tác giả: Bồ tát Long Thọ (Kệ bản)
Bồ tát Phân Biệt Minh giải thích
Hán dịch: Đời Đường, Đại sư Ba La Phả Mật Đa La
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
QUYỂN 1
Phẩm thứ 1: QUÁN VỀ DUYÊN, phần 1
Đoạn khắp các phân biệt
Diệt tất cả hý luận
Hay nhổ trừ gốc Hữu
Khéo thuyết pháp chân thật.
Nơi cảnh phi ngôn ngữ
Khéo an lập văn tự
Phá tâm vọng, tuệ ác
Thế nên cung kính lễ.
Giải thích: Các kệ như thế, nghĩa ấy là thế nào? Bậc Thánh sư của Ta, như chỗ tự chứng đắc, ở trong Bát-nhã Ba-la-mật thâm diệu đã nghiệm xét kỹ về chân lý, mở bày rõ về nghĩa thật, nhằm đoạn trừ các thứ lưới tuệ tà ác. Người theo ác kiến, tuy tu phạm hạnh, nhưng do mê lầm nên đều thành bất thiện. Nay muốn khiến họ tỏ ngộ, hiểu
rõ về chánh đạo, nên dựa nơi A-hàm (Giáo pháp) thanh tịnh tạo ra Trung Luận này, tuyên thuyết thông hợp về lời Phật. Về đối tượng thực hiện của Luận, tướng ấy là thế nào? Nghĩa là Đức Bà-già-bà thấy rõ các chúng sinh do vô minh, tức đã bị vô số các thứ hý luận như sinh diệt đoạn thường một khác đến đi v.v… nơi rừng rậm tà kiến của thế gian hủy hoại, nên khởi tâm bi đệ nhất, phát tuệ dũng mãnh, nơi vô lượng ức trăm ngàn câu-chi na-do-tha kiếp, vì hành lợi tha, tổn xả thân mạng, tâm không chán mệt, có thể gánh vác vô lượng nhóm phước tuệ, vào sâu nơi biển cảnh giới Bát nhã, đoạn dứt tất cả các thứ hý luận, chẳng phải là không phân biệt tha duyên, chứng đắc hết thảy pháp cam lồ chân thật. Ở nơi nẻo kia, thọ mạng có sai biệt về tánh xứ thời v.v… đều thâu nhận lợi ích, không chung với tất cả Thanh văn, Duyên giác cùng các ngoại đạo, chỉ vì tiến hướng nơi đệ nhất thừa nên dựa vào Thế đế, Đệ nhất nghĩa đế, thiết lập các danh tự câu nghĩa như chẳng sinh v.v… Ở đây, là tối thắng trong duyên khởi thật thuyết, vị A-xà-lê của Ta, cũng đối với văn cú như chẳng khởi v.v… khai thị đạo lý như thật của Đức Như Lai, đạt được thắng giải như thật, sinh dũng mãnh tột cùng. Như chỗ thông đạt, tán thán Đức Bà-già-bà, nên tạo ra Luận này. Lại, nước từ bi hợp tâm, suy nghiệm về điều đã lãnh hội, khiến cho thế gian kia cùng được hiểu biết, nên nói ra lời này. Như kệ nêu:
Chẳng diệt cũng chẳng khởi
Chẳng đoạn cũng chẳng thường
Chẳng một chẳng vô số
Chẳng đến cũng chẳng đi.
Duyên khởi, hý luận dứt
Thuyết giảng tức khéo diệt
Lễ bậc Bà-già-bà
Tối thượng trong các thuyết.
Giải thích: Thứ lớp của câu nghĩa ấy đã giải thích không gián đoạn, là giải thích nghĩa của Luận này, thế nên nêu bày trước. Câu nghĩa như thế: Hủy hoại nên là diệt. Xuất sinh nên là khởi. Nối tiếp nơi tử nên là đoạn. Tất cả thời trụ nên là thường. Nghĩa không riêng chẳng khác nên là một. Nghĩa sai biệt khác nhau nên là vô số. Nghĩa hướng tới đây nên là đến. Nghĩa hướng tới kia nên là đi. Không có diệt này nên là chẳng diệt, cho đến không có đi ấy nên là không đi. Khởi diệt một khác kia là sự ngăn trừ của đệ nhất nghĩa. Đoạn thường là sự ngăn trừ trong thế tục. Đến đi, hoặc nói là cùng ngăn trừ của cả hai. Hoặc có thuyết nói tất cả như thế đều là sự ngăn trừ đối với đệ nhất nghĩa, do sự tạo tác của chúng.
Vị kia: (Nơi câu Lễ Bỉ Bà-già-bà) Là Đức Phật, Bà-già-bà (Thế Tôn).
Duyên khởi: Là vô số nhân duyên hòa hợp, có thể khởi nên gọi là duyên khởi. Tự tánh của ngôn ngữ được nắm giữ vĩnh viễn không hành nên gọi là hý luận dứt. Tất cả tai họa chướng ngại đều không, hoặc khi tự tánh không nên gọi là khéo diệt.
Thuyết: Là nghĩa mở bày diễn nói, chân chánh không điên đảo. Thông đạt hai thứ vô ngã là người pháp, thế nên gọi là Phật, Thế Tôn. Do nghĩa như vậy nên con đảnh lễ. Tối thượng trong các thuyết: Câu này là nói về gì? Duyên khởi không điên đảo do Đức Phật giảng nói là mở bày chỉ rõ cho hàng người, trời về con đường tin vui của Niết-bàn, là chỉ dạy trao truyền pháp tối thắng cho hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát. Như chỗ diễn nói là chân chánh không điên đảo, là duyên khởi thù thắng.
