TRUYỆN NÓI VỀ VIỆC MỞ RỘNG VÀ KHEN NGỢI KINH PHÁP HOA

Sa-môn Lam Cốc Tuệ Tường soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 1

ĐỒ TƯỢNG

Trong bản châu bảo tháp ở Chùa Kỳ-hoàn thuộc tây vực nói kinh tượng này.

– Ở Tây vực trước kia từng nói pháp và tượng vàng
– Núi Linh Thứu ở Tây vực nói kinh và tượng này- Thích Huệ Hào đời Tống vẽ núi Linh Thứu

* Thái Tổ Hậu Ngụy vẽ họa đồ núi Kỳ-xà-quật.

+ Phu nhân Tấn Ân xây đài Pháp Hoa.

– Tạ Tiệp Dư đời Tống xây chùa Pháp Hoa.
– Thái thường Khanh Trịnh Quỳnh đời Hậu Ngụy xây giảng đường Pháp Hoa.
– Thích Tuệ Lực đời Tấn xây tháp Đa Bảo.
– Lưu Phật Ai đời Tống xây chùa Đa Bảo, tháp Đa Bảo
– Xá nhân Từ Nghiêm đời Tề xây tháp đá Đa Bảo.
– Thích Pháp Thành chùa Chân ngộ đời Đường tạo tháp Đa bào, Pháp Hoa và đài Pháp Hoa.
– Quốc tử Tế tửu Tiêu Cảnh đời Đường xây tháp Đa Bảo.
– Thái hậu Lộ Chiêu đời Tống đúc tượng Phổ Hiền.
– Thích Đạo Uông đời Tống lập đàn Phổ Hiền.
– Thích Tăng Bao đời Tống lập trai đàn Phồ Hiền.

– Khảo xét bản đồ Kỳ hoàn có ghi rằng: Tầng trên của lầu đông trước điện Phật, có pho tượng bằng bạc, giữa tượng có lầu quán bảy báu, trong lầu quán có ao báu, hoa báu. Trên hoa có tượng bạch ngọc. Trong đóa sen trong ao có tháp bạc, ở giữa tháp có tháp châu báu, trong tháp có hai tượng Thích-ca và Đa Bảo, thuyết hội thứ bảy của kinh Pháp Hoa.

Lại nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa, sự đồng với Hoa Nghiêm, được nói trong hội Bát-nhã-đa nhưng bổn đã dịch thời nay tương đương với hội thứ ba.

Lại nói: Năm tầng bốn đài của hai lớp điện.

Tầng trên có châu phệ-ma-ni, hạt châu này ở thời quá khứ chư Phật có nói Pháp Hoa trong đó, ba biến Tịnh độ hiện đủ trong kinh.

– Xét thư truyện Tây Vực.

