TRUYỆN NÓI VỀ VIỆC MỞ RỘNG VÀ KHEN NGỢI KINH PHÁP HOA

Sa-môn Lam Cốc Tuệ Tường soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 5

DI THÂN

– Thích Tuệ Thiệu chùa Chiêu đề đời Tống.
– Thích Tăng Du ở Lô Sơn đời Tống.
– Thích Tuệ Ích chùa Trúc lâm đời Tống.
– Thích Tăng Minh chùa Thạch môn đời Lương.
– Thích Đạo Độ ở núi Nhã-da đời Lương.
– Thích Tăng Ngạn chùa Đại thừa ở Ích châu đời Chu.
– Thích Pháp Sung chùa Hóa thành ở Lô sơn đời Tùy.
– Gia nhân của Thứ sử Tương Vương ở Ky Châu đời Đường.
– Tỷ muội Tỳ-kheo-ni ở Linh châu đời Đường.
– Thích Hội Thông, Báo Lâm cốc ở Ung châu đời Đường.
– Thích Đàm Du núi Nguyệt lãnh ở Tương châu đời Đường (Luận sư Hộ chùa Tây Minh).

* Thích Tuệ Thiệu:

Không rõ họ Sư. Lúc còn nhỏ mẹ cho ăn cá thịt Sư nôn ói hết, chỉ ăn rau xanh. Năm lên tám tuổi Sư xuất gia làm đệ tử ngài Tăng Yếu, tinh tấn không mệt mỏi, khổ hạnh miên mặt. Sau đó, theo thầy đến chùa Chiêu-đề ở Lâm xuyên. Ở đó Sư có mật ý muốn thiêu thân, thường thuê người đốn củi, chất ở động đá Đông sơn cao mấy trượng, đặt một cái khám ở giữa vừa đủ để ngồi, rồi Sư trở về chùa từ giã thầy, thầy Sư hết lời khuyên can nhưng không được. Vào niên hiệu Nguyên Gia năm thứ hai mươi tám, Sư lập đại hội Bát quan trai ở Đông sơn, đồng thời để cáo biệt người thân. Hôm ấy, dân chúng cả vùng tranh nhau nhóm họp về, xe cộ vô số, đồng thời đem vô số châu báu đến cúng dường. Đến đêm hành đạo đầu tiên, Tuệ Thiệu tự hành hương, khi hành hương xong, Sư cầm đuốc đốt củi vào giữa đống củi ngồi tụng phẩm Dược Vương Bổn Sự, mọi người không ai thấy, Sư đạt ngộ rồi thị tịch. Mọi người lễ bái chưa xong, cùng kéo đến thấy đống củi bốc cháy mà tiếng tụng kinh vẫn chưa dứt, lửa cháy lên tới trán, Sư xướng câu nhất tâm, nói xong thì im lặng, đại chúng thấy một ngôi sao lớn như mặt trăng hạ thẳng xuống đám khói, lát sau bay lên trời. Khi ấy, người thấy đều cho rằng các vị trời trên cõi trời đến rước Sư. Ba ngày sau, đống củi mới tàn, lúc sắp qua đời Sư bảo bạn đồng học rằng: Chỗ ta thiêu thân sẽ mọc cây ngô đồng, đừng nên đốn nó. Sau đó ba ngày sẽ ra quả, bấy giờ là năm hai mươi tám ngài Tăng Yếu là thầy của Tuệ Thiệu, cùng là bậc tăng thánh, có nhiều đức độ. Năm một trăm sáu mươi tuổi ngài mất ở chùa.

* Thích Tăng Du:

Sư họ Chu, người ở Dư hàng thuộc Ngô Hưng. Năm hai mươi tuổi xuất gia, bản tánh thuần hậu, niên hiệu Nguyên Gia năm thứ mười lăm Sư cùng các bạn đồng học như Đàm Uẩn, Tuệ Quang, v.v… ở Nam lãnh Lô Sơn cùng nhau xây tinh xá tên là Chiêu Ẩn. Ngài Tăng Du thường cho rằng vì thâm tâm kết lụy ở ba đường, tình rồi cũng sẽ dứt, thân cũng sẽ hoại, mà dấu vết của Dược Vương đâu có gì gọi là xa.