Hỏi: Ông vừa tự nói: Thuyết pháp duyên khởi. Nếu nói duyên khởi thì vì sao nói là chẳng khởi (chẳng sinh)? Nếu nói chẳng khởi thì sao gọi là duyên khởi? Lời ấy là tự trái nhau, lại sinh sự lãnh hội thoái thất nên ngữ nghĩa cùng hoại. Như cho tất cả ngôn ngữ đều là vọng.
Đáp: Nếu tất cả duyên khởi đều chẳng sinh, tức nên có sự lãnh hội như thế, thì tôi mắc lỗi ấy. Nhưng tôi chưa từng nói tất cả duyên khởi đều chẳng sinh, nên không có lỗi như trên. Nghĩa này là thế nào? Trong thế đế là có duyên khởi, chẳng phải đệ nhất nghĩa cũng có duyên khởi. Nên nói về nhân thì nghĩa ấy chẳng thành, cũng như bố thí v.v… Trong đệ nhất nghĩa không nói là thiện. Gồm thâu sinh tử nên gọi là thiện. Lại như nói thức là ngã. Nơi đệ nhất nghĩa, thức thật chẳng phải là ngã. Hiểu biết như thế, vì vậy không có lỗi. Lại như hóa tác trượng phu sinh khởi. Tự tánh của trượng phu thật là không khởi, cũng như ngọn lửa huyễn nhập vào bên trong sinh khởi, là theo thế tục nên nói, chẳng phải là đệ nhất nghĩa, do vậy không có lỗi.
Hỏi: Sau khởi là ngăn trừ diệt, tướng của pháp nên như thế, do pháp kia có trước, nên như chẳng đoạn?
Đáp: Sinh tử không có khởi đầu, nên diệt trước sinh sau, đây cũng đồng ngăn trừ, chẳng phải hoàn toàn là lỗi của nhân. Quán thứ lớp của nghĩa, không quán khác, văn nếu ngăn chận trước thì sinh cùng với diệt đồng có lỗi.
Lại nữa, người của Bộ Đàm Vô Đức nói: Luận của ông đầu tiên nói về chẳng sinh diệt. Đây là pháp vô vi, khác với duyên khởi. Nghĩa ấy là không đúng. Vì sao? Vì trong pháp của Tôi là có duyên khởi. Luận của ông trước tiên nói: Chẳng phải là Thanh văn v.v… cùng với duyên khởi, vì nghĩa không tương ưng. Luận giả nói: Vì ngăn chận chấp nơi tự tánh, nên nói chẳng sinh v.v… khác với pháp duyên khởi, khiến ông được hiểu. Nếu nói có duyên khởi vô vi kia, khiến người khác tin, thì nghĩa ấy chẳng đúng, vì nghiệm xét là vô thể. Nếu ý của ông cho: Duyên khởi quyết định gọi là duyên khởi vô vi, thì sự hiểu biết này là có lỗi. Vì sao? Vì do ngăn chận sinh. Sinh ấy là vô thể, không nên gọi là chung, do vô vi không khởi nhân có, ví như trụ.
Lại nữa, Sư của Kinh Bộ nói: Nghĩa chẳng sinh v.v… chẳng phải là hàng Thanh văn không chung. Nghĩa này là thế nào? Bộ kia cho sinh khác với vô thể, gọi là chẳng sinh, như chẳng tự tại. Ngoại đạo kia hiểu là diệt. Diệt này là vô thể, gọi là chẳng diệt, ví như vô ngã. Dựa nơi nhân, quả sinh nên chẳng đoạn. Quả sinh nhân hoại nên chẳng thường. Như ngọc báu ma-ni, phân bò khô vụn, hòa hợp với ánh sáng mặt trời, như thế là lửa sinh. Không thể nói là Thể kia nên chẳng là một. Không thể nói là Thể khác nên chẳng là vô số. Như vậy, lúc sinh thì hoại, nên nghĩa không đến không đi đúng như ở đây. Luận của ông trước tiên nói: Không chung với Thanh văn riêng có duyên khởi, nghĩa ấy là không đúng. Luận giả nói: Ông tuy có lời này, là trái với lý của chánh đạo. Nghĩa đó là thế nào? Sự sinh kia là không sinh. Tôi muốn khiến cho người khác hiểu rõ về chẳng sinh v.v… khác với nghĩa duyên khởi, do đấy không chung với duyên khởi khác. Thế nên nơi phần đầu là tán thán Đức Phật, Thế Tôn, rồi mới tạo Luận này. Trước khiến nhận biết rõ về sinh là chẳng sinh, còn lại như chẳng diệt v.v… tức dễ có thể suy xét. Thế nào là khiến hiểu về chẳng sinh kia? Nghĩa là những người phân biệt về sinh, hiện tiền nhận biết. Các thuyết như thế, hoặc nói là thể tự sinh. Hoặc cho là Thể do tha sinh. Hoặc nói Thể do tự tha cùng sinh. Hoặc cho Thể là không nhân sinh. Các thuyết này đều không đúng. Do dựa nơi A-hàm cùng lý của chánh đạo, quán đế như thật, nên sinh tức nghĩa không. Do đấy, Luận giả tạo luận đã tự tại quyết định, nói kệ:
Không thời cũng không xứ
Tùy có Thể một vật
Từ tự tha cùng chung
Không nhân mà sinh khởi.
