BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH

 

Ghi chú: Bộ Tâm Kinh Bát Nhã được dịch ra Hán văn từ chữ Phạn, có sáu bản dịch. Trong sáu bản dịch, thì bản dịch của Pháp sư Huyền Trang được lưu hành tụng niệm trong chốn thiền môn hiện tại.

SỐ 250
KINH ĐẠI MINH CHÚ MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Dao Tần, Tam tạng Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Bồ-tát Quán Thế Âm khi thực hành sâu xa pháp Bát-nhã ba-la-mật, chiếu thấy năm uẩn đều không, vượt qua tất cả khổ ách.

–Này Xá-lợi-phất! Vì sắc không, nên không có tướng não hoại. Vì thọ không, nên không có tướng thọ. Vì tưởng không, nên không có tướng biết. Vì hành không, nên không có tướng tạo tác. Vì thức không, nên không có tướng nhận biết. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Chẳng phải sắc khác không, chẳng phải không khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.

Này Xá-lợi Tử! Tướng không của các pháp không sinh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm. Pháp không ấy chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai. Cho nên trong không ấy không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức; không có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới, cho đến không có ý thức giới; không có vô minh, cũng không có sự diệt tận vô minh, cho đến không có già chết, không có sự diệt tận của già chết. Không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có trí, cũng không có đắc. Vì không có đắc nên Bồ-tát nương vào Bát-nhã ba-la-mật, tâm không sợ sệt, không chướng ngại. Vì không chướng ngại nên không sợ hãi, lìa tất cả mộng tưởng điên đảo, khổ ách, rốt ráo Niết-bàn. Chư Phật ba đời đều nương vào Bátnhã ba-la-mật mà chứng đắc Vô thượng Bồ-đề.

Nên biết rằng, Bát-nhã ba-la-mật là chú rất sáng, chú vô thượng, chú không gì bằng, có năng lực diệt trừ tất cả khổ, chân thật không hư. Cho nên nói chú Bát-nhã ba-la-mật.

Bồ-tát liền nói chú:

“Yết-đế, yết-đế, ba la yết-đế, ba la tăng yết-đế, Bồ-đề tăng sa ha.”


SỐ 251
BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA TÂM KINH
Dịch Phạn ra Hán: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Bồ-tát Quán Tự Tại khi thực hành sâu xa pháp Bát-nhã ba-lamật thâm sâu, soi thấy năm uẩn đều không, vượt qua tất cả khổ ách.

Này Xá-lợi Tử! Tướng không của các pháp ấy chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng nhơ, chẳng sạch, chẳng thêm, chẳng bớt.

Vì vậy trong không không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức; không có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; không có thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới; không có vô minh, cũng không có sự dứt hết vô minh, cho đến không có lão tử, cũng không có sự dứt hết lão tử; không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo; không có trí năng cũng không có đắc.

Vì không có đắc, nên Bồ-tát nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, tâm không chướng ngại.

Vì không chướng ngại nên không sợ hãi, xa lìa phiền não mộng tưởng, đạt Niết-bàn tuyệt đối.

Ba đời chư Phật đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa mà chứng đắc Bồ-đề Vô thượng.

Cho nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa là chú Đại thần, là chú Đại minh, là chú Vô thượng, là chú không gì sánh bằng, có năng lực trừ tất cả khổ, chân thật bất hư cho nên nói chú Bát-nhã ba-lamật-đa.

Bồ-tát liền nói chú:

“Yết-đế, yết-đế, ba la yết-đế, ba la tăng yết-đế, Bồ-đề tát bà ha.”


SỐ 252
PHỔ BIẾN TRÍ TẠNG BÁT-NHÃ BALA-MẬT-ĐA TÂM KINH
Dịch Phạn ra Hán: Tam tạng Sa-môn Pháp Nguyệt, nước Ma-kiệt-đề
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ Đức Phật ở nơi núi Linh thứu, trong đại thành Vương xá, cùng với trăm ngàn vị đại Tỳ-kheo, bảy vạn bảy ngàn vị Đại Bồ-tát. Tên của các vị Bồ-tát thượng thủ là: Bồ-tát Quan Thế Âm, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Di-lặc…. Các vị đều đắc Tammuội Tổng trì, trụ giải thoát chẳng thể nghĩ bàn.