Sau đó Sư thường phát thệ muốn thiêu thân. Vào ngày 03 tháng 06 niên hiệu Hiếu Kiến năm thứ hai đời Tống, Sư chất củi thành đống, đồng thời thỉnh chúng tăng thiết trai để cáo biệt. Ngày đó, mây mù phủ kín, dường như sắp mưa. Tăng Du phát thệ rằng: Nếu chí nguyện của tôi rõ ràng thì mong trời trong sáng, nếu không cảm thì sẽ mưa xuống, khiến cho bốn chúng ở đây biết rõ được là có sự thần ứng. Nói xong, trời mây quang đãng. Đến gần sáng đêm đầu Sư vào trong khóm củi chắp tay ngồi thẳng, tụng phẩm Dược Vương, lửa cháy bốc đến thân, Sư vẫn chắp tay trang nghiêm. Đạo tục biết vậy vội vã chạy lên núi, đồng thời cúi đầu làm lễ, nguyện kết nhân duyên. Lát sau thấy khí đỏ vụt lên hư không, hồi lâu mới hết. Bấy giờ, Sư bốn mươi bốn tuổi, mười bốn ngày sau trong phòng Sư mọc hai cây ngô đồng, thân nhánh sum suê, kích thước như nhau, cao thẳng chót vót, nó trở thành cái cây kỳ lạ. Kẻ thức giả cho rằng đó là cây báu bà-la, tiêu biểu cho tướng Niết-bàn của ngài Tăng Du, cho nên y cứ bằng chứng này mà gọi ngài là song đồng Samôn. Trương Biện ở quận Ngô là Trưởng sử Bình nam chính mắt trông 6 thấy việc này, nên dùng lời ca tụng:

“Huyền cơ thăm thẳm
Chí đạo mênh mông
Ra sống vào chết
Ai là báu mầu
Từ xưa Dược Vương
Giáo hóa tuyệt luân
Xưa nghe thuyết ấy
Nay thấy người này
Sa-môn tài giỏi
Tuệ định tâm vững
Thần ngưng khí rạng
Hiện tích song thọ
Đức ngài đáng ưa
Nên soạn văn này
Để chan rải khắp”

* Thích Tuệ Ích:

Ngài là người Quảng lăng, xuất gia từ lúc nhỏ, theo thầy đến ở Thọ xuân. Vào giữa niên hiệu Hiếu Kiến đời Tống Sư đến Kinh đô, trụ chùa Trúc Lâm, siêng năng khổ hạnh, thệ muốn thiêu thân. Mọi người hay tin này, có kẻ chê bai, có người khen ngợi. Đến niên hiệu Đại Minh năm thứ tư Sư bắt đầu nhịn cơm, chỉ ăn một hạt và đến năm thứ sáu lại nghỉ ăn mè mà chỉ ăn dầu bơ, có khi lại bỏ dầu bơ chỉ uống hương hoàn. Tuy bốn đại yếu ớt nhưng tinh thần rất rắn rỏi. Hiếu Vũ càng tỏ lòng cung kính mến mộ, đến thăm hỏi hết lòng, sai đại tể Giang Hạ là Vương Nghĩa Cung đến chùa khuyên can Sư Tuệ Ích nhưng chí nguyện không dời. Đến ngày mồng 0 tháng 0 niên hiệu Đại Minh năm thứ bảy, lúc sắp thiêu thân Sư bèn đặt một vạc dầu ở phía Nam núi Chung. Sáng hôm đó Sư lên xe ngựa nhờ người dắt đến. Từ chùa đến núi. Vì Đế Vương là chỗ nương tựa của muôn dân, là chỗ cậy nhờ của Tam bảo, mà tự thân vào đài, đến cổng Vân long không thể bước xuống, bảo người vào thưa: Đạo nhân Tuệ Ích sắp sẽ thiêu thân nay đến cổng cáo từ, rất mong Phật pháp hưng long. Vua nghe vậy biến sắc, liền bước ra cổng Vân long. Sư thấy vua bèn giao phó Phật pháp rồi mới từ giã ra đi, vua cũng theo đến, Vương tôn, phi hậu đạo tục, thứ dân bao quanh hang núi, họ vứt áo bỏ của quý nhiều không kể hết. Ngài vào trong đỉnh ngồi trên chiếc giường nhỏ, dùng kiếp bối tự buộc, ở trên thêm một cái mũ dài rót dầu vào đó, rồi bắt đầu châm lửa. Vua bảo Đại Tể đến chỗ vạc thỉnh dụ rằng: Đạo hạnh nhiều cửa phương tiện, đâu cần phải dùng cách hủy thân mạng, mong Sư suy nghĩ kỹ về con đường khác. Nhưng ý Sư quá vững, không hề hối tiếc, bèn đáp rằng: Thân mạng bèo bọt này có gì đáng giữ lại, tâm trời ý thánh chẳng phải là mình, mong vua độ cho hai mươi người xuất gia, vua hạ chỉ bằng lòng. Sư tự tay cầm đuốc để đốt nón, nón cháy mới quăng đuốc, Sư chắp tay tụng phẩm Dược Vương, lửa cháy đến mí mắt tiếng tụng kinh vẫn còn rõ ràng, cháy đến mắt thì mới lặng dần. Sang hèn đều than khóc, tiếng vang khắp hang sâu, ai cũng nhất tâm niệm Phật, đau xót gạt lệ. Lửa cháy đến sáng hôm sau mới tắt. Lúc ấy vua nghe tiếng kèn sáo vang lên giữa hư không, mùi thơm bông sơ ngào ngạt. Đêm đó, mộng thấy ngài Tuệ Ích chống trượng đến thăm, rồi phó chúc Phật pháp cho vua. Hôm sau, vua lập hội để độ người, bảo trai chủ xướng bạch trình bày rõ sự việc, chỗ ngài đốt thân vua cho xây nhà Dược Vương để ghi nhớ việc xưa.