Giải thích: Chẳng phải tự: Tụ kia an lập các pháp sinh, hoàn toàn là vô thể, như mỗi mỗi thứ lớp, nên biết về tự là nghĩa của ngã. Tất cả thể ấy, do nghĩa gì nên ngăn trừ? Đó là ngăn trừ về nghĩa cho ngã là tối thắng. Lại ngăn trừ màng lưới phân biệt cho là trọn vẹn. Màng lưới phân biệt cho là trọn vẹn: Nghĩa là cảnh giới của đối tượng nhận thức cho là hoàn toàn. Không cảnh giới là muốn thành lập trí không phân biệt.
Lại nữa, ngăn trừ: Nghĩa là ngăn trừ về thọ nhận chưa trọn vẹn, nên theo phương tiện khác nói các pháp chẳng sinh, là phương tiện chẳng sinh khiến người khác hiểu, nên đây chẳng phải là Tất đàn của Đại thừa. Làm sao nhận biết? Như A-hàm nói: Hành sắc chẳng sinh, chẳng hành Bát-nhã Ba-la-mật.
Lại nữa, chẳng tự sinh: Nghĩa là chẳng tự sinh thể như thế. Đây là nhận hiểu đúng đắn. Nếu khác với nhận hiểu này mà nói chẳng từ tự thể sinh, thì nghĩa ấy có lỗi. Có những lỗi gì? Tức là lỗi cho là tha sinh.
Lại nữa, ông nói chẳng từ tự thể sinh: Chẳng phải chỉ có lỗi về tha sinh mà còn có lỗi về tự tha cùng sinh. Đây chẳng phải là điều tôi muốn, chỉ là do trái với Tất đàn đa. Đó là theo phương tiện mà nói. Nơi đệ nhất nghĩa, các nội nhập v.v… không có nghĩa tự sinh. Vì thế tục không hành do có. Ví như tư duy về dị bộ hồi chuyển, không khiến lãnh hội nên có, tức cho nhân là đồng với chẳng phải nhân, vì thí dụ là vô thể. Nhân kia hồi chuyển như thế chẳng phải là tất cả xứ nên không có lỗi về thí dụ.
Lại nữa, người của Tăng khư (Số Luận) nói: Chỗ lập của ông là lập về những nghĩa gì? Là quả gọi là tự chăng? Là nhân gọi là tự chăng? Điều ấy có lỗi gì? Nếu lập thể của quả là tự thì Tất đàn của Tôi thành. Nếu lập thể của nhân là tự, thì cùng với nghĩa trái nhau, do thể có trong nhân. Như vậy, tất cả có khởi nên gọi là sinh. Ông nói không sinh, nghĩa há là đúng? Luận giả nói: Lời này là vô nghĩa. Ông không nhận biết chăng? Ngăn chận phần sinh, nghĩa là tự tánh của nhân sinh, cùng tha tánh sinh, những thứ ấy đều ngăn chận. Ông không chánh tư duy, nên phát ra lời ấy là mê lầm, không vượt qua có, khác.
Giải thích: Các pháp không có từ tự thể sinh, nên sinh kia là vô nghĩa. Lại sinh vô cùng nên sinh ấy không tương ưng. Nghĩa này là thế nào? Do không nói về nhân cùng với thí dụ. Lại không thể tránh khỏi lỗi của tha thuyết. Ở đây, phá trừ là làm rõ về sự điên đảo đã thành hình. Thế nào là điên đảo? Tức lỗi lầm cho thể từ tha sinh, và lỗi cho sinh có quả, cùng lỗi cho sinh có cùng tận, là trái với Tất đàn đa.
Lại nữa, có Tăng khư khác nói như vầy: Các thể không tự sinh. Điều ấy cũng không đúng. Vì sao? Vì tự muốn tạo khởi thì trở lại tự trừ bỏ. Như nói nơi ba cõi có sừng thỏ sinh. Lại nhằm ngăn trừ nghĩa của ông, như ở đây Tôi đã thành lập nhân quả có thể hiểu rõ về thể không khác. Cũng như tự ngã từ thể của nhân kia, nên pháp của quả tự khởi, do đấy nghĩa thành. Luận giả nói: Đấy là phân biệt nêu bày tà vạy, không hợp đạo lý. Trước ngăn chận nghĩa kia, thế nên không lỗi. Các pháp như thế, thể không tự sinh. Từ tha sinh: Nghĩa ấy cũng không đúng. Vì sao? Vì không thời, không xứ, tùy có một thể từ tha khởi. Nghĩa này là thế nào? Tha là nghĩa khác (dị). Đây là theo phương tiện mà nói. Trong đệ nhất nghĩa, nội nhập không từ các duyên kia sinh. Vì sao? Vì là tha. Ví như bình chén v.v….
Lại nữa, nơi đệ nhất nghĩa, tha duyên không thể sinh các nhập như nhãn v.v… Vì sao? Vì do là tha. Ví như kinh v.v…
Hỏi: Ông nói tha, nghĩa nhân không thành. Vì sao? Vì nghĩa lập chỉ một phần. Ví như nói âm thanh vô thường nên là âm thanh.