Khi ấy ở giữa chúng, Đại Bồ-tát Quán Tự Tại từ chỗ ngồi đứng dậy, đến chỗ Đức Thế Tôn, hướng về Ngài, chắp tay, cúi mình cung kính, chiêm ngưỡng dung nhan của Ngài và thưa:

–Bạch Thế Tôn! ở trong hội này, con muốn nói cho các Bồ-tát về Phổ biến trí tạng Bát-nhã ba-la-mật tâm. Cúi xin Thế Tôn cho phép con được tuyên nói pháp bí yếu cho các Bồ-tát.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng Phạm âm vi diệu khen Đại Bồ-tát Quán Tự Tại:

–Lành thay, lành thay! Ông có đầy đủ đại Bi, ta cho phép ông được nói để làm ánh sáng lớn cho các chúng sinh.

Khi ấy, được Phật cho phép, được Phật hộ niệm, Đại Bồ-tát Quán Tự Tại nhập vào Tam-muội Chánh thọ tuệ quang. Nhập vào định này rồi, khi Đại Bồ-tát dùng sức Tam-muội hành Bát-nhã ba-lamật-đa thâm sâu, chiếu thấy tự tánh của năm uẩn đều không. Biết rõ tự tánh năm uẩn đều không, Đại Bồ-tát ra khỏi Tam-muội một cách an tường và nói với Tuệ mạng Xá-lợi-phất:

–Này thiện nam! Bồ-tát có Bát-nhã ba-la-mật-đa tên là Phổ Biến Trí Tạng. Ông hãy lắng nghe cho rõ, ghi nhớ thật kỹ. Vì ông, tôi sẽ phân biệt giải nói.

Sau khi Đại Bồ-tát Quán Tự Tại nói vậy, Tuệ mạng Xá-lợi-phất thưa:

–Thưa bậc Đại tịnh, nay đã đúng lúc, xin ông hãy nói cho.

Đại Bồ-tát Quán Tự Tại nói với Xá-lợi-phất:

–Các Đại Bồ-tát nên học như vầy: Tánh của sắc là không, tánh của không là sắc. Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Tánh của thức là không, tánh của không là thức. Thức chẳng khác không, không chẳng khác thức. Thức tức là không, không tức là thức.

Này Xá-lợi Tử! Tướng không của các pháp ấy không sinh không diệt, không cấu không tịnh, không tăng không giảm. Cho nên trong không, không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức; không có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới; không có vô minh, cũng không có sự tận diệt của vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có sự tận diệt của già chết; không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có trí, cũng không có đắc.

Vì không có chỗ chứng đắc nên Bồ-tát nhờ nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mà tâm không chướng ngại. Vì tâm không chướng ngại nên không có sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo đạt đến Niết-bàn cứu cánh. Chư Phật ba đời đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa mà đắc Bồ-đề Vô thượng.

Cho nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa là chú rất linh, là chú rất sáng, là chú vô thượng, là chú không gì bằng, có năng lực diệt trừ tất cả các khổ, chân thật không hư, cho nên nói chú Bát-nhã ba-la-mật-đa Bồ-tát liền nói chú:

“Yết-đế, yết-đế, ba la yết-đế, ba la tăng yết-đế Bồ-đề ta bà ha.”

Khi nghe Đức Phật nói kinh này xong, các chúng Tỳ-kheo, Bồtát và tất cả Trời, Người, A-tu-luân, Càn-thát-bà… trong thế gian rất đỗi vui mừng và đều tín thọ phụng hành.


SỐ 253
BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA TÂM KINH
Dịch Phạn ra Hán: Tam tạng Bát-nhã cùng Lợi Ngôn, người nước Kế Tân
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành Vương xá, cùng với chúng đại Tỳ-kheo và chúng Bồ-tát.

Khi ấy, Thế Tôn nhập Tam-muội tên Quảng đại thậm thâm. Bấy giờ, trong chúng có Đại Bồ-tát tên Quán Tự Tại, khi hành Bátnhã ba-la-mật thâm sâu, chiếu thấy năm uẩn đều không, xa lìa các khổ ách.

Ngay khi ấy, nương nhờ oai lực của Phật, Xá-lợi Tử chắp tay cung kính thưa Đại Bồ-tát Quán Tự Tại:

–Thưa Đại sĩ! Nếu có ai muốn học Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu này thì tu hành như thế nào?

Nghe hỏi như vậy, Đại Bồ-tát Quán Tự Tại nói với Cụ thọ Xálợi-phất:

–Này Xá-lợi Tử! Nếu thiện nam, thiện nữ nào khi hành hạnh Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu thì nên quán tánh năm uẩn là không.