* Thích Tăng Minh:

Không rõ họ tên Sư, giới phẩm trong sạch, tu hạnh đầu-đà, ở núi Sơn môn, huyện Chiêu Nghĩa thuộc Hào châu. Sau đó Sư lên đỉnh núi xếp đá xây cung trời Di-lặc và tượng Di-lặc, thường tụng kinh Pháp Hoa, ngầm cầu diệu chỉ. Mỗi lần tụng trì thường nghe giữa hư không có tiếng búng ngón tay và xưng tiếng lành thay, đến giữa niên hiệu Thiên Giám, Sư bèn tấu trình lên vua Lương Vũ để thiêu thân, vua do dự nhiều lần mới chuẩn tấu lời thỉnh cầu kia. Sư bèn ở trên tảng đá vuông trước cung Di-lặc, theo chí nguyện trước thiêu toàn thân. Khi thiêu xong thì tảng đá vuông bốn, năm thước bỗng nhiên lún thành ao, trong hai đêm liền, hoa nở trong ao, tươi đẹp rực rỡ. Ai uống nước ao này thì các bệnh đều hết. Người sau lấy tro đã đốt tạo thành pho tượng Sư. Lại khắc một tượng gỗ nhỏ thiêu lại tượng tro, lấy tro trét lên tượng gỗ, người nào dính chất dơ bẩn thì tượng liền dời đi. Chỗ Sư hành đạo đều nở hoa tươi, lớn như lê táo, hơn trăm ngàn đóa. Hiện rõ trên tháp để tiêu biểu cho việc đó.

Lại có một tín sĩ ở huyện Bình lục Giao châu, lạc mất tên họ, nhờ tụng Pháp Hoa và kính ngưỡng tích Dược Vương, sau khi thiêu thân thì đất ấy có nổi lên con rồng hình dạng giống như người. Người cha đến đó đào lên thì thấy một pho tượng toàn thân màu vàng, kích thước bằng thân người, dường như muốn phát ra ánh sáng rồi chợt biến mất.

* Thích Đạo Độ:

Sư là người Bình Dương, họ Lưu, kinh hành nhập định trong núi Sùng Cao. Vào niên hiệu Thiên Giám năm đầu Sư mới đến đất Lương, ở chùa Định Lâm, Chung sơn tu thiền. Các pháp quán tưởng của Sư đều muốn đem lại lợi ích cứu khổ ban vui, luôn thực hành từ bi, thành Khang Vương ở nước Lương, Trung Liệt Vương ở Bà dương đều bái phục Thiền sư, thọ trì giới cấm. Niên hiệu Thiên Giám năm thứ mười bảy, Thiền sư tự soạn một trăm bộ Pháp Hoa, sớm tối tụng phẩm Dược Vương. Sau đó Sư ở Giác điện chùa Hoa lâm, khởi tấu lên vua Lương Vũ Đế rằng: Thân là cây độc, thật đáng đốt bỏ, tôi nhàm chán hình hài này đã từ lâu rồi, nguyện cùng Bồ-tát Hỉ Kiến cúng dường chư Phật, sắc chỉ đáp rằng: Nhất định muốn làm lợi ích chúng sinh thì phải tùy duyên tu đạo, nếu thân mạng gặp vô thường thì bỏ vào rừng thi-đà thí cho chim chóc muông thú, nhờ đó đàn độ viên mãn, cũng là nghiệp thiện, thi thể tám muôn vi trùng còn không cho thiêu đốt, chẳng phải việc nên làm.