Đáp: Ông không khéo nêu bày. Âm thanh vô thường: Là âm thanh Vi-đà. Là âm thanh tức như tiếng trống. Do thấy nên lập nghĩa một phần xuất sinh nhân thành, chẳng phải cho là một biên.
Lại nữa, người của Tỳ Thế Sư (Thắng Luận) nói: Vi trần là nhân sinh khởi các pháp là quả. Hai vi trần kia là đầu, thứ lớp như thế nên các nhóm đất nước lửa gió thật sự sinh khởi thành tựu. Ông nói tha: Là phân biệt ngã cầu na làm nghĩa của nhân hay là phân biệt nghĩa khác? Nếu phân biệt ngã cầu na làm nhân, thì nghĩa của nhân không thành. Vì sao? Vì nếu lìa thể của ngã thì không có cầu na (công đức) riêng. Còn như phân biệt về nghĩa khác tức là đối tượng được phá trừ nơi sự hiểu biết của thế gian. Luận giả nói: Kẻ kia nêu bày bất thiện vì nói chung về nhân, do pháp ấy tụ tập có thể sinh sự hiểu biết của kẻ khác. Nhân của sự hiểu biết như thế nói chung là tha, không phải là cùng cầu na kia. Vì tư duy khác và chỗ hiểu biết của thế gian cũng không bị hủy hoại, do lập nghĩa khác biệt. Trong đệ nhất nghĩa, vi trần của đất sinh khởi đầu tiên không gọi là đất thật, do là vi trần. Ví như hỏa trần. Trong đệ nhất nghĩa như thế, vi trần của lửa sinh khởi đầu tiên không gọi là lửa thật, do là vi trần. Ví như thủy trần. Nên nêu bày theo thứ lớp như thế.
Lại nữa, người của A Tỳ Đàm nói: Ông nói là tha, là do công năng của quả là không nên nói là tha chăng? Hay là chính công năng của quả kia là chẳng không nên nói là tha? Cả hai đều có lỗi. Vì sao? Vì nếu do công năng của quả là không nên nói là tha, thì nghĩa của nhân chẳng thành. Còn nếu công năng của quả kia chẳng không thì công năng ấy thành pháp không, vì thí dụ bị hoại. Luận giả nói: Nêu chung về pháp tụ nên là vật nơi quán biên sinh khởi sự hiểu biết của kẻ khác. Ông nói nghĩa của nhân chẳng thành cũng có thể thành pháp không. Do thí dụ bị hoại nên không có lỗi lầm này, tợ như bóng của ánh sáng.
Lại nữa, có Tự Bộ nói: Nếu trong đệ nhất nghĩa, các nhập nội ngoại kia đều không khởi, thì thể của pháp không thành, chủ thể nương dựa bị hoại, ông phạm lỗi nghĩa của nhân không thành. Luận giả nói: Ngôn thuyết của thế tục là thật, nên các nhập nội ngoại như bình chén, mắt tai v.v… có thể đạt được. Ông nói về lỗi, thì điều ấy không tương ưng.
Lại nữa, Luận sư Phật Hộ giải thích: Là tha tạo tác, cũng không đúng. Vì sao? Vì khắp tất cả xứ, tất cả đều khởi lỗi. Luận giả nói: Vị kia nếu nói lỗi như thế, tức chủ thể thành, đối tượng thành đều điên đảo. Nghĩa là tự cùng nhân khởi thể là lỗi. Hoặc thời có xứ theo một vật khởi, nên trước nói là trái nhau. Lại, nếu khác với đây thì khắp tất cả xứ, tất cả khởi lỗi. Lời này có thể thành lỗi của tha khởi, điều ấy không tương ưng. Như kệ nêu:
Hương phụ tử sâm đắng
Am-ma-la trừ nhiệt
Thạch nữ không có con
Măng tre lại có khổ
Thỏ in ghi ánh trăng
Tiết Dương xuân tạo vui.
