TRUYỆN NÓI VỀ VIỆC MỞ RỘNG VÀ KHEN NGỢI KINH PHÁP HOA

Sa-môn Lam Cốc Tuệ Tường soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 4

TU QUÁN

– Thích Tuệ Tư ở núi Nam Nhạc đời Trần.
– Thích Trí Khải núi Thiên Thai đời Tùy.
– Thích Trí Tảo núi Thiên Thai đời Đường.

* Thích Tuệ tư:

Sư họ Lý, người Vũ Tân, thuở nhỏ đã tràn đầy lòng thương yêu dung thứ, tiếng tăm vang khắp cung đình. Sư nhiều lần mộng thấy vị tăng Ấn-độ khuyên xuất gia, giật mình thức giấc ngộ được điềm lành này bèn từ giã cha mẹ nhập đạo. Những ngôi chùa Sư ở chẳng phải chốn tôi luyện tinh thần, nên mới cảm ứng thấy vị thần Tăng bảo nên trì trai giới, vâng giữ niêm mật, ngày chỉ ăn một bữa không thọ cúng riêng, tuyệt giao mọi sự mời thỉnh. Năm ba mươi tuổi có lần Sư vào một con rạch khô nước, lập chí tụng Pháp Hoa, tụng mới phân nửa, thấy một dòng nước ngầm tuôn ra, thấm nhuần khắp nơi, lút cả giường Sư ngồi đến nửa thân. Lát sau thì khắp thân phù thủng không thể cử động được, Sư bèn lập thệ rằng: Nếu tôi chắc chắn có duyên với kinh này, nước sẽ làm tiêu diệt, bệnh cũng sẽ thuyên giảm. Nếu không có duyên, thì nước có đầy thân ngay trong đêm này nước sẽ rút hết, thân bệnh cũng khỏi. Sư bèn ở đây mười năm, định tâm tụng kinh bèn thấy Đức Thích-ca, Di-lặc đến nói pháp. Lúc ấy Sư thấy núi đồi nơi gần xa không cao thấp, hoặc nhiếp niệm tụng kinh, các phẩm trong bảy quyển chữ nghĩa từng hàng từng câu rõ ràng trước mắt. Sau đó Sư dời về ở núi Đào Khâu, tụng kinh trước núi, cây rừng vô số, dân chúng chặt phá nên họ bị bệnh cùi, cầu Sư trị thì bớt hẳn. Sư ở đó một mùa hạ thực hành Pháp Hoa sám,