Lại vâng chỉ đáp rằng: Tâm này của Đạo Độ không thể tự định đoạt, đã mong sắc chỉ thì đành phải vâng hành. Vào ngày mùng 03 tháng 0 niên hiệu Phổ Thông năm thứ bảy Sư đến Đông châu, đến chùa Hà lệnh núi Nhã-da lập một thiền thất, thường nói một mình rằng: Việc nên làm nhất định sẽ rốt ráo, cũng đâu cần lo nghĩ gì nữa. Thế là Sư bèn chất củi dần dần, rồi bắt đầu bớt ăn. Vào ngày 03 tháng 11 năm đó, chuông tự reo giữa hư không, chúng tăng ngạc nhiên lo sợ, không lường được sự tướng thế nào, vào ngày 0 tháng ấy chuông lại tự kêu. Ngày 23 Sư bèn thỉnh một trăm vị tăng đến núi hành đạo, khắp nơi quy về đông, có hơn ba trăm người, ngày đó họ cũng xin thọ giới hơn một trăm bảy mươi người. Sư tự nói: Đạo Độ là kẻ phàm phu, vô minh sâu nặng, chỉ có tịnh giới của Bồ-tát kính cẩn ban cho đại chúng để kết duyên lành. Từ đó trở đi Sư bắt đầu nhịn ăn, chỉ dùng bình tắm để múc nước, trong ngày uống một thăng đến sáng ngày 23 cả chùa đều đến thăm Sư, bình phát ra ánh sáng năm màu rực rỡ, tạp khí mịt mờ, đến sáng ngày 29 có mấy vị tăng gồm chủ chùa, v.v… cùng lên thiền thất, từ xa nhìn thấy khám ánh sáng đỏ chiếu ra ngoài. Xế chiều hôm đó chợt có bầy chim năm, sáu trăm con cùng đậu trên một cây, chốc lát mới bay đi, đầu canh hai đêm ấy cả chùa tỏa ra ánh sáng nhiều màu, chói lọi phòng ốc, đến giữa canh năm nghe tiếng lửa kêu răng rắc trên đỉnh núi, họ ngạc nhiên đến xem, thấy Thiền sư chắp tay ngồi trong lửa, thọ sáu mươi sáu tuổi. Thứ sử Vũ Lăng Vương bèn sai người dọn quét sạch sẽ khu đất ấy để xây tháp. Sau đó, nghe trên đỉnh núi có tiếng khánh đá, tiếng thật trong suốt, đúng ngay chỗ trước đây Sư thiêu thân có cây thị lớn chết khô hơn mười năm, khi Thiền sư vào núi thường ngồi dưới gốc cây này, mùa xuân năm sau bỗng nhiên đâm chồi nẩy lộc, khi mới về phương Đông bảo đệ tử Đạo Ẩn rằng: Ta ngàn năm may mắn gặp được Pháp vương, nay làm thân viễn du, chẳng biết ngày nào mới gặp được. Có thọ trì bát sắt thì nên dâng riêng. Đệ tử Đạo Ẩn nghe vậy liền dâng bát sắt. Vua có sắc dụ rằng: Tâm lực của Thiền sư rất quyết đoán, sẽ làm được việc khó làm, còn hy vọng mở mang rộng khắp, lợi ích bốn loài, mà bỗng thác sinh qua đời khác, thật đáng tiếc. Ngài dõi theo dấu vết Hỉ Kiến, cần phải mắt thấy rõ ràng, từ đấy mà suy thì thật đáng vui mừng.