Ở nước Ma-kiệt-đà Trung Thiên-trúc phía đông sông Hằng có tòa thành cũ, chu vi hơn bảy mươi dặm, từ lâu đã hoang phế, vẫn còn nền móng. Vào thời con người thọ vô lượng tuổi tòa thành ấy tên là Câu-tô-ma-bổ-tu-la, đời Đường dịch là cung thành Hương hoa. Đến thời tuổi thọ con người mấy nghìn, lại gọi là thành Ba-thác-ly-tử, chính là Ba-liên-phất-ba. Cách thành này về phía Tây nam hơn bốn trăm dặm, vượt qua sông Ba-ni-liên-thiền, đến thành Già-da. Hơn hai mươi dặm về phía Tây nam của thành này là đến cội Bồ-đề, tòa Kim Cương, v.v…, phía đông cội Bồ-đề qua con sông lớn vào đồng hoang Đại lâm, đi hơn một trăm dặm về phía Đông bắc của ngọn núi này thì đến núi kê Túc, từ núi kê Túc đi hơn trăm dặm về phía Đông bắc thì đến Đại sơn. Từ Đại Sơn đi về phía Đông hơn sáu mươi dặm đến cung thành Thượng mao, thành này nằm giữa nước Ma-kiệt-đà, cho nên nó là kinh đô của các bậc Tiên vương. Phần nhiều phát ra mùi hương Mao cho nên lấy đó gọi tên. Xung quanh núi Sùng là vùng ngoại ô, phía Tây giáp với đường tắt, phía bắc là cửa núi. Chu vi hơn một trăm tám mươi dặm, là rừng cây sum suê, đều có màu vàng. Ban đầu vua Tần Bà-sa-la đóng đô ở đây, dân chúng sống trong thành thường gặp hỏa tai, nên họ oán thán, không thể ở yên. Do đó vua ra lệnh trong nước nếu ai không cẩn thận thì đưa họ vào rừng lạnh, rừng lạnh chính là chỗ bỏ xác chết. Người đời thường gọi đó là nơi chẳng lành, chẳng bao lâu thì trong cung vua bị hỏa hoạn trước, vua bảo các quan: “Phải dời đô thôi”, bèn sai Thái tử đi xem xét trong nước, đích thân vua ra Mao thành về phía Tây bắc chừng bốn năm dặm, đóng quân ở đó. Bấy giờ, vua Phệ-xá-ly nghe vua Tần-bà-sa-la đi ra ở ngoài rừng lạnh, ông bèn triệu tập binh lính muốn giao chiến nhưng rốt cuộc không thành. Cận thần tâu lên, vua bèn cho xây thành ấp, vì trước vua ở nơi này, nên gọi là thành Vương xá. Quan lại dân chúng đều dời về ở đây. Có thuyết nói là do vua Xà-thế lập, đến vua Vô-ưu dời đô về Ba-phệ-xá, cúng thành Vương xá cho Bà-la-môn. Nay trong thành này không còn dân chúng, chỉ còn gần một ngàn nhà Bà-la-môn mà thôi. Phía Đông bắc của Mao thành khoảng bốn mươi lăm dặm là đến núi Kỳ-xà-quật, đời Đường dịch là Thứu Đầu, cũng dịch là Thứu Phong. Tiếp về phía Bắc nổi lên một ngọn, chim thứu ở đó, giống như một cái đài cao, bầu trời xanh trong rực rỡ, đậm nhạt rõ rệt. Như Lai ngự ở đời, suốt năm mươi năm phần nhiều ở ngọn núi này, nói rộng pháp mầu, tức là chỗ nói kinh này. Cho nên Phật nói kinh thường ở núi Linh Thứu và các trụ xứ khác. Lúc Phật ở đời, vua Tần-bà-sa-la vì muốn nghe pháp nên phát động dân chúng từ chân núi đến đỉnh núi, vượt hang leo núi, xếp đá làm thềm ba cấp, rộng hơn mười bước, dài năm sáu dặm. Giữa đường có hai ngôi tháp nhỏ, một gọi là hạ thừa, tức là vua từ đây tiến lên, một gọi là thối phàm, tức gọi tắt là người phàm, không được đi chung. Trên đỉnh núi chiều đông tây dài, chiều nam bắc hẹp, giáp ranh với sườn núi phía Tây hiện có ngôi nhà xây dựng cao rộng, phía Đông có cửa Như Lai thuở xưa nói pháp trong đó, nay làm một pho tượng nói pháp, kích cỡ bằng thân Phật, Sa-môn Huyền Trang đời Đường, họ Trần người ở Lạc Dương xuất gia từ thuở nhỏ, bẩm chất thông minh, là bậc thầy tài giỏi, thấu tột chân thuyên, cho rằng người leo lên cây thì biết rõ được chiều cao của nó, người lội qua sông thì biết sự cạn sâu của nó. Thế rồi, Sư xả thân ở Tây Vực xa thẳm, đặt chí trong diệu lý u huyền, vào niên hiệu Trinh Quán năm đầu ngài bắt đầu đi về phía Tây, cả đi lẫn về mười bảy năm, các kinh luận Sư thỉnh được ghi đủ trong biệt ký. Ở nước Trung Thiên-trúc kia Sư thỉnh được tượng vàng toàn thân Phật đang nói kinh Pháp Hoa ở núi Linh thứu, nước Ma-kiệtđà. Từ đế tượng lên đến hào quang cao ba thước. Sắc tướng tuyệt đỉnh, công phu tuyệt diệu, chiêm ngưỡng đảnh lể quả thật gấp bội. Sau đến ở đó, mô tả không hết.