chỉ kinh hành và ngồi chứ không hề nằm. Mãn hạ, Sư than rằng: Ta vất vả suốt mùa hạ mà chẳng được ích gì”. Sư vừa muốn thả lỏng thân tựa người vào ghế dây, bỗng nhiên tỉnh ngộ. Tâm ý bừng sáng, chứng nhập pháp môn nhưng chưa dám tự tin, Sư tụng thử Luận Đại Trí Độ quyển đầu, tâm bèn tỉnh ngộ, hoàn toàn không quên mất, đồng thời hiểu được ý chỉ ngay trong lời văn. Cứ như vậy Sư tụng suốt một trăm quyển, tụng đến đâu nhớ tới đó, thấu tỏ nghĩa lý. Từ đó về sau ngoài việc tụng niệm Sư thường giảng Thích luận và kinh Pháp Hoa. Sư biết vận mệnh nước Tề hết nên qua nước Trần, sau đó vào dưới ngọn Hoa Cái thuộc Hoành Nhạc, xây chùa để hành đạo, ban đầu thấy một người bắt chim, đao đất bỏ, Sư bèn đến đó hỏi rằng: Đào cạn cạn thôi đừng làm tổn thương xương sọ của ta, khi ông ta đào chưa sâu chợt gặp một khúc xương trắng, người này ngạc nhiên bèn hết lời hỏi thăm Sư, Sư đáp: Ta đã hai đời sống ở dưới ngọn núi này tụng kinh Pháp Hoa, xả thân ở nơi này, hài cốt thân trước cũng đã tiêu vong, đời nay ngươi thấy chính là thân thứ hai. Am tranh ta đã bị người rợ thiêu đốt nên khiến ông ta bị bệnh ung nhọt. Ông hết lòng khẩn cầu sám hối và xây am tranh khác, ta ở trong ấy trì kinh như cũ, cho nên người kia mau chóng bình phục”. Sư lại mộng thấy một vị tăng Ấn-độ biến hiện mấy trăm hình dạng kỳ lạ, ngồi trên đó bảo rằng: Ngươi trước thọ giới, chẳng có gì cao quý hơn luật nghi, đã gặp chúng tăng thanh tịnh phải nên lập đàn cầu kinh. Sư tăng gần ba mươi hai người thêm pháp Yết ma, khi thọ giới cụ túc xong rồi Sư chợt thức giấc mới biết mình thọ trong mộng. Từ đó về sau Sư càng siêng năng hơn. Nhờ sự khổ hạnh này mà được thấy việc hành đạo trong ba đời. Lại mộng thấy Bồ-tát Di-lặc, Phật Di-đà nói pháp khai ngộ. Cho nên Sư tạc hai pho tượng cúng dường. Sư lại mộng đi theo ngài Di-lặc và các quyến thuộc đến hội Long Hoa, lòng tự nghĩ rằng: Ta ở trong thời mạt pháp của Đức Thích-ca thọ trì Pháp Hoa, nay gặp đấng Từ Tôn, nên Sư cảm thương buồn khóc, bỗng nhiên tỉnh ngộ, càng thêm tinh tấn. Sư lại được đạo tục cúng dường nên tạo Pháp Hoa chữ vàng bảo bối lưu ly, trang nghiêm sáng chói, công đức rộng lớn, phát tâm cao xa, lại giảng kinh này tùy theo văn mà soạn sách. Sau đó, sai học sĩ Tri Khải thay ngài giảng kinh Kim Cương, đến chỗ nhất tâm đủ muôn hạnh Trí Khải có hơi nghi, Tuệ Tư giải thích rằng: Điều ông nghi chính là ý thứ lớp trong Đại phẩm thôi, chưa phải là diệu chỉ viên đốn của Pháp Hoa. Xưa, trong một mùa hạ ta khổ luyện ý này, sau một đêm nhất niệm các pháp chợt phát, ta đã thân chứng, nên ông đừng nhọc công nghi ngờ làm gì”. Trí Khải bèn bẩm thọ hành pháp của Pháp Hoa hai mươi mốt cảnh giới khó nói rõ hết. Mỗi năm Trần chủ ba lần đến thăm hỏi, cúng dường vô số. Sư nói pháp gấp bội, thần dị khó lường, hoặc hiện lớn nhỏ, hoặc ẩn giấu thân, hoặc hương sắc kỳ lạ, điềm lành hiện rõ. Lúc ấy qua đời, Sư từ trên đỉnh xuống đạo tràng giữa núi, nhóm họp các học đồ nói pháp liên tiếp mấy ngày. Tha thiết quở trách, người nghe chạnh lòng, rồi bảo mọi người rằng: Nếu có mười người không tiếc thân mạng, thường tu Tam-muội Pháp Hoa, sám hối phương đẳng, thường ngồi thiền và kinh hành, muốn thứ gì ta đều cấp cho, nhất định phải có lợi ích. Nếu không có người như vậy ta sẽ đi xa, khổ hạnh khó lắm!” cuộc không có người đáp, do đó mà cả chúng đều nhiếp niệm, chẳng bao lâu sau thì Sư mất, ai nấy đều ngửi thấy mùi hương lạ tỏa khắp phòng, đỉnh nóng thân nhẹ nhan sắc như thường. Lúc đó vào ngày 22 tháng 06 niên hiệu Thái Kiến năm thứ chín đời Trần. Thọ sáu mươi tư tuổi. Nhưng thân tướng vẫn sừng sững, khéo tự giữ vững, không nghiêng không lệch, bước đi như trâu, mắt nhìn như voi. Trên đỉnh Sư có nhục kế, tướng rất trang nghiêm, người thấy đều hồi tâm, bất giác phủ phục. Vả lại, tánh của những bậc tri thức soi chiếu thầm phục, ý tứ trong lời, phương tiện dắt dẫn, thực hành đại từ bi, giữ giới Bồ-tát, chí như bông tơ, da là thứ làm tổn hại sinh linh, cho nên pháp phục của chúng tăng là phải sử dụng vải bố. Trời lạnh thì mặc áo dày để tránh gió sương. Từ khi Phật pháp truyền bá sang đây hơn sáu trăm năm chỉ có Nam Nhạc Từ Hành đáng quy về. Sư soạn Tứ Thập Nhị Tự Môn hai quyển, Vô Tránh Hạnh Môn hai quyển, Thích Luận Huyền Tùy Tự Ý, An Lạc Hạnh, Thứ Đệ Thiền Yếu, Tam Trí Quán, cả thảy năm bộ, mỗi bộ một quyển, đều lưu hành ở đời.