* Thích Tăng Ngạn:

Sư là người Bổn Nhượng, tuy ở Di tục nhưng tâm mến mộ Hoa phong, oai dung đoan nghiêm, cử chỉ nhàn nhã lại thêm thành tựu tánh giới, không làm những việc tàn nhẫn. Dân tộc Nhượng phần nhiều sống ở miền núi, họ thích đi săn bắn, suốt ngày lưới cá bắt thú. Nhưng riêng Tăng Ngạn thì khoanh tay không làm, cha và anh trai thường tức giận và mắng là kẻ nhút nhát, Sư bèn gắng gượng vác dao gậy đi nhưng mỗi lần thấy bầy dê giương cung bắn thì mũi tên phớt qua gần lông, con thú bị chết mà không chút thương tích. Cha và anh tuy thấy nhưng cũng không chút cảm ngộ, Sư biết rằng mình không thể cảm hóa được họ, cho nên từ giã ra đi. Sư đến Ích châu nương Hòa thượng Sung làm thầy, sau khi xuất gia dốc chí siêng năng, thân không mặc y dài, bát không để thức ăn dư. Thường tụng kinh Pháp Hoa đến phẩm Dược Vương Bồ-tát, thấy ngài thiêu thân cúng dường Phật, đốt ngón tay để truyền bá kinh điển, suy nghĩ lời này rồi khởi phát thệ nguyện bèn đốt một ngón tay tạo kinh Pháp Hoa, khi Sư sắp đốt người xem thấy vậy ai cũng nghẹn ngào. Sau đó, xây cất điện tháp nối tiếp hành lang tăng phòng, hẹn ngày thiêu thân sẽ mở mang phước này. Lúc ấy, Chu Triệu Vương vén màn ở Ích quận, an ủi, dạy bảo môn chúng dứt bỏ việc loạn phiền, lại thêm kính mến Tam bảo, ủng hộ bốn y. Ngài Tăng Ngạn bẩm tấu việc này vớivua, vua bèn chuẩn tấu, hẹn ngày cáo tấu, xa gần đều biết, củi đốt chất thành đống, dầu thơm rưới khắp, ngày đó vua đích thân dẫn quan liêu đến tham lễ, Trí Ngạn tay cầm lò hương, chân bước vào đống củi, ngồi ngay thẳng trên đó, bảo bốn chúng rằng tâm mình thường nghĩ đến việc lợi ích chúng sinh, ý chẳng tham cầu, nay bỏ thân nhơ uế này để kiến lập Tịnh độ, nếu lời này không luống, thì sẽ thể hiện bằng “nhục tâm”, thệ xong thì thấy lửa phát ra. Ngồi thẳng tụng kinh, tiếng tụng rõ ràng, lửa cháy đến mặt tiếng ấy mới dứt. Bấy giờ, trời tuôn mưa hoa rưới khắp thành ấy. Xa gần đều than khóc, già trẻ buồn thương, sẩn thí trấn ủy, vàng ngọc như núi đều đem vào chùa đủ sửa sang điện đường, khi thân đốt hết thì trái tim vẫn còn. Đây há chẳng phải Bồ-tát chứng vị bất thối, cho nên lời thệ không hề sai lầm hay sao? Vua thấy quả tim, phủ phục than khóc Bồ-tát bậc thánh vĩnh biệt từ đây, thảng thốt đau xót, mãi mất đi chỗ nương tựa. Bấy giờ, mọi người đều gọi là Bồ-tát Tăng Ngạn. Vua bưng trái tim về cho xây một ngôi tháp sớm chiều lễ bái, cúng dường luôn luôn.

* Thích Pháp Sung:

Sư họ Tất, người Cửu giang, thường tụng Pháp Hoa thông suốt khắp những chỗ khó nhớ. Đồng thời rất thích xây dựng chùa viện, có hy vọng muốn làm trụ trì. Sau đó, đến chùa Hóa Thành trên nửa đỉnh núi Lô sơn tu thiền. Vốn chẳng phải việc tăng thì không hề làm, Sư thường khuyên chúng tăng không cho người nữ vào chùa. Trên là tổn thương sự mở rộng giáo hóa của Phật, dưới bị sự dèm pha của người đời. Nhưng ở đời cơ nghiệp sâu nặng, có kẻ không nghe lời Sư thường than rằng: sinh nhằm thời không gặp Phật là tội duyên, không thực hành chánh giáo, nghĩa đã mất sớm đâu lo gì học sĩ các nơi không giữ giới ư! Sư bèn đứng trên đỉnh núi Hương lư này mà nhảy xuống, thệ tan xương nát thịt để sinh Tịnh độ, Sư ở trong hư không, đầu bỗng ngược lên, dần dần rơi xuống hang sâu, không tổn thương mảy lông, chúng tăng trong chùa chẳng hề hay biết. Sau đó, có người lên đỉnh núi nhìn xuống vực sâu hơn ngàn nhẫn, nghe có tiếng người nói, bèn tìm đến thì gặp Sư. Thân mạng vẫn còn, cho nên miệng vẫn luôn tụng kinh, rước trở về chùa, từ đó chúng tăng cảm nhận được lời răn bi thiết của Sư nên không giao tiếp với người nữ nữa. Sáu năm sau Sư mới thị tịch, lúc bấy giờ thuộc mùa nắng nóng mà thân Sư không hôi thối. Lúc đó, vào cuối niên hiệu Khai Hoàng đời Tùy.