Niên hiệu Cảnh Bình năm đầu đời Tống, Sa-môn Bạch Tuệ cao ở chùa Ngõa Quan xây chùa Linh Ẩn, có Sa-môn Thích Huệ Hào trí tuệ thông thái, tư chất tuyệt luân, bức tranh núi Linh thứu ở trong đó, kỳ diệu vô cùng, mới trông tưởng thật, cảnh chim muông trong rừng núi đó, hình dáng tám bộ trời rồng chưa triều đại nào có. Bắt đầu từ đây sau khi xây xong, cả nước đều đến tham quan. Đời sau, xây điện thờ đều lấy mẫu của Sư làm kiểu, phía Đông tây của chùa này dài ba mươi tám trượng, phía Nam bắc dài bốn mươi bốn trượng bốn thước.

+ Thái tổ Đạo Chánh Hoàng đế Thác Bạc Khuê đời Hậu Ngụy, niên hiệu Thiên Hưng năm đầu, xây một bức họa núi Kỳ-xà-quật và trang sức rất nhiều, chỗ nào cũng trọn vẹn.

+ Niên hiệu Nghĩa Hy năm thứ bảy đời Tấn, phu nhân Ân của Vương Kinh Châu xây chùa Đông Thanh Viên, trong chùa xây một đài Pháp Hoa.

+ Niên hiệu Nguyên Gia năm thứ mười lăm đời Tống, Tạ Tiệp Dư ở huyện Mạt lăng xây chùa Pháp Hoa.

+ Cung hầu Trịnh Quỳnh, Thái Thường khanh đời hậu ngụy cất chùa Tịnh vực, xây giảng đường Pháp Hoa.

+ Niên hiệu Hưng Minh năm thứ hai đời Tấn, Sa-môn Tuệ Lực ở chùa Ngõa quan xây một ngôi tháp Đa bảo bằng đá.

+ Niên hiệu Nguyên Gia năm thứ năm đời Tống có người ở Bành thành tên là Lưu Phật Ái xây chùa Đa bảo và một ngôi tháp Đa bảo ở Kiến Khang.

+ Niên hiệu Kiến Nguyên năm đầu đời nhà Tề, Thứ sử Hồ Hài Chi ở Dự châu xây chùa Pháp âm ở Chung sơn, xá nhân Từ Nghiễm Trợ xây một ngôi tháp Đa bảo.

+ Sa-môn Pháp Thành chùa Ngộ Chân núi ngọc ở lam điền đời Đường, xuất gia từ lúc nhỏ, lên núi ở cách tuyệt với đời, trì tụng kinh này cả vạn lần, y theo kinh xây một ngôi tháp Đa bảo, một giảng đường Pháp Hoa, một lâu đài Pháp Hoa. Trên đài để kinh, lễ sám xung quanh. Lại xây một thiền thất, nhập định trong đó, thật nhiều điều kỳ dị, có ghi đủ trong hậu truyện.

+ Quốc tử Tế tửu Tiêu Cảnh đời Đường, người ở Lan Lăng, là huyền tôn của vua Lương là con thứ năm của Lương Vương Vị, khi nhà Lương diệt vong, ông đến nhà Tùy, em gái làm Hoàng hậu của vua, Dương Đế. Ông sinh ra trong gia đình quý tộc và kính tin Phật pháp.