* Thích Trí Khải.

Sư tự là Đức An, họ Trần, người ở Dĩnh Châu. Từ khi nhà Tấn dời đô, gia đình Sư ở Hoa Dung thuộc Kinh châu, tức là người con thứ hai của Lương tán kỵ Ích dương công Trần Khởi Tổ, mẹ Sư họ Từ mộng thấy khói hương năm màu, quanh quẩn bên người, bà muốn gạt ra nhưng nghe người ta nói rằng đó là nhân duyên đời trước, gởi gắm để hoằng đạo, phước đức tự đến, làm sao bỏ đi được. Bài lại mộng thấy nuốt một con chuột trắng cứ đôi ba lần như vậy, bà sợ hãi nên bói thử, Sư nói điềm này là rồng trắng, cho đến đêm sinh Sư trong phòng sáng ngời. Hai đêm liên tiếp ánh sáng mới tắt, trong ngoài ai nấy đều vui mừng bày lễ vật cúng tế, nhưng lửa tắt nước lạnh việc không thành, chợt có hai vị tăng gõ cửa nói: Lành thay! đứa bé đã huân tập công đức chắc chán sẽ xuất gia, nói xong liền biến mất, khách khứa ai cũng ngạc nhiên. Khi đứa bé nằm thì chắp tay, ngồi thì quay mặt về phía Nam cho đến lúc tuổi đã lớn rồi mà miệng vẫn không quên ăn, thấy tượng Phật thì liền lễ, gặp tăng thì kính. Bảy tuổi lại thích đến chùa, chư tăng ngạc nhiên về việc ấy, khẩu truyền Phổ Môn, vừa nghe qua đã thuộc. Năm mười tám tuổi Sư đến cầu Sa-môn Pháp Chử chùa Quá Nguyện ở Tương châu để xuất gia. Từ đó Sư ở ẩn trong núi Đại Hiền tụng kinh Pháp Hoa và Vô lượng nghĩa Phổ Hiền Quán, chưa được hai tuần thì hoàn tất ba bộ, Sư lại đến chỗ Thiền sư Tuệ Tư núi Đại tô ở quang châu thọ học chỉ quán. Tuệ Tư học đạo với sư Tựu, sư Tựu lại thọ pháp với sư Tối, ba vị này đều không thể suy lường được. Tuệ Tư thường khen rằng: Thuở xưa, ta ở Linh sơn, cùng nghe Pháp Hoa, túc duyên theo nhau nay lại gặp nhau”. Tuệ tư, liền lập đạo tràng Phổ Hiền để nói bốn hạnh an lạc. Trí Khải bắt đầu ở núi này, thực hành Tam-muội Pháp Hoa, mới qua một đêm tụng đến phẩm Dược Vương, tâm duyên khổ hạnh, đến câu “chân tinh tấn” giải ngộ liền phát thấy mình và ngài Tuệ Tư ở cõi bảy báu núi Linh Thứu nghe Phật nói pháp. Cho nên Tuệ Tư nói: Chẳng phải ông thì không thể cảm, không phải ta thì không ai biết, đây là phương tiện trước của Tam-muội Pháp Hoa, rồi Sư vào núi Bạch sa ở thần châu cũng nhập quán như trước, có vài điều nghi ngờ trong kinh, bèn thấy Tuệ Tư đến âm thầm giải thích, sau này Sư thường nhờ người giảng thế, người nghe rất khâm phục, rồi Sư đến Thiên Thai, ở trên ngọn Hoa đỉnh phía bắc chùa tu hạnh đầu-đà. Chợt một luồng gió lớn bật cả gốc cây, sấm chớp rền vang, quỷ mỵ cả ngàn đám, thân cao trăm trượng, miệng hét toáng lên, thật đáng kinh sợ nhưng Sư vẫn dằn lòng chịu đựng, tự nhiên lặng mất. Sư lại bị cơn bệnh làm bức não thân tâm như bị lửa đốt, Sư lại thấy cha mẹ qua đời, nằm trên đầu gối mình, than khổ cầu cứu, Sư lại nương vào Pháp Mẫn, không hề lay động tâm vững như núi, vì vậy mà khiến cho hai duyên này nhẹ cảm ứng liền diệt. Bỗng nhiên Sư thấy