* Thích Đại Chí:

Ngài họ Cố, người ở Sơn âm thuộc Cối kê, phát tâm xuất gia thờ ngài Trí Giả làm thầy. Sư có dáng chững chạc cao ráo nên được gọi là Đại Chí, lấy việc tu thiền làm bổn sự. Khổ hạnh tự chuyên, tiếng tăm vang khắp bốn phương, không tạo mà tự thành, giọng nói thanh thoát, tướng mạo oai nghiêm. Cho nên người thấy đều ưa thích, biết ngài là bậc phi phàm. Niên hiệu Khai Hoàng năm thứ mười Sư đến Lô nhạc ở chùa Phong đỉnh, không làm tôi tơ cho công danh, không dự vào hàng ngũ tăng đoàn mà chuyên tụng Pháp Hoa, ung dung nhàn nhã, vô cùng rõ ràng, khiến cho người nghe đều quên đi sự mệt mỏi. Sau đó, Sư ở phía nam ngọn Cam lộ núi Hoa sơn, lập đạo tràng Tĩnh quán, tu hạnh Đầu-đà. Chỉ một thân một mình mà không lánh hổ báo, nghe có thú dữ thường đến đó nhưng chúng không ăn thịt, gạo thóc trên núi đã hết Sư thường bỏ ăn cả ngày, chỉ dùng bánh hoặc hoa quả để duy trì mạng sống mà thôi, người ngoài thấy không kham nỗi sự khốn khổ này nhưng Sư vẫn an nhàn, nhan sắc không đổi. Suốt bảy năm mà sự nghiệp thiền pháp không bỏ dở. Vào lúc lớn tuổi, Sư về trụ chùa Phước lâm ở Bắc sơn, từng vứt bỏ đại nghiệp, lưu lạc ẩn dật, buồn đau cho pháp Phật suy đồi, đến thẳng ở đây, rồi thay sắc phục hủy hình, đầu đội hiếu kinh, thân mặc vải thô, ở trong Phật đường than khóc vang dậy, ba ngày ba đêm không chịu nín, tăng chúng an ủi. Sư nói ta đau buồn đời nghiệp ác này mới khóc như vậy, cho nên muốn hủy hình hài này để thắp sáng chánh giáo, bèn qua Đông đô dâng biểu: Mong bệ hạ mở mang Tam bảo, tôi sẽ đốt một cánh tay ở Sùng nhạc để báo đền ân nước. Vua bèn chuẩn tấu, ra lệnh lập một trai đàn, bảy chúng nhóm họp. Đại Chí ba ngày không ăn, rồi leo lên gác lớn đốt sắt đỏ rực để đốt cánh tay, khi nó sém đen lại dùng dao cắt đứt, thịt đứt lộ xương ra lại đốt xương khiến nó sém đen rồi gói lại đem đốt, ánh sáng sáng rực khắp hang động. Bấy giờ, mọi người thấy sự khổ hạnh của Sư đều đau đến thấu xương, không đứng yên được, còn Sư mặc dầu đốt tay đau đớn nhưng sắc từ không biến, vẫn vui tươi như trước. Lúc đó, có khi tụng pháp cú, khi khen ngợi công đức Phật, nói pháp cho đại chúng nghe, tiếng không dứt, khi đốt cháy hết cánh tay Sư lại xuống gác, nhập định bảy ngày rồi thị tịch trong tư thế kiết già, thọ bốn mươi ba tuổi. Từ lúc Sư bắt đầu xuất gia cho đến khi thị tịch, phong cách như thông trúc, đông hạ một kiểu áo, không mặc bông tơ lụa là, áo vải thô sơ, thường làm như vậy, thân hình trắng trẻo, môi đỏ như son, quần mặc phủ nửa ống quyển, chân mang dép cỏ bồ, lời nói sang sảng, điều hòa gió mây. Có người không biết cảm thấy lạ lùng đến chỗ vị này. Sư chau mày nói rằng: Ta là tiểu đạo nhân Đại Chí chùa Phước lâm ở Lô sơn thuộc Cửu giang đây. Lại có tài văn chương trau chuốt, lời lẽ sắc bén, nên soạn văn thệ nguyện hơn bảy mươi tờ. Ý muốn kết làm thiện tri thức với các chúng sinh. Tăng chúng có người ngang bướng khó kính tin mà khi thấy lời thệ này thì đều gạt lệ. Ngày nay ở phong đỉnh của Lô sơn này mỗi khi đến cuối năm thì thấy chư tăng các chùa nhóm họp lại ở chung một đêm, đọc lời sám nguyện này để làm gương cho đạo tục, điều đó khiến cho mọi người ai cũng chua xót.