Lại nữa, người của Tăng khư khác nói: Pháp kia khác không khác. Các chủng tử như đất v.v… sinh khởi quả như mầm v.v… Do nghĩa như thế nên nói thể cùng khởi. Kẻ kia nói không đúng. Vì sao? Vì không chung, chẳng phải là nghĩa của tự tha. Không thời không xứ có Thể của một vật từ chung sinh khởi, nên kẻ kia nói có lỗi. Đây lại là thế nào? Nếu cho là cùng khởi khiến tha tin hiểu thì nghiệm xét không Thể nên nghĩa ấy không thành. Lại nữa, ở đây lại ngăn chận nghĩa của bộ Lõa hình, nói không cùng khởi. Nghĩa này là thế nào? Người kia cho vàng cùng với chẳng phải vàng là nhân công, lửa v.v… sức của tự tha, nên các thứ vòng nhẫn, xuyến sinh khởi. Kẻ kia nêu bày như thế. Vì nhằm ngăn chận lời ấy nên nói không cùng khởi, tức nhận biết như vậy. Lại nữa, không phải không nhân: Nghĩa ấy là thế nào? Là không khởi không xứ có Thể của một vật không nhân sinh khởi. Vì sao không nhân? Vì nghiệm xét là vô thể. Nếu nói có nghiệm xét, tức là nơi thế gian, đối tượng được nghiệm xét lãnh hội bị phá, có lỗi này. Nghiệm xét của thế gian, tướng ấy là thế nào? Tức thế tục muốn khiến thể của nội nhập sinh. Vì sao? Vì có riêng chung. Ví như mầm cây v.v…
Lại nữa, chỗ hiểu biết về lỗi của thế gian, là đối với thế gian kia nếu có vật này, nhận biết là từ nhân sinh, như sợi tơ thành lụa, như nan tre thành sọt giỏ, như bùn đất thành bình chén v.v…, là lỗi ấy. Lại nữa, nhân ác kia, cũng gọi là không nhân, như không có người đàn bà v.v… Những gì là nhân ác? Đó là tự tánh cùng trời Tự Tại. Lúc là Tạng trượng phu, Na-la-diên v.v… không chân thật. Vì thế những thứ ấy là không nhân, không thể sinh khởi thể. Nếu cho là từ tự tánh ấy cùng khởi, khiến người hiểu biết, thì nghiệm xét không như thế. Nếu nói có nghiệm xét, thì điều này cũng có lỗi. Lại nữa, người chấp nơi tự tánh, nói lời như vầy: Tôi lập nghĩa ấy, tự tánh là có, các nội nhập cùng sinh. Vì sao? Vì đã trang nghiêm nơi thể của ngã. Như hoa sinh nơi nước có rễ, tua, cành, lá, màu sắc, hình tướng đều đẹp đẽ. Như các thứ ngọc báu đại thanh, Nhân-đà-la-ni-la, A-tỳ-ni-la v.v… lại như bên cổ sau của chim khổng tước có rất nhiều chấm mắt nối kết sáng rõ đáng yêu thích, đều là tự tánh như thế. Luận giả nói: Người kia lập nghĩa này, tự tánh là tác giả, là không quán về nhân của nghiệp, không có tác giả. Nếu như thế thì nội ngoại kia sinh nhân duyên quyết định là đối tượng hành của trí thế tục, cùng ngôn thuyết thành, đã lại thành lỗi. Nếu là đệ nhất nghĩa thì thí dụ không Thể. Vì sao? Vì trong đệ nhất nghĩa, báu liên hoa v.v… vốn là không sinh.
Lại nữa, ông muốn cùng với Tôi lập nghĩa không nhân, tất cả pháp thành. Tôi nay chỉ rõ cho ông, do không nhân nên tất cả không thành. Lại, kẻ kia lập không nhân, nếu nói nhân, thì chấp ở trước đã phá. Lại nữa, nếu cho Tôi lập không nhân, thì không thể khiến kẻ kia nói về nhân được hiểu, nên cần nêu ra nhân khiến hiểu về không nhân. Ví như cùng là người Di địch trở lại tạo lời nói kia. Vì nghĩa ấy nên theo phương tiện nói nhân. Cũng chẳng phải lời nói trước bị phá, nghĩa ấy là không đúng. Vì sao? Vì ngữ biên chuyển đổi, cũng như tướng đã đạt được. Do nghĩa của tướng này khiến kẻ kia được hiểu, như nói Di địch. Xứ kia có khói, tức nhận biết là có lửa, khiến kẻ kia nhận biết rõ cùng hiểu biết về sinh khởi. Lời nói đây kia có khác thế nên không thành.
Lại nữa, có Tăng khư khác, là người Bà-trụ-la nói: Ca-la-la kia cùng do mầm v.v…, không duyên nên sinh khởi. Hoặc bình chén, áo quần v.v… có duyên nên sinh khởi, không phải là tự tánh của tất cả thể sinh khởi, nên thành đối tượng thành của Tôi. Luận giả nói: Người kia cho tất cả thời, tất cả vật sinh khởi là thảy đều ngăn chận. Ông đã nêu bày, điều ấy là không tương ưng. Do nghĩa như vậy tức không có tự tánh sinh khởi.
Lại nữa, ngoại nhân có chấp Tự tại là nhân, nói như vầy: Chúng sinh không trí nên ở trong khổ vui không được tự tại. Nẻo thiện nẻo ác đều là do tự tại sai khiến. Luận giả nói: Kẻ kia lập nghĩa này, tự tại toàn là nhân sinh khởi của thế gian. Ở trong thế tục cũng không nên như thế. Vì sao? Vì hoặc có nhân của lo, vui, như kẻ chăn bò. Nếu cho tự tại gọi là tất cả nhân tạo ra thế gian, thì nghĩa này không đúng, nên nhận biết như thế, do đối tượng lường xét. Ví như tự tại. Vì thế nên biết , đối với thế tục kia cũng chẳng phải là tự tại có thể sinh khởi các pháp. Nếu ông nhất định cho tự tại là nhân sinh ra các pháp thì nhân ấy cùng với quả là tự tánh hay là tha tánh, là tánh của cả hai? Ở đây phân biệt khác, trước đã ngăn chận, nên có sinh khởi không sinh khởi, sau sẽ luận phá rộng. Trong đệ nhất nghĩa, tự tại không thể sinh khởi các pháp. Hoặc có thuyết nói: Thế gian chúng sinh cùng khí thế gian, có vô số nhân của nghiệp là tự tại, nên trụ khởi kia hoại, khổ vui tăng giảm chung làm chỗ nương dựa. Người nói như thế là thành đối tượng thành của Tôi, là ngôn thuyết của thế tục, không phải là đệ nhất nghĩa. Do trong đệ nhất nghĩa, nghiệp không sinh khởi.