Này Xá-lợi Tử, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

Này Xá-lợi Tử! Tướng không của các pháp không sinh không diệt, không cấu không tịnh, không tăng không giảm.

Cho nên trong không không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức; không có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới; không có vô minh, cũng không có sự diệt tận của vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có sự diệt tận của già chết; không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có trí, cũng không có đắc. Vì không có chỗ đắc. Nên Bồ-tát nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, tâm không chướng ngại. Vì không chướng ngại nên không sợ sệt, xa lìa mộng tưởng điên đảo, chứng Niết-bàn cứu cánh.

Chư Phật ba đời đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa mà chứng đắc Bồ-đề Vô thượng. Cho nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa là chú rất linh, là chú rất sáng, là thần chú Vô thượng, là thần chú không gì bằng, có năng lực diệt trừ tất cả khổ, chân thật không hư, cho nên nói chú Bát-nhã ba-la-mật-đa, Bồ-tát liền nói chú:

“Yết-đế, yết-đế, ba la yết-đế, ba la tăng yết-đế, Bồ-đề ta bà ha.”

–Như vậy, này Xá-lợi-phất! Đối với việc hành Bát-nhã ba-lamật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát nên hành như vậy.

Khi nói như thế xong, Đức Thế Tôn liền ra khỏi Tam-ma-địa Quảng đại thậm thâm và khen ngợi Đại Bồ-tát Quán Tự Tại:

–Lành thay, lành thay! Này thiện nam, đúng vậy, đúng vậy! Đúng như điều ông đã nói. Hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nên hành như vậy. Khi hành như vậy, tất cả Đức Như Lai đều tùy hỷ.

Sau khi Đức Thế Tôn nói như vậy, Cụ thọ Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên, Đại Bồ-tát Quán Tự Tại cũng rất vui mừng. Khi ấy, Trời, Người, A-tu-la, Càn-thát-bà…, trong chúng hội nghe Phật dạy đều rất hoan hỷ, tin thọ phụng hành.


SỐ 254
BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA TÂM KINH
Dịch Phạn ra Hán: Tam tạng Sa-môn Trí Tuệ Luân
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ Đức Thế Tôn ở trong núi Thứu phong, thuộc thành Vương xá, cùng với chúng đại Tỳ-kheo, chúng Đại Bồ-tát.

Bấy giờ, Thế Tôn nhập vào Tam-ma-địa tên là Quảng đại thậm thâm chiếu kiến. Khi đó, trong chúng có Đại Bồ-tát tên là Quán Tự Tại, khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, chiếu thấy tự tánh năm uẩn đều không.

Khi ấy nương oai thần của Phật, Cụ thọ Xá-lợi Tử chắp tay cung kính thưa với Đại Bồ-tát Quán Thế Âm:

–Thưa Thánh giả! Nếu có người nào muốn học hạnh Bát-nhã ba-la-mật sâu xa thì phải tu hành như thế nào?

Nghe hỏi như vậy, Đại Bồ-tát Quán Thế Âm Tự Tại nói với Cụ thọ Xá-lợi Tử:

–Này Xá-lợi Tử! Nếu có thiện nam, thiện nữ khi hành hạnh Bát-nhã ba-la-mật sâu xa thì nên chiếu thấy tự tánh của năm uẩn là không, lìa các khổ ách.

Này Xá-lợi Tử! Tánh của sắc là không, tánh của không là sắc. Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc là không, không là sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.

Này Xá-lợi Tử! Tánh tướng các pháp ấy là không, không sinh không diệt, không dơ không sạch, không giảm, không tăng.

Cho nên trong không không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức; không có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới, cho đến không có ý thức giới; không có vô minh, cũng không có sự tận diệt của vô minh, cho đến không có sự tận diệt của già chết; không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có trí chứng, không có đắc. Vì không đắc nên Bồ-tát nương trụ Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm không chướng ngại. Vì tâm không chướng ngại nên không có sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, cứu cánh tịch nhiên.

Chư Phật ba đời đều nương Bát-nhã ba-la-mật-đa mà đắc Bồ-đề Vô thượng, hiện chứng Chánh giác. Nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa là chân ngôn lớn, là chân ngôn rất sáng, là chân ngôn Vô thượng, là Vô chân ngôn, không gì bằng, có khả năng tiêu trừ tất cả khổ, chân thật không hư.