* Tưởng Vương Gia:

Có một gia nhân giữ chiếc Bộ khúc, không rõ tên họ, khi ông lên tám chín tuổi đã thọ trì kinh Pháp Hoa, đêm ngày đọc tụng, quên ăn bỏ ngủ. Vương Gia bấy giờ trấn nhậm Kỵ châu, Bộ Khúc bèn tình nguyện thiêu thân, có cô con gái nên gả cho vương, vương rất yêu mến. Cô ta trình bày sự việc với vương thuận ý, Bộ Khúc bèn ở trong núi tắm gội sạch sẽ và dọn dẹp tươm tất đàn tràng rồi tự thiêu thân. Trải qua cả tháng cô gái ấy bảo người thâu nhặt tro cốt của cha, xương thịt đều rã mà chỉ còn sót lại một cái lưỡi trong tro, sắc thịt tươi hồng, giống như lúc còn sống. Con rể của vua là Vĩ Trưng thấy vậy rất ngậm ngùi và báo với vương đích thân đến xem cúng dường rất ân trọng, sau đó mấy năm mà chiếc lưỡi không hề thay đổi.

Tỳ-kheo-ni ở Kinh châu có hai chị em, mất tên húy, họ cùng tụng kinh Pháp Hoa, rất nhàm chán hình hài này nên cả hai đều muốn xả thân, tiết chế ăn mặc, càng thêm khổ hạnh. Sử dụng các thứ dầu thơm dần dần bớt ăn cơm gạo, sau đó dứt hẳn ngũ cốc, chỉ ăn hương mật, tinh tấn vượt bực, thần trí trong sáng, đi khắp nơi từ giã đạo tục hẹn ngày thiêu thân. Thế là vào đêm mồng 0 tháng 02 niên hiệu Trinh Quán năm thứ ba, cô đắp hai ụ đất, cao giữa đường lớn ở Kinh châu, bèn lấy dây thừng quấn từ thân đến đỉnh đầu, chỉ chừa hai mắt, mọi người kéo lại đông nghẹt, ca tán hết lời, hai cô đều tụng Pháp Hoa đến phẩm Dược Vương, cô chị lấy lửa châm lên đỉnh đầu cô em trước, rồi cô em lấy lửa châm lên cô chị. Hai ngọn đuốc trong đêm nhất thời vụt sáng, lửa cháy xuống đến mắt, tiếng tụng kinh vẫn còn lanh lảnh, khi xuống dần đến mũi và miệng thì mới dứt bặt.

Đến sáng hôm sau hai thi thể còn ngồi sừng sững, phúc chốc lửa tắt xương cốt tan rã, nhưng hai cái lưỡi vẫn còn, cả chúng đều khen ngợi, họ bèn xây một ngôi tháp cao.

Gần phía tây của thành Châu có một thư sinh, năm đó khoảng hai mươi tư, hai mươi lăm tuổi tụng kinh Pháp Hoa nguyện đốt thân cúng dường, bèn gom mấy bó củi đem phơi cho khô, có người hỏi lý do thì giấu không nói, nửa đêm hôm sau bèn đốt lửa tự thiêu, cho đến khi đến khi có người đến cứu, lửa cháy mạnh quá nên đã chết, họ bèn dụm thêm củi cho thân cháy hết, nhạc trời hương lạ, thơm ngát, ai cũng phát đại tín tâm.