Lại nữa, kẻ kia chấp trượng phu là nhân sinh, nói như vầy: Hết thảy thế gian, trượng phu là nhân. Nghĩa này là thế nào? Như sợi tơ có đủ nơi lưới dệt. Như ngọc báu Nguyệt quang xuất sinh nước. Như cây sinh ra cành lá v.v… Tất cả chúng sinh do trượng phu kia làm nhân cũng lại như thế. Đó là quá khứ vị lai kia động chẳng động, xa gần trong ngoài, hết thảy như thế đều do trượng phu làm nhân. Luận giả nói: Trước chấp tự tại làm nhân, trong đó đã ngăn trừ lối suy tính này. Nay sẽ lại nói. Như ngã của Điều-đạt không tạo nhân tụ thân căn của Điều-đạt. Vì sao? Vì do là ngã. Ví như tự ngã của Da-nhã-đạt-đa. Lại nữa, các tụ như thân căn của Da-nhã-đạt-đa v.v… không phải là ngã của Da-nhã-đạt-đa đã tạo tác. Vì sao? Vì do trí khổ vui kia đã sinh khởi nhân. Ví như các tụ như thân căn của Đề-bà-đạt-đa. Nếu cho ngã bị trói buộc ấy là nhân của ba cõi, chẳng phải là tất cả, thì nghĩa ấy không đúng. Vì sao? Vì do ngã nên như giải thoát ngã. Tức chấp kia không thành, vì lập nghĩa có lỗi.
Hỏi: Ông nói ngã nên là nhân, thì trong nghĩa tự lập này là một phần. Ông nêu ra nhân thì nghĩa ấy không thành, vì có lỗi lầm.
Đáp: Nghĩa không có lỗi lầm, như trước đã nêu. Vì sao không lỗi? Như trên nói: Là âm thanh nên âm thanh vô thường, ví như âm thanh của trống. Hoặc có thuyết nói: Nghĩa đã lập của ngã chỉ là một ngã, như một hư không có bình chén v.v… được phân biệt, đều là giả, do giả nên vô lượng. Vì nghĩa này nên thí dụ là vô thể. Nghiệm xét luận phá không thành, nghĩa lập không lỗi. Luận giả nói: Người kia không khéo nêu bày. Nghĩa ấy là thế nào? Do hư không chẳng sinh, nên như hoa nơi hư không, thể không thể đạt được. Như vậy mà nói về một hư không thì nghĩa đó không thành, chỉ có ngôn thuyết. Trong pháp của thế tục, nói chung về ngã, là chỉ rõ về giả khiến nhận biết. Ông lập một ngã khiến kẻ khác tin, vì nghiệm xét là vô thể nên nghĩa ấy không thành.
Hỏi: Ngã bị trói buộc, ngã được giải thoát, lại không có Thể khác. Vì sao? Vì do ngã nên như ngã giải thoát?
Đáp: Trong cảnh giới Niết-bàn vô dư, một ngã giải thoát, thì có ấy chẳng thành, như trước đã nói về lỗi không thể lẫn tránh. Như nơi Phẩm Quán Ngã sẽ giải nêu rộng.
Lại nữa, người của Tăng khư (Số Luận) nói: Như Tôi lập nghĩa, tự tánh kia là nhân, cho Phạm-ma là đầu, dưới đến cõi trụ trì, quả của các pháp sinh đều nhân nơi tự tánh. Như nội nhập ấy là nhân si của khổ vui, quyết định tạo nhân nên pháp kia có đủ. Nếu vật của thế gian pháp kia có đủ, thì ngã nhận biết là nhân. Như tấm thẻ chiên-đàn. Như mảnh gạch ngói. Vật dụng trang sức là vàng. Nhân chung riêng như thế, do nội nhập ấy có đủ khổ vui si v.v… nên nói nội nhập là nhân của khổ vui si kia. Nên nhận biết như vậy. Các ấm sắc tưởng hành thức đều là tự tánh như khổ vui si v.v… Vì sao? Vì do ấm. Ví như thọ ấm. Do đó, nhân cùng thí dụ, nghĩa đều được thành. Luận giả nói: Là ở đây, tức trong đệ nhất nghĩa, thì các thí dụ như chiên-đàn v.v… là không thành, do vô thể. Ở nơi thế tục, si là thuộc về hành ấm, nên thí dụ không thành. Hai thứ khổ vui kia, khác với các pháp bên ngoài, nên chẳng phải là tự tánh của khổ vui. Nên nhận biết như vậy. Vì sao? Vì do đối tượng suy lường. Ví như nhận biết và nghiệm xét không tương ưng.
Hỏi: Trong đệ nhất nghĩa của ông không có thí dụ chăng?
Đáp: Nói chung về hiểu biết, thế gian cùng hiểu dùng làm thí dụ. Cũng chẳng phải thí dụ là vô thể. Do nghĩa ấy nên Tạng kia không là nhân của đế như đại v.v… Do không biết rõ, ví như trượng phu. Ông nếu muốn nói tự tánh là nhân, thì tự nghiệm xét bị phá. Ngoại nhân nói: Tôi lập trượng phu, cùng với tư duy tương ưng, tức có thể sáng rõ, nhưng nói do không hiểu rõ, nên nhân này chẳng thành. Lại có thể thành pháp, là không đủ, nên cũng là lỗi của thí dụ. Luận giả nói: Lời kia không có nghĩa. Điều ấy lại là thế nào? Nói chung về nhân, lập nghĩa riêng nên xứ xứ không rõ. Chung, một không thành. Hoặc có thuyết nói: Cũng chẳng phải không nhân, có thể sinh khởi các pháp. Người kia cho tánh, thời, Na-la-diên v.v… là nhân, tức như trong phần ngăn trừ về tự tại đã nêu, nên nhận biết.