Vào niên hiệu Đại nghiệp, tự tụng kinh Pháp Hoa, y theo văn kinh khác một ngôi tháp Đa bảo bằng gỗ đàn hương, cao khoảng ba trượng và khắc một pho tượng Phật Đa bảo bằng gỗ, suốt mấy năm vẫn chưa xong, ảnh của Sư là Tử Thuyên ở nhà, sáng dậy chợt thấy trong cỏ ở trước viện có ngôi tháp bằng gỗ chiên đàn, phía dưới có một tượng Phật bằng đá nung, bức tượng được làm rất đặc biệt, dung nhan kiểu Phạm rất uy nghiêm, mắt Ngài trong suốt được làm bằng bạc, con ngươi lóng lánh như người sống, Tử Thuyên rất kinh ngạc liền về báo cho Cảnh hay, Cảnh thấy thế rất đỗi vui mừng, ông đem đó về thử đặt tháp Đa bảo lên, thì rất tương xứng. Vì làm như cũ tuy mầu gỗ ít sáng nhưng bóng tháp càng mầu nhiệm hơn. Ông thỉnh tượng Phật để vào tháp cũng vừa vặn như cũ. Tiêu Cảnh rất vui mừng và khen rằng đó là do lòng chí thành mà cảm ứng nên, Chiếc y đắp trên pho tượng này có hơn cả trăm viên xá-lợi. Con gái của Cảnh tên Ni tuổi còn nhỏ nghĩ rằng xá-lợi lấy chùy đập không bể nên thử lấy ba mươi hạt để trên đá lấy búa đập. Xá lợi văng tứ tung hoàn toàn không bể. Cô gái bèn nhặt lại chỉ được ba bốn viên, số còn lại không thấy đâu cả, chợt hoảng sợ về báo cho Tiêu Cảnh biết, ông đến chỗ ngôi tháp xem thì xá lợi vẫn như trước. Tiêu Cảnh từ đấy ngày nào cũng tụng một biến kinh Pháp Hoa cho đến cuối đời.

Vào niên hiệu Trinh Quán năm thứ mười hai ông bị bệnh, Tiêu hậu và con cháu đến thăm, ai ông cũng bảo đốt hương và sau đó nói lời từ biệt với họ. Chỉ giữ lại người em là Tống Công Vu và người con gái là Ny, ông bảo họ đốt nhang tụng kinh Pháp Hoa, lát sau ông bảo con gái rằng: Cha sắp đi, Bồ-tát Phổ Hiền đến đón cha ở Đông viện, con hãy qua đó rước. Cô y theo lời thì ông bảo viện này không sạch, ngài không chịu đến, ta sẽ qua đó, các ngươi ở lại mạnh khỏe, nhân đó từ biệt Vũ. Ông ngồi dậy rồi quỳ xuống chắp tay hướng thẳng về phương Tây, chốc lát ngưng thở, ông để lại di chúc là chỉ chở một chiếc xe, dùng y phục liệm, phu nhân không được tống táng, không được cúng mặn, đào huyệt để chôn quan tài. Quan quân trong triều đều khen Ngài là bậc thông ngộ, người trong cung thực hành theo lời dặn. Thuở xưa, đại sĩ Biến Cát, thần lực vô biên, hiện thân cõi voi đầu đàn chứng minh kinh Pháp Hoa. Đây có lẽ là điềm quyền ứng của Tiên Phật, hoặc là sự thùy hóa của bậc Bổ xứ, Thất địa chẳng lường, Nhị thừa không nghĩ đến được, nói về thân diệu sắc đã là bậc tỏ đạo. Tượng vẽ tinh xảo, người tin sẽ được cảm ứng. Xem hình là để thần ngộ, nhân Tích mà quán Bổn, vui mừng khi thấy tướng báu rồi dùng đó để khuyên dẫn kẻ mê.

+ Thái hậu Lộ Chiêu của Tống Sùng Hiến, gieo nhân lành từ nhiều kiếp, sánh duyên trong hoàng gia. Thuở nhỏ đã xem sự tôn quý là huyễn mộng, coi những thứ quý báu là bụi trần để tâm đến việc mở mang chánh pháp, mô tả pháp thân. Vào niên hiệu Đại Minh, năm thứ tư, bà bảo Tỳ-kheo Đàm Tiêu chùa Bạch Mã đúc một pho tượng Phổ Hiền toàn thân cỡi voi trắng, sáu chiếc ngà trắng nhỏ, bảy chi tròn trịa, tạo vẻ hùng tráng, đúc kiểu trang nghiêm, đúc sánh với luyện đồng phết bằng gang chảy. Tướng vàng tím của Bồ-tát và hình bạc trắng sáng lóa của voi đầu đàn. Chói lọi rực rỡ, dáng như bay lên mây, quả là dấu vết quý giá của việc Phật, là chân quy của tháp miếu, nguyện rộng lớn không cùng tận, tu phước không mỏi mệt. Đến niên hiệu Đại Minh năm thứ tám, lại xây một ngôi chùa Phổ Hiền, cực kỳ tráng lệ, dáng vẻ trang nghiêm.