Cho nên nói chân ngôn Bát-nhã ba-la-mật-đa, Bồ-tát liền nói chân ngôn:

“Án, nga-đế, nga-đế, phan ra nga-đế, phan ra nga-đế, phan ra tán nga-đế, mạo địa sa pha ha.”

Này Xá-lợi Tử! Đối với hạnh Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, các Đại Bồ-tát nên học như vậy.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn an tường ra khỏi Tam-ma-địa và khen ngợi Đại Bồ-tát Quán Tự Tại:

–Lành thay, lành thay! Này thiện nam, đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời ông nói, hạnh Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu nên hành như vậy. Khi hành như vậy, tất cả Đức Như Lai đều tùy hỷ.

Sau khi Thế Tôn nói như vậy, Cụ thọ Xá-lợi Tử, Bồ-tát Quán Thế Âm Tự Tại, tất cả Trời, Người, A-tu-la, Càn-đà-phược… ở trong chúng hội nghe Phật nói như vậy rất là vui mừng và tin thọ phụng hành.


SỐ 255
BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA TÂM KINH
Dịch Phạn ra Hán: Đại đức Tam tạng Pháp sư Sa-môn Pháp Thành
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ Đức Thế Tôn ở trong núi Thứu phong, thuộc thành Vương xá, cùng với chúng đại Tỳ-kheo và các Đại Bồ-tát.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhập pháp môn Tam-ma-địa Thậm thâm minh liễu. Ngay lúc đó, Đại Bồ-tát Quán Tự Tại khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, quán sát chiếu thấy thể tánh của năm uẩn đều là không.

Khi ấy, Cụ thọ Xá-lợi Tử nương oai lực của Phật, thưa với Đại Bồ-tát Quán Tự Tại:

–Thưa Thánh giả! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào muốn tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thì phải tu học như thế nào?

Xá-lợi-phất hỏi xong, Đại Bồ-tát Quán Tự Tại trả lời:

–Nếu có thiện nam, thiện nữ nào muốn tu hành Bát-nhã ba-lamật-đa thâm sâu thì vị ấy nên quán sát như vầy: Thể tánh của năm uẩn đều không. Sắc tức là không, không tức là sắc. Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều là không. Cho nên, này Xá-lợi Tử! Tánh không của pháp là không tướng, không sinh không diệt, không cấu, không lìa cấu, không giảm không tăng.

Này Xá-lợi Tử! Trong không tánh không có sắc, không có thọ, không có tưởng, không có hành, cũng không có thức; không có nhãn, không có nhĩ, không có tỷ, không có thiệt, không có thân, không có ý; không có sắc, không có thanh, không có hương, không có vị, không có xúc, không có pháp; không có nhãn giới, cho đến không có ý thức giới; không có vô minh, không có sự tận diệt của vô minh; không có già chết, cũng không có sự tận diệt của già chết; không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo; không có trí, không có đắc, cũng không không đắc. Cho nên, này Xá-lợi Tử! Vì không sở đắc nên các Bồ-tát nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm không chướng ngại, không sợ sệt, vượt qua các điên đảo, đạt Niết-bàn cứu cánh.

Tất cả chư Phật trong ba đời đều nương vào Bát-nhã ba-la-mậtđa, mà được chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

Này Xá-lợi Tử! Cho nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa là chú rất bí mật, là chú rất sáng, là chú Vô thượng, là chú không gì bằng, là chú có thể diệt trừ tất cả khổ nạn, chân thật không điên đảo. Nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa là chú bí mật. Bồ-tát liền nói chú Bát-nhã ba-la-mật-đa:

“Nga-đế, nga-đế, ba la nga-đế, ba la tăng nga-đế, bồ-đề sa ha.”

Này Xá-lợi Tử! Đại Bồ-tát nên tu học Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu như vậy.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ra khỏi định, nói với Thánh giả Đại Bồtát Quán Tự Tại:

–Lành thay, lành thay! Này thiện nam, đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời ông đã nói, nếu ai tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy thì tất cả Đức Như Lai đều tùy hỷ.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói như vậy xong, Cụ thọ Xá-lợi Tử, Thánh giả Đại Bồ-tát Quán Tự Tại, tất cả Trời, Người, A-tu-la, Cànthát-bà… trong thế gian nghe Phật nói đều rất hoan hỷ, tín thọ phụng hành./.