Lại nữa, người của Tăng khư nói: Ông nói là không tự, không tha, không cả hai, chẳng phải không nhân. Nhưng có xứ có Thể, có thể sinh khởi một vật, thật như đã nêu. Thật ấy không sinh khởi. Tuy thật không sinh khởi, nhưng biết rõ là tạo tác. Luận giả nêu câu hỏi: Ấy là vật gì? Vì sao biết rõ là tạo tác? Người của Tăng khư nói: Như đèn đuốc, bình chén. Luận giả nêu: Đèn đuốc, bình chén hai vật vốn tự chẳng sinh. Vì sao dùng đèn đuốc chẳng sinh để nhằm hiểu rõ về tạo tác. Bình chén chẳng sinh ấy, như không có sừng ngựa, há có thể hiểu rõ? Do trong đệ nhất nghĩa, các pháp chẳng sinh. Dựa nơi thế đế, tạo câu hỏi như vầy: Đèn kia đối với bình có tác dụng gì? Ngoại nhân nói: Thọ nhận tạo tác. Luận giả nêu: Thọ vốn trước không, đối với sau mới có. Trước không sau có, thọ tức là tạo tác. Nếu nói trong tối tăm, mắt nhận biết, bấy giờ không có thọ. Do có ánh sáng của đèn nên bóng tối ngăn che đã phá trừ, như trước đã ngăn chận, là pháp tạo tác. Lại, bóng tối ngăn che bị phá, há chẳng phải là tạo tác? Nếu ông chấp nói: Thọ thấy trước có. Nếu trước có thì đèn lại có dụng gì? Lại nữa, thế nào gọi là bình chén? Như trong pháp của tôi, bốn đại cùng với các vật do bốn đại hòa hợp nên gọi là bình chén. Đèn kia lúc hiện có, cùng với ánh sáng cùng khởi. Do nghĩa này, nên trong pháp của thế đế có nhân sở tác. Thể của mỗi mỗi vật đều từ tự nhân nối tiếp sinh khởi. Vì sao? Vì như ánh sáng cùng với thể của vật cùng sinh khởi, đó là liễu nhân. Trong đệ nhất nghĩa, pháp sinh khởi đều không, cũng không có biết rõ, chẳng phải các đế như đại v.v… là vật không biết rõ, có thể khiến hiểu rõ. Vì sao? Vì do không biết rõ. Ví như hoa đốm. Thế nên ông nói người chưa hiểu rõ thì biết rõ, lời ấy là không đúng.
Lại nữa, Luận sư Phật Hộ giải thích câu này, nói: Cũng chẳng phải là không nhân sinh khởi thể của vật kia. Vì sao? Vì nếu không nhân tức nên ở nơi tất cả xứ, tất cả vật luôn sinh khởi là có lỗi như thế. Nghĩa này không đúng. Vì sao? Vì nghĩa nơi lời nói của ông, về chủ thể thành, đối tượng thành, rõ ràng là điên đảo. Nghĩa ấy là thế nào? Tức cho thể của vật ấy từ nhân sinh khởi. Hoặc có lúc có Thể sinh khởi. Hoặc có xứ một vật sinh khởi có sinh khởi thứ nhất. Cùng với lời nói trước trái nhau, như thế là không tương ưng, tức như trước đã nói về lỗi. Nếu pháp kia có khác, nghĩa không tương ưng, là cũng như trước đã nói. Lại nữa, trong đây cũng không phải không nhân khởi, tất cả các Luận không nêu bày như vậy. Có thời có xứ. Hoặc tự tông, hoặc tha tông, không có một vật, hoặc nhiễm hoặc tịnh từ không nhân sinh khởi. Mỗi mỗi nên nêu bày như thế. Do đấy nên không chung với ngoại đạo. Các nghĩa như duyên khởi sai biệt không sinh khởi v.v… được thành.
Lại nữa, người A Tỳ Đàm nói: Có bốn thứ duyên có thể sinh các pháp. Vì sao nói duyên khởi không khởi như ngã? Kệ nêu:
Nhân duyên cùng Duyên duyên
Thứ đệ, Tăng thượng duyên
Bốn duyên sinh các pháp
Lại không duyên thứ năm.
Giải thích: Nhân duyên: Nghĩa là cùng có tự phần tương ưng với năm nhân như biên chấp v.v… Duyên duyên: Nghĩa là tất cả pháp. Thứ đệ duyên: Là trừ tâm tâm số pháp đã khởi sau cùng của A-la-hán. Tăng thượng duyên: Nghĩa là nhân sở tác. Không có duyên thứ năm: Tức hoặc tự tông, tha tông, hoặc thiên thượng, nhân gian, hoặc nơi Kinh, hoặc nơi A Tỳ Đàm cùng các Luận khác, Đức Phật chưa từng nói có duyên thứ năm.
Lại nữa, như Đại Chúng Bộ cũng nói: Đời trước không có v.v… Các duyên đều thuộc về bốn duyên. Do nghĩa này nên bốn thứ duyên ấy có thể sinh các pháp. Ông nói thể của vật không từ tha sinh khởi.