– Thích Đạo Quýnh là người ở Hiếu Đào thuộc phù phong, Sư vốn họ Mã, học nghiệp thuần túy, nổi tiếng lúc còn nhỏ, ban đầu xuất gia làm đệ tử ngài Đạo Ý. Sư thích tụng Pháp Hoa, chỉ dốc lòng vào việc này. Vào tháng chín niên hiệu Nguyên Gia năm thứ hai, vì người lập trai đàn Phổ Hiền ở Lạc Dương, thế rồi sắp xếp dọn dẹp trong ngoài thanh tịnh, tượng trang nghiêm tốt lành, chí thành chí kính, đạo tục hơn bốn mươi người suốt trong bảy ngày, lúc đang thọ trai chợt có một người mặc áo kép quần cụt cỡi ngựa vào trước trai đường, xuống ngựa lễ Phật. Ngài nói: Thường nhân không được vào lễ, người này lên ngựa tuốt roi biến mất, rồi lại thấy ánh sáng đỏ lóe trên hư không phút chốc bỗng tắt mất. Tháng 12, năm Nguyên Gia thứ 3, trong đêm sắp hoàn mãn ở trong một ngôi nhà của Cư sĩ, ngài lại lập một trai đàn Phổ Hiền, đêm sắp xong có hai vị Sa-môn ăn mặc như người đời đi thẳng vào lễ Phật. Chúng tăng cho là dung tăng (tăng tầm thường) không chịu tiếp đón, hỏi qua loa về quê quán. Vị ấy đáp: ở trước thôn này, lúc ấy trong sớ những người tại gia như Trương Đạo biết rõ nên rất kính phục, dốc lòng lễ bái, vị Sa-môn ra khỏi cửa đi chừng mấy mươi bước thì chợt bay thẳng lên hư không, tìm hiểu vị tăng này chẳng biết lai lịch.

Sau đó, Sư cùng với bốn người bạn học đi về phương Nam, đến Lạc dương, xem xét phong tục trong đêm lên thuyền qua sông, giữa sông thuyền vỡ, ba người chìm xuống sông chết. Sư trở về chí thành niệm Quán Âm, chợt tỉnh thấy dưới chân có một vật tự trồi lên rồi thấy ánh sáng đỏ hiện phía trước, Sư theo ánh áng ấy bơi lên bờ. Sư đến Nghiệp đô, ở chùa Nam Nhàn, thường lấy bát-chu tam muội làm sự nghiệp, một lần Sư ngồi thiền nửa đệm, bỗng thấy bốn người đi xe đến phòng bảo Sư lên thuyền. Trong bất giác ngài thấy mình ở giữa Thẩm Kiều thuộc thuộc Quận Lăng. Thấy một người ngồi trên chiếc giường, ở giữa đường có mấy trăm thị giả, thấy Sư đến họ ngạc nhiên đứng dậy nói: “người ngồi thiền”, nhân đó nói với người xung quanh rằng: Chỉ muốn biết chỗ ở mà thôi, đâu dám phiền đến Pháp sư, thế rồi họ lễ bái và từ biệt. Hai người tiễn Sư về chùa, gõ cửa giây lát mới mở khi vào chùa thấy cửa phòng vẫn đóng, mọi người không ai đoán được việc gì. Vào niên hiệu Nguyên Gia năm thứ hai mươi đời Tống, Sư cùng Lâm Xuyên Khang, Vương Nghĩa Khánh đến Quảng Lăng rồi qua đời ở đó.

– Thích Tăng Bào người ở Kinh Triệu, thuở nhỏ ở Quan Trung học với ngài La-thập. Vào giữa niên hiệu Vĩnh Sơ đời Tống, Sư đến phương Bắc, rồi lần đến tịnh xá Hoành sơn. Ở đó, Sư lập trai đàn Phổ Hiền ba mươi mốt ngày, sám hối đến ngày mười bảy thì thấy một con hạc trắng bay đến đậu trước tòa Phổ Hiền, vào đó hành hương xong mới đi, đến ngày hai mươi mốt lại thấy bốn người mặc áo vàng nhiễu tháp mấy vòng rồi biến mất.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10