* Thích Hội Thông:

Người ở Túc xuyên thuộc Vạn niên ngự ở Ung Châu. Thuở nhỏ ưa thích đạo kiểm, vân du nơi sông núi, tinh ròng giới hạnh và lấy đó để tu tập. Sau vào động chước Lâm ở Chung Nam, ẩn cư nơi đó để chuyên tu, tụng kinh Pháp Hoa đến phẩm Dược Vương liền muốn bỏ thân này, thế rồi Sư một mình chất củi khô thệ sẽ thực hành. Vào một đêm thanh vắng cuối niên hiệu Trinh Quán, Sư chất củi trong rừng thành cái khám, tụng đến phẩm Dược Vương thì châm lửa, gió dữ bộc phát, khói lửa ngùn ngụt, Sư vẫn ngồi bất động, tiếng tụng kinh như cũ, có người nhìn thấy hướng Tây nam có ánh sáng trắng rực rỡ, tuôn vào đống lửa, thân mới ngã xuống, đến sáng thì lửa trên thân đều tắt. Mọi người tìm nhặt di cốt rồi xây một ngôi tháp trắng để khắc ghi sử truyện này.

* Thích Đàm Du:

Sư họ Trương, người ở Hứa châu. Sau đó, du học ở Tương dương, rồi bỗng sinh ý tưởng chán nản nhàm lìa. Nhân gặp Thiền sư Vô Hành và Thiền sư Trị ở núi Nguyệt Lãnh mà xuất gia tu đạo, chuyên tụng kinh Pháp Hoa. Lúc tụng kinh Sư lập một tịnh tràng vuông mấy thước, treo hai mươi mốt tấm phướn, đốt hương rải hoa, sau đó mới tụng, lấy đó làm chuẩn. Sau ở núi Hiện muốn tụng kinh Pháp Hoa, nhiều lần cảm trong mộng thấy có người bảo tụng các bài kệ cho đến khi chuyển sang kinh thì rõ ràng phù hợp với văn kinh. Sau đó nghe ở chùa Trường sa có một thụy tượng bay lên do vua A-dục ra, tạo thật nhiều kỳ tích, nếu không xem thường thân mạng để phục vụ cho đạo thì không làm sao khế hợp với điềm này. Sư nghĩ đến cảnh Dược Vương thiêu thân cúng dường này. Vào niên hiệu Càn phong năm đầu Sư đến chỗ tượng kia, liền thành phát nguyện. Nguyện không có chướng duyên, liền nghe trước điện có tiếng búng ngón tay, lúc đó mây mù vần vũ suốt cả tuần. Người xung quanh xứ đó sợ rằng có điều gì xảy đến, Sư nói: ở đây hiện điềm lành, chắc chắn sẽ gặp kết quả tốt không nghi ngờ. Vừa đến đêm 1 tháng 02 ngày Đại thanh minh, trăng sáng ngời. Sư dùng sáp bố tự tay, đốt cả đỉnh đầu, nguyện được đốt lâu cúng dường lâu, không muốn chết sớm. Khi lửa cháy đến cổ tay sắc mặt vẫn không thay đổi, lửa cháy đến chân mày vẫn nói pháp như lúc đầu, tâm tràn đầy vui vẻ, mắt chăm chú nhìn thụy tượng, đem ánh sáng cúng dường nguyện được thấy Đức Phật Nhật Nguyệt tịnh minh Đức, mọi người hỏi có nóng không? Sư đáp: Tâm như kim cương, không hề lui sụt, thật quá sảng khoái chẳng chút đau khổ. Lát sau lửa bốc lên ngùn ngụt, cháy khắp trên dưới. Lại ở trong lửa báo hãy niệm Phật, lúc lửa mới phát tăng chúng đều sợ hãi, sợ không còn di thể, chẳng biết tướng thiêu, xin để lại một vật để nghiệm làm chứng răn dạy chúng sinh, cho đến lúc lửa khói tiêu tan chỉ còn lại xương sọ. Sáng sớm hôm sau, cả châu nhốn nháo chạy đến, quan liêu cũng đông đủ, đảnh lễ xung quanh, khen ngợi công đức ấy rồi thỉnh về, mới vào cổng chùa thì xương sọ tự vỡ vụn, hơn mười người có tín tâm cầu thỉnh xá lợi trước kinh cốt, lần lượt rơi xuống tám viên xá lợi, chìm nổi tùy ý, cảm tâm phát ứng. Bấy giờ, thu nhặt tro tàn còn lại chôn ở trong chùa, thường có điềm ứng là tiếng khảy ngón tay.

Gần đó, chùa Tây Minh có Sa-môn Hộ Luận, ban đầu tụng Pháp Hoa, hết một quyển bèn đốt một ngón tay, đến hết tám quyển thì đốt tám ngón tay, vị này mặc dù không xả thân mạng nhưng cũng được xếp vào hàng Di thân.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10