Nghĩa đó là không đúng. Luận giả nói kệ:
Thể các vật hiện có
Cùng do các duyên ngoài
Ngôn thuyết và âm thanh
Là đều không tự tánh.
Giải thích: Thể của các vật: Nghĩa là như mắt v.v… Các duyên bên ngoài: Là Ca-la-la v.v… Ngôn thuyết, âm thanh: Nghĩa là lúc hòa hợp. Không tự tánh: Là nhằm ngăn chận tự thể kia. Nghĩa này là thế nào? Tức các thể ấy v.v… đều không tự tánh. Cũng chẳng phải xứ khác cùng tự tại mà có. Thế nên nói tha kia là vô thể.
Lại nữa, những gì là tự thể để nói các duyên là thể của tha khiến có? Như trước, trong nghĩa chẳng sinh khởi đã nêu bày nghiệm xét luận phá. Do đấy nên ông ở trong đây đã không thể đả phá Tôi.
Lại nữa, hoặc có tự tâm phân biệt hư vọng, nói như thế này: Nếu có chủ thể khởi thể của các pháp, nói là tha khởi, thì chẳng phải là tự thể. Nếu không tha duyên, tức không thể sinh. Có tha duyên nên các pháp được khởi, là duyên quyết định, nên Tôi tạo sự hiểu biết ấy. Nghĩa đó là không đúng. Vì sao? Vì nếu nói như vậy là ngăn chận tự khởi, hỗ trợ thành nghĩa của Tôi. Nếu các thể chưa khởi thì tha có thể khiến khởi. Lời ấy là bất thiện, đồng với trước đã ngăn trừ.
Lại nữa, nếu nói thể không từ tha sinh khởi, là ngăn chận ngoài thể kia có thứ khác sinh khởi, hỗ trợ thành dụ của ngã. Do nghĩa ấy nên trong duyên đỏ trắng, không có mắt v.v… Vì trong các duyên, pháp của mắt là không. Vì sao? Vì các duyên không có tự thể, do không có tha.
Lại nữa, ở đây có hai thứ ngữ. Trong đệ nhất nghĩa, các nhập như mắt kia v.v… không từ các duyên đỏ trắng mà khởi. Vì sao? Vì mắt v.v… là không, như bình chén v.v… Nơi đệ nhất nghĩa, các duyên đỏ trắng không có công năng sinh các nhập như mắt v.v… Vì sao? Vì mắt ấy là không. Ví như dệt thành đao. Vì vậy Đức Phật nói: Trong đệ nhất nghĩa, nhân cùng các duyên không thể sinh ra mắt. Nên nhận biết như vậy. Đức Phật vì thương xót thế gian nên trụ nơi các thứ tranh luận của tuệ loạn, không nhân, nhân ác, ở trong thế đế nói có Nhân duyên, Thứ đệ duyên, Duyên duyên, Tăng thượng duyên. Do duyên này, nên nghĩa của ngã không luận phá. Nên nhận biết như thế. Lại có sự phân biệt khác, nói thể từ tha sinh khởi. Luận giả cho: Người kia cùng đối với đây. Lại nên suy xét: Là trong bốn duyên, vì sao có thể sinh ra các thể như mắt v.v…? Lại có tên gọi khác sai biệt, như Đại Chúng Bộ cùng Tỳ Thế Sư. Về đối tượng phân biệt, các Bộ kia cũng tùy theo tướng, ở đây đã gồm thâu. Thế nên quyết định không có duyên thứ năm. Như vậy trong đệ nhất nghĩa, mắt v.v… cùng với tha đều không ứng hợp. Vì sao không đúng? Như kệ nói:
Các Thể như tự ngã
Nội nhập cùng các duyên
Mỗi mỗi đều không có
Là do không tự tánh.
Giải thích: Trong các duyên, hoặc chung hoặc riêng, thể như mắt v.v… kia đều không thể đạt được. Ở đây, những thứ như âm thanh, nơi nhân riêng là không, trong hòa hợp cũng không, nơi dị biệt cũng không. Hoặc thế đế, hoặc đệ nhất nghĩa đế, chưa từng có lúc, có không tự tánh. Thể của vật khởi trước cũng chưa từng có vật không tự tánh. Tha thể của các duyên, nơi vị lai muốn khởi các tha nghĩa, làm sao được thành? Là hoàn toàn không tha, do nhân của tha là vô thể.
Lại nữa, nếu tự tâm của ông vọng đặt các pháp có Thể, vị lai sẽ khởi là đợi thể ấy, nên duyên kia là tha cùng chờ đợi lực, nên nói duyên là tha: Tức chỉ là ngôn thuyết. Vì sao? Vì cùng với các duyên kia là không có tha tánh. Do đó, không nên đối với sinh ấy chấp trước. Ở trong thế đế giả nói có tha. Nơi đệ nhất nghĩa tha ấy không khởi, như trước đã nói. Người của Tăng khư cho: Như ý của Tôi cho có Thể của ngã vi tế. Thể kia nơi thời gian sau tạo tác khiến nhận biết rõ. Tức do không hiểu rõ duyên của quả, cho là nghĩa của tha, vì thế được thành. Ông sao có thể phá? Luận giả nói: Lời của ông là sai trái. Người ngu của thế gian không tạo sự hiểu biết ấy. Ngã vi tế như bình chén v.v… nghĩa đó khó thành. Chỗ ông nói là hiểu rõ, tức trước đã phá.
HẾT – QUYỂN 1