vị thần tăng Tây Vực đến bảo rằng: Sư ngăn địch thắng oán là người dũng. Đoạn này văn dài, chỉ nêu sơ lược. Từ đó về sau Sư mở rộng thiền tuệ, người học đông như cây rừng, những bậc tài giỏi đương thường, cùng kính phục ngài, hậu phi của đế chủ hai thời đại Trần, Tùy đều thọ giới quy y, cúng thí rất hậu. Sau đó đến chùa Thạch Thành, ở trước Phật lúc sắp chịu báo, Sư đặt sàng tòa ngay vách phía đông, mặt quay về phương Tây, xưng Phật A-di-đà, Bát-nhã, Quán Âm, lúc ấy có người muốn đem thuốc dâng cho Sư. Sư đáp: Thuốc có công năng trừ bệnh để sống lại những năm tàn ư? Bệnh không hợp với thân thì thuốc làm sao chữa được, thời gian không hợp với tâm thì thuốc đâu thể giữ được thân, trí sáng hơn mặt trời, còn muốn nghe gì nữa trong luận Quán tâm đâu không nói thế. Thuộc luận Quán tâm nói đâu biết được đạo, thuốc thang lăng xăng, làm phiền nhiễu người khác, ta sống bị khí độc làm mệt nhọc, chết thì vui vẻ như được nghỉ ngơi, tình đời như vậy, không gì đáng khen. Sư bèn bảo xướng đề kinh Pháp Hoa. Sư tán dẫn rằng: Cha mẹ pháp môn, tuệ giải từ đó sinh, bổn tích rộng lớn, mầu nhiệm khó lường, ngưng đàn dứt dây, kể từ nay. Rồi đòi nước nóng thơm súc miệng nói mười như, bốn bất sinh, mười pháp giới, ba quán, bốn giáo, bốn vô lượng, sáu độ, v.v… có người hỏi phẩm vị của ngài. Ngài đáp: Các ông làm biếng gieo trồng giống lành, lại hỏi công đức của người khác, như người chỉ hỏi lỗ thủng, tìm đường, v.v… ta không lãnh chúng thì sẽ thanh tịnh sáu căn, vì người tổn mình chỉ được Ngũ phẩm nội vị. Rồi lại bảo Duy-na mạng người sắp mất, nghe tiếng đánh chuông, càng chánh niệm sâu, việc mặc tang phục khóc lóc của thế gian đều không nên làm, hãy nên im lặng, ta sắp đi đây. Nói xong, Sư ngồi ngay ngắn như nhập định, Sư mất trước bức tượng đá lớn ở núi Thiên Thai thọ sáu mươi bảy tuổi. Hôm đó là ngày 23 tháng 11 niên hiệu Khai Hoàng năm thứ mười bảy. Khi Sư thị tịch, môn đồ y theo di chúc làm lễ an táng. Vào những năm cuối niên hiệu Nhân Thọ về trước, chợt chống tích mặc áo như lúc còn sống, thấy bảy lần giáng xuống chùa trên núi, một lần vào tháp Phật, hỏi thăm đệ tử rằng: “Ta vẫn làm nghiệp xưa, các ông có an ổn không?” Cả chúng đều thấy, bi kính hỏi thăm, lát sau thì ẩn mất. Sư soạn Pháp Hoa sớ chỉ quán môn, tu thiền pháp, v.v… mỗi loại mấy mươi quyển. Trí Khải là bậc khuôn phép cho đông tây, giáo hóa muôn dặm, các ngôi chùa lớn mà Sư xây dựng có đến ba mươi lăm ngôi, độ tăng chúng có hơn bốn ngàn người, viết kinh một trăm mười lăm tạng, tượng họa bằng kim đàn khoảng mười vạn bức. Người đạo, kẻ tục hơn năm mươi châu đều thọ giới Bồ-tát, không thể chép hết, học sĩ truyền pháp ba mươi hai người, học sĩ tu thiền ở khắp Giang Hán, không thể kể xiết, Sa-môn Quán Đỉnh hầu hạ nhiều năm, nói về hàng trạng sư dài hơn hai mươi trang.

* Thích Trí Tảo:

Sư họ Trương, người ở Thanh Hà. Từ khi nhà Tấn thay ngôi, gia đình Sư ngụ ở Lâm Hải, ông nội là Nguyên Tú làm Lương Thương bộ thị lang, giữ chức Nội sử ở Lâm hải, cha ngài là Văn Hoàn là binh tướng quân của nhà Trần. Trí Tảo từ khi học Kinh miệng không nói dối, thân không làm việc gì để thẹn với người, bà con hàng xóm rất mực yêu kính.

Năm mười bảy tuổi, cha mẹ qua đời, Sư bèn vào trụ chùa An ninh, cầu Pháp sư Tuệ Bằng làm thầy. Từ xa nghe tin Trí Giả là bậc siêu quần xuất chúng là bậc thầy dẫn đường tốt cho thế đạo, Sư liền lên thuyền đến thẳng Đài tụ, lạy trí giả thọ học. Trí Giả bảo ngài sám hối Pháp Hoa. Trong đêm đầu của bảy ngày thứ hai Sư trở về giường thiền vừa muốn an tọa thì thấy con rồng chín đầu, từ đất vọt lên bay thẳng lên hư không, sáng mai thức dậy Sư đến thưa hỏi ngài Trí Giả. Ngài nói: Đây là biểu tượng cho chúng sinh trong chín cõi, nghe kinh Pháp Hoa ở đời sau phá vô minh địa, chứng nhập pháp tánh không. Lại vào niên hiệu Chí Đức năm thứ tư đời Trần, Vương Bá Trí ở Vĩnh Dương soạn Mục Tiên Đô đến thỉnh ngài Trí Giả vào ở trong trấn. Trí Tảo theo thầy thọ thỉnh cùng đến Kê sơn, ở hết chín tuần rồi từ giả Vương về chùa Bảo lâm trên núi, thực hành Tam-muội Pháp Hoa. Trong đêm đầu dường như có người lay cánh cửa. Trí Tảo liền hỏi: Ngươi là ai mà đêm đến lay cửa? Nó liền đáp lớn: Tôi đến đây để xem đèn thôi. Cứ đôi ba lần hỏi đáp như vậy. Ở trong chùa xưa trước đây có Thiền sư Huệ Thành là bậc Đại Đức cao tăng. Trong đêm nghe đủ việc đó bèn bảo các đệ từ rằng: Trong thiền thất kia trước đây có một con ác quỷ lớn, nay nghe tiếng này chắc chắn có con quỷ đến bắt người. Khi trời sắp sáng, sư Tuệ Thành gõ cửa gọi Sư, Sư chưa kịp trả lời thì Sư liền dạo quanh thiền đường hô rằng: Khổ thay, khổ thay! Người này tiêu rồi. Sư Trí Tảo liền mở cửa có ý hỏi. Sư đáp: Ngài vẫn còn đấy ư? Tôi cứ tưởng đêm qua quỷ hại ngài rồi. Cho nên mới than như vậy. Sư Thành tâu việc này lên vua, vua sai mấy mươi người cầm gậy ủng hộ. Trí Tảo bảo họ là mạng do nghiệp, đâu cần đề phòng, mong các vị dẫn lính về thành tâu lại với nhà vua như vậy. Người canh phòng đi rồi, qua đêm thứ hai quỷ kia lại vào thiền đường, nện tường đập cột, đi vòng quanh đông tây. Trong thiền đường lúc ấy có sáu ngọn đèn, ngài Trí Tảo bèn tắt năm ngọn chỉ chừa lại một, Ngài hành đạo ngồi thiền tụng kinh, thản nhiên không sợ. Trong hai mươi mốt ngày sự việc cứ xảy ra như thế, khi ngài hành pháp gần xong thấy một đồng tử mặc áo xanh khen là lành thay, nói xong liền biến mất. Sư tuy gặp hai việc này nhưng trong lòng không chút buồn vui. Vào niên hiệu Đại nghiệp năm đầu đời Tùy, vua xa giá đến Giang đô, Trí Tảo được tăng sai đến tham bái, rồi dẫn vào nội điện. Từ xa vua nhìn thấy Trí Tảo, bèn nhường tòa bảo người mời ngồi, hỏi thăm đủ thứ chuyện rồi sai thông sự xá nhân Lư Chánh Phương tiễn Sư về núi, rồi vì ngài Trí Giả thiết trai cúng dường cả ngàn vị tăng, độ bốn mươi chín người xuất gia, cúng dường vật dụng cho chùa ba ngàn thạch hai mươi loại gạo và hương tô, v.v… Trước sau trải qua tám lần. Khi vào tham kiến Thiên tử cả hai đều rất vui thích, vua cúng dường rất hậu. Vào niên hiệu Trinh Quán năm thứ mười hai Sư mất tại chùa, thọ tám mươi ba tuổi.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10